Chính quyền Lộc Hà, Hà Tĩnh đồng ý đối thoại với dân về Formosa (VOA, 03/04/2017)
Một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn ngư dân đã diễn ra trong ngày 03/04 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh và kết thúc trong ôn hòa. Cuộc biểu tình đã buộc chính quyền địa phương phải đối thoại với người dân về những vấn đề liên quan đến vụ ô nhiễm Formosa.
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 03/04/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Anh Ngọc Hướng, một người dân địa phương tham gia biểu tình, cho VOA biết người dân 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã tràn vào trụ sở ủy ban nhân dân huyện từ sáng cho đến chiều.
Biểu tình bắt đầu ở Thạch Bằng trong những ngày cuối tháng 3 và tiếp tục cho đến bây giờ. Nhưng cuộc biểu tình ngày 03/04 có quy mô lớn hơn hẳn. Các nguồn tin địa phương tường trình rằng người dân vẫn tiếp tục đòi được đền bù thỏa đáng sau vụ ô nhiễm vị quy trách cho công ty Formosa, nhưng ngoài ra họ còn đòi chính quyền trả lời về cáo buộc rằng công an đã đánh đập dân và một số nhà hoạt động vào đêm hôm trước, tức mồng 02/04, và đã có những hành vi bôi nhọ các vị linh mục và giám mục Giáo phận Vinh.
Hãng Formosa của Đài Loan hồi năm ngoái đã gây ô nhiễm ven biển 4 tỉnh miền trung Việt Nam trong quá trình hoàn thiện một nhà máy thép lớn ở Hà Tĩnh. Hãng đã nhận trách nhiệm và bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam.
Trong nửa cuối năm 2016 đến nay, chính quyền Việt Nam chi trả bồi thường cho những người dân bị thiệt hại. Nhưng đã xảy ra hàng chục cuộc biểu tình lớn nhỏ ở Hà Tĩnh và Nghệ An, vì hàng chục nghìn người cho rằng cách tính toán bồi thường không thỏa đáng.
Trong cuộc biểu tình hôm 03/04 ở huyện Lộc Hà, anh Hướng và nhiều người địa phương ước tính lúc cao điểm có khoảng 7.000 người quanh khu vực nơi đặt trụ sở ủy ban. Hai phần ba số người biểu tình là giáo dân.
Khi người dân tràn vào trụ sở, cán bộ và nhân viên ủy ban đã rời đi. Một số người mô tả "trụ sở huyện đã thất thủ".
Các nguồn địa phương cũng cho hay chính quyền đã cử hàng nghìn nhân viên công an, an ninh đến khu vực, nhưng không có hành động đàn áp, bắt bớ.
VOA không có điều kiện để kiểm chứng tất cả các thông tin này.
Mặc dù không có đụng độ giữa người biểu tình với công an, song theo anh Hướng, một người đàn ông bị nghi là nhân viên công an mặc thường phục đã trà trộn vào đám đông người biểu tình, dường như có ý định gây rối. Người này đã xô xát với người biểu tình và ông ta đã bị thương.
Đến gần chiều tối, đại diện chính quyền huyện hứa họ sẽ gặp gỡ, đối thoại với dân, và cuộc biểu tình kết thúc trong ôn hòa. Anh Hướng cho biết thêm :
"Có bà chủ tịch hội đồng nhân dân huyện và một người đại diện cho ủy ban huyện đứng ra nói ngày mai [04/04] sẽ ra gặp gỡ bà con. Họ chỉ nói là ra gặp gỡ và trả lời về những vụ việc trên. Thực ra diễn biến trong ôn hòa, nên chỉ có người công an giả dạng côn đồ bị đánh đập. Còn về bà con, mọi người đều không thiệt hại gì về tài sản cũng như thân thể".
Một nguyên nhân khác làm đông đảo người dân kéo nhau đi biểu tình là vì đêm 02/04 một số người bị nghi là nhân viên an ninh nhà nước mặc thường phục đã gây sự, hành hung một số thanh niên ở xã Thạch Bằng.
Trong số các thanh niên này, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, và Hoàng Đức Bình, thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt. Anh Quyền có mặt trong đoàn biểu tình hôm 03/04 kể lại sự việc với VOA :
"Tối hôm qua [02/04], chúng tôi đi cà phê thì có một số công an thường phục họ gây sự với chúng tôi. Đầu tiên họ chặn xe, sau đó họ gây rối. Một tên công an huyện Lộc Hà họ nhảy vào họ đánh chúng tôi. Có một người tên là Giáp, công an xã Thạch Bằng, họ nổ súng họ bắn vào chúng tôi. Hôm nay, người dân xã Thạch Bằng cũng như Thạch Kim kéo ra ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà để yêu cầu chủ tịch UBND huyện Lộc Hà giải quyết việc công an nổ súng vào dân tối hôm qua".
