Thông tin báo chí và hình ảnh vệ tinh trong thời gian qua thường cho thấy Trung Quốc đã triển khai máy bay tiêm kích, thậm chí oanh tạc cơ ở Biển Đông. Nhưng tất cả đều ở trên đảo Phú Lâm, vùng Hoàng Sa, còn ở vùng Trường Sa thì hầu như không thấy, cho dù là tại đấy Bắc Kinh đã xây dựng các phi đạo dài hơn 3000 mét trên đá Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Nguyên nhân vì sao ?
Trong một bài phân tích đăng ngày 14/08/2020 trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, chuyên gia Ian Storey tại Viện Yusof Ishak (thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore) cũng đặt ra câu hỏi : "Tại sao Trung Quốc không triển khai chiến đấu cơ tại Trường Sa ? - Why Doesn’t China Deploy Fighter Jets to the Spratly Islands ?". Đối với chuyên gia về Biển Đông này, đó không phải là vì Bắc Kinh muốn tránh khiêu khích mà có lẽ là vì các đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông đang bị vấn đề nghiêm trọng.
Trung Quốc khoe năng lực của Không quân nhưng để lộ nhược điểm
Chuyên gia Ian Storey trước hết ghi nhận sự kiện Hoàn Cầu Thời Báo Bắc Kinh ngày 04/08 đã rầm rộ khoe rằng chiến đấu cơ SU-30MKK của Không quân Trung Quốc vừa thực hiện được một chuyến tuần tra dài 10 tiếng trên Biển Đông, phá kỷ lục lần trước chỉ là 8,5 tiếng.
Chiến đấu cơ Trung Quốc đã cất cánh từ một căn cứ ở miền nam Trung Quốc và đã hai lần được các máy bay tiếp liệu Ilyushin-78 tiếp tế nhiên liệu trên không.
Chuyến tuần tra của Trung Quốc diễn ra vào lúc căng thẳng Mỹ-Trung lên cao trên vấn đề Biển Đông, và Bắc Kinh không ngần ngại quảng bá một đoạn video nhằm phô trương năng lực tung quân đi xa ngày càng tăng của Trung Quốc.
Có điều là trên báo Forbes, một chuyên gia đã ghi nhận rằng video đó đã vô tình tiết lộ chỗ yếu của Không quân Trung Quốc : Các chiếc SU-30 không mang hay chỉ mang theo ít vũ khí, và việc huy động 2 chiếc Il-78 đã dùng 2/3 lực lượng máy bay tiếp liệu của Trung Quốc.
Và như vậy, trong một cuộc xung đột ở Biển Đông, Không quân Trung Quốc không thể gởi nhiều máy bay đến nơi để tham chiến.
Phi đạo ở Trường Sa không dùng được cho chiến đấu cơ ?
Đoạn video nhằm khoe sức mạnh của Trung Quốc còn làm dấy lên nghi vấn về tính hữu dụng cho chiến đấu cơ của các đảo đá mà Bắc Kinh đã biến thành căn cứ quân sự ở Trường Sa.
Trong lúc Hoàn Cầu Thời Báo chỉ nói chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay đến "các đảo đá xa xôi nhất" ở Biển Đông, thì đoạn video cho thấy rõ ràng là phi cơ đã bay trên đá Xu Bi ở Trường Sa. Đây là một trong 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, bên trên có một phi đạo dài 3.300 mét, giống như trên hai thực thể khác là đá Chữ Thập và Vành Khăn.
Điều khiến giới quan sát thắc mắc là tại sao các chiếc SU-30 lại không đáp xuống đảo Xu Bi chẳng hạn để được tiếp tế nhiên liệu vì một trong những mục tiêu chính của các đảo này là tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa Không quân đến Biển Đông, phục vụ cho việc áp đặt đòi hỏi chủ quyền, và cả khả năng thành lập vùng nhận dạng phòng không bên trên Trường Sa.
Trong quá khứ Trung Quốc từng cho triển khai chiến đấu cơ trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa, và vào tháng Giêng 2016, đã cho hai máy bay dân sự đáp xuống Đá Chữ Thập để thử phi đạo vừa xây xong. Trong hai năm qua, quân đội Trung Quốc cũng cho máy bay vận tải và phi cơ tuần tra đến các đảo nhân tạo. Tàu Hải quân, Hải Cảnh, khảo sát Trung Quốc cũng thường xuyên cặp bến các đảo nhân tạo này.
