Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 24 octobre 2017 07:47

Phan Kim Khánh

Con yêu bố mẹ những người quan trọng nhất trong cuộc đời này. Có lỡ sau này con gặp điều gì trắc trở, bố mẹ hãy vững tin vào con nhé.

Phan Kim Khánh

pkk1

Sinh viên Phan Kim Khánh

Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe người này gọi người kia là cái thứ "đầu bò" hay đầu "bã đậu". Mới đây, lại học thêm được một từ ngữ nữa – "đầu gỗ" – qua trang fb của luật sư Lê Luân :

"Khi nghe đến hàng trăm nghìn những sinh viên trẻ Hồng Kông, rồi hàng chục vạn người trẻ Hàn Quốc xuống đường biểu tình phản đối lãnh đạo cao nhất của chính quyền nước họ phải từ chức và chịu điều tra độc lập, phải trao trả quyền lực độc lập về cho nhân dân, tôi thấy đau đớn cho sự im lặng trong thân phận bé mọn của giới trẻ và sinh viên Việt Nam mình.

Hôm nay, sinh viên luật ở Mỹ lại có một hành vi chính trị được coi là quyền đương nhiên đến mức bình thường của một con người mà bất kỳ một công dân Hoa Kỳ nào cũng đều có thể hực hiện – họ chung tay đâm đơn kiện tân Tổng thống Donald Trump ra Tòa án bảo hiến để chống lại sắc lệnh vừa mới ban hành của ông ấy khi họ cho rằng nó có dấu hiệu vi phạm vào Hiến pháp nước này...

Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì ? Họ học gì và nói gì với nhau trên Tổ quốc đầy thương tổn và ngày càng khánh kiệt này ?

pkk2

Tuổi trẻ và thế hệ trẻ của chúng ta đang ở đâu và làm gì ? - Ảnh minh họa

Họ chỉ lo mưu cầu đời mình mà không tính dựng xây đất nước. Họ không hiểu giá trị của họ nên thành ra trở nên như những công dân đầu gỗ trên mảnh đất quê hương dung dưỡng chúng".

Nói thế, dường như, vẫn chưa bớt giận. Tuần rồi, chính xác là vào hôm 17 tháng 10 năm 2017 – cũng trên trang fb của luật sư Luân Lê – tác giả còn viết thêm đôi dòng (cũng) không kém phần cay đắng :

"Theo thống kê, 80% số cử nhân tốt nghiệp (thất nghiệp) đi làm xe ôm hoặc công việc phổ thông khác. Thế là chúng ta đào tạo ra một lũ vô dụng và đất nước thì không cần nguyên khí để phát triển nên mới để lực lượng hùng hậu đó đi làm công việc chân tay.

Tôi vẫn gọi những con người đó là những đứa trẻ và những công dân đầu gỗ. Bởi họ rất an phận thủ thường, chỉ cốt tìm việc lương ba cọc ba đồng hoặc bạ việc gì làm việc đó, không biết đến tình hình xã hội và đấu tranh để giành cơ hội sống tốt cho mình và tương lai con cháu mình".

pkk3

Ngày càng có nhiều cử nhân thất nghiệp đi làm xe ôm. ảnh: Minh Nguyệt

Những đứa trẻ đầu gỗ quả là có hơi nhiều nên tôi tận tình chia sẻ nỗi phẫn nộ, và đắng cay, của luật sư Lê Luân về hiện tượng đáng buồn này. Tuy nhiên – tưởng cũng cần phải nói cho rõ lẽ – Việt Nam không phải là Hồng Kông, Hàn Quốc, hay Mỹ Quốc. Thanh niên ở xứ sở này nếu không chịu sống "im lặng trong thân phận bé mọn", không chịu "an phận thủ thường", và lại quan tâm "đến tình hình xã hội" thì e là họ sẽ gặp phải không ít chuyện phiền hà – lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và (dám) lôi thôi lớn.

pkk4

Giấy khen Phan Kim Khánh - Ảnh : fb Nguyễn Lân Thắng

Xin đan cử một thí dụ. Trường hợp của sinh viên Phan Kim Khánh :

"Tôi sinh ra ở làng quê nghèo, nơi mà những người thân của tôi phải dạy từ sớm trước cả tiếng gà gáy, để rồi ra đồng cấy cày, những người như bố tôi thì đi xây, đi sửa những ngôi nhà nhỏ… ! Họ là những người vất vả nhất mà tôi từng thấy thế nhưng tôi cũng thấy họ là những người nghèo nhất mà tôi từng gặp.

Tôi sinh ra ở nơi mà mỗi người trẻ như tôi được đi học Đại học là niềm vinh dự cho cả gia đình dòng họ, Làng tôi nhiều người học giỏi, thanh niên học từ trường danh giá cho tới những đại học bình thường, từ những nghành học Hot cho tới những nghành học mà nghe tới đã không muốn học… ! Họ học giỏi và ra được trường, nhưng họ chẳng xin được việc.

Tôi đi học, được chơi với những người bạn mới, họ đưa tôi đi tới những nơi sang trọng mà ở quê tôi chỉ nghĩ nó tồn tại trong phim, họ đưa tôi đi ăn những món ăn đắt tiền nếu quy giá cũng bẳng cả đàn gà bà tôi nuôi mỗi năm. Họ cho tôi những lọ nước hoa mà tôi vừa dung vừa thấy tiếc mùi hương giá cả cân gạo. Tôi thường cau mày mỗi khi ngồi lại và nghĩ, giá như người dân quê tôi được hưởng thụ những thứ đó, chỉ 10% thôi thì có thỏa cái công họ làm lụng vất vả không ?

Tôi yêu chính trị, bạn bè tôi nói tôi là chính trị gia, là người có ước mơ vĩ đại này nọ… ! Nhưng với tôi, làm chính trị không phải để đạt được cái gì to tát như Đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, chủ tịch này nọ… ! Với tôi làm chính trị là đơn giản là san cho con đường của các em nhỏ tới trường được dễ dàng, cho đất cày của Bà con Nông dân quê tôi được mền lúa cấy lên tươi tốt. Đơn giản là cho người với người sống yêu thương nhau.. !"

Chỉ "đơn giản" thế thôi nhưng với chế độ hiện hành ở VN thì sinh viên Phan Kim Khánh là kẻ có vấn đề. Vấn đề là em sở hữu đầu người (thay vì đầu gỗ) nên đã bị bắt giữ "về tội tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày 23 tháng 3 năm 2017.

pkk5

Ông Phan Văn Dung, thân phụ sinh viên Phan Kim Khánh. Ảnh : fb Nguyễn Lân Thắng

Nhà văn Nguyễn Tường Thụy vừa cho biết thêm :

"Ông Phan Văn Dung, bố của Phan Kim Khánh vừa cho tôi biết qua điện thoại, sáng nay, 12/10, tòa án Thái Nguyên gọi điện cho ông. Họ thông báo ngày 25/10 tới đây sẽ xử sơ thẩm và hẹn chiều nay sẽ đến nhà đưa giấy.

Phan Kim Khánh sinh năm 1993, bị bắt ngày 21/3/2017, khi chỉ còn mấy tháng nữa là xong chương trình 5 năm đại học. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Anh bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Hiện Phan Kim Khánh bị giam ở trại giam Cẩm Sơn 1 Thái Nguyên".

Không cần phải là thầy bói người ta cũng có thể đoán biết được bản án mà Hà Nội sẽ dành cho Phan Kim Khánh. Đã có hằng trăm thanh niên Việt Nam khác bị giam cầm cũng chỉ vì họ bầy tỏ sự quan tâm đến vận mệnh của đất nước này. Đây là nơi, theo lời của facebooker Trịnh Kim Tiến : "Chống tham nhũng, tuổi trẻ có tài, ôn hòa thì bị bắt khẩn cấp. Còn những thằng côn đồ như Phan Hùng xông vào nhà đánh đàn bà, hay tội phạm ấu dâm, lạm dụng tình dục trẻ em trong trường học thì đến giờ vẫn nhởn nhơ".

Theo bản tin của HRW : "Vụ bắt giữ Phan Kim Khánh là một phần trong đợt đàn áp đang tiếp diễn nhằm vào các blogger và các nhà hoạt động. Trong vòng 12 tháng qua, công an đã bắt ít nhất là 28 người và cáo buộc họ các tội danh an ninh quốc gia được diễn giải một cách mơ hồ. Vụ bắt giữ gần đây nhất xảy ra vào ngày 17 tháng Mười, khi công an bắt giữ nhà hoạt động vì môi trường Trần Thị Xuân ở Hà Tĩnh và khởi tố cô với cáo buộc là có các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền".

Những người lãnh đạo đảng cộng sản tại Việt Nam không chỉ bao che và dung dưỡng cho cái ác mà còn tìm mọi cách triệt tiêu mầm thiện hay điều thiện. Họ có thể được tha thứ và bao dung, tại những phiên toà sắp tới (trong tương lai gần) về nhiều tội danh khác nhưng với tội trạng hủy hoại đạo đức và tính thiện của cả dân tộc thì không.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 24/10/2017

(tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 19 octobre 2017 23:01

Đồ mặt thớt !

Một chế độ gồm toàn khuôn mặt thớt.

Phan Huy

"Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi được biết quyền tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là quyền tự do xuất nhập cảnh dành cho chính công dân Việt là điều kiện tiên quyết mà Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận để nhận được các khoản vay từ World Bank". Tôi nghe thạc sĩ Trần Kiên nói vậy, và cũng "ngạc nhiên" không kém.

do1

Hóa ra tại vì World Bank nên nhiều câu ca dao (mới) của Việt Nam đã chóng bị thời thế vượt qua, và sắp chìm vào quên lãng :

Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Ðào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Ðen đủi như An-Gô-La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào

Sau khi được đi đứng lung tung thì lắm kẻ lại sinh tật ăn nói rất linh tinh. Hồi năm 2014 – sau chuyến du lịch Âu Châu – trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã phát biểu (đôi điều) không mấy tốt đẹp về đất nước :

"Tôi sang Châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm. Bên nhà chúng ta vừa đi vừa nghĩ mưu, thành ra ấn tượng nhất cho tôi là sự tự tin của bước chân, nét mặt người bên đó. Đi thì mới biết mình bị mất những gì".

Mới đây, diễn viên Hồng Vân cũng thế :

"Người dân Nhật Bản được hưởng chế độ an sinh tuyệt vời nhất... Chỉ thương người dân Việt Nam mình được hưởng toàn những điều giả dối".

do2

Nguồn ảnh : Hội Sinh Viên Nhân Quyền

Chả riêng gì ông nhà văn, hay bà nghệ sĩ, ngay cả mấy cô bán hàng rong cũng ăn nói linh tinh thấy mồ luôn – theo tường trình ("Tâm tình của hai phụ nữ Việt bán hàng tại Thái") của phóng viên Chân Như, RFA, từ Bangkok :

"Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm. Bên này cảm thấy thích hơn, tốt hơn".

