Một số bị cáo vụ án tham nhũng ra hầu tòa - Ảnh : Hoàng Triều
"Ráo riết theo dõi, tham mưu để hoàn thành điều tra, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng" là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 của Ban Nội chính Trung ương được nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 tổ chức chiều 5/1 tại Hà Nội.
Theo Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, trong năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã thể hiện vai trò vừa tham mưu, đề xuất Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về định hướng chủ trương xử lý ; vừa tham mưu chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của cơ quan chức năng và người có thẩm quyền ; vừa tham mưu theo dõi, đôn đốc thực hiện đến cùng của các cơ quan chức năng.
Năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đưa 6 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ra xét xử sơ thẩm trước ngày 31/3/2017 và đưa 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã xét xử sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị ra xét xử phúc thẩm trong năm 2016.
Trong đó, nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, bức xúc dư luận đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật như : Vụ án Phạm Công Danh, vụ án Hà Văn Thắm, vụ án Lê Dũng, vụ án Phạm Ngọc Ngoạn, vụ án Huỳnh Thị Huỳnh Như...
Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trong năm 2017, Ban Nội chính Trung ương sẽ ráo riết theo dõi, tham mưu, đề xuất kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thành xét xử sơ thẩm 6 vụ án, xét xử phúc thẩm 7 vụ án theo đúng kế hoạch tại Thông báo số 30 - TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đảm bảo việc xét xử nghiêm minh, đúng quy định pháp luật.
Ban tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo kết thúc xác minh, xử lý 4 vụ việc ; điều tra, truy tố, xét xử 12 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo ; 1 vụ việc, 4 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc trong năm 2017.
Trọng tâm là giai đoạn 2 của vụ án Phạm Công Danh ; giai đoạn 2 của các vụ án Hà Văn Thắm, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo... và các vụ việc, vụ án xảy ra tại Tổng công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ban tham mưu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo thanh tra, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được xã hội quan tâm như : Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Dung Quất ; Dự án xây dựng nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Bình Phước ; Dự án nhà máy Đạm Ninh Bình ; Dự án mở rộng nhà máy Đạm Hà Bắc ; Dự án đạm DAP số 1 Hải Phòng ; Dự án Đạm DAP số 2 Lào Cai ; Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam ; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 ; Dự án đầu tư khai thác mỏ sắt Quý Sa ; Dự án nhà máy đóng tàu Dung Quất.
Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương tăng cường tham mưu, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí ; Chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ theo Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Theo báo cáo, năm 2016, Ban Nội chính Trung ương đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, bám sát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, yêu cầu, nhiệm vụ được giao, nhiều nội dung công việc đã hoàn thành với kết quả cao như : Hoàn thành 2 Đề án lớn do Bộ Chính trị giao là Đề án "Bổ sung, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo" và Đề án "Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí".
Ban chủ trì giúp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng triển khai các Đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng chống tham nhũng tại 14 tỉnh ; Theo dõi sát công tác nội chính và phòng chống tham nhũng của các tỉnh, thành phố, cơ quan, tổ chức trực thuộc Trung ương ; Chủ trì xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương với các cơ quan chức năng trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng ; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về phòng chống tham nhũng…
Xuân Tùng (TTXVN)
*******************
Hà Nội tăng cường công tác xây dựng, kiểm tra và giám sát trong Đảng (Tin Tức, 05/01/2017)
Ngày 5/1, tại hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ghi nhận và biểu dương những thành quả phát triển kinh tế, chính trị, xã hội mà đảng bộ và nhân dân thành phố Hà Nội đã đạt được trong năm 2016.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh mỗi cơ quan, đơn vị và địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng, kiểm tra và giám sát trong Đảng, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng trong năm 2017.
Năm 2016 có ý nghĩa quan trọng của Thủ đô, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố, năm đầu của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 ; năm diễn ra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021, cũng là thời điểm có nhiều bộ luật mới được ban hành.
Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô bước vào nhiệm kỳ mới với nhiều khí thế, quyết tâm mới. Bên cạnh những thuận lợi, cũng có không ít khó khăn, thách thức, như tình hình chính trị thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm và nhiều rủi ro ; trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, mưa bão, sự cố môi trường biển miền Trung… Điều này đã tác động lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, đặt ra khối lượng công việc lớn và nặng nề đối với các cấp ủy, chính quyền, nhân dân thành phố, trong đó nhiều việc mới, việc khó.
Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hà Nội khóa XVI.
Song, với tinh thần đổi mới và quyết tâm chính trị cao, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng, đạt được nhiều kết quả tốt và toàn diện.
Cụ thể, phát huy tinh thần chủ động, Thành ủy đã chỉ đạo tập trung, quyết liệt, trong tháng 6/2016 đã hoàn thành việc xây dựng và ban hành chương trình công tác trọng tâm toàn khóa, 8 chương trình công tác lớn cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng ; thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình ; các Ban Chỉ đạo chương trình đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt ngay từ đầu nhiệm kỳ.
Trong đó, chương trình số 01-CTr/TU, ngày 26/4/2016 về "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016 - 2020" với nhiều giải pháp đổi mới, đột phá có tính khả thi cao, là chương tình cốt lõi, "xương sống" trong các chương trình công tác của Thành ủy. Ban Chỉ đạo Chương trình đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc đã xây dựng và triển khai các đề án, chuyên đề, kế hoạch công tác để cụ thể hóa Chương trình theo ngành, lĩnh vực.
Đặc biệt, về công tác kiểm tra giám sát trong Đảng, ngay từ đầu năm, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch công tác kiểm tra, giám sát năm 2016 theo chỉ đạo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Theo đó, Thành ủy Hà Nội thành lập 10 đoàn giám sát ở 20 quận, huyện, thị ủy và 10 sở, ngành của thành phố.Qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra các cấp trong toàn Đảng bộ thành phố Hà Nội, kết luận 55 tổ chức đảng, 234 đảng viên có vi phạm ; phải thi hành kỷ luật 127 đảng viên, 4 tổ chức đảng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, năm 2017 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, thành phố thực hiện nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp ; kinh tế thế giới phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô còn thấp, trong khi hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng... Nguồn lực của thành phố hạn hẹp, trong khi nhu cầu đầu tư rất lớn. Vì thế, TP Hà Nội lựa chọn năm 2017 là "Năm kỷ cương hành chính" nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ kỷ cương hành chính, làm cốt lõi để lan tỏa, xây dựng trật tự, kỷ cương xã hội.
Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội cũng đã thông báo ban hành Văn bản số 519-CV/TU về thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 20/12/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo đó, các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, bình ổn giá cả thị trường, tăng cường quản lý an toàn thực phẩm ; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình có công, các đối tượng chính sách, hộ nghèo ; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống ; tập trung chỉ đạo, bảo đảm an toàn giao thông ; phòng, chống cháy, nổ ; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - thể thao, quản lý lễ hội ; đảm bảo cho nhân dân Thủ đô đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm ; mọi người dân đều được đón Tết trong an lành, hạnh phúc.
Nguyễn Thắng (TTXVN)