Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hitler believed that the Third Reich would endure a thousand years. It lasted a dozen.

Alan Bullock

canbinh1

Hoàng đế Tập dưới bóng Hitler - Ảnh minh họa (danlambao)

Cuối năm rồi FB Bùi Năng Phán đã gửi đến cộng đồng mạng một mẩu tin ("Dùng dao ‘made in China’ đi ăn cướp, bị nạn nhân bẻ gãy làm đôi") ngăn ngắn :

Bản tin South China Morning Post hôm qua nói rằng : Một người đàn ông tên Lu, hôm Thứ năm (23/11) đã xông vào căn chung cư một phụ nữ độc thân ở Tô châu. Người đàn ông này rút dao đe dọa người phụ nữ và ra lệnh cho bà ta phải vào phòng ngủ để lấy tiền.

Nhân lúc kẻ cướp sơ hở, người phụ nữ kia bất ngờ chụp lấy lưỡi dao, khiến con dao gẫy làm đôi trong lúc giằng co, kẻ cướp chỉ còn cái cán dao nên người phụ nữ chạy thoát ra khỏi phòng hô hoán, tên cướp bỏ chạy nhưng đã bị Công an bắt ngay sau đó vì nhận diện được qua hình ảnh video.

Cũng như cựu Đại tướng Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh, tôi vốn rất "tâm tư" về tính bài Hoa thái quá của người dân Việt nên hơi nghi ngại về độ khả tín (và khả xác) của bản tin thượng dẫn. Vào trang web của South China Morning Post coi thử thì thấy là vụ này hoàn toàn có thiệt (Chinese would-be robber’s knife snaps in two after woman he targeted grabs hold of blade... Man forced to flee empty-handed when cheap knife broke off at handle) chớ không phải là chuyện bịa đặt để nói xấu sản phẩm của Tầu.

Có lẽ vì là kẻ "ở trong chăn" nên người phụ nữ Trung Hoa không ngại chụp lấy con dao của kẻ cướp vì biết chắc rằng dao kiếm chế tạo ở nước mình không thể dùng làm hung khí. Nó đã không đâm chém được ai mà còn gẫy (hai) ngay khi đụng chuyện. Vậy mà ông Chủ tịch nước Tập Cận Bình vẫn hươ dao, hươ kiếm doạ dẫm thiên hạ ở Biển Đông - theo như tường thuật của VOA :

"Những hình ảnh vệ tinh được công bố trong thời gian gần đây cho thấy Trung Quốc đã triển khai súng phòng không và các hệ thống phòng thủ phi đạn trên các đảo mà nước này chiếm đóng ở Biển Đông, trong khi ngày càng nhiều tàu ngầm của Trung Quốc được điều động tới vùng biển phía nam nước này".

Nói đến hải chiến, và lực lượng hải quân Trung Quốc mà không thêm đôi lời về tầu sân bay Liêu Ninh thì (e) có phần thiếu sót. Bởi vậy, xin được ghi thêm một đoạn tin ngắn nữa - cũng của VOA - trước đó không lâu :

"Từ tháng rồi, cuộc diễn tập của các tàu chiến cùng với hàng không mẫu hạm duy nhất của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng quan ngại, đặc biệt khi sự kiện này diễn ra tại thời điểm căng thẳng đang tăng cao giữa Trung Quốc và Đài Loan, hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Vài ngày sau khi các giới chức Đài Loan loan tin về cuộc diễn tập diễn ra cách bờ biển phía nam của hòn đảo này có 166 km... Bộ trưởng quốc phòng Đài Loan sau đó cảnh báo rằng mối đe dọa từ kẻ thù đang gia tăng từng ngày".

Thoạt nghe cứ như là Biển Đông sắp dậy sóng tới nơi nhưng lắng nghe thì tôi chỉ cảm thấy hơi có chút "lăn tăn" ở trong lòng. Coi :

Ngày 12 tháng 7 năm 1941, sáu hàng không mẫu hạm và gần bốn trăm chiến đấu cơ của Nhật Bản đã làm rung chuyển bầu trời Trân Châu Cảng. Vậy mà tới 76 năm sau, hôm 2 tháng 1 năm 2017 - theo RFI - mới có vài cái J-15 đang "tập" cất cánh và hạ cánh trên một cái tầu sân bay (vỏ mua lại từ hàng đồng nát) của Trung Quốc thì chiến tranh nào mà có thể xẩy ra, ngoài cuộc chiến (bằng mồm) của Tập Cận Bình ?

Mà hiện tại thì Biển Đông không chỉ có Nhật, Mỹ, Anh, Pháp, Đài Loan, Nam Dương... mà còn thêm Ấn Độ và Úc nữa. Nếu đụng chuyện thì lực lượng hải quân của Trung Quốc sẽ tiêu tùng trong giây lát, cũng sẽ "gẫy" liền, y như con dao (chưa dùng đã hỏng) sản xuất ở đất nước này thôi. Mọi thứ "ma dze in China" nếu không là hàng nhái thì cũng thường chỉ là đồ dởm, kể cả hàng không mẫu hạm !

Tôi không tin rằng Tập Cận Bình, thực sự, muốn ý cổ súy chiến tranh. Ông Tổng Bí Thư kiêm Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương chỉ chơi trò sơn đông mãi võ nhằm thoả mãn cái mặc cảm tự tôn đại Hán của dân tộc Trung Hoa, với dụng tâm dọn đường cho việc sửa đổi hiến pháp, để được nắm quyền cho tới mãn đời thôi. Về sự kiện này, luật sư Lê Luân nhận xét :

"Cũng giống như Hitler, ông ta thông qua Đảng Quốc Xã leo dần lên vị trí lãnh đạo tối cao, sau đó dùng quyền lực và những thủ đoạn man rợ nhất để biến quốc hội trở thành sân chơi của riêng Hitler, sau đó cải chính Hiến pháp, ban hành đạo luật mới mà trao mọi quyền lực về cho Hitler toàn quyền lũng đoạn. Và nó hình thành nên chủ nghĩa phát xít gây ra cuộc chiến tranh thế giới ác nghiệt và đầy chết chóc vào giữa thế kỷ trước".

Thủ thuật "leo dần lên vị trí lãnh đạo tối cao" thì quả là có "giống" thật nhưng khả năng "gây ra cuộc chiến tranh thế giới" thì... còn khuya. Trong thế chiến thứ II, Đức Quốc có đồng minh là Nhật Bản với khả năng nuốt trọn cả Á Châu để Hitler rảnh tay làm thịt Âu Châu. Còn hiện tại thì Tập Cận Bình có ai ngoài... Cambodia !

canbinh2

Ảnh : freekwonpyong

Tôi cũng nghe "đồn" rằng ngân sách quân sự của Trung Quốc lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau mỗi Hoa Kỳ.

Bộ thiệt vậy sao ?

Đây là tường trình của Reuters đọc được vào 4 tháng 3 năm 2016 :

Defence spending last year was budgeted to rise 10.1 percent to 886.9 billion yuan ($135.39 billion), which still only represents about a quarter of that of the United States. The U.S. Defense Department budget for 2016 is $573 billion.

Tuy có tăng 10,1 phần trăm nhưng không nhằm nhò gì ráo, chỉ bằng khoảng một phần tư số tiền của Mỹ vào cùng thời điểm. Đã ít mà phần lớn lại phải chi cho việc trị an, nghĩa là để "đối phó" với... dân, chứ không phải để lo chuyện quốc phòng.

Sở dĩ ngân qũi phải ưu tiên cho việc đối nội vì thù trong mới thực sự đáng sợ, chớ không phải giặc ngoài. Đại đa số dân Tầu tuy đã đủ ăn nhưng vẫn không được nói, cũng chả có nước sạch để uống và không khí trong lành để thở. Số còn lại thì có đủ thứ ưu tiên và đặc quyền nhưng lại chả thiết tha gì đến vận mệnh quốc gia, lúc nào cũng chỉ chờ có cơ hội là ôm tiền bỏ chạy. Đó là chưa kể những thùng thuốc súng (có tên là Pháp Luân Công, Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ...) đang chỉ chờ mồi lửa. Với "hậu phương lớn" như thế mà gây chiến là đồng nghĩa với... tự sát !

Tư cách của Tập Cận Bình cũng khác xa với Hitler. Tôi đã xem nhiều thước phim tài liệu chiếu cảnh Quốc Trưởng Hitler vênh váo đi giữa rừng người, với tiếng hoan hô vang dội. Còn ông Chủ Tịch Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa Vỹ Đại thì sao ?

Tôi, tình cờ, cũng có mặt ở Hương Cảng vào lúc Tập Cận Bình đến đây để dự lễ kỷ niệm Hai Mươi Năm Trao Trả Hồng Kông (Hong Kong Handover 20th Anniversary) vào ngày 1 tháng 7 năm 2017 nên được chứng kiến một cảnh tượng não lòng.

Hôm đó, trực thăng vần vũ đầy trời. Cảnh sát xuất hiện khắp nơi. Một phần ba lực lượng an ninh Hương Cảng - nghĩa là gần mười ngàn nhân viên công lực - được huy động để bảo vệ an toàn cho Tập Cận Bình trong khi dân tràn xuống đường biểu tình hô hào đòi hỏi quyền tự quyết, phổ thông đầu phiếu, phóng thích nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba.

Vợ chồng họ Tập bước xuống máy bay cùng với một lực lượng an ninh vô cùng đông đảo và hùng hậu - dù phi trường vắng hoe, chỉ có loe ngoe chừng hai mươi em bé (đội nón đỏ) đứng lất phất mấy lá cờ của Hồng Kông. Dân chúng, kể cả báo giới, bị ngăn chận từ xa.

canbinh3

Ảnh : South China Morning Post (Sunday, 09 July, 2017)

Với "đởm lược" cỡ này mà Tập Cận Bình trở thành người nắm quyền duy nhất ở Trung Hoa Lục Địa, và dẫn dắt toàn dân đi ngược lại với xu thế chung của nhân loại (và thời đại) thì có rất nhiều hy vọng là thằng chả sẽ đưa cả nước Tầu xuống hố. Đây thực là chuyện đáng mừng. Không chỉ mừng cho hằng tỷ dân Trung Hoa mà còn cho dân Nội Mông, Tân Cương, Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ, Miên, Miến, Lào... và cả dân Việt nữa.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 21/03/20148 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 14 mars 2018 23:41

Dư âm một chuyến ghé chơi

Chỗ mạnh của Mỹ là vũ khí nguyên tử thì chúng không dùng được. Còn chỗ mạnh của ta là chiến tranh nhân dân thì Mỹ không có. Phát huy ưu thế này và những kinh nghiệm tích lũy được, chúng ta nhất định đánh thắng bất kỳ tên xâm lược nào, dù đó là đế quốc Mỹ

Lê Duẩn

leduan1

Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách

Sau khi di cư vào Nam, nhạc sĩ Thanh Bình đã viết "mấy hàng" gửi về quê cũ :

Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già hôm sớm lang thang

Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi…

Nhân vật đồng nghiệp và đồng thời với tác giả những lời ca thượng dẫn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm sự :

"Nhớ lại những năm sau 54, ‘Lá Thư Về Làng’ của Thanh Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam. Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn trong vùng đất mới, người ta càng xót xa thương nhớ về quê cũ".

Thực ra thì cái "vùng đất mới" cũng không được "yên ổn" gì cho lắm. Miền Nam, vào thời điểm đó, chỉ có được sự "yên ổn" tạm thời thôi. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã được khai sinh, từ bên kia vỹ tuyến, vào ngày ngày 20 tháng 12 năm 1960.

