Những vụ án chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam, bộc lộ những "khuyết tật" nghiêm trọng của chế độ
Trong những năm qua có 3 loại vụ án thường gặp ở Việt Nam : thứ nhất là những phiên tòa hình sự cướp, giết, hiếp bình thường mà xã hội nào cũng có. Thứ hai là những phiên tòa về các vụ án tham nhũng, xử các quan chức, tư bản đỏ, với mức độ ngày càng nhiều, càng quy mô, kể từ khi ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng chiến dịch gọi là "đốt lò" chống tham nhũng từ năm 2016. Thứ ba là những vụ án có yếu tố chính trị, tôn giáo, bị nhà nước che giấu dưới cái vỏ hình sự hoặc những điều luật mơ hồ nhằm răn đe, đàn áp người dân.
3 vụ án gần đây tiêu biểu cho loại thứ hai, thứ ba đó là vụ án Việt Á, vụ án Đồng Tâm và vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ hay còn gọi là Tịnh Thất Bồng Lai.
Vụ đại án tham nhũng Việt Á là "một vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Trước hết là về vụ đại án tham nhũng Việt Á. Án tham nhũng ở Việt Nam thì rất nhiều, không kể xiết. Nhưng chúng ta chọn Việt Á để phân tích, không chỉ vì đây được xem là "một vụ án đặc biệt nghiêm trọng về các tội : vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại Công ty Việt Á, CDC các tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các đơn vị, địa phương liên quan" ; mà như nhiều người đã chỉ ra, vụ án phơi bày mức độ kinh hoàng của nạn tham nhũng có hệ thống tiến đến mức lũng đoạn chính sách, lũng đoạn nhà nước, với sự tham gia, dính líu của rất nhiều ban ngành khác nhau trên cả nước, với sự tiếp sức của truyền thông.
Chúng ta còn nhớ khi đó sản phẩm Test kit của Việt Á đã được sự "nồng nhiệt" tiếp sức, tâng bốc của một số cơ quan truyền thông, cơ quan nhà nước trước khi sự việc được phanh phui, toàn những báo đảng, báo Nhà Nước như báo Điện tử chính phủ, báo Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân… Rồi còn được Giải thưởng Techmart Quốc tế Việt Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Huân chương Lao động Hạng ba về thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. (huân chương này đã bị thu hồi) v.v.
Một sản phẩm "đểu", mua lại từ Test kit Trung Quốc, của một công ty nhỏ bé vô danh đã được bơm thổi lên, tất cả chỉ nhờ vào tiền, đồng tiền có thể mua mọi thứ ở Việt Nam, mua báo chí, truyền thông, mua giải thưởng, hối lộ quan chức…
Tính đến ngày 30/6/2022 đã có gần 80 cán bộ quan chức các ban ngành, địa phương bị khởi tố, bị bắt vì có liên quan đến vụ Việt Á.
Tham nhũng thì ở nước nào cũng có nhưng trong một chế độ dân chủ, chính phủ bị kiểm soát, kiềm chế bởi nhiều cách nên tham nhũng vì vậy cũng bị hạn chế : đó là sự phân chia và kiểm soát quyền lực lẫn nhau giữa ba nhánh Luật pháp, Hành pháp, Tư pháp, các đảng phái đối lập tối ngày soi mói, chỉ chờ cơ hội là chỉ trích, hạ bệ chính phủ, báo chí truyền thông độc lập sẵn sàng khui ra mọi vụ việc sai trái của chính phủ, các tổ chức dân sự cũng sẵn sàng lên tiếng nếu chính quyền làm gì sai, và người dân có quyền tự do ngôn luận, có quyền dùng lá phiếu để bầu cho cá nhân, đảng phái nào trong sạch, làm được việc, cũng như loại bỏ cá nhân, đảng phái tham nhũng, không làm được việc.
Có thể nói một cách chắc chắn, trong một chế độ dân chủ có nền pháp trị vững mạnh, một vụ tham nhũng ở mức độ kinh khủng như vụ Test Kit Việt Á không thể xảy ra được.
Trong khi đó ở Việt Nam, Đảng cộng sản một mình một chợ đứng cao hơn tất cả, lãnh đạo, kiểm soát mọi thứ từ Luật pháp, Hành pháp, Tư pháp, báo chí truyền thông, người dân thì không có quyền mở miệng cũng chẳng có quyền bầu chọn, loại bỏ ai hay loại bỏ đảng. Đảng cộng sản nắm quyền lực tuyệt đối. Sử gia người Anh thế kỷ XIX Lord Acton (1834–1902) đã từng nói "Power tends to corrupt ; absolute power corrupts absolutely", tạm dịch "Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối".
Vụ án Đồng Tâm là một vụ án tru di tam tộc vì cụ Lê Đình Kình thì bị giết, hai con trai Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị tử hình, cháu nội Lê Đình Doanh bị kết án chung thân…
Vụ án thứ hai, Đồng Tâm bộc lộ một trong những mâu thuẫn, bất công lâu đời dưới chế độ độc tài do Đảng cộng sản lãnh đạo, đó là Luật sở hữu đất đai. Không có một quốc gia tự do dân chủ nào lại có cái điều luật sở hữu đất đai như nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của luật này". Có nghĩa là người dân chỉ có quyền sử dụng đất mà không có quyền sở hữu, và nhà nước có quyền thu hồi nếu muốn. Chính cái luật sở hữu đó đã gây ra bao nhiêu thảm cảnh mất đất, người dân trở thành dân oan, rồi vì cùng cực, phẫn uất quá mà tự sát, tự thiêu hoặc vùng dậy chống lại nhà cầm quyền.
Danh sách những vụ án cưỡng chế đất đai ở Việt Nam và các nạn nhân cũng dài dằng dặc trong những năm qua. Vụ nào cũng tàn ác vì đền bù không thỏa đáng hoặc cướp trắng, đẩy người dân vào cảnh bần cùng, mất nhà cửa, mất ruộng vườn. Nhưng trong vụ Đồng Tâm, cái ác của nhà cầm quyền còn tăng thêm nhiều cấp độ. Sau một thời gian dài tranh chấp và giải quyết không ổn thỏa giữa hai bên, vào đêm 8/1 rạng sáng ngày 9/1/2020, Công an thành phố Hà Nội cùng một số đơn vị thuộc Bộ Công an, quân đôi có tới 3000 người kéo tới trấn áp dân làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Thành phố Hà Nội, giết chết dã man cụ Lê Đình Kình, nguyên bí thư xã với 55 năm tuổi, nhiều dân làng bị thương, bị bắt. Về phía chính quyền loan báo có 3 công an tử vong vì bị người dân đổ xăng đốt, những cái chết mà dư luận đặt rất nhiều dấu hỏi và đã có những bài phân tích, phản biện rất khoa học, như một chuyên luận khoa học hình sự, về sự vô lý của những lập luận từ phía nhà cầm quyền đưa ra, như loạt bài "Tội ác Đồng Tâm", "Giải mã vụ Đồng Tâm"… của Giáo sư Tiến sĩ khoa học Hoàng Xuân Phú, Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tổng biên tập của Vietnam Journal of Mathematics (từ năm 2011).
Nhưng nhà cầm quyền vẫn cứ đem nhiều người dân Đồng Tâm ra tòa xử với những bản án nặng nề, riêng đối với gia đình cụ Lê Đình Kình, đây có thể xem là một vụ án tru di tam tộc vì cụ Lê Đình Kình thì bị giết, hai con trai Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị tử hình, cháu nội Lê Đình Doanh bị kết án chung thân…
Toàn bộ vụ đưa quân trấn áp dân làng Đồng Tâm cho thấy sự tàn bạo của hệ thống công quyền và công an Việt Nam, các bản án lại càng cho thấy sự man rợ, bất chấp phải trái, bất chấp dư luận của đảng và hệ thống chính trị Việt Nam. Mà nguyên nhân chỉ vì đất. Tư bản Đỏ cấu kết với nhà cầm quyền cướp đất của dân. Đất, nguồn lợi lớn và sự bất công lớn nhất trong xã hội Việt Nam.
Chưa hết, có những người chỉ vì đưa tin trung thực về vụ án Đồng Tâm cũng bị tù lây như ba mẹ con nông dân, dân oan, nhà hoạt động Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư 8 năm tù giam và 3 năm quản chế, con trai lớn Trịnh Bá Phương 10 năm tù, 5 năm quản chế ; nhà báo tự do, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng Phạm Đoan Trang bị 9 năm tù, một phần do đã hoàn thành cuốn "Báo cáo Đồng Tâm" (Report Đồng Tâm) bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để lưu lại tội ác của Chính quyền Cộng sản và để vận động quốc tế cho cuộc điều tra độc lập.
Vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ bỏ tù một người 90 tuổi chỉ vì những chuyện hết sức vớ vẩn như dám tu tại gia mà không đăng ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dám có những lời xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa hay một cá nhân nhà sư
Vụ thứ ba là vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ. Ngày 21/7 vừa qua hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, Long An đã tuyên phạt 6 người của Thiền Am bên bờ vũ Trụ tức Tịnh thất Bồng Lai tổng cộng 23 năm tù, trong đó chịu mức án cao nhất là ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) 5 năm tù.
Tất cả đều bị kết tội theo điều 331 tức là "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Chứng cứ cho "tội" "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" này là 5 đoạn video clip đăng ở 2 tài khoản Youtube của nhóm "Tịnh thất Bồng Lai" bị cho là xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng toạ Thích Nhật Từ).
Sự khôi hài của phiên tòa, những lập luận bào chữa từ phía luật sư của "ông" thượng tọa Thích Nhật Từ như câu hỏi "Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao ?" (xuất phát từ việc đơn tố cáo vì cho là bị xúc phạm của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên của Tịnh Thất Bồng Lai đã nói "Thích Nhật Từ ngu như bò") v.v. những điều này mọi người đều đã nói nhiều.
Việt Nam từ lâu đã luôn luôn bị các nước dân chủ phương Tây và các tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích, đánh giá thấp về tự do tôn giáo. Ngay cả quyền tu tập tại gia cũng có thể bị xách nhiễu nếu lại nổi tiếng, lại được nhiều nhà hảo tâm chú ý tặng tiền như Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ. Nhưng việc tòa án Việt Nam bỏ tù một người 90 tuổi chỉ vì những chuyện hết sức vớ vẩn như dám tu tại gia mà không đăng ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam, dám có những lời xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa hay một cá nhân nhà sư, thì đúng là đã dấn thêm một bước mới trong trấn áp nhân quyền.
Hội đồng xét xử vụ án Tịnh Thất Bồng Lai. Ảnh : An Long
Cả 3 vụ án được nêu ra làm ví dụ này không thể xảy ra trong một chế độ dân chủ đa đảng pháp trị được. Không thể có một vụ như Việt Á có thể múa rìu qua mắt thợ, thao túng, lũng đoạn bao nhiêu ban bệ, chính quyền địa phương khắp tỉnh thành. Không có luật sở hữu đất đai phi lý phi nhân nên không có những tranh chấp, cưỡng chế đất như vụ Đồng Tâm. Càng không thể một tay vá trời, dàn dựng lên cả một vụ án xử tội người làng Đồng Tâm đã bạo loạn, chống phá chính quyền, giết chết 3 chiến sĩ công an với những chứng cớ ngụy tạo như vậy. Không có cái tội mơ hồ "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" nên không thể kết tội những người trong nhóm Thiền Am, cũng không có chuyện thể vì tố cáo công an đòi ăn hối lộ, vì mắng một ông sư là "ngu như bò" mà bị tù trong khi báo chí vu khống ông Lê Tùng Vân và những người ở Thiền Am suốt một thời gian dài với những tội danh kinh khủng như tội loạn luân, lợi dụng tu hành để lừađảo, trục lợi v.v. thì lại không hề gì !
Trong một xã hội dân chủ, những người trong Thiền Am bên bờ vũ trụ có thể kiện báo chí và tất cả những ai vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ. Và chắc chắn là họ sẽ thắng lớn.
Qua 2 vụ án Đồng Tâm và Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, chúng ta có thể thấy luật pháp ở Việt Nam nằm hoàn toàn trong tay nhà cầm quyền và kẻ mạnh, ở đây là tư bản Đỏ, là công an, là sư "lề phải", và báo chí quốc doanh, ngược lại số phận của người dân còn thua cả con sâu cái kiến. Bất cứ ai cũng có thể bị kết tội danh "Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" thuộc Điều 79 luật hình sự cũ nay là Điều 109 Bộ luật Hình sự, "Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" thuộc Điều 88 Luật Hình sự cũ nay trở thành Điều 117 Luật Hình sự, "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" thuộc Điều 258 Luật Hình sự cũ nay là Điều 331 trong Luật hình sự Việt Nam mới, thậm chí bị dàn dựng ngụy tạo thành tội giết người như trong vụ án Đồng Tâm.
Trong khi trên thực tế, dân làng Đồng Tâm luôn luôn giương cao khẩu hiệu tin vào đảng, vào chính phủ, cụ Lê Đình Kình mấy chục năm tuổi đảng, như lời cụ bà Dư Thị Thành nói "đến cuối đời chồng tôi vẫn tin vào đảng"… Còn những người ở Thiền Am thì không quan tâm đến chính trị, không hề có những lời nói, hành vi chống phá chế độ gì cả, còn nếu họ chỉ trích công an huyện Đức Hòa hay không muốn gia nhập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì cũng là quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo của họ mà thôi.
Chính vì vậy, Việt Nam cần phải thay đổi thể chế chính trị, dân chủ hóa để chấm dứt những "khuyết tật" nghiêm trọng của một chế độ độc tài (thường được gọi là "lỗi hệ thống), để tiêu diệt tận gốc rễ nạn tham nhũng, hạn chế những vụ án phi lý phi nhân, để từ xã hội, tôn giáo cho tới văn hóa, nhân tính con người được phát triển một cách lành mạnh, không còn một hiên thực mà cái xấu, cái ác, điều không tử tế thì tràn lan, trở thành bình thường, trong khi cái đẹp, cái thiện, điều tử tế lại trở thành hiếm hoi, bất bình thường.
Song Chi
Nguồn : RFA, 30/07/2022 (songchi's blog)
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã thể hiện vai trò vừa tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về định hướng chủ trương xử lý ; vừa tham mưu chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền ; vừa tham mưu theo dõi, đôn đốc thực hiện đến cùng của các cơ quan chức năng.
Năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa 6 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ra xét xử sơ thẩm trước ngày 31/3/2017 và đưa 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị ra xét xử phúc thẩm trong năm 2016.
Trong đó, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bức xúc dư luận đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật như : Vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn, vụ án Huỳnh Thị Huỳnh Như...
Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trong năm 2017, Ban Nội chính Trung ương sẽ ráo riết theo dõi, tham mưu, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo đúng kế hoạch tại Thông báo số 30 - TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.
Ban tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo kết thúc xác minh, xử lý 4 vụ việc ; điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo ; 1 vụ việc, 4 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc trong năm 2017.
Trọng tâm là giai đoạn 2 của vụ án Phạm Công Danh ; giai đoạn 2 của các vụ án Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... và các vụ việc, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ban tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo thanh tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được xã hội quan tâm như : Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước ; Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình ; Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc ; Dự án đạm DAP số 1 Hải Phòng ; Dự án Đạm DAP số 2 Lào Cai ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam ; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ; Dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương tăng cường tham mưu, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ; Chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Theo báo cáo, năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhiều nội dung công việc đã hoàn thành với kết quả cao như : Hoàn thành 2 Đề án lớn do Bộ Chính trị giao là Đề án "Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo" và Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".
Ban chủ trì giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại 14 tỉnh ; Theo dõi sát công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của các tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương ; Chủ trì xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan chức năng trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng ; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng…
Xuân Tùng (TTXVN)
*******************
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI.
Song, với tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, đạt được nhiều kết quả tốt và toàn diện.
Cụ thể, phát huy tinh thần chủ động, Thành ủy đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, trong tháng 6/2016 đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, 8 chương trình công tác lớn cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình ; các Ban Chỉ đạo chương trình đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trong đó, chương trình số 01-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020" với nhiều giải pháp đổi mới, đột phá có tính khả thi cao, là chương tình cốt lõi, "xương sống" trong các chương trình công tác của Thành ủy. Ban Chỉ đạo Chương trình đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc đã xây dựng và triển khai các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Chương trình theo ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, về công tác kiểm tra giám sát trong Đảng, ngay từ đầu năm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đó, Thành ủy Hà Nội thành lập 10 đoàn giám sát ở 20 quận, huyện, thị ủy và 10 sở, ngành của thành phố.Qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội, kết luận 55 tổ chức đảng, 234 đảng viên có vi phạm ; phải thi hành kỷ luật 127 đảng viên, 4 tổ chức đảng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp ; kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn thấp, trong khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng... Nguồn lực của thành phố hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn. Vì thế, TP Hà Nội lựa chọn năm 2017 là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ kỷ cương hành chính, làm cốt lõi để lan tỏa, xây dựng trật tự, kỷ cương xã hội.
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội cũng đã thông báo ban hành Văn bản số 519-CV/TU về thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả thị trường, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình có công, các đối tượng chính sách, hộ nghèo ; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống ; tập trung chỉ đạo, bảo đảm an toàn giao thông ; phòng, chống cháy, nổ ; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, quản lý lễ hội ; đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm ; mọi người dân đều được đón Tết trong an lành, hạnh phúc.
Nguyễn Thắng (TTXVN)
Những vụ án oan rúng động Việt Nam : ông Huỳnh Văn Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan
Năm 2016 đã bước qua, những sự kiện lớn lao như lũ lụt, nhân tai thủy điện, thảm họa môi trường Formosa… đã át tất cả mọi thứ, tràn ngập sự quan tâm của dân chúng. Thế nhưng bản ghi nhớ của năm, vẫn còn những câu chuyện về tù đày, oan khiên đang hằn vào con người cần phải được nhắc lại. Đó là những ghi chép về Việt Nam với phần tối đen, vật vã trên hành trình đòi quyền làm người và sự công chính.
Có những số phận treo lơ lửng chờ cái chết, khản giọng kêu oan, và có cả những vụ án tưởng là đã được minh oan, nhưng rồi sự trí trá trong bồi thường. nhận sai của chính quyền từng địa phương khiến họ lại tiếp tục trở thành nạn nhân. 2016 khép lại, nhưng những câu chuyện như vậy vẫn còn tiếp diễn.
Những đại án này, nhắc cho chúng ta nhớ, rằng vài vụ án được đưa ra ánh sáng, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, rằng đâu đó trong các nhà lao, việc đánh đập bức cung, nhục hình vẫn tiếp diễn và vẫn có những con người đang đau đớn gào thét đòi công lý trong lằn ranh của sự sống và cái chết.
Huỳnh Văn Nén
Là vụ án tốn nhiều giấy mực của báo chí, và chấn động dư luận. Ông Nén là người duy nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam mang 2 án oan. Gần 17 năm ngồi tù, cuối năm 2015, ông được minh oan và trả tự do. Trước tòa, ông Nén khai là đã bị điều tra viên Cao Văn Hùng bức cung tra khảo, nhục hình để ép nhận tội. Theo luật sư Phạm Công Út, sau khi ra tù, kết quả giám định tâm thần từ Bệnh viện tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai) cho thấy ông Huỳnh Văn Nén bị rối loạn cảm xúc không biệt định 21%. Cùng với các tổn thương về gan, mắt… thì tổng tổn thương trên cơ thể ông Nén được xác định 63%. Mất tất cả, kể cả sức lao động, nên Luật sư yêu cầu bồi thường 18 tỉ đồng. Nhưng Tòa án Tỉnh Bình Thuận nói chỉ bồi thường 2,6 tỉ đồng với lý do ông Nén phải cung cấp đủ các hóa đơn, chứng minh thiệt hại.
Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long từng bị Công an tỉnh Bắc Giang cáo buộc các tội danh giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em và 4 lần bị tuyên án tử hình. Sau một thời gian dài nỗ lực kêu oan của luật sư, đặc biệt với công sức của luật sư Ngô Ngọc Trai, Ngày 20/12/2016, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã tuyên bố trả tự do cho ông Hàn Đức Long sau 11 năm giam giữ với những phần tra khảo, bị buộc phải diễn tập các hành động giết người cho khớp với cáo trạng. Từ năm 2007 đến năm 2011, qua 4 phiên tòa, ông Hàn Đức Long bị TAND tỉnh Bắc Giang và TAND Tối cao tuyên phạm tội Hiếp dâm trẻ em và Giết người, hình phạt chung là tử hình. Tại phiên xử và trong suốt thời gian bị bắt, ông Long liên tục khóc và kêu oan trước tòa.
Trần Văn Thêm
Ông Trần Văn Thêm, 81 tuổi, chịu án oan tử hình từ hơn 40 năm, đã được nhà chức trách xin lỗi, sau khi ông được minh oan và trả tự do vào ngày 11/8/2016. Khi hồ sơ được giở lại, người ta nhìn thấy các chứng cứ để buộc tội ông Thêm hết sức lỏng lẻo và tùy tiện. Dù bị đánh đập, hành hạ liên tục để ép cung, ông Thêm vẫn thà chết chứ không nhận tội giết người cướp cửa. Câu chuyện này một lần nữa cho thấy nạn lạm quyền, bức cung phổ biến nghiêm trọng của các cơ quan tố tụng. Luật sư Nguyễn Văn Hòa, người đại diện cho ông Thêm đang đòi bồi thường cho ông số tiền hơn 12 tỉ đồng.
Nguyễn Thanh Chấn
Vụ án Nguyễn Thanh Chấn xảy ra giữa tháng 8/2003, khi có một phụ nữ bị hiếp dâm và giết chết. Ông Chấn bị bắt vì bị cho là nghi can và các cuộc điều tra nhanh chóng trong ngục tối bằng roi, gậy và nắm đấm mang lại kết quả là Tòa án tuyên phạt ông Nguyễn Thanh Chấn mức án tù chung thân do giết người "có tính chất côn đồ". Điều đáng nói, thủ phạm gây ra án oan cho ông Hàn Đức Long và ông Nguyễn Thanh Chấn đều là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, cùng là tên Đặng Thế Vinh. Chính vì "bài bản" chung của Vinh, đã khiến có tình tiết tại tất cả các phiên tòa, cả hai ông Chấn và Long đều một mực kêu oan và tố bị các điều tra viên ép cung, dùng nhục hình để nhận tội và ép làm các việc như viết đơn tự thú, thực nghiệm hiện trường theo ý đồ của điều tra viên. Luật sư Nguyễn Đức Biền, người bào chữa cho ông Chấn nói mức đòi bồi thường mà gia đình đưa ra là 9,3 tỉ đồng.
Nguyễn Văn Chưởng
Vụ án Nguyễn Văn Chưởng là một trong 5 vụ án nghiêm trọng của năm 2015, có dấu hiệu oan sai rõ, mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã từng lên tiếng chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vào ngày 13/3/2015. Luật sư Hoàng Văn Quánh, người bào chữa cho anh Nguyễn Văn Chưởng (sinh năm 1983) đã đưa ra chứng cứ rằng khi vụ án giết người xảy ra, Chưởng đang ở nơi cách đó hàng chục cây số. Thế nhưng công an điều tra dựa vào đó, kết luận rằng Chưởng ở xa vì "là người chủ mưu". Cho đến nay Nguyễn Văn Chưởng vẫn đang kêu oan chống án tử hình, thậm chí viết thư bằng máu gửi đến công luận. Từ trại giam Trần Phú ở Hải Phòng, tử tù Nguyễn Văn Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, tường thuật lại toàn bộ vụ việc, khẳng định Chưởng đã bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.
"Thế là họ đánh con tới tấp, không để cho con nói được câu nào nữa, họ thôi đánh thì con mới thở được và nói là sao các chú đánh cháu, cháu có làm gì đâu ? Và họ nói "Không làm gì thì tao mới đánh chứ làm gì thì đã không bị đánh" và họ lại tiếp tục đánh con tiếp và dùng còng số 8 treo… chỉ có hai đầu ngón chân cái chạm xuống đất…".
"Khi ở trên trại Kế – Bắc Giang, con đã nghĩ là mình không thể sống được đến lúc ra trước tòa để nói lên toàn bộ sự thật nên con đã thêu lên tất cả quần áo chữ Chưởng VT tức "Chưởng vô tội". Cả vỏ gối con cũng thêu nữa, còn áo phông trắng con thêu bài thơ kêu oan…"
Hồ Duy Hải
Là một số phận mong manh trước án tử hình, trước một ngày thi hành án (ngày 4/12/2014) tử tù Hồ Duy Hải (sinh năm 1985) đã được Chủ tịch Nước ký quyết định tạm hoãn thi hành án, để làm rõ những tình tiết có dấu hiệu oan sai mà báo chí đề cập. Tại phiên thảo luận ngày 20.3 về án oan sai, đoàn giám sát của Quốc hội thống nhất khẳng định rằng vụ án Hồ Duy Hải có đủ căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm xem xét lại, cụ thể là mọi chứng cứ kết tội Hải giết người đều là giả, thậm chí dấu vân tay thủ phạm cũng không khớp. Thế nhưng vẫn có một áp lực kỳ lạ nào đó muốn đưa Hồ Duy Hải vào cửa tử. Ngày 1 tháng 6/2016, báo Tuổi Trẻ còn lật lại vụ án này và viết rằng "Sau 18 tháng được tạm hoãn thi hành án tử hình, đến nay vẫn chưa có cơ quan nào trả lời chính thức về số phận của người tử tù này ra sao". Luật sư Trần Hồng Phong – người bào chữa cho Hồ Duy Hải – cũng khẳng định ông đã gửi đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án bởi nhiều tình tiết bất thường chưa được làm rõ.
Bà Nguyễn Thị Rưỡi – cô Hồ Duy Hải nói rằng : "Dư luận xôn xao rằng, Hồ Duy Hải cháu nhà tôi là chết thay cho con một quan chức hay một đại gia nào đó. Thông tin này được phóng viên báo Nông Thôn Ngày Nay đã nói cho tôi". Còn Mẹ của Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan nói những tin tức mà bà biết trong suốt 7 năm đi kêu oan cho con ""Có người viết thư mật cấm các nhà báo không được viết về vụ Hồ Duy Hải". Bà kể rằng "Nguyên phó giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh "cũng bức xúc và nói với các nhà báo rằng ‘tử hình dễ thế sao".
(Tổng hợp tư liệu từ Zing, VnExpress, Đời sống Pháp luật, Infonet, luatkhoa, Lao Động, Tuổi Trẻ…)
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA tiếng Việt, 27/12/2016