Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 09 août 2017 15:57

Đinh vít & hỏa tiễn

Chúng ta chưa tự làm được cái đinh vít !

Nhà báo Quang Đông 

(Tiền Phong Online)

dinh01

Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng : "Trước hết phải khẳng định là chúng ta sản xuất được ốc vít" !

Tôi học nhiều, biết rộng (trên thông thiên văn, dưới đạt địa lý) thấu hiểu mọi lẽ huyền cơ của hóa công nên có thể giải thích tất tần tật mọi hiện tượng trong vũ trụ – trừ mỗi chuyện này : chả hiểu sao tôi rất ít khi có tiền, và nếu có thì cũng khó mà giữ trong túi được quá ba hôm.

dinh1

Vợ tôi cũng thế. Tôi cứ nghe người bạn đời của mình than thở rằng không biết bụi từ đâu đến mà nhà cứ lau chùi hoài vẫn thấy, còn tiền thì chả biết biến đi mô mà lúc nào cũng thiếu.

Hỏi thăm bà con láng giềng, và bạn bè thân sơ mới biết là (hóa ra) ai cũng đều thế cả, đều hơi thiếu thốn, hoặc rất cần tiền. Ở bình diện quốc gia cũng vậy luôn. Gần như nhà nước nào cũng đang trong tình trạng bội chi, cần cắt giảm ngân sách, và đều vô cùng lúng túng khi buộc phải giải trình (minh bạch) về việc chi/thu – chỉ trừ mỗi Bắc Hàn.

Nhân vật lãnh đạo quốc gia này, đồng chí Kim Chính Ân, rất thích xem hỏa tiễn bay. Thú tiêu khiển của ông vô cùng tốn kém nên đất nước thường xuyên ở vào cảnh cùng quẫn là điều dễ hiểu – ngay cả trẻ con Triều Tiên cũng hiểu – khỏi phải giải trình hay giải thích lôi thôi gì ráo, với bất cứ ai.

Nỗi đam mê vũ khí của lãnh tụ Kim Chính Ân còn khiến cho không ít người lo ngại, và lo sợ. Hôm 28 tháng 07 năm 2017, RFA  lại mới la làng : "Bắc Hàn lại phóng tên lửa".

Cùng với tin này, còn có nhiều tin và bài liên quan khác :

- Nhật tập trận để giảm lo ngại về Bắc Hàn

- Thế giới lo ngại sự tiến bộ của tên lửa Bắc Hàn

- Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Nhật : Quân đội phải sẵn sàng bắn hạ tên lửa Bắc Hàn

- Hoa Kỳ và Hàn Quốc phản ứng sau vụ phóng tên lửa mới của Bắc Hàn

- Bắc Kinh phản đối các nước đẩy trách nhiệm Bắc Hàn cho Trung Quốc

Cùng lúc, trên trang BBC  cũng có đôi lời bình luận (nghe) rất mỉa mai : "Binh lính đói còn tiền đổ vào vũ khí hạt nhân". Đua đòi chế tạo vũ khí trong khi lính đói khát quả là điều rất đáng phàn nàn. Tuy nhiên, không chế tạo ra được bất cứ loại vũ khí gì (kể cả con dao cạo) mà quân dân vẫn đói thì e là chuyện còn đáng mai mỉa và chê trách hơn nhiều.

Trong thời gian qua, mọi cơ quan truyền thông Việt Nam đều loan những tin sau :

- Hạ sĩ Cảnh sát giao thông bị tông chết sau pha chặn xe Exciter chạy quá tốc độ

- Thượng úy công an tử vong tại chỗ sau va chạm với xe ô tô tải

- Thiếu tá Cảnh sát giao thông bị xe tải tông tử vong trong đêm

- Một Trung tá Cảnh sát giao thông vừa tử vong do bị xe máy đâm trên quốc lộ

dinh2

Đó là những cái chết thương tâm mới nhất, chứ không phải là duy nhất, xẩy ra trên đường phố Việt Nam. Tại sao lực lượng cảnh sát giao thông ở đất nước này lại "thi hành nhiệm vụ" một cách nhiệt tình (quá mức cần thiết) đến độ phải tử vong đều đều như thế ?

Câu trả lời có thể tìm được qua những dòng chữ sau của blogger Nhân Thế Hoàng, đọc được trên trang Đàn Chim Việt :

"Các anh cảnh sát và tài xế, họ đều đáng thương hơn đáng trách, tại trên vai của họ đều là gánh nặng cơm – áo – gạo – tiền và trách nhiệm đối với gia đình vợ con, cũng như số tiền phải cống nạp lên trên.

dinh3

Ảnh : huffingtonpost

Qua trang fb của mình, nhà báo Huy Đức cũng chia sẻ đôi lời tương tự :

"Trong ly rượu chờ bão tan ở Hà Tĩnh, một đại tá công an nghỉ hưu nói với tôi : ‘Không phải các cháu không biết chỉ cần báo số xe cho trạm kế tiếp bắt những xe bỏ chạy, nhưng, trạm nào có 'định mức' của trạm ấy. Có cháu phải vay tiền ngân hàng để có một chỗ đứng ngoài đường".

Thảo nào mà binh sĩ và sĩ quan (kể cả sĩ quan cao cấp) của ngành cảnh sát giao thông Việt Nam đều buộc phải ra đứng đường ráo trọi, và bị xe tông chết dài dài. Công an mà còn đói tới cỡ đó thì quân đội, tất nhiên, phải đói hơn nhiều !

Đến Bắc Hàn, du khách đều bàng hoàng vì cảnh tượng "nhìn bẩy tưởng ba". Con nít của xứ sở này, tuy đã bẩy tuổi nhưng phần lớn trông cứ nhỏ tí như những đứa bé vừa mới... lên ba vì quá đói !

dinh4

Con nít ở Bắc Hàn tuy đã bẩy tuổi nhưng phần lớn trông cứ nhỏ tí như những đứa bé vừa mới lên ba, vì... quá đói !

Ở Việt Nam, nhiều nơi, cũng thế – theo lời của Tiến sĩ Trần Đăng Tuấn : "Khi bạn lên vùng cao, bế các cháu bé lên, sẽ thấy chúng nhẹ bỗng". Bà Phạm Thái Hà (Tổng giám đốc Hệ thống lập trình viên quốc tế Bachkhoa-Aptech) cũng cùng chung nhận xét : "Nhìn cảnh một học sinh chẳng khác nào những đứa trẻ lớp 1 ở vùng quê nhưng hỏi ra mới biết em đã 11 – 12 tuổi mà lòng tôi quặn thắt".

