Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đi đêm có ngày gặp ma.

Thành ngữ Việt

ma1

Mãi cho đến khi gần đất xa trời, tôi mới khám phá ra mình là một thiên tài về Khoa Tử Vi Đẩu Số. Tài năng tới cỡ đó mà không thi thố e hơi uổng phí nên sau khi lấy lá số cho tất cả bạn bè, lối xóm, bà con xa gần (và ai suýt xoa thán phục) tôi bèn quyết định xuất hiện giang hồ trên mạng để… cứu nhân độ thế.

Theo "chương trình hành động nghĩa hiệp" này, bắt đầu từ hôm nay cứ mỗi tuần tôi đều chấm số tử vi cho hai nhân vật đã được nhiều người biết đến – một đồng hương và một ngoại quốc – rồi đối chiếu với nhau, cho thiên hạ có dịp chiêm nghiệm và học hỏi. Tuần này xin bắt bắt đầu bằng hai tên tuổi quen thuộc : Nguyễn Thọ và Tập Cận Bình.

Chủ tịch Tập Cận Bình sinh ngày 15 tháng 6 năm 1953, tuổi Tỵ. Kỹ sư Nguyễn Thọ sinh ngày 30 tháng 2 năm 1951, tuổi Mão. Tỵ/Mão nếu khác phái và sống chung thì rất thuận hòa và êm đẹp, còn cùng phái thì lại hoàn toàn khác : khắc lắm. Tuổi đã khắc mà ngày sinh tháng đẻ của hai ông cũng khắc luôn nên chả trách chi ông Thọ đố kỵ với ông Bình ra mặt. Ghét người đã đành, ông Thọ còn không bỏ lỡ một cơ hội nào để lên tiếng chê bai, chỉ trích (nặng nề) luôn cả cái đất nước mà ông Bình đang là chủ tịch nữa cơ.

Tuần rồi, trên trang FB Tho Nguyen xuất hiện những dòng chữ chất ngất hận thù và oán ghét :

"Nếu như thời Thượng cổ, Trung Quốc từng là cái nôi văn minh của nhân loại với hàng loạt phát minh về kỹ thuật, thiên văn, triết học, toán học, thì ngày nay Trung Quốc đang là quốc gia copy và bắt chước các sáng tạo, phát minh của các dân tộc khác… Cứ như vậy Trung Quốc thả sức ăn cắp thành quả sáng tạo của phương tây tự do, từ ô-tô điện, động cơ phản lực đến Trí tuệ nhân tạo và cơ sở dữ liệu Big Data".

Dường như tôi cũng có chút máu Tầu nên nghe ông Nguyễn Thọ mắng nhiếc cả̉ nước "Trung Quốc thả sức ăn cắp" thì mặt mũi tự nhiên bỗng hóa hồng hào, và cảm thấy hơi bị tổn thương. Đang loay hoay chưa biết nên phản ứng, hay "phản biện" cách sao thì lại nghe một nhân vật khác (Christopher Wray, Giám Đốc FBI) la làng la xóm : "Trung Quốc huy động cả xã hội đi trộm cắp".

Ngay đến Joseph Biden – Phó Tổng Thống thời Obama, ứng cử viên hàng đầu của đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tới – cũng không chối được rằng "việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ là trọng tâm vấn đề cần giải quyết".

Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết. Xá chi cỡ ông Tập Cận Bình. Thiệt là khó đỡ, và khó gỡ. Tôi chả còn biết cãi cọ hay ăn nói sao nữa mà chỉ thấy buồn thôi, và buồn lắm. Coi : la bàn, thuốc súng, chữ in … đều là những phát kiến vĩ đại của dân tộc Trung Hoa tự ngàn xưa thế mà nay cả nước bỗng dưng đâm đổ đốn đến độ đi "copy và bắt chước các sáng tạo, phát minh của các dân tộc khác" (theo như nguyên văn lời mắng mỏ của ông Nguyễn Thọ) thì có xấu hổ không cơ chứ !

Thế là thế nào ?

Vì đâu nên nỗi ?

Tôi bèn rà lại lá số tử vi của Tập Cận Bình, và tá hỏa tam tinh : hóa ra thằng chả có cung lươn lẹo – Giời ạ ! Thảo nào mà tiểu sử của họ Tập theo Wikipedia (không phải loại Wikipedia ma-dzê-inh Việt Nam đâu nha) có đoạn hơi lắt léo như sau :

Từ năm 1998 đến 2002, ông học tại chức khóa triết học và tư tưởng Marxist dành cho những người đã tốt nghiệp đại học ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Thanh Hoa, là nơi ông đã từng học đại học và bảo vệ thành công bằng Tiến sĩ Luật (LLD), bằng cấp bao trùm các lĩnh vực pháp luật, chính trị, quản lý và lịch sử cách mạng. Nhưng, các nhà bình luận tỏ ra nghi ngờ bằng cấp này và họ nêu ra một loạt câu hỏi. Tờ The Sunday Times of London đã giao cho một số học giả đọc luận án tiến sĩ chưa được công bố của Tập. Các học giả nhận xét rằng nội dung ít liên quan tới pháp luật, dường như không có nghiên cứu độc đáo nào, chẳng khác gì một tập hợp các trích dẫn từ các tác phẩm đã xuất bản (1).  Nhà văn Joe Chung tiến hành so sánh các tác phẩm của Tập [Cận Bình] với các học giả khác và phát hiện được rằng nhiều đoạn được sao chép từ các tác phẩm đã xuất bản từ trước hoặc các tác phẩm được xuất bản cùng thời với Tập [Cận Bình]. Có lúc, người ta thấy các trích dẫn đã được sao chép từ một tác phẩm khác, còn nguyên lỗi chính tả và lỗi chấm câu trong tác phẩm đã xuất bản trước đó. Dựa trên nghiên cứu này, Chung [Joe] hỏi liệu Tập [Cận Bình] có đạo văn khi viết luận án tiến sĩ của mình hay không (2). Bài báo trên tờ The Sunday Times cũng nói rằng những bằng cấp trước đó của Tập có chất lượng thấp và ngờ rằng rằng học vị Tiến sĩ là do ủy ban phát minh ra nhằm cải thiện hình ảnh của họ Tập (*).

ma2

Ảnh : medium.com

Ăn cắp quen tay nên Ngài Chủ tịch nước thản nhiên xua toàn dân đi chôm chỉa những phát kiến của thiên hạ về dùng, cho tiện. Nhưng đi đêm có ngày gặp ma, một con ma nặng ký, theo như cách nói nhạo báng của nhà báo Thomas L. Friedman :

"Donald Trump không xứng là tổng thống của Hoa Kỳ nhưng Trung Hoa thì chắc chắn xứng với cái ông tổng thống này" (**). 

Cho đến nay, nói nào ngay, Tầu Cộng cũng mới trộm cắp lặt vặt thôi nhưng Donald Trump – rõ ràng – đã có những phản ứng quá đáng và… quá đã :

- Tạp Chí Luật Khoa cho hay : "Tháng 11/2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ tuyên bố thành lập một nhóm chuyên trách về những hiểm họa đến từ Trung Quốc, tên gọi China Initiative.

- The Wall Street Journal cho biết tiếp : "Vào ngày 15/5, Tổng thống Trump ban hành một mệnh lệnh hành pháp viện dẫn Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế, trao cho chính quyền quyền hạn chế mọi giao dịch với ‘đối thủ nước ngoài’ liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông. Ngay lập tức Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã liệt Huawei cùng công ty con của họ vào danh sách ‘kiểm soát xuất khẩu’, khiến các chuỗi cung ứng phụ kiện cho Huawei trên toàn cầu lần lượt ‘cắt đứt’ quan hệ kinh doanh với Huawei, vì không có sự cho phép của Washington".

Hệ quả : China's Richest Start Leaving As The Trade War Escalates (Giới giầu sụ của Trung Hoa bắt đầu rời nước khi cuộc chiến thương mại leo thang) theo ghi nhận của Oliver Williams, trên tạp chí Forbes, số phát hành vào ngày 28/5/2019. Tầu sắp chìm thì chuột phải chạy thôi. Cái hay của đám nhà giầu, cũng như đám chuột (ở bất cứ nơi đâu) là chúng đều đánh hơi được mùi của tai họa – từ rất xa !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 02/06/2019 (tuongnangtien's blog)

(*) From 1998 to 2002, he studied Marxist philosophy and ideological education in an "on-the-job" postgraduate programme at the School of Humanities and Social Sciences, again at Tsinghua University, and obtained a Doctor of Law (LLD) degree, which was a degree covering fields of law, politics, management, and revolutionary history. However, commentators have questioned this qualification, pointing out a series of problems with it. The Sunday Times of London commissioned scholars to read the unpublished PhD thesis who noted that the content has little to do with law, appears to contain no original research, and reads like a collection of quotes from existing published works (1). Writer Joe Chung compared Xi's works with those of other scholars and found that numerous passages had been copied from previously published works or works published around the same time as Xi's. In one case, citations were shown to have been copied from another work, including misspellings and punctuation errors in that previously published work. Based on this research, Chung raised the question of whether Xi plagiarised his PhD (2). The Sunday Times article also noted the poor esteem of his previous qualifications and speculated that the PhD was invented by a committee in order to improve Xi's public image.

(Translated by Phạm Nguyên Trường)

(1) "Objection, Mr Xi. Did you earn that law degree ?". 11 August 2013. Retrieved 13 May 2014.

(2) "Plagiarism and Xi Jinping". 24 September 2013. Retrieved 13 May 2014.

(**) Donald Trump is not the American president America deserves, but he sure is the American president China deserves. 

("China Deserves Donald Trump". The New York Times May 21, 2019).

Published in Diễn đàn
mercredi, 29 mai 2019 19:14

Bao cát Nguyễn Hữu Linh

Hóa ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà nước thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt như hiện nay giữa Đảng cộng sản với người dân.

(Hồi Ký Tống Văn Công – Đến Già Mới Tỉnh)

bao1

Bao cát Nguyễn Hữu Linh - Ảnh minh họa

Mãi đến năm 17 tuổi tôi mới được giáo sư Đào Phú Thọ giới thiệu đôi lời về Sigmund Freud. Nghe xong, tôi quyết định ngay là sẽ theo ngành Phân Tâm và trở thành nhà phân tâm học đầu tiên của đất nước mình … cho nó bảnh !

Tôi "định" thế nhưng Trời "định" khác. Ổng quyết định cho tôi vào quân trường để học làm lính, thay vì tiếp tục ngồi ở giảng đường để nghe mấy chuyện ("trời ơi") giữa lúc quê hương đang tơi bời lửa đạn.

Đi lính xong, tôi đi cải tạo. Rời trại tù không lâu thì tôi lại bước vô mấy cái trại tị nạn ở Á Châu … Sau vài ngàn đêm, nằm trên những cái giường đôi (trong những cái trại thổ tả này) tôi mới "ngộ" ra được điều giản dị này : làm một thằng dân Việt mà không bỏ mạng hay thương tật vì chiến tranh, không tù mọt gông là phước đức lắm rồi, còn bầy đặt học đòi những chuyện xa xôi và xa xỉ (cỡ như Phân Tâm Học) thì hơi quá đáng. Thế là thôi, thôi tôi quyết định chia tay vĩnh viễn Bạch Thu Hà, và Sigmund Freud.

Vậy mà (không dè) thằng chả lại tái xuất vào khúc cuối đời. Tình ngỡ đã quên đi nhưng tình bỗng lại về. Và khúc cuối đời là lúc này đây. Mấy tháng nay bỗng có chút chuyện lùm xùm về nạn ấu dâm ở Việt Nam. Quần chúng vốn mau quên nên trí nhớ của đám đông thường rất ngắn. Riêng việc ông Nguyễn Hữu Linh ôm ấp một bé gái trong thang máy là một trường hợp hoàn toàn ngoại lệ. 

Sự việc xẩy ra từ tối ngày 1 tháng 4 năm 2019 nhưng đến nay dư luận vẫn cứ còn nóng như hơ. Mọi diễn biến liên quan đều được những cơ quan truyền thông, trong cũng như ngoài nước, ghi nhận đầy đủ và chi tiết.

bao2

Ảnh : báo Thanh Niên Lao Động

Vào ngày 26 tháng 4, phu nhân của ông Nguyễn Hữu Linh đã gửi một "bức tâm thư" bầy tỏ nỗi khổ tâm, với nhiều lời lẽ thống thiết :

Tôi mong rằng mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây. Các bạn không nên có những hành vi gây tổn thương cho bản thân tôi và các con tôi. Sự chịu đựng của chúng tôi đã vượt quá giới hạn của bản thân mình.

Bức thư, viết trong cơn hoảng loạn, của bà Trần Thị Thanh Tâm – tiếc thay – đã không mang lại kết quả mong muốn ("mọi chuyện sẽ kết thúc tại đây") mà còn có tác dụng ngược như … thêm dầu vào lửa.

Đến ngày 23 tháng 5, báo Dân Trí loan tin : "Viện Kiểm sát nhân dân quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Nguyễn Hữu Linh (sinh năm 1958, cựu Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng) về tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi. Bị can Nguyễn Hữu Linh bị truy tố theo khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù… Cũng theo cáo trạng, ông Linh được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ là : phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét trong quá trình lượng hình".

Bản cáo trạng thượng dẫn, xem ra, cũng không được dư luận đồng tình :

- FB Lê Xuân Thọ : "Ông Linh ấu dâm không đáng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ !" 

- FB Đỗ Ngà : "Tình tiết giảm nhẹ là một chiêu bài nhằm phá bỏ sự công bằng khi kẻ phạm tội không còn đường chối cãi".

- FB Đỗ Trung Quân : "Kẻ thi hành luật pháp mà cố tình phạm pháp : phạt gấp đôi ! Kẻ quan lại có thẻ đỏ ăn trên ngồi trốc dân mà xâm hại dân : phạt gấp 10 !"

- Báo Tiếng Dân : "Vì sao chưa xử Nguyễn Hữu Linh đã bàn tới tình tiết giảm nhẹ ?"

- Báo Lao Động : "Áp dụng tình tiết giảm nhẹ cho ông Nguyễn Hữu Linh là vô lý".

- Báo Tuổi Trẻ : "Vụ Nguyễn Hữu Linh đáng lẽ phải tăng nặng chứ không giảm nhẹ".

- Báo Tiền Phong : "Cử tri Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị chặt tay tội phạm xâm hại trẻ em".

Theo cẩm nang hiện dụng của Khoa Tâm Thần Học DSM - 5 (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fifth Edition) thì thì tỷ lệ nam giới mắc bệnh ấu dâm từ 3% đến 5% : "The highest possible prevalence for pedophilic disorder in the male population is approximately 3%–5% (Seto 2008bSeto 2009)".

Con số tuy hơi cao nhưng có vẻ tương ứng với hiện trạng ở Việt Nam – theo tin vừa loan của BBC : "Trong khi dư luận Việt Nam vẫn sôi sục về vụ án dâm ô trong thang máy hồi đầu tháng, thì chỉ trong 3 tuần qua, đã có thêm ít nhất 7 vụ ấu dâm gây chấn động khác".

Điểm "khác" là 7 trường hợp kia tuy cũng "gây chấn động" nhưng không khiến công luận sôi sục không dứt như vụ Nguyễn Hữu Linh.

Tại sao ?

Lý do, tất nhiên, không ít :

- Thái độ quanh co của Nguyễn Hữu Linh cũng như dấu hiệu bao che cho đương sự của giới cầm quyền khiến dư luận bất bình.

- Người dân không tin vào sự công minh của hệ thống pháp lý hiện nay ở Việt Nam.

- Nguyễn Hữu Linh nguyên là Phó Viện Trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Đà Nẵng, và là kẻ đã có nhiều hành vi khuất tất trong thời gian tại chức.

Còn một nguyên do quan trọng nhưng "tiềm ẩn" khác nữa nhưng gần như không ai muốn đề cập đến, trừ nhà thơ Đỗ Trung Quân : Nguyễn Hữu Linh là một "kẻ quan lại có thẻ đỏ ăn trên ngồi trốc" – một đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam, cái Đảng đã độc quyền lãnh đạo đất nước từ hơn 2/3 thế kỷ qua.

Trong suốt thời gian này, Đảng đã gây ra không biết bao nhiêu là tai họa và oan khiên cho cho mấy thế hệ người. Đảng đẩy cả nước vào những cuộc chiến tranh liên tiếp, kéo toàn dân lê lết qua hết thời kỳ khó khăn này đến khó khăn kia, gây oán thù với toàn thể nhân loại, và hiện trạng thê thảm là "sự suy thoái xã hội đã đến bước trầm trọng, không ai cứu vãn nổi nữa" – như kết luận của Kiến trúc sư Trần Kim Vân.

Hệ quả, nhà văn Đào Hiếu nhận xét : "Trừ một số tư sản mại bản, tư sản đỏ, thì đại đa số nhân dân Việt Nam đều căm ghét chế độ hiện nay".

Tuy "căm ghét" nhưng phần lớn đều giữ thái độ nín lặng vì Đảng rất chuyên quyền và vô cùng ác độc, không từ một thủ đoạn nào nhỏ nhen hay bẩn thỉu nào đối với người dân – nhất là những người bất đồng chính kiến. Đụng vào Đảng, cho dù chỉ là đụng nhẹ (theo kiểu nhận xét, phê bình, hay góp ý) thôi, cũng đều có thể bị ám hại hay tù tội như thường. Do thế, nỗi phẫn uất của mọi người buộc phải dồn nén vào vô thức – theo cách nói của Sigmund Freud.

Khoa Phân tâm học của ông có đề cập đến một khái niệm gọi là "chuyển dịch" và được diễn giải như sau :

"Displacement (German : Verschiebung, "shift, move") is an unconsciousdefence mechanism whereby the mind substitutes either a new aim or a new object for goals felt in their original form to be dangerous or unacceptable. Sự dịch chuyển (displacement) là một cơ chế phòng thủ vô thức, theo đó các mục tiêu được cảm nhận ở dạng ban đầu là nguy hiểm, hoặc không thể chấp nhận, sẽ được tâm trí (mind) thay thế hoặc bằng một mục tiêu mới, hoặc bằng một đối tượng mới". (Transalated by Bùi Xuân Bách). Nguyễn Hữu Linh chính là cái "đối tượng mới" (hay cái "mục tiêu thay thế") này nên đã lãnh đủ mọi sự thù ghét, oán hận, phẫn uất của đám đông.

Kiểu phân tích của Sigmund Freud không chắc gì đã đúng nhưng nhận xét sau của của nhà báo Tống Văn Công thì chắc chắn là hoàn toàn không trật : "Hóa ra thời thực dân Pháp ranh giới thù địch giữa nhà nước thuộc địa với người dân không chia thành chiến tuyến quyết liệt như hiện nay giữa Đảng cộng sản với người dân".

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 29/05/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 26 mai 2019 22:42

Người & Rác

Đồng chí Tổng bí thư nói nếu nhìn một phụ nữ đẩy xe bò mà trong lòng không xúc động thì không còn phải là người cộng sản nữa.

C.K.N. 2000

rac1

Tôi "nhặt" được câu danh ngôn (thượng dẫn) trong Chuyện Kể Năm 2000, tập II, của Bùi Ngọc Tấn. Chỉ có điều đáng tiếc là tác giả quên ghi rõ là đồng chí TBT nào đã phát biểu một câu nói "đắt giá" tới cỡ đó. Mãi đến khi cùng cụng ly với tác giả ở California (ông chơi một ly sinh tố to đùng, ngó mà ớn chè đậu) tôi mới có dịp nêu thắc mắc, và nhận được câu trả lời hóm hỉnh : "Thì ông TBT nào mà chả nói thế".

Ah ! Thì ra thế. Tuy thế, mọi người đều biết rằng mấy ổng nói vậy thôi chớ hổng phải vậy đâu. Bởi vậy nên những phụ nữ đẩy xe bò hay xe rác lềnh khênh, khắp mọi nẻo đường, từ hơn hai phần ba thế kỷ qua mà chả thấy có đồng chí nào xúc động (hay xúc cảm) gì ráo trọi. Cuộc cách mạng vô sản ở Việt Nam chỉ mang lại một thay đổi duy nhất cho giới người này là họ được đổi tên từ "phu quét đường" thành "công nhân vệ sinh đường phố" thôi.

Làm phu quét rác thì vô tư nhưng khi đã trở thành công nhân (lực lượng tiên tiến và tiên phong của Đảng) lại được Mặt Trận Tổ Quốc giao thêm rất nhiều trọng trách : "là lực lượng quan trọng, là tai mắt đường phố, có thể góp phần giữ vững an ninh chính trị, phòng chống, phát hiện các đối tượng tệ nạn xã hội… được công an quận tập huấn một số kỹ năng như : hướng dẫn nắm bắt vụ việc, nhận diện hiện tượng, con người liên quan đến an ninh chính trị ; về hoạt động băng nhóm hoặc nghi vấn đối tượng trộm cắp, cướp giật tài sản cũng như công tác bảo vệ hiện trường".

Thiệt là quá đã và quá đáng !

rac2

Bùi Ngọc Tấn ngồi cạnh ly sinh tố. Ảnh chụp 2009

Họ vừa phải đẩy xe rác làm vệ sinh đường phố, lại vừa kiêm nhiệm luôn công việc của ngành an ninh tình báo, và bảo vệ hiện trường nữa nên (lắm lúc) không tránh được tai nạn giao thông thảm khốc – theo như tin loan của trang Tin Tức Việt Nam :

"Đêm 22/4/2019 vừa qua trên địa bàn Hà Nội, một chiếc ô tô Hyundai từ phố Vĩnh Hồ đi về đường Láng, hướng Cầu Giấy đã đâm liên hoàn nhiều phương tiện khiến chị Lê Thị Thu Hà (42 tuổi, Đặng Văn Ngữ, Hà Nội) đang là công nhân quét rác thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội – Chi nhánh Đống Đa tử vong…

Hoàn cảnh của chị Lê Thị Thu Hà rất đáng thương. Ly thân chồng, chị phải một mình nuôi hai con còn đang ăn học và mẹ già bị bệnh nặng. Gia đình bốn người sống trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, lợp ngói dột nát, tường nhà toàn bộ bong tróc, nứt toác. Khi còn sống, chị Hà mong ước có thể sửa sang lại căn nhà cho mẹ và các con nhưng lại ngặt nỗi chẳng có tiền.

Tiền lương từ nghề vệ sinh môi trường không đủ để lo cho các con ăn học nên chị phải làm cả việc khác để kiếm thêm tiền. Hàng ngày, chị đi quét rác đến 2-3h sáng mới về. Chợp mắt được vài tiếng, chị gắng dậy, chạy xe ôm Grab…

Sự việc của chị Lê Thị Thu Hà như một hồi chuông cảnh báo xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những công nhân vệ sinh môi trường. Để cho cuộc sống chúng ta sạch đẹp, họ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm khi ngày ngày ra giữa đường phố quét rác. Chị Hà không phải người lao công đầu tiên gặp tai nạn giao thông.

Đã có rất nhiều trường hợp tương tự xảy khi các công nhân môi trường ra đường lao động để mang lại mỹ quan đô thị cho người dân. Đấy là chưa kể đến những mối tiềm tàng bệnh tật do hàng ngày đối mặt với rác thải độc hại".

rac3

Chị Lê Thị Thu Hà gặp tai nạn khi đang cùng các đồng nghiệp làm công việc bảo vệ môi trường. Ảnh & chú thích : tintucvietnam

Úy Trời/Đất/Qủi/Thần ơi ! Cái xã hội này có ai dò ngó gì đến đám phu quét đường bao giờ đâu mà nói "cần quan tâm hơn nữa đến những công nhân vệ sinh môi trường", cha nội ? Ngoài việc "đối mặt với rác thải độc hại" – hằng ngày – họ còn phải ghánh chịu biết bao là nỗi tủi nhục và đắng cay khác nữa. Ngày 24/4/2019, ký giả Đào Thanh Tuy tường thuật :

"Có lần tận mắt chứng kiến một chiếc ô tô đẹp đi trong ngõ, ngang qua xe phu rác đang đẩy. Xe chậm lại, từ trong xe, một ả hạ kính rồi lẳng ngay chiếc bỉm vàng khè vào xe rác. Bởi xe không dừng hẳn nên cú ném ấy không trúng đích mà trúng đầu phu rác. Uất ức, phu rác chửi. Xe dừng, thằng chồng phi xuống vớ ngay cái xô rác ở gần đó vụt tới tấp vào đầu phu rác. Phu rác chỉ biết thụp xuống ôm mặt khóc".

Hơn ba tuần sau, báo Pháp Luật (số ra ngày 20/5/2019) loan tin :

"Một đoạn video xuất hiện trên mạng xã hội, được cho là quay tại Quảng Trị. Theo đó, khi chủ một shop quần áo vứt rác ra đường thì bị một công nhân vệ sinh nhắc nhở, sau đó chủ shop trên đã lao vào hành hung và mắng chửi người công nhân vệ sinh".

Chả hiểu khi bị "hành hung và mắng chửi" hay bị ném "chiếc bỉm vàng khè vào đầu" (giữa phố đông người) đám phụ nữ đẩy xe rác có ai nghĩ đến lời khuyên của ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân không : "Những lúc khó, cực, lúc không hài lòng với công việc, hãy nghĩ tới Bác".

 Bác chính là vị Tổng bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam và là tác giả Hồ Chí Minh Toàn Tập. Trong tác phẩm này (bản in lần thứ ba, do Nhà xuất bản Chính trị Quốc tia tái bản năm 2011) nơi trang 12 có câu : "Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa".

Đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lại vừa cập nhật "tình hình" (không mấy lạc quan) như sau : Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa nữa ? Chuyện giải phóng phụ nữ ở Việt Nam, như thế, đành phải đợi đến … cuối thế kỷ sau vậy !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 26/05/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 22 mai 2019 20:53

Tử vi nước Việt

Mỗi kỳ đại hội Đảng là mỗi kỳ nhân dân mở lòng của mình để cùng với ý Đảng tạo ra những đột phá mới cho đất nước.

Tiến sĩ Đinh Đức Sinh

tuvi1

Bởi tui ít học, ngại đọc, chỉ chuyên hóng hớt và thu lượm thông tin quanh bàn rượu nên kiến thức tuy rất bao la nhưng độ khả tín (cũng như khả xác) không có gì bảo đảm. Độ nhậu vừa rồi, một ông bạn đồng ẩm xác quyết rằng vì khí hậu quanh năm nóng nực nên phần lớn những dân tộc ở Á Châu đều lười biếng và chậm tiến. Họ lừ nhừ cả ngày, hổng lo làm lụng gì cả, và cũng chả có phát kiến nào ráo trọi.

Nghe cũng có lý. Bằng chứng hiển nhiên là dân Việt mùa Đông thiếu áo, mùa Hè thiếu ăn. Và khi có thức ăn, đôi lúc, cũng không đủ muối nêm cho đặm miệng nữa :

Mấy ngàn cây số biển xanh

Mà sao thiếu muối cho canh hàng ngày

Mọi người ở xứ sở này – xem chừng – chỉ rôm rả nói cười khi vào quán cà phê, và năng động lúc ngồi quanh bàn rượu. Kỳ dư thì họ đều ngủ vùi, nếu ở nhà ; và ngủ gà, khi vào đến chỗ làm. Bởi thế nên nước bốn ngàn năm hồn chửa tỉnh !

Truyền thống lơ tơ mơ này chỉ mới chấm dứt hồi đầu thế kỷ 21, nói chính xác hơn là vào năm 2006, khi có một vị lãnh đạo quốc gia vừa nhận chức (tân Thủ tướng) bỗng dưng hét to :

– Cả dân tộc hãy bước ra biển lớn !

Đang thiu thiu nên mọi người đều ngớ ra (một lúc) rồi mới đồng loạt "ồ" lên sung sướng, vỗ tay tán thưởng rào rào. Thiệt là quá đã, ai cũng mừng hết lớn luôn ! Ông Nguyễn Tấn Dũng, rõ ràng, đã đáp ứng được sự khát khao (từ lâu) của toàn dân.

Nói tình ngay, ai mà không ước ao được nhìn thấy xem cuộc sống của nhân loại (thật sự) ra sao – bên ngoài bức màn sắt. Báo Tuổi Trẻ nhanh nhậy nhập cuộc tức khắc, và thu đạt được thành quả mỹ mãn ngay :

Kể từ ngày 13/12/2006, khi Tuổi Trẻ bắt đầu diễn đàn ‘Vươn ra biển lớn’ từ bài viết khởi động của nhà sử học Dương Trung Quốc (‘Đừng bỏ qua cơ hội lớn’), đến nay diễn đàn đã đăng liên tục 43 số báo, với trên 60 bài viết trong số trên 500 bài viết nhận được từ bạn đọc. Không chỉ bạn đọc ở mọi miền đất nước với mọi giới, mọi lứa tuổi, điều bất ngờ là diễn đàn nhận được rất nhiều email của bạn đọc đang sinh sống, học tập, làm việc ở nước ngoài mà lúc nào tấm lòng cũng hướng về Tổ quốc mình… mỗi người là một tay chèo, quyết đưa con tàu đất nước ra biển lớn.

Con tầu đất nước, tiếc thay, "chưa rời bến được bao xa… đã chìm xuống biển sâu" – theo như cách nói ví von, và cay đắng ("Từ Titanic tới Vinashin – những cơn ác mộng kinh hoàng đến những cú lừa thế kỷ") của tác giả Nguyễn Trung :

Ngày 15 tháng 5 năm 2006, Vinashin khởi hành chuyến đi đầu tiên từ Văn phòng của Thủ tướng với quyết định 103/QĐ-TTg và cái đích đến là 10% thị phần đóng tàu biển của thế giới… Sau bốn năm hành trình và chưa rời bến được bao xa thì Vinashin đã chìm xuống biển sâu… dù vụ đắm tàu Vinashin không cướp đi những mạng người, nhưng cơn ác mộng của nó gây ra không phải là nhỏ.

Ngoài việc lê la nhậu nhẹt, thời giờ còn lại tôi chỉ chuyên chú vào việc nghiên cứu về phong thủy và bói toán (thôi) nên không dám lạm bàn chi đến chuyện tầu bè hay hàng hải. Nếu nhìn qua lăng kính của Khoa tử vi (tập thể) thì dân tộc Việt có thể thuộc mạng Mộc, mạng Kim, mạng Hỏa, hoặc mạng Thổ (tả)… gì đó – chứ dứt khoát chả phải là mạng Thủy nên không phát (triển) theo đường sông ngòi hay biển cả được.

Con tầu đất chưa rời bến được bao xa… đã chìm xuống biển – chả qua – là do mệnh số chớ chả phải lỗi lầm của ông Nguyễn Tấn Dũng, hoặc bất cứ ai. Ném vào mặt nhau những lời đắng cay (như trên) cũng đâu có thay đổi được gì. Thua keo này, ta bầy keo khác – ông bà đã dậy thế lâu rồi – phải kiên nhẫn chờ thời thôi.

Và thời cơ (cuối cùng) đã đến, cờ rơi vào tay đúng lúc và đúng người : Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Người lãnh đạo chính phủ kiến tạo hành động liêm chính hiện hành. Báo Vietnamnet vừa hớn hở loan tin : Chuẩn bị Đại hội XIII và chuẩn bị cho đất nước cất cánh.

Nghe mà vui, và mừng muốn ứa nước mắt !

Thay vì mở diễn đàn Vươn Ra Biển Lớn như báo Tuổi Trẻ (năm xưa) Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam… Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" theo địa chỉ email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.… Mỗi kỳ Đại hội Đảng là mỗi kỳ nhân dân mở lòng của mình để cùng với ý Đảng tạo ra những đột phá mới cho đất nước. 

Điều đáng phàn nàn là nhân dân năm nay đã khác (năm xưa) chả ai chịu "mở lòng" hay "mở ruột" gì sất cả. Họ chỉ mở miệng thôi nhưng phát biểu "linh tinh" lắm :

Bế Toàn 08:45 | 02/05/2019 : Cá nhân tôi và chắc hẳn nhiều người đã chán ngấy điệp khúc hứa hẹn cất cánh này rồi. Hứa nhiều, lời lẽ hoa mỹ cũng lắm, thực tế thế nào thì ai cũng rõ. Cho tôi thở dài một cái...

Yenchuong Vo 08:10 | 02/05/2019 : Tại sao cứ mãi điệp khúc chuẩn bị từ hàng chục năm nay cho tới bây giờ vẫn chưa thể cất cánh được ? Thời cơ mà Việt Nam bỏ lỡ cứ hết lần này tới lần khác và sự tăng trưởng kinh tế so với các nước xung quanh thì càng ngày càng chậm lại. Vậy mà sự cứ rụt rè, không dám tiến bộ, vẫn kìm hãm kinh tế tư nhân thì lấy nguồn lực nào cho đất nước phát triển ?

tuvi2

Ảnh lấy từ FB Pham Nguyen Truong

Bài báo thượng dẫn được chụp lại trên trang FB của dịch giả Pham Nguyen Truong, và cũng chỉ nhận được những lời bình (cũng) linh tinh không kém :

- Phan Trung : Ô, thế hơn 40 năm rồi vấn chưa cất cánh à ? Hay lại giống Sorry Airline, Delay Airway ? Top of Form

- Nhan Ton Tran : Vặt trụi lông cmn rồi. Có cánh cũng chẳng bay được !!!

- Do Dinh Khang : Cất cánh làm sao được khi cái đít "định hướng XHCN" còn nặng nợ. Chỉ khi nào cắt được cái đuôi này đi thì sẽ nhẹ nợ mà cất cánh.

- Hongtan Vu : Có méo đâu cánh mà cất...

Nói thế (chắc) sợ chưa đủ dose nên blogger Cánh Cò thêm :

"Rồng gì mà bệnh nhân vào viện phải nằm chung 3 người một giường ? Rồng gì mà tiền điện mỗi nhà bị móc có thể mua gạo được cho ba tháng ? Rồng gì mà học sinh đi học phải đóng học phí bóc lột khiến phụ huynh của chúng đến nỗi phải làm thêm bao nhiêu việc mới đóng đủ cho con ? Rồng gì mà cả một dải đất miền Trung không ai thở nổi dưới không khí do nhà máy Formosa thải ra ?".

Chả nên chua chát, đắng cay, ̣chì chiết, dằn vặt và đay nghiến… nhau như thế đâu – các bác ạ ! Vấn đề, thực ra, chỉ là mạng số thôi. Nếu Việt Nam không bơi được ra biển lớn, và cũng không thể bay lượn như rồng thì dân tộc này đúng là mạng Thổ rồi. Phải lội bộ thì may ra mới phất.

May mắn là Đảng cộng sản Việt Nam (Người lãnh đạo tổ chức mọi thắng lợi cách mạng) vốn nổi tiếng về về kỹ năng "đi tắt đón đầu". Chả chóng thì chầy rồi đất nước cũng sẽ "đứng vào đội ngũ các quốc gia hàng đầu trong khu vực và trên thế giới" thôi – theo như dự đoán của Tiến sĩ Đinh Đức Sinh và của khoa Tử vi tập thể.

Tin thì tin không tin thì … thôi ! Sư cha những thằng (chuyên môn) nói dối !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 22/05/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Cái bung đồng, năm Cải cách, đội lấy của các nhà giàu trong làng chia cho, nó không phải của nhà mình, các con nên tìm chủ mà trả lại.

Đậu Thị Mực

bung0

Đến lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã "ngộ" ra rằng không ai có thể đem theo cái bung đồng nặng nề về bên kia thế giới.

Tôi vừa tình cờ đọc được một bài báo cũ ("Hành trình 60 năm của một chiếc bung hay câu chuyện hòa giải giữa địa chủ và bần cố nông") nhưng nội dung vẫn còn nguyên tính thời sự, củ̉a nhà báo Huy Đức, trên trang Dân Luận. Xin được ghi lại nguyên văn, cùng hình ảnh :

Cách đây hơn 4 tháng, trên Facebook này, tôi viết : Trong đám giỗ lần thứ 51 của chồng - ngày 28/11 năm Giáp Ngọ (18/01/2015) - cụ bà Đậu Thị Mực, sinh năm 1916 - thường gọi là bà Dương - dặn con cháu : "Trong hai vật dụng mẹ đưa từ Thanh Chương, Nghệ An, vào Bình Dương lập nghiệp năm 1990 chỉ có một là của nhà ta, cái bình vôi. Khi mẹ về làm dâu (cuối thập niên 1930s), bà nội đã dùng cái bình vôi (ăn trầu) này ; còn cái bung đồng, năm Cải cách, đội lấy của các nhà giàu trong làng chia cho, nó không phải của nhà mình, các con nên tìm chủ mà trả lại".

Cũng qua FB, bạn bè của anh Diễn Nguyễn Văn - con trai cụ Dương - đặc biệt là những cán bộ "Đội Cải cách" thời bấy giờ đã giúp truy tìm, cuối cùng, chiếc bung đồng được xác định là của gia đình "địa chủ" Trần Đống. Hôm nay, nhân ngày con cháu làm lễ mừng cụ Dương thọ tròn 100 tuổi, cháu nội cụ Trần Đống là anh Trần Văn Lê chủ công ty Phương Linh, sản xuất và kinh doanh hàng điện máy, đã bay từ Hà Nội vào mừng thọ cụ Dương (với bức tranh khắc gỗ có chữ Tâm) và nhận lại chiếc bung đồng.

Theo anh Lê, rất lạ là sau khi tin cụ Dương tìm người trả lại chiếc bung đồng, có thêm hai gia đình "bần cố nông" trong làng trả lại những "đồ quả thực" mà 60 năm trước họ được đội cải cách tước đoạt của địa chủ chia cho. Theo anh Lê thì con cháu cụ "địa chủ" Trần Đống về sau dù ở quê hay đi xa đều thành công, có nhiều người "đủ tiêu chuẩn để bị đấu tố" nếu lịch sử cái cách tái lập. Đặc biệt, con cháu là những người địa chủ này mỗi khi về làng vẫn thường giúp đỡ người nghèo, kể cả những người ngày xưa đã từng đấu tố cha ông họ.

Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là nạn nhân.

2222222222222222

Con cháu mừng thọ bách niên cụ Đậu Thị Mực - ảnh từ trang Dân Luận

Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan niệm "xuê xoa" của nhà báo Huy Đức, và rất yêu thích "tinh thần hoà giải" trong câu chuyện thượng dẫn. Dù muộn – cuối cùng – vào lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã hiểu ra cái lý lẽ thông thường của đất trời : của thiên trả địa !

Điều đáng trân trọng hơn nữa là cháu chắt của giới địa chủ chả những đã vui vẻ nhận lại cái bung đồng mà còn đến mừng tuổi thọ, cùng với quà cáp đàng hoàng. Đã thế, sau khi "cụ Dương tìm người trả lại chiếc bung đồng, có thêm hai gia đình ‘bần cố nông’ trong làng trả lại những ‘đồ quả thực’ mà 60 năm trước họ được đội cải cách tước đoạt của địa chủ chia cho" nữa.

Thật là quí hóa quá chừng !

Tôi chỉ có hơi chút băn khoăn là dường như có bàn tay của Ban Tuyên giáo nhúng vào việc riêng của của những gia đình bần cố nông và cường hào địa chủ kể trên. Nếu không thì làm gì có việc "những cán bộ ‘Đội Cải cách’ thời bấy giờ đã giúp truy tìm… chiếc bung đồng". Mấy ai trong số những người này còn sống sót đến nay ? Và cũng chả ai lại "rỗi hơi" đến thế ? Cũng khó có chuyện cháu chắt của nạn nhân lại "bay từ Hà Nội vào" chỉ để "nhận lại chiếc bung đồng" mà ngay cả đến Giời cũng chưa chắc biết là sẽ dùng nó vào việc gì cả ? Không lẽ để thờ ? Đó là chưa kể những hình ảnh dàn dựng khá công phu, hơi tốn kém, và rất nặng phần trình diễn trong buổi lễ mừng thọ 100 năm của một cụ… bần cố nông.

Ở một xứ sở mà công an chúi mũi vào khắp mọi nơi : tu viện, chùa chiền, miếu đền, thánh thất, giáo đường (kể luôn chiếu giường/chăn gối) và người dân sắp có nguy cơ bị "đánh giá bằng điểm xã hội" đến nơi thì sự nghi ngại này – tất nhiên – không phải là hoàn toàn vô cớ. Nhưng tôi cũng chỉ suy đoán thế thôi, chứ chả có chứng cứ nào liên quan đến "tay chân" của Bộ Thông tin và truyền thông cả. Tôi cũng không tìm ra được cái "thông điệp" kín đáo nào của Ban Tuyên giáo, qua cái "màn diễn bung đồng" thượng dẫn ?

Sau Cải Cách Ruộng Đất rồi đến Hợp Tác Xã Nông Nghiệp thì toàn dân Việt đều trở nên vô sản ráo (chả ai có được một hòn đất để chọi chim ) thì còn đâu địa chủ mà lo chuyện hoà giải với bần nông ? Bài báo của tác giả Huy Đức, tuy thế, vẫn gợi cho độc giả của trang Dân Luận vài suy nghĩ mới :

- Nguyễn Thường Dân : "Thế chừng nào người ta mới trả lại nhà sách Khai Trí cho con cháu ông Nguyễn Hùng Trương ? Cái bung trị giá vài triệu thì làm lễ trả lại nhưng nhà sách Khai Trí với miếng đất mặt tiền ở quận 1 trị giá nhiều ngàn tỷ thì nhất định là lờ đi nhé, dù ‘Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là nạn nhân".

- Nguyễn Jung : "Nhà nước ‘ta’ đã, đang và sẽ làm gì với số tài sản, đất đai đã và đang ăn cướp của Dân, từ khi cướp được chính quyền ở miền Bắc, sau 1975 cũng như hiện tại ?".

Như đã thưa, tôi vốn tính xuê xoa (chuyện gì đã qua là coi như xí xóa cho rồi) nên không cảm thấy thoải mái lắm với những "yêu sách" của nhị vị thức giả vừa nêu. Ông Nguyễn Hùng Trương đã từ trần, chuyện nhà sách Khai Trí tưởng cũng nên cho vào dĩ vãng. Miễn là con cháu của nạn nhân được để sống yên thân, không bị kỳ thị hay sách nhiễu, là tử tế lắm rồi.

Số tài sản, đất đai (cũng như hằng triệu mạng người) đã mất – kể từ gần hai phần ba thế kỷ qua – cũng thế, cũng nên quên ráo đi cho nó đỡ bận lòng. Chỉ cần Đảng & Nhà nước ngừng tay cướp bóc cũng đã qúi hóa lắm rồi. Những mảnh đất vàng, đất bạc, bờ xôi/ruộng mật – tất tần tật – đã vào tay nhà nước cả. Từ nay, xin làm ơn bỏ cái thứ luật lệ bất nhân ("đất đai do nhà nước quản lý") đi để toàn dân còn có chỗ trồng trọt/ cấy cầy, kiếm miếng ăn cho cả nước bỏ vào mồm, chứ không thì sớm muộn gì cũng sẽ lại vác rá đi ăn xin y – như trước – thôi.

Thử nghĩ xem : mỗi đồng chí lãnh đạo chỉ cần (độ) vài triệu dollar, cùng với năm ba cái biệt phủ hay biệt thự là… cũng đủ lắm, đủ cho một cuộc sống ung dung (có thể kéo dài đến vài thế hệ) nếu đừng phung phá quá. Chỉ cần hô biến mấy quả đấm thép Vinashin thành những đống sắt vụn đã hóa ra đến mấy tỷ Mỹ Kim. Tiền bạc chia nhau còn chưa biết giấu vào đâu (hay tiêu cách nào cho hết) thế mà quí vị còn nhất định "phải bàn cho ra" cái luật đặc khu, và làm đường sắt cao tốc Bắc/Nam để chạy thêm mấy chuyến tầu vét (tốc hành) để làm gì nữa ?

Dù muộn, đến lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã "ngộ" ra rằng không ai có thể đem theo cái bung đồng nặng nề về bên kia thế giới. Vàng, bạc, châu báu… cũng đâu có nhẹ nhàng hơn. Và con đò sinh tử của quí vị, xem ra, cũng chả còn xa bao xa nữa. Thế mà vẫn cứ còn cố kiếm thêm thì e rằng sẽ hơi quá tải, và cũng quá ngu !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 15/05/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Hitler believed that the Third Reich would endure a thousand years. It lasted a dozen.

(Hitler tin rằng Đệ Tam Quốc Xã sẽ kéo dài cả ngàn năm. Nó tồn tại được hơn chục năm).

Sir Alan Bullock

mot0

Thỉnh thoảng, cũng có vài ba thân hữu muốn biết (xem) tôi quê quán nơi nao ? Thực là một câu hỏi khó. Tôi sinh ở Sài Gòn, lớn lên ở Đà Lạt, và sống phần lớn thời gian ở California. Cả ba đều là nơi tập hợp của dân tứ xứ, khó có thể xem là quê hương – bản quán – của bất cứ ai. Tôi cũng chả biết hỏi ai về "gốc gác" của mình vì song thân đã quá vãng từ lâu ; anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán và phiêu bạt cả.

Tôi chỉ đoán chừng rằng tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đều gốc gác là những nông dân từ một làng quê khốn khó nghèo nàn nào đó (kề cạnh sông Hồng) nên cái chất nông phu vẫn còn nguyên vẹn trong máu huyết. Sau khi đã đi nhiều nơi, và có nhiều dịp được nếm thử đủ loại thực phẩm của những những dân tộc khác, tôi vẫn "chốt" lại rằng : ngoài mì quảng, cá rô kho tộ, cá chẻm nấu canh chua, đậu rán tẩm mỡ hành, rau muống luộc – chấm với nước mắm ớt chanh – và cơm gạo tẻ ra… thì chúng ta không nên đụng đũa đến bất cứ thứ thức ăn (tào lao) nào nữa !

Tôi ăn uống quê mùa ra sao thì ăn nói, và suy nghĩ cũng bỗ bã, cạn cợt y như vậy. Rõ ràng, tôi có cốt cách và tư duy của giới tiểu nông – vốn không hay nhìn xa/thấy rộng, và cũng rất khó lĩnh hội được những điều tinh tế.

Có lần tôi mon men thử tìm hiểu chút đỉnh về vô thức tập thể qua công trình biên khảo (Archetypes and the Collective Unconscious) của Carl Gustav Jung, cha đẻ của khoa Tâm lý học phân tích – Analytical Psychology. Bước chân vào cái thế giới bao la và sâu thẳm này khiến tôi hơi bị choáng, và không khỏi lại chạnh lòng nghĩ đến hai vị nhân sĩ khả kính của đất nước mình : Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh.

Tuy mỗi người chủ trương một phương cách khác hẳn nhau nhưng mối bận tâm chung của hai ông vẫn chỉ là làm sao cho quốc dân thoát khỏi được vòng lệ thuộc. Dù nhị vị đã khuất núi từ lâu nhưng Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc vẫn chỉ là bánh vẽ, và "khai dân trí" vẫn là một vấn đề sống còn và cấp bách.

Phan Bội Châu (1867 - 1940), Phan Châu Trinh (1871 - 1926), Carl Gustav Jung (1875 - 1961) đều chào đời vào hậu bán thế kỷ 19 và tuổi tác gần suýt xoát nhau. Chỉ có điều khác là quê hương của Carl Gustav không trải qua một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, một trăm năm nô lệ giặc Tây. Thụy Sĩ cũng chả bị tàn phá hay ảnh hưởng gì nhiều bởi hai cuộc Thế Chiến vừa qua.

Có lẽ vì thế nên tư duy của Jung khác với hai cụ Phan rất xa. Khoảng cách bao la này – dường như – chưa bao giờ ngắn lại, dù chỉ một ly. Cả đời tôi (và không ít những bạn đồng thời) cũng vẫn chỉ loanh quanh với đậu rán, cá kho, canh chua, rau luộc, và vẫn cứ loay hoay với chuyện thoát Trung cùng thoát Cộng.

Thế nên tôi không chỉ có "cái mặc cảm Việt Nam" mà còn mang luôn cái "mặc cảm Á Châu" – nơi mà phần lớn đất đai đều có thời là thuộc địa, và không mấy khi sản xuất được một nhân vật có tầm. Mặc cảm này, gần đây, đã được giải tỏa phần nào khi bên nước (bạn) láng giềng bỗng xuất hiện một nhân tài nổi bật : Tập Cận Bình. Ông hiện là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự, và kiêm Chủ tịch nước (vĩnh viễn) luôn.

mot01

Tập Cận Bình hiện là Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, kiêm Chủ tịch Ủy ban Quân sự, và kiêm Chủ tịch nước (vĩnh viễn) luôn.

Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, Tập Cận Bình còn có thêm một khối óc vĩ đại với tầm nhìn bao quát cả toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng kiến Vòng đai & Con đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất Đới Nhất Lộ ( 一路) nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là "dự án của thế kỷ – project of the century", với kỳ vọng sẽ mang lại "một trật tự mới cho thế giới – a new world order".

Thiệt là một phát kiến rất đáng kể, đáng nể, và quả là một tin vui.

Tôi chỉ bớt vui, và bắt đầu buồn, từ hôm ghé qua Sihanoukville – một trong những nơi được xem là trọng điểm trên lộ trình One Belt One Road (OBOR) của Tập Cận Bình (1). Ở thành phố cảng này, tôi đếm được khoảng gần 100 cái casino và building sang trọng của người Hoa. Xen cạnh là vô số restaurant cùng supermarket – đỏ rực bảng hiệu tiếng Tầu – nằm san sát hai bên những con đường lỗ chỗ ồ gà, ngập ngụa rác rưởi, và mịt mù khói bụi.

mot3

Sihanoukville : ảnh (tnt) chụp năm 2019

Nơi đây, người Trung Hoa thường ở biệt lập trong những khách sạn sang trọng hay những khu chung cư cao cấp. Họ chỉ chia chung với dân bản xứ những dòng nước suối đen ngòm (lềnh bềnh chai lọ nhựa) lừ đừ chẩy qua những ngõ ngách chật chội và hôi thối.

Bên cạnh những công trình kiến trúc hoành tráng là mấy dẫy mái tôn lụp xụp, và len lách giữa đám xe du lịch đắt tiền (đậu trước những casino tráng lệ) là những đứa bé Cambodia phải nhặt rác để mưu sinh – thay vì cắp sách đến trường – và không ít người dân Cambodia đang ngồi (đồng) bên lề cái Vòng Đai & Con Đường hoành tráng của ông Tập Cận Bình.

mot4

Sihanoukville : ảnh (tnt) chụp năm 2019

Những hình ảnh này khiến tôi nhớ đến lời của nhà nhân chủng học Jane Goodall trong một cuộc phỏng vấn dành cho AFP, hồi năm 2014 : "Trung Hoa đang bóc lột Phi Châu chả khác gì thế lực thực dân kiểu cũ… với những hậu quả tai hại về môi sinh (2).

Nếu chiến lược ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc – China's debt-trap diplomacy – cứ tiếp tục phát triển thì nhiều quốc gia (Cambodia, Lao, Mongolia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Sri Lanka, Vietnam …) sẽ chìm trong biển nợ. Châu Á, rồi ra, e cũng sẽ chả khác gì Châu Phi là mấy.

Ở bên trong Bức Màn Sắt Trung Hoa thì bàn tay sắt của ông Tập Cận Bình chả cần gì phải bọc găng, cũng khỏi cần giăng bẫy vì Tây Tạng và Tân Cương đã nằm trong rọ tự lâu rồi :

- Trung Quốc : Vùng Tây Bắc cấm dạy tiếng Tây Tạng cho trẻ em

- Trung Quốc cưỡng chế tu viện Tây Tạng để uốn nắn ý thức hệ

- Tây Tạng dưới gót giầy đại Hán

- Tây Tạng sống trong địa ngục trần gian

- LHQ : Trung Quốc giữ hằng triệu người Duy Ngô Nhĩ trong những trại giam bí mật

- Tỉnh Tân Cương của Trung Quốc : Một nhà nước công an trị mà thế giới chưa hề thấy

Thiên hạ vẫn chưa biết Sáng Kiến Vòng Đai & Con Đường (The Belt and Road Initiative) có tính cách toàn cầu của họ Tập rồi ra sẽ dẫn dắt đến đâu nhưng quả tim (bộ lạc) nhỏ hẹp và man rợ của ông ấy thì khiến cho ngay cả những kẻ bán khai chắc cũng phải hết hồn, hết vía :

"Bằng chứng phạm tội là nhiều tù nhân lương tâm-thành viên Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, phật tử Tây Tạng và tín đồ Công giáo "chui" – bị bắt xét nghiệm y khoa và bị mổ cướp lấy nội tạng. Những nội tạng này đã cung cấp cho thị trường cấy ghép nội tạng rất lớn (3). 

Dù vốn gốc nông dân và rất vô tâm, tôi vẫn cứ ngẫm nghĩ mãi về câu nói thượng dẫn và không khỏi lấy làm lo cho thần tượng (mới) của mình – Tập Cận Bình ! Chả hiểu bác Tập sẽ "trụ" được thêm bao lăm nữa ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/05/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) Sihanoukville & Chim phượng hoàng tầu

(2) China is pillaging Africa like an old colonial power… with disastrous effects for the environment.

(3) The charge is that many prisoners of conscience—Falun Gong members, Uighur Muslims, Tibetan Buddhists and "underground" Christians—have been subjected to medical testing and had their organs forcibly removed. Those organs have fed an enormous trade in organ transplants". ("Benedict Rogers. "The Nightmare of Human Organ Harvesting in China". The Wall Street Journal 5 Feb 2019 translated by Trần Quốc Việt).

(1)

Published in Diễn đàn
dimanche, 28 avril 2019 13:49

Ngày cuối tháng Tư

Ngày ngắn đêm dài đêm lại sáng
Đêm qua ai có bạc đầu không ?

Tản Đà

cuoi01

Bây giờ là cuối tháng Tư. Có những ngày tháng, thời gian chuẩn điểm gây ám ảnh, ray rứt thù hận suốt một kiếp người. Một tháng tư ở Việt Nam – thường – là một ngày mưa. Một buổi chiều mưa. Mưa đầu mùa. Một buổi chiều mưa đầu mùa, trời chuyển âm u thấp xám. Thời gian và không gian như ngưng đọng lại trong giây phút chuyển mùa. Rồi sấm chớp và kế tiếp là những giọt mưa nặng hạt, ào ạt, xối xả, phủ kín vạn vật.

Mưa gội sạch cây lá, tưới mát những bãi cỏ úa vàng, thấm ướt đất khô cằn cỗi. Nước mưa, nguồn sinh lực kỳ diệu đã làm vạn vật hồi sinh sau những ngày nắng cháy.

Rồi mưa tạnh, trời quang. Mặt trời lại hiện ra từ một nơi nào đó, rọi những tia vàng ấm khắp nơi. Đất bốc hơi thơm nồng ngai ngái. Cây có sạch tươi dịu mát. Chim chóc ca hát trong trẻo líu lo…

Những buổi chiều mưa đầu mùa não nề diễm tuyệt như vậy rồi cũng mất hút trong đời.

Có những buổi chiều mưa đầu mùa bao nhiêu kẻ bỗng dưng bị bỏ rơi rồi rả ngũ. Hốt hoảng, căm hận, sợ hãi, người ta chạy tán loạn về thành phố. Những thành phố quê hương yêu dấu thoáng chốc mà ngùn ngụt khói lửa. Súng nổ râm ran ở khắp nơi. Dân chúng bồng bế dắt díu nhau để chạy.

Chạy đi đâu nữa ? Có còn nơi nào an toàn để chạy khi mà chính mình cũng đành buông súng với sự ray rứt, xót xa, đớn đau, loay hoay và sợ hãi.

Rồi đến những buổi chiều mưa tháng Tư của những năm tháng kế tiếp. Có bao nhiêu kẻ nằm mê man chờ chết bởi những cơn sốt rét ở trại tù binh xa xôi, heo hút. Trong cái cảm giác rối loạn của một thần trí không còn tỉnh táo, người ta vẫn mơ hồ cảm nhận được cái tâm cảm não nề u uẩn vào những lúc trời chuyển âm u. Người ta vẫn cứ nghe tiếng sấm chớp ngang trời và vẫn cứ thầm mong đó là tiếng súng. Chao ôi ! phải chi mà có những tiếng súng gầm thét vang trời vào những ngày tháng lao tù nghiệt ngã ấy thì dẫu có phải chết, chết ngay tức khắc, chắc chắn cũng có nhiều kẻ cam lòng.

Nhưng người ta đã không chết dù phải chịu đựng hàng trăm thứ đòn thù thâm độc, dù đã trải qua bao nhiêu là cơn sốt thập tử nhất sinh. Con người còn sống được không phải chỉ nhờ vào cái kháng lực mong manh của cơ thể mà còn là nhờ vào cái ý chí khao khát được sống, cái ước mơ có ngày được trở lại thành phố quê hương của mình để nhìn cảnh khói lửa, để nghe súng đạn nổ ròn. Và lần này thì do chính tay họ siết cò…

Cái giấc mơ đó chưa bao giờ đến. Nỗi ước vọng được nghe tiếng súng đại bác nổ vang giữa đêm tù cũng chưa hề xẩy ra trong suốt thời gian người ta bị giam cầm. Vậy mà bao kẻ vẫn cứ mãi trông chờ, ngóng đợi – hoài công !

Trong bao nhiêu đêm khuya, có người chợt thức giấc vì chợt nghe tiếng súng vọng lại từ một nơi xa xôi nào đó. Tiếng nổ mơ hồ, nhỏ bé phát ra từ một nòng súng cá nhân đến khi lọt vào thính giác của một tù binh bỗng bùng vỡ lên trong óc họ như tạc đạn. Tim người ta liền đập hụt đi mấy nhịp, rồi sau đó là những nhịp dồn dập, rộn ràng. Mạch máu da thịt của những người tù căng ra. Mắt người ta mở lớn, trợn trừng trong bóng đêm. Tai vểnh lên như tai của loài thú rừng khi đang rình rập. Họ nằm nín thở, nghe ngóng, chờ đợi đặt hết niềm tin hy vọng vài tiếng súng vừa phát ra. Họ chờ đợi một tiếng nổ kế tiếp, rồi một tiếng nổ kế tiếp nữa. Sau đó là hàng loạt những tiếng nổ xé gió vang trời thì càng tốt.

Rồi họ tưởng tượng thêm, lẫn trong tiếng nổ đều đặn ấy là tiếng nổ ròn tan của những nòng súng cộng đồng. Chưa chết, bằng vào cái ảo giác của những kẻ đã bao năm trông chờ khao khát người ta như nhìn thấy được cả ánh hỏa Châu soi sáng đêm tối bao la. Sau đó là bom đạn, phi pháo và nhà cửa, đồn địch cháy sáng một góc trời…

Đã bao nhiêu kẻ ước ao, nếu có phải chết xin cho họ được chết trong bối cảnh khói lửa bom đạn ngất trời như vậy. Không ai có thể đành tâm chết mỏi mòn, khắc khoải giữa những vòng rào thép gai tù ngục. Hận thù không phải là một tình cảm tốt đẹp. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp, rửa hận là một điều cần thiết và công bằng.

Suốt những năm dài của đời sống tù binh khắc nghiệt bao người đã nhờ vào sự trông chờ hy vọng để giữ cho mình khỏi bị gục ngã. Niềm hy vọng thỉnh thoảng lóe lên khi họ chợt nghe được tiếng súng nổ ; rồi tắt lịm dần trong những giây phút im lặng tàn nhẫn phũ phàng sau đó.

Vậy mà người ta vẫn cứ không thôi trông chờ, mong đợi. Đợi mãi cho đến một lúc, lẫn trong cái tâm trạng mong chờ mòn mỏi người ta bắt gặp trong tâm hồn mình có thêm một thứ tình cảm buồn phiền oán hận. Người ta oán hận những kẻ đang sống ngoài vòng tù ngục. Chắc chắn họ có nhiều đồng ngũ đang sống lẩn quất bên ngoài, có nhiều đồng ngũ khác đang sống tự do ở những phương trời xa xăm nào đó. Rồi người ta cảm thấy chua chát khi biết mình đã bị bỏ quên cho chết dần mòn, khắc khoải trong vòng tay kẻ thù. Có phải rằng chính họ đã bặm môi, cắn chặt răng bắn đến viên đạn cuối cùng để cho cấp chỉ huy, để cho đồng đội có đủ thời gian "di tản !".

Và rồi người ta quyết định…. phải tìm cách đào thoát. Và nhiều kẻ may mắn đã thoát thân.

cuoi02

Sinh viên Việt Nam tại Paris diễn hành ngày 27 Tháng Tư, 1975 (Hình : Nguyễn Ngọc Bách cung cấp)

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Tháng Tư ở một vùng đất thuộc miền ôn đới. Nơi đây bây giờ không phải là những ngày tháng bắt đầu cho mùa mưa. Ở đây bây giờ là mùa Xuân. Mùa Xuân xứ người.

Một buổi sáng mùa Xuân ở một nơi an bình và phú túc. Đường phố nhộn nhịp người đi . Những bộ quần áo ngắn, mỏng, lạ mắt và đẹp mắt. Những cặp đùi thon. Những cánh tay trần, hồng, trắng, nõn nà. Những bộ ngực căng đầy nhựa sống. Có kẻ lái xe đi giữa phố phường, hòa nhập với giòng người, với đời sống, vui lây với niềm vui của những người dân bản xứ bao quanh. Mùa Xuân đến với vạn vật với mọi người, kể cả người tị nạn.

Bất chợt có một tiếng còi. Tiếng còi lanh lảnh ghê rợn xoáy vào thính giác. Người ta giật bắn người tắp ngay xe vào lề đường. Có một chiếc xe khác thắng gấp phía sau. Một khuôn mặt đỏ gay vì giận dữ quay lại nguýt nhìn, lầu bầu chửi rủa. Người ta không quan tâm đến điều đó. Người ta chỉ muốn ngoái người lại nhìn xem chuyện gì đã xẩy ra ?

Không có gì cả. Tiếng còi chỉ do một người vừa thổi để chận đứng giòng xe đang xuôi ngược cho những đứa bé được an toàn băng qua đường đến trường học. Chỉ có vậy thôi ! Người ta thở phào nhẹ nhỏm, rút khăn lau mồ hôi trán. Đúng là không có gì xẩy ra. Tiếng còi lanh lảnh ở đây không còn biểu tượng cho sự bắt bớ, khủng bố, giam cầm đầy ải nữa. Mọi người vẫn sinh hoạt bình thường. Ở đây mọi-chuyện-đều-luôn-luôn-rất-bình-thường.

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một buổi chiều Xuân. Trời xanh cao, mây trắng nõn, nắng hanh vàng. Có kẻ đứng trước sân nhà, mải mê nhìn những con bướm trắng tung tăng trên thảm cỏ xanh, những con ong bầu bỉnh lượn vòng quanh những khóm hoa… và chợt người ta nghe tiếng súng. Tiếng súng nổ gần. Người ta lại giật thót người. Ly rượu trên tay sóng sánh. Vài giọt tràn ra tay. Điếu thuốc đang hút dở dang tắt ngấm. Những con chim sâu nhỏ bé đang lẩn quẩn, an bình trên những cành mai hồng thắm vụt cánh bay. Người ta không thấy sợ hãi nhưng chợt cau mày với cái cảm giác bực dọc khó chịu. Không có thêm một tiếng súng nào tiếp theo đó. Không gian, khung cảnh trở lại yên tỉnh, an bình.

Chỉ có tâm hồn người ta là không an bình nữa. Mặt người ta chợt đỏ lên dù ly rượu trên tay chưa kịp uống. Người ta vừa trực nhận một cái cảm giác hổ thẹn. Tại sao lại bực dọc và khó chịu nhỉ ? Có phải vì tiếng súng đã làm hỏng mất một buổi chiều Xuân êm đềm và thi vị không ?

Vậy mà đã có lúc người ta thiết tha mong nhớ một tiếng súng. Một loạt những tiếng súng thì càng tốt ! Mới ngày nào tiếng súng nổ còn là dấu hiệu cho sự bạo động quật khởi, báo thù rửa hận. Bây giờ ở một nơi an bình, tiếng súng chỉ còn là khẩu hiệu cho sự bất an và lâm nguy !

Bây giờ là một ngày cuối tháng Tư. Một đêm tháng Tư xứ lạ. Có kẻ buổi chiều quá chén, nửa đêm thức giấc không biết mình đang nằm ở đâu ! ? Có tiếng máy sưởi tự động giảm nhiệt độ . Sự đàn hồi của kim loại phát ra những tiếng kêu tí tách. Trong cái cảm giác ngái ngủ người ta tưởng như mình đang nghe tiếng mưa rơi.

Tiếng mưa rơi trên mái tôn của một căn nhà trong một con hẻm lầy lội, "hắt hiu vàng ánh điện câu". Đã bao đêm mưa người ta được bao che để sống chui nhủi dưới một mái nhà tôn như vậy. Đã bao đêm người ta thức giấc nằm nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi, tiếng ú ớ của những đứa em thơ nói trong mơ, tiếng động lục đục của những người mẹ già tảo tần lo lắng cho gánh hàng rong bán vào sáng sớm, tiếng xe xích lô nổ ròn đầu xóm. Và đôi khi tiếng ru con ầu ơ buồn não ruột của một người đàn bà hàng xóm.

Chiếc máy sưởi nguội dần, những tiếng kêu tí tách của kim loại đàn hồi từ từ nhỏ lại. Người ta lại nghe như là tiếng mưa rơi trên những mái tranh. Những mái tranh trống lốc, gió thổi tứ bề của trại tù Suối Máu, Cà Tum. Những mái nhà tranh của trại Minh Rồng, Đại Bình, Đại Lộc… người ta đã thức giấc bao nhiêu lần ở những trại tù heo hút đó để nghe tiếng mưa rơi, để chờ mong một tiếng súng vọng về từ rừng thẳm.

Đêm nay ở phương trời xa xăm cũ biết trời có mưa không ?

Đêm nay trong vòng rào tù ngục có bao nhiêu kẻ (chợt) thức giấc giữa đêm trường nằm mong chờ khắc khoải trong đói lạnh một tiếng súng mơ hồ ?

Và đêm qua – ở nơi đây – ai có bạc đầu không ?

Tháng Tư 1983.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 26/04/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản.

M.S Nguyễn Trung Tôn

Bút Ký Những Chuyến Ra Đi  của ông Lữ Phương (nguyên) Thứ trưởng Thông tin và văn hóa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hòa Miền Nam, có nhiều trang rất thú vị. Đọc lai rai vài đoạn cho vui, nếu rảnh :

Vào mùa khô năm ấy, tôi xin cơ quan cho tôi đến vùng biên giới Bố Bà Tây, liên hệ với gia đình. Lần này ngoài vợ và đứa con gái lớn, còn có em gái tôi cùng với hai đứa con gái nhỏ của nó đi theo, lúc nhúc một đoàn, không tưởng tượng nổi !

Nhờ chuyến thăm này tôi mới rõ được chuyện nhà từ lúc tôi ra đi. Vợ tôi ngoài việc đi dạy học còn tìm được việc làm ở một tòa án tỉnh nữa. Những người quen biết đều biết vợ tôi có chồng là VC, bị cảnh sát Sài Gòn o ép, dụ dỗ nhiều cách, nhưng đều hết lòng giúp đỡ, che chở (ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn) : chẳng phải vì lý do gì khác hơn là ở đây người ta chưa có thói quen "chính trị hóa" mọi quan hệ xã hội.

butky0

Bà Nguyễn Thị Lành - vợ của Mục sư, tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn - liên tục bị công an và an ninh Thanh Hóa gửi giấy mời, giấy triệu tập để trấn áp tinh thần.

Cái "chính quyền Sài Gòn" hồi đó, xem ra, khác xa (và khác hẳn) cái chính phủ Hà Nội bây giờ. Tuần qua – vào ngày 9 tháng 4 năm 2019 – FB Trang Nguyen vừa buồn bã, và ái ngại cho hay :

Vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn bị an ninh Thanh Hóa khủng bố tinh thần

Không chỉ thường xuyên xua quân đi canh cửa, an ninh Thanh Hóa còn liên tục gửi giấy mời, giấy triệu tập như là một trấn áp tinh thần bà Nguyễn Thị Lành - vợ của Mục sư, tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn.

Chồng bị bỏ tù, một mình bà Nguyễn Thị Lành phải vất vả gánh vác gia đình. Những ngày qua càng thêm vất vả bởi chăm mẹ chồng lớn tuổi mắc bệnh phải nhập viện, và con bị tật nguyền. Nhưng bà Lành vẫn liên tục bị an ninh tỉnh Thanh Hóa sách nhiễu, đe dọa…

Vợ chồng Nguyễn Trung Tôn chào đời không đúng chỗ, và cũng không đúng lúc (wrong time and wrong place) nên gặp phải lắm nỗi gian truân. Ông bà Lữ Phương sinh sống tại miền Nam (vào một thời điểm khác) nên cuộc sống của họ cũng hoàn toàn khác, êm thắm và khoẻ khoắn hơn nhiều.

Hồi đó bà Lữ Phương vẫn được mọi người, "ngay cả những viên chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn hết lòng giúp đỡ che chở". Thỉnh thoảng, bà lại cùng cả đại gia đình "lúc nhúc một đoàn" kéo nhau vô bưng để thăm nom và chăm sóc cho đức phu quân – dù cuộc sống trong bưng biền không thiếu thốn hay nhọc nhằn chi cả : 

Các nhân vật trong "Mặt trận 2" này đã được Đảng chăm sóc một cách đặc biệt : bất cứ việc gì, từ sinh hoạt ăn uống, chỗ ở, quần áo, tiền tiêu vặt mỗi tháng đều được cung cấp chu đáo bởi cả một khung cán bộ và nhân viên chuyên lo việc tiếp phẩm và phục vụ phối hợp với một đội bảo vệ được tuyển khá kỹ lưỡng về thành tích và lý lịch.

Chả riêng chi ăn uống, ăn nói cũng thế, cũng được Đảng bao biện tất :

Riêng đối với những bài viết, bài phát biểu mà các vị trong Liên Minh phải trình bày hoặc trên báo chí, đài phát thanh hoặc trong các Hội nghị này nọ thì đều do một số nồng cốt thực hiện, cuối cùng bao giờ cũng được Huỳnh Tấn Phát xem và sửa chữa lại.

Thiệt là quá đã và quá đáng ! Nhà nghiên cứu Lữ Phương "dấn thân" vào đến tận chiến khu để làm cách mạng mà sinh hoạt cứ y như trong nhà giữ trẻ vậy. Ông chắc là đẻ bọc điều nên lúc nào cũng được cuộc đời chiều đãi.

butky2

Nhà văn Nguyên Ngọc trao Giải Văn hóa Phan Châu Trinh 2018 cho nhà nghiên cứu Lữ Phương vì đã có "những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx". Ảnh : L.Ngạn

Năm 2018, năm Nguyễn Trung Tôn bị tuyên án lần thứ hai ("12 năm tù và ba năm quản chế ") thì Lữ Phương được trao giải Giải Văn Hóa Phan Châu Trinh, vì đã có "những công trình nghiên cứu sâu sắc về chủ nghĩa Marx". Trong diễn từ nhận giải, ông phát biểu :

Như mọi người đều biết, học thuyết Marx đã được du nhập vào Việt Nam không phải trong một hoàn cảnh bình thường của một xã hội bình thường ở đó người ta có thể coi việc nghiên cứu Marx như một thao tác nghề nghiệp mang tính học thuật hàn lâm thuần tuý. Đất nước bấy giờ chìm đắm trong bóng tối của sự bất bình thường : nhà nước dân tộc bị tước mất chủ quyền, nhân dân sống trong nô lệ, trí thức thì bơ vơ, tuyệt vọng. Chủ nghĩa Marx đã đến với chúng ta (tnt tô đậm) trong tình thế đó, và mặc dù không có đủ điều kiện để tìm hiểu đến nới đến chốn, chúng ta đã tiếp nhận học thuyết ấy như biểu tượng của sự giải phóng chói lòa ánh sáng : không phải chỉ mang đến cho dân tộc biện pháp xây dựng hiệu nghiệm cuộc sống mới mà còn giúp người trí thức lấp đầy được cái khát vọng ngàn đời của mình về sự tồn tại của một trần gian ở đó con người có thể hòa giải vĩnh viễn với nhau. Trong khung cảnh tinh thần đó, việc tìm đến Marx đối với chúng ta đã mang nội dung một cuộc dấn thân toàn diện và triệt để, bấy giờ thường được xưng tụng là "hiện thực và khoa học", nhưng thực chất lại rất giống với một hình thức tín ngưỡng nào đó, đặt niềm tin tuyệt đối vào một đấng bậc phi phàm có thể dẫn đường một cách kỳ diệu cho các kế hoạch mà chúng ta vạch ra để cải tạo thế giới, làm lại con người.

Trong số "chúng ta" đã từng "tiếp nhận học thuyết chủ nghĩa Marx… như biểu tượng của sự giải phóng chói lòa ánh sáng" theo diễn từ thượng dẫn (dường như) không có ông bà và cha mẹ của Nguyễn Trung Tôn – qua lời tự sự của chính tù nhân lương tâm này, trước khi bị giam giữ lần thứ hai :

"Tôi là một trong số hàng trăm triệu nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam. Câu chuyện mà tôi sắp kể ra đây chưa thể nào vạch trần hết tội ác của chủ nghĩa rừng rú này ; nhưng cũng sẽ góp một phần nhỏ để những ai còn ngây thơ mù quáng đi theo nó sớm nhận ra và từ bỏ còn đường tăm tối được thêu dệt nên bằng những dối trá và tội ác. Tôi sinh năm 1971, năm nay bước vào tuổi 44. Tuy chỉ mới độ tuổi này nhưng tôi đã từng nghe bố tôi kể lại và cũng đã phải trực tiếp chứng kiến cảnh gia đình tôi suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản".

Cùng với hàng chục triệu gia đình "suốt 4 đời là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản" tại Việt Nam, ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx – nói nào ngay – cũng đã "vô tình" đem đến hào quang (cũng như danh lợi) cho không ít kẻ ở xứ sở này. Xin đan cử thêm một trường hợp nữa, rõ nét hơn nhiều : Nguyễn Thị Bình.

butky3

Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Quốc đón Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Đại sứ Nguyễn Văn Quang tại Trung Nam Hải, Bắc Kinh. Ảnh & chú thích : BBC.

Bà nguyên là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, từ 1992 đến 2002, và hiện là Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Văn Hóa Phan Chu Trinh. Danh lợi bà có đủ, kể cả huân chương (Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng) cùng những lời khen thưởng không thiếu trên mọi phương tiện truyền thông.

Mới đây – vào ngày 12 tháng 04 năm 2019 – khi góp ý về vụ nhà nước Việt Nam thất kiện trọng vụ án Trịnh Vĩnh Bình, nhà báo Nguyễn Công Khế đã không quên tán dương công đức của "bà chị" như sau : "Tôi vừa ra Hà Nội thăm chị Bình, chân chị yếu nhưng trí tuệ chị thật minh mẫn. Tấm lòng của chị với đất nước này chưa bao giờ nguôi phai. Chị lo cho đất nước này như chăm lo cho một gia đình yêu quí nhất của mình".

butky4

Nhà báo Nguyễn Công Khế  nâng bi "bà chị" : "Chị lo cho đất nước này như chăm lo cho một gia đình yêu quí nhất của mình"

Thiệt là quí hóa !

Chỉ có điều hơi đáng tiếc là dường như trong cái "đất nước này" của Nguyễn Thị Bình không bao gồm hằng chục triệu gia đình ("bốn đời là nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản") như trường hợp của tù nhân lương tâm Nguyễn Trung Tôn, và cũng chả có phần nào biển đảo cùng lãnh thổ đã bị xâm chiến hay đang bị đe doạ cả. Thế nên dù dù trí tuệ "còn thật minh mẫn", bà chị vẫn nhất định không hé môi nói lấy một lời – nửa lời cũng nỏ.

Riêng có cậu em Nguyễn Công Khế là vẫn cứ láu táu, mồm năm mép mười - dù chả ai nhờ. Tuy chỉ thuộc thế hệ ăn theo cái "ảo tưởng và sự nhầm lẫn về chủ nghĩa Marx" nhưng cậu này cũng hoạn lộ hanh thông từ A tới Z. Nay đã may mắn hạ cánh an toàn song vẫn chưa chịu sống an thân, vẫn còn thích đóng vai kẻ sỹ – phù thế giáo một vài câu thanh nghị – và cố tình quên rằng chính mình đã góp phần (tích cực) trong việc tạo ra cái xã hội nhiễu nhương trước mắt.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 22/04/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 19 avril 2019 10:42

Quan Tây & Quan Ta

Sự thật ngày nay đã chứng minh rõ ràng công cuộc giải phóng thuộc địa có mục đích rất cao cả nhưng kết cục của nó nói chung thường ngược lại.

Phạm Hồng Sơn

quan1

Đến khi tôi đủ tuổi để dự thí tú tài thì Bộ Giáo Dục đã quyết định bỏ thi vấn đáp. Thiệt khỏe. Cứ theo như lời của quí vị đàn anh lớp trước thì phải trải qua oral – kỳ hạch miệng – mới thiệt sự biết đá biết vàng, chớ "hai cái bằng tú tài của thời chú mày thì kể như là đồ bỏ".

Nghe cũng hơi tưng tức.

Coi : năm tôi đậu tú tài I, tỉ lệ trúng tuyển toàn miền Nam (Việt Nam) cho ban C chỉ có 8 phần trăm. Một trăm đứa đi thi thì rớt hết 92, vậy mà cái bằng của tui bị "coi như đồ bỏ" là sao – hả Trời ?

Tôi chỉ bớt ấm ức, và bật cười ha hả (bên bàn nhậu) sau khi nghe chuyện vui về một cuộc thi vấn đáp :

Giám khảo, người Tây, hỏi :

- Vị quan toàn quyền nào ở Đông Dương đã trở thành vị tổng thống thứ mười bốn của nước Pháp ?

Thí sinh vừa gãi đầu, vừa lầu bầu bằng tiếng Việt :

- Đu mẹ, hỏi gì khó dữ vậy cà !

Vậy mà đậu oral vì giám khảo nghe "Đu Mẹ" ra "Doumer". Tôi sinh sau đẻ muộn, đã dốt lại lười, không mấy khi đụng tới sách vở nên chẳng biết Doumer là cái thằng cha (hay con bà) nào cả. Bữa rồi, nhờ đọc Vương Hồng Sển mới học thêm được ba điều/bốn chuyện :

"…Viết về ông Doumer, tôi đã sửa ngòi bút, suy nghĩ thật nhiều : viết sai thì hổ với lương tâm, bằng bốc thơm ông lại ngại tiếng gièm pha còn mến tiếc Tây đầm. Nhưng ở Hà Nội cầu Long Biên còn đó, ai giẫm chơn lên phải nhớ người xây dựng, mới không thẹn sao ‘uống nước nỡ quên nguồn’ ! Ở Huế, cầu Tràng Tiền đổi tên mấy lượt, nhưng vẫn còn sờ sờ, ở Sài Gòn này, cầu Bình Lợi cũng là kỳ công bất hủ của ông Doumer, chớ mấy ai khác. Vậy tôi biết gì, cứ nói.

Doumer qua Việt Nam khi tuổi chưa đầy 40. Người khỏe mạnh, làm việc bằng mười, thêm tài ba xuất chúng.

Những kỳ công của ông là : 

- Ông thấy xa, lập Trường Viễn Đông Bác Cổ, để bảo vệ cổ tích, đền chùa khỏi bị phá phách cắp gỡ, tu bổ cổ tích còn lại…

- Ông lập trường cao đẳng ở Hà Nội …

- Chính ông năm 1901 đã đến tại chỗ, chọn Đà Lạt thay vì Dankia và đốc thúc, tài trợ cho bác sĩ Yersin thành lập nơi nghỉ mát Đà Lạt như ngày nay đã thấy.

Ba cây cầu sắt ông để lại, thật là kỳ công bất hủ…".

quan2

Ảnh : dulich24

Riêng về cầu Long Biên, tác giả Nguyễn Thông còn cho biết thêm một chuyện nhỏ bên lề :

"Thấy bảo rằng, cầu xây xong, có nhiều quan chức cả tây lẫn ta khuyên ông Paul Doumer lập 2 cái trạm ở đầu cầu để thu tiền qua lại, bù đắp số tiền đã bỏ ra, ông Paul liền bảo, các thầy chỉ nghĩ chuyện bóp nặn dân. Cầu xây bằng ngân sách thuộc địa, do chính dân xứ này đóng góp, giờ lại đòi người ta nộp nữa, sao các thầy bất nhân thế".

Trời, tưởng gì chớ "bóp nặn dân" là chuyện rất bình thường (hằng ngày vẫn xẩy ra ở huyện) ở Thời Cách Mạng nên đâu có gì để phải lăn tăn. Tôi chỉ hơi băn khoăn về sự khác biệt (quá lớn lao) giữa những ông quan Tây thời thuộc địa và những ông quan cách mạng sau này. Đám trước đều có khuynh hướng kiến tạo. Còn đám sau thì hoàn toàn ngược lại.

Xem qua tiểu sử trích ngang của nhiều vị lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam mới thấy có điều trùng hợp lạ lùng là họ đều thích thú và hăng hái trong việc phá hoại, hơn là xây dựng, trong mọi lãnh vực.

- Hồ Chí Minh, Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (kiêm Chủ tịch đảng) tại chức 24 năm, cùng với Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot, Lenin, Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật, Saddam Hussein… ông có tên trong danh sách những tội phạm chống lại nhân loại (History’s Great Monsters). Ông cũng được biết đến như là người sẵn sàng đốt cháy rụi cả rặng Trường Sơn, nơi mà cho đến nay vẫn còn hằng trăm ngàn hài cốt (vô thừa nhận) vương vãi khắp nơi – dù đã có không ít "mẹ già lên núi tìm xương con mình".

Lê Duẩn, vị Tổng bí thư kế nhiệm – tại vị tới 25 năm – cũng có tên trong danh sách tội phạm chống lại nhân loại ở mức đại trà (massive crimes against humanity) nổi tiếng là người chủ chiến : "Ta đánh Mỹ là đánh cả cho Liên Xô, đánh cho Trung Quốc …". Cùng với Trưởng ban Tổ chức trung ương Lê Đức Thọ, Lê Duẩn còn đánh luôn đồng đảng. Dù cả hai ông đều đã chết, chiến tích của Cuộc đấu tranh chống bọn xét lại vẫn còn sống âm ỉ trong lòng nhiều người dân Việt.

Trường Chinh, Tổng bí thư (lần thứ nhất : giai đoạn 1941-1956, lần thứ hai : 1986) được Tạp Chí Cộng Sản mô tả ông là "nhà thiết kế đường lối đổi mới của Đảng ta". Thiệt ra, Trường Chinh không có "thiết kế" cái con bà gì ráo mà chỉ ở vào tình thế bắt buộc phải lựa chọn một thế cờ ("không đổi mới thì chết") đã sắp sẵn rồi. Thành tích đích thực của đương sự là lãnh đạo cuộc Cải Cách Ruộng Đất khiến gần trăm ngàn nông dân bị hành hình.

Đỗ Mười, 6 năm Tổng bí thư, 3 năm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Thành tích nổi bật của ông cũng liên quan đến hai trận đánh đẹp, có thể ghi thành sách : đánh tư sản ở miền Bắc sau 1954, và ở miền Nam sau 1975. "không đổi mới thì chết".

Lê Khả Phiêu, Tổng bí thư 3 năm, có lẽ là nhân vật lãnh đạo duy nhất có khuynh hướng xây dựng. Ông đã thuê người thiết kế một vườn rau sạch – với hệ thống tiêu tưới tự động – ngay trên sân thượng của tư thất, để khỏi phải dùng chung thực phẩm bẩn (vì nhiễm chất độc hoá học) với đám thường dân.

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng thế, cũng thích gieo trồng. Trong suốt 9 năm tại vị, đi đến nơi đâu ông cũng đều nhắn nhủ người dân bằng một câu nói duy nhất : "Trồng cây gì, nuôi con gì để cải thiện đời sống …". Vì bị dư luận chê bai đây là tư duy tiểu nông nên sau khi nghỉ hưu thì ông – cùng bà vợ kế, Đại biểu quốc hội Đỗ Thị Huyền Tâm – đã lao vào một lãnh vực làm ăn khác, rất tinh vi và tân kỳ : kinh doanh BOT.

Nguyễn Phú Trọng nhận chức Tổng bí thư từ năm 2011, đến năm 2018 kiêm nhiệm luôn Chủ tịch nước. Khác với bác Hồ thời xa xưa trước, bác Trọng học theo gương của bác Tập Cận Bình nên không đốt rừng Trường Sơn mà xoay ra đốt lò. Ông tuyên bố : "Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy". Tuy thế, do bản tính cẩn thận, bác Trọng lựa củi rất kỹ nên cái lò của ông có lúc cháy lúc không !

Trải qua cả chục ông Tổng bí thư chả thấy ông nào xây được một cái trường học, một cái nhà thương, hay một cái cầu nào ráo trọi – cầu tiêu cũng không luôn. Theo Vietnam Heritage (December 2016 - January 2017) thì Thành phố Hồ Chí Minh quang vinh chỉ có hai trăm cái nhà vệ sinh chung dùng cho 10 triệu cư dân và 5 triệu du khách nước ngoài (1).

quan3

Ảnh : pinterest

Sau 83 năm đô hộ Việt Nam – ngoài tội ác – người Pháp đã để lại cho xứ sở này một số những thành quả đáng kể, thuộc nền văn minh chung của toàn thể nhân loại : hệ thống cầu cống, giao thông, y tế, giáo dục, ngân hàng, bưu điện, bệnh viện, thư viện, bảo tàng, kiến trúc … Còn chủ nghĩa cộng sản thì không để lại nơi phần đất mà nó cai trị bất cứ một thứ thành quả nào – ngoài bạo lực, nghèo đói, dốt nát, dối trá, và rác rưởi.

Nói theo bác Nguyễn Gia Kiểng  thì "Pháp đã còng tay Việt Nam và dẫn vào thời đại mới". Sau đó, dân Việt tiếp tục bị còng tay – chặt hơn – bởi chủ nghĩa cộng sản, rồi buộc phải… đi lùi. Chút hy vọng còn lại về vận mệnh của dân tộc này là mong mỏi mọi người ý thức được rằng cả nước đã lùi đến "chân tường" rồi. 

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 17/04/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) "Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year".

Published in Diễn đàn
mercredi, 10 avril 2019 15:45

Lê Anh Hùng

I know what I choose to do is risky but I accept the fight (1).

Le Anh Hung

Cái giá phải trả cho sự "chấp nhận" của Lê Anh Hùng, tất nhiên, không rẻ. BBC tiếng Việt cho hay là ông đã bị bắt, thêm lần nữa, hồi năm ngoái :

"Ông Lê Anh Hùng, blogger, thành viên Hội Nhà báo Độc lập, bị bắt tạm giam 3 tháng hôm 5/7 theo Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…".

lah1

Ông Lê Anh Hùng, blogger, thành viên Hội Nhà báo Độc lập,

Ba tháng, sáu tháng, rồi chín tháng trôi qua nhưng vẫn không có phiên tòa nào cho Lê Anh Hùng cả. Mãi đến ngày 27 tháng 3 năm 2019, công luận mới có chút tin tức mới về người tù nhân lương tâm này, qua bản tin của Việt Nam Thời Báo :

"Cán bộ trại giam số 2 thi hành kỷ luật không cho ông Hùng gặp mặt thân nhân khi thăm nuôi vì ở trong trại giam ông Hùng không chấp nhận việc đeo còng, không chấp nhận mặc đồng phục, nói mình chưa ra tòa và chưa nhận bản án phán quyết của Hội đồng xét xử thì chưa gọi là phạm tội nên ông Hùng không chấp nhận bản thân bị hành xử như một phạm nhân".

Với chế độ toàn trị hiện nay ở Việt Nam, một người tù "không chấp nhận mặc đồng phục, nói mình chưa ra tòa và chưa nhận bản án phán quyết của Hội đồng xét xử thì chưa gọi là phạm tội" bị xem là một thái độ bất bình thường. Vì thế, bốn ngày sau trên trang RFA có mẩu tin ngăn ngắn :

"Hôm 1/4/2019, blogger Lê Anh Hùng, người bị cơ quan An ninh điều tra bắt giữ vào ngày 5 tháng 7 năm ngoái với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ nhưng chưa ra tòa, đột nhiên bị đưa vào Bệnh viện tâm thần trung ương 1 ở Thường Tín, Hà Nội".

Đây không phải là lần đầu tiên ông Hùng "bị đưa vào bệnh viện tâm thần". Chuyện tương tự đã xẩy hồi năm 2013, cùng với nhiều lời bình giễu cợt của giới cư dân mạng :

Blogger Lê Dũng :

"… đệch mịa cái vở kịch xứ mình nó dàn dựng sao thô thiển thế ? vậy có ai tin nổi không thưa mấy bố luật sư, nhà báo, trí thức trí ngủ ?" .

Blogger Lã Việt Dũng :

"Hôm qua vào Trung tâm bảo trợ xã hội hỏi về việc của Lê Anh Hùng, giám đốc trung tâm bảo đưa anh Hùng vào đây theo yêu cầu của mẹ anh ấy và của phòng Lao động, thương binh và xã hội quận Thanh Xuân. Mình hỏi :

- Thế lúc vào đây anh ấy có biểu hiện tâm thần gì không ? Có gây nguy hại gì cho xã hội không ?

- Không, anh ấy bình thường

- Trước khi nhận anh ấy vào, các anh có giám định gì không ?

- Không, chúng tôi chỉ làm theo đơn và theo yêu cầu của trên !".

lah2

Ảnh : Lê Anh Hùng’s blog

Blogger Nguyễn Tường Thụy :

"Cứ như những gì biết khi tiếp xúc với Hùng, đọc những gì Hùng viết, tôi phải khẳng định, nếu Lê Anh Hùng bị tâm thần thì tôi còn tâm thần nặng hơn".

Tôi có bằng hành nghề trị liệu tâm thần (license number 17705) do tiểu bang California cấp từ tháng ngày 20 tháng 11 năm 1995 đến ngày về hưu, 30 tháng 4 năm 2015. Tôi cũng là một độc giả thường xuyên của Lê Anh Hùng từ hơn mười năm nay. Thỉnh thoảng, qua email, chúng tôi vẫn trao đổi đôi câu tâm sự (vui buồn) về kiếp nhân sinh. Tuyệt nhiên, tôi không nhận thấy có dấu hiệu nào bất thường nơi Lê Anh Hùng cả.

Ngày 11/10/2011, ông Lê Anh Hùng viết trên trang RFA

"Nhiều chính sách của chính phủ hiện nay đang thực sự phá hoại nền kinh tế Việt Nam, khiến cho thị trường hỗn loạn, tạo ra sự bất công ngày càng sâu sắc trong xã hội, còn kẻ thù của chúng ta thì lại vui mừng"

Hậu quả khốc liệt trong việc khai thác bauxit, và của những quả đấm thép Vinashin là những bằng chứng sống động cho nhận xét thượng dẫn của Lê Anh Hùng.

Ngày 1 tháng 7 năm 2013, nơi trang Bauxite Việt Nam, ông Lê Anh Hùng lên tiếng : 

"Cảnh giác những khoảng vay từ Trung Quốc… Người ta thường nói : "Chẳng ai cho không ai cái gì". Câu châm ngôn này xem ra rất đúng với Trung Quốc, và càng đặc biệt đúng trong mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1950".

Sáu năm sau, trên tờ Straits Times, số ra ngày 7 tháng 3 năm 2019, Thủ tướng Mã Lai (Mahathir Mohamad) cũng tuyên bố một câu y như thế : "Beware of China debt trap".

Ngày 27/06/2018, ông Hùng khẳng định trên trang blog của VOA tiếng Việt : 

"Dự luật Đặc khu là một dự luật bán nước theo đúng nghĩa đen của từ này. Đây là một sự thực hiển nhiên, khó ai có thể nói khác".

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu :

"Có bào chữa kiểu gì đi nữa, có tô vẽ kiểu gì đi nữa, có khoác áo mục tiêu gì đi nữa, thì cuối cùng về bản chất, đặc khu là hình thức nhượng chủ quyền lãnh thổ". 

Thi sĩ Inra Sara :

"Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành lưu dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá… Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không thèm làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình".

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn :

"Người dân ở những nơi sẽ trở thành đặc khu này sẽ bị mất đất, sẽ trở thành lưu dân, tha hương ngay trên mảnh đất mà tổ tiên họ đã dày công khai phá … Họ sẽ trở thành những kẻ làm thuê khốn cùng cho ngoại bang bằng những nghề hạ tiện nhất mà ngoại bang không thèm làm, để kiếm sống một cách tủi nhục trên chính quê hương mình".

Blogger Vũ Mạnh Hùng nhận định :

"Nguyện vọng của Lê Anh Hùng là muốn làm sáng tỏ những việc mình tố cáo, nên từ lâu anh đã sẵn sàng chấp nhận bị bắt để có được một phiên tòa xét xử những việc mình tố cáo một cách công khai".

Blogger Nguyễn Tường Thụy cũng có nhận xét tương tự :

"Vụ bắt và khởi tố Lê Anh Hùng : đối tượng làm chủ cuộc chơi".

lah3

Băng rôn Lê Anh Hùng treo ở cầu vượt giao lộ Chùa Bộc – Thái Hà – Tây Sơn vào ngày 23 Tháng Năm, 2018. Ảnh : Lê Anh Hùng’s blog

Nói cách khác là Lê Anh Hùng hoàn toàn chủ động trong việc ông bị bắt vào ngày 5 tháng 7 năm 2018. Ông chịu ngồi tù để buộc nhà đương cuộc Hà Nội phải đối mặt với một phiên tòa cùng với hai bị cáo khác : "hai tên Việt gian bán nước Hoàng Trung Hải và Nguyễn Phú Trọng".

Nhà nước hiện hành, tuy thế, đã không "dính bẫy". Sau một năm trời suy tính Đảng cũng đã tìm được lối ra. Thay vì đưa Lê Anh Hùng ra tòa, họ đã đưa ông vào… bệnh viện tâm thần. Thật là một chính phủ kiêu hùng và… sáng suốt !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 10/04/2019 (tuongnangtien's blog)

Hậu từ : Trong một đất nước mà "không có nhân quyền người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn", và vị kỷ được coi là một thái độ khôn sống ngoan mà Lê Anh Hùng sẵn sàng hy sinh tính mạng để làm mồi nhử (cho những kẻ cầm quyền vào bẫy) thì không chừng – và nghĩ cho cùng – thằng chả "dám" bị ông bạn trẻ của tôi dám bị tâm thần thật, chứ chả chuyện đùa đâu.

(1) Every time Le Anh Hung starts to write he thinks of his three young children. The 38-year-old has already been imprisoned twice for blogging about human rights and corruption from his home in Hanoi and lives half-expecting another fateful knock at the door. And yet "I’m not scared", he says, "I know what I choose to do is risky but I accept the fight"

(Charlie Campbell, "Internet Censorship Is Taking Root in Southeast Asia", Time, 18 Jul 2013)

Cứ mỗi lần cầm bút là Lê Anh Hùng nghĩ đến ba đứa con thơ. Người đàn ông 38 tuổi này đã hai lần vào tù, vì viết blog về nhân quyền và nạn hối lộ, hiện đang sống phấp phỏng trong căn nhà của ông ở Hà Nội. Tuy thế, ông nói, ‘Tôi biết điều mình lựa chọn là nguy hiểm nhưng tôi chấp nhận trận chiến này".

Published in Diễn đàn