Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 24 janvier 2019 23:45

Chiều tảo mộ

Ai liều tảo mộ chiều nay

Mà hương tảo mộ bay đầy hoàng hôn

Phùng Cung

taomo1

"Vừa rồi tôi có đi Tây Nguyên dự lễ bỏ mả của gia đình ông Y Ngông Niết Đam. Người Eđê có một tục lệ rất đặc biệt. Khi nhà có người chết, gia đình con cháu hàng ngày vẫn nuôi nấng, vẫn mang cơm nước ra mộ, khi có điều kiện họ làm lễ bỏ mả. Đó là bữa tiệc linh đình chia tay vĩnh viễn với người chết. Sau đó họ không quan tâm đến ngôi mộ ấy nữa, để linh hồn người chết được siêu thoát, không còn vướng víu cõi trần" (Trần Đăng Khoa, Chân Dung và Đối Thoại, Hà Nội, Thanh Niên, 1988).

Bãi mả, thực ra, không phải là "một tục lệ rất đặc biệt của người Eđê" mà là tập tục chung của nhiều sắn dân bản địa – ở Việt Nam :

"Đối với người Roglai - sắc dân sống rải rác các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, và Lâm Đồng - lễ cúng bỏ mả có nghĩa là người sống từ giã người chết. Lễ này được cử hành sau mùa gặt hái đầu tiên, tính từ ngày người chết qua đời. Mùa gặt hái hoàn tất, mọi người đều rảnh rang nên lễ cúng bỏ mả làm linh đình lắm. Có giết trâu mổ bò, mới thầy cúng làm lễ cho người khuất rồi đãi làng nước. Sau lễ bỏ mả là hết, ngôi mộ không được ai chăm sóc nữa.

Người Rhadé, đa số sinh sống tỉnh Darlac và Quảng Đức, cũng có lệ bỏ mả vào mùa gặt năm sau. Người nhà ra mộ khóc lóc một lần cuối rồi mộ bị bỏ hẳn. Kỷ niệm của người chết cũng chìm dần vào quên lãng.

Người Bahnar - sắc dân sống ở Đông Nam Kômtum, Tây Bắc Pleiku, và phía Tây Bình Định - cũng chỉ chăm sóc mộ phần một năm... Sau đó họ làm lễ tạ rồi san phẳng, và từ đây không còn ai ngó tới". (Toan Ánh, "Tang lễ của đồng bào Thượng", Nhật báo Cách Mạng Quốc Gia, Sài Gòn, 01 Sept 1963).

Bỏ mả, hay bãi mả là điều bắt buộc trong nếp sống du canh. Tục tảo mộ hằng năm, chắc chắn, chỉ bắt đầu khi nhân loại tiến đến giai đoạn định canh. Còn tôi thì phải mãi cho đến cuối 2014, mới được rủ đi tảo mộ (lần đầu) khi đang lơ ngơ giữa một chiều Xuân, nơi đất lạ.

Cái nắng của những buổi chiều cuối năm thường khiến tôi hay bị nặng lòng, dù ở bất cứ đâu. Nhưng phải trải qua một buổi chợ chiều, chợ tết, ở một làng quê nơi đất lạ thì mới hiểu ra thế nào là nỗi buồn xa xứ.

Dân Việt túm tụm dọc mé sông Tonle Sap, đoạn chẩy qua xã Phsar Chhnang (tỉnh Kampong Chhnang) có thể đông đến vài ngàn. Tuy thế, cái đám người trôi sông lạc chợ nhếch nhác, te tua, rách nát này không tạo nổi không khí Tết cho khu chợ cạnh bờ.

taomo2

Kampong Chhnang 2014

May mà vẫn còn vài cái cặp đèn lồng đỏ, năm bẩy cây quất, và mấy chậu cúc vàng của những gia đình gốc Hoa nên hè phố trông cũng đỡ phần ảm đạm. Tôi cứ nhìn mãi một em gái nhỏ, đứng bán đôi cành mai đã héo mà không khỏi cảm thấy có đôi chút bận lòng.

Như mọi người Việt khác ở bến sông này, tôi cũng là kẻ phiêu bạt không nhà nên chả có chỗ để cắm hoa. Muốn biếu em một số tiền nho nhỏ, đủ để sắm sửa một bữa cơm chiều cuối năm tươm tất cho gia đình nhưng đang loay hoay biết chưa biết cách sao cho tế nhị thì chợt nghe tiếng đồng hương quen thuộc :

- Sao ông thầy lang thang gì mình ên vậy ? Đi tảo mộ với tụi em nha, gần xịt thôi hà.

Thấy tôi hơi ngần ngừ, bà vợ rụt rè thêm :

- Dạ, sẵn bữa nay có làm gà với mua được xị rượu để cúng nên mới dám mời ông thầy …

Nghe cách xưng hô nên tôi đoán là họ có con đang theo học ở trường làng Kandal, dưới bến sông. Không ai biết tôi tên gì cả, họ chỉ thấy ông già này thường lui tới ngôi trường này và hay chơi đùa với lũ trẻ con nên gọi tôi bằng "thầy" cho nó tiện việc sổ sách – thế thôi.

Phải nhìn thấy cảnh nuôi gà trên những túp lều nổi tả tơi, và những bữa cơm đạm bạc quanh năm (toàn với khô hay cá vụn nhỏ li ti) của những người suốt đời sống lênh đênh thì mới hiểu được rằng được mời ăn gà là một hân hạnh không thể chối từ – dù tôi chả mặn mà gì với gà và vịt !

May mà từ chợ đến nghĩa địa gần thật, chỉ chừng hơn cây số. Đang là mùa khô, nước rút nên mới lộ ra vài chục tấm mộ bia thô kệch và xấu xí. Chải ai sống qua tuổi sáu mươi. Khi còn tại thế (chắc) họ chưa bao giờ được giáp mặt với một ông nha sĩ, hay bác sĩ – dù chỉ một lần.

taomo3

Kampong Chnnang 2014

Sau khi thắp hương, nhổ cỏ, vun sới mộ phần, mọi người ngồi quanh chuyện trò ăn uống. Dường như ai cũng cảm thấy mãn nguyện vì đã làm xong chút bổn phận, cuối năm, với kẻ đã khuất.

Khó có thể ngờ rằng được đó là lần tảo mộ cuối cùng của cộng đồng người Việt ở xã Phsar Chhnang. Năm sau, từ Phnom Penh, thông tín viên Sơn Trung (RFA) tường thuật : "Làng nổi của người Việt bị di dời… Theo thông báo của chính quyền tỉnh Kampong Chhnang thì việc di dời sẽ được thực hiện từ ngày 10 tháng 10 và chấm dứt trước ngày 25 tháng 10 năm 2015".

Tháng 10 thì Á Châu vẫn còn mưa, và mưa tầm tã. Bia mộ vẫn còn chìm sâu dưới nước. Với cái "thông báo" bất ngờ (và bất nhơn) trên thì chắc chắn không ai có cơ hội tạ mả, trước khi tiếp tục trôi xuôi theo kiếp lục bình.

Ở trời Âu, có những kẻ may mắn hơn nên được nằm yên mãi mãi trong những mộ phần và được thăm viếng thường xuyên :

"Tôi vào tiệm tạp hóa Tàu ở Luân Đôn mua một thẻ nhang ngắn rồi xuống Portsmouth, bắt phà qua Normandy… Bây giờ là mùa đông. Khi phà tiến gần vào bờ cho đến khi cặp bến Ouistreham nằm phía cực đông của bờ biển Normandy, trời còn rất tối. Sao Mai sáng long lanh, các ngọn đèn rải thưa quanh bến tàu, ánh sáng vàng đứng bóng, không hắt hiu…

Tôi đi bộ dọc bờ biển từ hướng đông, bắt đầu từ chỗ giáp mép biển của con kênh đào từ Caen (cách biển chừng 16 cây số). Cứ khoảng 100 thước, một tấm biển tưởng niệm, hình ảnh thế hệ các người lính hôm nay thuộc binh chủng đã đổ bộ, và tên tuổi của một người lính tử trận ngày 6/6/1944…

Từ nơi này đi bộ hai cây số đến nghĩa trang đồng minh ở làng Ranville, ngôi làng đầu tiên trên đất Pháp được giải phóng sau khi người lính Dù chiếm giữ cầu Pegasus. Trên bản đồ là nghĩa trang của Anh, nhưng ở góc bên trái từ cổng vào có 330 bia mộ người lính Đức, chia cùng mảnh đất nghĩa trang với 2.235 người lính nhảy dù thuộc quân đội Anh, Úc, New Zealand, Bỉ, Pháp, Ba Lan…

taomo4

Nghĩa trang Quân đội Đồng minh Ranville : Các ngôi mộ của người lính Đức ở khu vực phía xa bên trái. Ảnh HĐT - 12/2018

Mỗi ngôi mộ người lính Đức đều có bia như các ngôi mộ của người lính đồng minh, tên tuổi, ngày sinh và ngày chết, chỉ khác là huy hiệu binh chủng được thay bằng dấu Thập tự Sắt. Dưới bầu trời xám đục, đài thánh giá trắng có hình cây kiếm mũi hướng xuống đất nổi bật ngay giữa nghĩa trang. Những linh hồn nơi đây không còn chiến tranh nữa. Kiếm đã cắm hay cất. Không có một chữ ‘hòa giải’ nào trong nghĩa trang chung này. Nhưng các bia mộ của người lính Đức và người lính đồng minh nằm bên nhau. Người sống không thù hận nên người chết yên lành" (Hồ Đắc Túc, "Những Mộ Phần Bên Nhau", Dân Luận, 01/01/2019).

Cùng lúc với Hồ Đắc Túc, Ngô Thanh Tú cũng đi tảo mộ ở quê nhà (Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa) nhưng với tâm trạng hoàn toàn không thư thái :

"Cứ mỗi bước chúng tôi đi đều phải chịu sự giám sát của ít nhất hai bảo vệ nơi này. Ánh mắt soi mói, những câu hỏi vô duyên, như : chụp hình để làm gì ? Có động cơ gì không ? làm chúng tôi vô cùng khó chịu. Người bạn đi cùng tôi nói, dường như cái chủ trương truy cùng giết tận còn được áp dụng cho cả người chết. Chế độ này ko chỉ trả thù người chết mà còn sợ họ đội mồ sống dậy nên kiểm soát rất chặt chẽ".

taomo5

Ảnh lấy từ FB TĐM

FB Từ Đức Minh cho biết thêm : "Với bản chất thú tính, bất chấp luân lý và tình người . Người Cộng Sản không cần biết thế nào là nghĩa tử, nghĩa tận . Họ chủ động giáo dục cho đám con trẻ gọi mộ người lính Việt Nam Cộng Hòa là ‘mả ngụy’, ‘mả giặc’. Người ta canh tác rau trên mộ, tưới nước phân dơ bẩn, thả trâu bò lội giẫm đạp lên mộ. Khốn nạn hơn nữa , họ cho người đào giữa ngôi mộ và trồng lên đó những cây to. Mấy năm sau cây lớn làm xập mộ…

Người đang sống ở Lộc Hưng mà họ còn ủi cho xập nhà, xập cửa thì xá gì đến chuyện mộ bia ở Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/01/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 16 janvier 2019 21:32

Ghẹo cho chúng chửi

Họ không sợ và thậm chí không thèm để ý đến cái gọi là "luật an ninh mạng". Họ vẫn nói, vẫn viết như đã nói và viết vào ngày 31 tháng 12 năm ngoái.

Trần Trung Đạo

gheo1

"Các vị gặp vận hạn về xe biển xanh có vẻ như tên đều có vần ‘anh’.

FB Pháp Vân ghi nhận rằng "các vị gặp vận hạn về xe biển xanh có vẻ như tên đều có vần ‘anh’. Đầu tiên là Trịnh Xuân Thanh, đi cái Lexus ‘mượn’ của người tài xế, gắn biển xanh vào để tiện đi công tác. Kế đến là Nguyễn Xuân Anh, đi cái xe được doanh nghiệp biếu, và mấy hôm nay đang rộ lên về xe biển xanh đi đón phu nhân bộ trưởng Trần Tuấn Anh".

Nếu đúng vậy thì rõ ràng là Luật An Ninh Mạng, có hiệu lực từ ngày đầu năm 2019, hoàn toàn và tuyệt đối chả ảnh hưởng gì ráo trọi đến "vận hạn" của các vị lãnh đạo ấp cao ở Việt Nam cả. Bốn hôm sau, sau khi Bộ Công Thương gặp "nạn" vì đã dùng xe công vào chuyện tư, trên trang fb của Hoàng Huy Vũ xuất hiện một stt ngăn ngắn (nguyên văn) như sau :

Hai vợ chồng quan nằm với nhau.

- Quan bà tỉ tê : Tưởng có chồng làm quan thì được nhờ, ai ngờ điều cái xe đi đón vợ thôi mà thiên hạ nó chửi cho mục cả mả. Biết vậy gọi Grab cho nó lành.
-
Quan ông phân bua : Anh cũng đâu ngờ. Tại lão Lú nó bảo áp dụng luật Animal là bọn dân đen đố đứa nào dám mở miệng.

- Quan bà chì chiết : Ăn cái gì mà ngu thế không biết. Làm đến chức bộ trưởng rồi mà còn tin vào cái mồm thằng Lú.

- Quan ông nổi cáu : Bà bớt cái mồm đi có được không, nhức hết cả đầu. Sáng mai bà gọi điện hỏi thăm mẹ một câu, mẹ mới nhập viện rồi đấy.

- Quan bà : Mẹ cũng buồn cười thật đấy, già rồi sinh ra lẩm cẩm. Thiên hạ nó nói gì kệ mẹ chúng nó, hơi đâu suy nghĩ lẩn thẩn làm gì cho phát bệnh. Nói bao nhiêu nhiêu lần rồi chả nghe, chỉ giỏi làm khổ con khổ cháu.

- Quan ông : Bệnh tật gì đâu. Bọn dân cư mạng mấy hôm nay chúng nó địt khiếp quá, cụ tuổi cao sức yếu dùng cả chục tuýp gel bôi trơn mà vẫn rát nên huyết áp tăng vọt. Cũng may nhập viện kịp thời nên chưa đột quỵ đấy.

Chả riêng gì Hoàng Huy Vũ, mọi người đều phớt lờ Luật An Ninh Mạng (mới toanh) của nhà nước hiện hành. Tất cả đều đồng lòng coi như nó chả có gram nào hết :

Đình Ấm Nguyễn : Tội thằng Vũ Huy Hoàng 100 thì thằng Anh phải 80, bố con nhà Trần này cũng dạng vô học dù có bằng nọ kia.

Trương Duy Nhất : Không thể để một bộ máy văn phòng tiền hô hậu ủng quanh năm rồng rắn đi hầu hạ vợ con những thằng Bộ trưởng chướng tai gai mắt thế.

Vũ Quốc Ngữ : Thằng Tuấn này chỉ là thái tử đảng thôi chứ chính khách gì nó ! Nó có tranh cử và được bầu trong một cuộc bầu cử công bằng đâu !

Pham Vanthanh : Chính xác. Một bọn vô liêm sỉ !

- Nguyễn Tường Thụy : Một lũ vô học : thằng sắp xếp đón, thằng đi đón, thằng dẹp đường, thằng chấp nhận đón và con được đón. Nhưng thằng chồng mới là đứa đáng phỉ nhổ trước hết.

Nguyễn Dương : Từ chức hoặc ăn cứt, Trần Tuấn Anh có thể chọn 1 trong 2 hoặc cả 2 càng tốt.

gheo1

Ảnh : VOA

Thiệt là họa vô đơn chí. Trong lúc Ủy Viên Trung Ương Đảng Trần Tuấn Anh bị công luận ép buộc từ chức hay ăn cứt vì hành động thiếu khôn ngoan của mình thì cả Bộ Chính Trị cũng hành sử ngu xuẩn không kém ("Tăng Vốn Đầu Tư Cho Hai Tuyến Metro Sài Gòn) khiến FB Nguyễn Anh Tuấn đùng đùng nổi giận, hỏi : "Bộ Chính Trị là cái đéo gì ?"

FB JB Nguyễn Hữu Vinh trả lời ngay :

- Bộ Chính Trị là một khối u ác tính !

Tất nhiên, đây không phải là hai nhân vật lẻ loi bầy tỏ phẫn nộ về sự lạm quyền trắng trợn của Đảng cộng sản Việt Nam. Xin ghi thêm năm/bẩy tên tuổi nữa, theo stt của FB Lê Nguyễn Hương Trà :

Luật sư Trần Vũ Hải : "Hoan hô Bộ chính trị 16 người đã làm thay việc của 490 đại biểu Quốc hội duyệt tăng vốn cho dự án Metro tại Tp.HCM. Theo tiền lệ này, sắp tới nước ta không cần cơ quan dân cử nữa nhỉ ? Cám ơn Bộ chính trị rất tài, đã tiết kiệm tiền dân !"

Anh Phạm Ngọc Hưng : "Đọc tin Bộ Chính trị phê duyệt 95K tỷ cho 2 tuyến metro SG, tôi lại nhớ đến Bá Kiến "đập bàn đòi cho được năm đồng, rồi thì lại vất trả lại năm hào vì thương anh túng quá".

- Luật sư Lê Công Định : ‘Ủng hộ Bộ Chính trị ngồi xổm lên Quốc hội, tè vào Hiến pháp thế này. Vậy mới là chuyên chính vô sản !"

- Tiên Lê : "Oái oăm ! Hiện thực bất logic. Qua bài báo này mới biết : Bộ Chính trị Việt Nam... mạnh dzữ, chơi đẹp thiệt. Tôi kỳ vọng Bộ Chính trị điều chỉnh tăng lương cho cán bộ công nhân viên thiệt đẹp và giải quyết các món nợ nần trong ngoài liên quan đến tài chánh. Nói chung, Bộ Chính trị kiêm luôn Bộ Tài Chánh, Bộ Công thương, quản lý ngân khố quốc gia... hết luôn nha".

- Lê Trung Thu : "Bộ chính trị là cái mèo gì mà thò tay vô Metro, đá lấn sân quốc hội rồi mấy cụ ơi".

- Đoàn Trọng Huy : "Thật tài tình, 500 anh em vào hội trường chỉ việc ngồi ngủ và bú nước suông".

- Vu Van Toan : "Thực tế là bộ chính trị vẫn quyết tất cả mọi thứ, chẳng qua lần này báo chí ghi rõ như vậy thôi".

gheo2

Ảnh : FB Đinh Tấn Lực

Thế mới thấy là FB Đoan Trang tiên đoán hoàn toàn đúng : "Những người nào vốn sợ tà quyền thì đã sợ rồi. Suy cho cùng, chưa có luật An minh mạng thì an ninh cũng đã bắt bỏ tù hàng trăm blogger kia mà. Còn những người nào vốn đã không sợ thì càng chẳng có lý do gì để sợ những kẻ họ đã quá khinh bỉ".

Và khi mà thiên hạ không còn ai sợ hại nữa thì báo chí của nhà nước lặng lẽ gỡ bài ("Bộ chính trị đồng ý tăng vốn cho hai tuyến metro") còn Trần Tuấn Anh và gia đình ân cần "gửi thư xin lỗi tới toàn thể quý vị hành khách có mặt trên chuyến bay VN262 tối ngày 4/1/2019. Đặc biệt, tôi xin gửi lời xin lỗi đến Nhân dân, đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đồng nghiệp trong ngành Công Thương. Tôi coi đây là một bài học sâu sắc cho cá nhân, gia đình và Bộ Công Thương".

Bài học này "sâu sắc" hơn thế nhiều, ông Bộ Trưởng ạ. Không chỉ riêng chi Bộ Công Thương mà cả Bộ Chính Trị phải hiểu ra rằng cái thời cả vú lấp miệng em, lấy thịt đè người, và lấy thúng úp voi vĩnh viễn đã qua rồi. Chả có luật lệ nào có thể đi ngược lại với cuộc sống cả.

Thế luật lệ đặt ra để làm gì ? Để ghẹo cho chúng chửi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 16/01/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Tôi chẳng tin cái đảng ăn tàn phá hại này và bộ máy công an của nó sẽ bịt được miệng chúng tôi.

Phạm Đoan Trang

cai1

Ngày 6 tháng 12 năm 2018, trên trang nhà VOA xuất hiện một bài viết ("Chuyện cái quần") thú vị của blogger Trân Văn. Câu chuyện đã được phổ biế́n khá rộng rãi nên chỉ xin ghi lại tóm tắt, đôi đoạn :

"Ông Nguyễn Quốc Hùng – chồng bà Dương Ngọc Ánh – đã thay mặt vợ xin lỗi thầy giáo Hồ Văn Khánh, giáo viên trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh, tại một buổi họp với đầy đủ các bên được cho là có liên quan... Sở dĩ ông Hùng phải thay mặt vợ đứng ra xin lỗi... vì bà Ánh – vợ ông Hùng nhận thức sai, hành xử không đúng đối với một… cái quần !

Ông Hùng và bà Ánh có một cô con gái đang là học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Trần Huỳnh. Sau buổi học sáng 30 tháng 11, ái nữ của họ để quên một cái quần trong hộc bàn. Buổi chiều, học sinh nào đó đem cái quần bị bỏ quên ấy đặt lên bàn giáo viên. Khi thầy giáo Khánh vào lớp, nhìn thấy cái quần, không xác định được chủ, ông yêu cầu học sinh bỏ nó vào thùng rác.

Chiều hôm sau, ái nữ của ông Hùng, bà Ánh tìm thầy giáo Khánh để hỏi thăm về cái quần của cô. Nghe thầy giáo Khánh trả lời ông đã ra lệnh cho học sinh bảo nó vào thùng rác, cô lẳng lặng bỏ về… Chỉ một tiếng sau, ông Hùng gọi điện thoại cho thầy giáo Khánh, yêu cầu thầy giáo Khánh hạ một bậc hạnh kiểm của học sinh đã đem quần của con gái ông đặt lên bàn giáo viên và buộc cha mẹ học sinh đó… đền quần ! Thầy giáo Khánh từ chối vừa vì yêu cầu đó thái quá, vừa vì chính ông là người yêu cầu học sinh đem quần của ái nữ ông Hùng, bà Ánh bỏ vào thùng rác.

Bởi thầy giáo Khánh không đáp ứng yêu cầu của mình, ông Hùng yêu cầu thầy giáo Khánh ra quán cà phê nói chuyện. Phải sinh hoạt với lớp mà mình làm chủ nhiệm, thầy giáo Khánh hẹn ông Hùng uống cà phê vào trưa 3 tháng 12… Trưa hôm ấy, ông Hùng không đến như đã hẹn, vợ ông thay chồng nói chuyện phải trái với thầy giáo Khánh. Sau cuộc nói chuyện, bà Ánh đưa lên trang facebook của mình một video clip ghi lại bốn phút trò chuyện với thầy giáo Khánh – người mà bà nhận định là… ‘thầy giáo biến chất’.

Ngay sau đó, người ta chuyển cho nhau xem clip ấy, mạng xã hội tiếng Việt sôi lên sùng sục nhưng thiên hạ không chỉ trích thầy giáo Khánh như bà Ánh… mong. Bà Ánh không dè chính bà trở thành tâm của trận bão mà mức độ cuồng nộ càng lúc càng lớn. Trong vòng chưa đầy một ngày, có tới 18.000 người vào trang facebook của bà Ánh chỉ trích bà vô giáo dục, thậm chí không ít người dọa sẽ trừng trị bà nếu bà không xin lỗi thầy giáo Khánh… Bà Ánh vội vàng rút clip xuống nhưng sự cuồng nộ không giảm.

Chi nhánh Bạc Liêu của Vinaphone (doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam – VNPT) – chỗ mà bà Ánh tự giới thiệu trên facebook là nơi làm việc của mình – vội vàng thông báo : Nhân viên Dương Ngọc Ánh đã chấm dứt hợp đồng lao động từ ngày 20/10/2017 với Trung Tâm Kinh Doanh VNPT – Bạc Liêu theo quyết định số 178/QĐ –TTKD –BLU-THNS. Mọi vấn đề liên quan VNPT Vinaphone – Bạc Liêu không quản lý.

