Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 10 mai 2018 22:40

Kiều hối gửi về cho ai ?

Chúng ta hàng ngày được nghe về tầm quan trọng của kiều hối, nào là Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới, nào là kiều hối là phao cứu sinh cho nền kinh tế ; nhưng có mấy ai hiểu thật sự tầm quan trọng của nó. Bằng chứng là những người ném "phao cứu sinh" cho Việt Nam lại chẳng hề nhận được sự tôn trọng của người dân nước này.

kieuhoi1

Hình minh họa. Một người đàn ông cầm một quảng cáo bầu cử lấy hình ảnh đồng đô la Mỹ ở Caracas, Venezuela hôm 9/5/2018 -  AFP

Chỉ gửi về cho gia đình ?

Lý do người gửi ngoại tệ về vẫn chưa nhận được tôn trọng là : người sống tại Việt Nam nghĩ việc gửi tiền đó chẳng liên quan gì đến mình, chẳng qua gửi về cho thân nhân của ai thì chỉ thân nhân người đó được hưởng.

Để biết điều này có đúng không, hãy xem đường đi của ngoại tệ sau khi về đến Việt Nam.

Ví dụ người ở Mỹ gửi Đô la về Việt Nam qua ngân hàng, các ngân hàng ở Việt Nam đều có chính sách khuyến khích người Việt nhận bằng tiền Đồng, tất nhiên những tờ Đô la đó ngân hàng giữ lại.

Mà kể cả người ở Việt Nam muốn nhận Đô la. Những tờ Đô la đó về mặt chính thức không được sử dụng trong giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Tức là muốn mua bán thì phải mang Đô la đi đổi lấy tiền Đồng.

Sau khi đổi ra tiền Đồng, người sống ở Việt Nam có thể đem đi mua nhà đất (giúp cho các công ty bất động sản bán được nhà), hoặc xây nhà (giúp cho các cửa hàng vật liệu xây dựng bán được gạch, cát, xi măng…), hoặc đem đi mua sắm ăn uống (giúp các hàng quán, cửa hiệu tăng thu nhập hay không phải sập tiệm)…

Những công ty, nhà hàng, cửa tiệm này tăng doanh thu thì lương nhân viên có thể tăng. Doanh thu tăng sẽ đóng thuế nhiều hơn, thuế thu được nhiều hơn thì lương cán bộ viên chức nhà nước có thể được tăng lương. Mà nếu không tăng lương thì chí ít nhà nước Việt Nam sẽ không phải tăng thuế, tăng giá xăng, điện… để nuôi bộ máy cồng kềnh.

Có nghĩa là tiền từ "đu càng" gửi về Việt Nam tuy chỉ là gửi về cho người thân nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của những dư luận viên đang ăn lương nhà nước chỉ để hàng ngày miệt mài chửi rủa "đu càng".

Tầm quan trọng của ngoại tệ ?

Tiền Đồng của Việt Nam chỉ có giá trị lưu thông trong nước, không nước nào muốn nhận tiền Đồng vì nó không đảm bảo. Tiền của một nước nghèo thì không thể là một đồng tiền mạnh, không thể sử dụng trong thanh toán quốc tế được.

Tiền giấy chỉ có giá trị khi được đảm bảo bằng sức mạnh của nền kinh tế đó. Ví dụ như Venezuela : khi còn là quốc gia có thu nhập đầu người cao nhất Nam Mỹ, đồng Bolivar của nước này là một trong những loại tiền tệ mạnh nhất thế giới. Tờ tiền có mệnh giá cao nhất của Venezuela khi đó là 100 Bolivar (có thể so sánh với Mỹ khi 100 Đô la là tờ tiền lớn nhất xứ Cờ Hoa).

Nhưng khi nền kinh tế nước này sụp đổ, đồng Bolivar trở nên vô giá trị. Khi đi mua đồ, người dân Venezuela phải mang cả bao tải tiền thay cho ví. Chính phủ nước này phải phát hành tờ tiền mệnh giá 20.000 nhưng không ăn thua, sau đó đến lượt tờ 100.000 ra đời mà tình trạng mang vác nặng khi đi ra ngoài vẫn tiếp diễn. Có người nói đùa : Venezuela có tờ 100.000 thì còn lâu mới tiến lên được Xã hội Chủ nghĩa, vì Việt Nam đã có tờ 500.000 mà con đường đi lên còn mù mịt.

Ra ngoài ăn, người Venezuela phải mang đến cả 1 vali tiền. 1 lát Lasagna có giá đến gần nửa triệu Bolivar. Cũng có nghĩa nếu bạn có 1 gia tài bằng tiền mặt ở đất nước Nam Mỹ này, 1 năm sau quay lại, gia tài đáng lẽ giúp bạn sống cả đời ấy nay chỉ giúp sống được trong 1 ngày. Hoặc trước đây do tin tưởng vào loại tiền mạnh Bolivar mà chấp nhận thanh toán bằng tiền này, nay bạn coi như mất trắng.

Nghe thật khó tin, nhưng khi một đất nước không sản xuất ra được hàng hóa thì tiền giấy chỉ là một tờ giấy có mực in bên trên mà thôi. Đô la Mỹ quyền lực vì có số lượng vàng khổng lồ ở trong kho, có hàng hóa vô kể của nền kinh tế số 1 thế giới đứng ra đảm bảo giá trị thật của đồng tiền.

Ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện kiểu như : gửi tiền tiết kiệm với giá trị ngang 1 căn nhà, sau 20 năm nhận lại số tiền ngang 3 bát phở ; hay gửi tiết kiệm 5 tháng lương, sau 30 năm mua được mớ rau.

Những người hiểu biết không ai găm Việt Nam Đồng cả. Cứ cầm Đô cho chắc, nó được coi như một kênh dự trữ an toàn bên cạnh vàng. Chính vì thế, trong các vụ án tham nhũng ở Việt Nam chỉ toàn thấy hối lộ nhau bằng đô la. Ví dụ Dương Chí Dũng khai ra biếu Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ 500.000 Đô la để chạy án chẳng hạn. Các quan chức Việt Nam tuy hàng ngày lên án "đế quốc Mỹ" và ca ngợi lãnh tụ, nhưng chắc chắn là thích Đô la hơn đồng tiền có in hình Hồ Chủ tịch rồi.

Nói thêm về giá trị của ngoại tệ, nếu không có nó, chúng ta không thể mua được hàng hóa nước ngoài. Ví dụ như xăng dầu, Việt Nam phần lớn vẫn phải nhập khẩu. Như vậy nếu không có Đô la, phần lớn xe ô tô, xe gắn máy, máy bay… ở Việt Nam sẽ nằm một chỗ.

