Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

01/10/2017

Dư âm của tiếng trống khai trường

Tưởng Năng Tiến

Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc "xe đò" mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả "vé xe" vậy mà "đến bến"thì trăm ngàn cử nhân lại "đứng đường".

Hoàng Kim Phúc(BBC)

Hôm 5 tháng 9 năm 2017, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai giảng năm học mới tại trường Lê Ngọc Hân – Mỹ Tho. Cùng ngày, Chủ tịch UBND Thành Phố Nguyễn Đức Chung cũng đánh trống khai trường tại quận Thanh Xuân – Hà Nội.

trong3

Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh trống khai giảng năm học mới tại trường Lê Ngọc Hân – Mỹ Tho

Dù mùa tựu trường đã qua nhưng dư âm của những tiếng trống vẫn còn lùng bùng trong đầu óc của hằng chục triệu phụ huynh học sinh bởi hằng trăm bài báo, về tệ trạng lạm thu, trên hệ thống truyền thông của nhà nước Việt Nam :

  • Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu 
  • Phụ huynh bắt đầu chóng mặt với các khoản thu đầu năm
  • Phụ huynh tố nhà trường lạm thu, hiệu trưởng giải thích 'đây có thể là âm mưu chính trị
  • Phụ huynh không đóng tiền, giáo viên bêu tên học sinh trước lớp
  •  Trường lạm thu, cha mẹ nghèo méo mặt
  • Phụ huynh cho con nghỉ học để phản đối lạm thu
  • Nói thẳng : giáo dục ngấm mùi tiền

Trên trang VNTB vừa xuất hiện hình ảnh một bé gái (có cha đi biển bị bão nhấn chìm, gia đình không có khả năng đóng góp cho những khoảng phụ thu nên em phải đứng ngoài cổng trường vào ngày khai giảng) cùng với câu hỏi : "Ông Nguyễn Phú Trọng nghĩ gì về tấm ảnh thay vạn lời nói này ?"

trong1

Em thơ không có tiền là không được đến trường, trong khi trường là trường quốc lập. Không thể có một sự bất công nào lớn hơn thế nữa.

Bẩy mươi hai năm trước, cũng vào ngày khai trường, hôm 3 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã long trọng tuyên bố : "Từ giờ phút này trở đi các em nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam, một nền giáo dục của một nước độc lập". Ai mà dè là "nền giáo dục của một nước độc lập" lại... "ngấm mùi tiền", và (xem chừng) ngấm đậm :

 "A Transparency  International report  has found Vietnam to have the second highest bribery rates for public schools in the Asia Pacific region. It costs up to $3,000 to buy a place at the most sought after public schools, a huge expense in a country where annual average incomes barely top $2,200. (Theo Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế thì Việt Nam đứng hạng nhì trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương về giá hối lộ cho một năm học vào trường công lập. Phải trả ba ngàn đồng để mua một chỗ ngồi học trong những trường công lập uy tín là một khoảng tiền rất lớn trong một đất nước mà lợi tức trung bình hằng năm chỉ nhỉnh hơn hai ngàn hai trăm đô chút xíu)".

Tiền nào của đó chăng ? Đầu tư tốn kém quá xá như vậy thì thành quả ra sao ?

Ngày 15/9, Viện Khoa Học Lao Động và Xã Hội cùng Tổng Cục Thống Kê đã tổ chức họp báo công bố kết quả bản tin cập nhật thị trường lao động quý 2/2017. Theo đó, cả nước hiện đang có 1,08 triệu người thất nghiệp, trong đó có 25% là thất nghiệp dài hạn tức thất nghiệp liên tục trong hơn 12 tháng... Đáng lo ngại hơn cả là đa số trường hợp thất nghiệp, trong đó có tới 183.100 cử nhân, tăng 44.200 người so với quý 1/2017.

Con số vừa dẫn e còn rất thấp hơn sự thật rất xa. Và sự thực "đáng ngại" này đã được Tiến Sĩ Hoàng Kim Phúc  ví von rất là hình tượng :

"Với thực tế chục triệu học sinh phổ thông Việt nam đang bị vắt kiệt tuổi thơ với hy vọng sau 12 năm sẽ trèo được lên chiếc "xe đò" mang tên Đại học, trong khi mẹ cha vật lộn, thậm chí bán cả ruộng nương trả "vé xe" vậy mà "đến bến" thì trăm ngàn cử nhân lại "đứng đường".

Một trong những vị cử nhân "đứng đường" này, rất có thể, chính là tác giả của câu thơ nổi tiếng (đang) được lưu truyền ở Việt Nam : "Chuyến tôi đi xe đò đứt thắng, đ... mẹ đời, đ... má tương lai".

Trước tình trạng (đ... mẹ & đ... má) này, Ban bí thư trung ương Ðảng ra chỉ thị số 42-CT/TW : Tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030, với "năm nhiệm vụ và giải pháp" rất... mơ hồ :

"Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.

Chỉ thị của Ban bí thư đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cần đầu tư thích đáng. Đảng kêu gọi việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận đảng viên để làm gương cho giới trẻ..".

Có lẽ vì không biết cách nào để thực hiện chỉ thị ("học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí") của Ban Bí Thư nên ông Bộ trưởng giáo dục Việt Nam đã ra đi "tìm đường cứu hỏa" – theo như tin loan của báo SGGP , số ra ngày 30 tháng 8 năm 2017 :

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cùng đoàn công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo vừa có chuyến thăm và làm việc với nhiều cơ quan giáo dục của Phần Lan. Việt Nam và Phần Lan trao đổi về khả năng mua bản quyền xuất bản các sách về Toán, Khoa học, tiếng Anh, chương trình STEM ; nhập khẩu chương trình đào tạo bậc tiểu học, phổ thông, đại học của Phần Lan".

Mai hậu ra sao thì chưa biết nhưng kể từ đây thì "nền giáo dục của một nước độc lập" là ... kể như chấm hết. Chả thấy ai tỏ lòng thương tiếc, đã đành ; bên dưới bản tin thượng dẫn ("Việt Nam Nghiên Cứu Nhập Khẩu Chương Trình Đào Tạo Của Phần Lan") nhiều độc giả đã không dấu được niềm vui, cùng "tiếng thở phào" nhẹ nhõm :

  • Nguyễn Hữu Kháng : Có lẽ đây là con đường đi hợp lí và rẻ tiền.
  • Lê Hoàng Tâm : Đừng nhập hàng giả, hàng thiếu chất lượng như thuốc trị ung thư là được.
  • Chonle : Nhớ nhập khẩu chế độ lương cho giáo viên thực hiện chương trình giáo dục đó luôn nghen !
  • Ngọc Thanh : Vậy đi cho nó lành.

Tui không biết giáo dục Phần Lan ngon lành tới cỡ nào nhưng nếu cứ tính "vậy đi cho nó lành" thì nghĩ cũng thấy hơi tiêng tiếc ! Phải đổ máu xương của vài thế hệ người, để đánh thắng liên tiếp mấy đế quốc to, mới dành giật và duy trì được "nền giáo dục của một quốc gia độc lập" rồi "đành đoạn" đem bỏ xó (không chút luyến thương) như vậy – sao Trời !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 04/10/2017 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ
Read 821 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)