Cần sớm có quyết sách bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái Đồng Bằng Sông Cửu Long
Bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái tự nhiên để phát triển bền vững Đồng Bằng Sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long) là tựa đề một bài viết của tác giả Cao Thành Nghiệp trên mạng báo Tiếng Dân ngày 11/10 vừa qua.
Thuyền của người dân trên Sông Hậu, Cần Thơ, Đồng bằng sông Cửu Long hôm 17/7/2017 AFP
Theo tác giả, hệ sinh thái tự nhiên như các rừng tràm ngập nước, sen súng, cỏ năng, cỏ ống, cho tới những dải rừng tràm ngập mặn ven biển với đa dạng sinh học, đang bị tác động nghiêm trọng bởi sự phát triển kinh tế và nông nghiệp hiện thời.
Bên cạnh đó, đất canh tác lúa và đất nuôi trồng thủy sản càng ngày càng tăng khiến cho diện tích rừng tràm và hệ sinh thái rừng tràm tự nhiên dần dầnthuhẹp lại.
Ngoài ra, các hệ sinh thái động thực vật lâu đời trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng dần dà biến mất, chưa kề cảnh quan thiên nhiên biến đổi theo chiều hướng xấu.
Tầm quan trọng của Đồng bằng sông Cửu Long, việc bảo tồn và phát triển, biện pháp bảo tồn hệ sinh thái rừng tràn…là những mục được triển khai một cách chi tiết. Qua đó đưa ra cảnh báo cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển, các dự án trồng mới và tái sinh rừng ngập nước ; nghiêm cấm bao bãi bồi cửa sông để nuôi trồng thủy sản làm hủy hoại tiến trình bồi tụ và phát triển rừng ngập mặn non trẻ của thiên nhiên.
Song song đó, tác giả khẳng định việc tiến hành quy hoạch các khu bảo tồn đất ngập nước, bảo vệ đa dạng sinh học của vùng đất ngập nước đó, bên cạnh những tràm chim tự nhiên, các rừng đặc dụng ngập mặn phòng hộ ven biển có giá trị như lá chắn bảo vệ môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long…đều là những công việc vô cùng thiết yếu.
Nên nhìn nhận thực tiễn tiến hóa rằng môi trường sống thay đổi thì hệ sinh thái bắt buộc thay đổi để thích ứng với điều kiện môi trường sống, là nhận định đầu tiên của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh, chuyên gia khí tượng thủy văn biển, từng làm việc nhiều năm trong Trung Tâm Dự báo Khí tượng-Thủy văn Trung ương, Bộ Tài nguyên Môi trường Việt Nam:
"Với thiên tai hay biến đổi khí hậu là quy luật tự nhiên mang tính toàn cầu, không phân biệt hay có vùng cấm. Nó hoạt động ngẫu nhiên theo qui luật tự cân bằng động (biến đổi) do ảnh hưởng tác động của con người"
"Trong quá trình tự cân bằng này sẽ nảy sinh ra rất nhiều hiện tượng cực đoan bất thường và rất nguy hiểm gây thiệt hại đến kinh tế - xã hội như hạn hán - xâm nhập mặnkéo dài làm cạn kiệt nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long không phải là ngoại lệ. Những hiện tượng này sẽ làm biến đổi môi trường sinh thái, thậm chí có thể một số loài sẽ biến mất hoặc thay đổi để thích ứng với môi trường sống mới".
Người dân đứng trên cánh đồng khô hạn ở Sóc Trăng, Đồng bằng sông Cửu Long hôm 30/3/2016. Reuters
Trong bài viết về môi trường sinh thái của Đồng bằng sông Cửu Long, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh nói tiếp, chỉ nhấn mạnh nhiều ở góc độ riêng về vai trò, sự suy giảm và giải pháp duy trì của hệ sinh thái mà chưa có cái nhìn tổng thể về tương tác với vùng khác hay khía cạnh khác:
"Đồng bằng sông Cửu Long là một phần hạ lưu của hệ thống sông Mê Kông. Vùng Nam bộ của Việt Nam cũng là một trong nhưng phần khác của Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia trong hệ thống lưu vực sông Mê Kông. Do đó, bài toán phát triển kinh tế, an ninh lương thực, an ninh năng lượng thì quốc gia nào cũng quan tâm và chú ý nhằm duy trì thúc đẩy phát triển, nên quốc gia nào cũng có chiến lược riêng"
Thế nhưng bài viết chỉ dừng lại ở dạng đưa ra thông tin mà chưa có hướng giải quyết cụ thể, là nhận xét tiếp theo của Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh:
"Nó chẳng khác nào như việc gọi là "biết rồi, khổ lắm, nói mãi". Vấn đề ở đây là cần có những hành động cụ thể. Thí dụ nếu thiếu nước thì cần có nơi dự trữ nước hay quy hoạch và xây dựng những vùng dự trữ nước, dự trữ sinh quyển, từ đó hệ sinh thái mới được bảo tồn. Cái khó là kinh phí ở đâu, sẽ làm ở nơi nào, ai sẽ làm và ai sẽ chịu trách nhiệm, vào khi vấn đề khôngcòn mới hay xa lạ nữa mà chỉ là chưa thực hiện được thôi".
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, chuyên gia Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Khoa Môi trường & tài nguyên thiên nhiên Đại học Cần Thơ, nói rằng trước tiên ông muốn khẳng định chính sách và luật lệ thì Việt Nam hoàn toàn không thiếu. Đó là Luật Môi trường, Luật Tài nguyên nước, Luật Đa dạng sinh học, vân vân.
Về qui hoạch, ông nói, từ trước Việt Nam có những qui hoạch đơn ngành về nước, đất, môi trường… cho đến giờ là một bản qui hoạch tổng thể hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội Đồng bằng sông Cửu Long từ 2020-2030, tầm nhìn 2050, đang trong giai đoạn hoàn chỉnhvà chờ Hội đồng Chính phủ phê duyệt :
"Bản qui hoạch có sự phát triển về mặt kinh tế, mặt sản xuất nông nghiệp, thủy sản, kể cả môi trường của những vùng phải bảo vệ cẩn trọng hơn.
Tuy nhiên trong điều kiện những quốc gia còn nghèo như Việt Nam, đôi khi từ qui hoạch và chính sách mà đi tới thực tiễn trong các địa phương thì còn những khoảng cách. Những vi phạm do thiếu kiểm soát hay do một số quan chức tiếp tay cho lâm tặc phá rừng chẳng hạn. Những cái phải ngăn chặn bằng luật lệ vẫn còn là câu chuyện về lâu về dài. Tôi muốn khẳng định là tất cả luật lệ đều có sẵn, chỉ vấn đề là thực thi nghiêm túc đến thế nào thôi".
Đối với Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh, phần lớn việc bảo tồn được thực hiện theo kiểu tức thời và ngắn hạn, có nghĩa theo kiểu "đánh trống bỏ dùi", kiểu miếng bánh lớn chia thành nhiều miếng nhỏ, hoặc kiểu tư duy nhiệm kỳ :
"Tôi không phán xét vấn đề về điểm đúng và điểm sai hay cần phát huy hay không cần phát huy, đồng ý và không đồng ý. Bài viết chỉ đưa ra thông tin về hệ sinh thái một cách chung chung".
Vấn đề về thay đổi hệ sinh thái ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam hay bất kỳ nơi nào trên thế giới, vẫn lời ông Nguyễn Quốc Trinh, đều là bình thường trong chuỗi tiến hóa.
Cánh đồng hoa ở Sa Đéc, Đồng bằng sông Cửu Long hôm 22/1/2021. AFP
Vai trò trọng yếu của Đồng bằng sông Cửu Long trong đà phát triển bền vững của đất nước là điều không thể chối cãi, bài viết ở đây phản ảnh một cảnh báo cấp thiết, những bài học phải được nhắc đi nhắc lại. Nhà nghiên cứu Lê Anh Tuấn nhận xét :
"Đồng bằng sông Cửu Long, hạ lưu của con sông lớn Mê Kông, là vùng đất tiếp giáp biển có diện tích trên bốn triệu héc-ta và nhiều hệ sinh thái khác nhau từ vùng ngập nước liên quan tới rừng ngập mặn.
Chính sự đa dạng sinh học từ vùng nước ngọt ngập sâu cho tới vùng nhiễm mặn tiếp giáp với biển, rất nhiều động vật, thực vật khác nhau, đã hình thành ra những vùng đất có giá trị bảo tồn và giá trị về mặt khoa học, môi trường.
Vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn có những khu dự trữ sinh quyển, chạy dài từ Kiên Giang ra tận đất mũi Cà Mau, là những di sản quí báu của thiên nhiên dành cho con người. Tuy nhiên nó đồng thời bị tác động do tự nhiên cũng có mà do con ngườicũng có.
Những tác động tự nhiên mang tính toàn cầu như hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm thay đổi sinh cảnh, làm đất bịthuhẹp lại hoặc được mở rộng ra.
Về những tác động từ con người, sự thay đổi dòng chảy trên sông Mê Kông, do những hoạt động thủy điện ở thượng nguồn, đã ảnh hưởng rất lớn đền việc trồng lúa hay nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó còn những yếu tố về ô nhiễm do sinh hoạt hay sản xuất làm cả hệ sinh thái bị đe dọa.
Nếu không có giải pháp chống đỡ vừa biến đổi khí hậu vừa những hoạt động của con người thì cả nột vùng canh tác và sản xuất ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng bị de dọa".
Dưới mắt Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh, hiện tượng biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi sinh từ những khu vực sinh sống, canh tác và sản xuất của con người… là chuyện bình thường trên thế giới, thì ‘cái rất không bình thường’ cho Việt Nam là một vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị mất đi sự thịnh vượng trù phú của nó bằng tất cả những tác động theo chiều hướng xấu như đã nói :
"Nhưng để có hệ sinh thái biến đổi, thay đổi tích cực thì cần thiết phải có những quyết sách đúng đắn và những con người công tâm thực hiện vì lợi ích chung".
Nếu không thì sự hủy diệt hệ sinh thái sẽ diễn ra nhanh hơn hơn dự kiến, dẫn đến tình trạng hoang mạc hóa như một số vùng đất trên thế giới đã từng bị như vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Trinh kết luận.