Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/06/2020

Nguyễn Xuân Phúc lại phát biểu linh tinh khiến Mỹ phật lòng

Trọng Thành - Cánh Cò

Việt Nam : Báo nhà nước cắt bỏ một phát biểu gây xôn xao của thủ tướng Phúc

Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, Hoàng Dũng Trọng Thành, RFI, 13/06/2020

Thủ tướng Việt Nam có phát biểu gây xôn xao trong công luận, báo chí nhà nước đồng loạt cắt bỏ ; công an Hà Nội thông báo kết luận điều tra về vụ án Đồng Tâm ; tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp thu bài học của Thiên nhiên qua đại dịch Covid-19, để thay đổi định hướng phát triển ; một hiệp hội Đài Loan khởi động thủ tục trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp, hướng đến độc lập. Trên đây là chủ đề chính của Tạp chí Thế Giới Đó Đây tuần này.

cotden1

Ảnh biếm họa : Ttổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho quân đội ngăn chặn cột điện "chạy sang Việt Nam", sau phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. © Copy d'écran Youtube

Trong những ngày gần đây công luận trong và ngoài nước xôn xao với một phát biểu của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc. Trong một phiên "thảo luận tổ" về tình hình kinh tế xã hội ngày 08/06/2020, tại Quốc hội, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dùng một diễn đạt hiếm có để ca ngợi thành tích của chính quyền Việt Nam, trong đại dịch Covid-19 vừa qua. Ông Phúc so sánh tình hình hiện nay, khi "hàng vạn người từ nước ngoài đăng ký về Việt Nam" để tìm nơi an toàn, trong bối cảnh bệnh dịch, với thực tế Việt Nam sau năm 1975, khi người ta thường nói "nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết". Giờ đây, theo ông, tình hình là ngược lại, "nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam".

Theo nhiều nhà quan sát, phát ngôn mới nhất nói trên cho thấy thủ tướng Phúc chưa rút ra được bài học đắt giá về những lời nói gây ấn tượng, nhưng nông cạn, nhất là khi đề cập đến những vấn đề hết sức "nhạy cảm" như thảm kịch cả triệu người Việt phải vượt biên sau 1975, hàng trăm nghìn người thiệt mạng trên đường tìm nơi tị nạn. Một nhận xét về phát biểu của ông thủ tướng, được nhiều người chia sẻ, là với tư cách một chính trị gia hàng đầu, người đứng đầu chính phủ, phát ngôn như vậy là không chấp nhận được. Phát biểu nói trên cũng cho thấy dường như ông thủ tướng đã không ý thức được xã hội Việt Nam giờ đây không còn là thời kỳ mà báo chí chính thức trong nước ngoan ngoãn chịu sự chỉ bảo của chính quyền, thuần túy là cái loa cho giới lãnh đạo. Hình ảnh "cột điện có chân" cũng trở thành đề tài châm biếm khắp nơi trên mạng Internet. 

Trả lời RFI tiếng Việt, giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Dũng, một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, cho biết nhận định chung của ông :

"Ông Phúc ông ấy nói trong bối cảnh là ông muốn ca ngợi chính phủ của ông, đặc biệt sự ca ngợi ấy đối với ông là rất cần. Vì đây là giai đoạn tiền Đại hội XIII, ông ấy cần phải khoe cái thành tựu của chính phủ ông, trong bối cảnh Việt Nam chống Covid thành công. Người ta chỉ phê phán nặng câu nói ấy là kỳ dị, bởi vì giả định là Mỹ như một địa ngục, Việt Nam như một thiên đường. Đảo lộn hoàn toàn vị thế Việt Nam trước đây và bây giờ.

Tôi nghĩ là dẫu là lỡ lời đi nữa (câu nói này) cho thấy một não trạng là cho đến bây giờ, ông ấy nhìn tình hình Việt Nam bằng con mắt quá lạc quan. Khi lòng tự hào lên cao quá, thì không còn động lực để cho người ta quyết tâm để thay đổi đất nước. Đầu thế kỉ XX, hàng loạt nhà cách mạng Việt Nam đều nói rất nặng lời về Việt Nam. Họ đau đớn vì Việt Nam quá lạc hậu, và cái đau đớn ấy thúc đẩy họ tìm cách cứu nước, tìm mọi cách cho đất nước thịnh vượng. Cho nên chúng ta đọc các bài văn thời đó, chúng ta có một cái hùng tâm để thay đổi đất nước. Tất cả những cái đó không còn nữa trong cái phát biểu có vẻ là lỡ lời của ông Nguyễn Xuân Phúc".

