Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 01 juin 2018 17:21

Trịnh Xuân Thanh & Lê Trí Tuệ

Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu.

Bùi Thanh Hiếu

Không hiểu có chuyện chi ("bức xúc") mà bữa rồi, bỗng nhiên, FB Đỗ Ngà đặt ra cho mọi người một câu hỏi khó : "Vấn đề là khi nào dân Việt Nam biết vứt bỏ câu nói tự vong kiểu ‘có lên tiếng cũng chẳng làm được gì’ thì lúc đó, dân tộc này sẽ đổi vận".

Biết đến "khi nào" lận, hả Trời ? Tất nhiên, "mọi người" đều im re hết ráo – trừ blogger Bùi Thanh Hiếu :

"Bạn và tôi, và chẳng ai trên đất nước này có trách nhiệm đi tìm câu trả lời này. Chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu. Số phận đổ lên đầu gia đình nào, gia đình đó chịu. Chưa phải gia đình mình, mà có phải gia đình mình thì chúng ta tự nhủ là nhiều nhà khác còn bị như vậy".

Cuối thế kỷ trước, cũng đã có lần, bác Hà Sĩ Phu thốt ra những lời đắng cay tương tự : "Ý thức xã hội rất thấp, trước khó khăn chung thì phản xạ ứng xử là tìm lối nhỏ để thích nghi riêng. Lâu ngày nhược điểm ấy phát triển thành thói vị kỷ, vô cảm và trơ trơ trước nỗi đau chung".

Quí vị thức giả thượng dẫn, nói nào ngay, chả nói được điều chi lạ lùng hay mới mẻ. 

Thân ai nấy lo

hồn ai nấy giữ

đèn nhà ai nhà nấy sáng

mạnh ai nấy chạy

nhất giải kiến phận...

đều là những châm ngôn đã có tự ngàn xưa, có thể được xem là "túi khôn" hay cách xử thế đặc thù của ... văn hóa Việt : "Cháy nhà hàng xóm bình chân như vại".

Những nền văn hóa khác, xem ra, hơi khác. Báo Thanh Niên, số ra ngày 17 tháng 5 năm 2018, vừa ái ngại loan tin : "Thấy cha ôm con gái 2 tuổi nhảy sông, chàng Tây nhảy theo để cứu".

Bản tin không đề cập chi đến danh tính, hay quốc tịch của "chàng Tây" nhưng tôi đoán cha nội chắc chắn phải là người Đức hay gốc Đức – một giống dân rất "đa đoan" và "hiếu sự !"

Năm trước có một ông "tham quan" Việt Nam trốn qua xứ sở này xin tị nạn, rồi bị công an từ trong nước sang tận nơi lôi về trị tội. Chỉ có thế thôi mà họ làm to chuyện. Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Ngoại Trưởng Đức Sigmar Gabriel tuyên bố : "Đây là điều chưa có tiền lệ... chúng tôi không thể dung thứ và sẽ không dung thứ".

Tưởng đâu là thằng chả chỉ ra vẻ hùng hổ, và "làm dữ" chút chơi, cho nó đỡ mất mặt bầu cua chút xíu thôi. Chớ để lâu rồi cũng cứt trâu cũng hóa bùn ráo trọi mà. Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Tưởng vậy là tưởng năng thối !

Gần cả năm trời trôi qua cứt trâu vẫn nhất định không chịu hóa bùn mà sự việc mỗi lúc, xem chừng, càng thêm rối rắm. Từ Berlin – sáng nay 21 tháng 5 năm 2018 – nhà báo Le Trung Khóa vừa ái ngại loan tin (với đôi chút buồn phiền) rằng : "Chính phủ Đức ra lệnh truy nã quốc tế cán bộ cấp rất cao của Bộ Công an Việt Nam. Anh Tô Lâm làm ăn thế này hơi dở, vào nhà người ta khiêng trộm ông Trịnh Xuân Thanh về cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - nên giờ đất nước mới ra nông nỗi này ! (đêm nay đăng chi tiết)".

Khỏi cần đợi tới "đêm nay", và cũng hả cần phải là thầy bói, ai cũng biết trước được rằng vụ này sẽ lôi thôi lớn, lôi thôi lâu, và (e) còn lôi thôi lắm.

tue1

Trịnh Xuân Thanh trong phiên xử thứ hai - Ảnh minh họa - Nguồn : internet

Sao năm nay "vận nước" xui dữ vậy cà ?

Đây đâu phải là lần đầu tiên mà công an Việt Nam, chạy qua nước khác, "khiêng trộm" người về. Mấy vụ trước đều im re (và êm ru bà rù) tuốt luốt. Lần cuối, lực lượng an ninh "khiêng" Lê Trí Tuệ từ Campuchia về có ai hay biết (hoặc quan tâm, hoặc quan ngại) gì đâu – trừ một người duy nhất là bà Lê Thị Hồng Phương.

Qua một cuộc trao đổi ngắn giữa bào tỷ của nạn nhân và biên tập viên của RFA, vào hôm 3 tháng 2 năm 2014, thiên hạ mới được biết qua sự việc :

Mặc Lâm : Thưa bà, xin bà cho biết chi tiết về trường hợp của em bà là anh Lê Trí Tuệ đã mất tích trong trường hợp nào ?

Lê Thị Hồng Phương : Dạ, em của tôi là Lê Trí Tuệ, sau ba năm quân ngũ thì em tôi được đào tạo một khóa học do nhà nước tổ chức và được cấp bằng trong lĩnh vực kinh doanh vể đào tạo lại cho người lao động đi xuất khẩu cũng như cho các cơ quan, đoàn thể và các công ty cần thiết lao động.

Thế nhưng trong thời gian làm việc đó thì chính bản thân của em tôi cũng giống như các đồng nghiệp và nhiều người lao động khác không nhận được chế độ đặc biệt và công bằng trong lao động vì vậy trong năm 2006 em tôi đã cùng thành lập Công đoàn Độc lập Việt Nam và tới năm 2007, trong cả thời gian dài như vậy em tôi đã bị quy tội là chống đối nhà nước và thường bị sách nhiễu. Em tôi bị đối xử không công bằng nên không còn con đường sống nào khác phải trốn khỏi Việt Nam để sang Campuchia tỵ nạn.

Mặc Lâm : Lần cuối cùng gia đình bà còn liên lạc được với anh Lê Trí Tuệ là khi nào ?

Lê Thị Hồng Phương : Vào tháng 4 năm 2007 đến tháng 5 năm 2007 trong gần một tháng lần cuối cùng thì Tuệ gọi điện về gia đình và nói rằng ngày mai thì em sẽ rời khỏi Campuchia để đi Thái Lan và cũng từ hôm đó em tôi mất tích, không có thêm một tin tức gì nữa.

Ngay ngày hôm sau tờ báo Công an Nhân dân Việt Nam đã phát đơn truy nã em tôi. Cả một thời gian dài trong nhiều năm qua gia đình tôi cũng luôn nghe ngóng theo dõi tìm hiểu tin tức về Tuệ nhưng không hề có manh mối nào cả…

Mặc Lâm : Anh Tuệ bị mất tích tại Phnom Penh, Campuchia vì vậy bà có nghĩ rằng khi đến Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc Thái Lan kêu cứu thì người ta có thể từ chối đơn kêu cứu của bà hay không ?

Lê Thị Hồng Phương : Cao ủy Tỵ nạn Liên hiệp quốc trước kia có trụ sở ở Campuchia, Phnom Penh nhưng sau đó đã chuyển sang Thái Lan cho nên tôi cũng lặn lội đến đây vì tôi biết hồ sơ em tôi còn có nguồn gốc tại Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Tôi tha thiết nguyện vọng xin Cao ủy theo dõi về trường hợp mất tích của em tôi và sớm cho gia đình chúng tôi có sự trả lời.

Mặc Lâm : Từ Châu Âu xa xôi bà lặn lội đến Thái Lan để nộp đơn kêu cứu tới Cao Ủy, xin bà cho biết nội dung trong đơn có chi tiết gì đặc biệt khiến cho họ phải chú ý hay không ?

Lê Thị Hồng Phương : Dạ, vì trường hợp của Lê Trí Tuệ được Cao ủy Liên Hiệp Quốc biết rất rõ về hoàn cảnh, điều kiện và đã cấp cho Tuệ một quy chế tỵ nạn giống như một trường hợp được bảo vệ đặc biệt đối với Tuệ. Trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ tôi thấy có điều gì đó còn uẩn khúc vì Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc tại Campuchia đã có đầy đủ thông tin hồ sơ của Tuệ rồi và hiện bây giờ tôi tin là đã chuyển về Thái Lan và bên Phnom Penh không còn nữa. Vì vậy tôi đã lặn lội qua Thái Lan yêu cầu giống như để kêu cứu các đoàn thể quốc tế cũng như Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc quan tâm tới trường hợp mất tích của Lê Trí Tuệ…

tue2

Ảnh Lê Trí Tuệ mất tích tại Campuchia vào ngày 16 tháng 5 năm 2007. Ảnh gia đình cung cấp

Đã hơn mười năm trôi qua. Tuyệt nhiên, không thấy "các đoàn thể quốc tế cũng như Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc" có chút "quan tâm" nào xất. Dân Việt, từ trong ra ngoài, cũng thế. Chả ai bận tâm xíu xiu nào về việc nhà nước hiện hành bắt cóc một công dân lương thiện mang đi cất dấu (hay giết hại) cả.

Nói theo Bùi Thanh Hiếu là "chúng ta sống như một bầy gà, người ta vồ con nào con đấy chịu". Thằng em ví von nghe cũng hay hay nhưng thiệt ra thì trật lất. Bạn thử nhào vào giữa đàn gà, và cố bắt một con xem... Chúng kêu "quang quác" lên ngay, chứ đâu có im re như người... Việt !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/06/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 23 mai 2018 15:02

Đất nước nhìn từ Thanh Hóa

Tự do phát ngôn thì cứ tự do phát ngôn, nhưng quyền tự do sau phát ngôn thì tôi không bảo đảm.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Thanh Hóa. Người ân cần nhắn nhủ phải "quyết tâm biến tỉnh nhà thành một địa phương kiểu mẫu". Lòng "quyết tâm" của người dân địa phương, dường như, hơi thấp nên sáu mươi lăm năm sau – năm 2012 – Chủ tịch Trương Tấn Sang đã "ân cần" nhắc nhở thêm lần nữa : "Phấn đấu ... xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước".

thanhhoa1

Trịnh Văn Chiến & bồ nhí Trần Vũ Quỳnh Anh

Niềm "mong ước" của Bác chắc khác với nỗi "ước mong" của dân nên 5 năm sau nữa, vào ngày 20 tháng 2 năm 2017 (Nhân dịp dự Lễ kỷ niệm 70 năm lần đầu Bác Hồ về thăm Thanh Hóa), Chủ tịch Trần Đại Quang lại ân cần nhắc lại : "Thanh Hóa cần khắc ghi lời Bác để trở nên một tỉnh kiểu mẫu".

Lòng nhẫn nại và đức bao dung của quý vị lãnh đạo (cấp cao) ở Việt Nam thực là vô hạn. Những đức tính cao quý này, tiếc thay, không hề có nơi đám đông quần chúng. Họ không chỉ nông nổi, nóng vội mà có kẻ còn manh động đến độ phải bị bắt giam luôn – theo như bản tin của báo Người Lao Động, số ra ngày 16 tháng 8 năm 2015 : "Đinh Tất Thắng (SN 1943) đã bị Cơ quan An ninh điều tra Công an khởi tố, bắt tạm giam khi liên tiếp gửi đơn thư xúc phạm, vu khống lãnh đạo trung ương, tỉnh Thanh Hóa".

Tuần rồi, báo Tuổi Trẻ lại ái ngại cho hay :

"Chiều 9/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Sơn, 37 tuổi, ở phường Bắc Sơn, Thành phố Sầm Sơn... Nhà chức trách cáo buộc, từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, ông Sơn đã lập và sử dụng tài khoản Facebook có tên Nguyễn Sơn để đăng tải các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa".

Trời, sao mà dân chúng – hết thế hệ này, qua thế hệ khác – cứ "xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo tỉnh" hoài vậy cà ? Tôi chưa bao giờ được đặt chân đến Thanh Hóa, chỉ được biết tỉnh nhà qua thông tin báo chí :

- Thanh Hóa gửi Tờ Trình khẩn xin hỗ trợ gạo cứu đói

- Thanh Hóa : Chủ tịch xã ăn chặn tiền hỗ trợ Thiên tai

- Thanh Hóa : Cán bộ ăn chặn tiền hỗ trợ trâu bò của dân nghèo

- Thanh Hóa : Cán bộ ăn chặn tiền hỗ trợ cho người nghèo

- Thanh Hóa : Hiệu trưởng cắt xén cả tỉ đồng của học sinh

- Thanh Hóa : Rút ruột công trình hàng trăm triệu đồng

- Thanh Hóa : Nhà vệ sinh đắt ngang chung cư Hà Nội

- Thanh Hóa : Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nước tham ô

- Thanh Hóa : Phát hiện 20 cán bộ y tế dùng bằng giả

- Thanh Hóa : Một học sinh chết trong Đồn công an

- Thanh Hóa : Nghi phạm chết trong Đồn công an Huyện

- Thanh Hóa : Lâm tặc phá rừng cách trụ sở Ủy ban nhân dân Xã 300 mét

- Thanh Hóa : Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì bãi rác ô nhiễm

- Thanh Hóa : Cướp tiệm vàng giữa ban ngày

- Thanh Hóa : Khu ẩm thực hơn 70.000m2 trái phép của em trai Bí thư Thành phố

- Thanh Hóa : Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã cùng vợ vận chuyển heroin

- Thanh Hóa : Chồng bắt quả tang vợ vào nhà nghỉ với Trưởng công an xã

- Thanh Hóa : Bị cách chức, chủ tịch xã được điều lên huyện làm việc

- Thanh Hóa : cần làm rõ đường thăng tiến của "hot girl" xứ Thanh

- Thanh Hóa : Khối tài sản khổng lồ của Bí thư thành ủy

- Thanh Hóa : Cựu Phó chủ tịch tỉnh từng 'nâng đỡ không trong sáng' hotgirl vừa được phân công làm nhiệm vụ mới.