Nói nào ngay thì chuyện đói khát không phải chỉ dành riêng cho trẻ con ở vùng cao, vùng thấp cũng có đứa đói vàng mắt, và đói chết luôn – theo như tin loan của VTC.vn :

"Quá đói bụng, bé gái lớp 3 chết khi đi học về... Xóm giềng đến giúp làm đám tang cho em thấy gia đình không còn gạo nấu cơm cúng, bát đũa cũng không đủ bộ sáu cái. Thầy, cô giáo và người dân đã mua bộ quần áo mới và đồ để quàn cho Nhung. Chị Lê Thị Quý, mẹ Nhung, nói trong nước mắt : "Nhà không đủ ăn. Chúng tôi cố gắng đi làm thuê nuôi con nhưng cũng đói lắm. Nhung bị bệnh tim bẩm sinh, vừa đưa cháu đi mổ tim về nên gia đình khánh kiệt". Ngày 26/9, lãnh đạo Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Hà Tĩnh cùng các ban ngành huyện, xã đã đến thắp hương, động viên, trao tiền hỗ trợ cho vợ chồng anh Vân, chị Quý".

Năm ngoái, tôi nghe phóng viên Hồng Vân – báo VnExpress – đặt câu hỏi ("Triều Tiên lấy tiền ở đâu để phát triển vũ khí hạt nhân ?") rồi cho luôn lời giải :

"Tuy nghèo và chịu nhiều trừng phạt quốc tế, Triều Tiên vẫn có thể phát triển vũ khí hạt nhân bằng cách sử dụng công nghệ trong nước và kiếm nguồn ngoại tệ qua xuất khẩu linh kiện và nhân công. Mặc dù các chuyên gia cho rằng rất khó để tính toán được chi phí chính xác mà Triều Tiên dành cho chương trình vũ khí hạt nhân nhưng theo phân tích của chính phủ Hàn Quốc, Triều Tiên đã chi tổng cộng khoảng 1,1-3,2 tỷ USD cho chương trình này".

Ôi ! Tưởng bao nhiêu chớ chừng đó thì có thấm tháp gì, nếu so với rất nhiều tỉ Mỹ Kim chi cho những quả đấm thép như Vinashin hay Vinaline (gì đó) mà "thành tựu" chỉ là những đống thép vụn khổng lồ. Với số tiền này mà nhà nước Việt Nam cũng chế tạo được vài cái hỏa tiễn thì đã không đến nỗi bị "người đồng chí cùng chung ý thức hệ" bắt nạt, và buộc phải "lùi bước triền miên như lâu nay để mong yên thân" !

Trước khi hạ cánh, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã không quên để lại cho quốc dân đôi lời an ủi : "Chúng ta đã sản xuất được ốc vít, phải khẳng định như thế".

Thiệt là phước đức, nhưng từ chiếc đanh vít (vặn không trờn ren) đến cái hỏa tiễn là một khoảng cách muôn trùng, và rất mịt mùng.

Bởi vậy, nếu buộc phải lựa giữa Việt Nam và Bắc Hàn thì tôi (e) rằng mình đành chọn làm công dân của nước thứ hai. Đằng nào thì cũng là nạn nhân của cái thứ chế độ toàn trị, sắt máu, đói khát, và cũng phải sống cùng với bọn đầu trâu mặt ngựa thì thà ở chung với những đứa không hèn – cho nó đỡ ...tủi thân !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 09/08/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 04 août 2017 09:15

Côn đồ trong ngõ

Trời nắng chang chang, người trói người.

Cao Bá Quát

Có vị độc giả của trang Dân Làm Báo (Lâm Viên) đã viết một dòng phản hồi ngăn ngắn, bên dưới Bản Tuyên Bố của Bộ ngoại giao Đức (về vụ Trịnh Xuân Thanh) như sau :

Cộng ơi : “Chơi dao có ngày đứt tay”.

Dân làng Ba Đình Hà Nội quả là có thích chuyện dao búa, và cách mà họ xử dụng loại hung khí này đã khiến cho không ít nạn nạn nhân phải lên tiếng kêu than. Trong cuộc điều trần trước Quốc Hội Âu Châu, vào hôm 12 tháng 9 năm 2005, ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực) cho hay :

Tôi bị chính quyền cộng sản bắt ngày 2/10/1992 với nhiều Tăng sĩ khác. Mấy tháng sau thả ra nhưng bị đưa về quản thúc tại chùa Già Lam rồi Pháp Vân ở Sài Gòn.

Ngày 6/11/1994 tôi bị bắt lại, vì tham gia Ðoàn cứu trợ nạn nhân lũ lụt tại đồng bằng sông Cửu Long do Hòa thượng Thích Quảng Ðộ tổ chức. Ngày 15/8/1995 tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra án quyết phạt tôi 30 tháng tù giam và 5 năm quản thúc sau khi mãn hạn tù với tội danh “phá quốc Thụy hoại chính sách đoàn kết” và “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ để xâm phạm quyền lợi Nhà nước...”.

Tôi vượt qua biên giới và đến được Vương quốc Cam Bốt ngày 19/4/2002. Sau khi được phủ Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Phnom Penh xem xét hồ sơ và phỏng vấn, ngày 28/6/2002 tôi được hưởng quy chế tị nạn dưới sự bảo vệ của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng vào khoảng 19 giờ ngày 25/7/2002, khi tôi đang rảo bộ trên đường số 185 đối diện chợ Russey, thì bất ngờ bị một toán công an mật vụ Việt Nam mặc thường phục và Cam Bốt bắt cóc đẩy lên xe, đánh đập tôi và tịch thu thẻ tị nạn của Liên Hiệp Quốc cấp cho tôi. Sáng hôm sau họ chở tôi về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh. Ở đây đã có các viên chức Bộ công an chờ sẵn. Từ đây họ đưa tôi về trại giam B34, tọa lạc tại số 237 đường Nguyễn Văn Cừ, quận 1, Thành phố  Hồ Chí Minh thuộc cơ quan an ninh điều tra (A24) của Bộ công an…

Résultat de recherche d'images pour "ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực"

Ông Phạm Văn Tưởng (thế danh của cựu tu sĩ Thích Trí Lực)

Ngày 12/3/2004, tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử. Công an hăm dọa tôi không được tiết lộ việc tôi bị họ bắt cóc tại Nam Vang, nếu không nghe sẽ bị kết án nặng nề. Tòa tuyên phạt tôi 20 tháng tù về tội “trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân”. Tôi đã ở trong tù 19 tháng, nên được trả tự do vào ngày 26/3/2004. Liên Hiệp Quốc xác tôi vẫn nằm dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, nên đã làm thủ tục cho tôi đi định cư tại Vương Ðiển ngày 22/6/2004.

