Thay đổi nhịp lũ, gây hại cho kinh tế, xã hội ở hạ lưu
Hôm 24/5/2023, Stimson Center tổ chức hội thảo trực tuyến về tác động của các đập thủy điện trong lưu vực ba dòng sông là Sekong, Sesan, Srepok (thường được gọi tắt là lưu vực 3S) tới môi trường, xã hội và kinh tế các nước hạ lưu sông Mekong, trong đó có Việt Nam. Người điều hành hội thảo là Tiến sĩ Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Stimson Center.
Đập thủy điện Buôn Kuốp trên sông Srepok trên lãnh thổ Việt Nam - Bộ Công thương Việt Nam
Lưu vực sông 3S (ba dòng sông Sekong, Sesan, Srepok) là một trong những lưu vực chi lưu lớn nhất của hệ thống sông Mekong. Nó đóng góp khoảng 20% dòng chảy hàng năm của cả hệ thống sông Mekong. Cả ba con sông 3S (Sekong, Sesan và Srepok) chảy xuyên qua biên giới ba nước là Việt Nam, Lào và Campuchia.
Tiến sĩ Brian Eyler cho biết do nằm gần Biển Hồ Tonle Sap của Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam nên ba dòng sông này cung cấp các nguồn lực tự nhiên quan trọng cho các ngành nông nghiệp và ngư nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở hạ lưu sông Mekong, trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng trong ba thập kỷ qua, hàng loạt đập thủy điện đã được xây dựng trên mỗi dòng sông 3S. Tác động của khoảng 20 con đập lớn trên các dòng sông 3S đã thay đổi nhịp lũ của sông Mekong và do đó ảnh hưởng lớn đến đời sống ngư nghiệp, nông nghiệp ở vùng hạ lưu.
Theo Tiến sĩ Brian Eyler, đời sống nông nghiệp và ngư nghiệp dọc theo các con sông vốn từ trước đến nay phù hợp với nhịp lũ tự nhiên của các dòng sông. Từ khi hệ thống các con đập thủy điện hình thành ở đây, nhịp xả nước không còn giống như nhịp lũ tự nhiên mà xả theo nhu cầu phát điện. Vào mùa khô, các con đập xả nước để phát điện, và gây ra một lượng nước bất thường, không cho phép hai bờ sông có thể khô đi mà luôn ở tình trạng ngập nước. Do đó người ta không thể sử dụng phù sa thu được hai bên bờ sông để làm nông nghiệp. Ngoài ra, nhịp lũ thay đổi cũng tác động trực tiếp đến nguồn cá và năng sống nuôi trồng ngư nghiệp. Trong khi đó, việc xả nước này lại không nhất thiết lúc nào cũng giúp đẩy lùi nhập mặn ở hạ lưu, tức Đồng bằng Sông Cửu Long. Ông nói :
"Các con đập trên ba dòng sông này có thể tạo ra rất nhiều điện năng bằng cách thực hiện các loại cơ chế xả nước cực đoan. Đó là một cách tuyệt vời để sản xuất điện, nhưng nó có tác động nghiêm trọng và sâu sắc đến hạ nguồn. Chúng tôi thấy cần phải có cảnh báo sớm kiểu hoạt động này của mạng lưới thủy điện vì chúng có thể thay đổi khả năng tiếp cận nguồn nước của cộng đồng, có thể gây ra lũ lụt thực sự bất ngờ trong mùa mưa hoặc mùa khô trong năm".
Có một điều nghịch lý là khi các đập thủy điện này đáp ứng nhu cầu điện năng ở các đô thị, chúng cũng đồng thời rút mất nước của các đô thị đó. Tiến sĩ Brian Eyler chỉ ra một hiện tượng là khi các đập trên hệ thống sông 3S xả nước để phát điện, mực nước ở các hồ chứa nước phục vụ cho các đô thị mà chúng cung cấp điện cũng đồng thời giảm xuống. Ông nói không chắc vì sao điều đó lại xảy ra nhưng đó là hiện tượng cần lưu ý.