Nếu không có ngoại tệ, các Sứ quán Việt Nam tại nước ngoài sẽ dừng hoạt động ngay lập tức, tiền đâu thanh toán cho chi phí điện nước, cho cán bộ nhân viên Sứ quán ăn ở… Ở nước nào phải dùng tiền nước ấy, không thì phải là 1 loại ngoại tệ mạnh như Đô la.

Đi làm việc ở nước nào cũng sẽ được nhận tiền của nước ấy, lao động ở Nhật thì nhận lương bằng Yên, lao động ở Malaysia thì nhận bằng Ringgit… Chị Trần Thị Mai tự sát ở Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia mới đây, cho dù chị lao động chui hay lao động hợp pháp thì đều nhận tiền Ringgit, cho dù chị chỉ gửi tiền về nhà cho gia đình thì tiền ấy cũng nuôi sống chính các cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia.

Mỏ vàng "đu càng"

Ngoại tệ quan trọng như vậy, nên tất nhiên Việt Nam phải tìm mọi cách để có nó. Làm thế nào đây khi sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu thuộc lĩnh vực Nông nghiệp có giá trị thấp mà chi phí sản xuất lại lớn ?

Câu trả lời chính là kiều hối từ những người Việt định cư ở nước ngoài – mỏ vàng không mất phí khai thác. Và thế là Nghị Quyết số 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài ra đời nhằm mục đích "giải thích thêm cho bà con ở bên đó để không còn sự hiểu lầm và cho họ biết rằng, đất nước ta đã phát triển về mọi mặt kinh tế - xã hội, rất cần có sự đóng góp của kiều bào ở nước ngoài thuộc đủ mọi ngành nghề, sẽ rất có lợi cho Tổ quốc".

Điều ngược đời ở đây là đã "phát triển" rồi mà vẫn còn "rất cần đóng góp", giống như một người vỗ ngực ta đây giàu có nhưng vẫn ngửa tay đi xin tiền bố thí vậy, đã giàu rồi thì phải cho đi mới đúng chứ.

Đầu năm nay trên mạng lan truyền câu chuyện được cho là Hồi ký của Trịnh Xuân Thanh viết trước khi bị bắt. Trịnh Xuân Thanh kể rằng để hoàn tất Nghị quyết 36, Trung ương Đảng đã lợi dụng mối quan hệ của bố anh ta là ông Trịnh Xuân Giới để kéo tướng Nguyễn Cao Kỳ về nước. Cuối cùng ông Nguyễn Cao Kỳ cũng gật đầu với cái giá 50 triệu Đô la.

Bài viết trên kết luận "Trung ương đảng xác định bỏ ra 50 triệu đô để mỗi năm thu về hơn 10 tỷ đô thì quá lãi, còn lãi gấp ngàn lần so với buôn vũ khí và heroin".

Câu truyện này rất có thể là thật, vì sự chi tiết tỉ mỉ mà chỉ người trong cuộc mới có thể biết và rất khó để bịa ra, và vì nó giải thích được một bí ẩn mà người Việt hải ngoại bao năm qua không thể giải đáp : đó là một người như ông Nguyễn Cao Kỳ tại sao có thể có những phát ngôn và hành động đi ngược lại với lý tưởng sống đã theo phần lớn cuộc đời của ông ta như vậy.

Chỉ có điều Nguyễn Cao Kỳ vẫn bị hố : Đảng chỉ trả cho ông 1 lần ; còn lời nói của ông, Đảng sử dụng vĩnh viễn. Bất chấp danh dự để mang lại nguồn lợi quá lớn cho kẻ thù nhưng khi chết Nguyễn Cao Kỳ vẫn bị từ chối cho mang tro cốt về Việt Nam, đấy là câu trả lời rõ ràng nhất về thứ hòa giải dân tộc mà ông ta đã nói trên truyền hình Việt Nam năm 2005.

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 10/05/2018

Published in Diễn đàn

Cờ Vàng hay cờ Đỏ là chủ đề gây tranh cãi bao năm qua, đó không chỉ là sự tranh cãi giữa những người Cộng hòa và Cộng sản, mà còn là sự bất đồng trong chính những người đấu tranh dân chủ. Tình trạng này bao giờ mới chấm dứt ?

co0

Nhiều hội đoàn từ nhiều quốc gia khác nhau đã tụ họp trước tòa nhà Quốc Hội Âu Châu ở Bruxelles, Bỉ để cùng biểu tình hôm 30/4/2015 - RFA

Hiểu biết là một quá trình

Việc bị nhồi sọ từ bé khiến cho ác cảm về cờ Vàng rất khó phai nhạt. Người cộng sản tô vẽ rằng "Cờ ba sọc" là biểu tượng của cái ác. Vì thế mà ngay chính những nhà hoạt động dân chủ - những nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản cũng ngượng ngùng khi được trao cho lá cờ này.

Ban đầu thì những nhà dân chủ chỉ đơn thuần chỉ trích lãnh đạo hiện tại, cho rằng họ suy thoái đạo đức, tham nhũng, đi chệch hướng so với những gì mà thế hệ lãnh đạo đi trước mong muốn. Có nghĩa là lý tưởng Xã hội Chủ nghĩa vẫn tốt đẹp, những lãnh tụ như Hồ Chí Minh vẫn vĩ đại, và vì thế mà lá cờ đỏ sao vàng vẫn thiêng liêng. Có người còn giặt sạch sẽ, gấp phẳng phiu lá cờ để mang đi biểu tình chống Trung Quốc.

Nhưng mà dần dần rồi người ta hiểu thêm được nhiều thứ.

Cờ Đỏ sao vàng hóa ra không phải cờ dân tộc như mọi người vẫn nghĩ, nó giống đến 99% cờ của tỉnh Phúc Kiến – nơi có thể coi như điểm khởi đầu của cộng sản Trung Quốc. Nhìn cờ Phúc Kiến khiến cho cảm tình với cờ Đỏ sao vàng giảm đi ít nhất 1 nửa.

Rồi cùng với thời gian, hàng bao nhiêu cái xấu xa được tìm hiểu. Rồi Nhà nước Việt Nam lập nên những Hội cờ Đỏ đi đàn áp tôn giáo, xỉ nhục những người lên tiếng vì chủ quyền đất nước… Với từng ấy điều xảy ra, ngày trước dẫu có yêu cờ Đỏ mấy thì bây giờ nhìn vào cũng thấy không đẹp nữa.

Cho dù lá cờ ấy có tung bay khi một người Việt nào đó giành được một thành tựu ở quốc tế, Nhà nước Việt Nam cộng sản cũng chỉ tìm cách khuếch trương, tung hô quá đà với mục đích cho người dân và những nhà đấu tranh dân chủ thấy rằng : đất nước Việt Nam vẫn tươi đẹp lắm, đáng tự hào lắm, các anh đừng có quấy phá, chê bai làm gì.

Xin khẳng định đó đều là những thành tích nhỏ nhoi và phải lâu lắm mới có 1 lần, nó không giúp ích được gì nhiều mà còn làm che giấu thực trạng đáng báo động của đất nước với bao nhiêu vấn đề cấp bách cần phải quan tâm.

Các quốc gia dân chủ, tiến bộ hơn cũng có vấn đề, nhưng mức độ của nó thấp hơn, không đến mức "chết người", không vô lý đến mức khủng khiếp. Người ta có lúc đấu tranh với các vấn đề xã hội, có lúc ăn mừng thành tựu, thì việc ăn mừng ấy là bình thường. Còn mình chẳng quan tâm đến những vấn đề ngay sát sườn tác động trực tiếp đến miếng cơm manh áo mà lại đi tung hô quá đà, tự hào mù quáng với thứ mà mình chẳng được hưởng thì đúng là kỳ cục.

Cứ mỗi một thành tích nhỏ bé ấy, Đảng thổi phồng lên, cho tung hô với cờ Đỏ ru ngủ người dân dù đất nước ngày càng tụt hậu. Việt Nam hiện nay đã thua cả Lào và Campuchia về năng lực cạnh tranh và trình độ sản xuất ; thua Campuchia về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, thua về Công nghiệp ô tô và thua cả những lĩnh vực nông nghiệp có thế mạnh như lúa gạo.

Chúng ta từ trước tới nay luôn "tự hào" là dẫn đầu nhóm 4 nước nghèo nhất Asean là Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar ; nhưng nay đã bị Lào và Campuchia vượt qua nhiều mặt, nếu cứ tiếp tục tình hình này thì sẽ còn thua cả Myanmar.

Cái công lao "thống nhất đất nước" đến nay cho thấy không còn đúng nữa. Tại sao không nghĩ rằng đó là sự mở rộng cái nghèo đói cho cả 2 miền vốn chẳng đem lại lợi lộc gì ngoài bao nhiêu người chết ?

Kết quả ấy chỉ đơn thuần là chiến thắng của Chủ nghĩa cộng sản, hay nói đúng hơn là của một nhóm lãnh đạo cộng sản. Nhóm người có chức có quyền ấy thắng, là vì sau khi cướp được chính quyền, họ có thể dễ dàng trở thành triệu phú, tỷ phú Đô la dễ như bỡn ; còn phần thua thuộc về cả dân tộc, cả đất nước.

Người Đức có cách thống nhất mà không tốn một giọt máu. Mà nếu không mang Chủ nghĩa cộng sản về Việt Nam thì còn độc lập dễ hơn nhiều, vì các nước thực dân đến một thời điểm đều trao trả thuộc địa. Hồng Kông rồi cũng được trả về cho Trung Quốc đấy thôi, nhưng dân Hồng Kông có lẽ chẳng bao giờ được tự do như thời còn làm thuộc địa nữa. Và một điều quan trọng : Hồng Kông giàu có văn minh là do thực dân Anh hay do Trung Quốc ?

Có giải pháp nào dung hòa ?

Nhiều người kêu gọi sự hòa giải từ hai phía, nghĩa là cần phải có giải pháp dung hòa cho cả hai, điều này nghe thì hay và tưởng chừng là khách quan, nhưng không hợp lý.

Hãy nhìn người Mỹ hòa giải như thế nào. Khi tướng Lee - chỉ huy quân đội miền Nam quyết định đầu hàng, vị tư lệnh miền Bắc là tướng Grant đã nghiêm cấm các sĩ quan và binh lính không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với vị tướng miền Nam bại trận. Tướng Lee đến nơi hẹn trong tiếng kèn chào đón của lính miền Bắc.

Hai người nói chuyện thân mật về kỷ niệm từng sát cánh thời chiến tranh với Mexico. Tướng Grant (bên thắng) ngại ngùng không dám hỏi tướng Lee về quyết định đầu hàng. Thành ra câu chuyện kéo dài, đến nỗi tướng Lee (bên bại) sốt ruột, phải chủ động nói : mục đích buổi gặp gỡ ngày hôm nay là bàn về việc đầu hàng.

Tướng Grant (bên thắng) chủ động viết những điều khoản và trao cho tướng Lee, trong đó cam kết binh lính miền Nam không bị coi là phản quốc và không phải ở tù ; chính phủ coi binh lính miền Nam là những công dân bình thường nếu họ chấp hành tốt luật lệ. Sau đó ông cũng chấp nhận cho bính lính miền Nam được đem lừa ngựa về nhà để giúp gia đình.

Khi quân miền Bắc định bắn đại pháo ăn mừng, tướng Grant ra lệnh ngưng ngay lập tức. Ông nói : "Chiến tranh đã kết thúc. Giờ đây họ đã là đồng bào của chúng ta". Ông cho rằng cách tốt đẹp nhất để bày tỏ niềm vui của miền Bắc là không vui mừng trước thất bại của miền Nam.

Sau chiến tranh, có nghĩa trang chung cho binh lính hai miền, cờ miền Nam vẫn tung bay trên nước Mỹ. Và còn nhiều tình tiết cảm động nữa. Đáng chú ý, miền Bắc nước Mỹ - phe thắng trận, phe muốn xóa bỏ chế độ nô lệ, là phe có nhiều chính nghĩa hơn nhưng lại chủ động nhún nhường.

Nó trái ngược hoàn toàn với cách đối xử của Bắc Việt với Nam Việt sau 1975 : hàng trăm ngàn người bị bắt đi tù khổ sai với mỹ từ "học tập cải tạo" ; cả triệu người bị tịch thu tài sản, bắt đi vùng Kinh tế mới ; đó là chưa kể những nghĩa trang của quân đội Việt Nam Cộng hòa bị cư xử tàn tệ, còn cờ Vàng đương nhiên là bị cấm.

Thế cho nên những trường hợp nhắn nhủ với người Việt tị nạn rằng : "Ở đâu cũng là người Việt Nam, phải yêu thương lấy nhau, không nên hận thù", thì đấy là những người chẳng hiểu gì cả. Họ cầm cờ Đỏ sang Mỹ "hòa giải" trong khi đáng lẽ phải cầm cờ Vàng ra Hà Nội mới đúng. Họ nói đồng bào hải ngoại đừng "thù hằn" trong khi người ở trong nước ai ai cũng được dạy phải căm thù "Mỹ - Ngụy". Đã thắng rồi mà còn căm thù, vậy mà bắt những người bị tan cửa nát nhà, chết trên biển cả phải yêu quý mình sao ?

