Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/05/2018

Giải pháp nào cho cờ Vàng và cờ Đỏ ?

Phi Cảnh

Cờ Vàng hay cờ Đỏ là chủ đề gây tranh cãi bao năm qua, đó không chỉ là sự tranh cãi giữa những người Cộng hòa và Cộng sản, mà còn là sự bất đồng trong chính những người đấu tranh dân chủ. Tình trạng này bao giờ mới chấm dứt ?

co0

Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu Châu ở Bruxelles, Bỉ để cùng biểu tình hôm 30/4/2015 - RFA

Hiểu biết là một quá trình

Việc bị nhồi sọ từ bé khiến cho ác cảm về cờ Vàng rất khó phai nhạt. Người cộng sản tô vẽ rằng "Cờ ba sọc" là biểu tượng của cái ác. Vì thế mà ngay chính những nhà hoạt động dân chủ - những nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản cũng ngượng ngùng khi được trao cho lá cờ này.

Ban đầu thì những nhà dân chủ chỉ đơn thuần chỉ trích lãnh đạo hiện tại, cho rằng họ suy thoái đạo đức, tham nhũng, đi chệch hướng so với những gì mà thế hệ lãnh đạo đi trước mong muốn. Có nghĩa là lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa vẫn tốt đẹp, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh vẫn vĩ đại, và vì thế mà lá cờ đỏ sao vàng vẫn thiêng liêng. Có người còn giặt sạch sẽ, gấp phẳng phiu lá cờ để mang đi biểu tình chống Trung Quốc.

Nhưng mà dần dần rồi người ta hiểu thêm được nhiều thứ.

Cờ Đỏ sao vàng hóa ra không phải cờ dân tộc như mọi người vẫn nghĩ, nó giống đến 99% cờ của tỉnh Phúc Kiến – nơi có thể coi như điểm khởi đầu của cộng sản Trung Quốc. Nhìn cờ Phúc Kiến khiến cho cảm tình với cờ Đỏ sao vàng giảm đi ít nhất 1 nửa.

Rồi cùng với thời gian, hàng bao nhiêu cái xấu xa được tìm hiểu. Rồi Nhà nước Việt Nam lập nên những Hội cờ Đỏ đi đàn áp tôn giáo, xỉ nhục những người lên tiếng vì chủ quyền đất nước… Với từng ấy điều xảy ra, ngày trước dẫu có yêu cờ Đỏ mấy thì bây giờ nhìn vào cũng thấy không đẹp nữa.

Cho dù lá cờ ấy có tung bay khi một người Việt nào đó giành được một thành tựu ở quốc tế, Nhà nước Việt Nam cộng sản cũng chỉ tìm cách khuếch trương, tung hô quá đà với mục đích cho người dân và những nhà đấu tranh dân chủ thấy rằng : đất nước Việt Nam vẫn tươi đẹp lắm, đáng tự hào lắm, các anh đừng có quấy phá, chê bai làm gì.

Xin khẳng định đó đều là những thành tích nhỏ nhoi và phải lâu lắm mới có 1 lần, nó không giúp ích được gì nhiều mà còn làm che giấu thực trạng đáng báo động của đất nước với bao nhiêu vấn đề cấp bách cần phải quan tâm.

Các quốc gia dân chủ, tiến bộ hơn cũng có vấn đề, nhưng mức độ của nó thấp hơn, không đến mức "chết người", không vô lý đến mức khủng khiếp. Người ta có lúc đấu tranh với các vấn đề xã hội, có lúc ăn mừng thành tựu, thì việc ăn mừng ấy là bình thường. Còn mình chẳng quan tâm đến những vấn đề ngay sát sườn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo mà lại đi tung hô quá đà, tự hào mù quáng với thứ mà mình chẳng được hưởng thì đúng là kỳ cục.

Cứ mỗi một thành tích nhỏ bé ấy, Đảng thổi phồng lên, cho tung hô với cờ Đỏ ru ngủ người dân dù đất nước ngày càng tụt hậu. Việt Nam hiện nay đã thua cả Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất ; thua Campuchia về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thua về Công nghiệp ô tô và thua cả những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa gạo.

Chúng ta từ trước tới nay luôn "tự hào" là dẫn đầu nhóm 4 nước nghèo nhất Asean là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar ; nhưng nay đã bị Lào và Campuchia vượt qua nhiều mặt, nếu cứ tiếp tục tình hình này thì sẽ còn thua cả Myanmar.

Cái công lao "thống nhất đất nước" đến nay cho thấy không còn đúng nữa. Tại sao không nghĩ rằng đó là sự mở rộng cái nghèo đói cho cả 2 miền vốn chẳng đem lại lợi lộc gì ngoài bao nhiêu người chết ?

Kết quả ấy chỉ đơn thuần là chiến thắng của Chủ nghĩa cộng sản, hay nói đúng hơn là của một nhóm lãnh đạo cộng sản. Nhóm người có chức có quyền ấy thắng, là vì sau khi cướp được chính quyền, họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú, tỷ phú Đô la dễ như bỡn ; còn phần thua thuộc về cả dân tộc, cả đất nước.

Người Đức có cách thống nhất mà không tốn một giọt máu. Mà nếu không mang Chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam thì còn độc lập dễ hơn nhiều, vì các nước thực dân đến một thời điểm đều trao trả thuộc địa. Hồng Kông rồi cũng được trả về cho Trung Quốc đấy thôi, nhưng dân Hồng Kông có lẽ chẳng bao giờ được tự do như thời còn làm thuộc địa nữa. Và một điều quan trọng : Hồng Kông giàu có văn minh là do thực dân Anh hay do Trung Quốc ?

Có giải pháp nào dung hòa ?

Nhiều người kêu gọi sự hòa giải từ hai phía, nghĩa là cần phải có giải pháp dung hòa cho cả hai, điều này nghe thì hay và tưởng chừng là khách quan, nhưng không hợp lý.

Hãy nhìn người Mỹ hòa giải như thế nào. Khi tướng Lee - chỉ huy quân đội miền Nam quyết định đầu hàng, vị tư lệnh miền Bắc là tướng Grant đã nghiêm cấm các sĩ quan và binh lính không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng miền Nam bại trận. Tướng Lee đến nơi hẹn trong tiếng kèn chào đón của lính miền Bắc.

Hai người nói chuyện thân mật về kỷ niệm từng sát cánh thời chiến tranh với Mexico. Tướng Grant (bên thắng) ngại ngùng không dám hỏi tướng Lee về quyết định đầu hàng. Thành ra câu chuyện kéo dài, đến nỗi tướng Lee (bên bại) sốt ruột, phải chủ động nói : mục đích buổi gặp gỡ ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng.

Tướng Grant (bên thắng) chủ động viết những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó cam kết binh lính miền Nam không bị coi là phản quốc và không phải ở tù ; chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ. Sau đó ông cũng chấp nhận cho bính lính miền Nam được đem lừa ngựa về nhà để giúp gia đình.

Khi quân miền Bắc định bắn đại pháo ăn mừng, tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức. Ông nói : "Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta". Ông cho rằng cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

Sau chiến tranh, có nghĩa trang chung cho binh lính hai miền, cờ miền Nam vẫn tung bay trên nước Mỹ. Và còn nhiều tình tiết cảm động nữa. Đáng chú ý, miền Bắc nước Mỹ - phe thắng trận, phe muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, là phe có nhiều chính nghĩa hơn nhưng lại chủ động nhún nhường.

Nó trái ngược hoàn toàn với cách đối xử của Bắc Việt với Nam Việt sau 1975 : hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù khổ sai với mỹ từ "học tập cải tạo" ; cả triệu người bị tịch thu tài sản, bắt đi vùng Kinh tế mới ; đó là chưa kể những nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị cư xử tàn tệ, còn cờ Vàng đương nhiên là bị cấm.

Thế cho nên những trường hợp nhắn nhủ với người Việt tị nạn rằng : "Ở đâu cũng là người Việt Nam, phải yêu thương lấy nhau, không nên hận thù", thì đấy là những người chẳng hiểu gì cả. Họ cầm cờ Đỏ sang Mỹ "hòa giải" trong khi đáng lẽ phải cầm cờ Vàng ra Hà Nội mới đúng. Họ nói đồng bào hải ngoại đừng "thù hằn" trong khi người ở trong nước ai ai cũng được dạy phải căm thù "Mỹ - Ngụy". Đã thắng rồi mà còn căm thù, vậy mà bắt những người bị tan cửa nát nhà, chết trên biển cả phải yêu quý mình sao ?

Quân miền Bắc nước Mỹ nhiều lẽ phải hơn mà còn nhún nhường để hòa giải, còn Bắc Việt đã sai mà lại tìm mọi cách nhục mạ người bị hại. Hòa giải phải xuất phát từ bên đã làm việc không đúng, phải đi xin lỗi người mình đã gây hại chứ không thể nào xuất phát từ bên bị hại. Nhất là bên sai nhưng lại suốt ngày ca ngợi việc làm sai ấy thì làm sao xóa đi được nỗi đau.

Xin khẳng định là : Nếu không phân biệt được đâu là bên chính nghĩa sẽ không thể có sự hòa hợp dân tộc, không thể có giải pháp dung hòa. Dung hòa thế nào, rằng "chúng tôi đã có công thống nhất đất nước, các anh hãy quên chuyện cũ đi, quên cờ Vàng đi để yêu cờ Đỏ rồi đừng thù hằn nữa" chăng ?

Chỉ khi nào bên cộng sản thừa nhận rằng "chúng tôi đã dại dột làm anh lính xung kích cho Nga và Trung Quốc khiến bao người Việt chết oan để rồi đất nước nghèo nàn và lại bước vào một thời kỳ Bắc thuộc mới. Chính chúng tôi hiện nay cũng dị ứng với cờ Đỏ vì gợi nhớ lại thứ chủ nghĩa quái thai và mang ý nghĩa là 1 tỉnh của Trung Quốc. Mãi sau này chúng tôi mới biết được rằng cờ Vàng là cờ dân tộc có từ thời vua Thành Thái. Nay chúng tôi đồng ý đổi tên nước thành Việt Nam Cộng hòa, xóa bỏ chế độ độc đảng, đưa đất nước đi theo con đường tự do dân chủ. Chỉ xin giữ lại bài Tiến Quân Ca làm quốc ca (có thể thay lời), vì nhạc sỹ Văn Cao thật ra sau này cũng chẳng ưa gì cộng sản và bị đóng dấu phản động", thì khi đó người Việt tị nạn mới có thể bỏ qua hết mọi chuyện để chung tay xây dựng đất nước.

Nhưng điều này chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra, nếu không tin, hãy nhìn cái cách họ ăn mừng ngày 30/4 thì rõ.

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 04/05/2018

Quay lại trang chủ
Read 810 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)