Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/11/2019

‘Nhóm lợi ích’ sẽ làm lung lay thể chế của Đảng cộng sản Việt Nam ?

RFA tiếng Việt

‘Nhóm lợi ích’ và tham nhũng

Trong một cuộc trao đổi với Báo mạng Thanh Niên Online, đăng tải vào ngày 16 tháng 9, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá rằng các ‘nhóm lợi ích’ đang xuất hiện ở nhiều nơi, có sự cấu kết, móc ngoặc giữa doanh nghiệp với cán bộ lãnh đạo hư hỏng trong bộ máy chính quyền, để thao túng quyền lực và trục lợi.

nhom1

Chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được đánh giá là nhằm thanh trừng lẫn nhau. AFP

Ông Lê Quang Thưởng bày tỏ tình trạng vừa nêu là "rất đáng lo ngại", với dẫn chứng một trường hợp như ở Đồng Nai, nữ Phó Bí thư Tỉnh ủy Phan Thị Mỹ Thanh hồi năm ngoái bị cách chức do ký nhiều văn bản cho công ty của chồng bà được hưởng những dự án của tỉnh, tuy nhiên trong năm nay lại có đến một loạt lãnh đạo công an tỉnh và trưởng ban nội chính tỉnh ủy bị kỹ luật ; hay như vụ án của Vũ "nhôm" (tức Phan Văn Anh Vũ) kéo theo cả dàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và thậm chí có cả Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Thành bị phanh phui dính nhiều sai phạm liên can.

Nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, ông Lê Quang Thưởng còn nhấn mạnh ‘nhóm lợi ích’ hiện nay không những ngày càng nhiều mà còn hoạt động một cách ngầm ẩn, rất khó phát hiện, do đó ông Lê Quang Thưởng gọi việc ngăn chặn ‘nhóm lợi ích’ và chống tham nhũng là một ‘cuộc chiến’ không hề đơn giản và nếu không có biện pháp kiên quyết thì đất nước Việt Nam có thể đứng trước nguy cơ khó lường.

Lý giải cho tình trạng ‘nhóm lợi ích’ và tham nhũng tràn lan tại Việt Nam trong đó có nhiều vụ đại án được đưa ra xét xử với những bản án nặng dành cho cán bộ, kể cả những lãnh đạo cấp cao nhưng không có dấu hiệu suy giảm, Báo mạng Thanh Niên Online dẫn lời của ông Lê Quang Thưởng rằng nguyên nhân chủ yếu là do nguyên tắc tập trung dân chủ trong nội bộ không được thực hiện tốt và các cơ quan kiểm soát quyền lực trung ương như Ban Tổ chức Trung ương hay Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã không giám sát chặt chẽ, không phát hiện sai phạm kịp thời.

Ông Thưởng cũng khẳng định tình trạng ‘nhóm lợi ích’ thao túng như thế là vì "mất dân chủ", không phát huy được tiếng nói đúng đắn để đấu tranh chống lại cái xấu và tiêu cực. Đồng thời, ông cũng quả quyết nếu như có tiếng nói của nhân dân và của các đảng viên cơ sở thì ‘nhóm lợi ích’ sẽ không thể làm gì được.

Từ Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Mai-nguyên Trưởng Ban nghiên cứu Ban Dân vận Trung ương, vào tối ngày 16 tháng 9 lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do rằng chia sẻ vừa nêu của ông Lê Quang Thưởng trên truyền thông quốc nội cho thấy một thực tế rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam đang rất lúng túng trước tình hình ‘nhóm lợi ích’ là ‘sân sau" của giới chức cán bộ, lãnh đạo nhà nước để tham nhũng từ địa phương cho đến trung ương. Ông Nguyễn Khắc Mai nói với RFA nhận định của ông Lê Quang Thưởng là một ‘bi hài kịch’, bởi vì :

"Tình trạng thiếu dân chủ… trong Đảng lâu nay thì những người chịu trách nhiệm chính là những anh đã đứng đầu trong việc tạo ra tập trung quyền lực, tạo ra toàn trị, tạo ra mất dân chủ và không tôn trọng ý kiến của cơ sở đảng viên. Tình trạng này đã xảy ra từ lâu nay và nguyên nhân chính là do những anh như anh Lê Quang Thưởng đã chi phối. Bây giờ anh ấy thấy tình hình như thế thì kêu gọi đảng viên cơ sở phải lên tiếng. Thật là buồn cười vì lên tiếng trong một thể chế mà toàn trị như thế này thì là vô nghĩa".

Ông Nguyễn Khắc Mai nhắc lại trong nhiều năm qua đảng viên cơ sở, dù trong các cuộc họp được chọn lọc, đã cũng lên tiếng về tham nhũng, chỉ mặt, chỉ tên các nhóm lợi ích khác nhau, chỉ ra suy thoái suy đồi của cán bộ hay các tổ chức xã hội dân sự cũng đã lên tiếng không ngưng nghỉ, đã tố cáo, đã nói rõ tình trạng tham nhũng của ‘lợi ích nhóm’ và ngay cả tiếng nói của những người trong Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương đã về hưu nhưng đều chẳng được quan tâm và lắng nghe.

Đài RFA ghi nhận chiến dịch chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động được dư luận trong và ngoài nước cho là bắt chước theo phong trào chống tham nhũng "đả hổ diệt ruồi" ở Trung Quốc và công cuộc chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam không hề mang lại hiệu quả nào, mà thậm chí nếu không nói là còn bị tác dụng ngược.

Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, trong một cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 7 vừa qua, khẳng định rằng chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam thực chất là để thanh trừng lẫn nhau.

"Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước".

Đồng quan điểm, Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng việc chống tham nhũng hay dẹp bỏ các ‘nhóm lợi ích’ thật sự không nhằm vào đúng mục đích mà chỉ là hô hào qua các khẩu hiệu của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng :

"Tôi đồ rằng tiến độ được coi là chống tham nhũng của đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng".

Một số nhà quan sát tình hình Việt Nam như ông Nguyễn Khắc Mai, Nhà báo Trần Quang Thành đều có cùng nhận định rằng thể chế chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã, đang và sẽ dung dưỡng cũng như tạo lợi thế cho các ‘nhóm lợi ích’ phát triển. Theo vậy, công cuộc chống tham nhũng càng khiến cho nạn tham nhũng ở Việt Nam trở nên càng tinh vi hơn.

nhom2

Hai ông cựu Bộ trưởng Trương Minh Tuấn (ở giữa) và Nguyễn Bắc Son (bìa phải) tham nhũng số tiền hơn 6 triệu USD trong thương vụ Mobifon mua 95% cổ phần của AVG. RFA Edited

Hậu quả khó lường

Trong khi ông Lê Quang Thưởng đưa ra lập luận không loại trừ các ‘nhóm lợi ích’ sẽ đẩy đất nước Việt Nam vào nguy cơ khó lường thì Tiến sĩ Phạm Chí Dũng mạnh mẽ cảnh báo rằng nếu Đảng cộng sản Việt Nam không dẹp được các ‘sân sau’ thì chính những ‘sân sau-nhóm lợi ích’ sẽ tiêu diệt Đảng, tức là sẽ làm cho Đảng tan vỡ.

Với lập luận trên của ông Thưởng, ông Nguyễn Khắc Mai lên tiếng rằng con đường cứu Đảng bằng cách kêu gọi đảng viên cơ sở chủ động chống tiêu cực hay cử cán bộ qua Trung Quốc học hỏi kinh nghiệm chống tham nhũng đều chẳng có tác dụng gì, mà đó chỉ là một cách nói "mị dân", không đáng giá.

"Nói như Karl Marx là ‘Anh phải sám hối thật tâm thì may ra mới có cơ cứu rỗi’. Hiện nay anh có sám hối thật tâm đâu, anh cũng giả vờ giả vịt thôi. Thế thì làm sao mở ra được con đường mới ?"

Giáo sư Nguyễn Đình Cống nêu lên quan điểm của ông rằng Đảng cộng sản Việt Nam trong Đại hội Đảng XIII cần thiết có những thay đổi quan trọng để Đảng có thể vớt vát về uy tín lãnh đạo đất nước, bằng không :

"Còn nếu như họ cứ trượt theo con đường cũ, nghĩa là vẫn cứ theo những cách từ trước tới nay thì càng ngày sự mất lòng tin và sự rối loạn của xã hội càng tăng".

Và một trong những thay đổi quan trọng mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống đề cập đến, được một số nhà quan sát tình hình Việt Nam cho là Đảng Cộng sản Việt Nam cấp thiết phải cho tự do báo chí và tổ chức các cuộc đối thoại nghiêm túc với những đảng viên và giới nhân sĩ trí thức có chính kiến độc lập để nghe những ý kiến và các giải pháp hữu hiệu từ họ thì may ra mới có cơ hội không để đất nước bị lâm vào "nguy cơ khó lường", như nhận định của ông nguyên Trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương-Lê Quang Thưởng.

Nguồn : RFA, 16/11/2019

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 510 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)