Tự mãn về hiện tại, nhưng lo không thấy đường lên "chủ nghĩa xã hội"

Vào thời điểm này, dư luận tại Việt Nam cũng chú ý đến phát biểu của một lãnh đạo Việt Nam khác : ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương, tức cơ quan phụ trách soạn thảo văn kiện cho Đại hội Đảng. Ông Phùng Hữu Phú hôm 10/06 dẫn lại câu nói của lãnh đạo Đảng, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo đó, cả trăm năm nữa tại Việt Nam, chưa chắc đã có chủ nghĩa xã hội. Ông phó chủ tịch Hội đồng Lý luận cũng đồng thời đặt mục tiêu xác định rõ "thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội" kéo dài bao lâu và "qua những giai đoạn nào". Giáo sư Hoàng Dũng phân tích về điểm chung trong hai phát biểu của ông thủ tướng và của ông phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, tuy có vẻ rất trái ngược, một tỏ ra tự mãn về hiện tại, một tỏ ra rất lo lắng vì không hề có chiến lược rõ ràng cho tương lai :

"Đặt trong bối cảnh trước Đại hội Đảng XIII, họ có nhu cầu khẳng định hiện tại là họ thành công tốt đẹp, như ông Phúc nói, nhưng một mặt khác họ cần vẽ ra một tương lai khó khăn, như ông Phùng Hữu Phú, phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương nói, để họ biện minh cho những chỗ nào làm không được. Mà họ lúng túng thực sự. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, như là ông Phú nhắc đi nhắc lại, tôi thấy chuyện này ngày trước đưa ra người ta còn mất công ngồi phê phán. Bây giờ tôi thấy họ cười là chính. Tiếng cười báo hiệu là nó chết rồi, về mặt lý luận. (Thực ra) họ thực dụng lắm : họ thỏa mãn với hiện tại, vì họ có nhu cầu như thế, họ cần khẳng định hiện tại, là để khẳng định công lao của họ, vị trí của họ, nhất là trong lúc tranh đua vào vị trí cao. Đồng thời họ phải nói là con đường tương lai khó lắm, để biện minh cho những việc họ làm không được. Hai cái có vẻ mâu thuẫn, mà thực ra chẳng mâu thuẫn gì cả".

Vụ Đồng Tâm : Công an công bố kết luận, giới nhân quyền tố cáo điều tra bị thao túng

Vẫn tại Việt Nam, hôm qua 12/06/2020, Cơ quan Cảnh sát Điều tra thành phố Hà Nội công bố kết luận điều tra về vụ án Đồng Tâm. Công an Hà Nội yêu cầu truy tố 29 bị can trong vụ án "giết người, chống người thi hành công vụ" tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, khiến 3 công an thiệt mạng. Cơ quan Công an khẳng định "nguyên nhân trực tiếp làm chết 3 cán bộ, chiến sĩ công an" là do bị "đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt".

Trả lời RFI, Tiến sĩ Nguyễn Quang A ghi nhận, theo đánh giá của nhiều luật sư, bên công an đã làm rất nhanh điều tra về vụ án phức tạp này, chỉ trong vòng 6 tháng, so với ước tính sẽ phải mất cả năm trời. Tuy nhiên, theo ông, điều đó không có gì lạ, vì cơ quan điều tra công an chỉ làm công việc củng cố các kết luận, mà họ đã đưa ra ngay từ đầu, khi vụ án xảy ra ngày 09/01/2020.