Quân miền Bắc nước Mỹ nhiều lẽ phải hơn mà còn nhún nhường để hòa giải, còn Bắc Việt đã sai mà lại tìm mọi cách nhục mạ người bị hại. Hòa giải phải xuất phát từ bên đã làm việc không đúng, phải đi xin lỗi người mình đã gây hại chứ không thể nào xuất phát từ bên bị hại. Nhất là bên sai nhưng lại suốt ngày ca ngợi việc làm sai ấy thì làm sao xóa đi được nỗi đau.

Xin khẳng định là : Nếu không phân biệt được đâu là bên chính nghĩa sẽ không thể có sự hòa hợp dân tộc, không thể có giải pháp dung hòa. Dung hòa thế nào, rằng "chúng tôi đã có công thống nhất đất nước, các anh hãy quên chuyện cũ đi, quên cờ Vàng đi để yêu cờ Đỏ rồi đừng thù hằn nữa" chăng ?

Chỉ khi nào bên cộng sản thừa nhận rằng "chúng tôi đã dại dột làm anh lính xung kích cho Nga và Trung Quốc khiến bao người Việt chết oan để rồi đất nước nghèo nàn và lại bước vào một thời kỳ Bắc thuộc mới. Chính chúng tôi hiện nay cũng dị ứng với cờ Đỏ vì gợi nhớ lại thứ chủ nghĩa quái thai và mang ý nghĩa là 1 tỉnh của Trung Quốc. Mãi sau này chúng tôi mới biết được rằng cờ Vàng là cờ dân tộc có từ thời vua Thành Thái. Nay chúng tôi đồng ý đổi tên nước thành Việt Nam Cộng hòa, xóa bỏ chế độ độc đảng, đưa đất nước đi theo con đường tự do dân chủ. Chỉ xin giữ lại bài Tiến Quân Ca làm quốc ca (có thể thay lời), vì nhạc sỹ Văn Cao thật ra sau này cũng chẳng ưa gì cộng sản và bị đóng dấu phản động", thì khi đó người Việt tị nạn mới có thể bỏ qua hết mọi chuyện để chung tay xây dựng đất nước.

Nhưng điều này chắc chắn chẳng bao giờ xảy ra, nếu không tin, hãy nhìn cái cách họ ăn mừng ngày 30/4 thì rõ.

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 04/05/2018

Published in Diễn đàn

Vị trí địa lý có quan trọng không ? Chắc chắn ai cũng trả lời là có, nhưng nó quan trọng đến mức nào thì không phải ai cũng rõ.

nambac1

Đường Rue Catina ở trung tâm Sài Gòn. Hình chụp ngày 26/7/1960 -  AP

Nhìn vị trí địa lý có thể đoán được nhiều điều

Người Việt Nam hay thấy trên báo chí nhà nước rằng chúng ta đang "đẩy mạnh hợp tác Nam - Nam", nghe oách lắm, nhưng không biết là gì. Sau này tìm hiểu hóa ra là hợp tác giữa các nước nghèo với nhau, hay có những cách gọi khác là "nước đang phát triển", "nước chậm phát triển", "nước kém phát triển", các nước thuộc "thế giới thứ ba"…

Đấy, vị trí phía Nam Bán cầu được mặc định là nước nghèo, thì vị trí địa lý chả quan trọng là gì.

Tại sao phía Nam lại nghèo ?

Có nhiều lý giải được đưa ra, hợp lý nhất là phía Nam ấm áp hơn, nắng ấm thì người ta thích chơi ; vì thế làm việc ít hơn. Các nước phía Bắc thì ngược lại, lạnh hơn, khắc nghiệt hơn nên luôn phải suy nghĩ làm sao để chống đỡ qua mùa đông dài giá rét ; vì thế đương nhiên họ chăm chỉ hơn.

Phía Nam nóng ẩm làm cây cối dễ sinh trưởng, phù hợp phát triển nông nghiệp. Phía Bắc điều kiện tự nhiên ít ưu đãi hơn, bắt buộc phải phát triển công nghiệp để bù lại.

Không chỉ Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu có sự khác biệt, tình trạng này còn diễn ra ở cùng một khu vực.

Ví dụ ở Tây Âu – một khu vực giàu có : Những nước nằm ở phía Bắc lạnh lẽo như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đều rất ổn định. Anh và Pháp chỉ cách nhau qua eo biển Manche, nhưng Anh nằm chếch về phía Bắc hơn, lạnh, nhiều sương mù hơn, thời tiết u ám hơn, nhưng rất năng động trong sinh hoạt kinh tế.

Các nước chếch xuống phía Nam như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp nghèo hơn ; có lẽ họ tiếc cảnh đẹp của Địa Trung Hải, họ mất thời gian chăm chút cho nấu nướng hơn, món ăn của họ rất ngon, chắc chắn phải ngon hơn món ăn của Anh rồi.

Chưa hết. Không chỉ khác biệt trong một khu vực, trong cùng một quốc gia thôi cũng có sự khác nhau đáng kể.

Miền Bắc nước Pháp có kinh tế trù phú còn miền Nam kém hơn hẳn, có người giải thích rằng miền Nam nước Pháp trì trệ do có thêm thói quen ngủ trưa.

Miền Đông-Bắc Tây Ban Nha có xứ Catalan với thành phố Barcelona là một khu vực giàu có. Chỉ với dân số 7,5 triệu người, Catalan có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD. Nếu đứng riêng một mình, kinh tế Catalan xếp hạng 34 thế giới, cao hơn cả Hong Kong hay nước Bồ Đào Nha.

Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm, thu nhập của người Catalan cao hơn cả thu nhập của người dân Ý hay Hàn Quốc. Người Catalan muốn tách ra khỏi Tây Ban Nha cũng là vì đang phải đóng góp quá nhiều để nuôi các khu vực khác.

Ngay tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, cũng không phải là ngoại lệ. Nguyên nhân của cuộc chiến Nam - Bắc trước đây là do miền Nam với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp cần nhiều lao động da màu nên cố gắng duy trì chế độ nô lệ, tất nhiên họ đã thua miền Bắc với công nghiệp phát triển. Ai xem phim "Cuốn theo chiều gió" chắc còn nhớ miền Nam Hoa Kỳ ngày đó cũng ngủ trưa, các quý cô "có đạo đức" đều phải ngủ trưa !

