Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc đưa về Việt Nam theo khẳng định cùng với sự giận dữ và những biện pháp ngoại giao nặng nề của Bộ ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức đã là một chủ đề nóng trên mạng Internet cũng như toàn xã hội Việt Nam trong và ngoài nước gần chục ngày qua.

vu01

Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức.AFP photo

Ngoài việc trục xuất trưởng đại diện tình báo Việt Nam trong vòng 48 tiếng, bản Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức cũng ghi rõ : "Chúng tôi cũng bảo lưu quyền áp dụng thêm các biện pháp khác trên bình diện chính trị, kinh tế và chính sách hợp tác phát triển".

Còn Ngoại trưởng Đức, ông Sigmar Gabriel : "Chúng ta không thể trở lại tình trạng bình thường, làm như là không có chuyện gì xảy ra".

Quan sát sự việc dưới góc độ xã hội và luật pháp qua bản chất sự việc, người ta mới nhận ra nhiều điều qua sự việc này về mánh lới tuyên truyền bịp bợm, về nhận thức của người dân...

Thậm chí không chỉ là những người mà nhà nước thường gọi là "dân trí thấp".

Tự thú hay bắt cóc ?

Trước hết, điều người ta thắc mắc đầu tiên về vụ việc này là có thật Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc như tuyên bố của Bộ Ngoại giao Cộng hòa liên bang Đức ? Hay Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú như những thông tin của nhà nước Việt Nam chính thức đưa tin ?

Qua những gì được thể hiện, chỉ cần sự chững chạc trong giận dữ và hành xử của phía Cộng hòa liên bang Đức, cũng như sự lấn bấn, lúng túng và thiếu minh bạch của Nhà nước Việt Nam, người dân ít quan tâm nhất cũng tự đặt ra cho mình những câu hỏi để qua đó có thể tự trả lời mà rút cho mình đâu là sự thật :

- Trịnh Xuân Thanh bị Việt Nam tuyên bố truy nã quốc tế tại sao người ta tìm mãi trong danh sách Interpol có rất nhiều người Việt lại không có cái tên Trịnh Xuân Thanh ?

- Trong lệnh truy nã của Việt Nam, tờ nào cũng có ghi : "Bất cứ ai cũng có quyền bắt Trịnh Xuân Thanh đến giao nộp cho cơ quan công an...". Trước đó, Việt Nam tuyên bố Trịnh Xuân Thanh đã đến một nước Châu Âu. Vậy Trịnh Xuân Thanh từ Châu Âu về đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bằng con đường nào để không bị bắt ngay tại biên giới, tại cửa khẩu khi nhập cảnh hoặc trên đường ? Hay Trịnh Xuân Thanh có phép xuất quỷ nhập thần và đã thi thố cái tài đó trong trường hợp này ?

- Tại sao, Trịnh Xuân Thanh bị truy nã khi ở nước ngoài đã gây sự chú ý của toàn xã hội, từ Tổng bí thư Đảng cho đến bà đánh dậm dưới ao, thế mà ngang nhiên về nước rồi đến cơ quan công an đầu thú mà Bộ trưởng Công an không hề hay biết ?

- Vì sao chính phủ Cộng hòa liên bang Đức giận dữ đến mức đó ? Phải chăng là không có việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc trên đất Đức, chỉ vì Cộng hòa liên bang Đức thích giận giữ và làm căng thẳng quan hệ hai nước mà thôi ?

- Tại sao chính phủ Cộng hòa liên bang Đức, một nhà nước dân chủ, pháp quyền lại bao che cho Trịnh Xuân Thanh là người bị Đảng cộng sản Việt Nam kỷ luật và cáo buộc tham nhũng ? Phải chăng, nhà nước này đang bao che cho tham nhũng và tội phạm ?

- Trịnh Xuân Thanh có phải là tội phạm hay chưa ? Tại sao Trịnh Xuân Thanh lại có thể xin tỵ nạn ở Cộng hòa liên bang Đức ?

- Tại sao Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam đầu thú có đơn, đưa lên truyền hình rằng tôi tự thú... Vậy mà khi Cộng hòa liên bang Đức tố cáo mạnh mẽ, đuổi đại diện cơ quan tình báo Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin về đồng thời mạnh mẽ cảnh báo nhiều hậu quả khác mà Việt Nam lại nhu nhược, hèn nhát đến mức chỉ cho người phát ngôn lên truyền hình nhỏ nhẹ : "Tôi lấy làm tiếc..." - nghĩa là cô gái này lấy làm tiếc còn Việt Nam thì chưa ý kiến gì ?

Chỉ cần trả lời những câu hỏi trên, thiết nghĩ người dân thường cũng biết được sự thật có đúng như hệ thống tuyên truyền Việt Nam đã và đang tung hứng.

Dân trí và nhận thức luật pháp

Chúng tôi đã có bài viết : Qua vụ Trinh Xuân Thanh : Nghĩ về một thói quen hành xử, ở đó chúng tôi đã chỉ những hành động côn đồ xuất khẩu ra quốc tế này chỉ là bước tiếp theo của những hành động vốn đã thành thói quen hành xử trong nước xưa nay.

Ở đó chúng tôi cũng đã đặt vấn đề liệu Trịnh Xuân Thanh có phải là quan chức tham nhũng duy nhất ở Việt Nam và việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có phải chỉ nhằm mục đích cho "cuộc chiến chống tham nhũng" ?

Ngoài việc dùng truyền thông nhằm lấp liếm đi hành động của nhà cầm quyền tự ý bắt cóc người trên lãnh thổ của Cộng hòa liên bang Đức làm người Đức giận dữ, thì đám báo chí và dư luận viên (một dạng an ninh và tay chân của công an) đã to mồm kêu gào : Nhà nước Đức thiếu thiện chí, bảo kê tham nhũng, rửa tiền... và dù bằng cách nào, thì miễn là bắt được Trịnh Xuân Thanh về chịu tội tham nhũng là được...

Thậm chí, cho đến khi những dòng chữ này viết ra, thì ở Việt Nam cũng như trên thế giới, chưa có một phiên tòa nào được mở để kết luận Trịnh Xuân Thanh là có tội, cho dù đó là một phiên tòa đểu kiểu như phiên tòa cách đây đúng 6 năm, ngày 2/8/2011 tại Hà Nội xử Cù Huy Hà Vũ đi nữa. Tại phiên tòa đó, người ta bất chấp sự thật, bất chấp lý lẽ, luật lệ để tuyên án Cù Huy Hà Vũ có tội và kết án 7 năm tù giam. Cũng tại phiên tòa đó, Luật sư Trần Đình Triển đã chứng kiến sự bất nhân và những trò đểu của hệ thống tòa án cộng sản. 

Thế nhưng, ngay cả phiên tòa đểu như vậy, hiện vẫn chưa có để kết tội Trịnh Xuân Thanh, thì không rõ căn cứ vào đâu mà các tiến sĩ luật, luật sư... cùng đồng lòng với đám dư luận viên kết tội khơi khơi Trịnh Xuân Thanh là tội phạm, là rửa tiền, là cố ý làm trái... mà tất cả những điều đó, chỉ căn cứ vào lời của Đảng và báo chí nhà nước. Để rồi đi đến kết luận : "Tôi cho rằng đó là ý kiến thiếu thận trọng, vội vàng, chưa quán triệt nguyên tắc các Công ước quốc tế mà Việt Nam và Cộng hòa liên bang Đức đã tham gia ký kết..".

Vậy phải chăng, ở đây, các ông tiến sĩ và luật sư ở đây đồng ý rằng chỉ cần Đảng muốn và dùng báo chí của đảng thì đã đủ để thay Tòa án ?

Thế là, lẽ ra đối tượng bị ném đá là Trịnh Xuân Thanh vì những "thành tích làm bay hơi hàng ngàn tỷ đồng của dân" thì lại diễn ra một quá trình tranh luận khác, đó là "ném đá" những người bảo vệ việc bắt cóc của một "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trên đất nước khác".

Mục đích biện minh cho phương tiện ?

Xưa nay, trong chế độ cộng sản việc đạt bằng được mục đích đặt ra là một điều luôn được ưu tiên, dù mục đích đó là gì và việc đạt mục đích đó bằng những biện pháp nào. Khi đạt được mục đích, thì mọi việc được coi là thắng lợi.

Chẳng hạn, để thực hiện lệnh từ quan thầy Quốc tế cộng sản từ Nga, Tàu, những năm 50 của thế kỷ trước, nhằm triệt tiêu tầng lớp tinh hoa, giàu có của dân tộc để tiện lợi cho việc tiến hành cuộc Cách mạng vô sản, việc tập hợp quần chúng làm những cuộc lên đồng tập thể, cướp bóc có tổ chức trong toàn xã hội như những tập duyệt cho đám Công - Nông liên minh, Quốc tế cộng sản đã đặt ra mục đích Cải Cách ruộng đất.

