Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/08/2017

Chiếc cáng, người đàn bà và “đầu thú”

Võ Thị Hảo

Đức bảo vệ sự an toàn cho Trịnh Xuân Thanh không phải là bảo vệ kẻ tham nhũng :

Sự kiện hy hữu về trường hợp nhà cầm quyền Việt Nam, cụ thể là một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức đã là một cơn sốc gây bão truyền thông và sóng gió bang giao.

Résultat de recherche d'images pour "Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện với gương mặt phờ phạc, không bình thường"

Một mhóm người có liên quan đến đại sứ quán Việt Nam tại Đức – bị tố cáo là đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vào 10g40 ngày 23/7/2017 ngay tại thủ đô nước Đức

Báo mạng đầu tiên đưa tin về việc này là Thời báo.de tại Berlin và BBC tiếng Việt tại London, đó thực sự là một sự dấn thân và là thành công trong nghề làm báo. Bằng việc phát hiện sớm nhất và dũng cảm đưa tin tức về sự bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, họ đã kịp thời đánh động dư luận cùng các nhà chức trách, công dân Đức, công dân Việt Nam đang cư trú tại Đức và các nơi trên thế giới phải kịp thời cảnh giác và ngăn chặn nạn bắt cóc, khủng bố theo kiểu các băng đảng mafia nhà nước đối với các công dân Việt Nam.

Sự kiện này đương nhiên thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và có rất nhiều người Việt Nam đã mạnh mẽ lên án sự hành xử theo kiểu đáng hổ thẹn này.

Mặc dù vậy, hai tờ báo nói trên đã hứng chịu khá nhiều “gạch đá” và mạt sát theo kiểu suy diễn nhầm lẫn về bản chất của sự việc.

Sự nhầm lẫn này gây không ít ý kiến bày tỏ sự tức giận với việc một số phóng viên cũng như Bộ Ngoại giao Đức đã “không ủng hộ, không giúp cho việc bắt giữ tên tham nhũng Trịnh Xuân Thanh, lại còn ra sức bênh vực và che chở cho kẻ tội phạm...”.

Phẫn nộ với những kẻ tham nhũng, bày tỏ mong muốn chống tham nhũng là điều hoàn toàn chính đáng và là trách nhiệm công dân. Nhưng chúng ta không nên nhẫm lẫn giữa việc nhà nước Đức quyết liệt bảo vệ quyền được an toàn cho Trịnh Xuân Thanh về phương diện pháp lý với việc bảo vệ cho một kẻ tham nhũng.

Ngày 31 tháng 7/2017, Trịnh Xuân Thanh được nhà cầm quyền Việt Nam thông báo đã “về đầu thú”.

Thông tin đó là một chứng cứ hiển nhiên cho các nhà chức trách Đức kể từ ngày 23.7 đang đau đầu tìm xem Trịnh Xuân Thanh hiện đang ở đâu, trong bàn tay ai kể từ khi anh ta bỗng dưng biễn mất tại Berlin.

Trái ngược khẳng định của phía Việt Nam, hai ngày sau, 2/08/2017, Văn phòng Bộ Ngoại giao Đức ra tuyên bố là Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc, qua “những chứng cứ không thể nghi ngờ về sự liên quan của các cơ quan và Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin...“ và yêu cầu đại diện an ninh Việt Nam tại sứ quán có 48 h để dọn về nước, đồng thời “yêu cầu ông Trịnh Xuân Thanh được phép trở về Đức ngay để có thể tiến hành việc Việt Nam yêu cầu dẫn độ và yêu cầu xin tị nạn của ông được xem xét thấu đáo”... ” (Theo BBC, bài “Tuyên bố của Bộ ngoại giao Đức về trường hợp Trịnh Xuân Thanh”).

 Đương nhiên yêu cầu và danh dự của nước Đức không phải là chuyện có thể đùa giỡn. Khi phía luật sư và cảnh sát ở Berlin đưa ra những bằng cứ cho thấy đó là một vụ bắt cóc, phản ứng nói trên của Bộ Ngoại giao Đức là đương nhiên trong một đất nước văn minh.

 Điều này thể hiện tính chất nhân đạo cũng như tinh thần tôn trọng pháp quyền của nhà nước Đức. Nhà nước Đức thực hiện quy định của Hiến pháp, bảo vệ an toàn và quyền con người đối với tất cả mọi công dân từ khắp nơi trên thế giới đang sinh sống hoặc đến nộp đơn xin tị nạn ở Đức, hoàn toàn không có biệt lệ nào cho riêng Trịnh Xuân Thanh.

Theo quy định của Đức, các công dân khi nộp đơn xin tị nạn, sẽ phải trải qua một quá trình sàng lọc kiểm tra mức độ về lý do tị nạn có chính đáng không và mức độ trung thực của người đó cùng một số vấn đề khác để xem anh ta có đủ tiêu chuẩn được nhận quyết định chấp nhận ở lại nước Đức lâu dài hay không.

Để có câu trả lời xác đáng, cần có một khoảng thời gian tối thiểu cho hệ thống độc lập cứu xét vận hành, kiểm tra các chứng cứ để cuối cùng đưa ra quyết định công nhận tị nạn hay khước từ đơn của người đó. Trịnh Xuân Thanh đã nộp đơn xin tị nạn và đang nằm trong quá trình xem xét, chưa nhận được quyết định chấp nhận.

Với thông tin thời Internet, nhà cầm quyền Đức rất thuận lợi để tìm hiểu những chứng cứ về việc người đệ đơn đó chỉ vờ vịt tỏ ra chống đối nhà cầm quyền Việt Nam để phục vụ cho lợi ích thực dụng của anh ta như chạy trốn khỏi sự trừng phạt về tội tham nhũng hay là anh ta đã có một quá trình lâu dài bất đồng chính kiến, có những hành động phản đối nhà cầm quyền xâm phạm quyền con người và quyền tự do ngôn luận, bảo vệ quyền lợi chung hay không...

Nhưng trong thời gian chờ quyết định ban hành, ngay sau khi đệ đơn xin tị nạn, người nào cũng được cấp miễn phí đồ ăn uống đảm bảo sức khỏe, chỗ ở ấm áp, văn minh với diện tích tối thiểu khoảng 6m2 /người (ở phòng chung hoặc riêng), được cấp tiền mua quần áo và tiền tiêu vặt tối thiểu, tiền mua vé tàu xe đi lại... Đặc biệt, người đó đương nhiên được bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể cũng như quyền tự do ngôn luận và nhiều quyền lợi khác...Việc để cho những kẻ côn đồ hoặc mafia tìm đến bắt cóc, hành hung, thủ tiêu người đang sống ngay trên nước Đức là điều hoàn toàn không thể chấp nhận và nhà chức trách Đức phải lập tức có những phản ứng quyết liệt để bảo vệ sự an toàn của bất kỳ công dân nào.

Trịnh Xuân Thanh được bảo vệ là bởi lý do đó, như tất cả mọi công dân khác đến xin tị nạn hoặc đang sống tại Đức.

Ở đây không có gì đặc biệt, hoàn toàn không có nghĩa là nhà cầm quyền Đức lầm tưởng về Trịnh Xuân Thanh và lên tiếng che chở cho một tội phạm tham nhũng Việt Nam như một số người lầm tưởng.

Cần đưa thêm bằng chứng :

Ai cũng có thể đoán trước việc nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đưa được Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình “xác nhận tự về đầu thú và có đơn tự thú mang bút tích của anh ta” vì điều đó hoàn toàn nằm trong tay họ.

Trịnh Xuân Thanh nói về việc tự đầu thú trên truyền hình Việt Nam là có thật, nhưng điều này chưa đủ để thuyết phục dư luận và nhà chức trách Đức khi Trịnh Xuân Thanh đã xuất hiện với gương mặt phờ phạc, không bình thường. Thêm nữa, địa điểm xuất hiện cũng rất bất thường, khi liền ngay sau lưng anh ta là một tủ đứng lớn và sát ngay bên hông là một tấm rèm cũng rộng và buông dài đến tận đất. Sự bất thường ấy khiến người ta không thể không đặt câu hỏi : liệu có chăng bao nhiêu họng súng đang chĩa vào Trịnh Xuân Thanh sau tấm rèm lay động để buộc anh ta phải nói theo nội dung mà nhà cầm quyền muốn ?

Hiện nay bên cáo buộc Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc cũng cần đưa thêm những bằng chứng không thể bác bỏ về việc nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và việc anh ta không tự nguyện về đầu thú.

Đáng thất vọng là Việt Nam chưa đưa ra được những chứng cứ thuyết phục để bác bỏ việc bắt cóc, Họ né tránh câu trả lời trực tiếp vào việc có bắt cóc hay không, chỉ nói rằng “theo thông báo từ Bộ Công an Việt Nam ngày 31 tháng 7, “công dân Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự cơ quan an ninh điều tra đầu thú. Các cơ quan chức năng Việt Nam đang tiến hành điều tra vụ việc”.(theo Lao động. 3.08/2017). Lá bùa của họ chỉ là những lời và “đơn tự thú” của Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình.

Như một sự chống đỡ, trong bài “Trịnh Xuân Thanh đáng bị chịu tội hay bảo vệ” (m.nguyenphutrong.org- trang Web của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng) có viết : ...”việc bắt cóc một đối tượng phạm tội đang là vấn đề nóng ở Việt Nam, tuy nhiên nó không hề lạ lẫm với thế giới. Việc bắt cóc những người phạm tội là hình thức được áp dụng từ rất lâu và nó cũng được cho rằng nó gây ra mối căng thẳng cho nhiều nước. Tuy nhiên cũng đã có một số ý kiến khẳng định việc lên tiếng chỉ là hình thức bởi nếu không có sự hỗ trợ của nước sở tại thì việc bắt cóc cũng khó tiến hành suôn sẻ...”.

Trong quá khứ và hiện tại, Việt Nam đã có quá nhiều hành vi không trung thực trong vô số vụ việc khác khiến tất cả những gì được đưa ra từ họ thì dư luận đều nghi ngờ và không tin nếu chưa qua kiểm chứng kỹ lưỡng.

Về vụ Trịnh Xuân Thanh, công luận đang chờ đợi thông tin tiếp diễn từ ba phía : nhà cầm quyền Việt Nam, Trịnh Xuân Thanh và nhà chức trách Đức.

Võ Thị Hảo

Nguồn : RFA, 05/08/2017

Quay lại trang chủ
Read 856 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)