Tôi than thở với hai ông anh (Bùi Xuân Bách & Phạm Nguyên Trường) là sao mình sống ở Hoa Kỳ rất lâu mà vốn liếng Anh ngữ vẫn vô cùng nghèo nàn và hạn hẹp, dùng để đi chợ thì dư nhưng đi dạy thì e thiếu. Cả hai vị này đều là những dịch giả thế giá, và đều trả lời y hệt : "Chú lười bỏ mẹ, không chịu mở tự điển tra cứu thường xuyên thì làm sao mà khá được".
Thì ra thế !
Thế là tôi lật đật mở đại một trang của cuốn Cambridge, đang nằm chình ình rước mặt, và thấy hạn từ generation gap được ghi nhận như sau :
"Lack of understanding between older and youngerpeople that results from different experiences of life (Thế hệ già và thế hệ trẻ khó hiểu nhau do kinh nghiệm sống khác nhau).
Thế hệ già và thế hệ trẻ khó hiểu nhau do kinh nghiệm sống khác nhau
Khó hiểu nhau về chuyện gì ?
Merriam - Webster, xem ra, có vẻ ngắn gọn nhưng trọn nghĩa hơn : "Những khác biệt về quan điểm, giá trị, v.v. giữa thế hệ già và thế hệ trẻ (The differences in opinions, values, etc., between younger people and older people).
Thì cũng ngó qua cho biết, ra vẻ là mình cũng có tra cứu (vậy thôi) chứ tôi vẫn nghĩ rằng giữa ông tằng, ông tổ, ông cố, ông nội, và ông bố tôi – có lẽ – chả có một khoảng cách nào đáng kể. Quan niệm sống của tất cả các ông (cũng như các bà) chắc đều rất giản dị, và giống y như nhau thôi : Trai thời trung hiếu làm đầu. Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình. Đại khái là như thế !
Tôi còn tin rằng, từ Âu sang Á, nơi nào cũng như rứa cả. Sử sách, suốt thời Trung Cổ, có thấy trang nào đề cập đến sự dị biệt (hay xung đột) ý tưởng giữa thế hệ này với thế hệ khác đâu. Nói chi đến những giai đoạn xa lắc (xa lơ) trước nữa – vào thời Đồ Đồng, Đồ Đá, Đồ Sắt, Đồ Nhôm... gì đó.
Có lẽ bắt đầu từ thế hệ của tôi mới phát sinh ra lắm chuyện rất lôi thôi, và vô cùng phiền hà, về... khoảng cách
Tôi ra đời sau Thế chiến thứ II. Có lẽ bắt đầu từ thế hệ của tôi mới phát sinh ra lắm chuyện rất lôi thôi, và vô cùng phiền hà, về... khoảng cách. Sau những năm tháng ấu thơ rất an bình dưới chế độ Đệ I Cộng Hòa, tuổi thanh xuân của tôi cũng được bảo bọc rất kỹ trong những phố thị ("phồn vinh giả tạo") của nền Đệ II Cộng Hòa – ở miền Nam.
Tuy thế, đúng ngày sinh nhật thứ hai mươi (khi đang theo học ban Triết của trường Đại Học Văn Khoa Đà Lạt), tôi quyết định uống thuốc ngủ quyên sinh – sau khi kẻ lên tường một dòng chữ ngắn ngủi ("Je vais sur un chemin qui ne mène null part") thay cho lời trăn trối ! Bố tôi ngồi cả buổi nhìn chằm chằm vào bức tường này nhưng vẫn không tìm ra được "thông điệp" nào từ "qúi tử", dù ông cũng đọc được tiếng Tây.
Trên điểm không thể trở lại - Cẩn thận - Ảnh minh họa
Cả bố lẫn mẹ tôi đều là những thường dân chất phác. Cả đời họ chỉ biết cặm cụi với công việc để tôi có cơm ăn, áo mặc và có cơ hội đến trường nên làm sao hiểu được những "vấn nạn siêu hình" đã dằn vặt thằng con : Loài người từ đâu đến, và sẽ đi về đâu, chúng ta hiện hữu để làm gì ?
