Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng ! Tinh thần này cần được vận dụng công cuộc phòng chống dịch bệnh hiện nay của nước ta.
T.T. Nguyễn Xuân Phúc
Sống giữa thời mắc dịch – thỉnh thoảng – tôi vẫn nghĩ đến chuyện bị Cô Vy (đột ngột) đến thăm, với đôi chút băn khoăn. Chết thì cũng chả oan uổng gì nữa nhưng mang cuộc đời về không thì kể cũng hơi buồn. Không công danh, sự nghiệp (gì ráo) đã đành ; chút hư danh (liệt sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ, kẻ sĩ, chiến sĩ, đấu sĩ, hàn sĩ, thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ…) cũng không luôn. Bia mộ chỉ ghi vỏn vẹn là "thường dân" thì ngó cũng kỳ.
Loay hoay mãi rồi cũng tìm ra được một giải pháp khả thi : tôi sẽ tu tại gia để trên mộ bia có thể ghi mình là… cư sĩ ! Cạo trọc đầu vô chùa tu với mệt, chớ tu tại gia thì khoẻ re. Chỉ cần giữ ngũ giới thôi là cũng đủ ngon rồi :
Đúng ra giới luật thứ 5 là không rượu chè (suràmeraya majjappamàdatthàna veramanì : Tránh xa sự dễ dãi uống rượu và các chất say) nhưng ngưng uống là tui sẽ ngưng thở luôn nên phải lật đật thay thế bằng một giới luật khác, cũng nghiêm khắc không kém : tịnh khẩu.
Dù có cái thói xấu hễ rượu vào là lời ra nhưng bắt đầu từ hôm nay tôi nhất định chỉ uống (tì tì) và đọc với viết thôi, chớ sẽ không nói năng chi nữa. Sáng sớm, mới vô mạng đã thấy ngay một bài viết hấp dẫn ("Chống dịch là khát vọng của giới trẻ lúc này") trên báo Thanh Niên". Mà nào có riêng chi "giới trẻ". Xem ra thì đây là "khát vọng" của cả nước luôn – bất kể già trẻ, thành phần, giới tính… Coi nè :
- Năm cụ bà neo đơn gom hết tiền 'hậu sự' ủng hộ chống dịch, chống hạn
- Cụ bà ủng hộ 50.000 đồng từ tiền bán gà để chống Covid-19
- Học sinh 11 tuổi vùng sâu "nuôi" heo đất để ủng hộ chống dịch Covid-19
- Xúc động nữ sinh lớp 7 'mổ heo', viết thư ủng hộ chống dịch Covid-19
Thiệt là quá đã, và quá đáng nên không tránh được nhiều điều tiếng eo xèo, xin ghi lại dăm ba tên – theo thứ tự alphabétique :
- Hoàng Bùi : "Nếu mà việc này là thật, thì mình bảo anh em đảng viên cộng sản này, mình bảo thật nhé, anh chị em đảng viên lãnh đạo ấy, nhất là lãnh đạo cao cấp ấy, mình bảo thật nhé… Anh chị hãy đâm đầu vào nắp cống mà chết đi".
- Thảo Dân : "Nhục lắm. Mà giả như có định đem cá thính chim mồi ra thì cũng nên chọn lựa và đạo diễn cho cẩn thận. Dân giờ nó không còn ngu như thời bà Cát Hanh Long nữa đâu".
- Hoàng Dũng : "Mẹ kiếp bọn Tuyên giáo đảng cộng sản vô liêm sỉ. Chúng suỵt cho các nhà mạng nã tin nhắn xin tiền dân, suỵt nhà báo dựng lên những ví dụ về người nghèo mà vẫn ủng hộ tiền vàng cho nhà nước chống dịch… Mả bố chúng nó, gương bà Cát Hanh Long còn sờ sờ kia kìa".
- Mạc Việt Hồng : "Việt Nam nên thôi cái bài lải nhải kiểu này đi. Nghe chướng lắm, chối lắm. Muốn nêu gương tốt thì các quan chức hiến xe, hiến nhà, góp vàng, góp usd chống Covid đi, đừng 'bòn khố rách sắm dù sơn kiệu/Hút máu dân làm rượu làm trà' kiểu này nữa".
- Dinh Huong : "Trẻ không tha già không thương. Hút hết tủy bào tận xương".
- Lương Thị Huyền : "Tôi ngả nón trước những việc thiện lành, nhường cơm sẻ áo cho nhau mà mọi người đang làm trong cơn dịch bệnh này… Ngược lại, không có hành động nào khiến tôi khinh bỉ bằng cái việc cả một nhà nước, đã không lo cho dân thì thôi, mặt mũi nào, nỡ lòng nào nhận lấy từng xu lẻ tiền 'bán con gà' của một cụ già nghèo, rồi 'tiền con cháu cho tích cóp lại', 'tiền tiết kiệm của bà mẹ Việt Nam anh hùng'... nhân danh quyên góp chống dịch. Đã thế, không cảm thấy bẽ mặt lại còn đăng báo khoe".
- Luân Lê : "Không còn bất cứ ngôn từ nào để nói nữa ! Một người Mẹ Việt Nam anh hùng già cả đập lợn góp toàn bộ số tiền vài triệu đồng tiết kiệm được. Một người phụ nữ già sống một mình trong cảnh nghèo khó bán con gà duy nhất để quyên góp. Và giờ thì tới tận 5 người phụ nữ già không nơi nương tựa quyên góp tới 23 triệu đồng".
- Bùi Văn Thuận : "Lãnh đạo quốc gia mà để cho dân nghèo nhan nhản đã không ra gì, đằng này lại còn chìa tay vui vẻ và ca tụng khi nhận 'đóng góp' từ một bà già 'không còn lai quần' thì quả thực rất khốn nạn !"
- Từ Thức : "Dụ các cụ già ăn phân gà hoài… Bao giờ tới lượt các đầy tớ lớn, các đại gia cúng lều, cúng vàng, cúng xe hơi, cúng dinh cơ ở ngoại quốc để làm gương cho trăm họ ?"
- Phuong Tran : "Quyên góp gom tiền của trẻ em, cụ già, những người già neo đơn là một việc làm quá tệ hại và ngược đời. Vậy mà bọn phóng viên cò mồi còn bày trò làm truyền thông rùm beng. Điều này chỉ gây hiệu ứng ngược".
- Phạm Minh Vũ : "Giá như, chủ tịch quốc hội Kim Ngân bán bớt một nửa số áo dài đang có để ủng hộ cho chính phủ, thì 2 học sinh đâu phải đập heo tận 200 trăm triệu, số tiền để vào đại học, để chuẩn bị hành trang cho tương lai phía trước, sao đảng nỡ lấy tương lai của các em để quyên góp ? Đáng lý ra đó là việc của chính phủ, của người lớn chứ ? Và giá như, đảng, chính phủ yêu nước và thương dân thật thì hay biết mấy !"
Đảng & chính phủ có yêu nước yêu dân (thật) không là điều mà tôi không dám quyết, và cũng chả bận lòng. Đã là người tu hành nên tôi không còn muốn quan tâm quá nhiều đến chuyện thế tục nữa.
Nẫy giờ, có mọi người làm chứng, tôi không có khen chê hay phê phán ai ráo trọi. Những lời chỉ trích, mỉa mai, xỉa xói, rỉa rói, rủa xả (rất khốn nạn/ mả bố chúng nó/hút máu dân làm rượu làm trà/đâm đầu vào nắp cống mà chết đi/nhục lắm) đều là của thiên hạ cả hết trơn.
Những quí vị có tên tuổi thượng dẫn (Hoàng Bùi, Thảo Dân, Hoàng Dũng, Mạc Việt Hồng, Đinh Hương, Lương Thị Huyền, Luân Lê, Bùi Văn Thuận, Từ Thức, Phương Trần, Phạm Minh Vũ) sẽ bị mang khẩu nghiệp nặng, và rất có thể sẽ bị công an phường mời lên làm việc vì đã xúc phạm đến lãnh đạo nước ta, chớ riêng tui thì hoàn toàn và tuyệt đối vô can đó nha. Nói trước cho mà biết như vậy để khỏi mất công gửi giấy triệu tập. Tui nhứt định tu tại gia, và cương quyết sẽ không rời nhà nửa bước – trừ trường hợp rượu bia đều cạn !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 10/04/2020 (tuongnangtien's blog)
Đảng thực chất chỉ là đảng cướp.
Nguyễn Chí Thiện
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có lẽ, là nơi duy nhất mà danh tính của một cá nhân lại luôn kèm theo tuổi… đảng :
- Lê Khả Phiêu 71
- Nguyễn Thị Bình 73
- Lê Đình Kình 58 …
Trong một xứ sở theo chế độ đảng trị thì thâm niên tuổi đảng quả là một thuộc tính rất đáng kể, và đáng nể. Chả thế mà vào ngày 26/8/2019, tất cả cáo báo đài nhà nước đều hớn hở loan tin :
"Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã tới dự và trao Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu. Tham dự buổi lễ có các ủy viên Bộ Chính trị, các lãnh đạo Văn phòng Tổng bí thư, các đồng chí ủy viên Thường vụ Quân ủy…".
Đồng chí Lê Khả Phiêu được toàn Đảng ưu ái không chỉ vì đã từng giữ quyền cao chức trọng mà còn vì ông là một nhân vật kiệt xuất, đặc biệt trong lãnh vực sáng tạo. Ngoài việc cầm quân, ông còn cầm bút và là tác giả của tuyển tập Mênh Mông Tình Dân mà thiên hạ (đôi lúc) đọc nhầm thành Mênh Mông Tiền Dân.
Khác với vị Tổng bí thư kế nhiệm (Nông Đức Mạnh), đồng chí Lê Khả Phiêu không trang trí nội thất bằng cách dát vàng. Tư thất của ông trưng bầy toàn những sản phẩm đậm đà bản chất văn hóa dân tộc (và đều là hàng độc) như tượng bác Hồ, trống đồng, ngà voi… khiến khách khứa đều phải trầm trồ hay ái ngại - tùy theo cách nhìn của từng người.
Lê Khả Phiêu còn có sáng kiến rất độc đáo (tuy hơi kém "mênh mông" chút xíu) là thiết lập một hệ thống tiêu tưới tự động - sprinkler system - trên sân thượng của tư thất để làm thành một vườn rau nhỏ, dành riêng cho bếp ăn của gia đình, để khỏi phải dùng chung rau (bẩn) với bàn dân thiên hạ. Bằng vào những kỳ tích này nên trong buổi "Lễ trao huy hiệu 70 năm tuổi Đảng", Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã không tiếc lời tán tụng công đức của người tiền nhiệm : "Chúng tôi luôn học tập ở đồng chí về phương pháp, tác phong làm việc sâu sát, cụ thể và hiệu quả".
