Giáo sư Lã Ngọc Khuê : Ba điểm yếu khiến Việt Nam "thất thố" ở các tuyến đường sắt đô thị
"Về mặt kiến thức, sự hiểu biết của chúng ta về Đường sắt Đô thị còn rất sơ khai. Sách vở nhà trường hầu như chưa dạy, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm cũng chưa hề có"...
Phối cảnh Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi.
"Thực tiễn và kinh nghiệm sản xuất lại càng là một con số không, làm sao có thể dựa vào những gì chúng ta vốn có. Trên thực tế chúng ta đã không thể hình dung ra hết những việc phải làm. Ngay cả việc kí kết hợp đồng cũng không đưa ra đủ những điều khoản cần phải có, để rồi xảy ra thất thố", Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải nhấn mạnh khi nói về những khó khăn, lúng túng, cùng với rất nhiều bất cập, trong việc triển khai các dự án Đường sắt Đô thị mà Việt Nam đang đối mặt.
Hội chứng đội vốn, chậm tiến độ
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được nhắc đến thường xuyên bởi những lần cho hành khách "leo cây" vì chậm tiến độ, đội vốn nhưng nếu xét về tính chất, quy mô thì Dự án đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi còn khủng hơn nhiều lần.
Dự án đã được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2004, phê duyệt Dự án giai đoạn 1 từ năm 2008, nhưng đến nay công trình vẫn chưa thực hiện xong công tác giải phóng mặt bằng, đấu thầu và triển khai thi công. Tổng mức đầu tư dự án đã tăng từ 9.197 tỷ đồng lên khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng gấp 9 lần.
Trong văn bản gửi đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông và vận tải xác định đến năm 2024 sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án.
Nằm trong hệ thống Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ Giao thông và vận tải làm Chủ đầu tư, có chiều dài 13,1 km, được khởi công xây dựng vào năm 2011 nhờ nguồn vốn ODA Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
Kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Kiểm toán Nhà nước vừa gửi tới Bộ Giao thông vận tải cho thấy có nhiều "lỗ hổng" trong quá trình đầu tư khiến Bộ Giao thông và vận tải phải điều chỉnh vốn đầu tư dự án từ 8.769 tỷ đồng lên 18.001 tỷ đồng, tăng 205% so với tổng vốn đầu tư ban đầu được duyệt.
Tuy nhiên, khi quyết định điều chỉnh tăng vốn dự án vào tháng 2/2016, Bộ Giao thông không báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội thông qua chủ trương điều chỉnh vốn là chưa thực hiện đúng nghị quyết 49 của Quốc hội, trái với quy định của Luật đầu tư công.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội tổng chiều dài 12,5 km, từng được kỳ vọng là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đi vào hoạt động, góp phần giải quyết tình trạng ùn tắc của Hà Nội, thế nhưng, dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội sau đó đã trở thành một trong những dự án "rùa bò" nhiều tai tiếng nhất. Đến thời điểm hiện tại, đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội thuộc diện dự án chậm tiến độ nhất cả nước.
Dự án khởi công năm 2006, dự kiến hoàn thành năm 2010. Sau nhiều lần lùi tiến độ và dự kiến đến năm 2019 hoàn thành, nhưng đến thời điểm hiện tại, tổng tiến độ chung dự án mới chỉ đạt trên 49% và dự kiến tiếp tục kéo dài đến cuối năm 2022.
Kèm theo những lần lùi tiến độ, dự án tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt 18.408 tỷ, đến nay tổng mức đầu tư đội lên 36.000 tỷ đồng.
Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành - Suối Tiên tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng. Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 thành phố Hồ Chí Minh tuyến Bến Thành - Tham Lương vay nguồn Đức, ADB, EIB dự kiến tăng từ mức 26.116 tỷ đồng lên 47.603 tỷ đồng.
Ba yếu điểm khiến Việt Nam "thất thố" ở các tuyến đường sắt đô thị
Trả lời kiến nghị cử tri Hải Phòng, Bộ Giao thông và vận tải lý giải việc các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh chậm tiến độ, đội vốn nguyên nhân do đây đều là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam nên quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát kỹ thuật, công nghệ.
