Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/10/2019

Nhà nước & Nhà nát

Tưởng Năng Tiến

Giữa những cá nhân như Hà Văn Nam và ông Nguyễn Văn Thể - người mà quá trình phục vụ cách mạng gắn bó chặt chẽ với sự ra đời, phát triển của các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ở Việt Nam – ai đáng vào tù hơn ?

Trân Văn

nha1

Khi còn ở nhà với mẹ, tôi hay bị bà cụ mắng : "Mày có cái tật cứ vung tay quá trán con ạ". Lúc ra ở riêng, vợ mắng tiếp : "Sao anh cứ có đồng nào là xào liền đồng đó vậy !".

Nói nào ngay thì chả mấy khi tôi có tiền. Khi có cũng chả là bao. Dành dụm làm chi cho nó mệt nên tôi tung hê, chơi "xả láng sáng về sớm" cho nó khỏe. Chả trách, tôi nghèo kinh niên và nghèo thường trực. Khốn khó cỡ tôi mà nghe đến tiền triệu còn có khái niệm lơ mơ, chớ tới bạc tỷ là hết hồn hết vía ngay.

Bởi vậy, tuần rồi tôi tối tăm mặt mũi khi nghe Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu. Năm mươi ba ngàn tỷ là bao nhiêu lận, cha nội ? Mà sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời ?

nha2

53.000 tỷ đồng cho vay BOT, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng

May mà lại gặp người biết chuyện, FB Canh Tranthanh giải thích cặn kẽ và gọn ghẽ như sau :

"Em" lên duyệt chỗ bộ giao thông của anh Thăng anh Thể được cái "dự án BOT abc", đáng ra đầu tư hết độ 500 tỷ, thu phí độ 10 năm là đủ cả vốn lẫn lãi. Thế nhưng không, nhặt từng đồng thế thì ăn gì, lâu giàu lắm ! "Em" về vẽ lại dự án lên thành 5.000 tỷ, thu phí 30 năm. Tiền đầu tư hơi nhiều thì... vay ngân hàng ! Thế là "bọn ta" gồm "bác" lớn, quan bộ, chủ dự án, ngân hàng cùng nhau chén cái món chênh lệch nho nhỏ 4.500 tỷ kia, theo một nguyên tắc hạch toán kinh tế kinh điển, BAO NHIÊU CHI PHÍ TÍNH VÀO GIÁ THÀNH !
Chi phí con đường 500 tỷ đã biến thành 5.000 tỷ, trong đó chủ yếu là tiền vay ngân hàng, bởi ai cũng biết, bọn làm BOT ở nước ta vừa rồi chủ yếu tay không bắt giặc - thế mới tài tình ! Tất nhiên là đứng đằng sau mấy thằng "tay không" kia, luôn là một số bác nhớn...

Nếu dự án BOT cứ yên ả, xe cứ qua, tiền cứ thu thì rồi nợ lãi ngân hàng cũng trả được. Thế nhưng bọn BOT tham quá, làm BOT bẩn, tận thu tận vét đến mức đường quốc lộ nó quét qua tí nhựa rồi cũng đè ra móc túi dân : một hành động ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN, chứ không thể định nghĩa khác được !

Dân ta phản đối quyết liệt. Thậm chí xô xát nổ ra...
Thế là chuyện ỏm củ tỏi lên đến tai thiên đình. Bèn cho thanh tra kiểm toán nhảy vào. Mới vỡ lở ra chuyện bọn làm BOT nó ăn kinh hoàng ! Tất nhiên là ngân hàng bơm tiền tiếp tay cũng được ăn khá !

Nay đâm khó !

Bắt bọn BOT làm đúng như quy chuẩn thì… bỏ mịa ! Số tiền chênh lệch kia nó rút ra, chia chác đầy đủ, anh trên em dưới chú bác ngang ngang đều có phần mà, "bọn ta" đều hưởng cả mà, chia rồi, tiêu rồi, nhà Mỹ mua rồi, thẻ xanh chạy rồi... giờ mà đòi thì lấy đâu ? Mà đòi ai ? "Bác" có nhận tiền mày hồi nào đâu...

Mà không xử BOT bẩn, cái trò ĂN CƯỚP CÔNG KHAI CÓ SỰ BẢO KÊ CỦA NHÀ NƯỚC GIỮA BAN NGÀY kia, thì sẽ mất hết tính chính danh của quyền lực. Và một khi tính chính danh không còn thì... liệu có giữ nổi cái... BOT mà ăn với nhau được không ?

Thế nên ông Lê Minh Hưng lo lắng là phải, cái món 53 ngàn tỷ cho vay BOT kia tất nhiên thành nợ xấu. Cơ mà ông cũng không nên lo lắng quá, trăm dâu đổ đầu tằm, rồi đổ ráo lên đầu cho dân nước Việt chịu, ông chả phải chịu đâu mà lo !

Hay là ông cứ điểm danh, tất cả những thằng có chữ ký trong mọi dự án BOT bẩn kia, lôi ra bắt đứng hàng ngang dựa cột, chĩa súng hỏi : " Nộp tiền ăn cắp hay xơi kẹo đồng ?", thế thì mới đòi được tiền, không còn lâu, nhé !

Trong chớp mắt, status này có hàng ngàn người chia sẻ và hằng trăm người góp ý. Xin ghi lại dăm ba :

- Trịnh Thị Mơ Nhóm lợi ích Bộ giao thông rồi nhóm lợi ích Tập đoàn Điện lực... rồi còn biết bao bộ nghành nữa... còn nhiều và nhiều lắm... chỉ tội người dân thôi muôn đời không trả hết nợ.

- Thuần Trần Tiền vào túi lũ khốn hết dân gánh nợ đến bao giờ ! ?

- ĐôngY Công Tuấn Các khối ung thư di căn khắp các bộ ngành ! Thằng ăn khoai thằng đổ vỏ !

- Tâm Nhật Đăng Ko sao đâu các bác... 53 ngàn tỷ chia đều cho 100 triệu dân thì mỗi người chịu một ít…

Vâng thì các bác tính sao em cũng chịu cả. Dầu chỉ hút lên mang bán mà còn lỗ, tiền qũy bảo hiểm xã hội mang cho vay lấy lời cũng mất trắng luôn thì nợ BOT thành nợ xấu cũng là chuyện đúng qui trình cả. Em chỉ có chút băn khoăn thôi : Thế còn ông Hà Văn Nam thì sao ?

Nam nào ? Nam là ai ?

BBC :

"Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở Thái Bình, sống tại Hà Nội và được biết rộng rãi trên mạng xã hội như một người có nhiều hoạt động phản đối các hoạt động thu phí BOT mà ông cho là bất hợp lý. Ông Nam có gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân.

Trước khi bị bắt, ông Hà Văn Nam từng tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.

Ông cũng cùng bạn bè là các lái xe đặt các lán, trại cạnh các BOT để bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không. Vụ việc ông Nam bị bắt hồi tháng 3/2019 đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng".

RFA :

"Ông Hà Văn Nam, một người hoạt động từng nhiều lần phản đối các trạm BOT đặt không đúng vị trí trên khắp cả nước vừa bị Tòa án nhân dân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh tuyên 30 tháng tù giam với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" vào sáng 30/7/2019.

Sáu người khác gồm các ông phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại".

Nếu không có những người như ông Hà Văn Nam, Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải… thì số nợ xấu của BOT dám tăng lên gấp đôi (60.000 tỷ) nhưng chính vì thế mà họ lại bị ghép tội ("gây rối trật tự công cộng") và bị nhốt tù.

Chính phủ gì mà kỳ vậy ? Nhà Nước hay nhà nát mà lạ thế ? Đã nát đến thế mà không mất nước vào tay ngoại bang thì mới là chuyện lạ !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 25/10/2019 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)