Doanh nghiệp : dẹp thì "phút mốt", dựng mới khó
Huy Đức, 31/10/2023
Sở Giao thông Vận tải nói là sẽ đảm bảo phương tiện thay thế. Tôi tin là Sở có đủ xe nhưng liệu Sở có thể cung cấp cho hành khách "dịch vụ Thành Bưởi" ? Thành Bưởi là một nhà cung cấp dịch vụ công cộng, đình chỉ hoạt động của Thành Bưởi không chỉ đánh vào một doanh nghiệp mà đánh vào một nhu cầu của dân chúng.
Nếu lấy lý do "để xảy ra tai nạn giao thông" thì nên tham khảo thông tin dưới đây để so sánh mức độ xảy ra tai nạn của hai hãng Thành Bưởi và Phương Trang.
Nhờ Thành Bưởi mà người dân đã được phục vụ tốt hơn
Nếu vì "kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch không đúng quy định về đón, trả khách tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện", thì nên sửa các quy định ấy. Nhờ Thành Bưởi mà người dân đã được phục vụ tốt hơn [nếu một người dân ở quận 5 đi Đà Lạt có mang theo vài cái vali thì chỉ riêng tiền taxi đi tới Bến xe Miền Đông đã bằng tiền vé lên Đà Lạt].
Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật thay vì nhắm vào doanh nghiệp.
Thành tựu 37 năm đổi mới của Việt Nam là đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp và các thương hiệu mạnh. Tuổi thọ của các doanh nghiệp cho thấy mức độ bền vững của nền kinh tế. Dựng một doanh nghiệp rất khó. Đừng để một doanh nghiệp có thể sống sót qua sóng gió thương trường nhưng lại chết tức tưởi trước sự lạnh lùng của một tờ A4.
Huy Đức
Nguồn : fb.Osinhuyduc, 31/10/2023
****************************
Hãng xe Thành Bưởi trong "trận đánh đẹp" truyền thông
Tuấn Khanh, RFA, 30/10/2023
Câu chuyện hãng xe vận tải Thành Bưởi từ lúc có những tin tức "tố cáo" của báo chí cho đến lúc phải ngừng hoạt động, phải nói là một vụ đánh thần tốc. Mọi diễn biến được tính toán đưa lên trên mặt trận truyền thông khiến bộ mặt của một hãng xe trở nên đen đúa dần, tệ hại dần, và cuối cùng bị gọi tên như tội phạm, dù chưa có tòa án nào kết luận.
Những "trận đánh đẹp" của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân.
Nếu nói về hoạt động truyền thông của Việt Nam, từ vụ Ngọc Trinh qua đến Thành Bưởi, có thể nói đây là một cột mốc quan trọng đánh dấu ngày báo chí Việt Nam đã bước vào giai đoạn phối hợp nghiêm, "đánh đẹp" trong sự nhất quán quan điểm, tuần tự và trật tự trên không gian mạng. Gần như không tìm thấy bất cứ một góc nhìn cân đo nào khác, đối với ‘người có tội" theo chủ trương.
Sự kiện hàng đầu của hãng xe Thành Bưởi, được Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra là vụ nhà xe này gây tai nạn khiến năm người chết và nhiều người bị thương ở Đồng Nai ngày 30/9/2023. Rồi sau đó, đẩy dần lên là chuyện trốn thuế, tài xế chạy nhanh nhiều lần bị phạt, giao xe cho tài xế có sai phạm về hợp đồng và giấy phép…
Quả thật, gây tai nạn là chuyện phải làm nghiêm. Trốn thuế phải phạt, sai phạm về người và giấy phép lái xe phải bị xử lý. Nhưng theo mô tả của của nhiều tờ báo, truyền hình trong cơn say đấu tố có những điều mà người ta tưởng chừng như, cả nước đang vào cuộc lật mặt một tổ chức xã hội đen đang lũng đoạn đất nước.
Gây tai nạn trong công việc vận tải, thiết nghĩ không chỉ có Thành Bưởi. Nhiều hãng xe hoạt động trên các tuyến đường miền Nam mòn mỏi lâu nay không được nâng cấp, đã làm đủ mọi cách để làm được công việc của mình. Và khi tai nạn xảy ra, có tên nhiều hãng xe lớn, kể cả đối thủ của Thành Bưởi. Ví dụ tai nạn "nghiêm trọng" như báo chí mô tả về Thành Bưởi, hãng xe Phương Trang cũng nhiều lần lật xe, làm bị thương nhiều hành khách. Mà chuyện lật xe của Phương Trang cũng thường xảy ra từ cả chục năm nay. Kể cả chết người, hãng xe Phương Trang cũng có. Chuyện mới nhất còn gần hơn cả Thành Bưởi, xảy ra vào đầu tháng Mười này.
Duy nhất trên báo Tri Thức & Cuộc Sống, một dòng ngắn nằm chen lẫn giữa các lời "tố cáo", như đánh thức mơ hồ về mặt khác của "trận đánh đẹp" phối hợp, đang tập trung vào Thành Bưởi. "Thực tế, thời gian qua, không chỉ có nhà xe Thành Bưởi có dấu hiệu vi phạm mà nhiều nhà xe khác cũng có nhiều tai tiếng, nhưng chưa được xử lý triệt để, toàn diện", trích bài viết.
Để nhấn mạnh vào tính "xã hội đen" của hãng xe Thành Bưởi, các tờ báo thay phiên nhau đặt những tựa rất kêu như "sự lộng hành của Thành Bưởi", "Nhà xe công khai thách thức pháp luật", thậm chí có báo còn đặt câu hỏi đầy trong sáng và đạo đức "ai chống lưng cho Thành Bưởi ?". Liệu đây là một câu hỏi tu từ hay là một khát vọng đi tới sự thật của báo chí Việt Nam ? Và nếu có một quan chức nào đó chống lưng, tờ báo nào sẽ là nơi đầu tiên công khai tên nhân vật đó ?
Thậm chí, câu chuyện tai nạn do xe Thành Bưởi gây ra, được giật tít là nguyên cớ của sự lên án tập thể, không có một tờ báo nào quan tâm đến nạn nhân, để phỏng vấn chi tiết công ty này về cách thức giải quyết hậu sự cho người bị nạn, và chuyện này sẽ là tiền đề cho việc các tai nạn xe trong tương lai thế nào, chẳng hạn ?
Trên trang Facebook của nhà báo Huy Đức có một nhận định đáng suy nghĩ về "trận đánh đẹp", rầm rập thẳng hàng của truyền thông nhà nước : "Nên cá thể hóa các sai phạm [của các cá nhân trong Thành Bưởi] để xử lý theo đúng pháp luật thay vì nhắm vào doanh nghiệp".
Quả vậy, trong sự phát triển của Việt Nam, đời sống kinh tế có muôn điều cần giải quyết. May thay, Việt Nam là một quốc gia có công bố luật pháp của mình. Ai làm nấy chịu, và cần thì phạt nặng. Trịnh Văn Quyết đang ngồi chờ ra tòa, bị truy tố, nhưng hãng hàng không Bamboo vẫn hoạt động, không thể đóng cửa vì gắn với tên ông ta. Ông Trần Bắc Hà khi bị giam giữ, nhưng không có nghĩa hệ thống ngân hàng BIDV bị giải thể vì ông ta là người đứng đầu.
Việc xử lý vi phạm của công ty Thành Bưởi là chuyện phải làm, theo luật pháp Việt Nam. Nhưng những "trận đánh đẹp" của báo chí Việt Nam lúc này, là một ví dụ buồn chán về sự ăn theo thông tin, hừng hực tố giác trong khung được phép, thậm chí làm hỗn loạn cả các tin tức và thái độ của người dân.
Những trận đánh đẹp rồi có thể được in thành sách, một ngày nào đó, trong cơn hăng say tuyên vận, nhưng nhiều năm nữa, khi đọc lại, có thể là điều vô cùng bẽ bàng về sự thô lậu của nghề làm báo. Thậm chí, có thể là nỗi nhục âm thầm của những người làm báo chân chính vì không đủ sức để cưỡng lại được dòng chảy một chiều ghê sợ lúc này.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 30/10/2023
Đề nghị của ông Nguyễn Thiện Nhân : Trao 130.000 tỉ đồng lẽ ra phải dùng vào các dự án đầu tư công cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để EVN cắt lỗ (1) -khiến công chúng nổi giận nhưng đó không chỉ là chuyện để… giận. Trong bối cảnh kinh tế - xã hội như hiện nay, loại đề nghị này của một cá nhân đại diện cho nguyện vọng, ý chí toàn dân bộc lộ một vấn đề khác, đáng bận tâm hơn : Đại biểu Quốc hội thản nhiên phô bày nỗ lực vận động cho lợi ích "của EVN, do EVN, vì EVN" còn dân sinh thế nào thì thuộc loại chuyện "sống chết mặc bay" ! Cứ như tường thuật của báo chí Việt Nam, hơn 400 cá nhân khác đại diện cho nhân dân tại cơ quan quyền lực cao nhất của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng chẳng có ai thèm bận tâm tới lợi ích "của dân, do dân, vì dân" nên hoặc đồng tình, hoặc… nín thinh, không ai phản bác đề nghị "bất cận nhân tình" ấy.
ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trao 130.000 tỉ đồng cho các dự án đầu tư công cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tuần vừa qua – thời điểm hơn 400 cá nhân đại diện cho nguyện vọng, ý chí của nhân dân tụ tập ở Hà Nội để tiến hành "Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa 15" - không chỉ có nhomloiich, thiên hạ còn thấy ông Tô Lâm – vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là Đại biểu Quốc hội, vừa là Bộ trưởng Công an – trình Quốc hội "Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân". Mục tiêu chính của dự luật là cho phép công an phong thêm năm cá nhân thành tướng và nếu có cá nhân nào trong ngành công an được "biệt phái" làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thì đương sự phải được trao cấp bậc Thượng tướng. Vào lúc này, quốc gia không còn chuyện gì đáng bận tâm hơn nên có thể dành thời gian, trí lực, sức lực vào việc xét xem ngành công an nên có bao nhiêu tướng ?
Đáng ngạc nhiên là kinh tế - xã hội đã và đang trong tình trạng "nước sôi, lửa bỏng" nhưng chính phủ chỉ gửi thêm công điện yêu cầu các ngành và chính quyền các cấp "thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp" (2) và giành phần lớn thời gian, trí lực, sức lực cho những thứ như hỗ trợ Bộ Công an vận động sửa Luật Công an nhân dân sao cho "phù hợp với nhu cầu thực tiễn công tác và cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công an". Ông Tô Lâm trình "Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân" cho Quốc hội không đơn thuần chỉ vì ông muốn, ông được ủy nhiệm thay mặt chính phủ thực hiện một trong những mục tiêu mà chính phủ xác định là trọng tâm, phải gỉai quyết ngay, không thể chậm trễ (3).
