Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đội ngũ điệp viên nằm vùng được Putin cài cắm công phu ở phương Tây

Với Tim Walt làm phó, Kamala Harris nghiêng về phía tả. Ở Gaza, Yahya Sinwar trở thành thủ lãnh Hamas ; tại Bangladesh, giải Nobel Muhammad Yunuk được chọn làm lãnh đạo lâm thời. Đó là những chủ đề chính được báo chí đề cập nhiều hôm 08/08/2024. Về vụ trao đổi tù nhân giữa Nga và phương Tây vào tuần trước, Le Monde nói thêm về "Những điệp viên nằm vùng được Putin biệt đãi".

diepvien1

Cặp vợ chồng điệp viên Artiom Dutsev, Anna Dutseva (trái) và các con được tổng thống Nga Vladimir Putin đón tận cầu thang máy bay ở phi trường Vnukovo, Moskva khi được trao trả ngày 01/08/2024. via Reuters - Mikhail Voskresensky

Mang danh tính giả, nhiều năm ẩn trong vỏ bọc

Trong số những người Nga được trao trả, có một cặp vợ chồng từ lâu sống ở phương Tây với danh tính giả. Cách làm này có từ thời Liên Xô cũ. Artiom Dulsev và Anna Dulseva cùng với hai đứa con được Vladimir Putin đích thân đón ở phi trường Vnukovo, Moskva với một bó hoa lớn, với những cử chỉ thân ái chưa từng thấy.

Hai vợ chồng sống tại Ljubljana, thủ đô Slovenia với tên giả Argentina là Ludwig Gisch và Maria Rosa Mayer Munos. Các nhà điều tra tìm thấy tại nhà họ các máy tính trang bị hệ thống có thể liên lạc với trung tâm ở Moskva, mà các kỹ thuật viên Slovenia cũng như Mỹ không thể giải mã được. Hàng trăm ngàn euro tiền mặt được giấu trong một ngăn bí mật ở tủ lạnh. Trong gia đình chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha, trẻ em không biết tiếng Nga.

Hồi năm 2010, FBI cũng đã bắt giữ 10 điệp viên Nga trong đó có một cặp nằm vùng đã nhập tịch, con cái chỉ biết tiếng Anh. Phát ngôn viên Dimitri Peskov nói rằng hãy hình dung những người này phải học nói và suy nghĩ hàng ngày bằng ngoại ngữ, không được bảo vệ về ngoại giao. Vladimir Putin cũng từng nhấn mạnh, từ bỏ cuộc sống tại Nga và người thân suốt nhiều năm trời, không phải ai cũng làm được. Việc sử dụng các điệp viên "lậu" có từ thời Stalin. Một số còn được in hình lên tem thư, như Konon Molody, hoạt động dưới tên George Gordon Smith, doanh nhân Canada.

Được đào tạo tại Nga, đôi khi lập gia đình theo nhu cầu của "cơ quan", họ dành nhiều năm trời để tạo dựng một danh tính khác, đòi hỏi đầu tư khổng lồ của Nhà nước. Trước hết là mua một tên giả, như một trẻ sơ sinh chết lúc 7 tuần tuổi ở Montréal, hay một trẻ em qua đời tại một làng nhỏ Hy Lạp cách đây 30 năm cho "Rosa Mayer Munos". Rồi sau đó lo nơi ăn chốn ở, trang bị, một nghề nghiệp bình phong... trong nhiều năm. Do vậy đưa về nước bằng mọi giá khi bị bắt là thông điệp cho những người giấu mặt còn ở lại.

Ngược với việc tiếp đón trọng thể các điệp viên nằm vùng, Kremlin có cách để sỉ nhục các nhà đối lập được trao trả. Nhà đấu tranh Vladimir Kara-Murza đến nơi chỉ mặc chiếc quần đùi, đôi dép nhựa và thẻ căn cước, còn Ilya Yashin trong bộ đồ tù nhân, hành lý chỉ vỏn vẹn một bàn chải và kem đánh răng.

Moskva tố cáo Kiev xâm nhập lãnh thổ Nga

Từ thứ Ba 06/08, các trận đánh diễn ra ở vùng Kursk thuộc Nga nằm ở biên giới phía bắc Ukraine. La Croix dẫn lời Bộ quốc phòng Nga nói rằng vào lúc 17 giờ địa phương, gần 300 quân nhân Ukraine cùng với 20 xe thiết giáp và 11 xe tăng thuộc lữ đoàn cơ giới 22 đã vượt qua biên giới. Cũng theo Kremlin, đến trưa thứ Tư các cuộc đụng độ vẫn tiếp diễn, nhưng với sự tham gia của "1.000 binh sĩ Ukraine". Vladimir Putin tố cáo "một sự khiêu khích mới ở quy mô lớn", quân đội Ukraine "nổ súng bừa bãi với đủ loại vũ khí kể cả rốc-kết, vào nhà dân và xe cấp cứu".

