Việt Nam truy tố cựu lãnh đạo & nhân viên ngân hàng tư túi 264 triệu đôla (VOA, 28/09/2017)
Bộ Công an vừa đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với một cựu lãnh đạo và các cán bộ ngân hành do đã bỏ túi riêng 6 ngàn tỷ đồng (khoảng 264 triệu đôla), giữa lúc Việt Nam tăng cường bắt giam nhiều cá nhân sai phạm trong ngành ngân hàng.
Bà Hứa Thị Phấn và ông Hà Văn Thắm (Ảnh chụp từ VOV)
Hãng tin Reuters hôm 27/9 loan tin trong một tuyên bố trên mạng, Bộ Công an cho biết đã khởi tố bà Hứa Thị Phấn, nguyên cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín (TrustBank) với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Ngân hàng Đại Tín là tiền thân của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, và cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của ngân hàng này đã bị tuyên án 30 năm tù về việc rút ngân quỹ trái phép.
Bà Phấn và 9 nhân viên và trợ lý đã bị cấm rời khỏi tư gia. Công an cũng đã bắt giữ bốn nhân viên khác, trong khi một người đã bị bắt trước đó.
Báo Dân trí cho biết ngoài việc khởi tố 14 bị can, cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh với 4 bị can. Theo đó, bà Hứa Thị Phấn đã nhận quyết định điều tra bổ sung thay đổi tội danh đã khởi tố trước đó là tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng sang tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Hứa Thị Phấn bị khởi tố do liên quan đến vụ tham nhũng của các thành viên của tập đoàn ngân hàng Đại Dương (Ocean Group), mà ông Hà Văn Thắm là người sáng lập và 50 quan chức khác đang chờ xét xử, dự kiến trong tháng này.
Đầu tháng 9, Việt Nam cáo buộc cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đặng Thanh Bình với tội danh "thiếu trách nhiệm" trong khi Bộ Công an thụ lý điều tra vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổ giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt tại Ngân hàng Xây dựng và một số đơn vị, tổ chức thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Ngành ngân hàng của Việt Nam là một phần quan trọng trong cuộc chống tham nhũng ở cấp cao, nơi xảy ra hàng chục vụ lãnh đạo ngân hàng bị xét xử vì nhận hối lộ và quản lý kém.
*****************
Việt Nam gánh nợ công nuôi Đảng ủy (VOA, 27/09/2017)
Lãnh đạo Cộng sản Việt Nam thất bại trong việc kìm giữ thâm hụt ngân sách do chính phủ quản lý kém hiệu quả và quá lãng phí.
Bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia.
Theo trang Asia Times, người dân cáo buộc chính phủ tăng thuế môi trường bất hợp lý, vì họ tin rằng ý đồ của chính phủ là giảm thâm hụt ngân sách chứ không phải giúp bảo vệ môi trường. Điều này tăng đôi gánh nặng trên vai người nộp thuế, khiến họ ta thán đó là "một cổ hai tròng".
Đảng Cộng sản Việt Nam, với bốn triệu đảng viên đang là một gánh nặng rất lớn đối với ngân sách quốc gia, vì chính phủ phải có đủ tiền chi trả cho nhân viên, văn phòng và các hoạt động của họ, theo Asia Times.
Theo thống kê chính thức của Bộ Tài chính, Chính phủ đã cấp tổng cộng 11.800 tỷ đồng cho Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 2006-2015 (trừ năm 2009, vì thiếu số liệu), hơn cả ngân sách cấp cho Văn phòng Quốc hội (9.100 tỷ đồng), Văn phòng Chính phủ (6.000 tỷ đồng), và Văn phòng Chủ tịch nước (1.000 tỷ đồng).
Ngân sách dành cho Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản chiếm 41,8% tổng ngân sách dành cho các tổ chức này trong thời gian 9 năm như nêu trên. Cần lưu ý rằng ngoài Văn phòng Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam có văn phòng ở cấp tỉnh, thành phố, huyện và phường xã. Việt Nam có 58 tỉnh và 5 thành phố lớn thuộc trung ương.
Đảng Cộng sản Việt Nam có một số cơ quan đặc biệt ở trung ương, chẳng hạn như Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Ban Quân ủy Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Tuyên giáo Trung Ương, tất cả đều có các chức năng giống như các bộ tương ứng trong chính phủ.
Ngoài ra, chính phủ còn phải cấp ngân quỹ cho các tổ chức quần chúng và các hiệp hội xã hội dân sự do chính phủ tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 6 tổ chức này quan hệ mật thiết với Đảng Cộng sản Việt Nam và nhận được tổng cộng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách quốc gia năm 2016.
Quốc kỳ và Đảng kỳ trên đường phố Hà Nội nhân dịp Đại hội Đảng lần thứ 12, tháng 1, năm 2016.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) đã chỉ ra rằng một số biện pháp hiệu quả nhất để giảm bớt thâm hụt ngân sách là cắt giảm chi tiêu thường xuyên, giảm quy mô của chính phủ và sáp nhập các ủy ban trung ương đặc biệt của Đảng Cộng sản Việt Nam vào các bộ tương ứng trong chính phủ.
Các nhà tài trợ quốc tế luôn gây sức ép lên chính phủ để tách các chức năng của Đảng Cộng sản Việt Nam ra khỏi ngân sách quốc gia.
Tổng nợ công của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 năm 2017 là 94,6 tỷ đôla, tương đương khoảng 1.038 đôla mỗi đầu người.
Vào tháng trước, Bộ Tài chính Việt Nam đã đưa ra một kế hoạch tăng các loại thuế khác nhau để kiềm chế thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa rõ ràng.
Số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, thâm hụt ngân sách của chính phủ đã tăng từ 22,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP, vào năm 2000 lên 293 nghìn tỷ đồng ( khoảng13,1 tỷ đôla), tương đương 6,5% GDP vào năm 2016.
Kể từ năm 2000 cho đến nay, chính phủ Việt Nam liên tục thâm hụt ngân sách. Dự báo thâm hụt ngân sách cho năm 2017-2018 là khoảng 5,8% GDP. Doanh thu của Chính phủ đã tăng trong 15 năm qua, một phần do tăng trưởng kinh tế bình quân trên 6% trong giai đoạn này. Tuy nhiên, tăng trưởng này không thể theo kịp với chi tiêu của chính phủ.
Chi tiêu thường xuyên, bao gồm chi phí quản lý, tiền lương, an sinh xã hội, lương hưu, an ninh và quốc phòng là nguyên nhân chính gây thâm hụt ngân sách. Theo thống kê của Bộ Tài chính, chi thường xuyên chiếm 66,3% tổng chi của chính phủ trong năm 2016, so với 18,7% và 15% đối với khoản thanh toán tiền lãi và đầu tư công.
Bộ Tài chính dự kiến tăng thuế môi trường từ 3.000 đồng lên 8.000 đồng trên một lít xăng, mặc dù giá xăng tại Việt Nam đã quá cao so với thu nhập bình quân của người tiêu dùng và so với giá bán tại các nước Châu Á lân cận.
Việt Nam cũng nổi tiếng với các dự án đầu tư công đầy tai tiếng. Rất nhiều cây cầu đã bị sụp đổ ngay sau khi được khánh thành. Các con đường vừa được xây vài năm thì cần phải sửa chữa lớn. Bài viết này không thể kể hết các trường hợp như thế.
Lãng phí nguồn lực lớn xảy ra trong các dự án đầu tư công, nhưng vẫn chưa có quan chức nào quy trách nhiệm gây thiệt hại. Tham nhũng lan rộng trong các dự án này là lý do chính cho sự thất bại của họ.
Việc tăng thuế không phải là giải pháp cho sự quản lý thiếu hiệu quả và lãng phí của chính phủ ở Việt Nam. Sử dụng vốn vay và đầu tư một cách khôn ngoan là cách tốt nhất để giảm nợ công và thâm hụt ngân sách trong thời gian dài. Những biện pháp này rất quan trọng nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD) vừa loan báo đã tăng cường hợp tác với Việt Nam trong việc giải quyết nợ công thông qua một bản ghi nhớ về hợp tác trong tương lai, sau chuyến đi "vận động" của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vào giữa tháng 9.
Trang CafeF nói rất có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt nợ công ở Việt Nam, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là khái niệm về nợ công của Việt Nam hiện nay "còn xa lạ với thông lệ quốc tế".
Tờ báo này còn nói rằng Việt nam có khái niệm "riêng" nên số liệu về nợ công ở Việt Nam thường thiếu thống nhất, đồng thời việc đặt ra khái niệm riêng của Việt Nam về nợ công để có chỉ tiêu nợ công/GDP "đẹp" là không hợp lý và không cần thiết.
Hơn nữa, với khái niệm về nợ công "không giống ai" trong công tác quản lý nợ công, Việt Nam sẽ là "một mình một chợ" và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng khi thực trạng về nợ công không được đánh giá đúng.
Ngày 8 tháng Chín năm 2017, ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam bị cấm đi khỏi nơi cư trú, và bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, và ông Phan Huy Khanh, nguyên Tổng giám đốc Sacombanks bị bắt vào đầu tháng Tám. AFP
Trong khi đó thì vụ xử án ngân hàng Đại Dương, Ocean Bank, vẫn đang diễn ra liên quan đến những quan chức cao cấp của ngành dầu khí có nghi vấn nhận hối lộ từ ngân hàng này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội, trước kia có hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam dành cho Kính Hòa đài RFA cuộc trao đổi sau đây liên quan đến trách nhiệm trong các vụ án ngân hàng và kinh tế tại Việt Nam.
Nguyễn Quang A : Tôi biết ông Đặng Thanh Bình từ lúc ông ấy làm Vụ trưởng Vụ các định chế tín dụng. Lúc đó tôi nhận xét rằng ông ấy là một người tử tế và có nghiệp vụ. Rồi sau đó ông ấy lên làm Phó Thống đốc phụ trách vấn đề thanh tra thì phải. Đoạn sau này thì tôi không rõ ông ấy làm gì.
Người ta khởi tố ông ấy cái tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi không biết rằng cơ sở là ông ấy làm cái gì, gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào, mà tôi nghĩ rằng bất kể một ông nào khác làm ở cái chỗ của ông ấy, thì cũng bị như ông Bình mà thôi.
Nói chung chung là cái tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thực sự là một cái tội đã được Việt Nam sửa đổi và loại ra khỏi danh mục tội. Lẽ ra cái chuyện ấy đã có hiệu lực rồi, nhưng mà người ta hoãn lại, rồi thông qua, rồi hình như lại giữ nguyên cái tội ấy. Cho nên là mình không thể rõ, vì cái tội ấy rất là tù mù. Bản thân những qui định về luật của Việt Nam nó cũng lòng vòng. Ở Việt Nam chúng tôi thường nói là có thể có điều luật để kết tội bất kỳ ai, trừ những người đã chết hoặc những đứa trẻ chưa được sinh ra.
Kính Hòa : Thưa ông, cấp trên trực tiếp của ông Bình này là ông Nguyễn Văn Bình nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước, vậy ông dự trù là sắp tới ông Nguyễn Văn Bình có gặp rắc rối gì không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghi là có thể, bởi vì bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng đang đánh phái của Nguyễn Tấn Dũng, thì ông ấy đánh hết chân tay rồi đến các bộ sậu gần Nguyễn Tấn Dũng hơn. Ocean bank, Hà Văn Thắm, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam thì nhắm đến ông Thăng. Chuyện ông Bình này thì có thể là nhắm đến ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị và đang là Trưởng ban kinh tế của đảng cộng sản Việt Nam. Rất có thể là như vậy.
Kính Hòa : Nếu có thể nói ngắn gọn thì ông sẽ nói như thế nào về các vụ đại án ngân hàng Việt Nam, tại sao Việt Nam có đến 5 vụ đại án ngân hàng như vậy ? Và trách nhiệm chính thuộc về ai ?
Nguyễn Quang A : Trách nhiệm chính thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam và Quốc hội Việt Nam. Chứ không phải là những người đi hốt rác như hai cái ông Bình này. Có thể các ông ấy có những sai phạm gì đó trong lúc điều hành, nhưng mà những cái ấy so với những thiệt hại cho đất nước thì phải nói rằng cái luật về ngân hàng, cái chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế, các tập đoàn kinh tế,… Có lẽ người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy đang trị các đối thủ của ông ấy nhân danh chống tham nhũng.
Tất nhiên là khi nói chống tham nhũng thì không sao cả, ai cũng ủng hộ chống tham nhũng. Nhưng phải nhìn sâu hơn là tham nhũng ấy nó ở đâu, tất cả cái mớ bòng bong này xuất phát từ đâu ?
Tôi đã làm việc trong ngành ngân hàng, tôi có thể nói một cách chắc chắn là những hệ quả bây giờ, với 5 đại án như anh nói, nó đã bắt đầu 20 năm, 25 năm trước, trong những chủ trương, những luật, những nghị định mà ông Quốc hội, rồi ông Thủ tướng,… mà tôi tin chắc rằng cái chuyện ấy không thể có cái chuyện chỉ có mình ai đó làm, mà nó là cả một hệ thống.
Nói như thế không có nghĩa là bao che cho việc làm sai phạm của bất kể một người nào. Những người nào làm sai thì phải bị trừng trị, nhưng nếu chỉ dừng ở cái mức như thế thì tôi nghĩ là nó hơi hời hợt quá khi mà xem xét tình hình những việc làm thiệt hại cho đất nước và dân tộc này.
Kính Hòa : Có những ý kiến cho rằng những vụ đại án kinh tế và ngân hàng đều xuất phát dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành đất nước ?
Nguyễn Quang A : Đúng như thế, nhưng tôi nghĩ có những cái trước đó nữa, ví dụ nhưng luật, ví dụ như đường lối. Tất nhiên là ông Nguyễn Tấn Dũng là một người rất làm hại cho nền kinh tế này, nhưng không phải chỉ có mình ông Dũng, mà còn nhiều người khác nữa, kể cả những người đang giáng những đòn trừng trị gọi là chống tham nhũng, chống lại phe cánh ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kính Hòa : Quyết định nào về ngân hàng gây tổn hại nhiều nhất dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ?
Nguyễn Quang A : Tôi không đánh giá bất cứ một quyết định đối với một ngân hàng đơn lẻ nào cả, mà tôi cho rằng cái chủ trương phát triển ngân hàng một cách ồ ạt rồi sau đó là nghị định 41 mà ông Thống đốc trước nữa đã chuẩn bị cho ông Nguyễn Tấn Dũng ký, bắt các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ từ 70 tỉ lên 300 tỉ, rồi 3000 tỉ, trong thời gian cấp tốc mấy năm. Đấy là nguyên nhân chính phá tan hệ thống ngân hàng Việt Nam. Và còn có một chủ trương được ghi vào đường lối của đảng cộng sản Việt Nam là phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước được kinh doanh nhiều ngành nghề, kể cả ngân hàng, thì đấy là những cái sai chí tử, chứ không phải cụ thể một ngân hàng A, B, C.
Kính Hòa : Ông nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là đối tượng cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng này không ?
Nguyễn Quang A : Theo những gì đang tiến triển thì tôi nghĩ là mục tiêu của người ta là như vậy. Nhưng tôi e rằng họ khó có thể làm đến mức như vậy với đồng chí của mình như thế. Là bởi vì những quyết định lớn, tôi lấy ví dụ như đường lối chẳng hạn, ông Dũng sẽ bảo là đây là đường lối của đảng, trong đó có ông, ông giơ tay tán thành, tôi chỉ thực hiện cái đó thôi. Lúc đó thì sẽ hơi kẹt cho các ông đương nhiệm. Mà thực sự ngay cả ông Bình và ông Thăng mà đánh thật sự ráo riết thì có khi là bình vỡ mà chuột vẫn chạy được.
Kính Hòa RFA
Nguồn : RFA, 11/09/2017