Trong hai ngày 27 và 28 tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Chính Ân tại Hà Nội. Sau thượng đỉnh ngày 12 Tháng Sáu năm ngoái tại Singapore, đây là lần thứ nhì mà lãnh tụ hai nước gặp nhau để thảo luận việc Bắc Hàn từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vì hội nghị được tổ chức tại Việt Nam nên nhiều người hy vọng là lãnh đạo Bắc Hàn có thể học hỏi kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Hà Nội. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu triển vọng này.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương 7 của Đảng Lao động Hàn Quốc (WPK) ở Bình Nhưỡng ngày 18/5/2018 - AFP
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, để chuẩn bị hai ngày hội họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hà Nội vào ngày 27 và 28, lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn sẽ tới Việt Nam từ ngày 25 và nhiều người mong là Bắc Hàn có thể chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam mà tiến hành việc cải cách kinh tế ở nhà. Ông nghĩ sao về hy vọng đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu tôi nhớ không lầm thì chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gợi ý này từ Tháng Chín năm ngoái. Quả thật là nền kinh tế quá lạc hậu và sa sút của Bắc Hàn cần được cải cách, miễn là không đe dọa sự tồn tại của một chế độ độc tài, và kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Việt Nam từ ba chục năm trước có thể là một giải pháp cho lãnh tụ Kim Chính Ân. Tổng thống Donald Trump cũng dùng ẩn dụ là kinh tế Bắc Hàn có thể nhảy vọt như một hỏa tiễn mà không gây chiến tranh. Khi tới Hà Nội, lãnh tụ Kim Chính Ân có thể chứng kiến một số hình ảnh đổi mới tại Việt Nam mà học hỏi thêm kinh nghiệm về cải cách. Nhưng chúng ta cần đặt vấn đề vào một bối cảnh rộng lớn hơn.
Trước hết, sau Chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1953, hai nước Nam Bắc Hàn vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với nhau và Bắc Hàn vẫn chưa có một hòa ước với Hoa Kỳ. Vì vậy, đối thoại giữa hai chế độ Nam-Bắc Hàn là một bước ưu tiên. Thứ hai, chính là Nam Hàn, mà người ta gọi là Đại Hàn Dân Quốc, mới là một mẫu mực cải cách kinh tế cho Trung Quốc và Việt Nam và sau khi cải tổ kinh tế với sự yểm trợ của Hoa Kỳ vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nam Hàn còn cải cách về chính trị để có chế độ dân chủ và trở thành một quốc gia tiên tiến hiếm hoi. Trong cuộc đối thoại giữa hai chế độ Hán Thành và Bình Nhưỡng từ năm ngoái, Bắc Hàn có thể cũng đã tìm hiểu và học kinh nghiệm của Nam Hàn.
Thanh Trúc : Như vậy, ông cho rằng Bắc Hàn nên học kinh nghiệm cải cách kinh tế của Nam Hàn ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài khía cạnh đồng văn và ngôn ngữ thì yếu tố quốc gia dân tộc của hai nước cũng là điều nên nhớ : niềm tự hào dân tộc là động lực vô hình mà đáng kể khi một dân tộc vẫn bị chia đôi từ 70 năm qua. Việc Nam Hàn đầu tư mạnh vào Việt Nam, với điển hình là vai trò của tổ hợp Samsung, tất nhiên được Bắc Hàn chú ý. Đáng chú ý hơn vậy là vai trò của tư nhân trong việc phát triển Nam Hàn. Vì vậy, bài học mà Bắc Hàn nên ghi nhận là quyền tư hữu và vị trí của tư nhân, của tư doanh. Bài học đó không đến từ Việt Nam mà đến từ Nam Hàn, một quốc gia tôn trọng dân chủ và quyền sáng tạo của người dân.
