Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/06/2020

Lê Thanh Hải sắp tới giờ : cả báo chí nước ngoài cũng nhào vô đánh

Trương Hiền - David Brown

Đảng viên Lê Thanh Hải và trách nhiệm của các đời tổng bí thư

Trương Hiền, VNTB, 12/06/2020

Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015. Tuy nhiên nếu chỉ như vậy là thiếu công bằng.

lth1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lê Thanh Hải và ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh : Diệp Đức Minh

Có thật là ‘một tay che trời’ ?

Cứ giở hiến pháp ra mà coi, ở điều 2 ghi rằng "Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp". Như vậy không thể chỉ một mình quyền lực của Bí thư Thành ủy là đủ để ‘một tay che trời’.

Nếu có sai phạm, thì đó là của cả bộ máy công quyền, và nếu phải nhận kỷ luật đảng, thì căn cứ vào điều 4 của hiến pháp, ‘chung xuồng’ với ông bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015, còn có Tổng bí thư tương ứng với nhiệm kỳ này. Dễ hiểu, vì để được là bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thì người đó trước tiên phải là ủy viên Bộ Chính trị.

Làm gì có chuyện ông bí thư Thành ủy tha hồ ‘hô mưa gọi gió’ ở thành phố luôn giữ ngôi vị đầu bảng trong đóng góp tiền bạc cho ngân sách quốc gia, mà không chịu sự ‘trên đe dưới búa’ từ người đứng đầu đảng chính trị, và người đứng đầu chính phủ.

Trở lại với nhiệm kỳ 2010-2015 của bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải đã làm gì để giờ ‘hồi tố’ với mức kỷ luật là ‘cách chức’ ?

Theo bài báo trên tờ Tuổi Trẻ, thì "ông Lê Thanh Hải trong thời gian giữ cương vị ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban thường vụ và thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010 – 2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cá nhân ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban thường vụ Thành ủy.

Với cương vị là phó bí thư Thành ủy, bí thư Ban cán sự Đảng, chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, ông Lê Thanh Hải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Ủy ban nhân dân thành phố ; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của Hội đồng nhân dân thành phố và quy định của Luật ngân sách năm 2002, Luật xây dựng năm 2003.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của ông đối với Thành phố Hồ Chí Minh ; căn cứ quy định số 102-QĐ/TW ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015" (*).

Rõ ràng với nội dung ở trên thì sai phạm của ông Lê Thanh Hải là một chuỗi của quá trình trong vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thời gian sai phạm này có thể đã bắt đầu từ lúc ông Lê Thanh Hải còn là phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những duyên cớ mà các sai phạm này kéo dài suốt thời gian ông Lê Thanh Hải ‘ngồi ghế’ chủ tịch thành phố cho đến bí thư Thành ủy, là không ai được phép làm rõ những tố cáo của người dân trong vụ quy hoạch Thủ Thiêm đối với nhóm quyền lực của ủy viên Bộ Chính trị Lê Thanh Hải.

Lý do : "Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp ủy đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt… thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng" – trích Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 7/7/2007 về sự lãnh đạo của đảng cộng sản Việt Nam đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ đảng cộng sản Việt Nam (**).

Vì sao lại thiếu công bằng ?

Ngày 28/6/2006, sau khi bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Minh Triết được bầu làm Chủ tịch nước, thì Tổng bí thư Nông Đức Mạnh ký quyết định phân công ông Lê Thanh Hải, ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư Thành ủy, chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh giữ chức bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2005 – 2010. Ông tái đắc cử chức vụ này nhiệm kỳ 2010-2015. Ngoài ra, ông từng là Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIII, ủy viên Đảng ủy Quân khu 7, bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh.

Tháng 10/2015, Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10 bầu khuyết chức vụ bí thư Thành ủy. Ông được Bộ Chính trị phân công chỉ đạo Thành ủy. Tại Đại hội XII Đảng Cộng sản Việt Nam, ông không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng, vì vậy cũng kết thúc nhiệm kỳ tại Bộ Chính trị, thôi giữ chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ ngày 19/1/2011, ông Nguyễn Phú Trọng thay ông Nông Đức Mạnh để làm Tổng bí thư. Và phải đến ngày 20/3/2020, Bộ Chính trị mới có quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức cách chức bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 – 2015.

Như vậy xem ra nếu quy trách nhiệm về người đứng đầu, rõ ràng ở đây cần truy cứu cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và đương nhiệm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nói thêm, thiếu công bằng ở đây còn là việc ‘tha bổng’ đảng viên Nguyễn Văn Đua – người được xem là ‘cả gan’ ký một văn bản ‘phủ nhận’ luôn quyết định của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong hồ sơ phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. Lý do, mức kỷ luật đảng đối với ông Đua chỉ là ‘khiển trách’, do đó theo quy định số 102 ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật Đảng viên vi phạm, thì ‘hết thời hiệu xử lý kỷ luật đảng’.

Tại khoản 1, điều 3 quy định nói trên ghi rằng : "Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn được quy định trong Quy định này mà khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật".

Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 nêu rõ, thời hiệu xử lý kỷ luật Đảng được quy định như sau : 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách ; 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.

Vậy là ông Nguyễn Văn Đua được ‘tha bổng’, dù trong hồ sơ vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ở hiện tại mà người dân đang khiếu nại vẫn tiếp tục có tên ông Nguyễn Văn Đua cùng rất nhiều cựu quan chức đảng viên khác suốt hơn 20 năm qua ; nghĩa là qua các ‘triều đại’ tổng bí thư : Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng.

Có lẽ về mặt lý luận của dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, cần dành một số trang để đánh giá toàn bộ vấn đề trong sử dụng nhân sự cho bộ máy của đảng cầm quyền, vì rất có thể các sai phạm trong hồ sơ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ là phần nỗi của tảng băng chìm về việc tha hóa quyền lực trong đảng cầm quyền, thể hiện ở nhóm đảng viên với người đứng đầu là Lê Thanh Hải.

Trương Hiền

Nguồn : VNTB, 12/06/2020

____________________

Chú thích :

(*) Cách chức nguyên bí thư Thành ủy TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 với ông Lê Thanh Hải

(**) Thẩm phán, hội thẩm trong xét xử làm sao được độc lập ?

*************************

Cú ngã ngựa của Lê Thanh Hải – gã có máu lạnh nhất miền Nam

Nếu trong vài tháng tới, Lê Thanh Hải bị truy tố về tội chiếm đoạt tài sản nhà nước, ở Thành phố Hồ Chí Minhsẽ chẳng có ai thương tiếc cho ông ta, dù Hải là người thành phố. Người dân ở đó tin rằng ông Hải có bị vậy hay nặng hơn nữa là đáng đời.

lth2

Ông Lê Thanh Hải - Ảnh minh họa

Bước vào thiên niên kỷ mới, Việt Nam đã tiến hảnh cải cách kinh tế, đặc biệt là ở Sài Gòn trước đây. Lê Thanh Hải khi đó 50 tuổi được bầu làm người đứng đầu Ủy ban Nhân dân thành phố.

Con đường hoan lộ

Lê Thanh Hải đã đi một chặng đường dài kể từ năm 1966, khi ông đi từ đồng bằng sông Cửu Long lên Chợ Lớn. Từ một thanh niên vai rộng, thô kệch và hầu như không biết chữ, Hải xin học nghề thợ hàn. Sau đó Lê Thanh Hải tham gia "Biệt Động Thành".

Hải thật sự là một du kích tài ba ; "Đồng chí Hai Nhựt" đã sống sót sau cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân và, khi các lực lượng Bắc Việt tiến vào Sài Gòn bảy năm sau đó, ông Hải bắt đầu thăng tiến trong đảng.

