Trong số một loạt các cán bộ cao cấp bị đem ra "đốt" trong chiến dịch chống tham nhũng lò nóng – củi tươi của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nổi lên gần đây nhất là sự có mặt của một số tên tuổi ngành quốc phòng.
Ông Đinh Ngọc Hệ với biệt danh Út "trọc" (bên trái) và ông Phùng Danh Thắm. Courtesy of mt.gov.vn, baoquankhu7.vn
Đó là Thượng tá Đinh Ngọc Hệ hay còn gọi là "Út trọc" với những sai phạm tại Tổng Công ty Thái Sơn khi giữ vai trò Phó Tổng giám đốc công ty này. Tiếp đến là sự kiện Đại tá Phùng Danh Thắm, cũng là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn. Và sau đó là Đại tá Bùi Văn Tiệp – cựu Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân. Cả ba nhân vật này đều bị khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong đó ông Thắm và ông Tiệp giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho ông "Út trọc".
Đây không phải là lần hiếm hoi xảy ra một vụ tai tiếng với ngành quân đội. Trước đó không lâu, người dân xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội đã bắt giữ 38 cán bộ và cảnh sát trong một vụ tranh chấp đất đai với Bộ quốc phòng. Bộ này muốn thu hồi đất để giao cho tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel làm kinh tế.
Hay vụ việc Bộ quốc phòng muốn giữ 157 héc ta đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để cho thuê làm sân golf thay vì dùng số đất đó để mở rộng sân bay hiện đã quá tải.
Trước những bê bối gần đây của ngành kinh tế quân đội, Thiếu tướng, Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, nguyên Giám đốc Học viện Hải quân Việt Nam, và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật và kinh tế biển Thành phố Hồ Chí Minh trao đổi với đài RFA.
Trước hết, Thiếu tướng Lê Kế Lâm cho biết truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam gồm có 3 chức năng : chức năng đánh giặc để bảo vệ tổ quốc, chức năng công tác như dân vận, phòng cứu bão lụt hay tai nạn của nhân dân, và chức năng thứ 3 là làm kinh tế.
Ông cũng giải thích thêm, rằng từ thời chiến tranh Việt Nam, quân đội rất khó khăn nên có nhiệm vụ làm kinh tế để tự túc một phần. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc thì truyền thống này vẫn tiếp tục phát triển, vì vậy trong quân đội hiện nay có một số đơn vị làm kinh tế. Ông nói tiếp :
Trong lúc làm kinh tế như vậy, cũng có những đơn vị làm kinh tế tốt, ví dụ như Viettel hay Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, rồi những Tổng công ty trồng cao su.
Nhưng phải nói rằng để một thời gian hơi dài cho phát triển quá nhiều ngành nghề và công ty. Trong số quá nhiều công ty này, đã bộc lộ sai phạm và thiếu sót.
Những sai phạm thiếu sót này, tôi nghĩ là trong quá trình phát triển của một đất nước, và đặc biệt trong quá trình mở cửa, sự hiểu biết về văn hóa kinh doanh sản xuất, cũng như văn hóa kết hợp giữa kinh tế và quốc phòng có những mặt tốt và có những mặt chưa tốt.
Năm ngoái ngay thời điểm xảy ra vụ việc sân golf ở Tân Sơn Nhất, ông Thứ trưởng Bộ quốc phòng Lê Chiêm khẳng định chủ trương của Bộ quốc phòng là quân đội sẽ không làm kinh tế mà chỉ tập trung xây dựng quân đội vững mạnh. chính quy, tinh nhuệ.
Người dân chưa kịp mừng thì ngay lập tức một thứ trưởng khác của bộ này là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã tuyên bố Quân đội sẽ tiếp tục làm kinh tế quốc phòng và làm mạnh hơn nữa, nhằm phục vụ cho phát triển tiềm lực quốc phòng, và không để Quân đội trở thành gánh nặng cho nền kinh tế và đất nước.
Hiện nay, Bộ quốc phòng đang quản lý khoảng 109 doanh nghiệp hoạt động trên nhiều lĩnh vực kinh doanh tại Việt Nam như : Ngân hàng, Viễn thông, Dệt may, Da giày, Dược phẩm, Bất động sản... trong đó phần lớn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đã từng có nhiều ý kiến trái chiều quanh việc quân đội Việt Nam tham gia kinh doanh. Nhiều chuyên gia cho rằng đã là quốc phòng thì chỉ nên tập trung tâm sức bảo vệ đất nước. Vả lại, quân đội làm kinh tế dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Trong số những người không đồng tình với chuyện này có Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đã giải thể. Ông cũng là một trong gần 200 cá nhân và tập thể vào năm ngoái đã gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thu hồi sân golf cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói với RFA :
Trong kiến nghị 72 từ 5 năm trước chúng tôi đã nêu rất rõ là quân đội lo việc của quân đội, có thể có một phần nào đó làm công nghiệp quốc phòng như súng đạn chẳng hạn. Nhưng việc đi kinh doanh như xây nhà hàng, khách sạn, nhà ở không phải là việc của quốc phòng, càng không phải của công an. Tức là, những lực lượng chỉnh trang thì làm nhiệm vụ của vũ trang, không nên làm kinh doanh. Nhà nước cũng không nên làm kinh doanh. Chỉ có như thế nền kinh tế mới lành mạnh được.
Vào cuối năm ngoái, sau một năm với hai biến cố lớn liên quan đến Bộ quốc phòng là vụ Đồng Tâm và vụ sân golf, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu chấn chỉnh hoạt động các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế và đặc biệt là phải tăng cường quản lý đất đai.
Cũng trong năm ngoái, Bộ quốc phòng Việt Nam đã đưa ra Đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020. Theo đó, Quân đội sẽ giảm số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước từ 88 doanh nghiệp xuống còn 17, vào năm 2020.
Ngoài ra, Bộ quốc phòng sẽ duy trì tỷ lệ vốn nhà nước từ 51% vốn điều lệ đến hết năm 2019 tại 12 doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa.
Hiện tại trên thế giới vẫn còn một số ít quốc gia cho quân đội làm kinh tế như ở Việt Nam, chẳng hạn như Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan,…
Tuy nhiên tại Trung Quốc, đất nước có thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam, cũng đã giảm đáng kể lực lượng quốc phòng tham gia kinh doanh từ thời ông Giang Trạch Dân và giảm hơn nữa kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền. Ở Thái Lan, kể từ sau cuộc đảo chính 2014, chính quyền quân đội lên ngôi, và cũng đã tham gia làm kinh tế, nhưng số doanh nghiệp chỉ bằng phân nửa so với Việt Nam.
Trước những tiêu cực trong ngành kinh tế quân đội của Việt Nam, trong khi Chính phủ có vẻ như vẫn nhất quyết cho lực lượng quốc phòng kinh doanh, Thiếu tướng Lê Kế Lâm đề xuất :
Quan điểm của tôi là Bộ quốc phòng phải chấn chỉnh và phải xem lại, công ty nào nên để và công ty nào nên giải tán và thu hồi giấy phép kinh doanh. Nếu không làm thì trong dư luận nhân dân sẽ không tốt. Do đó Bộ quốc phòng phải làm và làm một cách nghiêm túc, triệt để.
Trả lời câu hỏi liệu quân đội Việt Nam có nên ngưng làm kinh tế để tập trung đúng trách nhiệm hay không ? Thiếu tướng Lâm nói :
Thực ra chức năng của quân đội là bảo vệ tổ quốc, đất nước và nhiệm vụ đó là hết sức nặng nề, hết sức lớn. Do đó cho nên hầu như quân đội của các nước đều tập trung vào quốc phòng là chính. Riêng ở Việt Nam, bây giờ chuyển hóa là cả một quá trình, nên quá trình này tôi nghĩ phải làm thật nghiêm túc. Rồi có lẽ đến một giai đoạn nào đó chuyện quân đội làm kinh tế cũng phải xem xét một cách nghiêm túc. Và có thể, theo sự phát triển của đất nước để giải quyết việc này một cách rốt ráo.
Còn với Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một khi vẫn cho phép quân đội làm kinh tế, thì không nên để họ lạm dụng các tài nguyên chung của đất nước :
Tức là tất cả những gì đụng đến đất đai hay tài nguyên chẳng hạn, những thứ rất dễ lạm dụng bởi vì nhìn thấy tất cả từ những công ty của quân đội chủ yếu lấy đất của dân và nhân danh là đất quốc phòng, chiếm một số đất rất lớn và biến chúng thành những cơ sở thương mại. Nói một cách nôm na, là họ tư nhân hóa tài sản của Nhà nước một cách không minh bạch.
Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc người dân tập trung chặn đường phản đối các trạm thu phí BOT vì mức thu quá cao cũng như địa điểm đặt trạm vô lý. Trước khi bị khởi tố, ông Út trọc được xem là ông trùm của các dự án BOT khi liên tục được chỉ định thầu hoặc trúng thầu những dự án khủng. Trong số những sai phạm của Út trọc, có một dự án giải phóng mặt bằng cải tạo quốc lộ 20 đã được phê duyệt gần 460 tỷ đồng nhưng thực chất số tiền chi cho dự án này chỉ có 32 tỷ đồng.
Nguồn : RFA, 03/05/2018
Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.
Đại biểu Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng phát biểu thảo luận tại hội trường. Ảnh : Quochoi.vn
Tướng kinh tế
Trước thực trạng các nhóm lợi ích đang làm suy yếu quân đội, trước sức ép của dư luận, trước sự đấu tranh của một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội, Bộ quốc phòng đã có chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn một bộ phận các doanh nghiệp quân đội như Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đã khẳng định mà truyền thông đã đưa tin. Đây là một bước tiến tích cực đáng khích lệ. Nhưng vẫn là bước tiến nhỏ ban đầu.
Bởi vì, không khó nhìn thấy, sẽ xuất hiện ít nhất là hai dòng chuyển động đối phó với chủ trương này.
1. Một số doanh nghiệp quân đội sẽ sát nhập vào các doanh nghiệp quân đội khác có hơi hướng phục vụ công nghiệp quốc phòng.
2. Sẽ có các doanh nghiệp quân đội mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang hơi hướng phục vụ quốc phòng.
Cho nên, việc chấm dứt quân đội làm kinh tế là cuộc đấu tranh dài lâu. Điều này không chỉ rút ra từ hai nguyên nhân nêu trên. mà nó có căn nguyên từ một điều khác quan trọng hơn.
Đó là, chủ trương quân đội làm kinh tế vẫn được một bộ phận tướng lĩnh trong quân đội ủng hộ chính thức. Kinh tế ở đây không phải chỉ là công nghiệp phục vụ quốc phòng. Chứng minh cụ thể là hai lập luận sau đây :
3. Một là, các vùng miền sâu xa lợi nhuận thấp, các doanh nghiệp dân sự không đầu tư.
4. Hai là, các doanh nghiệp quân đội như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam … là các doanh nghiệp "không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước" (Vnexpress 24/11/2017).
Xin đưa ra hai luận cứ ngắn gọn phản biện hai lập luận trên :
5. Một là, nếu các vùng miền xa các doanh nghiệp dân sự không đầu tư vì không có lời, thì doanh nghiệp quân đội có phép thần nào để biến lỗ thành lời ngoài nguồn bù lỗ từ ngân sách nhà nước ? Từ đó để thấy, các doanh nghiệp quân đội làm kinh tế các vùng miền khó khăn này thì nhà nước phải bù lỗ rất lớn, chí ít cũng nhiều hơn các doanh nghiệp tư nhân đầu tư ở các vùng miền này. Đó là điều chắc chắn.
6. Hai là, nếu các doanh nghiệp như Viettel, Tổng công ty trực thăng Việt Nam… có tài " không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước" thì ra khỏi quân đội họ vẫn giữ được những cái tài này cơ mà. Họ vẫn tiếp tục " không ngừng đổi mới, hội nhập, xây dựng thương hiệu đi đầu, tạo sản phẩm có giá trị cao, đóng góp lớn vào ngân sách Nhà nước". Có ai tước được những cái tài này của họ đâu ? Hay họ chỉ có những cái tài này khi khoác áo quân đội ?
