Đã nhiều đêm như thế, không chừng cũng đã hàng triệu đêm, kể từ khi con người còn là một sinh linh vô hình trôi nổi đâu đó trong vũ trụ cho đến khi máu đỏ xương trắng thành hình và đi suốt chặng đường làm người… Tiếng đất buồn thở than chưa bao giờ nguôi vọng.
Một ngày mùa Xuân, có tiếng súng giữa đêm khuya, lúc tờ mờ rạng đông, có một người già chết đi vì đạn bắn
Đã nhiều đêm như thế, đất mẹ rền vang tiếng buồn. Từ tiếng buồn đạn bom chiến tranh đến tiếng buồn than thở giun dế, tiếng buồn của người sống khóc cho người ngừng thở, tiếng buồn của người đi khóc cho người ở lại và người ở lại khóc cho người đi, tiếng buồn của những côn trùng dần vắng, tiếng buồn của không gian trầm đục bụi trần, tiếng buồn của hàng cây ngoi mình trong khói bụi, tiếng buồn của trùng trùng nỗi buồn vọng lại quanh ta.
Đã nhiều đêm như thế, nỗi hoang mang của con người đã chiếm trọn mặt đất này, khi người ta chưa kịp hoàn hồn về chiến tranh, chết chóc thì giật mình vì cái đói, lời đe dọa. Và chưa kịp nghỉ ngơi sau một chặng đường dài kiếm cái ăn mệt mỏi thì phải tiếp tục chạy, chạy mải miết vì dịch bệnh, lòng đố kị hay cả sự thù hận sâu xa giữa loài người với nhau. Và cả cây cối cũng đã bỏ mạng vì lòng tham và thù hận của con người.
Nhiều đêm, rất nhiều đêm người ta đã phải sống trong một khí quyển mà những vì sao thơ mộng cứ như một lời đe dọa bởi ngay cả bông hồng cũng không có quyền trổ bông thì làm sao con người có quyền lãng mạn ngắm sao.
Và cuộc sống trở nên trở trọi hơn bao giờ hết giữa những thứ giá trị phù ảo thoáng qua. Con người, ngay cả người đang ngồi nhấn bàn phím và người đang vô tình đọc qua những chữ này đều mang một chút gì đó bất an trước mọi thứ, mặc dù lòng yêu thương chúng ta không thiếu, mặc dù chúng ta luôn tìm trắc ẩn quanh mình và sẵn sàng chia sẻ, mặc dù chúng ta luôn an trụ trong niềm xác tín rằng chúng ta không làm việc xấu và tôn vinh cái đẹp, sự lương thiện và sẵn sàng trả giá cho điều đó nếu có. Nhưng chúng ta vẫn bất an, nỗi bất an cũng không phải từ bên ngoài. Bởi, nỗi bất an tự sâu thẳm lòng đất, nơi đã gắn cuống rốn của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em và cả chính chúng ta vào đó, nỗi bất an, tiếng buồn rền nơi mặt đất làm chúng ta bất an mơ hồ và lo lắng cho bản thân, cho đồng loại.
Những tiếng rền ấy, hơn bao giờ, nó đang hiện hữu, đang tăng công suất và cường độ, dộng thẳng vào bức tường tâm can mỗi người và không dừng ở đó, chúng xuyên vào tâm linh, xuyên qua mọi thứ linh giác của vạn vật để hoành hành theo cách thế của nó. Chúng ta hoang mang và đớn đau nhưng chẳng thể làm gì !
Một ngày mùa Xuân, có tiếng súng giữa đêm khuya, lúc tờ mờ rạng đông, có một người già chết đi vì đạn bắn nát đầu gối, một người kia ngất đi vì mất chồng, và một người già khác bị bắn nát hông, thủng phổi nhưng may sao chưa phải chết liền, đã kịp thời được cứu sống với thân thể bầm dập, và cả một ngôi làng trở nên hoang mang tột độ bởi chính cái biểu tượng mà họ tin yêu, tôn kính ngày nào đang lạnh lùng mở cửa tử cho họ, chỉ dành cho họ !
Một ngày mùa xuân, từng đoàn người dắt díu nhau chạy trốn dịch bệnh, và không có nơi nào có thể dung cứu họ trên mặt đất này, bởi con người đều yếu đuối, mong manh như nhau trước dịch bệnh, và có nhiều người đổ xuống, hàng ngàn người, rồi hàng chục ngàn người mưu tìm sự sống nơi phòng cách ly, sống chết chẳng biết bao giờ… Dường như tiếng buồn đã tràn trên mặt đất, nước mắt của người không kịp sống và người sống muộn màng tràn khắp các châu lục, cả thế giới này, dường như chỉ còn các nước Bắc Âu là chưa bị cuống cuồng vì dịch. Nhưng cũng chưa biết đến bao giờ !