Anh Quyền nói vụ nổ súng không làm ai bị thương, nhưng những người bị nghi là công an đã "đạp", "ném đá" và "chém bằng dao" làm anh và ít nhất 9 người dân khác bị thương.
Hầu hết báo chí chính thống của Việt Nam chưa đưa tin về những diễn biến này. Tối 03/04, trang nongnghiep.vn đăng một bài với tít "Cần xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở huyện Lộc Hà".
Trong bài báo, ông Lê Trung Phước, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà xác nhận "hàng trăm người dân" đã kéo đến "vây trụ sở UBND huyện". Ông cho rằng việc làm đó đã "cản trở hoạt động của cơ quan nhà nước" cũng như "ảnh hưởng" đến an ninh trật tự xã hội.
Bài báo dẫn lời vị chủ tịch UBND huyện nói rằng việc làm của người biểu tình là "vi phạm pháp luật". Ông Phước nói thêm : "Chúng tôi đã … đề nghị lực lượng công an điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng liên quan".
Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa.
*************************
Vụ Formosa : Hàng ngàn người dân biểu tình tại Hà Tĩnh (BBC, 03/04/2017)
Hàng ngàn người dân tụ tập tại UBND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh hôm 03/04
Hàng ngàn người tụ tập tại Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà hôm 03/04, yêu cầu chính quyền địa phương trả lời việc uy hiếp dân trong những ngày gần đây, và đòi bồi thường thiệt hại vì Formosa.
Những người biểu tình gồm hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim và người dân các vùng lận cận. Họ cầm băng rôn với khẩu hiệu "Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân" và "Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao ?".
Có mặt tại chỗ, nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền cho BBC biết người dân bắt đầu tụ tập từ 8 giờ sáng và đã vào bên trong trụ sở Uỷ ban, nhưng chính quyền không cử người ra tiếp.
Các video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân tuyên bố yêu cầu chủ tịch huyện và giám đốc công an ra làm việc về vụ được cho là nổ súng uy hiếp dân vào đêm hôm trước, và yêu cầu giới chức bồi thường theo đúng quy định.
Cuộc biểu tình diễn ra tương đối ôn hòa cho đến khi một số người được người dân miêu tả là "côn đồ" dùng gậy và gạch tấn công người dân.
BBC được biết trước đó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh đã gọi cho Linh mục Guise Nguyễn Công Bình, để nhờ linh mục nói người dân ra về.
Linh mục đã uỷ thác lại cho linh mục Hoàng Anh Ngợi, người có mặt tại cuộc biểu tình để kêu gọi người dân quay về. Sau khi thấy sự xuất hiện của linh mục Ngợi, phía chính quyền địa phương đã ra tiếp dân.
Chủ tịch UBND ông Lê Trung Phước khi đó cam kết trước những người biểu tình : "Chính quyền hứa sẽ xử lý viên công an đánh người và tiến hành bồi thường cho dân theo quy định của chính phủ", nhà hoạt động Bạch Hồng Quyền thuật lại với BBC.
Một người của Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng ra hứa sẽ tiếp người dân vào ngày hôm sau.
Người dân tụ tập từ sáng sớm nhưng đến 2 giờ rưỡi chiều chính quyền mới ra tiếp
Nổ súng tại quán cà phê
Cuộc biểu tình hôm 03/04 là diễn biến mới nhất của các cuộc biểu tình kéo dài từ tuần trước, khi người dân Thạch Bằng đến UBND xã và nhà Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đòi bồi thường.
Nhưng đỉnh điểm diễn ra sau khi một số người dân đã bị một nhóm an ninh tấn công tối hôm 02/04.
Tin cho hay vào tối muộn hôm 02/04, một số nhà hoạt động chuyên tìm hiểu thông tin về vụ Formosa gây hại cho môi trường và giúp đỡ người dân làm hồ sơ khiếu kiện đã bị một nhóm tự xưng là an ninh tới gây sự, xô xát khi đang ngồi tại một quán cà phê ở Nghĩa Lộc.