Nhưng trên thế giới vẫn còn ngoại lệ

Ở bán đảo Triều Tiên, mọi thứ đi ngược lại 180 độ. Nam Triều Tiên là một trong những nước giàu có nhất thế giới với GDP đứng thứ 11 toàn cầu. Trong khi đó Bắc Triều Tiên lại gần như vô địch về khoản nghèo đói. Có giai đoạn mà người dân nước này còn phải ăn cả vỏ cây, rễ cỏ để sống sót.

Món bánh rẻ tiền Choco Pie của Nam Triều Tiên khi sang phía bên kia lại là thứ xa xỉ phẩm mà không phải người dân miền Bắc nào cũng được ăn. Ở đất nước này không có ai béo cả, đơn giản vì tất cả đều gầy (có lẽ trừ lãnh tụ Kim Jong-un).

Cũng còn một ngoại lệ nữa, đấy chính là Việt Nam. Trước năm 1975, Bắc Việt Nam rất nghèo, còn Nam Việt Nam giàu có. Sau khi miền Bắc chiếm được miền Nam, hay nói cho dễ nghe hơn là bắt miền Nam phải hòa cùng với mình làm một, bắt miền Nam phải đi theo con đường của mình, thì cả 2 miền đều nghèo, hay nói cách khác là miền Nam cũng nghèo theo miền Bắc.

Ấy thế mà sau bao nhiêu năm, ảnh hưởng của "đế quốc Mỹ" vẫn còn sót lại ở miền Nam. Sài Gòn (nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh) đóng góp gần 1 phần 3 tổng thu ngân sách cả nước, số đóng góp của 1 thành phố này cao hơn nhiều so với 46 tỉnh thành cộng lại (cả nước có 63 tỉnh). Cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, thì thành phố Hồ Chí Minh góp tới 500 ngàn.

Ngoài ra, ở phương Bắc cũng còn một số trường hợp đặc biệt, đó là nước Nga, và kể cả Trung Quốc.

Đất nước có thủ đô Bắc Kinh tuy có tổng GDP lớn (do đông dân) nhưng hoàn toàn không phải là vùng đất giàu có, văn minh và đáng sống như phần lãnh thổ của họ ở phía Nam như Hồng Kông hay Đài Loan.

Còn về nước Nga, cựu Tổng thống Israel Shimon Peres trong cuộc gặp cuối cùng với Vladimir Putin đã nói thẳng rằng : nước Nga chẳng có gì cả, ngoài St. Petersburg và Moscow chỉ như một cái tủ kính trưng bày, những phần còn lại của Nga chẳng khác nào đất nước Nigeria, nhưng phủ đầy tuyết.

Những ngoại lệ kể trên đều là những nước cộng sản hoặc cựu cộng sản nhưng vẫn độc tài. Vì sao cộng sản kéo tụt người ta lại, xin để vào một bài khác. Còn bây giờ tóm lại : vị trí địa lý quan trọng thật, nhưng hóa ra vẫn thua thể chế chính trị !

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 27/04/2018

Published in Diễn đàn

Người Việt Nam cộng sản cho rằng Việt Nam Cộng Hòa đã thua trận thì chẳng còn tư cách gì để nói người khác. Nhưng thắng thua liệu có phải là tất cả ?

thua1

Một xe tăng Bắc Việt lăn bánh qua cổng Dinh Độc Lập ở Sài Gòn hôm 30/4/1975 - AP

Cuộc chiến không công bằng

Một cuộc đấu võ đúng tinh thần thể thao phải diễn ra trên võ đài với đầy đủ luật lệ và yêu cầu về hạng cân thì mới công bằng. Đương nhiên cũng có loại đánh nhau trên đường phố bất chấp luật lệ. Giống như thời La Mã, ngoài võ sĩ trên đấu trường thì còn có những võ sĩ thi đấu vô luật lệ dưới hầm mỏ.

Nhưng không phải chiến thắng nào cũng như chiến thắng nào. Ngoài đường phố nếu dùng mọi trò bẩn hoặc thắng một đối thủ quá chênh lệch thì có gì vinh hạnh ? Võ sĩ La Mã chỉ có thể giành được vinh quang trên đấu trường, chứ không phải chiến thắng vô luật lệ ở hầm mỏ - nơi dơ bẩn và bị khinh bỉ.

Trong chiến tranh cũng thế, đâu phải cứ là chiến tranh thì anh có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào để giành phần thắng. Nếu nói cứ đánh nhau là bất chấp luật lệ, thì anh còn ngồi vào bàn để ký mấy cái hiệp định làm chi ? Nếu là một tổ chức tự phát như tổ chức khủng bố chẳng hạn, thì không cần luật lệ ; còn khi đã là một quốc gia thì phải có luật chứ. Sau này Việt Nam cộng sản chẳng xin vào các tổ chức khu vực và quốc tế như ASEAN, Liên Hợp Quốc, WTO… để nâng cao vị thế là gì ? Và đã xin vào thì phải chấp nhận luật chơi của người ta chứ đâu có thể dùng luật rừng được nữa.

Có nghĩa là gì, nếu muốn được tôn trọng như một quốc gia thì phải có luật pháp và tôn trọng luật pháp. Kể cả chiến tranh cũng vậy.

Chiến tranh Việt Nam không phải là chiến tranh quy ước - loại chiến tranh mà các lực lượng tham chiến của mỗi bên đã được xác định rõ. Phe Việt Nam cộng sản trà trộn lẫn vào trong dân gây khó khăn cho Việt Nam Cộng Hòa, vì bản chất của chiến tranh là tiêu diệt đối phương, nhưng nếu giết dân thì thế giới lại lên án. Khi không thể xác định rõ kẻ thù thì đánh kiểu gì ?

Rất nhiều người nghĩ rằng kiểu "Chiến tranh du kích" ấy là bình thường. Nó không bình thường đâu ! Mỹ cũng có một cuộc nội chiến Nam–Bắc. Khi phe miền Nam sắp thua cuộc, Bộ tham mưu của tướng Lee đề nghị phân tán lực lượng, ẩn nấp trong nhà dân, trong rừng núi để đánh du kích nhưng vị tướng chỉ huy quân đội miền Nam đã từ chối vì "Chiến tranh là nghiệp của người lính, là nhiệm vụ của chúng ta, không được đẩy trách nhiệm này vào người dân vô tội. Cho dù ta là tướng bại trận cũng không thể dùng cách này, nếu phải dùng sinh mạng của mình để đổi lấy bình an cho người dân miền Nam thì ta thà lựa chọn trở thành tội phạm chiến tranh và chịu hành quyết còn hơn".