Nhà báo Phạm Đoan Trang, đồng tác giả Báo cáo về Vụ tấn công Đồng Tâm, nhận định : "Tôi nghĩ rằng bà con Đồng Tâm đang ở trong một thời điểm rất đen đủi. Vụ tấn công Đồng Tâm diễn ra ngay sát Tết Nguyên đán. Chúng ta đều biết là chỉ mùng một Tết âm lịch thôi là thông tin về đại dịch Covid bắt đầu đến Việt Nam. Từ đó đến hết tháng Tư, công chúng, phong trào dân chủ đều tập trung vào vấn đề chống dịch. Trong thời gian đó, phía công an vẫn lẳng lặng tiến hành các việc của họ. Ví dụ bắt thêm người, quản lý chặt hiện trường, theo dõi sát những người đến Đồng Tâm, gây khó khăn cho các luật sư, các luật sư không thể dễ dàng tiếp cận người bị bắt ngay. Rất khó tiến hành điều tra độc lập tại hiện trường. Vừa là dịch bệnh, vừa là không đủ nguồn lực, kể cả dân sự lẫn tài chính. Cho nên, tôi nghĩ trong vụ Đồng Tâm, công an rất có thời gian, rất có điều kiện để xử lý, nhào nặn theo ý họ muốn. Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế có quá nhiều vấn đề, những nước mà ủng hộ nhân quyền cho Việt Nam, họ quá bận vì những việc khác. Đầu tiên là dịch bệnh, rồi Hồng Kông, bầu cử ở Mỹ… Nói chung là rất khó để đưa vấn đề Đồng Tâm vào chương trình nghị sự của bất kể quốc gia nào lúc này. Tôi nghĩ đây là thời điểm rất khó khăn cho cả phong trào dân chủ ở Việt Nam nói chung".

Báo cáo về Vụ tấn công Đồng Tâm được soạn bằng tiếng Anh để gửi đến các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, và chính giới tại các quốc gia quan tâm đến nhân quyền tại Việt Nam, ngày 16/01/2020, tức ít ngày sau khi vụ án xảy ra.

Về diễn biến mới của vụ án Đồng Tâm, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh : "Vụ Đồng Tâm là một vụ hết sức nghiêm trọng. Một cái vụ mà anh Nguyên Ngọc (nhà văn) nói là "Trời không dung, đất không tha". Sau vụ đó thì có dịch Covid, rồi tình hình quốc tế đủ thứ, bầu cử Mỹ… tất cả những điều đó lấn vụ Đồng Tâm đi. Nhưng với kết luận điều tra này, vụ Đồng Tâm lại bùng trở lại. Tôi nghĩ là đến lúc họ xử án thì lại là một đợt nữa. Và phải đợi ý kiến của công chúng, ý kiến của các chuyên gia, của các luật sư. Tôi nghĩ là vụ Đồng Tâm không thể chìm xuồng được, dầu họ rất muốn như vậy. Và sau vụ xử án, mà tôi cũng lại tin là họ quyết tâm xử rất nặng 29 người này, như bản kết luận điều tra của họ, nhưng mà tôi nghĩ vụ Đồng Tâm sẽ chỉ chấm dứt khi có một Tòa án thực sự kết án những kẻ phạm tội. Thực ra, cái Tòa án đấy phải chờ đến sau chế độ cộng sản chưa biết chừng. Bởi vì một vụ mà dùng hàng ngàn cảnh sát vào ban đêm, tấn công vào người dân, rồi giết người một cách man rợ, rồi phanh thây một cụ già gần 90 tuổi, gần 60 tuổi Đảng, chính Đảng cộng sản Việt Nam, thì là một chuyện mà từ trước đến nay chưa bao giờ có ở nước Việt Nam. Chuyện Trời không dung đất không tha này sẽ không thể chìm xuồng được".

Liên Hiệp Quốc : Đại dịch Covid, "thông điệp rõ ràng" từ Thiên nhiên

Nhân quyền liên quan đến mọi mặt của đời sống. Với đại dịch Covid-19 đang diễn ra, vấn đề quyền của con người được sống trong một môi trường an toàn nổi lên số một. Mà quyền được sống trong môi trường an toàn, quyền sức khỏe được đảm bảo lại liên hệ mật thiết với môi trường thiên nhiên, hiện đang bị nền kinh tế, dựa trên việc khai thác thiên nhiên triệt để tàn phá, ngày một nghiêm trọng.

Tại Ngày Quốc tế về Môi trường ngày 05/06 vừa qua, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc David Boyd nhấn mạnh : "Đại dịch toàn cầu Covid-19 cho thấy các hậu quả trực tiếp và nghiêm trọng của tình trạng môi trường tự nhiên bị suy thoái, đối với khả năng bảo đảm trên diện rộng các quyền con người, đặc biệt là quyền sống, quyền có sức khỏe… Ít nhất 70% bệnh truyền nhiễm hiện nay, như bệnh Covid-19, là truyền từ các động vật hoang dã sang người". 

Theo AFP, Ngày Quốc tế Môi trường năm nay, do Colombia (quốc gia được coi là có hệ đa dạng sinh thái thứ hai hành tinh, sau Brazil) đăng cai, diễn ra qua cầu truyền hình. Cũng tại hội nghị này, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres, kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế thay đổi hướng đi trong giai đoạn chấn hưng hậu Covid, rút ra bài học từ đại dịch, đặt Thiên nhiên ở vị trí hàng đầu trong mọi quyết định. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lưu ý : sự xuất hiện của virus corona là "một thông điệp rõ ràng" từ phía Thiên nhiên. Để hóa giải những nguy cơ do lối phát triển mù quáng hiện nay gây ra, xã hội con người cần "xem xét lại" việc tiêu thụ của mình, thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm, tổ chức hoạt động kinh doanh hướng đến bảo vệ thiên nhiên.

Phải hành động khẩn cấp, bởi thiên nhiên đang bị tàn phá với tốc độ ghê gớm. Theo tổ chức phi chính phủ Global Forest Watch, trong năm ngoái, đã có 11,9 triệu hecta rừng bị mất, trong đó một phần ba là rừng nguyên sinh. Đa số rừng bị phá để có đất thâm canh cây công nghiệp như đậu nành, cọ hay cacao.

Độc lập cho Đài Loan : Vận động trưng cầu dân ý sửa đổi Hiến pháp

Cùng với việc tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn chính thức nhậm chức lần thứ hai hồi cuối tháng 5, các vận động thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm khẳng định nền độc lập cho Đài Loan đang bắt đầu chuyển sang một bước mới.

Bà Lâm Nghi Chính (Lin Yi-cheng), giám đốc điều hành của Quỹ vì Hiến pháp mới (Taiwan New Constitution Foundation - TNC) cho Đài Loan cho biết, hai sáng kiến yêu cầu thay đổi Hiến pháp, đã nhận được hơn 3.000 chữ ký ủng hộ, vượt ngưỡng 1.931 chữ ký (tương đương 0,01% số lượng cử tri của cuộc bầu cử tổng thống mới nhất, mà luật về Trưng cầu dân ý đòi hỏi). Một thăm dò dư luận, do TNC thực hiện, công bố hôm 20/05/2020, cho thấy khoảng 80% cử tri ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp để phản ánh "thực trạng" chủ quyền hiện nay của Đài Loan.

Quỹ Taiwan New Constitution Foundation do chính trị gia kỳ cựu Cô Khoan Mẫn (Koo Kwang-ming), sinh năm 1926, sáng lập. Chính trị gia Cô Khoan Mẫn, từng là một đối thủ chính trị của bà Thái Anh Văn trong Đảng Dân Tiến, trước khi trở thành cố vấn của tổng thống.

Theo hãng tin CNA Đài Loan, tổng thống Thái Anh Văn đang đứng trước áp lực của nhóm cứng rắn trong Đảng Dân Tiến, đòi hỏi thực thi việc sửa đối Hiến pháp, chính thức khằng định độc lập cho Đài Loan, như lời hứa tranh cử của bà hồi năm 2015, là "xét lại Hiến pháp để thể hiện đúng thực tế chính trị mới".

Cho đến nay, Hiến pháp Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) ra đời năm 1947, trước khi chính quyền Tưởng Giới Thạch chạy sang Đài Loan, đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Hoa lục, có nghĩa là về cơ bản trùng với lãnh thổ của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa hiện nay. Để được phép sửa đổi Hiến pháp, các đề xuất trưng cầu dân ý phải nhận được sự ủng hộ của đa số, với ít nhất 5 triệu phiếu bầu, tức một phần tư tổng số cử tri. Nếu mọi việc suôn sẻ, trưng cầu dân ý sẽ diễn ra vào tháng 8/2021. Giới quan sát lo ngại nếu Đài Bắc chính thức khẳng định độc lập, Bắc Kinh sẽ tấn công Đài Loan.