Bà Nguyễn Thị Trinh, một trong người có mặt, cho biết trong nhóm người tới gây sự, có một người đã nổ ba phát súng uy hiếp, trong lúc những người khác trong nhóm cầm đá ném làm chảy máu đầu một người và làm gãy tay một người phụ nữ.
Vụ việc này gây bức xúc cho nhiều người dân, khiến hàng ngàn người tụ tập ở UBND huyện Lộc Hà vào sáng hôm sau.
BBC cũng đã cố gắng liên hệ với ông Khánh nhưng không được. Ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nói BBC phải đến ủy ban "xin giấy phép để nói chuyện".
Còn Giám đốc Công an Hà Tĩnh, ông Lê Văn Sao, nói "đang họp và không thể trả lời".
********************
Người biểu tình tràn vào Ủy ban Nhân dân Lộc Hà (RFA, 03/04/2017)
Người biểu tình huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình và tràn vào chiếm Ủy ban Nhân dân huyện Hà Tĩnh trong vài giờ đồng hồ vào sáng ngày 3 tháng 4. Hình Facebook Bạch Hồng Quyền
Hàng nghìn người dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình và tràn vào chiếm Ủy ban Nhân dân huyện trong vài giờ đồng hồ vào sáng ngày 3 tháng tư.
Một người dân tham gia biểu tình trong ngày 3 tháng tư đến Ủy ban Nhân dân Huyện Lộc Hà cho Đài Á Châu Tự do biết vào lúc 5g30 chiều ngày 3 tháng tư như sau :
"Vào đêm (2 tháng tư) công an trà trộn vào những bạn trẻ uống cà phê để áp đảo dân : một công an huyện và một công an xã đánh dân bị thương tích và nổ súng.
Sáng (3 tháng tư) chúng tôi tập trung lên huyện đòi hỏi thứ nhất sao công an đánh đập dân công an xã sao có quyền dùng súng, nổ súng.
Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
Thứ ba đòi hỏi về việc đền bù cho người dân đã kê khai, số hàng đã lập văn bản, kê khai nhưng đến nay không giải quyết".
Tin từ những người trong cuộc cho biết, có tình trạng công an mặc thường phục trà trộn vào với người dân biểu tình và gây ra đánh nhau. Có tin hai công an bị thương và người thân của nạn nhân cùng cơ quan chức năng phải giải quyết. Cuối cùng người dân yêu cầu viết cam kết và để hai nạn nhân được đi cấp cứu.
Đại diện ủy ban nhân dân huyện cũng hứa vào ngày 4 tháng 4 gửi giấy mời đến dân chúng địa phương ở Lộc Hà để giải quyết những yêu cầu mà dân đưa ra trong ngày 3 tháng tư.
Truyền thông nhà nước Việt Nam đã lên tiếng gọi những người biểu tình ở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà trong ngày 3 tháng tư là ‘lợi dụng sự cố môi trường biển, bị kích động và xúi giục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự và an toàn xã hội’.
Ông Lê Trung Phước, Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà nói với báo chí rằng cuộc biểu tình này là vi phạm pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Hà Tân, trưởng ban tuyên giáo tỉnh ủy Hà Tĩnh, cơ quan tuyên truyền của đảng cộng sản, cũng đồng tình với ông Phước và bảo thêm là chuyện bồi thường cho các nạn nhân Formosa sẽ được địa phương giải quyết trên cơ sở yêu cầu, nguyện vọng và thiệt hại chính đáng của người dân.
*************************
Biểu tình của ngư dân ở Lộc Hà, Hà Tĩnh kết thúc trong ôn hòa (VOA, 03/04/2017)
Người dân biểu tình trước UBND huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, ngày 03/04/2017. (Ảnh Facebook Nhật Ký Yêu nước)
Một cuộc biểu tình lớn của hàng ngàn ngư dân đã diễn ra trong ngày 3/04 ở huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh và kết thúc trong ôn hòa.
Anh Ngọc Hướng, một người dân địa phương tham gia biểu tình, cho VOA biết người dân 2 xã Thạch Kim và Thạch Bằng đã tràn ngập trụ sở ủy ban nhân dân huyện từ sáng đến chiều. Họ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi do bị ảnh hưởng từ vụ ô nhiễm của Formosa, đồng thời yêu cầu chính quyền trả lời về cáo buộc là công an đã đánh một số nhà hoạt động vào đêm 2/04.