Ngoài việc kêu gọi nhau tẩy chay Vinaphone, người sử dụng mạng xã hội còn thông báo với nhau gốc gác của bà Ánh. Hóa ra bà Ánh không phải thường dân, bà là ái nữ của ông Dương Ngọc Ẩn, cựu Tỉnh ủy viên, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu – nhân vật vốn chẳng xa lạ gì với công chúng vì liên tục vi phạm pháp luật từ năm này đến năm khác nhưng vẫn ung dung tại vị cho đến ngày nghỉ hưu, hưởng nhàn".

Thiệt là trật một ly mà đi chục dặm... Sự việc sẽ không đi quá xa như vậy nếu như đừng có internet. Mấy trang mạng xã hội đã khiến cho đại gia đình ông Hùng, kể cả vị nhạc gia – cựu Tỉnh ủy viên, cựu Giám đốc Sở Xây dựng Bạc Liêu – phải một phen điêu đứng.

cai2

Ảnh : FB : Nguyễn Xoan

Họ là nạn nhân mới nhất (chứ không phải là duy nhất) của Thời đại thông tin. Trước đây, ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang, cũng đã có lần nói như mếu rằng : "Những ngày qua mình rất khổ sở vì trở thành tâm điểm của dư luận. Nhiều người còn cho rằng ông chỉ đạo xử nặng các cá nhân nói xấu mình trên Facebook vì mâu thuẫn với người trong cuộc". Sau đó, theo VnExpress : "An Giang xin lỗi cô giáo chê chủ tịch trên Facebook".

Sau đó, vào ngày 5 tháng 10 năm 2017, ông Lê Tấn Thịnh (trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) làm náo loạn một khu chợ chồm hổm bằng nhiều cú đá hung bạo vào thúng mẹt rau cải, tôm cá… của bạn hàng ở địa phương. Chỉ vài phút sau, màn biểu diễn quyền cước của ông Thịnh được cả nước "chiêm ngưỡng" và đương sự cũng "trở thành tâm điểm của dư luận" nên đã bầy tỏ sự ân hận bằng một câu xin lỗi (nghe) rất... dễ thương : "Tôi chưa lường trước sự việc".

Tình trạng qúi vị lãnh tụ ở cấp trung ương cũng thế, cũng thảm hại không kém – theo ghi nhận của tác giả Nguyễn Thanh Anh :

"Đơn cử như tháng 5/2016 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng thống Mỹ Obama cho cá ăn tại khu nhà sàn của Hồ Chủ tịch. Hành động hất cả xô cám một cách thô lỗ xuống ao cá khiến cho vị Tổng thống Mỹ cũng phải tỏ ra hơi hốt hoảng được truyền thông ghi lại trọn vẹn và là đề tài đàm tiếu suốt một thời gian.

Cũng là bà Ngân khi chào đón đội tuyển U23 vào đầu năm nay (01/2018) cũng có những hành vi suồng sã như dúi đầu cầu thủ để vừa bắt tay vừa xoa đầu, hay vừa mới đây trong buổi lễ trao cúp vàng AFF cho đội tuyển bóng đá Việt Nam bà Ngân đã cố gắng kéo tấm bảng phần thưởng để Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể ghé tay cầm vào nhưng thất bại. Những hành động đó đều được ghi hình và chia sẻ thông qua các phương tiện truyền thông (youtube) và mạng xã hội (facebook).

FB Nguyễn Đức Hiền nhận xét : "Ngày xưa, khi không có phê-tê-bốc hay bờ lốc bờ leo gì, tất cả bạn bè thời niên thiếu và đại học đều có chung một chí hướng : Phò bác, phò đảng !!  Kể từ khi có mạng xã hội thì nhận thức mỗi người bắt đầu khác đi". Nói cách khác là vì "bờ lốc bờ leo" nên "bác" và "đảng" không còn cửa (độc quyền) múa gậy vườn hoang như "ngày xưa" nữa.

cai3

Top Ten Câu Nói Ấn Tượng 2018. FB : Trương Duy Nhất

FB Nguyễn Thọ  cho biết thêm : "Người dân ở các nước xã hội chủ nghĩa đang mất dần thói quen nghe loa phường và đọc báo đảng. Họ bắt đầu cắm mặt vào màn hình tý hon của máy Smartphone để chat chit hàng giờ". Chả những thế, tác giả Trần Đĩnh còn "đế" thêm : "Tao vui vì luôn nhìn thấy Đảng loạng choạng lùi, trước thằng... Thời Đại".

Lùi là thấy mệt rồi. Loạng choạng lùi thì sắp té đến nơi. Bởi thế cần phải có Luật An ninh mạng để chống cho chế độ hiện hành, may ra, khỏi ngã – theo như lời xác nhận Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng : "Cần Luật này để bảo vệ chế độ".

Được bao lâu ?

Thì được lúc nào hay lúc đó thôi, chớ hỏi khó như vậy sao (nghe) bất an và bất nhơn quá hà !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/01/2019 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 19 décembre 2018 23:35

Một bà Bình khác

Nụ cười rạng rỡ của các cô gái anh hùng trên nhật báo và phim ảnh tuyên truyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chiến tranh đã chu du khắp thế giới, nhưng số phận bi thảm của chính những người nữ anh hùng vô danh này vẫn chưa được mọi người biết đến đầy đủ.

François Guillemot

Thỉnh thoảng, giới truyền thông trong nước lại hốt hoảng loan tin :

Khắp nơi dư cấp phó

Hoặc :

Dư thừa cấp phó khắp nơi

Tuy được báo động đều đều như thế nhưng tình trạng "lạm phát cấp phó vẫn cứ diễn ra ở nhiều sở, phòng, ngành, tại không ít địa phương" – theo như lời than phiền của phóng viên báo Lao Động.

babinh1

Tình trạng này được ông Dương Văn Thống, Phó Bí thư tỉnh Yên Bái, lý giải như sau : "Anh em phân công nhau không được, hạ xuống không được. Người Việt Nam chúng ta là thế". Thảo nào mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có đến 17 ông Phó Thủ tướng và năm/sáu bà (hay ông) Phó Chủ tịch nước cùng tại vị.

Vấn đề – chả qua – là vì "ghế ít đít nhiều " nên lắm đồng chí lãnh đạo đành phải ngồi ghế phó, hay còn gọi là ghế súp, thế thôi. Tuy thế, chả nghe vị nào lên tiếng phiền hà gì ráo và tất cả (ngó bộ) đều muốn ngồi luôn – dù chỉ là ghế súp.

"Với đám con cháu, cụ Tôn bảo : ‘Tụi bay đừng có kêu tao bằng phó chủ tịch nước, nghe ngứa cái con ráy lắm ! Người ta đặt đâu tao ngồi đó, chớ tao không màng cái chức chi hết’. Ngoài việc dự các nghi lễ long trọng bắt buộc phải có mặt cụ, cụ không làm việc gì khác ngoài một việc cụ thích thú hơn cả là sửa xe đạp. Làm phó chủ tịch nước, ông thợ máy ngày trước buồn tay buồn chân. Hết xe đạp hỏng cho cụ chữa, anh em bộ đội bảo vệ và nhân viên phục vụ phải lấy xe của người nhà mang vào cho cụ kẻo ngồi không cụ buồn. Thương cụ quá, đôi khi họ còn làm cho xe trục trặc đi để dắt đến nhờ cụ sửa giùm. Một người bạn tôi quen thân với cụ Tôn, cha anh trước kia là đàn em cụ, kể rằng một hôm anh đến thăm cụ, vào thời gian Nghị quyết 9, thì cụ dắt anh vào phòng riêng thì thào :‘Mầy có thấy lính kín theo mầy tới đây không mầy ?’ Anh ngạc nhiên quá. Tưởng anh lo lắng cho cụ, cụ mỉm cười hiền hậu :‘Là tao lo cho tụi bây, chớ tao hổng lo cho tao. Trong nhà tao nè, lính kín hổng có thiếu" (Vũ Thư Hiên. Đêm Giữa Ban Ngày. Văn Nghệ. Westminster, CA : 1997).

Tuy "nghe ngứa con ráy lắm", và đôi lúc cũng cảm thấy (đôi chút) ngượng ngập vì chức vụ hữu danh vô thực nhưng bác Tôn vẫn cứ ngồi im re ở cái ghế Phó Chủ tịch nước từ 1960 cho đến mãi 1969 lận.

Bác Bằng cũng thế :

"Ông tiếp mẹ tôi trên gác ngôi nhà có công an canh gác, nói những lời an ủi vô thưởng vô phạt. Tiễn mẹ tôi xuống nhà, khi đã ra đến vườn rồi, tin chắc không còn bị nghe trộm nữa rồi, ông mới hứa sẽ đặt vấn đề ra trước Trung ương để Trung ương xem xét ...

Lời hứa của ông chẳng bao giờ được thực hiện. Ðịa vị cao sang và nỗi sợ hãi trước Lê Ðức Thọ đã làm tâm hồn người chiến sĩ cách mạng nổi tiếng năm xưa tê liệt. Mẹ tôi kể rằng trong những lần bà tới gặp Nguyễn Lương Bằng, bà thấy ông biết nhà ông bị gài rệp" (Vũ Thư Hiên. sđd. tr. 361).

Ấy vậy chớ người Anh Cả Cách Mạng cũng vẫn yên vị với cái chức danh Phó Chủ Tịch Nước đúng mười năm chẵn, dù biết rằng cái ghế này có rệp.

Thế mới biết lợi danh – hay người xưa òn gọi là cái bả vinh hoa – luôn là miếng mồi hấp dẫn đối với chúng sinh, bất kể thời nào, và bất phân giới tính. Bà Bình cũng ngồi êm ru ở cái ghế Phó Chủ tịch, dù chỉ ngồi chơi/xơi nước (đâu) cũng chục năm.

Theo Wikipedia Hà Nội : "Nguyễn Thị Bình (sinh năm 1927) là một nữ chính trị gia người Việt Nam. Bà nổi tiếng trên thế giới khi giữ cương vị Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, rồi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia Hội nghị 4 bên về hòa bình cho Việt Nam tại Paris trong giai đoạn 1968-1973. Bà là một trong những người đại diện các bên ký hiệp định Paris năm 1973 và là người phụ nữ duy nhất đặt bút ký vào Hiệp định...

Năm 1992, tại kỳ họp Quốc hội khóa IX, bà được bầu làm Phó chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và giữ chức vụ này liên tục trong 10 năm (1992-2002). Bà là người phụ nữ Việt Nam thứ hai giữ chức vụ phó nguyên thủ và là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên giữ chức vụ Phó chủ tịch nước.

Năm 2001, Chủ tịch nước Trần Đức Lương trao tặng cho bà Huân chương Hồ Chí Minh để ghi nhận những công lao to lớn của bà đối với Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

babinh2

Mao Trạch Đông & Nguyễn Thị Bình. Ảnh chụp : 9/9/1963

Mọi huân chương đều có mặt trái của nó. Cái mặt trái Huân Chương Hồ Chí Minh của bà Nguyễn Thị Bình là sinh mạng và cuộc đời bầm dập, te tua, của vô số những người phụ nữ Việt Nam :

"Họ là những cô gái thời chiến, những thiếu nữ tình nguyện đầu quân vào một trong những đội nữ binh lớn nhất mà bất cứ nước nào từng đưa ra một chiến trường tân tiến… Khi hòa bình trở lại, họ mong sẽ tìm được một tấm chồng xứng đáng và sinh con đẻ cái.

babinh3

Ðối với nhiều người trong số họ, giấc mơ đó đã không thành. Trở về sau khi cuộc chiến chấm dứt năm 1975, họ đã bị coi như thiếu hấp dẫn, vì bị tàn phá bởi bệnh hoạn, thiếu ăn và những cực khổ khác mà họ đã phải chịu đựng trong rừng...

Họ nói về chuyện trở về nhà với đời sống khó khăn hơn là đời sống mà họ đã rời bỏ. Sự cay đắng dai dẳng vì trong suốt bao nhiêu năm họ đã là những chiến sĩ bị bỏ quên trong một cuộc chiến tranh mà những người đàn ông chiến đấu - chứ không phải phụ nữ - đã trở thành anh hùng.

‘Tôi đã tưởng cuộc đời tôi sau chiến tranh sẽ giản dị và hạnh phúc,’ theo lời Nguyễn Thị Bình, cân được 85 pounds khi trở về nhà. ‘Nhưng tôi đã để cho người bạn trai của tôi ra đi. Tôi đã nói với anh ấy rằng với những chứng bệnh của tôi, với một chân bị thương của tôi, tôi sẽ là một gánh nặng cho anh ấy’.