Tuy Nga khẳng định đã "chặn được địch không cho tiến vào sâu", nhưng dường như Kremlin bị bất ngờ. Chính quyền địa phương hơn 24 giờ sau mới thông báo di tản nhiều ngàn dân, cho biết có 5 thường dân chết và 28 bị thương. Trên bản đồ của một trang web ủng hộ Ukraine, các quân nhân của Kiev đã chiếm được một số vùng đất, nhất là ở thành phố Sudja. Phía Ukraine cũng yêu cầu 6.000 dân sơ tán. Nếu tin chiếm trạm khí đốt Sudja được xác nhận, sẽ rất đáng ngại cho Moskva vì khí đốt Nga từ đây được đưa xuyên qua Ukraine, đến Slovakia, Hungary, Áo ; và chưa chi giá khí đốt trên thị trường Châu Âu đã tăng 4,8 % - theo Bloomberg.

Lật đổ độc tài, hy vọng chớm nở ở Bangladesh

La Croix nhận xét, hiếm khi một khôi nguyên Nobel hòa bình lại nắm được quyền lực, nhưng đây lại là trường hợp của Muhammad Yunus, người được mệnh danh là "nhà băng của người nghèo" vì phổ biến mô hình vi tín dụng. Ông vừa chấp nhận lãnh đạo chính phủ lâm thời Bangladesh, sau khi thủ tướng Sheikh Hasina cầm quyền từ 15 năm qua đã phải chạy trốn hôm thứ Hai trước làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Tổng tham mưu trưởng quân đội từ chối cho lực lượng can thiệp, và tổng thống giải tán Quốc hội, tám tháng sau cuộc bầu cử bị nghi ngờ gian lận. Như vậy chính quyền không bị lật đổ bằng đảo chánh mà bằng một sự trừng phạt được quyết định khẩn cấp.

Les Echos nói thêm, việc chọn ông Yunus là đồng thuận giữa tổng thống Mohammad Shahabuddin, mà vai trò chỉ mang tính tượng trưng, các lãnh đạo cao cấp của quân đội và các thủ lãnh sinh viên của liên minh Students Against Discrimination. Sự sụp đổ của "người đàn bà thép" Sheikh Hasina khiến Bangladesh rơi vào bất định, nhưng quân đội đang tạm cầm quyền có vẻ giữ lời hứa. 

Các sinh viên biểu tình bị bắt và nhiều nhà đối lập bắt đầu được trả tự do. Cựu thủ tướng Khaleda Zia, 78 tuổi, đối thủ của Sheikh Hasina, bị kết án 17 năm tù vì tội tham nhũng năm 2018 cũng được thả. Giám đốc cảnh sát quốc gia Chowdhury Abdullah Al-Mamun bị cách chức : khoảng 400 người biểu tình bị sát hại, một số bị bắn thẳng. Sau khi Hasina bỏ trốn sang Ấn Độ, cảnh sát bị đám đông bao vây, đường phố Dacca hôm thứ Ba không còn nhân viên công lực nào vì sợ bị trả thù.

Sinh viên tự phụ trách điều khiển giao thông ở một số giao lộ, và bảo vệ các công sở tránh nạn cướp bóc. Một hôm trước đó người biểu tình đã tràn vào tư dinh của Sheikh Hasina, đốt cháy nhà cũ của cha bà là Sheikh Mujibur Rahman, vốn là người hùng trong chiến tranh giành độc lập. Bản thân quân đội cũng thanh lọc hàng ngũ, ngưng chức và giáng cấp một số sĩ quan cao cấp được cho là quá thân cận với Sheikh Hasina.

Theo La Croix, việc ông Muhammad Yunus, 84 đứng ra lãnh đạo là một hành động can đảm. Bị tư pháp dưới quyền Sheikh Hasina sách nhiễu, nay ông muốn tổ chức bầu cử công bằng, sau khi đã giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói. Nhiệm vụ sắp tới không dễ dàng, tự do bị hạn chế ngặt nghèo dưới thời Sheikh Hasina. Và nửa thế kỷ sau khi độc lập, Bangladesh đối mặt với vô số thử thách : đa dạng hóa nền kinh tế, giảm cách biệt giàu nghèo, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Nhân vật Muhammad Yunus là một ưu thế trên con đường chông gai này.

Sinwar đứng đầu Hamas : Thông điệp cứng rắn cho Israel

Tại Trung Đông, việc kẻ chủ mưu vụ thảm sát ngày 07/10 được chọn để thay thế Ismaïl Haniyeh, biểu lộ phong trào này đã cứng rắn hơn, theo La Croix. Yahya Sinwar nay nắm trọn quyền lực phe Hamas, trong khi trước đó ông ta phải hội ý với Saleh Al Aruri và Ismaïl Haniyeh - hai thủ lãnh đã bị Israel tiêu diệt. Nhà phân tích Tahani Mustafa cho rằng khi chọn Yahya Sinwar, Hamas chứng tỏ không có vấn đề thỏa hiệp. Đối với nhà phân tích Nur Odeh, việc bổ nhiệm Yahya Sinwar cho thấy trọng tâm nay chuyển về Gaza.

Libération dẫn lời Yuval Bitton, nha sĩ Israel đã cứu mạng Yahya Sinwar trong tù và được anh ta hàm ân, tâm sự, nhận xét đó là một người thông minh, sùng đạo, đầy tham vọng và quyết tâm. Đối với Sinwar, chỉ có quyền lực, chiến tranh và tôn giáo. Không có thỏa hiệp, chỉ có vũ lực. Nhật báo Yediot Aharonot bình luận, Sinwar sẽ hướng Hamas về phía thánh chiến như tổ chức tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo hay Al Qaeda. Một nguồn tin Palestine nói với Le Figaro, Yahya Sinwar chỉ muốn chiến tranh liên miên để làm kiệt quệ Israel, chứ không mặn mà với việc thành lập Nhà nước.

Les Echos nhận xét, dù bị truy lùng gắt gao nhưng Yahya Sinwar vẫn ẩn náu được trong hệ thống địa đạo dày đặc trong Dải Gaza. Theo phát ngôn viên Tsahal, việc tiêu diệt thủ lãnh Hamas chỉ là vấn đề thời gian. Một viên chức Bộ quốc phòng Israel nói : "Sau khi anh ta được thăng chức, một khi chúng tôi trừ khử được, coi như một mũi tên bắn hai con chim".

Venezuela : Quân đội vẫn ủng hộ chế độ Maduro

Thủ lãnh đối lập Maria Corina Machado và ứng cử viên tổng Edmundo Gonzalez đã kêu gọi giới quân nhân, cảnh sát "đứng về phía nhân dân", nhưng họ đã phải trả giá đắt. Chỉ ba tiếng đồng hồ sau, hai nhà đối lập bị khởi tố vì nhiều tội danh trong đó có "lan truyền tin tức thất thiệt". Hôm thứ Ba, bộ trưởng quốc phòng Vladimir Padrino Lopez tái khẳng định "tuyệt đối trung thành" với chính quyền Nicolas Maduro.

Để duy trì quyền lực, Hugo Chavez từng bổ nhiệm hàng trăm sĩ quan làm giám đốc các xí nghiệp quốc doanh và những chức vụ cao trong cơ quan hành chánh. Nicolas Maduro lại càng rộng rãi hơn với việc thăng cấp cả trăm tướng tá, đô đốc mới đây. Ngày nay giới quân nhân không chỉ ủng hộ chính quyền, mà họ còn là một bộ phận của chính quyền.

Nhân vật số hai của chế độ, Diosdado Cabello, là cựu sĩ quan ; 14/33 bộ trưởng và quân nhân đương nhiệm hay về hưu, tương đương 42 % nội các - theo tổ chức phi chính phủ Control ciudadano. Các bộ ngoại giao, tư pháp, dầu khí, nông nghiệp, giao thông, công chánh, thương mại, năng lượng, hải quan đều nằm trong tay các sĩ quan. Họ cũng kiểm soát các ngành kinh tế chủ chốt như dầu lửa, viễn thông. Quân đội Venezuela còn được Nga và Cuba thường xuyên hỗ trợ

Tuy vậy Hugo Chavez hiểu rằng trao quá nhiều quyền lực cho quân đội có thể quật ngược lại mình. Sau âm mưu đảo chánh ngày 11/04/2002, ông ta phân tán các bộ chỉ huy lực lượng ra nhiều vùng để chia rẽ đồng thời lập các cơ quan tình báo để theo dõi giới quân nhân. Những năm gần đây vì khủng hoảng kinh tế, hàng ngàn người lính đã bỏ ngũ. Thế nên những vụ đàn áp mới đây làm 11 đến 23 người chết là do cảnh sát và colectivo - các nhóm dân quân gây ra vì quân đội không đủ người. Bản thân các quân nhân nếu có dấu hiệu không "trung thành với cách mạng" cũng bị trấn áp : khoảng 150-200 người lính nay là tù chính trị, gia đình họ bị o ép.

"Đi trốn" Thế vận hội, dân Paris đang tiếc nuối

Về Thế vận hội Paris, Le Figaro gặp gỡ một số người dân thủ đô nước Pháp đang hối tiếc vì đã "chạy trốn" trong dịp thế vận. Ngỡ rằng nên thoát khỏi tình trạng đông đảo du khách và chen chúc trong các phương tiện giao thông công cộng, không ít người dân Paris đã về các tỉnh hay đi du lịch nước khác. Nhưng không khí hào hứng ở Paris 2024 đã làm họ tiếc nuối. Chẳng hạn Zoé, 24 tuổi, "trốn" về miền nam một ngày trước lễ khai mạc. Nhưng rốt cuộc "métro và đường phố vắng người", "tất cả đều được tổ chức tốt". "Pháp đã vượt qua thử thách" - Zoé cảm thấy hãnh diện, tuy nhiên cô đành theo dõi các cuộc thi đấu qua truyền hình.

Aurélie nhận ra một Olympic tuyệt vời sau khi ngọn lửa thế vận đi qua Opéra Bastille hôm 14/07, với 200 người nghiệp dư được chọn khiêu vũ cùng với hai vũ công ngôi sao của nhà hát Opera Paris. Được truyền cảm hứng từ đám đông nhiệt thành, bà nhận thấy đó là những giây phút không bao giờ có được lần thứ hai, nhưng đã quá trễ để hủy chuyến nghỉ hè đã đặt trước. Philippe và gia đình thì tiếc rẻ xem Olympic từ Barcelona. Adam, 27 tuổi có cảm giác mất mát như "tất cả bạn bè đều được mời dự sinh nhật, trừ mình".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Tờ báo Anh Financial Times, ngày 05/05/2024, đưa tin các cơ quan tình báo Châu Âu đang cảnh báo về sự gia tăng của các hành động phá hoại được cho là do Nga thực hiện trên lãnh thổ các quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các chuyên gia tình báo được France 24 phỏng vấn cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của những hành tung được cho là các hoạt động bí mật của Nga tại Châu Âu.

spy1

Cơ quan mật vụ Nga bị cáo buộc gia tăng các hoạt động phá hoại ở khắp Châu Âu trong những tháng gần đây. © France Médias Monde

Trong một hội nghị về an ninh được tổ chức tại Đức hồi tháng 4, Thomas Haldenwang, chủ tịch cơ quan Liên bang về bảo vệ Hiến pháp Đức (cơ quan phản gián Đức), nhấn mạnh : "Chúng tôi đánh giá rằng nguy cơ xảy ra các hành động phá hoại do Nhà nước Nga thực hiện đã gia tăng đáng kể".

Hỏa hoạn và nỗ lực phá hoại

Nhận định nói trên cũng được đưa ra bởi cơ quan tình báo "của ba quốc gia đã chia sẻ kết luận của họ với Financial Times". Một chính khách Châu Âu ẩn danh nói với nhật báo Anh rằng các cơ quan an ninh của NATO đã có được những "thông tin rõ ràng và có sức thuyết phục về những hành động bí hiểm của Nga".

Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, ngày 06/05, đã mô tả những cáo buộc nói trên là "vô căn cứ" và "không có sức thuyết phục".

Nhưng những cảnh báo này được đưa ra sau hàng loạt sự cố đáng ngờ xảy ra trên khắp Châu Âu, và thậm chí còn vượt ra ngoài lục địa già. Các cơ quan tình báo Nga bị nghi ngờ đứng sau vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 21/03 tại một nhà kho của một doanh nhân Ukraine ở Luân Đôn. Vẫn tại Vương Quốc Anh, gần một tháng sau, ngày 15/04, một nhà máy của tập đoàn quốc phòng khổng lồ BAE của Anh, nơi sản xuất vũ khí cho Ukraine, cũng bị cháy.

Vài ngày sau vụ việc này, lực lượng cảnh sát Ba Lan đã bắt giữ những cá nhân bị tình nghi thu thập thông tin về sân bay Rzeszów cho Nga. Cùng ngày, hai công dân song tịch Đức-Nga bị bắt với cáo buộc chuẩn bị các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Đức.