Theo các nguồn tin không chính thức, công trạng lớn mà Lê Thanh Hải lập được là nhờ những năm sau khi thống nhất, khi nổi tiếng là người luôn "hoàn thành nhiệm vụ" thi hành án. Năm 1980, Lê Thanh hải kết hôn với con gái một gia đình cách mạng thượng lưu, mở đường cho bước ngoặt lớn vào năm 1990. Được biết, nhờ  ảnh hưởng của chị vợ, ông Hải được bổ nhiệm làm Bí thư Quận ủy Quận 5 hay Chợ Lớn ; Chợ Lớn dù chiến dịch 15 năm "xây dựng chủ nghĩa xã hội" của nhà nước – đảng làm suy yếu, nhưng vẫn máu kinh doanh người Hoa vẫn chảy.

Các nguồn tin không chính thức nói rằng lúc đó, Hải – người gốc Hoa – đã tạo ra các liên minh tài trợ cho việc ông nắm giữ tổ chức đảng Thành phố Hồ Chí Minh. Với ý định và mục đích biến đô thị phía nam thành lãnh địa của Hải. Không phụ thuộc vào trợ cấp từ trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh thực tế đóng góp cho ngân sách quốc gia nhiều nhất và có quyền tự chủ đáng kể dưới thời Hải (là chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố năm 2001, 2006, và năm 2011 Hải là Bí thư thành ủy).

Hải được bầu vào Bộ Chính trị, cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Việt Nam, chứng tỏ tình trạng bán tự trị của thành phố đang lan rộng.

Hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trùng với các  nhiệm kỳ Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh của ông Hải. Cùng là người miền Nam, Dũng và Hải nghiễm nhiên là đồng minh. Cả hai đều không màng chuyện phải khấu đầu ban bí thư trung ương Đảng. Dũng dường như đã đồng tình với việc để cho Hải và cộng sự tự do ở địa phương và xem xét sự hỗ trợ của họ đối với các vấn đề quốc gia.

Lê Thanh Hải, 70 tuổi, có thể đã được tôn vinh anh hùng  nếu Hải sử dụng quyền lực để phục vụ cho lợi ích của thành phố. Tuy nhiên, có vẻ như ông và cộng sự lại tập trung làm giàu. Theo một nhà báo độc lập, bút danh Thu Hà, công việc hàng ngày của Hải là : "cướp đất, công khai mua chức, bán chức, trù dập đối thủ, hình thành phe nhóm chính trị, đưa bà con họ hàng vào nắm hết những vị trí chủ chốt, hái ra tiền… Lê Thanh Hải trở thành "lãnh chúa thành Hồ", một "trùm mafia" du côn và máu lạnh số 1 miền Nam".

Mối quan hệ thân thiết của Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải bị sụp đổ gần kỳ Đại hội 12. Khi Nguyễn Tấn Dũng và Lê Thanh Hải buộc phải về hưu năm 2016 sau khi phe Nguyễn Phú Trọng chống lại phe Nguyễn Tấn Dũng.

Bắt đầu đổ bể

Người kế nhiệm Lê Thanh Hải, Đinh La Thăng, từng là lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí, rồi Bộ trưởng Bộ Giao thông và vận tải dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Tôi hỏi một người bạn nhà báo Việt Nam rằng liệu một người đẹp trai và lôi cuốn hơn hẳn Hải, Thăng có khả năng thành công trong công việc mới không.

"Người của Lê Thanh Hải sẽ không tha cho Thăng đâu," là câu trả lời của bạn tôi, nhưng điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, Tổng bí thư Trọng và bộ sậu đã sử dụng thanh trừng "những kẻ cơ hội" trong đảng. Thăng là mục tiêu ban đầu sau khi nhận nhiệm vụ mới chưa đầy một năm, bị hạ bệ bởi một đống bằng chứng về việc chủ trì các khoản đầu tư trái phép tại Tập đoàn Dầu khí mà cuối cùng dẫn đến khoản lỗ 35 triệu đô la Mỹ.

Đinh La Thăng đang thụ án 18 năm, và đó mới chỉ là khởi đầu. Nguyễn Phú Trọng giữ lời hứa chống tham nhũng có hệ thống. Trong hai năm 2017 và 2018, hàng chục đảng viên cao cấp đã bị truy tố.

Bị buộc phải nghỉ hưu, Lê Thanh Hải không còn có thể ngăn thanh tra chính quyền trung ương thành lập hồ sơ về tổ chức Hải. Truyền thông nhà nước bắt đầu đặt câu hỏi khi nào sẽ đến lượt Hải và liên minh thân cận Lê Hoàng Quân được đưa vào lò của Nguyễn Phú Trọng.

Vì tiền

Ở đâu ở Việt Nam cũng kiếm được rất nhiều tiền, nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh là bất động sản. Lúc Hải – Dũng đang ở đỉnh cao quyền lực thì đặc biệt là việc chuyển đổi đất thuộc sở hữu nhà nước sang sử dụng thương mại.

Từ giữa năm 2016, lần lượt các vụ thông đồng giữa các công ty bất động sản và các quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đã được đưa lên mạng xã hội và được mổ xẻ. Vào năm 2018, dựa vào hồ sơ do Thanh tra nhà nước, công an đã tiếp cận thuộc cấp của Hải, gồm :

– Tất Thành Cang, phó bí thư thường trực thành ủy đã tạo điều kiện bán cho một doanh nghiệp 32 ha, đất nhà nước trị giá 2,4 nghìn tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD) với giá 430 tỷ đồng vào tháng 6/2017.

– Nguyễn Thành Tài, phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, bị bắt vào tháng 12/2018 vì đã sắp xếp thoái vốn một "khu đất vàng" rộng 5 ha với giá rẻ mạt cho một nhóm nhà đầu tư qua sự sắp xếp của người tình. Nguyễn Thành Tài "vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây lãng phí và tổn thất". (Những tấm áp phích tả tơi trên hàng rào xung quanh lô đất trống vẫn hứa hẹn nơi đây sẽ mọc lên những khu nhà sang trọng, cửa hàng cao cấp và một khách sạn năm sao) .

– Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND thành phố cho đến năm 2015, đã chấp thuận việc chuyển đổi bất hợp pháp một lô đất trung tâm tại 15 Thi Sách.

Cũ ngã ngựa

Chắc chắn tới lúc thanh tra Hà Nội sẽ đụng tới Hải. Nếu tin tức trên mạng xã hội không chính thống là đáng tin cậy, Hải có thể bị liên lụy với rất nhiều giao dịch bất động sản mờ ám. Nhưng Thanh tra nhà nước chọn tập trung vào dự án lớn nhất, khu đô thị mới Thủ Thiêm .

Thủ Thiêm là một bán đảo trên sông Sài Gòn rộng 7 km vuông. Từ cuối những năm 1990 nơi đây đã được dự định phát triển thành một phiên bản của Mahattan hay Pudong gồm công viên và các kênh đào để đánh bóng cho trung tâm lịch sử. 14.600 hộ gia đình – nông dân, chủ cửa hàng, người lao động – đã buộc di dời, dù không phải không có khiếu nại.

Đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng đã được ban hành nhưng chẳng có nhà thầu. Dự án mòn mỏi cho đến khi các quan chức thành phố vì thiếu tiền nên bắt đầu cho bán đất để đổi lấy đường và cầu.

Vào tháng 5/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cho các thanh tra nhà nước tìm hiểu lý do tại sao, sau hơn hai thập kỷ và với hàng tỷ đô la chi cho các quỹ công cộng, bán đảo Thủ Thiêm vẫn là một đầm lầy.

Cuộc điều tra theo hai dấu vết. Một cho thấy quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi kế hoạch tổng thể do thủ tướng Võ Văn Kiệt phê duyệt vào năm 1996, để chiếm đoạt đất nhiều hơn và phá vỡ các khu tái định cư.

Dấu vết thứ hai phân tích quá trình đấu thầu cơ sở hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tháng 6/2019, Thanh tra có báo cáo chi tiết về những bất thường và yêu cầu chính quyền thành phố nên trả lại số tiền tương đương 1,1 tỷ USD cho chính quyền trung ương.

Vài tháng sau, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thừa nhận sai lầm đã xảy ra, thành phần nhân sự của UBND lúc đó không còn chịu sự ảnh hưởng của Hải hay thuộc cấp của Hải. UBND thừa nhận những bất thường đã xảy ra cũng như việc điều chỉnh sai ranh giới của dự án.

Vào đầu năm 2020, dựa vào một tài liệu chưa được công khai, Thanh tra nhà nước cho biết từ năm 2010 đến 2015, Thường vụ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã "lãnh đạo lỏng lẻo vô trách nhiệm và thất bại trong việc giám sát, do đó có rất nhiều vi phạm nghiêm trọng và thiếu sót, gây thiệt hại lớn về tài chính cho Nhà nước và làm lung lay niềm tin của người dân". Họ đề nghị Hải, Quân và bốn cấp dưới phải "bị kỷ luật".

Hai tháng sau, Bộ Chính trị, đồng ý vụ hành quyết dự án Thủ Thiêm bất thành đã "làm tổn hại đến uy tín của tổ chức đảng Thành phố Hồ Chí Minh và đối tác chính phủ… vì vậy Lê Thanh Hải phải chịu trách nhiệm chính". Do đó, Bộ Chính trị đã quyết định cách chức ông Hải về mặt đảng.

Lê Hoàng Quân, nhân vật thứ 2 sau Hải được cho là phạm tôi như Hải nhưng được phép giữ các chức danh trước đây vì " thành thật chịu trách nhiệm về những thiếu sót của mình".

Hiếm khi Bộ Chính Trị loại một thành viên nhưng Hải đã bị xóa tên ra khỏi câu lạc bộ gồm 15 người nắm quyền chỉ đạo đất nước, nhưng chưa bị khai trừ đảng. Nhưng chuyện vẫn chưa dừng tại đó. Hải vẫn là một phần quan trọng trong trò chơi chính trị.

Từ năm 2016, lãnh đạo Đảng Trọng đã kêu gọi chiến dịch thanh lọc đảng. Trọng cam kết sẽ đưa rất nhiều lãnh đạo tham nhũng vào trại giam và đã thực hiện điều đó khiến cả những ai hoài nghi ông ta cũng phải ngạc nhiên. Hiện Trọng đã 75 tuổi, ốm yếu, Trọng đang muốn chuyển giao quyền lực cho những người có lòng tin thật sự.

Trong kịch bản này, Hải là một lời cảnh báo mặc dù chưa có cáo buộc hình sự nào. Đại hội 13 đang đến gần, 1.500 đại biểu sẽ tập hợp tại Hà Nội vào tháng 1 để bầu ra một giàn lãnh đạo mới. Vấn đề là những gì sẽ thúc đẩy chính trường Việt Nam trong những năm tới, ý thức hệ hay chính sách ?

Trọng và thuộc cấp của ông cho rằng khi hệ tư tưởng thúc đẩy các nhà lãnh đạo Việt Nam, chính sách tốt sẽ được đưa ra. Tương tự như vậy, họ sẽ nói, khi đạo đức ngày càng suy đồi, tham nhũng sẽ phát triển mạnh. Dường như Lê Thanh Hải đã minh chứng cho quan điểm này, và đó là lý do tại sao Hải có thể bị đưa ra tòa vào một thời điểm nào đó trước cuối năm 2020 và sẽ bị kết án chung thân.

David Brown

Nguyên tác : Downfall of ‘The Coldest-Blooded Guy in South Vietnam’, Asia Sentinel, 09/06/2020

Diễm My dịch

Nguồn : VNTB, 12/06/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Hiền, David Brown
Read 911 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)