Nó khác hẳn với Chủ trương của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản sẵn sàng "hy sinh tất cả" hay "phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn" để đạt được mục đích. Phía Bắc Việt huy động mọi thành phần dân tộc tham gia cuộc chiến gồm cả phụ nữ, trẻ em lẫn người già – một đối tượng là phái yếu cần được bảo vệ, một đối tượng cần phải cho ăn học, một đối tượng đã đến lúc nghỉ ngơi mà phải chịu đói khổ, dấn thân vào nguy hiểm chết người. Cái gọi là cuộc chiến "của toàn dân tộc" ấy chẳng có gì đáng để tự hào cả.

Người Việt Nam Cộng Hòa không coi chiến tranh là tất cả, không dồn tất cả để đánh nhau, họ còn phải sống, làm việc và phát triển ; vì thế, tất nhiên chỉ có quân đội chiến đấu. Trong quân đội ấy chỉ có nam giới đủ tuổi đi quân ngũ, không người già nào, trẻ em nào và phụ nữ nào bị ép buộc phải tham gia vào cuộc chiến. Lực lượng tham chiến hai bên như vậy đã không rõ ràng (phía cộng sản), lại còn không cân bằng.

Việc cho cả trẻ em, người già tham gia chiến tranh còn một mục đích khác, đấy là tạo nên sự thương sót của dư luận nếu những đối tượng này bị đối phương sát hại. Nó giống việc đặt các cơ sở quân sự gần các khu dân cư, bệnh viện… vậy. Người dân đáng lẽ ra là đối tượng được bảo vệ thì lại bị đem ra làm bia đỡ đạn.

Cuộc chiến còn không công bằng ở chỗ Việt Nam Cộng Hòa là một đất nước tự do dân chủ, người dân có quyền chỉ trích, biểu tình, mà có nước tự do dân chủ nào mà lãnh đạo làm hài lòng được người dân ?

Việt Nam Cộng Hòa tất nhiên còn tự do báo chí – điều tối kỵ trong chiến tranh. Thế nên mới có chuyện ông Nick Út được đi theo lính miền Nam để chụp ảnh, máy bay đánh bom tiêu diệt cộng sản nhưng ai ngờ lính miền Bắc xâm nhập chui vào nơi có dân để trốn. Dân chạy ra cầu cứu lính Việt Nam Cộng Hòa thì bị Nick Út giơ máy ảnh lên chụp xong đăng lên toàn thế giới mà ai nhìn vào cũng nghĩ rằng "lính Mỹ đốt làng sát hại trẻ em Việt Nam". Vậy mà bức ảnh ấy cũng có thể trở thành biểu tượng của chiến tranh Việt Nam được ?

Bức ảnh chỉ nói lên một nửa sự thật ấy khi về Mỹ được trao giải Pulitzer – giải thưởng danh giá bậc nhất cho báo chí để rồi cả nước Mỹ lên án cuộc chiến. Như thế thì còn đánh đấm gì ?

Mai Chí Thọ từng nói toạc với tù nhân chính trị rằng : "Hồ Chí Minh có thể là một kẻ độc ác, Nixon có thể là một người vĩ đại. Người Mỹ có thể có chính nghĩa, chúng tôi có thể không có chính nghĩa. Nhưng chúng tôi đã thắng và người Mỹ đã bị đánh bại vì chúng tôi đã thuyết phục được người dân rằng Hồ Chí Minh là một người vĩ đại, rằng Nixon là một kẻ giết người và người Mỹ là những kẻ xâm lược. Yếu tố then chốt là kiểm soát được người dân và quan điểm của họ. Chỉ có chủ nghĩa Marx-Lenin là có thể làm được điều đó".

Chính vì sự giả dối ấy nên những vụ giết người của Bắc Việt với cách thức không khác gì khủng bố như đánh bom nhà hàng Mỹ Cảnh, ném lựu đạn vào dân đang xem hát ở Cần Thơ hay thảm sát Huế Mậu Thân chẳng hạn thì bị xem nhẹ, dường như người nào sống ở miền Nam đều đáng chết cả. Còn khi người cộng sản bị chết thì lại thành sự kiện nổi tiếng.

Quân đội Mỹ luôn tin vào chính nghĩa nên luôn hành động chính trực, thẳng thừng giữa thanh thiên bạch nhật, chính vì vậy nên dễ bị hiểu lầm. Họ đã thua trên mặt trận tuyên truyền trước những kẻ nham hiểm.

Tại sao dám vu khống Mỹ xâm lược khi họ chỉ giúp giữ chế độ tự do dân chủ ở miền Nam ? Việt Nam Cộng Hòa chỉ lo phòng thủ chứ đâu có đánh ra Bắc. Mỹ chỉ ném bom vì miền Bắc đã xâm phạm miền Nam.

Trong khi Mỹ vẫn xử phạt binh lính nếu có hành động đi quá giới hạn thì Bắc Việt lại trao huân chương cho những kẻ đánh bom khủng bố chết dân thường. Hai thái cực hoàn toàn trái ngược cho thấy truyền thông đã hết sức bất công. Trong một trận đá bóng mà hai phe chỉ đá ở một nửa sân hay trong một cuộc chiến mà trọng tài chỉ bênh một bên thì bên kia có cơ hội giành phần thắng ?

Một ví dụ nữa là phe cộng sản luôn cố tình tạo cho người ta cảm giác rằng họ với vũ khí thô sơ phải đánh nhau với một phe được trang bị vũ khí hiện đại. Thực tế bộ đội miền Bắc không hề thiếu vũ khí, ra trận là có đạn "bắn thoải mái" do Nga Tàu cung cấp ; đó là sự hỗ trợ tương đương nhưng kín đáo. Chính vì vậy nói rằng miền Nam không làm được gì khi không có Mỹ là không công bằng, miền Bắc nếu không được viện trợ từ nước ngoài thì chắc chắn phải cưỡi ngựa bắn cung để ra trận, vì họ đâu có tự sản xuất ra được đạn dược, xăng dầu…

Thắng rồi để làm gì ?

Người Việt coi việc Nhật Bản "phải chấp nhận để Mỹ đóng quân" là kém cỏi, nhưng gặp người Nhật thì không khác gì gặp thánh sống. Người Việt cũng xem việc Triều Tiên không thể thống nhất đất nước là không bằng Việt Nam, nhưng bây giờ thậm chí không dám mơ có ngày được như Nam Triều Tiên.