Thế nhưng cho đến giờ thì người ta biết là chưa có chiến đấu cơ nào đáp xuống đá Vành Khăn, Xu Bi hay Chữ Thập. Mỹ rất quan tâm đến việc vạch trần các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, cho nên không thể có việc Lầu Năm Góc có bằng chứng về việc Bắc Kinh triển khai chiến đấu cơ ở Trường Sa mà lại không công bố hình ảnh.
Cho nên có thể kết luận là chưa bao giờ có chiến đấu cơ Trung Quốc đáp xuống 3 đảo nhân tạo nói trên.
Ba giả thuyết về lý do chiến đấu cơ Trung Quốc vắng bóng trên các đảo Trường Sa
Theo chuyên gia Singapore, căn cứ và cái giá tốn kém khi bồi đắp 7 hòn đảo nhân tạo ở Trường Sa và xây dựng hạ tầng cơ sở quân sự trên đó, câu hỏi đặt ra là tại sao Không quân Trung Quốc chưa bao giờ đưa chiến đấu cơ đến các đảo đó. Đối với Ian Storey, có 3 giả thuyết để giải thích điều đó.
Thứ nhất vì lý do chính trị, Trung Quốc không muốn gây thêm căng thẳng với các nước Đông Nam Á có yêu sách chủ quyền Biển Đông khi đưa chiến đấu cơ tới các đảo tranh chấp. Tuy nhiên, giả thuyết này không đứng vững vì trong mấy tháng qua, Trung Quốc đã gia tăng khiêu khích, liên tục cho tàu khảo sát, tàu hải cảnh xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế các nước như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, bất chấp những tổn hại uy tín mà các hành vi này gây ra.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến vấn đề bảo trì máy bay. Chiến đấu cơ hoạt động trên biển thường gặp vấn đề rỉ sét vì muối trong nước biển và độ ẩm cao, ăn mòn kim loại. Nhưng tàu sân bay Mỹ vẫn thường xuyên phải đối phó với vấn đề này và dẫu sao thì Trung Quốc cũng đã xây dựng nhà chứa máy bay trên đảo nhân tạo, và một số có lẽ có máy điều hòa không khí.
Bên cạnh đó, việc trú đóng một vài ngày trên Đá Chữ Thập, Xu Bi hay Vành Khăn cũng không có khả năng hư hỏng gì nhiều cho các chiến đấu cơ Trung Quốc. Giả thuyết này cũng không đứng vững.
Giả thuyết vững nhất : Phi đạo ở Trường Sa bị lỗi cấu trúc
Còn lại giả thuyết thứ ba, nếu được chứng thực, thì sẽ đặt ra một vấn đề nghiêm trọng hơn nhiều cho giới hoạch định kế hoạch quốc phòng Trung Quốc : đó là cấu trúc của các cơ sở trên các đảo nhân tạo, bao gồm cả các phi đạo, không đạt chuẩn mực tối ưu khiến cho Không quân Trung Quốc lo ngại không dám sử dụng.
Công việc bồi đắp ở đá Xu Bi đã khởi sự từ đầu năm 2014, nhưng trước khi việc bồi đắp hoàn tất thì công việc xây dựng phi đạo và các cơ sở đã bắt đầu. Phi đạo ở Xu Bi được hoàn tất giữa năm 2016.
Theo cách làm thông thường, đất bồi đắp phải được để yên hàng tháng, thậm chí hàng năm cho ổn định trước khi xây cất bên trên, nếu không thì sẽ có nguy cơ bị lún. Sân bay Kansai của Nhật Bản chẳng hạn, cũng được xây trên một đảo nhân tạo, đã gặp vấn đề như vậy từ khi được mở cửa vào năm 1994, cho dù đã có biết bao công trình sửa chữa sau đó.
Nghi vấn về tính toàn vẹn cấu trúc của các đảo nhân tạo đã nổi cộm lên khi vấn đề tham nhũng bị lôi ra ánh sáng. Bất chấp chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, tệ nạn này vẫn trầm kha tại Trung Quốc, ngay cả trong giới công nghiệp quân đội.
Ví dụ như vào tháng 7 năm ngoái 2019, Tôn Ba (Sun Bo), người giám sát việc xây dựng tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, chiếc Liêu Ninh, đã bị buộc tội tham nhũng và kết án 12 năm tù. Qua tháng 5/2020, Hồ Vấn Minh (Hu Wenming), lãnh đạo chương trình tàu sân bay Trung Quốc đã bị bắt với tội danh tham nhũng và cung cấp tin mật cho nước ngoài…
Vô dụng cho chiến đấu cơ
Nếu phi đạo trên 3 đảo được bồi đắp bị lún hay bị rạn nứt thì sẽ không thấy rõ ngay qua ảnh vệ tinh. Máy bay vẫn có thể sử dụng, đặc biệt những loại máy bay phản lực cánh quạt thường, bay chậm hơn, như máy bạy vận tải quân sự, máy bay tuần tra biển, đã từng đáp xuống đá Chữ Thập vào tháng 3 và tháng 4 vừa qua. Nhưng đối với các loại chiến đấu cơ bay nhanh hơn thì chất lượng phi đạo phải cao hơn nhiều.
Không quân Trung Quốc vốn rất chú ý đến hình ảnh của mình và rất ngại rủi ro sẽ cố tránh bị mất mặt trước công luận nếu chẳng may một chiếc đấu cơ của họ gặp sự cố khi cất cảnh hay hạ cánh trên một trong 3 đảo nhân tạo nói trên.
Nhìn rộng ra, nếu quả thực các phi đạo và cơ sở liên quan trên các đảo nhân tạo có vấn đề về xây dựng, thì điều đó cũng đặt ra vấn đề về sự hữu ích chiến lược của các đảo này đối với Không quân Trung Quốc và đối với mọi tham vọng của Bắc Kinh trong việc thiết lập một vùng nhận dạng phòng không bao trùm Biển Đông.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 17/08/2020
Quân đội Mỹ có thể có đủ máy bay chiến đấu để giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Những Mỹ thiếu các căn cứ không quân.
Nhưng có thể Mỹ sẽ "mượn" các căn cứ đó… từ Trung Quốc. Bằng cách thả lính dù hoặc Thủy quân lục chiến đổ bộ lên một số tiền đồn trên các đảo nhân tạo mới của Bắc Kinh.
Binh sĩ thuộc Đội tác chiến Lữ đoàn bộ binh 4 (Không kỵ), Sư đoàn 25 Bộ binh, tập trận đổ bộ từ trên cao... Ảnh Lực lượng Không kỵ Hoa Kỳ
Khoảng cách là cản trở lớn đối với sức mạnh không quân chiến thuật, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn. Hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại có thể bay và chiến đấu trong phạm vi chỉ 500 dặm (804 km) từ các căn cứ của chúng. Các máy bay tiếp liệu có thể bổ sung thêm một vài trăm dặmbán kính hoạt động cho máy bay chiến đấu.
Sức mạnh không quân mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể triển khai trong một cuộc chiến tranh, ví dụ như xoay quanh các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông chẳng hạn, phụ thuộc phần lớn vào việc mỗi bên có thểthiết lập, tiếp tế và bảo vệ bao nhiêu căn cứ trong phạm vi 500 dặm các chiến trường chính.
Các tàu sân bay đủ điều kiện đóng vai trò các căn cứ, và Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phụ thuộc vào các tàu sân bay này. Hạm đội hiện có 5 siêu tàu sân bay hạt nhân và 5 tàu tấn công nhỏ hơn, do đó có lợi thế hơn so với hạm đội của Trung Quốc với hai tàu sân bay hạng trung. Không tàu tấn công nào của Trung Quốc có thể hỗ trợ máy bay cánh cố định.
Nhưng Trung Quốc từ năm 2013 đã xây dựng các "hàng không mẫu hạm cố định" dưới dạng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Một vài trong số đó bao gồm các đường băng, đặc biệt là đá Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn, và Subi ở Trường Sa và Đảo Phú Lâm (Woody) ở Hoàng Sa.
Các căn cứ trên các đảo này, cộng với các sân bay dọc theo bờ biển đông nam Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh phân tán máy bay chiến đấu. Việc phân tán này có thể giúp Trung Quốc bảo vệ các máy bay khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay ném bom của Mỹ.
Trong khi đó, các máy bay Mỹ thường tập trung vào một số lượng nhỏ hơn các căn cứ thường trực. Căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản là trung tâm chính cho sức mạnh không quân chiến thuật của Hoa Kỳ và đồng minh ở tây Thái Bình Dương. Trong giai đoạn khủng hoảng, căn cứ có thể chứa hàng trăm máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ.
Một căn cứ lớn khác của Lầu Năm Góc trong khu vực ở Guam cách Biển Đông 1.750 dặm. Căn cứ Không quân Andersen thường có máy bay ném bom, máy bay tiếp dầu và máy bay do thám, tất cả đều có sức bền cao hơn nhiều so với máy bay chiến đấu.
Không phải vô cớ mà trong một cuộc chiến tranh lớn, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ nhắm vào Kadena. Khi Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, D.C., tiến hành một kịch bản chiến tranh ở Biển Hoa Đông vào mùa hè này, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc vào Kadena đã cơ bản chấm dứt màn mô phỏng.
Lầu Năm Góc biết là họ có vấn đề. Hải quân Hoa Kỳ đang xây dựng một sân bay mới trên đảo Mageshima, ngay phía nam các đảo chính của Nhật Bản. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ gần đây cũng xây dựng lại một sân bay từ thời Thế chiến II trên đảo Tinian (thuộc Quần đảo Bắc Mariana ở Thái Bình Dương).
Nhưng cả Mageshima và Tinian đều cách Biển Đông cả ngàn dặm. Không quân Hoa Kỳ đã phát triển các cách thức để chia nhỏ các phi đội của mình và phân tán các đơn vị chiến đấu nhỏ ra khắp các sân bay khác nhau. Thủy quân lục chiến từ lâu đã thực hành các chiến dịch không quân "viễn chinh" tương tự.
Nhưng họ cần nhiều căn cứ để lựa chọn hơn. Nếu Trung Quốc phá huỷ sân bay Kadena và đánh chìm hoặc làm hư hại một vài tàu sân bay, các máy bay F-15, F-16, F-22 và F-35 của Mỹ sẽ không thể tiếp cận khu vực chiến sự nếu không có một lượng lớn máy bay tiếp dầu bay từ Guam hoặc sự can thiệp quy mô lớn và rủi ro vào cuộc xung đột từ một đồng minh của Hoa Kỳ như Philippines, Việt Nam hoặc Singapore, những quốc gia có các căn cứ riêng có thể giúp đưa sức mạnh không quân của Hoa Kỳ bao phủ phạm vi Biển Đông.
Có một lựa chọn thay thế khác. Một lựa chọn rủi ro nhưng đầy hứa hẹn. Quân đội Hoa Kỳ có thể chiếm một số đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nếu họ thành công, các máy bay chiến đấu của Mỹ có thể tiến vào trung tâm của Biển Đông.
Đừng nghĩ rằng Lầu Năm Góc chưa tính đến điều đó. Hồi tháng 7, 350 lính dù từ Sư đoàn bộ binh 25 của Lục quân đã bay trên các vận tải cơ C-17 từ Alaska đến Guam và luyện tập đổ bộ đánh chiếm một sân bay mô phỏng của đối phương.
Không quân cũng đang mua sắm "các hệ thống căn cứ không quân có thể triển khai" dưới dạng container — còn được gọi là "căn cứ trong hộp" — vốn có thể giúp các kỹ sư nhanh chóng thiết lập lại hoạt động trên các sân bay chiếm được nhưng bị hư hỏng trong giao tranh.
Thủy quân lục chiến vẫn luyện tập để tấn công các bãi biển và đánh chiếm các sân bay, giống như trong Thế chiến II. Hải quân đã phát triển một học thuyết hoàn toàn mới để giúp các lực lượng không quân, bộ binh và đổ bộ chiếm, giữ và tiếp tế cho các tiền đồn xa – tất cả đều trong bối cảnh bị tên lửa Trung Quốc tấn công.
Bắc Kinh biết các đảo của họ nằm trong tầm ngắm của Washington. Trung Quốc đã củng cố các đảo nàybằng radar, tên lửa và pháo, đồng thời thực hành các chuyến bay tuần tra xung quanh chúng. Nếu xảy ra khủng hoảng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng cường cho các đảo bằng máy bay, vũ khí và binh lính bổ sung.