Thanh Trúc : Một đặc điểm then chốt của chế độ Bắc Hàn từ năm 1948 cho tới nay là tinh thần họ gọi là "tự chủ" nhưng lại theo phương pháp cộng sản và còn muốn thống nhất hai miền bằng giải pháp quân sự. Nam Hàn cũng có tinh thần tự chủ, chẳng hạn như với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay, nhưng người dân của họ lại thịnh vượng và hạnh phúc hơn người dân Bắc Hàn. Thưa ông, đấy có là một yếu tố đáng suy ngẫm hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy và nếu ra khỏi chế độ bưng bít thông tin để tuyên truyền thì người dân Bắc Hàn cũng có dịp so sánh với đồng bào của họ tại miền Nam. Trở lại nội dung kinh tế, thì lý luận tự chủ của chế độ Bắc Hàn khiến họ hy sinh kinh tế cho quân sự để thành một cường quốc quân sự trong sự lầm than của người dân. Vì vậy, cái gốc của sức mạnh vẫn là kinh tế và các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn có thể giúp Bắc Hàn tái thiết kinh tế. Vấn đề là tái thiết theo hướng nào ?
Thanh Trúc : Như ông nghĩ thì Bắc Hàn nên tái thiết kinh tế theo hướng nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là họ nên đi lại từ đầu và học kinh nghiệm thất bại của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông trong cái gọi là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay "Đại Dược Tiến" làm mấy chục triệu người chết đói từ 1958 tới 1961.
Vấn đề ở đây là lãnh đạo thiếu thông tin về thực tế của đời sống. Vì vậy, hướng cải cách đầu tiên của Bắc Hàn là tìm ra định nghĩa chính xác của Tổng sản lượng GDP làm dụng cụ đo lường xác thực, sau đó là tổ chức bộ máy thu thập thống kê để biết rõ về tình hình thực tế. Bộ máy đó không là thống kê khó tin của Trung Quốc hay Việt Nam.
Chuyện thứ hai là trong nền kinh tế thị trường, người ta có nhiều thông tin chuẩn xác về cung và cầu, kết tụ vào cái giá của hàng hóa hay dịch vụ. Lãnh đạo một quốc gia cần có loại thông tin ấy để lấy các quyết định kinh tế. Nếu Bắc Hàn muốn cải cách thì nên khởi sự từ đó, vì việc lập ra bộ máy thông tin kinh tế sẽ mất cả chục năm mới thành hình. Một ví dụ là chúng ta có ít thông tin về quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Bắc Hàn và chỉ nghe nói khi Việt Nam giúp Bình Nhưỡng thoát lệnh cấm vận kinh tế với than đá của Bắc Hàn. Điều ấy thật ra gây bất lợi kinh tế cho Việt Nam.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/06/2018. AFP
Thanh Trúc : Hồi nãy, ông vừa nói về vai trò then chốt của tư doanh Nam Hàn, nếu Bắc Hàn tiến hành cải cách, nếu vậy Bắc Hàn nên làm gì với hệ thống kinh tế quốc doanh của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là lúc ta trở về bài học của Việt Nam ! Sau khi đổi mới lần hai vào năm 1991 thì từ năm 1992, Việt Nam muốn cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cho tới nay là gần 30 năm sau vẫn chưa xong. Việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn tiến quá chậm vì hai hiện tượng cấu kết và tham nhũng.
Kinh nghiệm Nam Hàn với tổ hợp Samsung khét tiếng toàn cầu cũng là bài học sau khi Tổng thống Phác Cận Huệ bị truất phế và vào tù cùng nhiều quản trị viên cao cấp của Samsung.
Lý do là mọi cơ sở sản xuất, công lẫn tư, đều muốn bành trướng thị phần về kinh doanh hay ảnh hưởng về chính trị, hệ thống quốc doanh Bắc Hàn và tư doanh Nam Hàn cũng vậy và đấy là vấn đề mà lãnh đạo nên sớm nhìn ra để trù liệu trước. Một lần nữa, Nam Hàn có nhiều bài học về cải cách hay đổi mới kinh tế cho Bắc Hàn. Bài học từ Trung Quốc hay Việt Nam là kinh nghiệm thất bại và Bắc Hàn không nên nhập cảng các "quả đấm thép" của Việt Nam !
Thanh Trúc : Một khía cạnh ngoài kinh tế mà cũng đáng chú ý là quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Bắc Hàn. Thưa ông, quan hệ đó có chi phối tiến trình cải cách kinh tế của Bắc Hàn hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Hàn qua ba thế hệ từ ông Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật tới Kim Chính Ân ngày nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh chứ không hoàn toàn là một chư hầu dễ sai khiến. Việt Nam cũng có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1979 mà 40 năm sau, Hà Nội mới cho báo chí tường thuật lại trong khi báo chí Bắc Kinh lại bỏ qua làm các cựu chiến binh của họ bất mãn không ít.
Quốc gia nào cũng có nhiều khó khăn nội bộ mà họ coi là ưu tiên, khó khăn của Trung Quốc thực ra nghiêm trọng hơn cả, cho nên việc chi phối Bắc Hàn trong quan hệ với Hoa Kỳ là có, nhưng chẳng là ưu tiên số một. Mà ngược lại, viễn ảnh Đại hội đảng vào năm 2021 tại Việt Nam mới là ưu tiên then chốt vì sẽ bầu lên thế hệ lãnh đạo mới. Nghịch lý ở đây là lãnh đạo Bắc Hàn lại chẳng gặp những ưu tiên chính trị đó, cho nên có thể chọn các giải pháp cải cách kinh tế của họ với sự khuyến nghị của Nam Hàn.
Một chuyện nhỏ khác mà cả Hà Nội lẫn Bình Nhưỡng đều muốn bỏ qua là việc một thiếu phụ Việt Nam can dự vào việc Bắc Hàn cho ám sát người anh cùng cha khác mẹ của Kim Chính Ân là Kim Chính Nam cách nay đúng hai năm. Vụ đó làm Hà Nội lúng túng mà chưa biết nói sao vì nghi can này bị xử tại xứ Malaysia.
Thanh Trúc : Trở lại yêu cầu cải cách kinh tế của Bắc Hàn, ông nghĩ là lãnh đạo Bình Nhưỡng nên làm những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ưu tiên sinh tử của Bắc Hàn vẫn là sự tồn tại của chế độ và họ có thể tham khảo ý kiến của Việt Nam khi chế độ Hà Nội vẫn tồn tại sau đổi mới nhờ du nhập một số lý luận tư bản chủ nghĩa có chọn lọc.
Nhưng thật ra, Việt Nam vẫn tụt hậu nếu so với nhiều lân bang Đông Nam Á, chưa nói tới Nam Hàn hay Đài Loan. Nếu muốn phát triển thành một cường quốc kinh tế sau này, Bắc Hàn nên học Nam Hàn. Từ năm chục năm trước, Nam Hàn đã có kế hoạch phát triển các khu vực công nghiệp ưu tiên với nhiều thành công chói lọi mà cũng có một số trở ngại nên Bắc Hàn có thể học được. Bài học cơ bản là nên giải phóng sức dân để chính người dân sẽ tạo ra những thay đổi và có lẽ từ cả năm nay, lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã nói về những thay đổi ấy. Với tinh thần tự chủ và tự kiêu, chưa chắc họ đã coi Việt Nam là một mẫu mực mặc dù quốc tế vẫn cứ nói về thành tựu kinh tế rất biểu kiến của Việt Nam.
Thanh Trúc : Nếu như vậy, có lẽ ông hàm ý là Bắc Hàn nên học Nam Hàn hơn là học kinh nghiệm của Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh nghiệm nên học từ Việt Nam là phải tránh một cuộc chiến tương tàn trong nội bộ rồi thống nhất trong lầm than khi người Việt thời ấy chẳng thua kém gì nhiều sắc tộc khác. Ngày nay, Việt Nam thua cả Nam Hàn, Đài Loan lẫn nhiều quốc gia Đông Nam Á khác ở chung quanh như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay thậm chí Miên và Lào. Vì vậy, sau nhiều ồn ào của dư luận quốc tế, Bắc Hàn sẽ tìm ra bài học cải cách khác và bài học đó từ Việt Nam là những gì nên tránh. Là người Việt Nam, tôi không vui với kết luận này....
Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.
Thanh Trúc thực hiện
Nguồn : RFA, 19/02/2019