Các con đập thủy điện trên hệ thống sông 3S, do Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác xây dựng. Nếu họ cùng nhau hành động để giảm những rủi ro và thiệt hại cho nhịp lũ bị biến dạng vì hoạt động xả nước phát điện. Nếu phối hợp cùng nhau một cách khoa học, người ta có thể xác định được đập nào, tổ hợp đập thủy điện nào tác động sâu sắc hơn đến môi trường tự nhiên. Dựa vào đó, người ta có thể thiết kế một cách thức hoạt động chung, sao cho khôi phục nhịp lũ và dòng chảy tự nhiên của sông Mekong một cách tương đối. Tiến sĩ Brian Eyler nói :
"Nếu các nước phối hợp cùng nhau để khôi phục lại một số dòng chảy tự nhiên cho sông Mekong và giúp cho toàn bộ khu vực phục hồi, họ không chỉ giúp đỡ cho môi trường và cộng đồng mà còn tối ưu hóa việc sản xuất điện và vận hành các con đập một cách hợp lý hơn. Điều đó sẽ tạo ra sự cân bằng, cho phép các cộng đồng, tài nguyên thiên nhiên, nghề cá được phát triển trong khi vẫn có thể sản xuất điện từ thủy điện tốt hơn".
Trao đổi tại hội thảo, ông Bunthoeurn Mak, Giám đốc Chương trình và Điều phối viên Mạng lưới của "The NGO Forum on Cambodia" (Diễn đàn Các tổ chức phi chính phủ về Campuchia) nhấn mạnh vai trò của các tổ chức phi chính phủ và cộng đồng địa phương đối với việc xây dựng chính sách đúng đắn :
"Có một chút khó khăn cho tôi khi theo dõi vấn đề sông Mekong là tôi không phải dân kỹ thuật. Tuy nhiên, tôi đang làm việc với các cộng đồng địa phương, tập trung vào các tác động kinh tế xã hội đối với cộng đồng địa phương. Tôi thấy việc truyền tải các kiến thức khoa học đến với cộng đồng địa phương, chuyển nó thành kiến thức địa phương là điều rất quan trọng. Điều đó cũng sẽ giúp cho các cộng đồng địa phương cũng như các tổ chức xã hội dân sự dễ dàng hơn khi vận động chính sách với chính phủ. Các chính phủ nên tính đến các vấn đề này để cải thiện các hoạt động của các công ty thủy điện và cả hệ thống".
Tại hội thảo, RFA đặt câu hỏi với Tiến sĩ Brian Eyler về việc có tồn tại hay không một cơ chế hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia khi mà hệ thống sông 3S chảy qua biên giới cả ba nước và hệ thống đập thủy điện trên ba con sông này tác động đến cả ba. Tiến sĩ Brian Eyler nói :
"Câu trả lời là có. Và có lẽ ví dụ duy nhất về hợp tác giữa ba nước ở đây là hoạt động cảnh báo sớm xuyên biên giới, đôi khi có hiệu quả hoặc đôi khi hiệu quả một phần, trong hệ thống sông Mekong. Và điều đó cho thấy mức độ trách nhiệm và sự quan tâm của người Việt Nam ở đầu nguồn đối với việc xả nước ở hạ nguồn. Nhưng còn nhiều điều nữa nên được thực hiện, và có thể được thực hiện ở đây, và tôi muốn nói thêm là việc cảnh báo sớm thường có thể được đưa ra từ cấp chính phủ đến cấp chính phủ. Nhưng hiệu quả của việc đưa thông điệp đó tới cộng đồng bằng ngôn ngữ họ có thể hiểu, hành động và thay đổi, thì mới là điểm cần cải tiến. Tôi xin nêu một ví dụ. Năm ngoái, một nhánh phía xa trên thượng nguồn của lưu vực sông Sekong đã xả nước ồ ạt do nguy cơ vỡ đập khi hồ chứa đã đầy nước và bão thì đang kéo đến. Chính phủ Việt Nam đã gửi cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương rằng điều này sắp xảy ra. Chính quyền địa phương đã gửi thông điệp xuống các cấp trong tỉnh. Lúc đó tuy cảnh báo sớm đã được đưa ra, nhưng không ai để ý đến nó, vì người dân nghĩ con đập đó cách chỗ họ hàng trăm cây số, làm sao nó có thể ảnh hưởng đến mình. Và rồi sóng nước ập đến gây thiệt hại cho các nhà hàng, quán ăn nổi và các cơ sở kinh doanh khác dọc theo bờ sông. Vì vậy, ở đây không chỉ có vấn đề cảnh báo sớm mà còn là niềm tin của người dân. Có nhiều vấn đề cần cải thiện từ góc độ quản lý xuyên biên giới".