Gián điệp Nga thậm chí còn bị nghi ngờ đốt một nhà máy sản xuất vũ khí ở Mỹ vào giữa tháng 4.

Phương Tây ác độc

Jenny Mathers, chuyên gia về tình báo Nga tại đại học Aberystwyth, ước tính : "Chúng ta có thể đang chứng kiến sự gia tăng của một xu hướng đã bắt đầu từ hơn một năm trước, bao gồm các hành động bí mật ngày càng gia tăng trên lãnh thổ các nước thành viên NATO". Vào tháng 4, chính quyền Cộng Hòa Séc cảnh báo các đặc vụ Nga đã tìm cách phá hoại mạng lưới đường sắt Châu Âu kể từ mùa xuân năm 2023. Praha thậm chí còn tính được hơn 1.000 cuộc tấn công tin học nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng này nhằm ngăn chặn phương Tây cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.

Kevin Riehle, chuyên gia về tình báo tại đại học Brunel ở Luân Đôn, nhấn mạnh những sự cố nói trên xảy ra vào thời điểm "luận điệu của Nga ngày càng khẳng định rằng bị phương Tây gây chiến và Moskva phải tự vệ". Trong bài phát biểu ngày 28/03, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định các căn cứ quân sự của NATO ở Châu Âu là "mục tiêu chính đáng" trong khuôn khổ cuộc chiến chống Ukraine.

Mark Galeotti, giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence và tác giả cuốn sách "Những cuộc chiến của Putin : từ Chechnya đến Ukraine" cho rằng "Kremlin sẽ phản ứng dữ dội hơn" nếu Nga cảm thấy phương Tây tích cực hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, đồng thời gây áp lực với Moskva.

Đối với ông Galeotti, không có gì đáng ngạc nhiên khi các hoạt động bí mật của Moskva gia tăng "vào lúc ngày càng có nhiều cuộc tấn công của Ukraine được thực hiện trên lãnh thổ Nga. Đối với Kremlin, Kiev chỉ là một con tốt trong tay NATO. Do vậy, chính quyền Moskva cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công này ở Nga".

Một bên là quân đội, một bên là gián điệp

Ngoài ra, các cơ quan tình báo Nga cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để gia tăng áp lực với các nước Châu Âu. Chẳng hạn như cuộc tranh luận tại Quốc Hội Hoa Kỳ về khả năng có nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine hay không đã chứng minh rằng "một bộ phận dân chúng đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine", theo Daniel Lomas, chuyên gia về tình báo tại trường đại học Nottingham, hiện đang nghiên cứu về những gì gián điệp của Nga đã khai thác được kể từ khi Moskva bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Duy trì sự chia rẽ trong dư luận phương Tây hoàn toàn có lợi cho Nga, đặc biệt vào thời điểm quân đội nước này hiện đang tìm cách xuyên thủng phòng tuyến Ukraine. Jenny Mathers nhận định : "Nếu các cơ quan tình báo Nga có thể làm chậm tiến độ cung cấp vũ khí cho Ukraine, thông qua việc khiến các quốc gia Châu Âu nghi ngờ về tính khả thi của việc này, đó sẽ là một thành công chiến lược cho các hoạt động quân sự của Moskva".

Bà Mathers cho biết thêm rằng những hành động của Nga "gây tác động về mặt tâm lý và gây thiệt hại về vật chất". Hầu hết những mục tiêu bị nhắm tới của các hành động phá hoại được cho là do gián điệp Nga thực hiện đều là kho đạn dược dành cho quân đội Ukraine hoặc những cơ sở hạ tầng trong chuỗi cung ứng và chuyển giao các thiết bị quân sự (đường sắt hoặc sân bay).

Daniel Lomas nhấn mạnh "ưu tiên thực sự của tình báo Nga là làm gián đoạn quá trình phương Tây gửi thiết bị quân sự tới Ukraine". Jenny Mathers nhận định điều này thể hiện "sự phối hợp chặt chẽ giữa quân đội và các cơ quan tình báo".

Chưa đến mức leo thang

Tình báo Châu Âu dường như nhận định gián điệp Nga đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn, và theo các quan chức tình báo được Financial Times phỏng vấn, Moskva dường như "không quan tâm đến thương vong dân sự" do những hoạt động này gây ra.

