Việt Nam : Tiến tới cuộc ‘Đổi mới’ mới và tìm bệnh căn cho ‘khối ung thư’ phải gỡ bỏ
Ba mươi bảy năm đã trôi qua, kể từ cuộc ‘Đổi mới’ lần thứ nhất do Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 6 phát động, nay đã tới lúc bước sang cuộc đổi mới một lần nữa. Lần này Việt Nam cần làm triệt để hơn để hội nhập tốt với thế giới, chủ động hướng tới tương lai. Tuy nhiên để làm được việc đó thành công, Việt Nam cần tự tháo gỡ được một số vấn đề như một ‘khối ung thư’ mà lâu nay cản bước, trong khi mỗi người dân cần có tinh thần ‘cầu tiến’ thay vì ‘cầu an’ để tham gia, giúp sức. Đó là ý kiến của ông Bùi Kiến Thành, nhà nghiên cứu kinh tế từ Sài Gòn, người từng là cố vấn của ban lãnh đạo Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam thời kỳ trước đây về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Một banner cổ động cho Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 25/1/2021 (minh họa) - Reuters
"Việt Nam xuất phát từ một nền kinh tế quốc doanh và doanh nghiệp lớn là doanh nghiệp của nhà nước, từ 20 đến 30 năm nay, Việt Nam đã cổ phần hóa hầu hết tất cả những doanh nghiệp nhà nước đó, còn lại một số còn đương có sự quản lý trực tiếp của nhà nước", kinh tế gia Bùi Kiến Thành trong phần hai cuộc trao đổi của mình hôm 29/5/2023 chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do mà đầu tiên ông đi từ góc độ quan sát cách thức và quan niệm quản lý nền kinh tế, ông nói tiếp :
"Nhưng chúng ta (Việt Nam) ở đây cần thẳng thắn với nhau, đừng ngần ngại vấn đề danh chính, bởi vì không dám nói đến ‘tư nhân hóa’ (privatization) của nền kinh tế, mà lại nói rằng ‘cổ phần hóa’ để tránh một vấn đề chính trị của một từ ngữ là ‘tư nhân hóa’ nền kinh tế. Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật, và nói rằng nền kinh tế Việt Nam phát triển tốt không phải là do thành phần kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ chốt chủ động, mà vai trò đó phải là của và bởi kinh tế của quốc dân, của toàn dân, đó là tinh thần của chính sách Đổi mới từ năm 1986, mà đến nay Việt Nam chưa làm hết, vì vậy phải làm rõ vấn đề đó.
Do đó Việt Nam cần phải quyết tâm, hãy tư nhân hóa nền kinh tế một cách rõ ràng và hãy tổ chức mọi điều kiện cho nền kinh tế tư nhân phát triển, chứ đừng giành giật lại những thành phần nào đó để giao cho doanh nghiệp nhà nước, để rồi quản lý không đến nơi, không đến chốn, lỗ triền miên, tình trạng đó là điều mà chúng ta đang thấy qua những dự án đang chết đứng, chết ngồi mà do Bộ Công thương quản lý v.v…
Những cái đó, chúng ta phải nhanh chóng giải quyết, xóa bỏ hết tất cả và tiến tới một nền kinh tế quốc dân, một nền kinh tế hiện đại và vì vậy Việt Nam phải xây dựng những cơ sở để làm những việc đó, mà trước hết là xây dựng tinh thần, xây dựng ý chí để tiến tới một nền kinh tế hiện đại, hội nhập với nền kinh tế thế giới".
Né tránh từ ngữ chính trị, hay là sách lược để ‘đầu xuôi, đuôi lọt’ ?
RFA : Ông nói không nên ‘né tránh’ từ ngữ vì ‘nhạy cảm’ chính trị, nhưng phải chăng tại Đại hội Đảng của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 6, cũng đã có sự cân nhắc nào đó về từ ngữ văn kiện nghị quyết liên quan đường lối đổi mới cơ chế quản lý, thể chế kinh tế, thậm chí nhiều hơn thế, mà Đảng cộng sản Việt Nam đã chưa thể gọi tên cho tương xứng, triệt để ?
Bùi Kiến Thành : Hoàn cảnh lúc đó về vấn đề chính trị, về vấn đề của tổ chức mà Đảng cộng sản Việt Nam chưa thể nào thấm nhuần được nền kinh tế thị trường là như thế nào, vì vậy văn kiện nghị quyết của Đại hội đảng mới có những ‘cái đuôi’ đi tiếp theo viết rằng ‘nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường’, chưa dám nói rằng ‘đây là nền kinh tế thị trường’, mà chỉ dám nói ‘vận hành theo cơ chế thị trường’, tới đó rồi lại còn sợ đảng viên chưa chấp nhận, nên lại móc thêm một câu nữa vào đó là ‘với sự quản lý của nhà nước’. Thành ra như thế nó gò bó lại cuộc cách mạng về vấn đề từ nền kinh tế ‘quốc doanh’ biến ra thành nền kinh tế ‘dân doanh’, gò bó bằng những điều, những cái đuôi móc theo đó để cho những đảng viên khỏi phải quá bỡ ngỡ và để cho Nghị quyết, văn kiện Đại hội đảng được thông qua, để mà được thực hiện.
Tới đó, cần đọc tiếp nữa để thấy điều thú vị trong văn kiện Đại hội đảng lần thứ 6 đó, Nghị quyết nói ‘với sự quản lý của nhà nước’, nhưng câu hỏi đặt ra là để làm gì ? Cứu cánh, tức là mục đích cuối cùng của nó, được nêu ra là để cho ‘dân giàu, nước mạnh’. Đấy là một cuộc cách mạng vĩ đại khác, bởi vì chủ nghĩa cộng sản không phải là ‘dân giàu’, chủ nghĩa cộng sản là ‘vô sản’, là ‘prolétariat’.
Bây giờ văn kiện Nghị quyết Đại hội đưa vào một quan niệm là ‘dân giàu’ thì ‘nước mới mạnh’, thì đó là cả một cuộc cách mạng vĩ đại khác, theo tôi, trong vấn đề chính nghĩa và cũng có thể nói là chính sách mà có thể nói là ‘dân giàu, nước mạnh’. Thế nhưng như thế cũng chưa đủ, ‘dân giàu, nước mạnh’ để làm gì ? Đích tiếp theo đầy đủ hơn phải là ‘dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh’.
Đến đó, rõ ràng chúng ta có thể thấy rằng cứu cánh trong mục đích mà Việt Nam đi tới không phải chỉ cho và trong vấn đề kinh tế, mục đích Việt Nam đi tới là một xã hội ‘dân chủ, công bằng, văn minh’, thì việc ấy là việc mà chúng ta cần phải làm, và ngày nay Việt Nam cần phải làm, và phải nêu lại, nêu rõ vấn đề rằng mục đích cứu cánh của Việt Nam không phải là xã hội độc đảng, mà cứu cánh của Việt Nam là một xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó theo tôi là công việc mà những ngày tháng tới đây, trong tương lai ngay tới đây, mà Việt Nam cần phải làm theo định hướng để Việt Nam đi tới một xã hội hội nhập cùng với thế giới, trong đó chúng ta là một xã hội ‘dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền’, chứ tôi nhắc lại không phải là một xã hội ‘độc tài, độc đoán’, và tôi nghĩ Việt Nam bây giờ cần phải đặt vấn đề như thế.
Đốt lò mới ‘đạt một phần’ kết quả, nhưng ‘chưa thực căn cơ’
RFA : Ông vừa nói tới ‘bây giờ’, nhân đây ông đánh giá thế nào về chiến dịch chống tham nhũng vấn được gọi là ‘đốt lò’, ‘củi lửa’ ở Việt Nam mấy năm trở lại đây ? Cái được và chưa được của nó là gì ?
Bùi Kiến Thành : Cố gắng bài trừ tham nhũng đã được Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam kỳ 11 rồi 12, cách đây ít nhất đã mười năm rồi, đặt ra. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã đạt được phần nào nhưng thực sự nó chưa phải là căn cơ. Căn cơ ở đây là ngay trong nội bộ của Đảng cộng sản đã bị con sâu mọt, con virus tham nhũng ăn sâu vào trong cơ chế, trong xương tủy của Đảng cộng sản, vì vậy lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam phải nhìn cho rõ căn bệnh căn cơ của mình như thế nào để mà giải quyết, chứ không phải là chỉ đốt một vài cành củi, hay đốt cái này, cái nọ lặt vặt, chống tham nhũng là vấn đề cần làm, nhưng cách làm như ‘Đốt lò’ như thế không phải là căn cơ.
Căn cơ là gì ? Ở đây tôi chỉ nói một trong những vấn đề tham nhũng căn cơ của Đảng cộng sản chính là đạo luật đất đai của Việt Nam, chính sách này trao quyền cho nhà nước có sự sở hữu và quản lý đất đai, và từ đó đi đến cho tới tỉnh, tới quận, tới phường, cho tới cả cấp xã, mấy người cán bộ xã cũng được quyền giải quyết về vấn đề đất đai, như vậy là một trong những nguồn tạo ra tham nhũng ở đất nước này.
Vì vậy tôi trở lại và nhấn mạnh là phải xóa bỏ Luật đất đai đó đi, làm một Luật đất đai mới hoàn toàn trả lại quyền sở hữu tư nhân về đất đai cho người dân, áp dụng cho toàn dân, và nhà nước chỉ được sở hữu những cái nào mà nhà nước cần phải quản lý, và nhà nước không thể nào là chủ đất đai của toàn dân được, riêng thay đổi đó sẽ làm giảm bớt được phần nào hệ lụy về tham nhũng.
Nhưng cái đó cũng chỉ là một phần thôi, như tôi đã nói và ý của tôi là chúng ta phải tìm cho rõ những căn cơ khác của căn bệnh tham nhũng của đảng Cộng sản Việt Nam là gì để mà giải quyết. Và chúng ta phải cần có một sự ‘hội chẩn’ của những bác sĩ, tức là sự ‘hội chẩn’ của những nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, đó là điều Việt Nam cần phải làm và làm càng sớm, càng tốt.
Còn nếu không, chỉ chữa bệnh theo lối mắc bệnh ‘ung thư’ mà cho uống aspirin, thì không thể nào giải quyết được vấn đề ung thư. Và nếu chúng ta không giải quyết được căn bệnh ‘ung thư’ của đảng Cộng sản ở Việt Nam, thì chúng ta cũng sẽ chết về vấn đề ung thư mà thôi.