Nạn nhân kế tiếp tên là ông Lê Trí Tuệ. Vào ngày 20 tháng 11 năm 2006, nhân vật này đã gửi đến tất cả những cơ quan và mọi giới chức có thẩm quyền ở Việt Nam một lá đơn tường trình và tố cáo dài 1438 chữ. Phần đầu – và cũng là phần chính, gồm 444 chữ – xin được trích dẫn nguyên văn :

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam

Độc Lập – Tự do – Hạnh phúc

Đơn Tường Trình và Tố Cáo

V/v Công An Thành phố Hồ Chí Minh, liên tục đàn áp, thẩm vấn, tạm giữ người tại cơ quan công an quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh chỉ vì tôi thực thi những nhân quyền cơ bản của mình.

Tôi tên là : Lê Trí Tuệ

Sinh ngày 26/07/1979 Tại Hải Phòng.

Đăng ký Hộ khẩu thường trú : 942 Tôn Đức Thắng – Sở Dầu – Hồng Bàng – Thành phố Hải Phòng.

Điện thoại : 0982.152.619, 0912.530.615

Chức vụ :

 Hội Viên Hội cựu chiến binh Việt Nam

 Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Công ty Cổ Phần Trí Tuệ.

 Phó Chủ Tịch Công Đoàn Độc Lập Việt Nam.

Kính thưa các quý vị lãnh đạo Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các cơ quan truyền thông, báo chí trong và ngoài nước,

 Căn cứ vào Tuyên Ngôn quốc tế về Nhân quyền của Liên Hiệp quốc năm 1948

Căn cứ vào Tuyên Ngôn Nguyên tắc Tổng Liên Đoàn Lao Công Thế Giới [Tuyên ngôn này đã được chấp thuận chung, trong Đại hội kỳ thứ 16 của Tổng liên đoàn lao động Thế Giới ILO (International Labor Organizations), họp tại Luxembourg, từ ngày 1 đến 04 tháng 10 năm 1968].

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992. Điều 53 và điều 69.

Hiến Pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam nêu rõ :

“Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước trưng cầu dân ý”.

“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin, có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ vào những viện dẫn trên đây, làm cơ sở pháp lý dẫn tới sự ra đời và cơ sở Thành Lập công Đoàn Độc Lập Việt Nam, tuyên bố thành lập vào ngày 20/10/2006 tại Hà Nội.

Hiện nay chúng tôi đang làm thủ tục đăng ký, để từng bước hợp Hiến và hợp pháp theo quy định. Nhưng đáng tiếc thay tôi thường xuyên phải bị triệu tập lên cơ quan công an Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh để làm việc, bị cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cản trở hoạt động khiếu nại tố cáo, ngăn cấm hoạt động xã hội, bảo vệ quyền con người cho nhân dân Việt Nam.

Hai ngày sau, sau khi đơn tường trình được gửi đi, Lê Trí Tuệ đã bị công an Việt Nam bắt giữ để tra hỏi về việc ông đã tham gia Ban Vận Động Thành Lập Công Đoàn Tự Do ở Việt Nam. Đến ngày 07/12/2006, trong khi Lê Trí Tuệ còn đang bị lưu giữ tại trụ sở công an Quận IV (Sài Gòn) nhân viên an ninh đã lục lọi đồ đạc, và kiểm tra máy vi tính của ông tại nhà trọ. Sau đó – vào ngày 14/03/2007 – ông Lê Trí Tuệ đã bị một số công an mặc thường phục đánh đập dã man, ngoài đường phố.

Tiếp đó, trong hai ngày ngày 29 và 30 tháng 03 năm 2007, ông Lê Trí Tuệ lại bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công Đoàn Độc Lập, và làm một bản cam kết sẽ từ bỏ tất cả những hoạt động bị nhà đương cuộc Việt Nam cáo buộc là phản động…

Résultat de recherche d'images pour "Ông Lê Trí Tuệ"

Ông Lê Trí Tuệ bị bắt giữ và ép buộc tuyên bố công khai giải tán Công Đoàn Độc Lập - Tranh biếm họa Babui

Cuối cùng (sau nhiều lần bị giam giữ, tra vấn, hành hung và khủng bố) Lê Trí Tuệ đã buộc phải trốn khỏi Việt Nam – theo như tin loan của BBC, nghe được hôm 13 tháng 4 năm 2007 : “Một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam vừa lánh nạn sang Campuchia … ông cho biết ông bị nhà chức trách tại Thành phố HCM chuẩn bị đưa ra xét sử.”

Câu chuyện của Lê Trí Tuệ, nếu chấm dứt ở đây cũng đã đủ não lòng. Sự việc, tiếc thay, đã tiếp tục diễn ra một cách tồi tệ hơn nhiều – theo bản tin của HRW, gửi đi vào ngày 4 tháng 5 năm 2009 :

“Người ta nghĩ rằng công an Việt Nam đã bắt cóc ông Lê Trí Tuệ, một trong những sáng lập viên của Công Đoàn Độc Lập Việt Nam. Ông Lê Trí Tuệ mất tích vào tháng Năm năm 2007 sau khi đào thoát sang Căm-Bốt để xin tị nạn. Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã long trọng ghi nhận trong bản báo cáo 2008 về tình trạng nhân quyền Việt Nam rằng : ‘ông Lê Trí Tuệ hiện vẫn biệt tích… và theo một số lời đồn mật vụ của chính quyền Việt Nam đã giết ông ta.”

Cả hai vụ bắt người thượng dẫn đều xẩy ra hết sức êm thắm ở Cambodia. Ông bạn láng giềng cứ câm như hến, coi như hoàn toàn không biết có chuyện gì (đáng tiếc) xẩy ra ráo trọi.

Có lẽ vì tưởng lầm rằng nước Đức cũng giống nước Miên nên hôm 23 tháng 7 vừa qua, công an Việt Nam lại thực hiện thêm một vụ bắt cóc nữa giữa một công viên, ở Bá Linh. Lần này, theo như cách tán thán của độc giả Lâm Viên là “chơi dao có ngày đứt tay.”

Tôi không biết, và cũng không cần biết, đứa nào đang bị chẩy máu xối xả vì chơi dại. Tôi chỉ ghét “thói côn đồ trong ngõ hẹp” của qúi vị lãnh đạo (cái gọi là) Nhà nước pháp uyền xã hội chủ nhĩa Việt Nam, và tận tình chia sẻ sự phẫn uất của blogger Bùi Văn Thuận :

“Việc an ninh, mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức là kiểu hành xử của lũ mọi rợ, rừng rú, chà đạp lên mọi quy chuẩn của thế giới văn minh. Nhà cầm quyền Việt Nam đã dùng chiêu trò bắt cóc, khủng bố, tống giam tùy tiện công dân của mình rất nhiều lần, quen thói nên xứng đáng bị nhổ nước bọt vào mặt, phải chịu trừng phạt.”

Nước trong leo lẻo cá đớp cá là chuyện (đã đành) trong thế giới của loài vật nhưng là người, ở thế kỷ này, mà vẫn cứ hành xử như loài thú vậy sao ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 04/08/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 20 juillet 2017 17:26

Tiền, vàng và nước mắt

Vấn đề với chủ nghĩa xã hội là tới lúc nào đó nó sẽ dùng hết tiền của người khác.

 Margaret Thatcher

Chừng mười năm trước, tôi tình cờ đọc được một bài báo ngắn (“Tuần Lễ Vàng 1945”) của Trà Phương – trên trang VnExpress, số ra ngày 13 tháng 10 năm 2010 – mà cứ cảm động và bâng khuâng mãi. Xin ghi lại nguyên văn, cùng hình ảnh, để chia sẻ với mọi người :

“Sau khi giành độc lập, đất nước gặp nhiều khó khăn về tài chính, 4/9/1945 Bác Hồ đã phát động Tuần lễ Vàng kêu gọi mọi người ủng hộ ngân sách quốc gia. Trong tuần lễ này, giới công thương có đóng góp nhiều nhất.

Một số bức ảnh về Tuần lễ Vàng đã được Nhà sử học Dương Trung Quốc sưu tầm trong một chuyến công tác tại Pháp mới đây. Theo ông Dương Trung Quốc, ngay sau khi từ chiến khu lần đầu tiên về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn nơi ở và làm việc tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang. Đây là nơi ở của nhà tư sản Trịnh Văn Bô, một người thuộc vào hạng giàu nhất Việt Nam lúc bấy giờ.

Bác chọn nhà một tư sản giàu có vì tin vào nhân dân của mình. Không chỉ người nghèo mà cả người giàu cũng khao khát độc lập, tự do. Và cách mạng cần đến sự ủng hộ và tham gia của cả người giàu lẫn người nghèo.

Một cụ già tám mươi tuổi mang tới một gói lụa điều, bên trong là nén vàng gia bảo nặng mười bảy lạng. Ảnh & chú thích :VnExpress

Chỉ có điều đáng tiếc (nho nhỏ) là nhà báo Trà Phương cho biết quá ít về gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Đang lúc rảnh nên tôi xin phép được chép lại (đôi trang) của một nhà báo khác, để rộng đường dư luận :

Ông Trịnh Văn Bô (1914-1988) là một doanh nhân Việt Nam nổi tiếng giữa thế kỷ 20. Cha ông, ông Trịnh Văn Đường và cha vợ ông, ông Hoàng Đạo Phương, đều là những nhà nho cùng thời với cụ Lương Văn Can, từng đóng góp rất nhiều cho phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ông Trịnh Văn Bô cùng vợ là bà Hoàng Thị Minh Hồ, trong 10 năm, kinh doanh thành công, đưa tài sản của hãng tơ lụa Phúc Lợi tăng lên 100 lần so với ngày thừa kế hãng này từ cha mình. Tơ lụa do Phúc Lợi sản xuất được bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan, được các thương nhân Pháp, Anh, Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản tìm kiếm.

Từ năm 1944, gia đình ông nằm trong sự chú ý của những người cộng sản. Ngày 14/11/1944, hai vợ chồng ông bà cùng người con trai cả đồng ý tham gia Việt Minh. Vài tháng sau, ông bà đã mang một vạn đồng Đông Dương ra ủng hộ Mặt trận Việt Minh và từ đó, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở thành một nguồn cung cấp tài chánh to lớn cho những người cộng sản. Đến trước Cách mạng tháng Tám, gia đình ông đã ủng hộ Việt Minh 8,5 vạn đồng Đông Dương, tương đương 212,5 cây vàng. Khi những người cộng sản cướp chính quyền, ông bà Trịnh Văn Bô được đưa vào Ban vận động Quỹ Độc lập.

Ngày 24-8-1945, khi Chính phủ lâm thời về Hà Nội, Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Tùng đều đã ở hoặc qua lại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Ba đêm đầu Hồ Chí Minh ngủ trên giường của ông bà Trịnh Văn Bô, sau đó, ông xuống tầng hai, ngủ trên chiếc giường bạt còn các nhà lãnh đạo khác thì kê ghế da hoặc rải chiếu ngủ. Ở tầng trệt, cửa hàng vẫn hoạt động bình thường, ngay cả bảo vệ của Hồ Chí Minh cũng không xuống nhà để tránh gây chú ý. Mọi việc ăn uống đều do bà Trịnh Văn Bô lo, thực khách hàng ngày ngồi kín chiếc bàn ăn 12 chỗ.

Trong suốt từ 24/8 cho đến ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh hiếm khi ra khỏi nhà 48 Hàng Ngang. Mỗi buổi sáng, cứ sau khi ông tập thể dục xong, bà Trịnh Văn Bô lại đích thân mang thức ăn sáng lên. Bà nhớ, có lần Hồ Chí Minh đã giữ bà lại và hỏi : “Cô bao nhiêu tuổi mà có được gia tài lớn thế này ?”. Năm ấy bà 31 tuổi, dù có 4 đứa con nhưng vẫn còn xinh đẹp. Hồ Chí Minh ở lại đây cho đến ngày 27/9/1945. Mỗi khi ra khỏi nhà, Hồ Chí Minh thường xuống tầng dưới vấn an bà mẹ ông Trịnh Văn Bô và gọi bà là mẹ nuôi. Ở 48 Hàng Ngang, Hồ Chí Minh đã ngồi viết bản Tuyên Ngôn Độc Lập và tiếp các sĩ quan OSS như Archimedes Patti và Allison Thomas. Quần áo mà các lãnh đạo Việt Minh bận trong ngày lễ Độc lập, đều do gia đình ông bà cung cấp. Các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp thì mặc đồ của ông Trịnh Văn Bô còn áo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì may bằng vải Phúc Lợi.

Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông Trịnh Văn Bô theo Chính phủ Kháng chiến lên Việt Bắc còn vợ ông thì mang 5 người con, trong đó có một đứa con nhỏ, cùng với mẹ chồng lên “vùng tự do” Phú Thọ. Những năm ở đó, từ một bậc trâm anh, thế phiệt, bà đã phải cuốc đất trồng khoai và buôn bán để nuôi con. Năm 1955, gia đình ông Trịnh Văn Bô trở về Hà Nội. Ông bà tiếp tục xoay xở và bắt đầu phải bán dần đồ đạc cũ để nuôi sống gia đình. Lúc này, toàn bộ biệt thự, cửa hàng đều đã bị các cơ quan nhà nước sử dụng hoặc chia cho cán bộ nhân viên ở. Lúc đầu, Nhà nước “mượn” sau tự làm giấy nói gia đình xin hiến, nhưng cụ bà Trịnh Văn Bô bảo : “Tôi không ký”.

Bà quả phụ Trịnh Văn Bô : Ảnh :giadinh.net

Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước. Bà Trịnh Văn Bô lại được kêu gọi “làm gương”, đưa xưởng dệt của bà vào “công tư hợp doanh”. Bà Bô cùng các nhà tư sản được cho học tập để nhận rõ, tài sản mà họ có được là do bóc lột, bây giờ Chính phủ nhân đạo cho làm phó giám đốc trong các nhà máy, xí nghiệp của mình. Không chỉ riêng bà Bô, các nhà tư sản từng nuôi Việt Minh như chủ hãng nước mắm Cát Hải, chủ hãng dệt Cự Doanh cũng chấp nhận hợp doanh và làm phó.

Cho dù được ghi nhận công lao, trong lý lịch các con của ông Trịnh Văn Bô vẫn phải ghi thành phần giai cấp là “tư sản dân tộc”, và rất ít khi hai chữ “dân tộc” được nhắc tới. Con trai ông Trịnh Văn Bô, ông Trịnh Kiến Quốc kể : “Ở trường, các thầy giáo, nhất là giáo viên chính trị, nhìn chị em tôi như những công dân hạng ba. Vào đại học, càng bị kỳ thị vì lượng sinh viên người Hà Nội không còn nhiều. Trong trường chủ yếu là sinh viên con em cán bộ thuộc thành phần cơ bản từ Nghệ An, Thanh Hoá… những người xếp sinh viên Hải Phòng, Hà Nội vào thứ hạng chót. Chị tôi vào Đại học Bách Khoa, năm 1959, phải đi lao động rèn luyện một năm trên công trường Cổ Ngư, con đường về sau Cụ Hồ đổi thành đường Thanh Niên, và sau đó là lao động trên công trường Hồ Bảy Mẫu”.

Cả gia đình ông Trịnh Văn Bô, sau khi về Hà Nội đã phải ở nhà thuê. Năm 1954, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái có làm giấy mượn căn nhà số 34 Hoàng Diệu của ông với thời hạn 2 năm. Nhưng cho đến khi ông Trịnh Văn Bô qua đời, gia đình ông vẫn không đòi lại được. (Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, tập II, OsinBook, Westminster, CA, 2013).

Câu chuyện thượng dẫn tuy hơi cay đắng nhưng kết cục (không ngờ) lại vô cùng có hậu, theo như bản tin của VnExpress (“Bộ Tài chính đôn đốc trả nợ tiền vay dân trong 2 cuộc kháng chiến”) số ra ngày 19 tháng 7 năm 2017 :

“Đây là những khoản nợ từ công phiếu kháng chiến, phát hành trong các năm 1948, 1949, 1950, 1951, 1952 ; công trái quốc gia, phát hành năm 1951 ; công trái Nam-Bộ, phát hành năm 1947, 1958 ; công phiếu nuôi quân phát hành năm 1964 và những khoản vay khác (tiền hoặc lương thực) do các cơ quan chính quyền từ cấp huyện trở lên vay theo lệnh của cấp trên để mua sắm vũ khí, nuôi quân.

Nguồn ảnh : taichinhdientu.vn

Thiệt là tử tế và qúi hóa quá xá Trời. Tôi rất tâm đắc với hai chữ “đôn đốc” trong tiêu đề của bản tin thượng dẫn : “Bộ Tài Chính Đôn Đốc Trả Nợ Tiền Vay Dân Trong Hai Cuộc Kháng Chiến. Nghe sao có tình, có nghĩa hết biết luôn.

Nhà nước sòng phẳng, đàng hoàng, và tử tế đến như thế nên khi quốc khố trống rỗng và nợ công ngập đầu – như hiện nay – thì chuyện huy động vàng trong dân chắc ... cũng dễ (ợt) thôi. Good bye and good luck !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 20/07/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 06 juillet 2017 18:00

Hương Cảng

Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi.

Hoàng Chi Phong

Tôi đi xe buýt – lần đầu – khi còn là một chú nhóc tì, không một đồng xu dính túi. Cứ nhẩy đại lên xe, rồi phóc ngay xuống trạm kế vì sợ lạc, và sợ bị người xét vé cú đầu. Nóng bức, chật chội, và hồi hộp... thấy bà luôn. Toàn là những cảm giác không thích thú gì nên tôi từ biệt luôn loại phương tiện di chuyển (thổ tả) này mãi cho đến tuần rồi.

Tuần rồi, đang đi lơ ngơ ở Hồng Kông thì chợt thấy cái xe buýt hai tầng (ngộ thiệt) nên tôi lại nổi máu trẻ con, nhào lên chơi thử. Xe chật nên tôi phải đứng nhưng không bao lâu thì có người lịch sự, chỉ vào cái ghế trống mà họ có ý nhường. Tôi lắp bắp nói cảm ơn nhưng không ngồi xuống vì không biết tại sao. Phải mất mươi, mười lăm giây (với đôi chút "ngỡ ngàng") tôi mới chợt hiểu ra rằng mình đã trở thành một công dân lão hạng nên được đời dành cho chút... ưu tiên.

ƯU TIÊN CHO NGƯỜI GIÀ VÀ NGƯỜI TÀN TẬT !

Ủa, chớ tôi già hồi nào cà ? Đâu mà lẹ dữ vậy hà ? Chỉ cần khoảng cách thời gian giữa hai chuyến xe buýt (Sài Gòn – Hồng Công) là kể như xong một kiếp nhân sinh. Mấy chục năm qua một cái vèo, kiếp người ngắn ngủi và lảng xẹt rứa sao ?

Không dưng mà thấy nhớ, và thương, ông già Tản Đà hết sức :

Vèo trông lá rụng đầy sân

Công danh phù thế cũng ngần ấy thôi

Tất nhiên, không phải đối với ai thời gian cũng đều "lạnh lùng" trôi (cái vèo) như thế cả. Cũng không ít kẻ công thành danh toại, trải một cuộc sống thú vị, ý nghĩa, và đáng nhớ chớ nhưng tôi không thuộc vào cái số ít may mắn đó. Tôi phí phạm đời mình vào rất nhiều chuyện chả đâu vào đâu chỉ vì thường xuất hiện không đúng lúc, và không đúng chỗ, hoài à.

Tuần rồi cũng thế. Không quen biết ai, chả hẹn hò gì, cũng chẳng có dự tính chi mà chỉ vì Phnom Penh quá (mưa xối xả, mưa tầm tã, mưa dầm dề, và mưa thê thảm) nên tôi bay đại qua Hồng Kông cho nó đỡ cuồng chân. Xuống phi trường, ngó màn ảnh truyền hình mới biết là mình đến cùng ngày với Tập Cận Bình.

Ổng Chủ Tịch Nước Trung Hoa tới để dự lễ kỷ niệm Hai Mươi Năm Trao Trả Hồng Kông (Hong Kong Handover 20th Anniversary) vào ngày 1 tháng 7 năm 2017. Còn tôi, tự nhiên cái tôi vác xác đến Hương Cảng làm chi, vào cái thời điểm vô cùng lộn xộn này – hả Trời ?

hongkong1

Ảnh : SCMP - 01 July, 2017

Thiệt là lôi thôi lớn và lôi thôi lắm, chớ không phải giỡn. Trực thăng vần vũ đầy trời. Cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Một phần ba lực lượng an ninh Hồng Kông – nghĩa là gần mười ngàn nhân viên công lực – được huy động để bảo vệ an toàn cho Tập Cận Bình trong khi dân tràn xuống đường biểu tình hô hào đòi hỏi quyền tự quyết, phổ thông đầu phiếu, phóng thích nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba ...

Tất nhiên là đàn áp thẳng tay, và bắt bớ tùm lum. Cộng sản thì ở đâu mà chả vậy !

hongkong2

Ảnh : Isaac Lawrence/AFP - JUNE 29, 2017

Thiệt là mất vui thấy rõ. Biết vậy, tôi thà cứ nằm lì ở Cambodia mà nghe mưa cho nó an lành. Họ Tập, rõ ràng, vô duyên thấy mẹ. Thiên hạ đã không ưa mình thì vác cái mặt (mẹt) tới đây làm chi, cho má nó khi, cha nội ? Đã thế, còn bầy đặt nói chuyện văn hoa (cho chúng ghét) nữa : "Hong Kong has always been in my heart".

Nghe thiệt muốn ứa gan, cứ y như cái giọng của "bác mình" hồi đó : "Miền Nam yêu quí luôn ở trong trái tim tôi". Tổ cha mấy cái thằng đĩ miệng !

Hổng ai biết trong trái tim của Tập Cận Bình có Hồng Kông (thiệt) hay không nhưng công luận đều rõ là trong quả tim của người dân ở đây thì không hề có ông lãnh tụ cộng sản nào ráo trọi, và họ cũng chả có chút xíu thiện cảm hay gắn bó gì với Trung Hoa Lục Địa :

  • Reuter : Người trẻ Hong Kong muốn tất cả biết họ là người Hong Kong, không phải Trung Quốc
  • Le Monde : Thất bại của một đất nước, hai chế độ
  • Người Việt : Chúng tôi không muốn Tập Cận Bình, chúng tôi muốn Lưu Hiểu Ba.
  • RFI : Hồng Kông trong bàn tay thép của Trung Quốc
  • BBC : Đừng ảo tưởng rập đầu trước Trung Quốc
  • RFA : Người Hong Kong xin hộ chiếu Anh quốc vì lo sợ tương lai

Sợ là phải !

Mới bước chân đến Hương Cảng lần đầu, trước bá quan văn võ mà Tập Cận Bình  vẫn dọa nạt thẳng thừng :

"Any attempt to endanger China’s sovereignty and security, challenge the power of the central government and the authority of the Basic Law, or use Hong Kong to carry out infiltration and sabotage activities against the mainland is an act that crosses the red line, and is absolutely impermissible" ("Mọi âm mưu làm phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia, thách thức chính quyền trung ương và Luật Căn Bản, hay dùng Hồng Kông để xâm nhập Hoa Lục và thực hiện những hoạt động phá hoại đều bị coi là hành vi vượt làn ranh đỏ, và tuyệt đối không được chấp nhận").

Họ Tập ăn nói ngạo ngược như vậy mà ngay sau đó chỉ có hơn sáu chục ngàn người dân xuống đường phản đối. Đây là con số người biểu tình thấp nhất kể từ năm 2003 đến nay, theo ghi nhận của South China Morning Post.

Dân Hồng Kông bắt đầu có khuynh hướng xuôi xị và qui thuận rồi chăng ?

Có thể như vậy lắm vì xét về "tương quan lực lượng" thì đây rõ ràng là tình cảnh trứng trọi đá mà. Những hình ảnh đẫm máu ở Thiên An Môn chắc chắn vẫn còn ghi đậm trong tâm trí nhiều người. Hơn nữa, không ít kẻ còn nghĩ rằng mình sẽ không còn sống đến tận năm 2047 (thời điểm chấm dứt cam kết chính sách "một quốc gia hai chế độ" giữa Hồng Kông và Trung Cộng) nên chả việc gì mà phải bận tâm.