Đã nhiều lần như thế, tôi tự huyễn hoặc mình và hi vọng rằng Châu Phi sẽ là nơi không bị nhiễm Covid_19. Bởi châu lục này quá nghèo, bởi chẳng có ai muốn đi du lịch sang đây, bởi nơi đây có nhiều nắng gió, bởi người dân ăn còn chưa đủ nữa thì lấy đâu ra tiền mà đi du lịch để rồi mang dịch về quê hương ! Và hi vọng rằng sẽ không có những biến cố nặng nề đến với châu lục nghèo đói này. Thế nhưng, bệnh vàng mắt vàng da cướp đi hàng ngàn sinh mạng chỉ chưa đầy một tháng. Mặt đất khô cằn nơi châu Phi nghèo khổ lại rên xiết vì những giọt nước mắt khô và mặn, đau mà trơ lì của những phận người băng qua gió cát và đói nghèo để tồn tại !
Và hằng đêm, tiếng buồn rền vang mặt đất, nơi người đã giết người, nơi máu của oan khiên và đau đớn đã đổ xuống một cách phi lý, không còn tình người, nơi của hàng triệu tấn rác sản sinh từ lòng ích kỉ và vụ lợi đã đổ vào dòng nước uống của đồng loại, nơi của hàng tỉ mét khối nước uống của con người, nước sinh hoạt và nước cho cây cối, mùa màng, thiên nhiên, vạn vật đã đã bị lòng ích kỉ chặn đứng. Tội ác này rồi sẽ phải trả giá. Nhưng đợi đến khi kẻ thủ ác trả giá thì có không biết bao nhiêu sinh mệnh, số phận đã đổ gục trong hạn hán.
Rõ ràng, ở đây, hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long là thứ hạn mặn của lòng ích kỉ và tội ác con người. Mà cụ thể, chính quyền Trung Quốc hiện tại phải chịu trách nhiệm về điều này. Bởi khi thế giới con người đã rộng mở vòng tay nhân ái, anh không thể viện lý do vì lợi ích của một nhóm nhỏ trong dân tộc của anh mà đè nén, cắt đứt mạch sống của dân tộc khác ! Và, việc chặn đứng dòng chảy, nếu xét về bản chất, đó cũng là hành vi xâm lược. Bởi mục tiêu cuối cùng của xâm lược là chiếm lãnh thổ, tài nguyên. Ở đây, anh chặn đứng dòng tài nguyên của quốc gia, dân tộc khác và biến một vùng sinh thái trở thành vùng đất chết thì còn đáng sợ và tội ác còn ghê gớm hơn cả xâm lược !
Đã nhiều đêm, mặt đất buồn bởi lòng tham của kẻ này và sự nhẫn nhục của người khác, cả tội ác và sự chịu đựng đều không xứng đáng tồn tại trên mặt đất này. Bởi mặt đất này chỉ trở nên sinh động khi lòng yêu thương, sự chan hòa với thiên nhiên, vạn vật được xem trọng, được đặt lên thành ý nghĩa sống còn hay tồn tại. Rất tiếc, đã nhiều đêm, tiếng buồn cứ vang vọng nơi mặt đất này. Và con người cứ phải cúi mặt, lầm lũi chịu đựng mà đi.
Đến bao giờ con người ngẫng mặt như một con người lương thiện và có lòng tự trọng thì ắt hẳn, lúc ấy chúng ta không phải hoang mang hay bất an, lo lắng điều gì nữa. Bởi lúc ấy, lòng trắc ẩn và yêu thương đã trở lại, nó trở lại một cách tự nhiên, hiền hòa và không nhân danh bất kì thứ chủ thuyết nào ! Đơn giản, yêu thương là yêu thương !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 05/03/2020b (VietTuSaiGon's blog)
Chúng ta, những người Việt có lương tâm, đã đang và vẫn còn rất đau đớn, phẫn uất trước sự kiện Đồng Tâm hôm 9/1/2020. Bốn cái chết vô lý không thể nào hiểu và lý giải được. Mọi thông tin đều bất nhất, xuyên suốt là sự giả dối và tàn nhẫn của nhà cầm quyền. Hung bạo, mờ ám khi "hành quyết" một cụ già 84 tuổi bị tàn tật đã là giới hạn cuối cùng chưa ? Điều gì đảm bảo là chuyện này không lặp lại ? Nhà cầm quyền sẽ bớt hung bạo trong tương lai ? Hay chúng ta không còn gì để mất, để đau ? Đáng phẫn nộ là thậm chí đã chết nhưng gia đình cụ Kình vẫn bị mất luôn cả tiền phúng điếu.