Nhiều hình ảnh về cuộc biểu tình đã được người tham gia đưa lên mạng xã hội. Anh Hướng cho hay lúc cao điểm có khoảng 7.000 người ở khu vực tòa nhà ủy ban. VOA không có điều kiện kiểm chứng thông tin này.
Chính quyền địa phương đã cử hàng nghìn nhân viên công an, an ninh đến khu vực nhưng đã không có hành động đàn áp, bắt bớ.
Tuy nhiên, anh Hướng cho hay có một người đàn ông bị nghi là nhân viên công an mặc thường phục đã trà trộn vào đám đông người biểu tình, dường như có ý định gây rối. Người này đã xô xát với người biểu tình và ông ta đã bị thương.
Đến gần cuối buổi chiều, một nữ cán bộ cấp cao của Hội đồng Nhân dân huyện Lộc Hà đã hứa với người biểu tình rằng chính quyền sẽ gặp người dân vào ngày hôm sau, 4/04, để trả lời họ về những vụ việc họ nêu ra.
Khoảng gần 4 giờ chiều, những người biểu tình – trong đó có 2/03 là giáo dân – đã ra về trong ôn hòa.
Vụ biểu tình nổ ra vì ngư dân 2 xã chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ ô nhiễm biển do hãng Formosa gây ra hồi năm ngoái, nhưng cho tới nay ngư dân vẫn chưa nhận được bồi thường thỏa đáng. Sự bất bình của họ càng tăng cao khi một số người bị nghi là nhân viên an ninh nhà nước mặc thường phục đã gây sự, hành hung một số thanh niên ở xã Thạch Bằng vào đêm 2/04.
Trong số các thanh niên này, có hai nhà hoạt động nhân quyền là Bạch Hồng Quyền, thành viên phong trào Con Đường Việt Nam, và Hoàng Đức Bình, thuộc tổ chức Phong trào Lao Động Việt.
Anh Quyền nói với VOA những người bị nghi là nhân viên an ninh đã đánh bị thương vài người. Anh nói thêm đã có tiếng súng nổ nhưng không làm ai bị thương.
Chưa có cơ quan báo chí chính thống nào của Việt Nam đưa tin về những diễn biến này. Ở tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An lân cận, từ năm ngoái đến nay đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình lớn của những ngư dân bị thiệt hại do vụ Formosa. Người dân không chỉ đòi đền bù thỏa đáng mà còn yêu cầu Formosa phải đóng cửa.
******************
Chính quyền đe dọa xử nghiêm những người biểu tình bao vây trụ sở huyện Lộc Hà (RFA, 03/04/2017)
Hàng ngàn người tập trung trước trụ sở UBND huyện Lộc Hà yêu cầu chính quyền giải quyết vụ công an đánh dân. Courtesy facebook Bạch Hồng Quyền
Tuyên bố với báo chí vào chiều thứ Hai ¾, Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, ông Lê Trung Phước, cho biết : "Lực lượng công an sẽ điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng bao vây trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện sáng ngày 3/04/2017".
Ông Lê Trung Phước nhấn mạnh : "Việc tụ tập đông người, hò hét, gây cản trở công việc, an toàn trật tự tại trụ sở Nhà nước là vi phạm pháp luật. Chính quyền đã tuyên truyền người dân hãy bình tĩnh và cảnh giác trước mọi âm mưu gây kích động".
Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hà Tân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Tĩnh cũng khẳng định : "Việc người dân tụ tập, cản trở, gây mất trật tự ở huyện Lộc Hà ngày hôm nay là hành động quá khích. Việc tụ tập đông người vừa gây mất an toàn, trật tự trị an, vừa ảnh hưởng đến việc sản xuất, buôn bán, ra khơi bám biển. Yêu cầu bà con cần nâng cao cảnh giác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, kích động. Nếu không cảnh tỉnh thì vô tình vi phạm pháp luật".
Bà Nguyễn Thị Hà Tân cảnh báo những người biểu tình : "Việc chi trả bồi thường sự cố môi trường biển, chính quyền địa phương sẽ giải quyết sớm trên cơ sở yêu cầu, nguyện vọng và thiệt hại chính đáng của người dân. Đối với những đối tượng kích động, gây mất trật tự nơi công cộng sẽ bị cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm trước pháp luật".
Biểu tình phản đối công an đánh dân
Trong khi đó các nguồn tin tại chỗ cho biết, lý do khiến hàng ngàn người dân tụ tập trước trụ sở Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà sáng thứ Hai ¾ là nhằm yêu câu chính quyền giải quyết vụ công an đánh dân xảy ra vào tối trước đó, Chủ nhật 2/04/2017.