Từ đó dễ dàng thấy được, căn nguyên sâu xa là một bộ phận quân đội đang thiết tha làm kinh tế. Chẳng những thiết tha mà còn là "gánh vác nhiệm vụ" như lời của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó chính ủỷ quân khu 7, rằng "quân đội làm kinh tế là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội !"
Bởi thế, các tướng kinh tế sẽ tiếp tục đông đúc. Nhưng các tướng kinh tế, cuối cùng cũng chỉ là hệ quả của thể chế, rút ra từ nhận định sau đây.
Chừng nào thể chế còn là nguyên nhân sinh ra các nhóm lợi ích kinh tế trong nhà nước, thì chừng đó sẽ còn tồn tại các nhóm lợi ích kinh tế trong quốc phòng.
Nói một cách khác, không thể xóa bỏ hết các nhóm lợi ích trong quốc phòng nếu không xóa bỏ được các nhóm lợi ích kinh tế sinh ra do nguyên nhân nội tại của thể chế.
Cuối cùng vẫn là căn bệnh thể chế. Cải cách thể chế đã được cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhiều lần kêu gọi. Nhiều vị lãnh đạo khác cũng nhiều lần đề cập đến cải cách thể chế. Nhưng cải cách thể chế mãi vẫn là những lời kêu gọi.
Nguyễn Ngọc Chu
Nguồn : Tiếng Dân, 24/11/2017
Trong phiên thảo luận của Quốc hội về Luật Quốc phòng ngày 24/11, các quan chức quân đội Việt Nam khẳng định mục đích đầu tiên của việc quân đội làm kinh tế là "gia tăng sức mạnh quân sự, sức mạnh quốc phòng, từ đó gia tăng sức mạnh quốc gia".
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế Việt Nam cho rằng khó có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế của những đóng góp của quân đội, đặc biệt trong tình trạng "rất thiếu minh bạch" của các dự án kinh tế do quân đội thực hiện.
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói việc quân đội làm kinh tế là "thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp năm 2013", theo TTXVN.
Tiếp lời ông Lịch, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương - nói quân đội làm kinh tế nhằm góp phần vào 4 mục tiêu : gia tăng sức mạnh quân đội và sức mạnh tổng hợp quốc gia, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tận dụng tiềm lực tiềm năng đất nước, từng bước nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, báo Dân Trí tường thuật.
Khẳng định của các quan chức quân sự được đưa ra sau khi các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến về việc quân đội làm kinh tế, một trong những vấn đề "nóng" gây bất bình trong dư luận xã hội thời gian gần đây.
Sau khi khẳng định làm kinh tế quốc phòng là "nhiệm vụ quan trọng", "nhiệm vụ chính trị xã hội", các tướng lĩnh quân đội Việt Nam còn nhắc tới những đóng góp của quân đội vào ngân sách Nhà nước trong nhiều năm, thông qua các doanh nghiệp hàng đầu như Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty trực thăng Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB).
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế-chính trị Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho rằng rất khó để đánh giá chính xác hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp hay dự án của quân đội. Ông phân tích :
"Vấn đề này chưa ai lượng hóa được và cũng chưa có một báo cáo nào lượng hóa được. Chỉ có các báo cáo của Bộ Quốc phòng liệt kê những thành tích của quân đội. Nhưng người ta cũng biết là có nhiều điều không phải là thành tích. Chẳng hạn như nhiều đơn vị kinh tế làm ăn thua lỗ, ngay cả Viettel đầu tư sang Myanmar, Châu Phi, và có hàng loạt những công trình dang dở, những đất đai mà quân đội có được và sử dụng rất hoài phí. Nhiều công trình lấy ngân sách nhà nước và làm ăn thua lỗ. Cho nên nếu đánh giá về hiệu quả kinh tế của quân đội thì cho tới nay vẫn chưa có một báo cáo nào khách qua. Mà thực ra là do quân đội rất thiếu minh bạch trong việc công bố các công trình, dự án của mình".
Vấn đề quân đội làm kinh tế bắt đầu nổi lên vào giữa năm nay, sau khi có những phanh phui từ báo chí về việc quân đội sử dụng đất sân bay Tân Sơn Nhất để làm sân golf, gây nhiều bất bình trong công chúng, nhất là khi nhu cầu sử dụng quỹ đất của khu vực này để nâng cấp, cải thiện sân bay Tân Sơn Nhất đã đến hồi cấp thiết.
Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp mang danh nghĩa quân đội nhưng hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến quân sự. Chẳng hạn, theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một trong những lĩnh vực đã được mượn "mác" quân đội để làm ăn là các doanh nghiệp khai thác gỗ của Việt Nam ở Lào và Campuchia. Nhiều vụ đã bị phanh phui và đưa ra tòa án.
Tiến sĩ Dũng cho rằng đây là dịp thuận tiện để sắp xếp lại các doanh nghiệp quân đội. Ông nói :
"Đây là đợt cần phải làm gọn lại những đơn vị kinh tế của quân đội. Tuyệt đối không cho các đơn vị mượn mác của quân đội để làm ăn, đặc biệt là những lĩnh vực có thể dân sự hóa như may mặc. Quân đội chỉ lo những vấn đề kinh tế quốc phòng đúng nghĩa như kinh tế vũ khí, đạn dược, trang thiết bị chế tài".
Cuối tháng 6, sau khi có những thông tin tiêu cực lùm xùm quanh việc quân đội làm kinh tế, Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam đã phải làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau buổi làm việc này, Tướng Chiêm khẳng định "Bộ Quốc phòng thống nhất quan điểm quân đội sẽ không tham gia làm kinh tế, mà là lực lượng tinh nhuệ để bảo vệ tổ quốc" và cho biết sẽ tổ chức cổ phần hóa và thoái vốn khỏi các doanh nghiệp và dự án sắp đầu tư.
Tuy nhiên, vào trung tuần tháng này, cũng chính Tướng Chiêm lại phát biểu trên báo chí rằng "Không những cần duy trì quân đội làm kinh tế, mà còn phải đẩy mạnh", và cho rằng phát biểu trước đó của ông đã bị "hiểu không đúng".
Giải thích về những quan điểm trái chiều của các tướng lĩnh lãnh đạo quân đội, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng có sự mâu thuẫn lợi ích giữa "một nhóm nhỏ" nắm giữ chức vụ trong quân đội và đa số quân nhân còn lại. Ông nói :
"Kinh tế chỉ làm lợi cho một nhóm rất nhỏ trong quân đội, còn đa phần không có gì hết. Nhưng nhóm nhỏ đó lại giữ những vị trí tương đối quan trọng. Thành thử chúng ta thấy trong vòng 4, 5 tháng qua đã có hai luồng quan điểm trái ngược nhau ngay chính trong Bộ Quốc phòng".
Tại phiên họp Quốc hội, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho biết quân đội đã thực hiện việc sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội, chỉ để lại 17 trong số 88 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói ngay cả với số lượng ít doanh nghiệp còn lại, cũng cần phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của các doanh nghiệp này và loại bỏ hoàn toàn các hoạt động kinh doanh đơn thuần.
Khánh An
Nguồn : VOA, 24/11/2017
Quân đội cố giành chức năng làm kinh tế cho thấy thống lĩnh quân đội hiện nay chỉ là mấy ông tướng nông dân, những người chỉ có tầm nhìn hạn hẹp, không vượt ra khỏi mảnh ruộng manh mún, riêng tư của gia đình mình.
Quân đội nhân dân Việt Nam bên cạnh chức năng chủ yếu là “đội quân chiến đấu” bảo vệ tổ quốc, còn có hai chức năng khác là “đội quân công tác”.
Những ông tướng nắm sức mạnh quân sự của đất nước, bảo đảm lợi ích của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của nhân dân là được sinh sống trên đất nước bình yên, là thế đứng của dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ở tầm quốc gia lớn lao như vậy nhưng những ông tướng nông dân cố níu giữ chức năng quân đội làm kinh tế là đã đặt lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực nhà binh lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lơi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi.
Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyện nghiệp và những chiến binh nghiệp dư.
1. Chiếc bóng của quyền lực
Được đảng chia cho chiếc ghế quyền lực Thủ tướng Chính phủ và được Quốc hội theo lệnh đảng bỏ phiếu hợp thức hóa sự chia chác đó, ngày 27/6/2006 trên diễn đàn Quốc hội, ngay sau cuộc bỏ phiếu chỉ là thủ tục, trong niềm phấn khích, hào hứng, ông Thủ tướng mới Nguyễn Tấn Dũng nghiêm trang, trịnh trọng tuyên bố : Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu tôi không chống được tham nhũng, tôi xin từ chức ngay.
Ở phương diện quốc gia, ông Thủ tướng Dũng nói như đinh đóng cột về chống tham nhũng trước Quốc hội, trước tai mắt quốc dân, trước truyền thông trong nước và thế giới nhưng Chính phủ của ông Dũng lại là Chính phủ tham nhũng tàn bạo nhất, tồi tệ nhất, ngang nhiên nhất, bòn rút, cướp bóc của dân, đục khoét, vơ vét của nước khủng khiếp nhất. Những vụ tham nhũng, thất thóat hàng trăm ngàn tỉ đồng ở Vinashine, Vinalines, PVC (Tổng công ty xây lắp dầu khí)..., những vụ cướp đất đổ máu ở Văn Giang, Dương Nội...những vụ do tham nhũng rước thảm họa về hủy diệt sự sống, hủy diệt kinh tế đất nước như Bô xít Tây Nguyên, rước thảm họa về trút xuống đầu dân như thép Formosa, nhiệt điện Vĩnh Tân, giấy Hậu Giang... đều diễn ra dưới thời ông Thủ tướng "quyết liệt chống tham nhũng".
Trong thực đơn tham nhũng thì tham nhũng quyền lực là món béo bở nhất, ngon xơi nhất và xơi bẫm nhất. Dù tham nhũng quyền lực gây nguy hại lớn nhất, lâu dài nhất cho đất nước, ông Thủ tướng Dũng cũng không từ. Chỉ xin dẫn một minh chứng. Thời ông Dũng đầy quyền lực, ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, hai con trai ông Dũng chẳng có tài cán, công trạng gì, chỉ là những cậu ấm nhung lụa vẫn liên tiếp nhảy cóc rất "đúng qui trình" trên những chiếc ghế quyền lực lớn. Đó chính là sự tham nhũng quyền lực.
Bằng tấm gương tham nhũng của mình, ông Thủ tướng Dũng đã bật đèn xanh cho cả bộ máy quản lí nhà nước của ông hối hả tham nhũng, ngang nhiên tham nhũng, quyết liệt tham nhũng. Thủ tướng Dũng và cả Chính phủ của ông Dũng tham nhũng như tằm ăn rỗi. Một Chính phủ ăn tàn phá hại, vay nợ khắp thế giới nhưng vay bao nhiêu cũng không đủ cho những cái dạ dày tham nhũng như những cái thùng không đáy, chỉ chồng chất thêm gánh nợ khổng lồ lên đôi vai gầy của đất nước và đè nặng trĩu xuống tấm lưng còng của người dân. Vậy mà ông Dũng không từ chức như lời hứa mà ông còn làm một lèo hai nhiệm kì Thủ tướng làm cho nền kinh tế đất nước tiêu điều, lụn bại, xã hội đen tối, thối nát, văn hóa thấp kém, đạo đức suy đồi, thẩm mĩ xã hội méo mó, bệnh hoạn chưa từng có từ trước đến nay.
Tham nhũng là tội phạm và chỉ có quyền lực mới có thể tham nhũng vì thế người có quyền lực nào cũng tỏ ra mình trong sạch, liêm khiết, miễn trừ với tham nhũng bằng lớn tiếng chống tham nhũng. Nhưng quyền lực luôn có xu hướng lạm quyền và thiên lệch nhằm mang lại lợi ích cho người có quyền. Đó là tham nhũng. Tham nhũng thực sự là chiếc bóng lù lù phía sau quyền lực.