Nói đâu xa, Việt Nam Cộng Hòa bị coi là "đu càng", nhưng những cư dân "đu càng" như cầu thủ bóng đá Lee Nguyễn, đầu bếp Christine Ha thì được trọng vọng hơn bất cứ đồng nghiệp nào tại Việt Nam. Thù lao mà Lee Nguyễn nhận được khủng khiếp đến mức cho đến nay không ai biết đích xác là bao nhiêu, chỉ biết rằng trong 2 năm ngắn ngủi ở Việt Nam, cầu thủ "đu càng" này nói rằng đã kiếm đủ cho phần đời còn lại. Chắc chắn không một cầu thủ Việt Nam cộng sản nào dám mơ có một ngày đội bóng quê hương sẽ trả mức lương như vậy cho mình.

Gia đình Việt Nam cộng sản cũng co ro cúm rúm khi tiếp đón gia đình Việt Nam Cộng Hòa "đu càng" từ Mỹ, Pháp… trở về, đi ăn cũng gia đình "đu càng" trả tiền. Vậy thì ai thắng ai ? Ai mang tư thế của người chiến thắng ?

Thái Lan không dám đánh nhau, Nhật Bản từng thua trận, Đức cũng thua, Pháp thì khỏi nói : nổi tiếng về đánh nhau kém. Nhưng hỡi ôi, đánh nhau quan trọng đến thế ư ? Chỉ những anh choai choai mới khoái đánh nhau như thế. Chả trách mà Tản Đà làm thơ : "Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con".

Mà ngay trong cái việc đánh nhau thôi, tại sao anh không tiếc xương máu lúc đánh nhau với Pháp, Mỹ, mà giờ động đến một chữ Trung Quốc cũng không dám ? Suốt ngày tự hào đánh Pháp đánh Mỹ nhưng nếu có ai nhắc đến giặc Tàu là cả quan lẫn dân đều nạt ngay : "Thế muốn chiến tranh hay hòa bình ? Nó mà đánh cho thì…".

Chao ôi, dân tộc "Việt Nam anh hùng" đây ư ? Té ra việc chửi giặc Pháp giặc Mỹ hàng ngày là do biết chúng nó là người quân tử, chúng nó người lớn không thèm chấp mình, chứ chẳng phải mình anh dũng anh hùng gì cho cam.

Cái giá của thủ đoạn đê hèn

Nói tóm lại rằng : bất chấp luật lệ, dùng mọi thủ đoạn để thắng không phải hành động của người quân tử. Việt Nam Cộng Hòa cũng như các nước văn minh khác : tôn trọng pháp luật ngay cả trong thời chiến – lúc mà đáng lẽ có thể áp dụng tình trạng khẩn cấp hay thiết quân luật để siết chặt quyền tự do dân chủ.

Người cộng sản có thể mãi hát bài ca chế giễu phe thua cuộc nhưng trên thực tế, người Việt Nam Cộng Hòa lên tiếng chỉ vì họ còn có tâm với đất nước đấy thôi. Sau năm 1975 họ được các nước giàu có văn minh giang tay đón nhận, họ có cuộc sống sung túc ở nơi mà chỉ số ít doanh nhân và chủ yếu là con cháu quan chức cộng sản giàu sang hiện nay mới có cơ hội đặt chân đến.

Người Việt Nam Cộng Hòa ừ thì "thua" đấy, nhưng họ được sống cùng những người quân tử. Còn những người "chiến thắng" ở lại, khi anh không phải người quân tử, sẽ có thằng không quân tử khác trị anh.

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 23/04/2018

Published in Diễn đàn

Nhiều người nghĩ rằng nếu Việt Nam Cộng Hòa vẫn còn tồn tại thì chúng ta sẽ có một quốc gia tuyệt vời và mọi vấn đề sẽ được giải quyết.

Liệu mọi việc có đơn giản như vậy không ?

neu1

Tổng thống Ngô Đình Diệm đứng xung quanh các tướng lĩnh, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Cộng Hòa trong buổi lễ tại Sài Gòn ngày 26 tháng 10 năm 1955.  AP

"Tự do mang đến nhiều khó khăn và dân chủ không phải là hoàn hảo…"

Việt Nam Cộng Hòa sẽ vẫn là quốc gia có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Đó là điều chắc chắn. Nếu không tin hãy nhìn những cường quốc 5 châu mà Việt Nam của Hồ Chí Minh mong có một ngày được sát cánh thì rõ.

Mỹ - Cường quốc số một thế giới có lúc nào không phải đau đầu để giải quyết các vấn đề quốc nội và quốc tế ? Trong nước là tình trạng chênh lệch giàu nghèo, vấn đề kiểm soát súng đạn, "chính phủ hoạt động kém hiệu quả"… và trên hết bị đánh giá là "quốc gia không tiến bộ".

Châu Âu còn nan giải hơn nữa, đó là suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp cao… Cả Châu Âu và Mỹ đều chia sẻ vấn đề nhập cư bất hợp pháp và khủng bố Hồi giáo.

Nhật Bản thì là thiếu hụt lao động, tỷ lệ tăng lương chậm, các vụ bê bối công nghiệp và khối nợ khổng lồ của chính phủ, đặc biệt là già hóa dân số. Báo Việt Nam đưa tin về cuộc sống của người già ở Nhật không khác gì địa ngục, họ phải đi ăn cắp để được vào tù. Người vì ở bên ngoài phải sống chật vật với trợ cấp xã hội, đi tù để không phải lo lắng tài chính ; người vì thiếu sự quan tâm nên cố vào tù để được chăm sóc. Nhà tù Nhật vì thế đối diện với khó khăn mới : ban ngày phải thuê điều dưỡng viên để phục vụ đi vệ sinh, tắm rửa ; ban tối nhân viên nhà tù phải làm cả công việc của điều dưỡng viên. Chi phí cho nhà tù vì thế tăng vọt.

Một ví dụ rõ ràng nhất là Hàn Quốc – Một đất nước với thể chế chính trị y chang Việt Nam Cộng Hòa cũng có bao giờ yên ổn. Tổng thống Nam Triều Tiên khi thì bị ám sát, khi thì tự sát vì bị điều tra tham nhũng, mới đây còn bị bắt đi tù.

Các nước giàu nói chung và Hàn Quốc nói riêng không phải là thiên đường, họ cũng gặp khó khăn trong mọi lĩnh vực. Bóng đá Hàn Quốc mạnh nhất nhì châu Á, nhưng sau vòng chung kết U23 Châu Á vừa rồi, huấn luyện viên Kim Bong-gil bị sa thải vì chỉ đưa đội bóng lọt vào đến bán kết.

Thế nên chẳng có gì lạ cả khi Việt Nam Cộng Hòa nếu còn đang tồn tại cũng sẽ đầy rẫy những vấn đề xã hội. Lúc còn là "Hòn ngọc Viễn Đông", là niềm mơ ước của Singapore, có bao giờ người Việt Nam Cộng Hòa cảm thấy thỏa mãn với đất nước của mình ?

Tổng thống Ngô Đình Diệm vẫn bị chỉ trích để rồi bị lật đổ. Sau đấy là Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh, có ông nào được ngợi ca ?

Nhưng đó có phải là tất cả ?

Các quốc gia đều có vấn đề cả đấy, nhưng không giống nhau !

Nhìn việc Huấn luyện viên U23 Hàn Quốc bị sa thải mà nghĩ rằng họ đang gặp vấn đề thì lầm to ! Họ vào bán kết đã là thất bại vì họ đã quen vô địch hoặc chí ít về nhì. Còn chúng ta chỉ cần thế thôi là đủ đi vào lịch sử, vì có mấy khi làm được ? Như vậy bị chỉ trích chưa chắc đã kém, được khen ngợi chắc gì tốt hơn.

Đội bóng đá Việt Nam Cộng Hòa trước đây chưa bao giờ coi Thái Lan là đối thủ, nhưng nếu còn tồn tại, đội bóng ấy có thỏa mãn được người dân không ? Cũng không nốt, vì khi vô địch Đông Nam Á rồi, nếu không vươn lên tầm châu lục thì cũng chẳng ai hoan nghênh, huấn luyện viên tuyển Việt Nam Cộng Hòa vẫn sẽ bị sa thải như thường. Vậy đấy, cùng là khó khăn nhưng không giống nhau.

Tổng thống Nam Triều Tiên từ trước đến nay chẳng ai được ngưỡng mộ, nhưng họ vẫn giàu có văn minh. Còn lãnh tụ của Bắc Triều Tiên từ đời ông đến đời cháu đều được dân tôn sùng, chẳng có ông nào bị bắt vì tham nhũng, thậm chí bị nghi ngờ cũng không. Người dân miền Bắc dù nghèo đói đấy, nhưng hạnh phúc vì được ngắm lãnh tụ. Người dân miền Nam giàu có, nhưng luôn bức xúc với lãnh đạo. Dân cả hai miền đều khổ cả, nhưng không giống nhau.

Ở Mỹ thỉnh thoảng lại có vụ xả súng, số người chết trong vụ đẫm máu nhất lịch sử nước Mỹ ở Las Vegas là 59 người, nghe thì kinh hãi, nhưng so với trung bình 41 người chết một ngày vì tai nạn giao thông (15.000 người một năm) thì chắc chả là gì. Vụ xả súng kinh hoàng nhất lịch sử bang Texas năm ngoái làm 27 người thiệt mạng, chỉ bằng khoảng một nửa số người ra đi ở Việt Nam chỉ tính riêng việc tham gia di chuyển trên đường hàng ngày như đã nêu trên.

Trong 5 ngày Tết cổ truyền Việt Nam vừa rồi có 155 người chết vì tai nạn giao thông, 2.800 ca cấp cứu vì đánh nhau. Chết ở Mỹ gây kinh hoàng, chấn động thế giới ; chết ở Việt Nam thì là chuyện thường, không ai biết đến. Ở đâu cũng có người chết, nhưng không giống nhau.

Nhiều người Việt Nam đọc báo viết về cuộc sống của người già ở Nhật Bản, tưởng rằng mình thật may mắn khi được sinh ra ở Việt Nam, họ không nhớ rằng ở Việt Nam làm gì có cái gọi là trợ cấp xã hội để ít nhất duy trì cuộc sống, số người già không có tiền tích lũy ở Nhật cũng không chiếm số đông, và nhà tù ở Việt Nam ngay người trẻ còn không chịu nổi.

Châu Âu đau đầu về vấn đề nhập cư từ Trung Đông, chúng ta thì không, nhưng cũng chẳng có gì để tự hào cả vì làm gì có ai muốn di cư đến Việt Nam.

Việc Sài Gòn có thật sự là "Hòn ngọc Viễn Đông" hay không, có thực là Lý Quang Diệu hâm mộ Việt Nam Cộng Hòa hay không, điều đó không quan trọng. Một số người Cộng sản có thể phủ nhận nó, nhưng họ không thể phủ nhận Việt Nam Cộng Hòa là một nước khá giả. Ngay báo chí Việt Nam Cộng sản hiện nay thỉnh thoảng vẫn đăng ảnh các thành phố miền Nam trước 1975 sạch đẹp quy củ chứ không bát nháo như bây giờ. Cứ cho là Sài Gòn ngày xưa "nhận vơ" là Hòn ngọc Viễn Đông, nhưng Việt Nam hiện tại cho "nhận vơ" cũng chả dám nhận.

Người cộng sản nói rằng Sài Gòn là "ổ điếm", vậy họ không mong được một lần trong đời được du lịch Thái Lan hay Nhật Bản chăng ? Chắc chắn chẳng tìm được ai như vậy. Và Việt Nam hiện tại không thể so sánh với những nước này về gần như mọi mặt, may ra có mại dâm thì không kém, chỉ có điều nó không hợp pháp thôi. Người ta hợp pháp nó, nó công khai, nhưng rạch ròi. Còn anh thì giấu giấu giếm giếm nhưng bẩn thỉu, vô đạo đức gấp vạn lần.

Người Việt cộng sản cho rằng nằm mơ mới có chuyện Việt Nam Cộng Hòa bằng được những nước Hàn Quốc, nói vậy khác nào khẳng định rằng người Việt Nam kém cỏi căn bản, dù có cố thế nào, có theo thể chế nào cũng chỉ làm thuê cho các nước Châu Á khác. Tại sao lại có thể có suy nghĩ hẹp hòi nhỏ mọn đến vậy ? Tại sao không chọn làm một nước khá giả ít nhất mấp mé với những nước kia mà lại chọn làm một nước nghèo chỉ đi làm thuê cho họ ? "Việt Nam Cộng Hòa giàu vì Mỹ đổ tiền" ? Vậy sao không chọn để giàu mà lại chọn Nga, Tàu để nghèo bền vững ?

Về việc này người Đức đã có câu trả lời từ lâu, người cộng sản Đức đã chọn chạy về phía giàu có văn minh hơn, họ tự đạp đổ bức tường Berlin – nơi mà năm 1963, Tổng thống Mỹ John Kennedy đã nói : "Tự do mang đến nhiều khó khăn và dân chủ không phải là hoàn hảo, nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng lên một bức tường để ngăn người dân rời bỏ đất nước".

Hà Nội, 7 tháng 4 năm 2018

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 13/04/2018

Published in Diễn đàn