Tin cho hay, hàng nghìn người dân huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình và tràn vào chiếm Ủy ban nhân dân huyện Hà Tĩnh trong vài giờ đồng hồ vào sáng ngày 3 tháng tư.
Một người dân tham gia biểu tình trong ngày 3 tháng tư đến Ủy ban Nhân dân Huyện Lộc Hà cho Đài Á Châu Tự do biết vào lúc 5 :30 chiều ngày 3 tháng tư như sau :
"Vào đêm 2 tháng tư, công an trà trộn vào những bạn trẻ uống cà phê để áp đảo dân : một công an huyện và một công an xã đánh dân bị thương tích và nổ súng.
Sáng 3 tháng Tư chúng tôi tập trung lên huyện đòi hỏi thứ nhất sao công an đánh đập dân công an xã sao có quyền dùng súng, nổ súng.
Thứ hai đòi hỏi về việc bôi nhọ linh mục đoàn và giám mục Giáo phận Vinh.
Thứ ba đòi hỏi về việc đền bù cho người dân đã kê khai, số hàng đã lập văn bản, kê khai nhưng đến nay không giải quyết".
Tin từ những người trong cuộc cho biết, có tình tạng công an mặc thường phục trà trộn vào với người dân biểu tình và gây ra đánh nhau. Có tin hai công an bị thương và người thân của nạn nhân cùng cơ quan chức năng phải giải quyết. Cuối cùng người dân yêu cầu viết cam kết và để hai nạn nhân được đi cấp cứu.
Đại diện ủy ban nhân dân huyện cũng hứa vào ngày 4 tháng 4 gửi giấy mời đến dân chúng địa phương ở Lộc Hà để giải quyết những yêu cầu mà dân đưa ra trong ngày 3 tháng tư.
***********************
"Sẽ yêu cầu đóng cửa Formosa nếu còn để xảy ra sự cố" (Dân Trí, 03/04/2017)
Đây là quan điểm của Chính phủ được Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu tại cuộc họp báo chiều nay (03/04). Theo đó, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là khi nào Formosa bảo đảm các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố như tháng 4/2016 thì mới tiếp tục cho hoạt động và nếu hoạt động không bảo đảm sẽ yêu cầu đóng cửa.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, nếu chưa đảm bảo các điều kiện thì Formosa sẽ chưa được hoạt động trở lại (Ảnh : VGP)
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tròn 1 năm sau sự cố Formosa (06/04/2016-06/04/2017), dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, 4 tỉnh miền Trung đã thực hiện nghiêm túc vấn đề kê khai, thanh toán tiền hỗ trợ của Chính phủ cho các đối tượng bị thiệt hại, bị ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa.
Dẫn báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Dũng cho hay, trong số 53 điểm khiếm khuyết của Formosa, đến nay công ty này đã khắc phục được 51 điểm. Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Chính phủ, dù chỉ còn 2 khiếm khuyết chưa được khắc phục, cũng không đồng nghĩa doanh nghiệp này sẽ được hoạt động trở lại thời gian tới.
"Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là khi nào Formosa bảo đảm các điều kiện để hoạt động, không để xảy ra sự cố như tháng 4/2016 thì mới tiếp tục cho hoạt động và nếu hoạt động không bảo đảm thì yêu cầu đóng cửa", người phát ngôn của Chính phủ nhấn mạnh.
Ông Dũng cũng nói thêm rằng : "Chúng ta phải có quan điểm như thế chứ không phải không cho Formosa hoạt động, vì chúng ta đã tạo môi trường hoạt động đầu tư thông thoáng và minh bạch. Song doanh nghiệp cũng phải hoạt động với điều kiện bảo đảm môi trường bền vững, không để xảy ra sự cố tương tự như năm 2016. Nếu xảy ra, sẽ yêu cầu đóng cửa. Đây là quan điểm nhất quán mà người đứng đầu Chính phủ đã tuyên bố".
Cách đây 1 năm, vào tháng 4/2016, hiện tượng cá chết xuất hiện ở khu vực biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) sau đó đã lan ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa - Thiên Huế. Sau đó, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, Formosa Hà Tĩnh đã phải đứng ra thừa nhận hoạt động xả thải của công ty này chính là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự cố môi trường nói trên. Đồng thời, phía công ty này cũng đã cam kết bồi thường 500 triệu USD cho ngư dân và những người dân địa phương bị ảnh hưởng.
Bích Diệp