Cũng từ thời điểm này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam (ở Hà Nội) vẫn đều đặn gửi thư vào Nam. Khác với "Lá Thư Về Làng" chân tình và mộc mạc của Thanh Bình, Lê Duẩn chả hề gửi lời thăm hỏi đến bất cứ một cụ già hay bé thơ nào ráo.

Thư của ông đề ngày 7 tháng 2 năm 1961 ("Gửi Anh Mười Cúc và các đồng chí Nam Bộ") có những dòng sau :

Vừa qua, Bộ chính trị đã đề ra phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam. Để có sự nhất trí hơn nữa trong nhận định, tôi trình bày thêm với các đồng chí một số ý kiến...

Một điều cần khẳng định là cách mạng miền Nam không chỉ đối phó với chính quyền và quân đội của Diệm mà phải đối phó với cả đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Đông Nam Á...

Trong năm nay, Trung ương sẽ giúp xây dựng 12 tiểu đoàn cho cả Khu 5 và Nam Bộ. Các khung cán bộ sẽ do Trung ương đưa vào, còn chiến sĩ thì tuyển lựa tại chỗ. Riêng đối với Nam Bộ, ngoài này sẽ cung cấp đủ cán bộ cho 6 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn gồm cả cán bộ và chiến sĩ. Sắp tới, ta phải phát triển gấp đôi, tạo ra một bước chuyển đáng kể về lực lượng quân sự...

Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách : Thư vào Nam. Ấn bản năm 2015, của Nhà Xuất Bản Tổng Hợp, có đôi dòng giới thiệu vô cùng trang trọng :

Cuốn sách tập hợp những bức thư và điện của đồng chí Lê Duẩn (Anh Ba) gửi vào miền Nam khói lửa trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Toàn bộ cuốn sách cho thấy đồng chí Lê Duẩn qua thực tiễn chỉ đạo các chiến trường, từ nhận định tình hình đến chủ trương, biện pháp đã phát triển hết sức phong phú cả hai mặt lý luận và thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.

"Thư vào Nam" là một cuốn sách quý, góp phần tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, là tư liệu lịch sử giá trị có thể áp dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.

Một trong "những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay" là sự có mặt của lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, và thái độ "háo hức đón chào hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của người dân Việt".

Về sự kiện này, trong mục điểm tin của trang Báo Tiếng Dân (đọc được vào hôm 5 tháng 3 năm 2018) có đôi đoạn như sau :

Mỹ đi rồi Mỹ lại về…

Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón người Mỹ vào Đà Nẵng, bây giờ đến lượt lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẵn sàng đón tàu sân bay Mỹ, theo báo Người Lao Động. Sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng cho biết : Các cấp lãnh đạo đã lên kế hoạch chi tiết từ hơn nửa năm trước để đón tàu sân bay đầu tiên của người Mỹ cập cảng Việt Nam.

Báo Zing đưa tin : Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ. Bộ Ngoại giao xác nhận : Đáp lại lời mời của Đại sứ quán Mỹ, đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã đến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong ngày 3 và 4/3/2018, "khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam".

Báo Giáo Dục Việt Nam có bài tổng hợp : Cụm tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, phản ứng và bình luận. Theo cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Kirby, Việt Nam muốn củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở Biển Đông.

Biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran cho rằng, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson còn có mục đích động viên các nước ASEAN rằng Washington sẽ không để Biển Đông rơi vào tay Bắc Kinh.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định : Nền ngoại giao "cân bằng động" sẽ sang trang. Theo Tiến sĩ Thắng, tình thế của nước Việt Nam hiện tại đã buộc các lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải "gác lại quá khứ" với người Mỹ và theo đuổi lộ trình ngoại giao "cân bằng động", nghĩa là cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của "bạn vàng" và củng cố quan hệ với Mỹ.

BBC đặt câu hỏi : Tại sao Việt Nam tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ ? Bài viết nêu quan điểm của nhà báo Bill Hayton về lộ trình ngoại giao "nước đôi" của quan chức cộng sản Việt Nam : Họ tiếp đón tàu sân bay Mỹ để "đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông", nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng "bạn vàng" và vẫn sẽ không tham gia các liên minh quân sự của người Mỹ....

leduan2

Ảnh : news.zing

Trong một cuộc họp báo vào chiều ngày 1 tháng 3 năm 2018, Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tuyên bố : "Tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam để góp phần duy trì hoà bình khu vực".

Báo Tiền Phong cho biết thêm : "Đà Nẵng và 6 tháng chuẩn bị đón tàu sân bay cùng 6.000 thuỷ thủ Mỹ". Thảo nào mà chuyến viếng thăm đã diễn tiến hết sức thuận lợi và vô cùng cảm động. Thiệt là công phu và qúi hoá hết biết luôn. Rồi ra, không chừng, thành phố Đà Nẵng còn (dám) cử đại diện ra tận Lăng Ba Đình để báo công dâng Bác nữa.

Tính từ bức thư vào Nam đầu tiên của Lê Duẩn, viết ngày 7 tháng 2 năm 1961 (để chỉ đạo cuộc chiến chống Mỹ cứu nước) cho đến khi hàng không mẫu hạm USS Carl Winson đến thả neo trong vịnh Đà Nẵng để "góp phần duy trì hoà bình khu vực" là đúng 67 năm ròng. Phải mất hơn 2/3 thế kỷ người cộng sản Việt Nam mới "ngộ" ra được ai là kẻ có "dã tâm xâm lược" và "gây ra chiến tranh trong khu vực !".

Sự chậm lụt (hay chậm hiểu) của họ đã làm hao tổn xương máu của hằng chục triệu lương dân, và dìm cả đất nước xuống hố sâu của sự khốn cùng như hiện cảnh. Tuy thế, vẫn chưa có giấu hiệu gì cho thấy là giới quan chức của Hà Nội đã thức tỉnh và sẽ thôi "khúm núm" trước mặt kẻ thù.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 14/03/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 08 mars 2018 09:57

Cây bắp & Cây cột điện

Tôi đi lòng vòng mấy nước Á Châu nhưng không đâu mà cảm thấy gần gũi như ở Indonesia. Đất nước này nghèo quá. Dân chúng, phần lớn, cũng lam lũ và khốn khó y như dân Việt vậy. Đã vậy, khí hậu (đôi nơi) cũng dịu dàng như Cao Nguyên Lâm Viên khiến cho tôi (đôi lúc) cứ ngỡ là đã được trở lại quê nhà.

cot1

Rảnh, từ Jakarta, tôi mua vé xe hỏa đi Bangdung (thủ phủ của đảo Java) vì nghe nói nơi đây trà và cà phê nhiều lắm. Rời khỏi thủ đô chừng 100 km thì đoàn tầu bắt đầu chầm chậm leo đèo. Cao độ của Bandung hẳn cũng ngang tầm với Bảo Lộc nên vùng đất này trông không khác chi B’lao và Djiring ở xứ mình.

Qua khung cửa kính lòe nhòe (bởi những hạt mưa bụi li ti) tôi nhìn thấy lại những dàn xu xu xanh ngắt, những bụi hoa quì vàng, rồi những vườn cà phê nở hoa trắng xóa, và những luống trà trên mấy sườn đồi ở xa xa. Dưới lòng thung, cạnh dòng suối con uốn khúc, là nương mì hay ruộng bắp vừa mới trổ cờ. Ngó mà muốn ứa nước mắt !

cot2

Bangdung. Ảnh chụp năm 2018

Tuy là người gốc miền xuôi nhưng tôi rất thân thiết với ngô khoai, và nương rẫy. Tôi biết cách trồng tỉa, cũng như cách chăm sóc, cả mì lẫn bắp là nhờ vào những ngày tháng học tập cải tạo lao động ở Công Trường 75 (Di Linh) và ở trại Tân Rai – Bảo Lộc.

Chúng tôi được dậy tỉa bắp lần đầu, vào năm 1976, và đây là một bài học đắt giá nhớ đời. Mỗi thằng được phát cho một cái thau con đầy hạt, với chỉ tiêu rất thoáng : làm rồi là được về trại nghỉ. Thoạt nghe ai cũng hí hửng vì công việc nhẹ nhàng thấy rõ. Cứ cách chừng nửa thước thì bỏ ba hạt xuống lỗ, rồi lấy chân khỏa đất lại là xong.

Tưởng vậy nhưng không phải vậy. Mãi cho đến giờ ăn trưa mà thau bắp của mọi người đều chưa vơi phân nửa. Chiều nắng gắt, mồ hôi nhễ nhại, lưng lom khom mãi mỏi nhừ nên thay vì bỏ vài ba hạt – như đã được chỉ dẫn – chúng tôi "chơi" luôn cả nhúm cho nó chóng xong.

Chỉ sau một hai trận mưa đầu mùa là hậu quả thấy liền ! Nhiều chỗ trên ruộng bắp mọc chi chít cả mấy chục hạt mầm xanh ngắt. Thế là họp hành, kiểm điểm liên miên. Kết luận : chúng tôi bị qui tội rất nặng nề là... phá hoại kinh tế nhà nước nhưng hình phạt thì không đến nỗi nào, chỉ dơ cao đánh khẽ thôi : rút tiêu chuẩn lương thực từ 15 ký (9 gạo, 6 khoai) xuống còn 10 (7 gạo, 3 khoai) trong vòng hai tháng.

Thực ra thì đây chỉ là tiêu chuẩn lương thực trên giấy mực, chứ chả cần phạt vạ gì ráo thì thủ trưởng, thủ kho và các anh nuôi của đơn vị bộ đội coi tù cũng đã "rút" bớt phần ăn của chúng tôi ngay từ ngày mới vào trại cơ. Nay, họ có lý do chính đáng để "rút" thêm chút nữa thì cũng... chịu thôi !

Đã qua gần cả năm tù nên cơ thể chúng tôi cũng quen dần với cái đói rồi. Vả lại, với thời gian khả năng "cải thiện" của chúng tôi cũng đã tăng tiến rất đáng kể và đáng nể (hễ thấy con gì nhúc nhích là ăn liền) nên cách trừng phạt này – xem ra – cũng không không có gì đáng để phải phàn nàn.

Tuy thế, tự thâm tâm chúng tôi đều cảm thấy áy náy và xấu hổ vì đã đánh mất sự tự trọng (trong khoảnh khắc) nên cứ phải hối tiếc mãi về cung cách làm việc vô trách nhiệm của mình. Khi nhìn lại vấn đề, đôi khi, tôi cũng tự biện minh bằng cách đổ thừa cho hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt.

Số lượng thực phẩm dành cho tù nhân ít quá, không đủ để tái tạo sức lao động hằng ngày. Đã thế, yêu cầu của ban chỉ huy trại bao giờ cũng đòi hỏi phải vượt chỉ tiêu nên tù binh buộc phải gian dối để sống còn thôi.

May mà "thời gian là thuốc tiên" nên những kỷ niệm buồn ở trại cải tạo rồi đều nhạt phai dần theo năm tháng. Tôi gần quên được chuyện "tỉa bắp hằng nắm" thì tuần rồi lại tình cờ nhìn thấy hình một cây cột điện mọc lá tre xum xuê (trên trang một trang fb) cùng với nhiều lời mỉa mai hay đàm tiếu. Tôi đọc mà không khỏi trạnh lòng nhớ đến cảnh mấy chục mầm bắp xanh um, mọc trên một nhúm đất chỉ độ nửa gang tay, do chính tay mình gieo trồng mấy mươi năm về trước.

Chuyện trồng cột điện ở đất nước tôi bây giờ cũng không khác thế. Cũng làm lấy rồi nên cứ sau một cơn bão là có hàng ngàn cái gẫy lìa, hoặc bị đổ nhào. Loại cột xi măng cốt tre này vẫn thường được dùng để chống đỡ những cây cầu (chưa khánh thành đã nứt, hay vừa xây xong đã hỏng) ở Việt Nam. Cũng chỉ ở xứ sở này, và nước bạn Trung Hoa láng giềng, mới có chuyện trường học sập sàn (hay sập lan can) khiến vô số học sinh tử nạn.

cot3

Ảnh : SGGP

Ngày trước – nơi những trại tù heo hút – lũ tù binh khốn khổ chúng tôi vì đói ăn rách mặc nên đã làm việc với một tinh thần hoàn toàn tắc trách, và vô cùng đáng trách. Còn bây giờ thì biết giải thích sao về cung cách vô trách nhiệm tương tự của giới công nhân viên hay cán bộ của nhà nước Việt Nam ?

Qua một bài báo ngắn ("Một Việt Nam Như Bây Giờ Thì Mất Nước Cũng Đáng") trên trang Tiếng Dân, tác giả Đoàn Phú Hoà có nhận xét như sau :

"Các sĩ quan cao cấp trong quân đội chỉ chăm chăm lo chuyện làm giàu mà sổ toẹt đến nhiệm vụ được giao phó. Các quan chức nhà nước đang ngày đêm tìm mọi cách kiếm tiền, thật nhiều tiền để bù lại cho những khoản tiền khổng lồ mà họ đã phải bỏ ra để mua được cái vị trí đang ngồi. Không những thế chúng phải có lãi, thật nhiều lãi để tính chuyện chuyển tiền ra nước ngoài, mua bất động sản ở nước ngoài để qua đó sống sau khi đã hạ cánh an toàn".

Nếu đúng thế thì đất nước Việt Nam hiện nay có khác chi là một nhà tù vỹ đại và mọi công dân đều sống với tâm trạng của một tù nhân ? Có tù nhân nào mà "thiết tha" đến chuyện mất còn của cái trại giam ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 07/03/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 01 mars 2018 14:30

Hơi thở kiều bào

Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào…

Nguyễn Xuân Phúc

Đảng tắt thở thì cuộc đời mới thở.

Nguyễn Chí Thiện

Cambodia có nhiều nơi mà tên gọi bắt đầu bằng từ ngữ kampong : Kampong Thon, Kampong Speu, Kampong Cham, Kampong Chhnan... Tôi xem bản đồ thì thấy là những địa danh này đều nằm ở ven sông, rồi hỏi ra mới biết rằng kampong (trong ngôn ngữ Khmer) có nghĩa là bến bãi. Cũng tựa như người Việt gọi Bến Thành hay Bến Ngự vì cả hai ngôi chợ này đều nằm cạnh bờ sông.

hoi1

Tưởng Năng Tiến trên một đường phố Cambodia

Tôi ghé Kampong Chhnan nhiều lần nhưng mãi đến hôm rồi mới biết là nơi đây có một xóm nhỏ tên thuần Việt là Bến Ván. Cũng như tất cả những bờ bến khác, Bến Ván nằm sát mé sông (sông Tonlê Sap) cách Phnom Penh chừng 70 km về hướng Bắc. Cứ đi theo quốc lộ 5 – đến ngay cột cây số 66 – sẽ thấy bên phải có ngã rẽ vào một hương lộ nhỏ, vắng tanh.

Xe tiếp tục chạy tung bụi đỏ mịt mù khiến tôi có cảm tưởng là mình sẽ đi vào một ... cõi hư vô nào đó nhưng chả bao lâu thì chợt thấy lờ mờ phía trước là một đám đông. Hóa ra là một cái chợ lộ thiên. Có lẽ vì không mấy khi có một chiếc xe bốn bánh lạc lõng tới đây nên lòng đường bị bạn hàng lấm chiếm đến hơn phân nửa. Phải bóp còi inh ỏi không ngừng mới vượt qua thêm được một đoạn đường chỉ chừng hai hay ba trăm mét.

Sau chợ đến chùa, nếu có thể gọi một gian nhà sàn với vài ba tượng phật là một ngôi chùa – chùa Bến Ván. Kề cạnh là một gian khác (nhỏ nhắn hơn) tứ bề cũng trống huơ trống huếch. Bên trong có kê mấy cái bàn thô ráp, hơi dài, được giới thiệu là trường học – trường Bến Ván.

hoi2

Chùa & Trường Bến Ván. Ảnh chụp năm 2018

Thầy trụ trì tuy chưa bước vào ngưỡng cửa tứ tuần nhưng tóc đã lốm đốm bạc rồi. Cử chỉ và ngôn từ của ông đều vô cùng điềm đạm :

- Sư đệ mất gần mười năm nhưng mới thực hiện được có bi nhiêu đó thôi à.

- Bộ Phật tử không cúng dường gì hết trơn, hết trọi sao ?

Nhà sư chỉ tay xuống mấy chụp túp lều lụp xụp, bồng bềnh dưới mé sông, với ít nhiều ái ngại :

- Đồng bào mình ở đây nghèo lắm, và đều là dân chài hết nên kêu gọi họ đóng góp chả khác nào khuyến khích sát sanh nên sư đệ sợ mang tội.

- Còn Hội Việt Kiều có giúp đỡ gì mình không sư ?

Tôi hỏi theo thói quen nghề nghiệp chớ cũng đã đoán trước được câu trả lời :

- "Không dám giúp đỡ" đâu. Họ không sách nhiễu là mừng muốn chết rồi. May nhờ mấy ông xã ấp người Miên họ thương và bênh vực dữ lắm lắm nên bây giờ mới được yên như vậy đó, chớ mấy năm trước hội cứ cho người tới kiếm chuyện rầy rà hoài hà !

Tôi niệm thầm ("Nam mô A di đà Phật") thay cho một tiếng thở dài, cố nén :

- Thiệt ra thì ở đâu có hội này là chỗ đó phải có chuyện thôi, sư ơi.

Tôi nói hết sức nhỏ nhẹ, và cũng rất thực lòng, như một lời an ủi gửi đến một vị tu sĩ trẻ đang bơ vơ hoằng pháp giữa quê người đất khách. Dù chỉ loanh quanh ở Biển Hồ vài ba năm nay thôi nhưng thái độ, cũng như cung cách làm việc của nhân viên Đại sứ quán Việt Nam (và Hội Việt Kiều) ở cái Xứ Chùa Tháp này thì tôi... rành lắm. Tôi "đụng chuyện" với họ hoài mà.

Lẽ ra tui cũng không thèm nói đâu nhưng mới rồi nghe ông Nguyễn Xuân Phúc lên giọng giả nhân/giả ngãi ("Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào, đặc biệt lắng nghe những nguyện vọng, những ý kiến đóng góp quý báu của bà con dành cho đất nước ...) nên cũng xin có đôi lời xin thưa cùng "tổ quốc" cho nó tỏ tường.

Là thành viên của một hội thiện nguyện (Hiệp hội Vì dân - Vidan Foundation) tôi được cử đến làm việc ở trường làng Kandal – cũng thuộc Kampong Chhnan, cách Bến Ván cỡ 70 cây số về hướng Bắc – do Hội đồng hương Perth Tây Úc (cùng với sự bảo trợ của 2VNR Radio) khởi công xây cất từ năm 2010.

Khi tới nơi, vào cuối năm 2014, tôi mới biết rằng ngôi trường khang trang này không có nước cũng không có điện luôn. Loay hoay mãi mới bắt được nước, câu được điện, để có thể sử dụng được nhà vệ sinh, và gắn đèn với quạt cho ba lớp học. Trước khi rời khỏi đây, tôi cũng xin được Hiệp hội cho phép gửi lại một số tiền tráng xi măng nền trường, vốn bằng đất nện, để biến nó thành sân chơi cho học sinh (vào mùa nước cạn) và hẹn sẽ quay lại trước Hè.

Về chưa được nửa đường, mới tới sân bay Taoyuan (Đài Loan) đã nghe có chuyện phiền hà : Hội Việt Kiều cho người tới điều tra coi nguồn tiền ở đâu ra mà bắt nước, kéo điện, lắp đèn, lắp quạt tùm lum thứ vậy ? Có biết tên tuổi, lý lịch của người tài trợ không ? Họ còn đòi kiểm soát sách giáo khoa, sợ dậy sai đường lối chính sách, dù trường làng Kandal chỉ dậy tới lớp ba thôi !

Qua năm 2015 - 2016, tôi được cử đi làm việc với mấy trường học có dậy tiếng Việt ở Neak Loeung (tên Việt là Hố Lương) một thành phố nhỏ giáp biên Miên/Việt, cách thủ đô Nam Vang 65 km về hướng Đông-Nam.

Thì cũng gọi là trường vì quen miệng chứ thực ra thì đây là những lớp học tuyềnh toàng, tạm bợ. Tuy học phí mỗi ngày chỉ là 500 riels tiền Miên (cỡ 12 cents USD) nhưng số học sinh hiện diện vẫn rất thất thường vì còn tùy thuộc vào khả năng (chạy ăn từng bữa) của cả gia đình.

hoi3

Trường Hố Lương. Ảnh chụp năm 2016

Với khả năng tài chính (rất giới hạn) của Hiệp hội, chúng tôi chỉ có thể thực hiện được những trợ giúp vô cùng nhỏ nhặt : tặng sách bút chỗ này, thêm bàn ghế chỗ kia, cơi nới chỗ nọ cho thêm rộng, và mọi trường đều được tài trợ để cả thầy lẫn trò yên tâm hơn... trên con đường học vấn !

Chỉ vậy thôi nhưng khi chúng tôi trở lại lần thứ hai là có chuyện liền. Đang ngồi ăn trưa tại nhà của một người dân địa phương thì mấy cái xe Honda đã lạng tới lạng lui trước cửa, với mấy khuôn mặt rất cô hồn cùng ánh mắt vô cùng soi mói.

- Đám công an bên Hồng Ngự đó. Sao mà họ biết tin lẹ quá vậy Trời !

Chủ nhà nói như than. Ngay sau đó thì điện thoại kêu. Không rõ nội dung cuộc điện đàm ra sao, chỉ nghe khổ chủ cuống quýt vâng dạ liên hồi. Xong, ông nhỏ giọng phân trần :

- Nhân quyền không biết ở tận đâu, chớ chính quyền thì gần lắm. Dù nằm ở bên kia biên giới nhưng đồn công an Hồng Ngự chỉ cách nhà tui có vài chục cây số thôi hà !

Ngay lúc đó, tôi thực tình không tin rằng đám công an Việt Nam có thể lộng hành đến như vậy trên lãnh thổ của một nước láng giềng có chủ quyền. Chả qua vì dân Việt ở Cambodia hiền lành quá nên bị họ bắt nạt thôi. Nhưng đến giờ thì tôi biết rằng mình lầm lớn, và lầm lắm.

Ngày 17 tháng 2 năm 2018 vừa qua, nữ biên tập viên Zeitmagazin cho hay rằng mật vụ Việt Nam có thể sẽ vươn tay tới những người bất đồng chính kiến tại Đức. Hai hôm sau, tờ báo này cho biết thêm : "Ngay tại nước Đức người Việt Nam cũng không nên nói và viết lên sự thật – bằng không họ sẽ bị hăm dọa và tấn công".

Giữa thủ đô Đức Quốc mà đám đàn em của Đại sứ côn đồ Đoàn Xuân Hưng còn dám hăm he hai nhà báo Bùi Thanh Hiếu và Lê Trung Khoa "ăn tiết canh ngan" thì xá chi cái mạng (nhỏ xíu xiu) của một ông kiều bào vô danh, đang sống lây lất ngay sát cạnh ranh giới Việt/Miên.

hoi4

Kiều bào Việt ở Cambodia. Ảnh chụp năm 2017

Hung hãn như vậy đó nhưng khi "Campuchia tước quyền công dân 70.000 người gốc Việt" thì tất cả im re. Bản tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Cambodia còn không hề có được một dòng chữ nào về sự kiện vô đạo lý và pháp lý này. Trong lúc thiên hạ vô cùng hoang mang thì người phát ngôn của Bộ ngoại giao ta, bà Lê Thị Thu Hằng, "phát ra" một câu thúi quắc – y như tiếng rắm : 

Việt Nam và Campuchia có quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Cộng đồng người Campuchia gốc Việt sinh sống ở Campuchia đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Campuchia cũng như vun đắp quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Trên tinh thần đó, Việt Nam mong muốn Campuchia tiếp tục tạo điều kiện pháp lý thuận lợi và có biện pháp phù hợp để đảm bảo các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người Campuchia gốc Việt.

Sau bà Hằng lại đến ông Phúc : "Tổ quốc lắng nghe hơi thở của bà con kiều bào..".

Tôi lajy cả ông lẫn bà, đám dân trôi sông lạc chợ ở Cambodia đã khổ lắm rồi, cho họ xin hai chữ bình an đi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/03/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 21 février 2018 22:22

Câu hỏi đầu năm

Ông Lê Nin ở nước Nga
Mà em lại thấy rất là Việt Nam
Cũng vầng trán rộng thênh thang
Y như trán Bác mênh mang đất trời

Trần Đăng Khoa

cauhoi1

Những câu vè thượng dẫn xuất hiện vào cuối thập niên 60 (của thế kỷ trước) khi tác giả còn được vinh danh là thần đồng thơ, và là "người phát ngôn cho thế hệ trẻ em thời chiến". Thời chiến rồi qua. Thời gian, cũng như thời thế – tiếc thay – lại không đứng về phía ông Trần Đăng Khoa và ông Lê Nin nên (dần dà) từ vỉa hè Hà Nội lại phát sinh ra những câu đồng dao mới :

Ông Lê Nin ở nước Nga
Cớ sao lại đứng vườn hoa nước này
Ông vênh mặt, ông chỉ tay :
Tự do hạnh phúc chúng mày còn xa
Kìa xem gương của nước Nga
Bảy mươi năm lẻ có ra đếch gì !

Khi mà thành quả của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười chả "ra đếch gì" thì phần số cha đẻ của nó – tất nhiên – cũng phải rơi vào cảnh truân chuyên :

Ðang trên Quảng Trường Ðỏ ở Moscow, tôi chựng người lại khi bắt gặp một hình dáng người rất quen mà không thể nhớ liền được là ai ? Người đàn ông thấp người, mặc bộ đồ đại lễ, đầu đội chiếc mũ kếp pi – tất cả cùng màu đen, đút tay vào túi quần với khuôn mặt trầm tư…

Bắt gặp cái nhìn của du khách, ông liền nở nụ cười, giơ tay vẫy vẫy mời chào : Chụp hình kỷ niệm đi. Chỉ 100 rub thôi, hay 2 đô la Mỹ cũng được !"

Tôi vừa lắc đầu vừa phá lên cười vì nhận ra người "quen quen" ấy : Lenin. Hiển nhiên, chính xác hơn, là người đóng vai Lenin... Trong thời gian lang thang xung quanh điện Kremlin, tôi còn gặp mấy "Lenin" nữa, cũng đang mời chào du khách chụp hình...

Tôi bỗng nhớ lại thời điểm đứng ở Quảng Trường Ðỏ, vỗ vai nói với người đóng giả Lenin : "Nếu không có Lenin thật thì anh đã không phải làm Lenin giả để kiếm sống như vầy. Nước Nga xứng đáng nhiều lần hơn thế này. (Phương Đoàn – "Nước Nga ‘Gồng Mình’ Để Tồn Tại", Người Việt 12/23/2015).

Tác giả của đoạn văn thượng dẫn, xem chừng, không có mấy thiện cảm với Lê Nin (thật) và tôi e là ông hơi chủ quan khi đánh giá quá thấp về nhân vật này. Tuy Lê Nin phải lê la kiếm ăn ngay tại Moskova (và bị đập mẻ đầu, vỡ trán ở nhiều nơi khác) nhưng di sản của Cuộc Cách Mạng Tháng Mười vẫn còn được giới lãnh đạo Việt Nam vô cùng tôn trọng và sùng kính – theo như tin loan của báo Nhân Dân, số ra ngày 05 tháng 11 năm 2017 :

Sáng 5/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917–7/11/2017)... Đọc diễn văn kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh : Cách mạng Tháng Mười Nga đã "làm rung chuyển thế giới" phá tan một mảng lớn trong hệ thống chủ nghĩa tư bản, đế quốc, mở ra một thời đại mới trong lịch sử nhân loại.… đã sáng tạo ra một kỷ nguyên mới của nước Nga...

Thế nước Nga của "kỷ nguyên mới" hiện nay ra sao ?

Xin xem tiếp tường trình của nhà báo Phương Đoàn, từ Moskova :

Một điểm đặc biệt của chợ trời Nga là bày bán rất nhiều những gì thuộc về "tàn tích, tàn dư" thời Xô Viết. Chân dung các lãnh tụ cộng sản như Lenin, Karl Marx… nằm la liệt giữa những đống xoong nồi lủng củng, giữa đám đất lầm bụi… khiến người xem thoáng có những suy tưởng so sánh chua xót, mỉa mai và hài hước về lý tưởng cao xa và thực tế trần trụi. Những lá cờ nhung màu đỏ thêu chỉ vàng ca ngợi về những thành quả của Chủ Nghĩa Xã Hội với những câu khẩu hiệu đanh thép, tự tin về sự bất diệt của Marx-Lenin… giờ nằm lăn lóc trên các tấm ni lông sơ sài đặt trên mặt đất. Một quá khứ đầy hoang tưởng.

cauhoi2

Lê Nin giữa chợ trời cùng xoong chảo. Ảnh : Phương Ðoàn

Thảo nào mà giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam hay bị mắng mỏ là cái đám chuyên... "ăn mày dĩ vãng !". Khi mà tương lai rất mịt mờ, và hiện tại đang vô cùng rất bấp bênh thì xoay ra đi ăn mày dĩ vãng – theo thiển kiến – cũng là một cách mưu sinh có thể thông hiểu và thông cảm được.

Chỉ có điều đáng nói là họ đã đi quá xa khi giong cờ, nổi trống, linh đình kỷ niệm chiến thắng 50 năm tổng tiến công xuân Mậu Thân, vào ngày 31 tháng 1 năm 2018 vừa qua. Cái thói quen "ăn mày" khiến họ có khả năng "ăn mừng" ngay giữa lúc quốc tang.

- Hoàng Phủ Ngọc Tường : Với tư cách là một đứa con của Huế, đã ra đi và trở về, ấy là nỗi thống thiết tận đáy lòng mỗi khi tôi nghĩ về những tang tóc thê thảm mà nhiều gia đình người Huế đã phải gánh chịu, do hành động giết oan của quân nổi dậy trên mặt trận Huế năm Mậu Thân. Đó là một sai lầm không thể nào biện bác được, nhìn từ lương tâm dân tộc, và nhìn trên quan điểm chiến tranh cách mạng.

- Mạnh Kim : Mậu Thân là chiến trường khốn nạn nhất trong cuộc chiến Việt Nam.

- Chế Lan Viên : Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng / Chỉ một đêm, còn sống có 30.

- Song Chi : Việc ăn mừng sự kiện Mậu Thân chứng tỏ đảng cộng sản hoàn toàn không thay đổi từ nhận thức đến thái độ, hành động và hoàn toàn "thất nhân tâm" đối với đại đa số người dân Việt ở cả hai miền, trong và ngoài nước.

Lê Công Định : Tôi thấy thật sự là vô lương tâm và không thể hiện lương tri của con người bình thường, cho thấy họ không hoàn toàn có một ý định nào gọi là hòa giải và hòa hợp dân tộc cả.

Phạm Trần : Ăn Tết bằng xương máu Mậu Thân thì hòa giải, hòa hợp với ai ?

Ngô Nhân Dụng : Tổ chức kỷ niệm Tết Mậu Thân là Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản đã thách thức người dân Việt khắp nước !

cauhoi3

Sau thách thức Mậu Thân lại đến thách thức xây nghĩa trang ngàn tỷ. Trang BBC nhận định là nhà đương cuộc Hà Nội đã khiến cho… dư luận dậy sóng :

Nguyễn Thị Hậu : Sao lo cho người sẽ chết "an nghỉ" mà lại làm người sống không thể "an cư" ?

Trương Huy San : Một chính thể giành được chính quyền bởi những người theo ý tưởng "thế giới đại đồng", không lẽ, từ tem phiếu đến "nơi an nghỉ" đều phân chia đẳng cấp.

Trương Duy NhấtKhốn nạn hơn vạn lần khốn nạn ở chỗ : Nó qui hoạch cho cả vợ/chồng, khi chết cũng được vào đây, bất kể vợ/chồng họ là ai làm gì. Nhiều người chưa chết, đã nghe thiên hạ đào mồ cuốc mả rồi.

Nhân Thế Hoàng : Tiền thuế của dân mà nó làm như của cha của mẹ nó để lại, muốn xài sao thì xài.

Dư luận, trong cũng như ngoài nước, cứ tha hồ mà dậy sóng. Sóng gió trong những tách nước trà nào có ảnh hưởng chi đâu. Giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam (chắc chắn) sẽ còn tạo ra nhiều thách thức ngang ngược, và bạo ngược khác nữa, trong những ngày tháng tới - như họ đã từng làm từ hơn hai phần ba thế kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là dân tộc này sẽ còn cam chịu để cứ bị tiếp tục "thách thức" thêm bao lâu nữa ?

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 21/02/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Một trẻ thơ chân đất áo rách ở Sơn La hỏi gã : một tỷ là bao nhiêu hả chú. Gã đáp là một cái trường học đàng hoàng, là một cái cầu tử tế bắc qua suối cho cháu không phải đu dây.

Lưu Trọng Văn

caigong1

Có một cây cầu đá bắc qua một con rạch nhỏ trên sông Đồng Nai (đoạn chảy qua phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) mà dân gian gọi là cầu Thủ Huồng. Ảnh: internet

Năm 17 tuổi, đang khi học thi tú tài, tôi bỗng nhiên bị suyễn. Căn bệnh này – vào cuối thế kỷ trước, ở miền Nam – vẫn bị coi là loại nan y, vô phương chữa trị. Từ đó, thỉnh thoảng, tôi lại phải trải qua vài ba cơn suyễn thập tử nhất sinh.

Những lúc ngồi (hay nằm) thoi thóp tôi mới ý thức được rằng sinh mệnh của chúng ta mong manh lắm, và chỉ cần được hít thở bình thường thôi cũng đã là một điều hạnh phúc lắm rồi. If you can't breathe, nothing else matters !

Vì thường xuyên sống bấp bênh và bồng bềnh ("giữa hai cõi âm – dương") nên tôi... rất nhát. Địa ngục gần xịt hà. Mà địa ngục trong trí tưởng của tôi (kẻ lon son theo mẹ đi chùa suốt thời thơ ấu) thì vô cùng khủng khiếp : đầy bọn lâu la đầu trâu mặt ngựa, cùng với dầu sôi, lửa đỏ... ngó là muốn xỉu liền. Bởi vậy, suốt đời tôi không bao giờ dám làm điều gì ác ; cũng không dám giữ riêng chi cho cá nhân mình, và sẵn sàng thực hiện mọi điều thiện khi có thể.

Với thời gian, cùng những phát kiến của y khoa, bệnh suyễn không còn hành hạ và đe dọa đến mạng sống của tôi như khi còn trẻ nữa. Nhưng cũng với thời gian, tà tà đời xế về chiều, rồi tôi cũng sắp sửa phải đối diện với cái chết thôi.

Nhờ đã từng trải nhiều lần "bên vực tử sinh" nên tôi không ngán Thần Chết xíu nào ráo trọi. Tôi cũng chả ngại ngùng gì khi gặp mặt Diêm Vương. Tui sống đàng hoàng quá xá nên dù có xét nét tới đâu chăng nữa thì thằng chả vẫn phải công nhận rằng tui là "thằng đàng hoàng nhứt trong cái đám lộn xộn", cùng thời.

Trong đám này có hai cha nội rất đáng phàn nàn là Ba Dũng và Bắc Hà, theo như ghi nhận của nhà báo Huy Đức :

"Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ ‘dưới Ba Dũng’ và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi.

Không chỉ có Bắc Hà, rất nhiều quan chức tối cao cứ sắp bước chân ra khỏi nhà là thỉnh ý các thầy tâm linh, đổ không biết cơ man nào tiền để xây chùa, xây đền... Họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ trời phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện. Đừng vì tâm quá hoảng loạn mà vội vàng truyền bá cái văn hóa hối lộ trần tục đến cõi thiêng liêng : vẫn thỏa sức vơ vét của dân rồi mong gỡ tội bằng cách cuống cuồng mua trời, bán phật".

caigong2

Nguyễn Tấn Dũng đi chùa - Ảnh : FB Huy Đức

Nhìn "dáng điệu của Bắc Hà" quả là "rúm ró" thiệt. Còn nét mặt của Ba Dũng – xem chừng – cũng không được tự tín gì cho lắm, ngó cũng lấm lét thấy rõ. Huy Đức còn khuyên "họ nên đọc lại ‘Chuyện Thủ Huồng’ để thấy rằng, khi sợ trời phật thì cách tốt nhất là ngưng làm điều ác để bắt đầu các việc thiện".

Ủa, chớ Thủ Huồng là ai vậy cà ?

Tui vô gu gồ thì thấy Wikipedia có những đoạn sau :

"Ngày xưa, khoảng năm 1755, ở châu Đại Phố có một người tên là Võ Hữu Hoằng. Ông xuất thân làm thơ lại. Trong hai mươi năm làm việc trong nha môn, ông đã thu tóm được nhiều tiền của. Sau khi vợ mất sớm lại không con, mà tiền bạc thì quá thừa thải, Thủ Huồng xin thôi việc về nhà.

Thủ Huồng (có sách ghi là Thủ Huồn) rất yêu vợ, cho nên khi nghe người mách rằng ở chợ Mãnh Ma (Quảng Yên) là chỗ người sống và người chết có thể gặp nhau, ông quyết đi tìm vợ.

Gặp nhau, trong lúc trò chuyện, Thủ Huồng ngỏ ý muốn xuống âm phủ chơi và được vợ đồng ý. Ở cõi âm, ông tận mắt nhìn thấy những cực hình dành cho những kẻ phạm nhiều tội ác khi còn sống. Và ông cũng đã nhìn thấy một cái gông to, mà cai ngục cho biết là để dành cho ông...

Khi trở lại cõi dương, Thủ Huồng đem toàn bộ tài sản dùng vào việc bố thí, xây dựng những công trình phúc lợi, đặc biệt là làm nhà để giúp dân nghèo...

Sau, Thủ Huồng được vợ đưa xuống cõi âm lần nữa, và thấy cái gông ngày cũ đã nhỏ lại rất nhiều. Từ đó, ông tiếp tục làm việc thiện, việc nghĩa cho đến khi mất...".

caigong3

Ảnh : Internet

Hèn chi mà bữa rồi tôi có nghe nhà báo Đinh Ngọc Thu cho hay là ông Trần Đại Quang vừa cúng chùa Vĩnh Nghiêm một cặp đèn trị giá 19 tỷ lận. Trước đó, dư luận cũng có hơi lăn tăn chút xíu về một món quà từ thiện (bất ngờ) dành cho trẻ em ở huyện Võ Nhai – tỉnh Thái Nguyên.

Về sự kiện này, VOA có bài ("Chia rẽ về quỹ xây trường từ con gái Nguyễn Tấn Dũng") nghe được vào hôm 11 tháng 9 năm 2017. Xin trích vài đoạn ngắn :

Tin cho hay trường mới trông như một "bông hoa nổi bật giữa núi rừng", có đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, phòng đa năng, thư viện, bếp nấu, nhà ăn, nhà nội trú, khu vệ sinh, sân vui chơi cho các em...

Ông Hoàng Dũng ở Thành phố Hồ Chí Minh, người từng nhiệt tình tham gia các hoạt động vì dân chủ, viết : "Nếu cả tập đoàn dòng họ nhà bạn khai thác 1 đất nước đến kiệt quệ rồi xây dựng lại dăm vài chục công trình thiện nguyện bất kể đó là tiền sạch hay bẩn, thì bạn có xứng được tung hô không ?"

Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, người thường xuyên lên tiếng về những chuyện gây bất bình ở Việt Nam, viết : "Cứ mặc sức tham nhũng trăm nghìn tỷ, phá nát đất nước, tạo trường rách nát đi. Hưu, bỏ vài tỷ xây 1 trường, sẽ được tri ân".

Đã có hàng trăm những lời bình luận hay các ý kiến tương tự như của ông Dũng và ông Tạo.

Đáp lại các ý kiến này, trên trang Facebook cá nhân, giáo sư Ngô Bảo Châu bày tỏ ông có cái nhìn "đơn giản" về việc vận động nguồn tài trợ xây trường.

Với cái nhìn của một người từng sống giữa cõi tử sinh như tôi thì tất cả những ý kiến thượng dẫn (dù pro hay con) đều hoàn toàn không đáng được quan tâm. Vấn đề thực sự cần được đặt ra là liệu những cái gông, đang nằm chờ dưới cõi âm, sẽ có nhỏ lại hay không – sau khi qúi vị lãnh đạo quốc dân chịu chi (ít nhiều) để làm việc nghĩa ?

Là một người có "thẩm quyền" trong lãnh vực âm/dương", tôi khẳng định : có ! Hồi thời Thủ Huồng Diêm Vương tính điểm ra sao, thời nay ổng cũng vẫn làm y như trước thôi.

Nói thí dụ cho dễ hiểu là nếu cái gông của ông Quang dài một thước thì sau khi cúng chùa cặp đèn giá trị 19 tỷ đồng nó sẽ ngắn bớt lại được một phân. Cứ như thế mà nhân lên, khi số tiền làm việc thiện lên tới 190 tỷ thì cái gông của ổng sẽ ngắn lại một tấc.

Cứ theo tiến trình này, cùng với hàng vài chục tỷ đô la mà qúi vị quan chức sốt sắn nôn ra thì chả mấy chốc mấy cái gông dưới địa ngục (dám) sẽ biến mất luôn hết ráo. Cùng lúc trên dương gian số trẻ em Việt Nam bán vé số sẽ bớt dần vì trường học mọc lên như nấm, bệnh viện cũng mọc theo nên hết có cái vụ chồng chất ba bốn mạng một giường như hiện tại. Còn cầu đường thì (ôi thôi) bắc ngang bắc dọc khắp nơi … nên không còn cái vụ con nít chết trôi, chết chìm đều đều nữa.

caigong4

Ảnh : FB Trần Thị Thảo

Mọi người đều vui hết, và vui còn hơn Tết nữa. Ở ngoài nước, tất nhiên, tui cũng vui luôn. Chỉ có điều đáng tiếc là niềm vui này hơi ngắn. Báo Người Lao Động lại vừa ái ngại loan tin : "1.400 tỉ đồng xây nghĩa trang quốc gia dành cho cán bộ cao cấp".

Ah, đù ! Vừa mới nhả ra cặp đèn mười chín tỷ xong lại cạp ngay vào thêm một ngàn bốn trăm tỷ khác thì Diêm Vương, dù có dễ tính tới đâu chăng nữa, cũng đành phải bó tay chấm còm thôi. Thôi, quăng mẹ hết cả đám "cán bộ cao cấp" vô vạc dầu sôi đi – khỏi có gông cùm gì nữa ráo – bất kể là tụi nó xuống âm ty qua thứ nghĩa trang nào.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 14/02/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn

Quê nhà xa lắc xa lơ đó

Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay

Nguyễn Bính

cuoinam1

Sri Mariamman Temple, ngôi chùa Chà cổ nhất trong khu Phố Tầu ở Tân Gia Ba. Ảnh chụp tháng 2 năm 2018

Khoảng cách từ Kuala Lumpur đến Singapore, có lẽ, cũng chỉ bằng đoạn đường Sài Gòn/Đà Lạt là cùng. Bởi vậy thay vì chạy ra phi trường, tôi phóc đại lên một cái xe đò cho nó đỡ hao xu.

Chuyến đi tuy hơi lâu nhưng thú vị. Đã quen với những con đường chật hẹp của Cambodia, hoặc lỗ chỗ ổ gà (cùng với bụi mù) của Myanmar nên quốc lộ thênh thang và phẳng lì ở Malaysia khiến tôi ngạc nhiên không ít. Trông cũng tân kỳ y như hệ thống freeway của California vậy. Chỉ có điều khác là xe lao vun vút qua những cánh rừng nhiệt đới thâm u, hoang dại, hay những rừng kè ngút ngàn mà nhìn từ trên không tôi cứ ngỡ là dừa.

Tuyệt nhiên không thấy bóng một cha nội cảnh sát, hay công an giao thông nào cả nhưng BOT thì có chớ. Qua ba trăm KM đường dài, tài xế phải trả phí hai lần – mỗi lần 5 RM, gần 2 USD – nhưng họ chà thẻ nên không có cái vụ đếm tiền lẻ, và dựng bảng ("Cấm ngừng quá 5 phút") như ở quê mình.

Tính ra thì cứ trung bình 100 km quốc lộ thì giới xe đò phải trả thêm cho nhà nước Mã Lai thêm 65 xu (theo đơn vị Mỹ Kim) dù đã đóng thuế lưu hành. Tuy nhiên, số tiền phụ thu này đã được chi dùng hết sức đàng hoàng và rõ ràng nên không có gì để phàn nàn cả.

Quốc lộ rộng đến sáu làn. Dải phân cách mọc đủ thứ loài hoa nhưng tôi chỉ nhận ra được hoa phượng đỏ, chen lẫn với phượng vàng, và hoa giấy. Hoa giấy tuy không tàn nhưng trông có nét buồn buồn ngay từ khi vừa hé nhụy. Giữa nắng chiều vàng hanh mà nhìn mầu xác pháo thì ngay đến cả tôi – một anh già ham chơi và nát rượu – cũng thoáng bâng khuâng vì nỗi nhớ nhà.

Mẹ cha ơi đừng đợi

Chiều nay con chưa về

Chị ơi thôi đừng đợi

Chiều nay em không về

(Tưởng Năng Tiến - 1980)

Không thấy cổng chào ("WELCOME TO SINGAPORE") nên chả rõ là xe đã thực sự đi vào phần đất của Tân Gia Ba tự lúc nào nhưng tôi vẫn cảm được là không khí Tết mỗi lúc một gần thêm – sau từng cây số. Khác với ở Kuala Lumpur, phần lớn dân Singapore là người Hoa (hoặc gốc Hoa) nên Chinese New Year được chuẩn bị kỹ càng và rình rang hơn hẳn.

China Town, tất nhiên, đỏ rực. Chùa Tầu mầu mè hoa hoè và khói hương nghi ngút, đã đành ; chùa Chà (kế đó) cũng trưng bầy đèn lồng, cùng với hàng chữ chúc mừng – "Wishing All A Happy & Properous Lunar New Year" – và cũng đông đúc tín đồ không kém.

Thế mới biết là người Ấn có một không gian tâm linh rất rộng, và rất "sính" chuyện hội hè đình đám. Tết Nguyên Đán lại hay trùng hợp với Lễ Hội Ngày Mùa (Pongal Festival) kéo dài đến bốn ngày của họ : từ 14 đến 17 tháng Giêng.

Khác với Little Sài Gòn ở California, Little India ở Singapore lúc nào cũng lúc nhúc người. Bombay hay New Delhi, tôi đoán, chắc cũng đông đúc đến vậy là cùng. Ngó mà chóng mặt luôn.

Đã vậy, tôi còn lạc bước đến "thánh địa" này đúng vào lúc người ta đang làm lễ tạ ơn Mẹ Thiên Nhiên (Mother of Nature) hay Thần Mặt Trời (The Sun God) gì đó. Họ bầy ra những cảnh tượng lạ lùng chưa từng thấy. Nguyên cả một tập thể người rồng rắn vừa đi vừa thực hành những nghi lễ truyền thống vô cùng lạ mắt, và hơi kỳ dị. Thêm cái đám du khách hiếu kỳ bao quanh, hay rùng rục theo sau, tạo nên cả một rừng người.

Đây không phải là lần đầu tiên tôi có mặt ở Singapore nhưng chưa bao giờ thấy cảnh sát của Đảo Quốc này xuất hiện nhiều đến vậy. Dù vậy, họ phải vô cùng chật vật mới giữ cho đám đông không làm tắc nghẽn giao thông.

cuoinam2

Ảnh chụp tháng 1 năm 2018

Đ... mẹ, ở Việt Nam mà tràn ra đường lễ lạc kiểu này thì chắc chết, chết chắc. Súng nổ như không. Những kẻ sống sót – tất nhiên – sẽ đều phải ra toà về tội "gây rối trật tự công cộng", chớ chả phải chuyện đùa đâu. Cái chính phủ của Đảo Quốc Sư Tử này – rõ ràng – đã không "quản lý" được cái đám dân ngụ cư (chỉ chừng vài trăm ngàn người) gốc Ấn. Dường như có sự tỷ lệ thuận giữa tự do dân chủ và phồn thịnh. Nhờ vào sự "buông lỏng quản lý" nên Singapore có lợi tức đầu người cao nhất/nhì thế giới, còn xứ sở của tôi thì ngược lại !

Dù mới cuối tháng Giêng nhưng cái nóng nhiệt đới và cái đám đông hừng hực hơi người vẫn khiến tôi hơi ngột ngạt. Thay vì đón xe buýt, tôi vẫy Taxi về nhà trọ cho nó đỡ phiền. Tôi về khu Đèn Đò Geylang nên bác tài nheo mắt :

- Đi kiếm gái hả ?

"Đang mệt thấy bà đây, gái với gú cái gì – cha nội ?" Tôi chỉ nghĩ (thầm) vậy thôi chứ cũng ráng gượng cười cho nó qua chuyện, khỏi phải giải thích lôi thôi. Đến tuổi tôi thì có lẽ không ai còn đủ can đảm cho một cú sexual adventure nữa. Đây là cách phiêu liêu hứa hẹn rất nhiều phiền toái mà (chắc chắn) cũng chả hứng thú gì.

Theo cách nhìn của những kẻ cầm quyền thì khu vực đèn đỏ nào cũng đều là nơi... phức tạp, cần phải được canh chừng. Với riêng tôi thì khu Đèn Đỏ Quốc Tế Geylang chỉ là nơi tập trung của những cô gái kém may mắn nhất ở Đảo Quốc giàu sang này. Giữa một trung tâm thương mại phồn thịnh mà họ lại không có gì để bán, ngoài thân xá. Tôi cũng "đứng về phe nước mắt" nên chỉ quen sống kề cận với những kẻ bất hạnh mà thôi.

Không phải mọi phụ nữ Việt Nam trôi dạt đến Geylang đều làm gái cả. Không ít người vì tuổi tác, hay vì không đủ "vốn liếng trời cho" nên phải làm công việc nặng nhọc hơn, và lợi tức cũng khiêm tốn hơn nhiều. Họ đi bán giấy chùi miệng và lau tay.

Thực khách ở Singapore không ai cần giấy nhưng họ vẫn vui vẻ (và tế nhị) chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua hình thức bán/mua. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì "thương vụ" bán giấy (rất lương thiện này) quả một là phát kiến thần tình, rất đáng được hoan nghênh.

Điều đáng tiếc là đồng bào của tôi lại không được "hoan nghênh" mãi mãi – theo như ghi nhận gần đây của nhà báo Huy Phương :

"Báo chí lại loan tin, những người Việt Nam, đồng bào của chúng ta, từ Sài Gòn đến phi trường Changi, Singapore, bị từ chối nhập cảnh, nói rõ ra là bị đuổi về.

Singapore là một trong 48 quốc gia mà người mang thông hành Việt Nam vào không cần thị thực, nhưng lần này mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách Việt Nam, phần lớn là phụ nữ, vẫn bị nhà chức trách Singapore từ chối cho vào xứ của họ...

"Chính quyền Singapore cũng không hề nói lý do họ không cho những người Việt này vào nước họ, nhưng cái lý do này thì những người trong cuộc, hay toàn thể ‘khúc ruột ngàn dặm’ trên khắp thế giới đều biết rõ, đều cảm thấy xấu hổ và đau lòng".

Dân Tân Gia Ba, rõ ràng, đã oải. Họ không còn đủ kiên nhẫn và bao dung với những kẻ khốn cùng (không vốn liếng, không ngoại ngữ, không nghề nghiệp) cứ tiếp tục đến mãi từ một nước (Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc) láng giềng !

Thảo nào mà khác hẳn với hồi tôi đến khu đèn đỏ Geylang vào cuối năm 2014 và đầu năm 2015, bây giờ người Việt ở đây gần như chả còn ai cả. Đợi ngày mai đỡ mưa và đỡ mệt, tôi phải đi kiếm đồng bào mình với được. Có thể là những đứa cháu gái của tôi đã di chuyển qua một khu vực khác chăng ? Chớ không lẽ tôi phải ăn tết mình ên ở Chiêu Nam Đảo hay sao ? Mà Tết thì tới nơi rồi !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 07/02/2048 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
jeudi, 01 février 2018 20:17

Đất nước nhìn từ Kuala Lumpur

Không được lợi dụng tự do tín ngưỡng tôn giáo để chống phá nhà nước.

Tòng Thị Phóng

Phó Chủ tịch quốc hội

Tôi có chút giao tình với nhà biên khảo Đỗ Hải Minh. Ông tên thật là Dohamide Abu Talib, sáng lập viên của Hiệp Hội Chàm Hồi giáo Việt Nam – một tổ chức đã bị nhà đương cuộc Hà Nội giải thể sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Nhờ vào những công trình biên soạn công phu và thấu đáo của Dohamide Abu Talib nên sự hiểu biết của tôi về đạo Hồi (*) thêm được phần nào khách quan và chính chắn. Những điều răn dạy của kinh Qr’an rất nhân bản và thực tiễn :

- Vinh danh và kính trọng cha mẹ

- Bố thí rộng rãi cho người nghèo

- Bảo vệ và chu cấp trẻ mồ côi

- Trong sạch trong tình cảm và tinh thần.

- Khiêm tốn

- Cư xử công bằng với mọi người

- Tôn trọng quyền của người khác

Đến Malaysia, tôi mới được tận mắt nhìn thấy cách "cư xử công bằng" và "tôn trọng quyền của tha nhân" của những tín đồ Islam đối với những tôn giáo khác – dù điều luật thứ nhất của kinh Qu’ran là "chỉ tôn thờ một Thượng Đế (Allah) thôi.

Có hôm, đang ngơ ngác giữa thủ đô của đất nước này tôi thoáng thấy một mùi hương quen thuộc. Phải mất đến vài giây mới nhận ra là khói nhang Ấn Độ mà mình đã từng biết, khi đi qua những ngôi Chùa Chà ở quê nhà. Ở Kuala Lumpur – ngay góc đường Jalan Sehala và Jalan Pudu Lama – có một cái đền thờ nhỏ xíu xiu hà, nó nhỏ đến độ người ta phải đặt màn hình để cho số tín đồ đứng tràn ra bên ngoài nhìn thấy được cảnh hành lễ bên trong.

Tôi nghĩ rằng nơi đây chắc phải "thiêng" ghê lắm nên thiên hạ mới tụ tập đông đúc tới cỡ này. Nhưng chỉ vài phút sau, sau khi dạo quanh khu Phố Tàu, tôi mới biết là không phải vậy.

Giữa China Town thì sự hiện diện của chùa Tàu không phải là chuyện lạ. Điều lạ là cạnh đó (bên kia đường Laluan Sehala) lại có thêm một cái Chùa Chà khác, rất nguy nga, và cũng vô cùng tấp nập – dù ở Malaysia chỉ có chừng sáu phần trăm dân số là người Ấn Độ hay gốc Ấn. Cách đó không xa là Wisma Methodist Church, với thập tự giá cao vút trên không.

Thảo nào mà Kuala Lumpur có danh hiệu là The City of Contrast and Diversity. Tôi không chỉ kinh ngạc về sự tương phản và đa dạng của thủ đô Mã Lai mà còn choáng ngợp về nét tân kỳ và thanh nhã của thành phố tráng lệ này. Cũng như Singapore, Kuala Lumpur cho tôi thấy một Đông Nam Á khác : văn minh, an bình, và nhiều triển vọng – điều mà tôi không nhìn ra trong những ngày tháng sống ở Manila, Phnom Penh, Vientiane, hoặc Rangoon. Ngay ở Bangkok (nơi phồn thịnh hơn thấy rõ) những dòng xe di chuyển như kiến bò, hay những con kinh nước chẩy lừ đừ vì ô nhiễm, khiến tôi cảm thấy rất bất an khi nghĩ đến tương lai của thủ đô nước Thái.

datnuoc1

Ảnh chụp tháng 1 năm 2018

Theo Wikipedia :

Kể từ khi độc lập, Malaysia trở thành một trong những nước có hồ sơ kinh tế tốt nhất tại Châu Á, GDP  tăng trưởng trung bình 6,5% trong gần 50 năm. Về truyền thống, yếu tố thúc đẩy kinh tế Malaysia là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, song quốc gia cũng phát triển các lĩnh vực khoa học, du lịch, thương mại hay du lịch y tế. Ngày nay, Malaysia có một nền kinh tế thị trường công nghiệp mới, có GDP danh nghĩa xếp thứ ba tại Đông Nam Á (10.756,00 USD) và xếp thứ 29 trên thế giới.

Đáng trân trọng hơn hết là nét hài hoà và sự bao dung của Kuala Lumpur. Ở đây, dù tận lực phát triển nhưng con người vẫn rất nương nhẹ và sống hài hoà với thiên nhiên. Dưới chân một công trình kiến trúc kỳ vỹ (K.L Tower , ngọn tháp truyền thông cao nhất Đông Nam Á – 1,381 feet – đặt trên nền của 50 ngàn mét khối xi măng cốt sắt) vẫn có bảng cảnh báo là "đừng cho khỉ thức ăn". Thú hoang vẫn còn chốn nương thân giữa vô số những cao ốc vươn cao chót vót đến tận trời xanh.

datnuoc2

Bảng cảnh báo ("Do not feed the monkey") dưới chân tháp Kuala Lumpur Tower

Cũng nơi đây, dù Allah được coi là đấng Thượng Đế tối cao duy nhất (và hiến pháp Malaysia thừa nhận đạo Hồi là quốc giáo) dân Mã Lai vẫn mở rộng vòng tay chào đón tất cả những tôn giáo khác : Phật giáo, Công giáo, Ấn giáo, Khổng giáo, Lão giáo...

Tưởng cũng nên nói thêm : từ tháng 8 năm 1978 đến tháng 10 năm 1991, đã có 250 ngàn người Việt Nam tị nạn cộng sản tìm đến Mã Lai, và được cho tạm trú ở Pulau Bidong trong một thời gian không ngắn. Ân tình này cần phải được ghi nhận và luôn ghi nhớ.

Sự bao dung của thiên hạ khiến tôi vô cùng cảm động, và không khỏi trạnh lòng nghĩ đến phần quê hương bất hạnh của mình.

Trong bản dự thảo Nhận Định Tuyên Bố Về Nhân Quyền Đầu Năm 2018, đọc được trên trang Tiếng Dân  (hôm 22 tháng 1 vừa qua) có đoạn nhận định như sau :

"Việc sách nhiễu, vu khống, hăm dọa đan viện Thiên An tại Thừa Thiên-Huế, nhất là cuộc tấn công phá hủy Thánh giá, biểu tượng đức tin Công giáo, và hành hung các đan sĩ ngày 28 và 29/06/2017. Tất cả đều nhằm ý đồ tước đoạt đất đai của họ. Chúng tôi cũng phản đối việc tấn công nhiều Giáo xứ tại Giáo phận Vinh (như Phú Yên, Song Ngọc, Văn Thai, Đông Kiều, Kẻ Gai, Phúc Lộc) trong năm 2017 ; việc ngăn chận nhiều chức sắc Phật giáo Thống nhất và Công giáo cầu nguyện chung nhân Ngày Nhân quyền 10/12/2017, việc cản trở Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy cử hành đại lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo chủ ngày 11/01/2018, việc bắt cóc Mục sư Đoàn Văn Diên từ ngày 24/12/2017, việc sách nhiễu chánh trị sự Hứa Phi tại Lâm Đồng từ hôm 12/01/2018…".

Hai hôm sau, RFA ái ngại loan tin :

"Tòa án Nhân dân tỉnh An Giang vào sáng ngày 23 tháng Một đã tuyên án 12 năm tù đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy là ông Vương Văn Thả, với cáo buộc theo Điều 88 Bộ luật Hình sự, ‘Tuyên truyền chống Nhà nước’. Ông Vương Văn Thả, cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, ngụ tại tỉnh An Giang, là một cựu tù nhân lương tâm. Ông Thả từng bị kết án 3 năm tù hồi năm 2012 với cáo buộc ‘Lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích của tổ chức, công dân’, theo Điều 258 Bộ luật Hình sự Việt Nam, và mãn án vào hồi đầu tháng 10 năm 2015.

Vào dịp Tết Nguyên Đán năm Đinh Dậu, ông Vương Văn Thả bắt đầu lên tiếng trên mạng xã hội về hoàn cảnh và chính kiến của ông đối với chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Cả gia đình ông Vương Văn Thả, gồm 9 người bị lực lượng công an, cảnh sát cơ động…bao vây cô lập trong thời gian gần 2 tháng, cho đến ngày 18 tháng 5 năm 2017, ông Vương Văn Thả cùng người con trai và hai người cháu song sinh bị bắt".

datnuoc3

Ông Vương Văn Thả (giữa) bị bắt hồi Tháng Năm, 2017. Ảnh : Facebook Lê Văn Sơn

Qua ngày sau, ngày 24 tháng 1, nhật báo Người Việt cho biết thêm chi tiết :

"Không biết đọc, không biết viết vì không được đi học nhưng hai ông Nguyễn Nhật Trường và Nguyễn Văn Thượng 32 tuổi, là anh em sinh đôi, vẫn bị Tòa Án Nhân Dân tỉnh An Giang tuyên án 6 năm tù giam về tội ‘Tuyên truyền chống nhà nước’. Trong cùng phiên tòa diễn ra vào ngày 23 Tháng Giêng, ông Vương Văn Thả bị tuyên phạt 12 năm tù, con trai ông là Vương Thanh Thuận lãnh án 7 năm tù. Trang Phật giáo Hoà Hảo Thuần Túy xác nhận cả bốn bị cáo trong vụ này đều là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo...".

Ông Vương Văn Thả cùng hai con, và những người đồng đạo chắc chắn sẽ được sống yên lành (thay vì phải lâm vào cảnh tù đầy) nếu họ có cơ hội được sống ở một quốc gia nào khác – ngoài Việt Nam – như Malaysia chả hạn. Tôi còn trộm nghĩ thêm rằng sở dĩ đất nước này giàu có, phú túc, và an bình không chỉ vì có nhiều tài nguyên thiên nhiên mà còn vì ngân qũi quốc gia của họ không bị ăn cắp và cũng không phải chi dùng cho việc đàn áp nhân quyền hay bách hại tôn giáo – như ở quê mình.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 01/02/2018 (tuongnangtien's blog)

(*) Theo Wikipedia : "Hồi giáo (tiếng Ả Rập : الإسلامal-'islām), còn gọi là đạo Islam, là một tôn giáo độc thần thuộc nhóm các tôn giáo Abraham". Nhà biên khảo Dohamide Abu Talib (Đỗ Hải Minh) cho chúng tôi biết thêm rằng người Việt chúng ta đã quen dùng hạn từ Hồi giáo rồi, dù sự thực từ "hồi" theo đúng nghĩa thì chỉ là tôn giáo của tộc Hồi theo đạo Islam ở bên Tàu thôi nên dịch Islam là Hồi giáo chung chung thì e hơi gượng ép.

Published in Diễn đàn
mercredi, 24 janvier 2018 23:05

Một binh đoàn thất trận

Tìm cách chống lại ước vọng thay đổi dân chủ trong ôn hòa của hàng chục triệu tài khoản mạng xã hội, đảng cộng sản Việt Nam không khác người mù đang chiến đấu với chính mình.

Phạm Nhật Bình

binhdoan1

Ảnh minh họa

Từ Lâm Đồng, một ông bạn cũ lọ mọ gửi qua bưu điện cho mấy cân cà phê (cùng) với lời nhắn : "cây nhà lá vườn đấy nhá". Đúng là của một đồng, công một nén.

Tôi quen thói chỉ uống Starbucks nên chả cảm thấy hào hứng gì cho lắm khi mở hộp quà, từ tận "quê nhà xa lắc xa lơ đó". Điều "an ủi" là đáy hộp được lót bằng mấy tờ giấy báo, báo Quân Đội Nhân Dân.

Tờ này tôi đã thấy nhiều lần và cũng đã được nghe đọc rất nhiều đêm, khi còn trong trại cải tạo. Tha hương ngộ cố tri nên không thể không liếc xem diện mạo của "cố nhân" chút xíu.

Số báo tôi đang cầm tay phát hành ngày 27 tháng 7 năm 2017, có bài cảnh cáo về "bệnh lười học nghị quyết" của tác giả Nguyễn Hồng Hải :

Lười học nghị quyết của Đảng là một biểu hiện cụ thể của suy thoái về tư tưởng chính trị đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Lười học nghị quyết dẫn tới tình trạng cán bộ, đảng viên không cập nhật được thông tin mới, rơi vào "thấp kém lý luận" và từ đó dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần cảnh báo sự nguy hiểm khôn lường của hiện tượng "nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên mà lười học nghị quyết của Đảng là một nguyên nhân gây nên hiện tượng trên.

Sau gần cả thế kỷ Đảng cố hết sức để "đưa nghị quyết vào cuộc sống" nhưng "nó" định không "vô" khiến toàn thể lực lượng cán bộ, và chiến sĩ ta đều đâm ra chán ngán thì cũng đâu có gì lạ ?

Điều lạ lùng đáng nói là giữa cảnh chợ chiều, tiêu điều, sơ xác (nhạt Đảng, khô Đoàn, chán chính trị) đến thế mà chả hiểu ông Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó chủ nhiệm Tổng Cục Chính Trị Quân Đội Nhân Dân Việt Nam – lại tìm đâu được cả một "lực lượng hơn 10.000 người là hạt nhân đấu tranh trên không gian mạng, vừa hồng vừa chuyên, kiên định lập trường, có trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ cao... chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng" ?

binhdoan2

Lực lượng này còn được gọi là Binh Đoàn 47 do lấy tên theo chỉ thị số 47 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Tuy mới công khai ra mắt nhưng đơn vị này đã nhận được không ít những lời mỉa mai và chê trách :

Phạm Chí Dũng : "Vai trò chính của cái được gọi là tác chiến không gian mạng không phải là chống khủng bố hay chống những gì từ ngoài xâm nhập vào, mà là chống ngay từ bên trong, chống ngay cái mà thế giới gọi là Nhân quyền. Điều này này phản với đạo lý của dân tộc".

Bùi Tín : "Không có gì liều và dại bằng tuyên chiến với toàn dân đang thức tỉnh đòi dân chủ, nhân quyền một cách kiên trì và quyết liệt".

Nguyễn Chí Tuyến : "Với tư cách là 1 người dân tôi tự hỏi tại sao lực lượng quân đội lại làm 1 việc như vậy ? Vì đó không phải là nhiệm vụ của 1 người lính".

Phạm Nguyên Trường : "47 là tứ thất (thất sách, thất đức, thất nhân tâm) và bốn mất (mất tiền, mất lòng dân, mất niềm tin, mất tất).

Có lẽ nỗi lo "mất tất" xem chừng hơi lớn nên ông Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công An, lại vừa vội vã cho hay : "Công an Việt Nam đã thành lập Cục An ninh Mạng hay còn gọi là Cục A68 với mục tiêu được cho biết nhằm bảo vệ an ninh mạng và đấu tranh chống lại các thế lực chống lại Đảng và Nhà nước".

Thế là trang Tiếng Dân bèn qui kết :

"Tựu trung, các lãnh đạo, tướng tá sẵn sàng dùng tiền thuế của dân để trả lương cho các ‘định hướng viên’, nhằm ngăn chặn sự truyền bá những tư tưởng dân chủ vì quyền lợi người dân".

Nhà nước "dùng tiền thuế của dân" là chuyện đã đành (và tất nhiên) rồi nhưng liệu mấy chục ngàn "định hướng viên" có thể "ngăn chặn" được "sự truyền bá những tư tưởng dân chủ" hay không ? Tui e rằng không vì lực lượng này quá mỏng, khả năng lại vô cùng thấp kém, và sinh bất phùng thời.

Mấy ông cộng sản Việt Nam hay khoe khoang về tính toàn diện của cuộc "chiến tranh nhân dân". Nay thì chính họ đang là... nạn nhân của nó. Vài chục ngàn dư luận viên thì có nhằm nhò (mẹ) gì với mấy chục triệu người có tài khoản mạng xã hội ở đất nước này !

Đó là chỉ xét về "lượng" còn về "chất" (hay nói chính xác hơn là bản chất) thì mới bội phần thê thảm :

Đoàn Bảo Châu : "Tôi tự hỏi lực lượng này có khác gì với đội ngũ dư luận viên lương tháng 3 triệu mà sứ mệnh cao cả nhất của họ là chửi bới cục cằn, ngôn ngữ hạ cấp, lý luận cùn, thiếu não và có thể nói là ngu một cách ‘kiên định’ và ‘bền vững’ trong thời gian qua không ?"

Huỳnh Ngọc Chênh : "Tôi chưa hề thấy có bài viết nào của từ 100 ngàn cái gọi là chiến sĩ tuyên truyền đó phản biện lại các bài viết của tôi một cách đàng hoàng. Thay vào đó, từ gần 10 năm qua tôi thấy xuất hiện trên mạng hàng trăm bài viết bậy bạ bôi nhọ, vu khống, hăm dọa, chửi bới tục tĩu cá nhân tôi đủ điều, những bài viết mà bất cứ người bình thường nào đọc vào cũng phải phát ói vì độ tục tỉu trơ trẽn của nó".

Trương Huy San : "Lâu nay, cứ đọc những tin nhắn tục tĩu, những cmts khiên cưỡng, ngờ nghệch mà không biết ở đâu ra".

Thì còn "ở đâu" nữa (cha nội) nếu không phải là từ những thành phần rác rưởi, bẩn thỉu, và đáng tởm nhất của xã hội Việt Nam. Đã yếu kém mà lại còn thất thời nữa. Thời gian, thời đại, thời thế đều không đứng về phía cái đám cặn bã, vô lại (và vô học này) như hồi đầu thế kỷ trước nữa. Binh Đoàn 47 chưa lâm trận nhưng kể như đã thất trận rồi.

Thế thì "đẻ"ra nó làm chi ?

Về câu hỏi này thì tôi xin được nhường lời cho FB Vũ Thạch :

"Câu trả lời thỏa đáng duy nhất chỉ có thể là vì quân đội muốn có thêm ngân sách. Thật vậy, chi phí xây dựng cơ sở, trang bị máy móc, và tiền lương cho cả một sư đoàn 10.000 ‘bộ đội mạng’ là khối tiền khổng lồ và kéo dài nhiều năm. Thêm vào đó, ai sẽ thu tiền ‘tuyển lựa’ cho 10.000 ghế mới tinh, rất an toàn trong phòng lạnh, từ những gia đình có con mới đi nghĩa vụ quân sự ? Rõ ràng cứ địa Mạng đã được quân đội trinh sát và phát hiện. Đây là một chiến trường béo bở !"

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 24/01/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn
mercredi, 17 janvier 2018 16:38

Bao dung & Bạo ngược

Khoan dung không chỉ là một phẩm hạnh của cá nhân, mà còn là một tính chất của cộng đồng và trách nhiệm của một quốc gia.

Lê Nguyễn Duy Hậu

Cuối năm rồi, có hôm (đột nhiên) dân chúng Zimbabwee mừng vui, sung sướng, đổ xô ra đường reo hò, nhẩy muá, và ca hát thâu đêm. Tuổi Trẻ Online cho biết thêm :

"Khi thông tin vị Tổng thống 93 tuổi Robert Mugabe chấp thuận từ chức và có hiệu lực ngay lập tức được loan ra, khắp đất nước Zimbabwe như vỡ òa trong niềm vui bất tận. Nhiều năm qua họ đã chờ đợi điều này và may mắn thay nó đã đến không quá phức tạp và không có cảnh nồi da xáo thịt".

baodung1

Phim tài liệu ngắn (1945 : The Savage Peace) phát hành vào năm 2015, do Peter Molloy làm đạo diễn.

Nếu ngày mai, hay tuần sau, mà những người Cộng Sản Việt Nam buộc phải từ bỏ quyền lực thì chắc chắn dân Việt cũng sẽ hân hoan không kém nhưng "điều may mắn không có cảnh nồi da xáo thịt" thì không có gì bảo đảm.

Với cách cai trị bạo ngược của chế độ hiện hành, và với xu hướng sử dụng bạo lực của người dân ở Việt Nam hiện nay, viễn ảnh về một cuộc cách mạng êm thắm (chắc) không dễ xẩy ra tại đất nước này – nơi mà lực lượng "công an bị đánh giá là bọn kiêu binh tệ hại nhất, dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược, bị nhân dân xa lánh, khinh bỉ nhất" (Bùi Tín-VOA).

Sau hai phần ba thế kỷ "dùng quyền lực để hà hiếp, bóc lột, làm tiền, cướp đất, cướp nhà cửa, của cải của nhân dân một cách ngang ngược" thì "bọn kiêu binh tệ hại nhất" rất khó mà được để yên thân. Trên trang báo Tiếng Dân, đọc được vào hôm 31 tháng 12 năm 2017, blogger Thạch Đạt Lang – qua lời của một vị thầy dậy cũ của ông – cũng vừa bầy tỏ sự quan ngại về vấn đề này :

"Chẳng cần phải suy nghĩ sâu xa. Dễ dàng nhận thấy hận thù chồng chất gần 43 năm qua ở Việt Nam, gây ra bởi mâu thuẫn của giai cấp thống trị và kẻ bị trị. Nếu chỉ nói mâu thuẫn giữa chế độ cộng sản và người dân thì không nêu bật được vấn đề, bởi chế độ cộng sản giờ đây đã biến tướng, trở thành chế độ độc tài, mafia đỏ... hi vọng một cuộc cách mạng nhung sẽ xẩy ra ở Việt Nam là điều hoang tưởng. Vậy vấn đề còn lại là làm thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại của cuộc tắm máu giữa những hận thù Quốc-Cộng, Nam-Bắc, Tôn giáo, phe nhóm trong đảng cộng sản Việt Nam…"

Chuyện "hận thù" cũng như "mâu thuẫn của giai cấp thống trị và kẻ bị trị" tại Việt Nam – thực ra – không chỉ "chồng chất gần 43 năm qua" mà đã chất chồng từ lâu hơn nữa, ngay khi người cộng sản vừa nắm được quyền bính ở nửa phần đất nước. Bởi thế, nỗi âu lo "làm thế nào để giảm thiểu tối đa thiệt hại của cuộc tắm máu" trong những ngày tháng tới chả phải là chuyện xa xôi (hay viển vông) gì.

Tôi vốn tin ở bản tính thiện của loài người, và tấm lòng bao dung của con dân Việt. Niềm tin này – tiếc thay – đã bị "lung lay" không ít, sau khi xem một cuốn phim tài liệu ngắn (1945 : The Savage Peace) phát hành vào năm 2015, do Peter Molloy làm đạo diễn.

Sau Thế Chiến Thứ II, hình ảnh mà chúng ta thường thấy trên mọi phương tiện truyền thông là những đám đông (dân với lính) tràn ngập phố phường, vui mừng chào đón hòa bình, với những nụ cười rạng rỡ trên môi và những đóa hoa tươi thắm trên tay. Rất ít ai biết đến cái mặt tối của hòa bình, cùng máu (và nước mắt) của hàng triệu lương dân, thuộc phe bại cuộc.

Về The Savage Peace (Hòa Bình Man Rợ) bỉnh bút Gerard O'Donovan của tờ The Telegraph có nhận xét như sau :

Bộ phim của Molloy hiệu quả nhất trong việc làm nổi bật quy mô và sự tàn bạo của những cuộc trả đũa, giết người, cưỡng hiếp của hai triệu phụ nữ và trẻ em Đức, sự sỉ nhục của công chúng, tra tấn và hành quyết của vô số người gốc Đức, đặc biệt ở Sec-Slovak và Ba Lan.

(Molloy’s film was most effective in highlighting the scale and savagery of the reprisals – shootings, forced death marches, the rape of two million German women and children, the public humiliation, torture and execution of countless ethnic Germans, particularly in Czechoslovakia and Poland. Translated by Vũ Quốc Ngữ).

Tác giả Antony Beevor tổng kết :

"Con số người chết được cho là cao hơn nhiều khoảng 1 triệu tư là nạn nhân ở vùng East Prussia, Pomerania and SilesiaTổng cộng có ít nhất là hai triệu phụ nữa Đức bị hãm hiếp, không ít người bị hiếp nhiều lần". (The death rate was thought to have been much higher among the 1.4 million estimated victims in East Prussia, Pomerania and Silesia. Altogether at least two million German women are thought to have been raped, and a substantial minority, if not a majority, appear to have suffered multiple rape).

Phải đợi đến bẩy mươi năm sau, sau khi Thế Chiến Thứ II chấm dứt, những hình ảnh của một nền Hòa Bình Man Rợ (1945 : The Savage Peace) mới được công chúng biết đến. Tuy muộn màng nhưng tập phim tài liệu này vẫn là sự nhắc nhở cần thiết về bản tính (không mấy thiện lành) của loài người. Người Việt, tất nhiên, cũng không khác mấy. Cứ nhìn cái cách mà họ "trừng trị" những kẻ trộm chó cũng đủ thấy rằng khoan dung là đức tính không mấy dễ tìm ở đất nước này.

baodung2

Kết cục bi thảm của những kẻ trộm chó ở Việt Nam - Ảnh : Sohanews

Điều may mắn là nước Việt vẫn còn có nhiều người cầm viết với cái tâm, và tầm, khá rộng. Nhà văn Dương Thu Hương đã có lần ân cần nhắc nhở mọi người đừng quên rằng giữa "bầy chó berger của chế độ" không thiếu những người trung thực và tử tế :

"Tuy nhiên, tôi không có ý nói rằng toàn thể các sĩ quan công an đều là bọn mafia, đều là quân cướp. Bởi, nói như vậy là vu khống, là hàm hồ... Trong đám công an, không thiếu những người trung thực, theo ngôn ngữ bình dân, người tử tế. Chỉ có điều họ đã trở thành thiểu số và họ gần như vô năng".

Những kẻ "thiểu số vô năng" này, tất nhiên, đều vô tội. Còn cái đám đa số còn lại (cũng) chỉ là nạn nhân của một thể chế bạo ngược, và bất nhân thôi – như cách nhìn bao dung của nhà văn Uyên Thao : "Mọi con dân Việt Nam, vì thế, đều trở thành nạn nhân bi thảm vì bị tước đoạt mọi quyền sống, bao gồm trong đó không ít nạn nhân đã và đang còn đóng vai thủ phạm gieo rắc tội ác không chỉ cho đồng loại mà cho ngay cả bản thân".

Nghĩ cho cùng họ vẫn đáng tha thứ hơn là trừng phạt. Hơn nữa, gần hai phần ba thế kỷ qua, có người dân Việt nào dám tự hào nói rằng mình hoàn toàn (và tuyệt đối) không bị ảnh hưởng, hay lây nhiễm tính vô cảm và thói bạc ác của chế độ hiện hành ?

Nói thế (e) độ lượng quá chăng ? Biết thế nhưng với hiện cảnh, với lịch sử của một dân tộc đã triền miên sống giữa cảnh bom đạn máu lửa, giữa oán hận chất chồng, và nghi kỵ và phân hoá – kéo dài hết từ đời này sang đời khác – liệu có lựa chọn nào khác (thế) không ?

Luật sư Trịnh Hữu Long quan niệm rằng "xã hội chúng ta không cần thêm bất kỳ một ‘bên thắng cuộc’ nào nữa, mà đang khát khao sự hòa giải và yêu thương". Cuộc chiến Quốc/Cộng ở Việt Nam sẽ, và sắp chấm dứt. Điều cần thiết kế tiếp cho đất nước này là sự khoan dung, chứ không phải là lòng thù hận.

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 17/01/2018 (tuongnangtien's blog)

Published in Diễn đàn