Tôi không tìm ra được ý nghĩa nào ráo trọi trong cuộc sống. Tôi đi trên một con đường chả dẫn đến đâu cả ("Je vais un chemin qui ne mène null part", theo như cách nói của ông triết gia nào đó) nên muốn chấm dứt cuộc tồn sinh thừa thãi của mình, vậy thôi.
Vâng, chỉ có "vậy thôi" nhưng tôi biết giải thích sao với hai đấng sinh thành về ý muốn tự hủy vào lúc tuổi đôi mươi. Giữa chúng tôi – rõ ràng – có một khoảng cách đáng kể, và cũng đáng buồn. May mà cái thứ "công tử" miền Nam như tôi cũng ít thôi. Chứ không thì vùng đất này chả phải đợi đến tháng 4 năm 1975 mới hoàn toàn thất thủ !
Ở bình diện quốc gia cũng thế. Đôi khi, cũng có những khoảng cách khá xa tạo ra sự dị biệt – và xung đột – đáng tiếc trong nhận thức giữa thế hệ người già và người trẻ. Xin đan cử một thí dụ :
Vào ngày 2 tháng 9 năm 2017 vừa qua, giáo sư Tương Lai "tuyên bố dứt bỏ mọi liên hệ với đảng Nguyễn Phú Trọng thao túng, để tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh".
Lời tuyên bố thượng dẫn được không ít người, cùng thế hệ với ông, tán thưởng. Tác giả Nguyễn Đăng Quang cho biết :
"Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá quyết định của giáo sư Tương Lai là đúng đắn và đúng thời điểm. Cụ nói : Quyết định chính trị là tùy theo quan điểm, nhận thức và hoàn cảnh của mỗi người. Tôi tôn trọng và tán thành quyết định của anh Tương Lai khi tuyên bố từ bỏ và đoạn tuyệt với Đảng Cộng Sản Việt Nam của Nguyễn Phú Trọng. Song tôi đặc biệt đánh giá cao việc anh ấy vẫn nguyện tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam…".
Một vị cựu đại sứ khác, nguyên ủy viên trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam viết trong email gửi giáo sư Tương Lai, xin trích : ‘Tôi xúc động không thể không viết ngay mấy dòng vắn tắt gửi giáo sư để bày tỏ sự đồng tình hoàn toàn của tôi đối với những điều Giáo sư trình bày trong 2 văn bản này (tức Tuyên bố ra Đảng và Bản tường trình của giáo sư Tương Lai viết gửi Đảng ủy Phường Tân Phong, Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) và sự ngưỡng mộ của tôi đối với giáo sư, người chiến sỹ cộng sản, người trí thức, người công dân chân chính và tài năng !".
Tương tự, nhà báo Lê Phú Khải cũng bầy tỏ sự đồng tình :
"...những người thiết tha bảo vệ đất nước, thiết tha muốn dân chủ hóa đất nước, trong đó có tôi, đã vui mừng đón nhận giáo sư Tương Lai. Xã hội bao giờ cũng phát triển theo quy luật tiệm tiến, đột phá chỉ là bất ngờ…".
Quan niệm "tuần tự nhi tiến" của nhà báo Lê Phú Khải, cũng như quyết định "tiếp tục chiến đấu với tư cách đảng viên Đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh" của giáo sư Tương Lai – buồn thay – không được những người thuộc thế hệ kế tiếp nhiệt tình chia sẻ. Xin ghi lại ý kiến tiêu biểu của vài vị, theo thứ tự (abc) alphabétique :
- Phạm Chí Dũng : "Tôi tôn trọng quan điểm của giáo sư Tương Lai, nhưng tôi thấy khó chia sẻ suy nghĩ trở về đảng Hồ Chí Minh của ông".
- Phạm Thanh Nghiên : "Chẳng có đảng nào là đảng ‘của ông Hồ’ hay ‘của ông Trọng’ đâu ông Tương Lai ạ. Nó đích thị chỉ là một, tên gọi của nó là đảng cộng sản Việt Nam, thủ phạm gây ra mọi tội ác với nhân dân Việt Nam trong suốt mấy chục năm kể từ ngày ra đời 3/2/1930 đến nay. Hồ, Duẩn, Linh, Mười, Mạnh, Trọng... chỉ là những kẻ luân phiên nhau cầm đầu cái đảng ấy để làm khổ người dân Việt Nam thôi ông ạ".
- Phạm Hồng Sơn : "Ai là người có thẩm quyền chính trị cao nhất đã để cho đất tư từ hàng ngàn năm biến hết thành đất ‘sở hữu toàn dân’, đã tiến hành cuộc ‘cách mạng long trời lở đất’ ở nông thôn cách đây hơn nửa thế kỷ mà vẫn khiến lòng người hôm nay bấn loạn, hãi hùng, rồi cũng chính người ấy lại đưa tay chấm nước mắt tiếc thương nhưng vẫn giữ trọn ngai vàng cho tới lúc chết ?
Ai là người vừa là Chủ tịch nước kiêm Chủ tịch đảng cầm quyền trong lúc ông Thủ tướng Phạm Văn Đồng hạ bút ký một công hàm công nhận lãnh hải Trung Quốc bao phủ cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa ? Chắc chắn 54 năm chưa phải là thời gian quá lâu để mọi người quên mất người đó là Hồ Chí Minh...
Cái đau xót và đau buồn chính là việc những người bị trị, những người đang mất tự do, bị áp bức, những người không muốn đi theo cái ác lại vẫn quì lạy, sùng kính một con người đã đưa họ từ những xiềng xích thô kệch, rỉ sét sang những gông xiềng êm ả, tinh vi, bền chắc hơn, đã khai sinh ra một chế độ suy đồi mà họ đang ta thán, đã là một ông trùm của các thủ đoạn dân chủ giả hiệu vẫn được duy trì cho tới hôm nay, đã là một chuyên gia về các kỹ thuật mị dân lão luyện tới mức khiến cho cả một dân tộc đa phần vẫn cứ an tâm, ngáo ngác, trông đợi tự do trong gông cùm và thờ kính chính kẻ đã quàng vào họ bộ gông cùm mới".
- Vũ Quang Thuận : "Thằng đó nó khốn nạn lắm. Nó lừa dân mình. Dân mình ngu si không biết lại còn tung hô, dựng nó lên thành thánh".
Ông bà chúng ta thường nói : "Khôn đâu đến trẻ khoẻ đâu đến già". Câu nói này, nghe lại vào ngày hôm nay, e chỉ còn đúng được (cỡ) chừng phân nửa. Bởi thế, và nghĩ cho cùng, khoảng cách trong lòng người Việt hôm nay – không chừng – lại là một điều may. May là lớp sóng sau đã đè lớp sóng trước.
"Nhưng nói gì thì nói tôi vẫn cảm phục lòng nhiệt huyết, thái độ thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm với non sông đất nước của Giáo sư Tương Lai". Tôi lại vừa nghe nhà thơ Nguyễn Tường Thụy nói thế, và cũng đồng ý như vậy.
Tôi sinh cùng năm với ông Thụy. Nói một cách hơi kiểu cọ thì chúng tôi là những kẻ thuộc thế hệ bắc cầu, với hy vọng (mỏng manh) làm được cầu nối để cho hai lớp người – trước/sau – dễ gần gụi và thông cảm với nhau hơn. Đất nước đang đối diện với cả nạn ngoại xâm lẫn nội xâm. Đoàn kết là điều tối cần thiết.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 13/09/2017 (tuongnangtien's blog)