Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/05/2019

Đoạn kết của cuộc Cách mạng bung đồng

Tưởng Năng Tiến

Cái bung đồng, năm Cải cách, đội lấy của các nhà giàu trong làng chia cho, nó không phải của nhà mình, các con nên tìm chủ mà trả lại.

Đậu Thị Mực

bung0

Đến lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã "ngộ" ra rằng không ai có thể đem theo cái bung đồng nặng nề về bên kia thế giới.

Tôi vừa tình cờ đọc được một bài báo cũ ("Hành trình 60 năm của một chiếc bung hay câu chuyện hòa giải giữa địa chủ và bần cố nông") nhưng nội dung vẫn còn nguyên tính thời sự, củ̉a nhà báo Huy Đức, trên trang Dân Luận. Xin được ghi lại nguyên văn, cùng hình ảnh :

Cách đây hơn 4 tháng, trên Facebook này, tôi viết : Trong đám giỗ lần thứ 51 của chồng - ngày 28/11 năm Giáp Ngọ (18/01/2015) - cụ bà Đậu Thị Mực, sinh năm 1916 - thường gọi là bà Dương - dặn con cháu : "Trong hai vật dụng mẹ đưa từ Thanh Chương, Nghệ An, vào Bình Dương lập nghiệp năm 1990 chỉ có một là của nhà ta, cái bình vôi. Khi mẹ về làm dâu (cuối thập niên 1930s), bà nội đã dùng cái bình vôi (ăn trầu) này ; còn cái bung đồng, năm Cải cách, đội lấy của các nhà giàu trong làng chia cho, nó không phải của nhà mình, các con nên tìm chủ mà trả lại".

Cũng qua FB, bạn bè của anh Diễn Nguyễn Văn - con trai cụ Dương - đặc biệt là những cán bộ "Đội Cải cách" thời bấy giờ đã giúp truy tìm, cuối cùng, chiếc bung đồng được xác định là của gia đình "địa chủ" Trần Đống. Hôm nay, nhân ngày con cháu làm lễ mừng cụ Dương thọ tròn 100 tuổi, cháu nội cụ Trần Đống là anh Trần Văn Lê chủ công ty Phương Linh, sản xuất và kinh doanh hàng điện máy, đã bay từ Hà Nội vào mừng thọ cụ Dương (với bức tranh khắc gỗ có chữ Tâm) và nhận lại chiếc bung đồng.

Theo anh Lê, rất lạ là sau khi tin cụ Dương tìm người trả lại chiếc bung đồng, có thêm hai gia đình "bần cố nông" trong làng trả lại những "đồ quả thực" mà 60 năm trước họ được đội cải cách tước đoạt của địa chủ chia cho. Theo anh Lê thì con cháu cụ "địa chủ" Trần Đống về sau dù ở quê hay đi xa đều thành công, có nhiều người "đủ tiêu chuẩn để bị đấu tố" nếu lịch sử cái cách tái lập. Đặc biệt, con cháu là những người địa chủ này mỗi khi về làng vẫn thường giúp đỡ người nghèo, kể cả những người ngày xưa đã từng đấu tố cha ông họ.

Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là nạn nhân.

2222222222222222

Con cháu mừng thọ bách niên cụ Đậu Thị Mực - ảnh từ trang Dân Luận

Tôi hoàn toàn chia sẻ với quan niệm "xuê xoa" của nhà báo Huy Đức, và rất yêu thích "tinh thần hoà giải" trong câu chuyện thượng dẫn. Dù muộn – cuối cùng – vào lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã hiểu ra cái lý lẽ thông thường của đất trời : của thiên trả địa !

Điều đáng trân trọng hơn nữa là cháu chắt của giới địa chủ chả những đã vui vẻ nhận lại cái bung đồng mà còn đến mừng tuổi thọ, cùng với quà cáp đàng hoàng. Đã thế, sau khi "cụ Dương tìm người trả lại chiếc bung đồng, có thêm hai gia đình ‘bần cố nông’ trong làng trả lại những ‘đồ quả thực’ mà 60 năm trước họ được đội cải cách tước đoạt của địa chủ chia cho" nữa.

Thật là quí hóa quá chừng !

Tôi chỉ có hơi chút băn khoăn là dường như có bàn tay của Ban Tuyên giáo nhúng vào việc riêng của của những gia đình bần cố nông và cường hào địa chủ kể trên. Nếu không thì làm gì có việc "những cán bộ ‘Đội Cải cách’ thời bấy giờ đã giúp truy tìm… chiếc bung đồng". Mấy ai trong số những người này còn sống sót đến nay ? Và cũng chả ai lại "rỗi hơi" đến thế ? Cũng khó có chuyện cháu chắt của nạn nhân lại "bay từ Hà Nội vào" chỉ để "nhận lại chiếc bung đồng" mà ngay cả đến Giời cũng chưa chắc biết là sẽ dùng nó vào việc gì cả ? Không lẽ để thờ ? Đó là chưa kể những hình ảnh dàn dựng khá công phu, hơi tốn kém, và rất nặng phần trình diễn trong buổi lễ mừng thọ 100 năm của một cụ… bần cố nông.

Ở một xứ sở mà công an chúi mũi vào khắp mọi nơi : tu viện, chùa chiền, miếu đền, thánh thất, giáo đường (kể luôn chiếu giường/chăn gối) và người dân sắp có nguy cơ bị "đánh giá bằng điểm xã hội" đến nơi thì sự nghi ngại này – tất nhiên – không phải là hoàn toàn vô cớ. Nhưng tôi cũng chỉ suy đoán thế thôi, chứ chả có chứng cứ nào liên quan đến "tay chân" của Bộ Thông tin và truyền thông cả. Tôi cũng không tìm ra được cái "thông điệp" kín đáo nào của Ban Tuyên giáo, qua cái "màn diễn bung đồng" thượng dẫn ?

Sau Cải Cách Ruộng Đất rồi đến Hợp Tác Xã Nông Nghiệp thì toàn dân Việt đều trở nên vô sản ráo (chả ai có được một hòn đất để chọi chim ) thì còn đâu địa chủ mà lo chuyện hoà giải với bần nông ? Bài báo của tác giả Huy Đức, tuy thế, vẫn gợi cho độc giả của trang Dân Luận vài suy nghĩ mới :

- Nguyễn Thường Dân : "Thế chừng nào người ta mới trả lại nhà sách Khai Trí cho con cháu ông Nguyễn Hùng Trương ? Cái bung trị giá vài triệu thì làm lễ trả lại nhưng nhà sách Khai Trí với miếng đất mặt tiền ở quận 1 trị giá nhiều ngàn tỷ thì nhất định là lờ đi nhé, dù ‘Xét cho cùng thì họ cũng chỉ là nạn nhân".

- Nguyễn Jung : "Nhà nước ‘ta’ đã, đang và sẽ làm gì với số tài sản, đất đai đã và đang ăn cướp của Dân, từ khi cướp được chính quyền ở miền Bắc, sau 1975 cũng như hiện tại ?".

Như đã thưa, tôi vốn tính xuê xoa (chuyện gì đã qua là coi như xí xóa cho rồi) nên không cảm thấy thoải mái lắm với những "yêu sách" của nhị vị thức giả vừa nêu. Ông Nguyễn Hùng Trương đã từ trần, chuyện nhà sách Khai Trí tưởng cũng nên cho vào dĩ vãng. Miễn là con cháu của nạn nhân được để sống yên thân, không bị kỳ thị hay sách nhiễu, là tử tế lắm rồi.

Số tài sản, đất đai (cũng như hằng triệu mạng người) đã mất – kể từ gần hai phần ba thế kỷ qua – cũng thế, cũng nên quên ráo đi cho nó đỡ bận lòng. Chỉ cần Đảng & Nhà nước ngừng tay cướp bóc cũng đã qúi hóa lắm rồi. Những mảnh đất vàng, đất bạc, bờ xôi/ruộng mật – tất tần tật – đã vào tay nhà nước cả. Từ nay, xin làm ơn bỏ cái thứ luật lệ bất nhân ("đất đai do nhà nước quản lý") đi để toàn dân còn có chỗ trồng trọt/ cấy cầy, kiếm miếng ăn cho cả nước bỏ vào mồm, chứ không thì sớm muộn gì cũng sẽ lại vác rá đi ăn xin y – như trước – thôi.

Thử nghĩ xem : mỗi đồng chí lãnh đạo chỉ cần (độ) vài triệu dollar, cùng với năm ba cái biệt phủ hay biệt thự là… cũng đủ lắm, đủ cho một cuộc sống ung dung (có thể kéo dài đến vài thế hệ) nếu đừng phung phá quá. Chỉ cần hô biến mấy quả đấm thép Vinashin thành những đống sắt vụn đã hóa ra đến mấy tỷ Mỹ Kim. Tiền bạc chia nhau còn chưa biết giấu vào đâu (hay tiêu cách nào cho hết) thế mà quí vị còn nhất định "phải bàn cho ra" cái luật đặc khu, và làm đường sắt cao tốc Bắc/Nam để chạy thêm mấy chuyến tầu vét (tốc hành) để làm gì nữa ?

Dù muộn, đến lúc gần đất xa trời, cụ Dương cũng đã "ngộ" ra rằng không ai có thể đem theo cái bung đồng nặng nề về bên kia thế giới. Vàng, bạc, châu báu… cũng đâu có nhẹ nhàng hơn. Và con đò sinh tử của quí vị, xem ra, cũng chả còn xa bao xa nữa. Thế mà vẫn cứ còn cố kiếm thêm thì e rằng sẽ hơi quá tải, và cũng quá ngu !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 15/05/2019 (tuongnangtien's blog)

Quay lại trang chủ
Read 589 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)