Nhận ra chiếc bóng tham nhũng đen tối luôn đồng hành cùng quyền lực, từ thế kỉ 18, các nước bước vào kỉ nguyên công nghiệp sau cách mạng tư sản dân quyền đã phân chia quyền lực nhà nước thành ba nhánh, tam quyền phân lập, để giám sát lẫn nhau. Ba nhánh quyền lực hoàn toàn riêng biệt, độc lập, lập pháp - hành pháp - tư pháp, như ba ngọn đèn pha từ ba góc của tam giác quyền lực chiếu vào nhau, quét đi bóng đen tham nhũng của quyền lực.
Nhà nước độc tài cộng sản dù có tam quyền nhưng không phân lập. Cả ba nhánh quyền lực lập pháp - hành pháp - tư pháp đều đặt dưới sự thao túng, chỉ đạo của đảng cộng sản, đều chỉ là những sân khấu, những sàn diễn do đảng cộng sản là tổng đạo diễn. Thao túng, chỉ đạo, điều khiển, chỉ huy diễn xuất cả lập pháp và tư pháp là đảng đã đứng ngoài và đứng trên pháp luật. Điều 16 Hiến pháp xác nhận : Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Nhưng chỉ thị 15 của đảng cộng sản lại cho đảng viên được quyền đứng ngoài Hiến pháp, đứng trên pháp luật khi qui định cơ quan điều tra phải báo cáo cấp ủy đảng và được cấp ủy đảng cho phép mới được điều tra đảng viên vi phạm pháp luật. Quan chức có quyền lực nhà nước cũng là đảng viên có quyền lực lớn trong đảng, dù có tội tày đình, pháp luật đành bó tay không dám động đến.
Thời Thủ tướng Dũng, một ông trong Chính phủ là Tổng Thanh tra, trong đảng là ủy viên trung ương. Từ một cán bộ đảng với mức sống bình thường như mọi cán bộ vô sản trong xã hội Việt Nam đang còn phải xóa đói giảm nghèo. Chỉ sau một thời gian ngắn có quyền lực lớn ông bỗng có khối tài sản khổng lồ, biệt phủ hoành tráng, nhà đất thênh thang ở Sài Gòn, ở quê nhà, cùng những dấu hiệu đầy đủ, rõ ràng của tham nhũng trong đề bạt bổ nhiệm quan chức dưới quyền. Nhưng pháp luật chỉ xăm soi hùng hổ điều tra và quyết liệt xử tù nặng một thanh niên dân đen thất nghiệp vì quá đói phải cướp ổ bánh mì vài ngàn đồng. Còn ông quan đảng viên có dấu hiệu tham nhũng hàng trăm tỉ đồng thì pháp luật không được phép vào cuộc. Và ông quan thanh tra là ủy viên trung ương đảng có biểu hiện đầy đủ và rõ ràng của tham nhũng chỉ phải nhận kỉ luật nhẹ nhàng, êm ái trong nội bộ đảng vì "có dấu hiệu vi phạm về tài sản, chế độ chính sách của Nhà nước". Có dấu hiệu vi phạm về tài sản, chế độ chính sách Nhà nước là đã vi phạm pháp luật. Nếu được vào cuộc, pháp luật không thể dừng lại ở dấu hiệu vi phạm.
Từ thế kỉ 18, nhà nước văn minh hiện đại với tam quyền phân lập đã xuất hiện trên thế giới. Người dân ở đó được thực sự làm chủ nhà nước. Bằng lá phiếu thực sự tự do, người dân bầu ra ba nhánh quyền lực riêng biệt, độc lập kiểm soát nhau, ngăn chặn tham nhũng, trước hết là ngăn chặn tham nhũng quyền lực. Đến tận thế kỉ 21, xã hội Việt Nam vẫn đen tối, ngột ngạt trong xã hội tập quyền đảng trị. Nền văn minh tập quyền đảng trị đã kéo xã hội Việt Nam lùi về tận thời văn minh lãnh chúa, tụt lại sau văn minh của loài người ít nhất ba thế kỉ.
Nền văn minh tập quyền đảng trị là nền văn minh của quyền lực độc tài. Quyền lực của nhân dân bị đảng tước đoạt rồi đem chia chác trong nội bộ đảng. Độc đảng thao túng quyền lực. Không có tam quyền phân lập, không có quyền lực giám sát quyền lực. Đó là mảnh đất màu mỡ của tham nhũng. Những người có quyền lực nhà nước đều là những yếu nhân vai vế trong đảng, đều được chỉ thị 15 đặt ngoài Hiến pháp, đặt trên pháp luật. Đó là những hạt giống đỏ đầy khát vọng quyền lực và khát vọng vinh thân phì gia được cấy vào mảnh đất màu mỡ tham nhũng.
Một quyền lực đơn lẻ lạm quyền để vụ lợi đã vô cùng nguy hại. Quyền lực càng lớn, nguy hại càng rộng. Lịch sử Việt Nam đang phải chứng kiến và ghi nhận từ thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng những quyền lực nhà nước liên kết với nhau và liên kết với quyền lực đồng tiền thành những nhóm lợi ích lớn và đầy sức mạnh mang danh tổ chức đảng cộng sản, mang danh tổ chức nhà nước cộng sản thao túng nền kinh tế, thao túng đời sống xã hội chỉ vì lợi ích nhóm. Sự thao túng của những nhóm lợi ích có quyền lực nhà nước đã đẩy hàng triệu người dân vào cảnh thất cơ lỡ vận, không còn đường sống. Tạo ra dòng dân oan ngày càng đông, vật vờ như những bóng ma đói năm 1945. Làm chảy máu xối xả ngân khố. Gây nguy khốn cho nước. Xã hội ngày càng bất công, bất an và bất bình.
Trong những nhóm lợi ích đó có nhóm lợi ích military, nhóm lợi ích nhà binh của những ông tướng và đứng đầu là tướng bốn sao, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Nhóm lợi ích cực mạnh của những công thần mang lon tướng nắm giữ sức mạnh an ninh quốc phòng.
2. Chiếc bóng của quân đội làm kinh tế
Ngày 18/12/2007, trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ông tướng bốn sao, Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh cũng trang nghiêm và trịnh trọng không kém ông Thủ tướng Dũng khi tuyên bố chống tham nhũng. Ông Dũng hùng hồn còn ông Thanh thì đầy tâm tư khi khẳng định : Việc chuyển các lực lượng quốc phòng làm kinh tế ra ngoài cho các bộ dân sự quản lí là chắc chắn, chứ các đơn vị quốc phòng loay hoay lo xây dựng, làm kinh tế cũng mệt mỏi... Phải tách ra để quân đội tập trung lo việc huấn luyện, xây dựng quân đội chính quy hiện đại, phòng thủ đất nước.
Hai nhiệm kì ông Thanh đứng đầu Bộ quốc phòng cũng trong hai nhiệm kì ông Dũng đứng đầu Chính phủ. Vừa nhậm chức, ông Dũng Thủ tướng mạnh mẽ tuyên bố chống tham nhũng thì ông Thanh Bộ trưởng ngay đầu nhiệm kì thứ nhất cũng phải dứt khóat hứa hẹn quân đội không làm kinh tế. Nhưng ông Thủ tướng đã không chống tham nhũng mà còn hối hả tham nhũng thì quân đội tội gì phải nhả mảnh đất kinh tế màu mỡ.
Trong suốt hai nhiệm kì đứng đầu Bộ quốc phòng của tướng Thanh, quân đội ào ạt tràn ra làm kinh tế với tốc độ vũ bão, gấp gáp, hối hả như sợ không kịp, như sợ vuột mất thời cơ, với lực lượng hùng mạnh, tương đương cả chục quân đoàn của hầu hết các quân, binh chủng và kinh doanh sinh lời trên tất cả các ngành nghề kinh tế, từ sản xuất, khai thác đến buôn bán, xuất nhập khẩu. Thần tốc ! Thần tốc hơn nữa ! Táo bạo ! Táo bạo hơn nữa ! Tổng lực quân đội xông ra làm kinh tế cũng thần tốc và táo bạo như trong chiến dịch tổng tấn công mùa xuân 1975. Hàng loạt tổng công ty, tập đoàn kinh tế quân đội ra đời : Tổng công ty Xăng dầu quân đội, Tổng công ty 28, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Tổng công ty Hợp tác kinh tế, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Tổng công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị, Tổng công ty 36, Tổng công ty 319, Tổng công ty 789, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Tổng công ty Sông Thu. Tổng công ty Ba Son...
Say làm kinh tế đến mức các ông tướng liều mạng cắt cả 125 ha đất sân bay Gia Lâm và 157 ha đất sân bay Tân Sơn Nhất giao cho thế lực đồng tiền. Biến đất vàng sân bay của dân, của nước thành đất sinh lời của nhóm lợi ích military. Biến đất sân bay của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước thành sân golf, biệt thự, nhà hàng, khách sạn chỉ dành cho những ông chủ bộn tiền lui tới, tạo ra dòng chảy vàng ròng lợi nhuận chia chác nhau giữa bên góp đất và bên đổ tiền đầu tư. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng tài nguyên quốc gia.
Say làm kinh tế đến mức mờ mắt, tối dạ không thấy cảnh chướng mắt gia đình trị khi ông Phùng bố làm Bộ trưởng quốc phòng liền đề bạt, điều động ông Phùng con làm Tổng giám đốc tổng công ty lớn bao trùm nhiều lĩnh vực kinh tế rộng lớn nhất và có thế lực mạnh nhất. Bộ quốc phòng để ông Phùng con Tổng giám đốc núp bóng quyền uy ông Phùng bố bộ trưởng, núp bóng an ninh quốc phòng giành được những hợp đồng béo bở nhất, có được những thuận lợi, ưu ái lớn nhất, tạo ra một vương quốc riêng khép kín mặc sức tung hoành ngoài vòng săm soi, kiểm tra, giám sát, hạch sách, những nhiễu mà các doanh nghiệp dân sự đều bị hành, đều phải mất rất nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc mới vượt qua được. Dưới chiếc ô quyền uy Bộ quốc phòng của ông bố, ông con thênh thang tiến thân và hối hả làm giầu. Đó là gì nếu không phải là tham nhũng quyền lực.
Đại tá Phùng Quang Hải, con trai cựu Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh
Có một nghịch lí : Thời cương vực lãnh thổ của đất nước bị đe dọa, bị xâm lấn nghiêm trọng nhất. Giặc ngang nhiên quần đảo ngang dọc trên vùng biển của tổ tiên Việt Nam, hàng ngày lùng xục bắn giết dân lành Việt Nam, lẽ ra quân đội phải ở vị trí thường trực, sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Nhưng quân đội vẫn bình thản ồ ạt tràn ra làm kinh tế.
Và một trùng hợp : Thời quân đội tràn ra làm kinh tế ào ạt, rầm rộ nhất, thời những chỉ huy cấp cao quân đội có cuộc sống giầu sang phú quí nhất cũng là thời tướng quân đội được phong ào ạt, rầm rộ nhất.
Trong cuộc chiến tranh Nam - Bắc khốc liệt, với qui mô của cuộc chiến tranh hiện đại, rộng lớn. Cuộc chiến của hàng triệu binh lính mỗi bên với những chiến dịch tập trung nhiều quân đoàn. Thời trận mạc thử thách và đòi hỏi cần có nhiều tướng lĩnh cầm quân. Vậy mà đến năm 1975, quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ có 36 tướng.
Buông súng ra làm kinh tế. Những người lính trở thành giầu có trên thương trường nhưng không có cuộc đời binh nghiệp, không cần đòi hỏi bản lĩnh cầm quân. Môi trường nhà binh đã bị pha loãng trong môi trường kinh tế. Tư duy và kĩ năng người lính đã tụt lại phía sau tư duy và kĩ năng kinh doanh. Không có thực tế thử thách rèn luyện và cũng không có nhu cầu đòi hỏi phải có tướng cầm quân với đội quân đang hăm hở làm kinh tế nhưng đội quân đó có tới 489 tướng lĩnh ! Một doanh nghiệp đơn thuần kinh doanh kĩ thuật viễn thông và cũng là doanh nghiệp giầu có nhất quân đội ở một thời điểm có tới ba ông tướng đang điều hành kinh doanh.
Thời trận mạc, bản lĩnh chiến trận của người cầm quân quyết định lon tướng. Thời quân đội làm kinh tế, thời thương trường, mọi giá trị đều theo giá thương trường, dường như lon tướng cũng tỉ lệ thuận với lợi nhuận, với đồng tiền. Do đó số lượng tướng bùng nổ như pháo hoa trên trời và đương nhiên không tỉ lệ thuận với sức chiến đấu của quân đội. Thời trận mạc, lon tướng phong cho con đường binh nghiệp người cầm quân. Thời quân đội làm kinh tế, lon tướng được phong cho những người có tâm tư hàm tướng như lời Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh : Không phong tướng anh em tâm tư !
Trong nhà nước độc tài đảng trị, không có tam quyền phân lập. Không có quyền lực giám sát quyền lực. Quyền lực nhà nước trở thành quyền lực của nhóm lợi ích. Với quyền lực của nhà nước độc tài, nhóm lợi ích đã tạo ra những trận lũ quét tham nhũng, quét tan hoang nền kinh tế đất nước. Trên những bãi hoang xơ xác, tiêu điều của những trận lũ quét tham nhũng Vinashine, Vinalines, PVC... để lại, mọc lên những cây nấm độc Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh. Đương nhiên cây nấm độc tham nhũng lớn nhất phải là ông Thủ tướng tham nhũng Nguyễn Tấn Dũng. Không những bản thân tham nhũng, ông Thủ tướng Dũng chính là người tạo ra những trận lũ quét tham nhũng Vinashine, Vinalines, PVC.
Trong môi trường vô cùng thuận lợi cho tham nhũng đó, những ông chủ doanh nghiệp đeo lon tướng, lon tá lại có thế giới riêng, lại có bức tường "an ninh quốc phòng" che chắn, hạch toán kinh doanh trong căn phòng kín "an ninh quốc phòng" làm sao lại không có những Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh.
Hãy nhìn cuộc sống đế vương với biệt thự lớn, biệt thư nhỏ lộng lẫy, với du thuyền sang trọng và đắt tiền hơn cả du thuyền của tỉ phú giầu có và ăn chơi nhất thế giới Aristote Onassis của con trai Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, đại tá Phùng Quang Hải Tổng giám đốc tổng công ty con cưng của Bộ quốc phòng thì mức độ giầu có, mức độ ăn chơi, mức độ ngạo nghễ coi thường pháp luật của những ông trùm tham nhũng Phạm Thanh Bình, Dương Chí Dũng, Trịnh Xuân Thanh cũng chả là gì so với Phùng Quang Hải.
Chiếc bóng của quyền lực nhà nước là tội phạm tham nhũng. Quyền lực nhà binh làm kinh tế được bảo hộ sau bức tường "an ninh quốc phòng" càng khó thóat chiếc bóng tội phạm tham nhũng. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lơi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi. Vì thế ngay cụm từ "quân đội làm kinh tế" đã hàm chứa tham nhũng, tham nhũng năng lực quân đội, tham nhũng sức lính.
3. Liều đốp pinh (dopping) lợi nhuận
Quân đội làm kinh tế sẽ bị xét nét là hoạt động không đúng chức năng thì thiếu tướng Nguyễn Trường Xuân, tư lệnh Bộ Tư lệnh Hải Phòng liền cho những người lính làm kinh tế của ông mặc độ đồ lính rất chiến trận, rất chính trị và rất chiến lược : Làm giầu, đánh thắng.
Với bộ đồ loang lổ ngụy trang "làm giầu đánh thắng", lính của tướng Xuân mê mải ngày đêm rầm rộ buôn lậu mặt hàng đang có giá và đang cháy hàng lúc đó : đồ điện tử chính hiệu Nhật Bản. Cưỡi tàu quân sự rẽ sóng ra phao số 0, áp mạn vào chiếc tàu buôn biển xa của công ty VOSCO vừa từ Nhật về đang neo đợi. Ăn no hàng xe máy, điện tử do những thủy thủ VOSCO đưa từ Nhật về, chiếc tàu của những người lính làm giầu đánh thắng lại theo luồng lạch cũ quay về cặp vào những bến bãi quân sự. Từ những bến bãi khuất sau lau lách, hàng điện tử Made in Japan được đưa thẳng tới chợ Sắt, chợ đồ điện tử lớn nhất, sầm uất nhất của Hải Phòng và cũng nhờ những người lính làm giầu đánh thắng của tướng Xuân, chợ Sắt Hải Phòng cũng là chợ đồ điện tử lớn nhất cả nước thời đó.
Hàng hóa do những người lính làm giầu đánh thắng đưa ra thị trường chỉ là đồ phế thải của xã hội tiêu dùng Nhật Bản. Những xe máy, đồ điện tử còn xài tốt nhưng đã lỗi mốt, bị loại bỏ chất đống ở những bãi rác hàng tiêu dùng bên Nhật. Thủy thủ VOSCO chỉ việc thuê ô tô chở xuống tàu đưa về nước. Bày bán ở chợ Sắt, Hải Phòng, đồ điện tử phế thải đó có giá cao hơn hàng mới ra lò bán ở Nhật. Loại kinh doanh như vậy một vốn bỏ ra, ba, bốn lời thu về. Lợi nhuận tới 300%, 400%.
Cụ Các Mác, ông tổ của những ông cộng sản đã khái quát về lợi nhuận tư bản như sau : "Lợi nhuận gọi tư bản thức tỉnh. Với 10 % lợi nhuận, tư bản có mặt ở bất kì đâu. Với 50 % lợi nhuận, tư bản vô cùng liều lĩnh. Với 100 % lợi nhuận, tư bản sẽ chà đạp lên mọi luật pháp. Với 300 % lợi nhuận, tư bản không chùn tay trước một tội ác nào, kể cả nguy cơ phải lên giá treo cổ".
Bị cuốn vào dòng xoáy lợi nhuận tới 300 - 400%, tướng Nguyễn Trường Xuân không phải lên giá treo cổ cũng phải đứng trước vành móng ngựa tòa án binh.
Lợi nhuận là liều đốp pinh cực mạnh với người kinh doanh. Dù là những người lính nhưng đã làm kinh tế là phải lao theo lời lãi, lao theo đồng tiền, làm sao tránh được liều đốp pinh lợi nhuận.
Cứ nhìn cái cách ông tướng Bộ trưởng quốc phòng dành cho ông con trai vị trí người đứng đầu đơn vị làm kinh tế mạnh nhất Bộ quốc phòng, cứ nhìn cái cách mang quyền uy quân đội ra giành giật những dự án trăm tỉ, ngàn tỉ bạc, cứ nhìn cuộc sống đế vương của đại tá tổng giám đốc Phùng Quang Hải sẽ thấy liều đốp pinh đó.
Cứ nhìn sự liều mạng cắt đất dự trữ của sân bay làm vốn góp kinh doanh, biến đất sân bay thành sân golf, thành đất sinh lời cho nhóm lợi ích, cứ nhìn sự quanh co cố giữ sân golf ngang trái, trước đòi hỏi khẩn thiết của đất nước cần gấp gáp mở rộng sân bay nhưng những ông tướng cứ lần khân không trả đất cho sân bay cũng thấy rõ liều đốp pinh đó.
Cứ nhìn các ông tướng giãy nảy lên như đỉa phải vôi sau khi báo chí đưa tin lời khẳng định của thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ quốc phòng rằng quân đội không làm kinh tế nữa, cũng thấy rõ liều đốp pinh đó.
Ngày 23/6/2017, ông Thứ trưởng đại diện Bộ quốc phòng báo cáo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng : Hiện nay Bộ quốc phòng có chủ trương là quân đội không làm kinh tế nữa mà tập trung cho xây dựng quân đội vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại để bảo vệ đảng, bảo vệ đất nước và nhân dân. Tất cả các doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thóai vốn hết. Cái nào của quốc phòng chỉ để phục vụ cho quốc phòng chứ không có lăn tăn gì hết. Quân đội sẽ không làm kinh tế vì như thế sẽ không thể hiện sức mạnh quân đội".
Lần thứ hai Bộ quốc phòng lại phải tự xác định quân đội không làm kinh tế nữa đã bộc lộ sự dùng dằng, day dứt lương tâm và trách nhiệm của những người lãnh đạo Bộ quốc phòng. Lương tâm và trách nhiệm Bộ quốc phòng là xây dựng quân đội chính qui, hiện đại.
Quân đội chính qui hiện đại trước hết phải là đội quân chuyên nghiệp. Nghiệp vụ của quân đội là cầm súng với trách nhiệm bảo vệ từng tấc đất, từng thước biển, từng khoảng trời đất nước nay lại lao vào những dự án, những công trình, với trách nhiệm làm cho đồng tiền sinh lời thì quân đội đó đâu còn chuyên nghiệp và quân đội đó không thể là quân đội chính qui hiện đại, không thể là quân đội thường trực với một trăm phần trăm sức chiến đấu.
Đến nay mới lại khẳng định quân đội không làm kinh tế nữa là đã quá trễ. Vì đã quá trễ nên vô cùng cấp bách. Tiếc thay, liều đốp pinh lợi nhuận của quân đội làm kinh tế đã làm bùng nổ một chiến dịch khá qui mô chống chủ trương đúng đắn quân đội không làm kinh tế nữa.
Báo Quân Đội Nhân Dân, cơ quan của Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng đã có vai trò phát động và tổ chức chiến dịch phản bác lại chủ trương quân đội không làm kinh tế, một chủ trương đúng đắn nhưng vô cùng khó khăn mới có được.
Suốt nhiều ngày cuối tháng sáu, đầu tháng bảy năm 2017, báo Quân Đội Nhân Dân mở chuyên mục "Kết hợp kinh tế với quốc phòng - nhiệm vụ chiến lược lâu dài" ngay trên trang nhất và ngày nào cũng có bài viết của phóng viên, bài phỏng vấn các tướng lĩnh, các quan chức từ trung ương đến tỉnh, huyện, các nhà khoa học, nhà lí luận. Với sự "định hướng" của người phỏng vấn thì tất cả những người được phỏng vấn đều khẳng định quân đội làm kinh tế là phẩm chất và truyền thống tốt đẹp của Bộ Đội Cụ Hồ và là chủ trương xuyên suốt của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Đặc biệt trong những ngày đó, báo Quân Đội Nhân Dân đều đặn đưa tin về sự xuất hiện của tướng bốn sao ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy trung ương, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch ở các đơn vị quân đội.
Ở đâu tướng Lịch cũng chỉ nói một điều : Tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam. Nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và sẽ là một chức năng, nhiệm vụ chính trị của quân đội. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là một chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước, Quân ủy trung ương và Bộ quốc phòng. Làm kinh tế không phải là phận sự của quân đội. Nhưng một ông tướng đứng đầu ba quân nói về quân đội làm kinh tế như một thứ quyền, như một chức năng đương nhiên của quân đội. Ông nói say sưa, quyết liệt như người nông dân nói về quyền được cày cấy trên mảnh ruộng của họ vậy !
Loại bỏ, chặn đứng những ý kiến trái chiều bằng viện dẫn chủ trương của đảng vẫn là thói quen của những quan chức nhờ đảng mà có quyền lực. Khi có nghị sĩ đòi hỏi Quốc hội phải xem xét thảo luận thấu đáo việc hệ trọng sát nhập Hà Tây vào Hà Nội, ông Chủ tịch quốc hội lúc đó là Nguyễn Phú Trọng liền phán : Việc sát nhập Hà Tây vào Hà Nội đã được Bộ Chính trị quyết định rồi. Thế là khỏi thảo luận, Quốc hội liền răm rắp biểu quyết thuận mở rộng Hà Nội ôm cả xứ Đoài mênh mông đồng ruộng, ôm cả dãy núi Ba Vì quanh năm mây trắng, đưa địa giới Hà Nội đến sát tận bờ sông Đà heo hút. Để chín phần mười diện tích thủ đô Hà Nội là núi rừng, đồng ruộng. Để nông thôn hóa, lạc hậu hóa thủ đô Hà Nội. Để kinh tế thủ đô Hà Nội là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Để văn hóa thủ đô Hà Nội mang đậm màu sắc văn hóa làng xã.
Khi hàng trăm trí thức, hàng ngàn người dân kí kiến nghị đòi dừng dự án Bô xít Tây Nguyên nguy hại cho đất nước, ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng liền băm bổ tuyên bố : Dự án Bô xít Tây Nguyên là chủ trương lớn của đảng. Kiến nghị đúng đắn và đầy trách nhiệm công dân của hàng trăm trí thức, hàng ngàn người dân đòi dừng khai thác Bô xít Tây Nguyên liền bị ném vào sọt rác. Chủ trương lớn của đảng đã bùn đỏ hóa rừng xanh đại ngàn Tây Nguyên, đã làm nền kinh tế đất nước phải triền miên gánh thua lổ hàng ngàn tỉ đồng năm này qua năm khác của dự án Bô xít…
Nay lương tâm và trách nhiệm người lính đòi hỏi quân đội không làm kinh tế nữa thì ông Bộ trưởng quốc phòng lại mang chủ trương của Đảng ra chống lại đòi hỏi của lương tâm và trách nhiệm người lính : Quân đội làm kinh tế là chủ trương nhất quán của đảng ! Ông Bộ trưởng Lịch cần nhớ rằng những thảm họa liên tiếp giáng xuống người dân và đất nước Việt Nam suốt mấy chục năm qua như cải cách ruộng, cải tạo tư sản, Nhân Văn - Giai Phẩm, xét lại chống đảng, tù đày những người tham gia chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đều là những chủ trương nhất quán của đảng cả đó.
Cải cách ruộng đất đã giết hại hàng trăm ngàn công dân ưu tú, những người giầu trí tuệ, giầu của cải đã có đóng góp vô cùng to lớn cho đất nước. Cải cách ruộng đất còn giết chết cả những giá trị văn hóa đạo lí của nền văn minh sông Hồng đặc sắc. Cải tạo tư sản đã đánh sập nền công nghiệp non trẻ và đầy triển vọng của đất nước, đã tiêu diệt, xóa sổ tầng lớp nghiệp chủ vừa hình thành đầy tài năng và đầy khát vọng chấn hưng đất nước.
Vụ Nhân Văn - Giai Phẩm và Xét lại chống đảng do đảng ngụy tạo ra đã hãm hại, tù đày đến chết, đến tàn phế những tài năng và khí phách lớn nhất của trí tuệ và tâm hồn Việt Nam. Giam cầm, tù đày không án hàng trăm ngàn người dân Việt Nam ở bên thua cuộc trong cuộc chiến tranh Nam Bắc đã gây hận thù và sự li tán, chia rẽ sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam, cho đến tận hôm nay, gần nửa thế kỉ đã qua vẫn không thể hàn gắn.
Những chủ trương đó của đảng là những tội ác, những món nợ của đảng cộng sản Việt Nam với dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi khắc ghi trong lịch sử Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam không thể trốn nợ được bằng sự trơ trẽn tung ra lời tung hô như phun đám khói hỏa mù : đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm, để che lấp tội ác, để xí xóa món nợ với dân tộc Việt Nam !
Âm mưu thôn tính, xóa sổ đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới, biến Việt Nam thành chư hầu, thành ngôi sao thứ sáu trên lá cờ Đại Hán chưa lúc nào bành trướng Đại Hán bộc lộ rõ ràng và quyết liệt như lúc này. Đại Hán mới cướp hơn ngàn kilomet vuông đất đai biên cương phía Bắc của dải đất Việt Nam. Đại Hán vừa cướp cả quần đảo Hoàng Sa và nhiều đảo nhỏ của Việt Nam ở Biển Đông. Đại Hán đang hàng ngày bắn giết dân Việt Nam kiếm sống trên biển Việt Nam. Đại Hán quấy phá, gây sự, xua đuổi doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với Việt Nam khai thác dầu khí trên biển Việt Nam. Trách nhiệm bảo vệ toàn vẹn cương vực lãnh thổ, bảo vệ dân lành đang đè nặng lên đôi vai quân đội.
Vậy mà viên tướng Bộ trưởng quốc phòng lại muốn đảng cộng sản Việt Nam một lần nữa ghi thêm món nợ với lịch sử Việt Nam khi sự còn mất của đất nước đang bị đe dọa nghiêm trọng lại chủ trương quân đội làm kinh tế, nghiệp dư hóa quân đội, phân hóa sự thống nhất, tính thường trực của quân đội, làm suy yếu sức mạnh chiến đấu của quân đội. Sức mạnh quân đội đã bị phân tán, suy yếu thì từ chỗ không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ, từ chỗ bỏ mặc Biển Đông của tổ tiên cho kẻ thù truyền kiếp làm chủ, bỏ mặc cho chúng mặc sức bắn giết dân lành Việt Nam đến chỗ khuất phục sức mạnh kẻ thù chỉ là bước ngắn.
Liều đốp pinh lợi nhuận của quân đội làm kinh tế đang làm mờ mắt, tối dạ cả người nắm trọng trách lớn nhất của quân đội.
4. Quân đội làm kinh tế : cái giá phải trả
Quân đội làm kinh tế không phải là luống rau xanh mà tiểu đội lính nào cũng đều chăm chút vun xới, tưới bón những buổi chiều sau một ngày mướt mồ hôi ở thao trường, sau một ngày căng trí não trong khoa mục kĩ thuật.
Quân đội làm kinh tế không phải chuồng nuôi heo mà bếp đại đội, bếp tiểu đoàn nào cũng phải có. Đó chỉ là tăng gia tự túc cải thiện bữa ăn hàng ngày có từ khi ra đời đội quân những người nông dân mặc áo lính và sẽ mãi mãi tồn tại như là lẽ tự nhiên cùng những người lính của nhà nước cộng sản. Tăng gia là công việc có trong lịch hoạt động hàng ngày của mọi người lính trong toàn quân. Sau giờ luyện tập nặng nhọc trên thao trường là giờ tăng gia như khoảng thời gian thư giãn giữa màu xanh mướt mát của vườn rau, mùa nào rau đó. Số kilogram rau cân cho nhà bếp của đơn vị là một trong những chỉ số thành tích thi đua của các tiểu đội. Hoạt động tăng gia sản xuất nhỏ bé khép kín trong từng đơn vị quân đội. Sản phẩm tăng gia sản xuất không lưu thông ra thị trường dân sự, không có mục đích kinh doanh sinh lời vì vậy không phải là làm kinh tế.
Quân đội làm kinh tế là những đơn vị quân đội lớn, là những lữ đoàn, sư đoàn, quân đoàn, binh chủng, quân chủng, bộ chỉ huy quân sự tỉnh lập những công ty, những doanh nghiệp mang năng lực của quân đội ra kinh doanh chuyên nghiệp trên thương trường quốc gia và quốc tế.
Lữ đoàn Lũng Lô thuộc binh chủng công binh chuyển sang làm kinh tế trở thành công ty Lũng Lô. Công ty Lũng Lô mang năng lực quân đội ra kinh doanh là mang nghề bắc cầu mở đường, mang xe công trình và máy chuyên dụng, mang kĩ sư công binh và lính cuốc sẻng ra làm những dự án, những công trình công nghiệp và dân dụng lớn. Công ty Lũng Lô còn kinh doanh cả ở lĩnh vực không liên quan đến nghề công binh như cho lính dựng cây xăng bên đường, kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
Kinh doanh bằng năng lực quân đội là kinh doanh bằng quyền uy và công thần quân đội. Kinh doanh bằng mênh mông đất an ninh quốc phòng. Kinh doanh bằng vô tận nước sông công lính. Làm sao không lãi khẳm. Lãi khẳm đã làm mờ mắt, tối dạ nhiều người được trao những trọng trách lớn nắm giữ sức mạnh quân sự đất nước. Lãi khẳm đã làm nảy nòi ra quá nhiều nhóm lợi ích nhà binh và họ đang cố vơ công việc của bộ Công thương, vơ cả chức năng của những chợ lao công, chợ bán sức người về cho Bộ quốc phòng. Làm công việc của nhà kinh doanh chuyên nghiệp, nhiều nhóm quyền lực nhà binh còn bán sức lính cho các doanh nghiệp dân sự khai thác, bóc lột. Các nhóm quyền lực nhà binh cố đòi cho được chức nâng kinh doanh kiếm tiền trở thành chức năng đương nhiên của người lính và họ còn nống lên thành chủ trương nhất quán của đảng !
Nhưng lãi khẳm chỉ mang lại giầu có cho nhóm lợi ích nhà binh. Dù lãi khẳm bao nhiêu, dù số dương hạch toán có lớn bao nhiêu cũng không bù đắp được cái giá mà quân đội, mà đất nước phải trả cho việc làm kinh tế của những người lính.
Quân đội làm kinh tế đã tạo ra tầng lớp tư sản nhà binh, những ông chủ tư bản mang lon tướng, tá với cuộc sống đế vương hưởng thụ, lạc lõng với cuộc sống đang còn nhiều thiếu thốn, cơ cực của người dân, càng lạc lõng với cuộc sống gian khổ rèn luyện của người lính chân chính. Hình ảnh đã lộ sáng về cuộc sống đế vương của đại tá Phùng Quang Hải chỉ là một minh chứng. Còn bao nhiêu những tướng tá chủ tư bản đế vương chưa lộ sáng ?
Những ông chủ tư bản nhà binh đó đều giữ những trọng trách lớn trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước. Nhưng tư duy của ông chủ kinh doanh, tư duy của nhà đầu tư góp vốn vào sân golf Tân Sơn Nhất sẽ lấn át tư duy của nhà cầm quân. Tư duy hòa bình hưởng lạc sẽ lấn át tư duy của người lính vì nước quên thân, vì dân quên mình.
Trước sự hung hăng cướp đất, cướp biển của Trung Quốc, trước tội ác của Trung Quốc hàng ngày bắn giết dân lành Việt Nam, mọi người dân Việt Nam bình thường, từ ông cán bộ về hưu đến cô bé học trò tiểu học đều sôi sục căm thù giặc Trung Quốc xâm lược mà những cuộc biểu tình tự phát bùng nổ liên tục suốt nhiều năm qua lên án hành động xâm lược của Trung Quốc là bằng chứng. Căm thù giặc cướp nước và sẵn sàng xả thân giữ nước của người dân là sức mạnh để tồn tại của dân tộc Việt Nam.
Mượn danh quân đội làm kinh tế, cha con ông Bộ trưởng quốc phòng mê mải làm giầu đã làm cho ông tướng đứng đầu ba quân của quân đội cộng sản Việt Nam Phùng Quang Thanh lú lẫn, mơ hồ, bạc nhược và đớn hèn đến mức đứng về phía kẻ thù hằn học với lòng yêu nước của người dân Việt Nam : Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Ông tướng Thanh đớn hèn và bạc nhược hiểu rằng lòng dân Việt sôi sục căm thù quân Trung Quốc xâm lược là mối nguy hiểm khôn cùng cho quân xâm lược nhưng ông ta lại nói tránh đi là nguy hiểm cho dân tộc Việt Nam.
Quân đội làm kinh tế đã tạo ra một đội ngũ lính có nếp sinh hoạt riêng hoàn toàn không biết đến điều lệnh nội vụ của quân đội, không biết đến thao trường, không có kĩ năng, bản lĩnh và lẽ sống cao đẹp của người lính nhưng họ lại có mức sống cao hơn, có đời sống an nhàn, thanh bình hơn những người lính thực sự. Điều đó đã tạo ra sự phân hóa sâu sắc trong nội bộ quân đội, tạo ra sự cách biệt, bất bình đẳng không lành mạnh trong quân đội.
Quân đội là môi trường, là không gian của lí tưởng. Nơi công dân làm nghĩa vụ cao cả, thiêng liêng với đất nước : Bảo vệ Tổ quốc. Nơi người sĩ quan nắm trong tay sức mạnh phòng vệ của đất nước và chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về sự toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Nơi khái niệm về Tổ quốc, về Nhân Dân, khái niệm về sự hi sinh, sự dâng hiến sáng rõ nhất, cụ thể nhất, thiết thực nhất và cũng cao đẹp nhất.
Quân đội cũng là nơi mọi người dân gửi trọn lòng tin yêu và nhận được sự ưu ái, đãi ngộ lớn nhất của người dân và của đất nước. Thời chiến tranh vừa qua, cả miền Bắc đói dài đói rạc. Từ người già đến đứa trẻ mới sinh đều không được ăn no, không được ăn đủ. Nhưng hạt thóc đóng thuế nuôi quân thì "thóc không thiếu một cân" và góp người ra trận thì "quân không thiếu một người". Với người dân, người lính là con người của sự hi sinh và cống hiến, là những người đẹp nhất, những người đáng yêu nhất, những người lấy thân mình làm cột mốc biên cương, lấy máu mình vạch ranh giới quốc gia. Dù đói ăn đến đâu, người dân cũng không để những người lính phải đói một bữa, để mong những người lính vững tay súng, đừng một phút giây xao lãng với nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc
Dân còn nghèo xơ xác, kinh tế đất nước còn thiếu trước, hụt sau vẫn dành cho quân đội lương cao bổng hậu chỉ mong quân đội tập trung vào bổn phận giữ gìn toàn vẹn cương vực lãnh thổ. Ơn dân, lộc nước lớn như vậy nhưng hơn chục năm qua, đất biên cương mất, biển đảo mất, chủ quyền lãnh thổ bị Trung Quốc xâm lấn ngày càng nghiêm trọng mà những nhóm lợi ích nhà binh vẫn mê mải mang năng lực quân đội ra làm kinh tế. Không phải chỉ là vô lương tâm, vô trách nhiệm mà còn là sự phản bội nhân dân.
Là không gian của lí tưởng, có người còn coi quân đội là nơi sạch nhất. Nhưng quân đội làm kinh tế thì không gian của lí tưởng không còn nữa. Nơi sạch nhất đã nhốn nháo cuộc chạy đua tìm kiếm lợi nhuận, đã làm hao hụt, mất mát đáng kể tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính. Nơi của những lí tưởng cao cả đã trở thành nơi ngự trị của đồng tiền, nơi bon chen, ráo riết tìm kiếm lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh.
Quân đội làm kinh tế mới có cuộc cướp đất bằng sức mạnh tàn bạo ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội. Cuộc cướp đất ở Đồng Tâm sẽ khắc ghi vào lịch sử Việt Nam một vết nhơ, một nỗi đau về một thời cộng sản đen tối và về một nhà nước cộng sản dùng sức mạnh quyền lực và sức mạnh bạo lực chà đạp lên pháp luật cướp mảnh đất của dân không thuộc đất sân bay Miếu Môn, cướp mảnh đất đã và đang thấm đẫm máu, mồ hôi, nước mắt người dân Đồng Tâm cho một nhóm lợi ích nhà binh. Với sức mạnh của quyền lực và sức mạnh của bạo lực, đơn vị quân đội làm kinh tế mang tên Viettel sẽ cướp được đất của dân Đồng Tâm nhưng lòng tin của người dân với nhà nước và tình yêu của người dân với người lính sẽ mất trắng. Nhà nước và quân đội đó không còn có nguồn sức mạnh vô tận của nhân dân nữa.
Tư liệu sản xuất tạo ra lợi nhuận của những nhóm quyền lực nhà binh là đất đai, sức lính và trang, thiết bị của quân đội thì đơn vị quân đội nào cũng có. Đơn vị làm kinh tế được chính danh và công khai mang đất đai, sức lính và trang thiết bị ra làm giầu thì đơn vị quân đội không làm kinh tế cũng làm giầu bằng đất đai, sức lính và trang thiết bị quân đội một cách lén lút. Và bao điều đau lòng, nhục nhã đã xảy ra.
Lính biên phòng Quảng Trị được trang bị tàu tuẫn tiễu biển, được cung cấp xăng dầu cho những chuyến ra khơi canh biển. Toàn quân nhộn nhịp làm kinh tế thì nhóm quyền lực nhà binh biên phòng Quảng Trị không có chức năng làm kinh tế cũng lén lút làm kinh tế bằng cách không thực hiện những chuyến tuần tra canh biển, neo tàu tuần tiễu tại bến nhưng khai khống những chuyến ra khơi rồi lấy xăng dầu của những chuyến đi biển khống đó bán đi lấy tiền chia nhau trong nhóm quyền lực.
Thời chiến tranh, người dân nhường đất ruộng đang cấy lúa cho lính phòng không lập trận địa pháo cao xạ. Người dân nhường cả hồ sen đẹp để người lính có trận địa pháo phòng không nổi trên hồ đón đúng hướng bay của máy bay Mỹ.
Chiến tranh qua đi. Những khẩu pháo cao xạ đã được đưa về kho quân khí, đưa về bảo tàng. Nhưng đất ruộng trận địa, mặt hồ trận địa không được trả lại cho dân mà trở thành tài sản của quân chủng Phòng không - Không quân để tài sản đó trở thành vốn lien doanh với doanh nghiệp dân sự. Nhà hàng nguy nga mọc lên trên đất ruộng trận địa. Nhà hàng trên du thuyền giữa hồ dập dìu khách thâu đêm. Hàng trăm hecta đất sân bay dân sự, sân bay quân sự cũng được nhóm quyền lực Phòng không - Không quân mang ra liên doanh để trở thành sân golf, sân tennis, nhà hàng, khách sạn, biệt thự cho thuê. 10 năm qua, 2006 - 2016, quân chủng Phòng không - Không quân là sắc lính làm kinh tế lớn nhất, mạnh nhất và say mê nhất.
Cũng 10 năm qua, 2006 - 2016, thời nhóm quyền lực Phòng không - Không quân làm kinh tế rầm rộ nhất, mê mải nhất cũng là thời hòa bình, máy bay quân sự chỉ có những chuyến bay huấn luyện, bay tuần tra nhưng máy bay bị rơi rụng, bị tan xác nhiều nhất. 19 máy bay bị tai nạn tan xác cùng với 49 người lính chết theo máy bay. Trong số máy bay tan tành có 6 máy bay tiêm kích Mig 21 và 5 máy tiêm kích hiện đại nhất, đắt tiền nhất, Su 22 và cả Su 30. Không thể không có mối liên hệ giữa sự mê mải làm kinh tế của nhóm quyền lực Phòng không - Không quân với sự tăng vọt những máy bay quân sự tan xác.
10 năm qua, 2006 - 2016, là thời hòa bình, máy bay quân sự bị rơi rụng, bị tan xác nhiều nhất : 19 máy bay bị tai nạn tan xác cùng với 49 người lính chết theo máy bay.
Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được tính mạng của 49 người lính không quân mất đi cùng sự tan xác của 19 máy bay quân sự.
Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được máu của người dân Việt Nam hàng ngày đổ ra trên biển Việt Nam bởi quân đội bám bờ, ngư dân bám biển, quân đội mê mải làm kinh tế bỏ trống biển cho lũ cướp biển Trung Quốc làm chủ biển Việt Nam, mặc sức hung hăng bắn giết dân chài Việt Nam.
Lời lãi nào của quân đội làm kinh tế có thể bù đắp được sự mất mát của không gian lí tưởng mà quân đội nào cũng phải có. Lời lãi nào có thể bù đắp được sự mất mát lòng tin và tình cảm yêu thương của người dân dành cho người lính.
Quân đội làm kinh tế mang lại chút lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh. Cái phúc nhỏ nhoi của một dúm người. Quân đội làm kinh tế mang về cho ngân sách vài đồng tiền thuế. Cái lợi nhỏ xíu của nhà nước. Nhưng quân đội, nhân dân và đất nước phải gánh chịu thiệt hại quá lớn. Tâm hồn người lính bị tha hóa. Kỉ luật quân đội bị sói mòn. Sức mạnh quân đội bị phân tán vào công việc tìm kiếm lợi nhuận. Tổ chức quân đội bị phân hóa. Tính thường trực và tính chuyên nghiệp của quân đội không còn nữa. Sức mạnh chiến đấu của quân đội bị giảm sút nghiêm trọng. Trong khi biên cương biển đảo đang bị sức mạnh quân sự của Trung Quốc xâm lấn ngày càng trắng trợn và dữ dằn mà quân đội cứ mê mải làm kinh tế, tối mắt với lợi nhuận, đó là họa vô cùng lớn của đất nước.
Quân đội cố giành chức năng làm kinh tế cho thấy thống lĩnh quân đội hiện nay chỉ là mấy ông tướng nông dân, những người chỉ có tầm nhìn quá hạn hẹp, không vượt ra khỏi mảnh ruộng manh mún, riêng tư của gia đình mình. Như thời hợp tác xã nông nghiệp, người nông dân chỉ lo chăm chút cho mảnh ruộng năm phần trăm của gia đình mình còn ruộng hợp tác xã chỉ làm qua quýt theo tiếng kẻng cho hết giờ, cho đủ công điểm. Ruộng hợp tác xã cỏ tốt hơn lúa cũng bỏ mặc.
Những ông tướng nắm sức mạnh quân sự của đất nước, bảo đảm lợi ích của đất nước là toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm lợi ích của nhân dân là được sinh sống trên đất nước bình yên, là thế đứng của dân tộc Việt Nam trước thế giới. Ở tầm quốc gia lớn lao như vậy nhưng những ông tướng nông dân cố níu giữ chức năng quân đội làm kinh tế là đã đặt lợi ích cục bộ của nhóm quyền lực nhà binh lên trên lợi ích của đất nước, của nhân dân. Quân đội làm kinh tế thực ra chỉ là nhóm quyền lực nhà binh khai thác năng lực quân đội vào hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận cho nhóm quyền lực nhà binh mà thôi.
5. Lời cuối
Trong xã hội công nghiệp hiện đại, ở các nước công nghiệp phát triển cũng là các nước dân chủ thực sự, tổ chức xã hội hợp lí và hài hòa, mọi ngành nghề, mọi công việc đều phải chuyên nghiệp hóa triệt để. Xã hội hiện đại đòi hỏi mọi việc đều phải chuyên nghiệp đến nỗi thế giới tội phạm cũng phải chuyên nghiệp để có một tổ chức tội phạm lớn mạnh mới tồn tại được, đó là tổ chức tội phạm mafia.
Đi qua thời văn minh công nghiệp, loài người đã bước lên một nền văn minh rất cao, văn minh tin học. Nhưng xã hội Việt Nam vẫn ở thời văn minh trước công nghiệp. Các tổ chức, các hoạt động ở xã hội Việt Nam đều chưa có tính chuyện nghiệp.
Hai tổ chức quan trọng nhất đòi hỏi hoạt động chuyện nghiệp cao nhất là Quốc hội và quân đội đều không chuyên nghiệp.
Quốc hội là cơ quan lập pháp, nơi làm việc của những chính khách chuyên nghiệp và những nhà lập pháp chuyên nghiệp để tạo ra những bộ luật của thời đại văn minh ngang tầm thế giới. Quốc hội Việt Nam chỉ là bộ sưu tập về hình ảnh con người Việt Nam, có đầy đủ thành phần các dân tộc và đầy đủ các tầng lớp xã hội. Vì thế mỗi kì họp Quốc hội chỉ như một festival đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.
Đại biểu Quốc hội hầu hết đều chỉ là những nghị sĩ nhiệp dư. : bà bí thư đảng ủy, ông chủ tịch tỉnh, ông giám đốc sở, ông bộ trưởng, ông tướng quân đội, tướng công an. Tất cả đều là đảng viên, đều mang ý chí của độc đảng đến nghị trường áp đặt cho Quốc hội. Không có nhà lập pháp chuyên nghiệp ở tầm chính khách. Những quan chức quan liêu chỉ biết những điều đã lạc hậu của cuộc sống trở thành nghị sĩ nghiệp dư làm luật ở Quốc hội. Luật chưa xây dựng xong đã lạc hậu với cuộc sống đất nước, lại càng lạc hậu với thế giới.
Quân đội là lực lượng vũ trang mang sức mạnh nền kinh tế đất nước và ý chí của dân tộc trong phòng vệ đất nước. Hai yếu tố về tổ chức tạo lên sức mạnh quân đội là tập trung và chuyên nghiệp. Không tập trung và chuyên nghiệp không thể phát huy sức mạnh vũ khí và sức mạnh của kĩ chiến thuật. Không tập trung và chuyên nghiệp, không thể là quân đội chính qui, hiện đại.
Quân đội làm kinh tế đã phá hỏng cả hai yếu tố về tổ chức bắt buộc phải có của quân đội là tập trung và chuyên nghiệp.
Quân đội làm kinh tế thì đội quân đó chỉ là những lao binh chuyện nghiệp và những chiến binh nghiệp dư.
Phạm Đình Trọng
(10/08/2017)
Việt Nam cần minh bạch về các hoạt động làm kinh tế của quân đội nước này để lộ trình 'cải cách' được thực hiện đúng đắn và hợp lý và người dân có được thông tin, theo ý kiến của khách mời tại Bàn tròn của BBC hôm thứ Năm.
Nhà báo Trần Tiến Đức nhấn mạnh nhu cầu minh bạch các thông tin về làm ăn kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội trước người dân ở Việt Nam.
Từ Hà Nội, hôm 06/7/2017, nhà báo Trần Tiến Đức trước hết đưa ra quan niệm của ông về vai trò và chức năng của quân đội, ông nói :
"Tôi có đọc những ý kiến lấy thí dụ những bằng chứng lịch sử từ thời nhà Trần, các thời vua từ trước, đến khi hết chiến tranh, người ta binh sĩ về làm nông, nhưng tôi nghĩ thời đại mỗi thời một khác.
"Thời này, có lẽ theo tôi hiểu quân đội phải chính quy hiện đại, phải tập trung vào việc tập luyện để bảo vệ Tổ quốc, và những cơ sở quốc phòng chủ yếu tập trung vào sản xuất là khí tài, vũ khí, quân trang v.v... để phục vụ cho việc sẵn sàng chiến đấu của quân đội để bảo vệ đất nước".
'Minh bạch thông tin'
Nhấn mạnh nhu cầu về tính minh bạch trong thông tin về các hoạt động kinh tế và đóng góp trong lĩnh vực này của quân đội Việt Nam, ông Trần Tiến Đức nói tiếp :
Ở Việt Nam, khi nhà nước, trong đó có một bộ phận là quân đội, làm kinh doanh, thì tài nguyên quốc gia do nhà nước toàn quyền sử dụng và người dân không được biết về các cân nhắc lời lãi, theo kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa.
"Về ngân sách như thế nào, tôi phải nói rằng chúng tôi không biết rõ được ngân sách quốc phòng của Việt Nam là bao nhiêu và ngân sách đó có đủ để chi cho những nhu cầu quốc phòng hay không. Cái đó người dân chúng tôi không được biết.
"Qua các con số dẫn ra về các doanh nghiệp quân đội, thì chắc chắn họ có đóng góp phần nào cho quốc phòng, nhưng vấn đề như tôi muốn nói là tính minh bạch của các thông tin đó như thế nào ? Vấn đề minh bạch và trung thực về tình hình tài chính (như thế nào) ?
"Cái đó trong thông tư 182 năm 2016 do Bộ Quốc phòng ban hành cũng đã nêu rất rõ, chứng tỏ trong đó có những vấn đề và chúng ta biết là có những vụ tham nhũng liên quan đến quân đội mà trước đây cũng đã phải xử và sau này cũng có những tin đồn này nọ mà chắc cũng khó nói ra được.
"Tất nhiên, tôi đồng ý với ông Nguyễn Xuân Nghĩa là chuyện này không thể làm được ngày một, ngày hai, mà chắc chắn phải có một lộ trình ; và trước hết tôi nghĩ rằng nó phải minh bạch từ những đầu vào, tức là từ đất đai sử dụng như thế nào ? Có hợp lý hay không ?
"Nếu là lấy đất của dân, phải đền bù rõ ràng như là vụ Đồng Tâm, chứ không thể nào nhập nhằng được, và tất cả nguồn đầu vào cũng phải tiến đến rất minh bạch, vậy những doanh nghiệp ấy đóng góp được gì cho quốc phòng, có thế chúng ta mới có thể có một lộ trình đúng đắn và hợp lý được", nhà báo tự do nói với BBC.
'Tranh luận là tốt'
Thời gian gần đây, truyền thông của Việt Nam, trong đó có báo Quân Đội Nhân Dân và báo Dân Trí, đã đăng tải các thông tin giới thiệu các quan điểm khác nhau trong giới chức lãnh đạo quân đội, đảng và chính quyền về việc quân đội thôi làm kinh tế, hay vẫn tiếp tục như một nhiệm vụ 'chính trị'.
Cuộc tranh luận đang diễn ra ở Việt Nam về quân đội có nên tiếp tục làm kinh tế hay không là một điều'tốt', theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ.
Bình luận về diễn biến này, từ Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nói với BBC :
"Tôi đồng tình với ý kiến rằng đây là một việc tốt, khi chúng ta (Việt Nam) vẫn diễn ra những cuộc tranh luận như thế này, trước hay sau chúng ta cũng phải có hướng giải quyết, Sự việc nóng bỏng lên bắt đầu từ việc sân golf ở trong Tân Sơn Nhất, mà đất đó đã được giao cho Bộ Quốc phòng, dù trước đó nó có ở trong quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất
"Sau đó Bộ Quốc phòng quản lý, bây giờ trước nhu cầu mới và phát triển của ngành hàng không Việt Nam, trong đó có hàng không dân dụng yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại, đi đến một quyết định của Thủ tướng và Chính phủ là quân đội tạm dừng, hay là thôi, không làm kinh tế nữa mà tập trung làm sau đó cho chuyên nghiệp.
"Tuy nhiên, sau khi ý kiến này được tung ra và được công khai trên các mặt báo rồi trong dư luận, thì lại có một luồng ý kiến ngược lại gần đây xuất hiện một cách khá mạnh mẽ cho rằng... là quân đội nhưng vẫn phải làm kinh tế và đó là một nhiệm vụ chính trị.
"Đây là một suy nghĩ từ rất lâu rồi từ khi quân đội của chúng ta (Việt Nam) là quân đội nhân dân, sau đó trải qua một thời kỳ chiến tranh rất là dài với một lực lượng rất hùng hậu và thậm chí rất nhiều trang thiêt bị do quân đội quản lý, thì đã xuất hiện việc vừa làm kinh tế và vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Đấy là tính chất lịch sử.
"Tuy nhiên, 30 năm đổi mới rồi, chúng ta đã chuyển từ một trạng thái từ chiến tranh, sau đó là giải quyết hậu quả sau chiến tranh và bây giờ chúng ta đang chuyển sang thời bình, trong lúc chuyển này, đôi lúc cũng có những tranh chấp biên giới, hải đảo, tuy nhiên chủ đạo vẫn là chuyển sang kinh tế thị trường, phải khẳng định như vậy.
"Khi chuyển sang kinh tế thị trường, không những kinh tế tuân theo kinh tế thị trường, mà người dân, chính phủ và chính quyền cũng dần dần phải tuân theo kinh tế thị trường,.."., chuyên gia về chính sách công nói với BBC.
Khi nào ngã ngũ ?
Nếu có cải cách trong vấn đề quân đội thôi không làm kinh tế nữa, thì quá trình sẽ 'rất chậm chạp' và 'khó khăn', theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng cuộc tranh luận này thực ra là một cuộc 'đấu tranh nội bộ' giữa các nhóm có quan điểm và lợi ích khác nhau ở trong đảng và quân đội mà hiện chưa 'ngã ngũ', ông nói :
"Qua cuộc thảo luận chủ yếu trên Quân đội Nhân dân và một số báo, có thể thấy rằng lực lượng có thể nói là bảo thủ muốn giữ nguyên trạng thái quân đội làm kinh tế bây giờ đã có một cuộc tấn công rất mãnh liệt để chống lại những tư tưởng có vẻ tiến bộ một chút là quân đội dừng hoạt động.
"Và việc này chỉ có ngã ngũ nếu mà ở trên chóp bu lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, hai phái ấy, phái nào thật sự ưu thế áp đảo, thì lúc đó sẽ thắng và có thể sẽ có cải cách gì đó một chút, nhưng cải cách ấy sẽ diễn ra một cách rất chậm chạp và khó khăn.
"Còn ngược lại phe bảo thủ mà thắng thế, thì họ vẫn giữ nguyên và thậm chí họ nói đây là nhiệm vụ chính trị từ xưa đến nay rồi và thậm chí lại tăng cường hơn nữa.
"Thực sự ở đây người ta nói rất nhiều về các nhóm lợi ích, ở bên ngoài chúng ta có thể nhìn thấy các nhóm đó cạnh tranh, đấu tranh với nhau một cách rất quyết liệt, và từ bên ngoài xã hội, chúng ta cũng phải lên tiếng để làm sao góp sức vào việc thay đổi cho tốt hơn".
Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp đưa ra ý kiến, ông nói với BBC :
"Nếu để đi đến một tiến bộ như là Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm nói thì cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa, ông Chiêm nói vào ngày 23/6 thì ngày 05/7 có bài của Thượng tướng Trần Đơn.
"Ông Chiêm cũng như là ông Đơn đều là Thứ trưởng, cùng là Thượng tướng, nhưng ông Đơn nằm trong Thường vụ Quân ủy (trung ương), còn ông Chiêm chỉ nằm trong Chi ủy viên,
"Chuyện này có lẽ sắp tới Quân ủy phải họp thường xuyên, cần phải để ý xem (trong) các cuộc họp thì Bí thư Quân ủy, tức là Tổng Bí thư và các Ủy viên Thường vụ khác nói như thế nào.
"Thế còn cho đến năm 2025 như là Nghị quyết số 425 của Thường vụ Quân ủy trung ương, thì chắc chắn rằng không có bỏ hoạt động kinh tế của quân đội", ông Hà Hoàng Hợp nêu nhận định.
Nguồn : BBC, 07/07/2017
Chính phủ chỉ đạo Quân đội thôi làm kinh tế (BBC, 23/06/2017)
Tại một cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Chiêm phát biểu nói Quân đội Việt Nam 'không làm kinh tế nữa'.
Quân đội nay cần tập trung bảo vệ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, thôi kinh doanh kiếm lời
Thượng tướng Lê Chiêm được báo chí Việt Nam hôm 23/06/2017 trích thuật nói nhiệm vụ của Quân đội nay là "tập trung cho xây dựng chính quy hiện đại để bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân".
Ngoài cam kết dừng mọi dự án quanh sân bay Tân Sơn Nhất, nơi sân golf của công ty quân đội Him Lam, nằm sát đường băng, đã gây điều tiếng nhiều năm qua, Tướng Chiêm còn nói về các doanh nghiệp khác.
Ông được báo Infonet.vn trích lời cho hay :
"Tất cả các doanh nghiệp quân đội phải cổ phần hóa, thoái vốn, chuyển ra ngoài hết, còn cái nào là phục vụ quốc phòng chứ không để làm kinh tế".
Tuy nhiên, hiện chưa rõ quá trình này sẽ được thực hiện ra sao với số lượng không nhỏ các doanh nghiệp của Quân đội Nhân dân Việt Nam có mặt tại các ngành, từ ngân hàng, viễn thông, bất động sản, may mặc, vận tải, khách sạn, công nghệ thông tin và giải trí...
Vụt gậy vào sân golf ?
Qua lời Tướng Lê Chiêm, người ta có thể hiểu sân golf tại sân bay Tân Sơn Nhất là một di sản của nhiệm kỳ thủ tướng trước, và nay cần giải quyết :
""Dự án này từ năm 2007 được 8 bộ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cái này là do lịch sử để lại, vấn đề là chúng ta giải quyết như thế nào. Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không dân dụng".
Trang báo của Bộ Thông tin và truyền thông cũng mô tả việc cách ông Lê Chiêm phát biểu :
Viettel là một doanh nghiệp lớn của Quân đội Việt Nam
"Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế xã hội an ninh quốc phòng 6 tháng đầu năm của Thành phố Hồ Chí Minh, khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ định phát biểu, Thượng tướng Lê Chiêm lập tức đề cập đến sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Theo ông đây "là vấn đề nổi cộm".
"Chấp hành ý kiến của Chính phủ, hiện Bộ Quốc phòng đã ra lệnh dừng tất cả các dự án tại đây. Ngày mai sẽ họp toàn bộ Bộ Quốc phòng để chuẩn bị văn bản báo cáo Thủ tướng. Chúng tôi sẽ chấp hành nghiêm theo quy hoạch của Chính phủ", Tướng Lê Chiêm nói.
*************************
Thứ trưởng Bộ quốc phòng : Quân đội sẽ thôi làm kinh tế (Dân Trí, 23/06/2017)
"Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để "lăn tăn" các doanh nghiệp làm kinh tế… Đây là quan điểm của Quân ủy trung ương...", Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nói.
Tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh sáng 23/6, Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã nêu rõ quan điểm của Bộ Quốc phòng về dự án sân golf Tân Sơn Nhất.
Vấn đề "xóa sân golf, mở rộng sân bay" được đưa ra bàn tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, ngay khi dư luận phản ánh về việc quá tải sân bay Tân Sơn Nhất, trong khi ngay sát bên sân bay là một quỹ đất lớn dành làm sân golf, Bộ Quốc phòng đã lệnh dừng tất cả dự án trong sân golf để kiểm tra, báo cáo Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất (Ảnh : Nguyễn Quang)
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dự án sân golf Tân Sơn Nhất có từ năm 2007, được 8 Bộ và Thủ tướng Chính phủ thời đó phê duyệt. Tuy nhiên, hiện nay, việc giải tỏa áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết.
"Quan điểm của Bộ Quốc phòng là ưu tiên phát triển hàng không, lấy đất làm sân bay", Thượng tướng Lê Chiêm khẳng định.
Thượng tướng Lê Chiêm cũng cho biết, toàn bộ quỹ đất quốc phòng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là rất lớn, có lịch sử để lại từ xa xưa. Theo yêu cầu, sắp tới cầu sẽ thanh tra toàn bộ đất Quốc phòng.
Thượng tướng Lê Chiêm cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo dừng tất cả các dự án trong sân golf Tân Sơn Nhất (Ảnh : Nguyễn Quang)
"Quân đội tập trung xây dựng quân đội. Tất cả doanh nghiệp quân đội sẽ cổ phần hóa, thoái vốn. Cái nào phục vụ cho quốc phòng thì phục vụ cho quốc phòng. Chứ không để "lăn tăn" các doanh nghiệp làm kinh tế… Đây là quan điểm của Quân ủy Trung ương. Cương quyết làm đúng chủ trương của Thủ tướng Chính phủ", Thượng tướng Lê Chiêm nói.
Ảnh chụp vị trí sân golf Him Lam nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện nghiêm Nghị quyết về phát triển kinh tế, quốc phòng trên địa bàn. Thành phố Hồ Chí Minh phải hết sức quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm của mình là địa bàn chiến lược, là đầu tàu kinh tế của cả nước...
Vừa đánh golf vừa có thể ngắm máy bay lên xuống.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, làm sân bay Long Thành nhưng Tân Sơn Nhất vẫn tồn tại vì nhu cầu lớn. Sân bay Long Thành tới năm 2025 - 2027 mới xong. Do đó, nếu không giải quyết điểm nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất thì rất gay go.
Ngoài sân golf, nơi đây còn có tổ hợp nhà hàng, khách sạn
"Để đảm bảo tính khách quan, chúng ta sẽ thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu, tìm ra phương án tốt nhất cho sân bay Tân Sơn Nhất. Đây là nguyện vọng của Đoàn đai biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và cử tri quận Tân Bình", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Công Quang - Quốc Anh
**********************
Quân đội sẽ không làm kinh tế nữa (RFA, 23/06/2017)
Một người dân đạp xe ngang tấm bảng quảng cáo công ty Viettel, một công ty của quân đội. AFP photo
Đã có chủ trương không để quân đội làm kinh tế nữa, đó là phát biểu của Thượng tướng Lê Chiêm, thứ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam, đưa ra ngày 23 tháng 6 trong buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các nhà lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Chiêm cho biết đây là quan điểm của Thường vụ quân ủy trung ương, đang được Bộ quốc phòng xem xét. Quân ủy trung ương là cơ quan đảng cộng sản trong quân đội Việt Nam.
Thượng tướng Lê Chiêm giải thích rằng theo chủ trương này quân đội sẽ chấm dứt làm kinh tế, mà sẽ tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh để bảo vệ đảng, nhà nước, và nhân dân. Các công ty do quân đội làm chủ sẽ được cổ phần hóa, quân đội sẽ rút lại vốn của mình trong các công ty như thế.
Nói về việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang vướng phải một sân golf do quân đội quản lý, ông Chiêm nói rằng đây là vấn đề nổi cộm, và bộ quốc phòng sẽ họp về chuyện này vào ngày mai, thứ bảy, 24 tháng sáu để báo cáo Thủ tướng. Ông Chiêm nhấn mạnh là quân đội sẽ chấp hành qui hoạch của chính phủ.
Vào ngày 23 tháng 6, thiếu tướng Lâm Quang Đại, chính ủy Quân chủng Phòng không Không Quân, khi tiếp xúc cử tri quận Bình Tân và bị chất vấn về vấn đề sân golf trên đất phi trường Tân Sơn Nhất, ông này bao biện rằng việc xây dựng sân golf là xuất phát từ sự tận dụng đất quốc phòng chưa sử dụng ngay ; khi nào có yêu cầu thì có thể giải tỏa bất cứ lúc nào để phục vụ mục đích quốc phòng.
Sau khi có nhiều tranh cãi xung quanh việc sân golf của quân đội cản trở việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng ý cho mở rộng sân bay này với chủ trương giao cho Bộ Giao thông- Vận tải thuê tư vấn nước ngoài nghiên cứu xây dựng một đường băng thứ ba để giúp giảm tải và ùn tắc như hiện nay.
***********************
Kết thúc thanh tra vụ đất đai Đồng Tâm (RFA, 23/06/2017)
Thanh tra thành phố Hà Nội tuyên bố kết thúc thanh tra vụ tranh chấp đất đai tại xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Kết luận của cuộc thanh tra này sẽ được công bố vào đầu tháng bảy.
Người dân Đồng Tâm đặt chướng ngại vật trên một con đường vào làng ngày 20 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Việc thanh tra này kéo dài kể từ ngày 20 tháng tư.
Việc tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm bùng nổ vào giữa tháng tư năm 2017, giữa một bên là Tập đoàn viễn thông quân đội Vietel và bên kia là nông dân xã Đồng Tâm.
Sau khi một số người nông dân đi kiện bị cơ quan công quyền bắt giam và gây thương tích, nông dân xã đã bắt 38 nhân viên công an, cảnh sát cơ động và cán bộ chính quyền làm con tin.
Vụ việc chỉ được giải quyết sau khi ông Nguyễn Đức Chung ký giấy xác nhận rằng chính quyền sẽ không truy tố dân làng Đồng Tâm, cho tiến hành thanh tra đất đai tranh chấp trong vòng 45 ngày.
Tuy vậy mới đây cơ quan chức năng công bố quyết định khởi tố vụ án ‘bắt giữ người thi hành công vụ’ và ‘phá hủy tài sản’.
**********************
Quốc hội Việt Nam yêu cầu quân đội không dùng đất để kinh doanh (RFA, 21/06/2017)
Quân đội không được phép sử dụng các tài sản chuyên dùng của quân đội vào mục đích kinh doanh.
Cổng chính vào sân golf sát đường băng sân bay Tân Sơn Nhất - Zing.vn
Đó là một trong những nội dung được đề cập đến trong Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước vừa được quốc hội Việt Nam thông qua sáng 21 tháng 6.
Theo luật này có hai loại tài sản mà quân đội không được sử dụng để kinh doanh, mặc dù họ quản lý chúng.
Loại thứ nhất gọi là tài sản đặc biệt bao gồm vũ khí, vật liệu nổ, phương tiện đặc chủng, công trình chiến đấu,..
Loại thứ hai là tài sản chuyên dùng bao gồm nhà cửa đất đai gắn liền với doanh trại, trường học quốc phòng, thao trường, trại giam,…
Xin được nhắc lại là trong thời gian qua có hai vụ việc liên quan đến đất đai do quân đội quản lý lại được đưa vào kinh doanh, gây ra phản ứng trong công dư luận.
Vụ thứ nhất là tại Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội, nông dân và chính quyền đối đầu nhau trong một vụ tranh chấp đất đai mà người dân nói là đất canh tác của họ được giao cho Tập đoàn Viễn Thông Viettel của quân đội kinh doanh. Vụ này đã dẫn đến chuyện dân làng bắt giữ 38 nhân viên công an và cán bộ nhà nước làm con tin vào tháng tư năm nay. Sau đó đích thân chủ tịch thành phố Hà Nội phải xuống thôn Hoành, xã Đồng Tâm để đối thoại và viết cam kết trước dân để giải quyết khủng hoảng.
Vụ thứ hai liên quan đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất bị vướng phải sân golf nằm trong phần đất do quân đội quản lý. Trong khi nhu cầu mở rộng sân bay này trở nên rất cấp thiết vì giao thông ùn tắc, không có chổ đổ máy bay, thiếu đường băng đáp máy bay dẫn đến máy bay phải tốn nhiều nhiên liệu trong thời gian chờ trên không để được đáp.
Tổng Công ty Hàng Không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết vào năm ngoái, do quá tải các sân bay, đặc biệt tại Sân bay Tân Sơn Nhất, số giờ bay thực tế so với kế hoạch tăng khoảng gần 1400 giờ làm cho chi phí khai thác thăng lên gần 190 tỷ đồng.
Cũng liên quan đến quốc hội Việt Nam, kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa 14 kết thúc vào ngày 21 tháng 6 sau gần một tháng làm việc.
Kỳ họp lần này Quốc hội Việt Nam thông qua 12 luật, 12 nghị quyết, và cho ý kiến về 6 luật khác.
Trang web của quốc hội nói rằng các đạo luật mới này thể hiện tin thần của hiến pháp Việt Nam là tôn trọng quyền con người, đảm bảo an ninh quốc phòng, và thúc đấy nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong số các nghị quyết được phê chuẩn lần này có nghị quyết về giám sát, theo đó quốc hội Việt Nam sẽ bắt đầu lấy phiếu tín nhiệm các chức danh của chính phủ trở lại vào năm tới 2018.
Một điều được cho là chuyển biến tại kỳ họp quốc hội vừa kết thúc là các đại biểu chuyển từ việc chỉ đọc tham luận nay có thêm hoạt động tranh luận. Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn được kéo dài thêm nửa ngày.