Bà Bình đã sống một mình suốt 17 năm, một hình thức lưu vong trong một xã hội nặng về gia đình trong đó những phụ nữ hiếm muộn và những cặp vợ chồng không con là những đối tượng để thương hại. Thế rồi, trước sự thúc giục của những cựu đồng chí trong một đoàn phụ nữ - đoàn 559 - bà Bình đã ‘lấy một người chồng qua đêm’ và sinh được một đứa con gái" (David Lamb. "Vietnam's Women of War", Los Angeles Times 10 Jan. 2003. Bản dịch Nguyễn Nhật . Talawas 17/07/2003).

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC (vào hôm 13 tháng 10 năm 2008) về số phận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam sau 1975, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói "tổ chức này khi ấy đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử" và "khẳng định" rằng "tôi không có sai lầm gì hết. Con đường mình đi hoàn toàn đúng".

Nếu sau chiến tranh mà bà Bình này cũng trở thành một phụ nữ 4 không : không nhà, không cấp dưỡng, không con, không chồng (hoặc chỉ là một người chồng qua đêm, y như bà Bình kia) thì khán thính giả của BBC – không chừng – đã được nghe đôi lời nói (khác) chân thành và tử tế hơn !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 19/12/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 12 décembre 2018 18:36

Đường Văn Cao & Viện Khổng Tử

Những kẻ đặt Khổng Tử lên bàn thờ, thánh hóa ông chính là những kẻ cầm quyền, hoặc những kẻ muốn nắm quyền. Việc này hoàn toàn không phải là việc của dân chúng bình thường.

Lỗ Tấn

vancao1

Kỷ niệm 95 năm sinh nhật của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2018)

Tháng trước, nhân dịp kỷ niệm 95 năm sinh nhật của nhạc sĩ Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2018) nhà văn Đặng Văn Sinh đã chịu khó viết lại vài đoạn ("ghi chép vụn") của bạn đồng nghiệp Hoàng Minh Tường, trên trang FB của ông :

Có chuyện này về cụ Văn Cao, chỉ mình hai bố con tôi chứng kiến – Long Bụi kể – Ấy là cái năm Hội Nhà văn hay Nhạc sĩ Hungari có giấy mời đích danh Văn Cao sang chơi hay hội thảo gì đó. Tổ chức không muốn cho Văn Cao đi, vì ông thuộc diện văn nghệ sĩ bất hảo, nhưng chưa tìm ra cớ gì ngăn cản. Tối ấy, tôi lai bố Lê Chính cùng bác Văn Cao đi đâu đó. Đến ngã tư Trần Nhân Tông – Mai Hắc Đế, bỗng thấy hai thằng du côn tự nhiên xô vào xe bác Văn, rồi chửi ông và đánh ông túi bụi. Khi ấy tôi đã là một thầy dạy võ, có lò võ riêng. Điên tiết, tôi xông đến, giằng hai thằng côn đồ ra, định dạy cho chúng một bài học. Thấy tôi ra đòn, biết gặp cao thủ, chúng bí quá, liền dí tấm thẻ đỏ vào mặt tôi : "Mày không biết chúng bố là ai, hả ? Xéo đi cho các bố làm việc".

Long Bụi cùng bố vợ, họa sĩ Lê Chính, đau đớn đưa nhạc sĩ Văn Cao về nhà phục thuốc. Thế là chuyến đi Hungari ấy của Văn Cao không thành.

Đọc lại trang ghi chép trên, buồn đến mấy ngày.

Vốn bản tính nông nổi nên tôi không "buồn đến mấy ngày" mà chỉ hơi lăn tăn vài phút, thế thôi, rồi lại khúc khích cười ngay khi chợt nhớ đến một mẩu đối thoại (thú vị) trong trí tưởng của một người cầm bút khác :

"Tôi thỉnh thoảng dạo phố vẫn hay dừng lại nhìn lên một tên phố mà chuyện trò lặng lẽ với con người ngồi ở trên cái bảng sắt tây dó. Để nghe anh ta giãi bày. Và cũng để anh ta đừng tưởng bở.

Thí dụ Văn Cao, ngày hai lượt ra trung tâm thành phố và về Cầu Giấy, tôi từng có lần hỏi anh : Cậu khỏe không ? ... Bây giờ ở trên cao này có thấy sao không ?" Thì Văn Cao bảo tôi : "Tao làm nhạc, làm thơ, vẽ, ai hay nay làm diễn viên lên sân khấu đóng vai kịch ca ngợi đảng trọng hiền tài. Mày với tao sống trong cái chăn toàn rận này, mày lạ đ. gì nữa" (1).

Tuy không phải nằm chung "trong cái chăn toàn rận" với nhị vị văn nhân (thượng dẫn) ngày nào cả nhưng tôi cũng chả "lạ đ. gì" với cái trò ma bùn của đám dân Ba Đình, Hà Nội. Họ cũng chỉ học lóm món "võ mèo" này từ "nước bạn láng giềng hữu hảo" thôi nhưng cách chơi của Tầu nổi trội hơn nhiều. Tên Khổng Tử không chỉ được tô vẽ ở Bắc Kinh mà còn có đến vài trăm Viện Khổng Tử khắp nơi "trên toàn thế giới" – theo Theo Wikipedia, tiếng Việt :

"Học viện Khổng Tử (giản thể : 孔子学院phồn thể : 孔子學院bính âm : kǒngzǐ xuéyuàn ; Hán Việt : Khổng Tử học viện ; tiếng Anh : Confucius Institute) là hệ thống học viện công phi lợi nhuận, liên kết với bộ giáo dục Trung Quốc, thành lập với mục tiêu quảng bá tiếng Hoa và văn hoá Trung Hoa, giảng dạy tiếng Hoa cho mọi đối tượng trên toàn thế giới đồng thời tạo điều kiện thuận lợi giao lưu văn hóa và truyền bá tư tưởng cũng như văn hoá Nho giáo ra thế giới".

Nhân loại tuy ngu thật nhưng không ngu mãi nên mấy cái viện thổ tả này đã, và đang, bị bãi bỏ ở khắp mọi nơi. Nhà báo David Volodzko  tường thuật :

"Tháng Chín năm 2014, Đại Học Chicago đóng cửa Viện Khổng Tử. Qua tháng sau Penn State cũng dẹp luôn, vì ‘thiếu sự minh bạch và tự do đại học.’ Hồi tháng Giêng đầu năm, Đại Học Chicago cũng vậy. In September 2014, the University of Chicago shut down its Confucius Institute . Penn State closed their Confucius Institute the following month, citing a lack of "transparency and academic freedom". Then in January of this year, Stockholm University closed theirs as well (2).

vancao2

Ảnh : viettimes

Từ đó đến nay thêm vô số Viện Khổng Tử bị than phiền, kể cả những cáo buộc hoạt động gián điệp như loại ngựa thành Troy (China’s Trojan Horse ) hay là "Trung Quốc" và buộc phải đóng cửa :

- Shut down Confucius Institutes in the US

- Criticism of Confucius Institutes

- Teacher body calls for closure of Confucius institutes

- Confucius Institutes in NSW Face Termination

- Confucius Institute to close in Sweden

- Confucius institutes in the Mekong region : China's soft power or soft border ?

- Close Confucius Institutes on US campuses

- Cảnh giác với Viện Khổng Tử của Trung Quốc

Ngay ở nước Tầu, Khổng Khâu cũng bị đồng bào của ông nhìn với ánh mắt nghi ngại hay ái ngại :

- Lý Linh : "Tôi chẳng hứng thú gì khi người ta cắm ngọn cờ Khổng Tử trên toàn thế giới. Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc, cũng chẳng thể cứu thế giới".

- Lưu Hiểu Ba : "Vị Khổng Tử mà các vua chúa và quần thần ‘phong thánh’ đã đánh mất hoàn toàn mọi mối liên quan với vị Khổng Tử đích thực, và đáng được xem như một món hàng giả vô cùng nguy hiểm".

Sau khi "món hàng giả" này bị phát hiện, và cái mặt nạ quân tử đã rơi thì Trung Quốc chả còn phải "giữ gìn" hay "e ngại" điều tiếng chi nữa ráo. Họ biến ngay thành bọn tiểu nhân, với cách hành xử "thô bạo, côn đồ" và "vô liêm sỉ" – theo tường trình của Thuỵ Mi, trên trang RFI, vào ngày 22 tháng 11 vừa qua :

"Lần đầu tiên trong lịch sử 20 năm thành lập, hội nghị thượng đỉnh APEC kết thúc hôm Chủ nhật 17/11/2018 đã không ra được thông cáo chung, chỉ vì sự phản đối của một thành viên duy nhất – đó là Trung Quốc. Hội nghị thất bại, nhưng các quan chức Trung Quốc lại vỗ tay vang dội, trước sự ghét bỏ của những nhà ngoại giao các nước khác. Đó là ghi nhận của nhà báo Josh Rogin, được tờ Washington Post gởi đến Papua New Guinea để tường thuật về APEC.

Nhưng đó chỉ là sự cố cuối cùng trong suốt một tuần lễ qua. Đoàn đại biểu chính thức của Trung Quốc đã trình diễn một loạt những màn mà nhà báo Rogin đánh giá là hung hăng, dọa nạt, hoang tưởng và kỳ quặc, nhằm cố gắng khống chế, gây áp lực lên nước chủ nhà cũng như tất cả các thành viên khác, để rốt cuộc họ phải chiều theo yêu cầu của Bắc Kinh...

Tác giả Josh Rogin... việc Bắc Kinh hành xử theo cung cách làm các nước khác xa lánh - một điều đi ngược lại với quyền lợi của chính Trung Quốc - cho thấy những hành động chính thức của Trung Quốc được kiểm soát từ trên đỉnh xuống, và thường cản trở những quyết định đúng đắn. Ngay cả khi phái đoàn Trung Quốc thấy rằng chiến thuật của mình phản tác dụng, họ cũng không có quyền thay đổi.

Theo tác giả, đó cũng là hình ảnh của chính quyền Trung Quốc ngày nay : ngạo mạn, thiếu tự tin, thiếu kiềm chế, không còn muốn chứng tỏ sẽ tôn trọng các quy định của cộng đồng quốc tế từ nhiều thập niên qua".

Mã tầm mã, ngưu tầm ngưu. Đối với chế độ cộng sản Việt Nam thì Trung Quốc vẫn là nước bạn láng giềng hữu hảo – một tấm gương để noi theo – trong tiến trình cùng đưa cả dân tộc đến chỗ diệt vong, lụn bại.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 12/12/2018 (tuongnangtien's blog)

(1) Trần Đĩnh, Đèn Cù II, Westminster, CA, Người Việt, 2014

(2) "China's Confucius Institutes and the Soft War", The Diplomat July 08, 2015

Published in Diễn đàn
samedi, 01 décembre 2018 09:42

Dư âm của ngày Lễ tạ ơn

Trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ... một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị.

Nguyễn Anh Tuấn

taon1

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký Hiệp ước đình chiến kết thúc cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée ở trung tâm thủ đô Paris - Ảnh : thenational

Ngày 11 tháng 11 năm 2018, báo Nhân Dân trang trọng loan tin : "Lễ kỷ niệm 100 năm ngày ký Hiệp ước đình chiến kết thúc cuộc chiến tàn khốc trong lịch sử nhân loại, đã diễn ra tại Khải Hoàn Môn trên đại lộ Champs Elysée ở trung tâm thủ đô Paris. Tham dự sự kiện này có 72 nguyên thủ và lãnh đạo quốc gia".

Tui lấy kính lúp xăm soi hoài nhưng không thấy mặt mũi của "lãnh đạo quốc gia" Việt Nam đâu ráo trọi. "Đại diện của dân tộc" này cũng khỏi có luôn, theo như lời phàn nàn của nhà báo Lưu Trọng Văn :

"Gã ngạc nhiên tại Paris trong lễ kỉ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến lần thứ Nhất đại diện của dân tộc gã không được mời. Ngài tổng thống Pháp đã mời vua Ma rốc và lãnh đạo một số nước Bắc Phi để tri ân nhưng đã quên rằng giành lại hòa bình và độc lập cho nước Pháp trong Thế chiến này có hơn 100.000 người Việt Nam của tổ quốc gã... Chua xót cho những hương hồn dân Việt !".

Khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tôi vẫn chưa mở mắt chào đời nên không biết chi nhiều về những chuyện vào thưở đã xa lắc, xa lơ, hồi đầu thế kỷ XX. May là vừa đọc được một bài viết rất công phu ("Chiến binh gốc Việt trong lịch sử") của nhà văn Giao Chỉ :

"Khi Pháp thực hiện việc xâm lăng và cai trị Việt Nam (khi đó họ gọi là An Nam) để bình định thêm các thuộc địa và gây chiến với nhiều quốc gia khác, lực lượng binh lính người Việt được chiêu mộ để phục vụ cho mục đích chiến tranh này, dấu chân của họ đã in khắp các chiến trường Âu Phi. Không thể tưởng tượng con số thanh niên Việt trong 4 năm 1914-1918 đã có đến gần 100.000 ngưởi tham dự đại chiến thế giới lần I tại Pháp…

Thời kỳ đó thanh niên Việt Nam đi lính cho Pháp tham dự Đệ nhị thế chiến dường như hiếm có các sĩ quan. Giỏi lắm chỉ là ông cai, thầy đội hay lên đến quan quản tức là thượng sĩ đã là cao cấp lắm. Riêng có trường hợp đại úy phi công anh hùng của quân đội Pháp là ông Đỗ Hữu Vỵ con trai của tổng đốc Nam Kỳ Đỗ Hữu Phương".

Wikipedia (tiếng Việt) cho biết thêm :

"Trong số những phi công đầu tiên của Pháp xuất xứ từ Đông Dương được ghi nhận có Phan Tat Tao, Cao Đắc Minh, Felix Xuân Nha (Nguyen Xuan Nha), Đỗ Hữu Vị, nhưng Đỗ Hữu Vị được xem là nổi tiếng nhất. Vì vậy, chính phủ Pháp cho in hình ông trên con tem phát hành khắp Đông Dương, lấy tên ông đặt cho nhiều trường học, nhiều đường phố ở các thuộc địa và chính quốc".

taon2

Nghĩa trang dành cho binh lính Đông Dương tại Gironde, nơi những người con đất Việt yên nghỉ. Ảnh & chú thích lấy từ : Việt Báo

Đỗ Hữu Vị từ trần vào năm 1916, hơn trăm năm sau nước Pháp vẫn còn "trường học, đường phố" mang tên ông. Như thế – kể ra – trí nhớ của dân Tây cũng không đến nỗi bạc bẽo gì cho lắm, như bác Lưu Trọng Văn vừa mới than phiền. Ít nhất thì nó cũng đến nỗi "bạc" như dân Ba Đình, Hà Nội. Họ xóa sổ liền đám Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngay sau khi cuộc chiến Nam/Bắc vừa tàn.

Thân phận của những cán binh miền Bắc, hay còn gọi là lính bác Hồ, cũng không khác mấy :

"Lúc tôi tình nguyện vào Nam, số học sinh của cả bốn lớp 10 của trường chúng tôi vào chiến trường khoảng 120 người, vậy mà chỉ 2 người may mắn sống sót, là tôi và một người nữa. Tôi thì bị bom làm điếc tai bên phải ; người còn lại là cậu Lương thì bị cụt một tay và trở nên ngớ ngẩn. Tất cả những bạn khác của tôi không ai sống sót. Khi tôi đi tìm mộ của những bạn đã chết, tôi mới biết, trong những trận đánh mà bộ đội miền Bắc thua, thì người ta xóa sạch dấu vết và tên tuổi liệt sĩ không được ghi lại. Họ giải thích rằng dân tộc ta là dân tộc anh hùng phải chiến thắng quân thù, nhưng trận này chưa thắng cho nên không thể kiểm kê các liệt sĩ được. Cho nên hàng trăm người chết dưới đáy hồ, dưới đáy vực mà hoàn toàn không ai tìm được tung tích" (1).

Chế Lan Viên cũng ghi lại cái tâm cảm (gần) tương tự :

Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng

Chỉ một đêm, còn sống có 30 ...

Một trong ba mươi người kia ở mặt trận về sau mười năm

Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ

Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ

Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ !

Rải rác trên Đường Mòn Hồ Chí Minh, theo Giáo sư Nguyễn Văn Lục : "Người ta phỏng đoán có khoảng 300.000 vừa là thanh niên xung phong, vừa là cán binh bộ đội đã đào ngũ hay mất tích hoặc chấm dứt đời sống. Bệnh tật như kiết lỵ, sốt rét đã nhanh chóng hoàn tất cuộc đời của họ mà có thể chưa một ngày lâm trận. Thân xác chỉ còn là những bộ xượng lụi tàn, nằm chờ chết như một niềm an ủi cuối cùng".

Nhặt nhạnh lại số hài cốt vương vãi khắp nơi, khi đất nước tôi không còn chiến tranh, là việc của những mẹ già lên núi tìm xương con mình hay của… những nhà ngoại cảm, những liên lạc viên (không khả tín gì cho lắm) giữa cõi âm và cõi dương – ở Việt Nam.

Trong cuộc chiến kế tiếp thì con số tử sĩ và thương vong "nhẹ nhàng" hơn. Theo Đại tá Phạm Hữu Thắng, chuyên gia về Campuchia thuộc Viện Lịch Sử Quân Sự, con số binh sĩ Việt Nam thiệt mạng là gần bốn chục ngàn người. Ông cũng khẳng định : "Trong tay tôi có con số thống kê của ngành Quân y, Tổng cục Hậu cần, số thương vong trong mười năm, cả bị thương và hy sinh là hơn 156.000".

Trao đổi với BBC, trong cuộc tọa đàm hôm 25/09/2014, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huy đưa ra một số liệu khác : "Những con số đưa ra hiện nay cũng chưa chính xác lắm... Nhưng người ta nói khoảng 55.000 binh sĩ, tức là bộ đội cộng với thanh niên xung phong Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường Campuchia thời gian đó". Đây là "cuộc chiến bị lãng quên" (theo như cách nói của nhà báo Kevin Doyle ) nên – thực ra – cũng chả ai bận tâm chi nhiều đến hậu quả của nó, xá chi đến những bọ xương khô hay những thân xác bị tàn phế.

33333333333333333

Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Nó không "bị" nhưng "buộc" phải lãng quên

Kế tiếp nữa là chiến tranh biên giới Việt/Trung. Nó không "bị" nhưng "buộc" phải lãng quên, như cách nói của FB Hồ Hữu Hoành : "Không có lấy bất cứ một bài học, một nội dung về nó trong sách giáo khoa, từ tiểu học cho đến đại học. Đã có thời, nhắc đến nó cứ như nói chuyện húy kỵ, đụng đến nhà vua... không dân tộc nào đau thương và đầy kinh nghiệm với chiến tranh như Việt tộc. Nhưng không có dân tộc nào, mà những kẻ ở thượng tầng sẵn sàng xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác, như ở dân tộc này".

Họ "xóa bỏ lịch sử, kiến tạo một sự thật khác" cách nào ?

444444444444444444

Người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ... một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị

Báo Tiền Phong, số ra ngày 31 tháng 7 năm 2014 cho biết :

"Tháng 2/2011 trong chuyến đi thu thập tư liệu biên soạn lịch sử sư đoàn, đại tá Đỗ Phấn Đấu, Chính ủy hiện tại của Sư đoàn 337 mới phát hiện ra rằng cột bia chiến thắng Khánh Khê đã bị hư hại nhiều. Trên tấm bia nhiều dòng chữ đã bị phai mờ, có chỗ còn có dấu hiệu bị hủy hoại. Nơi đặt cột bia cũng nằm trong khu vực xây dựng công trình thủy điện mà nay mai sẽ không còn dấu tích".

Bẩy năm sau, vào ngày 17 tháng 2 năm 2018, blogger Nguyễn Anh Tuấn cho biết thêm chi tiết :

"...trong nỗ lực xóa bỏ ký ức tập thể về sự kiện này, người ta đã không chỉ đục bia, mà còn đục cả thơ... một hành vi không chỉ xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ mà còn đớn hèn và nhục nhã về chính trị".

Đối với những kẻ "xảo trá với lịch sử, vô ơn với chiến sĩ" thì không có tư cách gì để đại diện cho dân tộc Việt Nam. Họ không được mời tham dự Lễ Kỷ Niệm Một Trăm Năm Kết Thúc Thế Chiến Thứ Nhất, theo tôi, là chuyện chả có gì đáng để phàn nàn cả.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/12/2018 (tuongnangtien's blog)

--------------------

(1) Đinh Quang Anh Thái, "Giọt Nước Mắt Người Phụ Nữ Bên Thắng Cuộc", Ký 2, Người Việt Books, Westminster, CA 2018).CA 2018

33333333333333

Chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Nó không "bị" nhưng "buộc" phải lãng quên

Published in Diễn đàn
mercredi, 14 novembre 2018 23:31

Cờ Đỏ & Lọ Đen

Chống cờ đỏ nghĩa là biểu tỏ sự bất đồng của những người bình thường với một chính quyền tham tàn.

Huỳnh Thục Vy

codo3

Bà chị đi lấy chồng đúng vào lúc tôi vừa đủ lớn để giã từ tuổi thơ, vĩnh biệt cá chim/diều dế (chia tay những trò chơi của thưở ấu thời) để bước vào một thế giới khác với khói thuốc lá Bastos, nhạc Beatles, café noir, bière 33, và tràn lan phim truyện.

Nhà vốn nhỏ hẹp nên vắng chị tôi được "thừa hưởng" nguyên cái giường trống (khỏi phải nằm chung với bố hay mẹ nữa) cùng một tủ sách nho nhỏ có đủ mặt Hà Mai Anh, Hồ Biểu Chánh, Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Lan Khai, Đinh Hùng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo, Minh Đức Hoài Trinh, Võ Hồng, Thanh Nam, Mai Thảo, Nhật Tiến, Tuấn Huy, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Văn Quang, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc ...

codo1

Nguồn ảnh : Báo Trẻ Online

Tôi đọc tuốt luốt nhưng "chịu" Doãn Quốc Sỹ, và vẫn cứ tiếp tục lẽo đẽo theo ông cho đến lúc xế chiều. Theo Nguyễn Mộng Giác : "Khi xây dựng nhân vật, Doãn Quốc Sỹ thường không lưu tâm moi móc những ngóc ngách xấu xa của họ". Võ Phiến cũng có nhận xét (gần) tương tự : "Các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo được người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn". (Văn Học Miền Nam Tổng Quan. Westminster, CA : Văn Nghệ, 1999).

Quả là đúng thế nhưng tưởng cũng cần nên nói thêm là tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ rất ít những hình ảnh hư cấu, và không thiếu những cảnh tượng não lòng :

"Chỉ mới sang khoảng 1947, anh đã nhận chân rằng thuộc thành phần địa chủ như gia đình anh, gặp nhiều khó khăn lắm trong cuộc sống song hành với những đảng viên đảng Lao Động đương lãnh đạo cuộc kháng chiến. Biết là sống lộ liễu ở quê hưong không nổi, anh đơn độc lẳng lặng dọn đến làng Cốc... và sinh sống bằng nghề buôn thuốc Tây và chích dạo. Gia đình anh đóng thuế nông nghiệp. Khánh tận của chìm của nổi rồi, mẹ già anh vừa mất, chắc chắn u uất mà chết, chỉ còn vợ anh và lũ con thơ.

Mẹ anh được chôn cất xong, công tác bao vây địa chủ tiếp tục tiến hành. Họ bao vây nhà anh bằng trống lớn, trống nhỏ thay phiên nhau gõ liên miên như hổ huê riễu cợt, như chửi rủa thúc dục. Nhưng vợ anh quả không còn một đồng một chữ trong tay để trả thuế nông nghiệp. Ruộng bán không ai mua, nhờ cầy nhờ cấy không ai giúp, vì tránh liên hệ với địa chủ. Họ đánh trống liên miên như vậy suốt ba ngày đêm, tiếng trống bỗng ngưng bặt vào sớm tinh sương hôm đó giữa sự bỡ ngỡ của chị Cò Đùm. Chị bước ra sân, và chị rụng rời tưởng có thể khuỵu xuống ngất xỉu.

Ba cây cau cao ngất ngoài sân trước nhà, cây cau chính giữa phất phới một lá cờ đỏ sao vàng to gấp đôi lá cờ vuông cổ truyền vẫn treo phất phới trước sân đình vào những ngày hội ngày xuân xưa cũ. Đó là bản án tử hình căn nhà và năm mẹ con chị mà đao thủ phủ sẽ là một phi công địch nào chợt bay qua đó. (Doãn Quốc Sỹ. Cò Đùm. Westminster, CA : Văn Nghệ, 1997).

Ngoài vợ chồng Cò Đùm, vào thời điểm này, còn có thêm bao nhiêu người dân Việt Nam khác nữa cũng nhận lãnh bản án tử hình với lá cờ đỏ sao vàng (phất phơ) trước cửa nhà hay ghim trước ngực ?

Tác giả Bảo Giang ghi nhận : "Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập. Bởi vì, sau đêm Việt Minh về là ngay sáng hôm sau, trên đầu cái cọc cắm giữa đường làng, nơi có nhiều người qua lại là có cái đầu của một viên chức, hay của người có con em làm việc trong thành phố, đôi khi là những phú hộ, treo ở đó. Rồi ở ngay phía bên dưới là một cái lá Cờ Đỏ với hàng chữ có khi sai cả chính tả. ‘Việt Minh xử tử Việt gian bán nước’ !... Làng tôi ở Thái Bình là một làng tề nổi tiếng. Sau ngày 20/07/1954 cả làng đã di cư vào Nam".

Vào đến miền Nam chưa hẳn đã yên. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam được khai sinh tại Hà Nội vào hôm 20 tháng 12 năm 1960. Từ thời điểm này cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975, thêm bao nhiêu mạng sống của người dân miền Nam đã được cái "mặt trận" này "giải phóng" ? Rồi sau đó, theo nhiều nguồn tin khả tín (*) có vài trăm ngàn thuyền nhân đã vùi thây trong lòng biển cả chỉ vì muốn từ bỏ cờ đỏ sao vàng.

Lá cờ đỏ – do thế – còn được gọi là "cờ máu" và bị không ít người lên tiếng phủ nhận, kết án, hay chế riễu :

Lê Diễn Đức : "Theo tôi, cờ đỏ sao vàng không phải là cờ của Tổ quốc Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, mặc dù tôi đã từng học tập, lớn lên dưới lá cờ này và nhiều lúc đã tự hào vì cha ông tôi đã chiến đấu dưới nó. Nhưng chính xác mà nói thì đó là cờ hiệu của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền".

Song Chi : "Một đảng phái có quá nhiều tội ác với nước với dân như vậy thì không thể được vinh danh và lá cở đỏ sao vàng của đảng cộng sản cũng vậy.

Bùi Bích Hà : "Cùng lắm, chỉ có hơn ba triệu đảng viên người Việt đứng dưới lá cờ ấy, nhìn nhận nó khi tuyên thệ nhận căn cước Cộng Sản của họ".

Trương Duy Nhất : "Tặng ảnh ông Hồ cho người già. Tặng cờ cho dân… ăn Tết. Không biết tự bao giờ, người ta nghĩ ra được những món quà khốn nạn đến thế".

Mai Tú Ân : "Nhưng phải nói lá cờ máu này xui thấy mẹ. Mang đi ủng hộ đội tuyển bóng đá, màu cờ đỏ ngập tràn sân vận động thì ta thua liểng xiểng. Vác cờ đỏ sao vàng đi biểu tình thì công an cứ thấy thằng mang cờ đỏ sao vàng là xông vào đánh tơi bời".

codo2

Ảnh : badamxoevietnam2

Tôi không tin dị đoan nhưng vẫn phải đồng ý với Mai Tú Ân là "lá cờ máu này xui thấy mẹ". Đụng tới nó nếu không lôi thôi lớn thì cũng lôi thôi lâu, và lôi thôi lắm. Ngày 17 tháng 11 năm 2017, ông Nguyễn Đình Túc đốt cờ nên bị công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố về tội "xúc phạm quốc kỳ". Trước đó không lâu, một công dân Việt Nam khác, bà Huỳnh Thục Vy cũng bị cáo buộc tương tự vì đã "xịt sơn lên lá cờ đỏ sao vàng".

codo5

Theo theo điều 276 Bộ Luật Hình Sự 1999 của nhà đương cuộc Hà Nội qui định : "Người nào cố ý xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, thì bị phạt thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm". Sở dĩ họ không nhắc nhở chi đến đảng kỳ vì tự thâm tâm những kẻ "vẽ" ra cái điều luật này (chắc) đã mặc nhiên xem quốc kỳ với đảng kỳ ... là một !

Tuần qua, trên trang FB của bà Huỳnh Thục Vy, đọc được vào ngày 5 tháng 11 năm 2018, có một stt ngắn (nguyên văn) như sau :

"Ba mình ở tù 10 năm từ 1992 đến 2002 dưới điều 88 Bộ luật hình sự. Dù tuổi thơ đói khổ vì không cha không mẹ bên cạnh, việc ở tù dưới điều 88 là cái gì đó đáng tự hào đối với mình. Giờ mình bị truy tố dưới điều 276 vớ vẩn, sẽ ra tòa dưới một tòa án cấp huyện, cảm thấy thật vớ vẩn và không cam lòng. Hức hức".

Bà Huỳnh Thục Vy, rõ ràng, không hề nao núng trước chuyện giam cầm. Với tâm thế này thì bản án của phiên toà sắp tới (dù xử kiểu gì chăng nữa) cũng sẽ chả răn đe được ai mà chỉ là một vết lọ đen, bôi thêm vào bản mặt trơ tráo của chế độ hiện hành.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 14/11/2018 (tuongnangtien's blog)

(*)  Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

codo4

Có bao nhiêu người chết trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua ? Phía Bắc Việt, Việt Cộng, Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ ?

- Jacqueline Desbarats and Karl Jackson ("Vietnam 1975-1982 : The Cruel Peace", in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65.000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.

- Orange County Register (29 April 2001) : 1 million sent to camps and 165.000 died.

- Northwest Asian Weekly (5 July 1996) : 150.000-175.000 camp prisoners unaccounted for.

- Estimates for the number of Boat People who died :

Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees : 250.000 boat people died at sea ; 929,600 reached asylum

- The 20 July 1986 San Diego Union-Tribune cites the UN Refugee Commission : 200.000 to 250.000 boat people had died at sea since 1975.

- The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200.000 refugees had died at sea since 1975.

- Also : "Some estimates have said that around half of those who set out do not survive".

- The 1991 Information Please Almanac cites unspecified "US Officials" that 100.000 boat people died fleeing Vietnam.

- Encarta estimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75.000.

- Nayan Chanda, Brother Enemy (1986) : ¼M Chinese refugees in two years, 30.000 to 40.000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars : 1945-1990 (1991))

Rummel

- Vietnamese democide : 1.040.000 (1975-87)

- Executions : 100.000

- Camp Deaths : 95.000

- Forced Labor : 48.000

- Democides in Cambodia : 460.000

- Democides in Laos : 87.000

- Vietnamese Boat People : 500.000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government) 

Published in Diễn đàn
mercredi, 07 novembre 2018 20:42

Tương lai (gần) của bé Lucas

If you want a picture of the future, imagine a boot stamping on a human face - for ever. 

(Nếu bạn muốn có một hình ảnh về tương lai, hãy hình dung ra một chiếc dầy bốt đạp vào mặt nhân loại – mãi mãi). 

George Orwell (Nineteen Eighty-Four)

tuonglai0

Cách đây vài bữa, bạn Ngô Duy Quyền bỗng lên tiếng phàn nàn về một ông láng giềng (thổ tả) nào đó :

Chiều nay tôi thấy anh chủ nhà hàng xóm là Tiến sĩ vật lý ở Viện Vật lý địa cầu (nơi bác Nguyễn Thanh Giang từng làm việc) có mặt ở nhà mới sang nói chuyện : - anh Cường ơi em nói cái này, em thấy cái camera nhà anh quay hướng thẳng vào cửa nhà em như vậy không ổn chút nào...

Anh ta cười ruồi : Àh, như em cũng biết đấy, việc này nó liên quan tới cái chung...

Mặt tôi đơ ra đợi anh ta ngừng nói để hỏi lại cho rõ. Dường như hiểu suy nghĩ của tôi nên anh ta đổi giọng luôn : Anh em mình ở đây đã quá hiểu nhau nên anh nói thế mà em không hiểu thì anh không nói chuyện với em nữa, em đi ra khỏi chỗ nhà anh ngay (tấn công phủ đầu).

Dù sao cũng là hàng xóm với nhau, hơn nữa anh ta lại nhiều tuổi hơn nên dù hiểu tình thế tôi vẫn cố thiện ý :

- Quả thực là em chưa hiểu ý anh nên muốn hỏi lại cho rõ :

- Anh nói liên quan tới cái chung nghĩa là sao ?

- Àh, thì họ lắp để giám sát chung ấy mà.

- Ok. Hóa ra là họ chứ không phải nhà anh lắp à ? Thôi, em chỉ cần biết vậy thôi, cũng không cần nói chuyện thêm với anh nữa.

Tôi quay mặt bước đi.

Anh ta bỗng gầm lên :

- Nhà tao tao muốn lắp chiếu sang đâu là việc của tao, mày đừng giở cái giọng ấy ra. Họ ở đây là những người thợ. Tao thách đứa nào bước qua đây mà phá phách, mày muốn không bị nhòm sang thì che cổng nhà mày lại.

Tôi đáp lại câu cuối :

- Chẳng ai nói gì đến phá hay không phá cả. Nhưng anh nói như vậy không đúng đâu, hãy nghĩ kỹ lại đi.

Chế độ độc tài Việt cộng tồn tại là nhờ những con nô lệ như thế này. Ban đầu họ cũng chỉ là nạn nhân, nhưng đến thời điểm cần phải lựa chọn giữ cho mình được lương thiện thanh thản, hoặc tuyệt hơn là đứng về phía đám nô lệ yếu thế đang kêu đòi tự do, thì họ lại quyết định đứng về phía chủ nô, góp công góp sức đàn áp đám nô lệ khốn khổ kia và cho rằng đó là khôn ngoan.

Câu chuyện thượng dẫn khiến tôi chợt nhớ đến vài đoạn văn, ngăn ngắn, trong tác phẩm cuối cùng (Hậu Chuyện Kể Năm 2000) của Bùi Ngọc Tấn :

Người ta vận động bà tổ trưởng ngay đầu ngõ liền bên theo dõi, người ta tìm cách giao nhiệm vụ cho những người sống trong các ngôi nhà mới mọc lên ngay cạnh nhà tôi, có thể quan sát được từng cử động của tôi…

Nhà tôi là "điểm nóng". Tên tôi được ghi trong sổ đen. Loại sổ chỉ ghi thêm chứ không gạc bớt và chỉ gạc bớt khi đương sự đã chết. Nó được truyền từ đời ông bí thư này sang đời ông bí thư khác, từ ông chủ tịch trước đến ông chủ tịch sau, từ thế hệ an ninh này sang thế hệ an ninh khác như một cuộc chạy tiếp sức đường trường mà điểm kết thúc là nấm mồ của đối tượng.

Tôi thấy rợn hết cả người khi nghĩ đã có mấy thế hệ theo dõi tôi, săn đuổi tôi, vu cáo tôi. Họ đã già đi. Ðã về nghỉ, hưu trí an nhàn. Nhiều người đã chết. Một thế hệ khác tiếp tục việc theo dõi. Rồi một thế hệ tiếp theo nữa. Ðời này sang đời khác.

Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Bốn mươi năm sau, Ngô Duy Quyền mở mắt chào đời. Thời gian vừa vặn hai thế hệ người, và đủ dài để Việt Nam thực hiện được nhiều tiến bộ rất đáng kể (và đáng nể) trong... lãnh vực "trị an".

Người nhận nhiệm vụ theo dõi những phần tử (tình nghi) phản động hay bất hảo – nay – không còn là bà tổ trưởng dân phố thất học, hay chị hội trưởng phụ nữ i tờ như xưa nữa. Thay vào đó là một ông có có học vị đàng hoàng và được cung cấp những thiết bị ("tác nghiệp") rất tân kỳ.