Ông Bunthoeurn Mak, Giám đốc Chương trình và Điều phối viên Mạng lưới của "The NGO Forum on Cambodia" cho rằng cơ chế phối hợp giữa Việt Nam và Campuchia chưa hiệu quả. Ông giải thích :
"Có một cơ chế hợp tác song phương giữa Việt Nam và Campuchia. Có một ủy ban để giải quyết việc này. Nhưng tôi cảm thấy rất khó để truyền thông tin thông suốt giữa chính phủ, một số chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương. Việc cảnh báo sớm có thành công hay không phụ thuộc vào các nhóm cộng đồng địa phương mà chính quyền gửi thông báo, mức độ gắn kết của chính quyền cộng đồng địa phương đó. Cách hoạt động hiện nay không hiệu quả. Tôi cảm thấy rằng việc nhận được thông tin cảnh báo sớm từ một ủy ban cảnh báo liên quốc gia là không hoàn toàn hiệu quả, không mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương".
Nguồn : RFA, 24/05/2023
Ảnh minh họa sự suy thoái của sông Mekong và nhiều nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân.
Campuchia sẽ không phát triển các đập thủy điện mới trên sông Mekong trong 10 năm tới và tạo năng lượng từ than, khí đốt tự nhiên cùng năng lượng mặt trời.
Reuters dẫn lời một quan chức năng lượng cấp cao Campuchia cho biết như trên hôm 18/3 (1).
Quyết định này có nghĩa là Lào và Việt Nam là hai quốc gia tại lưu vực hạ lưu sông Mekong lên kế hoạch phát triển thủy điện trên sông Mekong. Trong vòng 6 tháng qua, Lào đã xây thêm 2 con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong.
Ông Lê Anh Tuấn, Viện phó Viện Biến đổi Khí hậu (Đại học Cần Thơ), người có thời gian dài làm việc tại Lào và từng nghiên cứu các dự án trên dòng chính Mekong, cho biết những nhà đầu tư dự án thủy điện Luang Prabang chuẩn bị khởi động lại dự án vào tháng 4/2020. Chủ đầu tư dự án thủy điện này là một doanh nghiệp thuộc nhà nước Việt Nam : Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (2).
Cuối năm 2019, trên Asia Sentinel, ông David Brown – một nhà cựu ngoại giao Mỹ và rất am tường với Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, đã có lời khuyên Việt Nam nên xem lại bài toán kinh tế với dự án đập thủy điện Luang Prabang (3).
Theo tác giả, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đã ký một thỏa thuận với Lào vào năm 2007 liên quan đến con đập. Kể từ đó, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Đã thấy rõ sự suy thoái của sông Mekong và nhiều nhánh sông của nó đang tàn phá sức khỏe kinh tế và môi trường của vùng hạ lưu sông Mekong, địa bàn của khoảng 20 triệu nông dân và ngư dân. Những tác động này không còn là vấn đề phỏng đoán.
Phù sa và chất dinh dưỡng hằng năm bị bóp nghẹt, sự trù phú của đồng bằng sông Cửu Long đang suy thoái. Cá di cư đã từng là nguồn sống của nghề cá nội địa lớn nhất thế giới, nhưng vì cá không thể đến được nơi sinh sản, nghề cá đang gặp khó. Năm 2019, khu vực này đã trải qua hạn hán thảm khốc sau đó là lũ lụt kỷ lục. Biến đổi khí hậu chịu trách nhiệm một phần, nhưng theo các chuyên gia Việt Nam, việc lưu trữ và xả nước không điều hòa từ các đập thượng nguồn làm trầm trọng thêm các biến đổi theo mùa mà nông dân phụ thuộc.
"Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào, thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành…" – Đó là biện minh mà Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam đưa ra ở dự án thủy điện Luang Prabang.
Trước câu hỏi : "nhiều người cho rằng nếu ta không làm thì Trung Quốc sẽ nhảy vào ?", ông Lê Anh Tuấn đặt ngược vấn đề : "Thử hỏi, nếu Trung Quốc muốn ra mặt đầu tư vào thủy điện này thì Việt Nam có ngăn cản được không ?. Chẳng qua, họ lui một bước, và giăng ra một cái ‘bẫy’, khi Việt Nam nhảy vào dự án thủy điện Luang Prabang thì sau này phải "câm luôn", không thể phê phán tác hại thủy điện trên dòng chính của Trung Quốc hay Lào được nữa".