Việc chiếm được một tiền đồn của Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Lực lượng đổ bộ đường không sẽ phải xuyên thủng hệ thống phòng không dày đặc. Một đội tàu đổ bộ sẽ phải chiến đấu vượt qua các tàu ngầm và khẩu đội tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Một chiến dịch chiếm căn cứ có thể kết thúc giống như những trận chiến đẫm máu nhất ở chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến II.
Nhưng việc chiếm được các căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng có thể giúp tước bỏ một lợi thế quan trọng của Trung Quốc bằng cách phá bỏ một cơ sở hạ tầng chính hỗ trợ cho chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh.
David Axe
Nguyên tác : "China Is Counting On Island Outposts To Project Power, But U.S. Troops Could Capture Them", Forbes, 09/08/2020.
Phan Nguyên biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/08/2020
Rex Tillerson viết thêm, ông sẽ làm việc với các bộ liên quan để bàn bạc một cách tiếp cận cấp Chính phủ, ngăn chặn Trung Quốc có các hành động leo thang.
Thông tấn xã Đài Loan ngày 7/2 đưa tin, phát biểu của ông Rex Tillerson về Biển Đông trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm 11/1 để xem xét thông qua đề cử ông làm Ngoại trưởng thứ 69 của Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý đặc biệt.
Tuy nhiên trong biên bản ghi lại nội dung phiên điều trần được Quốc hội Mỹ công bố, phát biểu của ông Rex Tillerson được điều chỉnh lại một chút cho "ôn hòa hơn".
Rex Tillerson vẫn nhấn mạnh, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp ở Biển Đông, Mỹ và đồng minh đối tác sẽ phong tỏa đảo nhân tạo Trung Quốc.
Hôm 11/1 ông Rex Tillerson đã được các hãng truyền thông quốc tế dẫn lại lời phát biểu trước Thượng viện : Mỹ cần ngăn chặn Trung Quốc tiếp tục xây dựng, quân sự hóa đảo nhân tạo, ngăn chặn Trung Quốc truy cập các đảo nhân tạo này [1].
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, ảnh : WSJ.
Cùng đưa tin về việc này, tờ The Japan Times, Nhật Bản hôm nay cho biết : câu trả lời bằng văn bản của ông Rex Tillerson cho câu hỏi của Thượng nghị sĩ Ben Cardin bang Maryland về Biển Đông đã được đưa lên trang web của các nhóm vận động về môi trường đầu tháng này.
Một người phát ngôn của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ xác nhận với The Japan Times, tài liệu này là đúng. The Japan Times cho rằng, việc công bố biên bản buổi điều trần là nhằm mục đích làm mềm ý kiến trước đó của ông Rex Tillerson.
"Trung Quốc không được phép sử dụng các đảo nhân tạo để ép buộc các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông.
Hoa Kỳ sẽ duy trì tự do hàng hải và hàng không bằng cách tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Nếu một tình huống khẩn cấp xảy ra, Hoa Kỳ cùng với các đồng minh và đối tác của mình phải có khả năng hạn chế sự tiếp cận của Trung Quốc đến các đảo nhân tạo, sử dụng chúng để đe dọa đến Hoa Kỳ và các đồng minh, đối tác.
Mỹ phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro để ngăn chặn các hành động gây mất ổn định hơn, trấn an các đồng minh và đối tác của mình rằng, Hoa Kỳ sẽ ủng hộ họ trong việc giữ gìn các quy tắc và chuẩn mực quốc tế".
Ông Rex Tillerson viết thêm, ông sẽ làm việc với các bộ liên quan để bàn bạc một cách tiếp cận cấp Chính phủ, ngăn chặn Trung Quốc có các hành động leo thang, bồi đắp và thách thức tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông [2].
Hồng Thủy
Tài liệu tham khảo :
[1]http://www.cna.com.tw/news/aopl/201702070188-1.aspx
[2]http://www.japantimes.co.jp/news/2017/02/07/asia-pacific/behind-scenes-tillerson-tones-rhetoric-south-china-sea/#.WJl3Z9J97cc