Liệu các hoạt động của Nga trong tương lai có nguy hiểm hơn hay không ? Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn tỏ ra hoài nghi. Kevin Riehle nhấn mạnh rằng mặc dù không phải là cơ quan duy nhất, nhưng về mặt chính thức, GRU (tình báo quân sự) "chịu trách nhiệm về việc làm suy yếu các kẻ thù của Nga". Và những điệp viên này thường không ngần ngại gây ra những thiệt hại ngoài dự kiến. Daniel Lomas nhắc lại "năm 2018, vụ đầu độc bất thành (cựu điệp viên hai mang) Sergei Skripal ở Anh đã dẫn đến cái chết của một thường dân vô tình tiếp xúc với chất Novichok bị bỏ lại".

Nhưng theo Mark Galeotti, chính quyền Nga "vẫn ý thức về những lằn ranh đỏ không được vượt qua. Hiện tại, họ vẫn tránh để cho các hoạt động bí mật của mình dẫn đến tử vong. Tất cả những hành động này vẫn ở dưới ngưỡng leo thang căng thẳng". Đối với ông Galeotti, "mặc dù các quan chức Nga đề cập về một cuộc chiến với phương Tây, nhưng Moskva chắc chắn không muốn xung đột trực tiếp".

Daniel Lomas khẳng định "sử dụng tình báo hiện là cách duy nhất để Nga hoạt động ở Châu Âu mà không khiến NATO có phản ứng quân sự".

Đây là lý do tại sao việc hàng trăm thành viên đại sứ quán Nga ở Châu Âu bị trục xuất vào thời điểm bắt đầu chiến tranh Ukraine, đa phần bị cáo buộc là gián điệp, đã giáng một đòn mạnh vào Moskva. Kevin Riehle khẳng định việc Nga dường như có khả năng tăng cường các hoạt động bí mật ở Châu Âu "cho thấy các cơ quan tình báo nước này đã tái thiết một phần mạng lưới của họ".

Nhưng hiện tại chỉ có những vụ hỏa hoạn, âm mưu phá hoại đường sắt hay những người song tịch bị bắt trước khi thực hiện thành công kế hoạch của mình. Nói cách khác, mạng lưới của GRU ở Châu Âu dường như vẫn còn mong manh. Và đây chắc chắn là hàm ý của những cảnh báo từ các cơ quan tình báo Châu Âu : có lẽ vẫn còn thời gian để Châu Âu không biến trở lại thành ổ gián điệp của Nga, và gây tổn hại vĩnh viễn chuỗi cung ứng và vận chuyển thiết bị quân sự đến Ukraine.

(France 24)

Phan Minh

Nguồn : RFI, 13/05/2024

Additional Info

  • Author France 24, Phan Minh
Published in Quốc tế

Ngành tình báo của Nga có thể bị thụt lùi nhiều năm.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến quân đội nước này bị tổn thương và nền kinh tế bị tàn phá. Giờ đây, các điệp viên của Nga bắt đầu bị ảnh hưởng. Ngày 07/04, Áo, sau nhiều năm là trung tâm hoạt động gián điệp của Nga, đã trở thành quốc gia mới nhất trục xuất những người bị nghi là tình báo Nga, nâng tổng số quan chức Nga bị trục xuất khỏi Mỹ và Châu Âu kể từ khi chiến tranh bắt đầu lên hơn 400. Vụ trục xuất hàng loạt, lớn nhất trong lịch sử này có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến lực lượng tình báo của Vladimir Putin, cũng như khả năng do thám – và lật đổ – ở Châu Âu.

russianspy2

Số lượng "nhà ngoại giao" Nga bị trục xuất

Ngay từ tuần đầu tiên của cuộc chiến, Mỹ và Bulgaria mỗi nước đã ra lệnh đuổi hàng chục nhân viên người Nga, còn đợt trục xuất gần đây nhất bắt đầu với Slovakia và Bulgaria vào giữa tháng 3, sau đó là Ba Lan và các nước vùng Baltic vào ngày 23/03, hàng loạt các nước khác cũng tiếp bước, bao gồm 75 người bị đuổi khỏi Pháp và Đức vào ngày 04/04. Ngày 05/04, chín quốc gia, và chính Liên minh Châu Âu, đã trục xuất hơn 150 người Nga về nước. Hầu hết nhóm này bị cáo buộc là gián điệp, nhưng đó không phải là lý do duy nhất : Litva đã trục xuất đại sứ Nga. Nhiều quốc gia khác cũng đang chuẩn bị để trục xuất thêm.

