Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/08/2017

Côn đồ trong ngõ

Tưởng Năng Tiến

Trời nắng chang chang, người trói người.

Cao Bá Quát

Có vị độc giả của trang Dân Làm Báo (Lâm Viên) đã viết một dòng phản hồi ngăn ngắn, bên dưới Bản Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Đức (về vụ Trịnh Xuân Thanh) như sau :

Cộng ơi : “Chơi dao có ngày đứt tay”.

Dân làng Ba Đình Hà Nội quả là có thích chuyện dao búa, và cách mà họ xử dụng loại hung khí này đã khiến cho không ít nạn nạn nhân phải lên tiếng kêu than. Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Âu Châu, vào hôm 12 tháng 9 năm 2005, ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực) cho hay :

Tôi bị chính quyền cộng sản bắt ngày 2/10/1992 với nhiều Tăng sĩ khác. Mấy tháng sau thả ra nhưng bị đưa về quản thúc tại chùa Già Lam rồi Pháp Vân ở Sài Gòn.

Ngày 6/11/1994 tôi bị bắt lại, vì tham gia Ðoàn cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tổ chức. Ngày 15/8/1995 tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra án quyết phạt tôi 30 tháng tù giam và 5 năm quản thúc sau khi mãn hạn tù với tội danh “phá quốc Thụy hoại chính sách đoàn kết” và “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền lợi Nhà nước...”.

Tôi vượt qua biên giới và đến được Vương quốc Cam Bốt ngày 19/4/2002. Sau khi được phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xem xét hồ sơ và phỏng vấn, ngày 28/6/2002 tôi được hưởng quy chế tị nạn dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng vào khoảng 19 giờ ngày 25/7/2002, khi tôi đang rảo bộ trên đường số 185 đối diện chợ Russey, thì bất ngờ bị một toán công an mật vụ Việt Nam mặc thường phục và Cam Bốt bắt cóc đẩy lên xe, đánh đập tôi và tịch thu thẻ tị nạn của Liên Hiệp Quốc cấp cho tôi. Sáng hôm sau họ chở tôi về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Ở đây đã có các viên chức Bộ công an chờ sẵn. Từ đây họ đưa tôi về trại giam B34, tọa lạc tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, Thành phố  Hồ Chí Minh thuộc cơ quan an ninh điều tra (A24) của Bộ công an…

Résultat de recherche d'images pour "ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực"

Ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực)

Ngày 12/3/2004, tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử. Công an hăm dọa tôi không được tiết lộ việc tôi bị họ bắt cóc tại Nam Vang, nếu không nghe sẽ bị kết án nặng nề. Tòa tuyên phạt tôi 20 tháng tù về tội “trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tôi đã ở trong tù 19 tháng, nên được trả tự do vào ngày 26/3/2004. Liên Hiệp Quốc xác tôi vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nên đã làm thủ tục cho tôi đi định cư tại Vương Ðiển ngày 22/6/2004.

Nạn nhân kế tiếp tên là ông Lê Trí Tuệ. Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, nhân vật này đã gửi đến tất cả những cơ quan và mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam một lá đơn tường trình và tố cáo dài 1438 chữ. Phần đầu – và cũng là phần chính, gồm 444 chữ – xin được trích dẫn nguyên văn :

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

Đơn Tường Trình và Tố Cáo

V/v Công An Thành phố Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.

Tôi tên là : Lê Trí Tuệ

Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.

Đăng ký Hộ khẩu thường trú : 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu – Hồng Bàng – Thành phố Hải Phòng.

Điện thoại : 0982.152.619, 0912.530.615

Chức vụ :

 Hội Viên Hội cựu chiến binh Việt Nam

 Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ Phần Trí Tuệ.

 Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,

 Căn cứ vào Tuyên Ngôn quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948

Căn cứ vào Tuyên Ngôn Nguyên tắc Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng liên đoàn lao động Thế Giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968].

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69.

Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nêu rõ :

“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý”.

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở Thành Lập công Đoàn Độc Lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.

Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp Hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam.

Hai ngày sau, sau khi đơn tường trình được gửi đi, Lê Trí Tuệ đã bị công an Việt Nam bắt giữ để tra hỏi về việc ông đã tham gia Ban Vận Động Thành Lập Công Đoàn Tự Do ở Việt Nam. Đến ngày 07/12/2006, trong khi Lê Trí Tuệ còn đang bị lưu giữ tại trụ sở công an Quận IV (Sài Gòn) nhân viên an ninh đã lục lọi đồ đạc, và kiểm tra máy vi tính của ông tại nhà trọ. Sau đó – vào ngày 14/03/2007 – ông Lê Trí Tuệ đã bị một số công an mặc thường phục đánh đập dã man, ngoài đường phố.

Tiếp đó, trong hai ngày ngày 29 và 30 tháng 03 năm 2007, ông Lê Trí Tuệ lại bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công Đoàn Độc Lập, và làm một bản cam kết sẽ từ bỏ tất cả những hoạt động bị nhà đương cuộc Việt Nam cáo buộc là phản động…

Résultat de recherche d'images pour "Ông Lê Trí Tuệ"

Ông Lê Trí Tuệ bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công Đoàn Độc Lập - Tranh biếm họa Babui

Cuối cùng (sau nhiều lần bị giam giữ, tra vấn, hành hung và khủng bố) Lê Trí Tuệ đã buộc phải trốn khỏi Việt Nam – theo như tin loan của BBC, nghe được hôm 13 tháng 4 năm 2007 : “Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam vừa lánh nạn sang Campuchia … ông cho biết ông bị nhà chức trách tại Thành phố HCM chuẩn bị đưa ra xét sử.”

Câu chuyện của Lê Trí Tuệ, nếu chấm dứt ở đây cũng đã đủ não lòng. Sự việc, tiếc thay, đã tiếp tục diễn ra một cách tồi tệ hơn nhiều – theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009 :

“Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”

Cả hai vụ bắt người thượng dẫn đều xẩy ra hết sức êm thắm ở Cambodia. Ông bạn láng giềng cứ câm như hến, coi như hoàn toàn không biết có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra ráo trọi.

Có lẽ vì tưởng lầm rằng nước Đức cũng giống nước Miên nên hôm 23 tháng 7 vừa qua, công an Việt Nam lại thực hiện thêm một vụ bắt cóc nữa giữa một công viên, ở Bá Linh. Lần này, theo như cách tán thán của độc giả Lâm Viên là “chơi dao có ngày đứt tay.”

Tôi không biết, và cũng không cần biết, đứa nào đang bị chẩy máu xối xả vì chơi dại. Tôi chỉ ghét “thói côn đồ trong ngõ hẹp” của qúi vị lãnh đạo (cái gọi là) Nhà nước pháp uyền xã hội chủ nhĩa Việt Nam, và tận tình chia sẻ sự phẫn uất của blogger Bùi Văn Thuận :

“Việc an ninh, mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức là kiểu hành xử của lũ mọi rợ, rừng rú, chà đạp lên mọi quy chuẩn của thế giới văn minh. Nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng chiêu trò bắt cóc, khủng bố, tống giam tùy tiện công dân của mình rất nhiều lần, quen thói nên xứng đáng bị nhổ nước bọt vào mặt, phải chịu trừng phạt.”

Nước trong leo lẻo cá đớp cá là chuyện (đã đành) trong thế giới của loài vật nhưng là người, ở thế kỷ này, mà vẫn cứ hành xử như loài thú vậy sao ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 04/08/2017 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ
Read 685 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)