Đại án Việt Á và vai trò của Phạm Nhật Vượng
Trà My, Thoibao.de, 04/01/2024
Tại sao Tô đại cố tình bỏ qua ?
Trong những ngày cuối năm 2023, từ ngày 27 đến ngày 29/12/2023, Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội đã tiến hành phiên sơ thẩm, xét xử 7 đối tượng liên quan đến vụ nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm test kit Covid-19 của Học Viện Quân Y với Công ty Việt Á.
Vai trò của Tô Lâm và Phạm Nhật Vượng trong đại án Việt Á - Ảnh minh họa
Tại phiên tòa này, bị cáo Phan Quốc Việt đã tỏ thái độ bình tĩnh, hết sức tự tin. Không chỉ vậy, Phan Quốc Việt nhiều lần khẳng định với Hội đồng xét xử rằng, ông ta có công trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Những điều này có liên quan đến câu hỏi : "Những ai đang sở hữu 80% cổ phần còn lại của Công ty Việt Á, ngoài sở hữu 20% của Phan Quốc Việt và các cổ đông ?"
Theo giới phân tích, chỉ có Cơ quan Điều tra của Bộ Công an và bị cáo Phan Quốc Việt nắm rất rõ nhất câu trả lời. Việc "quả bom" 80% cổ phần Việt Á này sẽ phát nổ bất cứ lúc nào, giữa các phiên tòa xét xử vụ Việt Á trong những ngày tới đây.
Đài Á Châu Tự Do, ngày 8/6/2021, trong bản tin với tiêu đề, "VinGroup góp gần 140 tỷ đồng thành lập Vin Biocare để sản xuất vaccine". Bản tin cho biết, ngày 8/6/2021, Công ty cổ phần Công nghệ Sinh học Vin Biocare vừa được thành lập, đăng ký sản xuất thuốc, dược liệu và vaccine, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Trong đó, Tập đoàn VinGroup là cổ đông lớn nhất, nắm 69% cổ phần, tương đương 138 tỷ đồng. Hai cổ đông còn lại là ông Phan Quốc Việt góp 60 tỷ, và bà Phan Thu Hương [vợ tỷ phú Phạm Nhật Vượng] góp vốn 2 tỷ đồng.
Vin Biocare có trụ sở tại khu đô thị Vinhomes Oceans Park Hà Nội, do bà Mai Hương Nội – Phó Tổng giám đốc VinGroup làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Phan Quốc Việt là Tổng Giám đốc.
Cùng thời điểm đó, nhà báo Kim Văn Chính, cựu giảng viên của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, trên trang Facebook cá nhân có đăng một status với tiêu đề, "Vin Biocare – mũi nhọn mới của Vin – sẽ cứu nguy cho đất nước, hay chỉ là màn đánh cược chiến thuật của Vin ?". Trong đó có một thông tin đáng chú ý, đó là :
"Theo tôi có mấy vấn đề sau cần tỉnh táo nhìn nhận : Vin Biocare hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học vacxin, là lĩnh vực công nghệ cao – sinh học phân tử, nhưng cạnh tranh rất khốc liệt trên thế giới và mang tính toàn cầu hóa rõ rệt (qua vụ vacxin Covid mọi người thấy rõ). Tuy nhiên, Vin không hề có sự chuẩn bị dài hạn, không có cả nhân sự chủ chốt…".
Chính, để so sánh với bài phản biện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Thị Bảo Vân, từ góc nhìn chuyên môn về vụ Việt Á.
Tiến sĩ Cao Thị Bảo Vân :
"Còn nghe Phan Quốc Việt tự hào phát minh ra xét nghiệm gộp, tiết kiệm trăm ngàn tỉ cho đất nước. Bạn này nổ như bom thế này, thì cũng hiểu cách bạn ấy quảng bá các sản phẩm của mình.
Sau đó, Việt Á nộp đơn xin vào khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh, xin đất và đầu tư khủng để sản xuất test kit. Tình cờ em lại là Chủ tịch Hội đồng xét duyệt vụ đó.
Hội đồng bao gồm chuyên gia từ các trường, viện bên y tế ở thành phố Hồ Chí Minh. Nhớ mãi câu hai vị phản biện và các thành viên hỏi đại diện Việt Á "Công nghệ đâu ?". Không có công nghệ gì cả ngoài trộn mấy thành phần đó. Tiêu chuẩn tiên quyết được duyệt vào khu Công nghệ cao là phải có công nghệ mới đột phá. Nên Hội đồng nhất trí : Không đạt !"
Điều này, giới quan sát cho rằng, thể hiện rất rõ hơi hướng có sự đứng sau của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, đối với dự án của Phan Quốc Việt cũng như Công ty Việt Á.
Được biết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Cao Thị Bảo Vân là người đoạt giải WIPO dành cho nhà sáng chế nữ xuất sắc nhất năm 2007, từng tốt nghiệp Đại học Lomonosov (Liên bang Nga). Bà là chuyên gia chuyên ngành sinh học phân tử, tốt nghiệp Thạc sĩ tại Viện Pasteur Paris. Sau đó, bà tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Viện này và trường Đại học Paris XI, đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với hạng "tối danh dự".
Đáng chú ý, ngày 31/7/2021, trước khi Phan Quốc Việt bị bắt khoảng 4 tháng, Vin Biocare đã bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới thay cho ông Phan Quốc Việt, và Công ty Việt Á phải rút toàn bộ cổ phần khỏi Vin Biocare.
Giới quan sát cho rằng, hai vụ việc này tưởng chừng chỉ là ngẫu nhiên, có vẻ chẳng liên quan gì tới nhau. Nhưng việc VinGroup chủ động "cắt đứt" với Phan Quốc Việt là một sự tính toán có chủ ý. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Phạm Nhật Vượng và Phan Quốc Việt đã được bỏ qua trong hồ sơ của vụ án Việt Á.
Theo giới thạo tin, vụ Vin Biocare với sự góp mặt của Công ty Việt Á, là cú lừa thế kỷ mà Phan Quốc Việt chỉ là một lính đánh thuê. Điều đó cho thấy, Phạm Nhật Vượng có vai trò không nhỏ trong đại án Việt Á, nhưng vẫn được Bộ Công an hoàn toàn bỏ qua.
Xin được nhắc lại, trong đại án Mobifone mua 95% cổ phần Công ty AVG của ông Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng, ông Tô Lâm khi đó là Thứ trưởng Bộ Công an, đã từng bị cáo buộc ban hành một văn bản "MẬT" với nội dung cấm các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin về hoạt động chuyển nhượng giữa Mobiphone và AVG, để thương vụ này "thông đồng, bén giọt" làm thiệt hai cho nhà nước khoảng 6.600 tỷ đồng.
Điều kể trên có liên quan gì tới thông tin của Thông tấn xã Việt Nam ngày 9/9/2023. Bản tin này có tiêu đề, "Bộ Công an lý giải hàng trăm tỷ chênh lệch trong kết luận vụ Việt Á", cho biết :
"Trong kết luận điều tra, Bộ Công an xác định Việt Á hưởng lợi bất chính hơn 1.200 tỷ đồng và chi hơn 106 tỷ đưa hối lộ. Trước đó, cơ quan này cho biết, Việt Á kiếm lãi 4.000 tỷ, chi 800 tỷ để bôi trơn."
Trà My
Nguồn : Thoibao.de, 02/01/2024
*************************
Những ai góp vốn vào Công ty Việt Á ?
Mạnh Thìn, Đại Đoàn Kết, 29/12/2021
80% cổ phần của Công ty Việt Á thuộc về ai ? Lợi nhuận từ việc bán kit test được chia như thế nào ?
Bí ẩn 80% cổ phần còn lại của Việt Á
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vẫn đang điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Ngoài "ông trùm" Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, dư luận hiện đang rất quan tâm những người góp vốn vào doanh nghiệp này. Số phận của các cổ đông góp vốn vào Việt Á hiện ra sao sau khi vụ việc bị điều tra.
Địa chỉ Công ty Việt Á chỉ duy nhất có mỗi cái bảng hiệu.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Việt Á thành lập năm 2007, trụ sở chính tại 372A/8 Hồ Văn Huê, Phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh, với vốn đăng ký ban đầu chỉ 80 triệu đồng do 3 cổ đông sáng lập.
Người đại diện pháp luật Công ty Việt Á là ông Phan Quốc Việt (hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh), nắm giữ 10,2% cổ phần. Ngoài ông Việt còn có ông Đồng Sỹ Huy (hộ khẩu Thành phố Hồ Chí Minh), nắm giữ 5% cổ phần công ty. Bà Hồ Thị Thanh Thủy (hộ khẩu tỉnh Long An), nắm giữ 4,8% cổ phần công ty.
Công ty này có sau 6 lần đăng ký thay đổi thông tin doanh nghiệp, vốn điều lệ. Lần gần nhất Công ty này tăng vốn điều lệ là vào tháng 10/2017 với con số vô cùng ấn tượng, lên đến 1.000 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù trải qua 6 lần tăng vốn điều lệ, nhưng tỉ lệ góp vốn của 3 cổ đông sáng lập vào Công ty Việt Á không biến động. Ông Phan Quốc Việt và 2 cổ đông còn lại vẫn nắm giữ khoảng 20% cổ phần vốn, 80% cổ phần còn lại (ước khoảng 800 tỷ đồng) do các cổ đông khác "bơm" vào.
Con số 800 tỷ đồng không phải là nhỏ với một doanh nghiệp, và nếu đó là vốn thật hiện hữu thì những "đại gia" nào đang đổ tiền vào Công ty Việt Á? Vấn đề này vẫn chưa được làm rõ.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết cho biết, ngoài góp vốn vào Công ty Việt Á, bộ ba cổ đông sáng lập doanh nghiệp này cũng là 3 cổ đông sáng lập Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển kinh doanh Việt Á có vốn điều lệ khoảng 200 tỷ đồng.
Tỉ lệ vốn góp được xác định như sau (tính đến cuối năm 2020) : ông Phan Quốc Việt nắm giữ 51%, ông Đồng Sỹ Huy nắm giữ 25% và bà Hồ Thị Thanh Thủy nắm giữ 24% vốn.
Công ty Việt Á có được ưu ái ?
Để tìm hiểu kỹ hơn về Công ty Việt Á, phóng viên đã đi xác minh địa chỉ trụ sở của doanh nghiệp này. Tuy nhiên, chủ nhà tại địa chỉ 372A/8 Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định Công ty Việt Á chỉ "mượn" chỗ để đặt cái bảng hiệu Công ty cả 10 năm nay. Địa điểm trên không có trụ sở, nhân viên làm việc hay tài liệu gì.
Một doanh nghiệp trong nước được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành kit xét nghiệm Covid-19 "made in Vietnam" đầu tiên nhưng đến cái địa chỉ đăng ký kinh doanh còn "mập mờ đánh lận con đen", không nhân viên làm việc, không tài liệu thì đủ hiểu Công ty này hoạt động như thế nào.
Một trong những vấn đề dư luận cũng quan tâm là liệu Công ty Việt Á có được các Bộ, Ngành liên quan "ưu ái" trong vấn đề đấu thầu, sản xuất kinh doanh.
Việc thẩm định một doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia đấu thầu hay chí ít là sản xuất một mặt hàng trong thời điểm nóng bỏng được xem là "cần kíp" như kit test Covid-19 mà không có cơ quan nào xác minh thì cũng thật lạ.
Tìm hiểu về hoạt động của Công ty Việt Á, trước khi sản xuất kit xét nghiệm Covid-19 "made in Vietnam", doanh nghiệp này đã được Bộ Y tế cấp phép sản xuất 15 kit thử tác nhân gây bệnh lao, viêm gan A, viêm gan B...
Vài năm trở lại đây, Công ty Việt Á nổi lên như một "ngôi sao sáng" giữa bầu trời thương trường doanh nghiệp cung ứng sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho ngành Y tế. Doanh nghiệp này liên tục trúng hàng loạt gói thầu dạng "khủng" tại các bệnh viện lớn trên cả nước, như: gói thầu cung ứng hóa chất năm 2016 - 2017 (thuốc, hóa chất, vật tư y tế) cho Bệnh viện Quân y 175 ; gói thầu cung cấp hóa chất vật tư tiêu hao theo máy và vật tư tiêu hao phục vụ hoạt động xét nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai...
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định, sau 17 tháng chỉ bán kit test Covid-19, Việt Á đạt mức doanh thu cực lớn với gần 4.000 tỷ đồng. Con số này mới chỉ là thống kê doanh số bán cho các đơn vị công lập, chưa nói đến khối tư nhân.
Như đã biết, kit test Covid-19 của Công ty Việt Á bắt nguồn từ 100% ngân sách và thuộc đề tài khoa học cấp quốc gia, nên đại diện chủ sở hữu nhà nước là Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ ; tổ chức chủ trì là Học viện Quân y.
Theo Điều 43, Luật Khoa học và Công nghệ về phân chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước quy định : "Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30% ; phần còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người môi giới theo quy định của Chính phủ".
Như vậy liệu lợi nhuận từ doanh số gần 4.000 tỷ đồng nói trên có vào được ngân sách thông qua chủ sở hữu và tổ chức chủ trì? Đây là câu hỏi cần sớm được trả lời vì đơn giản nếu để tiền "cứ thế" chui vào túi cá nhân thì con số thất thoát là rất "khủng" và phần chênh lệnh từ nâng giá khống cùng phần hoa hồng mà các lãnh đạo đơn vị công lập "bỏ túi riêng" chỉ là con số khiêm tốn.
Vụ việc kit test Covid-19 của Công ty Việt Á đã cho thấy nhiều lỗ hỏng trong khẩu quản lý. Quan trọng hơn cả là ngân sách thất thoát, đặc biệt, người dân, đất nước đã khó khăn trong đại dịch nhưng đâu đó vẫn còn những thành phần "tối" của xã hội trục lợi trên nỗi đau bệnh tật.
Mạnh Thìn
Nguồn : Đại Đoàn Kết, 29/12/2021
*****************************
VNCC thiết kế nhà máy sản xuất vaccine Vin Biocare thuộc Tập đoàn VinGroup
Dịch Phong, Xây Dựng, 13/10/2021
Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) là đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Vin Biocare thuộc Tập đoàn VinGroup, dự kiến hoàn thành và cung ứng sản phẩm với công suất 200 triệu liều/năm từ năm 2022.
VNCC là đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Vin Biocare (Ảnh: VNCC).
Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Vingroup đã ký kết với Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Arcturus Therapeutics (Mỹ) để nhận chuyển giao độc quyền công nghệ sản xuất vaccine phòng Covid-19. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Vingroup đã tiến hành đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Vin Biocare tại Lô CN1-12B-3 – Khu công nghiệp CNC 1, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, huyện Thạch Thất, Thành phố Hà Nội.
Theo đó, Vin Biocare sẽ sản xuất vaccine theo công nghệ mRNA với công suất khoảng 200 triệu liều/năm. Nhà máy dự kiến hoàn thành và bắt đầu cung ứng sản phẩm từ năm 2022. Dự án ý nghĩa này sẽ góp phần giúp Việt Nam tự chủ sản xuất vaccine phòng Covid-19 trong bối cảnh nguồn cung hạn chế và dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, VNCC được chọn là đơn vị tư vấn thiết kế cho dự án xây dựng nhà máy sản xuất vaccine Vin Biocare. Ngoài ra, VNCC cũng đã hoàn thành và nghiệm thu nhiệm vụ "Nghiên cứu đề xuất phương án thiết kế xây dựng mô hình bệnh viện dã chiến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm". Đây là nhiệm vụ mà VNCC được Bộ Xây dựng giao triển khai, vừa là nhiệm vụ nghiên cứu, vừa tham gia khảo sát, tư vấn triển khai một số bệnh viện dã chiến phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Dịch Phong
Nguồn : Báo Xây Dựng, 13/10/2021
**********************
Vingroup ‘bắt tay’ với Viet A Corp thành lập Vinbiocare, sẵn sàng cho sản xuất vắc xin Covid-19 ?
Nguyễn Ánh, VietTimes, 07/06/2021
Theo dữ liệu của VietTimes, ngày 3/6/2021, Công ty cổ phần Tập đoàn Vingroup (Mã CK : VIC) đã thành lập Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Vinbiocare (Vinbiocare) với quy mô vốn điều lệ 200 tỉ đồng.
VinGroup ‘bắt tay’ với Viet A Corp thành lập VinBiocare, sẵn sàng cho sản xuất vắc xin Covid-19 ?
Vinbiocare đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu. Cụ thể là sản xuất vắc xin, huyết thanh và các thành phần của máu, các loại thuốc khác, bao gồm chất vi lượng, thuốc chẩn đoán, sản xuất hoá dược.
Vingroup nắm chi phối tại Vinbiocare với tỉ lệ sở hữu 69% vốn điều lệ. Số cổ phần còn lại của Vinbiocare do hai cổ đông cá nhân họ Phan nắm giữ, là bà Phan Thu Hương (sở hữu 1% vốn điều lệ) và ông Phan Quốc Việt (SN 1980, sở hữu 30% vốn điều lệ). Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinbiocare do bà Mai Hương Nội – Phó Tổng Giám đốc VIC – đảm nhiệm.
Ông Phan Quốc Việt, như VietTimes từng đề cập, là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Viet A Corp).
Viet A Corp được thành lập vào tháng 2/2007, tự giới thiệu là công ty chuyên về lĩnh vực sinh học phân tử, với đội ngũ cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm hơn 10 năm về lĩnh vực này, đây cũng là nhóm đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng thành công và đưa vào thương mại từ rất sớm các kit sử dụng kỹ thuật realtime PCR và lai phân tử.
Trước đó, vào tháng 3/2010, Viet A Corp đã hợp tác với Học viện Quân Y sản xuất thành công kit thử xét nghiệm Covid-19 "made in Vietnam", giúp Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới phát triển được các bộ kit xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2.
Viet A Corp cũng là nhà thầu y tế quen mặt, trúng nhiều gói thầu tại các bệnh viện lớn trên cả nước. Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, kết quả kinh doanh của Viet A Corp có chiều hướng đi xuống trong giai đoạn 2016 – 2019 cả về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2019, công ty này báo lỗ 3,9 tỉ đồng.
Ngoài ra, ông Phan Quốc Việt còn là người đại diện của loạt doanh nghiệp khác như: Công ty trách nhiệm hữu hạn Thế giới Đất Việt, Công ty cổ phần Kỹ thuật Việt Á, Công ty cổ phần Đầu tư Đức Ân, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư Dịch vụ Tâm An.
Ngày 4/6/2021, Tập đoàn Vingroup đã trao tặng 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test cho Bộ Y tế. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã cho biết Vingroup đang đẩy nhanh vấn đề hợp tác với các đối tác nước ngoài về tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-19 để nước ta dần tự chủ về vắc xin.
Tập đoàn Vingroup đã đàm phán thành công với với Công ty Breathonix (Singapore), nhà sản xuất máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở đầu tiên trên thế giới – để đưa thiết bị này về Việt Nam từ nay đến hết tháng 8/2021.
Phương pháp xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở có ưu điểm đặc biệt nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở. Hơi thở ra được thu thập và đưa vào một khối phổ kế tiên tiến để đo lường.
Theo các nhà phát triển, máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện Covid-19, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Thiết bị xét nghiệm này đã được Cơ quan Khoa học Y tế của Singapore (HSA) cấp phép.
Nếu hệ thống này đáp ứng được nhu cầu chống dịch, Bộ Y Tế sẽ trao đổi với Vingroup để mở rộng việc đưa thiết bị xét nghiệm này về Việt Nam.
Nguyễn Ánh
Nguồn : VietTimes, 07/06/2021
Bi, hài kịch !
Chúng tôi gọi các "Đại án" ở Việt Nam vừa qua như vụ "Việt Á" và "Chuyến bay giải cứu" là những vở Bi, hài kịch của xã hội Việt Nam thời cộng sản.
Ở Việt Nam, những diễn biến của đại dịch, những bế tắc xã hội, những hậu quả mà người dân Việt Nam đã phải chịu bằng một "đặc tính riêng có" của Việt Nam nhưng hàng triệu con người hoảng hốt bỏ chạy khỏi các trung tâm thành phố, công nghiệp.
Những vụ đại án được coi là những "bi kịch" nhưng cái bi kịch này không chỉ trên sân khấu hay trong tác phẩm văn học, mà những tấn bi kịch này đang diễn ra trong thực tế đời sống xã hội. Ở đó, mỗi người dân là những những chuyện kể về những số phận và biến cố bi thảm trong đời thực ở xã hội Việt Nam. Đặc biệt là những giai đoạn khốc liệt, khó khăn nhất khi cả thế giới đương đầu với Đại dịch Covid-19. Ở Việt Nam, những diễn biến của đại dịch, những bế tắc xã hội, những hậu quả mà người dân Việt Nam đã phải chịu bằng một "đặc tính riêng có" của Việt Nam nhưng hàng triệu con người hoảng hốt bỏ chạy khỏi các trung tâm thành phố, công nghiệp. Hàng loạt các bi kịch đã xảy ra tại các khu dân cư, trên con đường chạy trốn bởi dịch bệnh, bởi hệ thống công quyền… được mạng xã hội phản ánh dù không đầy đủ, nhưng đủ để nói lên tính khốc liệt, sự khốn khổ của người dân và nhất là bản chất của hệ thống công quyền. Hàng chục ngàn con người đã bỏ mạng bởi dịch bệnh mà không đáng phải chấp nhận cái chết. Chỉ bởi sự vô cảm, bởi sự cứng nhắc, bởi sự kiêu ngạo cộng sản, bởi những sai lầm chẳng giống ai của hệ thống công quyền, không thể cứu vãn gây ra.
Đặc biệt, đó cũng là hậu quả của hệ thống quan chức, công quyền trong bất cứ trường hợp nào, cũng lấy mục đích tham nhũng, ăn cướp hoặc phục vụ mục đích ăn cướp, róc rỉa người dân lành vô tội trong một "Nhà nước của dân, do dân, vì dân".
Và chính cái "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" ấy, đã thực hiện những tấn bi kịch một cách hoàn hảo. Để rồi nhìn vào đó, người ta không thể nào nhịn nổi tiếng cười.
Thông thường là vậy, một xã hội khi đi đến tận cùng của sự suy đồi, thì nó đi từ trạng thái Bi sang Hài. Cũng như con người khi đến đường cùng của sự đau khổ, thì nhiều khi tiếng cười được cất lên, được mang đến một cách vô thức.
Những vở hài kịch đó không chỉ nằm ở những chiến dịch "Chống dịch như chống giặc", "Mỗi nhà dân, mỗi thôn xã, xóm làng đều là những pháo đài", ở những cuộc hành quân, đưa xe tăng thiết giáp vào Sài Gòn để chống dịch. Hẳn nhiên, là ai cũng biết xe tăng, thiết giáp và quân đội không thể bắn vào virus vô hình vô dạng, chỉ có người dân là hữu hình và có thể hứng chịu súng đạn, thiết giáp và xe tăng mới có tác dụng mà thôi.
Nhưng, những vở hài kịch còn nằm ở môi miệng người cộng sản. Chắc chắn một điều là những câu nói của quan chức Việt Nam rằng : "Việt Nam là điểm đến an toàn", "Nếu cột điện ở Mỹ có chân cũng sẽ về Việt Nam" (Nguyễn Xuân Phúc) rằng "Dù có nhiều ca nhiễm, dù con virus này ở đâu có đáng sợ, nhưng mà với Việt Nam ta, chắc chắn là nó không làm gì được", hoặc "Tất cả cuộc sống của người Việt Nam hôm nay là niềm mơ ước của nhiều nước trên thế giới. Chúng ta có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị" (Vũ Đức Đam)… thì đằng sau, khi phát hiện ra thực chất đó là những Trùm cuối, là những con sâu, những tên cướp đã rắp tâm lợi dụng dịch bệnh để tổ chức những trận cướp trên quy mô cả hệ thống chính trị.
Đó là những kit-test Việt Á được tổ chức nhanh chóng bằng cả hệ thống quan chức tham nhũng, những người cầm đầu, có trách nhiệm lớn nhất trong công cuộc phòng chống dịch bệnh của cả nước.
Đó là những hệ thống quan chức đủ mọi ngành, mọi cấp, từ chính quyền đến chuyên môn, các Bộ, Ngành… và đội ngũ dư luận viên của đảng cổ vũ rồi tổ chức những chuyến bay "Ngạo nghễ" để "Đón công dân Việt Nam về chăm sóc" nhưng thực chất là bóp hầu, bóp cổ người dân, thậm chí cả những xác chết từ nước ngoài để được đưa về đất nước.
Những màn hài kịch
Các bị cáo đứng nghe tuyên án
Nhưng, cái Bi, Hài kịch trong thực tế đời sống đã diễn ra, vừa được kết thúc bằng hai màn hài kịch có thể gọi là "Vĩ đại" bằng những vụ điều tra, xét xử mang đậm tính chất "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Ở đó, việc phát hiện, điều tra, xét xử của cả hệ thống luật pháp nước nhà đã không thể ngăn cản được người dân bật lên những câu hỏi, những thắc mắc dẫn đến những câu chửi thề, rồi cuối cùng là là những trận cười méo mó.
Người dân theo dõi những diễn biến từ đầu cho đến khi vụ án "Chuyến bay giải cứu" đã kết thúc phiên phúc thẩm. Người dân thấy gì ?
Ở đó, người ta giật mình thấy nhiều điều tưởng chừng không thể, mà vẫn xảy ra như không giữa cái gọi là "Nhà nước pháp quyền" này.
Ở đó, người ta thấy rằng có một hệ thống luật pháp nhưng được sử dụng với nhiều cách khác nhau. Việc sử dụng, suy diễn nó ra sao, phụ thuộc đối tượng mà hệ thống đó nhắm đến mà không phụ thuộc bản chất tội phạm của bị cáo ra sao.
Ở đó, tòa được sử dụng để tuyên những bản án bỏ túi, những bản án nặng hay nhẹ, phụ thuộc thân thế, tiền bạc, khả năng… đặc biệt là thái độ "biết điều" của từng bị cáo ra sao.
Cựu điều tra viên Hoàng Văn Hùng bất ngờ nhận tội, xin giảm nhẹ bằng cách hoàn trả 18,8 tỷ đồng
Người ta có thể thấy một điều tra viên như Hoàng Văn Hưng với lý lẽ vững chắc làm cho tòa tối mặt không thể cãi, không thể đối chất đã bị tòa tuyên án chung thân dù Viện Kiểm sát đề nghị 19-20 năm tù. Sở dĩ tuyên chung thân, chỉ vì "thái độ" và lý lẽ làm Tòa không cãi được. Thế rồi, khi anh ta biết dù có cãi bằng trời, lý luận hay tranh biện đúng đến mấy, thì Tòa vẫn có thể bất chấp tất cả để trả thù bằng mức án nặng nhất. Bởi Tòa đâu có xử bằng lý lẽ, bằng chứng cứ. Thì anh ta đành chấp nhận chịu thua.
Và khi anh ta chịu thua, có nghĩa là Tòa không cò bị bẽ mặt, thì Tòa tuyên lại 20 năm tù giam.
Ở đó, người ta thấy một can phạm nhận 2,8 triệu đola, nghĩa là hàng chục tỷ đồng để chạy án. Nhưng rồi chỉ chi 800.000 đola, còn lại thì chiếm đoạt.
Ở đó, dù tay cán bộ điều tra đã khẩn thiết yêu cầu truy tố ngay can phạm chạy án này cái tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhưng tòa cứ làm lơ rồi bỏ qua một cách trắng trợn và công khai.
Thế rồi, tòa vẫn chỉ bị tuyên án ví dụ với 5 năm tù, thậm chí sau đó, Tòa còn tự giảm cho một năm dù không kháng cáo. Chắc hẳn bởi Tòa thấy với việc nhận mấy chục tỷ đồng ấy, nếu tuyên án 5 năm vẫn còn… đắt quá.
Đơn giản, chỉ bởi can phạm này thuộc lực lượng "Còn đảng, còn mình" – hắn nguyên là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội. Và chỉ riêng phần tiền của hắn chưa kịp cất giấu, người ta bắt được khi khám nhà là 146 lượng vàng, 210.000 đola và cả tỷ đồng.
Thế lực như vậy, tiền bạc như thế, thì có tòa nào mà tuyên án nặng cho nổi. Nhất là khi mà hắn ta có nghề… hối lộ, chạy án.
Hài hước nhất, có lẽ điều ai cũng thấy, đó là không chỉ hiện tượng đầu voi, đuôi chuột của vụ án, mà còn là câu hỏi không được trả lời : Việc bắt bớ, giam cầm, truy tố, xét xử… hết cả đống tiền dân ấy, nhằm mục đích gì ?
Người ta không biết để làm gì khi bắt bớ, giam cầm, huy động cả hệ thống đi điều tra, bắt bớ rồi đưa vụ án này xét xử khi mà các bị hại là những công dân không hề được nhắc đến.
Không có một bị hại nào được nêu tên, dù trước đó, con số hơn 200.000 công dân đã được thống kê qua hơn 2.000 chuyến bay "Giải cứu".
Thế rồi, con số Bộ Công an đưa ra rằng mỗi chuyến bay, những tên cướp mang thẻ đảng này cướp được của công dân hơn 2 tỷ đồng. Tổng cộng là hơn 4.000 tỷ bị cướp đoạt. Thì sau một lúc cò cưa, điều tra, kiểm sát, truy tố… con số đó đã teo lại chỉ còn hơn 1.000 tỷ.
Những phiên tòa vụ "Chuyến bay giải cứu" đã khép lại phiên phúc thẩm. Nhưng điều đọng lại trong người dân, không phải là cái án ai phải chịu nặng, nhẹ ra sao hay tội ác bị trừng phạt như thế nào.
Điều người dân hiểu rất rõ là cả hệ thống đang ra sức tìm mọi cách để nã những đồng tiền từ bọn cướp ngày mà thôi. Nhưng điều hài hước, là cả hệ thống chính trị ấy, coi là chuyện hết sức bình thường khi đưa ra cái gọi là "Xét xử". Vì vậy, việc dẫm đạp lên luật pháp là điều ai cũng thấy.
Tòa có thể bỏ qua những điều luật, điều lệ đã được ghi bằng giấy trắng mực đen, nếu can phạm chịu bỏ tiền ra là đủ. Thậm chí, Tòa còn dừng hẳn việc xử xét, để can phạm có thời gian… nộp tiền. Rồi sau đó mới căn cứ vào đó mà… xử.
Tội trạng ra sao, vi phạm thế nào… không quan trọng, miễn là có "thái độ tử tế với Tòa".
Mà thông thường, nếu không theo luật, chỉ xử căn cứ vào "Thái độ" thì mọi chuyện sẽ dễ dàng thay đổi bởi "nén bạc, đâm toạc tờ giấy" là điều cha ông nhắc nhở từ xưa và bây giờ được thể hiện rất… cụ thể ngay tại cái gọi là Tòa.
Thế rồi tiền đó được sung công, được đưa vào ngân sách nhà nước
Rồi tiền đó được chi dùng cho những việc theo ý đảng. Để tổ chức đại hội đảng, để họp quốc hội, để tổ chức "Ngày hội toàn dân đi bầu cử".
Và một phần rất lớn, là lại để các đảng viên tham nhũng.
Có thể thấy bản chất của việc bắt bớ, truy tố, xét xử… thực chất lại chỉ là "Cướp của bọn cướp" mà thôi.
Thế rồi mấy ngày qua, vụ án "Việt Á" lại mở màn với nụ cười "hồn nhiên đến ngờ nghệch và có phần bệnh hoạn" của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á trước Tòa.
Trước Tòa, anh ta tuyên bố : "Nếu được quay lại từ đầu, bản thân vẫn làm như những gì đã làm. Một ngàn lần lặp lại và biết kết quả như hôm nay bị cáo vẫn làm. Bị cáo tin tưởng rằng trong bối cảnh đó những người khác chắc chắn cũng sẽ làm. Nếu không sai phạm thì chắc chắn không thể nào đóng góp kịp thời cho chống dịch".
Có lẽ, đó là những kết luận mà chẳng cần nhận thức cao siêu cũng sẽ hiểu rằng : Với hệ thống chính trị, nhà nước này mà không hối lộ, không lừa đảo, không cướp giật thì chẳng có thể động tay động chân được điều gì. Và còn làm, thì sẽ còn sai, còn có tội.
Bởi không có tội, không hối lộ, không tham nhũng, không cướp bóc được, thì hệ thống này tê liệt.
Vở hài kịch vẫn tiếp diễn
Các bị cáo Trịnh Thanh Hùng, nụ cười "hồn nhiên đến ngờ nghệch và có phần bệnh hoạn" của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á trước Tòa Phan Quốc Việt (giữa), Hồ Anh Sơn (từ trái qua) tại phiên tòa. Ảnh : Tiền phong, Dân trí, Tuổi trẻ.
Màn hài kịch Xử án vụ án "Việt Á" đã bắt đầu màn thứ nhất. Có lẽ không cần bình luận nhiều. Một stt trên trang Facebook của một nhà văn viết như sau đủ để hiểu vở kịch còn nhiều điều hài hước :
Bước xuống xe tù hắn đã cười...
Hắn vừa đi vừa cười.
Hắn không ngờ một thằng bị bạn bè vẫn chê là đồ mặt hãm tài lại có một thời khuynh đảo được cả thiên hạ, cả trăm triệu người sống dở, chết dở, sấp mặt... vì hắn.
Hắn cười vì cả một cái viện quân y to đùng, hoành tráng với một lô một lốc tướng tá có lúc phải nấp dưới váy vợ hắn...
Hắn cười, hắn muốn cười thật to cho sảng khoái, cuộc đời hắn thế mà cũng đã có một vai diễn lớn trong tấn trò đời, mà cả đống nhà báo, cả mớ quan chức ...từng ngóng theo mỗi cảnh diễn của hắn. Ồ hắn từng được trao cả huy chương lao động nữa đấy !
Hắn cười vì hắn thấy lạ... hắn chỉ nắm có 20% cổ phần cái công ty lừa đảo ấy, vậy mà hình như, hình như người ta quên mất... chủ nhân của 80% còn lại.
Hắn cười khi nhìn lên cái mặt tiền của tòa án, nhìn mấy vị quan tòa mũ mão uy nghi, à hắn đọc được ở đâu : xét xử công bằng, không có vùng cấm... vậy mà hắn nhìn quanh thấy hình như còn thiếu, thiếu bị cáo...
Hắn cười vì tội hắn, hắn có bị tùng xẻo cũng chưa hết tội : kiếm tiền trên cái chết của đồng loại, kiếm tiền trong đại dịch... thì chỉ có lũ kền kền ăn xác sống... nhưng không ngờ hắn chỉ bị kêu án mấy chục năm tù thì tòa nhân đạo quá !
Hắn cười vì hắn biết chưa bao giờ lời nói của hắn quan trọng đến thế, nặng cân đến thế... một lời khai của hắn trước tòa cũng khiến cho bao kẻ mất ăn, mất ngủ, thót dái lên cổ...
Hắn cười...
(Đặng Chương Ngạn)
Vâng, hắn cười.
Và không chỉ hắn cười khi mà cả đất nước đang diễn một vở đại bi kịch
Và những màn hài kịch sẽ còn được diễn lâu dài.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Nguồn : RFA, 30/12/2024
Đầu năm 2024, nếu không có gì thay đổi thì vụ án Việt Á sẽ được đưa ra xét xử, mở màn cho việc xét lại một chuỗi thế lực dắt tay nhau đi hết chiều dài đất nước trong lúc nguy khốn, để cùng nhau trục lợi.
Theo tổng kết của Bộ Công an thì cuộc điều tra đã kéo dài 13 tháng, và vụ án Việt Á sẽ được đưa ra xét xử vào đầu năm 2024
Theo tổng kết của Bộ Công an thì cuộc điều tra đã kéo dài 13 tháng, và tìm thấy 104 quan chức chính thức có liên quan đến đại án này. Người phát ngôn của Bộ Công an, ông Tô Ân Xô, nói vụ án này được khởi tố với tất cả 6 tội danh : Đó là :
1, "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" ;
2, "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" ;
3, "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" ;
4, "đưa hối lộ" ;
5, "nhận hối lộ" và
6, "lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi".
Từ đó nhìn thấy, tên gọi chung của đại án Việt Á, chỉ là sai phạm - tham nhũng. Nhưng thực sự nếu nhìn đúng về bản chất của vụ án này, còn một tội danh nữa cần phải được gọi ra với những quan chức, kể cả những thành phần cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước, đó là tội phản quốc.
Những kẻ đục khoét đất nước trong thời bình, thì có thể tạm gọi là những kẻ tham nhũng - loại đã mù lòa với lòng tham vượt qua trách nhiệm. Nhưng trong chiến tranh hay đại dịch, những kẻ cầm quyền dụng thời khắc khốn cùng của dân tộc và đất nước để đục khoét, thì nó không thể đơn giản gọi tên là tham nhũng được. Tên gọi của nó, chính là phản quốc. Bởi, nghĩ ra được những điều để trục lợi riêng ở thời điểm đó, thì họ hoàn toàn không còn ý thức gì về quê hương và dân tộc ở nơi mà họ đang thụ hưởng.
Đó chính là những kẻ từ chối quê hương, từ chối tiếng nói, màu da, dân tộc… họ chọn phản lại truyền thống và văn hóa trên đất nước mà họ được sinh ra, nhân danh cơ hội và đặc quyền. Tại sao toà án Việt Á lại không có phần luận tội về chuyện phản quốc của những kẻ như vậy, với đường dây hút máu dân Việt thời đại dịch ?
Chẳng những không gọi đúng cho sự khốn nạn như vậy, người ta còn tìm thấy trên báo chí, những ngõ luồn lách để giảm tội cho những kẻ mất nhân tính như vậy. Nộp lại tiền, hay nộp lại bằng khen, huân chương để được giảm án ; Thậm chí có cả một thuyết giải vây trơ trẽn được bày ra, gọi là "sai phạm nhưng không vụ lợi" xuất hiện vào thời điểm này, không khác gì ném phao cứu sinh giữa biển máu do chính bọn thủ ác gây ra.
Không gọi đúng tên những tội đồ của đại án Việt Á, tức giúp cho những kẻ phản quốc một kịch bản có nụ cười xuề xoà và câu dối trá - xin lỗi xin nhân dân lượng thứ. Hơn 43.000 người đã chết vì covid và còn nhiều nữa, những người không liên quan đại dịch nhưng đau yếu, đã phải chết trong vòng vây trùng trùng và xét nghiệm ấy, có đủ sự cam chịu để để nghe lời "xin lượng thứ" ấy không ?
Phản quốc đã là tên gọi ở nhiều quốc gia, về bầy đàn hay cá nhân tham nhũng. Lúc đất nước khó khăn, âm mưu đục khoét phải bị coi như kẻ thù. Ở Trung Quốc, ông Chu Dung Cơ, Thủ tướng thứ năm của Trung Quốc từ năm 1998 đến 2003, đã từng có những tuyên bố sắc lạnh đối với những kẻ nhân danh quan chức, hay cấu kết quan lại để tham nhũng trục lợi : "Phải chuẩn bị 100 quan tài, trong đó 99 chiếc cho các quan chức tham nhũng và một dành cho chính bản thân mình". Chiếc quan tài mà ông Chu Dung Cơ nói để dành cho mình, là sự quyết liệt xác định rằng coi những kẻ tham nhũng là thù địch và sẵn sàng sống chết với thế lực đó chứ không có chuyện vuốt ve cười nụ "sai phạm không vụ lợi".
Tháng Bảy 1961, trước 20.000 sinh viên Đại học Seoul, Tổng thống Park Chung Hee nói bằng cả một khát vọng mãnh liệt cho tương lai dân tộc, và đau đớn cho hiện tại của một nước đau yếu về kinh tế, lại dẫy đầy những thế lực bắt tay nhau, vẽ ra những dự án, mưu đồ để rút rỉa mồ hôi xương máu của đất nước "Tôi sẽ đem bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng mà mình đã đề ra".
Năm 2001, Trung Quốc vào giai đoạn đại cải cách kinh tế, từ một quốc gia đông dân nghèo khó để hôm nay trở thành một trong những nước giàu mạnh nhất thế giới. Trong đêm đón giao thừa ở Bắc Kinh, những tấm bảng điện chạy chữ mừng đón xuân, được xen lẫn bởi tên các quan chức tham nhũng đã bị tử hình trong năm, như một lời tuyên chiến đanh thép của Chu Dung Cơ. Trong thời đại của họ Chu, không có chuyện thối nát nộp tiền, hay nộp huân chương để giảm án.
Khi bị ám sát vào năm 1979, rất nhiều báo chí Hàn Quốc lúc đó quan tâm đến gia sản để lại của ông Park Chung Hee, để xem ông có làm đúng theo lời tuyên bố, thật sự trong sạch về chuyện cam kết chống tham nhũng, thanh bạch để xây dựng đất nước hay không. Tất cả những cuộc điều tra công phu sau đó cho thấy rằng tài sản của tổng thống Park Chung Hee để lại, chỉ có vỏn vẹn trên dưới 10.000 đô la. Ông không có biệt phủ biệt thự hay đất đai gì mà dòng họ mình lén lút đứng tên, hay cho con cái đi du học nước ngoài, mâu thuẫn với tiền lương ít ỏi của ông lúc đó.
Không gọi đúng tên được của bọn quan lại tham tàn, tạo điều kiện cho bọn thủ ác giảm tội, đặt tên cho những hành động man dại ăn xương uống máu nhân dân là "không vụ lợi", là bạc ác với hàng chục ngàn nạn nhân của đại dịch. Hơn nữa, làm như vậy cũng đồng nghĩa với chủ trương phai nhạt đi ý nghĩa tổ quốc, danh dự và trách nhiệm của công dân nước Việt Nam hôm nay, chứ đừng nói chi đến quan chức đang cầm quyền.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 20/12/2023