Ngay cả tiền phúng điếu của cụ Kình vẫn bị chính quyền phong tỏa.
Mổ xẻ nỗi đau khi cơn đau chưa dứt chắc sẽ đau thêm. Tôi mong mọi người thứ lỗi mà chịu đựng. Tôi thành thực mong mọi người vẫn còn biết đau hơn là hoàn toàn không biết đau nữa như trường hợp của thân nhân cụ Kình và ba người lính cảnh sát cơ động trong lực lượng đàn áp của nhà cầm quyền.
Cần khẳng định, quyền tự vệ chống lại sự xâm phạm tới thân thể tính mạng kể cả bằng bạo lực là chính đáng. Nhưng nhìn vấn đề trên phương diện đấu tranh cho thắng lợi thì quyết định : "Phải giữ đất, cho dù có hy sinh, đổ máu !" của cụ Kình là sai và tuyệt vọng. Sai bắt đầu từ việc đặt giá trị của đất cao hơn máu và con người. Sai này có nguồn gốc từ nền tảng tư tưởng chính trị. Cứu cánh của chính trị là con người chứ không phải biến con người thành phương tiện, vật hy sinh cho chính trị. Cộng sản chính là thủ phạm gieo rắc nhận thức độc ác này. Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố "…dù hy sinh tất cả, dù phải đốt cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập…". Cụ Kình, thân nhân cụ và dân làng thôn Hoành đã phải trả giá quá đắt cho nhận thức chính trị này. Điều đáng lo hơn là ngay giới khoa bảng, các nhà đấu tranh phần đông vẫn chưa nhận thức ra được điều này.
Cũng có thể câu nói của cụ Kình không có tính hiện thực, vì trước đó cụ vẫn kiên định lập trường đấu tranh ôn hòa. Câu nói chỉ là đòn cân não để ngăn chặn sự leo thang của nhà cầm quyền, nhưng hệ quả của nó là những lời thách thức tiếp theo của những người trong nhóm đồng thuận.
Quan sát Đồng Tâm cả quá trình dài cho đến nay tôi vẫn nhìn nhận dân Đồng Tâm là những người nông dân hiền lành, chỉ mong muốn một cuộc sống bình yên. Tâm lý bạo lực leo thang trong họ chính là do nhà cầm quyền đã dồn họ vào con đường cùng.
Đấu tranh bạo động với nhà cầm quyền cộng sản có cơ may thành công không ? Tôi khẳng định là không. Trước hết bạo lực và khủng bố là sở trường của Đảng cộng sản. Ở Việt Nam chúng ta hiện nay không có bất kỳ lực lượng bạo lực nào khác ngoài cộng sản. Sự hình thành bạo lực tự phát như Đồng Tâm chỉ có giá trị cung cấp cho nhà cầm quyền một cơ hội để lấp liếm và bào chữa cho các hành động bạo lực của họ. Một điều chắc chắn là với phương pháp đấu tranh bạo động thì sự thiệt hại lớn nhất luôn là người dân dù họ đứng về phía nào. Kẻ chủ mưu hay nguồn gốc của cái ác không chịu sự thiệt hại trực tiếp của bạo động.
Ở bất cứ quốc gia văn minh nào thì Đồng Tâm là một tranh chấp dân sự, sẽ được giải quyết theo một quy trình chặt chẽ, rõ ràng và minh bạch theo đúng qui định của pháp luật. Nhưng hiện tượng Đồng Tâm ở Việt Nam là một vấn đề chính trị. Cố gắng coi vấn đề Đồng Tâm chỉ là vấn đề tham nhũng của quan chức địa phương chứ không phải vấn đề của hệ thống giúp đảng luôn đúng. Tiếc thay việc dân sự hóa vấn đề chính trị, cũng không giúp gì được họ.
Lịch sử 75 năm khủng bố trắng dưới thời cộng sản và độc quyền chính trị dẫn đến nhận thức chung của người dân rất sai về chính trị. Hệ quả của nó là người dân né tránh chính trị, né tránh cái gốc của vấn đề. Ngay cả những người có kiến thức khoa bảng mà không có nhận thức đúng về chính trị thì cũng cho rằng chính trị là thủ đoạn, là nhơ bẩn. Có những người tuyên bố đấu tranh vì quyền con người, chứ không tham gia đấu tranh chính trị như một sự thanh cao.
Đã đến lúc cần dứt khoát với nhận thức sai lầm này. Đặc biệt giới tranh đấu cần đoạn tuyệt với lý luận loanh quanh, né tránh đấu tranh chính trị. Phải khẳng định đấu tranh chính trị là quyền chính đáng của mọi người. Cần rũ bỏ áo khoác tổ chức xã hội dân sự cho mục đính chính trị. Cần khẳng khái khẳng định đấu tranh chính trị là nỗ lực cải tạo xã hội, là hành động cao thượng, chấp nhận đối đầu với gian nguy vì tương lai dân tộc.
Đồng Tâm, Văn Giang, Thủ Thiêm, Lộc Hưng… hay thảm kịch quốc gia với 39 cái chết thương tâm trong thùng lạnh khi vượt biên trái phép vào Anh…đều có nguyên nhân từ thể chế chính trị. Mọi cố gắng cá nhân hay giới hạn trong một tập thể nhỏ bé, chỉ đấu tranh cho quyền lợi trực tiếp đều khó có cơ hội thành công. Việc tuyên bố Đồng Tâm chỉ là việc riêng của người dân Đồng Tâm là hành động tự cô lập mình. Chúng ta hiểu và cảm thông tại sao người dân Đồng Tâm thông báo như vậy. Trong những video cuối cùng nhóm đồng thuận đã công khai kêu gọi sự hiệp thông không chỉ người dân trong và ngoài nước mà còn cả quốc tế, một chuyển biến lớn về nhận thức đấu tranh.
Căn bệnh né tránh, không liên quan, tự kiểm duyệt không chỉ có trong những người nông dân, những cá nhân như Hoàng Mỹ Uyên (một người tham gia biểu tình năm 2016) mà có cả trong giới đấu tranh. Có nhiều lý do cho lựa chọn đó nhưng cũng không thể loại trừ lý do thiếu nhận thức về chính trị. Họ đã không nhìn thấy tổng quan vấn đề, không có phương án khả thi. Họ chỉ hy vọng có nhiều Đồng Tâm để làm chế độ sụp đổ.
Thực tế Đồng Tâm không phải vấn đề mới, nó là vấn đề đã diễn ra trong suốt 75 năm ở Miền Bắc và 45 năm ở Miền Nam. Với Cải cách ruộng đất, đánh tư sản, "địch thì cho đi đày, nhà địch thì ta ở"… mọi phản kháng và sự đấu tranh mang tính cá nhân, nhỏ lẻ thiếu lãnh đạo với đường lối sai lầm đều dẫn đến bế tắc và thất bại.
Giải bài toán Đồng Tâm là giải bài toán quốc gia, đó chính là lộ trình đấu tranh có tổ chức, có dự án chính trị và một đội ngũ nhân sự chính trị thật sự có hiểu biết lẫn quyết tâm. Để những vụ việc đau lòng như Đồng Tâm không còn xảy ra trên đất nước Việt Nam thì trí thức và người dân phải ủng hộ cho một giải pháp mới, ngoài giải pháp hiện hành của đảng cộng sản Việt Nam.
Đỗ Xuân Cang
(28/1/2020)
Tuy sự kiện Đồng Tâm vẫn chưa ngã ngũ nhưng xét về mặt chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đang đi từ thất bại này đến thất bại khác...
Hình ảnh vụ đối mặt giữa dân và công an tại Đồng Tâm.
Bởi bất tín nên bất tin
Thất bại đầu tiên là dù có một núi qui định và một chuỗi cơ quan đảm trách vai trò tiếp nhận - giải quyết các khiếu nại – tố cáo, trải đều từ địa phương đến trung ương nhưng dân chúng xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vẫn rào làng, bắt giữ 38 người, vừa cảnh sát cơ động, vừa công an, viên chức địa phương làm con tin,… đòi phải giải quyết minh bạch các khiếu nại – tố cáo của họ. Điều đó cho thấy, tất cả những cơ quan vừa kể hoạt động không hiệu quả.
Sự kiện Đồng Tâm góp thêm một bằng chứng nữa cho thấy, những tuyên bố, cam kết tạo lập, vận hành một "chính quyền của dân, do dân, vì dân", theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" chỉ là khẩu hiệu. Chẳng khẩu hiệu nào có thể duy trì "trật tự, trị an" để tập hợp các nguồn lực "xây dựng xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh". Đó là thất bại thứ hai.
Trong sự kiện Đồng Tâm, dư luận cả trong lẫn ngoài Việt Nam – rất nhất quán khi nhận định, hệ thống công quyền Việt Nam "mị dân" và "khi dân".
Không phải tự nhiên mà Giáo sư Tương Lai, cựu Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam, cựu Tổng Biên tập Tạp chí Xã hội học, thành viên trong nhóm tư vấn cho hai đời Thủ tướng Việt Nam (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải), cảnh báo công chúng qua VOA : "Sẽ còn nhiều ‘lươn lẹo’, ‘mưu mẹo’ trong vụ Đồng Tâm". Cũng không phải tự nhiên mà có hơn 1.000 người chọn "like" và 360 người chia sẻ cảnh báo đó của Giáo sư Tương Lai từ trang facebook của VOA Việt ngữ.
Cảnh báo của Giáo sư Tương Lai qua VOA được gửi ra ngày 17 tháng 4 và ngày 18 tháng 4, hệ thống công quyền Việt Nam minh định, cảnh báo ấy có… giá trị thực tế.
Sau khi dân chúng xã Đồng Tâm phóng thích 15 cảnh sát cơ động, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội họp báo, thông báo, yêu cầu của dân chúng Đồng Tâm (xem lại việc biến "đất nông nghiệp" thành "đất quốc phòng" rồi tổ chức "cưỡng chế, thu hồi") "không có cơ sở để xem xét".
Một Phó Giám đốc của Công an thành phố Hà Nội nói thêm, xã Đồng Tâm có tới ba vụ án đã được khởi tố. Ngoài chuyện Công an thành phố Hà Nội khởi tố vụ án "gây rối trật tự công cộng", còn có Cục Điều tra Hình sự của Bộ Quốc phòng khởi tố vụ án "chống người thi hành công vụ" và vụ án "vi phạm các quy định về sử dụng đất đai". Trong lịch sử tư pháp Việt Nam, hình như chưa bao giờ các cơ quan điều tra của cả công an lẫn quân đội thi nhau khởi tố, chia nhau cùng điều tra về một nhóm "đối tượng" như vậy !
"Đối thoại" – một mơ ước viển vông ?
Trong sự kiện Đồng Tâm, một số viên chức hữu trách nhiều lần nhắc đến "đối thoại". Nhiều facebooker cũng bày tỏ hy vọng sẽ có "đối thoại" giữa đại diện chính quyền và dân chúng Đồng Tâm. Sau khi vào Đồng Tâm trò chuyện với những người dân đang tử thủ, một phóng viên của báo điện tử VnExpress tên là Bảo Hà cũng nhấn mạnh, dân chúng Đồng Tâm đang chờ đợi "một cuộc đối thoại thực sự công khai". Cô khẳng định, dân chúng Đồng Tâm muốn nói và mong được "lắng nghe"…
Hệ thống công quyền có muốn "đối thoại", có muốn "lắng nghe" không ? Đến nay, câu trả lời vẫn là không !
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội mới khẳng định, cưỡng chế, thu hồi đất là đúng. Đất mà hệ thống công quyền tổ chức cưỡng chế thu hồi không phải "đất nông nghiệp" mà là "đất quốc phòng", dứt khoát phải thu hồi để giao cho Viettel – một tập đoàn viễn thông thuộc Bộ Quốc phòng, thực hiện một… "dự án quốc phòng".
Dù sao cũng phải… thông cảm với hệ thống công quyền, "một cuộc đối thoại thực sự công khai" sẽ rất khó để giải đáp thỏa đáng những thắc mắc kiểu như cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi – nhân vật được xem là người đại diện cho dân chúng xã Đồng Tâm, từng nêu ra khi "đối thoại" với các viên chức hữu trách, các sĩ quan quân đội hồi cuối năm ngoái : Tại sao lại thu hồi, không bồi thường, rồi bỏ hoang hàng trăm héc ta "đất quốc phòng", mặc cho một đơn vị quân đội "phát canh, thu tô" trong hàng chục năm ? Tại sao đã từng bàn giao một phần trong số 350 héc ta "đất quốc phòng" cho chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho nhiều viên chức nhân danh "hoàn trả" để kiếm chác, nay lại đột nhiên "cưỡng chế, thu hồi" tiếp ?
Chẳng lẽ lại trả lời : Không khoác danh nghĩa "đất quốc phòng", làm sao có thể "cưỡng chế, thu hồi" mà không cần thương lượng về mức bồi thường sao cho thỏa đáng ? Đã không thể trả lời thì tổ chức "một cuộc đối thoại thực sự công khai" để làm gì ?
Tuy hệ thống công quyền cương quyết không tiết lộ "dự án quốc phòng" mà Viettel sẽ thực hiện trên "đất quốc phòng" ở xã Đồng Tâm là gì nhưng dường như đã hiểu rất sâu về các "dự án quốc phòng" trên "đất quốc phòng", hàng trăm người sử dụng Internet tại Việt Nam đã thử search trên Google và họ tìm thấy một tin cũ trên báo điện tử VnExpress hồi tháng 11 năm 2011 : Bộ Quốc phòng đề nghị chuyển 176 héc ta trong số 300 héc ta đã thu hồi của dân xã Đồng Tâm hồi thập niên 1960 làm sân golf để "luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự".
