Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/08/2020

Mỹ sẽ chiếm đảo nhân tạo của Trung Quốc nếu có xung đột Biển Đông ?

David Axe

Quân đội Mỹ có thể có đủ máy bay chiến đấu để giành được chiến thắng trong cuộc chiến với Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương. Những Mỹ thiếu các căn cứ không quân.

Nhưng có thể Mỹ sẽ "mượn" các căn cứ đó… từ Trung Quốc. Bằng cách thả lính dù hoặc Thủy quân lục chiến đổ bộ lên một số tiền đồn trên các đảo nhân tạo mới của Bắc Kinh.

china1

Binh sĩ thuộc Đội tác chiến Lữ đoàn bộ binh 4 (Không kỵ), Sư đoàn 25 Bộ binh, tập trận đổ bộ từ trên cao... Ảnh Lực lượng Không kỵ Hoa Kỳ

Khoảng cách là cản trở lớn đối với sức mạnh không quân chiến thuật, đặc biệt là ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương rộng lớn. Hầu hết các máy bay chiến đấu hiện đại có thể bay và chiến đấu trong phạm vi chỉ 500 dặm (804 km) từ các căn cứ của chúng. Các máy bay tiếp liệu có thể bổ sung thêm một vài trăm dặmbán kính hoạt động cho máy bay chiến đấu.

Sức mạnh không quân mà Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể triển khai trong một cuộc chiến tranh, ví dụ như xoay quanh các hòn đảo tranh chấp ở Biển Đông chẳng hạn, phụ thuộc phần lớn vào việc mỗi bên có thểthiết lập, tiếp tế và bảo vệ bao nhiêu căn cứ trong phạm vi 500 dặm các chiến trường chính.

Các tàu sân bay đủ điều kiện đóng vai trò các căn cứ, và Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ phụ thuộc vào các tàu sân bay này. Hạm đội hiện có 5 siêu tàu sân bay hạt nhân và 5 tàu tấn công nhỏ hơn, do đó có lợi thế hơn so với hạm đội của Trung Quốc với hai tàu sân bay hạng trung. Không tàu tấn công nào của Trung Quốc có thể hỗ trợ máy bay cánh cố định.

Nhưng Trung Quốc từ năm 2013 đã xây dựng các "hàng không mẫu hạm cố định" dưới dạng các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Một vài trong số đó bao gồm các đường băng, đặc biệt là đá Chữ Thập (Fiery Cross), Vành Khăn, và Subi ở Trường Sa và Đảo Phú Lâm (Woody) ở Hoàng Sa.

Các căn cứ trên các đảo này, cộng với các sân bay dọc theo bờ biển đông nam Trung Quốc, cho phép Bắc Kinh phân tán máy bay chiến đấu. Việc phân tán này có thể giúp Trung Quốc bảo vệ các máy bay khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay ném bom của Mỹ.

Trong khi đó, các máy bay Mỹ thường tập trung vào một số lượng nhỏ hơn các căn cứ thường trực. Căn cứ không quân Kadena ở tỉnh Okinawa của Nhật Bản là trung tâm chính cho sức mạnh không quân chiến thuật của Hoa Kỳ và đồng minh ở tây Thái Bình Dương. Trong giai đoạn khủng hoảng, căn cứ có thể chứa hàng trăm máy bay chiến đấu và máy bay hỗ trợ.

Một căn cứ lớn khác của Lầu Năm Góc trong khu vực ở Guam cách Biển Đông 1.750 dặm. Căn cứ Không quân Andersen thường có máy bay ném bom, máy bay tiếp dầu và máy bay do thám, tất cả đều có sức bền cao hơn nhiều so với máy bay chiến đấu.

Không phải vô cớ mà trong một cuộc chiến tranh lớn, Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ nhắm vào Kadena. Khi Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, D.C., tiến hành một kịch bản chiến tranh ở Biển Hoa Đông vào mùa hè này, một cuộc tấn công bằng tên lửa của Trung Quốc vào Kadena đã cơ bản chấm dứt màn mô phỏng.

Lầu Năm Góc biết là họ có vấn đề. Hải quân Hoa Kỳ đang xây dựng một sân bay mới trên đảo Mageshima, ngay phía nam các đảo chính của Nhật Bản. Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ gần đây cũng xây dựng lại một sân bay từ thời Thế chiến II trên đảo Tinian (thuộc Quần đảo Bắc Mariana ở Thái Bình Dương).

Nhưng cả Mageshima và Tinian đều cách Biển Đông cả ngàn dặm. Không quân Hoa Kỳ đã phát triển các cách thức để chia nhỏ các phi đội của mình và phân tán các đơn vị chiến đấu nhỏ ra khắp các sân bay khác nhau. Thủy quân lục chiến từ lâu đã thực hành các chiến dịch không quân "viễn chinh" tương tự.

Nhưng họ cần nhiều căn cứ để lựa chọn hơn. Nếu Trung Quốc phá huỷ sân bay Kadena và đánh chìm hoặc làm hư hại một vài tàu sân bay, các máy bay F-15, F-16, F-22 và F-35 của Mỹ sẽ không thể tiếp cận khu vực chiến sự nếu không có một lượng lớn máy bay tiếp dầu bay từ Guam hoặc sự can thiệp quy mô lớn và rủi ro vào cuộc xung đột từ một đồng minh của Hoa Kỳ như Philippines, Việt Nam hoặc Singapore, những quốc gia có các căn cứ riêng có thể giúp đưa sức mạnh không quân của Hoa Kỳ bao phủ phạm vi Biển Đông.

Có một lựa chọn thay thế khác. Một lựa chọn rủi ro nhưng đầy hứa hẹn. Quân đội Hoa Kỳ có thể chiếm một số đảo nhân tạo của Trung Quốc. Nếu họ thành công, các máy bay chiến đấu của Mỹ có thể tiến vào trung tâm của Biển Đông.

Đừng nghĩ rằng Lầu Năm Góc chưa tính đến điều đó. Hồi tháng 7, 350 lính dù từ Sư đoàn bộ binh 25 của Lục quân đã bay trên các vận tải cơ C-17 từ Alaska đến Guam và luyện tập đổ bộ đánh chiếm một sân bay mô phỏng của đối phương.

Không quân cũng đang mua sắm "các hệ thống căn cứ không quân có thể triển khai" dưới dạng container — còn được gọi là "căn cứ trong hộp" — vốn có thể giúp các kỹ sư nhanh chóng thiết lập lại hoạt động trên các sân bay chiếm được nhưng bị hư hỏng trong giao tranh.

Thủy quân lục chiến vẫn luyện tập để tấn công các bãi biển và đánh chiếm các sân bay, giống như trong Thế chiến II. Hải quân đã phát triển một học thuyết hoàn toàn mới để giúp các lực lượng không quân, bộ binh và đổ bộ chiếm, giữ và tiếp tế cho các tiền đồn xa – tất cả đều trong bối cảnh bị tên lửa Trung Quốc tấn công.

Bắc Kinh biết các đảo của họ nằm trong tầm ngắm của Washington. Trung Quốc đã củng cố các đảo nàybằng radar, tên lửa và pháo, đồng thời thực hành các chuyến bay tuần tra xung quanh chúng. Nếu xảy ra khủng hoảng, Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sẽ tăng cường cho các đảo bằng máy bay, vũ khí và binh lính bổ sung.

Việc chiếm được một tiền đồn của Trung Quốc sẽ rất khó khăn. Lực lượng đổ bộ đường không sẽ phải xuyên thủng hệ thống phòng không dày đặc. Một đội tàu đổ bộ sẽ phải chiến đấu vượt qua các tàu ngầm và khẩu đội tên lửa chống hạm của Trung Quốc. Một chiến dịch chiếm căn cứ có thể kết thúc giống như những trận chiến đẫm máu nhất ở chiến trường Thái Bình Dương trong Thế chiến II.

Nhưng việc chiếm được các căn cứ trên đảo nhân tạo của Trung Quốc cũng có thể giúp tước bỏ một lợi thế quan trọng của Trung Quốc bằng cách phá bỏ một cơ sở hạ tầng chính hỗ trợ cho chiến lược Biển Đông của Bắc Kinh.

David Axe

Nguyên tác : "China Is Counting On Island Outposts To Project Power, But U.S. Troops Could Capture Them", Forbes, 09/08/2020.

Phan Nguyên biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 10/08/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: David Axe
Read 1020 times

2 comments

  • Comment Link Hoàng Trường Sa mercredi, 12 août 2020 11:45 posted by Hoàng Trường Sa

    Những người sợ ma đi đêm thường huýt gió để đỡ sợ. Trung Quốc coi bộ sợ tin vụ Mỹ thả lính nhảy dù xuống chiếm các đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ thành sự thật nên đã lên tiếng hù dọa Mỹ trong bài dưới đây. Kính mời quý vị đọc thêm:

    Trung Quốc đe Mỹ đừng “mơ tưởng” chiếm đảo ở Biển Đông https://www.nguoi-viet.com/viet-nam/bac-kinh-de-my-dung-mo-tuong-chiem-dao-o-bien-dong/

  • Comment Link Hoàng Trường Sa lundi, 10 août 2020 23:53 posted by Hoàng Trường Sa

    Theo ngu ý của tôi, giải pháp chiếm các đảo nhân tạo của TQ ở Biển Đông bằng lính nhảy dù của Mỹ có vẻ khó khăn và tốn kém. Thiệt hại nhân mạng sẽ rất cao, và phía Mỹ sẽ cố tránh, ngoại trừ đây là giải pháp cuối cùng bất khả kháng. Trong chiến tranh, các nước thường áp dụng sách lược "tiên hạ thủ vi cường" để chiếm thế thượng phong. Việc các quốc gia ASEAN giữ được thế trung lập nếu chiến tranh Mỹ Trung ở Biển Đông xảy ra, theo tôi, là bất khả. Sớm muộn gì cuộc chiến cũng lan rộng ra toàn vùng Đông Nam Á và Đông Bắc Á. Cả hai bên Tàu Mỹ đều tự động chiếm các phi trường của Phi Luật Tân và VN để sử dụng, bất chấp sự chống đối của hai nước này. Nhất là phía TQ. Chỉ cần nhìn lại lịch sử Thế chiến II và việc Đức Quốc Xã chiếm đóng các nước lân cận là thấy ngay. Theo tôi, những ngày đầu của cuộc chiến Biển Đông, Mỹ sẽ cày nát các đảo nhân tạo của Tàu bằng hỏa tiển và bom lớn, trong khi đó TQ sẽ ồ ạt xâm lăng VN và chiếm các phi trường quan trọng của VN. Đồng thời Mỹ cũng làm như vậy với phía Phi Luật Tân, có thể với sự thỏa thuận ngầm của Phi, vì việc Mỹ thắng trận sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Phi, trong khi nếu TQ thắng thì Phi sẽ mất tất cả.

    Để hưởng lợi khi Mỹ thắng Tàu, phía VN nên phòng thủ kỹ ngăn cản không cho Tàu chiếm các phi trường của mình để chống Mỹ. Đồng thời, nếu khôn khéo hơn và liều lĩnh hơn thì vờ vịt cho Mỹ "cưỡng chiếm" các phi trường ở phía Nam để đánh nhau với Tàu. Dĩ nhiên là hô hoán rằng mình bị Mỹ chiếm đóng ngoài ý muốn. Việc đồng minh với Mỹ để chống Tàu này sẽ giúp triệt tiêu hiểm họa mất Biển Đông và mất nước vào tay Tàu. Sau khi bị bại trận, có thể phương Tây sẽ chia Tàu ra nhiều mảnh và triệt tiêu vĩnh viễn đại họa Tàu Cộng gây ra cho hòa bình và thịnh vượng của thế giới.

    Nói là vậy thôi, chứ hiện nay Tàu đã tiềm phục khắp nơi ở VN. Khi cuộc chiến Biển Đông Trung Mỹ xảy ra, phía Tàu sẽ nhân cơ hội chiếm đóng luôn VN để thực hiện một công hai việc. Vừa sử dụng lãnh thổ VN để đánh Mỹ, vừa hoàn thành giấc mơ muôn đời của người Tàu là chiếm giữ và đồng hóa Việt tộc.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)