Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/04/2018

Vị trí địa lý cũng phải thua…

Phi Cảnh

Vị trí địa lý có quan trọng không ? Chắc chắn ai cũng trả lời là có, nhưng nó quan trọng đến mức nào thì không phải ai cũng rõ.

nambac1

Đường Rue Catina ở trung tâm Sài Gòn. Hình chụp ngày 26/7/1960 -  AP

Nhìn vị trí địa lý có thể đoán được nhiều điều

Người Việt Nam hay thấy trên báo chí nhà nước rằng chúng ta đang "đẩy mạnh hợp tác Nam - Nam", nghe oách lắm, nhưng không biết là gì. Sau này tìm hiểu hóa ra là hợp tác giữa các nước nghèo với nhau, hay có những cách gọi khác là "nước đang phát triển", "nước chậm phát triển", "nước kém phát triển", các nước thuộc "thế giới thứ ba"…

Đấy, vị trí phía Nam Bán cầu được mặc định là nước nghèo, thì vị trí địa lý chả quan trọng là gì.

Tại sao phía Nam lại nghèo ?

Có nhiều lý giải được đưa ra, hợp lý nhất là phía Nam ấm áp hơn, nắng ấm thì người ta thích chơi ; vì thế làm việc ít hơn. Các nước phía Bắc thì ngược lại, lạnh hơn, khắc nghiệt hơn nên luôn phải suy nghĩ làm sao để chống đỡ qua mùa đông dài giá rét ; vì thế đương nhiên họ chăm chỉ hơn.

Phía Nam nóng ẩm làm cây cối dễ sinh trưởng, phù hợp phát triển nông nghiệp. Phía Bắc điều kiện tự nhiên ít ưu đãi hơn, bắt buộc phải phát triển công nghiệp để bù lại.

Không chỉ Bắc Bán cầu và Nam Bán cầu có sự khác biệt, tình trạng này còn diễn ra ở cùng một khu vực.

Ví dụ ở Tây Âu – một khu vực giàu có : Những nước nằm ở phía Bắc lạnh lẽo như Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan đều rất ổn định. Anh và Pháp chỉ cách nhau qua eo biển Manche, nhưng Anh nằm chếch về phía Bắc hơn, lạnh, nhiều sương mù hơn, thời tiết u ám hơn, nhưng rất năng động trong sinh hoạt kinh tế.

Các nước chếch xuống phía Nam như Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp nghèo hơn ; có lẽ họ tiếc cảnh đẹp của Địa Trung Hải, họ mất thời gian chăm chút cho nấu nướng hơn, món ăn của họ rất ngon, chắc chắn phải ngon hơn món ăn của Anh rồi.

Chưa hết. Không chỉ khác biệt trong một khu vực, trong cùng một quốc gia thôi cũng có sự khác nhau đáng kể.

Miền Bắc nước Pháp có kinh tế trù phú còn miền Nam kém hơn hẳn, có người giải thích rằng miền Nam nước Pháp trì trệ do có thêm thói quen ngủ trưa.

Miền Đông-Bắc Tây Ban Nha có xứ Catalan với thành phố Barcelona là một khu vực giàu có. Chỉ với dân số 7,5 triệu người, Catalan có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 300 tỷ USD. Nếu đứng riêng một mình, kinh tế Catalan xếp hạng 34 thế giới, cao hơn cả Hong Kong hay nước Bồ Đào Nha.

Với thu nhập bình quân đầu người khoảng 35.000 USD/năm, thu nhập của người Catalan cao hơn cả thu nhập của người dân Ý hay Hàn Quốc. Người Catalan muốn tách ra khỏi Tây Ban Nha cũng là vì đang phải đóng góp quá nhiều để nuôi các khu vực khác.

Ngay tại Mỹ - nền kinh tế số 1 thế giới, cũng không phải là ngoại lệ. Nguyên nhân của cuộc chiến Nam - Bắc trước đây là do miền Nam với kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp cần nhiều lao động da màu nên cố gắng duy trì chế độ nô lệ, tất nhiên họ đã thua miền Bắc với công nghiệp phát triển. Ai xem phim "Cuốn theo chiều gió" chắc còn nhớ miền Nam Hoa Kỳ ngày đó cũng ngủ trưa, các quý cô "có đạo đức" đều phải ngủ trưa !

Nhưng trên thế giới vẫn còn ngoại lệ

Ở bán đảo Triều Tiên, mọi thứ đi ngược lại 180 độ. Nam Triều Tiên là một trong những nước giàu có nhất thế giới với GDP đứng thứ 11 toàn cầu. Trong khi đó Bắc Triều Tiên lại gần như vô địch về khoản nghèo đói. Có giai đoạn mà người dân nước này còn phải ăn cả vỏ cây, rễ cỏ để sống sót.

Món bánh rẻ tiền Choco Pie của Nam Triều Tiên khi sang phía bên kia lại là thứ xa xỉ phẩm mà không phải người dân miền Bắc nào cũng được ăn. Ở đất nước này không có ai béo cả, đơn giản vì tất cả đều gầy (có lẽ trừ lãnh tụ Kim Jong-un).

Cũng còn một ngoại lệ nữa, đấy chính là Việt Nam. Trước năm 1975, Bắc Việt Nam rất nghèo, còn Nam Việt Nam giàu có. Sau khi miền Bắc chiếm được miền Nam, hay nói cho dễ nghe hơn là bắt miền Nam phải hòa cùng với mình làm một, bắt miền Nam phải đi theo con đường của mình, thì cả 2 miền đều nghèo, hay nói cách khác là miền Nam cũng nghèo theo miền Bắc.

Ấy thế mà sau bao nhiêu năm, ảnh hưởng của "đế quốc Mỹ" vẫn còn sót lại ở miền Nam. Sài Gòn (nay gọi là thành phố Hồ Chí Minh) đóng góp gần 1 phần 3 tổng thu ngân sách cả nước, số đóng góp của 1 thành phố này cao hơn nhiều so với 46 tỉnh thành cộng lại (cả nước có 63 tỉnh). Cả nước có 1 triệu doanh nghiệp, thì thành phố Hồ Chí Minh góp tới 500 ngàn.

Ngoài ra, ở phương Bắc cũng còn một số trường hợp đặc biệt, đó là nước Nga, và kể cả Trung Quốc.

Đất nước có thủ đô Bắc Kinh tuy có tổng GDP lớn (do đông dân) nhưng hoàn toàn không phải là vùng đất giàu có, văn minh và đáng sống như phần lãnh thổ của họ ở phía Nam như Hồng Kông hay Đài Loan.

Còn về nước Nga, cựu Tổng thống Israel Shimon Peres trong cuộc gặp cuối cùng với Vladimir Putin đã nói thẳng rằng : nước Nga chẳng có gì cả, ngoài St. Petersburg và Moscow chỉ như một cái tủ kính trưng bày, những phần còn lại của Nga chẳng khác nào đất nước Nigeria, nhưng phủ đầy tuyết.

Những ngoại lệ kể trên đều là những nước cộng sản hoặc cựu cộng sản nhưng vẫn độc tài. Vì sao cộng sản kéo tụt người ta lại, xin để vào một bài khác. Còn bây giờ tóm lại : vị trí địa lý quan trọng thật, nhưng hóa ra vẫn thua thể chế chính trị !

Phi Cảnh

Nguồn : RFA, 27/04/2018

Quay lại trang chủ
Read 707 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)