- Thanh Hóa : Bí thư và Chủ tịch đi xe biển xanh siêu sang trái quy định của Nhà nước

- Thanh Hóa : Chuyện động trời, chăn trâu bò phải trả phí

Những "chuyện động trời" vừa ghi (từ báo chí của nhà nước) giúp cho người ta hiểu tại sao Thanh Hóa đã không thể trở thành một "tỉnh kiểu mẫu" – như "mong ước" của Bác, gần cả trăm năm trước. Và đây là tình trạng chung của cả nước, chớ chả riêng chi một địa phương nào, đúng như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận xét : "Thanh Hóa là một Việt Nam thu nhỏ".

Ở đâu mà thả gà vịt, trâu bò ra đồng lại không bị thu phí ? Tỉnh nào mà quý vị lãnh đạo lại không dùng bằng giả, xây biệt phủ, đi "xe siêu sang", sở hữu "khối tài sản khổng lồ", và "nâng đỡ không trong sáng hot girl", hay thân bằng quyến thuộc ? Huyện nào, xã nào mà cán bộ không uy hiếp và bóp hầu bóp họng lương dân ?

Toàn quốc đều nhất định "không chịu phát triển" nên "nói xấu" lãnh đạo địa phương quả là điều "đánh trách" nhưng e không phải là tội để bị xử tù – theo như chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà Nước hiện hành.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII công bố hôm 30/10/2016, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký, nói về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có đoạn : "Tổ chức diễn đàn trao đổi, đối thoại những vấn đề còn có nhận thức, quan điểm khác nhau liên quan đến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".

Tại hội nghị giao ban quản lý Nhà Nước tháng 4 do Bộ Thông tin và truyền thông tổ chức sáng 3/5, Bộ trưởng thông tin Trương Minh Tuấn cũng khẳng định rằng "Chính phủ Việt Nam không cấm phát ngôn hay nêu chính kiến trên mạng xã hội, mà chỉ đấu tranh để gỡ bỏ, ngăn chặn những thông tin sai sự thật để trả lại môi trường lành mạnh cho người dùng internet".

Qua tháng sau, vào hôm 18 tháng 5 năm 2017, tại hội nghị trực tuyến Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng cũng long trọng tuyên bố : "Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận".

Trong tinh thần "sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật" – tôi đề nghị quý vị phụ trách ban thông tin và tuyên giáo Thanh Hóa nên vào nhà giam mời ông Nguyễn Duy Sơn ra "tranh luận" về việc "xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh", chớ bắt giam đương sự chỉ vì những cáo buộc vu vơ thế này thì kỳ lắm :

Ông Nguyễn Duy Sơn bị khởi tố, bắt tạm giam vì thường xuyên dùng mạng xã hội đăng thông tin xuyên tạc, nói xấu lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Chiều 9/5, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Duy Sơn, 37 tuổi, ở phường Bắc Sơn, Thành phố Sầm Sơn để điều tra hành vi "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân", theo điều 331 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Theo điều tra ban đầu, từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, ông Nguyễn Duy Sơn đã trực tiếp tạo lập, sử dụng tài khoản facebook có nickname "Nguyễn Sơn" để đăng tải các bài viết xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết thủ đoạn của Nguyễn Duy Sơn là vào trang mạng xã hội lấy thông tin liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, sau đó xuyên tạc, nói xấu Đảng, Nhà nước và lãnh đạo, rồi đăng tải, chia sẻ công khai trên trang facebook cá nhân của mình kèm theo lời bình luận, hình ảnh minh họa, dẫn chứng không có thật, không có căn cứ.

Các nội dung bình luận, chia sẻ đều do Sơn tự nghĩ ra rồi đăng tải lên trang cá nhân để người đọc hiểu sai sự thật, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân ("Bị bắt vì nói xấu lãnh đạo trên mạng xã hội", Tuổi Trẻ Online 9/5/2018).

Trước đây, ông Nguyễn Duy Sơn là cán bộ quản lý học sinh, sinh viên của Trường dự bị đại học Sầm Sơn, sau đó bị buộc thôi việc.

thanhhoa2

Ông Nguyễn Duy Sơn tại cơ quan công an - Ảnh do Công an tỉnh Thanh Hóa cung cấp

Tôi vừa "copy" lại nguyên văn bản tin thượng dẫn (kể cả hình ảnh cùng chú thích) không thiếu một chữ, và không câu chữ nào có thể giúp cho độc giả hiểu bị cáo đã "xuyên tạc, bôi nhọ, hạ uy tín lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa" ra sao, hay đã gây "tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân" như thế nào cả ?

Nhân tiện, tôi cũng đề nghị cả hai ông Võ Văn Thưởng và Trương Minh Tuấn đối thoại công khai với tất cả những tù nhân lương tâm về quan điểm chính trị của họ để rộng đường dư luận. Chứ cứ nói một đường làm một nẻo, và giam người bịp miệng thì chỉ là đường lối và chính sách của những kẻ cùng đường.

Ở bước đường cùng nên phải nhờ đến bạo lực để giữ quyền bính. Mà bạo lực giữa bối cảnh kinh tế đã kiệt quệ e cũng khó kéo dài lâu.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/05/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 16 mai 2018 13:06

Thế hệ Trần Vàng Sao

Bây giờ nhìn lại, con đường chúng tôi đã đi trước 1975 là một con đường sai lầm. Sự nhiệt huyết lúc đó của chúng tôi đã đem lại bất hạnh hơn là hạnh phúc cho dân tộc.

Huỳnh Nhật Tấn

tvs1

Trần Vàng Sao (12/12/1942 – 9/5/2018)

Cách đây chưa lâu, hai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật đã cho xuất bản cuốn Phác họa chân dung một thế hệ. Theo báo chí nhà nước đây là "một hồi ký đậm chất văn chương của hai con người đã từng sống, từng viết và từng tranh đấu trong các đô thị miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ" và tác phẩm đã "đưa ‘giấc mơ đẹp’ của một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối".

"Giấc mơ đẹp" này của hai nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ và Nguyễn Đông Nhật, chả may, lại là ác mộng của một người làm thơ khác – cùng thời :

"tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai
cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất"

lâu ngày tôi thấy quen đi
như quen thân thể của mình
tiếng ho gà nửa đêm của những đứa bé chưa đầy hai tuổi
buổi chiều không có cơm ăn
những con ruồi ăn nước mũi khô trên má
những đứa đau quan sát những con chuột
chết lòi ruột ở bến xe đò
những tiếng cha mẹ vợ chồng anh em
con cái chưởi bới la hét trong bữa ăn
người điên ở trần đứng làm thinh
giữa trời mưa ngoài chợ
những ngày hết gạo hết tiền hết củi
muối sống không còn một hột của tôi
những trách canh rau khoai tháng năm không có bột ngọt
hai mắt tôi mở to
đầu tôi cúi thấp
miệng tôi há ra
những lá khoai nhám và rít mắc vài hột cơm
dồn cứng chật cuống họng

(Trần Vàng Sao, Người đàn ông 43 tuổi nói về mình)

Toàn bản bài thơ thượng dẫn đã được đăng lại trên trang Quà Tặng Xứ Mưa, với đôi lời giới thiệu (rất buồn) về tác giả :

"Nhà thơ Trần Vàng Sao (tên thật là Nguyễn Đính) ở Đường Tuy Lý Vương, Phường Vỹ Dạ, Huế là nhà thơ nổi tiếng với bài thơ ‘Bài thơ người yêu nước mình’. Giữa lúc phong trào ‘xuống đường’ ở Huế những năm 1965-1968 đang rầm rộ mà dám lấy bút danh ‘Trần Vàng Sao’ là rất ghê gớm. Thế mà ,năm 1988, ông có bài thơ ‘ Người đàn ông 43 tuổi nói về mình’ in ở Tạp chí Sông Hương đã gây nên cuộc cãi vã náo loạn ở Huế. Cán bộ chính trị, các ‘nhà văn đỏ’ đua nhau suy diễn chính trị , phán xét. Đài phát thanh, báo đảng địa phương đăng nhiều bài viết chửi rửa nhà thơ, họ ‘phỏng vấn’ cả các bà tiểu thương chợ Đông Ba để tố cáo nhà thơ . Trên diễn đàn họ gọi Trần Vàng Sao, Tô Nhuận Vỹ (Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương) là ‘bọn tay sai của địch...".

Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia cho biết chi tiết hơn :

"Trần Vàng Sao sinh ở Thừa Thiên - Huế, năm 1961 ông thi đỗ tú tài rồi vào Đại học Huế, tham gia các phong trào đấu tranh của sinh viên cùng thế hệ với Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trần Quang Long, Ngô Kha. Từ 1965 đến 1970, ông lên chiến khu và công tác tại Ban Tuyên huấn Thành uỷ Huế, viết báo với các bút danh Nguyễn Thiết, Lê Văn Sắc, Trần Sao.

Năm 1970 ông được đưa ra miền Bắc an dưỡng, chữa bệnh. Ở nơi đây, ông có viết nhật ký gồm những suy nghĩ của ông về về cái gọi là ‘hậu phương xã hội chủ nghĩa’ đó và sau đó bị tố cáo, đấu tố và cô lập đến nỗi ông có cảm giác ông không còn được coi là con người mà đã thành ‘một con vật, một con chó, theo như Hồi ký ‘Tôi bị bắt (Nhớ lại những năm tháng tôi bị bắt rồi được thả ra và sống như tù)’ sau này của ông".

Tập hồi ký này có thể đọc được ở diễn đàn talawas. Xin trích dẫn lại vài đoạn ngắn :

Thứ Ba, ngày 31/10/1978

Mong có một bữa cơm không, ăn với cá, cá vụn, với muối và một chút ớt.

Thứ Hai, 22/07/1979

Nhà cứ không có gạo hoài. Có nửa lon, một lon dành cho Bồ Câu. Phải bới sắn non, nhưng chỉ vài ba bữa, còn thì quá non. Hay chưa có được gạo. Giấy trả về làm việc từ 1/6. Chúng mày không có gạo thì chúng mày đói chứ tao có đói đâu.

Gạo.

Bây giờ ai cũng chỉ mong, không phải bữa nào cũng cơm mà sắn cũng được, mỳ hột cũng được. Miễn là dộng vào cho đầy cái dạ dày. Ước mơ của thiên hạ thì cũng đơn giản thôi : làm sao bữa nào nồi cũng đầy cơm, đầy tràn ra, đến nỗi hôi khói. Có cơm ăn với chi cũng được, với muối, nước mắm thì tuyệt rồi. Người ta không ao ước gì hơn nữa. Không có mơ ước, không có hy vọng.

Và không ai dám nói ra những suy nghĩ của mình về chế độ, thậm chí những suy nghĩ của mình về một người thứ ba cho một người thứ hai nghe. Người ta phải nói láo hoặc nói nhỏ. Kinh khủng thật. Thành ra có một không khí chính trị giả dối trong dân chúng. Nhưng mà chưa ai chết ngay cho. Có người nói : không chết tươi ngay mà chỉ chết mòn, chết dần...

Phần đời ("vô hậu") này của Nguyễn Đính gần giống như hoàn cảnh sống cơ cực của Nguyễn Hữu Đang, sau 15 năm tù, qua cảm nhận của Phùng Cung :

Gót nhọc men về thung cũ

Quì dưới chân quê

Trăm sự cúi đầu

Xin quê rộng lượng

Chút thổ phần bò xéo cuối thôn

Cớ sao mà "cách mạng" lại "chiếu cố" Nguyễn Hữu Đang tận tình (và tuyệt tình) như thế ? Một trong những nguyên do – có thể nhìn thấy được – là vì ông đã không chịu chấp nhận sự "xộc xệch" trong hiến pháp của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa :

"Do pháp trị thiếu sót mà Cải cách Ruộng đất hỏng to đến thế. Do pháp trị thiếu sót mà quân đội chưa có chế độ binh dịch hợp lý, công an hỏi giấy giá thú đôi vợ chồng ngồi ngắm cảnh trăng lên ở bờ hồ, hộ khẩu rình bên cửa sổ khiến người ta mất ăn, mất ngủ, cán bộ thuế tự tiện vào khám nhà người kinh doanh, ở khu phố có chuyện đuổi nhà lung tung hoặc ép buộc người ở rộng phải nhường lại một phần nhà cho cán bộ hay cơ quan ở. Do pháp trị thiếu sót mà nhiều cơ quan bóc xem thư của nhân viên và một ngành rất quan trọng nọ đòi thông qua những bài báo nói đến mình, làm như một bộ phận của Nhà nước lại có quyền phục hồi chế độ kiểm duyệt mà chính Nhà nước đã bãi bỏ. Do pháp trị thiếu sót, người ta đã làm những việc vu cáo và đe doạ chính trị trắng trợn…" (Nhân văn số 4, phát hành ngày 5/11/1956).

Sáu năm sau, vào năm 1961, "người ta đã trắng trợn vu cáo" Nguyễn Hữu Đang là gián điệp. Mười hai năm sau nữa thì đến lượt Nguyễn Đính bị vu cáo là CIA :

"Khi ra Bắc, ai giao nhiệm vụ cho anh ? Nhiệm vụ đó là nhiệm vụ gì ? Anh đã gặp ai, ở đâu, bao giờ ? Anh đã tổ chức họ như thế nào ? Công việc của anh hiện nay đã tiến hành đến đâu ? Anh phải nói thật, nói hết, không được giấu giếm. Sinh mạng của anh là do nơi sự thành khẩn của anh quyết định đó…".

"Chúng tôi biết hết những việc anh làm, nhưng chúng tôi muốn tự anh nói ra hết. Vì chỉ có như thế, anh mới hưởng được lượng khoan hồng của Đảng…".

"CIA giỏi thật, cài anh ta vào sâu đến như thế".

Nguyễn Hữu Đang và Nguyễn Đính đều đã trải qua nhiều năm tháng não nề, ê chề, và cay đắng. Họ bị chôn sống nhưng nhất định không chịu chết. Hai ông, nói nào ngay, chỉ là hai nạn nhân tiêu biểu – của hai thế hệ kế tiếp nhau – đã dấn thân vào cuộc cách mạng vô sản (và vô hậu) ở Việt Nam.

Nguyễn Hữu Đang, Thụy An, Đào Duy Anh, Nguyễn Bính, Hoàng Cầm, Phùng Cung, Trần Dần, Trần Duy, Phan Khôi, Dương Bích Liên, Hữu Loan, Phùng Quán, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu... đều không còn nữa nhưng tâm cảm trân trọng và qúi mến của mọi người dành cho họ chắc chắn sẽ còn lâu. Thế hệ của Nguyễn Đính (e) khó có nhận được tình cảm tương tự.

Sự nông nổi, ồn ào và lố bịch của nhiều người trong bọn họ khiến cho thiên hạ cảm thấy khó gần ! Dù vở kịch cách mạng đã hạ màn từ lâu, họ vẫn làm bộ như không có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra, vẫn cứ xưng xưng coi đó như Một Thời Để Nhớ, vẫn kịch cỡm viết sách tự phác họa Chân Dung của thế hệ mình và xem là tác phẩm đã "đưa ‘giấc mơ đẹp’ của một thế hệ đến những thế hệ tiếp nối".

Họ cố tình quên rằng chính hiến pháp của hai chế độ đệ I và đệ II Cộng Hoà của miền Nam Việt Nam, tuy non trẻ và yếu ớt, vẫn là đồ thật (chớ) không phải đồ sơn. Nó đã bảo vệ cho họ được sống như những con người, với những quyền tự do tối thiểu, để có được "những hình ảnh khí phách" và "những tháng ngày sục sôi" – thay vì bị đạp vào mặtchỉ vì đi tuần hành biểu lộ lòng yêu nước. Họ đã được chế độ hiện hành choàng vào người những vòng hoa (giả) nhưng cứ thế mà đeo mãi cho đến cuốn đời.

Tội !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 16/05/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 09 mai 2018 10:06

Chết không nhắm mắt

mắt người chết trừng trừng không chịu nhắm

Nguyễn Duy

Tôi tình cờ "nhặt" trên FB một tác phẩm khá độc đáo của Marc Riboud. Ông "chớp" được cảnh một anh bộ đội (với con búp bê nằm dưới nắp ba lô, và cái sắc cầm tay) đang trên đường trở về quê cũ.

chet1

"Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi".

Cùng với bức ảnh là lời bình, cũng độc đáo không kém, của face booker Nguyễn Hoàng : "Thằng này coi vậy mà hiền, chỉ lấy con búp bê cho con và cái bóp đầm cho vợ mà thôi".

Thằng chả hiền thiệt chớ. Cái ba lô xẹp lép hà. Ngó thấy mà thương. Là kẻ cầm súng, thuộc phe thắng trận, đương sự có thể thu góp được chiến lợi phẩm nhiều hơn thế.

Bên thua cuộc, rõ ràng, không mất mát chi nhiều mà Bắc-Nam đã được "nối vòng tay lớn" – theo như cách nói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rồi ra, tác giả còn dự tưởng, sẽ có những đoàn tầu thống nhất "tòa khói trắng hai bên đường", những đám "trẻ thơ đi hát đồng dao" khắp ngõ, và "mọi người ra phố mời rao nụ cười".

Họ Trịnh, có lẽ, thực lòng tin tưởng như thế. Niềm tin của ông cũng được không ít người đồng thời chia sẻ. Sự thực, tiếc thay, khác thế. Sau ngày "Nam-Bắc hòa lời ca" thì nụ cười gần như biến mất trên môi của mọi người dân Việt.

Dù thuộc bên thắng cuộc, những bộ đội phục viên cũng không hề được hân hoan cười đón khi họ trở về :

"Tôi đã được chứng kiến cảnh hẫng hụt của nhiều người khi họ... ngơ ngác tìm kế sinh nhai, đã không ít người đòi đảng, chính quyền cơ sở phải chia ruộng đất cho họ, và tất nhiên đảng, chính quyền không thể moi đâu ra ruộng đất để cho họ cày, cực chẳng đã, nhiều người đã trực tiếp đòi ruộng cha ông mà ngày trước họ đã góp vào hợp tác xã, không ít người đã tự ý đi cày ruộng cha ông của mình, thế là... họ được quy là công thần, gây rối, chống lại đường lối của đảng, nhà nước, kết cục có người bị đuổi ra khỏi đảng, có người bị bị bắt lên xã, lên huyện tạm giam để xử lý vì đã ngang nhiên lấn chiếm đất đai của nhà nước đã giao cho người khác" (Vi Đức Hồi, Đối Mặt, Chương II).

Đoạn hồi ký thượng dẫn giúp cho độc giả hiểu tại sao vỉa hè Hà Nội lại đông đảo những người làm nghề cửu vạn. Họ sống ra sao ?

"Mỗi tối thuê cái chiếu nằm gầm cầu, có tiền bạc của nả thì gối đầu, giắt lên ngực. Bốn bên lủng củng người nằm, nói anh bỏ lỗi, nó đéo nhau huỳnh huỵch rồi lại chửi nhau, quát nhau to tiếng hơn ô tô chạy ngoài đường" (Tô Hoài, Chiều Chiều, Phương Nam, Hà Nội, 2014).

Giữa Thủ đô của lương tâm nhân loại mà trải chiếu "đéo nhau huỳnh huỵch" thì (ngó) cũng hơi khó coi. Tuy thế – và được thế – vẫn hơn hẳn nhiều bạn đồng đội (không may) khác, đang khua "nạng gỗ khua rỗ mặt đường làng".

chet2

Chờ việc - Ảnh : Hà Nội Mới

Hạnh phúc hay đau khổ (nghĩ cho cùng) chỉ là sự so chiếu, và mọi so chiếu đều tương đối cả. Nói chi đến những người lính vô danh, ngay cả một nhân vật tiếng tăm cỡ như thi sĩ Tế Hanh ("từng là ủy viên ban chấp hành hoặc thường vụ Hội Nhà Văn Việt Nam, từng mười năm liền phụ trách đối ngoại của hội, từng có chân trong ban phụ trách nhà xuất bản Văn học") đến cuối đời cũng đành chép miệng : "Trải qua hai cuộc chiến tranh mình còn được sống, được làm thơ, còn may mắn hơn khối người khác, thế là được rồi" (Vương Trí Nhàn, Cây Bút Đời Người, Phương Nam, Hà Nội, 2002).

Vâng, đúng thế. Còn sống là "may mắn hơn khối người" rồi !

Theo thống kê (chắc không khả xác) của Tổng Cục Chính Trị thì đến năm 2012, toàn quốc chỉ có 1.146.250 liệt sĩ và khoảng 600.000 thương binh, trong đó có 849.018 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Wikipedia tiếng Việt cho biết thêm :

"Từ tháng 12 năm 1994 đến hết năm 2001, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý cho 44.253 Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng".

Có bà bị lọt sổ vì không đủ "kiên trinh" nên đã (lỡ) đi thêm bước nữa – theo như tường trình của Tuổi Trẻ Online :

"Chúng tôi đến khi bà Trần Thị M. đang ăn tối ngay trên giường. Bà đã ở trên giường như vậy gần ba năm rồi, kể từ khi đôi chân không còn tự đứng lên được nữa. Ấy thế nhưng khi hỏi đến chuyện xưa, đôi mắt bà sáng lên.

Bà say sưa kể về những ngày hoạt động cách mạng, những ngày tù ngục đòn roi tra tấn, thương tích tới 75% (thương binh hạng 2/4)…

"Vượt qua được hết, chỉ không chịu nổi mỗi lúc nghe tin chồng, tin con thôi" – bà chợt trầm giọng. Ba lần ‘không chịu nổi’ ấy là vào năm 1962, ông Võ Mười, chồng bà, hi sinh khi bà mới 30 tuổi ; năm 1964, con trai út Võ Danh của bà bị bắn chết khi vừa 6 tuổi, đang được giao việc cảnh giới cho các chú cán bộ họp ; năm 1971, con trai lớn Võ Thái làm giao liên cho ban binh vận Khu ủy Khu V hi sinh ở tuổi 16.

Còn lại một mình giữa đạn bom, hai lần bị bắt, giam cầm tra khảo ở nhà lao Quảng Ngãi, năm 1974 bà gá nghĩa với một người đồng đội, ông Thái Văn Thới.

"Chiến tranh vẫn ác liệt, đâu biết mai này sống chết thế nào. Thương nhau, thông cảm hoàn cảnh của nhau thì về với nhau thôi" – bà kể. Ngày 21/02/2014, UBND P.12, Q.Bình Thạnh đã tổ chức cuộc họp để xét duyệt và đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho bà. Phường đã có tờ trình về trường hợp của bà gửi Phòng Lao động, thương binh và xã hội Q.Bình Thạnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, sau đó gia đình bà nhận được thông báo bà chưa được lập hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng do đã… tái giá".

Phải chi cái hồi giao "công tác cách mạng" cho hai đứa nhỏ (6 tuổi và 16 tuổi) mà Nhà Nước cũng xét (nét) kỹ càng như vậy thì đỡ cho mẹ Trần Thị M. biết mấy. Dù sao, vẫn còn có điều an ủi là nhờ đang sống ở thành phố mang tên Bác nên tờ trình về trường hợp của bà cũng đã được gửi tới Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh và đã được cứu xét (rồi) từ chối !

Có mẹ không nhận được danh hiệu anh hùng chỉ vì lỡ "chui rúc" ở những nơi hoang vu quá. Bên Kia Đèo Bá Thở là một nơi như thế :

"Trên bản đồ quân sự cũng như bản đồ của nha Ðịa Dư không bao giờ có địa danh ‘Ðèo Bá Thở’. Bởi vì đặt cái tên cho ngọn đèo này chính là tôi và một vài người bạn... Ngọn đồi nằm không xa trại giam chúng tôi trong tỉnh Yên Bái. Ngày ngày đội chúng tôi có mười anh em phải băng qua bên kia cái đèo khốn nạn này, tới một khu rừng toàn thị là tre, nứa, giang…".

"Mấy ngày đầu chúng tôi không chú ý tới cuối dốc bên kia có một cái nhà tranh đã sập. Người chủ căn nhà lấy vài thân tre to, chống cái mái lên, nên mái nhà chạm đất. Tất nhiên trong tình trạng đó nó không có cửa. Chúng tôi đã vài lần đi về ngang đó và tưởng nó đã bỏ hoang, bởi vì trông nó còn thua một cái chòi chăn vịt ở miền Nam".

"Một hôm cả bọn chúng tôi thấy trời còn sớm, nên nghỉ lại bên kia dốc một lát trước khi ‘bá thở’. Chúng tôi nghe lục đục trong cái chòi bỏ hoang, và phát giác đuợc một cụ già thật già. Nét mặt bà cụ nhăn nheo hệt như những vết nẻ của ruộng bị hạn hán nhiều ngày. Bà già có một cặp mắt nâu đục, lờ đờ và đầy rỉ mắt. Bà già mặc một cái áo bông vá chằng vá đụp. Phải gọi đây là cái áo vá trên những miếng vá. Nó nặng dễ chừng đến năm ký chứ không chơi. Chúng tôi gạ chuyện, song tất nhiên bà già biết chúng tôi là tù ‘Ngụy’ nên không hé răng một nửa lời".

"Hôm sau trong lúc đốn tre chúng tôi hội ý. Chúng tôi lấy dư ra mỗi ngày vài cây về dấu ở gần căn lều của bà cụ. Ðược vài ngày đủ tre để dựng lại căn lều, chúng tôi để hai người lại sửa còn tám người vào rừng đốn tre cho đủ số lượng của mười người. Chúng tôi cũng cắt tranh về để dậm lại những chỗ quá mục nát. Căn nhà sửa xong, có cửa để chui ra chui vào. Bà già khi đó tự động nói chuyện với tụi tôi :

- Lão có ba đứa con, một đứa đã có giấy tử sĩ, hai đưa kia thì hòa bình lâu rồi, nhưng lão không hề nhận được một chữ của chúng từ ngày chúng đi. Lão mới có giấy mẹ liệt sĩ, mỗi tháng có tiền nhưng chả vào đâu" (Hoàng Khởi Phong, "Bên Kia Ðèo Bá Thở", Cây Tùng Trước Bão, Thời Văn, Hòa Kỳ, 2001).

chet3

Những người lính thắng trận hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. 

Bà lão hẳn đã qua đời từ lâu. Những người lính thắng trận trên đường về quê (với con búp bê cầm tay) hơn 40 năm trước e cũng không còn mấy ai sống sót. Đám mẹ ngụy và lũ con thua cuộc cũng thế, cũng đều đã lần lượt đi vào lòng đất.

Kẻ Bắc-người Nam, bên thua-bên thắng nên họ đã phải trải qua những hoàn cảnh và kinh nghiệm sống khác nhau. Duy có điều này thì chắc chắc là hoàn toàn không khác : khi họ chết không ai nhắm mắt !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 09/05/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 02 mai 2018 12:50

Cho chó ăn chè

đây là thời chủ nhân ăn mày ăn nhặt
trong khi đầy tớ nhân dân ăn ngập mặt ngập mũi,

ăn hớt, ăn bẩn, ăn tục, ăn lận, ăn chận, ăn cướp,

ăn gian, ăn tham, ăn lường, ăn bịp, ăn suông,

ăn ké, ăn chia, ăn sống, ăn lạnh, ăn nóng,

ăn theo, ăn chực, ăn vạ, ăn lẻ, ăn si,
ăn tất tần tật
chỉ trừ ăn năn…

Phan Nhiên Hạo

cho1

ăn tất tần tật chỉ trừ ăn năn…

Ba mươi bẩy năm trước, ông Đoàn Văn Toại có ghi lại (đôi dòng) liên quan đến "kế hoạch tịch thu tài sản tư nhân ở miền Nam", trên báo :

"Sau khi Sài Gòn thất thủ được nhiều ngày, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam thành lập chính quyền Cách mạng Lâm thời, mời tôi gia nhập một ủy ban tài chính, một nhóm bao gồm các trí thức có nhiệm vụ cố vấn cho chính quyền về các vấn đề kinh tế. Tôi hăng hái tham gia, chấp nhận mức cắt giảm lương đến 90%. Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là giúp thảo ra một kế hoạch nhằm tịch thu tất cả các tài sản tư nhân ở miền Nam Việt Nam.

Tôi cảm thấy sốc, tôi đề nghị chỉ nên thi hành điều đó với tài sản những người từng cộng tác với chính quyền cũ và với những người đã làm giàu nhờ chiến tranh, và sẽ phân phối lại theo một cách thức nào đó cho các người nghèo và nạn nhân chiến tranh không phân biệt thuộc phe nào. Đề nghị của tôi bị bác bỏ" ("A Lament For Vietnam", New York Times, 29 March 1981. Trans. Felix. dcvonline.net, June 30, 2015).

Đoàn Văn Toại, nếu còn sống - chắc chắn - sẽ đỡ "sốc" hơn nhiều, nếu biết rằng Nhà nước Cách mạng (thực sự) chả cần gì đến việc "soạn thảo ra một kế hoạch nhằm tịch thu tất cả các tài sản tư nhân ở miền Nam Việt Nam" của bất cứ ai. Họ đã thực hiện được điều này, một cách hết sức dễ dàng và bài bản, ngay khi mới vừa "giải phóng" được nửa phần đất nước :

"Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành ‘cải tạo xã hội chủ nghĩa’ trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước… Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, 1955-1957, nền kinh tế miền Bắc phát triển ngoạn mục, chủ yếu nhờ vào lực lượng tư nhân : công nghiệp tư bản tư doanh tăng 230% ; cá thể, tiểu chủ, tăng 220,2%. Tư bản tư doanh và tiểu chủ, cá thể tạo ra một lượng sản phẩm chiếm 73,7% tổng giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc.

Nhưng ‘Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh’ bắt đầu ở miền Bắc vào tháng 9/1957 đã gần như triệt tiêu hoàn toàn kinh tế tư bản tư nhân, tiểu chủ và cá thể bằng cách tước đoạt dưới các hình thức ‘tập thể hóa’ hoặc buộc các nhà tư sản phải đưa cơ sở kinh doanh của họ cho Nhà nước với cái gọi là công tư hợp doanh.

Chỉ hai năm sau cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ở miền Bắc, tài sản của các nhà tư sản teo dần trong khi lực lượng quốc doanh bắt đầu chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. Văn kiện Đảng ghi ngắn gọn : ‘Đến cuối năm 1960, 100% hộ tư sản công nghiệp và 97,2% hộ tư sản thương nghiệp được cải tạo’. Con số đó đủ để nói lên chính sách đối với tư nhân của chế độ miền Bắc" (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc , tập II. OsinBook, Westminster, CA, 2013).

Theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, và học tập từ kinh nghiệm của Người, bác Đỗ Mười đã chỉ huy những trận đánh tư sản ở miền Nam rầm rộ và khí thế hơn nhiều :

- "Tối 10/9/1975, ‘tin chiến thắng’ liên tục được báo về ‘Đại bản doanh’ của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập… Các đoàn đưa ra những con số chi tiết : hàng chục triệu tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả ‘kho’ kim cương, hàng vạn mét vải và cả một cơ sở chăn nuôi gồm ‘7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi ngày’ ở Thủ Đức…" (sđd, tập I, trang 71).

- "Những gì mà Cách mạng lấy được của ‘nhà giàu’ trên toàn miền Nam được liệt kê : ‘Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam ; 134.578 Mỹ kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng] ; 61.121 đồng tiền miền Bắc ; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)… ; vàng : 7.691 lượng ; hạt xoàn : 4.040 hột ; kim cương : 40 hột ; cẩm thạch : 97 hột ; nữ trang : 167 thứ ; đồng hồ các loại : 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được : 60 nghìn tấn phân ; 8.000 tấn hóa chất ; 3 triệu mét vải ; 229 tấn nhôm ; 2.500 tấn sắt vụn ; 1.295 cặp vỏ ruột xe ; 27.460 bao xi măng ; 644 ô tô ; 2 cao ốc ; 96.604 chai rượu ; 13.500 ký trà ; 1000 máy cole ; 20 tấn bánh qui ; 24 tấn bơ ; 2.000 kiếng đeo mắt ; 457 căn nhà phố ; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu ; 4.150 con heo ; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng ; 19 công ty ; 6 kho ; 65 xí nghiệp sản xuất ; 4 rạp hát ; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt’ (sđd, tập I, trang 80 -81).

- "Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị ‘đánh’ ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ ‘tư sản thương nghiệp’, 13.923 hộ ‘trung thương’. Những tháng sau đó có thêm 835 ‘con phe’, 3.300 ‘tiểu thương ba ngành hàng’, 4.600 ‘tiểu thương và trung thương chợ trời’ bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu" (sđd, tập I, trang 90).

Những "chiến tích" cùng "chiến lợi phẩm" kể trên - dường như - đã không được ghi vào chiến sử, và có lẽ đã hoàn toàn phai nhạt với thời gian khiến thế hệ của các đồng chí hiện đang lãnh đạo đất nước hôm nay hơi bị lúng túng. Họ "không biết" làm sao để thu hồi những khối tài sản khổng lồ đã bị thất thoát do tham nhũng - từ nhiều năm qua - theo như ghi nhận xét của phóng viên Thế Kha, trên tờ Dân Trí :

"Trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin, cơ quan thi hành án dân sự vừa ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỷ đồng vì xác nhận người phải thi hành án không còn điều kiện thi hành án (?!)".

Cũng trên diễn đàn Dân Trí, nhà báo Bùi Hoàng Tám viết thêm :

"Cứ nghĩ tham nhũng nó chỉ như kiểu bà đi chợ, mua 10 đồng nói 11 hay 12 đồng. Nhưng không. Bọn chúng mua một đồng nhưng khai lên 3 - 4 đồng thậm chí 5-6 đồng. Ví dụ như cái ụ nổi của Dương Chí Dũng, giá mua chỉ có 2 triệu USD nhưng được khai khống lên đến 9 triệu USD (cao hơn khoảng 150 tỉ VND). Một trạm biến áp tại Quy Nhơn nhà thầu trúng thầu với giá 30 tỉ đồng, khi đấu giá lại, số tiền cuối cùng chỉ là 7 tỉ, chênh lệch tới 23 tỉ đồng.

Và một chuyện cũng không mới, đó là hơn 1.000 tỉ đồng trong vụ Vinashin gần như chắc chắn mất tiêu.

Cách đây ít hôm, trên Blog Dân trí, nhà báo Lê Chân Nhân đã nói một ý rất hay. Đó là chống tham nhũng mà không thu hồi được tài sản tức là thất bại...".

Cú "thất bại" nhỏ nhoi này hẳn phải khiến nhiều người lấy làm ái ngại, và thất vọng về khả năng của Chính quyền Cách mạng hiện hành. Sao Nhà nước ta đã thành công vượt bực, và vượt chỉ tiêu, trong những trận đánh tư sản long trời lở đất (khiến cho vô số người dân tán gia bại sản) mà lại thất bại trong việc thu hồi tài sản của quốc gia từ những ... con sâu vậy cà ?

Câu hỏi này đã được nhà báo Ngô Nhân Dụng giải thích như sau :

"Ông Cầm Ngọc Minh, chủ tịch tỉnh Sơn La nói về con số 1.400 tỷ đồng mới bảo rằng ‘Không nên đặt vấn đề đắt rẻ’. Ông lại còn than thở, ‘Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi’.

Thiệt thòi trước mắt là mất cơ hội rút ruột. Ở Việt Nam người ta biết từ 30% đến 45% chi phí khi thực hiện các dự án được bỏ vào túi các viên chức. Không xây dựng tượng là mất toi 30 triệu đô la. Thiệt thòi ! Thiệt thòi cho chúng tôi quá !

Cho nên không riêng tỉnh Sơn La, trên toàn quốc còn có 58 dự án xây dựng tượng đài, trong 14 năm nữa ! Cứ mỗi vụ rút ruột được 30 triệu đô la, tổng số sẽ lên tới 1.740.000.000 đô la ! (1,74 tỷ USD).

Ðọc con số hơn tỷ rưỡi đô la này, thấy lớn. Nhưng thực ra cũng ‘chưa lớn’ bởi vì phải chia cho rất nhiều quan chức, chia rải ra đến 14 năm trường. Chúng ta sẽ không thấy nó lớn, khi so sánh với những vụ tiền chạy đi mất tích ở cấp cao hơn.

Một vụ Vinashin thôi, chỉ trong mấy năm đã thấy bốn tỷ đô la tiền nợ nước ngoài bay đi đâu mất để đến nỗi hết tiền trả nợ ! Vì vậy, khi cả nước kêu lên về dự án phung phí 70 triệu đô la, bộ máy đảng và nhà nước ở trên cùng cũng không dám ngăn lại ! Các anh đã nuốt mấy tỷ đô la ngon lành, đến lượt lũ chúng tôi chỉ ăn có bạc triệu anh lại dám ngăn cản à ? Ðến đại hội đảng anh có cần phiếu của lũ chúng tôi không ? Thế là im thin thít !".

Kiểu "lý giải" thượng dẫn của nhà báo Ngô Nhân Dụng khiến tôi nhớ đến chuyện quanh bàn nhậu. Khi các bợm nhậu ăn uống vô độ ("dzô dzô" liên tục) thì bao tử - với dung tích giới hạn - sẽ bị nhồi đầy quá nhiều và quá nhanh khiến cho cơ thể bị nhộn nhạo, bất an.

Cách duy nhất để chấm dứt tình trạng khó chịu này là tự "móc họng" cho "chó ăn chè". Số lượng bia rượu và thực phẩm nôn oẹ sẽ làm vơi bao tử, quân bằng lại sức chứa của nó, giúp cơ thể nhẹ nhõm, để có thể... nhậu tiếp ! Móc họng để cho chó ăn chè là một thủ thuật quen thuộc và hiệu quả giúp cho nhiều người sống còn trên bàn nhậu.

Trên bàn tiệc của đất nước Việt Nam hiện nay không thiếu gì món hấp dẫn khiến nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước trở nên... tối mắt (và nuốt quá nhiều) nhưng chi ra hơi ít nên bị quẳng vô lò một mớ.

Khác với nhiều người lầm tưởng, cái lò tôn của đồng chí Tổng bí thư không nhằm thiêu đốt những đồng chí cùng chí hướng cách mạng mà chỉ nhằm tiêu diệt những kẻ khác phe hay không (hoặc chưa biết) cho chó ăn chè thôi.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 02/05/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa
mercredi, 25 avril 2018 16:37

Người & Dế

Nhiệt độ thời tiết thay đổi đột ngột như thân nhiệt của một người mang bệnh sốt rét. Mới sáng bữa trước trời còn lành lạnh và nhạt nắng ; qua sớm bữa sau nắng đã chuyển màu vàng sậm và trời thì hâm hấp nóng. Tới trưa thì nóng như hun. Tôi mở cửa bước vào xe mà tưởng như mình bước chân vô cái lò bánh mì.

de1

Dế - Ảnh minh họa

Người dân bản xứ bỏ giầy, bỏ vớ, bỏ luôn quần trong, áo ngoài ; họ chỉ còn đeo lại vài mảnh vải nhỏ xíu trên người, đi lơn tơn ở ngoài phố, gặp nhau họ chào hỏi hớn hở và gật gù nhận xét thú vị "’The summer’s coming !" Mùa hè thiệt sao ? Hè ở đâu mà tới một cái rào vậy kìa ? Có cái gì đột ngột, mới mẻ quá khiến cho một thằng dân ti nạn khó tránh được đôi chút ngỡ ngàng.

Tự nhiên tôi nghĩ đến cảnh một anh chồng, sống vào Thời Thượng Cổ, có sáng thức dậy – trước khi cầm giáo mác đi vào rừng – đứng tần ngần nhìn quanh quất đất trời một lát rồi quay vào nhà lay vai vợ : "Nè em, bắt đầu từ sáng nay là bước qua Thời Trung Cổ rồi đó nha, dậy sớm một bữa đi để đón chào một thời đại mới !" Nghĩ chơi và nói cho vui vậy chứ chưa chắc bất cứ cái gì mới đều được đón chào. Đôi khi căn nguyên của sự khó chịu nằm ngay ở chỗ mới mẻ đó.

Tôi sinh trưởng trong một xã hội nông nghiệp. Tôi quen và ưa thích một nhịp sống chậm. Khi khổng khi không đời đẩy tôi vào đất lạ xứ người. Tôi trôi dạt đến những thành phố kỹ nghệ và đô thị hóa ở mức cao độ. Nơi đây sự mới mẻ có hoài hoài, mọi thay đổi đều đột ngột và nhanh chóng khiến tôi thấy mệt.

Mùa Hè xứ lạ không tới đơn thuần, giản dị với cái nhận xét : "The summer’s coming !". Nó tới cùng thì đủ thứ chuyện lôi thôi phiền phức khác. "Hàng mùa Đông bán ‘sale’ hà rầm !" Những món hàng được chụp hình mầu cẩn-thận, ghi giá biểu rõ ràng trên những tờ báo quảng cáo – không biết từ đâu – cứ rớt vô nhà đều đều. Bên cạnh hàng mùa Đông "sale" thắm thiết là y phục, giầy vớ và những đồ trang bị cần thiết cho mua Hè. Hàng mới thì không "sale" nhưng cũng "discount" dữ lắm !

Cái quần tắm giá thường tới bốn mười đồng ; tự nhiên bớt còn có ba mươi đồng bạc. Không mua thiệt uổng hết sức. Cái áo choàng lông con gì đó, hồi mùa Đông bán tới ba trăm ; bây giờ đại hạ giá còn có hai trăm. Hai trăm mỹ kim, sao rẻ rề và ít xịt hà !

Tôi thiệt là đang sống ở một thời đại và một nơi mà ai ai cũng có quá nhiều cơ hội để tằn tiện và tiết giảm sự chi tiêu. Vậy mà, không hiểu tại sao, ai cũng mang công, mắc nợ. Có lẽ người ta không nên sống theo nhịp "sale" của thị trường. Kẹt nỗi cuộc đời nơi đây bị mấy thằng chó đẻ nào đó "set" như vậy rồi. Sức người có hạn. Khó ai "reset" được những gì đã "set". Do vậy, thiên hạ cứ theo đó mà sống dở và chết dở. Tôi cũng đang dở sống, dở chết như hàng bao nhiêu thằng cha và con mẹ ngu ngốc khác ở quanh mình.

Lâu lâu tôi cũng chợt – nhận ra rằng mình đang chết dần, chết mòn, chết lắng, chết thắm, chết dấm dúi và chết chắc ở nơi xa lạ này. Tôi cũng muốn phản kháng lắm nhưng không nổi. Tôi chỉ có được những phản ứng tiêu cực mà thôi.

Thỉnh thoảng tôi vẫn thường bỏ cái cuộc đời mình đang sống, con đường mình đang đi, nhẩy lên bờ lề ngồi. Tôi ngồi nghỉ một lát chớ không mệt tắc thở. Tôi thường ngồi hồi tưởng lại tuổi thơ của mình chơi. Cả đời tôi chỉ có những năm thơ ấu là coi được được…

Khi mà mùa hè bắt đầu ở nơi đây thì ở quê tôi mùa mưa đang đến, mưa đầu mùa. Mùa mưa có dế. Chao ơi, là dế ! Tôi nhắc đến tên loại dế và những kỷ niệm ấu thơ của mình mà thấy bâng khuâng buồn nhớ như nghe có ai nhắc đến tên một người tình lỡ, vào thuở đầu đời.

Sau một buổi chiều mưa thành phố tôi ở thường tươi mát như vừa được tưới, sạch sẽ như mới được lau. Tay cầm một cái hộp giấy, chân bước mải mê dọc theo những cột đèn, chăm chú cúi đầu tìm kiếm. Thoáng thấy một cái chấm đen nho nhỏ đang di động là tim lại đập hụt đi một nhịp, khấp khởi mừng thầm, hồi hộp, hớn hở chạy nhào người tới : một con dế mái ! Thiệt là thất vọng não nề và những cú thất vọng kiểu này có đều đều trong một đêm. Phải chịu khó đi hỏi, đi suốt đêm thì may ra mới tìm được một hai con dế trống.

Mà được đi như vậy là may đó nha. Đâu phải chiều nào trời cũng mưa. Chiều không mưa là tối không có dế bay. Có đi dọc theo một triệu cái cột đèn thì cũng chả tìm được một chú dế nào. Một buổi chiều không mưa, giữa những ngày mưa đầu mùa, là một đêm vất vả cho những mái đầu xanh vô tội. Thế nào rồi cũng phải kiếm chuyện để xin mẹ cho bằng được một đồng, mua nến. Sau đó, làm bộ xuống bếp đứng sớ rớ chơi ; đợi đúng lúc không ai để ý là chớp cái hộp quẹt bỏ túi rồi len lén biến ra khỏi nhà giữa lúc đêm thâu.

Nơi đến thường là một cái vườn rau, nếu gần nhà không có cái vườn rau thì đành phiêu lưu vào bất cứ một cái cánh đồng cỏ nào. Tới nơi rồi là phải lắng tai nghe ngóng cho đúng hướng, bước lần dò thật êm, thật nhẹ. Chỉ cần hơi mạnh chân là con dế mất dạy im bặt tiếng liền.

Lại phải ngồi xuống, ngồi yên một nơi, nín thở đợi chờ, chờ cho đến khi con dế tiếp tục phùng cánh gáy. Ước lượng khoảng cách, thẩm định vị trí xong, nhè nhẹ thắp nến lên, một thằng câm nến, một thằng quì nhào người xuống bụi cỏ, hai tay vạch bắt tìm kiếm. May lắm thì mới lật được ngay chóc, bắt một cái dính liền, nếu không thì lại công toi !

Lỡ mà nhằm khi "gia đình có việc". Bố mẹ khó khăn nghiêm khắc thấy rõ, đi đêm về là chắc chắn ăn đòn chứ chả có dọa dẫm lôi thôi gì cả. Kẹt vậy thì tôi đành phải bắt dế ban ngày – vô vọng hơn nhiều. Ban ngày dế ít khi gáy lắm. Tha thẩn hết gò này sang đồi khác, gặp cục đá bự nào cũng ráng lật, thấy bất cứ cái gì có thể che được một con dế đều bới ra, và năm thì mười họa tôi mới thấy được một con dế thiệt. Không có gì vất vả bằng đào bắt dế hàng.

Đất mềm thì cuốc. Cuốc ấm ớ đụng đâu cuốc đó thì chỉ toàn thấy đất. Cuốc lạng quạng thì đứt đầu con dế như không. Đất cứng thì chỉ có mỗi một cách chơi, đổ nước xuống hang. Hai ba thằng mở nút quần, thi nhau đái, đái hết, đái hết nước cũng chưa chắc đã ăn thua. Thường thì thế nào cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm cho được năm mười lon sữa bò nước nữa đổ cho ngập miệng hang mới được. Tới đây rồi thì rắn cũng phải bò ra chứ đừng nói chi là dế.

Và đây cũng là lúc phiền hà. Cũng như cái chuyện người lớn làm cách mạng, trẻ con đi bắt dể phải tuyệt đối thân và tin nhau. Mọi giao hẹn chia chác đều phải phân định trước một cách rõ ràng. Nếu không thì lại xẩy ra chuyện oa xịt thằng này, nghỉ chơi thằng nọ, thanh trừng hàng ngũ hoài hoài.

Nhiều thằng thấy dế là tối cha nó mắt lại. Thế là giành giựt, mẻ đầu, u trán tùm lum. Một con dế bắt được tại hang quí lắm chớ chơi sao. Chụp giựt lạng quạng nó còn có một giò thì có mà tiếc ngẩn người. Khi đã chụp dính con dế về phần mình rồi, hé hé ra coi, chi cần thấy nó đứt mẹ một cái râu là tôi cũng cảm thấy muốn đứt ruột.

Để có một con dế thực sự ngon lành thì điều kiện tiên quyết là phải cồ, giò cẳng chửng chạc, râu mắt, râu mép còn nguyên. Mùa dế chắc chắn sẽ sinh động và đầy đủ hơn nhiều khi sở hữu một con dế có đủ những tiêu chuẩn vừa kể.

Có vô số việc phải chăm lo và chăm lo một cách say mê thích thú. Trước hết là hộp đựng. Cái hộp bánh LU thấy thì tuyệt đẹp nhưng mà sợ là dế không thích lạnh. Hộp "fromage con bò cười" thì được quá, nhưng nếu có cái hộp "calcium corbière" thì được hơn nhiều. Rộng rãi và thoáng mát, nơi ẩn trú lý tưởng cho loài dế. Bên trên đục chừng mươi, mười lắm lỗ cho dế thở. Ở dưới rải một lớp đất mỏng cho có hơi đất.

Tất nhiên là thằng nào ngu lắm mới quên cho vào đó một hai cọng giá hay một cuống xà lách thật non và thật tươi. Đừng có cho dế ăn cơm, bụng nó sẽ dài ra và mau biến thành sâu rọm !

Một mùa hè mà bắt được chừng hai ba trự dế nhứt xóm thì sách vở coi như là tôi vứt. Có ráng tới trường thì chỉ là để chờ giờ ra chơi. Đá dế. Đá cho nó đã. Đá dế phục thù. Thù hằn có đâu từ mùa dế trước khi mà mình không có cái may mắn bắt được một con dế ngon lành như hiện tại.

Mỗi đêm trước khi đi vào giấc ngủ, hồi tưởng lại những pha gay cấn nhất trong ngày mà còn thấy đã. Con dế mình càng rộng, đi sát đất, thúc mạnh, nghiến dai, quay mình lẹ như chớp. Bảnh cỡ đó lấy cái gì ra mà không ăn con nhà người ta. Sáng sớm thức dậy đã nghe tiếng gáy vang dưới chân giường. Lại một ngày hạnh phúc nữa.

Hạnh phúc ở đâu ra mà dễ dàng và lảng xẹt vậy trời. Mà có liền liền nữa chớ. Năm nào mà không có mùa dế. Năm nào mà thiếu mùa nuôi chim nuôi cá. Thiệt là quanh năm ăn chơi mệt nghỉ.

Phải chi người ta nhỏ hoài thì đâu có ai ngán cái kiếp người. Nhưng mà đâu có ai "nhỏ" hoài được. Tự nhiên là con người cứ lớn ào ào dù chắc thiệt tình là không ai thích. Và khi đã lớn là tuổi thơ giã từ cuộc đời. Tuổi thơ ra đi mang theo hết cả dế, chim, diều, cá và hàng ngàn thứ đồ chơi tuyệt vời khác.

Tôi đi một cái rột từ tuổi thơ đến tuổi già. Tôi không có tuổi trẻ nên không biết cái tuổi trẻ đầy đủ trọn vẹn an bình – thực tình – nó ra sao ? Tuổi trẻ của tôi và những thằng như tôi chỉ có những phản ứng hóa học trừu tượng ; những công thức toán khô khan mà chúng tôi phải ráng nuốt sống để đi thi. Sau đó là những ngày quân trường đổ mồ hôi, chiến trường lai láng máu. Giữa những khoảng thời gian khó sống này là những khoảng trống nằm thoi thóp trong những căn phòng ngủ rẻ tiền với rượu, với cần sa, ma túy và gái điếm rồi cái thứ tuổi trẻ xa lạ này chấm dứt trong một trại tù binh !

Trại tù binh hay trại cải tạo thì thôi hết nói. Ở đây thì không có tuổi cũng không có tên. Tên tuổi làm gì ở một nơi mà người ta cố ép con người thành những con vật đói. Hú vía là tôi đã chạy thoát khỏi nơi đó. Rồi tưởng sao ? Bây giờ thì tôi sa lầy nơi góc bể chân trời. Cái vũng lầy này coi bộ không dễ dẫy và không dễ thoát. Phần đời còn lại chắc cũng cầm bằng như nước chảy hoa trôi. Thôi, kệ mẹ nó muốn tới đâu thì tới. Thiệt uổng là đời người chỉ cuốn tới chứ không có cái vụ de lui ; nếu không, tôi đã trở lại quãng đời thơ ấu của mình rồi.

Tuổi thơ – trời ơi – tôi biết tìm nó ở đâu bây giờ. Những con dế ấu thời thì lại càng biệt vô âm tín. Sống ở một thành phố kỹ nghệ nhìn đâu đâu cũng toàn thấy nhựa đường và ciment thì tìm đâu cho ra con dế. Ráng lắm thì cũng chỉ thấy được con dán mà thôi. Mà dán – nói thiệt – hồi nhỏ tới giờ tôi không hề giao du với cái con vật kỳ cục này. Nó làm phiền người ta chết mẹ.

Thôi cũng đành. Adieu con dế !

Tưởng Năng Tiến (1984)

Nguồn : RFA, 25/04/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa

"Không có gì quý hơn độc lập tự do"
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Nguyễn Chí Thiện

Vào buổi khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh long trọng tuyên bố : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập". Ngay "giờ phút" đó, chắc chắn, toàn dân không ai có thể hình dung ra được là cái "nền giáo dục của một nước độc lập" nó mắc (tới) cỡ nào ?

giaoduc1

"Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập".

Phải đợi đến gần hai phần ba thế kỷ sau, giá cả mới được ghi rõ - theo Mỹ Kim bản vị - trên báo Sài Gòn Tiếp Thị :

"Tháng Bảy mới là thời điểm chính thức các trường đầu cấp nhận hồ sơ tuyển sinh, nhưng hiện nay tại Hà Nội, cuộc chạy đua vào lớp 1 đã lên đến đỉnh điểm. Dù không giấy mực hay tuyên bố chính thức ‘giá’ vào trường điểm là bao nhiêu, nhưng các bậc phụ huynh đều hiểu muốn cho con vào trường mình mong muốn đều phải mở hầu bao. Một suất vào trường điểm lên đến cả vài nghìn USD".

"Vài" là bi nhiêu ? 

Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế có con số chính xác hơn : Việt Nam đứng hạng nhì trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu.

("A Transparency International report has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200").

Không có thông tin nào về giá để được dậy ở trường điểm Hà Nội cả nhưng chắc chắn là cũng không rẻ lắm vì ngay ở những vùng xa/vùng sâu mà số tiền ("chạy cho một suất") cũng đã cao ngất trời rồi - theo báo Lao Động, số ra ngày 14 tháng 3 năm 2018 : "Để được ký hợp đồng ngắn hạn và lời hứa vào biên chế, có giáo viên phải chi từ 200-300 triệu đồng nhưng cuối cùng vẫn không có việc làm ổn định".

Nguyên do đưa đến hoạn nạn ("tiền mất tật mang") được báo Tiền Phong, số ra cùng ngày, cho biết thêm chi tiết :

"Chuyện hàng trăm giáo viên huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp mất việc có nguồn cơn từ việc 3 đời lãnh đạo huyện này đã ‘ký bừa’ hợp đồng với hơn 600 giáo viên, nhân viên giáo dục".

May mắn là Bộ Giáo dục và đào tạo đã lên tiếng "can thiệp" kịp thời, và "đề nghị" một phương cách giải quyết (hết sức vô tư) như sau :

"Công đoàn giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Liên đoàn lao động tỉnh Đắk Lắk, Sở Giáo dục và đào tạo có giải pháp can thiệp... đề nghị các cơ quan liên quan sớm có phương án sắp xếp, bố trí việc làm cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các giáo viên làm việc tại địa phương".

Với "hướng tiếp nhận tối đa" thế này thì nhiều lớp học sẽ có hai hay ba giáo viên phụ trách. Người đứng đầu, người đứng cuối, và nếu vẫn dôi dư thì nhét thêm một ngồi giữa (lớp) nữa là xong. Học sinh sẽ được dậy dỗ kỹ càng hơn, và - chung cuộc - chả ai bị mất việc cả. Nhờ vậy, giới quan chức địa phuơng sẽ hết phải thấp thỏm, và phải nhờ đến trung ương can thiệp - như tin loan của báo Dân Trí hôm 28 tháng 3 năm 2018 : "Đắk Lắk đề nghị báo chí tạm dừng đưa tin 500 giáo viên mất việc... nhằm tránh làm nóng vấn đề".

Vấn đề, thực ra, không chỉ giới hạn vào chuyện bạc tiền. Giáo giới còn phải trả giá bằng nhiều hình thức khác nữa cơ.

Hôm 16 tháng 11 năm 2016, tờ Vietnamnet ái ngại cho hay : "Chuyện giáo viên ở thị xã Hồng Lĩnh được điều đi tiếp khách đã làm nóng phiên chất vấn Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo sáng nay". May thay, câu chuyện đã nguội ngay, ngay sau khi ông Phùng Quang Nhạ giải thích (xuê xoa) rằng có nhiều vị khách tưởng giáo viên là tiếp viên nên chỉ "vui vẻ chút thôi" - chứ cũng không có gì là nghiêm trọng lắm !

Đến đầu tháng ba năm 2018 thì có "sự cố" khác, nóng hơn chút xíu, khi báo chí đồng loạt loan tin : Cô giáo phải qùi gối trước phụ huynh. Đến cuối tháng này lại có thêm chuyện nóng mới : Phụ huynh đánh cô giáo mang thai nhập viện !

Bạo lực học đường, nói cho nó công tâm, không chỉ đến từ một phía. Cha mẹ học sinh, đôi khi, chỉ vì "nóng lòng báo thù" cho con cái nên hơi quá tay chút xíu thôi. Giáo chức, không ít vị, cũng rất đáng bị trách phạt bằng những hình thức nặng nề hay thô bạo :

- Thầy giáo đánh học sinh dã man trong lớp học

- Thầy tát trò như kẻ thù trong lớp

- Cô giáo mầm non dùng dép đánh vào đầu trẻ

- Viết sai chính tả học sinh bị cô giáo đánh thâm tím mặt

- Thầy giáo gạ nữ sinh đổi tình lấy điểm

- Thầy giáo đưa nữ sinh 16 tuổi vào nhà nghỉ 

- Giảng viên đại học lừa tiền hơn 100 sinh viên

- Thầy giáo cấp 1 bị tố dâm ô 9 học sinh lớp 3

giaoduc2

Ảnh : giaoduc.net

Điều an ủi là loại cô thầy bất nhân tuy nhiều nhưng... không nhiều lắm. Bên cạnh thành phần bất hảo, vẫn có những nhà mô phạm tận tâm và khả kính.

Ngày 23 tháng 3 năm 2018 - ông Trần Tuấn Khanh, phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo An Giang - cho biết : "Đến thời điểm này toàn tỉnh có trên 3.000 em học sinh không trở lại lớp từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018... Đa số là học sinh lớp 8, 9. Các em này một phần do hoàn cảnh khó khăn, ăn tết xong các em theo gia đình lên những thành phố lớn để làm ăn. Mặc dù các em chưa đến tuổi lao động nhưng cũng đi theo cha mẹ".

Đây là tình trạng phổ biến trên toàn quốc chứ không riêng chi ở An Giang. Đôi nơi, giáo viên đã hết sức tận tụy trong việc tìm lại học trò - theo như lời tự thuật của thầy giáo Vũ Văn Tùng :

"Những ngày tháng Ba khi hoa Pơ Lang đang nở đỏ rực trời Tây Nguyên, những giáo làng vùng sâu chúng tôi lại tất bật với hành trình lên nương tìm kiếm học trò. Khoác vội chiếc ba lô và cưỡi lên ‘con ngựa sắt’ già, tôi lại bắt đầu một cuộc hành trình hơn 40km đi tìm kiếm học trò. Sau gần 2 giờ đồng hồ rong ruổi đường rừng, tôi tìm thấy em trong một túp lều giữ rẫy của người dân vào đúng giờ nghỉ trưa.

Vừa nhìn thấy tôi, em ngượng ngùng đứng nép vào vai bạn. Tôi tiến lại gần em và nói : về với thầy với lớp đi em. Bỗng có tiếng lanh lảnh của một người phụ nữ trạc tuổi 40 ‘sao anh lại cướp công của tôi ?’ và kèm sau đó là những ngôn từ chua chát khác.

Loay hoay tìm hết lời lẽ vận động, giải thích, mãi đến xế chiều thầy trò tôi mới được người phụ nữ ấy tha cho về với 60.000 đồng là nửa ngày công của em.

Đưa em về nhưng trong lòng tôi vẫn canh cánh một nỗi lo vì không biết sẽ giữ được em bao lâu khi mà gánh nặng mưu sinh đang đè nặng trên đôi vai cô học trò bé nhỏ".

Thầy Tùng khiến tôi thốt nhớ đến tâm sự của một một nhà văn tiền bối :

"Sau khi đỗ tiểu học, tôi thi vào Trung-học. Những bạn của tôi ở từ các tỉnh tới, nói nhiều giọng khác nhau : Quảng-nam, Quảng-ngãi, Thừa-thiên, Bình-thuận, Ban-mê-thuột... Sau mỗi kỳ nghỉ Tết mỗi kỳ nghỉ Hè, lũ bạn đi học mang theo quà địa phương của mình. Bạn Quảng-nam mang theo khoai lang khô và bánh tổ, bạn Quảng-ngãi mang theo đường phổi, bạn Phan-thiết mang theo nước mắm nhĩ, còn rim mức, kẹo mè, bánh in, bánh cốm thì gần như không ai không có...

Ngoài những bạn học người kinh, ký túc xá còn nhận những học sinh người Rhadé, những Y Bliêng, Y Phơm, Y Bih, R’om Rock, Nay Phin... Họ đồng phục kaki vàng và trao đổi trò chuyện với chúng tôi bằng tiếng Pháp... Những buổi chiều trong sân trường, Y Phơm hay biểu diễn môn bắn ná cho chúng tôi xem và mách rằng : ‘Thằng Y Bliêng đó, nó giầu lắm. Nhà nó có năm con voi và nhiều con trâu... Ở ký túc xá ăn, học, ngủ đều đúng giờ giấc nhưng khi thích chúng tôi vẫn lén nhẩy rào hay chun rào ra phố xem xi-nê" (Võ Hồng, Người Về Đầu Non, Nhà xuất bản Văn, Sài Gòn, 1968).

Nhà văn/nhà giáo Võ Hồng sinh năm 1921, và bắt đầu dậy học từ năm 1943. Tuổi ấu thơ và tuổi học trò của ông đều gói trọn trong thời gian nước nhà còn bị đô hộ và lệ thuộc. Phải đợi đến ngày 3 tháng 9 năm 1945, ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh mới long trọng cho biết : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập".

"Không có gì quý hơn độc lập tự do"
Tôi biết nó, thằng nói câu nói đó
Tôi biết nó, đồng bào miền Bắc này biết nó
Việc nó làm, tội nó phạm ra sao" 

(Nguyễn Chí Thiện)

Đến giờ thì không riêng đồng bào miền Bắc mà dân chúng mọi miền, kể luôn miền ngược, cũng đều biết việc nó làm, tội nó phạm ra sao !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 18/04/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 12 avril 2018 13:25

Nạn nhân & Thủ phạm

Thấy ngay thủ phạm : vàng sao lá cờ !

Nguyễn Chí Thiện (1961)

Ngày 20 tháng 2 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ghé thăm Thanh Hóa và ân cần căn dặn : "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu... Quyết tâm làm thì sẽ thành kiểu mẫu". Hôm ấy chắc Bác không được khỏe, nói năng nhỏ nhẹ (và yếu ớt) quá nên chả ai nghe gì ráo trọi.

dinh1

Đinh ngụy trang trong lá rải xuống đường để đâm thủng bánh xe

Bởi vậy, sáu mươi lăm năm sau - năm 2012 - Chủ tịch Trương Tấn Sang lại phải "ân cần" nhắc lại : "Phấn đấu... xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh giàu đẹp, tỉnh kiểu mẫu như Bác Hồ hằng mong ước".

Bác đã đi xa, "mong ước" của Người (xem ra) cũng còn xa lắc, xa lơ - theo như thông tin của báo chí nước nhà :

- Thanh Hóa gửi tờ trình Khẩn xin hỗ trợ gạo cứu đói

- Thanh Hóa : Chủ tịch xã ăn chận tiền hỗ trợ thiên tai

- Thanh Hóa : Cán cộ ăn chận tiền hỗ trợ trâu bò của dân nghèo

- Thanh Hóa : Cán bộ ãn chận tiền hỗ trợ cho người nghèo

- Thanh Hóa : Hiệu trưởng cắt xén cả tỉ đồng của học sinh

- Thanh Hóa : Rút ruột công trình hàng trăm triệu đồng

- Thanh Hóa : Nhà vệ sinh đắt ngang chung cư Hà Nội

- Thanh Hóa : Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nước tham ô

- Thanh Hóa : Phát hiện 20 cán bộ y tế dùng bằng giả

- Thanh Hóa : Rác thải 'ngập' đường ở xã nông thôn mới

- Thanh Hóa : Vụ "hot girl" xứ Thanh : "Thanh tra kiểu này thì buồn quá"

"Vụ ‘hot girl’ xứ Thanh" vừa nguội, và cũng mới bớt buồn (chút xíu) thì báo Tuổi Trẻ lại ái ngại cho hay một tin buồn khác : "Năm đinh tặc sa lưới". Tuy sự việc xẩy ra ở Bình Dương nhưng cả năm "đối tượng" bị bắt giữ đều là dân Thanh Hóa. Mẩu tin này được hằng triệu người quan tâm, cùng với hàng ngàn lời bình luận rất khắt khe và nặng vẻ kỳ thị (hay phân biệt) vùng miền :

- Phạm Xuân Quang : Con mẹ nó, cho chém hết tụi này đi.

- Thuy Dochặt tay lũ này được rồi, đồ khốn xem thường mạng sống của người dân

- Pham Kieu : Theo em, lột trần bọn này, đứng xếp hàng, rải đinh của bọn nó ra, từng đứa một vào bò, lăn lộn trên số đinh đấy

- Trần Thanh : Lại là người Thanh Hóa...

- Thành Tiến : Đm lại là dân Thanh Hoá...

- Quỳnh Như : Hỏi sao ngta ác cảm với Thanh Hóa

- Két Sắt An Toàn : Thanh hóa nhiều người xa quê không chịu làm ăn lương thiện cuối cùng được ngồi nhà đá ăn cơm cả xô.

Tôi cũng xa quê, xa lắm, và xa gần trọn cả đời. Trên bước đường lưu lạc, thỉnh thoảng, tôi vẫn gặp những đồng hương Thanh Hóa. Chưa ai gây cho tôi một ấn tượng xấu xa nào cả, nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại.

Có lần, tại Vang Vieng - một thị trấn giữa đèo, ở Bắc Lào - cô thợ hớt tóc nhất định trả lại tiền công chỉ vì tôi nhỏ nhẹ "cảm ơn" trước khi từ biệt. Cô gái nói nghe như hát : "Ui chao ơi, con nỏ biết chú là người Việt mô. Người mình chi mà cao rứa hè ?".

Sau đó, cháu còn gọi điện thoại cho chồng - một chàng trai cùng quê, làm nghề xây dựng, hay nói chính xác hơn là phụ hồ, và đang thất nghiệp - nhắn phải chạy ngay ra tiệm để "gặp ông chú ni lạ lắm". Đây là lần đầu tiên họ gặp mặt một "Việt kiều" và cũng là lần đầu tiên tôi có dịp nói chuyện với hai người bạn, từ Thanh Hóa.

dinh2

Ảnh chụp ở Vang Vieng năm 2015

Ở Thái Lan thì phần lớn di dân Việt Nam - bất kể Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Thanh Hóa - không đi phụ hồ và cũng không hớt tóc. Họ thường giúp việc ở tiệm ăn, nếu chưa có đủ vốn để "làm chủ" một cái xe bán trái cây hoặc nước dừa.

Cứ mỗi lần nhìn thấy đồng bào mình tất bật trong mấy hàng quán chật chội, nhễ nhại mồ hôi nơi các công trường, hay lầm lũi đẩy những xe bán hàng rong (loanh quanh khắp phố phường Bangkok) tôi đều muốn ứa nước mắt. Ở tuổi đôi mươi - lẽ ra - họ phải được ngồi ở giảng đường đại học, thay vì suốt ngày đầu tắt mặt tối nơi đất lạ xứ người.

Tất cả đều rất cần cù, nhẫn nại, chắt chiu và (vô cùng) chịu thương, chịu khó. Tuy thế, gần như không ai kiếm được quá năm trăm Mỹ Kim mỗi tháng, nhưng ai cũng dành dụm phân nửa (hoặc hơn) số tiền nhỏ nhoi này để gửi về quê cho gia đình, hay chòm xóm.

Tôi chưa bao giờ có dịp bước chân ra đến miền Trung nên không thể hiểu được tại sao đa phần những người trẻ tuổi nơi đây lại phải tha phương (hay đi rải đinh những nẻo đường quê hương) để mưu sinh ? Bản tin "năm đối tượng quê Thanh Hóa" vừa bị bắt vào ngày 27 tháng 2 vừa qua không làm suy giảm mối hảo cảm của tôi với người dân ở vùng đất này mà chỉ khiến nhớ đến một bài báo khác ("Ai rải đinh trên con đường giáo dục") của tác giả Trương Khắc Trà. Ông đặt vấn đề :

"Giáo viên bị bắt quỳ gối ở Long An, học sinh bóp cổ giáo viên ở Bến Tre, hàng trăm giáo viên bỗng nhiên mất việc ở Đắc Lắc… tất cả những điều đó buộc xã hội phải nhìn nhận lại nghề giáo".

Tôi thì (trộm) nghĩ thêm rằng mọi ngành nghề hiện nay đều có vấn đề, chứ chả riêng chi nghề giáo :

- Ai rải đinh vào ngành giao thông mà Tổng kiểm toán Hồ Đức Phước cho hay là mới kiểm toán 49 dự án BOT và đã giảm được 173 năm thu phí, và đây mới chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.

- Ai rải đinh vào ngành nông nghiệp để nông dân phải đổ rau củ thối, trong khi nhà nước vẫn chi ra hằng 100 triệu Mỹ Kim cho hàng nhập khẩu ?

- Ai rải đinh trên vào ngành công nghiệp để đến thế kỷ 21 mà Việt Nam vẫn chưa làm được con đinh vít, và mỗi năm vẫn phải nhập cảng hằng chục ngàn tấn tăm tre và đũa tre từ Trung Quốc ?

- Ai rải đinh vào ngành lâm nghiệp khiến "dân chở hai cái thớt gỗ thì bị bắt vì tội phá rừng, quan chở nguyên dàn cây cổ thụ đi hàng nghìn km thì không ai phát hiện ra ?".

- Ai rải đinh vào ngành ngoại giao khiến nạn lạm thu xẩy ra "ở khắp địa cầu", và nạn nhân phẫn uất đến độ có người tự đâm dao vào ngực, tử vong ngay trước Tòa Đại sứ Việt Nam ở Malaysia ?

- Ai rải đinh vào ngành công an khiến (nguyên) Tổng cục trưởng Cục Cảnh Sát vừa bị bắt vì tội danh chứa bạc, người dân đã đặt ngay ra câu hỏi : "còn đương kim Tổng cục trưởng - Trung tướng Trần Văn Vệ - thì sao" ?

- Ai rải đinh vào hệ thống ngân hàng khiến cho đại diện Ngân Hàng Nhà Nước khuyến nghị thân chủ phải thường xuyên kiểm tra tiền gửi để tránh mất cắp ? Ai cắp ?

- Ai rải đinh vào ngành Bộ Tài nguyên và môi trường mà "sau hơn 15 năm hoạt động... mọi thứ đều đi xuống ; chỉ có nhân sự của Bộ là phình ra, có giai đoạn 3 sếp quản… 1 lính".

- Ai rải đinh vào ngành lập pháp mà ghế đại biểu quốc hội có thể chạy được bằng tiền và dân biểu quốc hội lại "âm thầm " nhập quốc tịch nước ngoài ?

- Ai rải đinh vào ngành tư pháp mà tòa xử dân ăn cắp hai con vịt bị lãnh án 13 năm tù, còn cán bộ đi xe bảng số giả, tông chết người thì chỉ bị xử phạt hành chính ?

- Ai rải đinh vào ngành xây dựng mà đường ống nước sông Đà vỡ đến lần thứ hai mươi mốt ?

- Ai rải đinh vào hàng ngũ quân đội để cho lực lượng này bạc nhược đến độ không "giải phóng" nổi "một cái sân chơi gôn bé tí" - theo như lời than phiền của một nhà thơ : 

Một sân gôn bé tí

Thế mà quân đội ta

Mãi không giải phóng được

Còn nói gì Hoàng Sa.

- Ai rải đinh vào ngành y tế để bệnh nhân phải nằm chồng chất lên nhau, và dùng thuốc ung thư giả được coi là chuyện bình thường !

dinh3

Cảnh trong bệnh viện : bệnh nhân và thân nhân chen chút chồng chất lên nhau - Ảnh : FB

Mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách của đất nước đều bị bọn quốc tặc rải đinh (mười phân) ráo trọi thì xá chi mấy mảnh thép lụn vụn, trên vài con hương lộ ở Bình Dương. Cứ chăm chăm ném đá tới tấp vào vài tên đinh tặc lắt nhắt (những kẻ chỉ vì bần cùng sinh đạo tặc) thì sợ rằng chúng ta đã nhầm lẫn - tai hại - giữa nạn nhân và thủ phạm !

Tưởng Năng Tiến

Người RFA, 11/04/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 03 avril 2018 23:40

Ngư dân & Biển cả

Người dân Việt Nam chẳng phải học sinh tiểu học, đặc biệt là ngư dân.

Báo Lao Động (27/03/2018)

Tờ Người Việt, số ra ngày 26 tháng 3 năm 2018, vừa buồn bã loan tin : "Một trường trung học ở Santa Ana phải tháo cờ cộng sản Việt Nam sau khi bị phản đối". Vài hôm sau, hôm 30 tháng 3 năm 2018, cũng báo Người Việt cho hay tiếp rằng ông ông Don Wilson, Tổng quản trị của trường này phát biểu : "Đây là một vinh dự lớn nhất của đời tôi vì nhận được sự thông cảm của cộng đồng người Việt. Chúng tôi rất áy náy và xấu hổ vì đã treo lá cờ kia".

ngudan0

Lá cờ đỏ sao vàng, rõ ràng, không được người Việt nước ngoài chấp nhận.

Dân trong nước, xem chừng, cũng không ưa thích gì cho lắm. Sau khi Tỉnh Đoàn Hậu Giang tổ chức trao tặng 600 bộ cờ tổ quốc và ảnh Hồ Chí Minh cho các bà mẹ Việt Nam anh hùng ("nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác") dư luận cũng nhao nhao phản đối. Riêng nhà báo Trương Duy Nhất còn đặt ra một câu hỏi khó : "Tặng ảnh ông Hồ cho người già. Tặng cờ cho dân … ăn Tết. Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế".

Vốn là người "hiểu nhiều biết rộng" và rành rẽ "tất tần tật" mọi chuyện ở đời, tôi đã định trả lời thắc mắc của Trương Duy Nhất nhưng chỉ "định" thế thôi nhưng vì bận (nhậu - có độ hoài mà) nên quên bẵng. Mới đây, trong bản tin của báo Tiếng Dân - đọc được vào hôm 27 tháng 3 năm 2018 - lại thấy xuất hiện một câu hỏi khó (gần) tương tự :

"Vẫn như mọi năm, Hội Nghề cá lên tiếng phản đối việc cấm đánh cá trên Biển Đông của Trung Quốc, truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin. Đảng và Nhà nước vẫn im thin thít như mọi năm, để cho Hội Nghề cá đơn độc lên tiếng…

Không rõ từ bao giờ, chuyện bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo thuộc trách nhiệm của Hội Nghề Cá, để hội này phải có công văn đề nghị chính phủ và các bộ vào cuộc, giúp bảo vệ ngư dân ?".

Bữa nay thì tôi rảnh, và rảnh lắm, vì cả tuần không ai rủ nhậu nên lục mấy tờ báo cũ ra xem lại (coi "tự bao giờ chuyện bảo vệ ngư dân và chủ quyền biển đảo thuộc trách nhiệm của Hội Nghề Cá") cho nó tỏ tường :

- Báo VietnamPlus (07/07/2014) : Hội Nghề cá Việt Nam phản đối Trung Quốc bắt giữ 6 ngư dân và tàu cá.

- Báo Pháp Luật (11/7/2015) : Hội Nghề cá Việt Nam phản đối việc làm phi nhân đạo của phía Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam.

- Báo Người Lao Động (14/03/2016) : Hội Nghề cá Việt Nam cực lực phản đối hành động phi pháp, vô nhân đạo của lực lượng Hải cảnh Trung Quốc sử dụng roi điện và gậy đập phá tài sản trên tàu ngư dân Việt Nam như những tên cướp biển.

- Báo Mới (04/05/2016) : Nghiệp đoàn nghề cá Việt Nam ra tuyên bố phản đối tàu lạ đâm chìm tàu cá của 34 ngư dân ở Hoàng Sa.

- Báo VnExpress (02/03/2017) : Hội nghề cá phản đối Trung Quốc đơn phương cấm đánh cá ở biển Đông.

- Báo Tiền Phong (26/03/2018) : Hội nghề cá phản đối Trung Quốc cấm đánh bắt cá trên biển Đông.

Ngoài điệp khúc "hội nghề cá phản đối", còn thêm một cụm từ "ngư dân báo về" cũng thường xuyên được nhắc đi nhắc lại khiến cho nhà báo Tạ Phong Tần... nổi nóng :

Đại tá Nguyễn Trọng Huyền- Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Phú Yên cho hay : "Thời gian vừa qua, đặc biệt hơn 10 ngày nay, tàu cá Trung Quốc xâm phạm nhiều lần trong vùng biển nước ta. Theo thông tin ngư dân báo về, trung bình mỗi ngày vùng biển ngoài khơi từ Đà Nẵng đến quần đảo Trường Sa có từ 120 đến 150, cá biệt có những ngày lên đến hơn 200 tàu cá Trung Quốc khai thác trong vùng biển nước ta".

Cái đau của người Việt Nam là thông tin này do "ngư dân báo về" chớ không phải do Hải quân hay Cảnh sát biển phát hiện.

Ủa, chớ họ làm chi và ở đâu vậy cà ?

Câu trả lời cũng có thể tìm được ở một tờ báo cũ, báo Lao Động, số ra ngày 6 tháng 7 năm 2015 :

"Điều tra của phóng viên Báo Lao Động cho thấy, việc tuần tra, kiểm soát, hoạt động giám sát nghề cá trên biển do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm đã có sự trục lợi. Hàng chục bộ hồ sơ khống về những chuyến tuần tra biển đã được lập để ‘rút ruột’ Nhà nước hàng tỉ đồng...

Một nguồn tin nội bộ khác cho hay, các tàu được quyết toán khống này khẳng định rằng trên thực tế số lượng tàu tuần tra được quyết toán khống còn lớn hơn nhiều.

Đáng chú ý, đây là lực lượng thực thi pháp luật, tiến hành tuần tra, có nhiệm vụ sẵn sàng bảo vệ ngư dân trước những sự cố có thể xảy ra".

Cụm từ "sự cố có thể xẩy ra" trong đoạn văn thượng dẫn, rõ ràng, có ý làm giảm nhẹ vấn đề. Mà vấn đề thì cũng... chả có gì đáng phải bận tâm - theo khẳng định của Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh :

"Trung Quốc không sử dụng sức mạnh của mình để làm phương hại đến lợi ích của các nước khác, không làm phương hại đến hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới".

ngudan2

Tướng Nguyễn Chí Vịnh (trái) gặp gỡ tướng Thường Vạn Toàn, bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc tại Bắc Kinh hôm 2/11/2016. Ảnh lấy từ RFA

Ngài Thứ trưởng quốc phòng đã nói ("chắc như bắp") thế rồi, và Bộ chính trị lại luôn đề cao phương châm "Bốn Tốt" và "Mười Sáu Chữ Vàng" thì Lực Lượng Biên Phòng Quảng Ngãi nằm bờ (để rút dầu mang bán) kể cũng... đúng thôi. Hơn nữa, ngư dân địa phương (xem chừng) lại rất tích cực và sốt sắn trong việc bảo vệ biển đảo và hải phận nên để họ nêu cao tinh thần tự lực tự cường là chuyện rất nên làm - theo như cách tường thuật của báo Tuổi Trẻ, số ra ngày 26 tháng 7 năm 2015 :

Tất cả ngư dân trẻ trên tàu cá QNg 94359 TS của ông Huỳnh Luận ở Quảng Ngãi đều mặc áo đỏ - màu cờ Tổ quốc - khi ra khơi.

Họ tâm sự : "Mặc áo mang biểu tượng Tổ quốc, trong lòng chúng tôi cảm thấy thật thiêng liêng, có cảm giác con tàu của mình chính là cột mốc chủ quyền trên biển cả".

Ngư dân Trần Tấn Kiệt và thuyền trưởng Huỳnh Luận giải thích :

"Cách đây chưa lâu, báo Tuổi Trẻ đã xuống tàu tặng hai chiếc áo đỏ sao vàng cho chúng tôi. Vì vậy vào ngày 20/5/2015, khi hạ thủy tàu vỏ thép đi khơi, chúng tôi quyết định phát động toàn tàu mặc áo đỏ sao vàng khi tàu xuất bến, lúc trở về và đặc biệt khi đánh cá ở Hoàng Sa".

Sáng kiến tặng áo và tặng cờ cho ngư dân Quảng Ngãi để họ trở thành "cột mốc chủ quyền trên biển cả" của báo Tuổi Trẻ (ngó bộ) dễ chơi, lại chả tốn kém gì nên được nhân rộng khắp mọi nơi :

- Báo Báo VietnamPlus (13/01/2016) : Trao tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân Phú Yên

- Báo Quân Đội Nhân Dân (25/03/2018) : Đồn Biên phòng Vinh Hiền trao cờ Tổ quốc và áo tặng ngư dân địa phương

- Báo Biên Phòng (28/03/2018) : Tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân Thừa Thiên Huế

- Báo Quân Đội Nhân Dân (25/03/2018) : Đồn Biên phòng Vinh Hiền trao cờ Tổ quốc và áo tặng ngư dân địa phương

- Báo Tuổi Trẻ (28/03/2018) : Tặng ngư dân cờ Tổ quốc mới trước khi ra khơi ở

Cùng lúc BBC ái ngại loan tin : "Trung Quốc rầm rộ đưa hơn 40 tàu vào Biển Đông. Ảnh vệ tinh chụp hôm thứ Hai 26/3 do Planet Labs Inc cung cấp cho thấy hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đang cùng chừng 40 tàu chiến và tàu ngầm đã đi vào phía Nam đảo Hải Nam trong đợt phô trương sức mạnh mới nhất của Trung Quốc".

Chắc sợ lính Tầu khó nhắm trúng đích nên mới có vụ "tặng ngư dân cờ tổ quốc mới" để cho tụi nó dễ thấy, từ xa, tôi đoán vậy. So với vụ "tặng cờ cho dân ăn Tết" mà bạn Trương Duy Nhất coi là "những món quà khốn nạn" thì chuyện trao cờ cho ngư dân để "làm cột mốc chủ quyền trên biển cả" còn khốn nạn hơn nhiều !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 03/04/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 28 mars 2018 20:50

Đảng & Đạo

Nếu kể, dù thật sơ sài, hết các vụ đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, e rằng phải vài ngàn trang sách.

Tâm Thanh

Phong trào Phóng Tay Phát Động Quần Chúng – hồi giữa thế kỷ XX – không chỉ giới hạn vào những cuộc đấu tố hay tiêu diệt địa chủ mà còn mở đầu cho việc tàn phá và hủy hoại chùa, đền, lăng miếu...

dang1

Một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.

"Tại nhà thờ thánh, tượng Khổng Tử lăn long lóc như người ăn mày tha hương chết đường chết chợ, bị trẻ con ném cứt vào mặt. Tại ngôi chùa Trang Hà, hàng chục pho tượng đổ ngổn ngang, bị lũ mục đồng ném bùn lấm láp nước sơn. Cái giếng hình bán nguyệt trước cổng chùa đẹp thế mà cũng bị phá phách cầy xới để trồng lúa. Mấy tấm đá ghép cầu bị bê làm hố tiêu. Mấy chiếc bia lớn nhà thờ chánh tổng, cái thì bị đem bắc cầu, cái thì bị bọn mục đồng khiêng đi làm trò chơi rồi ỉa đái vung vãi trên mặt bia... Ở làng tôi, đền chùa miếu mạo, nhà thờ họ, mộ cổ, rừng cổ, cây cổ thụ đạ bị phá trụi, không còn gì để phục hồi nữa. (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. Nhà xuất bản Tạp Chí Văn Học, California, 2006).

Đến cuối thế kỷ này, Việt Nam "bước vào thời kỷ đổi mới". Văn nghệ cũng được tạm thời cởi trói nên nhà văn Nguyễn Khải đã nhanh nhậy cho một quan chức địa phương (nhân vật trong truyện "Người Ở Làng Pháo") phát biểu đôi lời rất cởi mở và thông thoáng :

"Đình là cái gốc của làng, tôi hô hào dân chúng bỏ tiền ra tu sửa, soạn lại thần phả. Chùa là cái Thiện của làng, tôi mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông, thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại. Có cơm để ăn, có Phật để lễ, người ngợm lại khác ngay, lại hiền lành tử tế không đâu bằng".

Chuyện thiện/ác, hay hiền lành/tử tế, ở đời (e) không giản dị như trong trí tưởng tượng của ông Nguyễn Khải : cứ "mời sư về trông nom, tối một hồi chuông, sáng một hồi chuông, thằng ăn cướp nghe chuông mãi cũng có lúc phải hồi tâm nghĩ lại".

Câu hỏi đặt ra là : "Sư đâu mà mời, trong cả nước và nhất là miền Bắc hiện nay, sự đào tạo tu sĩ vẫn còn hạn chế, khó khăn lắm ! Niềm ao ước bức thiết của mọi người - của xã hội ta - bây giờ là có thật nhiều bậc chân tu". (Phạm Xuân Đài. " Chùa Là Cái Thiện Của Làng". Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ : Cali 1994).

Ủa, đất nước có hằng trăm triệu dân – đa số là tín đồ của đạo Phật – sao lại thiếu tăng ni vậy cà ? Muốn biết "sao" có thể tìm đọc qua đôi ba tác giả khác :

Vương Trí Nhàn :

Ngày Phật đản... Sao ở giữa cảnh đèn nhang nghi ngút của chùa Quán Sứ, giữa bao nhiêu cụ bà thành tâm cúng vái, lại thấy một vị sư tuổi còn thanh niên, có nét mặt trông như một trung đoàn trưởng, tiểu đoàn trưởng nào đó, mà tôi từng thấy ở các mặt trận.

Dương Thu Hương :

Trưa hôm đó, tôi qua cổng chùa đi vào ngôi nhà ngang. Vừa đặt chân lên bậc tam cấp tôi chứng kiến một cảnh tượng không tương hợp chút nào với chốn từ bi : Trên tấm phản gỗ mốc, sư cụ bà ốm nằm còng queo, bát cháo ăn dở ở một góc phản khô đét lại. Nhà "sư nữ" ngoại tam tuần mắt long sòng sọc, tay nắm cổ người bệnh lắc, miệng rít lên :

– Mày chết đi, mày chết ngay đi cho người ta nhờ !….

Sư cụ đã quá yếu không động cựa nổi, cái đầu lắc lư ngật ngưỡng như quả bưởi trong tay người đàn bà trẻ hung hãn :

– Mày chết đi…..

Tôi định lui ra nhưng cô ta đã nhìn thấy tôi. Quá muộn cho cả đôi bên. Hẳn cô ta không ngờ có kẻ đột nhập vào "ngang hông" bởi thông thường khách thập phương phải qua sân đi vào chùa chính. Cô ta không biết rằng tôi quen mọi ngõ ngách và thường đi tắt qua nhà ngang vào chùa sau để hầu chuyện sư cụ. Không thể mở miệng "mô phật" như lần trước cô ta ném cho tôi một cái nhìn giận dữ và thách thức rồi ngoay ngoảy quay đi. Tôi ngồi xuống phản với sư cụ. Cụ không mở mắt nổi và giọng nói đã đứt quãng nhưng hoàn toàn minh mẫn. Đó là người đã xuống tóc từ thời chính quyền 1945 chưa thiết lập, đã duy trì và tu tạo ngôi chùa này qua mọi thăng trầm của thời gian. Nhưng cụ không có mảy may quyền hành để lưu giữ các chân tu ở lại, thay cụ chủ trì. "Nhân sự" do "bên trên" đưa xuống.

Vậy cái gì là "bên trên" ?

Quyền lực nào áp chế những người tu hành và thả lũ lợn bẩn thỉu vào khắp chùa chiền xứ sở ? …. Chẳng có gì bí mật cả, "bên trên" là A 25 Cục bảo vệ văn hóa thuộc Tổng cục 1 Bộ Nội vụ. A 25 có nhiệm vụ đào tạo sư sãi để "yểm" Hội Phật giáo Việt Nam, để trấn giữ hệ thống chùa toàn quốc.

Như vậy, cứ theo như lời của nhà phê bình văn học/xã hội Vương Trí Nhàn và nhà văn Dương Thu Hương thì chùa chiền hiện nay toàn là sư hổ mang và ni mái gầm thôi sao ? Nhị vị e có quá lời chăng ?

Câu trả lời có thể tìm được qua báo Nhân Dân (số ra ngày 14 tháng 3 năm 2018) về tiểu sử của một vị tu sĩ Phật Giáo, vừa "viên tịch" vào ngày 12/3 vừa qua :

"Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thế danh Hoàng Đăng Sam (Soang), Pháp hiệu Viên Minh, sinh năm 1929, tại thôn Đông Bình, xã Xuân Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, trong một gia đình thuần nông vùng thôn quê thuần túy kính tín Đạo Phật...

Hòa thượng đã nhận được những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và Giáo hội : Huân chương Độc lập hạng nhất, ba ; Huân chương Kháng chiến hạng nhì ; Huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng...

dang2

Đồng Chí Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ảnh : huongdanphattu

Trước sự kiện này, blogger Phạm Lê Vương Các có nhận xét như sau :

"Từ khi đi theo Đảng rồi vào cửa Phật, đồng chí Hoàng Đăng Sam có pháp danh là Thích Thanh Sam. Trong quá trình tham gia cách mạng và tu luyện Phật pháp, đồng chí-hoà thượng Sam không ngừng rèn luyện phấn đấu, luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến năm 1981 khi Giáo Hội Phật giáo Việt Nam ra đời thay thế cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đồng chí được cơ cấu vào nhiều vị trí khác nhau trong Giáo hội.

Trước khi qua đời, đồng chí được Đảng tin tưởng và Giáo hội tín nhiệm giao giữ chức vụ Phó Pháp Chủ, là nhân vật quyền lực số 2 trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam".

Dương Thu Hương gọi loại người như đồng chí Hoàng Đăng Sam là... "lợn", và xác quyết rằng Nhà nước Việt Nam đã "thả lũ lợn bẩn thỉu" này "vào khắp chùa chiền xứ sở". Thực ra, giáo đường và thánh thất ở đất nước này cũng chả đâu mà thiếu loại đảng viên/tu sĩ như thế. Và điều này hoàn toàn không mới mẻ gì, cũng không che mắt được ai, dù vẫn được dấu kín như... mèo dấu cứt.

Theo nhận định của VOA (nghe được vào hôm 16 tháng 3 năm 2018) thì việc "Thông Tấn Xã Việt Nam loan tin Đại lão Hòa thượng Thích Thanh Sam, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, người vừa qua đời, có 50 năm tuổi Đảng" chỉ là một vụ "lộ tin !".

Bản Báo Cáo Tự Do Tôn giáo Quốc Tế của USCIRF, năm 2017, có đoạn sau :

 Hôm 26/4, trong báo cáo thường niên về tình hình tự do tôn giáo Việt Nam, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) đánh giá rằng Việt Nam "tiếp tục có tiến bộ về các điều kiện tự do tôn giáo", nhưng "các vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt nhắm vào các cộng đồng dân tộc thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh, thành".

Hiện tại Việt Nam bị USCIRF xếp vào Cấp 1 (Tier 1), tức là thuộc Các Quốc gia cần phải Quan tâm Đặc biệt – CPC. Trong tương lai, USCIRF có thể đưa Việt Nam vào danh sách Cấp 2 (Tier 2), tức Các quốc gia và Khu vực cần Theo dõi, nhưng USCIRF nói điều này còn tùy thuộc liệu chính phủ Việt Nam có thực hiện và thực thi luật mới "theo tinh thần bảo đảm quyền lợi của các tổ chức tôn giáo và các đạo hữu, đem lại sự đối xử bình đẳng và công bằng cho cả những nhóm tôn giáo được nhà nước bảo trợ cũng như những nhóm độc lập, các nhóm có đăng ký và không đăng ký".

Đến tháng 5 năm 2018, theo VOA :"Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 10 quốc gia, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên vào danh sách các "Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt"( CPC) theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế vì đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm tự do tôn giáo. Các nước Eritrea, Sudan, Ả-rập Xê-út, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan."..

Việt Nam, tự nhiên, biến mất khỏi danh sách những "quốc gia cần quan tâm" – dù xứ sở này theo chế độ đảng trị và đảng viên vẫn thường xuyên được giao trọng trách "nằm vùng" trong chùa đền, giáo đường, và thánh thất.

dang3

Các sư đang thờ Phật, Bồ tát hay đồng chí Hồ Chí Minh ? Ảnh : fucksbookvn

F.B Đoàn Bảo Châu đặt câu hỏi : "Bức tranh của xã hội Việt Nam có mầu gì ?" Rồi ông tự giải đáp : "Cả xã hội này chỉ là một sân khấu để bọn chúng diễn trò". "Bọn chúng" (nghĩ cho cùng) không chỉ là cái "đám" cộng sản đang cầm quyền ở Việt Nam mà còn phải kể luôn cả... những ông những bà quan chức của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nữa.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 28/03/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn