Tờ báo Anh Financial Times, ngày 05/05/2024, đưa tin các cơ quan tình báo Châu Âu đang cảnh báo về sự gia tăng của các hành động phá hoại được cho là do Nga thực hiện trên lãnh thổ các quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các chuyên gia tình báo được France 24 phỏng vấn cũng ghi nhận sự gia tăng đáng kể của những hành tung được cho là các hoạt động bí mật của Nga tại Châu Âu.
Cơ quan mật vụ Nga bị cáo buộc gia tăng các hoạt động phá hoại ở khắp Châu Âu trong những tháng gần đây. © France Médias Monde
Trong một hội nghị về an ninh được tổ chức tại Đức hồi tháng 4, Thomas Haldenwang, chủ tịch cơ quan Liên bang về bảo vệ Hiến pháp Đức (cơ quan phản gián Đức), nhấn mạnh : "Chúng tôi đánh giá rằng nguy cơ xảy ra các hành động phá hoại do Nhà nước Nga thực hiện đã gia tăng đáng kể".
Hỏa hoạn và nỗ lực phá hoại
Nhận định nói trên cũng được đưa ra bởi cơ quan tình báo "của ba quốc gia đã chia sẻ kết luận của họ với Financial Times". Một chính khách Châu Âu ẩn danh nói với nhật báo Anh rằng các cơ quan an ninh của NATO đã có được những "thông tin rõ ràng và có sức thuyết phục về những hành động bí hiểm của Nga".
Tuy nhiên, phát ngôn viên điện Kremlin Dmitri Peskov, ngày 06/05, đã mô tả những cáo buộc nói trên là "vô căn cứ" và "không có sức thuyết phục".
Nhưng những cảnh báo này được đưa ra sau hàng loạt sự cố đáng ngờ xảy ra trên khắp Châu Âu, và thậm chí còn vượt ra ngoài lục địa già. Các cơ quan tình báo Nga bị nghi ngờ đứng sau vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 21/03 tại một nhà kho của một doanh nhân Ukraine ở Luân Đôn. Vẫn tại Vương Quốc Anh, gần một tháng sau, ngày 15/04, một nhà máy của tập đoàn quốc phòng khổng lồ BAE của Anh, nơi sản xuất vũ khí cho Ukraine, cũng bị cháy.
Vài ngày sau vụ việc này, lực lượng cảnh sát Ba Lan đã bắt giữ những cá nhân bị tình nghi thu thập thông tin về sân bay Rzeszów cho Nga. Cùng ngày, hai công dân song tịch Đức-Nga bị bắt với cáo buộc chuẩn bị các hoạt động phá hoại trên lãnh thổ Đức.
Gián điệp Nga thậm chí còn bị nghi ngờ đốt một nhà máy sản xuất vũ khí ở Mỹ vào giữa tháng 4.
Phương Tây ác độc
Jenny Mathers, chuyên gia về tình báo Nga tại đại học Aberystwyth, ước tính : "Chúng ta có thể đang chứng kiến sự gia tăng của một xu hướng đã bắt đầu từ hơn một năm trước, bao gồm các hành động bí mật ngày càng gia tăng trên lãnh thổ các nước thành viên NATO". Vào tháng 4, chính quyền Cộng Hòa Séc cảnh báo các đặc vụ Nga đã tìm cách phá hoại mạng lưới đường sắt Châu Âu kể từ mùa xuân năm 2023. Praha thậm chí còn tính được hơn 1.000 cuộc tấn công tin học nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng này nhằm ngăn chặn phương Tây cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine.
Kevin Riehle, chuyên gia về tình báo tại đại học Brunel ở Luân Đôn, nhấn mạnh những sự cố nói trên xảy ra vào thời điểm "luận điệu của Nga ngày càng khẳng định rằng bị phương Tây gây chiến và Moskva phải tự vệ". Trong bài phát biểu ngày 28/03, tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhận định các căn cứ quân sự của NATO ở Châu Âu là "mục tiêu chính đáng" trong khuôn khổ cuộc chiến chống Ukraine.
Mark Galeotti, giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence và tác giả cuốn sách "Những cuộc chiến của Putin : từ Chechnya đến Ukraine" cho rằng "Kremlin sẽ phản ứng dữ dội hơn" nếu Nga cảm thấy phương Tây tích cực hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự, đồng thời gây áp lực với Moskva.
Đối với ông Galeotti, không có gì đáng ngạc nhiên khi các hoạt động bí mật của Moskva gia tăng "vào lúc ngày càng có nhiều cuộc tấn công của Ukraine được thực hiện trên lãnh thổ Nga. Đối với Kremlin, Kiev chỉ là một con tốt trong tay NATO. Do vậy, chính quyền Moskva cho rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công này ở Nga".
Một bên là quân đội, một bên là gián điệp
Ngoài ra, các cơ quan tình báo Nga cho rằng đây là thời điểm rất thích hợp để gia tăng áp lực với các nước Châu Âu. Chẳng hạn như cuộc tranh luận tại Quốc Hội Hoa Kỳ về khả năng có nên gửi thêm vũ khí cho Ukraine hay không đã chứng minh rằng "một bộ phận dân chúng đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine", theo Daniel Lomas, chuyên gia về tình báo tại trường đại học Nottingham, hiện đang nghiên cứu về những gì gián điệp của Nga đã khai thác được kể từ khi Moskva bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.
Duy trì sự chia rẽ trong dư luận phương Tây hoàn toàn có lợi cho Nga, đặc biệt vào thời điểm quân đội nước này hiện đang tìm cách xuyên thủng phòng tuyến Ukraine. Jenny Mathers nhận định : "Nếu các cơ quan tình báo Nga có thể làm chậm tiến độ cung cấp vũ khí cho Ukraine, thông qua việc khiến các quốc gia Châu Âu nghi ngờ về tính khả thi của việc này, đó sẽ là một thành công chiến lược cho các hoạt động quân sự của Moskva".
Bà Mathers cho biết thêm rằng những hành động của Nga "gây tác động về mặt tâm lý và gây thiệt hại về vật chất". Hầu hết những mục tiêu bị nhắm tới của các hành động phá hoại được cho là do gián điệp Nga thực hiện đều là kho đạn dược dành cho quân đội Ukraine hoặc những cơ sở hạ tầng trong chuỗi cung ứng và chuyển giao các thiết bị quân sự (đường sắt hoặc sân bay).
Daniel Lomas nhấn mạnh "ưu tiên thực sự của tình báo Nga là làm gián đoạn quá trình phương Tây gửi thiết bị quân sự tới Ukraine". Jenny Mathers nhận định điều này thể hiện "sự phối hợp chặt chẽ giữa quân đội và các cơ quan tình báo".
Chưa đến mức leo thang
Tình báo Châu Âu dường như nhận định gián điệp Nga đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn, và theo các quan chức tình báo được Financial Times phỏng vấn, Moskva dường như "không quan tâm đến thương vong dân sự" do những hoạt động này gây ra.
Liệu các hoạt động của Nga trong tương lai có nguy hiểm hơn hay không ? Các chuyên gia được France 24 phỏng vấn tỏ ra hoài nghi. Kevin Riehle nhấn mạnh rằng mặc dù không phải là cơ quan duy nhất, nhưng về mặt chính thức, GRU (tình báo quân sự) "chịu trách nhiệm về việc làm suy yếu các kẻ thù của Nga". Và những điệp viên này thường không ngần ngại gây ra những thiệt hại ngoài dự kiến. Daniel Lomas nhắc lại "năm 2018, vụ đầu độc bất thành (cựu điệp viên hai mang) Sergei Skripal ở Anh đã dẫn đến cái chết của một thường dân vô tình tiếp xúc với chất Novichok bị bỏ lại".
Nhưng theo Mark Galeotti, chính quyền Nga "vẫn ý thức về những lằn ranh đỏ không được vượt qua. Hiện tại, họ vẫn tránh để cho các hoạt động bí mật của mình dẫn đến tử vong. Tất cả những hành động này vẫn ở dưới ngưỡng leo thang căng thẳng". Đối với ông Galeotti, "mặc dù các quan chức Nga đề cập về một cuộc chiến với phương Tây, nhưng Moskva chắc chắn không muốn xung đột trực tiếp".
Daniel Lomas khẳng định "sử dụng tình báo hiện là cách duy nhất để Nga hoạt động ở Châu Âu mà không khiến NATO có phản ứng quân sự".
Đây là lý do tại sao việc hàng trăm thành viên đại sứ quán Nga ở Châu Âu bị trục xuất vào thời điểm bắt đầu chiến tranh Ukraine, đa phần bị cáo buộc là gián điệp, đã giáng một đòn mạnh vào Moskva. Kevin Riehle khẳng định việc Nga dường như có khả năng tăng cường các hoạt động bí mật ở Châu Âu "cho thấy các cơ quan tình báo nước này đã tái thiết một phần mạng lưới của họ".
Nhưng hiện tại chỉ có những vụ hỏa hoạn, âm mưu phá hoại đường sắt hay những người song tịch bị bắt trước khi thực hiện thành công kế hoạch của mình. Nói cách khác, mạng lưới của GRU ở Châu Âu dường như vẫn còn mong manh. Và đây chắc chắn là hàm ý của những cảnh báo từ các cơ quan tình báo Châu Âu : có lẽ vẫn còn thời gian để Châu Âu không biến trở lại thành ổ gián điệp của Nga, và gây tổn hại vĩnh viễn chuỗi cung ứng và vận chuyển thiết bị quân sự đến Ukraine.
(France 24)
Phan Minh
Nguồn : RFI, 13/05/2024