Thậm chí báo Nhân Dân - cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam - còn không thèm đưa một mẩu tin nào ngay sau khi diễn ra sau cuộc gặp giữa thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc với Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Đức Peter Altmaier vào chiều ngày 25 tháng 3 năm 2019 tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ ở Hà Nội, trong lúc vẫn đưa bản tin "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc" mà về mặt ngoại giao và chính trị là không thể quan trọng bằng cuộc gặp Phúc - Altmaier.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier, trong một cuộc phỏng vấn tại Berlin.
Trước đó ít ngày, hệ thống tuyên giáo và báo chí nhà nước đã mở một đợt tuyên truyền khấp khởi hy vọng về ‘làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức’, hay chân thật hơn thì hé môi về ‘phục hồi quan hệ đối tác chiến lược Việt - Đức’, đồng thời ra sức cổ vũ cho tín hiệu bật đèn xanh của Bộ trưởng Đức Peter Altmaier về ‘Đức thúc đẩy sớm ký kết và phê chuẩn EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam).
‘Ăn không được thì đạp đổ’
Chuyến công du Việt Nam của Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức Peter Altmaier vào tháng Ba năm 2019 được phía Việt Nam kỳ vọng là một dấu mốc về sự khởi về ‘phục hồi quan hệ ngoại giao và kinh tế’ giữa Berlin và Hà Nội, kể từ khi bùng nổ vụ Nhà nước tố cáo mật vụ Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào tháng 7 năm 2017 và kéo theo phản ứng phẫn nộ và mạnh mẽ hiếm thấy : Đức thẳng tay tạm ngừng Quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9 cùng năm đó, tiếp đến đình chỉ hiệp định miễn visa cho cán bộ ngoại giao Việt Nam đi công tác ở Đức, đồng thời hoãn hoặc hủy bỏ hàng loạt chương trình viện trợ kinh tế cho chính thể độc đảng ở Việt Nam.
Nhưng bây giờ thì chẳng còn gì trên mặt báo đảng và mặt mũi giới chóp bu Việt Nam. Tất cả vụt biến mất như một thế giới ảo ảnh được dựng nên bởi những động cơ băng hoại.
Sự im lặng tàn nhẫn và quay quắt của những tờ báo đảng Việt Nam sau cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc - Peter Altmaier càng làm lộ ra bằng chứng về não trạng và thói hành xử ‘ăn không được thì đạp đổ’ của giới quan chức cao cấp và thực dụng đến mức quắt quay ở Việt Nam.
Điều gì đã xảy ra ?
Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền !
Trang Thoibao.de cho biết Bastian Hartig - phóng viên của đài Deutsche Welle tháp tùng phái đoàn Bộ trưởng Altmaier - đã viết trên Twitter :
"Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier nói, Chính phủ Đức hy vọng rằng các sự cố đã làm xấu đi mối quan hệ sẽ không lặp lại, đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh".
Ngoài ra trong một bài tường thuật, phóng viên David Zajonz của đài phát thanh Đức MDR đưa tin, ngoài vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ trưởng Altmaier còn đề cập đến vấn đề nhân quyền trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trích dịch bài tường thuật (từ phút thứ 1:43) :
"Tham nhũng cũng là một đề tài lớn. Vấn đề quan trọng nhất trong quan hệ giữa hai nước không phải là kinh tế, mà là vụ bắt cóc ngoạn mục Trịnh Xuân Thanh trên nước Đức bởi mật vụ Việt Nam ở giữa đường phố Berlin. Trịnh Xuân Thanh ngồi tù ở Việt Nam gần 2 năm nay. Hậu quả là một thời kỳ băng giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Tình hình nhân quyền ở Việt Nam nói chung là xấu".
Trước chuyến đi Việt Nam của Bộ trưởng Altmaier, các Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức thuộc Đảng Xanh đã yêu cầu Bộ trưởng Altmaier nỗ lực cho nhân quyền. Tại Việt Nam ông Altmaier đã đề cập đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, nói về một giai đoạn khó khăn trong quan hệ giữa hai nước.
"Dĩ nhiên tôi cũng đã nói chuyện về những vấn đề giữa hai nước. Nhân quyền đóng một vai trò quyết định trong chính sách của nước Đức, bất kể là nhân quyền ở nước nào. Tôi đã nêu rõ điều đó với đối tác hội đàm", Bộ trưởng Altmaier nói"…
Lại sụp đổ ‘Đối tác chiến lược Việt - Đức’
Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền lại là những khúc xương mà chính thể độc đảng ở Việt Nam hoàn toàn không muốn phải nuốt, ít ra cho tới thời điểm này.
Điều trơ trẽn đến sống sượng là trong khi Bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh phải đi điều đình ở Đức về vụ Trịnh Xuân Thanh vào tháng 2 năm 2019 và đoàn Việt Nam im như thóc tại cuộc đối thoại nhân quyền với EU (Liên Hiệp Châu Âu) vào tháng 3 năm 2019, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp những tiếng nói bất đồng, đàn áp người dân.
Còn việc chính quyền Việt Nam và dàn dồng ca báo đảng gần như im bặt sau cuộc gặp Nguyễn Xuân Phúc - Peter Altmaier đã cho thấy những hứa hẹn (nếu có) của Phạm Bình Minh khi sang Đức về ‘sẽ trả Trịnh Xuân Thanh’ vẫn chỉ là một thủ thuật ‘hứa cuội’ nhằm câu giờ - mục tiêu khiến cho người Đức mệt mỏi mà phải ‘buông’ vấn đề Trịnh Xuân Thanh và phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Thêm một lần nữa Phạm Bình Minh bị mất mặt với Đức, sau khi Bộ Ngoại giao của ông ta đã ‘hứa cuội’ nhiều lần suốt từ những tháng cuối năm 2017 cho đến nay.
Việc Bộ trưởng Altmaier đề cập một cách thẳng thừng đến vấn đề Trịnh Xuân Thanh với Thủ tướng Phúc cũng cho thấy phía Đức vẫn kiên định và quyết liệt bảo lưu quan điểm đòi hỏi những kẻ bị tố cáo gây ra vụ bắt cóc Thanh phải tôn trọng tinh thần nhà nước pháp quyền của Đức, chứ không phải Đức tìm cách ‘bảo kê’ ; cho một quan chức đầy rẫy tì vết tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng đã thêm một lần nữa người Đức bị ‘lừa’ bởi những lời ngon ngọt nhưng chẳng có gì bảo chứng, và đã cử Bộ trưởng Altmaier đến Việt Nam, với kết quả không phải để bàn luận về ‘quan hệ hợp tác song phương’ mà chỉ thuần túy là người truyền đạt thông điệp của phía Đức mà chẳng nhận được phản hồi đáng tích cực nào từ phía Nguyễn Phú Trọng - nhân vật được xem là ‘tác giả’ vụ Trịnh Xuân Thanh.
Hẳn đó là lý do mà ngoài chương trình tham dự lễ khánh thành Ngôi nhà Đức ở Sài Gòn - một công trình mang tính biểu tượng ‘quan hệ hữu nghị Đức- Việt’, Bộ trưởng Altmaier đã không hề đả động gì đến tương lai phục hồi Quan hệ đối tác chiến lược Đức- Việt, phục hồi các chương trình viện trợ kinh tế cho Việt Nam, cũng không hứa hẹn một từ ngữ nào về ‘sẽ hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy nhanh tiến độ EVFTA’. Thái độ im lặng đầy chủ ý có qua có lại ấy đã một lần nữa mang đến nỗi thất vọng ngập ngụa cho Nguyễn Xuân Phúc nói riêng và Bộ Chính trị của ông ta nói chung.
‘Ăn không được thì đạp đổ’ - việc báo Nhân Dân không thèm đăng mẩu tin nào về cuộc gặp Phúc - Altmaier, cái thói xấu xa và sẵn sàng chơi bẩn ấy của quan chức Việt lại rất đồng điệu với sự ‘mất tích’ của Phạm Bình Minh tại lễ khánh thành Ngôi nhà Đức, dù thư mời được gửi từ vài tuần trước đã ghi rõ lễ khánh thành này sẽ diễn ra với sự hiện diện của Bộ trưởng Kinh tế Altmaier và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Mịt mù EVFTA
Không chịu trả Trịnh Xuân Thanh, không chịu cam kết về cải thiện nhân quyền và không nhận được sự ủng hộ của Đức - quốc gia không chỉ là đầu tàu về chính trị và kinh tế của khối Liên Hiệp Châu Âu (EU) mà Chính phủ và Quốc hội Đức còn chiếm vai trò quyết định trong khối này khi xem xét quyết định có cho chính thể Việt Nam được hưởng EVFTA hay là không, chính thể độc đảng ở Việt Nam thực sự đang rơi vào tình thế cực kỳ bế tắc đối với bản hiệp định tưởng đâu thuộc loại ‘ăn sẵn’ này, mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng để cứu vãn nền kinh tế và ngân sách đang lao xuống đáy vực thâm thủng ngoại tệ trong khi vẫn phải trả nợ từ 10 - 12 tỷ USD nợ nước ngoài hàng năm.
Trong dĩ vãng rất gần, não trạng chủ quan duy ý chí và coi thường tinh thần nhà nước pháp quyền Châu Âu của giới chóp bu Việt Nam đã bị giáng một đòn choáng váng đến không thốt nên lời : sau khi đã tưởng nuốt trôi Hiệp định EVFTA và chỉ còn xoa tay chờ ngày ký kết và phê chuẩn chính thức, một cơn cay cú đến lồng lộn không thể diễn tả bằng những văn từ bình thường đã ập đến với Trọng và bộ sậu của ông ta, khi vào tháng 2 năm 2019 Hội đồng Châu Âu đã tuyên bố hoãn vô thời hạn việc ký kết và phê chuẩn EVFTA, với nguồn cơn thực chất được hiểu là vô số vi phạm nhân quyền trầm trọng của Việt Nam mà cho tới thời điểm đó, và cả tới lúc này, vẫn chưa có được bất kỳ một cải thiện nào có thể nhìn thấy, sờ thấy và chứng minh được.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 29/03/2019
***************
Đức sẽ không bỏ qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh dù cải thiện quan hệ kinh tế với Việt Nam (RFA, 26/03/2019)
Thông tin từ Đại sứ quán Đức tại Hà Nội cho biết, ông Peter Altmaier Bộ trưởng Bộ kinh tế cùng một phía đoàn kinh tế cấp cao và một số nghị sĩ Quốc hội liên bang Đức có chuyến thăm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 24-26/3. Hai bên sẽ tiến hành nhiều cuộc trao đổi song phương với đại diện Chính phủ Việt Nam và tiếp kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bộ trưởng Kinh tế Đức, ông Peter Atlmaier. AFP
Ngay trước chuyến thăm, Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Atlemaier được trích lời trong một thông cáo của Đại sứ quán Đức cho biết :
"Việt Nam là một đối tác kinh tế trung tâm của Đức tại Châu Á. Tôi sẽ bàn bạc với các đại diện Chính phủ Việt Nam để làm thế nào tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia".
Quan hệ Đức và Việt Nam đã gặp khủng hoảng sau khi Đức hồi năm 2017 lên tiếng cáo buộc Việt Nam cho mật vụ sang Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, một cựu quan chức dầu khí của Việt Nam đang bị truy nã vì các cáo buộc liên quan đến tham nhũng. Ông Thanh lúc đó đang xin quy chế tị nạn tại Đức. Sau đó phía Đức đã tuyên bố tạm ngưng đối tác chiến lược với chính phủ Hà Nội và yêu cầu Hà Nội phải lên tiếng xin lỗi chính thức và trao trả Trịnh Xuân Thanh về cho phía Đức. Cho đến lúc này, Trịnh Xuân Thanh vẫn đang thụ án tù ở Việt Nam sau khi bị tòa án ở Việt Nam hồi đầu năm ngoái tuyên hai án chung thân về tội tham ô.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, có một chuyến công du Việt Nam cấp bộ trưởng và cũng là một dấu hiệu có thể cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược bị gián đoạn hơn 1 năm rưỡi này dần được nối lại.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan cho rằng, chuyến thăm lần này được xem rất quan trọng với Việt Nam sau một khoảng thời gian dài ngưng đọng và thụt lùi mà ai cũng biết rõ nguyên nhân từ đâu.
"Sau từng ấy thời gian thì ngay cả Việt Nam lẫn phía Đức thấy rằng giờ đây là lúc cả hai phía khôi phục lại mối quan hệ đối tác chiến lược. Đây là đòi hỏi khách quan trong bối cảnh cả Châu Âu lẫn Đông Nam Á đang có những chuyển động khá cấp tấp do tác động của cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lẫn những rạn nứt trong mối quan hệ kinh tế nói chung và cấp độ khu vực toàn cầu. Tất nhiên ở đây chúng ta không biết được cụ thể đằng sau hậu trường hoặc trên các bàn đàm phán của cả hai phía và chắc chắn Việt Nam đã có những tương nhượng để bộ trưởng kinh tế Đức thừa nhận là Việt Nam là đối tác trung tâm của Đức tại Châu Á".
Đồng thời tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng còn nói thêm, Việt Nam luôn coi Đức và Pháp như hai đầu tàu không chỉ quan trọng trong khối Châu Âu mà cũng vô cùng thiết yếu với dòng hàng hóa từ Việt Nam sang EU và ngược lại.
Theo cơ quan thống kê Liên bang Đức, năm 2018 kim ngạch thương mại Việt Đức đạt lên tới 13,8 tỷ Euro, trong đó 9,7 tỷ Euro là nhập khẩu từ Việt Nam và 4,1 tỷ Euro là xuất khẩu sang Việt Nam
Chúng tôi liên lạc với nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo bằng Tiếng Việt tại Berlin để tìm hiểu thông tin về chuyến đi này và được anh cho biết, nhiệm vụ chính của ông Bộ trưởng kinh tế Đức trong chuyến thăm Việt Nam lần này là bàn về kinh tế và kết nối lại quan hệ giữa Việt Nam và Đức sau thời gian dài bị đóng băng.
"Tuy nhiên trước chuyến đi theo tôi được biết tại tổ chức phóng viên không biên giới của Đức đã nói với chúng tôi rằng, họ đã gặp bộ trưởng bộ kinh tế Đức để tham vấn và đưa những thông tin và mong rằng trong chuyến đi về Việt Nam ngoài việc hợp tác về kinh tế thì ông Atlmaier sẽ nói những công việc và câu chuyện về dân chủ nhân quyền, tự do báo chí và tự do biểu đạt cái mà Việt Nam đang rất thiếu và cái điều mà Châu Âu và Đức cũng sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế trong vấn đề đó".
Trước chuyến đi, hãng tin AFP vào ngày 23/3 có đưa tin khối Đảng Xanh trong Quốc hội Liên bang Đức đã gửi thư kêu gọi Bộ trưởng Kinh tế Atlmaier đề cập đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam nhân chuyến thăm nước này.
Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức cho biết :
"Theo thông tin mà tôi nắm được và theo trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình nhà nước Đức cũng có nói về việc thúc dục Bộ trưởng kinh tế Đức có những cuộc gặp với những người trong nước tạm gọi là phản biện và bất đồng chính kiến ở trong nước và điều đó có diễn ra hay không thì chúng ta phải đợi xem như thế nào".
Nhà báo và nhà quan sát chính trị tại Việt Nam, tiến sĩ Phạm Chí Dũng từ Sài Gòn cho hay, đây là chuyến thăm cấp bộ trưởng lần đầu tiên sau vụ Trịnh Xuân Thanh, đây là một dấu hiệu đáng chú ý. Tuy nhiên ông không chắc vấn đề Trịnh Xuân Thanh và nhân quyền trong chuyến đi lần này của Bộ trưởng Kinh tế Đức đến Việt Nam.
"Chưa biết là ông đến Hà Nội thì ông có nêu vấn đề nhân quyền hay việc Trịnh Xuân Thanh hay không nhưng có vẻ chuyến thăm trước đó của ông Phạm Bình Minh đã hứa hẹn là trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức và do đó Đức có vẻ cảm thấy nới ra và bớt căng thẳng hơn trong mối quan hệ ngoại giao và có thể phục hồi đối tác chiến lược".
Ngoài ra, nhà báo Phạm Chí Dũng còn cho biết thêm tính đến thời điểm này, anh không có bất kỳ thông tin nào về việc phía Đức sẽ gặp gỡ và muốn gặp các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam và anh tin chắc sẽ không có cuộc gặp nào được diễn ra.
Trong thư gửi Bộ trưởng kinh tế Đức phát ngôn về nhân quyền của khối Đảng Xanh trong Quốc hội liên bang Đức có chỉ ra rằng các tổ chức phi chính phủ luôn mô tả tình trạng nhân quyền ở Việt Nam là vô cùng đáng lo ngại, các quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội bị giới hạn một cách có hệ thống và tùy tiện. Tổng cộng có 130 nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ trong tù.
Ông Trịnh Xuân Thanh bị dẫn ra tòa. AFP
Đức là nước luôn quan tâm đến tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và thời gian qua đã tiếp nhận những nhà hoạt động vì nhân quyền bị cầm tù như Luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự cô Lê Thu Hà.
Dư luận Việt Nam lên tiếng cho rằng, sau vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã làm mối quan hệ Việt Đức gặp rất nhiều rắc rối và Đức ngưng ban giao với Việt Nam nhưng sau một thời gian dài Đức lại lên tiếng khẳng định Việt Nam là đối tác kinh tế trung tâm chiến lược tại Châu Á. Liệu rằng vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã được phía Đức cho qua đi.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói với chúng tôi rằng, tuy không có bằng cớ xác thực nhưng bằng phép suy đoán thì chúng ta có thể giả định vụ Trịnh Xuân Thanh đã được phía Đức bỏ qua.
"Chúng ta nhớ lại là qua vụ Trịnh Xuân Thanh thì từng có những tuyên bố cứng rắn từ phía các chính khách Đức và chính phía Đức đã treo mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam trong ngần ấy thời gian và nay cũng chính phía Đức cũng nói rằng đã đến lúc khôi phục lại mối quan hệ song phương và tất nhiên họ nhấn mạnh về đối tác chiến lược về kinh tế trước nhưng rõ ràng ở đây có một sự trao đổi ít nhất tôi nghĩ phải ngang giá và một sự tương nhượng nào đó trên thực tế để hai phía có thể tái ngộ và đồng thuận như hiện nay".
Còn đối với nhà báo Phạm Chí Dũng thì cho rằng chắc chắn phía Đức sẽ không bỏ qua vụ bắt cóc này.
"Bởi vì Đức cần Việt Nam tôn trọng nhà nước pháp quyền của Đức đây không phải là Đức đang bảo vệ cho một kẻ tham nhũng như Trịnh Xuân Thanh, chúng ta điều biết Trịnh Xuân Thanh là một quan chức có rất là nhiều tham nhũng và việc Trịnh Xuân Thanh xin tị nạn chính trị ở Đức thì người Đức chỉ làm theo thủ tục mà thôi và việc Đức yêu cầu trả Trịnh Xuân Thanh đó cũng là theo thủ tục trả nguyên trạng để Đức làm thủ tục chứ không phải Đức bảo vệ một kẻ tham nhũng, nhưng muốn Việt Nam tôn trọng nhà nước pháp quyền đó là tiêu chí đầu tiên của Đức".
Đồng ý với điều này nhà báo Lê Trung Khoa cho biết, Đức là một nhà nước Tam quyền Phân lập cho nên bên Hành pháp là cơ quan mà Bộ kinh tế Đức sang làm việc với Việt Nam để kết nối kinh tế thì họ vẫn làm, còn phía Tư pháp họ độc lập nên vẫn tiếp tục điều tra và điều tra rất sâu về vụ bắt cóc này.
Ngoài ra, nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm, hiện nay phía cảnh sát Đức đã cử cán bộ sang Slovakia để lấy cung những là nhân chứng của vụ bắt cóc đó.