Vì thế, câu hỏi đặt ra là ban lãnh đạo có muốn để cho đảng Cộng sản chết vì ung thư hay là không ? Nếu không muốn để cho đảng chết, thì phải giải quyết vấn đề bệnh căn, bệnh nguồn của ung thư đó là cái gì, cái đó là cái mà tôi khuyến cáo ban lãnh đạo của đảng Cộng sản ở Việt Nam nên lưu ý.
RFA : Trong lúc chờ đợi có một cuộc ‘hội chẩn’ như vậy, tạm thời theo giả thuyết ông đặt ra, theo ông những nguyên nhân chính khác của căn bệnh ‘ung thư’ đó là gì ?
Bùi Kiến Thành : Ngoài vấn đề Luật đất đai đến nay là một căn cơ, thì căn cơ thứ hai là cơ chế về quản lý đảng viên, cái đó cần phải xem lại. Đừng tạo ra điều kiện như tới giờ, nghĩa là để cho đảng viên mua quan, bán chức, rồi khi có được chức quyền rồi thì áp đảo nhân dân. Tôi vẫn thường nghe, chẳng hạn, chuyện muốn có một cái chức Chủ tịch UBND Quận thì phải có bao nhiêu chục tỷ đồng để bỏ ra chạy, muốn làm được chức Giám đốc giao thông ở chỗ nọ, chỗ kia, thì phải bỏ ra mấy chục tỷ đồng để mua v.v… và v.v… Những cái tương tự như thế nhân dân đều biết hết, nên lãnh đạo phải thực sự quan tâm và nghiên cứu coi thử căn cơ của tham nhũng ở đâu.
Và cũng giống như một bác sĩ trị ung thư tốt, thì phải thực sự tìm ra chuẩn xác bệnh căn, rồi tìm cách giải quyết cho tốt, nếu không giải quyết được, thì bệnh nhân sẽ chết, đó là vấn đề mà tôi khuyến cáo những người có trách nhiệm của đảng Cộng sản ở Việt Nam nên đặc biệt quan tâm.
Còn một vấn đề nữa là vấn đề đảng Cộng sản chỉ đạo cho bên chính quyền, tức đảng chỉ đạo mọi chỗ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài chi tiết, cho tới chỉ đạo đến cả các bên lập pháp, hành pháp, tư pháp nữa v.v…, thì đó không còn là dân chủ nữa rồi, và cái đó là rất khó chấp nhận. Chúng ta vẫn nói là pháp quyền và nhà nước pháp quyền, thì đó là tam quyền phân lập. Ba nhánh phải độc lập và đứng riêng ra, trong đó ví dụ tư pháp phải được độc lập, để công lý được thực thi, để xét xử được công bằng, chứ không phải là xét xử theo sự chỉ đạo của đảng Cộng sản hay theo sự chỉ đạo của bất cứ ai cả, đó là vấn đề nguyên tắc, tư pháp phải công bằng, chứ không được theo sự chỉ đạo của ai hết cả. Những việc vi phạm đó chưa chấm dứt được, thì phải hướng đến chấm dứt.
Nói rộng ra, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa ra khỏi được sự tổ chức một cách có thể nói là cổ lỗ của vấn đề chỉ đạo của đảng Cộng sản đối với chính quyền. Do vậy mới có mô hình ở mọi cấp đều có một Chủ tịch UBND, rồi mọi cấp ấy lại có một Bí thư đảng, mà luôn luôn là Bí thư đảng đó (thành ủy, tỉnh ủy, huyện ủy, quận ủy, đảng ủy xã, phường), chỉ đạo Chủ tịch UBND.
Điều trái khoáy này xảy ra từ bao giờ rồi mà thành nếp mãi như vậy ? Chủ tịch UBND là đại diện cho nhân dân, thế mà lại bị lãnh đạo bởi ĐCS, ở đây là Bí thư đảng chỉ đạo, mà cái mô hình này còn đi vào tới tận bệnh viện, trường học, thậm chí doanh nghiệp v.v… đủ chỗ, thì như thế đâu còn là dân chủ nữa. Đấy là thêm một bệnh căn khó chấp nhận, nó cho thấy Việt Nam vẫn chìm sâu trong quỹ đạo của một chế độ có thể nói là hết sức độc đảng, một chế độ không hề dân chủ.
Việt Nam đã biết như vậy, thì phải tìm giải pháp để cho nền quản trị, quản lý nhà nước được thông thoáng hơn, và ảnh hưởng của đảng Cộng sản là lãnh đạo, chứ không phải là chỉ đạo, thì sau đó Việt Nam sẽ đi lần lần, dần dần tới một nhà nước pháp quyền, dân chủ và dân chủ pháp trị sau này.
Nếu có ‘Đổi mới’ lần nữa, thì cần làm gì ?
RFA : Nếu có một cuộc ‘Đổi mới’tới đây ở Việt Nam, sau gần 37 năm tính từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng cộng sản Việt Nam, thì theo ông cần phải làm gì, có lưu ý gì không ?
Bùi Kiến Thành : Tôi thấy mọi chuyện đều xoay vào con người, hệ thống quản lý của Đảng cộng sản Việt Nam phải như thế nào đối với những đảng viên đang được quy hoạch, xây dựng nên, và những đảng viên đó phải có tinh thần như thế nào đối với trách nhiệm, quyền hạn của mình. Đây là điểm chưa thấy rõ ràng, và nếu không chịu có sự thay đổi một cách hiệu quả, có thứ lớp, bài bản, thì sẽ chịu một sự đổ vỡ tan tành, điều mà đã xảy ra với nhiều đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước khác trước đây.
Do đó, muốn tránh sự đổ vỡ ấy, cần rút kinh nghiệm xem cần phải làm cái gì, tôi mong rằng các lãnh đạo của Đảng cộng sản ở Việt Nam sẽ nhận thức được những kinh nghiệm đã qua và nhận thức được trách nhiệm trong tương lai sắp tới của mình đối với đất nước, nhân dân.
Vấn đề thứ nhất ở đây là trách nhiệm và sự sáng suốt của những vị lãnh đạo, chúng ta nhớ lại Đại hội đảng 6 là trước một tình hình rất căng thẳng, trên thì Trung Quốc đánh xuống, dưới thì Pol Pot vừa đánh lên cách đó không lâu, Việt Nam bị kẹt ở giữa trong một thế gọng kìm, trong khi kinh tế thì kiệt quệ. Cả miền Nam, cả đồng bằng Sông Cửu Long mà cũng đi vào nạn đói. Vì vậy, rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam lúc đó đứng trước nguy cơ sự đổ vỡ, và buộc phải tìm giải pháp.
Bài học rút ra cho bây giờ là nay chúng ta không phải chờ cho đến một điểm như thế, hãy sáng suốt, hãy nhìn vào sự thật của ngày hôm nay và có hành động, hãy ngồi lại với nhau để có giải pháp, chứ đừng chờ cho tới lúc trời sập xuống, lúc đó mới than thân, trách phận. Như thế là không được và không nên, và chúng ta phải hiểu rằng triều đại hưng vong là do ở con người. Mà con người đó chính là chúng ta. Và trong chúng ta có những người có quyền hành, và chúng ta cũng gồm những người chưa có quyền hành, nhưng cũng có ý kiến…
Vậy chúng ta phải cố gắng làm sao để đi tới một Đại hội mới, để đưa ra những Nghị quyết Đại hội, Nghị quyết Trung ương mới, để giải quyết vấn đề thể chế chính trị mới, theo kiểu mà chúng ta đã giải quyết vấn đề thể chế kinh tế của thời kỳ thập niên những năm 1980.
Hiện nay tôi thấy, về nhân sự, trong nhân dân và trong đảng Cộng sản, cũng đã có được những thành phần mà có thể nói rằng có tâm huyết và có trí tuệ, để mà ngồi lại bàn những việc này, đưa nước Việt Nam tới một nền dân chủ văn minh trong hòa bình, trong hạnh phúc, chứ không nên chờ đợi đến lúc đổ vỡ hết cả.
RFA : Viễn kiến của ông về một chế độ có đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng được chấp nhận và vận hành ở Việt Nam, điều đó gần, xa thế nào, theo ông ?
Bùi Kiến Thành : Xa hay gần hay không là tại con người, nhưng tôi nghĩ rằng nó không xa. Nếu chúng ta không làm gì thì mặt trời vẫn cứ lên, như tôi từng nói, không thể nào mà cứ nửa đêm giờ Tý canh ba mãi, mà qua những thời khắc như Sửu, Dần, Mão, Ngọ, thì mặt trời sẽ dần lên. Không thể lấy sức gì để mà níu lại một thời kỳ mà nó đã lỗi thời được.
Vì vậy những ai có trách nhiệm hôm nay phải cố gắng lên. Nhân đây, tôi có một lời nhắn nhủ với tất cả mọi người rằng phải cố hết sức đi, người ta nói là ‘tận nhân lực, tận nhân lực, tận nhân lực’, anh làm cái gì được, phải ráng hết sức làm, thì lúc đó mới ‘tri thiên mệnh, tri thiên mệnh, tri thiên mệnh’, tới lúc ấy sẽ thấy trời đất ra sao, và vận nước cụ thể thành quả thế nào.
Tức là đất nước tương lai thế nào, đi đến đâu là do sự nỗ lực của mỗi người, đừng có ngồi đó mà nói rằng tôi không có làm được, tôi không có quyền, tôi không có lực, tôi không có thế này, thế khác, rồi than thở, cái đó là không có và không được. Mọi người phải tận nhân lực, và tận nhân lực trong một tinh thần tích cực, chứ không phải trong tinh thần phá hoại một nền tự do, dân chủ.
Mỗi người công dân Việt Nam đều phải có trách nhiệm với đất nước, không thể nào để cho sống chết mặc bay, ai làm bậy gì thì làm, trong khi nếu như mình có thể góp ý gì được, thì mình góp ý, ở trong tinh thần thực sự cầu thị và cầu tiến.
Tôi chỉ ngại rằng có một số bạn tự cho mình giỏi hơn người khác, một đằng là ‘không thèm’ nói ra, mặt khác là lại quá khích. Ý của tôi ở đây là toàn dân phải có một tinh thần hợp tác cầu thị để cùng nhau đưa đất nước vươn lên, để tìm ra con đường sống, con đường tiến cho cả một dân tộc, chứ không phải là chỉ trích, chê bai thiếu xây dựng này khác, hoặc là một thái độ khác là ‘cầu an’.
Cầu an ở đây là những người không nói, không làm mà chỉ cầu an, như vậy là không phải. Con người ta cần phải có ân nghĩa với nhân dân, với đất nước. Một ngày mình ăn một hột gạo do nhân dân làm ra, thì mình phải có cái nghĩa đối với nhân dân. Và nghĩa đối với nhân dân ở đây là gì, là hãy làm tất cả những gì có thể để cho đất nước vươn lên, chứ đừng, như tôi nhắc lại, cho rằng mình tài giỏi, mình nói một lần không nghe, thì không nói nữa, tôi thấy phong cách đó là không đạt, mà trái lại là mỗi người phải gắng hết sức mình ‘tận nhân lực’ thì đất nước mới có ngày ‘tri thiên mệnh’.
Lời khuyên của tôi như thế là đừng nên quá tự cao, tự đại, mà cũng đừng nên quá ủy mị, để nói rằng tôi không làm gì được. Chúng ta cần phải có hành động mỗi ngày, cần mỗi ngày nêu cao ý nghĩa của cuộc sống, nêu cao ý nghĩa của việc đất nước cần phải được thay đổi, cần phải được vươn lên, và cần mỗi người đồng tâm nhất trí hiệp lực để mà hành động. Nếu tạo được tinh thần như thế, thì sẽ thành công, còn nếu chúng ta không tạo được tinh thần, thì chúng ta sẽ không có cách nào giải quyết được những vấn đề lớn.
Còn thông điệp của tôi đối với ban lãnh đạo của nhà nước Đảng cộng sản Việt Nam là nếu thấy vấn đề gì mà chưa thoáng, thì phải tìm mọi cách để làm cho nó thông thoáng, nếu thấy cái gì mà thiếu sót, thì tìm mọi cách để mà sửa sai, đối với tôi đảng cũng chỉ là một thành phần như những thành phần khác trong nhân dân, cái gì chúng ta thấy có thể làm được tốt hơn, thì cố gắng mà làm cho được, chứ đừng không làm gì cả. Rồi còn vấn đề nữa, tôi nhấn mạnh thêm đó là tâm lý ‘cầu an’, nhiều người đang rút về, rút lui, đi nuôi mấy con chim, mấy con cá…, nó không phải là một tinh thần đúng đắn với thời cuộc của đất nước hiện nay, đang lúc khó khăn, thì phải có tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, đối với đất nước này.
Trong một thế giới mà mọi người đang tiến tới, nếu Việt Nam không tiến tới, không phát triển, chúng ta sẽ bị cả thế giới bên ngoài chèn ép và chúng ta sẽ trở về một tình hình là bị lệ thuộc, thì cái đó không thể nào chấp nhận được. Vì thế, mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm hành động để cho đất nước vươn lên, anh ở trong đảng, anh ở ngoài đảng, bất kỳ trong địa vị nào, thành phần nào, đều phải thấy trách nhiệm đó, để dần dần đất nước có được sự thay đổi tốt đẹp, chứ đừng rút vào cầu an, hay ủy mị, điều mà tôi thấy đang là một cái nạn trong một số thành phần trong xã hội ở Việt Nam bây giờ, khi tự nói rằng ‘tôi không làm được nên tôi ngồi đó và tôi chờ’. Tôi cho rằng từ trong đảng, hay ngoài đảng, đã là người Việt Nam thì phải xóa bỏ thái độ sai lầm ‘cầu an’ đó, và trái lại phải chuyển sang tinh thần cầu tiến. Cầu tiến sẽ tích cực và hữu ích cho đất nước.
Ông Bùi Kiến Thành (ảnh do tác giả cung cấp)
Trên đây là ý kiến trên quan điểm riêng của Kinh tế gia Bùi Kiến Thành, một chuyên gia về kinh tế, tài chính, ông nguyên là Đại Diện Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam tại New York, nguyên Trợ lý cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nguyên Chủ tịch Tổng Giám đốc Công ty Bảo Hiểm Quốc Tế Mỹ (AIU), nguyên Chủ tịch Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam, Chủ tịch sáng lập Công ty Bình Điện VABCO (nay là PINACO). Ông từng cố vấn cho Lãnh đạo Đảng CSVN và chính phủ VN xây dựng chính sách Đổi Mới, cố vấn cho chính phủ Việt Nam về các vấn đề phát triển kinh tế, tài chính ; giải tỏa cấm vận Mỹ, thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ ; cố vấn cơ sở pháp lý Chủ quyền Việt Nam trên thềm lục địa Biển Đông ; Tư vấn xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, Hội nhập kinh tế thế giới ; Chỉnh đốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Phát huy Nhà nước Pháp Quyền. Hiện nay, ông đang nghiên cứu đề án xây dựng "Thành phố Hồ Chí Minh thành Trung tâm tài chính quốc tế". Mời quý vị bấm vào đường dẫn sau đây để theo dõi phần đầu cuộc trao đổi của ông Bùi Kiến Thành với Đài Á Châu Tự Do.
Quốc Phương
Việt Nam : mô hình kinh tế "bộc lộ áp lực lớn", nhưng chỉ đổi mới kinh tế là chưa đủ
Lời giới thiệu : Đầu tháng 5 vừa qua chúng tôi đã sang Hoa Kỳ gặp gỡ và trao đổi quan điểm với nhiều đại diện các đoàn thể, nhân sĩ và truyền thông đang hoạt động tích cực trong Cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ để giới thiệu tập sách mới xuất bản Việt Nam "Đổi mới ? !" Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó !
Dưới đây là bài thuyết trình về tình hình Việt Nam sau gần 40 năm gọi là "đổi mới" của chế độ độc tài toàn trị tại trụ sở Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam tại California, Garden Grove ngày 7/5/2023.
Âu Dương Thệ
Thư mời tham dự buổi ra mắt sách Việt Nam "đỏi mới" của tác giả Âu Dương Thệ
Nhận định và dự đoán về tương lai Đảng Cộng sản Việt Nam
Sau hơn nửa thế kỷ theo dõi và nghiên cứu các mục tiêu, hành động và kết quả của những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam
Thưa ban Tổ chức
Thưa quí vị và các thân hữu
Tôi rất cảm động và cám ơn đề nghị của ông Trần Quốc Bảo, đại diện cho Đài Đáp Lời Sông núi, cùng một số thân hữu rất sốt sắng tổ chức để tôi có dịp gặp gỡ quí vị và nhiều bạn hữu sau nhiều năm xa cách. Vì tôi tưởng rằng, ở tuổi đã cao lại xa xôi cách nhau cả chục ngàn dặm có lẽ khó gặp lại nhau, nhất là đại dịch Covid-19 bùng nổ trên toàn thế giới suốt mấy năm qua.
Nhưng có lẽ là cái duyên may nên đã tạo ra cơ hội "nhân định thắng thiên" ! Cái duyên tốt hôm nay là có dịp được gặp nhiều giới, ngoài các nhân sĩ, chuyên viên, các vị cao niên, còn có nhiều phụ nữ và những người trẻ thuộc nhiều giới khác nhau đang hoạt động tích cực trong cộng đồng ở Hoa Kỳ và Việt Nam trên nhiều lãnh vực.
Cuộc gặp kỳ ngộ hôm nay làm tôi nhớ lại hai câu đối nổi tiếng trong giai thoại văn học Việt Nam :
Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách.
Sắc bất ba đào dị nịch nhân.
(Mưa không có then khóa mà giữ được khách
Sắc đẹp không có sóng gió mà làm đắm lòng người).
Tưởng rằng vì tuổi cao và lại bị đại dịch Covid-19 hoành hành trên thế giới, nhưng nhờ duyên may chúng ta gặp lại được nhau để tâm tình và trao đổi suy tư và kinh nghiệm về quê hương, về tình hình Việt Nam với gần 100 triệu đồng bào ta ở trong nước.
Bìa sách Việt Nam "Đổi mới" - Tập II của Âu Dương Thệ
Sau hai công trình nghiên cứu khoa học về sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam tới tiếp thu miền Bắc (1954) và chiến tranh Việt Nam kết thúc (4/1975) vào dịp này đúng 48 năm (*).
Sau 1975 những người thắng cuộc đã tin rằng, "mình đã thắng được các đế quốc sừng sỏ Pháp tới Mỹ" (nguyên văn lời của Phạm Văn Đồng) thì nay cái gì họ cũng làm được cả và sẽ xây dựng Việt Nam tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa xã hội. Vì thế nhóm cầm đầu toàn trị khi đó đã không cần phải che dấu nhân dân ta và thế giới nữa, họ sát nhập Mặt trận Giải phóng vào Mặt trận Tổ quốc và thống nhất đất nước dưới chế độ độc đảng với văn hóa cai trị theo chủ nghĩa Marx-Lenin.
Từ đó họ dùng bạo lực, áp đặt rất máy móc đưa toàn bộ hệ thống cai trị từ chính tri, kinh tế tới văn hóa, giáo dục từ miền Bắc lên toàn miền Nam : Bắt toàn bộ nông dân miền Nam phải gia nhập các hợp tác xã nông nghiệp theo kinh tế tập thể của Lê Duẩn. Các doanh nghiệp tư nhân bị ngăn cấm theo lệnh "ngăn sông cấm chợ", "đánh đổ tư sản mại bản", đẩy hàng triệu các gia đình tư thương về các "vùng kinh tế mới" không nhà cửa, trường học, bệnh xá… ; dựng lên hệ thống kinh tế quốc doanh độc quyền của Đảng dưới chỉ huy trực tiếp của phó Thủ tướng Đỗ Mười khi ấy.
Nhưng chỉ vài năm sau – như nhiều quí vị và thân hữu ở đây đã chính là nạn nhân – nhân dân cả nước phảỉ ăn bo bo, lạm phát phi mã lên tới 800%, bị đưa đi cải tạo lao động bóc lột trong các khu rừng núi, nhiều năm xa gia đình, con cái bị liệt vào thế lực thù dịch nên không được đi học, đi làm… Chính sách cực kỳ tàn bạo này đã gây ra cuộc di cư vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc ta, cả thế giới đã phải chứng kiến hàng triệu "thuyền nhân Việt Nam" phải bỏ nước, bỏ gia đình, bạn bè, để ra đi. Hàng trăm ngàn người đã bỏ mình trên biển cả ! Hình ảnh tang thương này kéo dài trên nhiều năm, đã khiến ngay cả khi ấy những giới từng ủng hộ cộng sản Việt Nam ở Hoa Kỳ và Tây Âu đã phải thốt lên, tại sao gọi là "giải phóng" mà hàng triệu người lại phải lũ lượt bỏ nước ra đi ? Từ đó có phong trào tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam vào Hoa Kỳ và "những con tầu cho Việt Nam" ra đời do ngay những giới này ở Pháp, Đức cứu vớt thuyền nhân Việt Nam !
Đấy là chính sách gọi là "Hòa giải dân tộc" của phe thắng trận từ sau 1975 đã gây ra cho mấy chục triệu dân miền Nam trở thành nạn nhân, làm cả nhiều nước dân chủ đã bàng hoàng thức tỉnh !
Giữa lúc nhân dân lầm than, thống khổ thì những người lãnh đạo khi ấy, đứng đầu là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ lại đem quân chiếm Cambodia, tính thiết lập Liên bang Đông dương "đặc biệt" Việt-Miên-Lào. "Người bạn vĩ đại" của họ khi đó là Đặng Tiểu Bình, đứng đầu Đảng Cộng sản Trung quốc khi ấy, đã quên khẩu hiệu "môi hở răng lạnh", đem 200.000 quân đánh phá tàn bạo các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc từ 2/1979. Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã ban bố chính sách phong tỏa kinh tế và tẩy chay ngoại giao với chế độ cộng sản Việt Nam, vì đã dùng bạo lực xâm chiếm Cambodia chà đạp Công pháp quốc tế.
***
Tiến sĩ Âu Dương Thệ phác biểu trước quan khách tham dự buổi ra mắt sách
Cũng chính vào thời điểm những người cầm đầu cộng sản Việt Nam rất hồ hởi đưa ra những chủ trương đòi tiến nhanh tiến mạnh lên Chủ nghĩa xã hội, nhưng trong thực tế họ đã tạo ra nạn đói khủng khiếp. Chính khi ấy Liên Xô đồng minh chính - "Liên xô vĩ đại" quê hương thứ hai của Hồ Chí Minh, người sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam - lại rơi vào tổng khủng hoảng chính trị do cuộc cải tổ của Tổng bí thư và Chủ tịch nước Gorbachev chủ trương Glasnost (Cởi mở) và Perestroika (Cải tổ) từ 1985 đến 1991.
Chế độ cộng sản Việt Nam khi ấy rơi vào thế sợi chỉ treo ngàn cân : Nạn đói lớn nhất từ sau nạn đói 1945, dân phải ăn bo bo, nhiều sĩ quan cấp tá phải giải ngũ trở thành những người vá lốp xe đạp trên các vỉa hè ở Hà Nội-Sài Gòn, lạm phát phi mã trên 800%, đồng bào ta đã diễu cợt 4 chữ xã hội chủ nghĩa là "xếp hàng cả ngày"". Trong khi ấy đồng minh tin cậy nhất là Liên Xô đang tan rã, đồng chí phương Bắc đang trở thành "kẻ thù nguy hiểm và trực tiếp", Mỹ và phương Tây tẩy chay ngoaị giao và cấm vận kinh tế !
Trước tình thế cực kỳ hiểm nghèo như vậy, nhưng chính trong lúc nguy thì cũng ẩn náu cơ hội tốt cho nhân dân và đất nước, nếu chúng ta bình tâm và sáng suốt nhìn lại thời gian đó. Những câu hỏi rất chính đáng là : Nhưng những người cầm đầu chế độ toàn trị khi ấy là Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt đã xoay sở như thế nào ? Họ có biết tỉnh táo khôn ngoan và đủ bản lĩnh để giám vượt qua khỏi bóng đen của chính mình không ? Hay chỉ như những con ngựa quen theo đường mòn cũ, đánh mất cơ hội vàng cho đất nước và nhân dân ta ?
Tại Đại hội 6 tháng 12/1986, họ tung ra khẩu hiệu "Đổi mới". Thậm chí khi đó chính Nguyễn Văn Linh, tân Tổng bí thư, đã từng tuyên bố "Đổi mới hay là chết" ! Nhưng từ đó đến nay đã gần 40 năm trải qua 5 đời Tổng bí thư từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng hiện nay họ đã làm gì thực sự ? Có Đổi mới thực sự như lời họ hứa với nhân dân ta hay không ?
Về chính trị, họ hứa hẹn thề thốt đổi mới, nhưng trước sau vẫn là chế độ độc đảng và vẫn nhắm mắt mù quáng tin theo chủ nghĩa Marx-Lenin. Mặc dầu Liên xô - cái nôi và thành trì của thế giới cộng sản - vài năm sau đó đã tự tan dã.
Quốc hội là cơ quan lập pháp, tuy Hiến pháp ghi là cơ quan quyền lực cao nhất trong nước, nhưng thực tế khoảng 500 đại biểu chỉ toàn là nghị gật. Ban chấp hành Trung ương đảng theo Điều lệ đảng, là cơ quan cao nhất giữa hai Đại hội. Bộ chính trị là cơ quan lãnh đạo tập thể toàn Đảng, nhưng nay hai cơ quan này chỉ là cái bóng, cái loa của một vài người, vài nhóm có quyền lực trong từng giai đoạn. Cụ thể như hiện nay, như quí vị theo dõi, sau hơn 12 năm thoán đoạt quyền lực công khai và tàn bạo Nguyễn Phú Trọng đã trở thành "vua cộng sản" như thời vua phong kiến trước đây, được các quan dưới nịnh thần là "hạt nhân" lãnh đạo !
Về nội trị, nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế có uy tín và nhiểu tổ chức đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam ở trong và ngoài nước, trong các bản tổng kết hàng năm, đều báo động là, hiện nay chế độ cộng sản Việt Nam đang trở thành là một trong số những chế độ độc tài đàn áp nhân dân tàn bạo nhất trên thế giới. Hiện nay có hàng trăm tù nhân lương tâm, trong đó có cả phụ nữ và thanh niên. Các tổ chức Xã hội dân sự không được quyền tự do thành lập và hoạt động, báo chí tư nhân bị ngăn cấm. Mới đây tổ chức "Phóng viên không biên giới" -một tổ chức quốc tế rất có uy tín thường xuyên theo dõi tình hình tự do báo chí trên thế giới- đã xếp chế độ cộng sản Việt Nam vào hạng chót trên thế giới cùng với cộng sản Trung quốc và cộng sản Bắc Hàn về đàn áp báo chí và người cầm bút !
Trong kinh tế họ còn nặn ra một tên mới rất kêu Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Mới thoạt nghe tưởng như Kinh tế thị trường thực, tôn trọng sáng kiến của tư nhân. Nhưng khi ra đời các tập đoàn và tổng công ty được coi là đầu tầu kinh tế lại do nhà nước độc quyền, sử dụng ngân sách quốc gia, mặc dầu làm ăn thất thoát kinh niên. Những người có quyền lực trong các hội đồng quản trị của các công ty quốc doanh không có kiến thức nghề nghiệp, nhưng là những cán bộ có máu mặt tay chân của các ủy viên Bộ chính trị có thế lực, nên biến các tập toàn và tổng công ty thành các cơ quan hôi của và tham nhũng Ngân sách quốc gia từ tiền thuế của nhân dân. Ở đây chỉ đơn cử hai trường hợp điển hình : Vụ kinh doanh thất bại 4-5 tỉ USD của Vinashin (2010) dẫn tới cuộc trường kỳ đánh phá lẫn nhau suốt 5 năm giữa hai nhân vật Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (tham quyền) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tham tiền) để giành ghế Tổng bí thư tại Đại hội 12 (1/2016) và việc thanh toán ủy viên Bộ chính trị kiêm Bí thư thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng (5/1917), vì thất thoát tài sản nhà nước tại tập đoàn đầu khí Việt Nam (Petro VN) (cf. Tập II, Chương 7 : Trường kỳ chọi nhau rất tàn bạo giữa ông Tổng và ông Thủ, tr.8-121).
Tác giả Âu Dương Thệ ký tặng sách
Trong khi doanh thương tư nhân Việt Nam bị bỏ rơi, bị công an vòi vĩnh tham nhũng thì các công ty nước ngoài, nhất là các công ty lớn – các chim đại bàng (ngôn ngữ tâng bốc của những người cầm đầu chế độ) - như công ty gang thép Formosa Hà tĩnh, và nhất là công ty điện tử hàng đầu thế giới Samsung đã được ưu đãi tối đa từ thuế rất thấp, đất đai xây xí nghiệp, lương công nhân rất thấp, lại được tự do chuyển lợi nhuận về công ty mẹ ở Nam Hàn. Đầu 2016 khi xẩy ra vụ cá chết hàng loạt trắng xóa duyên hải 4 tỉnh miền Trung do công ty Formosa (Đài Loan) đã xả nước thải chứa các chất hóa học độc hại, Nguyễn Phú Trọng vẫn đủng đỉnh dẫn phái đoàn cao cấp tới khen Ban giám đốc Formosa, nhưng không thèm thăm các ngư dân bị thiệt hại ở ngay cạnh đó ; rồi ít lâu sau còn tuyên bố rất tỉnh bơ, "Kêu gọi đầu tư nhưng không nghĩ đến vấn đề môi trường, không nghĩ đến đổ rác đi đâu !". Khi họ quyết định cho đầu tư thì không tính tới việc giải quyết nước thải độc hại của nhà máy Formosa như thế nào ! Đúng là cách suy nghĩ và hành động vừa cực kỳ sai lầm, thiển cận và vô trách nhiệm, theo kiểu xây nhà không xây cầu tiêu của Nguyễn Phú Trọng ! (Tập II, Chương 9 : Kết quả thực tiễn trên 30 năm "Đổi mới", tr. 177-232).
Trong lãnh vực đối ngoại và ngoại giao, tuy thề thốt là đổi mới, nhưng khi nhiều đảng viên cấp tiến tên tuổi như cựu ủy viên Bộ chính trị Trần Xuân Bách đòi phải đổi mới cả trong kinh tế lẫn chính trị, tức là muốn đất nước vươn lên thực sự thì phải đi bằng cả hai chân, không thể chỉ đi khập khiễng một chân. Nếu vẫn giữ chế độ độc tài thì kinh tế không thể nào vươn lên được ! Nhưng những người có quyền lực mạnh khi ấy là Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu và Nguyễn Phú Trọng đã nói thẳng thâm ý của họ là, "Đổi mới nhưng không đổi mầu !" và nhấn mạnh châm ngôn của Hồ Chí Minh "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Tức là, trong mọi tình thế vẫn phải giữ Đảng độc quyền ! Rồi Trần Xuân Bách bị cách chức !
Vì thế đầu 9/1990 Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười đã lôi cả cựu Thủ tướng Phạm Văn Đồng bí mật sang Thành Đô (Trung Quốc) để xin cầu hòa và che chở của Giang Trạch Dân tại khách sạn nhà nước Kim Ngưu (chịu làm thân phận Trâu vàng !), hai bên đã kí Hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sau này cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ, đã gọi quyết định này là mở cửa cho Trung Quốc đe dọa chủ quyền lãnh thổ và độc lập của Việt Nam. Vài năm sau, Hà nội phải kí Hiệp định biên giới trên đất liền với Trung Quốc ở thế yếu và Hiệp định để Trung Quốc cùng khai thác ở vịnh Bắc bộ và trên biển Đông (Tập I, Chương hai : Đại hội 6 (12.1986) Sách lược cứu chế độ trong tình thế hiểm nghèo, tr. 42-89).
Năm 2015 Nguyễn Phú Trọng còn trân trọng mời Tập Cận Bình -ông gọi là Bạn- tới thuyết giảng trước Quốc hội cộng sản Việt Nam là "Trung Quốc không có "gen" xâm lược !" Nhưng chỉ ngày hôm sau khi tới Singapur họ Tập đã dõng dạc tuyên bố, "các đảo trên biển Đông là thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ ngàn năm trước đây" (Tập II, Chương 8, Đại hội 12 (1.2016) đóng vai trò thông qua các quyết định của phe Nguyễn Phú Trọng từ đề án nhân sự đến đường lối, tr. 122-176)
Với Hoa Kỳ và EU : Trong khi với cộng sản Trung Quốc thì những người cầm đầu cộng sản Việt Nam trong thời kỳ đổi mới từ Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh tới Nguyễn Phú Trọng hiện nay đều ngoan ngoãn ngồi vào lòng để nhận sự che chở của Bắc kinh, để làm sao Đảng cộng sản Việt Nam tiếp tục độc quyền và bảo đảm cho quyền lực cá nhân cho họ. Nhưng với phương Tây và đặc biệt với cựu thù Hoa Kỳ thì họ lại chỉ tìm cách moi tiền, móc túi. Họ chỉ bình thường với Hoa Kỳ 5 năm sau (1995) khi họ tái lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc tại Hội nghị Thành đô 1990, như đã trình bầy ở trên.
Cho tới nay Việt Nam đang là nước có kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ. Số kiều bào Việt Nam sinh sống ở Hoa Kỳ cũng cao nhất trên thế giới. Nhưng nhóm cầm đầu cộng sản Việt Nam trước sau vẫn chỉ áp dụng "chính sách nhân quyền nhỏ giọt" với Hoa Kỳ (Chương 8, như trên). Khi nào có các cuộc thăm cấp cao của hai nước thì Hà nội thả một tù nhân lương tâm sang Mỹ để đánh lạc dư luận Mỹ. Như gần đây trong dịp ngoại trưởng Mỹ Blinken thăm Việt Nam vào giữa tháng 4, họ thả chị Nguyễn Thanh Nghiên cùng gia đình sang Hoa Kỳ !
Trong số các quí vị và anh chị em đang có mặt hôm nay, xin cho biết quí danh đã từng là tù nhân lương tâm và đã được Hoa Kỳ vận động để sang Mỹ tị nạn. Chúng tôi đã được đọc và nghe rất nhiều và rất cảm phục sự can đảm của quí vị và các anh chị, nhưng chưa có lần nào gặp mặt nhau, nên chưa nhận ra được. Xin thứ lỗi và trong phần thảo luận xin quí vị và các anh chị tự giới thiệu. Rất cám ơn.
Những người cầm đầu cộng sản Việt Nam còn lươn lẹo, đồng ý thành lập Ủy ban Nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và với EU (Liên Hiệp Châu Âu-Liên Âu). Mỗi năm thường họp một lần để làm như họ vẫn quan tâm tới nhân quyền, nhưng thực tình là để che mắt chính quyền các nước này và đánh lạc hướng dư luận của Hoa Kỳ và EU. Những người cầm đầu bảo thủ cộng sản Việt Nam rất lo sợ hợp tác với các nước Dân chủ Đa nguyên như Mỹ và EU có thể dẫn tới diễn biến hòa bình ở Việt Nam, các cuộc Cách mạng mầu có thể xẩy ra, như ở nhiều nước cộng sản Đông Âu vào cuối thập niên 80 thế kỷ trước. Trong cuộc thảo luận với Tập Cận Bình tại Bắc kinh vào tháng 10/2022 cả Tập Cận Bình lẫn Nguyễn Phú Trọng đều lập lại nguy cơ các cuộc cách mạng mầu có thể xẩy ra trong thời gian tới ở Trung Quốc và Việt Nam !
Như thế cho thấy, không chỉ trong chính trị, tư tưởng mà cả trong các chính sách kinh tế, nội trị và ngoại giao từ khi gọi là "đổi mới" tại Đại hội 6 (12/1986) tới nay hoàn toàn vẫn là cũ. Tức là trước sau vẫn là ông "Nguyễn Như Vân" ! Trong thực tế đây hoàn toàn là Đổi mới giả hiệu, chỉ tìm cách đánh lừa nhân dân ta !
Chính vì vậy sau trên 10 năm nghiên cứu nghiêm túc về các chủ trương, chính sách, các hoạt động và kết quả của gần 40 năm gọi là "Đổi mới" xuyên qua 5 đời Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng thì thật là rất rõ ràng, đây là thủ đoạn cố tình đánh lừa đồng bào ta của những người cầm đầu chế độ độc tài toàn trị. Đúng như câu tục ngữ Việt Nam tố cáo những tội ác gian sảo của những kẻ chuyên lừa đảo là Treo đầu dê, bán thịt chó
Chính vì vậy chúng tôi đã chọn đề tựa tập sách trên 700 trang với gần 1500 ghi chú các dẫn chứng là : Việt Nam "Đổi mới" ! ? Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó" ! (Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ? ! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I (lulu.com) và Tập II)
Hôm nay chúng tôi rất hân hạnh được trình bày tóm lược với quí vị, các thân hữu và các tổ chức đang đấu tranh cho một nước Việt Nam mới thực sự dân chủ, tự do, ấm no, độc lập và sánh vai cùng với các nước tiến bộ trong Thế kỷ 21.
Thưa quí vị và các thân hữu !
Nói tóm lại, chính sách cai trị của những người cầm đầu cộng sản Việt Nam từ khi cướp được chính quyền (9/1945), cai trị miền Bắc (1954) tới cai trị cả nước (1975) đối với nhân dân cũng như đối với đảng viên trong các lãnh vực nội trị, kinh tế và ngoại giao thể hiện rất rõ ràng "văn hóa chính trị của đảng cầm quyền" và của những người có quyền lực nhất trong mỗi giai đoạn như thế nào ! Văn hóa chính trị ở đây là nói về tư duy và thái độ cư xử của đảng cầm quyền và những người nắm quyền lực đối với nhân dân.
Việt Nam bị cai trị bởi Đảng cộng sản. Trong cách cai trị họ đã chọn văn hóa chính trị Marx-Lenin tuân theo và tôn thờ những giá trị sau đây :
- Đảng cộng sản phải nắm quyền độc tài toàn diện trong xã hội ;
- Đấu tranh giai cấp ;
- Dùng bạo lực để đàn áp những người khác chính kiến ;
- Chủ trương vô thần.
Trong thực hành họ dùng các thủ đoạn đàn áp, chia rẽ và lừa dối cực kỳ vô lương tâm và tàn nhẫn đối với nhân dân và cả đảng viên, miễn là đạt mục đích theo châm ngôn của Hồ Chí Minh "dĩ bất biến, ứng vạn biến" và hiện nay là "đổi mới nhưng không đổi mầu". Nghĩa là tùy theo tình hình mỗi giai đoạn, Đảng phải đổi tên, đổi khẩu hiệu, đổi cách thức hoạt động - đấy là vạn biến - nhưng trước sau phải tuyệt đối giữ độc quyền cai trị cho Đảng. Chúng ta nhớ lại họ đã thay đổi tên đảng bao nhiêu lần, tên Mặt trận bao nhiêu lần, các khẩu hiệu đấu tranh bao nhiêu lần từ 1930 tới nay. Nhưng trước sau vẫn giữ Đảng độc quyền !
Mặc dầu chủ thuyết Marx-Lenin đã chứng tỏ hoàn toàn sai lầm từ lí thuyết tới thực hành từ Liên xô trước đây, tới Trung Quốc, Bắc Triều tiên, Cuba tới Việt Nam hiện nay ! Cho nên văn hóa cai trị này đã gây ra những hậu quả rất tai hại cho nhân dân và đất nước, không những thế còn đang đưa cả chế độ vào phân hóa rất trầm trọng :
- Chỉ trong nửa năm, để tự cứu mình, Nguyễn Phú Trọng đã phải tổ chức 4 Hội nghị Trung ương bất thường khác nhau, 4 kỳ họp Quốc hội bất thường khác nhau để đẩy Nguyễn Xuân Phúc khỏi chức Chủ tịch nước, cách chức hai Phó Thủ tướng và nhiều cán bộ cao cấp sau khi xẩy ra vụ tham nhũng có hệ thống lớn nhất từ trước tới nay xuyên qua vụ Việt Á trong giai đoạn chống bệnh dịch Covid-19 2020-2022 và vụ các "chuyến bay giải cứu". Trong tư cách là Tổng bí thư và Trưởng ban chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng vì thờ ơ và vô trách nhiệm nên chính Nguyễn Phú Trọng đã tự đặt bút kí Quyết định số 264/QĐ-CTN (10/3/2021) "Tặng Huân chương lao động hạng ba cho công ty Việt Á có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các công tác phòng, chống dịch Covid-19". Quyết đình này được công bố trên toàn quốc. Ngay khi đó các tổ chức dân chủ ở trong và ngoài nước đã tố cáo công ty Việt Á chỉ là cái bung xung, màn che của bọn đại quan đỏ tham nhũng ở các Ban Trung ương và Chính phủ lợi dụng bệnh dịch đe dọa sinh mạng của hàng triệu nhân dân để tham nhũng có hệ thống lớn nhất từ trước tới nay !
- Văn hóa cai trị độc tài theo kiểu Marx-Lenin chỉ dựng lên hệ thống nịnh trên đạp dưới giữa các đảng viên !
- Văn hóa cai trị độc tài Marx-Lenin dựng lên cái đuôi Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính nó là những con bò sữa cho bọn quan tham nhũng !
Áp dụng văn hóa Marx-Lenin dựa trên những giá trị cực kỳ sai lầm trên vào Việt Nam đã gần một thế kỷ. Nó giống như thuốc cực độc đã dùng lâu gây ra những hậu quả cực kỳ tai hại cho dân tộc ta. Nó gây ra những cuộc nội chiến tàn khốc, giết hại nhiều triệu đồng bào, phân hóa nội lực dân tộc khủng khiếp, luồn cúi và lệ thuộc phương Bắc. Vì thế sau gần một thế kỷ, nhưng Việt Nam vẫn là một nước tụt hậu về kinh tế, giáo dục, khoa học và kĩ thuật ; nhân dân vẫn bị đàn áp và tước đoạt nhân quyền, đa số phải chịu cuộc sống đói rách lầm than ! Áp dụng văn hóa chính trị này ở Việt Nam suốt 80 năm qua đã cản trở nhân dân ta bỏ lỡ nhiều cơ hội vàng rất tốt để đổi đời !
Văn hóa Marx-Lenin độc tài đã được Hồ Chí Minh du nhập một cách vô ý thức và vô trách nhiệm vào Việt Nam gần một thế kỷ qua và được triển khai rất tàn bạo ở Việt Nam. Bản chất của văn hóa chính trị này là lừa đảo, đàn áp, xu nịnh, thần thánh hóa lãnh tụ và ru ngủ nhân dân. Nó hoàn toàn đi ngược với trào lưu hiện nay của nhân loại. Văn hóa Marx-Lenin dựa trên độc tài, bạo lực và dối trá để thực hiện chế độ toàn trị. Vì thế các thủ đoạn đàn áp, mua chuộc nhằm mục tiêu ru ngủ và làm ngu dân là sách học thuộc lòng cho các đảng viên cộng sản đã đánh mất lòng tự trọng !
Sau gần 80 năm cai trị độc tài của Đảng cộng sản, nhưng Việt Nam vẫn là một nước chậm tiến tụt hậu. Tuy chế độ đã cố tình sửa lại cách tính theo cách tô hồng, nhưng lợi tức đầu người hàng năm hiện nay mới là 3.700 USD, chỉ xấp xỉ bằng 1/9 của Nam Hàn và Đài Loan. Nhưng Nguyễn Phú Trọng lại cố tình giả dối và kiêu ngạo hão, nói là "Chưa bao giờ đất nước ta có cơ đồ, vị thế, uy tín như ngày hôm nay !". Giữa lúc nhiều người đấu tranh dân chủ trong các giới trí thức, nhà báo, văn nghệ sĩ, thanh niên và phụ nữ bị hành hạ, giam giữ, nhưng Nguyễn Phú Trọng vỗ ngực tự khen là, dưới thời đại cầm quyền của ông "Việt Nam dân chủ đến thế là cùng !". Hiện nay giữa lúc triều đình đỏ đang rơi vào đại khủng hoảng, khiến Nguyễn Phú Trọng phải dùng "thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng" thì ông lại hô hoán "tiền hô, hậu ủng" !
Chọn ý thức hệ sai lầm, áp dụng phương pháp cai trị độc tài, bạo lực, luật pháp nằm trong tay những kẻ có quyền và có tiền. Vì thế tham quyền và tham tiền càng bùng nổ bất trị. Suy thoái đạo đức của người cầm quyền là nguy hiểm nhất. Văn hóa làm người bị mất là mất hết !
Suốt trên nửa thế kỷ có dịp theo dõi liên tục, nghiêm túc tìm hiểu cách vận hành của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam từ năm này sang năm khác trong các lãnh vực. Ở bên Đức có một hệ thống bác sĩ tư. Các nhà y học chuyên môn này theo dõi sức khỏe từ cha mẹ tới con cái các gia đình tới khám bệnh thường xuyên nhiều năm. Nên các bác sĩ này không chỉ biết rõ tình trạng sức khỏe của từng người trong các gia đình này đang còn tốt, hay mắc các bệnh hiểm nghèo và tương lai sức khỏe của họ ra sao, mà còn hiểu cả thái độ, tâm lí của các thành viên trong các gia đình này nữa.
Quan khách tham dự buổi ra mắt sách cùng tác giả Âu Dương Thệ (thứ hai từ trái) hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trước khi hội thảo - Ảnh minh họa
Cách nghiêm cứu, tìm hiểu về chế độ toàn trị của cộng sản Việt Nam trên nửa thế kỷ qua của chúng tôi cũng tương tự như bác sĩ theo dõi sức khỏe của các gia đình.
Cho nên chúng tôi đã rút được kết luận : Tại sao chế độ này đang đi vào ngõ cụt và rơi vào tử điểm : Gần 100 năm ra đời và gần 80 năm cầm quyền một phần rồi toàn Việt Nam. Nhưng chế độ cộng sản toàn trị không dựng lên được mẫu con người xã hội chủ nghĩa, trong đó mọi người vì mình, mình vì mọi người, hưởng theo nhu cầu, lao động theo khả năng. Như Hồ Chí Minh từng nói, muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa ! Nay sau gần 80 năm nó vẫn trước sau chỉ như một giấc mơ, một huyền thoại !
Thực tế ở Việt Nam hiện nay là một xã hội : Tổng bí thư thì tham quyền, lừa đảo ; các ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương người thì tham nhũng, kẻ tham quyền, nịnh trên nạt dưới, sống giả đạo đức, bất tài, vô lương tâm, đàn áp những người khác chính kiến, coi nhân dân rẻ rúng như thời phong kiến trước đây ! (Tập II, Chương 9, kết quả thực tiễn trên 30 năm "Đổi mới", Chương Kết và Những điều nên nhớ, nên tránh và nên làm !, tr. 177-306).
Tục ngữ có câu, một bác sĩ trị bệnh sai có thể làm chết một người. Nhưng một chính trị gia áp dụng văn hóa cai trị sai lầm thì có thể giết cả dân tộc !
Thưa tất cả quí vị, các thân hữu hiện diện hôm nay.
Đất nước ta còn đang rất điêu linh, nhân dân ta còn đang bị đàn áp. Nguyên nhân chính trước mắt là, chế độ độc tài toàn trị và những người cầm đầu vẫn còn ngang ngược, kiêu mạo, mù quáng và cực kỳ vô đạo đức rập khuôn theo ý thức hệ Marx-Lenin hoàn toàn sai lầm, tàn bạo và đã phá sản !
Cho nên nhiệm vụ chung và cao cả của chúng ta là phải nối tiếp cuộc tranh đấu để làm sao giành tự do, dân chủ, hạnh phúc thực sự cho nhân dân ta ; đồng thời bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ. Phải biết nỗ lực dùng sức mạnh của chính mình và biết tìm sự hỗ trợ của các nước dân chủ tiến bộ !
Chúng tôi rất mong rằng, các vị cao tuổi nhiều kinh nghiệm đấu tranh, các người trẻ hôm nay nhiều nhiệt huyết và tự tin sẽ sáng suốt cùng nhau và cùng với toàn dân Việt Nam từ Nam chí Bắc và cả các cộng đồng người Việt ở nước ngoài, tìm ra những cách đấu tranh khôn ngoan để quyết tâm đồng lòng tiếp tục đưa cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta nhất định đến thành công !
Xin thành thực cám ơn và trân trọng kính chào !
Âu Dương Thệ
(07/05/2023)
Giới thiệu :
- Hai tập sách bằng tiếng Đức của cùng tác giả : Luận án Tiến sĩ Chính trị học : Die Vietnampolitik der USA – Von der Johnson- zur Nixon-Kissinger Doktrin. Oder : Die Neuorientierung der amerikanischen Außenpolitik (Chính sách Việt Nam của Hoa Kỳ từ học thuyết Johnson tới chủ thuyết Nixon-Kissinger. Hay sự thay đổi chính sách đối ngoại của Mỹ). Xuất bản 1978, 540 trang.
- Die politische Entwicklung in Gesamtvietnam 1975 bis 1982 : Anspruch und Wirklichkeit (Tình hình phát triển chính trị trên toàn Việt Nam từ 1975- 1982 : Tham vọng và thực tế !) Xuất bản 1987, 271 trang.
Trong hai ngày 27 và 28 tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Chính Ân tại Hà Nội. Sau thượng đỉnh ngày 12 Tháng Sáu năm ngoái tại Singapore, đây là lần thứ nhì mà lãnh tụ hai nước gặp nhau để thảo luận việc Bắc Hàn từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vì hội nghị được tổ chức tại Việt Nam nên nhiều người hy vọng là lãnh đạo Bắc Hàn có thể học hỏi kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Hà Nội. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu triển vọng này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương 7 của Đảng Lao động Hàn Quốc (WPK) ở Bình Nhưỡng ngày 18/5/2018 - AFP
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, để chuẩn bị hai ngày hội họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hà Nội vào ngày 27 và 28, lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn sẽ tới Việt Nam từ ngày 25 và nhiều người mong là Bắc Hàn có thể chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam mà tiến hành việc cải cách kinh tế ở nhà. Ông nghĩ sao về hy vọng đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu tôi nhớ không lầm thì chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gợi ý này từ Tháng Chín năm ngoái. Quả thật là nền kinh tế quá lạc hậu và sa sút của Bắc Hàn cần được cải cách, miễn là không đe dọa sự tồn tại của một chế độ độc tài, và kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Việt Nam từ ba chục năm trước có thể là một giải pháp cho lãnh tụ Kim Chính Ân. Tổng thống Donald Trump cũng dùng ẩn dụ là kinh tế Bắc Hàn có thể nhảy vọt như một hỏa tiễn mà không gây chiến tranh. Khi tới Hà Nội, lãnh tụ Kim Chính Ân có thể chứng kiến một số hình ảnh đổi mới tại Việt Nam mà học hỏi thêm kinh nghiệm về cải cách. Nhưng chúng ta cần đặt vấn đề vào một bối cảnh rộng lớn hơn.
Trước hết, sau Chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1953, hai nước Nam Bắc Hàn vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với nhau và Bắc Hàn vẫn chưa có một hòa ước với Hoa Kỳ. Vì vậy, đối thoại giữa hai chế độ Nam-Bắc Hàn là một bước ưu tiên. Thứ hai, chính là Nam Hàn, mà người ta gọi là Đại Hàn Dân Quốc, mới là một mẫu mực cải cách kinh tế cho Trung Quốc và Việt Nam và sau khi cải tổ kinh tế với sự yểm trợ của Hoa Kỳ vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nam Hàn còn cải cách về chính trị để có chế độ dân chủ và trở thành một quốc gia tiên tiến hiếm hoi. Trong cuộc đối thoại giữa hai chế độ Hán Thành và Bình Nhưỡng từ năm ngoái, Bắc Hàn có thể cũng đã tìm hiểu và học kinh nghiệm của Nam Hàn.
Thanh Trúc : Như vậy, ông cho rằng Bắc Hàn nên học kinh nghiệm cải cách kinh tế của Nam Hàn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài khía cạnh đồng văn và ngôn ngữ thì yếu tố quốc gia dân tộc của hai nước cũng là điều nên nhớ : niềm tự hào dân tộc là động lực vô hình mà đáng kể khi một dân tộc vẫn bị chia đôi từ 70 năm qua. Việc Nam Hàn đầu tư mạnh vào Việt Nam, với điển hình là vai trò của tổ hợp Samsung, tất nhiên được Bắc Hàn chú ý. Đáng chú ý hơn vậy là vai trò của tư nhân trong việc phát triển Nam Hàn. Vì vậy, bài học mà Bắc Hàn nên ghi nhận là quyền tư hữu và vị trí của tư nhân, của tư doanh. Bài học đó không đến từ Việt Nam mà đến từ Nam Hàn, một quốc gia tôn trọng dân chủ và quyền sáng tạo của người dân.
Thanh Trúc : Một đặc điểm then chốt của chế độ Bắc Hàn từ năm 1948 cho tới nay là tinh thần họ gọi là "tự chủ" nhưng lại theo phương pháp cộng sản và còn muốn thống nhất hai miền bằng giải pháp quân sự. Nam Hàn cũng có tinh thần tự chủ, chẳng hạn như với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay, nhưng người dân của họ lại thịnh vượng và hạnh phúc hơn người dân Bắc Hàn. Thưa ông, đấy có là một yếu tố đáng suy ngẫm hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy và nếu ra khỏi chế độ bưng bít thông tin để tuyên truyền thì người dân Bắc Hàn cũng có dịp so sánh với đồng bào của họ tại miền Nam. Trở lại nội dung kinh tế, thì lý luận tự chủ của chế độ Bắc Hàn khiến họ hy sinh kinh tế cho quân sự để thành một cường quốc quân sự trong sự lầm than của người dân. Vì vậy, cái gốc của sức mạnh vẫn là kinh tế và các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn có thể giúp Bắc Hàn tái thiết kinh tế. Vấn đề là tái thiết theo hướng nào ?
Thanh Trúc : Như ông nghĩ thì Bắc Hàn nên tái thiết kinh tế theo hướng nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là họ nên đi lại từ đầu và học kinh nghiệm thất bại của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông trong cái gọi là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay "Đại Dược Tiến" làm mấy chục triệu người chết đói từ 1958 tới 1961.
Vấn đề ở đây là lãnh đạo thiếu thông tin về thực tế của đời sống. Vì vậy, hướng cải cách đầu tiên của Bắc Hàn là tìm ra định nghĩa chính xác của Tổng sản lượng GDP làm dụng cụ đo lường xác thực, sau đó là tổ chức bộ máy thu thập thống kê để biết rõ về tình hình thực tế. Bộ máy đó không là thống kê khó tin của Trung Quốc hay Việt Nam.
Chuyện thứ hai là trong nền kinh tế thị trường, người ta có nhiều thông tin chuẩn xác về cung và cầu, kết tụ vào cái giá của hàng hóa hay dịch vụ. Lãnh đạo một quốc gia cần có loại thông tin ấy để lấy các quyết định kinh tế. Nếu Bắc Hàn muốn cải cách thì nên khởi sự từ đó, vì việc lập ra bộ máy thông tin kinh tế sẽ mất cả chục năm mới thành hình. Một ví dụ là chúng ta có ít thông tin về quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Bắc Hàn và chỉ nghe nói khi Việt Nam giúp Bình Nhưỡng thoát lệnh cấm vận kinh tế với than đá của Bắc Hàn. Điều ấy thật ra gây bất lợi kinh tế cho Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/06/2018. AFP
Thanh Trúc : Hồi nãy, ông vừa nói về vai trò then chốt của tư doanh Nam Hàn, nếu Bắc Hàn tiến hành cải cách, nếu vậy Bắc Hàn nên làm gì với hệ thống kinh tế quốc doanh của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là lúc ta trở về bài học của Việt Nam ! Sau khi đổi mới lần hai vào năm 1991 thì từ năm 1992, Việt Nam muốn cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cho tới nay là gần 30 năm sau vẫn chưa xong. Việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn tiến quá chậm vì hai hiện tượng cấu kết và tham nhũng.
Kinh nghiệm Nam Hàn với tổ hợp Samsung khét tiếng toàn cầu cũng là bài học sau khi Tổng thống Phác Cận Huệ bị truất phế và vào tù cùng nhiều quản trị viên cao cấp của Samsung.
Lý do là mọi cơ sở sản xuất, công lẫn tư, đều muốn bành trướng thị phần về kinh doanh hay ảnh hưởng về chính trị, hệ thống quốc doanh Bắc Hàn và tư doanh Nam Hàn cũng vậy và đấy là vấn đề mà lãnh đạo nên sớm nhìn ra để trù liệu trước. Một lần nữa, Nam Hàn có nhiều bài học về cải cách hay đổi mới kinh tế cho Bắc Hàn. Bài học từ Trung Quốc hay Việt Nam là kinh nghiệm thất bại và Bắc Hàn không nên nhập cảng các "quả đấm thép" của Việt Nam !
Thanh Trúc : Một khía cạnh ngoài kinh tế mà cũng đáng chú ý là quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Bắc Hàn. Thưa ông, quan hệ đó có chi phối tiến trình cải cách kinh tế của Bắc Hàn hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Hàn qua ba thế hệ từ ông Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật tới Kim Chính Ân ngày nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh chứ không hoàn toàn là một chư hầu dễ sai khiến. Việt Nam cũng có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1979 mà 40 năm sau, Hà Nội mới cho báo chí tường thuật lại trong khi báo chí Bắc Kinh lại bỏ qua làm các cựu chiến binh của họ bất mãn không ít.
Quốc gia nào cũng có nhiều khó khăn nội bộ mà họ coi là ưu tiên, khó khăn của Trung Quốc thực ra nghiêm trọng hơn cả, cho nên việc chi phối Bắc Hàn trong quan hệ với Hoa Kỳ là có, nhưng chẳng là ưu tiên số một. Mà ngược lại, viễn ảnh Đại hội đảng vào năm 2021 tại Việt Nam mới là ưu tiên then chốt vì sẽ bầu lên thế hệ lãnh đạo mới. Nghịch lý ở đây là lãnh đạo Bắc Hàn lại chẳng gặp những ưu tiên chính trị đó, cho nên có thể chọn các giải pháp cải cách kinh tế của họ với sự khuyến nghị của Nam Hàn.
Một chuyện nhỏ khác mà cả Hà Nội lẫn Bình Nhưỡng đều muốn bỏ qua là việc một thiếu phụ Việt Nam can dự vào việc Bắc Hàn cho ám sát người anh cùng cha khác mẹ của Kim Chính Ân là Kim Chính Nam cách nay đúng hai năm. Vụ đó làm Hà Nội lúng túng mà chưa biết nói sao vì nghi can này bị xử tại xứ Malaysia.
Thanh Trúc : Trở lại yêu cầu cải cách kinh tế của Bắc Hàn, ông nghĩ là lãnh đạo Bình Nhưỡng nên làm những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ưu tiên sinh tử của Bắc Hàn vẫn là sự tồn tại của chế độ và họ có thể tham khảo ý kiến của Việt Nam khi chế độ Hà Nội vẫn tồn tại sau đổi mới nhờ du nhập một số lý luận tư bản chủ nghĩa có chọn lọc.
Nhưng thật ra, Việt Nam vẫn tụt hậu nếu so với nhiều lân bang Đông Nam Á, chưa nói tới Nam Hàn hay Đài Loan. Nếu muốn phát triển thành một cường quốc kinh tế sau này, Bắc Hàn nên học Nam Hàn. Từ năm chục năm trước, Nam Hàn đã có kế hoạch phát triển các khu vực công nghiệp ưu tiên với nhiều thành công chói lọi mà cũng có một số trở ngại nên Bắc Hàn có thể học được. Bài học cơ bản là nên giải phóng sức dân để chính người dân sẽ tạo ra những thay đổi và có lẽ từ cả năm nay, lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã nói về những thay đổi ấy. Với tinh thần tự chủ và tự kiêu, chưa chắc họ đã coi Việt Nam là một mẫu mực mặc dù quốc tế vẫn cứ nói về thành tựu kinh tế rất biểu kiến của Việt Nam.
Thanh Trúc : Nếu như vậy, có lẽ ông hàm ý là Bắc Hàn nên học Nam Hàn hơn là học kinh nghiệm của Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh nghiệm nên học từ Việt Nam là phải tránh một cuộc chiến tương tàn trong nội bộ rồi thống nhất trong lầm than khi người Việt thời ấy chẳng thua kém gì nhiều sắc tộc khác. Ngày nay, Việt Nam thua cả Nam Hàn, Đài Loan lẫn nhiều quốc gia Đông Nam Á khác ở chung quanh như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay thậm chí Miên và Lào. Vì vậy, sau nhiều ồn ào của dư luận quốc tế, Bắc Hàn sẽ tìm ra bài học cải cách khác và bài học đó từ Việt Nam là những gì nên tránh. Là người Việt Nam, tôi không vui với kết luận này....
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 19/02/2019
Một chuyên gia kinh tế Việt kiều sống ở Mỹ chỉ trích con đường kinh tế Việt Nam giai đoạn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nắm quyền.
Ông Bùi Quang Vinh (trái), nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, hiện là một thành viên Tổ tư vấn kinh tế và Cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Trong cuộc phỏng vấn với BBC News tiếng Việt tại London, Tiến sĩ Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), cũng nói về con đường "Đổi Mới 2".
Đầu tiên, ông kể lại giai đoạn làm việc tại Việt Nam từ 2006 đến 2014, và đã chứng kiến các thay đổi ở Việt Nam khi đó.
Phạm Đỗ Chí : Khi về Việt Nam, ngoài vai trò chuyên gia kinh tế trưởng cho quỹ đầu tư VinaCapital trong một vài năm, và sau đó tôi cũng làm việc cho chương trình USAID với vai trò cố vấn kinh tế cho chương trình này. Và có thời gian tôi đã được mời làm vào ban tham vấn riêng về kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đây là khoảng thời gian lâu dài và hào hứng nhất trong giai đoạn tôi về làm việc ở Viêt Nam. Mình có thể hăng say, muốn đóng góp và mình có cả khả năng để đóng góp. Thế nhưng những điều mình đề nghị đóng góp có được nghe hay không thì lại là chuyện khác. Đây cũng chính là thời gian tôi cảm nhận được sự chua chát bởi những đóng góp cải cách của mình đã bị bỏ ngoài tai.
BBC : Nhưng giai đoạn ông về làm việc tại Việt Nam là giai đoạn hậu thời kỳ Đổi Mới ?
Phạm Đỗ Chí : Những thay đổi thời kỳ ông Dũng, do ảnh hưởng mạnh của các nhóm lợi ích, lại là các chính sách đi ngược thời Đổi Mới trước đó. Thời kỳ có chính sách Đổi Mới thực sự là dưới thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt và tiếp theo bởi Thủ tướng Phan Văn Khải. Phải nói rằng trong 10 năm trước khi ông Dũng lên làm thủ tướng thì chương trình Đổi Mới đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.
Từ năm 2001 đến 2007 là chính sách kinh tế của Việt Nam là hoàn toàn thất bại và gây ra một loạt các vấn đề lớn cho cả nền kinh tế lẫn tài chính.
Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng.
Tôi phải thành thật nói vậy. Trong những năm gần đây thì họ cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia và đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng có chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng.
BBC : Ông có thể nói cụ thể hơn về cái gọi là tham nhũng ?
Phạm Đỗ Chí : Chuyện này tôi nghĩ là đã được báo chí giai đoạn đó hay mới đây trình bày rất đầy đủ nhưng nói một cách tóm tắt với những ví dụ cụ thể nhất mà không ai có thể phủ nhận là những vấn đề như Vinashin, Vinalines gây ra nhưng thâm thủng lớn. Mới đây với những vụ án liên quan tới các ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh ….
Theo tôi thì có lẽ cái vụ lớn nhất chưa được khui ra đủ chính là vấn đề tài nguyên dầu hỏa của Việt Nam đi về đâu. Những vấn đề như Thủ Thiêm thì mình chưa được nghe đầy đủ để biết được cái tầm quan trọng về tài chính nhưng mà có cả các vụ như Mobifone mua AVG chưa kể các vụ án liên quan tới các ngân hàng khác nữa.
BBC : Theo ông nói thì những nhà lãnh đạo hiện nay đang khắc phục những gì được để lại từ giai đoạn đó ? Vậy đà cải cách nếu có là gì ?
Phạm Đỗ Chí : Với bao nhiêu vụ được khui ra mới đây thì đó là vấn đề lớn nhất của phát triển của Việt Nam. Theo tôi nếu không có những cải cách thể chế, hay nói theo kiểu bây giờ là lò đốt tham nhũng, một cách có thật và cụ thể thì khó mà có thể tiếp tục được việc cải cách kinh tế.
Việt Nam đã có những thành công sơ khởi cho giai đoạn khoảng 20 năm cải cách kinh tế nhưng nếu không có cải cách chính trị thì không thể tiếp tục cải cách kinh tế được. Do đó nan đề là sự lựa chọn của các nhà lãnh đạo.
Phải cải cách được thể chế một cách dân chủ thì mới cải cách được kinh tế cho giai đoạn tới. Tức là Đổi Mới lần hai.
Bây giờ để giải quyết tất cả những chuyện này thì cũng không thể dùng một vài biện pháp mà phải là cuộc cải cách thể chế toàn diện và đó là một quyết định chính trị mà đó liệu các nhà lãnh đạo của Việt Nam có dám can đảm lĩnh hội và thực hiện hay không.
Nếu chúng ta không tỉnh ngủ thì không thể giải quyết được những chuyện hiện giờ từ thể chế chính trị lẫn cải cách kinh tế.
Nguồn : BBC tiếng Việt thực hiện
Cứ mỗi khi tình hình kinh tế, xã hội trở nên tồi tệ, các mâu thuẫn nội tại chuyển hóa thành gay gắt thì Đảng cộng sản Việt Nam lại tìm cách đổi mới, cải cách, ra nghị quyết và kêu gọi tinh thần quyết tâm. Những cải cách ấy dù có chút tác dụng tích cực nhưng cũng chỉ là nửa vời.
Việt Nam quyết hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Năm 1986, trước cuộc khủng hoảng kinh tế dẫn đất nước đến bên bờ vực thẳm, Việt Nam đã phát động đổi mới (mà thực chất là sửa sai). Cuộc đổi mới này tuy "đã thu được kết quả ban đầu, về sau ngày càng đuối sức, trở về cảnh trì trệ kéo dài, ngày càng nặng nề, để càng đổi mới càng tụt hậu và khủng hoảng nặng nề thêm mà vẫn không sao tìm ra lối thoát" (VOA). Nền kinh tế vẫn yếu kém và bế tắc như chúng ta đều thấy bởi đã kinh tế thị trường lại còn mang theo cái đuôi "định hướng xã hội chủ nghĩa" ; bởi kinh tế nhà nước vẫn giữ vai trò chủ đạo và đặc biệt là bởi cải cách kinh tế nhưng không cải cách chính trị, chế độ vẫn là chế độ độc tài.
Cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 thế kỷ trước, hệ thống xã hội chủ nghĩa sụp đổ hàng loạt ở Liên Xô và Đông Âu, đồng thời khủng hoảng ngoại giao dẫn đến Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế. Để vớt vát phần nhỏ nhoi còn lại của khối xã hội chủ nghĩa và để cứu đảng, Đảng cộng sản Việt Nam phải xin bình thường hóa với Trung Quốc. Sự kiện này được đánh dấu bắt đầu bởi Hội nghị Thành Đô. Kết quả Hội nghị này ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế của Việt Nam. Việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc tuy khắc phục được một số hậu quả của quá khứ nhưng từ đó Việt Nam phụ thuộc ngày càng nặng nề vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế, mất thêm biển đảo và đất liền.
Và bây giờ, bức tranh về Việt Nam là một màu đen tối ở tất cả các mặt của đời sống xã hội. Kinh tế trì trệ, tham nhũng len lỏi vào từng con ốc trong guồng máy vận hành đất nước, quan chức tham lam hống hách và trơ trẽn, đạo đức xã hội suy đồi, cái ác lên ngôi, mọi giá trị bị đảo lộn, nỗi oan ức thống khổ của nhân dân ở đâu cũng nhìn thấy bởi sự khốn nạn của hệ thống tư pháp và quan chức.
Hệ thống chính trị như một ngôi nhà đã mục ruỗng và vì vậy, Hội nghị trung ương 6 (khóa 12) lại đặt ra vấn đề đổi mới chính trị nhưng chỉ là sắp xếp tổ chức lại bộ máy sao cho tinh gọn để "hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Vấn đề tinh giản bộ máy cũng như chống tham nhũng không phải đến bây giờ mới nhắc tới mà đặt ra đã từ lâu, từ năm mươi hay sáu mươi năm có lẽ ít ai còn nhớ. Cũng nghị quyết, cũng hô hào, cũng quyết tâm, nhưng mỗi lần quyết tâm, thi đua đem lại kết quả thế nào thì… như đã biết.
Nguyên nhân của tình trạng này là mỗi lần cải cách, đổi mới Đảng cộng sản Việt Nam chỉ đưa ra được những biện pháp tình thế nhằm cứu vãn đảng. Cải cách nhưng vẫn phải giữ mục tiêu chủ nghĩa xã hội - thứ mà không ai hình dung được nó như thế nào, đã kinh tế thị trường lại phải định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế nhiều thành phần nhưng vẫn phải kinh tế nhà nước là chủ đạo và cuối cùng là cải cách, đổi mới kiểu gì thì Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải độc quyền lãnh đạo. Đây là những mâu thuẫn mà Đảng cộng sản Việt Nam không muốn nhìn thấy. Nguyên nhân của sự nửa vời là ở chỗ ấy.
Thiết nghĩ khoảng thời gian đã quá dài, kể từ khi điều hành đất nước năm 1954 đủ cho Đảng cộng sản Việt Nam loay hoay, thử nghiệm với những thất bại đau đớn để thấy cần phải cải tổ chứ không chỉ cải cách nửa vời. Làm điều đó phải chấp nhận vứt bỏ quyền lợi ích kỷ, phi lý của cá nhân, của một nhóm lợi ích hay của một đảng phái để đi tới một nền chính trị dân chủ đa nguyên, xây dựng một nhà nước pháp quyền với mô hình tam quyền phân lập. Tiếc rằng, cho đến bây giờ, mấy chữ đa nguyên, dân chủ, nhân quyền vẫn còn là kỵ húy, "nhạy cảm" trong đảng cộng sản Việt Nam và trong xã hội. Những người mạnh dạn nhất cũng mới chỉ manh nha đề cập đến việc tách đảng, đổi tên nước mà thôi. Nhiều người hoạt động dân chủ bị tống vào tù nhằm bịt tiếng nói của họ và xu hướng bắt bớ ngày càng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay đã có 24 người hoạt động bị bắt hoặc bị truy nã.
Hiện nay, giới dân chủ chưa ai đặt ra vấn đề phải xóa đảng cộng sản bằng bạo lực cho dù muốn hay không. Nói thẳng ra là việc này không làm được và không phù hợp với xu thế của thời đại. Mục tiêu của giới dân chủ hướng tới là dân chủ đa nguyên với chủ trương bất bạo động. Đa đảng là để cạnh tranh chính trị, kiểm soát quyền lực, tập trung trí tuệ và tâm huyết để đưa đất nước phát triển. Thế nhưng, người ta luôn mang vấn đề đa đảng ra làm con ngáo ộp để hù dọa nhân dân, bất chấp đa số nhân loại đi theo mô hình dân chủ đã chứng minh là không có con ngáo ộp ấy.
Sẽ chẳng có ai đòi loại trừ đảng cộng sản Việt Nam nếu thực hiện đa đảng. Họ tha hồ thể hiện mình trong cạnh tranh. Họ vẫn tranh cử và tham gia điều hành đất nước như các đảng phái khác. Có điều số phiếu của họ phụ thuộc vào tín nhiệm của cử tri trong những cuộc bầu cử tự do mà thôi. Nếu họ làm không tốt, vẫn thể hiện như trước đó, nhân dân sẽ quay lưng lại với họ.
Loay hoay cải cách với đổi mới sẽ chẳng bao giờ đi đến đâu. Cái sự luẩn quẩn ấy giống như con kiến leo cành đa (leo phải cành cụt leo ra leo vào). Thử nghiệm mãi thì sức dân đã mệt mỏi, tinh thần đã chán chường, lòng tin đã cạn. Kinh tế thị trường vì có cạnh tranh thì mới thúc đẩy được sản xuất phát triển. Vì vậy không có lý do gì để chính trị không có đa đảng, trừ khi bị cưỡng ép. Một chế độ chính trị đa nguyên ở Việt Nam lúc này là lối thoát duy nhất cho đất nước, cho dân tộc. Nếu Đảng cộng sản Việt Nam tự tin ở mình thì sợ gì mà không dám cạnh tranh với các đảng phái khác ?
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 07/09/2017 (nguyentuongthuy's blog)