Bên cạnh đó, quá trình thực hiện dự án do nhiều yếu tố khách quan nên một số hạng mục công trình phải điều chỉnh lại thiết kế cho phù hợp với điều kiện thực tế, công tác giải phóng mặt bằng trong các đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phức tạp và thường kéo dài cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện của dự án.
Chỉ rõ hơn những bất cập trong triển khai các dự án đường sắt đô thị Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lã Ngọc Khuê cho rằng có ba yếu điểm, khởi nguồn cho những nguy cơ, hệ lụy của các dự án Đường sắt Đô thị Việt Nam.
Thứ nhất, về mặt kiến thức, sự hiểu biết của chúng ta về Đường sắt Đô thị còn rất sơ khai. Sách vở nhà trường hầu như chưa dạy, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm cũng chưa hề có.
Thứ hai, về thực tiễn và kinh nghiệm sản xuất lại càng là một con số không, làm sao có thể dựa vào những gì chúng ta vốn có. Trên thực tế chúng ta đã không thể hình dung ra hết những việc phải làm. Ngay cả việc kí kết hợp đồng cũng không đưa ra đủ những điều khoản cần phải có, để rồi xảy ra thất thố.
Thứ ba, ở vị trí của người đi vay vốn, chúng ta phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc ngặt nghèo, nhất là những điều kiện dẫn đến sự độc quyền trong các hợp đồng triển khai dự án, trong việc cung ứng vật tư, thiết bị và phương tiện mà bên cấp vốn đưa ra.
Trong khi đó, để có thể xuất khẩu tư bản với giá trị lớn và củng cố vị thế độc quyền của mình, đối tác cấp vốn bao giờ cũng luôn chủ chương, cũng luôn theo đuổi những dự án có quy mô rất lớn với những công nghệ cao, vượt quá sức, quá tầm của phía Việt Nam để càng dễ bề chế ngự.
"Kết quả là từ việc xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, tiến hành thiết kế, lựa chọn công nghệ, tính toán giá cả, cho đến việc phân định kế hoạch triển khai, phân chia các hợp đồng xây dựng hạ tầng cũng như cung ứng thiết bị, phương tiện vận hành… nhất nhất đều do đối tác nước ngoài quyết định.
Thực chất, đó là những dự án trọn gói, chìa khóa trao tay, các doanh nghiệp Việt Nam bị loại khỏi cuộc chơi, nhiều lắm chỉ là nhà thầu phụ, thực hiện các công đoạn dùng tới nhân công giá rẻ", Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Lã Ngọc Khuê nhấn mạnh.
Kiều Linh
Nguồn : VnEconomy, 23/09/2019
Hai Bộ trưởng bị chất vấn về 5 dự án đường sắt đô thị bị đội vốn trên 80.000 tỷ (RFA, 15/08/2019)
Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bị truy trách nhiệm về 5 dự án đường sắt đô thị bị đội vốn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 15/8.
Bảng hướng dẫn các trạm dừng của đường sắt Cát Linh - Hà Đông - RFA
Báo trong nước loan tin trong cùng ngày.
Trong buổi họp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phan Thái Bình nêu lên thực trạng chậm tiến độ, bị đội vốn khi triển khai 5 dự án đường sắt sử dụng vốn vay ODA tại Hà Nội và Sài Gòn.
Từ đó, ông Bình yêu cầu Bộ trưởng Tài chính giải thích để xem trách nhiệm thuộc về bên nào, đồng thời cần thêm Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư bổ sung thêm thông tin về vấn đề này.
Trả lời câu hỏi ông Bình đưa ra, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá trách nhiệm trước hết do các chủ đầu tư vì đã giao dự toán và kế hoạch chậm khiến giải ngân chậm. Thêm vào đó, quá trình điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, bố trí vốn đối ứng cũng kéo dài tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng trách nhiệm cũng thuộc về các bộ ngành liên quan trong quá trình xem xét, phê duyệt, triển khai dự án.