Không may cho dân chúng Việt Nam là chính phủ đã thế mà Quốc hội cũng thế ! Ngoài việc chỉ bày tỏ sự sốt ruột vì kinh tế suy thoái trầm trọng, tất cả các giới đang lao đao vì đủ loại khó khăn, những diễn biến mới nhất trên nghị trường cho thấy Quốc hội chỉ chú tâm giải quyết những chuyện "chưa hợp tình, hợp lý" kiểu như luật chưa "thể chế hóa" việc hai trợ lý của ông Tô Lâm phải là Thiếu tướng trong khi ông Tô Lâm vừa là Ủy viên Bộ Chính trị, vừa là Bộ trưởng Công an ! Không phải chỉ có Ủy ban Thường vụ của Quốc hội dành thời gian, trí lực, sức lực cho điều này mà các Đại biểu Quốc hội khác cũng vậy. Nhiều đại biểu đề nghị đã "luật hóa" Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh của Quốc hội phải mang hàm Thượng tướng thì phải "luật hóa" việc trao hàm Đại tướng cho cả Phó Chủ tịch đặc trách quốc phòng và an ninh của Quốc hội (4).
Quốc hội, chính phủ hoạt động bằng tiền thuế do dân chúng đóng góp nhưng vận hành theo kiểu như vừa đề cập vẫn đúng đắn ? Cách nay mươi năm đã từng có thống kê, chi phí mỗi ngày Quốc hội nhóm họp lên đến hàng tỉ, nay với mức lạm phát như đã biết, chi phí cho một ngày Quốc hội nhóm họp lên tới mấy tỉ ? Chi ra mỗi ngày mấy tỉ trong khi dân chúng lầm than, các giới điêu đứng vì kiệt quệ mà không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào và vào dịp tụ tập theo định kỳ ấy thi nhau tung hứng những chuyện như nên dành 130.000 tỉ cho EVN cắt lỗ để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia hay cần phải tăng thêm "tướng" cho ngành công an, "nâng trần quân hàm" cho một số vị trí sẽ giúp "quốc thái, dân an" ? Nếu đã làm luật, xác định Chủ nhiệm Ủy ban quốc phòng và an ninh phải là tướng hoặc quân đội, hoặc công an thì sắp tới sẽ ngừng tổ chức bầu cử Quốc hội để tránh lãng phí ?..
Ngoài chuyện phải thắt lưng, buộc bụng để đóng đủ loại thuế, phí, phải nhịn mọi thứ phúc lợi xã hội lẽ ra phải được thụ hưởng như dân chúng nhiều quốc gia khác để nuôi những cá nhân kiểu như viên tướng công an được "biệt phái" sang Quốc hội làm Chủ nhiệm Ủy ban ANQP, đến khi "thi hành công vụ" do "nhân dân giao phó", viên trung tướng công an đồng thời là Ủy viên BCH TƯ đảng này thay mặt Ủy ban Thường vụ của Quốc hội dành thời gian, trí lực, sức lực để "thẩm tra" những thứ như cái gọi là "Dự luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân", tuyên bố việc ngành công an nên có thêm năm viên tướng và nên nâng chính ông ta (Lê Tấn Tới) từ trung tướng thành thượng tướng là "cần thiết" và "đa số ý kiến nhất trí", chẳng lẽ không phải là bằng chứng mới nhất, rõ ràng nhất về tình trạng các "nhóm lợi ích" lũng đoạn chính sách, pháp luật và dù ra rả tuyên bố kiên quyết chống các "nhóm lợi ích" nhưng lại công khai dung dưỡng cho các "nhóm lợi ích" thỏa hiệp với nhau ở cả chính phủ lẫn quốc hội ?
Cách nay khoảng ba tuần, tại cuộc họp của bộ phận thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Tổng Bí thư đảng cộng sảnVN tuyên bố "Thường trực đã chỉ đạo kiểm tra làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, người đứng đầu trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật có nhiều sơ hở, bất cập để tổ chức, cá nhân lợi dụng trục lợi ; kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, không để cài cắm ‘lợi ích nhóm’, ‘lợi ích cục bộ’ trong ban hành chính sách, pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước và xã hội" (5). Cứ ngẫm sẽ thấy cả chính phủ lẫn quốc hội công nhiên vi phạm hệt như vậy, đồng thời có thể khẳng định, bất kể các "nhóm lợi ích" hành xử trắng trợn đến thế nào thì tất cả vẫn vô can bởi ngoài lợi ích riêng tư, các "nhóm lợi ích" này đều tận tình bảo vệ quyền lực - "lợi ích" nền tảng của "nhóm lợi ích" lớn nhất : Đảng cộng sảnVN !
Đồng Phụng Việt
Tham khảo
(1) https://thanhnien.vn/de-xuat-nha-nuoc-chi-130000-ti-dong-de-evn-cat-lo-185230523214135141.htm
"Lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để cướp cơm dân và bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng.
"Nhóm lợi ích" là những tổ chức cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong Đảng cộng sản Việt Nam đã chia bè, kết phái để bảo vệ độc quyền cai trị cho đảng. Ảnh minh họa buổi họp cấp trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.
Chúng sinh ra và lớn lên từ Thôn, rồi leo lên Xã trước khi ngoai qua Huyện, ngóc đầu lên Tỉnh để ngênh ngang bước vào Trung ương. Lộ trình quan lộ của "lợi ích nhóm" công khai từ dưới lên trên, từ trung ương xuống cơ sở và từ nhà nước vào doanh nhân, xí nghiệp. Khối doanh nghiệp nhà nước là ổ tham nhũng phá hoại đất nước và phản bội sức lao động của dân lớn nhất nhưng không bị trừng phạt mà còn được bảo vệ bởi các "nhóm lợi ích" trong cơ quan đảng và bộ ngành nhà nước.
Thế nhưng, gần 10 năm qua, kể từ Khóa đảng XI (2011-2016) Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng, Thanh tra Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc và Ban Chỉ đạo trung ương Phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đứng đầu đã không sao vạch được mặt, chỉ ra tên các "nhóm lợi ích" để trừng phạt và tịch thu tài sản trả lại cho dân.
Con số trên 100 cán bộ, đảng viên, có người ở cấp cao đã bị bắt tù, bị truy tố, bắt đền bù tiền thu bất chính từ đầu Khóa đảng XII (từ 2016…) là một "thành tích" được báo, đài đảng tung hô để biểu dương ông Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng không ai biết các thủ phạm nổi cộm đã bị ngồi tù như Đinh La Thăng (cựu Ủy viên Bộ Chính trị) ; Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) và Trương Minh Tuấn (cựu Bộ trưởng Thông tin và truyền thông) thuộc "nhóm lợi ích" nào trong đảng.
Hiện nay, trước thềm Đại hội Đảng XIII, dự trù diễn ra đầu năm 2021, một làn sóng "đánh gió" tệ "lợi ích nhóm", hay "nhóm lợi ích" , do Ban Tuyên giáo chủ động, đã bung ra với những quân bài chống "chạy chức", "chạy quyền" và "chạy vào Trung ương" của các phe phái trong đảng.
Việc này cho thấy tình trạng "lợi ích nhóm" vẫn sinh sôi nẩy nở như ong vỡ tổ khắp nơi, khắp chốn và trong mọi lĩnh vực, mọi cửa ngõ ra vào của hệ thống đảng, nhà nước và các doanh nghiệp.
Thậm chí, cả trong báo chí đảng cũng đang chửi xéo, nói xiên về chuyện "lợi ích nhóm" như để tung hỏa mù trong dư luận. Những chuyện báo tống tiền doanh nghiệp, liên kết với nhau viết bài đánh thuê, chém mướn cho nhóm này, phe kia để có lợi cho phe, nhóm trong đảng, hoặc cho chính mình cũng đã được ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo công khai răn đe nhiều lần.
Ngoài ra tình trạng báo làm áp phe phổ biến, ai cũng biết như "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" của làng báo gọi là "cách mạng" của đảng, tuy nay không còn phổ biến đại trà như mấy năm trước, nhưng cũng vẫn âm thầm và rân ran giao du dưới gầm bàn, hay tại các quán bia ôm thời hội nhập.
Vậy mà Ban Tuyên giáo chỉ dám viết như anh mù sờ voi rằng :
"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa".
(Tạp chí Tuyên giáo, 20/05/2020)
Tại sao lại gọi tội phạm tham nhũng của các nhóm băng đảng là "một dạng tham nhũng đặc biệt" khi thủ phạm là cán bộ, đảng viên nắm giữ các chức vụ đã nhận hối lộ và đưa hối lộ ?
Lạy ông tôi đây
Vậy những kẻ đã dùng quyền được trao và chức được ban đã lạm dụng địa vị để tổ chức tham nhũng loại "đặc biệt" này như thế nào ?
Tuyên giáo trả lời :
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó".
"Lợi ích nhóm/nhóm lợi ích kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng ; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật".
(Tuyên Giáo, 20/05/2020)
Chi tiết hơn, theo tài liệu của Tuyên giáo thì các ngõ ngách ăn bẩn và làm giầu của các "Nhóm lợi ích", hay "Lợi ích nhóm" đã diễn ra như sau :
1) "Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực".
2) "Thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…".
3) "Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...".
("Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống 'lợi ích nhóm' ở nước ta hiện nay", Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, Chương H, 2015, tr.42)
Nội chính nói gì ?
Để biết rõ hơn con mắt đảng tuy đã thấy hết mà vẫn như quáng gà trước một thực trạng tha hóa trong đảng đã hết thuốc chữa, chỉ hai năm sau ngày ông Nguyễn Phú Trọng được tín nhiệm lãnh đạo Khóa đảng XI (từ 2011).
Bài tường trình của Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề ngày 01/08/2013 viết như sau :
"Hiện nay, ở nước ta, lợi ích nhóm tiêu cực phát triển khá phổ biến, hiện diện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Nhưng, phổ biến nhất, tác hại và nguy hiểm nhất là lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và được thể hiện dưới các dạng sau đây :
- Tạo quan hệ với cấp trên, với cơ quan có thẩm quyền, khi cần thiết có thể "hối lộ" dưới mọi hình thức để giành được kinh phí, đề tài, dự án… cho đơn vị, địa phương v.v… (trong khi có thể bố trí kinh phí, đề tài, dự án cho đơn vị, địa phương khác sẽ có lợi và hiệu quả hơn).
- Tạo quan hệ, móc ngoặc với những người có chức, có quyền quyết định để được bố trí vào các chức vụ mong muốn cho bản thân hoặc cho người thân trong gia đình, trong khi năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu của vị trí công tác đó.
- Nhà đầu tư, doanh nghiệp tạo quan hệ móc nối với cơ quan, người có thẩm quyền quyết định, hình thành nhóm lợi ích để xây dựng các dự án, chủ trương đầu tư hoặc giành được các dự án "phát triển kinh tế - xã hội" nhằm mục đích kiếm lợi, có chi trả % cho chủ đầu tư, không tính đến hiệu quả đầu tư hoặc hiệu quả thấp, miễn là "có việc" là "có ăn". Người có chức quyền, thoái hóa, biến chất, chỉ chăm lo thu vén lợi ích cá nhân, chỉ phê duyệt cho đơn vị, cá nhân nào biết quan hệ, biết điều, chi trả % đậm hơn.