Đây là số đông nhưng không phải là tất cả. Lớp trẻ Hồng Kông có cách suy nghĩ khác :

  • Lester Shum : "Chúng tôi đấu tranh cho tương lai, cho một hệ thống dân chủ".
  • Joshua Wong : "Cho dù phong trào phản kháng có ra sao đi nữa, chúng tôi sẽ giành lại được nền dân chủ và tiếp tục cuộc chiến. Bởi vì thời gian là người bạn tốt nhất của chúng tôi".

hongkong3

Phong Trào Dù Vàng & Tuổi trẻ H.K. Ảnh lấy từ Tạp Chí Luật Khoa

Nhà báo Kent Ewing (Hong Kong Fre Press) đặt câu hỏi : "Liệu Joshua Wong sẽ sống qua năm 2047 để chứng kiến dân chủ toàn diện ở Kồng Kông không ?" ("Beyond 2047 : Will Joshua Wong live to see full democracy in Hong Kong ?" Hoàng Chí Phong sinh năm 1996. Tập Cận Bình sinh năm 1953. Đến năm 2047 thì Phong sẽ 50 tuổi, Bình 94 tuổi, và đảng cộng sản Trung Hoa 126 tuổi. Những con số này có thể dùng để trả lời cho câu hỏi thượng dẫn mà khỏi cần phải biện luận dài dòng.

Còn nếu "lỡ" đến thời điểm 2047 mà họa cộng sản vẫn tồn tại (ở bất cứ nơi đâu) thì hành tinh này không còn là một nơi đáng sống – đối với bất cứ ai – chứ chả riêng chi với người dân Trung Hoa, Việt Nam hay Bắc Hàn !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 06/07/2017 (tuongnangtien's blog)

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Văn hóa
mardi, 04 juillet 2017 23:23

Giữa cơn gió bụi

Lịch sử không có chữ NẾU. Nhưng, đôi khi tôi vẫn cứ không cầm lòng được, suy nghĩ vẩn vơ, Việt Nam sẽ ra sao, nếu từ tháng 8/1945 vẫn là "Chính phủ Trần Trọng Kim"...

Huy Đức

ttk1

Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953)

Tuần rồi, trên trang Dân Luận có một bài viết ngắn nhưng rất súc tích của tác giả Mạnh Kim. Xin được ghi lại đôi dòng :

"Lại thêm một quyển sử bị cấm phát hành. Lần này là ‘Một cơn gió bụi’ của học giả Trần Trọng Kim. Không chỉ là ‘một cơn gió bụi’, hồi ký của Lệ Thần Trần Trọng Kim, một tượng đài văn hóa Việt Nam thế kỷ 20, thật ra là một ‘cơn bão’ xét dưới góc độ kiểm duyệt hiện hành. Nó tiết lộ các chi tiết về ‘một góc đời thường’ Hồ Chí Minh, về vai trò rất ít được biết của Võ Nguyên Giáp, về những ngày tranh giành quyền lực và triệt hạ nhau giữa Việt Minh với các đảng phái đối thủ mà Việt Minh có khi không ngần ngại dùng ‘mền trùm đầu rồi bắt đi mất tích’. Việt Minh, theo miêu tả trong ‘Một cơn gió bụi’, là tổ chức có thủ đoạn chính trị quỷ quyệt bậc nhất giai đoạn lịch sử thập niên 1940".

Cùng lúc, nhà báo Huy Đức cũng có góp đôi lời (nhỏ nhẹ) về sự kiện này :

Lý do chính để Cục xuất bản ra lệnh thu hồi Một Cơn Gió Bụi của học giả Trần Trọng Kim là vì "cuốn sách có nhiều chi tiết, đánh giá không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng". Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) là cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882-1953), từng được Nhà xuất bản Vĩnh Sơn phát hành năm 1969. Đầu năm 2017 sách được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Phương Nam Books phát hành.

Sự thật lịch sử là một khối đa diện, không ai có thể tiếp cận hết mọi tiết diện. Nếu sách có những chi tiết "không phù hợp, không khách quan hoặc chưa được kiểm chứng" thì hãy để các nhà sử học khác kiểm chứng, chỉ ra cái sai. Điều quan trọng là những gì cụ Trần Trọng Kim viết trong Một Cơn Gió Bụi đã phải là sự thật hay chưa. Nếu đã là sự thật thì nó luôn phù hợp ở mọi thời đại, chế độ nào thấy một sự thật không phù hợp với mình thì chế độ đó... không phù hợp với thời đại nào của loài người cả.

PS : Tôi cực lực phê phán việc biên tập sách nhưng tôi cũng khuyến cáo Cục Xuất bản rằng, lệnh cấm này sẽ khiến người đọc trẻ tìm tới bản in không bị kiểm duyệt của Nhà xuất bản Vĩnh Sơn, bản in mà trong đó có nhiều đoạn rất nhạy cảm đã bị Nhà xuất bản Hội Nhà Văn biên tập.

Ví dụ : Trang 75 bản Vĩnh Sơn 1969 có đoạn "Trong số 22 người ấy có một nữ đảng viên tên Đỗ Thị Lạc là người sau này có đứa con gái với Hồ Chí Minh. Về sau người ta nói khi về đến địa hạt Bắc Giang, có ba đảng viên trong 22 người ấy bị giết vì không chịu theo cộng sản". Đoạn này đã bị cắt ở bản Phương Nam in 2017 (trang 80).

So với cái tâm, và cái tầm, của nhà xuất bản thì chuyện "cắt xén" vụn vặt kể trên không có chi đáng để phàn nàn ; bởi ngoài hai ấn bản thượng dẫn, còn có bản in năm 2015 – do tuần báo Sống phát hành từ California – và hàng chục trang mạng với đường dẫn đến nguyên bản của tác phẩm này. Bức màn sắt đã rớt xuống từ lâu. Đâu có chuyện chi mà dấu được hoài bên trong đó nữa !

ttk2

Một cơn gió bụi (Kiến văn lục) là cuốn hồi ký của học giả Trần Trọng Kim (1882-1953), từng được Nhà xuất bản Vĩnh Sơn phát hành năm 1969. Đầu năm 2017 sách được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Phương Nam Books phát hành.

Wikipedia tiếng Việt, giọng Hà Nội, có ghi lại những câu sau :

Chính phủ Trần Trọng Kim thường được Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mô tả trong các tài liệu nghiên cứu chuyên môn trước và sau năm 1975, một cách trực tiếp hay gián tiếp, là bù nhìn của Nhật.

Việc đưa Trần Trọng Kim đứng ra lập nội các cho Bảo Đại trước sau đều do người Nhật đạo diễn để dẫn dụ ông, chứ bản thân ông tự ý thức bản thân mình bất lực, họ trao quyền cũng chỉ để biến ông thành bù nhìn.

Cái thời độc quyền thông tin đã qua nên cùng với "các tài liệu nghiên cứu chuyên môn" của nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, còn có không ít ghi nhận của những vị thức giả khả tín. Xin đơn cử một vài để rộng đường dư luận :

Lê Xuân Khoa :

"Trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Nội các, bên cạnh công tác khẩn cấp cứu trợ nạn đói ở miền Bắc đã làm ngót hai triệu người thiệt mạng, Chính phủ Trần Trọng Kim đã ấn định một chương trình sáu điểm :

1. Chuyển giao tất cả các cơ sở hành chánh cho các viên chức Việt Nam.

2. Thâu hồi đất Nam kỳ và các nhượng địa đã dành cho Pháp.

3. Ân xá toàn thể các phạm nhân chính trị.

4. Cho phép thành lập các đảng phái chính trị.

5. Miễn thuế cho công chức, thợ thuyền và dân nghèo.

6. Thiết lập các Ủy ban Tư vấn Quốc gia để soạn thảo Hiến pháp và nghiên cứu cải tổ chính trị, hành chánh và giáo dục.

Chỉ trong thời gian ngắn ngủi bốn tháng (17/4-16/8/1945) Chính phủ Kim đã thực hiện được gần hết chương trình này".

Trần Văn Chánh :

"Về phần Nội các Trần Trọng Kim, mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian chưa đầy 4 tháng (từ 17/4 đến 7/8/1945, nếu tính đến 23/8/1945 khi quyết định xong Chiếu thoái vị thì được 4 tháng 6 ngày, tổng cộng 126 ngày, tương đương 1/3 năm) và làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhất là khi vẫn bị quân đội Nhật kiềm chế mọi mặt, Nội các đã tỏ ra năng nổ, nhiều thiện chí và cũng đã làm được một số việc đầy ý nghĩa, đáng ghi nhận :

- Tháng 6 năm 1945, đặt quốc hiệu là Đế quốc Việt Nam (bỏ tên Đại Nam, Annam) ; tạm duy trì bài quốc thiều "Đăng đàn cung" ; đổi mới quốc kỳ, thay cờ Long tinh bằng cờ quẻ Ly có nền vàng hình chữ nhật, giữa có hình quẻ Ly màu đỏ thẫm.

- Bộ Tiếp tế tập trung cao độ lo việc cứu đói nhưng kết quả rất hạn chế vì phương tiện, nhân lực đều do quân Nhật nắm giữ và nhất là giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển từ Nam ra Bắc đều bị quân Đồng minh cắt đứt.

- Thanh trừng quan tham lại nhũng với kết quả hạn chế, vì thời gian ít và điều kiện khó khăn trước mắt về nhân sự chưa cho phép làm mạnh.

- Tha thuế thân cho người dân và cho những công chức có thu nhập thấp. Thực hiện sự công bằng về thuế khóa.

- Chủ trương tăng lương cho tiểu công chức, bỏ các món chi tiêu huy hoàng vô ích.

- Can thiệp với Nhật để từ ngày 9/8/1945 tổng ân xá các tù chính trị, kể cả những người cộng sản đã bị Pháp bắt giam tại các nhà lao và nhà ngục khổ sai. Chủ trương trừng thanh quan lại và bài trừ tệ hối lộ.

- Đấu tranh với Nhật đòi lại các công sở và lấy lại được ba thành phố nhượng địa Hà Nội, Hải Phòng và Ðà Nẵng kể từ ngày 20/7/1945.

- Ngày 1/8/1945, Đốc lý Hà Nội Trần Văn Lai cho phá các tượng Pháp ở Hà Nội vốn biểu trưng cho nền thống trị ngoại bang, như tượng Paul Bert, Jean Dupuis, Đầm Xòe ở Cửa Nam, Đài kỷ niệm Lính Khố xanh, Khố đỏ.

- Ngày 14/8/1945, tranh thủ lấy lại Nam Kỳ cho triều đình Huế, thống nhất (về mặt danh nghĩa) đất Nam Kỳ vào đất nước Việt Nam.

- Chủ trương cho phép thành lập các đảng phái chính trị.

- Về tư pháp, thành lập Ủy ban Soạn thảo Hiến pháp trên cơ sở thống nhất xứ sở, các quyền tự do chính trị, tôn giáo và nghiệp đoàn. Đạo luật tổ chức nghiệp đoàn đầu tiên ở Việt Nam là do chính phủ Trần Trọng Kím soạn thảo và ban hành ngày 5/7/1945.

- Đổi chương trình học tiếng Pháp ở bậc Tiểu học và Trung học sang chương trình tiếng Việt , do Bộ trưởng Giáo dục và Mỹ thuật Hoàng Xuân Hãn chủ trì biên soạn.

- Hành chánh được cải tổ với việc dùng chữ Việt trong tất cả các giao dịch của chính phủ ngoại trừ lãnh vực y tế và các văn thư liên lạc với Pháp hoặc với các công ty người Hoa...

Phạm Cao Dương :

"Bốn tháng đầy rẫy những khó khăn nhưng những thành quả đạt được không phải là không đáng ghi nhận... Vượt qua tất cả mọi khó khăn, Trần Trọng Kim và các cộng sự viên của ông đã vạch ra những mục tiêu và chương trình hành động cụ thể và thực tế, từ những việc làm có tính các tương trưng như đổi quốc hiệu thành Việt Nam, đổi quốc kỳ, duyệt lại quốc ca... đến cứu đói, thu hồi toàn vẹn lãnh thổ, bắt các quan ở các tỉnh phải trực tiếp liên lạc với chính phủ Việt Nam và cấm họ liên lạc trực tiếp với người Nhật như họ vẫn liên lạc với người Pháp trước kia, Việt Nam hóa nền giáo dục, cải tổ thuế má, tư pháp, vận động thanh niên sinh viên và cả quần chúng nói chung tham gia sinh hoạt chánh trị, xã hội, lập các hội đồng tư vấn địa phương và vận dụng mọi khả năng để thực hiện".

ttk3

Nội các Trần Trọng Kim. Ảnh : Chính Danh Văn Hoá Việt Nam

Tổng cộng thời gian chấp chính của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, có lẽ, vẫn chưa bằng số giờ mà các ông Thủ Tướng Cộng Sản sau đó ngồi hội họp. Và có lẽ đám người này không họp bàn về chuyện gì khác ngoài việc bán nước hại dân nên chế độ hiện hành càng kéo dài thì quê hương càng lụn bại.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 03/07/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Văn hóa
Trang 14 đến 14