Với loại đảng viên ở cấp địa phương thì lễ lạc loại này (thường) giản dị hơn. FB Mạc Văn Trang thuật chuyện :
"Hai hôm nay về Bãi Cháy (Hạ Long) mừng Cụ lão thành Cách mạng 90 tuổi đời, 70 tuổi đảng, thân thiết trong gia đình. Cụ tham gia Cách mạng từ năm 16 tuổi, 20 tuổi (1949) đã vào Đảng cộng sản Việt Nam. Con cháu cứ nhấn vào sự kiện Huy hiệu 70 năm tuổi đảng, tổ chức cho hoành tráng, tưởng Cụ 90 tuổi, lú lẫn, lẩm cẩm rồi, thì làm gì Cụ cũng nghe… Nhưng mình để ý, Cụ quan tâm đến 90 năm tuổi đời hơn là 70 năm Huy hiệu đảng…
Cụ bảo, chúng nó cứ bày ra, nhưng tôi không cho mời ai đương chức cả, chỉ mời anh em, con cháu, bạn bè thân thiết thôi, nhân 90 tuổi mà… Mình bảo, sự kiện 70 năm tự hào lắm chứ nhỉ ? - Cụ tặc lưỡi, được 12 triệu…
Tôi về hưu, suốt bao nhiêu năm làm Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Dân phố, tham gia Mặt trận, Hội người Cao tuổi… không bao giờ có phụ cấp, tất cả là ‘ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’, tâm huyết, tận tụy…".
Mười hai triệu đồng Việt Nam, nếu qui ra Mỹ kim, là tầm 700 đô la cho bẩy mươi năm năm "tâm huyết tận tụy". Tính chi li hơn thì mỗi năm được một trăm, và mỗi ngày khoảng 25 xu Mỹ. Chả hiểu có đủ để mua một que kem ?
Tuy thế, nếu bỏ chuyện tiền bạc qua một bên thì được như thế cũng quí hóa lắm rồi. Là công dân của một quốc gia đã từng liên tiếp đánh thắng mấy đế quốc to mà ông cụ vẫn còn sống sót, với nguyên vẹn tứ chi hình hài, mãi đến tuổi 90 (tưởng) đã là điều vô cùng may mắn và hy hữu.
Sự may mắn hiếm hoi này khiến tôi không khỏi trạnh lòng nhớ đến một trường hợp (không may) khác, của một đảng viên cộng sản khác. Trong bản Tuyên bố lên án tội ác Đồng Tâm có đoạn viết về nhân vật này như sau :
"Cụ Lê Đình Kình 84 tuổi đời, 58 tuổi đảng, một lão thành cách mạng của đảng cầm quyền, một nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân trong cuộc đấu tranh với quyền lực tham nhũng, một già làng được hầu hết người dân Đồng Tâm kính trọng, tin yêu. Con người như vậy đã bị giết hại và phanh xác quá rùng rợn : khảo tra, đánh đập bầm dập khắp thân già. Kề súng tận tim, tận não xả đạn. Mang xác đi mổ bụng, phanh thây…".
Tôi trộm nghĩ thêm rằng chính cái "nhân cách đẹp, một khí phách lớn, kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải" của cụ Lê Đình Kình chính là nguyên nhân gây ra thảm nạn. Cái chết tàn bạo của nạn nhân, và mọi sự sách nhiễu cùng oan khuất mà thân nhân của ông đang phải gánh chịu, cũng giúp cho tôi chợt hiểu ra thái độ nhận nại (hay nhẫn nhục) của nhiều đảng viên kỳ cựu khác từ nhiều thập niên qua.
Cụ Nguyễn Thị Bình, nhân vật đã nhận huy hiệu 70 tuổi đảng từ năm 2017, là một trường hợp điển hình. Theo Wikipedia : "Bà sinh năm 1927 là một nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định".
Nhờ vào những "kỳ tích" thượng dẫn nên dù cả Mặt trận Giải phóng miền Nam lẫn Chính phủ cách mạng lâm thời đều bị giải thể (sau khi miền Nam thất thủ) Nguyễn Thị Bình vẫn được cho ngồi vào một cái ghế súp - Phó Chủ tịch nước - và bà đã ngồi im thin thít cả chục năm trời (1992 đến 2002) không dám ho he hay hó hé gì ráo trọi.
Mãi cho đến khi cuối đời Nguyễn Thị Bình mới rón rén lập ra một cái quỹ văn hóa với kỳ vọng "hưng dân trí, chấn dân khí" nhưng cũng không tồn tại được lâu. Báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 23/02/2019, ái ngại loan tin : "Bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh - ký văn bản thông báo về việc quỹ này chấm dứt hoạt động từ ngày 20/2 vì một số điều kiện khách quan".
Tuy (nguyên) Phó Chủ tịch nước không nói gì về những "điều kiện khách quan" này nhưng ai cũng hiểu rằng bà (lại) tiếp tục ngậm bồ hòn làm ngọt. Thế mới rõ Nguyễn Thị Bình là người trí thức và là kẻ thức thời, chứ cứ như nông dân Lê Đình Kình ("kiên cường, bền bỉ, vững tin vào luật pháp nhà nước, vững tin vào lẽ phải, vào nhân dân") thì e khó thọ đến bây giờ, và chưa chắc đã được chết toàn thây.
Mà có riêng chi bà Bình, ông Thọ, ông Phát, bà Định… (và ngay cả đến ông Hồ) cũng đều chọn thái độ "thức thời" tương tự vì họ biết cái đảng (cướp) của mình rõ hơn ai hết. Chỉ có những thường dân ngây thơ như chúng ta thì vẫn cùng nhau lên tiếng "đòi hỏi phải truy tố những kẻ đã sát hại cụ Kình". Làm sao có thể can thiệp vào chuyện trừng phạt đảng viên của một đảng cướp cho dù đây là "một vụ án một tội ác trời không dung, đất không tha" chăng nữa ? Công lý chỉ có thể được thực thi sau khi mọi người đều đã nhận diện được bọn cướp này, và quyết tâm đánh đuổi cho đến khi chúng ngã gục - bằng mọi giá.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 11/03/2020 (tuongnangtien's blog)
Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh. Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.
Inra Sara
Người Nhật Bản nói : "Một lời tử tế có thể làm ấm lòng suốt cả mùa Đông – One kind word can warm three winter months". Nghe xong, tôi (trộm) nghĩ thêm rằng : "Một hành động tử tế còn có thể làm ấm lòng người suốt cả cuộc đời!" Khi còn trẻ, tôi hơi bị chua. Tới già thì hoá chát. May mắn, gần đây, nhờ vào phương tiện truyền thông (tân kỳ) tôi có nhiều dịp được nhìn thấy nhiều hình ảnh và nghĩa cử cao qúi của tha nhân nên độ chua chát – xem chừng – giảm hẳn.
Ảnh : FB Phạm Thanh Tòng
Gần hai năm trước, vào hôm 16/3/2018, tôi được xem một hình ảnh đẹp (trên trang Tiếng Dân) cùng với đôi lời chú thích : "Một người đàn bà bán ve chai bước vào quán với bao gạo và chai dầu ăn. Chị mang ơn quán cơm này (quán cơm chay Thiên Phước, Quận 11, Sài Gòn) vì đã cứu chị rất nhiều bữa đói. Chị nghèo khó nhưng không quên ơn, gom góp từng đồng, cuối năm, chị dành mua 1 bao gạo và 1 chai dầu tặng lại quán để có thể giúp thêm những người khốn khó khác".
Qua tháng 11 năm rồi, 2019 – trên trang FB Lê Huy Cầm – có hình một một phụ nữ lam lũ dừng xe giữa giữa phố phường ̣(Hà Nội) đút tiền ủng hộ những người khuyết tật, cùng với lời bình : "Nghèo tiền bạc nhưng tình yêu không nghèo, tôi thấy tấm hình này đang tỏa phật quang". Cũng vào thời điểm này, ở chợ Đồng Xuân, bạn Nguyễn Tiến Đức đã thu được qua ống kính bức ảnh của người đàn ông (vô gia cư) đang bỏ chút tiền lẻ vào thùng từ thiện để giúp trẻ em nghèo.
Trái, ảnh : Nguyễn Tiến Đức. Phải, ảnh : lấy từ FB Lê Huy Cầm
Phật Quang, nếu có thể nói hơi quá lời như thế, không chỉ lan toả ở Sài Gòn hay Hà Nội. Báo Tuổi Trẻ có bài viết ngắn gọn ("Những người thầy đánh cá trên sông Đà ") nhưng xúc tích :
"Trong cái lạnh căm căm mờ sương đêm vùng sơn cước, thầy giáo trẻ Ngần Quốc Việt và thầy Phùng Bá Thanh đèn pin đội đầu, khỏe khoắn trong chiếc áo ấm, dò từng bước trên con đường dốc trơn trượt lần xuống sông kéo vó. Vì thương những bữa cơm quá đạm bạc của học trò, các thầy cùng nhau góp tiền mua vó bắt cá, kiếm thêm chút thức ăn cho các em. Ban ngày, họ đứng trên bục giảng. Đêm xuống, họ lại thành ‘ngư dân’ trên sông Đà".
Trang Net News cũng có bài ("Các cô giáo cõng bàn ghế trên lưng ") với nội dung gần tương tự :
"Có những ngày đầu tháng 9, mưa lớn ở Tây Bắc đã biến những con đường bình thường cheo leo lại thêm gập ghềnh. Bất chấp tất cả với mong muốn tạo điều kiện học tập tốt nhất cho học sinh, có những người giáo viên âm thầm băng rừng, vượt suối ‘cõng chữ’ và cõng cả bàn ghế lên non… Chấp nhận từ bỏ ánh đèn thành phố đến với các tỉnh miền núi chỉ với những bữa cơm thiếu thịt thiếu rau, những giấc ngủ trằn trọc với tâm nguyện đưa ánh sáng tương lai đến với các em nhỏ dân tộc thiểu số. Những người thầy, người cô sẵn sàng đánh đổi cả tuổi thanh xuân để bám bản, bám trường. Người dân bản làng xem họ là những người con của núi rừng - đầy mạnh mẽ, nhiệt huyết và có một tình yêu thương bao la".
Trái : ảnh Hóng Page. Phải : ảnh My Lăng
Gần như ở mọi nơi luôn luôn vẫn có những những nghĩa cử vị tha, cùng những hình ảnh đẹp, giữa lúc đất nước đang đắm chìm trong băng hoại và mọi giềng mối đạo đức đã bắt đầu tan rã :
- Cô giáo mầm non sửa xe đạp tặng học sinh nghèo đến trường
- ‘Ông Tư lục tỉnh’ dựng gần 400 căn nhà miễn phí cho người nghèo
- Thầy trò vùng biển Hà Tĩnh gom xe đạp cũ tặng học sinh nghèo
- Trà đá miễn phí, món quà bình dị trong những ngày nắng nóng ở Quảng Ngãi
- Ông 90 tuổi 20 năm bán đậu phộng dạo lấy tiền làm từ thiện
- Chàng trai mồ côi mở tiệm bánh mì thịt miễn phí ở Đà Nẵng
- Nhóm tình nguyện vận hành xe cấp cứu miễn phí
- Sắm xe cứu thương, chở người miễn phí
- Nữ sinh trường chuyên trả lại chiếc ví nhặt được bên đường
- Người phụ nữ bán vé số trả lại tiền, vàng nhặt được
- Tài xế taxi tìm nữ du khách Hàn Quốc trả lại tiền bỏ quên
- Một bảo vệ dân phố nhặt được bóp tiền đã tìm người trả lại
- Hàng loạt cửa hàng ở Đà Nẵng phát khẩu trang miễn phí
- Cặp đôi Hà Nội phát khẩu trang miễn phí cho người qua đường
Stt mới nhất mà tôi đọc được trên trang FB Cù Mai Công, vào hôm 1 tháng 2 năm 2020, có những câu chữ như sau :
"Ngay lúc này, trên nhiều đường phố Sài Gòn, người Sài Gòn đang phát khẩu trang miễn phí khắp mọi nơi, từ cột đèn đỏ, vỉa hè, công viên ... Đâu đâu chúng ta cũng có thể kiếm cho mình 1 chiếc khẩu trang từ lòng nhân ái yêu thương đồng loại, đồng bào mình của người Sài Gòn".