Đảng cộng sản Việt Nam đã tiến hành cuộc Cải cách ruộng đất, gây nên một tội ác đẫm máu với dân tộc. Hồ Chí Minh đã từng phải có động tác "tự phê bình, lau nước mắt" trước hàng chục, hàng trăm ngàn người dân bị oan khuất và mất mạng vì cuộc Cải cách ruộng đất này. Sau này để giảm bớt tội lỗi của mình với dân tộc chính những người cộng sản Việt Nam đã tự biện minh rằng : Khi đó, đảng ta bị áp lực từ Đảng cộng sản Trung Quốc và Liên Xô trong Quốc tế cộng sản... Thế nhưng, chính những lời lẽ đó đã hạ bệ uy tín Đảng cộng sản, luôn luôn có những lời lẽ rêu rao rằng "Đảng ta đã luôn có đường lối độc lập, tự chủ và sáng tạo"...

Dàn dư luận viên của đảng trước hết là chối bỏ việc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc bằng những lập luận : Bằng chứng đâu, Trịnh Xuân Thanh về nước là tự nguyện, là do hối lỗi, là để hưởng lượng khoan hồng của đảng nhà nước... thôi thì đủ mọi lời lẽ biện minh.

Thế nhưng, khi cộng đồng quốc tế và mạng xã hội làm sáng tỏ vụ bắt cóc, thì dàn dư luận viên giở bài cùn rằng : Miễn là bắt được Trịnh Xuân Thanh về trị tội, còn bắt cách nào thì... thoải mái.

Khi đạt được mục đích, thì mọi phương tiện, cách làm đều được nhà nước chấp nhận. Chính tư duy này đã và đang được bằng mọi cách áp đặt lên suy nghĩ của người Việt Nam trong xã hội ngày nay.

Các Luật sư, tiến sĩ... về luật, những người mà lẽ ra với sự hiểu biết của mình sẽ phân tích cho xã hội những vấn đề đen, trắng, đúng, sai trong từng vụ việc dưới khía cạnh luật pháp và hành xử thượng tôn luật pháp. Điều đó cũng chính là giúp cho đảng cộng sản, cho nhà nước như họ muốn, để đảng, nhà nước biết mà sửa sai cái thói côn đồ để tự biến mình thành côn đồ quốc tế.

Thì qua vụ án này, ngược lại có những người trong số họ lại là những người hành xử với tư duy độc tài và phe nhóm, cũng chỉ nhằm bảo vệ lợi ích của đám phe nhóm đang đánh nhau theo kiểu "lựa theo chiều gió" mà người ta chưa hiểu họ đang mong đợi điều gì ? Phần còn lại, những Luật sư hiểu biết lại ngại va chạm, ngại ảnh hưởng đến mình, đồng nghiệp mình... mà im lặng ?

Lẽ nào họ không biết phân tích luật pháp và nhìn nhận vấn đề trên cơ sở luật pháp rằng : Nhà nước Đức đã không phản đối vì việc Việt Nam bắt Trịnh Xuân Thanh ra tòa để luận tội. Nhưng nhà nước Cộng hòa liên bang Đức đã không đồng ý và phản ứng dữ dội bởi chủ quyền của họ bị xâm phạm khi nhà nước Việt Nam tổ chức bắt cóc người trên đất nước họ mà không đượ sự đồng ý của họ, dù người đó là ai.

Phải chăng, việc nhà nước Đức phản ứng dữ dội vì chủ quyền bị xâm phạm lại đã trở thành chuyện lạ ở Việt Nam, khi mới mấy hôm thôi, nhà nước Việt Nam đã lặng lẽ cất ván, rút dù buộc nhà thầu khoan thăm do dầu khí tại Bãi Tư Chính, trong thềm lục địa Việt Nam, chỉ vì anh bạn vàng của Đảng mới hắng giọng ?

Và điều đáng buồn ở đây, là tư duy "Mục đích biện minh cho phương tiện" người cộng sản đã thành công trong việc xây dựng một nền tư pháp độc tài không chỉ với đám dư luận viên hoặc những người dân dân trí thấp mà ngay trong cả những tầng lớp luật sư, trí thức được coi hoặc tự nhận là hiểu biết.

Với tư duy và nhận thức như vậy, thì một nhà nước pháp quyền còn là một mơ ước xa vời với Việt Nam.

Hà Nội, Ngày 10/8/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

Nguồn : RFA, 10/08/2017 (nguyenhuuvinh's blog)

Published in Diễn đàn

Đức bảo vệ sự an toàn cho Trịnh Xuân Thanh không phải là bảo vệ kẻ tham nhũng :

Sự kiện hy hữu về trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức đã là một cơn sốc gây bão truyền thông và sóng gió bang giao.

Résultat de recherche d'images pour "Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện với gương mặt phờ phạc, không bình thường"

Một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức

Báo mạng đầu tiên đưa tin về việc này là Thời báo.de tại Berlin và BBC tiếng Việt tại London, đó thực sự là một sự dấn thân và là thành công trong nghề làm báo. Bằng việc phát hiện sớm nhất và dũng cảm đưa tin tức về sự bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, họ đã kịp thời đánh động dư luận cùng các nhà chức trách, công dân Đức, công dân Việt Nam đang cư trú tại Đức và các nơi trên thế giới phải kịp thời cảnh giác và ngăn chặn nạn bắt cóc, khủng bố theo kiểu các băng đảng mafia nhà nước đối với các công dân Việt Nam.

Sự kiện này đương nhiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có rất nhiều người Việt Nam đã mạnh mẽ lên án sự hành xử theo kiểu đáng hổ thẹn này.

Mặc dù vậy, hai tờ báo nói trên đã hứng chịu khá nhiều “gạch đá” và mạt sát theo kiểu suy diễn nhầm lẫn về bản chất của sự việc.

Sự nhầm lẫn này gây không ít ý kiến bày tỏ sự tức giận với việc một số phóng viên cũng như Bộ Ngoại giao Đức đã “không ủng hộ, không giúp cho việc bắt giữ tên tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, lại còn ra sức bênh vực và che chở cho kẻ tội phạm...”.

Phẫn nộ với những kẻ tham nhũng, bày tỏ mong muốn chống tham nhũng là điều hoàn toàn chính đáng và là trách nhiệm công dân. Nhưng chúng ta không nên nhẫm lẫn giữa việc nhà nước Đức quyết liệt bảo vệ quyền được an toàn cho Trịnh Xuân Thanh về phương diện pháp lý với việc bảo vệ cho một kẻ tham nhũng.

Ngày 31 tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh được nhà cầm quyền Việt Nam thông báo đã “về đầu thú”.

Thông tin đó là một chứng cứ hiển nhiên cho các nhà chức trách Đức kể từ ngày 23.7 đang đau đầu tìm xem Trịnh Xuân Thanh hiện đang ở đâu, trong bàn tay ai kể từ khi anh ta bỗng dưng biễn mất tại Berlin.

Trái ngược khẳng định của phía Việt Nam, hai ngày sau, 2/08/2017, Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố là Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc, qua “những chứng cứ không thể nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin...“ và yêu cầu đại diện an ninh Việt Nam tại sứ quán có 48 h để dọn về nước, đồng thời “yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được phép trở về Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ và yêu cầu xin tị nạn của ông được xem xét thấu đáo”... ” (Theo BBC, bài “Tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức về trường hợp Trịnh Xuân Thanh”).

 Đương nhiên yêu cầu và danh dự của nước Đức không phải là chuyện có thể đùa giỡn. Khi phía luật sư và cảnh sát ở Berlin đưa ra những bằng cứ cho thấy đó là một vụ bắt cóc, phản ứng nói trên của Bộ Ngoại giao Đức là đương nhiên trong một đất nước văn minh.

 Điều này thể hiện tính chất nhân đạo cũng như tinh thần tôn trọng pháp quyền của nhà nước Đức. Nhà nước Đức thực hiện quy định của Hiến pháp, bảo vệ an toàn và quyền con người đối với tất cả mọi công dân từ khắp nơi trên thế giới đang sinh sống hoặc đến nộp đơn xin tị nạn ở Đức, hoàn toàn không có biệt lệ nào cho riêng Trịnh Xuân Thanh.

Theo quy định của Đức, các công dân khi nộp đơn xin tị nạn, sẽ phải trải qua một quá trình sàng lọc kiểm tra mức độ về lý do tị nạn có chính đáng không và mức độ trung thực của người đó cùng một số vấn đề khác để xem anh ta có đủ tiêu chuẩn được nhận quyết định chấp nhận ở lại nước Đức lâu dài hay không.

Để có câu trả lời xác đáng, cần có một khoảng thời gian tối thiểu cho hệ thống độc lập cứu xét vận hành, kiểm tra các chứng cứ để cuối cùng đưa ra quyết định công nhận tị nạn hay khước từ đơn của người đó. Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn và đang nằm trong quá trình xem xét, chưa nhận được quyết định chấp nhận.

Với thông tin thời Internet, nhà cầm quyền Đức rất thuận lợi để tìm hiểu những chứng cứ về việc người đệ đơn đó chỉ vờ vịt tỏ ra chống đối nhà cầm quyền Việt Nam để phục vụ cho lợi ích thực dụng của anh ta như chạy trốn khỏi sự trừng phạt về tội tham nhũng hay là anh ta đã có một quá trình lâu dài bất đồng chính kiến, có những hành động phản đối nhà cầm quyền xâm phạm quyền con người và quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền lợi chung hay không...

Nhưng trong thời gian chờ quyết định ban hành, ngay sau khi đệ đơn xin tị nạn, người nào cũng được cấp miễn phí đồ ăn uống đảm bảo sức khỏe, chỗ ở ấm áp, văn minh với diện tích tối thiểu khoảng 6m2 /người (ở phòng chung hoặc riêng), được cấp tiền mua quần áo và tiền tiêu vặt tối thiểu, tiền mua vé tàu xe đi lại... Đặc biệt, người đó đương nhiên được bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể cũng như quyền tự do ngôn luận và nhiều quyền lợi khác...Việc để cho những kẻ côn đồ hoặc mafia tìm đến bắt cóc, hành hung, thủ tiêu người đang sống ngay trên nước Đức là điều hoàn toàn không thể chấp nhận và nhà chức trách Đức phải lập tức có những phản ứng quyết liệt để bảo vệ sự an toàn của bất kỳ công dân nào.

Trịnh Xuân Thanh được bảo vệ là bởi lý do đó, như tất cả mọi công dân khác đến xin tị nạn hoặc đang sống tại Đức.

Ở đây không có gì đặc biệt, hoàn toàn không có nghĩa là nhà cầm quyền Đức lầm tưởng về Trịnh Xuân Thanh và lên tiếng che chở cho một tội phạm tham nhũng Việt Nam như một số người lầm tưởng.

Cần đưa thêm bằng chứng :

Ai cũng có thể đoán trước việc nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đưa được Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình “xác nhận tự về đầu thú và có đơn tự thú mang bút tích của anh ta” vì điều đó hoàn toàn nằm trong tay họ.

Trịnh Xuân Thanh nói về việc tự đầu thú trên truyền hình Việt Nam là có thật, nhưng điều này chưa đủ để thuyết phục dư luận và nhà chức trách Đức khi Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện với gương mặt phờ phạc, không bình thường. Thêm nữa, địa điểm xuất hiện cũng rất bất thường, khi liền ngay sau lưng anh ta là một tủ đứng lớn và sát ngay bên hông là một tấm rèm cũng rộng và buông dài đến tận đất. Sự bất thường ấy khiến người ta không thể không đặt câu hỏi : liệu có chăng bao nhiêu họng súng đang chĩa vào Trịnh Xuân Thanh sau tấm rèm lay động để buộc anh ta phải nói theo nội dung mà nhà cầm quyền muốn ?

Hiện nay bên cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc cũng cần đưa thêm những bằng chứng không thể bác bỏ về việc nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và việc anh ta không tự nguyện về đầu thú.

Đáng thất vọng là Việt Nam chưa đưa ra được những chứng cứ thuyết phục để bác bỏ việc bắt cóc, Họ né tránh câu trả lời trực tiếp vào việc có bắt cóc hay không, chỉ nói rằng “theo thông báo từ Bộ Công an Việt Nam ngày 31 tháng 7, “công dân Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự cơ quan an ninh điều tra đầu thú. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc”.(theo Lao động. 3.08/2017). Lá bùa của họ chỉ là những lời và “đơn tự thú” của Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình.

Như một sự chống đỡ, trong bài “Trịnh Xuân Thanh đáng bị chịu tội hay bảo vệ” (m.nguyenphutrong.org- trang Web của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) có viết : ...”việc bắt cóc một đối tượng phạm tội đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, tuy nhiên nó không hề lạ lẫm với thế giới. Việc bắt cóc những người phạm tội là hình thức được áp dụng từ rất lâu và nó cũng được cho rằng nó gây ra mối căng thẳng cho nhiều nước. Tuy nhiên cũng đã có một số ý kiến khẳng định việc lên tiếng chỉ là hình thức bởi nếu không có sự hỗ trợ của nước sở tại thì việc bắt cóc cũng khó tiến hành suôn sẻ...”.

Trong quá khứ và hiện tại, Việt Nam đã có quá nhiều hành vi không trung thực trong vô số vụ việc khác khiến tất cả những gì được đưa ra từ họ thì dư luận đều nghi ngờ và không tin nếu chưa qua kiểm chứng kỹ lưỡng.

Về vụ Trịnh Xuân Thanh, công luận đang chờ đợi thông tin tiếp diễn từ ba phía : nhà cầm quyền Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh và nhà chức trách Đức.

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 05/08/2017

Published in Diễn đàn