Việc trục xuất điệp viên trên quy mô như thế này là chưa từng có. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm 2018, khi 28 quốc gia phương Tây trục xuất 153 người bị tình nghi là gián điệp, nhằm đáp trả vụ Nga cố gắng ám sát Sergei Skripal, một cựu nhân viên tình báo Nga từng làm gián điệp cho Anh, ở Salisbury, Anh. Đợt trục xuất mới nhất là "rất lớn" và "đáng lẽ phải làm từ lâu" – trích lời Marc Polymeropoulos, giám đốc các chiến dịch của CIA ở Châu Âu và Á-Âu cho đến năm 2019. "Châu Âu là sân chơi lịch sử của họ và đội ngũ nhân viên ngoại giao của họ luôn đông đúc ở những nơi này". Polymeropoulos nói rằng khi còn công tác, "chúng tôi thực sự coi Châu Âu là chiến trường quan trọng với người Nga".

russianspy1

Mục đích trước mắt của đợt trục xuất là trừng phạt Nga vì hành động xâm lược Ukraine. Các quan chức từ FSB, cơ quan an ninh Nga, và GRU, cơ quan tình báo quân đội từng ra lệnh thủ tiêu Skripal, đều đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch và tiến hành chiến tranh. Nó cũng nhằm mục đích gây khó khăn hơn cho Nga trong lĩnh vực cốt lõi của tình báo : đánh cắp thông tin mật.

Sự hiện diện của tình báo Nga ở một số quốc gia Châu Âu đã lớn mạnh đến nỗi các cơ quan an ninh địa phương phải rất khó khăn mới có thể theo dõi được các gián điệp, cả tình nghi lẫn đã được chứng minh. Năm ngoái, một giám đốc phụ trách gián điệp của Đức nói rằng số lượng gián điệp Nga đã tương đương với thời Chiến tranh Lạnh. Trước khi xảy ra làn sóng trục xuất gần nhất, ước tính có gần 1.000 nhân viên tình báo Nga không khai báo đang làm việc trong các đại sứ quán và lãnh sự quán ở Châu Âu.

Nhưng gián điệp không phải là mối bận tâm duy nhất. Việc loại bỏ các nhân viên tình báo Nga cũng giúp bảo vệ Châu Âu trước sự phá hoại và lật đổ của Nga. Theo một cách nào đó, gốc rễ của những vụ trục xuất gần đây đều bắt nguồn từ năm ngoái. Tháng 04/2021, Cộng hòa Séc cáo buộc GRU cài bom một kho vũ khí ở nước này và theo đó đã trục xuất 81 nhà ngoại giao Nga (phần nào lý giải tại sao lần này họ lại trục xuất ít người hơn), phía Mỹ đã trục xuất 10 người và các nước Châu Âu là 14 người khác.

Sự kiện đó, cùng với những sự kiện khác tương tự, đã thúc đẩy NATO kiểm tra toàn diện các nhóm thường trú (rezidentura theo tiếng Nga, hay station trong tiếng Anh/Mỹ) tại các đại sứ quán ở phương Tây và các hoạt động của họ. Đợt kiểm tra đã phát hiện ra rằng đại sứ quán Nga thường có rất nhiều nhân viên tình báo không khai báo xuất thân từ ba cơ quan : GRU, FSB, và SVR, cơ quan tình báo hải ngoại của Nga, vốn cũng là nơi cung cấp phần lớn điệp viên trong các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài. Hồi tháng 10 năm ngoái, NATO đã trục xuất 8 người bị cáo buộc làm gián điệp khỏi phái đoàn ở Brussels, khiến Nga phải đóng cửa văn phòng, và đáp trả bằng cách đuổi đại diện của NATO ở Moscow.

Mục đích của việc loại các nhân viên người Nga khỏi Châu Âu không chỉ là để ngăn họ làm những điều không mong muốn, mà còn là để ngăn chặn họ hỗ trợ cho người khác. Các sĩ quan GRU đầu độc Skripal và cài bom ở Bulgaria không phải là các nhà ngoại giao giả danh đóng ở London hay Sofia ; họ được gửi thẳng từ Moscow, dưới vỏ bọc không phải nhân viên chính thức. Những kẻ ám sát Skripal giả làm khách du lịch đến thăm nhà thờ Salisbury. Tuy nhiên, các chiến dịch bí mật kiểu này thường dựa vào sự hỗ trợ từ các đại sứ quán đóng tại địa phương, chẳng hạn như việc sử dụng túi thư ngoại giao để vận chuyển các vật dụng bất hợp pháp qua biên giới.