Thế nước, rõ ràng, đang lên. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, nói nào ngay thì Việt Nam vẫn chưa "lên" được ngang tầm thời đại – nếu so với những tiến bộ kỹ thuật vượt bực nước bạn Trung Hoa Vỹ Đại.

tuonglai1

Trung Hoa đang thiết lập cái mà họ gọi là ‘hệ thống giám sát lớn nhất thế giới.

Hôm 10 tháng 10 năm ngoái, BBC ái ngại cho hay :

"Trung Hoa đang thiết lập cái mà họ gọi là ‘hệ thống giám sát lớn nhất thế giới’. Toàn quốc đã có 170 triệu CCTV cameras và ước lượng sẽ có thêm 400 triệu cái nữa sẽ được lắp đặt trong ba năm tới".

(China has been building what it calls "the world's biggest camera surveillance network". Across the country, 170 million CCTV cameras are already in place and an estimated 400 million new ones will be installed in the next three years).

Nói cách khác là chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi là mỗi gia đình trung bình hai (hoặc ba) người, ở nước Tầu, sẽ được theo dõi và giám sát bởi một cái camera.

Thiệt là quá đã, và quá đáng !

tuonglai2

Nhà báo Liu Hu. Ảnh : ABC News

Qua năm nay, trang VnExpress lại vừa có bài viết khá thú vị và rất chi tiết ("Trung Quốc – Xã hội không góc khuất") về những chuyện ("quá đã, và quá đáng") này. Xin trích dẫn đôi/ba đoạn ngắn :

Hàng trăm triệu camera trên khắp cả nước giúp chính phủ Trung Quốc kiểm soát hơn 1,4 tỷ công dân, đánh giá mỗi người dựa trên "tín nhiệm xã hội".

Một viễn cảnh giống như ở thì tương lai đang diễn ra tại Trung Quốc, phá vỡ cuộc sống thông thường. Chính quyền Trung Quốc gọi đó là "tín nhiệm xã hội" và nói rằng hệ thống này sẽ hoạt động một cách hoàn thiện vào năm 2020.

Tín nhiệm xã hội giống như một phiếu ghi điểm cá nhân cho mỗi công dân của quốc gia có 1,4 tỷ người này. Trong một chương trình thí điểm, mỗi công dân được chỉ định số điểm trong khoảng 800. Ở một chương trình khác là 900...

Những người ở nhóm điểm thấp phía dưới có thể bị đẩy ra ngoài vòng xã hội, bằng những cách như cấm đi du lịch, cấm vay vốn hoặc làm các công việc thuộc chính phủ. Liu Hu là một trong số họ.

Là một nhà báo điều tra, Hu đã mất nhiều điểm tín nhiệm xã hội của mình khi bị buộc tội vì các phát biểu cá nhân. Hiện ông bị đẩy ra ngoài vòng xã hội do điểm số quá thấp của mình.

Vào năm 2015, Hu được cho là đã mắc tội phỉ báng sau khi cáo buộc một quan chức tội ăn hối lộ. Ông được đề nghị phải xin lỗi và trả tiền phạt. Nhưng khi tòa án yêu cầu nộp thêm một khoản phí bổ sung, ông đã từ chối.

Năm ngoái, người đàn ông 43 tuổi này nhận ra mình bị đưa vào danh sách đen vì đã "không trung thực", theo chương trình đánh giá điểm tín nhiệm xã hội thí điểm...

ABC News, đọc được vào hôm 17 tháng 9 năm 2018, còn cho biết thêm : "Chinese journalist Liu Hu lost his social credit and is effectively confined to house arrest". Nói theo tiếng Việt (và nói một cách bỗ bã) là thằng chả đang bị nhốt tại nhà. Hay nói một cách văn hoa hơn là tù tại gia, hoặc tù tại chỗ.

Thế mới biết là Ngô Duy Quyền… may thật ! May là nhà đương cuộc Hà Nội chưa được nước bạn giúp cho những thiết bị hiện đại để ghi điểm cho từng công dân, nếu không thì tư thất của đương sự đã trở thành lao thất mất rồi.

tuonglai3

Quyền, Nhân & Lucas. Ảnh lấy từ trang Dân Luận

Sự may mắn này (chắc chắn) sẽ không kéo dài cho mãi đến đến thế hệ của Lucas – ái nữ của Ngô Duy Quyền và Lê Thị Công Nhân, vừa tròn 7 tuổi. Nếu cha mẹ – cũng như ông bà và chú bác – của Lucas vẫn cứ im lặng cam chịu và chấp nhận chế độ hiện hành thì trong tương gần con bé sẽ được giám sát bởi đôi ba cái camera, chứ (e) không phải một.

Thiệt, nghe sao y như chuyện trong tiểu thuyết viễn tưởng Nineteen Eighty-Four, xuất bản từ năm 1949 lận. Cứ tưởng là Gerogre Orwell viết bậy bạ cho vui, chớ ai dè lại không trật một xíu nào ráo trọi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 07/11/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 01 novembre 2018 21:33

Những người đàn bà cầm bút

Tôi không thể viết nổi bất cứ điều gì... nếu như nó không có đôi chút ý nghĩa chính trị. Tôi cũng chẳng còn điều gì khác nữa để cho nó là quan trọng.

(I could not write anything... unless it has a certain political significance. I have nothing else to offer that remains important.)

Maryse Condé

Từ Paris, nhà báo Từ Thức vừa gửi đến độc giả đôi dòng thông tin (cập nhật) về giải thưởng The New Academy :

"Chúng ta chờ đợi, hy vọng giải thay thế cho Nobel Văn Chương rơi vào tay Kim Thúy, một nhà văn gốc Việt hiện cư ngụ tại Canada. Giải này vừa được trao cho Maryse Condé, một nhà văn nữ Pháp, 81 tuổi. Nếu Kim Thúy nói về xã hội đảo lộn ở miền Việt Nam sau 1975, về đời sống, tâm trạng ngổn ngang của một nhà văn lưu vong, tác phẩm của Maryse Condé nói về đời sống của người dân da đen từ thời nô lệ tới thời thuộc địa Pháp".

danba1

Một tác phẩm của Maryse Condé * Ảnh minh họa

The Wall Street Journal cho biết thêm rằng Condé muốn chia sẻ vinh dự này với tất cả những người dân ở Guadeloupe.

"Hải đảo trong vùng Caribbean nơi bà chào đời ‘chỉ được biết đến vì bão tố và động đất, bà nói, ‘và bây giờ chúng tôi rất vui là đang được nhìn nhận vì một điều gì khác, nhờ giải thưởng này".

(The island in the Caribbean where she was born "is known for hurricanes and earthquakes", she said, "and now we are so happy to have been recognized for something else, for this prize").

Tôi không hay biết gì về những cơn bão, và những trận động đất, nơi quê hương của Maryse Condé. Với tôi, khi còn ở tuổi đôi mươi, Caribbean chỉ là một túp lều cũ nát (và một con thuyền mỏng mảnh, bé xíu, giữa đại dương bao la) của ngư ông Santiago – nhân vật chính trong cuốn Le Vieil Homme et La Mer – thôi. Mãi đến những năm gần đây – qua phim ảnh – tôi mới có dịp được nhìn thấy những nông nô da đen (luôn nhễ nhại mồ hôi) đang quần quật giữa những cánh đồng mía bạt ngàn, cháy nắng, trên những quần đảo trong vùng biển xanh này.

Khó mà ngờ được giữa một nơi hoang dã (và man dã) như thế đã sản sinh ra một đóa hoa thơm ngát, vừa đoạt giải Nobel Văn Chương 2018.

Cùng thời với Maryse Condé là Lin Zhao ( ) hay còn gọi là Lâm Chiêu, theo âm tiếng Việt. Bà chào đời ở một vùng đất khác, thuộc về một nền văn hóa khác (lâu đời và nền nã hơn nhiều) nhưng vì sinh bất phùng thời nên phải trải qua một kiép nhân sinh vô cùng nghiệt ngã :

Không mấy người ở phương Tây biết về nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lin Zhao, người đã bị xử tử vào tháng này cách đây 50 năm, vào thời cao trào của Cách mạng Văn hóa, vì tội mãnh liệt chống đối Mao, nhưng bà vẫn nổi tiếng ở Trung Quốc. Vào ngày giỗ của bà trong hai tuần tới, một số người hâm mộ sẽ thực hiện buổi tưởng niệm tại ngôi mộ của bà, và chính quyền Trung Quốc sẽ cố gắng ngăn chặn họ – điều này cho thấy sức mạnh của lời của bà, ngay cả sau nửa thế kỷ.

danba2

Tượng Lâm Chiêu để tưởng nhớ người nữ sinh viên bị xử bắn trong phong trào Trăm hoa đua nở do Mao Trạch Đông phát động năm 1957

Sinh năm 1932 ở Tô Châu, Lin Zhao đi học ở một trường truyền giáo vào những năm 1940, bà theo Cơ đốc giáo ở trường rồi và lại đi theo Chủ nghĩa Cộng sản. Bà bí mật vào đảng ở tuổi 16 để vận động cho một xã hội công bằng mà trong đó "không có bọn quan chức tham nhũng". Bà vỡ mộng với cuộc cách mạng vào khoảng những năm 1957-1958, sau khi Mao phát động chiến dịch Chống-hữu-khuynh đối với các nhà trí thức tự do ; khoảng 1,2 triệu người đã bị thanh lọc.

Bị gán là một tay hữu khuynh vào năm 1958 và buộc đi cải tạo, bà đã tự sát, nhưng không thành. Bà trở lại đạo với đức tin mãnh liệt, và bắt đầu sự nghiệp văn chương bất đồng chính kiến. Năm 1960, bà bị bắt.

Trong nhà giam, Lin Zhao đã sáng tác một loạt tác phẩm tràn đầy cảm xúc, bà viết bằng máu khi không có mực. Bà cắt ngón tay, nhỏ máu vào một chiếc muỗng nhựa rồi dùng một cọng rơm hoặc tre để viết lên quần áo hoặc ra giường. Khi có bút, bà chép lại chúng lên giấy. Nội quy của nhà tù tước đoạt các bài viết đó và giữ lại làm bằng chứng chống bà, và không nhân viên nào dám hủy hoại chúng.

Trong thơ, tiểu luận và thư, Lin Zhao đã viết về sự thiêng liêng của tự do cá nhân và tội ác của chế độ độc tài của Mao. Một trong những bài thơ trực tiếp về Mao, được viết trên áo : ‘Đất nước của chúng ta phải thuộc về nhân dân ; Thật vô lý khi núi sông biến thành đất riêng của một hoàng đế ?’

Sự tập trung quyền lực trong tay của chủ tịch Tập Cận Bình đã tạo cho tiếng nói của Lin Zhao một sự cộng hưởng và khẩn trương mới đối với các nhà vận động dân chủ Trung Quốc. Với kỷ niệm 50 năm ngày bà qua đời sắp tới, những người tổ chức cuộc hành hương tới mộ của bà lại bị công an sách nhiễu. Mới đây một thông báo của chính quyền sở tại đưa ra khiến người ta lo ngại rằng ngôi mộ sẽ bị phá hủy, mặc dù ban quản lý nghĩa trang đã phủ nhận điều này (1).

Ngoài tác phẩm này, cuộc sống của Lâm Chiêu còn được ghi lại qua một cuốn phim tài liệu : In Search of Lin Zhao’s Soul dài 115 phút, với phụ đề Anh ngữ.

Hào quang, cũng như tất cả những đớn đau tủi nhục, trong sự nghiệp cầm bút của hai vị nữ lưu thượng dẫn khiến tôi không khỏi liên tưởng đến một nữ sĩ Việt Nam với (không ít) đắng cay.

Bà là ai ?

"Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho Nhân Văn - Giai Phẩm, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong ‘hàng ngũ phản động’, bà bị quy kết là ‘gián điệp quốc tế’, lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang…".

danba3

Nhà văn Thụy An, người đã bị chính quyền miền Bắc thanh trừng trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong những năm 1955-1957

Về việc bà chọc mù mắt, dư luận chính thức loan rằng bà bị tai nạn ở mắt, khi đi lao động cải tạo. Chúng tôi hỏi nhà thơ Lê Đạt, người rất thân với bà trong suốt hành trình Nhân Văn Giai Phẩm : có phải trong Hỏa Lò chị Thụy An tự chọc mù mắt ? Lê Đạt lặng lẽ gật đầu, không thêm một lời nào cả…" (2).

 Cái "gật đầu lặng lẽ" của Lê Đạt không giúp tôi bớt băn khoăn về hành vi "tự chọc mù mắt" của Thụy An. Có thật vậy sao ? Ai có đủ can đảm để tự hủy thân thể một cách ghê rợn đến vậy ?

Nỗi băn khoăn này chỉ mới chấm dứt tuần qua, sau khi tôi tình cờ đọc được một bài báo ngắn (3) của tác giả Nguyễn Chính :

"Cuối thập niên 80s tôi có một người học trò tuy tuổi đã cao nhưng cũng cố học Anh văn để được đoàn tụ cùng con cái ở nước ngoài. Đó là nhà văn Thụy An, người đã bị chính quyền miền Bắc thanh trừng trong vụ án Nhân văn - Giai phẩm trong những năm 1955-1957...

Những ngày cuối đời, bà Thụy An sống cô đơn trong gian nhà nhỏ thuê gần đường Bùi Hữu Nghĩa, bên hông chợ Bà Chiểu, Sài Gòn. ‘Bạn vong niên’, theo lời bà vẫn thường nói đùa, chỉ có tôi năng lui tới.

Trong thời gian cải tạo bà đã tự hủy hoại một con mắt để từ đó trở đi ‘chỉ nhìn đời bằng một con mắt’. Một hành động, theo tôi, là dũng cảm đối với một phụ nữ. Trên thế gian này chưa chắc có được một người đàn ông – chứ không nói gì một người phụ nữ – đủ can đảm, thừa nghị lực để tự chọc vào mắt mình !".

Maryse Condé được nhận giải văn chương Nobel vì đã nỗ lực ghi lại những di hại của Chủ nghĩa Thực dân. Lâm Chiêu được dân chúng Trung Hoa lập mộ và hằng năm vẫn lũ lượt đến thắp hương tưởng nhứ vì đã can đảm "cắt ngón tay, nhỏ máu vào một chiếc muỗng nhựa rồi dùng một cọng rơm hoặc tre để viết lên quần áo hoặc ra giường" về tội ác của Chủ nghĩa Cộng sản.

Còn Thụy An ?

Bao giờ sẽ có một tác phẩm, một cuốn phim, một mộ phần trang trọng để lớp hậu sinh có thể đến thắp hương trước vong linh của người phụ nữ tài hoa, và rất đáng kính trọng này ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/11/2018 (tuongnangtien's blog)

(1) Lian Xi, Blood Letters : The Untold Story of Lin Zhao, a Martyr in Mao’s China, Trans. Thận Nhiên. Basic Books : 2018.

(2) Thụy Khuê, Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Tiếng Quê Hương, 2012

(3) "Nhân Văn - Giai Phẩm : Nhà Văn Thụy An"

Published in Diễn đàn
mercredi, 17 octobre 2018 18:32

Chính danh & Tiếm danh

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, chưa tới hai tuần lễ, hai đồng chí lãnh đạo tối cao của quốc gia (Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Đỗ Mười) đã lần lượt từ trần. Đây là sự mất mát rất lớn lao, vô cùng đáng buồn, và đáng tiếc.

chinh1

Đáng buồn và đáng tiếc hơn nữa là thái độ vui sướng và hớn hở (không đúng lúc) của toàn dân, trong lúc quốc tang. Sự hả hê (và hể hả) lan tỏa khắp nước sau cái chết của nhị vị lương đống quốc gia là điều hoàn toàn sai trái, đi ngược với chủ trương và đường lối của Đảng và Nhà nước, cần phải chấn chỉnh ngay. Tuy thế, lực lượng dư luận viên, tiếc thay, đã không có một "động thái" nào (đáng kể) trong việc định hướng dư luận cả.

Trên Mặt trận truyền thông chỉ thấy đôi/ba bài báo mang tính chất "chữa cháy" thôi :

- Vĩnh biệt cậu học trò nghèo bắt đom đóm làm đèn học

- Những bữa cơm muối vừng của nguyên Tổng bí thư Đ.M

Cả hai, tiếc thay, đều chỉ mang lại tác dụng ngược (backfire) thôi. Chuyện "bắt đom đóm" và "cơm muối vừng" cứ như là đổ thêm dầu vào lửa, khiến xác của Trần Đại Quang và Đỗ Mười cháy thành than luôn – dù nhị vị đều đã được chuẩn bị chu đáo (vài mẫu) đất đai cho việc mai táng, chứ không phải là hỏa táng.

Đúng là "ghẹo cho chúng chửi !". Thiệt là vụng dại hết biết luôn. Điểm lại, trong thời gian qua (có lẽ) việc làm duy nhất đáng được biểu dương của Binh đoàn 47 là đã "khám phá" được sự "lươn lẹo, thủ đoạn, đánh lận" và "gian trá" của Tạp chí Luật khoa – trên báo Công an Nhân dân – số phát hành hôm 30 tháng 7 năm 2018 :

"Có thể nói, Luật An ninh mạng đã được ‘thai nghén’ hàng chục năm mới ra được một dự luật để trình Quốc hội và được nhiều cơ quan thẩm định trước khi đại biểu thảo luận. Bản thân dự luật đã được công khai trên báo chí, phương tiện truyền thông cả năm và tạo điều kiện cho giới chuyên gia, người dân quan tâm đóng góp ý kiến xây dựng, phản biện...

Nay, ‘Luật Khoa tạp chí’ bấu víu vào sự phản đối của 2 tổ chức nước ngoài luôn có lập trường thù địch, chống Nhà nước Việt Nam và tiếm danh ‘hơn 50 triệu người dùng Việt Nam’ hòng gây áp lực là đủ để thấy sự lươn lẹo cũng như thủ đoạn đánh lận, gian trá".

Vài tuần sau, vào ngày 24 tháng 9 năm 2018, Quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng "tố" tiếp :

"Nhiều người tham gia mạng xã hội không chính danh. Do đó, về mặt quản lý nhà nước, đã hoàn thiện khung pháp lý, cũng như làm việc với các công ty cung ứng dịch vụ để làm sao những người tham gia mạng xã hội phải chính danh".

Những dòng chữ kết án đanh thép (thượng dẫn) về việc Tạp chí Luật khoa đã "tiếm danh của hơn 50 triệu người Việt Nam" để phản đối Dự luật An ninh mạng, và lời than phiền của ông Nguyễn Mạnh Hùng – không dưng – khiến tôi chợt nhớ đến mẫu thân.

Mẹ tôi ra đời vào đầu thập niên hai mươi, vào thế kỷ trước. Ở thời điểm này, phụ nữ Việt Nam được cắp sách đến trường e không nhiều lắm. Nhờ may mắn sao đó nên bà cũng biết đọc và biết viết nhưng tôi chưa thấy mẹ mình cầm bút hay cầm sách lần nào, ngoài những cuốn kinh đã long gáy (viết bằng tiếng Phạn) mà bà vẫn tụng nhiệm hằng đêm – dù hoàn toàn không hiểu nghĩa, và chắc cũng chả cần hiểu làm chi.

Bà không viết, không đọc, và cũng không bao giờ nói năng hay bình luận về bất cứ chuyện chi ngoài xã hội. Chỉ có một lần, duy nhất, tôi vẫn nhớ hoài, khi loa đài vừa oang oang bắt đầu chương trình phát thanh buổi sáng : "Đây là tiếng nói của nhân dân tỉnh Lâm Đồng …" thì (bỗng dưng) bà nổi nóng : "Chúng nó đặt điều, bịa hết chuyện này tới chuyện nọ, ra rả từ sáng tới tối, từ năm này sang năm khác, chứ tao có dám mở miệng nói cái gì bao giờ đâu...".

Mẹ tôi qua đời đã lâu nhưng "tiếng nói của nhân dân" thì vẫn tiếp tục "ra rả" chưa bao giờ ngừng cả. Chỉ có điều khác là, ngày nay, con cháu của bà không còn mấy đứa chịu "giữ mồm/giữ miệng" như trước nữa. Họ "dám nói" và lên tiếng đều đều. Xin hãy nghe qua năm ba tiếng nói thân thuộc, và gần gụi nhất, trong những ngày qua – theo thứ tự alphabetique :

Trần Trung Đạo :

"Theo thống kê của Economist Intelligence Unit năm 2017, Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Cộng là ba chế độ có chỉ số chính danh thể hiện qua bầu cử là 0.00, tức Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn không có chính danh để lãnh đạo Việt Nam. Việt Nam đứng tận cùng bảng số, thấp hơn cả Lào 0.83 và Cuba 1.33. (The Democracy Index compiled by the UK-based company the Economist Intelligence Unit).

...

Ngoài những kẻ tận cùng ngu dốt vì bị tẩy não hay bán rẻ lương tri để làm bồi bút cho đảng, không một người dân có kiến thức chính trị tối thiểu nào có thể đồng ý rằng giới cầm quyền cộng sản hiện nay có đủ chính danh để lãnh đạo Việt Nam".

Đỗ Ngà :

"Nguyễn Phú Trọng đi thăm Cuba mang tặng 5000 tấn gạo trong lúc bà con bị lũ lụt, miền núi dân thiếu gạo ăn chẳng thấy nhà nước cứu trợ. Thế nhưng báo chí bảo rằng 5000 tấn gạo đó là nhân dân Việt Nam tặng nhân dân Cuba. Sức lao động của nhân dân bị Đảng cộng sản đem đi vứt, nhưng vẫn nhét chữ vào mồm nhân dân rằng, chính nhân dân mang tặng nó cho Cuba.

Xét rộng hơn, trong lĩnh vực chính trị, thì việc Đảng cộng sản dẫn dắt nhân dân đi theo thứ xã hội chủ nghĩa ảo tưởng là sự cưỡng ép. Kết quả, Việt Nam lụn bại toàn diện : giáo dục lụn bại, đạo đức xã hội lụn bại, kinh tế lụn bại vv.. Thế nhưng Đảng thì vẫn oang oang rằng "đó là con đường mà nhân dân đã chọn lựa. Thói kiêu ngạo cộng sản tưởng đó chỉ là một thói quen của họ, nhưng không phải. Đó là cả một chiến lược. Bước 1, tước bỏ quyền tự do nhân dân. Bước 2, cắt lưỡi nhân dân. Và bước cuối cùng là nhét chữ vào mồm nhân dân để thực hiện dã tâm".

Hoàng Xuân Phú :

"Mấy chục năm nay, luôn khẳng định rằng tiến lên chủ nghĩa xã hội là nguyện vọng của nhân dân, và việc duy trì Điều 4 trong Hiến pháp cũng là sự lựa chọn của nhân dân. Nhưng căn cứ vào đâu mà nói liều như vậy ? Đã bao giờ tổ chức trưng cầu dân ý để toàn thể nhân dân bày tỏ nguyện vọng và nêu ra lựa chọn của mình đâu ?".

Nguyễn Hưng Quốc :

"Vì cai trị bằng gian dối và bạo lực, Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ cần hoặc có chính danh để cai trị đất nước... Ở Việt Nam, không những không có bầu cử tự do, người ta cũng không hề tổ chức bất cứ một cuộc trưng cầu dân ý, hay thậm chí, bất cứ một cuộc điều tra dư luận nào cả. Trong hoàn cảnh như thế, nói đến sự ủng hộ của nhân dân chỉ là một sự dối trá".

Pham Xen :

"Một chính phủ chính danh phải do nhân dân bầu lên qua một cuộc bầu cử trung thực với sự lựa chọn, được nhân dân trao quyền thông qua hiến pháp và pháp luật. Một chính phủ không do dân bầu lên là chính phủ mạo danh, tiếm danh. Một chính phủ không thượng tôn pháp luật là chính phủ giả danh, bất xứng".

Chuyện chính danh hay tiếm danh ở đất nước tôi, có lẽ, chỉ cần nói thêm một chữ cũng thừa. Biết thế nhưng vì nhân ngày giỗ mẹ, tôi xin phép góp thêm đôi lời để cho mẫu thân được đỡ tủi lòng – nơi chín suối.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 17/10/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn