Ngày 8 tháng Chín năm 2017, ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam bị cấm đi khỏi nơi cư trú, và bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, và ông Phan Huy Khanh, nguyên Tổng giám đốc Sacombanks bị bắt vào đầu tháng Tám. AFP
Trong khi đó thì vụ xử án ngân hàng Đại Dương, Ocean Bank, vẫn đang diễn ra liên quan đến những quan chức cao cấp của ngành dầu khí có nghi vấn nhận hối lộ từ ngân hàng này.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động dân sự tại Hà Nội, trước kia có hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam dành cho Kính Hòa đài RFA cuộc trao đổi sau đây liên quan đến trách nhiệm trong các vụ án ngân hàng và kinh tế tại Việt Nam.
Nguyễn Quang A : Tôi biết ông Đặng Thanh Bình từ lúc ông ấy làm Vụ trưởng Vụ các định chế tín dụng. Lúc đó tôi nhận xét rằng ông ấy là một người tử tế và có nghiệp vụ. Rồi sau đó ông ấy lên làm Phó Thống đốc phụ trách vấn đề thanh tra thì phải. Đoạn sau này thì tôi không rõ ông ấy làm gì.
Người ta khởi tố ông ấy cái tội cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng. Tôi không biết rằng cơ sở là ông ấy làm cái gì, gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào, mà tôi nghĩ rằng bất kể một ông nào khác làm ở cái chỗ của ông ấy, thì cũng bị như ông Bình mà thôi.
Nói chung chung là cái tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, thực sự là một cái tội đã được Việt Nam sửa đổi và loại ra khỏi danh mục tội. Lẽ ra cái chuyện ấy đã có hiệu lực rồi, nhưng mà người ta hoãn lại, rồi thông qua, rồi hình như lại giữ nguyên cái tội ấy. Cho nên là mình không thể rõ, vì cái tội ấy rất là tù mù. Bản thân những qui định về luật của Việt Nam nó cũng lòng vòng. Ở Việt Nam chúng tôi thường nói là có thể có điều luật để kết tội bất kỳ ai, trừ những người đã chết hoặc những đứa trẻ chưa được sinh ra.
Kính Hòa : Thưa ông, cấp trên trực tiếp của ông Bình này là ông Nguyễn Văn Bình nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước, vậy ông dự trù là sắp tới ông Nguyễn Văn Bình có gặp rắc rối gì không ?
Nguyễn Quang A : Tôi nghi là có thể, bởi vì bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng đang đánh phái của Nguyễn Tấn Dũng, thì ông ấy đánh hết chân tay rồi đến các bộ sậu gần Nguyễn Tấn Dũng hơn. Ocean bank, Hà Văn Thắm, Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam thì nhắm đến ông Thăng. Chuyện ông Bình này thì có thể là nhắm đến ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ chính trị và đang là Trưởng ban kinh tế của đảng cộng sản Việt Nam. Rất có thể là như vậy.
Kính Hòa : Nếu có thể nói ngắn gọn thì ông sẽ nói như thế nào về các vụ đại án ngân hàng Việt Nam, tại sao Việt Nam có đến 5 vụ đại án ngân hàng như vậy ? Và trách nhiệm chính thuộc về ai ?
Nguyễn Quang A : Trách nhiệm chính thuộc về Đảng cộng sản Việt Nam và Quốc hội Việt Nam. Chứ không phải là những người đi hốt rác như hai cái ông Bình này. Có thể các ông ấy có những sai phạm gì đó trong lúc điều hành, nhưng mà những cái ấy so với những thiệt hại cho đất nước thì phải nói rằng cái luật về ngân hàng, cái chủ trương của đảng cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế, các tập đoàn kinh tế,… Có lẽ người chịu trách nhiệm chính là ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ấy đang trị các đối thủ của ông ấy nhân danh chống tham nhũng.
Tất nhiên là khi nói chống tham nhũng thì không sao cả, ai cũng ủng hộ chống tham nhũng. Nhưng phải nhìn sâu hơn là tham nhũng ấy nó ở đâu, tất cả cái mớ bòng bong này xuất phát từ đâu ?
Tôi đã làm việc trong ngành ngân hàng, tôi có thể nói một cách chắc chắn là những hệ quả bây giờ, với 5 đại án như anh nói, nó đã bắt đầu 20 năm, 25 năm trước, trong những chủ trương, những luật, những nghị định mà ông Quốc hội, rồi ông Thủ tướng,… mà tôi tin chắc rằng cái chuyện ấy không thể có cái chuyện chỉ có mình ai đó làm, mà nó là cả một hệ thống.
Nói như thế không có nghĩa là bao che cho việc làm sai phạm của bất kể một người nào. Những người nào làm sai thì phải bị trừng trị, nhưng nếu chỉ dừng ở cái mức như thế thì tôi nghĩ là nó hơi hời hợt quá khi mà xem xét tình hình những việc làm thiệt hại cho đất nước và dân tộc này.
Kính Hòa : Có những ý kiến cho rằng những vụ đại án kinh tế và ngân hàng đều xuất phát dưới thời cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng điều hành đất nước ?
Nguyễn Quang A : Đúng như thế, nhưng tôi nghĩ có những cái trước đó nữa, ví dụ nhưng luật, ví dụ như đường lối. Tất nhiên là ông Nguyễn Tấn Dũng là một người rất làm hại cho nền kinh tế này, nhưng không phải chỉ có mình ông Dũng, mà còn nhiều người khác nữa, kể cả những người đang giáng những đòn trừng trị gọi là chống tham nhũng, chống lại phe cánh ông Nguyễn Tấn Dũng.
Kính Hòa : Quyết định nào về ngân hàng gây tổn hại nhiều nhất dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ?
Nguyễn Quang A : Tôi không đánh giá bất cứ một quyết định đối với một ngân hàng đơn lẻ nào cả, mà tôi cho rằng cái chủ trương phát triển ngân hàng một cách ồ ạt rồi sau đó là nghị định 41 mà ông Thống đốc trước nữa đã chuẩn bị cho ông Nguyễn Tấn Dũng ký, bắt các ngân hàng thương mại cổ phần tăng vốn điều lệ từ 70 tỉ lên 300 tỉ, rồi 3000 tỉ, trong thời gian cấp tốc mấy năm. Đấy là nguyên nhân chính phá tan hệ thống ngân hàng Việt Nam. Và còn có một chủ trương được ghi vào đường lối của đảng cộng sản Việt Nam là phát triển các tập đoàn kinh tế nhà nước, rồi cho các tập đoàn kinh tế nhà nước được kinh doanh nhiều ngành nghề, kể cả ngân hàng, thì đấy là những cái sai chí tử, chứ không phải cụ thể một ngân hàng A, B, C.
Kính Hòa : Ông nghĩ rằng ông Nguyễn Tấn Dũng sẽ là đối tượng cuối cùng của chiến dịch chống tham nhũng này không ?
Nguyễn Quang A : Theo những gì đang tiến triển thì tôi nghĩ là mục tiêu của người ta là như vậy. Nhưng tôi e rằng họ khó có thể làm đến mức như vậy với đồng chí của mình như thế. Là bởi vì những quyết định lớn, tôi lấy ví dụ như đường lối chẳng hạn, ông Dũng sẽ bảo là đây là đường lối của đảng, trong đó có ông, ông giơ tay tán thành, tôi chỉ thực hiện cái đó thôi. Lúc đó thì sẽ hơi kẹt cho các ông đương nhiệm. Mà thực sự ngay cả ông Bình và ông Thăng mà đánh thật sự ráo riết thì có khi là bình vỡ mà chuột vẫn chạy được.
Kính Hòa RFA
Nguồn : RFA, 11/09/2017