Cùng ngày, lại có thân hữu chuyển cho những dòng nhắn tin TÌM NGƯỜI ĐÁNH RƠI VÍ với nội dung (nguyên văn) thế này đây :
"Tình hình là tối qua lúc 23g mình đi ăn khuya có nhắt đuợc giỏ tiền và cái bóp bên trong có tổng 48,3 triệu đồng. Với mình, số tiền này rất lớn, có thể thay đổi đuợc cuộc sống của mình, nhưng đồng tiền này sẽ rất quý trọng với người mất. Mình nhặt được ở trước bệnh viện phụ sản và nhi quận Ngũ Hành Sơn, Thành phố Đà Nẵng. Giấy tờ tùy thân mang tên Nguyễn Thanh Long, sinh ngày 23/6/1993 ở Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre.
Mình đã suy nghĩ cả đêm không ngủ được và mình đã quyết định trả lại cho người mất. Cũng có thể số tiền này người ta đang chữa bệnh cho con hoặc vợ ở bệnh viện phụ sản và nhi Đà Nẵng. Mọi người chia sẻ để mình sơm gặp và trả cho người ta nhé. SĐT liên hệ mình : 0395 639 579. Nếu ai mất xin liên hệ gấp".
Những dòng chữ thơm thảo thượng dẫn khiến tôi nhớ đến một bài viết ngắn ("Đâu là dòng sông ẩn giữa Mất niềm tin tràn lan") của tác giả Inra Sara :
Việt Nam giàu và đẹp. Và sau non nửa thế kỉ thống nhất…
Mất niềm tin đang tràn lan. Ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ.
Ở trường, trò mất niềm tin vào thầy cô. Người đang truyền kiến thức cho mình, biết đâu ngày mai chỉ vì tham vụn với hèn vặt, đã thò tay nâng điểm vô tội vạ cho con cháu quan lớn, để phải cúi đầu nhận án.
Quan lớn, tháng này vừa ưỡn ngực oang oang thuyết đạo lí trên truyền hình, tháng sau đã khúm núm trước vành móng ngựa, nước mắt nước mũi bét nhè xin tha tội lỡ dại.
Công an làm tiền, nhà sư gạ tình, dân khoa bảng mua bằng, nhà kinh doanh buôn thức ăn bẩn, hàng lậu…
Kẻ ‘trí thức’ hôm nay bô bô ca ngợi truyền thống văn hóa dân tộc, hôm sau đã quay ngoắt 180 độ phản bội truyền thống không chút xấu hổ.
Dưới hội trường sang trọng kia, lúc nhúc bầy sâu biết thắt cà-vạt, chẳng biết đâu là "đồng chí chưa bị lộ", dân đặt niềm tin vào ai ?
Trong nhà, đứa con còn sót tí lương tri mất niềm tin vào ông bố lương ba cọc ba đồng mà nhà cửa nghênh ngang. Tiền đâu bố được như thế, nếu không phải ăn cắp [cướp] của dân ? Hỏi ông quan bố kia có dám nhìn thẳng mắt đứa con ?
…
Mất niềm tin đang tràn lan. Nhưng không phải tất cả đã tuyệt vô hi vọng.
Đây đó vẫn tồn tại những điểm sáng. Bạn Dung Duong Trung dùng chữ ‘dòng nước ẩn’. Những dòng nước ấy có mặt ở mọi thành phần, dưới mọi hình tướng, tình huống, cấp độ. Chúng ẩn mình giữa miền đất hình chữ S này, âm thầm chảy, khiêm cung nhưng đầy sức mạnh.
Chúng sẽ trồi lên một ngày nào đó, chắc chắn.
Xin cảm ơn bạn Dương Trung Dũng, bạn Inra Sara (cùng tất cả mọi người) đã giúp cho tôi đỡ chua và bớt chát.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 19/02/2020 (tuongnangtien's blog)
Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng
Đêm qua ai có bạc đầu không ?
Tản Đà
Tôi nghe nhà báo Du Uyên kể chuyện pháo từ hôm trong Tết mà mãi tới bữa nay vẫn còn hơi bị ù tai :
"Nguyễn Đức Khánh, 31tuổi, quê ở Nghệ An, làm việc tại một công ty kính cường lực ở Saigon hơn 10 năm nay. Vài năm nay, kinh tế vợ chồng anh ổn định hơn, nhất là khi mua được căn chung cư trả góp 15 năm. Để gia đình tự hào, anh hay... ‘chém gió’ vui vui mình lương cao, vài ba lần lỡ lời mình là giám đốc kinh doanh của công ty.
Tiền vé đắt đỏ, năm rồi gia đình đi tàu lửa về quê, anh phải chống chế với mẹ ‘Con lu bu không đặt kịp nên vé máy bay hết sạch’. Anh nhờ mẹ đặt xe ra ga đón mình. Anh nghĩ là xe khách như trước đây, không ngờ mẹ lo con cháu mệt, có tiền phải sướng tấm thân, nhất là ‘oai’ với hàng xóm nên đặt hẳn taxi đón con cho đoạn đường về quê hơn 120 cây số.
Vợ chồng anh méo mặt ! Chưa hết, bố mẹ còn sắm sanh đủ thứ từ tivi mới, bàn ghế mới, mua hẳn cây mai gần 2 triệu đồng về chưng... Mẹ anh đồng bóng, phô trương, thích khoe con kiếm được nhiều tiền còn đi mua hai chỉ vàng đeo khoe hàng xóm.
Bà hớn hở nói, năm nay con về Tết, bỏ lì xì cho con cháu nhiều chút cho mát mày mát mặt. Bao lì xì con cháu, bà toàn bỏ 200.000 - 500.000 đồng, mấy đứa hàng xóm cũng phải bỏ tờ 100.000 mới được. Mẹ anh mượn tạm của bác Tám hàng xóm 30 triệu đồng sắm sanh, chuẩn bị trước cho kịp, giờ nói con sang trả. Đúng toàn bộ số tiền mặt anh mang theo.
Chưa hết, mấy ngày Tết, tốp bạn này đến nhóm bạn khác, đi nhậu, hát hò là... ưu tiên anh Khánh thanh toán với tâm lý, nó làm ‘to’ ở thành phố. Vài ba người biết ý mới góp tiền trả cùng anh. Rồi ở thôn còn đến nhà vận động những gia đình có con đi làm xa ủng hộ tiền làm đường, làm sân bóng hay là ủng hộ mừng thọ cho các vị cao tuổi...
Anh Khánh phải gọi vào cho bạn thân là chủ công ty, ứng tạm vài chục triệu để ‘xử lý khủng hoảng’. Sau đó, trở lại thành phố với sự căng thẳng của vợ con và vào cày ‘bục mặt’ để trả nợ. Năm nay, anh không dám về quê... !"
Anh Khánh, tất nhiên, không phải là người Việt Nam duy nhất sống gần kho đạn. Ở một đất nước đã từng đánh thắng liên tiếp mấy đế quốc to thì đạn dược chỗ nào mà không có nên dân nổ, chắc chắn, hơi nhiều. Tuy đông nhưng được cái là đám dân đen Việt Nam thường chỉ nổ vừa đủ nghe, cho anh em hay hàng xóm láng giềng giật mình chơi (thôi) chớ không vang dội tới bốn phương/tám hướng như giới lãnh đạo của xứ sở này. Họ nổ tưng bừng, và nổ không ngừng, khiến cho cả nước đều bị lùng bùng ráo trọi :
- Nguyễn Thị Kim Ngân : "Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước".
- Nguyễn Chí Vịnh : "Bộ đội ta có những kỹ năng đặc biệt khiến Liên Hợp Quốc khâm phục".
- Nguyễn Mạnh Tiến : "Người bán trà đá tại Việt Nam có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới".
- Nguyễn Xuân Phúc : "Đưa rồng Việt Nam bay cao trên bản đồ công nghệ vũ trụ".
- Nguyễn Mạnh Hùng : "Việt Nam có thể đi đầu cách mạng công nghiệp 4.0".
- Nguyễn Xuân Thắng : "Việt Nam giúp Đức ‘tìm lại những mặt ưu việt’ của chủ nghĩa xã hội hiện thực trước đây".
- Nguyễn Trường Sơn : "Ngành y tế Việt Nam hoàn toàn có khả năng phát hiện, điều trị thành công các ca bệnh nhiễm nCoV".
- Nguyễn Đức Chung : "Phấn đấu không có trường hợp nào mắc bệnh do virus Corona".
Đó là mới điểm sơ qua năm bẩy ông bà quan chức họ "NGUYỄN" thôi, chớ gộp chung tất cả rồi ngồi ghi chép lại hết chắc phải tới Tết (sang năm) hoặc dám cho tới chết luôn. Ngoài sự khác biệt về cường độ âm thanh, giữa dân pháo và quan pháo, còn có sự dị biệt lớn lao về ảnh hưởng của tiếng nổ nữa. Anh Khánh chỉ mới lạch tạch vài tiếng ("lương cao, nhà rộng") mà đã "phải cầy bục mặt để trả nợ" suốt năm còn qúi vị lãnh đạo cấp cao thì cứ thi nhau nổ (lớn) vang trời mà chả ai bị hề hấn gì ráo trọi.
- Lê Duẩn : "Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật trong 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng".
- Nông Đức Mạnh : "Năm 2020 Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại".
- Nguyễn Phú Trọng : "Không có một lực lượng chính trị nào khác ngoài Đảng cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn...".
- FB Nhân Tuấn Trương bàn ra : "Lời nói của ông Trọng ‘nổ’ lớn tới đâu rồi cũng ‘bay’ đi. Thực tế sẽ mãi mãi ở lại".
Thực tế ra sao ?
FB Ngô Trường An ghi vội, qua loa, vài ba con số :
- Lương thấp nhất trong khu vực (thua các nước đến 10 lần)
- Thuế cao nhất so với các nước trong khu vực (cao hơn họ gấp 3 lần)
- Xuất khẩu lao động nhiều nhất so với cả thế giới (chấp luôn các nước nghèo Châu Phi)
- Gái mại dâm Việt Nam ra nước ngoài bán dâm nhiều nhất.
- Bệnh ung thư cao nhất trong khu vực
- Chết vì tngt nhiều nhất
- Số hộ nghèo nhiều nhất
- Đi ra nước ngoài ăn cắp nhiều nhất
- Tệ nạn rượu bia cao nhất
- Giáo sư-Tiến sĩ nhiều nhất nhưng không có một phát minh, sáng chế nào.
