Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/05/2018

Quân đội làm kinh tế và sai phạm

Lê Kế Lâm & Nguyễn Quang A

Trong số một loạt các cán bộ cao cấp bị đem ra "đốt" trong chiến dịch chống tham nhũng lò nóng – củi tươi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi lên gần đây nhất là sự có mặt của một số tên tuổi ngành quốc phòng.

quan1

Ông Đinh Ngọc Hệ với biệt danh Út "trọc" (bên trái) và ông Phùng Danh Thắm. Courtesy of mt.gov.vn, baoquankhu7.vn

Đó là Thượng tá Đinh Ngọc Hệ hay còn gọi là "Út trọc" với những sai phạm tại Tổng Công ty Thái Sơn khi giữ vai trò Phó Tổng giám đốc công ty này. Tiếp đến là sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm, cũng là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn. Và sau đó là Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân. Cả ba nhân vật này đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong đó ông Thắm và ông Tiệp giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho ông "Út trọc".

Đây không phải là lần hiếm hoi xảy ra một vụ tai tiếng với ngành quân đội. Trước đó không lâu, người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát trong một vụ tranh chấp đất đai với Bộ quốc phòng. Bộ này muốn thu hồi đất để giao cho tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel làm kinh tế.

Hay vụ việc Bộ quốc phòng muốn giữ 157 héc ta đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf thay vì dùng số đất đó để mở rộng sân bay hiện đã quá tải.

Trước những bê bối gần đây của ngành kinh tế quân đội, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với đài RFA.

Trước hết, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm có 3 chức năng : chức năng đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, chức năng công tác như dân vận, phòng cứu bão lụt hay tai nạn của nhân dân, và chức năng thứ 3 là làm kinh tế.

Ông cũng giải thích thêm, rằng từ thời chiến tranh Việt Nam, quân đội rất khó khăn nên có nhiệm vụ làm kinh tế để tự túc một phần. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì truyền thống này vẫn tiếp tục phát triển, vì vậy trong quân đội hiện nay có một số đơn vị làm kinh tế. Ông nói tiếp :

Trong lúc làm kinh tế như vậy, cũng có những đơn vị làm kinh tế tốt, ví dụ như Viettel hay Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, rồi những Tổng công ty trồng cao su.

Nhưng phải nói rằng để một thời gian hơi dài cho phát triển quá nhiều ngành nghề và công ty. Trong số quá nhiều công ty này, đã bộc lộ sai phạm và thiếu sót.

Những sai phạm thiếu sót này, tôi nghĩ là trong quá trình phát triển của một đất nước, và đặc biệt trong quá trình mở cửa, sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh sản xuất, cũng như văn hóa kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng có những mặt tốt và có những mặt chưa tốt.

Năm ngoái ngay thời điểm xảy ra vụ việc sân golf ở Tân Sơn Nhất, ông Thứ trưởng Bộ quốc phòng Lê Chiêm khẳng định chủ trương của Bộ quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. chính quy, tinh nhuệ.

Người dân chưa kịp mừng thì ngay lập tức một thứ trưởng khác của bộ này là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố Quân đội sẽ tiếp tục làm kinh tế quốc phòng và làm mạnh hơn nữa, nhằm phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, và không để Quân đội trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và đất nước.

Hiện nay, Bộ quốc phòng đang quản lý khoảng 109 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam như : Ngân hàng, Viễn thông, Dệt may, Da giày, Dược phẩm, Bất động sản... trong đó phần lớn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.

Đã từng có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc quân đội Việt Nam tham gia kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng đã là quốc phòng thì chỉ nên tập trung tâm sức bảo vệ đất nước. Vả lại, quân đội làm kinh tế dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi.

Trong số những người không đồng tình với chuyện này có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể. Ông cũng là một trong gần 200 cá nhân và tập thể vào năm ngoái đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thu hồi sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA :

Trong kiến nghị 72 từ 5 năm trước chúng tôi đã nêu rất rõ là quân đội lo việc của quân đội, có thể có một phần nào đó làm công nghiệp quốc phòng như súng đạn chẳng hạn. Nhưng việc đi kinh doanh như xây nhà hàng, khách sạn, nhà ở không phải là việc của quốc phòng, càng không phải của công an. Tức là, những lực lượng chỉnh trang thì làm nhiệm vụ của vũ trang, không nên làm kinh doanh. Nhà nước cũng không nên làm kinh doanh. Chỉ có như thế nền kinh tế mới lành mạnh được.

Vào cuối năm ngoái, sau một năm với hai biến cố lớn liên quan đến Bộ quốc phòng là vụ Đồng Tâm và vụ sân golf, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế và đặc biệt là phải tăng cường quản lý đất đai.

Cũng trong năm ngoái, Bộ quốc phòng Việt Nam đã đưa ra Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Theo đó, Quân đội sẽ giảm số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ 88 doanh nghiệp xuống còn 17, vào năm 2020.

Ngoài ra, Bộ quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.

Hiện tại trên thế giới vẫn còn một số ít quốc gia cho quân đội làm kinh tế như ở Việt Nam, chẳng hạn như Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan,…

Tuy nhiên tại Trung Quốc, đất nước có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam, cũng đã giảm đáng kể lực lượng quốc phòng tham gia kinh doanh từ thời ông Giang Trạch Dân và giảm hơn nữa kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ở Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính 2014, chính quyền quân đội lên ngôi, và cũng đã tham gia làm kinh tế, nhưng số doanh nghiệp chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam.

Trước những tiêu cực trong ngành kinh tế quân đội của Việt Nam, trong khi Chính phủ có vẻ như vẫn nhất quyết cho lực lượng quốc phòng kinh doanh, Thiếu tướng Lê Kế Lâm đề xuất :

Quan điểm của tôi là Bộ quốc phòng phải chấn chỉnh và phải xem lại, công ty nào nên để và công ty nào nên giải tán và thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu không làm thì trong dư luận nhân dân sẽ không tốt. Do đó Bộ quốc phòng phải làm và làm một cách nghiêm túc, triệt để.

Trả lời câu hỏi liệu quân đội Việt Nam có nên ngưng làm kinh tế để tập trung đúng trách nhiệm hay không ? Thiếu tướng Lâm nói :

Thực ra chức năng của quân đội là bảo vệ tổ quốc, đất nước và nhiệm vụ đó là hết sức nặng nề, hết sức lớn. Do đó cho nên hầu như quân đội của các nước đều tập trung vào quốc phòng là chính. Riêng ở Việt Nam, bây giờ chuyển hóa là cả một quá trình, nên quá trình này tôi nghĩ phải làm thật nghiêm túc. Rồi có lẽ đến một giai đoạn nào đó chuyện quân đội làm kinh tế cũng phải xem xét một cách nghiêm túc. Và có thể, theo sự phát triển của đất nước để giải quyết việc này một cách rốt ráo.

Còn với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một khi vẫn cho phép quân đội làm kinh tế, thì không nên để họ lạm dụng các tài nguyên chung của đất nước :

Tức là tất cả những gì đụng đến đất đai hay tài nguyên chẳng hạn, những thứ rất dễ lạm dụng bởi vì nhìn thấy tất cả từ những công ty của quân đội chủ yếu lấy đất của dân và nhân danh là đất quốc phòng, chiếm một số đất rất lớn và biến chúng thành những cơ sở thương mại. Nói một cách nôm na, là họ tư nhân hóa tài sản của Nhà nước một cách không minh bạch.

Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc người dân tập trung chặn đường phản đối các trạm thu phí BOT vì mức thu quá cao cũng như địa điểm đặt trạm vô lý. Trước khi bị khởi tố, ông Út trọc được xem là ông trùm của các dự án BOT khi liên tục được chỉ định thầu hoặc trúng thầu những dự án khủng. Trong số những sai phạm của Út trọc, có một dự án giải phóng mặt bằng cải tạo quốc lộ 20 đã được phê duyệt gần 460 tỷ đồng nhưng thực chất số tiền chi cho dự án này chỉ có 32 tỷ đồng.

Nguồn : RFA, 03/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 697 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)