Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 28 octobre 2019 17:40

Thế quỳ

Riêng tôi, tôi không ngớt ngạc nhiên : Sao tự dưng họ lại đâm hèn đến vậy ?

Nguyễn Hưng Quốc

quy1

Sức khỏe tinh thần của tôi tương đối bình thường và ổn định. Chỉ "tương đối" thế thôi vì đôi khi tôi hay bị buồn ngang, nhất là sau những giấc ngủ muộn màng, chợt mở mắt và thấy mình đang trơ trọi ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Chán viết, lười đọc, bạn không, rượu cạn nhưng thay vì khoác áo đi kiếm thêm vài chai thì tôi chỉ nằm lắng nghe đám học sinh (ở ngôi trường tiểu học kề bên nhà trọ) hò hát – dù chả hiểu chi. Hóa ra trẻ con của nước Cambodia cũng hay được dậy dỗ hát hò y như mình, lúc còn thơ ấu.

Những bài hát mà chúng tôi được học, cách đây hơn nửa thế kỷ, không hề có trong chương trình của Bộ Quốc gia Giáo dục ở miền Nam. Tất cả đều hoàn toàn do ngẫu hứng của thầy cô. Do đó, ca từ không có lời nào nhắc đến râu (dài) tóc (bạc) của bất cứ vị lãnh tụ nào ráo trọi mà thường thì chỉ liên quan đến những con vật ngây ngô (và quen thuộc) trong đời sống hằng ngày :

- Em có nuôi một con chó, trông nó to như con bò. Sáng nó kêu gấu, gấu, gấu…

- Kìa đàn vịt bơi dưới ao hồ. Thằng bờm xờm vác cây đuổi đánh. A ha ha nó kêu quác quạc quác quạc …

- Hai chú gà con đi chơi với nhau. Chú che cái dù, chú đội mũ trên đầu …

- Thảng hoặc, cũng có những bản hùng ca :

- Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống anh hùng Nam Bắc Trung …

Hay :

- Toàn dân ! Nghe chăng ? Sơn hà nguy biến !
Hận thù đằng đằng ! Biên thùy rung chuyển…

Chúng tôi thích ca bè. Nửa lớp bên này :

- Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ?

Nửa lớp còn lại hét lên :

- Quyết chiến !

Rồi đổi bên :

- Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh ?

Bên kia lại gào lên :

- Hy sinh !

Chúng tôi thích hò hét và gào thét ("quyết chiến" - "hy sinh") chơi cho vui, chứ chả đứa nào hiểu rõ nghĩa của những cụm từ ("sơn hà nguy biến" - "biên thùy rung chuyển") nghiêm trọng đến thế. Thế mà hơn nửa thế kỷ đã qua. Thằng nhỏ năm xưa (nay) đã thành một ông già sắp bước vào tuổi thất tuần. Nhiều chiều nó nằm cô quạnh trong một căn nhà trọ – ở một góc trời buồn – hát nho nhỏ ("Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến ? Quyết chiến") chỉ cho chính mình nghe, rồi không dưng mà muốn trào nước mắt !

Lấy cái con bà gì ra để chiến ?

Hơn 10 năm trước, vào ngày 24 tháng 7 năm 2009, trong buổi tọa đàm Biển Đông & Hải Đảo Việt Nam, nhà văn Nguyên Ngọc đã nói đến "sức mạnh của nhân dân" như là yếu tố quan trọng nhất trước hiểm họa ngoại xâm. Hai hôm sau, ông Hà Sĩ Phu cũng long trọng khẳng định : "Chân lý muôn đời là chỉ có Dân mới cứu được nước". 

Nay, quí vị thức giả trong và ngoài nước, cũng vẫn đang loanh quanh với chuyện lòng dân và thế nước. Lòng dân hiện tại ra sao ?

Xin hãy nghe đôi lời tâm sự của một người dân vừa rời bỏ quê hương, và nhất quyết sẽ không ngoảnh đầu nhìn lại :

Tôi đi vì tương lai của con trai tôi, thằng Tí Hớn.

Khi Tí Hớn sinh ra trong bệnh viện, tôi phải trải qua cảnh hối lộ cho bác sĩ tiền, người ta nói rất thẳng phải bồi dưỡng ca này, kíp kia ngần này, ngần kia.

Là dân giang hồ, tôi từng hối lộ cho công an nhiều lần. Khi sinh con ra, tôi phải hối lộ cho bác sĩ. Như một thói quen, chuyện hối lộ trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam, nó bình thường đến nỗi tôi thấy nó là việc tự nhiên không có gì đáng phải nghĩ về nó cả. Những người nhận hối lộ ấy, họ cũng phải hối lộ cấp trên của họ để làm việc được chỗ ấy. Để cho họ yên tâm làm việc phục vụ mình, đóng góp cùng với họ để họ có vị trí ấy yên ổn thì có gì đâu.

Nhưng rồi một ngày không lâu sau khi Tí Hớn ra đời, tôi nhận ra rằng, nếu con tôi lớn lên trong một xã hội mà những nghề cao quý như công an, nhà giáo, bác sĩ lại thản nhiên đòi tiền hối lộ như thế , con tôi sẽ sống thế nào. Tôi có phải dạy nó rằng chuyện hối lộ như vậy là điều bình thường không ? Bạn nghĩ xem, một đất nước mà đầy rẫy những kẻ dối trá từ y tế, hành pháp, giáo dục và cả tôn giáo nữa, tôi có nên để cho con mình ở đó không ?

(Người Buôn Gió, "Đầu không ngoảnh lại", Dân Luận, 07/10/2019).

quy2

Ảnh : internet

Quan niệm cá nhân của một blogger (vốn là một thị dân) về đất nước, tất nhiên, không thể tiêu biểu cho cả một dân tộc mà đại đa số sống ở nông thôn. Những nông phu (đội sương nắng bên bờ ruộng sâu/vài ngàn năm đứng trên đất nghèo) không mấy ai có ý nghĩ rời bỏ quê cha đất tổ. Họ sống ra sao ?

54 năm qua, những người nông dân không một ngày ngừng cày cuốc, gieo trồng với tất cả những đức tính cần cù trên cánh đồng của họ. Họ đã lao động không hề than thở, họ đã hy sinh không hề than thở. Nhưng sau 54 năm, họ ngẩng đầu lên nhìn lại con đường của họ đã đi. Và họ kinh hãi nhận ra : họ đã đang đi theo một vòng tròn. Họ đang có nguy cơ trở lại điểm xuất phát… Tôi mang cảm giác người nông dân bị bỏ mặc và trở

(Nguyễn Quang Thiều, "Thư của đứa con những người nông dân", Vietnamnet, 26/06/2009).

Má ơi, nếu họ được "bỏ mặc trên những cánh đồng đầy nắng mưa" để "cần cù cầy cuốc gieo trồng" thì may mắn và quí hóa biết chừng nào. Từ thuở lập quốc đến nay, nông dân Việt Nam có bao giờ dám than thở hay mong mỏi điều gì khác nữa đâu. Chỉ sợ họ lại bị bắt xỉa xói đấu đá lẫn nhau cho đến chết, rồi vào hợp tác xã (thay trời làm mưa, nghiêng đồng cho nước chẩy ra ngoài) nay buộc trồng lúa thần kỳ, mai buộc trồng cây cao lương… – những nông phẩm mà sản lượng chỉ thu hoạch được… trên đài và báo !

Chưa hết :

Chiều 18/1/2011, khi điều khiển phiên họp toàn thể của Đại hội Đảng lần thứ XI biểu quyết lựa chọn giữa "chế độ công hữu về tư liệu sản xuất" và "quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp", ông Nguyễn Phú Trọng hứa với Đại hội "thiểu số sẽ phục tùng đa số". Nhưng, tháng 5/2012, Ban Chấp hành Trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư vẫn quyết định duy trì "chế độ công hữu" với đất đai, "tư liệu sản xuất" quan trọng nhất". 

(Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II, OsinBook, Westminster, CA, 2013).

Từ đó, Việt Nam trở nên một "cường quốc của dân oan". Giới người này vật vạ, la lết, lang thang, vất vưởng trên khắp mọi nẻo đường đất nước hoặc "co dúm thút thít" trong mảnh đất (còn lại) mà diện tích chỉ đủ dựng một túp lều, kỳ dư đã bị thu hồi với giá đền bù "mỗi m2 bằng giá một… cốc bia" – theo như ghi nhận của blogger Đào Tuấn .

quy3

Ảnh : internet

Sẽ có bao nhiêu người dân ở Lộc Hưng, Văn Giang, Dương Nội, Long An, Cần Thơ, Đồng Nai, Dak Nong … sẵn sàng "hy sinh" mạng sống khi "sơn hà nguy biến" hay "biên thùy rung chuyển" ?

Lòng dân đã vậy. Thế nước thì sao ?

Giáo sư Tương Lai buông thõng, vỏn vẹn, chỉ có hai từ ngắn gọn nhưng hoàn toàn chính xác :

- Chông chênh !

Chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán và xuyên suốt là "đi dây" mà không "chông chênh" thì mới là chuyện lạ. Thế nước thì chông chênh, quốc khố thì trống rỗng, dù "mỗi quả trứng gà phải cõng đến 14 loại thuế phí". Giới lãnh đạo bất tài, phân hoá, ngu dốt và tham lam vô độ … nên phải quỳ xuống cắt biển và dâng đất để giữ lấy thân (cùng của cải) là hệ quả tất yếu. Dân Việt làm sao thoát Trung, nếu không tiên quyết (và cương quyết) thoát khỏi cái đám Cộng Sản gian tà này.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 28/10/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 25 octobre 2019 21:07

Nhà nước & Nhà nát

Giữa những cá nhân như Hà Văn Nam và ông Nguyễn Văn Thể - người mà quá trình phục vụ cách mạng gắn bó chặt chẽ với sự ra đời, phát triển của các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ở Việt Nam – ai đáng vào tù hơn ?

Trân Văn

nha1

Khi còn ở nhà với mẹ, tôi hay bị bà cụ mắng : "Mày có cái tật cứ vung tay quá trán con ạ". Lúc ra ở riêng, vợ mắng tiếp : "Sao anh cứ có đồng nào là xào liền đồng đó vậy !".

Nói nào ngay thì chả mấy khi tôi có tiền. Khi có cũng chả là bao. Dành dụm làm chi cho nó mệt nên tôi tung hê, chơi "xả láng sáng về sớm" cho nó khỏe. Chả trách, tôi nghèo kinh niên và nghèo thường trực. Khốn khó cỡ tôi mà nghe đến tiền triệu còn có khái niệm lơ mơ, chớ tới bạc tỷ là hết hồn hết vía ngay.

Bởi vậy, tuần rồi tôi tối tăm mặt mũi khi nghe Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu. Năm mươi ba ngàn tỷ là bao nhiêu lận, cha nội ? Mà sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời ?

nha2

53.000 tỷ đồng cho vay BOT, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng

May mà lại gặp người biết chuyện, FB Canh Tranthanh giải thích cặn kẽ và gọn ghẽ như sau :

"Em" lên duyệt chỗ bộ giao thông của anh Thăng anh Thể được cái "dự án BOT abc", đáng ra đầu tư hết độ 500 tỷ, thu phí độ 10 năm là đủ cả vốn lẫn lãi. Thế nhưng không, nhặt từng đồng thế thì ăn gì, lâu giàu lắm ! "Em" về vẽ lại dự án lên thành 5.000 tỷ, thu phí 30 năm. Tiền đầu tư hơi nhiều thì... vay ngân hàng ! Thế là "bọn ta" gồm "bác" lớn, quan bộ, chủ dự án, ngân hàng cùng nhau chén cái món chênh lệch nho nhỏ 4.500 tỷ kia, theo một nguyên tắc hạch toán kinh tế kinh điển, BAO NHIÊU CHI PHÍ TÍNH VÀO GIÁ THÀNH !
Chi phí con đường 500 tỷ đã biến thành 5.000 tỷ, trong đó chủ yếu là tiền vay ngân hàng, bởi ai cũng biết, bọn làm BOT ở nước ta vừa rồi chủ yếu tay không bắt giặc - thế mới tài tình ! Tất nhiên là đứng đằng sau mấy thằng "tay không" kia, luôn là một số bác nhớn...

Nếu dự án BOT cứ yên ả, xe cứ qua, tiền cứ thu thì rồi nợ lãi ngân hàng cũng trả được. Thế nhưng bọn BOT tham quá, làm BOT bẩn, tận thu tận vét đến mức đường quốc lộ nó quét qua tí nhựa rồi cũng đè ra móc túi dân : một hành động ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN, chứ không thể định nghĩa khác được !

Dân ta phản đối quyết liệt. Thậm chí xô xát nổ ra...
Thế là chuyện ỏm củ tỏi lên đến tai thiên đình. Bèn cho thanh tra kiểm toán nhảy vào. Mới vỡ lở ra chuyện bọn làm BOT nó ăn kinh hoàng ! Tất nhiên là ngân hàng bơm tiền tiếp tay cũng được ăn khá !

Nay đâm khó !

Bắt bọn BOT làm đúng như quy chuẩn thì… bỏ mịa ! Số tiền chênh lệch kia nó rút ra, chia chác đầy đủ, anh trên em dưới chú bác ngang ngang đều có phần mà, "bọn ta" đều hưởng cả mà, chia rồi, tiêu rồi, nhà Mỹ mua rồi, thẻ xanh chạy rồi... giờ mà đòi thì lấy đâu ? Mà đòi ai ? "Bác" có nhận tiền mày hồi nào đâu...

Mà không xử BOT bẩn, cái trò ĂN CƯỚP CÔNG KHAI CÓ SỰ BẢO KÊ CỦA NHÀ NƯỚC GIỮA BAN NGÀY kia, thì sẽ mất hết tính chính danh của quyền lực. Và một khi tính chính danh không còn thì... liệu có giữ nổi cái... BOT mà ăn với nhau được không ?

Thế nên ông Lê Minh Hưng lo lắng là phải, cái món 53 ngàn tỷ cho vay BOT kia tất nhiên thành nợ xấu. Cơ mà ông cũng không nên lo lắng quá, trăm dâu đổ đầu tằm, rồi đổ ráo lên đầu cho dân nước Việt chịu, ông chả phải chịu đâu mà lo !

Hay là ông cứ điểm danh, tất cả những thằng có chữ ký trong mọi dự án BOT bẩn kia, lôi ra bắt đứng hàng ngang dựa cột, chĩa súng hỏi : " Nộp tiền ăn cắp hay xơi kẹo đồng ?", thế thì mới đòi được tiền, không còn lâu, nhé !

Trong chớp mắt, status này có hàng ngàn người chia sẻ và hằng trăm người góp ý. Xin ghi lại dăm ba :

- Trịnh Thị Mơ Nhóm lợi ích Bộ giao thông rồi nhóm lợi ích Tập đoàn Điện lực... rồi còn biết bao bộ nghành nữa... còn nhiều và nhiều lắm... chỉ tội người dân thôi muôn đời không trả hết nợ.

- Thuần Trần Tiền vào túi lũ khốn hết dân gánh nợ đến bao giờ ! ?

- ĐôngY Công Tuấn Các khối ung thư di căn khắp các bộ ngành ! Thằng ăn khoai thằng đổ vỏ !

- Tâm Nhật Đăng Ko sao đâu các bác... 53 ngàn tỷ chia đều cho 100 triệu dân thì mỗi người chịu một ít…

Vâng thì các bác tính sao em cũng chịu cả. Dầu chỉ hút lên mang bán mà còn lỗ, tiền qũy bảo hiểm xã hội mang cho vay lấy lời cũng mất trắng luôn thì nợ BOT thành nợ xấu cũng là chuyện đúng qui trình cả. Em chỉ có chút băn khoăn thôi : Thế còn ông Hà Văn Nam thì sao ?

Nam nào ? Nam là ai ?

BBC :

"Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở Thái Bình, sống tại Hà Nội và được biết rộng rãi trên mạng xã hội như một người có nhiều hoạt động phản đối các hoạt động thu phí BOT mà ông cho là bất hợp lý. Ông Nam có gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân.

Trước khi bị bắt, ông Hà Văn Nam từng tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Ông cũng cùng bạn bè là các lái xe đặt các lán, trại cạnh các BOT để bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không. Vụ việc ông Nam bị bắt hồi tháng 3/2019 đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng".

RFA :

"Ông Hà Văn Nam, một người hoạt động từng nhiều lần phản đối các trạm BOT đặt không đúng vị trí trên khắp cả nước vừa bị Tòa án nhân dân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh tuyên 30 tháng tù giam với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" vào sáng 30/7/2019.

Sáu người khác gồm các ông phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại".

Nếu không có những người như ông Hà Văn Nam, Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải… thì số nợ xấu của BOT dám tăng lên gấp đôi (60.000 tỷ) nhưng chính vì thế mà họ lại bị ghép tội ("gây rối trật tự công cộng") và bị nhốt tù.

Chính phủ gì mà kỳ vậy ? Nhà Nước hay nhà nát mà lạ thế ? Đã nát đến thế mà không mất nước vào tay ngoại bang thì mới là chuyện lạ !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 25/10/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 23 octobre 2019 19:58

Hạnh phúc Việt Nam

Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới.

Nguyễn Xuân Phúc

hanhphuc1

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh vừa gửi đến cho độc giả một tin vui (lớn) từ quê hương, bản quán của ông :

"Đà Nẵng vừa tổ chức Lễ khánh thành Nhà giam quận Hải Châu, vào ngày 4 tháng 10 vừa qua… Phát biểu buổi lễ, Đại tá Lê Quốc Dân - Phó Giám đốc Công an Thành phố cho biết, đây là công trình có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và công tác đảm bảo an ninh trật tự. Trong thời gian tới, nhiều Nhà tạm giam, tạm giữ khác theo tiêu chuẩn của Bộ Công an sẽ được tiến hành xây dựng ở các địa bàn khác để đáp ứng yêu cầu công tác".

Lực lượng công an Đà Nẵng (nói riêng) và giới công nhân viên Việt Nam (nói chung) rất ưa đình đám & lễ lạc :

- Lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng

- Lễ đón nhận danh hiệu Đoạt chuẩn Quốc gia

- Lễ trao tặng Vinh dự Nhà nước

- Lễ trao tặng Dụng cụ cho học sinh nghèo

- Lễ trao tặng Huy hiệu Đảng

- Lễ đón nhận Bằng khen

- Lễ tôn vinh Doanh nghiệp xuất sắc & Doanh nhân tiêu biểu

- Lễ tôn vinh Thương hiệu Phát triển bền vững

- Lễ tiếp nhận Cán bộ chuyên trách về Công tác

- Lễ tiếp nhận Thiết bị phòng thí nghiệm

- Lễ vinh danh các Doanh nghiệp Du lịch hàng đầu

- Lễ vinh danh Báo cáo thường niên tốt

Cách đây chưa lâu, Luật sư Lê Công Định còn cho biết thêm một thứ nghi lễ nữa, chưa từng có trong lịch sử : Lễ trao Giấy chứng nhận Chấp hành xong án phạt quản chế .

Thiệt là quá đã và … quá đáng !

Thảo nào xứ sở lúc nào cũng vui như Tết và nơi nao cũng lễ lạc, tiệc tùng, chè chén tùm lum… Chả phải vô cớ mà ông Nguyễn Xuân Phúc đã mạnh miệng tuyên bố một câu chắc nịch : "Việt Nam tuy là nước có thu nhập thấp nhưng có chỉ số hạnh phúc cao thứ 5 thế giới".

Nói vậy là còn khiêm tốn. Thiệt ra "chỉ số hạnh phúc’ của dân Việt nếu không nhất thì (giá chót) cũng phải nhì, chớ không thể thấp hơn vì họ rất dễ vui và thường xuyên hạnh phúc – nếu cứ theo như ngôn từ của giới truyền thông ở xứ sở này. Hồi anh em ông Đoàn Văn Vươn - Đoàn Văn Quí mãn án tù, vào năm 2015, tất cả báo chí quốc doanh đều hớn hở loan tin :

– Pháp Luật : "Gia đình vỡ òa trong niềm vui khi nghe tin chính thức anh em ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá trong đợt 2/9".

– Tuổi Trẻ : "Niềm vui vỡ òa của người thân khi hai anh em ông Vươn bước ra khỏi cổng trại giam".

– Người Đưa Tin : "Gia đình Đoàn Văn Vươn vỡ oà hạnh phúc".

– Vietnamnet : "Chị Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiền, vợ của anh Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý mấy ngày gần đây đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc".

Coi : khi khổng khi không đất đai của mình bị cưỡng chế, nhà cửa bị san bằng, thân mình bị giam cầm rồi (cái) chồng "vỡ oà niềm vui" và vợ thì "lâng lâng hạnh phúc" chỉ vì… mãn hạn tù. Niềm vui và hạnh phúc ở đâu (ra) mà dễ ẹc và lãng xẹt vậy – mấy cha ?

Gia đình hai ông Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý, tuy thế, vẫn chưa vui sướng và hạnh phúc bằng gia đình của ông Trần Bê. Báo Khánh Hòa, số ra ngày 5 tháng 9 năm 2019, hân hoan cho biết :

Tại UBND phường Ninh Giang (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), ông Trần Đình Hồng - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đại diện cho cơ quan này, đã công khai xin lỗi, phục hồi danh dự cho ông Trần Bê (sinh năm 1957, trú Ninh Giang, Ninh Hòa, Khánh Hòa), người bị tạm giam oan về tội giết người cách đây 38 năm. Chứng kiến buổi xin lỗi có lãnh đạo cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, đại diện UBND phường và người dân phường Ninh Giang.

Ông Hồng nêu, thời điểm đó, việc khởi tố, phê chuẩn bắt tạm giam đối với ông Bê là oan sai. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh xin lỗi ông Bê và gia đình vì những oan sai mà Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Khánh gây ra. Ông Bê chấp nhận lời xin lỗi và yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần, vật chất mà ông phải gánh chịu suốt 38 năm qua. Tuy nhiên, ông Hồng cho biết, theo Luật Bồi thường nhà nước năm 2009, đã hết thời hiệu xem xét xin lỗi, cải chính công khai đối với 2 ông nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa không thực hiện được.

hanhphuc2

Vợ chồng ông Trần Bê hạnh phúc vì được giải oan sau 38 năm. Ảnh & chú thích : N.V, báo Khánh Hoà.

Cứ theo hình chụp thì bà Trần Bê, ngó bộ, không được vui vẻ hay hạnh phúc gì cho lắm. Vui gì nổi, hả Trời ? Ông Bê vào tù khi vợ chồng đang ở lứa tuổi đôi mươi, và được minh oan khi đã ngoại lục tuần, chỉ với một lời xin lỗi xuông và hai bó hoa thôi, chứ không một cắc đền bù vì vụ án "đã quá thời hiệu theo luật bồi thường !"

Luật cái mả cha, định cái mả mẹ chúng mày gì mà đốn mạt đến thế ? Cả một tập đoàn truyền thông cũng không đứa nào thử đặt ra một câu hỏi nhỏ : "Hai nạn nhân khốn khổ, khốn nạn của cái ngành tư pháp này sẽ sinh sống cách nào cho hết quãng đời (tàn) còn lại ?" Bán vé số hay đi ăn mày ? Dù cách nào thì họ vẫn cứ được đám ký giả (hay kỹ giả - whorespondent) mô tả là những công dân hạnh phúc, loại hạnh phúc ma-dzê inh Việt Nam.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/10/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Ai mơ ước người Việt được như người Nhật thì cứ việc. Tui tỉnh táo và thực tế hơn, mơ ước dân mình được như... dân Lào.

Hồng Hải

nguoi1

Từ Paris, nhà báo Từ Thức vừa kể cho độc giả một câu chuyện (làm quà) về xứ Anh Đào :

Loạng quạng, đánh rơi cái ví (portefeuille), trong đó có thẻ kiểm tra (ID/ carte d’identité), carte bleue (credit card ), 250 Euros và một số tiền Nhật mới đổi. Ra bót cảnh sát đầu đường. Nhân viên cảnh sát có vẻ mừng rỡ vì có việc làm. Thường thường, cảnh sát Nhật ngồi buồn tênh, đi ra đi vào, không có ai thưa gởi gì, không có ẩu đả, ăn trộm, ăn cướp, ăn cắp, lừa đảo. Thỉnh thoảng vớ được một bà già té xỉu, chở tới bệnh viện. Hay đưa một ông cụ qua đường (đưa thực, không phải dìu ông già trước máy quay phim, quay phim xong đá đít ông già) hay chỉ lối cho một du khách tới một địa chỉ không có tên đường. Một ông cảnh sát mở computer, coi danh sách những đồ vật lượm được trong thành phố. Một bà gọi điện thoại tới phi trường. Người thứ ba đứng coi, sẵn sàng phụ tá 2 đồng nghiệp. Họ hơi thất vọng vì không tìm thấy gì, khuyên nên trở lại buổi chiều. Chiều, trở lại, họ đã tìm được cái ví. Có người lượm được dưới ghế một xe bus, đưa cho tài xế. Giấy tờ, tiền bạc còn y nguyên. Xứ sở gì kỳ cục.

Tôi vốn tính hiếu kỳ lại đang vô cùng rảnh rỗi nên nghe qua câu chuyện ("kỳ cục") như thế thì không khỏi "động lòng bốn phương," muốn thực hiện ngay một chuyến "Đông Du" cho biết đó biết đây. Ngặt nỗi, lần đi lần khó mà đi Nhật thì e khó ở được lâu vì giá sinh hoạt dường như không rẻ. Phòng trọ bình dân, nghe đâu, cũng cỡ 50/70 U.S.A dollars một đêm, chứ không thể ít hơn.

Với túi tiền cạn cợt của tôi, có lẽ, chỉ ở được dăm hôm rồi lại phải lủi thủi quay về. Mà về nhà với vợ thì ai mà không sợ. Bởi thế, thay vì đến Nhật, tôi quyết định qua Lào. Ở xứ sở này thì thuê một cái bungalow (free wifi, phòng tắm riêng, no A/C nhưng quạt máy chạy vù vù) chỉ phải trả 5 hay 7 đô là hết mức. Với một nghìn Mỹ Kim thì có thể ở chơi đến đôi ba tháng.

Tôi đã "chơi" kiểu đó đôi ba lần rồi nhưng vẫn chưa thấy ngán. Lần này tôi quyết định ghé Nam Lào, xem hết rừng núi thác ghềnh của Si Phan Don ( ສີ່ພັນດອນ, 4000 Islands) cho mãn nhãn. Hóa ra Bốn Ngàn Đảo là cái tên hơi nặng tính thậm xưng. Thiên hạ cứ gọi thế nghe cho nó đã miệng, chứ thực sự cả quần đảo này chỉ vài nơi có đông đảo dân cư tụ tập (Don Det, Don Khone, Don Khong…) kỳ dư đều là những doi, giồng hay cồn cát nhỏ. Chả có ma nào trên đó cả vì chúng bé tí teo, và vào mùa lũ thì hầu hết đều chìm trong sóng nước.

Bởi ham vui nên tôi tắp vào Don Det trước vì nghe tiếng đây là nơi ưa chuộng của những cô cậu Tây Ba Lô thích sống đời nhộn nhịp. Tiếng thế thôi chứ một đám du khách ngoại quốc, bất kể thành phần, không thể khiến cho hòn đảo này mất đi vẻ hiền lành và an bình cố hữu.

Thì cũng hàng quán, rượu bia, âm nhạc nhưng tuyệt nhiên không ồn ào hay náo động. Dòng sông Mê Kong hiền hòa và tính nết hiền lành, chân chất của cư dân địa phương quả là có sức "lan tỏa" và "cảm hóa" đến độ diệu kỳ. Chả vị khách lạ nào có đủ trơ tráo để quấy động quan cảnh thiên nhiên thuần khiết, và nếp sống an bình ở nơi đây cả.

Có lẽ cũng không nơi đâu mà cảnh hoàng hôn trên sông êm đềm, và diễm ảo như ở chốn này. Chiều qua rồi là cả hòn đảo nhỏ chìm đắm trong bóng đêm tĩnh lặng, chỉ còn có tiếng nước sông âm thầm, nhỏ nhẹ, khe khẽ cuốn trôi.

Sáng, trong lúc cà phê thuốc lá, con gái của bà chủ trọ "gợi ý" tôi nên đi xem cá dolphin. Đi thì đi, tôi gật đầu dù biết rõ rằng loài cá heo sông này sắp tuyệt chủng đến nơi (vì những công tình thủy điện, và nguồn nước ô nhiễm từ phía thượng nguồn) nên cơ may gặp được vài chú irrawaddy ở Si Phan Don mong manh còn hơn như khói nữa.

Tôi đồng ý chỉ vì điểm khởi hành nằm ở bến sông (có tên trên bản đồ là French Port, một di tích từ thời thuộc địa) thuộc làng Ban Hang Khon. Từ đây, có thể nhìn thấy nương khoai rẫy bắp và nghe được tiếng gà gáy (xao xác) bên thôn ổ của nước láng giềng – Cambodia. Quê nhà, xem ra, cũng chả còn bao xa. Tuy thế, nếu về lần dò về bằng thuyền đò (có lẽ) cũng phải mất đến vài ba tháng – dù sông nước xuôi dòng.

Sau một lúc ngẩn ngơ, tôi nói với người tài xế xe tuk tuk là mình chỉ muốn đi vòng vòng đảo chơi thôi. Khỏi cần ghé qua thác ghềnh gì ráo vì tôi đã có dịp đến cả rồi. Chúng tôi băng qua một khu rừng tre thưa. Chú tài – thỉnh thoảng – lại chạy chậm hẳn lại, cúi nhặt những nhánh tre rơi khá lớn và vất vào bìa rừng.

Không cần lời giải thích, tôi cũng hiểu rằng những ngạnh tre nhọn có thể làm lủng lốp xe của bất cứ ai vô ý. Chú em còn trẻ măng, nụ cười thường trực trên khuôn mặt ngây ngô rám nắng. Thằng bé chưa chắc đã có cơ hội cắp sách đến trường một ngày nào nhưng thái độ vị tha và tinh thần trách nhiệm khiến tôi cảm động. Không dưng mà chợt nghĩ đến những "đạo quân đinh tặc" trên khắp mọi nẻo đường ở đất nước mình, cùng với một tiếng thở dài – cố nén !

nguoi2

Sau Don Det, tôi qua Don Khone. Hai hòn đảo con con được nối liền bằng một chiếc cầu bê tông nhỏ hẹp không tên nên thiên hạ gọi (đại) là French Bridge. Hoang dại và tĩnh lặng hơn cô em song sinh nằm kề, Done Khone chỉ có nhà cửa với dăm ba hàng quán (lưa thưa) nằm dưới những hàng dừa dọc theo dòng sông êm ả và kiều diễm.

Tôi đặt phòng trước qua internet nên khi đến nơi mới biết là nhà trọ nằm ở bên này đường, không tiếp giáp với mé sông, và cũng chả có một người khách nào khác cả. Chủ nhân cũng ở cách đó hơi xa. Càng vắng thì càng tốt.

Cho đến khi thức giấc giữa đêm khuya, tôi mới chợt nhận ra là mình đang trơ trọi một mình – giữa một dẫy bungalow trống lốc – trên một hòn đảo lạ (rồi) tự nhiên cảm thấy hơi bị bất an. Đợi mặt trời vừa ló dạng là tôi lặng lẽ quẩy ba lô đi chỗ khác liền, sau khi để lại một số tiền tip khá hậu hĩnh – như một lời tạ lỗi cho thái độ ("sao ra đi mà không bảo gì nhau") không mấy lịch thiệp của mình.

Guest house tiếp theo cũng vắng nhưng ít nhất cũng có thêm một hai người khách, an toàn hơn thấy rõ. Tôi chỉ vừa xong ly cà phê và điếu thuốc đầu ngày thì chủ nhân của nhà trọ cũ xuất hiện với nụ cười hiền, và nét mặt tươi vui hớn hở chứ chả có vẻ chi là phật lòng hay phật ý cả. Bà lấy trong túi ra 50.000 kips (được bọc trong gói ny long cẩn thận, chắc là tờ giấy bạc tôi để lại hồi sáng sớm cho người dọn phòng) và nói rằng vì tôi bỏ quên tiền nên vội mang trả lại.

Tôi cười khổ và cảm thấy xấu hổ vì cái cảm giác bất an của mình đêm trước. Trộm cắp, cướp bóc, và "bất an" đều do tôi tưởng tượng mà ra chứ không hề có trong tâm thức của người dân ở chốn này. Thảo nào mà cả tuần qua tôi chả thấy bóng dáng cảnh sát, công an, trật tự hay dân phòng gì ráo trọi. Cờ quạt, biểu ngữ, bích chương, loa phường, và hình ảnh lãnh tụ cũng khỏi có luôn. Ở đây, lỡ mà bị mất ví thì không thật không biết phải trình báo với ai, và chắc cũng khỏi cần vì thế nào người nhặt được mang đến tận nơi trả lại.

Thật là chả bù cho cái phần quê hương ("đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc") của mình – nơi mà nhà báo Từ Thức vừa có những lời khuyên dành cho du khách, như sau :

- Nếu ăn tiệm, thấy ngon, đừng khen. Người ta sẽ tăng giá gấp hai.

- Mua hàng, phải trả giá. Trả giá bao nhiêu cũng hớ. Nhưng nên an ủi : Có người còn hớ hơn mình !

- Để quên iPhone hay ví tiền, đừng quay trở lại, hỏi có ai lượm được không. Bạn đang ở Việt Nam, không ở Nhật.

- Đi đường, chỉ nên đeo nhẫn hay đồ trang sức giả. Có thể bị mất ngón tay, nhưng không mất nhẫn... thật.

- Khi có người hỏi : có biết bác Hồ không, đừng kể lể những điều bạn biết về ông Hồ qua Wikipedia. Khổ lắm, biết rồi, nói mãi. Người ta chỉ nhắc khéo bạn đã quên chi tiền. 

Sao cùng là nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản mà người Lào và người Việt lại khác nhau đến thế, hả Giời ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 19/10/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 09 octobre 2019 19:43

May còn có em

Khi một người Hồng Kông đứng lên, cả triệu người Hồng Kông che chắn, nhưng khi một người Việt Nam đứng lên, họ phải xác định không gia đình, không sự nghiệp, không bạn bè. Đôi khi, một mình họ chống lại cả thế giới này.

Đỗ Cao Cường

may1

Trời kêu ai nấy dạ không chỉ là một thành ngữ mà còn là một triết lý sống của người dân Việt. Ai cũng chịu "gọi dạ" và "bảo vâng" như thế cả, và ai cũng chỉ mong sao là "ổng" kêu ai cũng được – trừ mình. Điều đáng lo là vài thập niên qua (rõ ràng) Trời kêu có hơi nhiều, và kêu tới tấp, kêu lia chia, kêu lia lịa khiến thiên hạ hóa bất an ! 

Từ Hải Phòng, FB Thảo Dân tường thuật : "Hôm trước, đi từ nhà tới trường có 5' xe máy, đầu đường là một đám tang người chết sinh năm 1960, đoạn giữa một người năm 1958. Gần trường là cậu sinh năm 1977… Họ đều chết vì ung thư".

Để tiết kiệm tiền – thay vì dùng Taxi – tôi cũng hay thuê xe máy để đi lòng vòng nhiều đô thị lớn (lân cận với Việt Nam) như Phnom Penh, Vientiane, Yangon… nhưng chưa bao giờ mà nhìn thấy quá nhiều đám tang như vậy trong vòng năm phút. Năm giờ hay năm ngày cũng thế.

Asia Times cho hay : "Theo thống kê chính thức, khoảng 115.000 công dân Việt thiệt mạng vì ung thư vào năm 2018 – nghĩa là hơn 300 người chết vì căn bệnh này mỗi ngày" (1). 

Sao mà chết dữ vậy cà ?

Câu trả lời có thể tìm được qua trang Giáo Dục Việt Nam , đọc được vào hôm 28 tháng 9 năm 2019 : "Hàng triệu dân Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh khổ vì nước bẩn, không khí ô nhiễm".

Những tỉnh thành khác tình trạng cũng đều thế cả và vấn đề không chỉ giới hạn vào ô nhiễm không khí hay nước uống mà còn ở tiếng ồn, rác thải, vi sinh, và thực phẩm nữa. Theo ghi nhận của Bộ Y Tế : "Tính đến năm 2007, có khoảng 51 làng, xã nằm rải rác ở 25 tỉnh/thành phố trong cả nước được ghi nhận là những ‘làng ung thư.’ Tập trung chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung - nơi diễn ra các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và làng nghề cao với cường độ cao (Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Định), gần các khu công nghiệp cũ (như Thái Nguyên, Phú Thọ) hoặc gần các kho bảo vệ thực vật cũ (Nghệ An, Hà Tĩnh)...

may2

Trái : xếp hàng chờ khám ung thư ở Hà Nội. Ảnh : Lê Nguyễn

Phải : giường bệnh chữa ung bướu ở Sài Gòn. Ảnh : Hương Thu

Con số làng ung thư, đến nay, chắc phải nhiều hơn hẳn. Và Bộ Y tế cũng chỉ "ghi nhận" vậy thôi chứ hoàn toàn không có một "động thái" nào khác nữa. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng vậy. Sau tất cả những "sự cố" liên quan đến môi sinh, ông Trần Hồng Hà đều lên tiếng trấn an rằng sự việc "chưa đáng quan ngại " hay vẫn ở ngưỡng "an toàn ". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã từng dõng dạc tuyên bố là "kiên quyết không đánh đổi môi trường để lấy lợi ích kinh tế".

Tuy người đứng đầu chính phủ "kiên quyết" như thế nhưng dân chúng đều "thầm" hiểu rằng Trời kêu ai nấy dạ, và chỉ cầu mong sao cho "ổng" quên cái tên mình. Nếu không có điều kiện để đi tị nạn môi sinh (ở một quốc gia xa xôi nào khác) thì đành cam phận, sống theo thời, và vâng mệnh Trời là thái độ chung của tất cả mọi người dân Việt hiện nay – trừ Đỗ Cao Cường.

Nhân vật này được Nghiệp đoàn Báo chí Việt Nam (VNJU, Vietnamese Journalists Union-Syndicat des Journalists Vietnamiens) giới thiệu như sau : "Đỗ Cao Cường sinh ra ở Hải Phòng, là cựu sinh viên của trường đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ thời sinh viên, anh đã có nhiều bài viết chống tiêu cực trong xã hội… Cường là người phóng viên dám đi vào thực địa để chụp ảnh, quay phim tố cáo cái xấu, cái ác làm hại người chung quanh. Cho nên anh là người gặp nguy hiểm nhiều nhất trong báo giới Việt Nam. Nhà báo Đỗ Cao Cường từng nhiều lần bị dọa giết do đăng tải các phóng sự không qua kiểm duyệt trên mạng xã hội".

Sao mà tới nỗi "bị dọa giết" lận cà ? Rảnh, đọc qua đôi đoạn nhà báo Đỗ Cao Cường viết về những làng ung thư ở Việt Nam sẽ hiểu ra cớ sự :

Tôi đã tới nhà máy nhiệt điện Duyên Hải (Trà Vinh), các nhà máy nhiệt điện ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình… Các làng ung thư bên cạnh các nhà máy nhiệt điện Trung Quốc mọc theo, những cái chết cam chịu và đau đớn, trong tương lai sẽ không còn chỗ chứa tro xỉ, xỉ than thẩm thấu và phát tán nhanh các thành phần độc hại như thạch tín, chì ra môi trường nước, giết chết loài người cùng tất cả các loài sinh vật…

Tôi cũng đã tới nhà máy đạm Ninh Bình, cũng vay vốn Trung Quốc, cũng do nhà thầu Trung Quốc thi công, họ đưa các thiết bị lạc hậu vào sử dụng, khi bị thua lỗ nhà đầu tư nước khác không dám nhảy vào đầu tư, chỉ sau 4 năm hoạt động nhà máy này lỗ hơn 2.700 tỷ đồng. Nhiều người sống gần đó bị ung thư và chết trẻ. Hầu hết đứa trẻ trong làng bị mắc các bệnh liên quan tới đường hô hấp, phải đeo khẩu trang đi ngủ vì mùi quá hôi thối. Trâu bò uống nước cạnh nhà máy còn chết. Chất amoni khó nhận biết, dễ gây ung thư có lúc vượt từ 26 đến 1.030 lần.

Tôi cũng đã tới nhà máy thép Shengli ở Thái Bình, cũng do Trung Quốc làm chủ. Trong 10 năm nhà máy này hoạt động, nhiều người dân ở thị trấn An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) chết trẻ do ô nhiễm nguồn nước, khói bụi, tiếng ồn phát ra từ nhà máy… Cho nên, đi theo Trung Quốc chỉ có một con đường, đó là con đường chết.

Đỗ Cao Cường còn là đạo diễn của nhiều thước phim mầu xám, ghi nhận những hình ảnh cuộc sống ngắc ngoải của con người và cảnh vật xám xịt xung quanh (Thảm Hoạ FormosaLời Kêu Cứu Muộn Màng,Để Tang ĐấtXác Sống Ở Hà NộiLàng Chết Ở Hải Phòng) với hy vọng khán giả nhận thức được diện được "những tên tội phạm, những kẻ sát nhân, chúng không chỉ chống lại loài người mà còn tước đoạt quyền sống của các loài sinh vật khác".

may3

Cái giá phải trả cho những cuốn phim ngắn ngủi này hoàn toàn không rẻ. Em không chỉ bị đe dọa mà còn bị vu vạ bởi những lời lẽ bẩn thỉu và ti tiện từ nhiều phía. Dù tuyệt đối đơn độc, Đỗ Cao Cường  vẫn không hề nao núng hay phẫn nộ :

"Tôi xin phép gửi lời thương xót vô tận dành tặng các bạn dư luận viên cùng tất cả những người con thiếu học, thiếu chiều sâu, vô cảm trong cái đất nước này, nếu nhìn kỹ, không cần đợi đến tương lai, bản thân các bạn và gia đình các bạn cũng đang là nạn nhân, nạn nhân của một học thuyết không tưởng, nạn nhân của những vấn nạn vô phương cứu chữa".

May mà có em đời còn dễ thương !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 09/10/2019 (tuongnangtien's blog)

(1) According to official statistics, almost 115,000 citizens in Vietnam were killed by cancer in 2018 – meaning more than 300 died of the disease each day.

Published in Diễn đàn

Các nhà lãnh đạo, các cá nhân và tập thể, các bộ, ban, ngành cần phải thay đổi tư duy cũ, nhanh chóng tiếp thu, học hỏi những cái mới, những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành những hạt nhân nền tảng cho sự chuyển mình của dân tộc, tiến bước cùng thời đại.

Tạp chí Cộng sản

cau1

Tháng rồi tôi tìm ra một cái nhà trọ rẻ không ngờ, giá chỉ 10.000 kips mỗi đêm (khoảng một US dollar) thôi, nơi bản làng của người Khơ Mú – ở Thượng Lào. Tất nhiên là không có giường nệm, bàn ghế, điện nước gì cả – ngoài một cái đèn dầu hột vịt tù mù.

Tôi đã qua nhiều đêm trong những trại tù nên không phiền hà gì ráo, chỉ hơi lo lắng về chuyện tiêu tiểu mà thôi. Khi hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, người chủ chỉ tay và hất mặt ra phía trước. Tôi nhìn theo, với đôi chút bất an vì chỉ thấy một cái mái nhỏ tí teo ở xa xa. Đến tận nơi mới biết đó là một nhà vệ sinh công cộng, khá sạch sẽ, do Port Hope Rotary Club từ Canada xây tặng.

Tôi chưng hửng. Ủa ! Ai mà dè là những thành viên của một hội thiện nguyện của Gia Nã Đại đã có mặt nơi đây từ đời thưở nào rồi. Trải qua bao dặm sơn khê (11 tiếng xe buýt từ Vientiane lên Luang Prabang, 2 giờ 30 phút xe đò từ cố đô của Lào đến Nong Khiaw, thêm hơn 60 phút đi ghe từ cái thị trấn giữa đèo này lên đến làng Muang Ngoy, rồi cuốc bộ cả một buổi sáng mới đến được cái "khách sạn đèn dầu" này) nên tôi "tưởng" mình là người đầu tiên từ Châu Mỹ đặt chân đến bản Pha Yong chớ.

cau2

Nhà trọ và nhà cầu ở bản Pha Yong, Bắc Lào. Ảnh : tnt

Đúng là tưởng năng thối. Thối hơn nữa là tôi cũng lại "tưởng" rằng chỉ ở những thôn làng heo hút (nơi không ai có khái niệm chi về vệ sinh công cộng) thì mới cần đến sự trợ giúp của người nước ngoài để có được cái cầu tiêu hay nhà xí. Té ra, ở nước mình cũng thế thôi – theo những mẩu tin (gần nhất) vừa xuất hiện trên báo chí xuất bản tại Việt Nam : 

- Sáng 29/5 : Sở Ngoại vụ Bắc Giang phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành và bàn giao dự án "Nước sạch và vệ sinh tại Trường Trung học cơ sở Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa.’Dự án nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng không hoàn lại của Tổ chức phi chính phủ Latter Day Saint Charities (LDSC, Hoa Kỳ). Được biết, đây là công trình nhà vệ sinh thứ 14 mà Tổ chức LDSC triển khai tại huyện Huyện Hòa trong vòng 3 năm gần đây". 

- Ngày 12/9 : Đoàn đại biểu chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản phối hợp cùng với Huyện đoàn Krông Ana và trường mẫu giáo Hoa Sen tổ chức lễ khánh thành Nhà vệ sinh Trường mẫu giáo Hoa Sen. 

Mà nói chi đến huyện Krông Ana (Darlac) hay Hiệp Hoà (Bắc Giang) cho nó xa xăm. Vietnam Heritage - December 2016-January 2017 – tạp chí viết bằng tiếng Anh, một dạng truyền thông son phấn của chế độ hiện hành – cho biết :

"Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets... Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities. Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year".

Má ơi ! Giữa Thủ đô của lương tâm nhân loại và Thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) mà vài chục ngàn người mới có được một cái nhà vệ sinh công cộng ! Thảo nào mà Việt Nam nổi tiếng vì có đến hai cái Bay lận, chớ không phải một : Ha Long Bay và Cam Dai Bay.

cau3

Cấm đái bậy - Ảnh minh họa : tintuc.vn

Đây là một vấn nạn mới của Việt Nam do hiện tượng đô thị hoá (urbanization) vội vã mà ra chăng ?

Hổng dám mới đâu. FB Phạm Xuân Cần cho biết : "Từ năm 1934, ông Lê Viết Lới đã đề xuất xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho Thành phố Vinh, Bến Thủy". Trên trang báo Thanh - Nghệ - Tịnh Tân Văn  (số 195, xuất bản tháng 2 năm 1934) tác giả đặt vấn đề :

"Nếu có một người ở các phủ huyện vì công việc tới phố, nhưng khi lưu lại tại phố nhỡ có đại tiểu tiện thì họ lấy chỗ mô mà tiện giải ? Họ đành tìm chỗ bên sông, lạch nước làm xằng, bị người lính cảnh sát vớ lấy phạt xu. Cũng có khi một người nhà quê đã thường tới phố đi chợ, chỉ mang trong mình một tấm thẻ sưu, lính cảnh sát đã phạt về tội không đúng vệ sinh, còn phạt thêm tội không giấy ngụ cư nữa".

Hơn tám mươi ba năm sau, ông Lê Văn Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Nhà Vệ Sinh Việt Nam) cũng nêu lên mối quan tâm tương tự nhưng nhấn mạnh vào góc cạnh vệ sinh :

"Trong quá trình nghiên cứu, tôi đi thực tế, khảo sát ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước và thấy nhà vệ sinh ở các trường học, bệnh viện, bến xe, ga tàu... hiện nay quá tệ. Cần nói thêm, căn cứ vào số liệu của thế giới và Bộ Y tế, trong nhà vệ sinh bẩn có 200 con vi khuẩn thường trực mỗi khi phát sinh chất thải. Các con vi khuẩn này sẽ lây lan ở cấp số nhân với môi trường ẩm thấp và nếu không có biện pháp giải quyết thì sẽ gây hệ lụy rất lớn đến con người, cộng đồng, văn minh đất nước".

Con số "vi khuẩn" thực sự có thể lớn hơn gấp bội, theo lời của Bill Gates, nhà tỷ phú đã hiến tặng 400 triệu Mỹ Kim để cải thiện mô thức cho cái bồn cầu ở những quốc gia đang phát triển : "It was a glass jar filled with human feces… there could be over 200 trillion rotavirus particles, 20 billion Shigella bacteria, and 100.000 parasitic worm eggs". (Kẻ viết những dòng chữ này không biết rotavirus particles và Shigella bacteria là cái con bà gì ráo nên không thể chuyển dịch đoạn văn thượng dẫn. Kính mong được độc giả lượng thứ).

May là đất nước vẫn có những nhân vật như ông Lê Văn Hiệp, người tự nguyện bỏ cả tài sản (lẫn công sức) để vận động thành lập Hội Nhà Vệ Sinh Việt Nam – dù bị cả dư luận lẫn chính quyền cười chê hay tránh né :

"Tôi còn nhớ thời điểm đầu, tôi bị người ta chê cười rồi nhìn bằng ánh mắt dè bỉu, thiếu tôn trọng mỗi khi nhắc đến nhà vệ sinh, bên cạnh đó là vấn đề về chủ trương, chính sách thực hiện. Tôi cầm văn bản của các cơ quan chức năng cho phép vào các cơ quan đơn vị để khảo sát, nghiên cứu về nhà vệ sinh nhưng hầu hết họ đều từ chối với lí do là chuyện riêng của cơ quan".

Phản ứng của của "giới cơ quan chức năng" trước cái nhà vệ sinh khiến tôi nhở́ đến bản tin của trang Tiếng Dân, đọc được vào hôm 29 tháng 9 năm 2019 :

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết về Cách mạng 4.0. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước lại tiếp tục nói xạo với dân, bằng cách đưa ra các mục tiêu cho tương lai xa… : Tới 2025, internet băng thông rộng phủ 100% các xã" ; "Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới" hay "Bộ Chính trị đặt mục tiêu, năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp...

Tôi chết được chứ không phải bỡn đâu, Giời ạ ! Đến năm 2045 mà "nhà vệ sinh phủ 100 % các xã" là cũng quý hoá lắm rồi. Nói chi đến những chuyện xa xôi (và mơ hồ) dữ vậy, cha nội ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 05/10/2019 (tuongnangtien's blog)

**********************

Tiểu bậy loạn đàm (!!)

Những tưởng cái việc "giải quyết nỗi buồn" là việc tế nhị cá nhân, ai cũng biết nhưng không cần thiết phải đề cập tới. Thế mà gần đây nó lại được bình luận xôn xao dưới góc độ đạo đức xã hội. Thật buồn lắm thay !

cau4

Việc "giải quyết nỗi buồn" là việc tế nhị cá nhân đang được bình luận xôn xao dưới góc độ đạo đức xã hội

Chúng ta biết, không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, từ W.C (Water closet : nhà vệ sinh) lại chứa thành tố "closet", nghĩa là buồng riêng, buồng kín.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà bất cứ công trình kiến trúc nào, dù là căn hộ gia đình hay tòa nhà thương mại, công sở… cũng đều thiết kế khu vệ sinh ở cuối hành lang hoặc mặt sau tòa nhà, phải đi theo mấy cái mũi tên chỉ dẫn mới đến được.

Tất cả đều chứa hàm ý rằng, chuyện tiêu tiểu của con người được mặc định là phải thực hiện ở một nơi kín đáo.

Thế nhưng đáng buồn là hành vi rất bản năng, cá nhân này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí, trên các diễn đàn mạng xã hội và bị soi chiếu, mổ xẻ dưới góc độ đạo đức. Gần đây nhất, vụ người phụ nữ đứng che chắn cho người đàn ông tè bậy trong thang máy chung cư Moscow Tower (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) hôm 3/10 đã khiến cả cộng đồng "dậy sóng" phản đối.

Nguyên nhân tè bậy là gì ? Vài chục năm trước đây nhiều người đổ tại do cơ sở hạ tầng thiếu thốn làm nảy sinh hành vi xấu xí. Thời mà nhà cấp 4 chật chội, đa phần là nhà ống, ngăn phòng bằng vách ngăn rồi kéo ri đô, nhà ai cũng chỉ có một góc nhỏ để tắm giặt và đi tiểu. Nhu cầu cao hơn hoặc nhà có nhiều người nảy sinh nhu cầu cá nhân cùng lúc thì người chậm chân hơn sẽ phải đi ra "nhà 7 gian".

Mà cả ngõ chỉ có một công trình dân sinh như thế, nên lâu lâu lại thấy cảnh có anh hàng xóm nhà đang bao việc mà cứ đứng bắt chéo chân ở lan can, có cô em thập thò, bứt rứt (không vì lý do tình cảm) ở dãy nhà tế nhị. Bao câu chuyện tình cảm đôi lứa đã nảy sinh trong hoàn cảnh khó tả đó.

Và, không khó lý giải khi trong một số trường hợp đứng bắt chéo chân mãi chẳng đặng đừng, nhiều người đã phải chọn cách ra cánh đồng, vỉa hè để "xả lũ"… cho "nó" mát.

Thế rồi thời đó, trẻ em thường hay hỏi bố mẹ vì sao chú kia đứng úp mặt vào tường ? Và các bậc cha mẹ, để giữ cho đầu óc con trẻ khỏi vẩn đục, đã phải bịa ra rằng vì chú hư nên bị cô giáo phạt (!).

Thế rồi vẫn thời đó, nhan nhản ngoài đường phố, trên những bức tường gạch bong tróc nham nhở - phản ánh năng lực kinh tế của một giai đoạn xã hội – bên cạnh những dòng chữ quảng cáo thông tắc bể phốt lại có vài nét chữ to tướng, nguệch ngoạc : "Cấm đ… bậy".

Dòng chữ này phổ biến đến nỗi mà nhiều khách du lịch nước ngoài khi sang Việt Nam đã mải miết đi tìm nơi có vịnh Cam Dai (từ "bậy" được khách nước ngoài đọc không dấu thành "bay", trong tiếng Anh nghĩa là hòn vịnh) và hi vọng nó sẽ đẹp như Ha Long bay (vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh), Ninh Van bay (vịnh Ninh Vân ở Nha Trang)… Đến khi họ hiểu ra "Cam dai bay" là gì, đa phần người Việt cảm thấy bẽ bàng !

Câu chuyện "đầu ra" của con người sau đó đã được nghiên cứu bài bản dưới góc độ xã hội học cũng như hạ tầng đô thị. Và kết quả là những năm tiếp theo, cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, nhu cầu bức thiết về những cái W.C đạt chuẩn đã được thỏa mãn.

Đến giờ, "nhà 7 gian" bị khai tử vì nhà ai cũng có công trình phụ riêng. Đường phố được trang bị những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và bất cứ quán sá nào cũng có toilet. Đi xa thì cứ vài chục kilomet lại có một cây xăng hay trạm dừng nghỉ có khu vực để giải quyết nhu cầu cá nhân.

Ấy thế nhưng đâu đó vẫn có người tè bậy ở nơi công cộng và lọt vào camera để rồi vài tiếng sau, anh/chị ta được "sáng" nhất toàn cõi mạng. Điều đáng nói, không phải ở cánh đồng, cũng không phải trên núi cao hẻo lánh, không hiểu vì lý do gì mà thang máy những tòa nhà chung cư hiện đại thời gian gần đây lại thu hút số người đến tè bậy đến thế ?

Bây giờ không đổ tại cho hoàn cảnh thiếu thốn nhà vệ sinh được rồi. Chỉ có thế nói là do trình độ dân trí thấp, lối sống hoang dã, tư duy "cha chung không ai khóc"… mà ra.

Năm ngoái, tôi có chuyến du lịch cùng một đoàn các bác hưu trí ở khu phố. Xe đi từ Hà Nội vào miền Trung, thời gian ở trên xe kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Biết các bác tuổi cao, thận yếu nên cứ đi được 2 tiếng tài xế lại tìm trạm dừng nghỉ cho hành khách xuống đi vệ sinh. Nhưng không ai chịu vào trạm dừng nghỉ vì vào đó mất tiền, thay vào đó đồng loạt xin xuống giữa cánh đồng để "giải quyết".

Thế là cứ từng tốp các bác trai đứng dàn hàng ngang, các bác gái nhấp nha nhấp nhổm. Sau khi đứng lên thì cả một cánh đồng cỏ xanh rì trở nên lốm đốm màu trắng của giấy vệ sinh. Lên xe, các bác hỉ hả bảo nhau : "Thời chiến, ta còn khỏe thì phải xả thân cứu nước, nay già rồi, chậm "xả nước cứu thân" là chết". Tất cả cùng cười vang, hoàn toàn không bận tâm đến vấn đề ý thức hay là môi trường.

Hiện nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định, từ ngày 1/2/2017, mức phạt tiền lên tới 3 triệu đồng (gấp 10 lần mức cũ) với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.

Thiết nghĩ, việc xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm minh, đi kèm với các hình phạt bổ sung mang tính giáo dục ý thức như : Phạt lau dọn vệ sinh toàn bộ khu vực thang máy nơi vi phạm, bị dán ảnh tại nơi vi phạm… Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng "tiểu đường" nhưng không do bệnh lý, mà do ý thức.

Bình Minh

Nguồn : Người Đưa Tin, 07/10/2019

Published in Diễn đàn
vendredi, 27 septembre 2019 22:02

Ếch & Bò

Trung Quốc đã làm rất tốt về việc xây dựng mạng xã hội của riêng họ. Vì vậy, Việt Nam cũng nên xây dựng mạng xã hội của mình.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

La grenouille qui veut se faire aussi grosse que le boeuf.

Jean De La Fontaine

ech1

Trong lịch sử loài người, dường như, không xứ sở nào lại có một tầng lớp lãnh đạo "sính" chuyện viết lách như ở Việt Nam :

- TBT Trường Chinh, làm thơ với bút hiệu Sóng Hồng.

- TBT Nguyễn Văn Linh, viết báo với tên NVL.

- TBT Nông Đức Mạnh, người suốt đời chỉ quan tâm đến lâm nghiệp và nông nghiệp (trồng cây gì ? nuôi con gì ?) cũng vừa làm công luận vô cùng kinh ngạc về bộ Tuyển Tập dầy cộm của ông, do nhà xuất bản Sự Thực xuất bản năm 2018.

Nói chung thì tất cả các đồng chí lãnh đạo đều có tác phẩm để đời ráo trọi :

- Tuyển Tập Lê Duẩn

- Tuyển Tập Phạm Văn Đồng

- Tuyển Tập Trường Chinh

- Tuyển Tập Lê Khả Phiêu

- Tuyển Tập Nguyễn Phú Trọng

Riêng Chủ tịch đầu tiên của nước VNDCCH, kiêm Chủ tịch Đảng, đã để lại cho hậu thế Hồ Chí Minh Toàn Tập  (trọn bộ) tới 15 cuốn lận. Người còn làm thơ (tiếng Tầu) viết kịch (tiếng Tây) và đặc biệt nổi bật trong thể loại tự truyện – autobiography – với những bút danh xa lạ : Trần Dân Tiên hoặc Th. Lan. Ngay cho đến nay, bài viết ("Địa Chủ Ác Ghê") của Bác – xuất bản năm 1953, với bút hiệu CB – vẫn còn được dư luận rất quan tâm và vô cùng… ái ngại !

Tiến sĩ Mạc Văn Trang nhận xét : "Cái này là mốt của những nhà cộng sản, bất kỳ ai làm Tổng bí thư đều có sách, từ xưa đến giờ : ông Lê Duẩn có rất nhiều sách, ông Trường Chinh, ông Nguyễn Văn Linh, ông Đỗ Mười cũng rất nhiều sách".

Đến như cỡ ông Đỗ Mười mà "cũng rất nhiều sách" thì đủ biết là giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam thích "trước tác" đến cỡ nào. Có điều ít ai để ý là ngoài việc chăm chỉ viết lách, họ còn vô cùng nhiệt tình… đốt sách nữa cơ. Họ đốt từ Hà Nội đến Sài Gòn. Một người dân ở lại miền Bắc sau năm 1954, ông Tự Do, cho biết :

"Tôi phải học năm cuối cùng, tú tài 2, cùng một số ‘lớp chín hậu phương’, năm sau sẽ sát nhập thành ‘hệ mười năm’. Số học sinh ‘lớp chín’ này vào lớp không phải để học, mà là ‘tổ chức hiệu đoàn’, nhận ‘chỉ thị của thành đoàn’ rồi ‘phát động phong trào chống văn hóa nô dịch’ ! Họ truy lùng… đốt sách !

Hai mươi mốt năm sau, tình trạng này lại tái diễn :

- Trần Bích San : "Sau khi dùng bạo lực cưỡng chiếm miền Nam, Cộng Sản thực hiện cấp thời, qui mô chính sách tieu diệt toàn bộ văn hóa phẩm Việt Nam Cộng Hoà. Khoảng hơn 180,000,000 quyển sách đủ loại bị tịch thu, thiêu hủy" (Trần Bích San, Văn Học Việt Nam, New Orleans, LA, Cảo Thơm, 2018).

- T. Vấn : "Đó là những ngày tháng tủi hổ nhất cho lịch sử Việt nam, khi hàng ngàn thanh niên sinh viên học sinh của bên thua trận bị chính quyền mới ra lệnh vào tận những nhà sách, nhà xuất bản, cả những kệ sách tư nhân, tịch thu tòan bộ sách báo, ấn phẩm, tất cả những gì được in ấn, phát hành ở miền Nam trước tháng 4 năm 1975 đem ra đốt".

- Nguyễn Ngọc Chính : "Không có con số thống kê chính thức nhưng người ta ước đoán có đến vài trăm ngàn sách báo và băng, đĩa nhạc bị thiêu đốt trong chiến dịch truy quét văn hóa phẩm đồi trụy-phản động tại Sài Gòn. Sách báo trên kệ sách trong nhà của tư nhân bị các thanh niên đeo băng đỏ lôi ra hỏa thiêu không thương tiếc".

Thời gian, may thay, không đứng về phe những kẻ phần thư. Những tác phẩm bị thiêu hủy đều có thể được tái tạo, dưới hình thức khác (gọn gàng, nhẹ nhàng, và dễ tiếp cận hơn nhiều) trong thời đại mới. Internet là một phát kiến ngoài dự đoán của Geroge Orwell nên nhà tiên tri của thế kỷ XX đã bị thời đại vượt qua. Trong tác phẩm Nineteen Eighty-Four  (1984) ông viết : "Who controls the past controls the future : who controls the present controls the past" (dịch "Ai kiểm soát được hiện tại, kiểm soát được quá khứ. Ai kiểm soát được quá khứ, kiểm soát được tương lai").

Những phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay khiến cho chế độ toàn trị mất ráo mọi thứ quyền "kiểm soát". Hơn chục năm trước, báo Công An Nhân Dân (số ra ngày 05/10/2007) đã than thở rằng "blog như là một thứ hệ lụy và quản lý blog là… chuyện buộc cẳng chim trời". Đến nay thì tình hình đã có phần (hơi) đổi khác : buộc chỉ chân voi. Vậy thì đành phải theo thời thôi !

Thế là Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam cho ra đời hằng trăm trang mạng. Tất cả đều tưng bừng khai trương và âm thầm đóng cửa – theo nhận định của VnExpress, đọc được vào hôm 18/09/2019 : "Rất ít mạng xã hội của Việt Nam tồn tại được quá một năm. 9 năm trước, mạng xã hội Go.vn ra đời kèm theo tuyên bố chắc nịch từ lãnh đạo của dự án này là : Soán ngôi Facebook sau 6 tháng với 5 triệu người dùng. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu chiếm 40–50% lưu lượng truy cập mạng xã hội tại Việt Nam vào năm 2015. Nhưng rồi dự án mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tương tự Go.vn, còn nhiều cái tên mạng xã hội cũng ra mắt đình đám nhưng sớm ‘chết yểu’ như Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn...".

Tất cả mọi người đầu biết những sự kiện này, trừ mỗi ông tân Bộ Trưởng (Thông tin và truyền thông) Nguyễn Mạnh Hùng. Tại lễ ra mắt mạng xã hội Lotus, nhân vật này tuyên bố rằng : "Người Việt có thể làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm ". Nói vậy (chắc) chưa đã miệng nên đương sự còn thêm : "Thành công của Lotus sẽ góp phần để đến 2020, người dùng các mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương người Việt Nam dùng các mạng của nước ngoài".

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VCCorp (đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus) cũng hùng hổ, và hùng hồn, không kém : "Kỳ vọng sẽ đạt mốc 4 triệu người dùng mỗi ngày, sau đó sẽ tăng lên 20 triệu, thậm chí 50 triệu người dùng".

Hai ông Trời con này khiến tôi nhớ đến mấy câu thơ ngụ ngôn của Thái Bá Tân :

Con Ếch ngu ngốc ấy

Nổ đánh bùm thật to

Thế là hết con Ếch

Muốn to bằng con Bò.

Còn công luận thì nhận xét ra sao ?

- Tiến sĩ Nguyễn Đức An : Trên thực tế, họ ra mắt rầm rộ nhưng có lẽ là hơi vội vì hiện vẫn chưa có giao diện trên web, chỉ là một ứng dụng trên thiết bị di động … nội dung thì có vẻ rất nhiều thứ vô thưởng vô phạt, với lượng tin bài gái xinh-trai đẹp và những chuyện cướp-giết -hiếp chiếm tỉ trọng lớn.

- Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (Đại học Công nghệ Ilmenau) : Họ nói là mạng xã hội dựa trên nội dung, nhưng nội dung kiểu gì mà khi vào thì toàn nội dung rẻ tiền.

- Luật sư Nguyễn Văn Đài : Mạng xã hội Việt chỉ lãng phí tiền và người.

- Báo Lao Động : Mạng xã hội 1.200 tỉ : Chỉ toàn hot girl vậy sao ?

- BBC : Phát triển mạng xã hội của Việt Nam có đang đi sai hướng ?

Câu trả lời xin được nhường cho một nhân vật có thẩm quyền, ông Trần Anh Dũng – CEO & Founder của công ty cổ phần MOG : "Việc phát triển một sản phẩm công nghệ là luôn đổi mới, không dừng lại nên nếu số vốn đầu tư không đủ lớn, mô hình không đủ tốt thì sẽ ‘đốt’ tiền rất nhanh. Và khi đó, trào lưu phát triển mạng xã hội sẽ lại gặp thực trạng như vài năm trước là chết như ngả rạ". 

ech2

Hai cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn (trái) khai nhận tổng cộng là 3,2 triệu đôla hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ. Ảnh chú thích : BBC

Cái gì chứ "đốt tiền" thì giới quan chức Việt Nam đều có năng khiếu cả. Hai vị bộ trưởng tiền nhiệmđã thể hiện khả năng thiên phú của họ một cách vô cùng ngoạn mục. Nay thì đến lượt ông Nguyễn Mạnh Hùng. Tiền đến tay ai thì người ấy cất thôi. Good luck, sir !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 27/06/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 26 septembre 2019 12:29

Cầu cống & Tuyển tập

Mồm miệng đỡ chân tay.

Thành ngữ

cau1

Vài năm trước – từ Miên – tôi sang Lào bằng cửa khẩu Stung Treng rồi lần lên phía Bắc qua Pakse, Savannakhet, Vientiane, Vang Vieng, Luang Prabang … Sau cuộc hành trình này, tôi đi đến một kết luận (hơi) nghiêm trọng : "Người Lào hoàn toàn không có khái niệm gì về thời gian cả". Hay nói cách khác, bằng ngôn ngữ âm nhạc của Phạm Duy, là họ luôn cố giữ "đừng cho không gian đụng thời gian". Bất cứ đâu – ở đất nước này – bạn cũng có thể thấy những cô gái Lào đang thản nhiên tắm suối, hay hồn nhiên ngồi quay sợi và dệt vải, cứ như thể là chúng ta vẫn còn đang sống ở Thời Trung Cổ vậy.

cau2

Ảnh (tnt) chụp ở Nong Khieu, Thị Trấn Giữa Đèo, Bắc Lào 2016

Mỗi năm một tuổi. Năm nay, tôi già hơn và mệt mỏi hơn (thấy rõ) nên chỉ thoáng nghĩ đến những con đường nhỏ bé/ngoằn ngoèo/dằn xóc ở Lào cũng đã cảm thấy hơi yếu trong người. Bởi vậy, thay vì đi xe, tôi bay luôn đến Luang Namtha (rồi) từ đây mới tà tà xuôi Nam bằng xe hoặc ghe đò.

Đến Si Phan Don (Quần Đảo Bốn Ngàn) ở cực Nam Lào có thể nghe được tiếng gà xao xác gáy bên kia bờ sông, thuộc đất Cambodia. Gọi 4000 Islands  là quần đảo nghe cho nó vui (tai) chứ thực sự thì hầu hết đều chỉ là những cồn cát nhỏ, bỏ hoang, không có chi ngoài cây cỏ/trâu bò và cò vạc.

Hai trong ba hòn đảo lớn tập trung dân cư là Don Det và Don Khone, cách nhau cỡ năm bẩy cây số, được nối liền bằng một cái cầu. Đi thuyền cũng tiện nhưng tôi quyết định dùng xe (đạp) chơi, trông cho nó có vẻ trẻ trung.

Thiệt là một "quyết định" vô cùng… ngu xuẩn !

Ai mà dè đường đất gồ ghề và mấp mô dữ vậy, hả Trời. Lại đang giữa mùa mưa nên nhiều đoạn ngập ngụa bùn lầy và trơn trượt. Ngay cả đường vào tình yêu ("có trăm lần vui có vạn lần buồn") theo như cách mô tả của Y Vân chắc cũng không đến nỗi khó khăn và gian truân đến thế. Tôi đạp vã mồ hôi mà chả thấy xóm làng, nhà cửa gì hết trơn hết trọi.

Thỉnh thoảng mới có một cô hay một cậu đi Honda cùng chiều, hoặc trái chiều (cũng lấm len bùn đất) khiến tôi mừng húm :

- Hello, từ đây tới Don Khone còn bao xa ? (Hello, how far from here to Don Khone ?)

Dù chắc chắn không ai biết tiếng Việt hoặc tiếng Anh nhưng chỉ nhìn vào hình ảnh trước mắt (một ông già mặt mũi bơ phờ, áo ướt đẫm mồ hôi, ngồi trên cái xe đạp bê bết đất bùn) họ đều "thầm hiểu" vấn đề. Tất cả đều trả lời y như nhau, và đều trật lất :

- 100 mét (100 meters) …

Mới đầu, tôi tưởng thiệt. Sau gần chục lần ("100") như thế tôi vẫn thấy mình đang còn ở giữa đồng không mông quạnh. Từ đó, tôi mới ngộ ra rằng người Lào cũng hoàn toàn không có ý niệm chi rõ ràng, hay chính xác, về không gian cả. Ở xứ sở này, xem chừng, chả ai phải bận rộn hay vội vàng gì. Cứ đi lai rai, trước sau gì cũng tới thôi. Hỏi han, thăm dò làm chi cho má nó khi. 

Mà thiệt, cuối cùng, tôi cũng đến Don Khone ! Nơi đây hoang dại, trầm lắng và thơ mộng hơn hẳn hai hòn đảo lân cận. Xuyên suốt chỉ có mỗi một con đường đất hẹp, chạy dọc theo bờ sông. Nhờ thế tôi "khám phá" ra ngay được một "di tích" nhỏ : La Villa Patrimonial Français.

Ngôi biệt thự này được xây vào năm 1896 để dùng làm nơi nghỉ mát cho mấy ông quan thời thuộc địa. Nay thì nó trở thành khách sạn Sala Done Khone Hotel  với giá đắt gấp đôi (24 USD/một ngày) những nhà trọ kề bên. Lý do giản dị chỉ vì đây đã từng là nơi qua đêm của nhiều quan chức cao cấp, cỡ toàn quyền và cả đống những ông đại sứ – theo như (nguyên văn) của mấy dòng chữ ghi trên tấm biển quảng cáo, ghi ngay ở cổng vào : Cette villa a acceulli de nombreux officiers de haut rang tel M. Paul Dumer, le gouverneur de l’Indochine française et de nombreux ambassadeurs venus visiter 4000 iles.

cau3

Ảnh (tnt) chụp ở Si Phan Don, Sleepy Island, Nam Lào 2019

Oh ! Tưởng ai chứ Paul Doumer thì dù tên ông bị viết sai (Dumer) tôi vẫn nhận ra. Ông nổi tiếng không chỉ vì tài ba mà còn vì hay được "báo chí cách mạng Việt Nam" nhắc đến với những lời lẽ không lấy gì làm ưu ái :

"Cần phải nói rõ, Paul Doumer được cử giữ chức Toàn quyền Đông Dương từ năm 1897 đến 1902. Là nhà cai trị độc tài, vừa đến Việt Nam, Paul Doumer liền nghĩ đến một chương trình kiến thiết đầy tham vọng, mục đích nhằm khai thác kinh tế Việt Nam. Dưới thời của ông, chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam bước sang một bước ngoặt mới. Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam. Ông tổ chức khai thác cùng kiệt nguồn tài nguyên của các nước Đông Dương, biến nơi đây thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mại của thực dân Pháp. Ông đã cho kiến thiết lại hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương nhưng người dân Việt phải chịu sưu thuế rất nặng nề để phục dịch và chu cấp cho việc này".

Wikipedia  (giọng Hà Nội) cũng thế :

"Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam, mang đến phân hóa rõ rệt giữa ba miền… Ông cũng tổ chức khai thác tài nguyên của các nước trong Liên hiệp Đông Pháp, biến Đông Dương thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mãi của Pháp, và cùng lúc thành lập nơi đây một tiền đồn kinh tế và quân sự vững chắc của thực dân Pháp tại toàn cõi Viễn Đông".

Tưởng cũng nên nghe thêm một tiếng nói khác, chừng mực và khách quan hơn, từ trang mạng có trụ sở đặt tại Hoa Kỳ – trithuc.vn :

"Paul Doumer là một chính khách người Pháp, sinh năm 1857. Ông làm Toàn quyền Đông Dương từ 1897-1902. Cuốn hồi ký "Xứ Đông Dương" là một tài liệu quý viết riêng về hành trình, nhận định và trải nghiệm của ông trong giai đoạn 5 năm ở Đông Dương, mà phần lớn là ở Việt Nam (thời đó gọi là An Nam).

Về con người của Paul Doumer, ông là người có kiến thức nhiều lĩnh vực, là Bộ trưởng tài chính Pháp trước khi sang Đông Dương nhận chức Toàn quyền. Sau này ông còn làm Tổng thống Pháp từ 1931-1932. Quyển "Xứ Đông Dương" ghi lại nhiều nhận định của ông về nhiều mặt : địa lý, kinh tế, hành chính, con người, văn hóa… ở những nơi ông đi qua.

Để phục vụ nước Pháp hết mình, Doumer đã ra sức chấn chỉnh bộ máy quản lý ở các xứ thuộc địa, đồng thời xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đáng chú ý như : cầu Doumer (sau đổi tên thành cầu Long Biên) – được coi là một kỳ quan của Đông Dương thời ấy, cầu Thành Thái (tức cầu Tràng Tiền) bắc qua sông Hương ở Huế và cầu Bình Lợi bắc qua sông Sài Gòn.

Ông cũng chính là người đã ủng hộ và hậu thuẫn công việc nghiên cứu của Yersin, đồng ý xây dựng thành phố Đà Lạt và đưa cây cao su vào trồng. Dưới thời cai trị của Paul Doumer, Hà Nội là thành phố Châu Á đầu tiên có điện.

Paul Doumer hành động hoàn toàn vì lợi ích của nước Pháp. Nhưng ông là một nhà kinh tế có tài và có tầm nhìn. Chính do vậy, người Pháp có lợi nhưng xứ thuộc địa cũng được hiện đại hóa, Tây phương hóa".

Phạm Văn Đồng  giữ chức Thủ tướng 32 năm (1955 1987), Lê Duẩn làm Tổng bí thư 25 năm nhưng cả hai không để lại cho hậu thế một ngôi trường hay một cây cầu nào ráo. Hồ Chí Minh cũng thế. Ông là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng 24 năm trời nhưng chỉ để lại cho đời Hồ Chí Minh toàn tập (trọn bộ 15 cuốn). Theo gương của Bác, những đồng chí lãnh đạo kế tục cũng đều mỗi người in chơi vài… tập :

- Tuyển tập Lê Duẩn

- Tuyển tập Phạm Văn Đồng

- Tuyển tập Trường Chinh

- Tuyển tập Lê Khả Phiêu

- Tuyển tập Nông Đức Mạnh

- Tuyển tập Nguyễn Phú Trọng

cau4

Chúng thay nhau nói, đứa nào cũng nói luôn mồm và chỉ nói thôi chứ chả thằng nào làm được một con đường hay một cái cầu nào ráo – kể cả cầu tiêu !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 25/09/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 22 septembre 2019 20:24

Dự kiến một buổi lễ báo công

Người của Trung Quốc làm gì ở Việt Nam ? Đánh bạc ở Hải Phòng. Sản xuất ma túy trên Tây Nguyên. Tổ chức làm phim đồi trụy tại Đà Nẵng. Chỉ đạo ở Hà Nội. Thế thì còn lĩnh vực tội ác nào chả có bàn tay của người Trung Quốc ?

Nguyễn Thông

baocong1

Sau khi đi quanh một vòng thế giới, tôi vô cùng ái ngại khi ngồi lại trong sổ tay của mình dòng chữ ngắn ngủi sau : không xứ sở nào mà lại có lắm thứ lễ lạt như ở nước mình.

Coi :

Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Anh Hùng

- Lễ Đón Nhận Danh Hiệu Đoạt Chuẩn Quốc Gia

- Lễ Trao Tặng Vinh Dự Nhà Nước

- Lễ Trao Tặng Dụng Cụ Cho Học Sinh Nghèo

- Lễ Trao Tặng Huy Hiệu Đảng

- Lễ Đón Nhận Bằng Khen

- Lễ Tôn Vinh Doanh Nghiệp Xuất Sắc & Doanh Nhân Tiêu Biểu

- Lễ Tôn Vinh Thương Hiệu Phát Triển Bền Vững

- Lễ Tiếp Nhận Cán Bộ Chuyên Trách Về Công Tác

- Lễ Tiếp Nhận Thiết Bị Phòng Thí Nghiệm

- Lễ Vinh Danh Các Doanh Nghiệp Du Lịch Hàng Đầu

- Lễ Vinh Danh Báo Cáo Thường Niên Tốt

Lễ lạt phong phú và đa dạng tới mức ngay cả đến báo Nhân Dân mà cũng đâm ra… lo lắng :

"Thời gian qua, tình trạng tổ chức tràn lan lễ kỷ niệm các ngày thành lập, ngày truyền thống, festival… ở nhiều bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã trở thành ‘phong trào’ ; kéo theo đó là không ít sự rình rang, tốn kém ; chưa nói đến những khuất tất phía sau".

Phần "khuất tất" chắc hẳn nằm ở "công đoạn" thâm lạm khi có cớ để mua sắm, nhất là những khoản chi tiêu mà không ai dám "dị nghị" gì ráo trọi, như trong những dịp Lễ báo công dâng Bác chả hạn :

- Công an tỉnh Ninh Bình tổ chức Lễ báo công dâng Bác

- UBND huyện Đông Anh tổ chức Lễ báo công dâng Bác

- Đoàn đại biểu Học viện Quân y báo công dâng Bác

- Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam báo công dâng Bác

- Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động báo công dâng Bác

- Ban Công tác Phụ nữ Bộ Công an báo công dâng Bác

- Công an tỉnh Thanh Hoá báo công dâng Bác

- Hơn 300 cán bộ chiến sĩ CATP Hà Nội báo công dâng Bác

- BĐBP Nghệ An báo công dâng Bác tại Quảng trường Hồ Chí Minh

- Đảng ủy Phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 

- Báo Công an Nghệ An dâng hoa báo công với Bác

Vậy mà cái vụ "thu giữ lô hàng 1 tấn ma túy đá tại xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu " lại không thấy công an tỉnh Nghệ An báo công với ai ráo trọi. Mấy địa phương khác cũng vậy luôn. Trang mạng Soha  cho hay :

"Bộ Công an đã triệt phá thành công sào huyệt và đường dây của nhóm sản xuất ma túy  với quy mô cực khủng. Qua đó, bắt 7 đối tượng quốc tịch Trung Quốc, thu giữ 13 tấn hóa chất để sản xuất ma túy tại khu nhà xưởng thuộc Cty xuất nhập khẩu Đồng An Viên (do ông Trần Ngọc An làm đại diện) ở Khu làng nghề tổ dân phố 3B, thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum….

Cũng trong tháng 8, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - CO4 khám xét hai kho chứa hóa chất dùng điều chế ma túy ở phường Bùi Thị Xuân (Thành phố Quy Nhơn, Bình Định), thu gần 290 thùng và trên 300 bao hóa chất, bắt giữ 6 người (trong đó có 4 người Trung Quốc)".

RFA  tổng kết : "Chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã thu giữ 7 tấn ma túy các loại, trong khi con số của cả năm 2018 chỉ có 2,2 tấn". Cứ thế, qua tới tháng 12 thì con số dám lên tới 20 tấn như không. Gần gấp 10 năm trước. Thiệt là quá tải nên (tôi đoán) có lẽ Đảng và Nhà nước quyết định đợi cuối năm rồi rồi báo luôn một thể, cho nó tiện việc sổ sách, chớ báo liền liền (sợ) Bác mệt. Chịu gì thấu. Sức Người có hạn thôi chớ bộ.

Số lượng ma túy hàng vài chục tấn này (thay vì tẩu tán) nếu mang bán để trả nợ công thì số nợ dám giảm hơn phân nửa, chứ chả bỡn đâu. Chỉ cẫn giữ lại "700 kg ma túy bắt được tại Nghệ An" cũng dư sức cho người dân địa phương "xóa đói giảm nghèo" rồi. Thiệt là ơn Bác. Nếu không nhờ Người tìm đường qua nước bạn để nhận chỉ thị từ Mao chủ tịch, hồi giữa thế kỷ trước, nay làm sao có lối khiến cả tấn ma túy lọt vô được quê choa !

Lễ báo công dâng Bác cuối năm nay, bởi thế, hẳn phải vô cùng hoành tráng. Tất cả các chiến sĩ công an chắc chắn đều sẽ được thăng cấp, kể cả Đại tướng Tô Lâm – cho dù ông có (hơi) lem nhem chút đỉnh trong vụ AVG và MobiFone chăng nữa.

baocong2

Ảnh : FB Lê Huy Cầm

Chỉ còn vấn đề nho nhỏ, cỡ con thỏ thôi, là Việt Nam có quyền tài phán hay không ? Chớ còn để cho người nước Lạ trộm cướp, cờ bạc, lạm dụng tình dục, sát nhân, buôn người, thao túng thị trường chứng khoán, sản xuất cả chục tấn ma túy… ngay trên lãnh thổ của mình mà chỉ xử phạt hành chính qua loa, rồi thả tội phạm trở về cố quốc thì còn bẩm báo làm (cái con c.) gì nữa cho Bác thêm lo ! Cứ thế này, không chóng thì chầy, rồi cũng đến lúc chúng lấy luôn lăng của Người làm nơi sản xuất ma túy cho xem !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 20/09/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Cái sẩy nó nẩy cái ung.

Thành ngữ

Bằng giờ này năm trước, tháng 10 năm 2018, I.F.R.I – Institut Français des Relations Internationales – đã cho phổ biến bài viết ("Chine : Une puissance pour le XXIe Siècle") với hơi nhiều lời… có cánh. Thử xem chơi vài câu, qua bản dịch ("Trung Hoa : Một siêu cường của thế kỷ XXI") từ trang Nghiên Cứu Biển Đông :

Trung Quốc đã nổi lên là một cường quốc kinh tế, và mong muốn trở thành cường quốc trong mọi lĩnh vực. Trung Quốc đang phát triển một chiến lược gắn kết và tổng thể nhằm khẳng định, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, là một cường quốc hình mẫu về kinh tế, quân sự, ngoại giao, chính trị và ý thức hệ. Trung Quốc còn dự định đề xuất một mô hình phát triển và quản trị đất nước thực sự, và tiến hành cơ cấu lại quản trị toàn cầu.

say1

Việc nổi lên của một cường quốc là một hiện tượng tương đối hiếm gặp, và chỉ có thể nhận thấy trong cả quãng thời gian dài. Sau sự xuất hiện của các cường quốc Anh và Mỹ trong những thế kỷ trước, thế kỷ 21 có thể là thế kỷ của siêu cường Trung Quốc.

Ngoài các thành tựu kinh tế, có lẽ điều phân biệt Trung Quốc với các nước mới nổi khác là quyết tâm không thể lay chuyển của Đảng cộng sản Trung Quốc thúc đẩy "sự đổi mới vĩ đại của nhà nước Trung Quốc".

Một ý chí sức mạnh 360°…

Một ý chí mạnh mẽ muốn được thừa nhận là cường quốc…

Một Trung Quốc hình mẫu cho các nước khác…

Đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng bối cảnh hiện tại thuận lợi cho Trung Quốc, và mong chờ thập kỷ sắp tới với một sự lạc quan nhất định, đồng thời không ngần ngại nhấn mạnh mặt trái của thế giới và người dân phương Tây.

Nói tóm lại, và nói theo ngôn ngữ của giới bóng đá VN, là Trung Quốc sắp đặt cả nhân loại dưới gót chân của họ bằng những kỳ tích để đời. Cùng lúc – khắp nơi – thiên hạ vẫn thường được nghe những lời phát biểu, với khẩu khí cũng tự tín và lạc quan (tương tự) từ ông Chủ tịch đảng kiêm Chủ tịch nước của xứ sở này :

- Trung Quốc đang ở vào một "thời cơ lịch sử", bước vào một "kỷ nguyên mới" sẽ được đánh dấu bằng sự kiện đất nước đang trở thành một "lực vĩ đại" [mighty force] trên thế giới và đóng một vai trò gương mẫu [role model] cho việc phát triển chính trị và kinh tế.

- Chúng ta cần củng cố niềm tin về con đường, lý luận, hệ thống và văn hóa của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, và chia sẻ kinh nghiệm quản trị với các nước khác.

- Sau khi thống nhất hòa bình, Đài Loan sẽ có hòa bình lâu dài và người dân sẽ được hưởng cuộc sống tốt đẹp và thịnh vượng. Với sự hỗ trợ tuyệt vời của ‘mẫu quốc,’ nền an ninh của đồng hương Đài Loan sẽ còn tốt hơn nữa, và không gian phát triển của họ sẽ còn lớn hơn nữa.

- Hương Cảng  luôn trong trái tim tôi.

Tập Cận Bình có "nổ" lớn quá không ?

Không đâu ! Cùng với quyền lực nghiêng trời lệch đất, ngài chủ tịch còn có thêm một khối óc vỹ đại cùng tầm nhìn bao quát toàn cầu. Ông là cha đẻ của Sáng kiến Vòng đai & Con đường (The Belt and Road Initiative) còn được gọi là Nhất đới Nhất lộ nối liền những trọng điểm kinh tế từ Trung Quốc sang Châu Âu và Châu Phi. Sáng kiến này được mô tả là "dự án lớn nhất của thế kỷ" (the largest project of the century) với kỳ vọng sẽ mang lại "một trật tự mới cho thế giới".

Quả đất vốn đã xưa, thế giới vốn đã cũ nên mọi sự mới mẻ đều được vui vẻ đón chào. Niềm vui, tiếc thay, hơi ngắn. Cái được mệnh danh là trật tự Trung Hoa – Sino-centric order – chưa kịp thành hình (mới chỉ có trong óc tưởng tượng thôi) thì đã có "sự cố" vô cùng đáng tiếc xẩy ra, khiến cho chính nước Tầu bỗng trở nên hơi bị lộn xộn và rối rắm.

say2

Ảnh : reddit.com

Cái "sẩy" này tuy chỉ vì chút "thiếu tế nhị" trong lãnh vực pháp lý nhưng đã nẩy ra một cái ung to đùng, có thể làm tiêu tán giấc mộng (lớn) của Tập Cận Bình. Vấn đề đã được Mary Hui – tường thuật viên của Quartz, tại Hồng Kông – tóm gọn như sau, theo bản lược dịch của Đoan Trang :

Dự luật này mới được đưa ra hồi tháng 4 vừa qua. Mục đích của nó là sửa đổi hai đạo luật hiện hành đang điều chỉnh việc dẫn độ và hỗ trợ tư pháp giữa Hong Kong và các nơi khác : 1. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu ; 2. Pháp lệnh về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Pháp lệnh về tội phạm đào tẩu mà Hong Kong đang sử dụng hiện nay được thông qua ngay trước khi Hong Kong trở về với Trung Quốc (năm 1997). Pháp lệnh này quy định rõ là nó không áp dụng cho việc dẫn độ và tương trợ tư pháp với "chính quyền nhân dân trung ương hay chính quyền của bất kỳ địa phương nào của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Bắc Kinh và chính quyền đặc khu Hong Kong hiện nay muốn sửa đổi pháp lệnh đó để có thể dẫn độ nghi phạm về các nước chưa ký hiệp định tương trợ tư pháp với Hong Kong, trong đó có cả Trung Hoa lục địa. Và vì thế, dự luật dẫn độ ra đời.

Thế là sóng gió ba đào :

Lý do chủ yếu để người dân Hong Kong phản đối dự luật dẫn độ là vì lo sợ nó sẽ phá hoại nền tư pháp độc lập cũng như tự do của Hong Kong. Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vốn đầy rẫy vi phạm nhân quyền với một bộ máy công an gây ra hàng loạt cái chết trong đồn, một hệ thống xét xử hoàn toàn bị đảng cầm quyền thao túng, dẫn đến tình trạng oan sai, khiếu kiện và dân mang quan tài đi diễu phố (tương tự như Việt Nam).

Có thể ví dự luật dẫn độ như một giọt nước tràn ly, và phản ứng dữ dội của người dân Hương Cảng như những cái tát (nháng lửa) vả liên tiếp vào mặt của Tập Cận Bình :

- Hơn 1 triệu người biểu tình ở Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ...

- Hồng Kông tê liệt vì biểu tình phản kháng chính quyền

- Người biểu tình Hồng Kông so sánh cảnh sát với chế độ Hitler

- Chính khách Úc 'so sánh' Trung Quốc với phát xít Đức 

- Phong trào phản đối Luật dẫn độ đã dần công khai nhắm vào Đảng cộng sản Trung Quốc

- Người Hồng Kông đốt cờ Trung Quốc

- Vụ tự sát thứ ba của người Hồng Kông chống luật dẫn độ

- Mười nghìn người Đài Loan biểu tình ủng hộ Hồng Kông

- G7 "quan ngại sâu sắc" về tình hình Hồng Kông

- Xuống đường ở Macau ủng hộ biểu tình Hong Kong

- Sinh viên Hồng Kông bãi khóa để phản đối Bắc Kinh

- Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố ủng hộ nền độc lập của Hồng Kông

- Đức kêu gọi Trung Quốc bảo đảm các quyền tự do cho dân Hồng Kông

- Biểu tình Hong Kong : Đã có tiếng súng !

say3

Ảnh :boingboing.net

Sau vô số lời đe doạ, sau khi bạo lực bị chống trả mãnh liệt bởi bạo động, và sau khi súng đã nổ nhưng những cuộc biểu tình vẫn giữ nguyên cường độ nên Trung Hoa Lục Địa "bỗng" trở nên nhũn nhặn và… lễ độ thấy rõ. Mềm nắn, rắn buông. Không buông, ngó bộ, không xong đâu !

South China Morning Post, số ra hôm 4 tháng 9 năm 2019, loan tin : "Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam thông báo rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi. Hong Kong leader Carrie Lam announces formal withdrawal of the extradition bill". Josuhua Vong đáp lại rằng như thế là "quá ít và quá muộn. Too little and too late". Theo BBC, ông còn cho biết thêm : "Biểu tình sẽ tiếp tục cho đến ngày có bầu cử tự do".

Cụm từ "bầu cử tự do" – tiếc thay – lại không có trong tự điển của Tập Cận Bình. Nay muốn thêm vào e hơi bị khó. Sợ nó sẽ làm đảo lộn trật tự không chỉ ở đảo Hồng Kông mà còn ngay cả ở Trung Hoa Lục Địa nữa. Giấc mộng "Sino-centric order " – ngó bộ – còn xa. Nó cũng xa xăm và mơ hồ (y) như giấc mộng siêu cường của Tân Hoàng Đế vậy

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 10/09/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn