Ukraine : Chiến tranh buộc Zelensky làm tổng thống vô thời hạn ?
Thu Hằng, RFI, 23/05/2024
Nhiệm kỳ 5 năm của ông Volodymyr Zelensky trên nguyên tắc đã kết thúc ngày 19/05/2024, nhưng cuộc xâm lược của Nga buộc tổng thống Ukraine đảm nhiệm chức vụ "vô thời hạn". Trong năm thứ 6 đứng đầu nhà nước, ông Zelensky phải đối mặt với những chỉ trích về tính chính đáng, cũng như những thách thức lớn trên chiến trường, vào lúc Nga đang thắng thế trong đợt phản công mới ở đông bắc Ukraine.
Tổng thống Volodymyr Zelensky thị sát các chiến tuyến tại vùng Kharkiv, Ukraine, ngày 06/04/2024. AP
Ukraine sống trong tình trạng thiết quân luật từ năm 2022 và như vậy sẽ không được phép tổ chức bầu cử, chiếu theo Luật Bầu cử. Còn điều 108 của Hiến pháp Ukraine quy định người đứng đầu nhà nước phải đảm đương chức vụ cho tới khi một tổng thống mới được bầu lên. Trên thực tế, khả năng Zelensky tiếp tục nhiệm kỳ tổng thống đã được thảo luận từ mùa đông 2023 và nhìn chung được người dân chấp nhận.
Không thể tổ chức bầu cử công bằng
Đa số người dân cho rằng không thể tổ chức bầu cử vào thời chiến trong bối cảnh vài trăm nghìn người đang phục vụ trong quân đội và hàng triệu người phải rời đất nước để lánh nạn. Giáo sư khoa học chính trị Oleksi Haran, nhà nghiên cứu tại Quỹ Sáng kiến Dân chủ, được Le Monde trích dẫn ngày 22/05, nhận định bầu cử vào thời điểm này có thể sẽ là "nguồn cơn chia rẽ đất nước", trong khi Ukraine đang cần đoàn kết hơn bao giờ hết để chống quân xâm lược Nga. Cuộc bầu cử sẽ "không mang tính cạnh tranh thực sự trong khi cả nước bị oanh kích".
Diễn viên trẻ đầy hoài bão khi nhậm chức năm 2019 trở thành một vị chỉ huy quân sự đầy trăn trở, già đi trông thấy trong ba năm chiến tranh. Lên làm tổng thống năm 41 tuổi với 73,2% phiếu bầu, gương mặt mới trong chính trường Ukraine đã hứa rất nhiều cải cách : Chấm dứt "thời kỳ nghèo đói, dối trá, tham lam", chấm dứt chiến tranh ở miền đông và lấy lại những vùng đất bị Nga chiếm đóng. Trong những năm đầu, ông tiến hành cuộc chiến chống giới tài phiệt, chống tham nhũng và tập trung phát triển cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, uy tín của tổng thống giữ nhiều kỷ lục (chiến thắng áp đảo ở hầu hết các vùng miền đông và tây Ukraine, duy trì được tỉ lệ tín nhiệm cao trong thời gian dài chưa từng có) bắt đầu sụt giảm từ năm 2021, khi ông bị cáo buộc bổ nhiệm nhiều bạn bè thân hữu vào các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đến khi Nga xua quân xâm lược Ukraine, tỉ lệ tín nhiệm ông tăng mạnh trở lại, nhất là khi ông từ chối đề nghị của Mỹ đi lánh nạn ở nước ngoài, mà ở lại Kiev để chỉ huy cuộc kháng chiến.
Nhiệm kỳ mới đầy thách thức
Chiến tranh càng kéo dài, danh tiếng của "thủ lĩnh thời chiến" và một số cơ quan nhà nước cũng giảm theo, theo ghi nhận của Volodymyr Fessenko, nhà phân tích chính trị, kiêm giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính trị Penta. Có thể thấy ông Zelensky tiếp tục chức vụ tổng thống năm thứ 6 trong bối cảnh không suôn sẻ. Trong nội bộ, ông bị chỉ trích vì cách sử dụng nhân sự, đặc biệt sau khi cách chức cựu tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Valeriy Zaluzhny, dù sau đó bổ nhiệm ông làm đại sứ ở Anh.
Trên chiến trường, Ukraine luôn trong thế thủ vì thiếu nhân lực, vũ khí. Nga mở chiến dịch phản công ở miền đông và đông bắc, chiếm nhiều khu vực ở tỉnh Kharkiv để "lập vùng đệm". Quân đội mệt mỏi sau hơn hai năm chiến tranh ròng rã buộc tổng thống hạ tuổi nghĩa vụ quân sự để huy động tân binh. Bộ Quốc phòng Nga chuyển hướng lãnh đạo sang nền "kinh tế chiến tranh", cho thấy cuộc xung đột chưa có hồi kết.
Dù đa số người dân Ukraine ủng hộ việc không tổ chức bầu cử tổng thống vào thời điểm này, nhưng vẫn có những ý kiến phản đối. Và đây cũng là cái cớ để Nga khẳng định ông Zelensky là tổng thống "bất hợp pháp" kể từ ngày 20/05. Theo phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov, người dân Ukraine sẽ sớm "đặt câu hỏi về tính hợp pháp" về chức vụ của tổng thống Zelensky.
Thay vì thắc mắc về việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống, trên trang Oukrainska Pravda, được Le Courrier international trích dẫn, nhà báo Mykhailo Doubynianskiy đặt câu hỏi ở một khía cạnh khác : Liệu Zelensky có chấp nhận làm tổng thống nếu lúc đó ông mường tượng ra được nhiệm kỳ 5 năm của ông sẽ như thế này hay không ? Từ một diễn viên, ông Zelensky trở thành "tổng thống chiến tranh" "với những nỗ lực khổng lồ, với tinh thần kháng cự không thể tưởng tượng nổi, với một ý chí sắt đá". Đối với cây bút xã luận này, "những nhà đối lập ở Ukraine hiện giờ cần quyết định xem ưu tiên của họ là gì ? Thanh toán hận thù chính trị, hay tránh để rơi vào cãi bẫy của Nga ?".
Trọng Thành
**************************
Quân đội Nga tập trận vũ khí hạt nhân chiến thuật để đối phó với "đe dọa" phương Tây
Trọng Thành, RFI, 22/05/2024
Quân đội Nga bắt đầu tập trận với vũ khí "hạt nhân chiến thuật" từ ngày hôm qua, 21/05/2024, tại quân khu miền nam, giáp giới với Ukraine. Theo bộ Quốc Phòng Nga, cuộc tập trận là nhằm đáp trả "các đe dọa của một số lãnh đạo phương Tây".
Quân nhân Nga tham gia giai đoạn đầu của cuộc tập trận, bao gồm huấn luyện về chuẩn bị và sử dụng vũ khí hạt nhân phi chiến lược, tại một địa điểm không xác định ở Quân khu miền Nam của Nga. Ảnh trích từ video được bộ Quốc Phòng Nga công bố ngày 21/05/2024. via Reuters - Russian Defence Ministry
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, trong giai đoạn tập trận này, binh sĩ Nga được huấn luyện để "nạp các loại đạn đặc biệt" lên dàn phóng tên lửa Iskander, có thể mang đầu đạn hạt nhân, và bí mật di chuyển các phương tiện này đến những địa điểm phát hỏa.
Thông tín viên Anissa El Jabri từ Moskva cho biết cụ thể :
"Nga đã thông báo trước đó về các cuộc tập trận này đúng vào ngày 06/05/2024, ngay trước lễ nhậm chức nhiệm kỳ tổng thống mới của Putin, và ba ngày trước cuộc diễu hành quân sự truyền thống ngày 09/05. Vào thời điểm đó, bộ Quốc Phòng Mỹ nói đến "đây là một ví dụ về lối tuyên truyền vô trách nhiệm mà chúng ta đã từng thấy từ phía Nga".
Điện Kremlin giờ đây đã biến lời nói thành hành động với những hình ảnh tuyên truyền rầm rộ. Từ cuối ngày hôm qua, kênh Telegram của bộ Quốc Phòng Nga đã phổ biến hình ảnh các chuyến xe tải hạng nặng, chở tên lửa Iskander và các bệ phóng tên lửa siêu thanh. Trên các kênh Telegram cá nhân, giới phóng viên quân sự Nga dĩ nhiên hòa cùng một nhịp với bộ Quốc Phòng, với nhiều bài viết dài về hệ thống vũ khí được quảng bá là hùng mạnh nhất thế giới.
Một thông điệp đe dọa khác là vị trí của cuộc tập trận, nằm trong "quân khu phía nam", với bộ tư lệnh nằm tại thành phố Rostov, nơi đặt tổng hành dinh của chiến dịch quân sự chống Ukraine của Putin. Các vùng lãnh thổ của Ukraine bị Nga sát nhập cũng thuộc phạm vi của Quân khu này".
Theo AFP, hôm nay, 22/05/2024, một quan chức Bộ Ngoại giao Nga, Artem Stoudennikov, nhấn mạnh là, nếu Pháp "đưa quân" đến Ukraine, phản ứng của Nga sẽ "không chỉ là về mặt chính trị". Ông Artem Stoudennikov nhắc lại rằng Matxcơva trước đó đã cảnh báo Paris, việc đưa quân Pháp đến Ukraine sẽ làm tăng nguy cơ đối đầu giữa hai cường quốc hạt nhân.
Về mặt chính thức, học thuyết hạt nhân của Nga chỉ cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến thuật, để "tự vệ" trong trường hợp nước Nga bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hay các cuộc tấn công bằng vũ khí quy ước "đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga". Tuy nhiên, hồi tháng 2/2024 vừa qua, báo Anh Financial Times công bố một số tài liệu quân sự Nga rò rỉ cho thấy "ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân trước tiên của Nga" dường như thấp hơn so với giả định của giới chuyên gia quân sự phương Tây.
Trọng Thành
************************
Cho phép Ukraine dùng vũ khí phương Tây để tấn công Nga : Các đồng minh đã bớt e ngại
Thanh Phương, RFI, 22/05/2024
Trước chiến dịch tấn công ồ ạt của quân Nga tại Ukraine, chỉ trong vòng một tháng đã chiếm được hơn 600 km2 đất, đặc biệt là tại vùng Kharkiv, một số đồng minh phương Tây đã bắt đầu thay đổi quan điểm về vấn đề sử dụng những vũ khí viện trợ cho Kiev.
Tên lửa Storm Shadow - Scalp do Anh và Pháp cung cấp cho Kiev được điều chỉnh để lắp đặt trên chiến đấu cơ Su-24 của Ukraine. © Capture d'écran/ RFI
Từ đầu cuộc chiến đến nay, các nước đồng minh của Ukraine vẫn yêu cầu Kiev không được tấn công vào lãnh thổ Nga để hạn chế nguy cơ leo thang với một cường quốc hạt nhân. Nói cách khác là Ukraine chỉ được quyền dùng vũ khí viện trợ của phương Tây tự vệ chứ không được tấn công Nga.
Nhưng vào đầu tháng 5, Anh Quốc, nước cung cấp cho Ukraine nhiều vũ khí, đặc biệt là tên lửa hành trình Storm Shadow, đã cho phép Kiev sử dụng vũ khí của Anh để tấn công vào lãnh thổ Nga. Khi đến thăm Kiev ngày 03/05, ngoại trưởng David Cameron đã tuyên bố công khai : "Các cuộc tấn công của Ukraine vào những mục tiêu ở Nga là hoàn toàn chính đáng".
Sau đó, đến lượt Hoa Kỳ cũng cho thấy đang thay đổi lập trường, tuy chưa rõ ràng như Anh Quốc. Đến thăm Kiev ngày 15/05, ngoại trưởng Antony Blinken đã gợi ý rằng lực lượng Ukraine có thể tấn công lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Washington cung cấp. Lãnh đạo ngoại giao Mỹ tuyên bố : "Chúng tôi không khuyến khích hay tạo điều kiện cho các cuộc tấn công bên ngoài Ukraine, nhưng chính Ukraine quyết định về cách thức tiến hành cuộc chiến này". Tuy nhiên, ngay hôm sau, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lại khẳng định rằng quan điểm của Mỹ về vấn đề này vẫn chưa thay đổi : "Chúng tôi không khuyến khích cũng như không cho phép các cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga".
Về các đồng minh khác của Ukraine, trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình LCI của Pháp ngày 20/05, ông Gabrielius Landsbergis, ngoại trưởng của Litva, một trong ba nước vùng Baltic, cũng đã cho rằng Ukraine phải được quyền sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công nước Nga. Ông Landsbergis nhấn mạnh : "Từ đầu, chúng ta đã sai lầm khi hạn chế khuôn khổ hành động của Ukraine, vì sợ bị xem là leo thang. Chúng ta phải cho phép Ukraine sử dụng các vũ khí mà chúng ta cung cấp để họ có thể đạt được những mục tiêu chiến lược. Họ phải được quyền đánh vào lãnh thổ Nga, đánh vào các tuyến cung ứng, vào các đơn vị quân đội đang chuẩn bị tấn công Ukraine".
Trong khi đó, về mặt chính thức, Pháp hiện chưa thay đổi lập trường trên vấn đề này. Thế nhưng, hôm 17/05, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ Viện Pháp, ông Jean-Louis Bourlanges, đã ra một thông cáo kêu gọi Paris nên ra một quyết định tương tự như của Anh và Mỹ. Đối với ông Bourlanges, "sự thay đổi về chủ thuyết này là hoàn toàn chính đáng, bởi vì nó chấm dứt tình trạng bất đối xứng không thể chấp nhận được giữa kẻ bị xâm lược và kẻ xâm lược".
Kể từ khi nổ ra chiến tranh, toàn bộ lãnh thổ Ukraine trên thực tế đã bị Nga tấn công bằng các loại vũ khí tầm xa, cũng như bằng các loại vũ khí do các đồng minh của Moskva cung cấp, đặc biệt là tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên và drone của Iran. Lực lượng của Kiev cũng đang tấn công sâu vào trong lãnh thổ của Nga, nhưng cho đến nay chỉ sử dụng vũ khí sản xuất trong nước, đặc biệt là các drone, mà gần đây đã được dùng để oanh kích vào các cơ sở năng lượng của Nga.
Trong thông cáo nói trên, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Pháp đặt vấn đề : "Nhân danh điều gì mà chúng ta từ chối cho Ukraine quyền đáp trả các cuộc tấn công mà họ là nạn nhân ?". Và ông Bourlanges trả lời : "Quyền tự vệ phải loại trừ quyền bảo vệ lãnh thổ của kẻ xâm lược". Tuy nhiên, vị dân biểu Hạ Viện Pháp nhấn mạnh "các nước bạn của Ukraine nhất quyết sẽ không là bên tham chiến". Vấn đề không phải là can thiệp vào chiến trường, mà là "dỡ bỏ một điều cấm kỵ phi lý".
Từ nhiều tuần qua, điện Kremlin đã cảnh cáo các nước phương Tây về việc sử dụng vũ khí được giao cho Ukraine để tấn công vào lãnh thổ nước Nga. Hôm 18/05, Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc rằng bom dẫn đường Hammer của Pháp đã được Kiev sử dụng để oanh tạc vùng Belgorod của Nga, giáp với tỉnh Kharkiv của Ukraine, nơi quân Nga đang mở một chiến dịch tấn công mới. Paris đã bác bỏ cáo buộc đó.
Thanh Phương
***************************
Ukraine : Thêm gần một triệu người đăng ký nghĩa vụ quân sự sau khi hạ tuổi nhập ngũ
Phan Minh, RFI, 22/05/2024
Luật hạ độ tuổi nhập ngũ từ 27 xuống 25 để đáp ứng nhu cầu của quân đội trong cuộc chiến chống Nga được tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký phê duyệt hồi đầu tháng 4 chính thức có hiệu lực hôm 18/05/2024. Từ 4 ngày qua, hàng trăm nghìn người đã tới phòng tuyển quân trên toàn quốc để đăng ký nhập ngũ.
Tân binh của lữ đoàn xung kích số 3 huấn luyện ở Kiev, Ukraine, ngày 17/05/2024. AP - Efrem Lukatsky
Từ Kiev, thông tín viên Stéphane Siohan cho biết cụ thể :
Chính phủ của Volodymyr Zelensky từng nghĩ rằng luật huy động quân sự không được lòng dân, thế nhưng kể từ khi văn bản được ban hành hôm 18/05, đã có ít nhất một triệu người Ukraine đến phòng tuyển quân hoặc đăng nhập vào ứng dụng di động có tên Reserv+ để đăng ký với nhà chức trách, khẳng định sẵn sàng nhập ngũ.
Điều này không có nghĩa là tất cả mọi người sẽ đi chiến đấu, nhưng họ được cấp giấy tờ hợp lệ, cũng như thẻ quân nhân, xác nhận họ trở thành những tân binh tiềm năng, trong khi quân đội cần từ 300.000 đến 400.000 binh lính mới để tiếp sức cho những người lính đã kiệt sức sau 2 năm chiến tranh.
Điểm đáng lưu ý của đạo luật mới là tù nhân cũng có quyền ký hợp đồng đăng lính. Trong tháng 4, gần 4.500 tù nhân đã bày tỏ nguyện vọng gia nhập quân đội, và trong 4 ngày qua, 3.000 người trong số họ đã thực hiện các thủ tục đăng ký để được huy động, trong khi cơ quan chức năng dự báo có khoảng từ 10.000 đến 20.000 tù nhân có thể được động viên, theo đạo luật mới.
Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với những tù nhân phạm tội giết người, hiếp dâm hoặc các tội chống lại an ninh quốc gia.
Về tình hình chiến sự, tổng thống Volodymyr Zelensky, hôm qua 21/05/2024, tuyên bố quân đội Ukraine đang có được những "kết quả rõ nét" ở khu vực Kharkiv, đông bắc đất nước, khi đẩy lùi thành công quân Nga xâm lược. Phát ngôn viên của lực lượng Ukraine trong khu vực, Nazar Volochyn, cũng cho biết trên truyền hình rằng Kiev đã "ổn định được tình hình ở khu vực, đặc biệt ở thành phố Vovchansk".
Phan Minh