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng, vì Bộ Quốc phòng Việt Nam rất kiên định với mục tiêu "luyện tập thể thao, giao lưu và đối ngoại quân sự", khăng khăng thủ giữ 157 héc ta đất ở phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất làm sân golf 18 lỗ, do không còn chỗ để mở rộng, hệ thống công quyền Việt Nam đã quyết định đi vay 15,8 tỉ Mỹ kim để xây dựng một phi trường quốc tế ở Long Thành – Đồng Nai.
Liệu lợi ích của 6.000 dân Mỹ Đức có lớn bằng lợi ích của 100 triệu dân Việt ? Chắc chắn là không. Tù khi "trung với Đảng" trở thành tiêu chí hàng đầu của quân đội nhân dân Việt Nam, các "dự án quốc phòng" luôn được ủng hộ để thực thi bằng mọi giá.
Ở cuộc họp báo do Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hà Nội và Công an thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức về sự kiện Đồng Tâm, Thiếu tướng Bạch Thành Định, tuyên bố "sẽ nghiêm trị những kẻ chủ mưu, những người cầm đầu, xuyên tạc sự thật để kích động gây rối nhưng sẽ khoan hồng với những người có ý thức khắc phục hậu quả". Một facebooker tên là Nguyễn Lân Thắng nhắn ông Định nên nói năng cẩn trọng, tuy đã phóng thích 15 song dân chúng Đồng Tâm vẫn còn cầm giữ 21 người, thành ra "phát biểu linh tinh, doạ dẫm, dân nổi điên thì 21 gia đình sẽ nhè đầu ông mà nã đấy".
Có thể thắng bất cần nhân tâm ?
Thất bại cuối cùng và cũng là thất bại lớn nhất, dường như hệ thống công quyền Việt Nam không nhận ra mình đã thất bại.
Đến nay, các viên chức hữu trách vẫn khăng khăng khẳng định, việc trả tự do cho bốn người dân Đồng Tâm, bị bắt ngày 15 tháng 4 với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" không phải là "thỏa hiệp" để "trao đổi" 15 cảnh sát cơ động, cho dù 15 cảnh sát cơ động này chỉ có thể trình diện thượng cấp sau khi bốn người dân Đồng Tâm đã về với gia đình của họ. Tướng Định khẳng định, sở dĩ Công an Hà Nội "thay đổi biện pháp ngăn chặn" (cho tại ngoại) vì cả bốn "đã nhận thức được hành vi sai trái của mình".
Dẫu tướng Định khẳng định như thế thì vẫn chẳng có gì là chắc.
Trong cuộc họp báo ngày 18 tháng 4, cả Ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hà Nội lẫn Công an thành phố Hà Nội, cùng cáo buộc : "Đáng chú ý từ giữa tháng 2 năm 2017 đến nay, khi Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel tổ chức triển khai việc thi công dự án A1 thì số công dân khiếu kiện tại địa bàn tổ chức nhiều hoạt động gây mất an ninh tại địa bàn và khu vực đất quốc phòng đó với tính chất phức tạp ngày càng tăng".
Hồi tháng 2 năm 2017, báo Nhân Dân viết khác. Trong bài "Luồng gió mới ở Đồng Tâm", báo Nhân Dân bảo rằng : "Bộ máy chính quyền, đoàn thể ở xã Đồng Tâm hoạt động ổn định và từng bước được nhân dân tín nhiệm, ủng hộ. Đây là nền tảng quan trọng để địa phương phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong năm 2017". Tờ báo này còn dự đoán : "Xã Đồng Tâm sẽ phát triển vượt bậc. Trước mắt, xã quyết tâm hoàn thành nhanh chóng công tác dồn điền đổi thửa để tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân !".
Giữa lúc các viên chức hữu trách thề sẽ "nghiêm trị" những người dính líu đến sự kiện Đồng Tâm thì một số facebooker nêu ra một nhận định mới, với hy vọng có thể giải thích tại sao cảnh sát cơ động – vốn được tuyển chọn, huấn luyện, trả lương để trấn áp, chống bạo động lại bị dân chúng cầm giữ nhiều đến khó ngờ như thế.
Facebooker Nguyễn Thông cho rằng, hình như đã qua cái thời "bảo đi là đi, bảo đánh là thắng nữa" nên cảnh sát cơ động "ngoan ngoãn để dân bắt", tránh chuyện phải "đánh nhau với dân". Facebooker vốn là nhà báo đã nghỉ hưu này tin rằng, đó là "mối lo khó nói" của giới cầm quyền, khi "người lính lăn tăn" về chuyện "trong tay cầm khẩu súng dài, ngắm đi ngắm lại bắn ai thế này".
Không phải ai cũng đồng tình với nhận định đó. Một facebooker tên là Phạm Hưng cho rằng, những video clip ghi lại cảnh xung đột giữa công an với công dân xã Đồng Tâm cho thấy, cảnh sát không đầu hàng, không ngoan ngoãn thì khó mà lường được chuyện gì sẽ xảy ra vì dân chúng đang phẫn nộ do mất nhà, mất đất. Theo facebooker Phạm Hưng, "còn quá sớm để khen những cảnh sát, công an bị bắt đứng về phía nào".
Trong cuộc tranh luận về nội dung vừa kể, facebooker Phạm Hưng là thiểu số. Facebooker Binh Thanh cũng tin rằng : Nếu mệnh lệnh chỉ phục vụ lợi ích của một số nhóm, không phục vụ cho lợi ích của nhân dân thì cảnh sát cơ động "ngoan ngoãn" trong vòng tay của nhân dân là chuyện tất nhiên…
Chưa rõ ai đúng ai sai nhưng chắc chắn những video clip ghi lại các cuộc phản kháng càng ngày càng nhiều, theo thời gian càng lúc càng dữ dội, không chỉ riêng ở Đồng Tâm, cũng như sự cuồng nộ càng lúc càng cao của đủ mọi giới, chắc chắn sẽ khiến các thành viên của lực lượng vũ trang và thân nhân của họ phải suy tư nhiều hơn về thân phận của mình.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 19/04/2017
Sự kiện Đồng Tâm - Mỹ Đức đã và đang chiếm hết sự quan tâm của mọi người.
Người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức không muốn gì hơn là cuộc sống làm ăn yên ổn.
Qua những tiếng nói đầy nước mắt và phẫn uất của những người bị dồn đến đường cùng, hiếm hoi lọt qua vòng kiềm tỏa của nhà cầm quyền, cho chúng ta một cảm giác bi thương. Người dân không muốn gì hơn là cuộc sống làm ăn yên ổn.
Đã năm ngày mất ăn mất ngủ, đã năm ngày người dân sống một cuộc sống khác, căng thẳng lo lắng trước sự bấp bênh từng giây từng khắc phía trước. Năm ngày đầy ắp các sự kiện dối trá lừa lọc đầy dã tâm từ phía nhà cầm quyền. Mà tiền lệ là nhân tai (tai ương do con người gây ra) Thái Bình 1997 với Phạm Quý Ngọ, Tiên Lãng với tướng Ca, Cồn Dầu với Nguyễn Bá Thanh, và hàng trăm sự kiện đổ máu của bao người dân, khiến cho bất kỳ ai theo dõi không khỏi lo lắng hãi hùng.
Một đêm với nhiều dự cảm không lành với những sự kiện cắt điện và côn đồ, nghe nói cả máu đổ nữa, đã qua đi. Nhưng nỗi lo phía trước còn nguyên vẹn, mà niềm hy vọng sự thức tỉnh từ phía nhà cầm quyền dường như không còn nữa. Chính quyền quyết tâm chống lại nhân dân. Sự im lặng và lảng tránh kéo dài từ phía chính quyền các cấp là dấu hiệu không lành.
Một cuộc chiến không cân sức giữa những người nông dân hiền lành và tay không với một lực lượng an ninh và công an chuyên nghiệp được trang bị vũ khí đến tận răng. Lực lượng trấn áp này còn được cả một guồng máy bạo lực toàn trị khổng lồ nhà nước làm hậu thuẫn, chúng có thể huy động cả quân đội, côn đồ và truyền thông chống lại người dân. Đối lại, người dân chỉ có tình đoàn kết, lòng yêu thương và sự chính nghĩa. Sự phản kháng trước bất công người dân là sự tự vệ chính đáng. Lương tâm nhân loại đang đồng hành cùng nhân dân Đồng Tâm - Mỹ Đức.
Cuộc đấu tranh của người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức đã vượt khỏi làn ranh tranh chấp kinh tế dân sự. Tầm vóc của cuộc đấu tranh này vượt ngoài mong muốn của những người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức, nó đang biến thành cuộc đối đầu giữa người dân và thể chế, giữa quyền sống và quyền cai trị.
Chính nghĩa của người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức chỉ vỏn vẹn là sự thành tâm. Bất chấp quá khứ bị sử ép, bất chấp hiện tại bị tấn công, bất chấp tương lai bị lường gạt, người dân Đồng Tâm - Mỹ Đức tiếp tục thiết tha kêu gọi nhà cầm quyền giải quyết vụ việc trong ôn hòa. Lực lượng Cảnh sát cơ động bị bắt giữ được chăm sóc chu đáo và đối đãi tử tế. Trước bạo lực và lừa dối từ phía chính quyền, nông dân Đồng Tâm - Mỹ Đức vẫn luôn luôn thể hiện tinh thần nhân đạo, sự can trường đáng kính trọng.
Tại sao có vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức ? Chắc chắn đây không phải là mong muốn của Ba Đình Hà Nội. Cuộc đấu đá quyền lực ở thượng tầng ngày càng ráo riết, những cuộc nổi dậy chống bất công và đàn áp đang xảy ra ở khắp nơi mới chính là nỗi lo thường trực của những người đang lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam. Mặt khác, thâm hụt ngân sách, nợ công chạm đáy, môi trường ô nhiễm và hàng trăm vấn đề lớn nhỏ khác chưa tìm ra giải đáp là những gánh nặng thường trực trên vai mà Ba Đình, hơn ai hết, không muốn có vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức, cướp nhà Lai Châu, hay biểu tình ở An Giang 19/4/2017.
Đồng Tâm - Mỹ Đức là dấu hiệu mất khả năng kiểm soát của Ba Đình. Ngoài những bổn cũ soạn lại để giải quyết vấn đề trưng thu đất đai do cán bộ các cấp thừa hành áp dụng, sự xuất hiện của tướng Nguyễn Đức Chung chỉ vẽ thêm một vết nhơ trên gương mặt lường gạt của chính quyền. Hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tê liệt.
Nhìn lại quá khứ, Ba Đình luôn đặt sự tồn vong chế độ là ưu tiên cao nhất. Phạm Quý Ngọ, hung thần đàn áp công cuộc rào làng kháng chiến người dân Thái Bình năm 1997, đã được lên chức và bước vào Trung ương Đảng bằng xác của những người đồng hương. Nguyễn Bá Thanh, nổi tiếng về sự tàn bạo áp dụng trong vụ Cồn Dầu và truy tố đồng chí cũ ra tòa trên băng ca xe cấp cứu, được Nguyễn Phú Trọng đưa ra Hà Nội như lưỡi gươm trảm tướng trong đấu trường nội bộ. Cả hai hung thần này đều chết yểu một cách mờ ám.
Còn lại Trần Đại Quang, nổi tiếng trong vụ đàn áp sự nổi dậy của đồng bào thiểu số Tây Nguyên khi làm trưởng ban chỉ đạo Tây Nguyên và thành tích nhiều người chết trong đồn công an khi làm bộ trưởng, ngày nay được đưa lên làm Chủ tịch nước.
Đồng Tâm - Mỹ Đức chỉ là một xã nhỏ không thể so sánh quy mô với Thái Bình hay Tây Nguyên, nhưng Đồng Tâm - Mỹ Đức là một phần lãnh thổ của Hà Nội, thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thời điểm xảy ra cũng khác, tiếng hô đả đảo cộng sản đã công khai và ngày càng nhiều trên đất Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam đang mất sự chính danh, và càng mất thêm trong vụ Đồng Tâm - Mỹ Đức.
Trước kia, Phạm Quý Ngọ tuy là hung thần nhưng được đánh bóng như Lê Lai cứu chúa nên không những không bị hề hấn gì mà còn được thăng quan tiến chức. Nhưng ngày nay thì khác, mạnh tay với Đồng Tâm - Mỹ Đức là tự dán lên mặt mình cái nhãn hung thần, là lên bia miệng và chắc chắn sẽ ơi vào danh sách những người không được đón tiếp trong thế giới tự do phương Tây.
Ba Đình đang trong cơn bế tắc. Ba Đình đang thiếu một Nguyễn Bá Thanh, hay một Phạm Quý Ngọ.
Thái Bình có thể rất ít người biết đến, Tây Nguyên có thể rất ít người quan tâm. Nhưng Đồng Tâm - Mỹ Đức đang nằm trong trái tim của hàng triệu con người Việt Nam.
Hỡi Đảng Cộng sản Việt Nam,
Hãy quay đầu lại với dân tộc khi còn kịp.
Hãy dừng ngay mọi hành vi bạo lực.
Hãy trả lại cho người dân Việt Nam cuộc sống an bình.
Praha 20/04/2017
Đỗ Xuân Cang
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên