Báo cáo viên Liên Hiệp Quốc bày tỏ quan ngại việc Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị Công an mời làm việc
RFA, 29/09/2024
Bà Mary Lawlor, một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, lên tiếng bày tỏ quan ngại về việc Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A bị các cơ quan chức năng Việt Nam quấy rối.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A xem TV tại nhà riêng ở Hà Nội hôm 19/4/2015 – Reuters/Kham
Hôm 27/9, bà Lawlor nêu nhận định trên trang X chính thức của bà rằng :
"Tôi quan ngại trước các tin tức từ Việt Nam rằng Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ làm việc, để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông. Tiến sĩ Nguyễn đã bị thẩm vấn và quấy rối nhiều lần do vận động nhân quyền - ông phải được phép tự do bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, theo ảnh chụp giấy mời được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đăng trên Facebook cá nhân của ông hôm 26/9, đã bị Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an thành phố Hà Nội gửi giấy mời yêu cầu có mặt để làm việc lần thứ nhất vào ngày 25/9 với nội dung "hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube".
Hai ngày sau, ông tiếp tục nhận được thư mời lần hai với cùng nội dung "hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội".
Trong ngày 29/9, RFA đã nhận được tin trả lời của Tiến sĩ Nguyễn Quang A. Ông xác nhận nội dung hai tờ giấy mời trên là đúng. Tuy nhiên ông không đưa ra thêm bất kỳ nhận định nào về vụ việc trên.
Hồi tháng 5/2023, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những lãnh đạo xã hội dân sự của Việt Nam, đã bị cơ quan chức năng Việt Nam chặn xuất cảnh với lý do "an ninh" khi ông rời Hà Nội đi du lịch Thái Lan.
Vị học giả nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) lúc đó cho RFA biết ông có visa với thời hạn năm năm vào khối Schengen (ở Châu Âu) nhưng chưa sử dụng trong hai năm vừa qua vì đại dịch Covid nên đợt này ông muốn thực hiện một chuyến du lịch ở Châu Âu. Tuy nhiên ông quyết định mua vé đi du lịch Thái Lan trước khi đi Châu Âu và đã bị chặn xuất cảnh.
Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay thực hiện những hành vi nhằm vào người bảo vệ nhân quyền. Hà Nội thường khẳng định các "chính sách nhất quán" về việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A thường xuyên lên tiếng về những sự việc liên quan đến nhân quyền, sách nhiễu của cơ quan chức năng cũng như có những nhận định sắc bén về tình hình chính trị, an ninh, xã hội ở Việt Nam. Ông từng bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong bối cảnh một số học giả bị bắt, các luật sư bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu.
"Mình không những cảm thấy rất lo ngại về chuyện họ bắt các học giả mà là họ còn quấy rầy và thậm chí sách nhiễu các luật sư nữa. Đó là bước rất là nghiêm trọng".
Nguồn : RFA, 29/09/2024
***************************
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc quan ngại việc công an ‘mời’ Tiến sĩ Nguyễn Quang A làm việc
VOA, 28/09/2024
Một báo cáo viên của Liên Hiệp Quốc vừa lên tiếng bày tỏ sự quan ngại sau khi nhà chức trách Việt Nam gửi giấy mời hai lần liên tục đến Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A để thẩm vấn về việc ông trả lời phỏng vấn và tham gia hội luận, được đăng trên mạng xã hội.
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc lên tiếng về vụ Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị an ninh mời làm việc.
"Tôi quan ngại về các tin tức từ Việt Nam cho thấy Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ lên để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông", bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Người bảo vệ nhân quyền, nêu nhận định trên trang X hôm 27/9.
Ông Nguyễn Quang A bị công an thành phố Hà Nội yêu cầu có mặt lần thứ nhất vào ngày 25/9 với nội dung "giấy mời" là "hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube", và lần hai hôm 27/9 với nội dung "hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội", theo ảnh chụp hai "giấy mời" được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh ở Mỹ đăng trên Facebook hôm 26/9.
"Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã bị thẩm vấn và quấy rối nhiều lần vì hoạt động bảo vệ nhân quyền của ông - ông phải được phép tự do bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền", bà Lawlor nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc với cán bộ phụ trách được nêu trong thư mời của Công an Hà Nội và Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị họ nói thêm về thư mời và đưa ra bình luận về phát biểu trên của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa được trả lời.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trí thức phản biện nổi tiếng và là một trong những lãnh đạo của phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam, thường xuyên trả lời phỏng vấn báo đài nước ngoài, trong đó có tham gia hội luận trực tuyến về các vấn đề chính trị, xã hội, và thời sự liên quan đến Việt Nam trên đài Tiếng nói Hòa Kỳ (VOA). Các bài tham luận được lưu trên trang web chính thức và các nền tảng mạng xã hội khác nhau, trong đó có trang YouTube của VOA tiếng Việt.
Trả lời phỏng vấn VOA sáng ngày 28/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho biết rằng ông đã không đến trụ sở Công an Quận Long Biên, Hà Nội, như thư mời yêu cầu.
"Tôi là người được mời và tôi từ chối lời mời", ông Quang A chia sẻ với VOA qua tin nhắn. "Tôi yêu cầu họ không đến nhà riêng của tôi để đưa bất cứ giấy tờ gì và hãy gửi cho tôi qua bưu điện, tôi cũng sẽ trả lời bằng văn bản qua bưu điện".
"Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bạn tôi, đã bị an ninh, công an Việt Nam ‘mời’ hai lần vì các cuộc phỏng vấn gần đây với báo chí", giáo sư Larry Diamond, thuộc Viện Hoover và là nhà nghiên cứu cấp cao về Dân chủ Toàn cầu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (FSI), Đại học Stanford, Hoa Kỳ, viết trên trang X.
"Sự việc này xảy ra khi Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đảng cộng sản Việt Nam muốn đưa thêm các tù nhân lương tâm mới vào tù để thế chỗ cho các tù nhân lương tâm vừa được thả ra, một trò cũ rích", ông Diamond bày tỏ.
Như tin đã đưa, hôm 21/9, ngay trước khi Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm khởi hành cho chuyến làm việc lại Mỹ và tham dự phiên họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hà Nội đã phóng thích các nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức, Hoàng Thị Minh Hồng và Hoàng Ngọc Giao trước khi họ mãn hạn tù.
Vị giáo sư Mỹ cũng bày tỏ lòng biết ơn bà Lawlor "vì đã lên tiếng về hoàn cảnh khó khăn của Tiến sĩ Nguyễn Quang A".
"Ông là một công dân yêu nước và ôn hòa, người chỉ mong muốn một Việt Nam tốt đẹp hơn, tôn trọng quyền của công dân", giáo sư Diamond thuộc trường Đại học Stanford, đồng thời là cố vấn của Quỹ Quốc gia hỗ trợ Dân chủ (NED), cựu biên tập viên Tạp chí Dân chủ (Journal of Democracy), nêu nhận định.
Hồi tháng 5/2023, ông Nguyễn Quang A cũng bị giới hữu trách Việt Nam chặn xuất cảnh với lý do "an ninh quốc gia" khi ông khởi hành đi Thái Lan từ sân bay Nội Bài.
Ông Nguyễn Quang A là cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển (IDS) nhưng viện này đã bị chính phủ Việt Nam giải thể trước đây vì có những kiến nghị táo bạo bị xem là đi ngược với đường lối của chính quyền. Ông cũng là người được bình chọn là một trong 10 người có ảnh hưởng đến sự phát triển của Internet Việt Nam trong 10 năm (1997-2007).
Chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền hay thực hiện những hành vi nhằm vào người bảo vệ nhân quyền. Hà Nội thường khẳng định các "chính sách nhất quán" về việc đảm bảo quyền con người, trong đó có quyền tự do phát biểu và tự do ngôn luận.
Bà Mary Lawlor, giáo sư thỉnh giảng thuộc Trung tâm Đổi mới Xã hội, Trường Kinh doanh, Đại học Trinity Dublin, Ireland, được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bổ nhiệm làm Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình hình của những Người bảo vệ Nhân quyền vào ngày 1/5/2020. Bà là một chuyên gia độc lập, tham gia vào các cơ chế giám sát và tìm hiểu thực tế của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Nguồn : VOA, 28/09/2024
*******************************
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị công an mời làm việc, quốc tế quan ngại
BBC, 28/09/2024
Một báo cáo viên của Liên Hợp Quốc và nhiều trí thức quốc tế đã lên tiếng quan ngại khi nhà hoạt động kỳ cựu Nguyễn Quang A mới đây liên tục nhận được giấy mời từ cơ quan an ninh về việc ông trả lời phỏng vấn và tham gia hội luận.
Ông Nguyễn Quang A và hai giấy mời của Công an
Ông Nguyễn Quang A bị công an thành phố Hà Nội yêu cầu có mặt lần thứ nhất vào ngày 25/9 để "hỏi về việc tham gia hội luận trên mạng xã hội YouTube", và lần hai hôm 27/9 với nội dung "hỏi về việc tham gia hội luận, trả lời phỏng vấn trên mạng xã hội", theo ảnh chụp hai "giấy mời" được luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh đăng trên Facebook hôm 26/9.
Bà Mary Lawlor, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về Người bảo vệ nhân quyền, nêu nhận định trên trang X hôm 27/9 : "Tôi quan ngại về các tin tức từ Việt Nam cho thấy Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà bảo vệ nhân quyền kỳ cựu, đã bị công an ‘mời’ lên để thẩm vấn liên quan đến các bài đăng và cuộc phỏng vấn trên mạng xã hội của ông".
Giáo sư Chính trị học Larry Diamond tại Đại học Stanford Mỹ viết trên trang X : "Bạn tôi, Tiến sĩ Nguyễn Quang A gần đây đã được công an ‘mời’ hai lần về các cuộc phỏng vấn với báo chí. Điều này xảy ra khi Tổng Bí thư Tô Lâm gặp Tổng thống Joe Biden. Đảng Cộng sản Việt Nam đang thay thế các tù nhân lương tâm được thả bằng những tù nhân mới, một trò cũ rích".
Chính quyền Việt Nam tuần trước đã trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng ngay trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm.
Nguồn : Facebook, BBC, 28/09/2024
Chặn xuất cảnh ngay tại phi trường : thực sự vì an ninh hay để trả thù ?
RFA, 03/05/2023
Theo quy định tại Điều 36, Luật Xuất cảnh - Nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019 thì các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh bao gồm "bị can, bị cáo, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người phải thi hành án dân sự, người đang bị cưỡng chế, người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm, người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh"…
Quầy gửi hành lý tại sân bay Nội Bài - AFP
Cơ quan điều tra, viện kiểm sát, cơ quan thi hành án có thẩm quyền sẽ ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh, và phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho công dân bị hoãn xuất cảnh biết.
Cũng theo Điều 36, người có thẩm quyền ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh thì có thẩm quyền ra quyết định gia hạn, hủy bỏ quyết định tạm hoãn xuất cảnh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình. Trong trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công an thống nhất với người ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh về việc cho phép người bị tạm hoãn xuất cảnh được xuất cảnh.
Tuy quy định là vậy, nhưng một số người ra đến cửa an ninh bên trong khu vực sân bay, thậm chí chuẩn bị bước lên máy bay đi nước ngoài mới biết mình bị hoãn xuất cảnh. Lý do được nêu ra là "liên quan đến an ninh".
Trường hợp mới nhất xảy ra với Tiến sĩ Nguyễn Quang A hôm 1/5/2023. Ông Nguyễn Quang A nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã bị giải thể. Ông nói với RFA sáng ngày 2/5 :
"Mua vé đi Thái Lan chơi mấy hôm, đến sân bay thì họ chặn và nói không được đi. Mình cũng bảo ‘Ok, không sao cả. Các bạn cho mình một cái biên bản kèm theo một cái quyết định nêu lý do’".
Biên bản tạm hoãn xuất cảnh ghi lý do "liên quan đến an ninh" theo Khoản 9, Điều 36 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh 2019.
Luật sư Võ An Đôn, người bị hoãn xuất cảnh vào tháng 9 năm 2022 nói với RFA sáng ngày 3/5/2023 :
"Gia đình tôi được chính phủ Hoa Kỳ cho đi định cư. Tối 27/9/2022, cả gia đình tôi đến phi trường Tân Sơn Nhất, gửi hành lý xong xuôi. Đến khi bước chân qua cửa an ninh để lên máy bay thì họ chặn lại không cho đi và mời vô làm việc. Họ nói vì lý do an ninh. Tôi không hề biết mình không được xuất cảnh cho đến lúc bị chặn lại ở sân bay.
Hoãn xuất cảnh vì lý do khác thì họ báo chứ vì lý do an ninh thì họ không báo. Theo tôi, cách làm của họ gây thiệt hại rất nhiều cho những người bị cấm xuất cảnh, bởi trước khi đi người ta bán nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, nghỉ làm, nghỉ học hết. Cuộc sống đảo lộn. Mục đích của họ là gây khó khăn".
Một người hoạt động trong ngành tư pháp, yêu cầu ẩn danh, nói với RFA trường hợp của mình :
"Tôi không hề biết mình bị cấm xuất cảnh, mà họ gọi là "tạm hoãn xuất cảnh" vì lý do an ninh, cho đến khi tôi làm thủ tục xuất cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất để qua Mỹ thăm mẹ tôi bệnh nặng. Họ chỉ nói vì lý do an ninh và được hệ thống máy tính báo lại khi tôi trình hộ chiếu.
Khi tôi yêu cầu văn bản thì họ in từ hệ thống ra giấy tạm hoãn, và lúc đó tôi mới biết là mình bị hoãn xuất cảnh từ một năm trước, và bị hoãn trong thời hạn là hai năm. Lý do an ninh là một lý do mù mờ, vô căn cứ vì tôi chẳng làm gì hại đến an ninh quốc gia cả. Về nguyên tắc thì khi cấm tôi xuất cảnh phải báo cho biết cả về lý do lẫn thời hạn.
Tôi là một người làm việc trong ngành tư pháp mà còn bị đối xử như thế thì làm sao còn công lý với dân thường ?"
Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng làm Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang 10 năm kể với RFA rằng, giữa năm 2015 ông qua Singapore về thì bị giữ tại phi trường Tân Sơn Nhất 12 giờ đồng hồ. Sau đó họ trả lại hộ chiếu và cho về. Ba tháng sau đó, ông có việc qua Campuchia thì bị chặn lại không cho đi và giữ luôn hộ chiếu đến nay chưa trả. Ông Tạo khẳng định việc làm của bên an ninh Việt Nam là trái pháp luật.
"Năm 2015, khi qua cổng kiểm tra an ninh họ chặn lại và thông báo bằng miệng, không có một quyết định nào hết là tôi không được phép xuất cảnh. Đến năm 2018, khi tôi phát hiện mình bị ung thư phổi giai đoạn cuối di căn vào xương. Khối u lớn không mổ được nên gia đình khuyên làm đơn gửi sở công an để họ tạo điều kiện cho đi chữa bệnh.
Mình đã nói trước là họ sẽ chẳng tạo điều kiện đâu. Nhưng vì chiều ý gia đình nên tôi cũng đưa những chứng cứ y tế xác nhận trình trạng bệnh có đóng dấu đầy đủ, những giấy tờ chứng minh đột biến gien, sinh thiết, tế bào… và cả giấy tờ từ những nơi đã tiếp nhận điều trị bệnh cho mình. Đầy đủ cả, kèm một là đơn nộp lên công an tỉnh. Nhưng rồi họ im lặng, có tạo điều kiện gì đâu.
Họ cứ nói chung chung là vì lý do an ninh quốc gia. Nhưng họ không nói rõ mình làm gì ảnh hưởng an ninh quốc gia. Họ cứ nói mù mờ như thế. Còn nói về mức độ vô nhân đạo thì không cho người bệnh nan y đi chữa bệnh là vô nhân đạo nhất".
Điều 23 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận : "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước". Tuy Hiến pháp quy định như vậy, nhưng những người hoạt động xã hội, người bất đồng chính kiến, những người hoạt động về tự do tôn giáo lại là đối tượng bị nhà nước không cho xuất cảnh.
*****************************
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị hoãn xuất cảnh vì "liên quan đến an ninh"
RFA, 02/05/2023
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những lãnh đạo xã hội dân sự của Việt Nam, bị tạm hoãn xuất cảnh vì lý do "an ninh" khi ông rời Hà Nội đi du lịch Thái Lan vào ngày 1/5.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A tham dự phiên điều trần về Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và EU tại Brussels, Bỉ, vào ngày 10/10/2018.
Vị học giả nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS (đã tự giải thể) cho biết ông có visa với thời hạn năm năm vào khối Schengen (ở Châu Âu) nhưng chưa sử dụng trong hai năm vừa qua vì đại dịch Covid nên đợt này ông muốn thực hiện một chuyến du lịch ở Châu Âu.
Tiễn sĩ Nguyễn Quang A cho biết ông quyết định mua vé đi du lịch Thái Lan trước khi đi Châu Âu. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) vào sáng ngày 2/5 :
"Mua vé đi Thái Lan chơi mấy hôm, đến sân bay thì họ chặn và nói không được đi. Mình cũng bảo ‘Ok, không sao cả. Các bạn cho mình một cái biên bản kèm theo một cái quyết định nêu lý do’".
Theo biên bản lập vào trưa thứ hai, Công an cửa khẩu Nội Bài cho biết việc dừng xuất cảnh đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A là thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh của Bộ Công an, và ông cần liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về mọi đề nghị liên quan đến việc bị tạm hoãn xuất cảnh.
Trong biên bản tạm hoãn xuất cảnh, Công an cửa khẩu Nội Bài không cho Tiến sĩ Nguyễn Quang A xuất cảnh với lý do "liên quan đến an ninh" theo Khoản 9, Điều 36 của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh 2019.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, thành viên của Diễn đàn Xã hội dân sự, một phong trào được thành lập năm 2013 với mục tiêu "trao đổi và tập hợp các ý kiến nhằm góp phần chuyển đổi thể chế chính trị của nước ta từ toàn trị sang dân chủ một cách ôn hòa", cho biết ông không có vướng mắc gì với luật pháp.
Tuy nhiên, ông cho biết, trong thời gian chờ làm biên bản có hai sĩ quan từ Bộ Công an tới nói chuyện.
"Hai người ở bên Bộ xuống, họ nói chuyện với mình và hỏi ‘Thế cái chuyện Hà Nội họ triệu tập mình lên cuối năm 2021 ấy chưa xong à ?’. Mình bảo ‘Mình không biết gì cả, các bạn ở cùng cơ quan thì các bạn phải biết hơn mình chứ ?! Mình không nhận được cái thông báo nào cả !’".
Phía công an trả lại hộ chiếu cho ông cùng với biên bản làm việc. Tuy nhiên, họ lại xé thẻ lên máy bay của ông, khiến việc ông đòi Vietnam Airlines hoàn lại tiền vé là không thể.
"Thẻ lên máy bay thì họ xé một nửa, mình chỉ còn một nửa thôi. Thực sự là mình chưa qua chỗ hàng không để lên máy bay.
Mình cũng không hiểu tại sao họ xé cái đó vì nếu còn nguyên cái đó thì mình có thể yêu cầu Vietnam Airlines hoàn lại vé cho mình".
Chia sẻ với RFA, ông nói mình sẽ cân nhắc việc lên Cục Xuất nhập cảnh để hỏi rõ lý do vì sao lại bị tạm hoãn xuất cảnh, một việc ông chưa từng bị bao giờ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận việc này không dễ dàng vì luật của Việt Nam rất mập mờ và "họ muốn làm gì thì làm thôi".
Phóng viên có gọi điện nhiều lần cho Cục Quản lý xuất nhập cảnh nhưng không có ai nghe máy. Chúng tôi có gửi email cho cơ quan này để hỏi thông tin về việc tạm dừng xuất cảnh đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhưng chưa nhận được phản hồi.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A bày tỏ sự lo ngại về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam trong bối cảnh một số học giả bị bắt, các luật sư bảo vệ nhân quyền bị sách nhiễu.
"Mình không những cảm thất rất lo ngại về chuyện họ bắt các học giả mà là họ còn quấy rầy và thậm chí sách nhiễu các luật sư nữa. Đó là bước rất là nghiêm trọng".
Trong năm 2022, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ hai học giả kỳ cựu là tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học, kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) về tội "Trốn thuế", và tiến sĩ Nguyễn Sơn Lộ (có tên khác là Minh Đường), cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghệ và Phát triển SENA với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Trong thời gian qua, nhóm năm luật sư bào chữa cho một nhóm tu tại gia có tên là Tịnh thất Bồng Lai (Thiền Am Bên Bờ Vũ trụ) cũng bị công an triệu tập để điều tra với cáo buộc vi phạm Điều 331, một điều luật đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường được dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích Chính phủ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A từng tham gia điều trần về nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Châu Âu vào tháng 10/2018 trước khi EU phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA), trong đó ông đề nghị EU gây áp lực buộc Việt Nam phải ký ba công ước quốc tế về người lao động, bao gồm cả Công ước 87 về quyền tự do hiệp hội và quyền được tổ chức nghiệp đoàn độc lập của công nhân.
Trước đó ba năm, vào ngày 1/9/2015, ông bị tạm giữ tại sân bay Nội Bài Hà Nội sau chuyến đi thăm nhiều nơi trên đất Mỹ và có một số buổi nói chuyện về sự phát triển của xã hội dân sự trên con đường dân chủ hóa tại Việt Nam. Trước đó, vào cuối tháng 7, ông tham dự Hội thảo hè do các trí thức Việt Nam trong và ngoài nước tổ chức tại Berlin.
Nhà chức trách Việt Nam thường xuyên áp dụng cấm xuất cảnh và tạm hoãn xuất cảnh đối với người hoạt động xã hội, người bất đồng chính kiến, và cả những người hoạt động về tự do tôn giáo.
Theo phúc trình của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) vào tháng 2/2022, nhà chức trách Việt Nam cản trở một cách có hệ thống đối với hơn 170 nhà hoạt động, blogger và nhà bất đồng chính kiến, cùng với người thân của họ trong việc đi lại trong nước và quốc tế, bao gồm cả các vụ chặn giữ ở sân bay và cửa khẩu, cũng như từ chối cấp hộ chiếu hay các giấy tờ khác để họ đủ điều kiện xuất cảnh hay nhập cảnh.
Nhiều linh mục công giáo thời gian qua đã bị chính quyền cấm xuất cảnh vì lý do an ninh như : linh mục Lê Xuân Lộc và linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong ở Nhà thờ Kỳ Đồng, linh mục Đinh Hữu Thoại ở Giáo phận Bà Rịa-Vũng Tàu, linh mục Lê Ngọc Thanh ở Giáo phận Long Xuyên, và linh mục Phạm Trung Thành - cựu Giám tỉnh Dòng Chúa Cứu thế.
Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, luật sư Võ An Đôn - người từng tham gia bào chữa cho nhiều gia đình dân oan - bị dừng xuất cảnh vì lý do an ninh khi cùng gia đình sang định cư ở Hoa Kỳ.
Việt Nam : Báo nhà nước cắt bỏ một phát biểu gây xôn xao của thủ tướng Phúc
Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, Hoàng Dũng Trọng Thành, RFI, 13/06/2020
Thủ tướng Việt Nam có phát biểu gây xôn xao trong công luận, báo chí nhà nước đồng loạt cắt bỏ ; công an Hà Nội thông báo kết luận điều tra về vụ án Đồng Tâm ; tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp thu bài học của Thiên nhiên qua đại dịch Covid-19, để thay đổi định hướng phát triển ; một hiệp hội Đài Loan khởi động thủ tục trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, hướng đến độc lập. Trên đây là chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.
Ảnh biếm họa : Ttổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho quân đội ngăn chặn cột điện "chạy sang Việt Nam", sau phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. © Copy d'écran Youtube
Trong những ngày gần đây công luận trong và ngoài nước xôn xao với một phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trong một phiên "thảo luận tổ" về tình hình kinh tế xã hội ngày 08/06/2020, tại Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng một diễn đạt hiếm có để ca ngợi thành tích của chính quyền Việt Nam, trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Ông Phúc so sánh tình hình hiện nay, khi "hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam" để tìm nơi an toàn, trong bối cảnh bệnh dịch, với thực tế Việt Nam sau năm 1975, khi người ta thường nói "nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết". Giờ đây, theo ông, tình hình là ngược lại, "nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam".
Theo nhiều nhà quan sát, phát ngôn mới nhất nói trên cho thấy thủ tướng Phúc chưa rút ra được bài học đắt giá về những lời nói gây ấn tượng, nhưng nông cạn, nhất là khi đề cập đến những vấn đề hết sức "nhạy cảm" như thảm kịch cả triệu người Việt phải vượt biên sau 1975, hàng trăm nghìn người thiệt mạng trên đường tìm nơi tị nạn. Một nhận xét về phát biểu của ông thủ tướng, được nhiều người chia sẻ, là với tư cách một chính trị gia hàng đầu, người đứng đầu chính phủ, phát ngôn như vậy là không chấp nhận được. Phát biểu nói trên cũng cho thấy dường như ông thủ tướng đã không ý thức được xã hội Việt Nam giờ đây không còn là thời kỳ mà báo chí chính thức trong nước ngoan ngoãn chịu sự chỉ bảo của chính quyền, thuần túy là cái loa cho giới lãnh đạo. Hình ảnh "cột điện có chân" cũng trở thành đề tài châm biếm khắp nơi trên mạng Internet.
Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, cho biết nhận định chung của ông :
"Ông Phúc ông ấy nói trong bối cảnh là ông muốn ca ngợi chính phủ của ông, đặc biệt sự ca ngợi ấy đối với ông là rất cần. Vì đây là giai đoạn tiền Đại hội XIII, ông ấy cần phải khoe cái thành tựu của chính phủ ông, trong bối cảnh Việt Nam chống Covid thành công. Người ta chỉ phê phán nặng câu nói ấy là kỳ dị, bởi vì giả định là Mỹ như một địa ngục, Việt Nam như một thiên đường. Đảo lộn hoàn toàn vị thế Việt Nam trước đây và bây giờ.
Tôi nghĩ là dẫu là lỡ lời đi nữa (câu nói này) cho thấy một não trạng là cho đến bây giờ, ông ấy nhìn tình hình Việt Nam bằng con mắt quá lạc quan. Khi lòng tự hào lên cao quá, thì không còn động lực để cho người ta quyết tâm để thay đổi đất nước. Đầu thế kỉ XX, hàng loạt nhà cách mạng Việt Nam đều nói rất nặng lời về Việt Nam. Họ đau đớn vì Việt Nam quá lạc hậu, và cái đau đớn ấy thúc đẩy họ tìm cách cứu nước, tìm mọi cách cho đất nước thịnh vượng. Cho nên chúng ta đọc các bài văn thời đó, chúng ta có một cái hùng tâm để thay đổi đất nước. Tất cả những cái đó không còn nữa trong cái phát biểu có vẻ là lỡ lời của ông Nguyễn Xuân Phúc".
Tự mãn về hiện tại, nhưng lo không thấy đường lên "chủ nghĩa xã hội"
Vào thời điểm này, dư luận tại Việt Nam cũng chú ý đến phát biểu của một lãnh đạo Việt Nam khác : ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, tức cơ quan phụ trách soạn thảo văn kiện cho Đại hội Đảng. Ông Phùng Hữu Phú hôm 10/06 dẫn lại câu nói của lãnh đạo Đảng, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, cả trăm năm nữa tại Việt Nam, chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội. Ông phó chủ tịch Hội đồng Lý luận cũng đồng thời đặt mục tiêu xác định rõ "thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" kéo dài bao lâu và "qua những giai đoạn nào". Giáo sư Hoàng Dũng phân tích về điểm chung trong hai phát biểu của ông thủ tướng và của ông phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, tuy có vẻ rất trái ngược, một tỏ ra tự mãn về hiện tại, một tỏ ra rất lo lắng vì không hề có chiến lược rõ ràng cho tương lai :
"Đặt trong bối cảnh trước Đại hội Đảng XIII, họ có nhu cầu khẳng định hiện tại là họ thành công tốt đẹp, như ông Phúc nói, nhưng một mặt khác họ cần vẽ ra một tương lai khó khăn, như ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương nói, để họ biện minh cho những chỗ nào làm không được. Mà họ lúng túng thực sự. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như là ông Phú nhắc đi nhắc lại, tôi thấy chuyện này ngày trước đưa ra người ta còn mất công ngồi phê phán. Bây giờ tôi thấy họ cười là chính. Tiếng cười báo hiệu là nó chết rồi, về mặt lý luận. (Thực ra) họ thực dụng lắm : họ thỏa mãn với hiện tại, vì họ có nhu cầu như thế, họ cần khẳng định hiện tại, là để khẳng định công lao của họ, vị trí của họ, nhất là trong lúc tranh đua vào vị trí cao. Đồng thời họ phải nói là con đường tương lai khó lắm, để biện minh cho những việc họ làm không được. Hai cái có vẻ mâu thuẫn, mà thực ra chẳng mâu thuẫn gì cả".
Vụ Đồng Tâm : Công an công bố kết luận, giới nhân quyền tố cáo điều tra bị thao túng
Vẫn tại Việt Nam, hôm qua 12/06/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Hà Nội công bố kết luận điều tra về vụ án Đồng Tâm. Công an Hà Nội yêu cầu truy tố 29 bị can trong vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ" tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, khiến 3 công an thiệt mạng. Cơ quan Công an khẳng định "nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 cán bộ, chiến sĩ công an" là do bị "đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt".
Trả lời RFI, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ghi nhận, theo đánh giá của nhiều luật sư, bên công an đã làm rất nhanh điều tra về vụ án phức tạp này, chỉ trong vòng 6 tháng, so với ước tính sẽ phải mất cả năm trời. Tuy nhiên, theo ông, điều đó không có gì lạ, vì cơ quan điều tra công an chỉ làm công việc củng cố các kết luận, mà họ đã đưa ra ngay từ đầu, khi vụ án xảy ra ngày 09/01/2020.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng tác giả Báo cáo về Vụ tấn công Đồng Tâm, nhận định : "Tôi nghĩ rằng bà con Đồng Tâm đang ở trong một thời điểm rất đen đủi. Vụ tấn công Đồng Tâm diễn ra ngay sát Tết Nguyên đán. Chúng ta đều biết là chỉ mùng một Tết âm lịch thôi là thông tin về đại dịch Covid bắt đầu đến Việt Nam. Từ đó đến hết tháng Tư, công chúng, phong trào dân chủ đều tập trung vào vấn đề chống dịch. Trong thời gian đó, phía công an vẫn lẳng lặng tiến hành các việc của họ. Ví dụ bắt thêm người, quản lý chặt hiện trường, theo dõi sát những người đến Đồng Tâm, gây khó khăn cho các luật sư, các luật sư không thể dễ dàng tiếp cận người bị bắt ngay. Rất khó tiến hành điều tra độc lập tại hiện trường. Vừa là dịch bệnh, vừa là không đủ nguồn lực, kể cả dân sự lẫn tài chính. Cho nên, tôi nghĩ trong vụ Đồng Tâm, công an rất có thời gian, rất có điều kiện để xử lý, nhào nặn theo ý họ muốn. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế có quá nhiều vấn đề, những nước mà ủng hộ nhân quyền cho Việt Nam, họ quá bận vì những việc khác. Đầu tiên là dịch bệnh, rồi Hồng Kông, bầu cử ở Mỹ… Nói chung là rất khó để đưa vấn đề Đồng Tâm vào chương trình nghị sự của bất kể quốc gia nào lúc này. Tôi nghĩ đây là thời điểm rất khó khăn cho cả phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung".
Báo cáo về Vụ tấn công Đồng Tâm được soạn bằng tiếng Anh để gửi đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, và chính giới tại các quốc gia quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam, ngày 16/01/2020, tức ít ngày sau khi vụ án xảy ra.
Về diễn biến mới của vụ án Đồng Tâm, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh : "Vụ Đồng Tâm là một vụ hết sức nghiêm trọng. Một cái vụ mà anh Nguyên Ngọc (nhà văn) nói là "Trời không dung, đất không tha". Sau vụ đó thì có dịch Covid, rồi tình hình quốc tế đủ thứ, bầu cử Mỹ… tất cả những điều đó lấn vụ Đồng Tâm đi. Nhưng với kết luận điều tra này, vụ Đồng Tâm lại bùng trở lại. Tôi nghĩ là đến lúc họ xử án thì lại là một đợt nữa. Và phải đợi ý kiến của công chúng, ý kiến của các chuyên gia, của các luật sư. Tôi nghĩ là vụ Đồng Tâm không thể chìm xuồng được, dầu họ rất muốn như vậy. Và sau vụ xử án, mà tôi cũng lại tin là họ quyết tâm xử rất nặng 29 người này, như bản kết luận điều tra của họ, nhưng mà tôi nghĩ vụ Đồng Tâm sẽ chỉ chấm dứt khi có một Tòa án thực sự kết án những kẻ phạm tội. Thực ra, cái Tòa án đấy phải chờ đến sau chế độ cộng sản chưa biết chừng. Bởi vì một vụ mà dùng hàng ngàn cảnh sát vào ban đêm, tấn công vào người dân, rồi giết người một cách man rợ, rồi phanh thây một cụ già gần 90 tuổi, gần 60 tuổi Đảng, chính Đảng cộng sản Việt Nam, thì là một chuyện mà từ trước đến nay chưa bao giờ có ở nước Việt Nam. Chuyện Trời không dung đất không tha này sẽ không thể chìm xuồng được".
Liên Hiệp Quốc : Đại dịch Covid, "thông điệp rõ ràng" từ Thiên nhiên
Nhân quyền liên quan đến mọi mặt của đời sống. Với đại dịch Covid-19 đang diễn ra, vấn đề quyền của con người được sống trong một môi trường an toàn nổi lên số một. Mà quyền được sống trong môi trường an toàn, quyền sức khỏe được đảm bảo lại liên hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên, hiện đang bị nền kinh tế, dựa trên việc khai thác thiên nhiên triệt để tàn phá, ngày một nghiêm trọng.
Tại Ngày Quốc tế về Môi trường ngày 05/06 vừa qua, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc David Boyd nhấn mạnh : "Đại dịch toàn cầu Covid-19 cho thấy các hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng của tình trạng môi trường tự nhiên bị suy thoái, đối với khả năng bảo đảm trên diện rộng các quyền con người, đặc biệt là quyền sống, quyền có sức khỏe… Ít nhất 70% bệnh truyền nhiễm hiện nay, như bệnh Covid-19, là truyền từ các động vật hoang dã sang người".
Theo AFP, Ngày Quốc tế Môi trường năm nay, do Colombia (quốc gia được coi là có hệ đa dạng sinh thái thứ hai hành tinh, sau Brazil) đăng cai, diễn ra qua cầu truyền hình. Cũng tại hội nghị này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế thay đổi hướng đi trong giai đoạn chấn hưng hậu Covid, rút ra bài học từ đại dịch, đặt Thiên nhiên ở vị trí hàng đầu trong mọi quyết định. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý : sự xuất hiện của virus corona là "một thông điệp rõ ràng" từ phía Thiên nhiên. Để hóa giải những nguy cơ do lối phát triển mù quáng hiện nay gây ra, xã hội con người cần "xem xét lại" việc tiêu thụ của mình, thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, tổ chức hoạt động kinh doanh hướng đến bảo vệ thiên nhiên.
Phải hành động khẩn cấp, bởi thiên nhiên đang bị tàn phá với tốc độ ghê gớm. Theo tổ chức phi chính phủ Global Forest Watch, trong năm ngoái, đã có 11,9 triệu hecta rừng bị mất, trong đó một phần ba là rừng nguyên sinh. Đa số rừng bị phá để có đất thâm canh cây công nghiệp như đậu nành, cọ hay cacao.
Độc lập cho Đài Loan : Vận động trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp
Cùng với việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chính thức nhậm chức lần thứ hai hồi cuối tháng 5, các vận động thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm khẳng định nền độc lập cho Đài Loan đang bắt đầu chuyển sang một bước mới.
Bà Lâm Nghi Chính (Lin Yi-cheng), giám đốc điều hành của Quỹ vì Hiến pháp mới (Taiwan New Constitution Foundation - TNC) cho Đài Loan cho biết, hai sáng kiến yêu cầu thay đổi Hiến pháp, đã nhận được hơn 3.000 chữ ký ủng hộ, vượt ngưỡng 1.931 chữ ký (tương đương 0,01% số lượng cử tri của cuộc bầu cử tổng thống mới nhất, mà luật về Trưng cầu dân ý đòi hỏi). Một thăm dò dư luận, do TNC thực hiện, công bố hôm 20/05/2020, cho thấy khoảng 80% cử tri ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp để phản ánh "thực trạng" chủ quyền hiện nay của Đài Loan.
Quỹ Taiwan New Constitution Foundation do chính trị gia kỳ cựu Cô Khoan Mẫn (Koo Kwang-ming), sinh năm 1926, sáng lập. Chính trị gia Cô Khoan Mẫn, từng là một đối thủ chính trị của bà Thái Anh Văn trong Đảng Dân Tiến, trước khi trở thành cố vấn của tổng thống.
Theo hãng tin CNA Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn đang đứng trước áp lực của nhóm cứng rắn trong Đảng Dân Tiến, đòi hỏi thực thi việc sửa đối Hiến pháp, chính thức khằng định độc lập cho Đài Loan, như lời hứa tranh cử của bà hồi năm 2015, là "xét lại Hiến pháp để thể hiện đúng thực tế chính trị mới".
Cho đến nay, Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) ra đời năm 1947, trước khi chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan, đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Hoa lục, có nghĩa là về cơ bản trùng với lãnh thổ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hiện nay. Để được phép sửa đổi Hiến pháp, các đề xuất trưng cầu dân ý phải nhận được sự ủng hộ của đa số, với ít nhất 5 triệu phiếu bầu, tức một phần tư tổng số cử tri. Nếu mọi việc suôn sẻ, trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào tháng 8/2021. Giới quan sát lo ngại nếu Đài Bắc chính thức khẳng định độc lập, Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan.
Theo Taiwan News, mục tiêu sửa Hiến pháp không chỉ là để độc lập với Trung Quốc, mà còn là thúc đẩy nền dân chủ ở Đài Loan. Trong một thông cáo báo chí hôm 20/05, TNC hoan nghênh quyết định của tổng thống, đưa cải cách Hiến pháp vào kế hoạch, nhưng cũng kêu gọi chính quyền cải tổ Hiến pháp để khắc phục nhiều khiếm khuyết hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, cũng như cần xác định rõ hệ thống chính trị tại Đài Loan.
Chủ tịch Quỹ Taiwan New Constitution Foundation Cô Khoan Mẫn, trong cuộc họp báo hôm 11/06, khẳng định để bảo đảm dân chủ bền vững, đất nước phát triển, Đài Loan cần ít nhất hai đảng lớn, như Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng hiện nay . Ông kiên quyết chống lại việc một đảng kiểm soát toàn bộ đất nước, cho dù đó là Đảng Dân Tiến. Tuyên bố được đưa ra sau thất bại lịch sử của Quốc Dân Đảng. Thị trưởng thành phố Cao Hùng, lãnh đạo Quốc Dân Đảng Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), thân Bắc Kinh, chỉ nhận được sự ủng hộ của 9,2% cử tri, mức thấp chưa từng có.
RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Hoàng Dũng.
***********************
Tại sao cột đèn không biết đi ?
Cánh Cò, RFA, 08/06/2020
Đây là câu hỏi ngớ ngẩn đối với nhân loại nhưng với riêng người Việt Nam thì không ngớ ngẩn chút nào. Người Việt vốn trầm luân khổ ải rất nhiều năm, cả ngàn năm bị Bắc thuộc rồi cả trăm năm bị đô hộ… tất cả nỗi đau dằng dặc ấy cộng lại chưa bằng 70 năm bị cộng sản cai trị. Nỗi uất ức chất chứa trong lòng mọi người khiến họ nhìn đâu cũng thấy bất công, đàn áp.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Trước đây, sau 1975, một thời gian dài, người ta nói : nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".
Qua lăng kính bất mãn ấy cây cột đèn đối với người Việt cũng bị ức chế, bạc đãi và vì vậy sau giài phóng, hòa vào niềm đau bỏ nước ra đi của người dân miền Nam những cây cột đèn tội nghiệp được sinh ra trước năm 75 cũng ao ước được ra đi tránh bị cộng sản ghim gút, nhưng tiếc rằng chúng không có chân nên người dân miền Nam ý thức rất sớm việc không biết đi của chúng mà nói giùm nỗi lòng của những cây cột đèn… bất hạnh.
Dù chỉ là một câu biếm nhẽ nhưng mấy ai đoan chắc rằng những cây cột đèn miền Nam không "suy nghĩ" như thế ?
Người dân miền Nam "được" giải phóng và rất nhanh chóng sau đó họ được "tặng" nhưng món quá đầy ý nghĩa : Tập trung cải tạo hơn 600 ngàn ngụy quân ngụy quyền. Đưa đi Kinh tế mới hàng trăm ngàn người khác đang sống yên lành tại các thành phố miến Nam. Đánh tư sản mại bản khiến hàng chục ngàn người giàu có tay trắng và sống đời trôi nổi khắp thế giới. Hàng trăm ngàn người bỏ xác trên biển Đông và trong các trại tỵ nạn. Hàng triệu gia đình miền Nam bị bạc đãi, phân biệt, kỳ thị vì lý lịch, nhân thân. Còn bao nhiêu thảm cảnh khác xảy ra trên đất nước sau khi chiếc xe tăng ủi sập cổng đinh Độc lập đã tàn phá tâm hồn, đời sống người ở lại đất nước này.
Và vì tận mắt nhìn thấy đời sống người dân mỗi đêm khi đường phố lên đèn nên những cây cột đèn rất muốn bỏ đi như con người không phải là một ý thức, một phản ứng, một ý muốn rất tự nhiên hay sao ?
Hai câu nói nổi tiếng của miền Nam về chế độ cộng sản đến nay vẫn âm ỉ trong lòng người dân, câu thứ nhất của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu : "Đùng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm". Câu thứ hai : "Nếu cái cột đèn biết đi cũng bỏ nước ra đi" đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, nhất là người Việt miền Nam.
Câu thứ nhất không cần bàn cãi, riêng câu thứ hai lại được chính thức lập lại từ miệng một Thủ tướng khi ví von : "Trước đây, sau 1975, một thời gian dài, người ta nói : nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".
Tờ Thanh Niên lập lại nguyên văn lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến cho ai nghi ngờ đây là fake news sẽ không hết ngạc nhiên. Trong "ví von" này chứa hai vấn đề : Thứ nhất ông Phúc xác nhận người ta nói nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết là sự thật chứ không phải là lời tuyên truyền của thế lực thù địch. Vấn đề thứ hai, ông Phúc xác định nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng là người hớ hênh trong các lần phát biểu. Có người tập trung lại những câu nói "để đời" ấy và liệt kê đầy đủ thì hình như tới tỉnh nào Thủ tướng cũng muốn tình ấy là "đầu tàu" của cả nước. Hôm nay Thủ tướng cho rằng có rất nhiều "cột đèn" của Mỹ cũng muốn về Việt Nam thì hình như phát biểu của ông đã vượt mức cho phép của …bộ chính trị khi can đảm nhìn nhận một câu nói "kinh điển" mà chỉ có bọn phản động mới dám nói.
Nhưng dù muốn ví von thế nào thì ông Thủ tướng cũng không giấu nỗi sự thật phía sau câu nói mnag tính hài hước ấy. Trong cùng một bài báo, phía trên báo Thanh Niên "ca tụng" Thủ tướng về cái "cột đèn" thì những câu dưới lại lôi ra cái "đường sắt" Cát Linh Hà Đông ra để xối gáo nước lạnh vào lời vàng ý ngọc của ngài Thủ tướng khi ông nói :
"Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu dự án dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi. Rồi thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được các đồng chí ? Khó khắc phục", Thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng cần có thời gian để tiếp tục khắc phục, giải quyết.
Dẫn ví dụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng thông tin, và cho biết cố gắng trước Đại hội Đảng, tàu đường sắt có thể chạy được thì "may mắn".
Nếu những cây cột đèn ở Mỹ có chân và chạy được về Hà Nội tỵ nạn không biết chúng sẽ nghĩ gì nếu được đứng hai bên con đường sắt dài 13 cây số từ Cát Linh về Hà Đông nhưng vĩnh viễn không nghe được tiếng rì rầm, ken két của chuyến tàu nổi tiếng này. Thật là may mắn vì những cây cột đèn của Mỹ không kịp về soi sáng cho đại hội Đảng, nếu không chúng không có cách nào chạy kịp về nơi chúng bỏ đi bởi bị kết án là không soi đủ sáng cho đại hội khiến các vị đại biểu kính yêu vẫn vòng vo với mớ lý thuyết dối trên lừa dưới như ông Thủ tướng.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 08/06/2020 (canhco's blog)
Yêu sách 8 điểm năm 2019 - Đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam
Ngày 19/12/2018 vừa qua bản Yêu sách 8 điểm năm 2019 của người Việt Nam được công bố trên mạng xã hội.
Bản Yêu sách 8 điểm 2019 nàytương tự như Thỉnh nguyện thư của dân tộc An Nam gửi tới chính quyền Pháp tại hội nghị Versailles 19/06/1919.
8 điểm trong bản Yêu sách đòi : trả tự do vô điều kiện cho tất cả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm ; cải cách căn bản nền pháp lý ; thực thi quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận ; ban hành và thi hành nghiêm túc luật về hội với nội dung bảo đảm quyền tự do lập hội và tự do hội họp. v.v…
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt đông xã hội dân sự đã trả lởi phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành về bản Yêu sách 8 điểm năm 2019 – Đòi hỏi chính đáng của người dân Việt Nam.
Ni dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời phỏng Ván của nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 25/12/2018
Trước nghị viện Châu Âu, Tiến sĩ Quang A 'đòi' tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức
Nguồn : RFA, 12/10/2018
Chiều ngày 10/10/2018, tai Brussels, thủ đô Vương quốc Bỉ, Ủy ban chuyên trách thương mại quốc tế thuộc Nghị viện Châu Âu đã tổ chức cuộc điều trần công khai về Hiệp đinh thương mại tự do EU – Việt Nam.
Buổi điều trần mang tên "Các hiệp định thương mại tự do và bảo hộ đầu tư giữa EU và Việt Nam - Lợi ích và giá trị".
Cách đây gần 3 năm, vào đầu tháng 12/2015 Việt Nam và EU đã hoàn tất đàm phán hiệp định EVFTA. Tuy nhiên hiệp định chưa được hai bên ký kết chính thức và thông qua để đi vào thực thi. Mối quan tâm của EU đến 3 vấn đề gồm nhân quyền, các quyền của người lao động và bảo vệ môi trường được xem là các rào cản chính.
Đai diện nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam tại cuộc điều trấn là ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương.
Ông Khánh phát biểu 3 vấn đề. Trong vấn đề thứ ba được đề cập đến là nhân quyền, ông Khánh nói trong quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam "đã không bao giờ cam kết điều gì về nhân quyền, vì WTO không tập trung vào nhân quyền". Ông Khánh khẳng định nhân quyền "nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn" của mình.
Sau bài phát biểu của đại diện giới cầm quyền cộng sản Việt Nam, là phiên thảo luận với tiến sĩ Nguyễn Quang A, người được giới thiệu là "Chuyên gia Nhân quyền đến từ Việt Nam", và các đại diện của Phòng Thương mại Châu Âu ở Việt Nam, Tổ chức Lao động Quốc tế, Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, và tổ chức vận động hành lang Business Europe.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nêu rõ trong vài năm gần đây, tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã "xấu đi". Ông cho rằng với đòi hỏi Việt Nam phải phê chuẩn nốt 3 công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), EVFTA sẽ giúp cải thiện nhân quyền.
Sau cuộc điều trần, trong cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành, Tiến sĩ Nguyễn Quang A khẳng định rằng : Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam cần được đóng vai trò giám sát việc thực thi EVFTA.
Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe :
YouTube phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trần Quang Thành thực hiện
Tiếng Dân Việt Media, 11/10/2018
Mãi đến giờ chót, phép thử Brussels mới mang đến kết quả mong đợi : buổi tối ngày 8 tháng Mười năm 2018, Tiến sĩ Nguyễn Quang A được bước lên máy bay và chiếc máy bay ấy đã cất cánh đi Bỉ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trong một lần biểu tình phản đối Formosa tại Hà Nội.
Lần đầu tiên… cạo sửa hộ chiếu
Chẳng hề dễ dàng để trải qua quy trình kiểm tra hành lý, kiểm tra hộ chiếu và visa, kiểm tra an ninh như những hành khách bình thường, bởi những người hoạt động nhân quyền luôn phải chịu cảnh bất kỳ lúc nào cũng bị công an cửa khẩu và các cơ quan ‘nghiệp vụ đặc biệt’ của Bộ Công an chặn bắt, giam lỏng khi định ra phi trường, chặn bắt ngay tại phi trường, thậm chí đã ngồi trên máy bay mà vẫn còn bị công an lôi xuống.
Cũng bởi thế, giới hoạt động dân chủ nhân quyền thường hài hước với nhau rằng chỉ đến khi máy bay thực sự cất cánh, và để chắc chắn nhất khi bay khoảng vài chục phút, thì mới khẳng định được là mình đã tự do.
Ông già 72 tuổi Nguyễn Quang A vừa thoát nạn theo cách đó, sau vài chục lần bị công an bắt cóc và câu lưu đủ mọi nơi mọi lúc từ năm 2015 đến nay.
Thậm chí, lần đi Bỉ này của Tiến sĩ A còn mang một dấu ấn quá ư đặc biệt, đặc biệt đến nỗi đó là lần đầu tiên xảy ra đối với giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam : chỉ đến giờ chót của ngày 8/10/2018, Cục A67 của Bộ Công an mới đột ngột đưa cho ông một cuốn hộ chiếu mới tinh, được ký cùng ngày đó.
Vì sao lại có chuyện lạ lùng thế ? Phải chăng hộ chiếu cũ của người có tên Nguyễn Quang A đã hết hạn hoặc bị trục trặc gì đó ?
Không, cuốn hộ chiếu đó chưa hề hết hạn, và cũng chẳng có sai sót nào để ông A không thể bước qua cửa kiểm tra an ninh mà bay lên trời.
Nhưng lại có một chuyện lạ. Vào buổi sáng 8 tháng Mười là ngày Tiến sĩ A dự kiến sẽ lên máy bay đi Bỉ vào buổi tối cùng ngày, ông thuật lại về ‘Trò bẩn của an ninh đây’ :
"Sáng nay 1 sĩ quan A67 gọi điện xin trao đổi 5 phút. Tôi từ chối gặp. Họ cứ đến nhà, người giúp việc mở cửa họ vào, bảo tôi có khách an ninh. Tôi từ chối tiếp. Vợ tôi nói cho họ về cách hành xử không thể chấp nhận được của họ. Rồi lên bảo tôi xuống tiếp họ vài phút. Họ thông báo họ sẽ không cản tôi đi Bỉ. Nhưng cứ dặn đi dặn lại xem lại hộ chiếu và chứng minh thư. (Rất nhiều lần). Tôi bảo hộ chiếu tôi đi cả trăm lần cho đến nay không có vấn đề gì. Nhưng ngày 18/09/2018 khi giữ tôi họ đã lấy hộ chiếu của tôi mang đi đâu đó và nếu có gì thì là do A67 gây ra. Cậu sĩ quan cứ nhắc lại cứ xem cẩn thận. Tôi dở ra và đây TRÒ MÈO của họ đây. Tôi sinh 1946 nhưng an ninh đã dùng bút mực chữa thành 49. Tôi đi được Brussels hay không với cá nhân tôi không quan trọng, nhưng phải vạch mặt bọn tìm mọi cách phá hoại EVFTA".
Từ trước tới nay, giới đấu tranh nhân quyền đã quá quen thuộc với các trò bẩn của công an như triệu tập vô pháp, bắt cóc, câu lưu, đánh đập dã man, cho đến những tiểu xảo như xịt sơn vào cổng nhà, khóa trái cổng nhà, ném mắm tôm vào nhà… Nhưng cạo sửa hộ chiếu thì chỉ mới là lần đầu tiên - có lẽ được truyền cảm hứng từ chủ thuyết ‘kiến tạo và hành động’ của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Khoảng hai tuần trước cái ngày 8 tháng Mười ấy, vào một buổi sáng gần cuối tháng Chín năm 2018, sau khi nói chuyện với một nhà nghiên cứu Úc tại quán cà phê Highland, Tiến sĩ Nguyễn Quang A xách va ly ra để chuẩn bị bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để bay tiếp đi Úc. Nhưng khi ông đến phố Hoàng Diệu thì bị những kẻ mặc thường phục tống lên xe trực chỉ đồn công an Nội Bài. Ông bị câu lưu cho đến 6 giờ tối - lần câu lưu thứ 20 đối với ông kể từ cuối năm 2014.
"Hoá ra họ sợ tôi qua Úc rồi đi thẳng Brussels dự Điều trần của Quốc hội Châu Âu về Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 10/10 vì họ cứ hỏi tôi có đi thẳng Châu Âu không ?..." - Tiến sĩ Nguyễn Quang A thuật lại trên facebook của ông.
Thắng lợi nhỏ của EU
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một trong những khách mời của Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu (thuộc Cộng đồng Châu Âu) cho một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam - sẽ được Ủy ban thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức với sự có mặt của ba bên : EU, Bộ Công thương Việt Nam và một vài nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam - dự kiến diễn ra vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels (Bỉ), nơi đặt trụ sở chính của Liên Hiệp Châu Âu, để quyết định có ký chính thức EVFTA hay là không.
Việc tổ chức một cuộc điều trần tay ba về nhân quyền tại Brussels là một hành động chưa từng có và được xem là dũng cảm hơn hẳn của EU so với thái độ liên tiếp nhân nhượng chính quyền Việt Nam trước đây của họ.
Đó chính là một phép thử để xem trong bối cảnh chính thể Việt Nam đang quá khốn quẫn về các nguồn ngoại tệ và quá trông ngóng EVFTA, họ có chịu ‘nhả’ chút nào về nhân quyền, có chịu ký 3 công ước quốc tế về lao động mà EU khẩn thiết yêu cầu, hay là không.
Nếu Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu không ký EVFTA vào tháng Mười hay tháng Mười Một năm 2018, chính thể Việt Nam sẽ phải tiếp tục chờ cơ hội cuối cùng vào đầu năm 2019, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng Năm năm 2019.
Nhưng cũng như số phận của Hiệp định TPP đã đột ngột đảo lộn từ êm thắm sang bỏ bê ngay sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào cuối năm 2016, chẳng có gì bảo đảm là EVFTA sẽ hanh thông sau khi có một Nghị viện Châu Âu mới. Thậm chí một số nhà phân tích còn dự đoán rằng sau tháng Năm năm 2019, số phận của EVFTA sẽ là rất mong manh, thậm chí sẽ bị hủy bỏ theo cái cách chẳng còn ai ngó ngàng đến nó.
Nhưng vào cuối tháng Chín năm 2018, việc nhà hoạt động Nguyễn Quang A bị nhà cầm quyền và công an Việt Nam cấm đoán thô bạo không cho xuất cảnh đi Úc vì sợ ông sẽ sang Bỉ chính là một bằng chứng không thể sống động hơn về lời cam kết lẫn tuyên rao ‘Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người’. Hành vi công an cạo sửa hộ chiếu của ông, rất rõ ràng, chính là âm mưu gây khó và cản trở đối với Tiến sĩ A khi ông xuất trình hộ chiếu tại sân bay Nội Bài, một khi công an không thể mãi trơ mặt tìm cách bắt cóc và câu lưu để Tiến sĩ A không đến được phi trường quốc tế.
Nhưng rốt cuộc, phép thử Brussels đã hiện ra kết quả ngay vào những phút chót. Nhà cầm quyền đã phải ‘buông’ Tiến sĩ Nguyễn Quang A và để cho ông đến sự phiên điều trần nhân quyền - EVFTA tại Bỉ vào ngày 10 tháng Mười năm 2018.
Sau quá nhiều cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU với chính thể Việt Nam trong nhiều năm qua mà kết quả hầu như là con số 0, thậm chí vai trò của EU còn bị giới quan chức và công an trị Việt Nam công khai xem thường, có thể cho rằng việc công an Việt Nam không dám chặn Tiến sĩ Nguyễn Quang A đi Bỉ là thắng lợi đầu tiên của EU trong cuộc đấu tranh và đấu trí nhân quyền với phía Việt Nam, dù chỉ mang ý nghĩa như một thắng lợi nhỏ nhoi.
Bài học 2006
Nhưng vẫn còn những dấu hỏi đánh đố ghê gớm : khi nào Việt Nam sẽ thỏa mãn những đòi hỏi của EU về cải thiện nhân quyền là phê chuẩn ba hiệp ước của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về tự do lập hội, quyền tổ chức và thương lượng tập thể, bãi bỏ lao động cưỡng bức, tức ít nhất Việt Nam phải sớm ban hành luật về Hội và công nhận Công Đoàn Độc Lập ? Trước hay sau khi EVFTA được Nghị viện Châu Âu thông qua ?
Hãy đừng bao giờ quên bài học 2006.
Vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã nhún mình giảm đàn áp giới nhân quyền và bất đồng chính kiến để tiếp đón Tổng Thống Mỹ George Bush tại Hà Nội, và sang năm 2007 Việt Nam được Mỹ nhấc khỏi CPC (Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo), tức được giảm cấm vận kinh tế, đồng thời. Nhưng chỉ một năm sau đó, từ năm 2008 trở đi, công an Việt Nam liên tiếp gia tăng tống giam người bất đồng như một kiểu "bắt bù".
Tròn một con Giáp sau sự tráo trở trên, kịch bản "vào trước, bắt sau" hầu như đang tái hiện ở Việt Nam. Lần này là Hiệp Định EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 10/10/2018
******************
EVFTA : Khúc quanh ở Nội Bài
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 08/10/2018
Ích lợi to lớn của Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) đối với kinh tế đất nước cũng như triển vọng Việt Nam nhờ Hiệp định mà tiến lại gần hơn với Âu-Mỹ để giảm dần lệ thuộc vào Trung Quốc là hết sức rõ ràng và không có gì bàn cãi [1]. Điều này càng có ý nghĩa hệ trọng hơn nhiều trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa Mỹ, và theo sau là toàn bộ khối Tây phương, với Trung Quốc đang dần leo thang.
Thế nhưng con đường EVFTA lại chẳng bằng phẳng chút nào. Khởi động từ 2012, sau một giai đoạn đàm phán và ký kết tương đối suôn sẻ, EVFTA đã bị trì hoãn phê chuẩn, lúc thì bởi vướng mắc pháp lý từ phía EU, khi thì do những quan ngại đối với vấn đề lao động, môi trường và nhân quyền của phía Việt Nam.
Và tối nay, con đường EVFTA gập ghềnh này sẽ có một khúc quanh đặc biệt ở Nội Bài khi Tiến sĩ Nguyễn Quang A (A Nguyen Quang) lấy chuyến bay đi Brussels, Bỉ tham dự phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Quốc hội EU (INTA) trong tư cách đại diện xã hội dân sự Việt Nam.
INTA hiện nắm chìa khóa của EVFTA, và phiên điều trần lần này là dịp quan trọng để họ cân nhắc những vấn đề quan trọng nhất còn sót lại của EVFTA, bao gồm lao động, môi trường và nhân quyền, trước khi đi đến quyết định có trình ra Quốc hội EU để phê chuẩn trong kỳ họp cuối cùng vào tháng 3/2019 hay không.
Sau thời điểm này, EU sẽ bầu Quốc hội mới và chẳng ai biết số phận của EVFTA sẽ đi về đâu, theo lời của chính Chủ tịch INTA Bern Lange trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7 vừa rồi [2].
Thế thì vì sao chuyến bay của Tiến sĩ Nguyễn Quang A chiều nay lại là một khúc quanh đặc biệt của EVFTA ?
Vì một trong hai kịch bản sau có thể xảy ra :
Nếu chuyến bay suôn sẻ thì qua những gì lâu nay Tiến sĩ thể hiện trong những bài viết và phỏng vấn, chúng ta có thể dự đoán được Tiến sĩ sẽ tập trung vào việc hoàn thiện những cơ chế để EVFTA đem đến lợi ích bao trùm hơn, không chỉ cho các doanh nghiệp hai bên mà còn là quảng đại người lao động, không chỉ cho những con số tăng trưởng mà còn vì môi trường môi sinh, không chỉ mở mang đời sống vật chất mà còn nâng lên phẩm giá con người.
Còn trong trường hợp Tiến sĩ bị chặn lại như hôm 18 tháng 9 vừa rồi (và sau đó, hộ chiếu đã bị chỉnh sửa như hình bên dưới) [3], thì những điều sau sẽ xảy ra :
Ảnh : Trang hộ chiếu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị cơ quan an ninh chỉnh sửa năm sinh trong lần cấm xuất cảnh ngày 18/9/2018.
1) Thông tin về việc Tiến sĩ bị chặn sẽ được thông báo tại phiên điều trần như một dẫn chứng để INTA đánh giá tình hình Việt Nam ;
2) Hình ảnh trang hộ chiếu bị tẩy xóa như một cách thức của chính quyền Việt Nam ngăn chặn tiếng nói xã hội dân sự sẽ xuất hiện trong phiên điều trần và chắc chắn sẽ còn được bàn tán nhiều về sau ;
3) Quan trọng hơn, người được INTA chọn thay thế Tiến sĩ Quang A không ai khác chính là đại diện của Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) - tổ chức có bà Tổng Thư ký Debbie Stothard tháng trước vừa bị chặn và câu lưu cũng tại Nội Bài khi trên đường đến Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Không khó để dự đoán FIDH sẽ nói gì trong phiên điều trần khi đây là tổ chức nhiều năm vừa qua chỉ trích quyết liệt các nhà đàm phán EU quá ưu tiên thương mại lên trên nhân quyền [*].
Con đường EVFTA vốn đã gập ghềnh, theo đó, sẽ còn lắm chông gai hơn nữa.
Tóm lại, nếu tối nay Tiến sĩ Nguyễn Quang A bị chặn thì khả năng cao là khúc quanh Nội Bài sẽ dẫn lối EVFTA vào vực thẳm, và những người nắm quyền hiện nay sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử vì đã để Việt Nam, trong một giai đoạn gay go của thời cuộc, lỡ tàu hội nhập một lần nữa.
[Update] Sau khi bài viết này được đăng lên ít lâu, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã lên máy bay với cuốn hộ chiếu mới được Bộ Công an trao tận tay sát giờ lên máy bay.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 08/10/2018
[*] Nói thế không có nghĩa là giữa Tiến sĩ Nguyễn Quang A và FIDH (hoặc là các tổ chức quốc tế về nhân quyền khác) có gì mâu thuẫn nhau. Giữa họ kỳ thực chỉ khác nhau đôi chút về cách tiếp cận khi một bên coi EVFTA là công cụ để thúc đẩy xã hội Việt Nam theo hướng văn minh, tiến bộ toàn diện trong dài hạn, còn bên kia thì tin rằng có thể tận dụng Hiệp định để gây áp lực khiến Chính phủ Việt Nam phải nhượng bộ ngay lập tức - đôi bên đều hướng tới mục tiêu chung là một Việt Nam tốt đẹp hơn.
[1] https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690/posts/2274259595922254
[2] https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/fta-viet-nam-eu-ap-luc-toi-phan-viec-sau-cung-3325146/
[3] https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2312466328981396
https://www.facebook.com/a.nguyenquang.16/posts/2323697807858248
Trong thời gian vừa qua, môt số công dân có việc ra nước ngoài đã bị công an cửa khẩu cản trở khi làm thủ tục xuất cảnh với những lý do rất mơ hồ xoay quanh cụm từ "an ninh" :
Hành vi lạm quyền đó của công an đã lại xảy ra đối với Tiến sĩ Nguyễn Quang A sáng ngày 18/9/2018 khi ông trên đường đên sân bay Nội Bài để xuất cảnh đi Úc châu.
Từ Hà Nội, Tiến Nguyễn Quang A đã kể lại với nhà báo Trần Quang Thành về sự cố này như sau :
Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 19/09/2018
Lưu hành đồng tiền Trung Quốc tại các tỉnh biên giới Việt Trung là vi phạm chủ quyền quốc gia ? Tiến sĩ Nguyễn Quang A trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành
Theo Thông tư 19 của Ngân hàng nhà nước kể từ ngày 12/10/2018 tới đây, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ song song lưu hành với VNĐ của Việt Nam trong giao dịch thanh toán tại 7 tỉnh biên giới phía Bắc giáp ranh với Trung Quốc.
Vấn đề này đang gây nên nhiều dư luận khác nhau trên mạng xã hội và trong giới chuyên gia. Có dư luận cho đây là vi hiến, là vi phạm đến chủ quyền quốc gia đặc biệt là chủ quyền chính trị. Cúng có ý kiến cho rằng đây là xu hướng thanh toán đang mở rộng ở một sô khu vực trên thế giới.
Từ Hà Nội Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã đưa ra những bình luận về vấn đề này qua cuộc phỏng vấn của nhà báo Trần Quang Thành. Nội dung như sau, mời quí vị cùng nghe
Youtube phỏng vấn Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trần Quang Thành thực hiện
Nguồn : Tiếng Dân Việt Media, 05/09/2018
Trong số một loạt các cán bộ cao cấp bị đem ra "đốt" trong chiến dịch chống tham nhũng lò nóng – củi tươi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi lên gần đây nhất là sự có mặt của một số tên tuổi ngành quốc phòng.
Ông Đinh Ngọc Hệ với biệt danh Út "trọc" (bên trái) và ông Phùng Danh Thắm. Courtesy of mt.gov.vn, baoquankhu7.vn
Đó là Thượng tá Đinh Ngọc Hệ hay còn gọi là "Út trọc" với những sai phạm tại Tổng Công ty Thái Sơn khi giữ vai trò Phó Tổng giám đốc công ty này. Tiếp đến là sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm, cũng là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn. Và sau đó là Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân. Cả ba nhân vật này đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong đó ông Thắm và ông Tiệp giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho ông "Út trọc".
Đây không phải là lần hiếm hoi xảy ra một vụ tai tiếng với ngành quân đội. Trước đó không lâu, người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát trong một vụ tranh chấp đất đai với Bộ quốc phòng. Bộ này muốn thu hồi đất để giao cho tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel làm kinh tế.
Hay vụ việc Bộ quốc phòng muốn giữ 157 héc ta đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf thay vì dùng số đất đó để mở rộng sân bay hiện đã quá tải.
Trước những bê bối gần đây của ngành kinh tế quân đội, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với đài RFA.
Trước hết, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm có 3 chức năng : chức năng đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, chức năng công tác như dân vận, phòng cứu bão lụt hay tai nạn của nhân dân, và chức năng thứ 3 là làm kinh tế.
Ông cũng giải thích thêm, rằng từ thời chiến tranh Việt Nam, quân đội rất khó khăn nên có nhiệm vụ làm kinh tế để tự túc một phần. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì truyền thống này vẫn tiếp tục phát triển, vì vậy trong quân đội hiện nay có một số đơn vị làm kinh tế. Ông nói tiếp :
Trong lúc làm kinh tế như vậy, cũng có những đơn vị làm kinh tế tốt, ví dụ như Viettel hay Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, rồi những Tổng công ty trồng cao su.
Nhưng phải nói rằng để một thời gian hơi dài cho phát triển quá nhiều ngành nghề và công ty. Trong số quá nhiều công ty này, đã bộc lộ sai phạm và thiếu sót.
Những sai phạm thiếu sót này, tôi nghĩ là trong quá trình phát triển của một đất nước, và đặc biệt trong quá trình mở cửa, sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh sản xuất, cũng như văn hóa kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng có những mặt tốt và có những mặt chưa tốt.
Năm ngoái ngay thời điểm xảy ra vụ việc sân golf ở Tân Sơn Nhất, ông Thứ trưởng Bộ quốc phòng Lê Chiêm khẳng định chủ trương của Bộ quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. chính quy, tinh nhuệ.
Người dân chưa kịp mừng thì ngay lập tức một thứ trưởng khác của bộ này là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố Quân đội sẽ tiếp tục làm kinh tế quốc phòng và làm mạnh hơn nữa, nhằm phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, và không để Quân đội trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và đất nước.
Hiện nay, Bộ quốc phòng đang quản lý khoảng 109 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam như : Ngân hàng, Viễn thông, Dệt may, Da giày, Dược phẩm, Bất động sản... trong đó phần lớn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đã từng có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc quân đội Việt Nam tham gia kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng đã là quốc phòng thì chỉ nên tập trung tâm sức bảo vệ đất nước. Vả lại, quân đội làm kinh tế dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Trong số những người không đồng tình với chuyện này có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể. Ông cũng là một trong gần 200 cá nhân và tập thể vào năm ngoái đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thu hồi sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA :
Trong kiến nghị 72 từ 5 năm trước chúng tôi đã nêu rất rõ là quân đội lo việc của quân đội, có thể có một phần nào đó làm công nghiệp quốc phòng như súng đạn chẳng hạn. Nhưng việc đi kinh doanh như xây nhà hàng, khách sạn, nhà ở không phải là việc của quốc phòng, càng không phải của công an. Tức là, những lực lượng chỉnh trang thì làm nhiệm vụ của vũ trang, không nên làm kinh doanh. Nhà nước cũng không nên làm kinh doanh. Chỉ có như thế nền kinh tế mới lành mạnh được.
Vào cuối năm ngoái, sau một năm với hai biến cố lớn liên quan đến Bộ quốc phòng là vụ Đồng Tâm và vụ sân golf, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế và đặc biệt là phải tăng cường quản lý đất đai.
Cũng trong năm ngoái, Bộ quốc phòng Việt Nam đã đưa ra Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Theo đó, Quân đội sẽ giảm số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ 88 doanh nghiệp xuống còn 17, vào năm 2020.
Ngoài ra, Bộ quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Hiện tại trên thế giới vẫn còn một số ít quốc gia cho quân đội làm kinh tế như ở Việt Nam, chẳng hạn như Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan,…
Tuy nhiên tại Trung Quốc, đất nước có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam, cũng đã giảm đáng kể lực lượng quốc phòng tham gia kinh doanh từ thời ông Giang Trạch Dân và giảm hơn nữa kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ở Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính 2014, chính quyền quân đội lên ngôi, và cũng đã tham gia làm kinh tế, nhưng số doanh nghiệp chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam.
Trước những tiêu cực trong ngành kinh tế quân đội của Việt Nam, trong khi Chính phủ có vẻ như vẫn nhất quyết cho lực lượng quốc phòng kinh doanh, Thiếu tướng Lê Kế Lâm đề xuất :
Quan điểm của tôi là Bộ quốc phòng phải chấn chỉnh và phải xem lại, công ty nào nên để và công ty nào nên giải tán và thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu không làm thì trong dư luận nhân dân sẽ không tốt. Do đó Bộ quốc phòng phải làm và làm một cách nghiêm túc, triệt để.
Trả lời câu hỏi liệu quân đội Việt Nam có nên ngưng làm kinh tế để tập trung đúng trách nhiệm hay không ? Thiếu tướng Lâm nói :
Thực ra chức năng của quân đội là bảo vệ tổ quốc, đất nước và nhiệm vụ đó là hết sức nặng nề, hết sức lớn. Do đó cho nên hầu như quân đội của các nước đều tập trung vào quốc phòng là chính. Riêng ở Việt Nam, bây giờ chuyển hóa là cả một quá trình, nên quá trình này tôi nghĩ phải làm thật nghiêm túc. Rồi có lẽ đến một giai đoạn nào đó chuyện quân đội làm kinh tế cũng phải xem xét một cách nghiêm túc. Và có thể, theo sự phát triển của đất nước để giải quyết việc này một cách rốt ráo.
Còn với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một khi vẫn cho phép quân đội làm kinh tế, thì không nên để họ lạm dụng các tài nguyên chung của đất nước :
Tức là tất cả những gì đụng đến đất đai hay tài nguyên chẳng hạn, những thứ rất dễ lạm dụng bởi vì nhìn thấy tất cả từ những công ty của quân đội chủ yếu lấy đất của dân và nhân danh là đất quốc phòng, chiếm một số đất rất lớn và biến chúng thành những cơ sở thương mại. Nói một cách nôm na, là họ tư nhân hóa tài sản của Nhà nước một cách không minh bạch.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc người dân tập trung chặn đường phản đối các trạm thu phí BOT vì mức thu quá cao cũng như địa điểm đặt trạm vô lý. Trước khi bị khởi tố, ông Út trọc được xem là ông trùm của các dự án BOT khi liên tục được chỉ định thầu hoặc trúng thầu những dự án khủng. Trong số những sai phạm của Út trọc, có một dự án giải phóng mặt bằng cải tạo quốc lộ 20 đã được phê duyệt gần 460 tỷ đồng nhưng thực chất số tiền chi cho dự án này chỉ có 32 tỷ đồng.
Nguồn : RFA, 03/05/2018