Dòng sông Mekong đang bị các đập thủy điện cắt ngang dọc, các dự án tạo cộng hưởng bất lợi khôn lường cho vùng hạ lưu. Có công trình do vốn từ Trung Quốc đầu tư hại Việt Nam, nhưng cũng có công trình do chính mình hại mình.
Hãy nhìn hạn mặn, hạn hán đầy khốc liệt đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long, để thấy rằng chẳng còn nước mắt nào để khóc cho một dòng sông đang bị chính những tập đoàn của nhà nước Việt Nam bức tử !
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 19/03/2020
(2) http://www.pvpe.vn/vn/du-an/p13
(3) https://www.asiasentinel.com/p/vietnam-utility-mekong-devastation
Theo thông tin từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, tính đến ngày 15/10, đợt mưa lũ tuần qua tại Miền Trung và các tỉnh miền núi phía bắc đã khiến 68 người chết và 34 người mất tích, chưa kể hàng chục người bị thương tích nặng khác. Những cái chết đều vô cùng thương tâm, còn thiệt hại về vật chất thì không sao đếm xuể.
Hoàng Trung Hải (trái) và Nguyễn Phú Trọng.
Đâu là nguyên do ?
Trước thảm hoạ kinh hoàng đó, ông Trần Quang Hải, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống Thiên tai, đã phải chua chát thú nhận : "Phá rừng là một trong những nguyên nhân chính gây ra lũ quét, sạt lở. Chúng ta đang phải trả giá và sẽ còn tiếp tục do nhiều đồi, nhiều rừng đã bị ‘cạo trọc’".
Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ ngày 14/10, Giáo sư Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhận định : "Từ câu chuyện mất rừng đầu nguồn, có lý do chính là chúng ta đã dành diện tích rừng rất lớn cho phát triển thủy điện… Cần xem lại các quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa của thủy điện. Nếu chỉ thống kê qua số liệu, với số lượng hồ chứa hiện có, các nước sẽ nghĩ chúng ta yên ổn về phòng lũ, cắt lũ. Hồ chứa không phải là cái ao, phải có nhiệm vụ điều tiết nước theo đúng mục tiêu mùa lũ trữ nước, mùa khô xả nước. Nhưng với các hồ chứa thủy điện thì không làm được hết như vậy, vẫn còn chủ động tích nước từ đầu mùa lũ thay vì phải xả nước đầu mùa. Thậm chí với những thủy điện vừa và nhỏ, hơn 1.000 thủy điện, đa số là không có dung tích phòng lũ".
Và tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ bàn về việc "tăng cường quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới" ngày 14/10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận : "Những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng rất lớn".
Ai là thủ phạm ?
Như vậy, có thể nói, tác nhân chính của thảm hoạ mưa lũ lịch sử vừa qua là công tác quản lý, bảo vệ rừng và công tác quy hoạch, quản lý thủy điện.
Vậy ai là người chịu trách nhiệm cao nhất về công tác quản lý, bảo vệ rừng và quy hoạch, quản lý thủy điện những năm qua ?
Xin thưa, câu trả lời là ngài cựu Phó Thủ tướng, đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải !
Ngoài trọng trách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề cử và được Quốc hội của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng phê chuẩn từ ngày 2/8/2007, Hoàng Trung Hải còn được "đồng chí X" tin tưởng giao phó trọng trách Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng.
Nghĩa là, tất cả các dự án liên quan đến đất rừng, từ việc chuyển đổi đất rừng, giao đất rừng cho các dự án thủy điện, cho đến việc giao hàng trăm ngàn ha rừng đầu nguồn, biên giới cho các công ty Trung Quốc… từ năm 2007 đến 2016 đều phải nhận được sự chuẩn thuận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, nhân vật quan trọng và quyền uy thứ hai trong chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Ngoài ra, nếu số liệu báo cáo của các tỉnh thành cũng như của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác trồng rừng hàng năm là chính xác thì đến nay tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam đã vượt mức 100%, tức là không một m2 nào trên dải đất hình chữ S này chưa được rừng che phủ. Tuy nhiên, thực tế thì như những gì mà chúng ta đã thấy. Và dĩ nhiên, "thành tích" này trước hết phải được "ghi nhận" cho ngài (cựu) Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế ngành (trong đó có ngành Lâm nghiệp) kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng Hoàng Trung Hải.