Theo Taiwan News, mục tiêu sửa Hiến pháp không chỉ là để độc lập với Trung Quốc, mà còn là thúc đẩy nền dân chủ ở Đài Loan. Trong một thông cáo báo chí hôm 20/05, TNC hoan nghênh quyết định của tổng thống, đưa cải cách Hiến pháp vào kế hoạch, nhưng cũng kêu gọi chính quyền cải tổ Hiến pháp để khắc phục nhiều khiếm khuyết hiện nay trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền, cũng như cần xác định rõ hệ thống chính trị tại Đài Loan.

Chủ tịch Quỹ Taiwan New Constitution Foundation Cô Khoan Mẫn, trong cuộc họp báo hôm 11/06, khẳng định để bảo đảm dân chủ bền vững, đất nước phát triển, Đài Loan cần ít nhất hai đảng lớn, như Đảng Dân Tiến và Quốc Dân Đảng hiện nay . Ông kiên quyết chống lại việc một đảng kiểm soát toàn bộ đất nước, cho dù đó là Đảng Dân Tiến. Tuyên bố được đưa ra sau thất bại lịch sử của Quốc Dân Đảng. Thị trưởng thành phố Cao Hùng, lãnh đạo Quốc Dân Đảng Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu), thân Bắc Kinh, chỉ nhận được sự ủng hộ của 9,2% cử tri, mức thấp chưa từng có.

RFI tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Phạm Đoan Trang, Tiến sĩ Nguyễn Quang A và Giáo sư Hoàng Dũng.

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 13/06/2020

***********************

Tại sao cột đèn không biết đi ?

Cánh Cò, RFA, 08/06/2020

Đây là câu hỏi ngớ ngẩn đối với nhân loại nhưng với riêng người Việt Nam thì không ngớ ngẩn chút nào. Người Việt vốn trầm luân khổ ải rất nhiều năm, cả ngàn năm bị Bắc thuộc rồi cả trăm năm bị đô hộ… tất cả nỗi đau dằng dặc ấy cộng lại chưa bằng 70 năm bị cộng sản cai trị. Nỗi uất ức chất chứa trong lòng mọi người khiến họ nhìn đâu cũng thấy bất công, đàn áp.

cotden1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói : "Trước đây, sau 1975, một thời gian dài, người ta nói : nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".

Qua lăng kính bất mãn ấy cây cột đèn đối với người Việt cũng bị ức chế, bạc đãi và vì vậy sau giài phóng, hòa vào niềm đau bỏ nước ra đi của người dân miền Nam những cây cột đèn tội nghiệp được sinh ra trước năm 75 cũng ao ước được ra đi tránh bị cộng sản ghim gút, nhưng tiếc rằng chúng không có chân nên người dân miền Nam ý thức rất sớm việc không biết đi của chúng mà nói giùm nỗi lòng của những cây cột đèn… bất hạnh.

Dù chỉ là một câu biếm nhẽ nhưng mấy ai đoan chắc rằng những cây cột đèn miền Nam không "suy nghĩ" như thế ?

Người dân miền Nam "được" giải phóng và rất nhanh chóng sau đó họ được "tặng" nhưng món quá đầy ý nghĩa : Tập trung cải tạo hơn 600 ngàn ngụy quân ngụy quyền. Đưa đi Kinh tế mới hàng trăm ngàn người khác đang sống yên lành tại các thành phố miến Nam. Đánh tư sản mại bản khiến hàng chục ngàn người giàu có tay trắng và sống đời trôi nổi khắp thế giới. Hàng trăm ngàn người bỏ xác trên biển Đông và trong các trại tỵ nạn. Hàng triệu gia đình miền Nam bị bạc đãi, phân biệt, kỳ thị vì lý lịch, nhân thân. Còn bao nhiêu thảm cảnh khác xảy ra trên đất nước sau khi chiếc xe tăng ủi sập cổng đinh Độc lập đã tàn phá tâm hồn, đời sống người ở lại đất nước này.