Ngoài ra, Bộ trưởng Tài chính nhận định các dự án đầu tư công đang bị cách quản lý chồng chéo bởi các ban ngành. Theo Luật quản lý nợ công sửa đổi, Bộ Tài chính chỉ được giao đàm phán, ký kết các hiệp định trong khi Bộ Kế hoạch & Đầu tư lại nhận trách nhiệm phân bổ, chủ trương đầu tư…
Còn theo Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân các dự án đường sắt chậm tiến độ do "năng lực tư vấn, quản lý chưa theo kịp với dự án đường sắt đô thị đầu tiên Việt Nam thực hiện".
Thống kê từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư đưa ra cho thấy 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang đội vốn hơn 81.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 dự án ở Thành phố Hồ Chí Minh là tuyến số 1 Bến Thành – Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành – Tham Lương tăng vốn đầu tư so với phê duyệt ban đầu nhiều nhất, hơn 51.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tại Hà Nội, 3 dự án Nhổn – Ga Hà Nội ; Cát Linh – Hà Đông ; và Yên Viên – Ngọc Hồi bị đội vốn gần 30.000 tỷ đồng.
*****************
Hàng chục ngàn máy tính ở Việt Nam có nguy cơ bị tấn công (RFA, 15/08/2019)
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) cho biết, theo thống kê sơ bộ, hiện có hơn 22.000 máy tính ở Việt Nam có nguy cơ bị tấn công bởi lỗ hổng trong dịch vụ Remote Desktop do mở cổng Remote Desktop Protocol (TCP 3389). Báo chí trong nước đồng loạt loan tin hôm 15/8/2019.
Một người dân Hà Nội đang sử dụng laptop trong quán cà phê có kết nối internet. AFP
Cụ thể, hiện có hai lỗ hổng, điểm yếu an toàn thông tin mới được công bố, tồn tại trong dịch vụ truy cập máy tính từ xa (Remote Desktop Services) của Hệ điều hành Windows là CVE-2019-1181 và CVE-2019-1182.
Hai lỗ hổng này cho phép tấn công từ xa để cài cắm mã độc và kiểm soát hệ thống. Khi đã có 1 máy trong mạng bị cài cắm mã độc thì các máy khác trong cùng vùng mạng cũng có thể bị khai thác và cài cắm mã độc một cách tự động.
Các lỗ hổng này Microsoft đã phát hành bản vá ngày 13/8/2019. Ngoài ra còn một số lỗ hổng khác trên dịch vụ Remote Desktop (CVE-2019-1222, CVE-2019-1223, CVE-2019-1224, CVE-2019-1225, CVE-2019-1226) cũng cho phép thực thi mã lệnh đã được Microsoft công bố và phát hành bản vá.
Các phiên bản bị ảnh hưởng là Windows 10, Windows 7 SP1, Windows Server 2008 R2 SP1, Windows Server 2012, Windows 8.1, Windows Server 2012 R2. Trong đó, Windows 10 hiện là phiên bản hệ điều hành máy tính phổ biến nhất thế giới.
Tờ VietnamNet hướng dẫn cho người dùng cách vá lỗ hổng tự động bằng cách bật sẵn chế độ cập nhật tự động. Người dùng cũng có thể cập nhật bằng tay bằng cách vào Setting > Update & Security > Windows Update.
Cục An toàn thông tin cũng kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần thực hiện cập nhật bản vá ngay cho các điểm yếu lỗ hổng này để bảo đảm an toàn thông tin và phòng, chống các cuộc tấn công nguy hiểm. Đặc biệt nên hạn chế tối đa việc mở cổng dịch vụ Remote Desktop.
Thủ đô Việt Nam ngập rác vì dân đòi tái định cư khỏi bãi rác Nam Sơn (VOA, 14/01/2019)
Tính đến chiều 14/01, rác thải đã chất đống khắp nơi trong thành phố Hà Nội gần 4 ngày, một số nơi rác cao ngập đầu, vì người dân 3 xã quanh một khu xử lý rác thải chính của thủ đô Việt Nam chặn đường xe chở rác để đòi được tái định cư nhanh hơn.
Rác chất đống trong hơn 3 ngày ở Hà Nội, tính đến chiều 14/01/2019
Một số người dân xác nhận với VOA rằng Hà Nội "mấy hôm nay ứ đọng đầy rác, không mang đi chôn lấp được". Một phụ nữ tên Khanh cho biết thêm là ở các phố ven trung tâm "rác ngập phố rồi, mấy chục mét lại một đống rác". Chị Khanh đưa ra ý kiến rằng "Lẽ ra chính quyền nên thông báo tạm thời chưa xử lý nơi đổ được, người dân nên hạn chế xả rác".
Một phụ nữ đã về hưu tên là Thủy mô tả với VOA rằng rác ứ đọng "trong khí hậu ẩm ướt mùa xuân" nên dường như vì vậy mà "nhiều người bị ho". Bà Thủy nói một cách cảm thán : "Khổ cho những người đi xe máy chìm ngập trong không khí ô nhiễm".
Thông tin do báo chí Việt Nam tường thuật, được VOA kiểm chứng, cho hay tình trạng này đã khiến cho thủ đô có khoảng 8 triệu dân trở nên nhếch nhác dịp sát Tết.
Nhiều bức ảnh của những trang tin lớn như Zing.vn, VnExpress, hay BizLive cho thấy "khối lượng rác khổng lồ" vứt tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, và "bốc mùi hôi thối nồng nặc".
Tin cho hay, các công nhân vệ sinh môi trường cố gắng hạn chế hậu quả của nạn dồn ứ rác bằng cách che bạt lên "các đống rác cao ngất" và rắc vôi bột xung quanh. Mặc dù vậy, từ các đống rác, vẫn có nước "đen sì, đặc sệt, bốc mùi" rỉ ra, tiềm ẩn nhiều "nguy cơ dịch bệnh", theo Zing.vn.
Rác được che bạt và rắc vôi bôi trong khi chờ chuyển ra khỏi Hà Nội, 13/1/2019
Các báo cho hay nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do nhiều người dân chặn xe chở rác đi vào bãi rác Nam Sơn, một khu liên hợp xử lý chất thải rắn lớn cách trung tâm Hà Nội hơn 40 kilomet về hướng bắc.
Những người dân thuộc 3 xã sinh sống quanh bãi rác đòi chính quyền "phải đẩy nhanh tiến độ di dời, và định cư" cho các hộ dân sinh sống trong bán kính 500 mét quanh bãi rác.
Ông Lê Văn Hồ, một người dân địa phương, được trang tin 24h.com trích lời nói rằng người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ của huyện Sóc Sơn "mong muốn nhà nước quan tâm, đưa người dân trong vùng ảnh hưởng ra ngoài càng sớm càng tốt".
Tường thuật của báo chí cho biết trong một động thái để đáp lại yêu cầu từ người dân, ngày 13/1, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng gửi "công văn hỏa tốc" tới một số cơ quan cấp dưới và UBND huyện Sóc Sơn, thúc giục họ thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó đáng chú ý là các mục tiêu gồm "tổ chức triển khai cắm mốc giới thu hồi đất, giải phóng mặt bằng trước ngày 15/2" và "đảm bảo tiến độ chi trả tiền bồi thường cho các hộ từ quý II/2019". Phó Chủ tịch Hùng cũng đã gặp gỡ người dân trong ngày 13/1 để đối thoại, theo các bản tin.
Thông tin cập nhật nhất mà VOA có được từ một số phóng viên ở Hà Nội cho hay vào chiều 14/1, người dân trong vùng bị ảnh hưởng từ bãi rác Nam Sơn đã nhận được phương án đền bù để di dời, tái định cư. Từ 4g chiều cùng ngày, các xe rác đã có thể đi vào bãi rác, các nguồn tin cho hay.
Một số người dân cũng xác nhận với VOA rằng vào hồi gần 8h tối ngày 14/1, họ thấy "các núi rác bắt đầu được dọn".
*******************
Dân phong tỏa bãi rác Nam Sơn, phản đối ô nhiễm, Hà Nội ứ rác (RFA, 13/01/2019)
Hàng trăm người dân các xã Nam Sơn, Bắc Sơn và Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội, chặn xe vào bãi rác Nam Sơn trong 3 ngày qua để phản đối tình trạng bãi rác gây ô nhiễm. Truyền thông trong nước hôm 13/1 cho biết như vừa nêu.
Hình minh hoạ. Một người đàn ông đang nhặt rác tại một bãi rác ở Hà Nội hôm 4/6/2018 - AFP
Theo truyền thông trong nước, việc người dân phong tỏa bãi rác đã khiến rác ở thành phố Hà Nội mấy ngày nay ngập ứ vì bãi rác Nam Sơn là nơi xử lý rác của 4 quận nội thành với công suất trên 4.000 tấn mỗi ngày.
Theo Zing, người dân sống quanh bãi rác Nam Sơn đã kiến nghị nhiều lần về tình trạng bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và được chính quyền hứa đến 2018 sẽ giải quyết xong việc đền bù đất và di dời người dân khỏi khu vực ô nhiễm. Tuy nhiên, đến đầu năm 2019, người dân cho biết vẫn chưa thấy có tiến triển gì.
Theo báo Lao Động, vào tháng 10/2017, người dân cạnh khu xử lý rác thải Nam Sơn cũng chặn xe chở rác trong nhiều ngày liên tiếp khiến hàng trăm tấn rác tồn đọng khắp thị xã Sơn Tây và các quận huyện nội thành.
Zing trích lời của ông Đỗ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, cho biết, sáng ngày 13/1, Phó chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Hùng đã về địa phương để lắng nghe ý kiến người dân.
Theo Vietnamnet, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội gần đây đã thông qua nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xủ lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn. Mức giá hỗ trợ được tính theo khoảng cách từ chỗ ở đến nơi xử lý từ 0 mét đến 1000 mét với các mức giá khác nhau, thấp nhất là 27.000 đồng/30 ngày mỗi người và cao nhất là 133.000 đồng/ 30 ngày mỗi người.
********************
Đình chỉ chức vụ bí thư đảng ủy đối với ông Hoàng Như Cương (RFA, 14/01/2019)
Báo Tuổi Trẻ online ngày 14/1 trích nguồn tin riêng cho biết Đảng ủy khối dân – chính – đảng thành phố Hồ Chí Minh đã đình chỉ chức vụ bí thư đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh đối với ông Hoàng Như Cương, người đã đi Mỹ từ khoảng giữa tháng 12 năm ngoái và chưa về.
Ông Hoàng Như Cương, Bí thư đảng ủy Ban quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh Courtesy Zing, RFA edit
Ngoài chức vụ là Bí thư đảng ủy, ông Hoàng Như Cương trước khi đi Mỹ còn giữ chức Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh (MAUR).
Theo truyền thông trong nước vào khoảng giữa tháng 12, ông Cương đột ngột đi Mỹ vì việc riêng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Đến ngày 9/12/2018, ông Cương có đơn xin nghỉ việc gửi trưởng MAUR, và cho biết lý do đi nước ngoài là vì các con ông đang sinh sống và làm việc tại Mỹ đang có sự cố xảy ra. Theo Tuổi Trẻ, trong đơn xin nghỉ việc của mình, ông Cương nói đã nhiều lần xin nghỉ việc và lần cuối là đơn xin đơn phương nghỉ việc từ ngày 16/11/2018.
Trong khi đó, vào ngày 25/12, Kiểm toán nhà nước công bố kiểm toán dự án Metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, chỉ rõ ông Hoàng Như Cương đã có sai phạm khi phê duyệt điều chỉnh dự án trái thẩm quyền. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính số tiền lên đến gần 2.900 tỷ đồng.
MAUR được coi là một "siêu ban" khi được giao quản lý, đầu tư 8 tuyến đường sắt đô thị của thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn hàng trăm ngàn tỷ đồng. Chỉ riêng tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên đã có vốn đầu tư hơn 47.000 tỷ đồng
********************
Công nhân bị nợ lương, công đoàn giúp được gì ? (RFA, 11/01/2019)
Chuyện công nhân bị nợ lương tại các công ty sản xuất hàng gia công có vốn đầu tư nước ngoài là chuyện không hiếm. Có công ty chỉ chậm lương cho công nhân vào những ngày cuối năm, nhưng cũng có công ty nợ lương công nhân đến 6 tháng như công ty TNHH Sunny Gloves tại Thái Bình với vốn 100% Hàn Quốc, hiện đang nợ lương công nhân từ tháng 7/2018.
Một công nhân Việt Nam. AFP
Ngoài ra, còn có những công ty sau khi nợ lương công nhân vài tháng thì giám đốc bỏ trốn về nước luôn như Công ty TNHH MTV Cho Won ở Đồng Nai, cũng 100% vốn Hàn Quốc.
Vì sao lại nợ lương ?
Anh Đoàn Huy Chương, Phó Chủ tịch Phong trào Lao Động Việt nhận định rằng chuyện nợ lương công nhân có hai lý do : Một là công ty muốn giữ chân công nhân ; hai là cuối năm họ có thể giải ngân không kịp.
Chị Lệ, một người quê ở Tây Ninh lên Sài Gòn làm công nhân thì nhận định rằng nếu công ty muốn giữ chân công nhân thì họ chỉ giam lương công nhân một tháng thôi. Thiếu tới sáu tháng thì chị cho rằng công ty sắp phá sản.
Anh Lộc, một thành viên trong Ban điều hành công ty gia công giày da ở Gò Vấp, có vốn 100% Đài Loan, cho RFA biết nguyên nhân các công ty hay nợ lương công nhân, nhất là vào dịp cuối năm :
"Cuối năm thì hàng xuất đi chưa lấy tiền kịp và phát sinh khoản tiền thưởng cho công nhân, nên nếu quỹ dự phòng không đủ thì phải nợ lương công nhân.
Có những đợt hàng xuất đi hàng chục containers nhưng lại không đạt yêu cầu, hàng bị trả về tái chế rồi lại xuất đi, như thế kéo dài thêm vài ba tháng nữa nên tiền chậm. Cũng có trường hợp sau khi tái chế vẫn không đạt yêu cầu, coi như đợt hàng đó phải bỏ. Nếu tiềm lực tài chính công ty không đủ mạnh thì không có tiền trả lương công nhân".
Việc bị công ty nợ lương khiến đời sống người công nhân vốn đã khó khăn càng thêm khốn đốn. Nhiều công nhân phải đi vay mượn để đắp đổi qua ngày chờ ngày nhận lương. Chị Lệ bày tỏ :
"Công nhân đi làm lương tháng nào hết tháng nấy, vừa lo cho con đi học vừa lo chi phí sinh hoạt hàng ngày. Nếu bị nợ lương thì cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi công ty thiếu một tháng lương mình đã phải đi vay mượn để xài. Công ty thiếu tới mấy tháng lương thì cuộc sống bế tắc. Nếu mà mình nghỉ thì họ cũng không trả lương vì họ dựa vào hợp đồng ký kết".
Vai trò của tổ chức công đoàn
Theo quy định tại Điều 96 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định về nguyên tắc trả lương thì "Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn".
Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương".
Vậy nếu công ty không trả lương đúng hạn theo luật định thì người công nhân có thể khởi kiện. Nhưng thực tế thì người công nhân không có tiền và không hiểu đủ luật để kiện cáo, họ chỉ biết trông chờ vào Công đoàn dù công đoàn thực chất cũng không giúp gì cho họ như chia sẻ của chị Lệ :
"Có kêu gọi công đoàn nhưng không thấy ai trả lời nên mình không biết có "cái gì" giữa công đoàn với công ty hay không. Cái đó mình cũng chưa hiểu rõ. Mình có mấy lần kiện cáo nhưng nó "bịt" hết trơn rồi nên bây giờ không biết kiện đến ai, mình nghèo đâu có tiền mà chạy chọt đến ai. Mình đành chịu thôi".
Công nhân Việt Nam sau giờ tan ca. AFP
Trên nguyên tắc, tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp là một thành phần quan trọng để giám sát, đảm bảo thực thi quyền lợi của người lao động trong doanh nghiệp. Vậy vì sao công đoàn lại im lặng khi công nhân cần sự bảo vệ như trình bày của chị Lệ ?
Anh Đoàn Huy Chương khẳng định, nếu nhờ công đoàn vô cuộc thì sẽ không bao giờ có kết quả vì công đoàn ở Việt Nam hiện nay thực chất không phải của công nhân mà là cánh tay nối dài của đảng.
Là một thành viên trong ban điều hành của một công ty có vốn Đài Loan, anh Lộc nhận định về vai trò của công đoàn nơi anh làm việc :
"Công đoàn đúng ra phải bảo vệ quyền lợi cho công nhân nhưng thực chất chỉ bảo vệ quyền lợi cho ông chủ mà thôi. Khi lương chậm trả cho công nhân thì công đoàn đứng ra dàn xếp để công nhân đừng biểu tình, đừng đình công, rồi đứng ra hứa hẹn để công nhân tiếp tục làm việc. Công đoàn sẽ mới các tổ trưởng lên họp rồi tuyên truyền cách trấn an công nhân. Khi công nhân bắt đầu đình công thì công ty sẽ yêu cầu công an xuống công ty để giải quyết êm đẹp, không để lan rộng, không để báo chí biết".
Anh Lộc nói thêm rằng theo nguyên tắc là tại các công ty có chủ đầu tư là nước ngoài như các công ty sản xuất giày da, may mặc… thì giám đốc đại diện và công đoàn phải là người Việt Nam. Nhưng hầu như cả công đoàn và giám đốc đều không bảo vệ người lao động, bởi đa số các giám đốc là bù nhìn, chỉ biết nghe lời chủ đầu tư, chỉ có một vài giám đốc biết bảo vệ công nhân Việt Nam.
Với tình hình công nhân bị nợ lương diễn ra nhiều vào những tháng cuối năm, khi ai ai cũng cần tiền trang trải cho ngày Tết, ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt, một vài chuyên gia pháp lý đưa ra những hướng dẫn trên mạng xã hội hoặc báo chí trong nước, giúp công nhân biết cách đòi nợ lương.
Một số tổ chức xã hội dân sự cũng có những cách tiếp cận công nhân để giúp họ nhận biết quyền lợi của mình. Nhờ đó mà những năm gần đây, phong trào công nhân nổi lên, biểu tình dài ngày đòi hỏi quyền lợi, và họ đã thành công.
Anh Đoàn Huy Chương nêu một dẫn chứng : Tháng 3/2018, công ty Pouchen ở Biên Hòa đòi giảm lương công nhân 5%, công nhân đã đình công hai ngày và công ty ngưng ngay việc giảm lương.
Còn với chuyện bị nợ lương, anh Chương khẳng định chỉ có chính người công nhân mới cứu được mình mà thôi :
"Khi công ty nợ lương thì công nhân phải tự đứng lên đòi hỏi quyền lợi cho mình thôi, chứ nhờ đến công đoàn hay nhà nước thì từ hồi đó tới bây giờ chưa bao giờ giải quyết được gì. Các tổ chức xã hội dân sự hay các tổ chức như Phong trào lao động Việt hay Lao động Việt cũng chỉ có thể cất lên tiếng nói và hướng dẫn công nhân, chứ không thể thay thế công nhân đòi hỏi quyền lợi cho họ".
Chuyện công ty nợ lương công nhân là thực tế thường xảy ra và chưa có cách giải quyết hữu hiệu khi công đoàn không phải là nơi bảo vệ người lao động như chia sẻ ở trên.
Diễm Thi