Đặc biệt, từ năm 1998, Hoàng Trung Hải đã là Tổng Giám đốc EVN. Ông ta càng có điều kiện khuynh loát ngành điện lực Việt Nam sau khi ngồi lên chiếc ghế Bộ trưởng Công nghiệp (2003-2007) và Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế (2007-2016).
Ngày 24/10/2007, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định số 1436/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Điện VI, đồng thời bổ nhiệm Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Ngày 26/12/2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lại ký quyết định số 2449/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia, dĩ nhiên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải lại là Trưởng ban.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 9/11/2009, ngài Phó Thủ tướng đã hùng hồn khẳng định : "Không thủy điện nào không có trong quy hoạch". Nghĩa là, không một công trình thủy điện nào nằm ngoài quyền quyết định của ngài Phó Thủ tướng, bởi không ai khác mà chính ông ta mới là người nắm quyền định đoạt cái gọi là "quy hoạch thủy điện" đó.
Một dự án thủy điện không nằm trong "quy hoạch" mà muốn được triển khai ư ? Chuyện nhỏ, chỉ cần ngài Phó Thủ tướng phù phép bằng cách đưa nó vào "quy hoạch thủy điện" của ông ta là xong. Xin đơn cử, tháng 8/2010, Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung dự án thủy điện Sông Tranh 3, công suất khoảng 62 MW vào danh mục các dự án nguồn điện tại Quy hoạch điện VI ; hay tháng 6/2015, ông ta đồng ý bổ sung dự án nhà máy thủy điện Ialy mở rộng vào Quy hoạch điện VII, v.v và v.v.
Trước sự phản đối đặc biệt gay gắt của công luận, tháng 9/2013, ngài Phó Thủ tướng buộc phải đưa hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A ra khỏi "quy hoạch". Báo Người Lao Động ngay lập tức đăng bài "Xin cảm ơn Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải !". Bài viết mở đầu bằng câu : "Sao mà vui sướng đến muốn rơi nước mắt !". Chừng đó đủ cho thấy quyền lực của "ông vua không ngai" Hoàng Trung Hải lớn đến nhường nào.
Và một Hà Nội đang "bê-tông hoá"
Không chỉ những thảm cây xanh ở những cánh rừng xa xôi, hẻo lánh, hiếm khi thấy bóng người, mà ngay cả những hàng cổ thụ rợp bóng mát ngay giữa một Hà Nội đông đúc nhộn nhịp mỗi khi nghe đến cái tên Hoàng Trung Hải cũng phải run rẩy, khiếp đảm.
Với tư cách Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế, Trưởng ban Chỉ đạo Quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội, Hoàng Trung Hải là nhân vật có tiếng nói quyết định về quy hoạch thủ đô từ năm 2007 đến năm 2016, với sở thích đặc biệt là triệt hạ cây xanh và "bê-tông hoá" Hà Nội. Từ sau Đại hội XII, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt tin tưởng giao phó trọng trách thống lĩnh bộ máy dân sự và quân sự của Thủ đô, ngài Bí thư Thành ủy lại càng thoả sức phát huy sở trường của mình.
Lý lẽ của ngài ư, rất đơn giản : "Chặt cây ai cũng tiếc, nhưng chẳng lẽ không làm gì" (!!!).
Theo Giáo sư Vũ Trọng Hồng, với diện tích rừng đầu nguồn bị phá, dù có đầu tư tiền để tái sinh thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy. Nghĩa là nếu ngay từ bây giờ 90 triệu dân Việt Nam bắt tay vào việc xử lý những "di sản" do "con ngựa thành Troy" Hoàng Trung Hải để lại thì cũng phải mất ít nhất nửa thế kỷ nữa chúng ta mới hoàn toàn khắc phục được hậu quả.
Không chỉ rừng Việt Nam, mà hàng nghìn linh hồn oan nghiệt đang réo gọi tên ngài, thưa ngài Bí thư Thành ủy Hà Nội !
Ngày 10 tháng tư năm 2017 chính phủ Việt Nam cho hay là Bộ công thương yêu cầu Tổng cục năng lượng phối hợp với các tỉnh và thành phố rà soát lại các quy hoạch thủy điện, kiên quyết loại bỏ các dự án không có hiệu quả.
