Các nhà lãnh đạo, các cá nhân và tập thể, các bộ, ban, ngành cần phải thay đổi tư duy cũ, nhanh chóng tiếp thu, học hỏi những cái mới, những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để trở thành những hạt nhân nền tảng cho sự chuyển mình của dân tộc, tiến bước cùng thời đại.
Tạp chí Cộng sản
Tháng rồi tôi tìm ra một cái nhà trọ rẻ không ngờ, giá chỉ 10.000 kips mỗi đêm (khoảng một US dollar) thôi, nơi bản làng của người Khơ Mú – ở Thượng Lào. Tất nhiên là không có giường nệm, bàn ghế, điện nước gì cả – ngoài một cái đèn dầu hột vịt tù mù.
Tôi đã qua nhiều đêm trong những trại tù nên không phiền hà gì ráo, chỉ hơi lo lắng về chuyện tiêu tiểu mà thôi. Khi hiểu được nỗi băn khoăn của tôi, người chủ chỉ tay và hất mặt ra phía trước. Tôi nhìn theo, với đôi chút bất an vì chỉ thấy một cái mái nhỏ tí teo ở xa xa. Đến tận nơi mới biết đó là một nhà vệ sinh công cộng, khá sạch sẽ, do Port Hope Rotary Club từ Canada xây tặng.
Tôi chưng hửng. Ủa ! Ai mà dè là những thành viên của một hội thiện nguyện của Gia Nã Đại đã có mặt nơi đây từ đời thưở nào rồi. Trải qua bao dặm sơn khê (11 tiếng xe buýt từ Vientiane lên Luang Prabang, 2 giờ 30 phút xe đò từ cố đô của Lào đến Nong Khiaw, thêm hơn 60 phút đi ghe từ cái thị trấn giữa đèo này lên đến làng Muang Ngoy, rồi cuốc bộ cả một buổi sáng mới đến được cái "khách sạn đèn dầu" này) nên tôi "tưởng" mình là người đầu tiên từ Châu Mỹ đặt chân đến bản Pha Yong chớ.
Nhà trọ và nhà cầu ở bản Pha Yong, Bắc Lào. Ảnh : tnt
Đúng là tưởng năng thối. Thối hơn nữa là tôi cũng lại "tưởng" rằng chỉ ở những thôn làng heo hút (nơi không ai có khái niệm chi về vệ sinh công cộng) thì mới cần đến sự trợ giúp của người nước ngoài để có được cái cầu tiêu hay nhà xí. Té ra, ở nước mình cũng thế thôi – theo những mẩu tin (gần nhất) vừa xuất hiện trên báo chí xuất bản tại Việt Nam :
- Sáng 29/5 : Sở Ngoại vụ Bắc Giang phối hợp với một số đơn vị liên quan tổ chức lễ khánh thành và bàn giao dự án "Nước sạch và vệ sinh tại Trường Trung học cơ sở Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa.’Dự án nằm trong chương trình hỗ trợ phát triển cộng đồng không hoàn lại của Tổ chức phi chính phủ Latter Day Saint Charities (LDSC, Hoa Kỳ). Được biết, đây là công trình nhà vệ sinh thứ 14 mà Tổ chức LDSC triển khai tại huyện Huyện Hòa trong vòng 3 năm gần đây".
- Ngày 12/9 : Đoàn đại biểu chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản phối hợp cùng với Huyện đoàn Krông Ana và trường mẫu giáo Hoa Sen tổ chức lễ khánh thành Nhà vệ sinh Trường mẫu giáo Hoa Sen.
Mà nói chi đến huyện Krông Ana (Darlac) hay Hiệp Hoà (Bắc Giang) cho nó xa xăm. Vietnam Heritage - December 2016-January 2017 – tạp chí viết bằng tiếng Anh, một dạng truyền thông son phấn của chế độ hiện hành – cho biết :
"Public urination is nothing strange in Vietnam, where there is an acute shortage of public toilets... Data from Hanoi’s Department of Construction shows that the capital has 340 public toilets, but two thirds are located in residential areas and only 100 are situated along streets or at entertainment facilities. Ho Chi Minh City faces the same problem with only 200 public toilets serving the needs of its 10 million residents and the 5 million foreign tourists that visit the city each year".