Và vì tận mắt nhìn thấy đời sống người dân mỗi đêm khi đường phố lên đèn nên những cây cột đèn rất muốn bỏ đi như con người không phải là một ý thức, một phản ứng, một ý muốn rất tự nhiên hay sao ?

Hai câu nói nổi tiếng của miền Nam về chế độ cộng sản đến nay vẫn âm ỉ trong lòng người dân, câu thứ nhất của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu : "Đùng tin những gì cộng sản nói mà hãy nhìn những gì cộng sản làm". Câu thứ hai : "Nếu cái cột đèn biết đi cũng bỏ nước ra đi" đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt, nhất là người Việt miền Nam.

Câu thứ nhất không cần bàn cãi, riêng câu thứ hai lại được chính thức lập lại từ miệng một Thủ tướng khi ví von : "Trước đây, sau 1975, một thời gian dài, người ta nói : nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".

Tờ Thanh Niên lập lại nguyên văn lời nói của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến cho ai nghi ngờ đây là fake news sẽ không hết ngạc nhiên. Trong "ví von" này chứa hai vấn đề : Thứ nhất ông Phúc xác nhận người ta nói nếu cái cột điện biết đi thì họ chạy sang Mỹ hết là sự thật chứ không phải là lời tuyên truyền của thế lực thù địch. Vấn đề thứ hai, ông Phúc xác định nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác, người ta nói : nếu cột điện biết đi ở Mỹ thì nó sẽ về Việt Nam".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vốn nổi tiếng là người hớ hênh trong các lần phát biểu. Có người tập trung lại những câu nói "để đời" ấy và liệt kê đầy đủ thì hình như tới tỉnh nào Thủ tướng cũng muốn tình ấy là "đầu tàu" của cả nước. Hôm nay Thủ tướng cho rằng có rất nhiều "cột đèn" của Mỹ cũng muốn về Việt Nam thì hình như phát biểu của ông đã vượt mức cho phép của …bộ chính trị khi can đảm nhìn nhận một câu nói "kinh điển" mà chỉ có bọn phản động mới dám nói.

Nhưng dù muốn ví von thế nào thì ông Thủ tướng cũng không giấu nỗi sự thật phía sau câu nói mnag tính hài hước ấy. Trong cùng một bài báo, phía trên báo Thanh Niên "ca tụng" Thủ tướng về cái "cột đèn" thì những câu dưới lại lôi ra cái "đường sắt" Cát Linh Hà Đông ra để xối gáo nước lạnh vào lời vàng ý ngọc của ngài Thủ tướng khi ông nói :

"Chúng ta có nhiều khuyết điểm, nhất là các dự án thua lỗ. Bao nhiêu dự án dầu khí cũ để lại không khắc phục nổi. Rồi thép Thái Nguyên, một đống sắt gỉ bây giờ thì làm sao có thể khắc phục được các đồng chí ? Khó khắc phục", Thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng cần có thời gian để tiếp tục khắc phục, giải quyết.

Dẫn ví dụ đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Thủ tướng thông tin, và cho biết cố gắng trước Đại hội Đảng, tàu đường sắt có thể chạy được thì "may mắn".

Nếu những cây cột đèn ở Mỹ có chân và chạy được về Hà Nội tỵ nạn không biết chúng sẽ nghĩ gì nếu được đứng hai bên con đường sắt dài 13 cây số từ Cát Linh về Hà Đông nhưng vĩnh viễn không nghe được tiếng rì rầm, ken két của chuyến tàu nổi tiếng này. Thật là may mắn vì những cây cột đèn của Mỹ không kịp về soi sáng cho đại hội Đảng, nếu không chúng không có cách nào chạy kịp về nơi chúng bỏ đi bởi bị kết án là không soi đủ sáng cho đại hội khiến các vị đại biểu kính yêu vẫn vòng vo với mớ lý thuyết dối trên lừa dưới như ông Thủ tướng.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 08/06/2020 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Cánh Cò
Read 1305 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)