Nhà máy thủy điện Hố Hô (Hà Tĩnh) xả lũ. Courtesy of news.zing.vn
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật, chuyên ngành môi trường, đang làm việc tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên tỏ vẻ vui mừng khi nghe tin chính phủ đang rà soát lại các dự án thủy điện :
"Đó là một tin vui, một chuyện đúng đắn, nhưng mà vấn đề mình thực hiện thế nào thì còn tùy thuộc nhiều… nói chung là điều đó cũng thể hiện sự quyết tâm, một tín hiệu mừng từ trung ương. Tôi ủng hộ, nhưng mà có kiên quyết làm hay không. Những người có tiền có thể tìm nhiều cách để lách luật. Tôi chỉ sợ điều đó".
Ông Nguyễn Huỳnh Thuật là người đã vận động thành công việc hủy bỏ hai dự án thủy điện lớn trên sông Đồng Nai, vì nếu hai dự án này được thi hành sẽ ảnh hưởng rất tai hại đến khu vực rừng quốc gia Nam Cát Tiên.
Trong bản tin ngày 10 tháng tư của chính phủ Việt Nam có nói rằng phải kiên quyết loại bỏ những dự án thủy điện không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng xấu tới đời sống người dân.
Trong nhiều năm qua, cứ đến mùa mưa ở miền Trung Việt Nam, khi xảy ra mưa lũ cũng là đồng thời với lúc nhiều đập thủy điện ở khu vực này xả lũ, vì sợ vỡ đập, gây nhiều thiệt hại về vật chất, thậm chí làm chết nhiều người dân vùng hạ lưu. Vì lý do đó, cách đây 4 năm kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, sống tại Đà Nẵng đã vận động các nạn nhân của thủy điện làm đơn kiện các công ty chủ sở hữu của các đập thủy điện. Nhưng cuộc vận động không thành công, ông Nguyễn Văn Thạnh bị bắt tạm giữ, thậm chí bị đánh đập nhiều lần.
Ông Thạnh đón nhận tin rà soát lại các đập thủy điện một cách thận trọng :
"Cái này cũng khó nói, vì thực ra người ta ở trên cao người ta cũng thấy được tai họa và cũng thấy dân kêu ca. Và chủ trương của họ cũng muốn hạn chế, chấm dứt chuyện này, như từ chủ trương ở trên đưa xuống thì … Có thể họ làm ở mức độ nào đó, cũng có tiến bộ, nhưng không theo như kỳ vọng, vì ở Việt Nam có tình trạng lợi ích nhóm và thông tin không minh bạch. Ví dụ như chính phủ chẳng bao giờ có chủ trương phá rừng, nhưng chuyện phá rừng âm thầm bắt tay nhau thì chính phủ không kiểm soát được. Cuối cùng là mất hết rừng".
Theo ông Thạnh thì trong bốn năm qua, từ lúc ông tổ chức cuộc vận động chống sự tắc trách của các nhà máy thủy điện miền Trung đến nay, vẫn không có gì thay đổi. Vào mùa lũ, kịch bản cũ vẫn lập lại, tức là hồ thủy điện xã lũ gây ra cái người ta gọi là lũ chồng lên lũ, gây nhiều thiệt hại cho dân chúng.
Trong một bài viết đăng trên trang Năng Lượng Việt Nam vào năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn cho rằng cần phải công bằng với thủy điện, không nên qui tội rằng lũ lụt là do thủy điện xả nước, mà thủy điện chỉ xả nước khi có nguy cơ bị vỡ đập.
Trong thực tế địa lý tại miền Trung, với những dòng sông ngắn và dốc, nguy cơ vỡ đập chỉ xuất hiện vào mùa mưa lũ, và vào lúc đó vùng đất hạ lưu đã ngập đầy nước do mưa, do đó không thể tránh khỏi chuyện lũ chồng lên lũ như mấy năm qua.
Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh cũng đồng ý là chuyện lũ lụt là do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng để cho một hồ thủy điện ở miền Trung, vừa có thể giữ nước phát điện kiếm lời cho chủ đầu tư vừa phải xả nước bảo vệ đập, không xả nước gây lũ, và xả nước chống hạn trong mùa khô, là một bài toán rất khó giải, và có rất nhiều rủi ro.
Trong bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, ông có đưa ra những thuận lợi và bất lợi của thủy điện đối với nền kinh tế và đối với môi trường. Trong những bất lợi do thủy điện gây ra, ông cho biết có chuyện làm thay đổi hệ thống sinh thái ven sông, làm giảm phù sa cho nông nghiệp ở hạ lưu, nhưng ông kết luận rằng thủy điện với tư cách là một nguồn năng lượng tái tạo vẫn có nhiều thuận lợi hơn là bất lợi.
Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật có quan điểm trái lại, ông không xếp thủy điện vào các loại năng lượng tái tạo như sức gió, năng lượng mặt trời, mà nhiều quốc gia trên thế giới đang theo đuổi, và ông không ủng hộ việc xây dựng các nhà máy thủy điện vì nó gây quá nhiều bất lợi cho môi trường.
Lịch sử xây dựng thủy điện trên thế giới đã có hai trường hợp kinh điển chứng minh cho tác hại của thủy điện.
Trường hợp thứ nhất là đập sông Nil ở Ai Cập. Đập này đã cản lưu lượng nước và phù sa về đồng bằng sông Nil, tạo điều kiện cho nước biển xâm thực vào đồng bằng, và người Ai Cập đã tốn rất nhiều tiền của mà không thể giải quyết được.
Trường hợp thứ hai là hai con sông đổ ra biển Aral thuộc vùng Trung Á bị chính quyền Liên Xô cũ ngăn lại lấy nước tưới cho những đồn điền trồng bông vải. Các con đập này làm cạn biển Aral và đảo ngược cả cuộc sống của dân chúng một vùng hết sức rộng lớn.
Riêng tại Việt Nam hiện nay chưa có những nghiên cứu đầy đủ về tác động của các đập nước lớn như Sông Đà và Trị An, nhưng ngày càng có nhiều lo ngại về các đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong ở Lào và Trung Quốc, một ngày nào đó sẽ kết liễu sự sống của đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên vẫn có những khuynh hướng ủng hộ thủy điện ở Việt Nam. Ngoài bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thành Sơn, gần đây trên báo Người Đô Thị, người ta thấy xuất hiện ý kiến của ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban thư ký Ủy hội sông Mekong. Ông Phạm Tuấn Phan nói rằng thủy điện không khiến dòng sông Mekong sẽ chết.
Vì thủy điện là một loại năng lượng có vốn đầu tư rẻ tiền, Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh nói :
"Trong điều kiện Việt Nam, theo tôi nghĩ thì tôi vẫn ủng hộ các dự án thủy điện, nhưng Việt Nam nên minh bạch những thành phần đánh giá môi trường ra cho người dân người ta bàn luận. Thứ hai nữa là người ta phải rõ ràng giữa chuyện lợi của nhà máy thủy điện và chuyện thiệt hại như là mất rừng, hay chống lũ, để cho nó điều hòa lợi ích. Không nên vì lợi ích cục bộ của một nhóm mà ảnh hưởng đến toàn xã hội. Thì đó sẽ là điều tốt cho Việt Nam".
Ông Thạnh nói thêm là rất dễ có những chuyện câu kết giữa doanh nghiệp và các cán bộ có thẩm quyền bằng cách là các doanh nghiệp mời những cán bộ đó giữ cổ phần trong doanh nghiệp.
Về chuyện đánh giá tác động môi trường, Thạc sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật từng nói với đài RFA rằng những qui trình đánh giá tác động môi trường ở Việt Nam đều có đủ nhưng chỉ là hình thức, ông không biết là hiện nay chuyện đó có giảm đi hay chưa :
"Chúng ta cần học hỏi những mô hình đánh giá tác động môi trường hoàn hảo từ nước ngoài. Phải có một báo cáo đánh giá tác động môi trường chuẩn mực, rồi phải có một ban độc lập thì chúng ta mới làm được, chứ còn hiện bây giờ thì mức độ độc lập ở Việt Nam còn rất là thấp".
Với định chế chính trị xã hội của Việt Nam hiện nay là tập trung quyền lực, chuyện những tổ chức độc lập tham gia đánh giá tác động môi trường cho các dự án thủy điện là một điều rất khó khăn.
Trong một qui trình bình thường và độc lập, qui trình đó phải có sự tham gia của người dân địa phương và một dự án thủy điện có thể bị hủy bỏ vì có nhiều điều bất lợi.
Vào ngày 12 tháng tư năm 2017, ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi và Bộ công thương Việt Nam cho phép tái khởi động dự án thủy điện Trà Khúc 1 của tỉnh này, mặc dù trước đó tin từ mạng Việt Nam Thời báo cho hay là có đến 71 ngàn dân địa phương mong muốn hủy bỏ dự án này.
Kính Hòa, RFA
Nguồn : RFA, 16/04/2017