Má ơi ! Giữa Thủ đô của lương tâm nhân loại và Thành phố Hồ Chí Minh (quang vinh) mà vài chục ngàn người mới có được một cái nhà vệ sinh công cộng ! Thảo nào mà Việt Nam nổi tiếng vì có đến hai cái Bay lận, chớ không phải một : Ha Long Bay và Cam Dai Bay.
Cấm đái bậy - Ảnh minh họa : tintuc.vn
Đây là một vấn nạn mới của Việt Nam do hiện tượng đô thị hoá (urbanization) vội vã mà ra chăng ?
Hổng dám mới đâu. FB Phạm Xuân Cần cho biết : "Từ năm 1934, ông Lê Viết Lới đã đề xuất xây dựng nhà vệ sinh công cộng cho Thành phố Vinh, Bến Thủy". Trên trang báo Thanh - Nghệ - Tịnh Tân Văn (số 195, xuất bản tháng 2 năm 1934) tác giả đặt vấn đề :
"Nếu có một người ở các phủ huyện vì công việc tới phố, nhưng khi lưu lại tại phố nhỡ có đại tiểu tiện thì họ lấy chỗ mô mà tiện giải ? Họ đành tìm chỗ bên sông, lạch nước làm xằng, bị người lính cảnh sát vớ lấy phạt xu. Cũng có khi một người nhà quê đã thường tới phố đi chợ, chỉ mang trong mình một tấm thẻ sưu, lính cảnh sát đã phạt về tội không đúng vệ sinh, còn phạt thêm tội không giấy ngụ cư nữa".
Hơn tám mươi ba năm sau, ông Lê Văn Hiệp (Chủ tịch Hiệp hội Nhà Vệ Sinh Việt Nam) cũng nêu lên mối quan tâm tương tự nhưng nhấn mạnh vào góc cạnh vệ sinh :
"Trong quá trình nghiên cứu, tôi đi thực tế, khảo sát ở hơn 40 tỉnh thành trên cả nước và thấy nhà vệ sinh ở các trường học, bệnh viện, bến xe, ga tàu... hiện nay quá tệ. Cần nói thêm, căn cứ vào số liệu của thế giới và Bộ Y tế, trong nhà vệ sinh bẩn có 200 con vi khuẩn thường trực mỗi khi phát sinh chất thải. Các con vi khuẩn này sẽ lây lan ở cấp số nhân với môi trường ẩm thấp và nếu không có biện pháp giải quyết thì sẽ gây hệ lụy rất lớn đến con người, cộng đồng, văn minh đất nước".
Con số "vi khuẩn" thực sự có thể lớn hơn gấp bội, theo lời của Bill Gates, nhà tỷ phú đã hiến tặng 400 triệu Mỹ Kim để cải thiện mô thức cho cái bồn cầu ở những quốc gia đang phát triển : "It was a glass jar filled with human feces… there could be over 200 trillion rotavirus particles, 20 billion Shigella bacteria, and 100.000 parasitic worm eggs". (Kẻ viết những dòng chữ này không biết rotavirus particles và Shigella bacteria là cái con bà gì ráo nên không thể chuyển dịch đoạn văn thượng dẫn. Kính mong được độc giả lượng thứ).
May là đất nước vẫn có những nhân vật như ông Lê Văn Hiệp, người tự nguyện bỏ cả tài sản (lẫn công sức) để vận động thành lập Hội Nhà Vệ Sinh Việt Nam – dù bị cả dư luận lẫn chính quyền cười chê hay tránh né :
"Tôi còn nhớ thời điểm đầu, tôi bị người ta chê cười rồi nhìn bằng ánh mắt dè bỉu, thiếu tôn trọng mỗi khi nhắc đến nhà vệ sinh, bên cạnh đó là vấn đề về chủ trương, chính sách thực hiện. Tôi cầm văn bản của các cơ quan chức năng cho phép vào các cơ quan đơn vị để khảo sát, nghiên cứu về nhà vệ sinh nhưng hầu hết họ đều từ chối với lí do là chuyện riêng của cơ quan".
Phản ứng của của "giới cơ quan chức năng" trước cái nhà vệ sinh khiến tôi nhở́ đến bản tin của trang Tiếng Dân, đọc được vào hôm 29 tháng 9 năm 2019 :
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành nghị quyết về Cách mạng 4.0. Người đứng đầu Đảng và Nhà nước lại tiếp tục nói xạo với dân, bằng cách đưa ra các mục tiêu cho tương lai xa… : Tới 2025, internet băng thông rộng phủ 100% các xã" ; "Đến năm 2030, duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới" hay "Bộ Chính trị đặt mục tiêu, năm 2045, Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh, trung tâm khởi nghiệp...
Tôi chết được chứ không phải bỡn đâu, Giời ạ ! Đến năm 2045 mà "nhà vệ sinh phủ 100 % các xã" là cũng quý hoá lắm rồi. Nói chi đến những chuyện xa xôi (và mơ hồ) dữ vậy, cha nội ?
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 05/10/2019 (tuongnangtien's blog)
**********************
Tiểu bậy loạn đàm (!!)
Những tưởng cái việc "giải quyết nỗi buồn" là việc tế nhị cá nhân, ai cũng biết nhưng không cần thiết phải đề cập tới. Thế mà gần đây nó lại được bình luận xôn xao dưới góc độ đạo đức xã hội. Thật buồn lắm thay !
Việc "giải quyết nỗi buồn" là việc tế nhị cá nhân đang được bình luận xôn xao dưới góc độ đạo đức xã hội
Chúng ta biết, không phải ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, từ W.C (Water closet : nhà vệ sinh) lại chứa thành tố "closet", nghĩa là buồng riêng, buồng kín.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà bất cứ công trình kiến trúc nào, dù là căn hộ gia đình hay tòa nhà thương mại, công sở… cũng đều thiết kế khu vệ sinh ở cuối hành lang hoặc mặt sau tòa nhà, phải đi theo mấy cái mũi tên chỉ dẫn mới đến được.
Tất cả đều chứa hàm ý rằng, chuyện tiêu tiểu của con người được mặc định là phải thực hiện ở một nơi kín đáo.
Thế nhưng đáng buồn là hành vi rất bản năng, cá nhân này thỉnh thoảng lại xuất hiện trên báo chí, trên các diễn đàn mạng xã hội và bị soi chiếu, mổ xẻ dưới góc độ đạo đức. Gần đây nhất, vụ người phụ nữ đứng che chắn cho người đàn ông tè bậy trong thang máy chung cư Moscow Tower (quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) hôm 3/10 đã khiến cả cộng đồng "dậy sóng" phản đối.
Nguyên nhân tè bậy là gì ? Vài chục năm trước đây nhiều người đổ tại do cơ sở hạ tầng thiếu thốn làm nảy sinh hành vi xấu xí. Thời mà nhà cấp 4 chật chội, đa phần là nhà ống, ngăn phòng bằng vách ngăn rồi kéo ri đô, nhà ai cũng chỉ có một góc nhỏ để tắm giặt và đi tiểu. Nhu cầu cao hơn hoặc nhà có nhiều người nảy sinh nhu cầu cá nhân cùng lúc thì người chậm chân hơn sẽ phải đi ra "nhà 7 gian".
Mà cả ngõ chỉ có một công trình dân sinh như thế, nên lâu lâu lại thấy cảnh có anh hàng xóm nhà đang bao việc mà cứ đứng bắt chéo chân ở lan can, có cô em thập thò, bứt rứt (không vì lý do tình cảm) ở dãy nhà tế nhị. Bao câu chuyện tình cảm đôi lứa đã nảy sinh trong hoàn cảnh khó tả đó.
Và, không khó lý giải khi trong một số trường hợp đứng bắt chéo chân mãi chẳng đặng đừng, nhiều người đã phải chọn cách ra cánh đồng, vỉa hè để "xả lũ"… cho "nó" mát.
Thế rồi thời đó, trẻ em thường hay hỏi bố mẹ vì sao chú kia đứng úp mặt vào tường ? Và các bậc cha mẹ, để giữ cho đầu óc con trẻ khỏi vẩn đục, đã phải bịa ra rằng vì chú hư nên bị cô giáo phạt (!).
Thế rồi vẫn thời đó, nhan nhản ngoài đường phố, trên những bức tường gạch bong tróc nham nhở - phản ánh năng lực kinh tế của một giai đoạn xã hội – bên cạnh những dòng chữ quảng cáo thông tắc bể phốt lại có vài nét chữ to tướng, nguệch ngoạc : "Cấm đ… bậy".
Dòng chữ này phổ biến đến nỗi mà nhiều khách du lịch nước ngoài khi sang Việt Nam đã mải miết đi tìm nơi có vịnh Cam Dai (từ "bậy" được khách nước ngoài đọc không dấu thành "bay", trong tiếng Anh nghĩa là hòn vịnh) và hi vọng nó sẽ đẹp như Ha Long bay (vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh), Ninh Van bay (vịnh Ninh Vân ở Nha Trang)… Đến khi họ hiểu ra "Cam dai bay" là gì, đa phần người Việt cảm thấy bẽ bàng !
Câu chuyện "đầu ra" của con người sau đó đã được nghiên cứu bài bản dưới góc độ xã hội học cũng như hạ tầng đô thị. Và kết quả là những năm tiếp theo, cùng với sự phát triển đi lên của nền kinh tế, nhu cầu bức thiết về những cái W.C đạt chuẩn đã được thỏa mãn.
Đến giờ, "nhà 7 gian" bị khai tử vì nhà ai cũng có công trình phụ riêng. Đường phố được trang bị những nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ. Trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại và bất cứ quán sá nào cũng có toilet. Đi xa thì cứ vài chục kilomet lại có một cây xăng hay trạm dừng nghỉ có khu vực để giải quyết nhu cầu cá nhân.
Ấy thế nhưng đâu đó vẫn có người tè bậy ở nơi công cộng và lọt vào camera để rồi vài tiếng sau, anh/chị ta được "sáng" nhất toàn cõi mạng. Điều đáng nói, không phải ở cánh đồng, cũng không phải trên núi cao hẻo lánh, không hiểu vì lý do gì mà thang máy những tòa nhà chung cư hiện đại thời gian gần đây lại thu hút số người đến tè bậy đến thế ?
Bây giờ không đổ tại cho hoàn cảnh thiếu thốn nhà vệ sinh được rồi. Chỉ có thế nói là do trình độ dân trí thấp, lối sống hoang dã, tư duy "cha chung không ai khóc"… mà ra.
Năm ngoái, tôi có chuyến du lịch cùng một đoàn các bác hưu trí ở khu phố. Xe đi từ Hà Nội vào miền Trung, thời gian ở trên xe kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Biết các bác tuổi cao, thận yếu nên cứ đi được 2 tiếng tài xế lại tìm trạm dừng nghỉ cho hành khách xuống đi vệ sinh. Nhưng không ai chịu vào trạm dừng nghỉ vì vào đó mất tiền, thay vào đó đồng loạt xin xuống giữa cánh đồng để "giải quyết".
Thế là cứ từng tốp các bác trai đứng dàn hàng ngang, các bác gái nhấp nha nhấp nhổm. Sau khi đứng lên thì cả một cánh đồng cỏ xanh rì trở nên lốm đốm màu trắng của giấy vệ sinh. Lên xe, các bác hỉ hả bảo nhau : "Thời chiến, ta còn khỏe thì phải xả thân cứu nước, nay già rồi, chậm "xả nước cứu thân" là chết". Tất cả cùng cười vang, hoàn toàn không bận tâm đến vấn đề ý thức hay là môi trường.
Hiện nay, Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định, từ ngày 1/2/2017, mức phạt tiền lên tới 3 triệu đồng (gấp 10 lần mức cũ) với hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng.
Thiết nghĩ, việc xử phạt cần phải được thực hiện nghiêm minh, đi kèm với các hình phạt bổ sung mang tính giáo dục ý thức như : Phạt lau dọn vệ sinh toàn bộ khu vực thang máy nơi vi phạm, bị dán ảnh tại nơi vi phạm… Có như vậy mới giảm thiểu được tình trạng "tiểu đường" nhưng không do bệnh lý, mà do ý thức.
Bình Minh