Báo Việt Nam khơi vụ ‘đất vàng’ của con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Khoảng 20 ngày sau khi Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bị đề nghị kỷ luật vì "Vi phạm trong quản lý đất quốc phòng", một số báo nhà nước phanh phui vụ ông này ký công văn "chỉ định nhà đầu tư cho khu đất 448B Nguyễn Tất Thành, quận 4, Sài Gòn" liên quan đến công ty Bản Việt của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Khu đất 448B Nguyễn Tất Thành theo quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của quận 4, lô đất 16.000 mét vuông nằm nhìn ra sông Sài Gòn vẫn là đất phục vụ cho mục đích quốc phòng
Báo Nhà Đầu Tư tường thuật : "Ngay sau khi hoàn tất thâu tóm dự án 3A-3B Tôn Đức Thắng từ Công ty Phương Nam thuộc Bộ Quốc phòng, Công ty cổ phần Bất Động Sản Bản Việt (VCRE) từ đầu năm 2013 bắt đầu tiếp cận lô đất 16.000 mét vuông tại 448B Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, Sài Gòn, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân. Ngày 4/7/2015, Bộ Quốc phòng có công văn gửi thủ tướng (thời điểm đó là ông Nguyễn Tấn Dũng) về việc chuyển mục đích, chuyển quyền sử dụng đất quốc phòng theo hình thức bán chỉ định tại 448B Nguyễn Tất Thành".
Những khu đất kể trên được coi là ‘đất vàng’ nằm trên vị trí đắc địa của trung tâm thành phố Sài Gòn.
"Công văn do ông Nguyễn Văn Hiến ký khẳng định Công ty cổ phần Bất Động Sản Riverside Park (công ty con của Bản Việt) có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án tại khu đất số 448B Nguyễn Tất Thành, cam kết thực hiện mọi nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành, bảo đảm thanh toán kịp thời tiền sử dụng đất phải trả cho Quân chủng Hải quân. Đơn vị chủ quản của Riverside Park là Bản Việt đã liên hệ làm việc với Quân chủng Hải quân từ tháng 4/2013 đến nay, và luôn thể hiện quyết tâm, mong muốn được triển khai dự án đầu tư trên khu đất số 448B Nguyễn Tất Thành theo trình tự pháp luật", báo Nhà Đầu Tư cho hay.
Địa chỉ 448B Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, Sài Gòn, hiện vẫn là doanh trại quân đội cộng sản Việt Nam. (Hình : nhadautu.vn)
Tuy vậy, hôm 5/5/2019, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phát đi thông cáo nói ông Nguyễn Văn Hiến "chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng".
Đồng thời, văn bản nêu trên cũng khẳng định : "Thực trạng khu đất 448B Nguyễn Tất Thành theo quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018 của quận 4, lô đất 16.000 mét vuông nằm nhìn ra sông Sài Gòn vẫn là đất phục vụ cho mục đích quốc phòng".
Do vậy mà báo Nhà Đầu Tư đặt tựa cho bài báo nêu trên là "Bất Động Sản Bản Việt và ‘mối tình’ dang dở với 16.000 mét vuông ‘đất vàng’ quận 4".
Trước đó, một bài khác liên quan đến Bản Việt trên trang web nhadautu.vn viết : "Sau nhiều ‘động tác,’ lô đất 3A-3B Tôn Đức Thắng của Công ty Phương Nam thuộc Bộ Quốc phòng đã được ‘tư nhân hóa’ thành công và trở thành dự án VietCapital Center với những căn hộ siêu đắt đỏ đồng thời là trụ sở mới của Ngân hàng Bản Việt (VietCapital Bank, được hiểu là thuộc sở hữu của bà Phượng)".
"Đối tác tư nhân đã đồng hành với Công ty Phương Nam trong thương vụ 3A-3B Tôn Đức Thắng và chi phối tới 85% cổ phần địa ốc Phương Nam 3A-2 là Bất Động Sản Việt Hưng 3A-2", báo này cho hay.
Hồ sơ của nhadautu.vn thể hiện "Bất Động Sản Việt Hưng 3A-2 là công ty con 99.9% vốn của Công ty cổ phần Bất Động Sản Bản Việt–pháp nhân do vợ chồng bà Nguyễn Thanh Phượng, thành viên Hội Đồng Quản Trị VietCapital Bank, nắm 84%".
Trong một diễn biến khác, Facebook Truong Huy San của nhà báo Huy Đức, dẫn link một bài báo về việc Bản Việt thâu tóm khu đất 3A-3B Tôn Đức Thắng và ghi : "Không muốn bình luận".
Lâu nay, các báo nhà nước ở Việt Nam gần như không bao giờ đưa "tin tiêu cực" liên quan đến các thương vụ hoặc các quỹ đầu tư, doanh nghiệp thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thanh Phượng. Trước bài trên báo Nhà Đầu Tư, các báo cũng không hề nhắc tên bà Phượng trong các bài báo về các thương vụ đất đai của Bản Việt.
Đáng lưu ý, trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) ồn ào trên mặt báo thời gian qua, một số blogger thạo tin đưa cáo buộc bà Phượng mới là "trùm cuối" và là người sắp đặt mọi chuyện nhưng bà hiện "vẫn vô sự".
Đến nay, trong vụ này, đã có hai cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn và cựu Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ lần lượt bị khởi tố, bắt tạm giam.
Ông Phạm Nhật Vũ, 47 tuổi, là em trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Ông Vượng là chủ tịch tập đoàn Vingroup và là người giàu nhất Việt Nam với tài sản khoảng 7,6 tỷ USD.
T.K.
Nguồn : Người Việt, 24/05/2019
Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một trường học của nhà dòng nằm trong số 9 lô "đất vàng" sắp được mang ra bán đấu giá lần đầu tiên tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhà nguyện tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Thông tin này được chính quyền thành phố đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 2/5, sau khi xuất hiện loạt bài "đấu tố" một nhóm tôn giáo có tên "Hội Thánh Đức Chúa Trời" (hay "Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ") trên truyền thông nhà nước. Một linh mục Công giáo hoạt động về truyền thông nhận định với VOA rằng đây có thể là bước "chuẩn bị dư luận" cho việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo sắp tới.
Từ áp lực nhiều phía…
Đại diện của Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, nữ tu Đặng Thị Mỹ Hạnh, tối 2/5 cho VOA biết nhà dòng chưa hề nhận được bất cứ thông báo gì về việc bán đấu giá khu nhà hiện đang là nơi ở của hàng trăm nữ tu.
"Không có một văn thư nào. Chỉ nghe người này người kia nói nên vô trang báo Tuổi Trẻ đọc thông tin thì thấy hơi lạ", nữ tu Mỹ Hạnh nói.
Khu vực Nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm được xem là một di sản văn hóa giữa lòng đô thị phồn thịnh nhất Việt Nam. Các nữ tu của nhà dòng đã có mặt tại vùng đất này từ khi nơi đây vẫn còn là một khu rừng hoang.
Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được thành lập vào năm 1840 với tài sản ban đầu là căn chòi lá dựng cạnh một gốc me hiện vẫn tồn tại như một chứng tích lịch sử.
Sau đó, nhà dòng dần dần phát triển và xây dựng thêm 3 khu trường học để phục vụ nhu cầu giáo dục của người dân trong khu vực.
"Năm 1975, vì nhu cầu của đất nước và theo yêu cầu của Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình yêu cầu nhà dòng giao trường cho nhà nước để họ dạy học. Lúc đó, nhà dòng đồng ý giao trường với mục đích giáo dục. Đến năm 2011 là hết học trò, họ lại đưa UBND, trụ sở Công an và các văn phòng của họ vào ở, nên các soeur viết văn thư yêu cầu họ trả trường lại, vì chúng tôi hiến cho mục đích giáo dục, nếu không giáo dục nữa thì phải trả cho chúng tôi. Nhưng từ năm 2011 đến nay, họ không giải quyết cho mình. Họ nói rằng cái đó đã giao cho nhà nước rồi thì thuộc về nhà nước", Soeur Mỹ Hạnh cho biết.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm trong tương lai.
Một trong 3 khu nhà của Trường Tiểu học Thủ Thiêm đã bị chính quyền phá dỡ vào năm 2015 để làm đường cho dự án xây dựng đô thị mới.
Tuy nhiên, những nỗ lực sau đó của chính quyền nhằm "san phẳng" khu vực này đã vấp phải sự phản kháng ôn hòa của các nữ tu và giáo dân.
"Nhà dòng vẫn giữ quan điểm là ở lại, không đi đâu hết, vì mình đã ở đây trên 178 năm rồi. Tên nhà dòng là Thủ Thiêm. Mình đã ở đây, gắn bó bao nhiêu năm rồi. Tên của nhà dòng là ở đây, chẳng lẽ đi đâu rồi đổi tên khác", Soeur Mỹ Hạnh nói.
Nữ tu đại diện cho Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm nói nhà dòng vẫn đang chịu rất nhiều sức ép để buộc phải di dời, từ việc đại diện chính quyền đến mời các nữ tu đi xem những khu đất mới, hay nêu ra những "khó khăn" về cơ sở hạ tầng khi người dân xung quanh đã bị buộc phải di dời hết, đến những can thiệp trực tiếp như chặn đường vào nhà dòng, cắt điện, nước… viện lý do dành ưu tiên cho các công trình xây dựng.
…đến tấm bản đồ mất tích bí ẩn
Linh mục Lê Ngọc Thanh, người phụ trách về lĩnh vực truyền thông của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nói với VOA rằng quyết định quy hoạch, giải tỏa nhà thờ và tu viện ở Thủ Thiêm có quá nhiều vấn đề khuất tất và cần phải được bàn thảo.
"Thứ nhất, trong quy hoạch ban đầu mà Thủ tướng duyệt, không có quy hoạch nhà thờ và đất của tu viện. Nhà thờ và tu viện hoàn toàn nằm ngoài quy hoạch", Linh mục Thanh nói.
Tại buổi họp báo ngày 2/5, khi báo chí truy vấn về tung tích của tấm bản đồ năm 1996 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thanh Nhã, nói "đã ‘truy tìm’ bản đồ này từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra", theo Zing.
Lý do ông Nhã đưa ra là do cơ quan di chuyển nên không lưu trữ bản đồ.
Trong khi đó, Chánh Văn phòng UBND Thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan lại nói "không phải là không có [bản đồ gốc] mà chưa tìm ra, cơ quan chức năng vẫn đang tìm", theo Tiền Phong.
Và như vậy, tung tích tấm bản đồ quy hoạch gốc vẫn còn là một ẩn số.
Bản đồ quy hoạch mới của Khu đô thị Thủ Thiêm.
Điều "không thỏa đáng" tiếp theo, theo Linh mục Thanh, là việc giải tỏa không hội đủ cơ sở để giải thích cho lý do buộc các cơ sở tôn giáo phải di dời, vì dự án xây dựng khu đô thị mới chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích kinh tế, không liên quan gì đến an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, "Khi khu dân cư được xây dựng xong, thì người dân cũng có nhu cầu phải có một nơi thờ tự. Vậy tại sao trên quy hoạch lại không ưu tiên cho đời sống tâm linh của người dân ?", Linh mục Thanh đặt thêm câu hỏi.
…và ‘chuẩn bị dư luận’ ?
Thông tin về vụ đấu giá "đất vàng" Thủ Thiêm được đưa ra sau khi truyền thông nhà nước rầm rộ đăng loạt bài "đấu tố" Hội Thánh Đức Chúa Trời với những lời lẽ nặng nề, cho rằng nhóm tôn giáo này là một "tà đạo" dựa trên luận điệu phản khoa học, "khiến cho các tín đồ mê muội, bỏ bê công ăn việc làm, gây ly tán gia đình chẳng khác gì tổ chức khủng bố IS".
Loạt bài này đã khiến không ít người dân hoang mang, thậm chí "gây căng thẳng" trong nội bộ các tôn giáo, và giữa người theo tôn giáo và không có tôn giáo, theo lời Linh mục Lê Ngọc Thanh. Ông cho rằng đây có thể là một bước "dọn đường dư luận" để tiến tới việc giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở Thủ Thiêm sắp tới.
LM Thanh phân tích :
"Sau khi đã chuẩn bị, họ mới công bố việc đấu giá này. Tức là họ dùng dư luận kia để làm cho dân chúng cảm thấy rằng có tôn giáo là sai lầm, bậy bạ, không đứng đắn, và bây giờ nếu có giải tỏa một cơ sở tôn giáo thì cũng là hợp lý, bình thường thôi".
Quyết định giải tỏa các cơ sở tôn giáo ở khu vực "đất vàng" Thủ Thiêm đã bị chỉ trích ở cả trong nước lẫn quốc tế. Nhiều trí thức Việt Nam cho rằng chính quyền "quá tham lam" và "thiếu tầm nhìn" khi đánh đổi những di sản văn hóa, tôn giáo để đạt được lợi ích kinh tế bằng mọi giá.
Dịp Tết Nguyên Đán năm ngoái, Tổng lãnh sự quán Canada tại Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi trên Facebook rằng : "Bạn nghĩ có nên phá hủy một di sản còn lâu đời hơn cả Canada ? Theo kế hoạch phát triển khu đô thị mới Thủ Thiêm tại Quận 2, chính quyền Sài Gòn dự định phá dỡ Tu Viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm để nhường chỗ cho khu đô thị mới. Tu viện được thành lập tại Thủ Thiêm vào năm 1840, nghĩa là đã ở đó được 177 năm (trong khi Canada vừa bước sang tuổi 150 năm nay). Bạn nghĩ thế nào nếu chúng ta hòa nhập những công trình mang tính lịch sử như thế này vào các khu đô thị mới thay vì phá dỡ chúng ?".
Tại cuộc họp báo ngày 2/5, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan chức năng phải có phương án di dời các cơ sở tôn giáo trong khu vực và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công.
9 lô đất, với tổng diện tích 78.000 m2, sẽ được quy hoạch thành khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng của đô thị mới Thủ Thiêm. Dự tính tổng mức đầu tư khởi điểm lên đến 27.000 tỷ đồng.
Khánh An
Nguồn : VOA, 03/05/2018