- Tỷ lệ tướng, tá trong ngành công an, quân đội nhiều nhất so với cả thế giới.
- Tham nhũng nhiều nhất
- Chỉ số đáng sống thấp nhất 124/125…
Hệ quả của những lời hoa mỹ từ mồm miệng của qúi vị lãnh đạo quốc gia và thực tế (phũ phàng) của đất nước là "niềm tin đổ vỡ gần như sạch sẽ", theo như nguyên văn lời của dân oan Nguyễn Thùy Dương :
"Trong vòng một tháng đầu tiên của năm 2020, tôi đã chứng kiến quá nhiều sự đổ vỡ, quá nhiều tấm mặt nạ bị lật ra, quá nhiều sự phân hóa. Qua hai sự kiện nổi bật là Đồng Tâm và virus Corona, niềm tin của một bộ phận không nhỏ người dân đối với Chính Quyền đã đỗ vỡ gần như sạch sẽ".
Cùng thời điểm này, FB Trung Nguyễn còn chỉ ra một sự thực não lòng khác nữa liên quan đến chủ quyền của quốc gia :
"Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng đầu năm 2020 mà người dân Việt Nam đi từ cái sốc này đến cái sốc khác về đảng cộng sản cầm quyền. Cú sốc đầu tiên là ‘ác với dân’ qua thảm sát Đồng Tâm vào rạng sáng ngày 9/1/2020 ; còn cú sốc thứ hai là ‘hèn với giặc’ khi ngày 30/1/2020, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố Việt Nam chỉ có thể đóng cửa biên giới ngăn dịch viêm phổi cấp Vũ Hán khi được cộng sản Trung Quốc đồng ý".
Trái : Trần Quốc Vượng. Ảnh QĐNDVN. Phải : Trần Đại Quang. Ảnh : PGNT
Điều đáng quan ngại hơn hết là hiện tượng "vỡ đê đạo đức, hệ thống đức tin sụp đổ… Bây giờ, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất" – theo nhận xét của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Thảo nào Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng không dấu được nỗi bi quan về "nguy cơ sụp đổ". Không đổ thì mới là chuyện lạ nhưng nó đổ rồi sao ?
What’s next ?
Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng.
Đêm qua có ai bạc đầu không ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 12/02/2020 (tuongnangtien's blog)
Cá trong lờ đỏ hoe con mắt.
Cá ngoài lờ ngúc ngắc muốn vô.
Ca Dao
Sinh thời Lý Chánh Trung nổi tiếng là một nhân vật hoạt bát, năng nổ và khuynh tả. Tôi có ngồi nghe ông nói về dân chủ Nhã Điển (Athenian democracy) tại giảng đường Hội Hữu, ở Trường Văn Khoa Đà Lạt, chừng cỡ nửa giờ. Thay vì chỉ dậy cho sinh viên biết qua về nền móng dân chủ đầu tiên của nhân loại – khởi thủy khoảng thế kỷ thứ VI, trước Công Nguyên – ông dùng phần lớn khoảng thời gian ngắn ngủi này để chê trách cái thể chế dân chủ bất toàn của miền Nam.
Cả hai nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa đều có không ít khiếm khuyết (về rất nhiều mặt) nên những điều giáo sư Lý Chánh Trung nói không có điều gì sai cả. Nó chỉ trật ở chỗ ông đã lạm dụng khuôn viên đại học, và quyền đại học tự trị, của nửa phần đất nước (theo chủ trương pháp trị) để làm cho nó thêm suy yếu đang khi phải đối diện với kẻ thù hung hiểm từ bên kia chiến tuyến.
Sau 1975, sau khi cái mảnh đất quê hương tự do nhỏ bé này thất thủ, Lý Chánh Trung cùng với nhiều vị "nhân sĩ" khác của miền Nam (Hồ Ngọc Nhuận, Lê Hiếu Đằng, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi…) được mời ra miền Bắc để tham dự Lễ Quốc Khánh vào ngày 2 tháng 9.
"Ông cho biết, phái đoàn đi đến đâu cũng được dân chúng đổ xô ra đón tiếp nồng hậu… Ông bị một chị trong hợp tác xã chặn lại đột ngột hỏi :
- Có phải ông là giáo sư Lý Chánh Trung phải không ?
- Thưa phải.
- Thế thì hân hạnh quá được gặp giáo sư, vì tôi có được đọc bài của giáo sư viết trước đây.
Rồi Lý Chánh Trung đưa ra nhận xét : "Miền Bắc dù có chiến tranh, nhưng phải nói trình độ văn hóa cao hơn ở miền Nam nhiều. Chỉ cần một người dân thường cũng có thể đọc bài của Lý Chánh Trung" (1).
Trải nghiệm của luật sư Lê Hiếu Đằng về chuyến đi này cũng thế, cũng cảm xúc rạt rào. Bài viết của ông trên báo Tin Sáng ("Những giây phút cảm động đó") đầy ắp những câu chữ khiến người đọc có thể rơi nước mắt :
"Những cái hôn thắm thiết, những bàn tay siết chặt tưởng chừng như không muốn rời ra, những tràng cười thoải mái, cởi mở. Tất cả tạo nên một bầu không khí thắm đượm tình nghĩa đồng bào, đồng chí".
Bầu không khí thắm đượm tình nghĩa này – tiếc thay – không kéo dài luôn, và cũng chả kéo dài lâu. Ngay sau đó, chuyện cơm không lành canh không ngọt giữa các đồng chí vẫn xẩy ra ngày một. Vào lúc cuối đời, có lẽ, vì sợ bị chôn gần (hay chôn chung) với mấy ông cộng sản nên vào ngày 12 tháng 4 năm 2013 Lê Hiếu Đằng tuyên bố ly khai.
Ông không phải là người đầu tiên, và cũng chả phải là kẻ cuối cùng bỏ Đảng. Gần hai mươi năm trước, vào ngày 21/3/1990, ông Nguyễn Hộ cũng đã có quyết định tương tự cùng với những lời lẽ minh bạch và dứt khoát hơn nhiều : "Chúng tôi đã chọn sai lý tưởng cộng sản chủ nghĩa... suốt 60 năm trên con đường cách mạng cộng sản ấy, nhân dân Việt Nam đã chịu sự hy sinh quá lớn lao, nhưng cuối cùng chẳng được gì, đất nước vẫn nghèo nàn, lạc hậu, nhân dân không có ấm no hạnh phúc, không có dân chủ tự do. Đó là điều sỉ nhục".
Nhà thơ Hoàng Hưng bầy tỏ : "Tôi cảm phục những người xưa vì yêu nước mà theo cộng sản, nay vì yêu nước mà thoát cộng".
Cái vòng danh lợi cong cong. Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào. Không bao lâu sau, sau khi luật sư Lê Hiếu Đằng "thoát cộng" thì một ông luật sư khác lại "ngúc ngắc" muốn vào – theo tường thuật của nhà báo Mai Tú Ân :
"Đến lúc này thì vai trò của luật sư Hoàng Duy Hùng càng lúc càng trở nên rõ ràng là một mắt xích mới của ván bài Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc, ván bài vốn dở dang từ nhiều năm trước thì nay đã được khai thông trở lại. Và người đóng vai trò chính trong việc này là luật sư Hoàng Duy Hùng…
Các bài bản, phông tuồng đều được giăng mắc quanh ông khiến ông luôn sáng chói với những câu chuyện trời ơi đất hỡi như chuyện ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cầm dù che nắng cho ông luật sư Hoàng Duy Hùng. Nào là đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng ?"
Lý Chánh Trung sinh năm 1928, Lê Hiếu Đằng 1944, và Hoàng Duy Hùng chào đời mười tám năm sau nữa – 1962. Khoảng cách xuất hiện trên sân khấu chính trị của ba ông tuy cũng khá xa nhưng bài bản, phông tuồng thì hoàn toàn không đổi :
Hồi 1975, Lý Chánh Trung vừa ra tới Hà Nội là có người chạy vội lại hỏi ngay :
- Trong đoàn ai là giáo sư Lý Chánh Trung, cho tôi gặp mặt.
Lý Chánh Trung bèn tách ra khỏi doàn và trả lời :
- Tôi là Lý Chánh Trung đây.
- Thưa giáo sư, tôi kính phục giáo sư, vì trước đây có đọc bài của giáo sư".
Đến năm 2020, vở diễn vẫn y chang : Đi trên đường phố thủ đô Hà Nội, ông ta luôn nghe thấy nhiều người dân chào ông, vì biết ông là luật sư Hoàng Duy Hùng ?
Thiệt là thầy chạy !
Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe mấy nhân vật phản tỉnh ở Việt Nam biện minh cho "sai lầm chính đáng" của họ – khi còn trẻ người non dạ – bằng những câu chữ sau :
If you’re not a communist at the age of 20, you haven’t got a heart.
If you’re still a communist at the age of 30, you haven’t got a brain.
Tác giả Thiện Ý phản biện rằng : "20 tuổi mà đi theo cộng sản là không có cái đầu, 40 tuổi mới từ bỏ Cộng sản là quá trễ và không có trái tim". Cứ theo như tôi biết thì Hoàng Duy Hùng không thuộc loại tiên thiên bất túc, tim gan cũng như trí não của ông đều đầy đủ cả. Cách hành xử khác thường của ông – chả qua – là thái độ của kẻ theo đóm ăn tàn, theo như cách nói của dân gian.
Thành ngữ này được một vị luật sư khác, Nguyễn Văn Đài , lý giải như sau : "Người mà theo đóm ăn tàn là loại người kém cỏi không tự biết mình là ai, không cần biết hệ lụy của việc đó sẽ dẫn mình đến đâu, cứ có tí lợi là tìm đến để nhặt nhạnh".
FB Thảo Dân góp ý với ngôn ngữ bao dung và độ lượng hơn : "Nhìn các em, các cháu còn trẻ mà đường quang không đi đâm quàng bụi rậm, vào cái nơi bị khinh ghét, nguyền rủa, thấy thật là đáng tiếc".
May mắn là những trường hợp "đáng tiếc" như thế không nhiều. Dù hết sức nỗ lực từ nhiều năm qua, Ủy ban Nhà nước về người Việt ở nước ngoài cũng chỉ thu dụng được chừng năm bẩy tên vô loại, loanh quanh ở phố Bolsa, thôi : Nguyễn Phương Hùng, Hoàng Duy Hùng, Vũ Hoàng Lân, Nguyễn Ngọc Lập, Nguyễn Trường … !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 05/02/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Nguyễn Văn Lục, "Nhận định tổng quan về thành phần phản chiến & Lực lượng thứ ba" - DCVOnline.net October 24, 2017
Nguyễn Trọng Tín đánh xe tới nhà tui, nói, tui nói với ông một câu rồi tui dzề : Dzụ Đồng Tâm cho biết điều quan trọng này : Thực sự chính quyền này không phải của dân. Dzậy thôi !
Nguyễn Quang Lập
Tôi vẫn thường nghe nhiều người bất đồng chính kiến ở Việt Nam than phiền là họ bị theo dõi, trông chừng, hay canh giữ tại nhà. Tưởng sao chớ chỉ có "bị" thế thôi thì cũng đâu có phiền phức gì cho lắm. Ấy thế mà không ít vị liền công khai bầy tỏ sự phẫn nộ với chính phủ vì đã biến tư thất thành lao thất, khiến họ trở nên những tù nhân ngoại trú, xâm phạm vào quyền tự do căn bản của người dân, bất chấp nhân quyền hay luật pháp…
Những tố giác thượng dẫn dù không sai nhưng, xem ra, có hơi quá đáng. Khách quan mà nói thì nhà nước hiện hành chỉ trấn áp (qua loa) cỡ đó thôi là… tử tế lắm rồi. Chứ cứ theo như tôi biết, cách đây chưa lâu (lắm) thì sự việc còn tồi tệ hơn rất nhiều mà có thằng dân nào dám ho he, hó hé hay than van gì đâu. Quá lắm thì cũng chỉ dám than thở với vợ là cùng :
"Hôm ấy là ngày 24/12 hôm trước của Nô-en 1967. Từ sớm đã có báo động máy bay. Trẻ con nhà tôi đã đi sơ tán cả, ở nhà chỉ còn có hai vợ chồng. Hai chúng tôi nhảy xuống cái hố cá nhân ở mảnh sân con trước cửa nhà. Đứng nép hai người dưới cái hố cá nhân chật chội, nghe tiếng bom nổ, tôi nói :
– Ước gì một quả bom rơi xuống trúng hố cho chúng mình chết luôn. Có đôi.
Nghe tôi nói, vợ tôi mỉm cười buồn rầu. Vợ tôi hiểu tâm trạng của tôi là tâm trạng của một con thú bị săn đuổi không có đường chạy tháo thân (Trần Thư, Tử tù xử lí nội bộ, Văn Nghệ, Westminster, CA:1995).
Trần Thư, tất nhiên, không phải là "con thú bị săn đuổi" duy nhất vào thời điểm ấy :
"Bình bàng hoàng khi biết mình có ‘đuôi’….Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù… Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa. Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả... Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được" (Bùi Ngọc Tấn, Chuyện Kể Năm 2000, tập I, Câu lạc bộ Tuổi Xanh, Westminster, CA:2000).
Trần Thư và Bùi Ngọc Tấn – chung cuộc – đều đã lần lượt vào tù, rồi được phóng thích, và đã lìa trần ráo trọi. Tuy thế, công tác theo dõi/trông chừng/ canh giữ người dân thì vẫn nằm trong đường lối và chính sách (xuyên suốt) của chế độ hiện hành. Chỉ có mỗi sự khác biệt là thái độ của những đối tượng nằm trong tầm ngắm của Công an thì hoàn toàn đã khác. Họ coi đám lính cứ loẵng ngoẵng theo đuôi này chả còn ra cái đinh gì sất cả :
- Phạm Xuân Nguyên : "Nhà mình là một căn hộ ở tầng 5 của một chung cư năm tầng, gọi là khu tập thể của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam (phòng 503, nhà H1, ngõ 37, Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội). Các anh lính đến ngồi ở quán nước cạnh chân cầu thang và canh chừng mình đi xuống để đi theo.
Trịnh Bá Phương : "Sáng nay đội an ninh quận Hà Đông lại đến canh nhà tôi. Tôi đi đón bưởi họ cũng đi theo. Vừa đến Nam an ninh quận hỏi.
- Bọn anh đến hỏi thăm về cái đơn bên Đồng Tâm em gửi đi khắp nơi, gửi cả Liên Hiệp Quốc.
- Uh, đúng rồi, tôi còn gửi đi nhiều nữa. Có sao ko ?
- …
- Thôi mấy ngày này em cứ ở nhà nhé, phải lo cho vợ con nữa chứ.
- Gặp ông hôm nay, tôi nói rõ để các ông biết … tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để cho cái chế độ cộng sản này sớm sụp đổ. Các ông đừng bao giờ nghĩ có thể thuyết phục tôi cái gì nhé".
Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934, Phạm Xuân Nguyên 1959, và Trịnh Bá Phương chào đời năm 1984. Khoảng cách giữa ba nhân vật này là nửa thế kỷ, vừa vặn cho ba thế hệ người. Thời gian và thời đại đều không đứng về phe cộng sản nên "bạo lực cách mạng" Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã dần biến thành một con dao cùn. Nó cùn lụt đến độ mà cả đám cán bộ an ninh đứng nghe những lời thách thức ("Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể, để cho cái chế độ cộng sản này sớm sụp đổ".) mà chả ai có phản ứng nào cả !
Sự cùn mằn này còn được thể hiện rất rõ qua trận đánh vừa qua ở Đồng Tâm. Nhà cầm quyền đã huy động mấy ngàn chiến sĩ, được trang bị đến tận răng chỉ để tập kích một thôn làng, và tận diệt gia đình của một lão nông nhưng bị tổn thất nặng nề. Không chỉ thảm bại trong việc sử dụng "bạo lực cách mạng", Đảng và Nhà nước Việt Nam còn phơi bầy sự thảm hại trong mặt trận truyền thông. Tất cả những thông tin lập lờ, lấp liếm, giả trá, bất nhất đều bị lột trần trước công luận. Mọi kịch bản, mưu mẹo, lươn lẹo đều bị bóc mẽ tức thì và khiến công luận trở nên sôi sục :
- Văn sĩ, trí thức Việt Nam ra Tuyên bố Đồng Tâm
- Đồng Tâm : 'Công luận đang đặt ra hàng ngàn câu hỏi
- Giới trí thức và các nhà hoạt động ở Hà Nội chung đơn tố giác vụ giết cụ Lê Đình Kình, Đồng Tâm
- Xã hội dân sự yêu cầu cộng sản Việt Nam ‘chấm dứt dùng bạo lực ở Đồng Tâm’
- Mạng lưới nhân quyền Việt Nam lên tiếng về thảm cảnh tại xã Đồng Tâm
- Vụ Đồng Tâm : Liên Hiệp Châu Âu vào cuộc, ‘đề nghị’ gặp Bộ Công an
- Dân biểu Nghị viện Châu Âu lên tiếng về vụ Đồng Tâm
- Các nhà hoạt động Paris mở đầu tuần lễ tưởng niệm nạn nhân Đồng Tâm
- Chính phủ Việt Nam tổng tấn công ngăn chặn thông tin vụ Đồng Tâm ra bên ngoài
- At Vietnam’s ‘Dong Tam Massacre’, activists claim government attacked its own citizens
- Vietnam’s Deadly Land Clash Leaves Questions Unanswered
- Dong Tam village : Anger in Vietnam over deadly ‘land grab’ raid
- Viet Nam : Arrests and social media crackdown follow deadly clashes over land
Ảnh : Facebook La Viet Dung
FB Nguyễn Doãn Đôn phê phán : "Trang sử cùa đảng vốn đã đen, mà mới đầu năm các vị đã đổ thêm mực Tầu vào !"
FB Đỗ Thị Thanh Vân tóm gọn : "Không cái ngu nào bằng cái ngu này".
Tiến sĩ Hà Sỹ Phu kết luận :
Đem đại binh chống một ông già, lo sợ quá bởi Lòng không đại nghĩa !
Dựng tiểu tiết như bày con nít, mưu mô thừa vì Chí chẳng công minh !
Khi bạo lực bạo lực sắt máu không còn làm cho người dân run sợ, tuyên truyền dối trá không còn lừa gạt được ai, và tính chính danh lại hết sức mù mờ thì sinh mệnh của một chế độ độ tài coi như đã hết. Vào thập niên trước nhà văn Nguyên Ngọc đã tiên đoán rằng : "Chế độ này thế nào cũng sụp đổ. Nhưng không biết nó sẽ sụp đổ theo kịch bản nào ?".
Nay thì "kịch bản" này đã rõ. Nó "sụp đổ" vì đã đi đến tận cùng của sự rệu rã và thối nát. Tuy đây là một điều vui nhưng chưa chắn đã là một chuyện thật đáng mừng, sau đó. Nó đổ rồi sao ?
What’s next ?
Tự do và dân chủ, nói theo nhà báo Ngô Nhân Dụng, không giống như món mì gói cứ đổ nước sôi vào là ăn được ngay đâu. Mà ngay cả đến chuyện lo chụm củi nấu nước sôi (e) cũng chưa có ai nghĩ đến !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 01/02/2020 (tuongnangtien's blog)
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do
Ca Dao
Cứ theo như lời của nhạc sĩ Văn Trí, tác giả bản Hoài Thu (Ly Tao ấn hành 1959) thì Đà Lạt – vào thời điểm này – còn là một nơi hoang dã :
Mùa Thu năm ấy
trên đường đến miền cao nguyên
Đà Lạt núi rừng thâm xuyên
Thác ngàn nước bạc thiên nhiên…
Mùa Thu năm ấy, tôi còn là một đứa bé vừa đến tuổi cắp sách đến trường. Cũng như bao nhiêu bạn bè cùng lứa, lớn lên giữa núi rừng thâm xuyên, trước ngực chúng tôi thường đeo tòng teng một chiếc nạng giàn thung (hay còn gọi là ná bắn chim) dù chưa có đứa nào bắn trúng được một con chim cả. Đích nhắm duy nhất mà chúng tôi có thể ghi được "thành tích" là những cái biển tên đường.
Thưở đó, Thủ Khoa Huân là một con lộ vắng tanh, không được rải nhựa, dưới chân chỉ cần cận những viên đá bạc đầu, và um tùm cỏ dại. Chỉ vào những ngày cuối năm – khi Đà Lạt bắt đầu trở lạnh – hai bên đường mới bắt đầu lấm tấm điểm những cánh hoa đào (hay hoa mận) mong manh, nở cùng lúc với những bụi qùi vàng man dại. Đây cũng là nơi lý tưởng để chúng tôi tập bắn giàn thung.
Có hôm đang loay hoay "nạp đạn" bỗng có người vỗ vai. Khi quay đầu lại tôi thấy một ông đeo kính, lớn tuổi trông rất nghiêm nghị nhưng giọng nói lại vô cùng nhỏ nhẹ : "Mấy con à. Thủ Khoa Huân là một vị anh hùng của dân tộc, một danh nhân của nước nhà. Lấy sỏi bắn vô tên của ổng đâu có được, như vậy là bất kính với tiền nhân…".
Chúng tôi nghe hơi lùng bùng lỗ tai vì không hiểu rõ lắm ý nghĩa của từng lời nói nhưng vẫn cảm nhận được rằng việc đang làm là sai quấy nên tất cả đều bẽn lẽn cúi đầu, rồi lặng lẽ... tan hàng ! Từ hôm đó, tôi mới lờ mờ có chút khái niệm về ý nghĩa của những cái biển tên đường.
Nhà tôi ở đường Duy Tân, chỗ con hẻm nhỏ nối với đường Nguyễn Biểu, ăn thông xuống đường Phan Đình Phùng và đường Hai Bà Trưng. Trường tôi (tiểu học Đoàn Thị Điểm) tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, ngay đầu đường Trương Vĩnh Ký. Hóa ra mọi tên đường nằm sâu trong trong ký ức thơ ấu của tôi đều mang tên những danh nhân. Sau này, trong những ngày học thi tú tài ở Sài Gòn, tôi mới biết thêm rằng Thủ Đô có những con đường lớn (Thống Nhất, Tự Do, Công Lý…) vinh danh ước vọng hay lý tưởng của cả một dân tộc.
Cuối cùng rồi đất nước cũng thống nhất nhưng công lý và tự do thì vẫn còn xa, xa lắm :
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do
Muốn biết Khởi Nghĩa tiêu tan Công Lý ra sao xin đọc đôi dòng của bản tin ("Bốn mươi năm vẫn chưa đòi được căn nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh") trên báo Lao Động, ngày 6/8/2019 :
"Cố luật sư, nhà cách mạng Trịnh Đình Thảo (1901/1986) rất nổi tiếng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở Sài Gòn. Tên ông được đặt cho một con đường ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau năm 1975, từ ông Trịnh Đình Thảo - sau khi ông mất, đến con trai và giờ đây là cháu nội ông Thảo liên tục gửi đơn xin lại căn nhà đất số 192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.6, Q.3 do nhà nước quản lý. Tuy nhiên, đến nay, sau hơn 40 năm, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh vẫn không giải quyết trả nhà cho gia đình ông".
Bắc Kỳ (tất nhiên) cũng thế, theo như tin loan của báo báo Tiền Phong – phổ biến hôm 5/12/2018 :
"Hà Nội chính thức có phố Trịnh Văn Bô dài 900 mét… Được biết, cụ Trịnh Văn Bô là một thương nhân theo chủ nghĩa dân tộc, trong Tuần lễ Vàng năm 1945, cụ đã ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng. Gia đình cụ sở hữu ngôi nhà tại 48 Hàng Ngang. Đến Cách mạng Tháng Tám 1945, vợ chồng cụ dành ngôi nhà này để cán bộ cách mạng làm việc. Ngôi nhà này cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945. Sau đó gia đình cụ cũng hiến căn nhà này cho Nhà nước để làm di tích cách mạng".
Đ… mẹ, hổng dám "hiến" đâu, đừng có xạo :
Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành "cải tạo xã hội chủ nghĩa" trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi "làm gương", đưa xưởng dệt của bà vào "công tư hợp doanh". Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột...
Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là "tư sản dân tộc", và rất ít khi hai chữ "dân tộc" được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể : "Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều... Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được (1).
Chỉ có điều an ủi là tuy mất nhà, mất của nhưng cụ Trịnh Văn Bô – ít ra – cũng được đền bù bằng một cái tên phố. Cụ Trịnh Đình Thảo cũng thế. Và thế là cũng may mắn lắm rồi. Thiếu gì kẻ mất cả tài sản, lẫn tính mạng mà còn bị xỉ vả không tiếc lời ấy chứ. Đọc thử đôi câu trong bài báo ("Địa chủ ác ghê") của Bác, với bút hiệu C.B, rủa xả bà Nguyễn Thị Năm xem có kinh không : "Mụ địa chủ Cát-hanh-Long cùng hai đứa con và mấy tên lâu la đã giết chết 14 nông dân, tra tấn đánh đập hằng chục nông dân, nay còn tàn tật, làm chết 32 gia đình gồm có 200 người…".
Tất nhiên là đường Trịnh Đình Thảo hơi bị nhỏ, và phố Trịnh Văn Bô cũng hơi bị ngắn – chỉ dài mấy vài trăm mét hà. Chứ làm sao mà bì được với những con đường lớn, hiện diện khắp nước, mang tên những vị đại công thần cách mạng : Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Quốc Hoàn…
Ủa, Hoàn nào vậy cà ?
Theo Wikipedia của làng Ba Đình, Hà Nội : "Trần Quốc Hoàn (1916-1986) là Bộ trưởng Bộ Công an đầu tiên của Việt Nam và tại chức trong thời gian dài nhất từ năm 1953 đến năm 1981. Ông được coi là người đặt nền móng đầu tiên cho công tác xây dựng lực lượng và nghiệp vụ của ngành Công an".
Có lẽ vì nhờ "nền móng" vững chắc này nên cho đến nay dân chúng vẫn tiếp tục vào đồn để treo cổ "tự tử" đều đều. Những người biết chuyện còn cho biết thêm nhiều tình tiết thú vị về ông Bộ trưởng Công an đầu tiên của chính phủ hiện hành :
"Hoàn được gán cho cái biệt hiệu ‘Béria của Việt Nam’… Béria dù sao cũng còn là một hạ sĩ quan trong quân đội Nga hoàng, còn có học đôi chút, chứ Trần Quốc Hoàn thì hoàn toàn vô học… Từ ngày Trần Quốc Hoàn lên làm bộ trưởng thì trên miền Bắc không có mấy gia đình không có người thân trong gia tộc ở tù" (2).
"Đây là một ông quan liêu nặng, dốt nát nhưng hay khoe mẽ, ích kỷ và dối trá, thích cấp dưới tâng bốc mình, ghét người trung thực, đặc biệt là ghét trí thức… Mỗi lần về Hà Nội, đi qua con đường mới mở to đẹp ở quận Cầu Giấy mang tên Trần Quốc Hoàn, tôi không khỏi ngậm ngùi đau xót cho số phận của dân tộc mình. Rồi có ngày tấm biển đó. Tôi tin như thế" (3).
Tôi thì tin hơi khác : ngoài "tấm biển đó" còn cả trăm tấm biển nữa cũng "phải giật xuống " luôn, cho đỡ chướng mắt !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 27/01/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II. OsinBook, Westminster, CA : 2013
(2) Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày, Westminster, CA : Văn Nghệ, 1997
(3) Lê Phú Khải. Lời Ai Điếu, Westminster, CA : Người Việt, 2016
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh.
Kiều
Tôi được nghe Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội (thơ Hoàng Anh Tuấn, nhạc Phạm Đình Chương) từ thưở ấu thơ :
Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn…
Mưa ngày nay
Như lệ khóc đất quê hương tù đày
Sao "phần đất quê hương" này lại bị "tù đầy" và có lắm người thốt lên những lời ai oán, thê thiết, đắng cay đến thế :
Lìa xa thành đô yêu dấu, một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn "em" mờ trong mây khói, bước đi nhưng chưa nỡ
rời lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly.
(Vũ Thành, Giấc mơ hồi hương , Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, 1959).
Rồi Bắc/Nam thống nhất, Nam/Bắc hòa lời ca nhưng tất cả những nhân vật thượng dẫn (Hoàng Anh Tuấn, Phạm Đình Chương, Vũ Thành …) đều ù té đâm xầm ra biển, hốt hoảng bỏ của chạy lấy người, quên hẳn cái "giấc mơ hồi hương" mà họ đã từng ôm ấp chưa lâu – trước đó.
Kẻ ở lại, Nguyễn Ngọc Lan – sau chuyến hồi hương vào năm 1975 – đã tỉ mỉ ghi lại cảm xúc của mình, trong một tập hồi ký (Hà Nội của tôi thế đó) không được xuất bản. Lý do, theo lời của tác giả : "Các ông to bà lớn đầy mặc cảm bực bội, khó chịu… người ta không hãnh diện về cái nghèo của Hà Nội". Còn theo dư luận thì vấn đề, chả qua, chỉ vì lỗi của thằng đánh máy. Nó bỏ dấu sai : Hà Nội tội thế đó, Hà Nội tồi thế đó, Hà Nội tối thế đó…
Thế nà thế lào ?
Phải đợi thêm gần hai thập niên nữa, khi đất nước chuẩn bị bước vào Thời kỳ Đổi mới (và giới văn nghệ sĩ được tạm thời cởi trói) người dân – cả ba miền – mới có cơ hội đọc được những phát biểu khách quan về Thủ đô của lương tâm nhân loại. Xin ghi lại một vài, theo thứ tự (abc) alphabétique :
- Phạm Xuân Đài :
"Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ :
Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hóa để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá.
(Phạm Xuân Đài, Hà Nội trong mắt tôi, Thế Kỷ, Hoa Kỳ 1994)
- Bùi Bích Hà :
"Những đứa bé trai và gái bưng thức ăn cho khách vẫn là những đứa bé đã được mô tả trong tiểu thuyết Nam Cao hay Trương Tửu cách đây năm sáu thập niên, còm cõi, nhọc nhằn, cơ cực, chỉ biết cúi đầu vâng dạ và sống quen với lo âu, sợ hãi… Những anh chị phu hồ vẫn làm việc bằng những cung cách từ nửa thế kỷ trước. Họ chuyền tay nhau mọi thứ vật liệu. Cát, đá và sạn đựng trong những cái rổ, đà gỗ vác trên vai. Một ngày dầm mưa hay đổ mồ hôi như thế của một người phu hồ trị giá một đô la và một bữa ăn trưa thanh đạm. Hơn một phần tư thế kỷ thực hiện ‘chủ nghĩa xã hội ưu việt’ trong nước, hơn một phần tư thế kỷ kêu gào tự do và nhân quyền của khối người việt lưu vong hải ngoại, chẳng có chút ánh sáng nào rọi vào những góc đời phiền muộn tối tăm này".
(Bùi Bích Hà, "Nhìn lại quê hương", Thế Kỷ 21, Sep. 2003, trong. 63-65).
- Tô Hoài :
"Nhà em bảo em lên ở Hà Nội. Giàu có nhà quê không bằng ngồi lê Kẻ Chợ, vẫn đồn thế mà. Người hèn đớn cũng kiếm được, không mất bữa. Gánh đồng nát mà lãi quan viên. Nhà em bảo thế, em cũng đã lên xem sao… Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường. Cả đêm không tải nào chợp mắt, ăn cơm lại oẹ ra, ốm đến nơi. Thế là cút ngay. Thuê kẹo em cũng không bao giờ dám lên Hà Nội nữa.
Tô Hoài, Chiều chiều, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội 1999).
"Có nơi nào trên trái đất này
Mật độ đắng cay như ở đây
Chín người - mười cuộc đời rạn vỡ
Bị ruồng bỏ và bị lưu đầy…
Rõ ràng là… đất dữ ! Tuy nhiên, đó là Hà Nội của một thời đã qua rồi – tự thế kỷ trước lận. Sau khi Đảng và Nhà nước anh dũng và quyết tâm đổi mới, Chính phủ Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã ra đời. Hà Nội hiện nay đã hoàn toàn biến đổi, văn minh chưa từng thấy. Báo chí trong nước vừa đồng loạt và hân hoan ghi nhận một hình ảnh đẹp, khiến nhân dân thủ đô vỡ oà trong niềm vui và hạnh phúc lâng lâng :
"Hai người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành đèn tín hiệu trên trục đường Đại Cồ Việt - Phố Huế. Bức ảnh hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya ở Hà Nội nhận được sự tán dương và chia sẻ mạnh mẽ. Trong đó, nhiều người còn khảng khái cho rằng : ‘Dù là người lao động, đi xe máy nhưng ý thức của hai người đàn ông này còn hơn rất nhiều người đi xe sang nhưng thường xuyên vượt đèn đỏ, lấn làn, cản trở giao thông của các phương tiện khác’. Theo TS. Đức, để giao thông Việt Nam có nhiều tấm hình đẹp như bức ảnh hai người dừng chờ đèn đỏ giữa đêm khuya đang gây ‘bão’ mạng xã hội, các cơ quan chức năng cần tăng cường lực lượng chốt trực, lưu động trên đường, nghiên cứu đầu tư hệ thống thiết bị giao thông thông minh giám sát, kiên quyết không bỏ lọt vi phạm, phải tổ chức các đợt cao điểm để tạo sự răn đe, nâng cao ý thức của người dân".
Cơn "bão mạng xã hội" vừa đi qua Hà Nội, vào những ngày cuối năm, khiến tôi nhớ đến những con sóng nhỏ lăn tăn trong lòng một tù nhân lương tâm Việt Nam (Anh Ba Sàm – Nguyễn Hữu Vinh) khi ông bước chân đến Sài Gòn, hồi cuối thế kỷ trước :
"Sau 1975, có những thứ mà Sài Gòn, miền Nam làm cho hắn rất lạ và không thể quên. Một đêm, chạy xe máy về nhà (ông cậu), tới ngã tư đèn đỏ, ngó hai bên đường vắng hoe, hắn rồ ga tính vọt thẳng. Bất ngờ nghe bên tai tiếng thắng xe cái rẹc, liếc qua thấy ông lão với chiếc xích lô trống không. Quê quá, phải dừng theo ! Nhiều năm sau, ở Hà Nội, những ngã tư đông đúc như Tràng Tiền-Hàng Bài, ngoài một chú cảnh sát đứng bục, thường phải thêm có 4 chú cầm gậy chặn bốn phía, lùa, đuổi mà cũng không xuể".
Ảnh : báo An Toàn Giao Thông chụp được vào lúc 1h sáng ngày 24/12 năm 2019
Bữa nay thì kể như êm. Lùa, đuổi "xuể" là cái chắc. Khoảnh khắc lịch sử đã ghi : vào lúc 1giờ sáng ngày 24/12/2019, ít nhất, đã có hai người đàn ông đi xe máy dừng chờ đèn đỏ ở Hà Nội rồi. Thiệt là "khẳng khái" và quí hóa hết biết luôn.
2019 - 1975 : 44 năm, chưa tới nửa thế kỷ, khoảng thời gian tuy không dài lắm nhưng vẫn đủ để Hà Nội bắt kịp Sài Gòn. Thêm năm mươi năm nữa, đến cuối thế kỷ này, không ai có thể đoán được rồi cả nước sẽ "rót" về đâu – kể cả đồng chí Tổng bí thư. Riêng tôi, đêm nay, chắc phải "rót" thêm rất nhiều chén nữa.
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 15/01/2020 (tuongnangtien's blog)
Bình đẳng về chủng tộc là một cột trụ của xã hội văn minh. Kỳ thị chủng tộc là hiện thân của sự man rợ.
Nguyễn Thọ
Tôi không quen cũng biết (hầu hết) những người làm nhạc ở đất nước mình, trừ mỗi ông Thanh Phúc – tác giả của bản Người Mèo ơn Đảng :
Đây sườn núi lưng đèo người Mèo ca hát
Sao còn có trên trời người Mèo ơn Đảng
Bao đời nay sống nghèo lam lũ
Nay cuộc sống dân Mèo từ đây sáng rồi
Cuộc sống của người Mèo ở Việt Nam hiện nay, nói nào ngay, không "sáng" gì cho lắm :
- Điện Biên : 29 người H'Mong bị cáo buộc "hoạt động phỉ"
- Hàng ngàn người Hmong biểu tình ở Điện Biên
- Binh sĩ Lào và Việt Nam bắn chết 4 phụ nữ Hmong
- Hàng ngàn người H'Mong phản kháng đàn áp tín ngưỡng
- Báo nguy về đàn áp dân Hmong
- Bốn người Hmong bị kết án "âm mưu lật đổ chính quyền"
- Alarming Crackdown on a Group of Hmong Individuals
- Vietnam : Investigate Crackdown on Hmong Unrest
- Vietnam : Hanoi hospitals refuse treatment to ailing Hmong
Sau biến động Mường Nhé – xẩy ra hồi năm 2011, ở Điện Biên – hàng trăm người H’mông bị sát hại, hàng ngàn người khác bị bắt giữ, số còn lại thì không ít kẻ đã hốt hoảng rời bỏ bản làng đi tìm đường lánh nạn. Bốn năm sau, năm 2015, tôi tình cờ gặp được vài chục người di tản (buồn) này gần khu chợ Saphan Mai – thuộc Bang Khen – ngoại ô Bangkok.
Tôi vẫn hay ghé đây vì có chút giao tình với một vị mục sư, từ Việt Nam vượt biên sang Thái. Ông tuy còn trẻ nhưng được coi như người lãnh đạo tinh thần của những gia đình H’mong ở cái xóm "tị nạn đa chủng tộc" này. Nói là đa chủng tộc vì ngoài người Việt, người Mèo, còn có vài chục người Miến Điện (cũng) đang chui rúc trong cùng một khu ổ chuột.
Ngày trước – theo tôi biết – đây là khu cư xá của nhân viên phi trường Don Mueang, kế cạnh. Với thời gian, nhà cửa xuống cấp mỗi lúc một thêm thảm hại nên họ bỏ đi ráo trọi. Lần hồi nó trở thành nơi tụ tập của đám dân tứ xứ, một cái xóm nghèo, với giá thuê rất rẻ. Chỉ cần mươi mười lăm ngàn baht, cỡ ba bốn chục USA dollar mỗi tháng, là có thể tìm được một chỗ trú thân.
Ông Sùng A Cháng, bạn rượu của tôi, hiện đang "trú" tại nơi này. Cũng như tôi, ông ấy đã quá tuổi lao động nên thường xuyên rảnh rỗi và sẵn sàng nâng ly – bất kể sáng/trưa/chiều/tối. Chúng tôi thường tợp rượu trước, rồi mới lai rai qua bia, cùng với lạc rang hay lạc nấu. Già yếu nên cả hai cũng chả uống được chi nhiều, chỉ hết một chai Hong Thong loại nhỏ (350ml) và qua đến nửa chai Singha là chuyện trò đã trở nên sinh động hẳn – dù ông bạn có hơi nghễnh ngãng :
- Tôi bị cán bộ cứ thay phiên tát vào má vào mặt mấy ngày liền nên bây giờ cái tai lúc nào nó cùng hơi "ù ù" khó nghe quá, ông ạ.
- Sao lại đến nỗi vậy ?
- Họ bắt phải bỏ đạo nhưng tôi không chịu !
- Chuyện đức tin, tuy thế, không phải là nguyên do chính để ông Sùng A Cháng rời bỏ Việt Nam. Đất đai canh tác bị thu hồi mới thực sự là giọt nước tràn ly khiến ông bạn tôi phải dắt díu vợ con chạy qua Lào rồi tìm đường sang Thái.
- Chứ ông thử nghĩ xem, không có đất thì người biết sống làm sao nên phải đi thôi.
- "Đi đâu ?" Có lẽ chưa bao giờ là câu hỏi mà ông Sùng A Cháng đặt ra một cách ... nghiêm trang hay thấu đáo cả :
- Người ta chạy thì mình cũng phải chạy theo thôi, chứ muốn có ở lại cũng không được. Cái nhà nước này khó sống với nó lắm, ông ơi !
Kiểu lập luận giản dị của ông bạn tôi, tất nhiên, không được cả chính quyền Thái Lan lẫn Cao Ủy Tị Nạn chấp nhận. Họ không thích cái kiểu "tị nạn tập thể", kéo nhau đi từng đoàn như thế. Ai mà có thể mở rộng vòng tay để chào đón mãi những kẻ khốn cùng, cứ tiếp tục đến (hết thập niên này sang thập niên khác) từ một xứ sở … Độc lập – Tự do – Hạnh phúc !
May mắn là IDC (Immigration Detention Center, Nhà Giam Của Cơ Quan Di Trú) ở Bankok luôn trong tình trạng quá tải nên cả gia đình ông chưa ai bị truy tố và giam giữ về tội nhập cư trái phép. Thế là cả nhà lêu bêu giữa thủ đô Bangkok. Tiền không có một cắc, tiếng không biết một chữ, và cũng chả quen biết bất cứ ai để có thể nhờ cậy hay tá túc.
- Ấy thế mà rồi cũng sống sót được, lạ thật ông nhỉ ?
- Thì đã bảo là trời sinh voi, trời sinh cỏ mà !
Tôi tiện miệng mà nói thế chứ cỏ ở Thái Lan, xem ra, cũng chả nhiều nhặn gì cho lắm. Sư thực, nhờ vào hội thánh, vài cơ quan thiện nguyện và những người bạn tốt bụng từ hải ngoại (bà Kim Bintliff, cô Grace Bùi, cô Nguyễn Thanh Tâm, cô Maria Trần Ngọc, bạn Mi Vân, bạn Phạm Dương Đức Tùng, bạn Phan Ngọc …) tận tình chia sẻ ngọt bùi nên mấy chục gia đình người H’mong ở Sanpha Mai vẫn có thể sống còn nơi xứ lạ. Lần hồi rồi cả hai anh con trai của ông Sùng đều có việc làm : đứa đi phụ hồ, đứa đẩy xe kem. Hai cô con dâu đi rửa chén cho quán ăn gần đó. Hai ông bà ở nhà trông tám đứa cháu nội lau nhau. Phụ nữ Mèo chả ai mà không mắn đẻ.
Thì cũng đủ ăn đấy chả đói bữa nào nhưng buồn quá ông ơi. Chúng tôi nhớ nương rẫy lắm. Ở đây chả có núi rừng, cây cối gì xất cả. Vợ tôi cứ khóc hoài. Nó đòi về nhưng làm sao mà về được ?
Nghe ông chồng nói mà bà vợ rơm rớm nước mắt khiến tôi cũng phải sụt sùi. Đồng bệnh tương lân mà. Tôi cũng muốn về lắm chứ, cũng muốn được đến phần mộ của song thân thắp một nén nhang, ra Hồ Xuân Hương tắm thêm lần nữa, và leo lên Đồi Cù ngồi hát bản "Chiều Vàng" để chỉ cho chính mình nghe – lần chót :
Trên đồi xanh chiều đã xuống dần
Mặt trời lấp ló sau đồi chiều vàng…
Tôi hay đi loanh quanh Miên, Miến, Thái, Lào … chỉ vì cảnh vật ở những nước láng này cũng từa tựa Việt Nam. Ngồi lê la nói chuyện với ông bà Sùng A Cháng ở Bangkok (hay với "những Việt kiều" ở Biển Hồ) thì cũng gần như là được nói chuyện với đồng bào cùng khổ của mình, ngay tại quê nhà vậy.
Tất nhiên không phải ai cũng ù té chạy khỏi Việt Nam như gia đình ông Sùng A Cháng. Ông Triệu Tài Vinh, chả hạn, chả việc gì phải chạy đi đâu cả. Ông ấy thuộc diện Người Mèo ơn Đảng mà : quê ở Hà Giang, có bằng cử nhân, tiến sỹ gì đó, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, ủy viên trung ương đảng …
Chỉ có điều (hơi) đáng tiếc là tuy cùng đảng nhưng ông ấy khác phe với đồng chí Tổng Bí Thư nên vừa bị Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị bỏ vào lò cho nó cháy chơi. Thế là Triệu Tài Vinh đã bị đánh tơi bời hoa lá :
- Vua Mèo : Nối gót Đinh La Thăng
- "Lý ông Mèo" của ông Triệu Tài Vinh
- BCT bỏ phiếu thông qua quyết định bắt giam Vua Mèo Triệu Tài Vinh
- Chuyện ít ai biết về cuộc đời bí thư Triệu Tài Vinh - Vua Mèo ở Hà Giang
- "Lý ông Mèo" của ông Triệu Tài Vinh
- Phiếm & Biếm : Cái lý của thằng Mèo
Tôi cũng là người sinh trưởng miền núi nhưng không vì thế mà có thể lên tiếng bênh vực cho ông Triệu Tài Vinh. Những anh "lưu manh giả danh cán bộ" vào tù là phải (giá) không có chi để phàn nàn hay thắc mắc hoặc khiếu nại gì ráo trọi. Tôi chỉ có chút băn khoăn là sao bỗng dưng cả triệu người Mèo ở Việt Nam lại bị "đồng hoá" với cái ông Vinh (thổ tả) ở Hà Giang ? Sao khi khổng khi không quí vị lại có thể vơ đũa cả nắm rồi mang vua Mèo hay thằng Mèo ra để giễu cợt (khơi khơi) như vậy được ?
Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe …
Trần Tế Xương sinh năm 1870 và mất năm 1907. Câu thơ thượng dẫn có thể được ông viết từ cuối thế kỷ mười chín. Vào thời điểm này, khi mà mọi phương tiện truyền thông và giao thông đều vô cùng giới hạn nên cách nhìn lệch lạc của nhà thơ về một sắc dân bản địa – rộng lòng mà nói – có thể bao dung và thông cảm được phần nào. Còn chúng ta, những kẻ đang sinh sống ở thế kỷ 21 (thời điểm mà quả đất đã thu nhỏ như một cái làng) mà chả lẽ cũng vẫn tư duy theo kiểu bộ lạc thế sao ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 08/01/2020 (tuongnangtien's blog)
Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo.
Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi.
Trần Tế Xương
Nguyên Bí thư thành ủy Sài Gòn, Trần Bạch Đằng, qua đời vào năm 2007. Tuy thế, hơn 10 năm sau nhiều vị trí thức ở Thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) vẫn nhất định tụ tập nhau lại để vinh danh ông là Kẻ sĩ Nam bộ bằng một tác phẩm cùng tên – dầy đến 400 trang. Báo Lao Động cho biết thêm chi tiết : "Nhóm chủ biên đã nhận được sự cộng tác của hơn 50 người từng có thời gian gắn bó với ông Trần Bạch Đằng để hình thành nên cuốn sách này".
Thiệt là tình nghĩa và trang trọng hết biết luôn. Chỉ có điều đáng tiếc là công trình trước tác đồ sộ này không có người mua, và cũng không được bao cấp (như Tuyển Tập Nông Đức Mạnh hay Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng) nên "các tác giả có bài viết trong tác phẩm sẽ được trả nhuận bút bằng sách " – theo như nguyên văn lời tâm sự của Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt (thành viên của ban biên tâp) trên báo Phụ Nữ, đọc được vào hôm 22 tháng 7 vừa qua.
Thiệt là một "tâm sự" não lòng. Ấy thế mà vẫn còn có chuyện não nề hơn, cũng liên quan đến Trần Bạch Đằng và một "kẻ sĩ" khác (cùng gốc gác Nam Kỳ) theo lời kể của nhà báo Lê Đức Dục :
Năm 1997, trên báo Tuổi Trẻ Chủ nhật (nay là Tuổi Trẻ cuối tuần) có đăng bài báo của ông Trần Bạch Đằng (Tư Ánh), có tựa "Kẻ sĩ Gia Định". Tôi nhớ mãi bài báo ấy vì ông Trần Bạch Đằng có kể câu chuyện về một kẻ sĩ của Sài Gòn bấy giờ là cụ Lưu Văn Lang – kỹ sư bản xứ đầu tiên của người Việt (các bạn cứ "gúc" Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước).
Ông Tư Ánh kể năm 1967, nghe tin cụ Lang mệt nặng, khu ủy Sài Gòn cử ông Đặng Xuân Phong (sau này là thượng tá – đã mất) đến thăm vào báo cáo tình hình kháng chiến với cụ Lưu Văn Lang và xin ý kiến của cụ về thời cuộc. Vì hoạt động bí mật, gặp từ khuya, xong còn tìm đường lên cứ, nên anh Phong kể xong hỏi cụ chỉ giáo gì không, nghe xong cụ nói "Mấy anh làm tốt rồi, nhưng coi chừng Trung Quốc".
Thế là dù đã đến giờ giao liên đón, nhưng anh Phong vẫn ngồi lại giải thích cho cụ là Trung Quốc đang giúp cho cuộc chiến chúng ta này nọ, viện trợ này kia, bla bla… Mong cụ Lang hiểu được tình hình hữu nghị, vì biết tiếng nói của một trí thức lớn như cụ ảnh hưởng rất lớn đến phong trào… Và sau một hồi giải thích, người giao liên phát tín hiệu phải lên đường, không thể muộn hơn, anh Phong nghĩ chắc cụ Lang đã "thấm nhuần" nên chào từ biệt cụ. Bước ra tới cửa, anh quay lui bên cụ lễ phép : Dạ cụ chỉ giáo gì thêm không ạ. Cụ Lang chỉ buông đúng cái câu lúc nãy : "Coi chừng Trung Quốc" ! Anh cán bộ Phong, chắc nói theo kiểu chừ là bó tay, nhưng ông Trần Bạch Đằng cực kỳ đắc ý với chi tiết này và cảm khái : Kẻ sĩ Gia Định là như thế đó !
Trái : Trần Bạch Đằng, kẻ sĩ Nam Kỳ - Phải : Lưu Văn Lang, kẻ sĩ Gia Định
Tôi thiệt không hiểu rõ "như thế đó" là "như làm sao" nên làm theo lời khuyên của tác giả Lê Đức Dục ("các bạn cứ ‘gúc’ Lưu Văn Lang thì biết cụ Lang tầm cỡ như thế nào với miền Nam thuở trước") và biết thêm được ba điều bốn chuyện, cũng hơi thú vị :
Lưu Văn Lang (1880-1969) là kỹ sư người bản xứ đầu tiên của Việt Nam và toàn cõi Đông Dương. Ông là một nhà trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam nửa đầu thế kỷ 20… Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9 tháng 3 năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời ra tham gia nội các Trần Trọng Kim để giữ chức bộ trưởng Công Chánh, ông đã từ chối để thể hiện sự bất hợp tác với chính quyền mà ông cho là chỉ là một công cụ của người Nhật…
Sau Hiệp định Genève năm 1954, ông tham gia sáng lập phong trào Hòa Bình đòi thì hành Hiệp định, tổng tuyển cử thống nhất đất nước, được cử làm chủ tịch danh dự. Tháng 11 năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đã bắt giam ông cùng một số trí thức lãnh đạo phong trào. Một thời gian ngắn sau đó, chính quyền phải trả tự do cho ông vì áp lực của dân chúng và thiếu bằng chứng buộc tội… Tháng 7 năm 1955, một lần nữa ông cùng Phong trào Hòa bình kêu gọi thi hành tổng tuyển cử. Phong trào bị đàn áp mãnh liệt, nhiều trí thức bị bắt giam, giáo sư Nguyễn Thị Diệu bị ám sát dã man, Phong trào bị chính quyền giải tán. Kỹ sư Lưu Văn Lang tuy không bị bắt giam, nhưng bị chính quyền quản thúc chặt chẽ cho đến tận năm 1958. Thời gian sau đó cho đến tận cuối đời, tuy không trực tiếp tham gia các hoạt động chính trị nữa, nhưng kỹ sư Lưu Văn Lang vẫn có những liên hệ bí mật với Ban Trí vận Trung ương Cục miền Nam và thường xuyên phổ biến các văn kiện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng ngay giữa Sài Gòn…
Té ra ông kỹ sư là một cán bộ cộng sản nằm vùng nên tuy suốt đời người sống ở miền Nam nhưng luôn hướng vọng về một ông "Bác Kính Yêu", ở tuốt luốt bên kia vĩ tuyến :
"Bác tự nguyện nhận mình chỉ nêu ra được có tác phong, còn tư tưởng, lý luận thì để cho Mao Chủ tịch. Được lãnh tụ ráo riết giáo dục, (điều lệ thêm câu ‘lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam’, điện đảng gửi Đảng Cộng sản Trung Quốc viết Đảng lao động Việt Nam nguyện học tập Đảng Cộng sản Trung Quốc, học tập tư tưởng Mao Trạch Đông, tư tưởng lãnh đạo nhân dân Trung Quốc và các dân tộc Á Đông v.v… Từ 1951, tuần nào báo Nhân Dân cũng có vài mẩu của CB (tức Cụ Hồ) phổ biến kinh nghiệm mọi mặt của Trung Quốc… dần dà đảng viên cộng sản Việt Nam lại tìm ra chỗ để tự hào : được làm em của hai nước vĩ đại, Liên Xô anh cả, Trung Quốc anh hai (1).
Lưu Văn Lang cương quyết theo bác Hồ. Bác lại "nguyện học tập Đảng cộng sản Trung Quốc" rồi "lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm kim chỉ nam", và chưa bao giờ dấu giếm bất cứ ai về ý nguyện của mình. Thế mà đến lúc lâm chung ông kỹ sư miền Nam lại trăn trối lại rằng : "Coi chừng Trung Quốc".
Thế nà thế lào ?
Suốt đời Lưu Văn Lang và Trần Bạch Đằng đều quyết tâm đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào để dọn đường cho Tầu vào đất Việt. Đến khi "nhiệm vụ hoàn thành một cách vẻ vang" rồi thì ông này lại vô cùng "cực kỳ đắc ý" và "cảm khái" về sự "đốn ngộ" của ông kia, vào phút lâm chung : "Coi chừng Trung Quốc".
Sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời !
Đến ngay cả một người ngoại quốc (Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Mark Esper) vừa chân ướt chân ráo đến Việt Nam mà còn biết chuyện Hai Bà Trưng chống quân Đông Hán từ vài ngàn năm trước, vậy mà hai "kẻ sỹ" của đất Nam Kỳ mãi cho đến cuối đời mới ngộ ra cái chuyện phải … "coi chừng Trung Quốc". Tui thiệt đến là bó tay.com luôn với cả hai cha. Cỡ thường dân Nam Bộ (như tui) cũng không đến nỗi ngu kỹ và ngu lâu tới vậy !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 04/01/2020 (tuongnangtien's blog)
(1) Trần Đĩnh, Đèn Cù I, Westminster, CA : Người Việt, 2014