- Các doanh nghiệp là "sân sau", đồ đệ trung thành của những người có chức, có quyền hình thành nhóm lợi ích, cố kết với nhau để cùng nhau có lợi ích, bảo vệ lợi ích cho nhau. Doanh nghiệp và các đồ đệ trung thành phải chăm lo lợi ích của "sếp" tạo dựng uy tín, lo lót để che chắn khuyết điểm của "sếp", để "sếp" được vào những vị trí công tác mong muốn v.v… Đến lượt "sếp" phải trả ơn, chăm lo lợi ích của các doanh nghiệp, đồ đệ của mình, phê duyệt cho họ những dự án "béo bở", cất nhắc họ vào những vị trí làm việc hứa hẹn nhiều bổng, lộc v.v…
- Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất trong các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra, giám sát, cơ quan điều tra v.v… cũng bị móc nối và vì lợi ích vị kỷ của mình hình thành nhóm lợi ích với các cơ quan, cán bộ, công chức là đối tượng thanh tra, kiểm tra, điều tra v.v… để che chắn khuyết điểm, thậm chí làm nhẹ tội cho các đối tượng này.
Những biểu hiện trên đây của lợi ích nhóm tiêu cực đã được Đảng tổng kết thành các hành vi "chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy tuổi, chạy bằng cấp, chạy huân chương"…"và dư luận xã hội đã tổng kết muốn có chức quyền, lợi ích phải có "tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ và cuối cùng mới là trí tuệ".
Biết rõ chúng cấu kết, thành hình và moi móc để ăn như vậy mà ông Nguyễn Phú Trọng không tìm ra được những "nhóm con sâu mọt người thật và việc thật" để trừng phạt và lấy lại của ăn cắp mà chỉ biết hô hào:" Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, 'lợi ích nhóm', chạy chức, chạy quyền...".
(Tuyên bố của ông Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 12 ngày 11-14/05/2020)
Hay, như Tuyên giáo cũng tát nước theo mưa khi phóng loa : "Đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm" thì những ổ sâu "lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" đến bao giờ mới hết tiền nuôi bồ nhí và xây biệt phủ ?
Phạm Trần
(01/07/2020)
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh và những cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong những vụ biển thủ, bán khống những công ty quốc doanh cho những nhóm lợi ích để trục lợi làm thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng trong ngân sách quốc gia (19/07/2019).
****************
Đọc thêm :
Chủ động phòng và chống "lợi ích nhóm"
Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020
"Lợi ích nhóm" hay "nhóm lợi ích" là một dạng "tham nhũng đặc biệt" cần phải chủ động phòng, chống và ngăn ngừa.
"Lợi ích nhóm" và tác động tiêu cực
"Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" thường liên quan đến người có chức, có quyền khi có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động và cùng phân chia lợi ích. Hiểu nguyên nghĩa, thì "đó là lợi ích của một nhóm người gắn kết với nhau, hỗ trợ, móc ngoặc với nhau, giúp đỡ lẫn nhau để cùng nhau có lợi ích và bảo vệ lợi ích đó" (1). "Lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" kiểu này được hình thành trên cơ sở cùng mục tiêu trục lợi, kiếm chác, tham nhũng; lợi dụng sơ hở của các quy định để tạo các mối quan hệ nhằm móc nối kiếm lợi bất chính cho cá nhân và nhóm mình, bất chấp nhân phẩm, đạo đức, pháp luật.
Sinh thời, trong một số bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh tuy chưa sử dụng khái niệm "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích", nhưng nội hàm của nó được hiểu là óc địa phương, óc bè phái, địa phương chủ nghĩa, cánh hẩu… và Người cũng cảnh báo, từ khi trở thành Đảng cầm quyền, những vấn nạn này ngày càng phát triển tại các cơ quan công quyền. Cụ thể, theo Người: óc địa phương "là vì cận thị, không xem xét toàn thể. Không hiểu rằng lợi ích nhỏ phải phục tùng lợi ích to, ích lợi bộ phận phải phục tùng ích lợi toàn thể" (2) ; óc bè phái là "ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau. Ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống, họ phải mấy cũng không nghe" (3) ; địa phương chủ nghĩa là "chỉ chăm chú lợi ích của địa phương mình mà không nhìn đến lợi ích của toàn bộ" (4) ; cánh hẩu là : "Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn… Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình… Ham dùng những người tính tình hợp với mình" (5), v.v. Những tệ nạn này không chỉ làm "hỏng cả công việc của Đảng" mà còn làm mất đi sự liêm khiết, công bình, chính trực, chí công vô tư của các cơ quan công quyền trong hệ thống chính trị.
Về vấn đề này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, "lợi ích nhóm" ban đầu chỉ đơn giản là lợi ích cục bộ, móc ngoặc với nhau theo kiểu "ông mất chân giò, bà thò chai rượu", chung nhau làm ăn, đôi bên cùng có lợi. Nhưng rồi, cùng với thời gian, lợi ích cục bộ đó bây giờ không chỉ dừng lại ở quan hệ giữa hai bên, hai người mà đã thành "sự ăn cánh", "đường dây" của một nhóm người mưu lợi ích riêng, làm hại lợi ích chung (7).
Cụ thể và chi tiết hơn, theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ" (Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII), "lợi ích nhóm" :
1) Diễn ra trong quá trình hoạch định, ban hành và thực thi chính sách về kinh tế - xã hội như quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên ; trong đầu tư công, quản lý và sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng ; tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi ; lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực.
2) Thao túng trong công tác cán bộ ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội... Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi…
3) Càng về cuối nhiệm kỳ, những người thuộc "nhóm lợi ích" thường chỉ tập trung giải quyết những vấn đề ngắn hạn trước mắt, có lợi cho mình, nhóm mình ; tranh thủ bổ nhiệm người thân, người quen, người nhà dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí, sắp xếp vào vị trí có nhiều lợi ích...
Tất cả những những biểu hiện này đều "tác động tiêu cực đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội trên các phạm vi khác nhau" (8), làm kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, gây suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội và làm mất niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Đồng thời, dưới tác động của nền kinh tế thị trường, "lợi ích nhóm" cũng làm cho sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra nhanh hơn; trong đó, lối sống trung thực, chính trực bị lối sống thực dụng "nịnh trên nẹt dưới", chạy theo đồng tiền, sử dụng đồng tiền trong các mối quan hệ để mua bán, đổi chác quyền lợi và danh vọng ngày càng lấn át. Tệ hối lộ, lại quả, "tham nhũng vặt" đã trở nên quen thuộc và xa hơn nữa là những phi vụ làm ăn mờ ám, béo bở, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy quy hoạch lan rộng đã thúc đẩy sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Đi liền cùng đó, "lợi ích nhóm" đã làm cho một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên sống thiếu lý tưởng, hoài nghi vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, thậm chí thờ ơ, bàng quan trước những thay đổi về đời sống chính trị thế giới và trong nước, vô cảm trước tâm tư, nguyện vọng, đòi hỏi bức xúc của nhân dân; xuyên tạc, phủ nhận, đòi xét lại chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; dẫn đến nhiều địa phương, nhiều cấp ủy không thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, làm trái với nguyên tắc, Điều lệ, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hình thành bè cánh, phe phái trong Đảng, phá vỡ sự đoàn kết thống nhất trong tổ chức, làm suy giảm năng lực lãnh đạo và chiến đấu của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đẩy mạnh phòng, chống "lợi ích nhóm" để đảng trong sạch vững mạnh
Trong những năm qua, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng ; trong đó có phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" đã được đẩy mạnh. Từ Trung ương đến địa phương, việc nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị số 05) đã tạo ra sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của các cấp ủy đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên. Thông qua đó, việc rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ngăn chặn những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ đã đạt được những kết quả tích cực.
Để đẩy mạnh thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhất là phòng và chống "lợi ích nhóm"/"nhóm lợi ích" trước thềm đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện là :
Một là, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu các cơ quan ban, ngành chức năng từ Trung ương đến địa phương về tác động và hệ lụy của "lợi ích nhóm" đến tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của từng người, từng cấp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành và lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết, quy định, quyết định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội...
Hai là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ tâm - tầm - tài ; trong đó, chú trọng từ khâu tuyển chọn, tiếp nhận, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến bố trí, bổ nhiệm, đề bạt, đánh giá, khen thưởng và kỷ luật cán bộ công khai, minh bạch để khắc phục triệt để "lợi ích nhóm" và vấn nạn chạy chức, chạy quyền. Các cơ quan tham mưu về công tác tổ chức, cán bộ cần thực hiện đúng và tốt về thẩm quyền, chức năng tham mưu trong xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, nghị quyết, chế độ của Đảng, Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ ; thực hiện nghiêm túc quy chuẩn, quy trình bổ nhiệm cán bộ và kịp thời đấu tranh chống những biểu hiện cơ hội, "lợi ích nhóm" để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Ba là, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng ; tăng cường công tác quản lý, giám sát và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nói riêng trong mọi mặt công tác, gương mẫu giữa "nói đi đôi với làm" để nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh. Đồng thời, thông qua việc tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp gắn với thực hiện tốt học tập, làm theo tấm gương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để đẩy mạnh đấu tranh, phòng, chống chủ nghĩa cá nhân, các biểu hiện bè phái, cánh hẩu, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, quan liêu, tham ô, tham nhũng, "lợi ích nhóm".
Bốn là, phát huy vai trò thông tin, định hướng của các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao vai trò phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và nhân dân trong thực thi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện có hiệu quả cơ chế dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát; đồng thời, mở rộng các hình thức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với từng đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị một cách phù hợp, coi đó là cơ sở để nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, thiết thực phòng, chống và ngăn chặn "lợi ích nhóm" trong Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị./.
Theo tuyengiao.vn
Nguồn : Tạp chí Tổ chức Nhà nước, 20/05/2020
Ghi chú :
(1) Nguyễn Văn Mạnh : Một số ý kiến về "lợi ích nhóm" ở Việt Nam hiện nay, Noichinh.vn, ngày 01/8/2013.
(2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2011, t. 5, tr. 296, 88, 87-88, 318, 321.
(7) Nguyễn Phú Trọng : Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2017, tr. 90-91.
(8) Thực trạng, xu hướng và giải pháp phòng, chống "lợi ích nhóm" ở nước ta hiện nay, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật, H, 2015, tr. 42.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam : Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr. 202.
Vô hiệu hóa 50 trang tin mang tên lãnh đạo để ‘bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng’ (VOA, 24/12/2019)
Một lãnh đạo Tổng cục Chính trị của quân đội Việt Nam hôm 23/12 nói rằng cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch hiện nay "rất cam go" và "một mất một còn" với thực tế là ngoài lực lượng của chế độ cũ còn có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam.
"Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ, lực lượng vũ trang nhân dân", báo Dân Trí dẫn lời Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội nhân dân Việt Nam, nói tại Hội nghị tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019.
Theo tướng Nghĩa, để thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là "bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng" thì cần phải có sự chuyển biến nhận thức hơn nữa trong bối cảnh cuộc đấu tranh với các thế lực thù địch ngày càng "cấp bách", "nóng bỏng" và "không nhân nhượng" khi phải đối diện với âm mưu thủ đoạn ngày càng "tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ" của các thế lực thù địch, trong đó "thậm chí có những cán bộ cao cấp" và "có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang", vẫn theo Dân Trí.
Tướng Nghĩa cũng lưu ý đến một vấn đề quan trọng khác là chống "lợi ích nhóm" trên mặt trận tư tưởng.
"Nhiều thông tin do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá", ông Nghĩa thông tin thêm.
Cũng tại cuộc họp của Ban tuyên giáo, Thứ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo khi nói về công tác quản lý báo chí đã lưu ý về tình trạng khó khăn khi xử lý thông tin cung cấp từ "bên nọ", "bên kia".
"Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý", Vietnamnet dẫn lời ông Bảo nói.
Hội nghị tổng kết năm của Ban tuyên giáo Trung ương diễn ra giữa bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam, do Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, được cho là càng gần cuối năm càng "rực cháy", khi đại án MobiFone-AVG đang diễn ra thu hút nhiều sự chú ý của công luận với một cựu quan chức của Bộ Thông tin và truyền thông bị đề nghị án tử hình.
Hồi đầu tháng này, Tướng Đoàn Duy Khương – Giám đốc Công an thành phố Hà Nội – trong một báo cáo về tình hình an ninh trật tự của thủ đô năm 2019, cho rằng các tổ chức phản động đã sử dụng phương thức cấp đất, cấp nhà miễn phí để lừa bịp, lôi kéo và chiêu dụ người dân. Tuy nhiên, một nạn nhân mất đất của Hà Nội, anh Trịnh Bá Tư, khẳng định với VOA rằng anh chưa từng biết và cũng không tin rằng chiêu thức "cấp đất, cấp nhà" này, mà chính tự bản thân Đảng Cộng sản đã làm cho người dân nhận thức ra vấn đề qua thực tế tham nhũng và tiêu cực tràn lan.
Thông tin tại cuộc họp ngày 23/12, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết trong năm qua, Bộ này đã xây dựng 20 kế hoạch, "chủ động nắm tình hình", đấu tranh với 300 mạng xã hội, bao gồm Facebook, blog, YouTube, đăng tải 1.500 tin bài trên báo chính thống, 113.000 tin bài viết và video clip, 304 trang web, blog và hàng ngàn bình luận để "đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch".
Công an Việt Nam cũng đã "vô hiệu hoá" 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và yêu cầu dỡ bỏ hàng trăm link trên YouTube có nội dung được cho là "kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật".
Tình trạng siết chặt kiểm duyệt thông tin tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt vào thời điểm chuẩn bị tổ chức cho Đại hội Đảng khoá 13 vào năm tới.
Tháng 10 vừa qua, Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) có trụ sở ở Mỹ đã xếp Việt Nam vào danh sách 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí gắt goa nhất thế giới.
****************
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thượng tướng Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội, tại hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2019 diễn ra ngày 23/12/2019, phát biểu rằng nhiều thông tin do nội bộ trong Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam tung ra ngoài để các "thế lực thù địch" chống phá. Theo ông Nghĩa đây là biểu hiện của lợi ích nhóm trong tư tưởng và cần phải ngăn chặn.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa (hình nhỏ) và Đại hội Đảng Cộng sản Toàn quốc lần thứ XII. AFP/ RFA Edited - Ảnh minh họa
Nhận định về việc thừa nhận có lợi ích nhóm trong Đảng, nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng ở Việt Nam cho biết, trong cơ cấu cả Đảng cộng sản và hệ thống chính trị của Đảng thì Ban Tuyên giáo được xem là rất quan trọng và là cơ quan rất bí ẩn. Thông thường Trưởng Ban Tuyên giáo phải là Ủy viên Bộ Chính trị trong khi cơ quan đó chỉ ngang bộ nên những ý kiến đưa ra từ Ban Tuyên giáo luôn được xem là ý kiến chính thức từ ban lãnh đạo của Đảng.
Còn theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội, thì việc thừa nhận ‘các nhóm lợi ích’ đã có từ lâu nhưng đến bây giờ các quan chức mới dám nói ra. Ông cũng cho biết chuyện lộ thông tin để mang lợi ích cho phe này, phái nọ là chuyện "cổ như trái đất" chứ không phải là chuyện mới mẻ gì.
"Đảng cộng sản Việt Nam cũng như bất kể tổ chức nào khác cũng như thế cả. Trước kia người ta luôn bảo Đảng rất là thống nhất, giữ sự thống nhất trong Đảng như giữ con ngươi của mắt mình. Nhưng đấy là sự lừa mình mà thôi còn giờ chuyện đó nó lồ lộ trên mạng rồi và thật sự đấy là chuyện bí mật mà ai cũng biết.".
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A việc lên tiếng thừa nhận có vấn đề lợi ích nhóm vào thời điểm này nhằm mục đích răn đe đối với các nhóm khác mà thôi.
Thực tế, trước kỳ đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 vào đầu năm 2016, một số thông tin dạng ‘thâm cung bí sử’ trong nội bộ các nhân vật chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam từng được các trang mạng có tên ‘chân dung quyền lực’, ‘Trần Đại Quang’, ‘Nguyễn Tấn Dũng’… công khai
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A người nào có đầu óc suy ngẫm một chút thì có thể vạch ra rất nhiều nhóm như thế trong chính quyền mà chính quyền nào cũng vậy chứ không chỉ riêng chính quyền Việt Nam hay chỉ có trong Đảng cộng sản Việt Nam.
"Bản thân Đảng cộng sản Việt Nam là một nhóm khổng lồ, bản thân chính quyền là nhóm khổng lồ nhưng trong nhóm khổng lồ nó lại chia nhiều nhóm khác nhau, mà các nhóm đó lại có nhiều lợi ích chồng lấn lên nhau nhưng cũng có lợi ích riêng. Ví dụ như quân đội có lợi ích riêng của quân đội, trong công an cũng thế có nhóm cảnh sát giao thông chẳng hạn có lợi ích riêng của họ nhưng mà nhóm điều tra hình sư thì lại hoàn toàn khác hay nhóm chuyên cai quản nhà tù chẳng hạn thì đó cũng là một nhóm lợi ích lớn, có thể có lợi ích riêng của nó mà không chồng lấn nào với các nhóm khác. Bộ tài chính và các sở tài chính các nơi tạo thành một nhóm, mình có thể suy luận rằng họ thu càng nhiều càng tốt. Ví dụ như Bộ Giao thông Vận tải chuyên lo về chi tiêu, đầu tư đường xá cầu cảng… thì họ là nhóm lợi ích khổng lồ. Bộ Kế hoạch Đầu tư phân chia các nguồn lực cũng vậy. Nó có vô vàng các nhóm lợi ích như vậy có thể chồng lên nhau nhưng về đại thể thì có thể khu biệt một cách tương đối. Thì nhưng suy đoán như vậy nó không sai với thực tế cho lắm".
Phó Giáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang từng làm việc tại Viện Khoa học Giáo dục và đã có hơn 54 năm tuổi đảng chia sẻ với RFA :
"Khi mà có phe nhóm thì nhất định sẽ có nhiều mâu thuẫn lợi ích, phe này muốn đánh phe kia thì người ta sẽ đưa tin này tin nọ. Dân thì cứ đồn doanh nghiệp này là sân sau của ông kia, ông nọ. Dân người ta biết hết đó nhưng chủ yếu là Đảng và chính quyền xử lý được tới đâu thì dân biết đến đó thôi chứ vấn đề tồn tại các nhóm lợi ích khác nhau, xung đột lợi ích với nhau tìm cách tố cáo nhau làm phương hại tới nhau thì chắc chắn là có. Mọi thứ đó là từ trong Đảng nói ra chứ không phải do thế lực thù địch nói".
Theo nhận định của nhà báo Ngô Nhật Đăng thì vụ án hai cựu bộ trưởng Thông tin- Truyền thông bị đưa ra vành móng ngựa có thể thấy mục tiêu không phải là làm trong sạch bộ máy mà các ‘nhóm lợi ích’ đang cấu xé lẫn nhau, phân bố lại các quyền lợi. Theo nhà báo Ngô Nhật Đăng thì có thể thấy chưa bao giờ quyền lợi của các phe phái trong đảng và chính phủ Việt Nam rõ hơn như lúc này.
‘Nhóm lợi ích’ và tham nhũng
Trong một cuộc trao đổi với Báo mạng Thanh Niên Online, đăng tải vào ngày 16 tháng 9, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng các ‘nhóm lợi ích’ đang xuất hiện ở nhiều nơi, có sự cấu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với cán bộ lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, để thao túng quyền lực và trục lợi.
Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được đánh giá là nhằm thanh trừng lẫn nhau. AFP
Ông Lê Quang Thưởng bày tỏ tình trạng vừa nêu là "rất đáng lo ngại", với dẫn chứng một trường hợp như ở Đồng Nai, nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh hồi năm ngoái bị cách chức do ký nhiều văn bản cho công ty của chồng bà được hưởng những dự án của tỉnh, tuy nhiên trong năm nay lại có đến một loạt lãnh đạo công an tỉnh và trưởng ban nội chính tỉnh ủy bị kỹ luật ; hay như vụ án của Vũ "nhôm" (tức Phan Văn Anh Vũ) kéo theo cả dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và thậm chí có cả Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Thành bị phanh phui dính nhiều sai phạm liên can.
Nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng còn nhấn mạnh ‘nhóm lợi ích’ hiện nay không những ngày càng nhiều mà còn hoạt động một cách ngầm ẩn, rất khó phát hiện, do đó ông Lê Quang Thưởng gọi việc ngăn chặn ‘nhóm lợi ích’ và chống tham nhũng là một ‘cuộc chiến’ không hề đơn giản và nếu không có biện pháp kiên quyết thì đất nước Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ khó lường.
Lý giải cho tình trạng ‘nhóm lợi ích’ và tham nhũng tràn lan tại Việt Nam trong đó có nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử với những bản án nặng dành cho cán bộ, kể cả những lãnh đạo cấp cao nhưng không có dấu hiệu suy giảm, Báo mạng Thanh Niên Online dẫn lời của ông Lê Quang Thưởng rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ không được thực hiện tốt và các cơ quan kiểm soát quyền lực trung ương như Ban Tổ chức Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã không giám sát chặt chẽ, không phát hiện sai phạm kịp thời.
Ông Thưởng cũng khẳng định tình trạng ‘nhóm lợi ích’ thao túng như thế là vì "mất dân chủ", không phát huy được tiếng nói đúng đắn để đấu tranh chống lại cái xấu và tiêu cực. Đồng thời, ông cũng quả quyết nếu như có tiếng nói của nhân dân và của các đảng viên cơ sở thì ‘nhóm lợi ích’ sẽ không thể làm gì được.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, vào tối ngày 16 tháng 9 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng chia sẻ vừa nêu của ông Lê Quang Thưởng trên truyền thông quốc nội cho thấy một thực tế rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng trước tình hình ‘nhóm lợi ích’ là ‘sân sau" của giới chức cán bộ, lãnh đạo nhà nước để tham nhũng từ địa phương cho đến trung ương. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA nhận định của ông Lê Quang Thưởng là một ‘bi hài kịch’, bởi vì :
"Tình trạng thiếu dân chủ… trong Đảng lâu nay thì những người chịu trách nhiệm chính là những anh đã đứng đầu trong việc tạo ra tập trung quyền lực, tạo ra toàn trị, tạo ra mất dân chủ và không tôn trọng ý kiến của cơ sở đảng viên. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nay và nguyên nhân chính là do những anh như anh Lê Quang Thưởng đã chi phối. Bây giờ anh ấy thấy tình hình như thế thì kêu gọi đảng viên cơ sở phải lên tiếng. Thật là buồn cười vì lên tiếng trong một thể chế mà toàn trị như thế này thì là vô nghĩa".
Ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại trong nhiều năm qua đảng viên cơ sở, dù trong các cuộc họp được chọn lọc, đã cũng lên tiếng về tham nhũng, chỉ mặt, chỉ tên các nhóm lợi ích khác nhau, chỉ ra suy thoái suy đồi của cán bộ hay các tổ chức xã hội dân sự cũng đã lên tiếng không ngưng nghỉ, đã tố cáo, đã nói rõ tình trạng tham nhũng của ‘lợi ích nhóm’ và ngay cả tiếng nói của những người trong Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đã về hưu nhưng đều chẳng được quan tâm và lắng nghe.
Đài RFA ghi nhận chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được dư luận trong và ngoài nước cho là bắt chước theo phong trào chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc và công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam không hề mang lại hiệu quả nào, mà thậm chí nếu không nói là còn bị tác dụng ngược.
Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 7 vừa qua, khẳng định rằng chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam thực chất là để thanh trừng lẫn nhau.
"Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước".
Đồng quan điểm, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng việc chống tham nhũng hay dẹp bỏ các ‘nhóm lợi ích’ thật sự không nhằm vào đúng mục đích mà chỉ là hô hào qua các khẩu hiệu của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng :
"Tôi đồ rằng tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng".
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà báo Trần Quang Thành đều có cùng nhận định rằng thể chế chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã, đang và sẽ dung dưỡng cũng như tạo lợi thế cho các ‘nhóm lợi ích’ phát triển. Theo vậy, công cuộc chống tham nhũng càng khiến cho nạn tham nhũng ở Việt Nam trở nên càng tinh vi hơn.
Hai ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (ở giữa) và Nguyễn Bắc Son (bìa phải) tham nhũng số tiền hơn 6 triệu USD trong thương vụ Mobifon mua 95% cổ phần của AVG. RFA Edited
Hậu quả khó lường
Trong khi ông Lê Quang Thưởng đưa ra lập luận không loại trừ các ‘nhóm lợi ích’ sẽ đẩy đất nước Việt Nam vào nguy cơ khó lường thì Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mạnh mẽ cảnh báo rằng nếu Đảng cộng sản Việt Nam không dẹp được các ‘sân sau’ thì chính những ‘sân sau-nhóm lợi ích’ sẽ tiêu diệt Đảng, tức là sẽ làm cho Đảng tan vỡ.
Với lập luận trên của ông Thưởng, ông Nguyễn Khắc Mai lên tiếng rằng con đường cứu Đảng bằng cách kêu gọi đảng viên cơ sở chủ động chống tiêu cực hay cử cán bộ qua Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng đều chẳng có tác dụng gì, mà đó chỉ là một cách nói "mị dân", không đáng giá.
"Nói như Karl Marx là ‘Anh phải sám hối thật tâm thì may ra mới có cơ cứu rỗi’. Hiện nay anh có sám hối thật tâm đâu, anh cũng giả vờ giả vịt thôi. Thế thì làm sao mở ra được con đường mới ?"
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên quan điểm của ông rằng Đảng cộng sản Việt Nam trong Đại hội Đảng XIII cần thiết có những thay đổi quan trọng để Đảng có thể vớt vát về uy tín lãnh đạo đất nước, bằng không :
"Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng".
Và một trong những thay đổi quan trọng mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề cập đến, được một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho là Đảng Cộng sản Việt Nam cấp thiết phải cho tự do báo chí và tổ chức các cuộc đối thoại nghiêm túc với những đảng viên và giới nhân sĩ trí thức có chính kiến độc lập để nghe những ý kiến và các giải pháp hữu hiệu từ họ thì may ra mới có cơ hội không để đất nước bị lâm vào "nguy cơ khó lường", như nhận định của ông nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương-Lê Quang Thưởng.
Nguồn : RFA, 16/11/2019
Giữa những cá nhân như Hà Văn Nam và ông Nguyễn Văn Thể - người mà quá trình phục vụ cách mạng gắn bó chặt chẽ với sự ra đời, phát triển của các dự án đầu tư vào hạ tầng theo hình thức BOT ở Việt Nam – ai đáng vào tù hơn ?
Trân Văn
Khi còn ở nhà với mẹ, tôi hay bị bà cụ mắng : "Mày có cái tật cứ vung tay quá trán con ạ". Lúc ra ở riêng, vợ mắng tiếp : "Sao anh cứ có đồng nào là xào liền đồng đó vậy !".
Nói nào ngay thì chả mấy khi tôi có tiền. Khi có cũng chả là bao. Dành dụm làm chi cho nó mệt nên tôi tung hê, chơi "xả láng sáng về sớm" cho nó khỏe. Chả trách, tôi nghèo kinh niên và nghèo thường trực. Khốn khó cỡ tôi mà nghe đến tiền triệu còn có khái niệm lơ mơ, chớ tới bạc tỷ là hết hồn hết vía ngay.
Bởi vậy, tuần rồi tôi tối tăm mặt mũi khi nghe Thống đốc Lê Minh Hưng báo cáo Quốc hội về 53.000 tỷ cho vay BOT nguy cơ thành nợ xấu. Năm mươi ba ngàn tỷ là bao nhiêu lận, cha nội ? Mà sao lại ra nông nỗi thế, hả Trời ?
53.000 tỷ đồng cho vay BOT, có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng
May mà lại gặp người biết chuyện, FB Canh Tranthanh giải thích cặn kẽ và gọn ghẽ như sau :
"Em" lên duyệt chỗ bộ giao thông của anh Thăng anh Thể được cái "dự án BOT abc", đáng ra đầu tư hết độ 500 tỷ, thu phí độ 10 năm là đủ cả vốn lẫn lãi. Thế nhưng không, nhặt từng đồng thế thì ăn gì, lâu giàu lắm ! "Em" về vẽ lại dự án lên thành 5.000 tỷ, thu phí 30 năm. Tiền đầu tư hơi nhiều thì... vay ngân hàng ! Thế là "bọn ta" gồm "bác" lớn, quan bộ, chủ dự án, ngân hàng cùng nhau chén cái món chênh lệch nho nhỏ 4.500 tỷ kia, theo một nguyên tắc hạch toán kinh tế kinh điển, BAO NHIÊU CHI PHÍ TÍNH VÀO GIÁ THÀNH !
Chi phí con đường 500 tỷ đã biến thành 5.000 tỷ, trong đó chủ yếu là tiền vay ngân hàng, bởi ai cũng biết, bọn làm BOT ở nước ta vừa rồi chủ yếu tay không bắt giặc - thế mới tài tình ! Tất nhiên là đứng đằng sau mấy thằng "tay không" kia, luôn là một số bác nhớn...
Nếu dự án BOT cứ yên ả, xe cứ qua, tiền cứ thu thì rồi nợ lãi ngân hàng cũng trả được. Thế nhưng bọn BOT tham quá, làm BOT bẩn, tận thu tận vét đến mức đường quốc lộ nó quét qua tí nhựa rồi cũng đè ra móc túi dân : một hành động ĂN CƯỚP TRẮNG TRỢN, chứ không thể định nghĩa khác được !
Dân ta phản đối quyết liệt. Thậm chí xô xát nổ ra...
Thế là chuyện ỏm củ tỏi lên đến tai thiên đình. Bèn cho thanh tra kiểm toán nhảy vào. Mới vỡ lở ra chuyện bọn làm BOT nó ăn kinh hoàng ! Tất nhiên là ngân hàng bơm tiền tiếp tay cũng được ăn khá !
Nay đâm khó !
Bắt bọn BOT làm đúng như quy chuẩn thì… bỏ mịa ! Số tiền chênh lệch kia nó rút ra, chia chác đầy đủ, anh trên em dưới chú bác ngang ngang đều có phần mà, "bọn ta" đều hưởng cả mà, chia rồi, tiêu rồi, nhà Mỹ mua rồi, thẻ xanh chạy rồi... giờ mà đòi thì lấy đâu ? Mà đòi ai ? "Bác" có nhận tiền mày hồi nào đâu...
Mà không xử BOT bẩn, cái trò ĂN CƯỚP CÔNG KHAI CÓ SỰ BẢO KÊ CỦA NHÀ NƯỚC GIỮA BAN NGÀY kia, thì sẽ mất hết tính chính danh của quyền lực. Và một khi tính chính danh không còn thì... liệu có giữ nổi cái... BOT mà ăn với nhau được không ?
Thế nên ông Lê Minh Hưng lo lắng là phải, cái món 53 ngàn tỷ cho vay BOT kia tất nhiên thành nợ xấu. Cơ mà ông cũng không nên lo lắng quá, trăm dâu đổ đầu tằm, rồi đổ ráo lên đầu cho dân nước Việt chịu, ông chả phải chịu đâu mà lo !
Hay là ông cứ điểm danh, tất cả những thằng có chữ ký trong mọi dự án BOT bẩn kia, lôi ra bắt đứng hàng ngang dựa cột, chĩa súng hỏi : " Nộp tiền ăn cắp hay xơi kẹo đồng ?", thế thì mới đòi được tiền, không còn lâu, nhé !
Trong chớp mắt, status này có hàng ngàn người chia sẻ và hằng trăm người góp ý. Xin ghi lại dăm ba :
- Trịnh Thị Mơ Nhóm lợi ích Bộ giao thông rồi nhóm lợi ích Tập đoàn Điện lực... rồi còn biết bao bộ nghành nữa... còn nhiều và nhiều lắm... chỉ tội người dân thôi muôn đời không trả hết nợ.
- Thuần Trần Tiền vào túi lũ khốn hết dân gánh nợ đến bao giờ ! ?
- ĐôngY Công Tuấn Các khối ung thư di căn khắp các bộ ngành ! Thằng ăn khoai thằng đổ vỏ !
- Tâm Nhật Đăng Ko sao đâu các bác... 53 ngàn tỷ chia đều cho 100 triệu dân thì mỗi người chịu một ít…
Vâng thì các bác tính sao em cũng chịu cả. Dầu chỉ hút lên mang bán mà còn lỗ, tiền qũy bảo hiểm xã hội mang cho vay lấy lời cũng mất trắng luôn thì nợ BOT thành nợ xấu cũng là chuyện đúng qui trình cả. Em chỉ có chút băn khoăn thôi : Thế còn ông Hà Văn Nam thì sao ?
Nam nào ? Nam là ai ?
BBC :
"Hà Văn Nam sinh năm 1981, quê ở Thái Bình, sống tại Hà Nội và được biết rộng rãi trên mạng xã hội như một người có nhiều hoạt động phản đối các hoạt động thu phí BOT mà ông cho là bất hợp lý. Ông Nam có gần 35.000 người theo dõi trên trang Facebook cá nhân.
Trước khi bị bắt, ông Hà Văn Nam từng tham gia các hoạt động giám sát, phản đối các BOT thu phí không hợp lý kể từ giữa 2018 đến nay như BOT Tân Đệ, BOT Mỹ Lộc, BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài.
Ông cũng cùng bạn bè là các lái xe đặt các lán, trại cạnh các BOT để bám trụ, theo dõi quan sát BOT liệu có dám thu phí người dân hay không. Vụ việc ông Nam bị bắt hồi tháng 3/2019 đã gây nhiều bức xúc trong cộng đồng mạng".
RFA :
"Ông Hà Văn Nam, một người hoạt động từng nhiều lần phản đối các trạm BOT đặt không đúng vị trí trên khắp cả nước vừa bị Tòa án nhân dân huyện Quế Võ tỉnh Bắc Ninh tuyên 30 tháng tù giam với cáo buộc "Gây rối trật tự công cộng" vào sáng 30/7/2019.
Sáu người khác gồm các ông phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại".
Nếu không có những người như ông Hà Văn Nam, Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải… thì số nợ xấu của BOT dám tăng lên gấp đôi (60.000 tỷ) nhưng chính vì thế mà họ lại bị ghép tội ("gây rối trật tự công cộng") và bị nhốt tù.
Chính phủ gì mà kỳ vậy ? Nhà Nước hay nhà nát mà lạ thế ? Đã nát đến thế mà không mất nước vào tay ngoại bang thì mới là chuyện lạ !
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 25/10/2019 (tuongnangtien's blog)
Cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng...
Quốc hội thống nhất việc thu hồi một lần đủ 5.000ha đất phục vụ cả 3 giai đoạn đầu tư làm sân bay Long Thành.
Nhóm lợi ích Bộ Giao thông và vận tải, với người đại diện cho nó là Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cũng là người thừa kế ‘nhiệm vụ lịch sử’ của các đời bộ trưởng Giao thông và vận tải trước đây là Đinh La Thăng và Trương Quang Nghĩa để làm thế nào biến sân bay Long Thành thành có giá trong khi ‘dìm hàng’ sân bay Tân Sơn Nhất, giờ đây đang đẩy Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc vào tình thế hoặc ‘đồng lõa’ với mưu toan đó và đối mặt với Quốc hội về gánh nặng nợ công, hoặc bản thân Phúc sẽ không dám ký bảo lãnh cho dự án sân bay Long Thành vì sợ trách nhiệm và tiếng nguyền rủa của dư luận xã hội.
Sân bay Long Thành có tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD). Tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành với tổng mức đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp quốc hội tháng 10 & 11 năm 2019, Bộ trưởng Giao thông và vận tải Nguyễn Văn Thể đã đọc tờ trình của Chính phủ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn một vào ngày 24/10. Theo đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội thông qua nghị quyết giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, gồm công trình trụ sở cơ quan quản lý nhà nước, công trình thiết yếu của cảng hàng không... với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD (khoảng 111.000 tỷ đồng). Còn các công trình phục vụ quản lý bay được đề nghị giao cho Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Nhưng trong phần thẩm tra sau đó, quan chức Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - đã nêu một nhận xét đánh chú ý là báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá tác động cụ thể đến nợ công nếu vay ODA, mà mới tập trung vào phương án sử dụng vốn doanh nghiệp Nhà nước để làm dự án này. Trong gần 4,2 tỷ USD vốn của ACV rót vào dự án, dự kiến doanh nghiệp này phải vay gần 2,63 tỷ USD. Theo Luật Quản lý nợ công, dự án này thuộc đối tượng được Chính phủ bảo lãnh. "Nếu vậy thì khoản vay này sẽ được tính vào nợ công", ông Thanh nói, và đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về khả năng cấp bảo lãnh với khoản vay của ACV để có cơ sở đánh giá đầy đủ phương án huy động vốn với nợ công.
Mặt khác, ACV là doanh nghiệp do nhà nước chi phối, nên dù huy động vốn dưới hình thức nào thì Nhà nước vẫn có trách nhiệm trong việc xử lý khi có rủi ro đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Do đó, ngay cả khi Chính phủ không cấp bảo lãnh đối với khoản vay này thì cũng cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền đối với hoạt động vay, sử dụng vốn vay của ACV.
Có thể ghi nhận đây là một trogn hiếm hoi lần cơ quan quốc hội tỏ ra ‘tâm tư’ với quốc nạn nợ công, còn trước đây cũng chính Quốc hội đã nhiều lần ‘nhắm mắt gật’ với các dự án có tổng kinh phí hàng chục ngàn tỷ đồng do chính phủ ‘ấn’ vào.
Vậy thực tế nợ công Việt Nam đang khốn quẫn đến thế nào ?
Tại kỳ họp quốc hội lần này, một lần nữa chính phủ của Thủ tướng Phúc lại báo cáo ra Quốc hội về tỷ lệ nợ công năm 2019 chỉ ở mức 56,1% GDP, thậm chí còn giảm so với mức 58,4% GDP năm 2018, tức đang ‘an toàn’ so với ngưỡng nguy hiểm 65% GDP.
Nhưng theo phân tích của một số chuyên gia độc lập, cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp thì tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP.
Còn đến nay và với đà vay mượn nước ngoài tăng tiến không ngừng nghỉ, nợ công chắc chắn đã tăng và nợ vay của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước cũng tăng chóng mặt (cho tới nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức nào về số nợ vay nước ngoài phát sinh của các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trong khoảng thời gian 4-5 năm qua).
Vậy làm thế nào để ‘ép’ nợ công dưới 65% GDP ?
Chính phủ của Thủ tướng Phúc đã ‘kiến tạo’ thủ pháp ‘tính lại GDP để nâng trần nợ công’.
Theo Luật về Nợ công, tỷ lệ nợ công quốc gia được tính theo công thức : nợ công/GDP. Mẫu số GDP càng lớn thì tỷ lệ nợ công càng nhỏ và do đó càng làm cho tình trạng vay nợ (vay trong nước và vay nước ngoài) của Chính phủ lẫn các doanh nghiệp "an toàn" hơn, đồng thời có thêm lý do để Chính phủ báo cáo và công bố về thành tích "bảo đảm an toàn nợ công" của mình.
Thủ pháp kinh tế - chính trị quá sức đơn giản là chỉ cần lấy bút, làm vài phép tính, cộng thêm 30% phần kinh tế phi chính thức vào GDP thì ngay lập tức tỷ lệ nợ công sẽ giảm đến 15%, tức chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công "chỉ có 55% GDP" thời Nguyễn Tấn Dũng.
Khi đó, cơ hội để các nhóm lợi ích "ăn tàn phá hại" vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Minh Quân
Nguồn : VNTB, 27/10/2019
Trong một cuộc trao đổi với Báo mạng Thanh Niên Online, đăng tải vào ngày 16 tháng 9, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng các ‘nhóm lợi ích’ đang xuất hiện ở nhiều nơi, có sự cấu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với cán bộ lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, để thao túng quyền lực và trục lợi.
Các ‘nhóm lợi ích’ đang xuất hiện ở nhiều nơi, có sự cấu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với cán bộ lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, để thao túng quyền lực và trục lợi. Ảnh minh họa
Ông Lê Quang Thưởng bày tỏ tình trạng vừa nêu là "rất đáng lo ngại", với dẫn chứng một trường hợp như ở Đồng Nai, nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh hồi năm ngoái bị cách chức do ký nhiều văn bản cho công ty của chồng bà được hưởng những dự án của tỉnh, tuy nhiên trong năm nay lại có đến một loạt lãnh đạo công an tỉnh và trưởng ban nội chính tỉnh ủy bị kỹ luật ; hay như vụ án của Vũ "nhôm" (tức Phan Văn Anh Vũ) kéo theo cả dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và thậm chí có cả Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Thành bị phanh phui dính nhiều sai phạm liên can.
Nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng còn nhấn mạnh ‘nhóm lợi ích’ hiện nay không những ngày càng nhiều mà còn hoạt động một cách ngầm ẩn, rất khó phát hiện, do đó ông Lê Quang Thưởng gọi việc ngăn chặn ‘nhóm lợi ích’ và chống tham nhũng là một ‘cuộc chiến’ không hề đơn giản và nếu không có biện pháp kiên quyết thì đất nước Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ khó lường.
Lý giải cho tình trạng ‘nhóm lợi ích’ và tham nhũng tràn lan tại Việt Nam trong đó có nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử với những bản án nặng dành cho cán bộ, kể cả những lãnh đạo cấp cao nhưng không có dấu hiệu suy giảm, báo mạng Thanh Niên Online dẫn lời của ông Lê Quang Thưởng rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ không được thực hiện tốt và các cơ quan kiểm soát quyền lực trung ương như Ban Tổ chức Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã không giám sát chặt chẽ, không phát hiện sai phạm kịp thời.
Ông Thưởng cũng khẳng định tình trạng ‘nhóm lợi ích’ thao túng như thế là vì "mất dân chủ", không phát huy được tiếng nói đúng đắn để đấu tranh chống lại cái xấu và tiêu cực. Đồng thời, ông cũng quả quyết nếu như có tiếng nói của nhân dân và của các đảng viên cơ sở thì ‘nhóm lợi ích’ sẽ không thể làm gì được.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, vào tối ngày 16 tháng 9 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng chia sẻ vừa nêu của ông Lê Quang Thưởng trên truyền thông quốc nội cho thấy một thực tế rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng trước tình hình ‘nhóm lợi ích’ là ‘sân sau" của giới chức cán bộ, lãnh đạo nhà nước để tham nhũng từ địa phương cho đến trung ương. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA nhận định của ông Lê Quang Thưởng là một ‘bi hài kịch’, bởi vì :
"Tình trạng thiếu dân chủ…trong Đảng lâu nay thì những người chịu trách nhiệm chính là những anh đã đứng đầu trong việc tạo ra tập trung quyền lực, tạo ra toàn trị, tạo ra mất dân chủ và không tôn trọng ý kiến của cơ sở đảng viên. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nay và nguyên nhân chính là do những anh như anh Lê Quang Thưởng đã chi phối. Bây giờ anh ấy thấy tình hình như thế thì kêu gọi đảng viên cơ sở phải lên tiếng. Thật là buồn cười vì lên tiếng trong một thể chế mà toàn trị như thế này thì là vô nghĩa".
Ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại trong nhiều năm qua đảng viên cơ sở, dù trong các cuộc họp được chọn lọc, đã cũng lên tiếng về tham nhũng, chỉ mặt, chỉ tên các nhóm lợi ích khác nhau, chỉ ra suy thoái suy đồi của cán bộ hay các tổ chức xã hội dân sự cũng đã lên tiếng không ngưng nghỉ, đã tố cáo, đã nói rõ tình trạng tham nhũng của ‘lợi ích nhóm’ và ngay cả tiếng nói của những người trong Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đã về hưu nhưng đều chẳng được quan tâm và lắng nghe.
Đài RFA ghi nhận chiến dịch chống tham nhũng do Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được dư luận trong và ngoài nước cho là bắt chước theo phong trào chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc và công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam không hề mang lại hiệu quả nào, mà thậm chí nếu không nói là còn bị tác dụng ngược.
Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 7 vừa qua, khẳng định rằng chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam thực chất là để thanh trừng lẫn nhau.
"Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước".
Đồng quan điểm, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng việc chống tham nhũng hay dẹp bỏ các ‘nhóm lợi ích’ thật sự không nhằm vào đúng mục đích mà chỉ là hô hào qua các khẩu hiệu của ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng :
"Tôi đồ rằng tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng".
Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà báo Trần Quang Thành đều có cùng nhận định rằng thể chế chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã, đang và sẽ dung dưỡng cũng như tạo lợi thế cho các ‘nhóm lợi ích’ phát triển. Theo vậy, công cuộc chống tham nhũng càng khiến cho nạn tham nhũng ở Việt Nam trở nên càng tinh vi hơn.
Trong khi ông Lê Quang Thưởng đưa ra lập luận không loại trừ các ‘nhóm lợi ích’ sẽ đẩy đất nước Việt Nam vào nguy cơ khó lường thì Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mạnh mẽ cảnh báo rằng nếu Đảng cộng sản Việt Nam không dẹp được các ‘sân sau’ thì chính những ‘sân sau-nhóm lợi ích’ sẽ tiêu diệt Đảng, tức là sẽ làm cho Đảng tan vỡ.
Với lập luận trên của ông Thưởng, ông Nguyễn Khắc Mai lên tiếng rằng con đường cứu Đảng bằng cách kêu gọi đảng viên cơ sở chủ động chống tiêu cực hay cử cán bộ qua Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng đều chẳng có tác dụng gì, mà đó chỉ là một cách nói "mị dân", không đáng giá.
"Nói như Karl Marx là ‘Anh phải sám hối thật tâm thì may ra mới có cơ cứu rỗi’. Hiện nay anh có sám hối thật tâm đâu, anh cũng giả vờ giả vịt thôi. Thế thì làm sao mở ra được con đường mới ?"
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên quan điểm của ông rằng Đảng cộng sản Việt Nam trong Đại hội Đảng XIII cần thiết có những thay đổi quan trọng để Đảng có thể vớt vát về uy tín lãnh đạo đất nước, bằng không :
"Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng".
Và một trong những thay đổi quan trọng mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề cập đến, được một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho là Đảng cộng sản Việt Nam cấp thiết phải cho tự do báo chí và tổ chức các cuộc đối thoại nghiêm túc với những đảng viên và giới nhân sĩ trí thức có chính kiến độc lập để nghe những ý kiến và các giải pháp hữu hiệu từ họ thì may ra mới có cơ hội không để đất nước bị lâm vào "nguy cơ khó lường", như nhận định của ông nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương-Lê Quang Thưởng.
Nguồn : RFA, 17/09/2019
Vụ cưỡng hôn trong thang máy ở Hà Nội chỉ bị phạt 200.000 đồng và việc cựu viện phó viện kiểm sát Đà Nẵng có hành vi dâm ô với bé gái trong thang máy ở chung cư Galaxy 9, Thành phố Hồ Chí Minh đã bị hàng loạt tổ chức xã hội dân sự gay gắt lên án.
Hàng trăm tài khoản Facebook đồng loạt đổi ảnh đại diện ủng hộ chiến dịch "Nhân phẩm 200k"
Thắng lợi của xã hội dân sự
Chiến dịch "Nhân phẩm 200k" được khởi xướng từ sự kiện trên với lời kêu gọi đổi avatar cùng khẩu hiệu 'Không bây giờ thì bao giờ' xuất hiện khắp các trang Facebook.
Đây là chiến dịch được nhóm GBVNet - Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam cùng với bảy tổ chức xã hội dân sự khác thực hiện nhằm kiến nghị Quốc hội sửa đổi pháp luật liên quan đến quấy rối tình dục.
Theo GBVNet, cán bộ phụ trách mảng Nội chính của Văn phòng Chính phủ đã liên hệ đề xuất cuộc gặp với các thành viên của GBVNet để trao đổi chi tiết hơn, dự kiến Nghị định 167 sẽ được bổ sung nội dung Quấy rối tình dục với các quy định cụ thể.
Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi mà sức ép từ tổ chức xã hội dân sự thực sự buộc chính quyền phải trả lời về quyền phụ nữ trong các vụ án quấy rối tình dục.
Trong một diễn biến khác, hàng loạt cư dân chung cư Galaxy 9 đã ký đơn kiến nghị tập thể gửi tới UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Kiểm sát nhân dân quận 4 để kêu gọi xử phạt cựu viện phó Nguyễn Hữu Linh về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Mạng xã hội lan truyền hình ảnh ông Nguyễn Hữu Linh xuất hiện trên những chiếc xe ô tô cùng dòng chữ "Thành phố đáng sống phải nhốt sạch ấu dâm".
Tài xế dán Nguyễn Hữu Linh diễu hành trên phố
Nhóm OTO+ với hơn 700.000 thành viên trên diễn đàn và mạng xã hội đã hàng chục nghìn poster có hình ảnh và dòng chữ tương tự được chia sẻ, phát miễn phí cho các tài xế từ Bắc, Trung, Nam dán lên xe để tạo sức ép dư luận buộc vụ việc phải được đưa ra xét xử.
Ngay sau đó, Công an quận 4 ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Hữu Linh, cấm ông đi khỏi nơi cư trú về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
So với 5 năm trước, một vụ dâm ô trẻ em tương tự với bị cáo Nguyễn Khắc Thủy (78 tuổi) ở Bà Rịa - Vũng Tàu dâm ô các bé gái ở chung cư Lakeside, gia đình các bé phải mất đến 4 năm đấu tranh kẻ dâm ô mới bị xét xử.
Đây là dấu hiệu cho thấy các tổ chức xã hội dân sự và sự quan tâm đến các vấn đề xã hội của người dân đã bắt đầu có tiếng nói và gây ảnh hưởng đến các quyết sách về luật định và chính sách.
Tác động đến luật định và chính sách
Ngày 24/11/2015 việc Quốc hội Việt Nam thông qua Bộ Luật Dân sự (sửa đổi) chính thức hợp pháp hóa việc chuyển đổi giới tính - được coi là dấu mốc quan trọng đối với cộng đồng người chuyển giới.
Tôi đã hỏi chuyện luật sư Lê Nguyễn Duy Hậu, chuyên gia độc lập trong lĩnh vực chính sách và quyền con người tại Việt Nam về chuyển biến này và ông nêu nhận định :
"Đây có thể được xem là thắng lợi của tổ chức xã hội dân sự vì lần đầu tiên, một tổ chức phi chính phủ - cụ thể là Viện iSEE được mời đi tập huấn trực tiếp cho đại biểu và tham gia việc biên soạn luật liên quan đến quyền của người LGBT".
Diễu hành Viet Pride đầu tiên ở Hà Nội năm 2012
Trước đó, cuộc diễu hành Viet Pride được tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2012, đánh dấu bước tiến quan trọng của phong trào, được thực hiện mà không có giấy phép chính thức.
Bà Nguyễn Thanh Tâm, một trong những thành viên ban tổ chức ở Hà Nội vào thời điểm đó cho tôi biết, ban tổ chức không thể đăng ký giấy phép, chỉ có sự hậu thuẫn của các tổ chức quốc tế về tài chính để thực hiện sự kiện.
Bà Tâm nhìn nhận : "Cuộc diễu hành Viet Pride diễn ra mà không có sự cấp phép chính thức của chính quyền là minh chứng cho một không gian tự do hội họp đang vô cùng thiếu ở Việt Nam".
Theo luật sư Duy Hậu, các phong trào dân sinh như luật liên quan đến quyền của người LGBT, quyền trẻ em, quyền phụ nữ thì mức độ tác động trực tiếp của các tổ chức tổ chức dân sự rất cao : Đoàn người biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh.
"Trong một số trường hợp, các tổ chức này còn đóng vai trò cố vấn chính sách cho nhà nước như về luật liên quan đến quyền của người LGBT. Tuy nhiên, có những vùng khó vận động hơn và các vùng này tùy thuộc vào thời điểm" - ông Hậu nói.
Vậy đâu là "vùng cấm" ?
Không phải lúc nào sự lên tiếng mạnh mẽ của xã hội dân sự cũng đạt được những kết quả đáng mừng như thế. Hoạt động của xã hội dân sự về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai hay nhân quyền thường gặp nhiều trở ngại.
Tuy có vùng cấm vẫn lạc quan
Cũng theo luật sư Duy Hậu, đối với chính phủ Việt Nam, "vùng khó vận động" là những vấn đề bị cho là đe dọa đến an ninh quốc gia, đến vị thế lãnh đạo của Đảng như chủ quyền, nhân quyền hay vấn đề ngoại giao.
Nhà báo tự do - blogger Phạm Đoan Trang thì cho rằng :
"Phong trào LGBT thành công trong chuyện vận động chính sách vì nhà nước Việt Nam không coi cộng đồng LGBT là nhóm đe doạ quyền lực chính trị. Trong ngoại giao, chính phủ Việt Nam thường nhấn mạnh thành tựu "xoá đói giảm nghèo", "bảo vệ quyền của người LGBT" như đồ trang sức tốt để khoe với thế giới là mình cũng tôn trọng nhân quyền".
Đoàn người biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng 10/6 ở Thành phố Hồ Chí Minh
Thực tế, cộng đồng LGBT "xuống đường" cầm cờ lục sắc thể hiện quyền và tiếng nói của mình trong xã hội (dù chưa có giấy phép chính thức) vẫn không bị đàn áp.
Nhưng người dân cầm biển phản đối Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dự luật Đặc khu, Luật An ninh mạng và các dự án thương mại hủy hoại môi trường lại bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn và bị xem là "thế lực thù địch".
Tờ Quân đội nhân dân trong bài viết "Từ cách mạng cây, cách mạng cá đến cách mạng màu" ngày 3/6 ghi :
"Cứ ở đâu có các dự án du lịch, du lịch sinh thái gắn với danh lam thắng cảnh thì ở đó lại xuất hiện một số trang mạng "chuyên đề" phản đối.
Đây là những chiêu trò mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng để xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam thông qua các tổ chức xã hội dân sự".
Hình từ một trang FB (@manfortree) vận động bảo vệ cây xanh ở Việt Nam
Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn thì nêu ý kiến :
"Những bài viết trên báo Tổ Quốc, Quân Đội nhân dân lập luận rằng, những ai lên tiếng chống lại các dự án thương mại hóa các khu bảo tồn thiên nhiên đều là phản động. An ninh quốc gia là một con "ngáo ộp" thường xuyên được sử dụng để dẹp im những tiếng nói phản biện, giúp nhóm lợi ích dễ dàng phá rừng xây khu du lịch (Sơn Trà, Tam Đảo), lấp biển làm khu giải trí (Công viên Đại dương), lấn sông chia lô biệt thự (sông Hàn)".
Ông Tuấn nhìn nhận, các nhóm lợi ích đang dùng chiêu bài "an ninh quốc gia" để kiếm lợi khủng bằng việc hủy hoại môi sinh và bán đứng lợi ích cộng đồng.
Tuy nhiên, ông có cái nhìn khá lạc quan về các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam :
"Nếu nhìn xã hội 3-4 năm trở lại đây từ việc những tài xế phản kháng BOT bẩn, các bạn trẻ xuống đường bảo vệ cây xanh ở Hà Nội, người dân biểu tình bảo vệ môi trường sau thảm họa Formosa hay những người nông dân chân lấm tay bùn phối hợp với nhau giữ đất ở Đồng Tâm sẽ thấy đây là điểm khởi bùng phong trào thúc đẩy dân quyền, phát huy dân chủ ở Việt Nam".
SaveNet mở các khoá học về tự do ngôn luận
Ngọc Diệp, đồng sáng lập SaveNet - tổ chức dân sự thúc đẩy tự do ngôn luận nhận định :
"Vận động chính sách đòi hỏi một tiến trình dài hơi và có chiến lược. Hiện tại ở Việt Nam, các cuộc vận động phụ thuộc nhiều vào mạng xã hội. Trong bối cảnh mạng xã hội bị chính quyền kiểm soát, bị các nhóm lợi ích tác động thì việc vận động của các tổ chức xã hội dân sự sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, sự tham gia sôi nổi của hai cộng đồng tổ chức xã hội dân sự có đăng ký và không đăng ký là điểm nhấn của phong trào xã hội dân sự trong 5 năm trở lại đây".
Theo Ngọc Diệp, các tổ chức xã hội dân sự lên tiếng về những vấn đề bức xúc của xã hội là cách thúc đẩy người dân thực hành tham gia chính trị :
"SaveNet không chỉ khởi xướng chiến dịch phản đối luật An ninh mạng mà còn lên tiếng cùng GBVNet trong chiến dịch "Nhân phẩm 200k". Đây là cách các tổ chức dân sự tạo đồng minh để chiến dịch có tiếng nói và chính danh hơn. Cuối cùng, những dự án giáo dục về những giá trị phổ quát như tự do, quyền con người nhằm lan tỏa hiểu biết chung cho xã hội là nền tảng cho các phong trào vận động trong tương lai" - Ngọc Diệp nói.
Bùi Thư
Nguồn : BBC, 19/06/2019
Nữ tác giả Bùi Thư là một cây bút tự do hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Báo chí Việt Nam những ngày sau Tết gọi sân bay Tân Sơn Nhất (Tân Sơn Nhất) là một chảo lửa để chỉ cảnh kẹt xe liên tục tại sân bay này.
Sân golf nằm trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14 tháng 4 năm 2015. (Ảnh minh họa)
Những thông tin chính thức còn nói đến việc máy bay phải lượn vòng nhiều lần để chờ đáp, vì số lượng chuyến bay đi và đến Tân Sơn Nhất ngày càng nhiều.
Kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đã được đưa ra từ lâu, nhưng giới báo chí trong nước đặt câu hỏi là tại sau kế hoạch đó vẫn không được thực hiện ?
Quyết định cao cấp nhất liên quan đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú đưa ra vào tháng tư 2017, đồng ý cho mở rộng sân bay về cả hai hướng Bắc và Nam của sân bay này.
Trước đó người ta chỉ nói đến việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam, vì phía Bắc là một sân golf do quân đội quản lý.
Tuy nhiên việc quân đội cản trở việc mở rộng sân bay lại được báo chính công khai chỉ trích, cho nên sau đó đã dẫn đến quyết định của Bộ Quốc phòng Việt Nam là sẵn sàng trao đất lại cho sân bay Tân Sơn Nhất khi cần. Điều đó đã dẫn đến quyết định ký điều chỉnh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nhưng tại sao gần hai năm đã trôi qua mà không thấy việc mở rộng này được bắt đầu ?
Tháng 3/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lặp lai một lần nữa chuyện mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về cả hai hướng bắc và nam. Đến cuối năm 2018, văn phòng của ông Nguyễn Xuân Phúc lại ra công văn thúc giục các bên có liên quan tiến hành việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, một nhà quan sát độc lập tại Sài Gòn, theo dõi rất kỹ những diễn tiến xung quanh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cho đài RFA biết :
"Đất thì có sẵn rồi, vấn đề là có muốn mở rộng hay không ? Có tiền mở rộng hay không ? Quả bóng hiện nay nằm trong chân Bộ Quốc phòng. Tôi cho rằng đây là một sự chậm trễ rất cố ý. Kể từ tháng 5/2017 đến nay, chính phủ đã chỉ đạo nhưng mọi việc dậm chân tại chổ".
Đó là nói về phần mở rộng về phía bắc, liên quan đến khu đất hiện do Bộ Quốc phòng quản lý.
Còn phần mở rộng về phía Nam,theo ông Phạm Chí Dũng sẽ phải giải tỏa rất nhiều khu dân cư tốn rất nhiều tiền.
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh cho đài RFA biết rằng ông không nắm chi tiết về kế hoạch mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng ông cũng cho rằng vấn đề tiền vốn để đầu tư vào kế hoạch này là một vấn đề quan trọng.
Nhưng lý do quan trọng nhất cản trở việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông Phạm Chí Dũng, là sự tồn tại của một đại dự án tên gọi là sân bay Long Thành.
Dự án này nằm cách Sài Gòn vài chục ây số, được xem sẽ là sân bay quốc tế chính cho khu vực phía Nam. Dự án này được quyết định từ tận năm 2005, tức là cách đây gần 15 năm.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định về sự liên quan giữa đại dự án sân bay Long Thành và việc sân bay Tân Sơn Nhất không được mở rộng :
"Đây là nguyên nhân thâm sâu nhất, tôi cho rằng từ năm 2017 đến nay Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải, và cả những nhóm lợi ích tìm cách câu giờ để tiến hành xây dựng sân bay Long Thành. Khi xây dựng sân bay Long Thành rồi thì sẽ không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất nữa".
Ông Phạm Chí Dũng nói thêm rằng khi đó, những khoảnh đất hiện nay là sân golf sẽ được sử dụng thương mại đem lại rất nhiều lợi nhuận cho Bộ Quốc phòng cũng như các nhóm lợi ích.
Nhưng việc khởi động đại dự án sân bay Long Thành không hề dễ dàng.
Đã có rất nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia cho rằng đại dự án này quá tốn kém. Số vốn được tính toán hiện nay cho dự án này là 5.4 tỉ đô la Mỹ, theo báo Tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, số ra ngày 11/2/2019. Và theo một số chuyên gia, thời gian khởi công đại dự án này có khả năng bị lùi lại 5 năm, và khi đó số vốn đầu tư có khả năng tăng lên đến 10 tỉ đô la Mỹ.
Ông Phạm Chí Dũng cho rằng dù tốn kém như vậy nhưng đại dự án Long Thành cũng được đề ra vì hai lý do, thứ nhất là giới qui hoạch Việt Nam trước đây dự tính là sẽ có vốn viện trợ phát triển với lãi suất ưu đãi của nước ngoài (ODA) nhưng hiện nay vốn đó không còn nữa. Lý do thứ hai là các nhóm lợi ích muốn đưa ra dự án này để đẩy giá đất xung quanh khu vực Long Thành, mà họ đã chiếm dụng lên cao.
Hành lang phía trước sân bay Tân Sơn Nhất. Photo : RFA
Theo ghi nhận của báo chí Việt Nam, vào tháng 7/2018, trong một buổi làm việc tổng kết một giai đoạn dài dùng vốn ODA ưu đãi, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh cho biết, những đồng vốn ưu đãi về lãi suất đó sẽ không còn nữa.
Cũng theo báo chí Việt Nam ghi nhận, vào tháng 8/2017, giá đất tại Long Thành đã tăng đến 60%.
Tuy vậy theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, việc xây mới sân bay Long Thành và mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đều là những chuyện phải làm. Ông nói với đài RFA :
"Theo tôi thì trước nhất nên mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, tận dụng những phương tiện của sân bay Tân Sơn Nhất đến mức tối đa, trên cơ sở đó dần dần tiến đến việc xây dựng sân bay Long Thành. Tình hình hiện nay là thiếu vốn thì khó mà xây dựng được sân bay Long Thành".
Như vậy câu hỏi do giới báo chí Việt Nam đặt ra tại sao không mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất có thể được trả lời dễ dàng rằng hiện không có vốn để thực hiện. Bên cạnh đó, việc trì hoãn này cũng có thể do những nhóm lợi ích không muốn mở rộng Tân Sơn Nhất, để hòng chiếm cứ những khoảnh đất vàng tại đây.
Theo thông tin của báo chí Việt Nam, sự tăng trưởng của riêng các hãng hàng không Việt Nam hiện nay đã là 8-10%, sự tăng trưởng này sẽ đè nặng lên sân bay Tân Sơn Nhất, làm cho nó càng quá tải hơn. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh lo ngại thêm rằng sắp tới đây việc hợp tác hàng không với Hoa Kỳ thành hiện thực thì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đón nhận một áp lực rất lớn.
Như vậy hình ảnh chảo lửa mà báo chí Việt Nam dùng để tả cảnh sân bay Tân Sơn Nhất, được hứa hẹn không chỉ là những hình ảnh trong ngày Tết mà sẽ là thường trực ở thành phố Sài Gòn lớn nhất nước này.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 11/02/2019