Ngăn chặn các hành động đó là hợp lý, nhưng cái giá phải trả là việc sẽ bị Nga trả đũa. Sau vụ trục xuất liên quan đến Skripal, Nga đã ra lệnh đuổi 189 quan chức phương Tây. Kết quả là các nhà ngoại giao thực sự – những người luôn là một phần trong nhóm bị trục xuất – sẽ có ít cơ hội hơn để giao tiếp với những người Nga bình thường, đúng vào thời điểm mà tuyên truyền của nhà nước Nga đang ngày một thêm tồi tệ. Đây là lý do tại sao các bộ ngoại giao thường ít ủng hộ việc trục xuất bằng các cơ quan an ninh.

Số lượng gián điệp phương Tây ở Moscow cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế, điều này không hẳn là một vấn đề. Trên sân nhà, các cơ quan an ninh của Nga có nhiều nguồn lực và quyền hạn để theo dõi các nhân viên tình báo phương Tây trong các đại sứ quán ở Moscow hơn là ngược lại – một sĩ quan GRU có thể đi lại và gặp gỡ mọi người ở Berlin dễ dàng hơn một sĩ quan CIA ở thủ đô nước Nga.

Trục xuất cũng không phải là một giải pháp lâu dài. Nga có xu hướng gửi thêm các điệp viên mới để thay thế những người đã rời đi, theo đó đòi hỏi các cơ quan phản gián phương Tây phải tìm cách xác định lại từ đầu những Bí thư Thứ nhất mới nào được cử đến là các gián điệp mới. Một số quan chức phương Tây cho biết mục đích của họ là đảm bảo rằng số lượng nhân viên của các đại sứ quán Nga ở Châu Âu không lớn hơn số nhân viên các đại sứ quán phương Tây ở Moscow – một nguyên tắc mà Cộng hòa Séc đã nhấn mạnh vào năm ngoái. Điều đó đòi hỏi phải liên tục từ chối cấp thị thực cho những nhân viên mới, và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các đồng minh, để một người bị đuổi khỏi quốc gia này không thể được gửi đến một quốc gia khác.

Ít điệp viên Nga hơn ở New York, London, hay Paris đồng nghĩa với việc ít điệp viên hai mang tiềm năng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang hoạt động. Và các điệp viên phương Tây có thể tìm thấy những cá nhân xuất sắc trong nhóm này. Chính cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 đã khiến Oleg Kalugin, một vị tướng của KGB, Oleg Gordievsky, một sĩ quan KGB ở London, và Vasili Mitrokhin, một nhân viên lưu trữ của KGB, vỡ mộng. Gordievsky và Mitrokhin sau này trở thành hai điệp viên thành công ngoạn mục của MI6, còn Kalugin trở thành một người bất đồng chính kiến và chuyển đến sống tại Mỹ. Cuộc chiến ở Ukraine, còn đẫm máu hơn nhiều so với Mùa xuân Praha, có thể có tác động tương tự đối với một số sĩ quan đương nhiệm trong GRU, SVR, và FSB.

Jonathan Haslam, một nhà sử học nghiên cứu các cơ quan tình báo Nga, cho biết : "Nhiều trong số những người phục vụ ở đây hoàn toàn nhận thức rằng nước Nga đã bị sỉ nhục bởi cuộc chiến thảm khốc này, bởi vì họ có toàn quyền tiếp cận thông tin, và có thể kết luận rằng, khi quay trở về Mẫu quốc, chế độ sẽ không thể trông cậy vào họ". Tại Moscow, các sĩ quan cấp cao của FSB dường như đang rơi vào rối loạn, bị Putin đổ lỗi vì đã phá hỏng cuộc chiến và cung cấp thông tin không đáng tin cậy. Các điệp viên Nga được đưa ra nước ngoài, cùng với gia đình của họ, cũng sẽ quen thuộc với cuộc sống ở các thủ đô phương Tây. Việc quay trở về Moscow ngày càng độc tài có thể không còn hấp dẫn. Polymeropoulos nói : "Tôi nghĩ rằng tất cả họ đều sẽ nhận được một cú điện thoại, hoặc một cú va chạm trên đường phố, hoặc một cuộc ghé thăm và trò chuyện từ các cơ quan an ninh địa phương. Các đồng minh phương Tây nên tiếp cận họ trước khi họ về nước".

The Economist

Nguyên tác : "Russian spooks are being kicked out of Europe en masse", The Economist, 07/04/2022

Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/04/2022

Additional Info

  • Author The Economist, Nguyễn Thị Kim Phụng
Published in Diễn đàn