Hễ cứ có dịp bước chân ra nước ngoài là dân Việt đều "biết mình bị mất những gì". Tổ quốc nhìn từ xa khiến ai cũng ai cũng phải ái ngại – trừ qúi vị lãnh đạo đất nước :

- Nguyễn Minh Triết : "Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc..".

- Trương Tấn Sang :"Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ".

- Nguyễn Thị Kim Ngân : "Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm Châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước".

Ông nhà văn, bà nghệ sĩ, cô bán hàng rong đều là những nhân vật mà ai cũng có thể nhận diện hay sờ mó được. Chớ "bạn bè bốn biển năm châu" thì thiệt khó biết là thằng cha hay con mẹ (rượt) nào, và "bạn bè quốc tế ngưỡng mộ chúng ta" gồm những ai (e) cũng là điều khó đoán.

May mà có cuộc Bầu cử lãnh đạo UNESCO vào ngày 10 tháng 10 vừa qua. Kết quả, theo BBC : "Tuy được báo chí truyền thông Việt Nam đánh giá cao sau cuộc phỏng vấn ứng tuyển hồi tháng Tư, Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan".

Cũng BBC, hai ngày sau, buồn bã cho hay : "Việt Nam rút khỏi cuộc đua lãnh đạo Unesco".

Về sự kiện này, Tiến sĩ Dương Hồng Ân (VOA) có đôi lời bình nghe không được "tử tế" gì cho lắm :

"Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến cá nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới".

Đã thế, trên trang RFA, nhà báo Trương Duy Nhất còn hân hoan ra mặt :

"Mừng. Khi hay tin Phạm Sanh Châu chỉ được vỏn vẹn 2 phiếu, là một trong hai ứng viên ít phiếu nhất cuộc bầu vòng 1 cho chiếc ghế Tổng giám đốc UNESCO.

Có lẽ không chỉ riêng tôi. Nhiều, rất nhiều người Việt không dấu nổi sự vui mừng…".

Trong số "nhiều người Việt" này, chắc chắn, không có ông qúi vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Có lẽ, họ đều hơi "ngỡ ngàng" khi biết sự thực là bạn bè bốn biển năm Châu hay bạn bè quốc tế , té ra, không "ngưỡng mộ chúng ta" gì ráo.

Bằng chứng mới nhất không chỉ ở vỏn vẹn hai phiếu bầu cho ông Phạm Sanh Châu mà còn ở thái độ lạnh nhạt của Ngân Hàng Thế Giới (WB) trước những lời nài nỉ "xin hổ trợ" của ngài Thủ tướng, vào hôm 20 tháng 9 vừa qua. Thái độ của ông Nguyễn Xuân Phúc tuy có hơi trơ tráo nhưng hoàn toàn không sai lệch, so với cung cách và truyền thống lãnh đạo của giới "chính khách Việt Nam" – theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn :

"Việt Nam cũng là nước chuyên xin xỏ : suốt năm này sang năm khác, quan chức Việt Nam ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói ‘Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày’. Thật là nhục...".

Bị xỉ vả tới cỡ đó, nói nào ngay, cũng chưa "nhục" mấy. Nhà văn Trần Đĩnh còn dẫn lời của một vị quan chức ngoại giao Ba Lan (nghe) còn nhục nhã hơn nhiều : "Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn".

Chả biết đến khi nào "thế giới" mới thực hiện được giải pháp "một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương" cho Việt Nam để "mọi người nhờ thế mà được yên ổn" hơn ? Trong khi chờ đợi, tôi xin có một lời đề nghị nhỏ, rất nhỏ và cũng rất dễ thực hiện, là từ nay xin qúi vị lãnh đạo đất nước (làm ơn) nổ nhỏ bớt lại chút xíu – mỏng mỏng thôi – cho nó đỡ kỳ.

Đẩy cả một dân tộc đến bước đường cùng, đến độ phải xin ăn để sống qua ngày mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn thản nhiên "ngẩng mặt lên nhìn bạn bè năm Châu bốn biển" thì quả đúng là đồ mặt thớt.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 18/10/2017

(tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 11 octobre 2017 14:17

Những cú đá lệch pha

Dân chủ không phải là sản phẩm độc quyền của phương Tây dù nó bắt đầu ở phương Tây.Cũng như internet - không phải được phát minh ở phương Đông nhưng vẫn rất được chúng ta hoan nghênh và đang làm thay đổi xã hội phương Đông.

Trương Huy San

cuda1

Sáng ngày 3 tháng 10 năm 2017, ông Lê Tấn Thịnh (trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) đã làm náo loạn một khu chợ chồm hổm bằng nhiều cú đá hung bạo vào thúng mẹt rau cải, tôm cá... của bạn hàng ở địa phương này.

Những ông quan be bé "múa gậy vườn hoang" là chuyện thường ngày xẩy ra ở xã nên những sự kiện tương tự không mấy khi khiến cho bất cứ ai phải bận tâm :

- Trưởng công an xã dở trò côn đồ ném đá vào dân

- Trưởng công an xã dùng súng đánh người 

- Bắt quả tang quan xã trộm cá của dân nghèo

- Gà cấp cho người nghèo "chạy" vào nhà Bí thư, Chủ tịch xã

- Trưởng công an xã bắt người trái luật giữa đêm khuya

...

Riêng vụ ông Lê Tấn Thịnh biểu diễn quyền cước (giữa chợ) thì dư luận có hơi ồn ào chút đỉnh, sau khi báo chí đăng tải những lời tạ lỗi hết sức dễ thương (và cũng dễ nghe) của đương sự :

- Tôi làm hơi quá, mong người dân bỏ qua.

- Tôi chưa lường trước sự việc.

Sinh trưởng, và sinh hoạt tại vùng xa/vùng sâu nên một ông công an xã – ở Krông Na, Đắk Lắk – không "lường trước" được hình ảnh tả xung hữu đột (rất khó coi) của mình lại được lan truyền mau chóng khắp nơi… là điều rất nên thông cảm. Ngay ở dưới miền xuôi, cách đây chưa lâu, ông Vương Bình Thạnh (Chủ tịch UBND tỉnh An Giang) cũng bị "một vố không lường" gần tương tự.

Ngày 15 tháng 11 năm 2015, báo VnExpress đi tin :

"Nữ giáo viên chê chủ tịch tỉnh trên Facebook bị phạt 5 triệu đồng. Sở Thông tin và truyền thông tỉnh An Giang vừa xử phạt bà Lê Thị Thùy Trang - tổ trưởng môn Ngữ văn, trường Trung học phổ thông Long Xuyên, thành phố Long Xuyên - và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng.

Động thái này được đưa ra sau khi Sở cho rằng 2 người có hành vi truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác theo Điều 66/NĐCP trong lĩnh vực bưu chính tần số viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến".

Tuy nhiên, chỉ năm bẩy ngày sau, báo chí trong nước lại đồng loạt loan tin khác hẳn về sự việc này :

- Rút quyết định xử phạt người chê lãnh đạo tỉnh trên Facebook

- An Giang xin lỗi cô giáo chê chủ tịch trên Facebook

- Chủ tịch An Giang : Tôi khổ sở vì vụ bình luận trên Facebook

Cũng như ông Lê Tấn Thịnh, ông Vương Bình Thạnh – nói nào ngay – chỉ là nạn nhân của buổi giao thời. Cái thời mà kỹ thuật tin học đổi thay nhanh chóng "không lường" khiến cho nhiều kẻ đã bị rơi vào tình cảnh hụt hẫng, hay lố bịch.

cuda2

Nhà xã hội học William F. Ogburn gọi đây là chuyện lệch pha văn hóa, "cultural lag". 

According to Ogburn, cultural lag is a common societal phenomenon due to the tendency of material culture to evolve and change rapidly and voluminously while non-material culture tends to resist change and remain fixed for a far longer period of time".

(Theo Ogburn, sự lệch pha văn hóa là một hiện tượng xã hội phổ biến do khuynh hướng văn hóa vật chất tiếp tục tiến hóa và thay đổi rất nhanh, rất lớn, trong khi văn hóa phi vật thể có xu có xu thế chống đối lại những biến đổi và vẫn còn nguyên vẹn trong một thời gian dài hơn rất nhiều - Người dịch Bùi Xuân Bách).

Đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại, vấn đề được nhà báo Benjamin Ngô diễn đạt một cách bình dị, và dễ hiểu hơn :

"Ngày trước, khi mạng xã hội chưa phổ biến, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, ở một số địa phương, cơ quan công quyền có thể phát hành văn bản trái luật, một số quan chức có thể phát ngôn tùy tiện mà không lo bị người dân phản ứng. Bây giờ tình thế đã khác xưa nhiều, người dân đã hiểu biết và nắm luật hơn nhưng vẫn còn đó một bộ phận quan chức thiếu tôn trọng và hiểu rõ vai trò của báo chí, truyền thông mạng xã hội".

Quan chức vốn là giới người luôn luôn chậm lụt, đã đành. Ngay cả thành phần "tinh hoa" (những đại gia của đất nước) lắm vị – xem ra – cũng không được lanh lợi hay tiến bộ gì cho lắm. Xin đan cử một thí dụ nhân việc Vinschool bất ngờ tăng học phí, và phản ứng của phụ huynh học sinh, cũng như của giám đốc tập đoàn Vingroup.

Trước sự kiện này báo Cali Today, số ra ngày 4 tháng 10 năm 2017, vừa có bài viết ("Thời Vượng xưng Vương") với nhiều tình tiết đáng buồn :

"Chỉ một vài ngày kể từ khi làn sóng phản đối nổi lên, hàng chục phụ huynh liền bị PC50 (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) của công an thành phố Hà Nội ‘mời’ lên làm việc. Lối hành xử này của công an chẳng những dập tắt được làn sóng phản đối, mà nó như dầu đổ vào lửa, lại càng làm bùng lên nỗi bất bình của người dân.

Những phụ huynh có con đang học tại Vinschool cho rằng, Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup đã dùng tiền của mình để mua chuộc công an, sai khiến lực lượng này trấn áp các phụ huynh để dập tắt làn sóng phản đối việc Vinschool tăng học phí, nhằm không để ảnh hưởng đến hình ảnh của tập đoàn.

Hình ảnh của tờ giấy mời đã được lan truyền trên Internet với tốc độ chóng mặt, cùng với đó là những lời bình lên án lực lượng công an Hà Nội và trường học Vinschool, cũng như Tập đoàn Vingroup. Trước sự việc trên, đại tá cộng sản Việt Nam Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 của công an Hà Nội đã phải lên tiếng thanh minh. Ông Sơn khẳng định : ‘Không có chuyện cơ quan công an mời phụ huynh có ý kiến phản đối việc tăng học phí của trường Vinschool lên làm việc’.

Theo ông Sơn, việc mời các phụ huynh là để làm rõ một số người sử dụng việc phản đối tăng học phí để nói xấu cá nhân Phạm Nhật Vượng..".

cuda3

Nguồn ảnh : Soha

Đại tá công an Lê Hồng Sơn và Đại gia Phạm Nhật Vượng hẳn đã quên vụ "nói xấu" ông Chủ tịch An Giang mới đây, và "nỗi khổ sở" đương sự khi bị ném đá tơi bời trên Facebook.

Sau những cú đá lệch pha giữa chợ Krông Na (Đắk Lắk) ông trưởng công xã Lê Tấn Thịnh đã tỏ thái độ rất "ăn năn" và vô cùng cầu thị :

- Tôi làm hơi quá, mong người dân bỏ qua.

- Tôi chưa lường trước sự việc.

Những cú đá vào túi tiền của phụ huynh học sinh của trường Vinschool, cùng việc mời công an PC50 vào cuộc, cũng thế. Cũng "hơi quá" và cũng lệch pha thấy mẹ luôn. Trước sau gì thì ông Phạm Nhật Vượng cũng phải xin lỗi và "mong người dân bỏ qua" vì "chưa lường trước sự việc" thôi.

Thôi thì chuyện gì rồi qua qua nhưng cái mặt nạ "nhân nghĩa, phi lợi nhuận, không lợi nhuận" thì chắc chắn sẽ không thể nhặt lên và đeo vào được nữa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là chuyện nhỏ, nào có hề chi. Chứ có vị đại gia nào ở Việt Nam hiện nay mà không thuộc loại mặt dầy, mày dạn. Xứ sở này là nơi "không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn" nữa là đằng khác.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 11/10/2017

(tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
dimanche, 01 octobre 2017 20:36

Dư âm của tiếng trống khai trường

Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc "xe đò" mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả "vé xe" vậy mà "đến bến"thì trăm ngàn cử nhân lại "đứng đường".

Hoàng Kim Phúc(BBC)

Hôm 5 tháng 9 năm 2017, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai giảng năm học mới tại trường Lê Ngọc Hân – Mỹ Tho. Cùng ngày, Chủ tịch UBND Thành Phố Nguyễn Đức Chung cũng đánh trống khai trường tại quận Thanh Xuân – Hà Nội.

trong3

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai giảng năm học mới tại trường Lê Ngọc Hân – Mỹ Tho

Dù mùa tựu trường đã qua nhưng dư âm của những tiếng trống vẫn còn lùng bùng trong đầu óc của hằng chục triệu phụ huynh học sinh bởi hằng trăm bài báo, về tệ trạng lạm thu, trên hệ thống truyền thông của nhà nước Việt Nam :

  • Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu 
  • Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm
  • Phụ huynh tố nhà trường lạm thu, hiệu trưởng giải thích 'đây có thể là âm mưu chính trị
  • Phụ huynh không đóng tiền, giáo viên bêu tên học sinh trước lớp
  •  Trường lạm thu, cha mẹ nghèo méo mặt
  • Phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối lạm thu
  • Nói thẳng : giáo dục ngấm mùi tiền

Trên trang VNTB vừa xuất hiện hình ảnh một bé gái (có cha đi biển bị bão nhấn chìm, gia đình không có khả năng đóng góp cho những khoảng phụ thu nên em phải đứng ngoài cổng trường vào ngày khai giảng) cùng với câu hỏi : "Ông Nguyễn Phú Trọng nghĩ gì về tấm ảnh thay vạn lời nói này ?"

trong1

Em thơ không có tiền là không được đến trường, trong khi trường là trường quốc lập. Không thể có một sự bất công nào lớn hơn thế nữa.

Bẩy mươi hai năm trước, cũng vào ngày khai trường, hôm 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập". Ai mà dè là "nền giáo dục của một nước độc lập" lại... "ngấm mùi tiền", và (xem chừng) ngấm đậm :

 "A Transparency  International report  has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200. (Theo Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì Việt Nam đứng hạng nhì trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu)".

Tiền nào của đó chăng ? Đầu tư tốn kém quá xá như vậy thì thành quả ra sao ?

Ngày 15/9, Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội cùng Tổng Cục Thống Kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2017. Theo đó, cả nước hiện đang có 1,08 triệu người thất nghiệp, trong đó có 25% là thất nghiệp dài hạn tức thất nghiệp liên tục trong hơn 12 tháng... Đáng lo ngại hơn cả là đa số trường hợp thất nghiệp, trong đó có tới 183.100 cử nhân, tăng 44.200 người so với quý 1/2017.

Con số vừa dẫn e còn rất thấp hơn sự thật rất xa. Và sự thực "đáng ngại" này đã được Tiến Sĩ Hoàng Kim Phúc  ví von rất là hình tượng :

"Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc "xe đò" mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả "vé xe" vậy mà "đến bến" thì trăm ngàn cử nhân lại "đứng đường".

Một trong những vị cử nhân "đứng đường" này, rất có thể, chính là tác giả của câu thơ nổi tiếng (đang) được lưu truyền ở Việt Nam : "Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ... mẹ đời, đ... má tương lai".

Trước tình trạng (đ... mẹ & đ... má) này, Ban bí thư trung ương Ðảng ra chỉ thị số 42-CT/TW : Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030, với "năm nhiệm vụ và giải pháp" rất... mơ hồ :

"Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.

Chỉ thị của Ban bí thư đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cần đầu tư thích đáng. Đảng kêu gọi việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận đảng viên để làm gương cho giới trẻ..".

Có lẽ vì không biết cách nào để thực hiện chỉ thị ("học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí") của Ban Bí Thư nên ông Bộ trưởng giáo dục Việt Nam đã ra đi "tìm đường cứu hỏa" – theo như tin loan của báo SGGP , số ra ngày 30 tháng 8 năm 2017 :

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có chuyến thăm và làm việc với nhiều cơ quan giáo dục của Phần Lan. Việt Nam và Phần Lan trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM ; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan".

Mai hậu ra sao thì chưa biết nhưng kể từ đây thì "nền giáo dục của một nước độc lập" là ... kể như chấm hết. Chả thấy ai tỏ lòng thương tiếc, đã đành ; bên dưới bản tin thượng dẫn ("Việt Nam Nghiên Cứu Nhập Khẩu Chương Trình Đào Tạo Của Phần Lan") nhiều độc giả đã không dấu được niềm vui, cùng "tiếng thở phào" nhẹ nhõm :

  • Nguyễn Hữu Kháng : Có lẽ đây là con đường đi hợp lí và rẻ tiền.
  • Lê Hoàng Tâm : Đừng nhập hàng giả, hàng thiếu chất lượng như thuốc trị ung thư là được.
  • Chonle : Nhớ nhập khẩu chế độ lương cho giáo viên thực hiện chương trình giáo dục đó luôn nghen !
  • Ngọc Thanh : Vậy đi cho nó lành.

Tui không biết giáo dục Phần Lan ngon lành tới cỡ nào nhưng nếu cứ tính "vậy đi cho nó lành" thì nghĩ cũng thấy hơi tiêng tiếc ! Phải đổ máu xương của vài thế hệ người, để đánh thắng liên tiếp mấy đế quốc to, mới dành giật và duy trì được "nền giáo dục của một quốc gia độc lập" rồi "đành đoạn" đem bỏ xó (không chút luyến thương) như vậy – sao Trời !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 04/10/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Việt Nam không có đa nguyên đang đảng nên giới trung lưu ái quốc và tiến bộ hiện nay chỉ có thể nghĩ đến chuyện thay đổi kinh tế hay vật chất mà thôi. Bị bao bọc bằng các luật lệ về chính trị nguy hiểm nên họ chỉ có thể mơ đến chuyện làm giàu và làm sao để không va chạm với thể chế. Và đó là cái dở, là ngõ cụt của giới trung lưu tiến bộ và ái quốc.

Nguyễn Xuân Nghĩa

vycam0

Cậu bé chơi đàn Violin trên phố đi bộ

Cuối tháng rồi, tôi đọc một bài viết ngắn của facebooker Nguyễn Trung Bảo mà cứ ngỡ như là vừa nhận được một tin vui :

"Cuối cùng thì chính trị cũng tìm đến với gia đình cậu trai kéo Violin ở bờ hồ Hoàn Kiếm, dù như mẹ cậu này viết trên facebook rằng lâu nay muốn ‘tránh xa’ các chuyện liên quan đến chính trị. Những tranh luận về quyền của một công dân là gì khi đến nỗi việc chơi đàn ở nơi công cộng cũng bị cấm cản lại gặp sự phản biện rằng muốn chơi đàn thu tiền thì cần xin phép. Dù rằng, việc chơi đàn để nhận tiền từ người qua đường chẳng có gì lạ ở những nước khác nhưng với các cán bộ ở bờ hồ thì việc này vẫn cần phải có chỉ đạo.

Vượt lên những tranh cãi đó là một tín hiệu đáng mừng. Người dân đã ý thức được họ phải đòi hỏi để con cháu mình có một không gian văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, và quyền tự do biểu đạt suy nghĩ trên phương tiện truyền thông. Phía các cán bộ bờ hồ, dù đã hiểu sức mạnh của facebook từ lâu nhưng lâu nay cứ cho đó là công cụ của ‘bọn phản động’, thì bây giờ mới vỡ nhẽ dân thường cũng xài facebook chửi mình và làm ồn ào rộn chuyện. Đó chính là những tranh cãi - đối đầu diễn ra rất thường ở những xã hội có nhiều không gian cho dân sự. Điều này đến dù trễ nhưng đang đi rất nhanh với sự thúc đẩy của mạng xã hội...

Một xã hội mà người được giao quyền nhìn đâu cũng muốn ra oai, muốn ‘trật tự’ im lặng thì đó hoặc là một nghĩa trang hoặc là một xã hội không có dân chủ".

Trung Bảo

Qua đến phần phản hồi thì mới biết (hóa ra) là mình mừng hụt :

Mẹ em ấy vừa đăng stt xin lỗi công an. Khg hiểu sự thật là gì.

Le Nguyen, 30 July at 03 :05

Sự thật hoàn toàn đúng vậy. Báo Giao Thông, số ra ngày 30 tháng 7 năm 2017 có bản tin ("Mẹ ‘cây vĩ cầm 15 tuổi’ bất ngờ xin lỗi công an trên Facebook") ngăn ngắn :

"Tôi đăng dòng trạng thái này kính gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các anh vì sự việc tôi đưa lên Facebook cá nhân tối ngày 28 tháng 7 năm 2017. Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh các anh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó. Điều đó đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới các anh, làm ảnh hưởng uy tín và danh dự của các anh".

vycam2

Tranh của nghệ sĩ vỹ cầm 15 tuổi, sáng tác sau khi bị cấm chơi đàn. Ảnh : fb Lan Le

Những lời xin lỗi ("sâu sắc") thượng dẫn, nói nào ngay, cũng chả "bất ngờ" gì cho lắm. Ở Việt Nam mà đã đụng tới công an thì trước sau gì người dân cũng phải nhận lỗi cho rồi – nếu không thì lôi thôi lắm, lôi thôi lâu, và rất có thể là sẽ lôi thôi lớn. Đó là chưa kể những trường hợp nghiêm trọng phải bước vào đồn, rồi được khiêng ra vì đã tự tử mất rồi.

Thân mẫu của nghệ sỹ vỹ cầm 15 tuổi vội xin lỗi rối rít là chuyện cũng ... đúng thôi nhưng chả hiểu sao tôi vẫn cảm thấy thoáng đôi chút buồn buồn. Rồi đột nhiên lại nhớ đến bài báo của một bạn đồng nghiệp, Lê Lô, viết hồi năm 2004 :

"Người trung lưu Hà Nội sống giả dối, không biết điều đó có phải là phế phẩm của bảy mươi năm đời ta có đảng không. Họ đãi tiệc, làm đám cưới với bề ngoài cực kỳ linh đình long trọng nhưng món ăn thì lỏng chỏng bình dân. Họ thích tiền nhưng cứ làm vẻ dửng dưng. Họ bắt tay người này nhưng mắt hướng về một người khác đứng ở gần đó có chức vụ cao hơn. Họ nói năng thưa gửi, nói sông dài biển rộng nhưng sau một giờ thì không ai hiểu ý họ muốn tả cái gì hay muốn gì... Trừ một thiểu số quá ít còn tất cả, những người ở ngoài chính quyền và cán bộ cấp trung như đang sống theo một thỏa hiệp bất thành văn, là không động đến chuyện chính trị, đến cơ chế cầm quyền, đến những phi lý trong cuộc sống.

Tôi thì không tin rằng trong suốt "bảy mươi năm đời ta có đảng" mà Hà Nội vẫn còn giữ được giai cấp trung lưu. Chế độ bao cấp chấm dứt vào cuối thập niên 1980, từ đó đến năm 2004 là vừa vặn một thế hệ người. Một phần tư thế kỷ sống không cần sổ gạo và tem phiếu là khoảng thời gian (e) chưa đủ dài để tạo thành một tầng lớp trung lưu tử tế. Bởi thế, lời trách móc của ông bạn tôi ("người trung lưu Hà Nội sống giả dối") chưa chắn đã hoàn toàn... "đúng người và đúng tội !".

Hơn mười năm sau nữa, chính xác là vào hôm 14 tháng 10 năm 2016, một tác giả khác – Lê Dủ Chân – cũng có đôi lời phàn nàn (nghe) hơi na ná :

"Sau thời ‘đổi mới kinh tế’, từ năm 1987 đến nay xã hội Việt Nam ngoài hai tầng lớp cai trị là đảng viên đảng cộng sản nắm toàn bộ quyền lực và tài sản quốc gia và bị trị là tuyệt đại bộ phận nhân dân vô sản đã hình thành một tầng lớp thứ ba, càng ngày càng lớn mạnh đó là tầng lớp tư sản trung lưu. Họ cũng thuộc lớp người bị trị nhưng nhờ vào lỗ hổng của chế độ sau thời mở cửa, nhờ vào kiến thức, kỷ năng sẵn có mà ăn nên làm ra và có thế đứng trong xã hội...

Thế nhưng, điều đáng buồn là giới tư sản trung lưu hình như đã quên đi mình cũng thuộc về gia cấp bị trị, quên đi mình mới chính là lực lượng nòng cốt phải nhận lấy trách nhiệm trước tổ quốc và nhân dân trong công cuộc tranh chống độc tài toàn trị, chống bất công xã hội đang diễn ra trên đất nước này !".

Không riêng gì Lê Dủ Chân, khuynh hướng chung đều tin rằng tầng lớp trung lưu là xương sống của nền dân chủ. Tiến sĩ Alan Phan cũng chia sẻ quan niệm tương tự :

"Dựa trên kinh nghiệm của Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore…, tôi cho rằng tầng lớp trung lưu đã đóng góp rất tích cực vào sự phồn thịnh của các quốc gia này.

Trước hết, tầng lớp này là những ‘con kiến’ cần cù xây dựng ngày đêm trong công việc được giao phó để tạo một phân khúc sản lượng cao nhất của GDP. Vì tạo được thu nhập lớn theo số đông, họ cũng là những người dân đóng thuế nhiều nhất cho ngân sách quốc gia. Sự đóng góp của họ còn thể hiện qua nhu cầu tiêu dùng, vốn tiết kiệm trong các ngân hàng, quỹ đầu tư và các hoạt động thiện ích ngoài xã hội... Tầng lớp trung lưu thường bao gồm những người yêu nước nhất".

Đó là kinh nghiệm của Alan Phan về thành phần trung lưu ở Âu, Mỹ, Úc, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... hay đâu đó kìa. Chớ còn ở Việt Nam nơi mà những kẻ có học, có chút của ăn của để là họ "tính" ngay đến chuyện bỏ nước ra đi ; và cha mẹ của một cậu bé 15 tuổi "lỡ" chơi đàn violon (nơi công cộng) đã phải cuống cuồng và rối rít xin lỗi công an thì vai trò của giai cấp trung lưu – xem ra – vẫn còn mơ hồ lắm.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 21/09/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 13 septembre 2017 16:02

Khoảng cách

Tôi than thở với hai ông anh (Bùi Xuân Bách & Phạm Nguyên Trường) là sao mình sống ở Hoa Kỳ rất lâu mà vốn liếng Anh ngữ vẫn vô cùng nghèo nàn và hạn hẹp, dùng để đi chợ thì dư nhưng đi dạy thì e thiếu. Cả hai vị này đều là những dịch giả thế giá, và đều trả lời y hệt : "Chú lười bỏ mẹ, không chịu mở tự điển tra cứu thường xuyên thì làm sao mà khá được".

Thì ra thế !

Thế là tôi lật đật mở đại một trang của cuốn Cambridge, đang nằm chình ình rước mặt, và thấy hạn từ generation gap được ghi nhận như sau :

"Lack of understanding between older and youngerpeople that results from different experiences of life (Thế hệ già và thế hệ trẻ khó hiểu nhau do kinh nghiệm sống khác nhau).

gap1

Thế hệ già và thế hệ trẻ khó hiểu nhau do kinh nghiệm sống khác nhau

Khó hiểu nhau về chuyện gì ?

Merriam - Webster, xem ra, có vẻ ngắn gọn nhưng trọn nghĩa hơn : "Những khác biệt về quan điểm, giá trị, v.v. giữa thế hệ già và thế hệ trẻ (The differences in opinions, values, etc., between younger people and older people).

Thì cũng ngó qua cho biết, ra vẻ là mình cũng có tra cứu (vậy thôi) chứ tôi vẫn nghĩ rằng giữa ông tằng, ông tổ, ông cố, ông nội, và ông bố tôi – có lẽ – chả có một khoảng cách nào đáng kể. Quan niệm sống của tất cả các ông (cũng như các bà) chắc đều rất giản dị, và giống y như nhau thôi : Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Đại khái là như thế !

Tôi còn tin rằng, từ Âu sang Á, nơi nào cũng như rứa cả. Sử sách, suốt thời Trung Cổ, có thấy trang nào đề cập đến sự dị biệt (hay xung đột) ý tưởng giữa thế hệ này với thế hệ khác đâu. Nói chi đến những giai đoạn xa lắc (xa lơ) trước nữa – vào thời Đồ Đồng, Đồ Đá, Đồ Sắt, Đồ Nhôm... gì đó.

gap0

Có lẽ bắt đầu từ thế hệ của tôi mới phát sinh ra lắm chuyện rất lôi thôi, và vô cùng phiền hà, về... khoảng cách

Tôi ra đời sau Thế chiến thứ II. Có lẽ bắt đầu từ thế hệ của tôi mới phát sinh ra lắm chuyện rất lôi thôi, và vô cùng phiền hà, về... khoảng cách. Sau những năm tháng ấu thơ rất an bình dưới chế độ Đệ I Cộng Hòa, tuổi thanh xuân của tôi cũng được bảo bọc rất kỹ trong những phố thị ("phồn vinh giả tạo") của nền Đệ II Cộng Hòa – ở miền Nam.

Tuy thế, đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi (khi đang theo học ban Triết của trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt), tôi quyết định uống thuốc ngủ quyên sinh – sau khi kẻ lên tường một dòng chữ ngắn ngủi ("Je vais sur un chemin qui ne mène null part") thay cho lời trăn trối ! Bố tôi ngồi cả buổi nhìn chằm chằm vào bức tường này nhưng vẫn không tìm ra được "thông điệp" nào từ "qúi tử", dù ông cũng đọc được tiếng Tây.

gap3

Trên điểm không thể trở lại - Cẩn thận - Ảnh minh họa

Cả bố lẫn mẹ tôi đều là những thường dân chất phác. Cả đời họ chỉ biết cặm cụi với công việc để tôi có cơm ăn, áo mặc và có cơ hội đến trường nên làm sao hiểu được những "vấn nạn siêu hình" đã dằn vặt thằng con : Loài người từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, chúng ta hiện hữu để làm gì ?

Tôi không tìm ra được ý nghĩa nào ráo trọi trong cuộc sống. Tôi đi trên một con đường chả dẫn đến đâu cả ("Je vais un chemin qui ne mène null part", theo như cách nói của ông triết gia nào đó) nên muốn chấm dứt cuộc tồn sinh thừa thãi của mình, vậy thôi.

Vâng, chỉ có "vậy thôi" nhưng tôi biết giải thích sao với hai đấng sinh thành về ý muốn tự hủy vào lúc tuổi đôi mươi. Giữa chúng tôi – rõ ràng – có một khoảng cách đáng kể, và cũng đáng buồn. May mà cái thứ "công tử" miền Nam như tôi cũng ít thôi. Chứ không thì vùng đất này chả phải đợi đến tháng 4 năm 1975 mới hoàn toàn thất thủ !

Ở bình diện quốc gia cũng thế. Đôi khi, cũng có những khoảng cách khá xa tạo ra sự dị biệt – và xung đột – đáng tiếc trong nhận thức giữa thế hệ người già và người trẻ. Xin đan cử một thí dụ :

Vào ngày 2 tháng 9 năm 2017 vừa qua, giáo sư Tương Lai "tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh".

Lời tuyên bố thượng dẫn được không ít người, cùng thế hệ với ông, tán thưởng. Tác giả Nguyễn Đăng Quang cho biết :

"Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá quyết định của giáo sư Tương Lai là đúng đắn và đúng thời điểm. Cụ nói : Quyết định chính trị là tùy theo quan điểm, nhận thức và hoàn cảnh của mỗi người. Tôi tôn trọng và tán thành quyết định của anh Tương Lai khi tuyên bố từ bỏ và đoạn tuyệt với Đảng Cộng Sản Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng. Song tôi đặc biệt đánh giá cao việc anh ấy vẫn nguyện tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam…".

Một vị cựu đại sứ khác, nguyên ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam viết trong email gửi giáo sư Tương Lai, xin trích : ‘Tôi xúc động không thể không viết ngay mấy dòng vắn tắt gửi giáo sư để bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn của tôi đối với những điều Giáo sư trình bày trong 2 văn bản này (tức Tuyên bố ra Đảng và Bản tường trình của giáo sư Tương Lai viết gửi Đảng ủy Phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) và sự ngưỡng mộ của tôi đối với giáo sư, người chiến sỹ cộng sản, người trí thức, người công dân chân chính và tài năng !".

Tương tự, nhà báo Lê Phú Khải cũng bầy tỏ sự đồng tình :

"...những người thiết tha bảo vệ đất nước, thiết tha muốn dân chủ hóa đất nước, trong đó có tôi, đã vui mừng đón nhận giáo sư Tương Lai. Xã hội bao giờ cũng phát triển theo quy luật tiệm tiến, đột phá chỉ là bất ngờ…".

Quan niệm "tuần tự nhi tiến" của nhà báo Lê Phú Khải, cũng như quyết định "tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh" của giáo sư Tương Lai – buồn thay – không được những người thuộc thế hệ kế tiếp nhiệt tình chia sẻ. Xin ghi lại ý kiến tiêu biểu của vài vị, theo thứ tự (abc) alphabétique :

- Phạm Chí Dũng : "Tôi tôn trọng quan điểm của giáo sư Tương Lai, nhưng tôi thấy khó chia sẻ suy nghĩ trở về đảng Hồ Chí Minh của ông".

- Phạm Thanh Nghiên : "Chẳng có đảng nào là đảng ‘của ông Hồ’ hay ‘của ông Trọng’ đâu ông Tương Lai ạ. Nó đích thị chỉ là một, tên gọi của nó là đảng cộng sản Việt Nam, thủ phạm gây ra mọi tội ác với nhân dân Việt Nam trong suốt mấy chục năm kể từ ngày ra đời 3/2/1930 đến nay. Hồ, Duẩn, Linh, Mười, Mạnh, Trọng... chỉ là những kẻ luân phiên nhau cầm đầu cái đảng ấy để làm khổ người dân Việt Nam thôi ông ạ".

- Phạm Hồng Sơn : "Ai là người có thẩm quyền chính trị cao nhất đã để cho đất tư từ hàng ngàn năm biến hết thành đất ‘sở hữu toàn dân’, đã tiến hành cuộc ‘cách mạng long trời lở đất’ ở nông thôn cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn khiến lòng người hôm nay bấn loạn, hãi hùng, rồi cũng chính người ấy lại đưa tay chấm nước mắt tiếc thương nhưng vẫn giữ trọn ngai vàng cho tới lúc chết ?

Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh...

Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới".

- Vũ Quang Thuận : "Thằng đó nó khốn nạn lắm. Nó lừa dân mình. Dân mình ngu si không biết lại còn tung hô, dựng nó lên thành thánh".

Ông bà chúng ta thường nói : "Khôn đâu đến trẻ khoẻ đâu đến già". Câu nói này, nghe lại vào ngày hôm nay, e chỉ còn đúng được (cỡ) chừng phân nửa. Bởi thế, và nghĩ cho cùng, khoảng cách trong lòng người Việt hôm nay – không chừng – lại là một điều may. May là lớp sóng sau đã đè lớp sóng trước.

"Nhưng nói gì thì nói tôi vẫn cảm phục lòng nhiệt huyết, thái độ thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm với non sông đất nước của Giáo sư Tương Lai". Tôi lại vừa nghe nhà thơ Nguyễn Tường Thụy  nói thế, và cũng đồng ý như vậy.

Tôi sinh cùng năm với ông Thụy. Nói một cách hơi kiểu cọ thì chúng tôi là những kẻ thuộc thế hệ bắc cầu, với hy vọng (mỏng manh) làm được cầu nối để cho hai lớp người – trước/sau – dễ gần gụi và thông cảm với nhau hơn. Đất nước đang đối diện với cả nạn ngoại xâm lẫn nội xâm. Đoàn kết là điều tối cần thiết.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 13/09/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 05 septembre 2017 17:14

Bao dung & đểu giả

Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Tạp Chí Luật Khoa mời gọi độc giả tham gia chủ đề "Thế nào là một quốc gia đáng sống", và đã nhận được nhiều bài viết thú vị.

baodung1

Yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng khoan dung

Lê Quang Dũng : "Nơi quốc gia có đạo đức".

Châu Tiểu Lan : "Nơi mọi nghề nghiệp đều có chỗ đứng đúng đắn trong xã hội".

Đức Việt : "Nơi người dân có thể tự bảo vệ mình".

Hân Bụi : "...nơi mà những người dân sống ở đó không ai muốn ra đi, từ bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình".

Lê Nguyễn Duy Hậu : "Cần có nhiều yếu tố để một quốc gia trở nên đáng sống, nhưng yếu tố quan trọng nhất có lẽ là lòng khoan dung".

Quan niệm thượng dẫn về "lòng khoan dung" khiến tôi nhớ đến một bài viết ngắn ngủi nhưng rất cảm động của tác giả Xuân Thọ về tình nghĩa thầy trò, và đức bao dung :

Tôi có rất nhiều thầy cô giáo cũ ở CHDC Đức (đều từ 70 đến 80 tuổi), đã về hưu từ ngày nước Đức thống nhất, nhưng vẫn có cuộc sống yên lành... Năm 2006 và năm 2011 tôi có mời một số anh chị em bạn học cũ từ Việt Nam sang Đức chơi, (có thể có người đang đọc bài này). Cả hai lần chúng tôi đều kéo nhau về trường cũ, bỏ tiền ra làm một bữa liên hoan, có cả âm nhạc Việt Nam, mời toàn bộ các thầy cô đến dự. Họ rất mừng và nói : "Các học sinh Đức cũ không ai nhớ đến chúng tôi, nhưng người Việt các anh chị quả là rất ơn nghĩa, 40 năm rồi vẫn nhớ đến chúng tôi".

Nhờ chúng tôi tổ chức họp mặt họ mới có dịp gặp nhau, vì trường cũ đã giải tán và nội bộ của họ có nhiều vấn đề : mất đoàn kết, thù hận nhau, do chính quá khứ của đảng SED để lại, nên họ không bao giờ chủ động gặp nhau.

Trong số phận của các thầy cô, tôi chỉ xin kể 2 sự việc :

1- Bà Magdalena M. vốn là một bà giáo rất đẹp gái, tóc bạch kim, cao ráo, dáng rất sang, dạy kỹ thuật truyền tin. Sau 40 năm gặp lại bà vẫn như vậy và lái xe BMW mui trần đến dự liên hoan. Trước kia tôi không quan tâm đến cuộc sống của bà, nay thấy bà nổi bật lên giữa các vị giáo già nua thanh đạm. Bà bảo : Lương hưu giáo viên của bà thì tạm đủ, nhưng ông chồng bà là đại tá không quân Quân đội Nhân dân Quốc Gia CHDC Đức. Sau khi thống nhất ông được lương hưu tương đương như ông quan năm Tây Đức nên khá lắm ! Bà buồn là ông mới mất và nay bà chỉ còn sống bằng lương hưu của bà và 1 phần lương hưu bà góa của ông (Witwenrente).

Bà M. than phiền với tôi là : So với ông đại tá ở phía Tây Đức thì cái tỷ lệ lương hưu để lại cho bà góa có ít hơn.

Tôi không biết điều bà M. nói đúng hay sai, nhưng tôi an ủi bà : Ngày trước ông nhà chỉ lo mỗi việc là tiêu diệt người ta, sau này người ta trả lương hưu hậu như vậy, lúc ổng qua đời, bà còn được lương bà góa của ông nhà thì chắc là sự bất công không bằng đồng bào tôi ở Sài Gòn đã chịu, họ không những không có lương hưu mà còn phải đi cải tạo, có người chết mất cả xác.

Bà M. không phản đối điều tôi nói và trầm ngâm hẳn. Từ đó đến nay, bà vẫn hay gửi email trao đổi chuyện chính trị với tôi.

2- Ông bà Joseph và Gundela GL. là hai người tôi coi như bố mẹ nuôi. Bọn con trai, mấy thằng Erwin, Peter, Michael vẫn chơi bóng đá với đám thanh niên Việt Nam chúng tôi, con bé Martina suốt ngày quấn quít với các bạn gái Việt. Suốt mấy chục năm xa cách tôi vẫn thư từ cho bà. Đùng một cái, từ năm 1990, sau thống nhất đất nước Đức, tôi mất liên lạc với bà. Tôi dò hỏi các thầy cô cũ thì biết cả hai ông bà từng là mật vụ chìm cho STASI (An Ninh CHDC Đức) nên khi chế độ sụp đổ, mọi việc vỡ lở, ông bà xấu hổ quá, đưa cả gia đình đi xa.

Từ khi sang Đức, tôi đã cất công tìm tung tích của ông bà, vì tôi vẫn nhớ đến tình cảm của họ đối với đám thanh niên Việt chúng tôi khi xưa. Là người Việt Nam, tôi thừa hiểu cái bi kịch "cá chìm" mà hàng triệu người Đông Đức hồi đó phải gánh chịu, dù là nạn nhân hay là thủ phạm. Đối với tôi tình cảm con người là trên hết.

Nhờ có Internet và hệ thống sổ điện thoại điện tử, tôi đã tìm được gia đình ông bà GL. Ông bà có một căn nhà nhỏ trên đảo Usedom, nằm trên biển Baltic, gần Ba-lan. Ông bà rút vào cuộc sống ẩn dật để tránh mọi quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp cũ. Câu con cả Erwin làm giám đốc trung tâm điều dưỡng trên đảo và vẫn chăm nom ông bà. Ông bà cảm động lắm và nói là họ đã mất hết bạn bè người Đức, nhưng may mà tôi đã đến với họ.

Điều làm ông bà ân hận nhất là cái "sổ hưu". Vì là nhân viên mật vụ STASI nên ông bà có quyền cao chức trọng hơn các đồng nghiệp khác trong trường, mặc dù họ có trình độ hơn ông bà. Nhờ vậy ngày nay ông bà lĩnh lương hưu cao hơn họ, những nạn nhân của ông bà.

Xuân Thọ (20/12/2012, Cologne)

Đông và Tây Đức thống nhất năm 1990. Mối liên hệ tình cảm cá nhân của dân chúng hai miền đất nước (có thể) vẫn còn năm điều/ba chuyện bất bình hay "lấn cấn" nhưng ở khía cạnh luật pháp, và trên bình diện quốc gia thì mọi người đều bình đẳng – bất kể họ thuộc bên nào.

Việt Nam thì không thế. Tuy "Nam/Bắc hoà lời ca" sớm hơn nước Đức đến mười lăm năm nhưng chính cách xuyên suốt của chính phủ hiện hành vẫn hoàn toàn nhất quán trong việc phân biệt đối xử giữa kẻ thắng và người thua.

The winner takes all. Kẻ thua thì thua trắng và mất hết, kể cả cái tên gọi như Sài Gòn hay Chính Quyền Miền Nam. Hơn bốn mươi năm sau, dư luận mới thoáng chút "râm ran" khi nghe những nhà sử học của bên thắng cuộc "thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền" cho bên thua cuộc – theo tường trình của phóng viên Lan Hương (RFA ) vào hôm 21 tháng 8 năm 2017 :

Chúng tôi cũng có dịp trao đổi với PGS.TS Trần Đức Cường, nguyên Viện trưởng Viện sử học, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đồng thời là tổng chủ biên bộ sách Lịch sử Việt Nam này. PGS.TS Trần Đức Cường cho chúng tôi biết lý do các nhà sử học thống nhất bỏ tên gọi ngụy quyền đối với chế độ Việt Nam Cộng Hòa :

"Bản chất chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn theo chúng tôi không có gì thay đổi cả. Đấy là một chính quyền được dựng lên từ đô la và vũ khí, thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ, ngăn chặn chủ nghĩa Cộng Sản lan xuống vùng Đông Nam Á, đồng thời chia cắt đất nước Việt Nam một cách lâu dài, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Điều đó không có gì nghi ngờ cả".

"Thứ hai, quân đội Sài Gòn thực chất được Mỹ trang bị hoàn toàn và quan trọng hơn là thực hiện mưu đồ của Mỹ. Đó cũng là một đội quân đi đánh thuê. Thực chất các nhà sử học không có một đánh giá nào khác so với thời gian trước đây".

"Nhưng về cách gọi, chúng tôi nghĩ rằng trong một văn bản khoa học, mình gọi trung tính vẫn hơn là ngụy quân, ngụy quyền. Bởi vì cách gọi này mang tính biểu cảm, miệt thị cho nên chúng tôi gọi là quân đội Sài Gòn và chính quyền Sài Gòn".

Liên quan đến sự kiện này, bản tin (hôm 28 tháng 8 năm 2017) của trang Tiếng Dân có đoạn như sau :

Bộ sách Lịch Sử Việt Nam : Vũ Như Cẩn !

Bài trên báo Tiền Phong : Bộ sách ‘Lịch sử Việt Nam’ có gì ồn ào ? Nhà sử học Dương Trung Quốc, cho biết : "Chỉ là cuốn sách của Viện Sử thôi, có gì mà ồn ào, giời ạ !" Nhưng ông cũng nói về bộ sách mới tái bản : "Có gì mới đâu".

Nhà nghiên cứu Dương Quốc Đông, Viện Sử học, cho biết, đây là bộ sử tái bản, không có gì mới.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, xác nhận :"Bộ sử được viết lâu rồi. Nhiều người chưa đọc tưởng cuốn này trình bày kỹ lắm, không có gì đâu, thoáng tí thôi. Do cách diễn đạt khi họp báo thôi…".

 Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết, bộ sử này có tiếng vang là do thủ thuật tuyên truyền.

Trức đó hai ngày trang Dân Luận có bài viết của tác giả Nguyễn Thị Bích Ngà, với tựa là "Về bộ sách lịch sử Việt Nam : Vẫn là sử đểu !" Sử đểu cũng như sự bao dung đểu cáng (hay đều giả) chả lừa gạt được ai, đã đành ; nó còn đẩy xa thêm tiến trình hoà giải của cả một dân tộc mà nhân tâm vốn đã ly tán từ lâu !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 05/09/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Hồ Chí Minh từng nói  : "Không, tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê". Vậy giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh ở đâu ra ?

 Trần Thị Lam

Mở đầu ngày khai trường đầu tiên (3 tháng 9 năm 1945) của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập".

Tôi sinh trưởng ở miền Nam ("vùng địch tạm chiếm") nên không rõ chương trình giảng dậy của "nền giáo dục độc lập" ra sao cả. Chỉ biết đại khái rằng "triết lý giáo dục" được nhiệt liệt cổ súy, ở bên kia vỹ tuyến, là "học tập và làm theo tấm gương đạo đức của bác Hồ".

Tấm gương này, xem chừng, không được sáng sủa gì cho lắm (hay nói lịch sự hơn, theo lời của ban biên tập trang Bauxite Việt Nam, là "còn nhiều mảng tối") nên hơn bẩy mươi năm sau – vào hôm 13 tháng 8 năm 2017 – nhà phê bình văn học & xã hội Vương Trí Nhàn đã đặt câu hỏi ("Học sinh tiểu học trước 1945 đã được giáo dục đạo đức như thế nào ?") với không ít băn khoăn :

"Các lần trước đọc bộ sách Quốc văn giáo khoa thư của Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn do Nha học chính Đông Pháp xuất bản từ 1926, tôi chỉ chú ý phần kiến thức.

Lần này, tôi muốn để tâm kỹ hơn tới phần luân lý đạo đức. Ý định đó của tôi được thỏa mãn ngay qua bài sau :

Đi học để làm gì ?

Bác hỏi tôi đi học để làm gì ? Tôi xin nói bác nghe. Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước. Tôi đi học để tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh và giữ thân thể cho khỏe mạnh. Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành được người con hiếu thảo và người dân lương thiện.

Đã gọi là dạy đạo đức cho trẻ, thì điều dễ hiểu là người xưa nêu những tấm gương tốt. Nhưng nhìn vào mục lục các bài trong sách tôi thấy có một tỷ lệ khá lớn nói về những thói xấu mà trẻ có thể mắc phải. Ví dụ trong cuốn Luân lý giáo khoa thư thấy có các bài : Bài 36 : Đứa học trò xấu, 37 : Lười biếng, nhác nhớn, 38 : Không thứ tự, 39 : Không ý tứ, 40 : Tính ương ngạnh, 41 : Tính khoe khoang và hợm mình, 42 : Tính nhát sợ, 44 : Tính nói xấu, 45 : Tính mách lẻo, 46 : Tính hay chế nhạo, 47 : Tính ghen, 48 : Tính tức giận, 49 : Tính tàn bạo, 50 : Tính độc ác…

Không chỉ có bài 43 nói về sự dối trá mà các bài số 7 và số 22 cũng có nội dung tương tự. Bài 7 nói các em phải thật thà với cha mẹ, bài 22 nói các em phải thật thà với thầy.

Tôi thấy đó là một sự dịnh hướng cần thiết phù hợp với tình hình Việt Nam. Còn nịnh bợ học sinh chỉ làm hỏng các em thêm.

Cứ nhìn tình hình đạo đức lớp trẻ hiện nay thì rõ...".

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Nam/Bắc hòa lời ca, tôi ca hơi trật nhịp nên bị đưa đi học tập cải tạo vài năm. Ra khỏi nhà tù là tôi vù ngay ra khỏi nước (và chưa bao giờ dám bước chân trở lại) nên không có cơ hội "nhìn tình hình đạo đức lớp trẻ hiện nay", theo lời khuyến cáo thượng dẫn.

Tôi chỉ được nghe quí vị nhân sĩ, trong cũng như ngoài nước, nói về chuyện đạo đức (của mọi tầng lớp, chứ chả riêng gì "lớp trẻ hiện nay") với rất ít lạc quan.

Nguyễn Huệ Chi : "Sự khủng hoảng đạo đức trong xã hội chúng ta đã vượt khỏi cái ngưỡng mà như một quy ước vô ngôn, mọi xã hội văn minh không bao giờ cho phép vượt. Hãy cứ nhìn vào nhiều ngõ ngách của đời sống, bất cứ vùng miền nào cũng diễn ra như cơm bữa những chuyện nhức nhối mà lý trí thông thường không thể giải thích, đôi khi có cả những chuyện tưởng chừng đã chạm đến bản năng sinh tồn nó phân biệt con vật với con người (mẹ ném con xuống sông, bố giết con, ông giết cháu, con giết bố giết mẹ…). Phải coi đây là một sự băng hoại không thể xem thường, một cảnh báo về nguy cơ tồn vong của cộng đồng dân tộc".

Nam Dao : "Tóm gọn, căn cơ của khủng hoảng đạo đức hiện nay là sự áp đặt cái ‘Đạo Đức Cách Mạng’ biện minh và hỗ trợ cho cuộc đấu ‘một mất một còn’ của giai cấp vô sản với gia cấp tư sản. Hiểu Marx một cách hời hợt, nhưng biết phương pháp tổ chức Lênin, nhất là thấm nhuần cái sắt máu Stalin-Mao, những người nắm quyền lực ở Việt Nam từ thế hệ cụ Hồ đến nay đã đưa xã hội chúng ta vào tình trạng đạo lý rễu rã".

Tống Văn Công : "Những cuộc học tập đạo đức Bác Hồ đối chiếu với thực tế cuộc sống đang diễn ra hoàn toàn trái ngược : Trên báo chí ngày nào cũng đọc thấy những chuyện thối tha : ông bộ trưởng tham nhũng bị đi tù ; ông phó Tổng cục trưởng mua dâm trẻ em ; ông trung tướng công an, ông giám đốc Đài phát thanh móc ngoặc với bọn xã hội đen ; ông phó ban Tổ chức tỉnh ủy đi bia ôm trong giờ hành chính ; ông Bí thư Tỉnh ủy được đưa tiền mua chức. Rất, rất nhiều ông đồng chí khác, kể cả những ông cán bộ tuyên huấn cấp huyện, những người chuyên lên lớp về đạo đức Bác Hồ cũng đã ăn chặn tiền quyên góp cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tiền Tết của đồng bào nghèo… Người dân buộc phải nghĩ : đạo đức cách mạng hóa ra chỉ là chuyện đầu môi chót lưỡi của mấy ông cán bộ, đảng viên".

Ngoài những "mảng tối", tấm gương đạo đức của Bác Hồ còn " không ít chuyện rắc rối" – theo như cách nói của tiến sĩ Nguyễn Xuân Tụ – nên luân lý xã hội mới đen thui và "rệu rã" như hiện cảnh.

daoduc1

Bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng Đại học Fulbright, là một nhân vật có tên trong hồ sơ Panama nên chắc chắn không "thiếu hụt" gì

Bi kịch, tuy nhiên, không chỉ giới hạn trong phạm vi đạo đức. Ngày 4 tháng 8 năm 2017, Vietnamnet loan tin :

"Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, cho biết sẽ dạy các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các trường đang dạy hiện nay... Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thủy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó".

Dù tuyệt đối tôn trọng qui chế đại học tự trị, và giáo dục tự do, tôi vẫn hơi băn khoăn là làm sao qúi vị trong ban giảng huấn của Đại học Fulbright có thể mở lớp giảng dậy về "môn tư tưởng Hồ Chí Minh" khi chính đương sự đã tự xác nhận rằng : "Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác–Lê" hay : "Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch".

Cả một dân tộc mất hơn hai phần ba thế kỷ để học tập đạo đức cùng tư tưởng của một người hoàn toàn vô đạo đức, và cũng chả có tư tưởng gì ráo trọi, bộ chưa "đã" sao ?

Bà Đàm Bích Thủy là một nhân vật có tên trong hồ sơ Panama nên chắc chắn không "thiếu hụt" gì, lương bổng cho chức vụ hiệu trưởng Đại học Fulbright cũng được lấy từ một phần tiền thuế của chính tôi nữa, thế sao bà ấy phải đến nỗi bán miệng để nuôi thân như thế – hả Giời ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/09/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Nền giáo dục phi nhân bản áp đặt lên hiện tại lẫn tương lai với cái gông Marx-Lenin đã cho thấy quá rõ kết quả tồi tệ, nhưng sau bao nhiêu năm, nó vẫn được "vận dụng" và "sáng tạo".

Mạnh Kim

chusau1

Có dịp trò chuyện với nhiều vị đồng hương, vừa từ quê nhà sang California du lịch, tôi mới biết ra rằng mình đã "trở thành" người Sài Gòn cũ. Lý do : có những người Sài Gòn mới, mới đến sau 1975.

Vùng đất nào cũng có kẻ đi, người tới. Tôi chỉ hơi bối rối khi nghe họ nói thêm : "Ông mà về lại là đi lạc như không. Giờ thay đổi hết trơn rồi, hoành tráng lắm !"

Trong trí nhớ xa xôi và trẻ dại của riêng tôi thì Sài Gònchưa bao giờ "hoành tráng lắm", lúc nào cũng y như thế thôi. Cũng vẫn chỉ là một đoạn đường rất ngắn, nằm giữa chùa Chà và vườn Tao Đàn, được cắt ngang bởi hai con đường lớn : Nguyễn Du & Gia Long.

Nhà chị tôi số 69 Trương Công Định. Dù sinh ở Sài Gòn, phần lớn thời gian tôi sống tại Đà Lạt. Tôi chỉ có mặt ở đây vào những ngày hè, suốt thời thơ ấu và thời niên thiếu.

Tôi biết hết tên tuổi, cùng tính tình, của từng đứa bé cùng lứa và cùng xóm. Chúng tôi tụ tập mỗi chiều để chơi tạt lon, tạt hình, đá kiện, nhẩy dây, rượt bắt cứu tù, và lùng kiếm tìm nhau (hằng đêm) sau khi tiếng "năm mười, mười lăm, hai mươi..." vừa chấm dứt.

Tôi cũng biết rõ độ chua ngọt của từng cây me trước nhà, và danh tính của tất cả những người thợ hớt tóc đứng hành nghề bên cạnh. Có hai ông Sáu lận nên tên gọi của họ được phân biệt bởi phương tiện đi lại hằng ngày : Sáu Vespa và Sáu Mobillette.

Tôi gần với chú Vespa nhất, giản dị chỉ vì ông là người không bao giờ lấy hết ba đồng công thợ. Chú Sáu luôn cho lại tôi năm cắc, hay hào sảng xóe toạc tờ bạc một đồng rồi đưa tôi phân nửa.

Mừng hết lớn luôn. Số tiền này vừa vặn cho một cuốn bò bía, một ly đá nhận, một que kem đậu xanh, một khúc mía hấp, một đĩa gỏi đu đủ bò khô, hay một ly đậu đỏ bánh lọt nước dừa.

Chỉ có điều phiền là chú Sáu hay nói hơi nhiều. Ông không chú ý gì lắm đến công việc đang làm nên đầu tui cứ bị hớt gần trọc hoài hà, ngó kỳ thấy bà luôn. Tuy tay cầm "tông đơ" nhưng mắt chú Sáu luôn ngó xuống bàn cờ tướng của hai kỳ thủ đang bầy trận gần đó, hoặc quay qua tranh luận với ông bạn đồng nghiệp (hay khách hàng) ngồi kề. Ổng nói không ngừng về những chuyện hoàn toàn xa lạ với đầu óc non nớt của một đứa trẻ như tôi.

Phải mất rất nhiều năm tôi mới lờ mờ hiểu ra là chú Sáu Vespa rất không bằng lòng về thể chế chính trị hiện hành. Ổng luôn luôn thuyết phục mọi người (kể cả luôn tôi) rằng cần phải có một chính phủ mới :

- Rồi mày coi, mấy ổng vô tới là sẽ thay đổi hết. Cách mạng mà !

Nhiệt tình cách mạng của chú Sáu Vespa, xem ra, không được tất cả mọi người chia sẻ. Thỉnh thoảng, tôi vẫn nghe có người gọi ổng bằng một danh hiệu khác : Sáu Việt Cộng. Thiên hạ cũng chỉ thấy mặt đặt tên (cho vui) vậy thôi, chớ ở miền Nam – xem chừng – mọi người đều sống rất lừng khừng và không mấy ai bận tâm về quan điểm hay lập trường chính trị của tha nhân.

Đâu khác thì không biết, chớ ngay xóm tôi mà đi ngang qua những bàn nhậu – kế bên, hay đối diện chùa Chà – mà nghe tiếng chửi thề ("đ... mẹ Sáu Thiệu, hay đ... mẹ Kỳ Râu) là chuyện rất bình thường, chả khiến ai buồn ngoái đầu nhìn lại cả. Nhậu vô vài ly rồi chửi chơi vài câu nào có chết ai đâu, miễn đừng đặt chất nổ hay quăng lựu đạn giữa đám đông là "o.k salem" và "ça va tout".

Miền Nam tự do mà. Có điều rõ ràng là vùng đất này tự do hơi quá nên đủ khe hở để "mấy ổng vô tới" thiệt. Trong đám đông dân chúng hân hoan phất cờ, chào mừng đoàn quân giải phóng Sài Gòn – hôm 30 tháng 4 năm 1975 – tôi đoán chắc chắn là phải có chú Sáu Vespa... của mình rồi !

Niềm hân hoan này – tiếc thay – không mấy người giữ được luôn, và cũng chả ai giữ được lâu. Năm 1978, tôi có dịp trở về xóm cũ. Chú Sáu vẫn đứng hớt tóc ngay trân dưới gốc me ngày trước nhưng cái Vespa thì không còn dựng kề bên. Thay vào đó là một cái xe đạp cũ mèm. Ổng phân trần :

- Tao bán rồi. Không bán đi thì lấy cái gì ăn. Đ... mẹ, tao đâu có dè tụi nó...

- Nói nhỏ nhỏ lại chút xíu đi chú Sáu.

- Nhỏ cái con cặc. Đ... má, tao mà biết vậy thì hồi đó...

Tôi vốn nhát, lại vừa mới tù ra [và hoàn toàn không có ý muốn trở vô (liền) lần nữa] nên không dám đứng trò chuyện với chú Sáu lâu, sợ có chuyện chẳng lành. Tôi lật đật biến liền, quên luôn cả một cái bắt tay hay một lời từ biệt. Thiệt là hèn hết sức.

Bởi nhát và hèn nên trong số mấy anh chị em, tôi là đứa vượt biên đầu tiên hết thẩy. Vài năm sau, khi gia đình đoàn tụ, trong lúc hàn huyên, tôi chợt nhớ đến chú Sáu Vespa. Chị tôi chép miệng :

- Sau này ổng uống dữ lắm, ngày nào cũng xỉn, và cũng chửi búa xua cà na nên bị bắt lâu rồi.

- Chị nghe ai nói vậy ?

- Nghe ai ? Công an còng tay ngay tại gốc me kế nhà mình, tao thấy tận mắt mà. Tội nghiệp chớ, vậy mà hồi đó có người còn nghi là ổng nằm vùng nữa đó.

- Chú Sáu có nói với em là ổng không dè chị à.

- Thì đâu có ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy.

Chú Sáu Vespa, và bà chị tôi, không phải là những kẻ đầu tiên "không dè" như vậy. Nhiều người thuộc thế hệ trước nữa cũng "đâu có ai dè là tụi nó tệ bạc và khốn nạn dữ vậy" – theo như lời của một chứng nhân thế giá, nhà báo Bùi Tín, trong một cuộc phỏng vấn do thông tín viên Kính Hoà (RFA) thực hiện :

"Cha tôi lúc đó không hiểu gì nhiều về chủ nghĩa cộng sản đâu. Sau này nghĩ lại thì cũng có thể nói rằng cha tôi bị ông Hồ Chí Minh lừa dối. Lừa dối theo cái nghĩa là ông Hồ Chí Minh giấu rất kỹ tung tích cộng sản của mình. Cũng được hưởng vinh danh, cũng được sử dụng lại với chính quyền mới, nhưng về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối, tưởng đâu họ là chính nghĩa lâu dài, nhưng không ngờ khi nắm chính quyền, thì họ càng tha hóa, mất cái bản chất nhân dân".

Nhân sĩ trí thức như cụ Bùi Bằng Đoàn, Huỳnh Thúc Kháng, Vũ Trọng Khánh, Trần Duy Hưng, Hoàng Đạo Thúy, Đặng Văn Hướng mà "về cơ bản là bị tuyên truyền, bị lợi dụng, có thể nói là bị lừa dối" thì trách chi đến một ông thợ hớt tóc – như chú Sáu Vespa.

Dạ thì nẫy giờ tui cũng có trách dám trách móc ai đâu. Chuyện cũng qua rồi mà. Nói nào ngay thì tui cũng đã xém quên luôn chú Sáu Vespa, nếu bữa rồi không (tình cờ) đọc được đọc một bản tin ngắn – trên trang Vietnamnet – về bà Đàm Thị Thủy :

"Hiệu trưởng Trường Đại học Fulbright Việt Nam, bà Đàm Bích Thủy, cho biết sẽ dạy các môn Chủ nghĩa Marx-Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh khác biệt so với các trường đang dạy hiện nay... Đối với môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, theo bà Thủy, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một phần trong lịch sử Việt Nam, nếu là người Việt Nam, chúng ta nên tự hào về giai đoạn lịch sử đó".

chusau2

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius (trái) trao quyết định tài trợ, tổng trị giá 15,5 triệu USD của chính phủ Mỹ cho bà Đàm Bích Thủy hôm 6/6. Ảnh : Kiều Oanh. Chú thích : Thanh Nien Online

Bà Thủy, tất nhiên, có quyền "tự hào về giai đoạn lịch sử" (nào đó) bất cứ. Đó là quan điểm riêng của từng người. Tuy nhiên, ở cương vị Hiệu trưởng Đại Học Fulbright – một trường đại học tư ở Việt Nam – được tài trợ bởi chính phủ Hoa Kỳ, nghĩa là bằng một phần tiền thuế mà tôi đóng hằng năm nên buộc phải có đôi lời để rộng đường dư luận.

Dù tuyệt đối tôn trọng qui chế đại học tự trị, và chủ trương giáo dục tự do, tôi vẫn băn khoăn ở điểm là làm sao có thể mở lớp giảng dậy về "môn tư tưởng Hồ Chí minh" khi chính đương sự đã tự xác nhận rằng : "Tôi chẳng có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác –Lê". Hay : "Bác tự nhận mình chỉ nêu ra được tác phong, còn tư tưởng lý luận thì để cho Mao Chủ tịch".

Không lẽ quí vị trong ban giảng huấn của Trường Đại Học Fulbright định dùng bạc giả ? Nhân nói việc học hành, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm (ngăn ngắn) vừa đọc bữa qua, trên trang Bauxite Việt Nam :

Kolia đến trường khoe với cô giáo :

- Cô ơi, tối qua mèo nhà em đẻ một bầy 7 con, con nào cũng là đảng viên cộng sản !

Bẵng đi mấy tuần, một hôm sực nhớ, cô giáo hỏi cậu bé :

- Này, Kolia, đàn mèo cộng sản nhà em thế nào rồi ?

- Thưa cô, giờ chúng không còn là cộng sản nữa ạ.

- Sao vậy ?

- Chúng mở mắt hết rồi !

Tôi có xem qua sự nghiệp của bà Đàm Bích Thủy. Bả lanh còn hơn tép nữa. Dễ gì mà bịt mắt hay lợi dụng như chú Sáu Vespa hồi thế kỷ rồi. Chỉ có chuyện là mấy ông Marx, Lenin, và Hồ Chí Minh bị bà Thủy lợi dụng để "đảm bảo" cho cái chức vụ hiệu trưởng, cùng tài sản (chìm nổi) của mình ở Việt Nam thôi – đúng không ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 23/08/2017 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
vendredi, 18 août 2017 14:57

Bọn quân phiệt Việt

"Trần trụi trước miệng sói"

Tình thế "trần trụi trước miệng sói" của Việt Nam đã khiến những chuyến thăm qua, viếng lại của các viên chức Việt Nam và Hoa Kỳ nảy lên mầm hy vọng trong lòng công chúng Việt Nam. Những tuyên bố hợp tác, đặc biệt là về quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, những tin kiểu như năm tới, lần đầu tiên, một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ sẽ ghé thăm Việt Nam có tác dụng "an thần", chúng không trị "căn", không giúp Việt Nam có một đối trọng đủ thực lực để kiểm chế Trung Quốc (G.Đ – Người Việt Online)

quan1

Tướng Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ hôm 8/8/2017. (Ảnh minh họa)  AFP

Mãi tới xế chiều tôi mới chợt nhận ra là mình có chút máu giang hồ (vặt). Cứ hễ vợ con sểnh mắt ra chút xíu là tôi lại vội vã khoác ba lô, chạy vù ra phi trường, hối hả bay ngay đi đâu đó. Bởi cứ đi hoài nên có lúc tôi bị lạc.

Tôi lạc tới một huyện lỵ nhỏ bé, sống bằng nghề nông, giữa miền Trung nước Thái. Nơi đây có con sông Chao Phraya hiền hòa, đậm sắc phù sa, chầm chậm trôi qua. Dòng nước đỏ luôn cuốn theo những đám lục bình, cùng mấy cọng hoa bèo tim tím.

Chiều ở chốn này cũng tím, và tím nhạt nhoà đến tận chân trời. Duy chỉ cây cỏ cùng đồng lúa là bát ngát xanh, và luôn lượn quanh bởi mấy cánh cò trăng trắng.

Tôi sinh trưởng ở cao nguyên nên nhìn thấy sông ngòi, đồng ruộng là đâm ra mê mẩn, cứ như kẻ bị hớp hồn. Sông nước và ruộng đồng có sức quyến rũ lạ lùng khiến tôi chỉ muốn ở luôn, quên bẵng đi rằng mình đã đến đây chỉ vì lạc bước !

Cảnh vật yên bình, tĩnh lặng tựa một bức tranh mà tôi lại còn lọt vô một khu resort ế khách và vắng tanh (như chùa Bà Đanh) nằm giữa đồng không mông quạnh. Chả có chi xung quanh ngoài côn trùng, ếch nhái, sáo cò, và loài chim cu gáy.

Qua đến tuần lễ thứ hai tôi mới bắt đầu cảm thấy hơi (hơi) trống vắng, và chợt thèm nghe lại tiếng người nên bèn mở TV coi chơi chút xíu. Hóa ra chương trình truyền hình của tất cả mọi đài ở Thái, theo luật định, đều phải dành hẳn mươi mười lăm phút (hằng đêm) để trình chiếu về sinh hoạt của Hoàng Gia.

Đại khái là bữa qua nhà vua vừa thăm chỗ này, bữa nay công chúa đã ghé qua chỗ nọ, ngày mai hoàng hậu sẽ viếng chỗ kia... Đến đâu thì cũng chừng đó chuyện : khai từ, thắp hương, dâng hoa, quì lạy... Ngó (hoài) chán muốn chết luôn !

Thảo nào mà Hoàng tử Harry, người đứng vị trí thứ 5 trong danh sách thừa kế ngôi vị của Nữ hoàng Elizabeth, đã nói trong một cuộc phỏng vấn (hồi tháng 6 năm nay) rằng : "Không ai trong Hoàng Gia Anh muốn lên ngôi cả", và "Thỉnh thoảng, tôi vẫn có cảm giác mình sống trong một hồ cá vàng".

Nghe thiệt... ớn chè đậu !

Thái tử Vajiralongkorn lại ở vào một cảnh khác, muốn hay không thì cũng phải nối ngôi thôi. Bởi vậy dù hoàn toàn không thiết tha gì ráo với ngai vàng, và dư luận thì rõ ràng cũng chả đồng thuận gì cho lắm, ông vẫn trở thành vị vua thứ 10 (Rama X) của vương triều Chakri.

Hoàng tộc Thái, tất nhiên, cần phải có một vị quốc vương. Đám tướng lĩnh Thái Lan cũng thế. Chế độ quân phiệt ở đất nước này vốn hơi nhiều tai tiếng nên cần một liên minh, có truyền thống lịch sử, đứng liền một bên... cho nó đỡ khó coi !

Thảo nào mà ở Thái tôi nhìn đâu cũng thấy chân dung đức vua Bhumibol Adulyadej, Rama IX. Nay mới hiểu ra là không phải vô cớ mà ngân quĩ quốc gia dành một số tiền không nhỏ cho việc quảng bá những hình ảnh nhân từ và khả ái của ông. Đây là việc "an dân", chứ không phải là chuyện tình cờ – theo như cách nghĩ ngây thơ, trước giờ, của một anh thường dân (dấm dớ) như tôi.

Tuy biết không nhiều về nội tình nước Thái, và chỉ bằng cảm quan của một tên lãng tử, tôi vẫn tin rằng chế độ quân phiệt Thái (tương đối) khả kham – nếu so với tình hình kinh tế và chính trị của những nước láng giềng.

Ở Thái dễ thở hơn ở Tầu là cái chắc. Dân Thái sống khỏe hơn dân Miên, dân Miến, dân Lào, và dân Phi xa lắc. Đám tướng lãnh Thái biết giới hạn lòng tham, và trọng pháp. Họ không vội vã, tựa những tên cướp giựt trên một con tầu vét (tốc hành) như đám lãnh đạo – hiện nay – ở Việt Nam.

Sự chênh lệch giữa giàu/nghèo ở Thái không đến nỗi nào. Mức sống giữa thôn quê và thành thị cũng chả khác là bao. Người dân nơi đâu trông cũng no đủ, tươm tất, và đều có vẻ an bình.

Chim trời cá nước cũng thế. Chúng bay rợp trời hay chen chúc lúc nhúc khắp nẻo sông hồ. Nhà nước Thái Lan không theo đuổi chính sách tận thu nên dân chúng không buộc phải tận diệt, theo kiểu chích cá điện, như ở Việt Nam. Dân Thái còn có niềm tin vào tương lai. Dân Việt thì không. Chúng ta sống như thể là ngày mai sẽ không bao giờ đến.

Theo số liệu, tính đến năm 2016, tổng sản phẩm nội địa của Thái Lan là 390.592 USD (đứng thứ 28 thế giới, đứng thứ 9 châu Á và đứng thứ 2 Đông Nam Á sau Indonesia). Chỉ bằng vào mấy con số này cũng đủ để thấy sự khác biệt lớn lao giữa chế độ quân phiệt Thái Lan và đảng phiệt Việt Nam.

Một thế lực quân phiệt ?

quan2

Tướng Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ hôm 8/8/2017. AFP

Vấn đề e chưa dừng ở đó. Vừa qua, trên mảnh đất Đồng Tâm và sân bay Tân Sơn Nhất, đám tướng lĩnh Việt đã không chỉ xuất hiện như một nhóm lợi ích mà còn là một thế lực quân phiệt hẳn hòi.

Nói cho nó công bằng thì chủ nghĩa quân phiệt (đúng nghĩa) với chủ trương "hiếu chiến và trang bị đến tận răng" vẫn có thể được xem là thể chế khả dụng khi đất nước đang bị đe dọa vì họa ngoại xâm. Cái kẹt là đám quân phiệt ở Việt Nam lại không hiếu chiến xíu. Biên cương bị xâm lấn, biển đảo bị xâm chiếm mà họ chỉ bám bờ, để mặc dân bám biểm.

Không chỉ hiếu hòa, họ lại còn vô cùng hiếu hỉ nữa. Từ Đài Bắc, ký giả Wendell Minnick có bài tường thuật ("Can the US get a foot in Vietnam’s door" ?) đọc được vào hôm 25 tháng 7 như sau :

"Một cuộc họp giữa các quan chức Bộ Quốc phòng cộng sản Việt Nam và giới kỹ nghệ vũ khí Hoa Kỳ đã chấm dứt đột ngột khi những quan chức trong Bộ Quốc Phòng cộng sản cho biết tất cả mọi buôn bán vũ khí cho Việt Nam phải được cắt ra 25% tổng số tiền để cho vào túi riêng của các quan chức cộng sản Việt Nam" ("an arms sale would require 25% off the top", bản dịch Dân Làm Báo).

Theo cách nói của tác giả Tô Văn Trường thì đây là cách hành xử "ngu và tham". Không chỉ tham và ngu mà họ còn sẵn sàng qụy lụy ("bent the knee") nữa, như nguyên văn cách dùng chữ của nhà báo Bill Hayton, đọc được trên trang Foreign Policy Magazine, vào hôm 31 tháng 7 năm 2017 :

Vietnam’s history is full of heroic tales of resistance to China. But this month Hanoi bent the knee to Beijing, humiliated in a contest over who controls the South China Sea, the most disputed waterway in the world. ("Việt Nam đầy những câu chuyện anh hùng về cuộc kháng chiến chống Tàu. Nhưng tháng này Hà Nội đã quì gối, bị làm nhục trong cuộc cạnh tranh về việc ai kiểm soát Biển Đông, vùng biển có nhiều quốc gia tranh chấp nhất thế giới", translated by Phạm Nguyên Trường).

Hai kẻ bị chỉ đích danh "quì gối" trước Tầu không ai khác hơn là Bí thư Quân ủy trung ương Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ấy vậy mà mấy hôm sau chính ông bộ trưởng lại là kẻ đi Tây cầu viện.

Với tâm thế tráo trở và quị lụy của bọn quân phiệt Việt Nam hiện nay thì Ngô Xuân Lịch phải lên đến Giời (cầu cứu) mới có chút hy vọng, chứ sang Mỹ thì cũng chả nước mẹ gì. Phen này, chúng mày chắc chết – chết chắc. Còn dân Việt thì không cách chi thoát Tầu, nếu chưa thoát Cộng.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 18/08/2017 

Published in Diễn đàn