Từ 10 ngày qua, thế giới bị hoảng loạn về hậu quả của dịch bệnh xuất phát từ Trung Quốc và Á Châu rồi lan ra hơn 100 quốc gia và khu vực trên thế giới. Nền kinh tế tương đối khả quan nhất là Hoa Kỳ cũng có triệu chứng hốt hoảng trong mấy ngày liền. Nhưng Châu Á còn là tâm điểm của chuỗi cung ứng vây quanh Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về một khía cạnh bất ngờ, đó là các nước tài trợ chuỗi cung ứng đó bằng gì ?
Ảnh minh họa : Chuỗi cung ứng tài chính Á Châu lại thiếu thank khoản bằng Mỹ kim - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, ngoài hậu quả đột ngột từ trận chiến về giá dầu thô giữa Saudi Arabia với Liên bang Nga, thế giới vẫn chưa biết đại dịch từ vi khuẩn Covid-19 sẽ còn hoành hành bao lâu, với hiệu ứng gì cho các nền kinh tế Á Châu. Ông nghĩ sao về vấn đề này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài khía cạnh nhân sinh khi toàn cầu có hơn 10 vạn người nhiễm bệnh, hơn bốn nghìn tử vong, mà ba phần tư là tại Trung Quốc, ta thấy dịch bệnh này đang thật sự là đại dịch vì lan ra 105 quốc gia và khu vực trên thế giới. Vì vậy, nếu các nước có hốt hỏang thì cũng là điều có thể hiểu được.
Nói về kinh tế - vốn là chủ điểm của tiết mục chuyên đề này - Châu Á không chỉ là tâm điểm của dịch bệnh từ đó lan ra toàn cầu. Khu vực này còn là tâm điểm của chuỗi cung ứng toàn cầu, hay "global supply-chain" vây quanh Trung Quốc, có sản lượng thứ nhì thế giới. Ngày nay, kinh tế Trung Quốc thật sự bị đình đọng mà mọi nơi khác cũng đang bị ảnh hưởng, từ Á sang Âu. Các kỹ nghệ du dịch, vận tải, hàng không, v.v. bị tạm ngưng, mọi sinh hoạt có đông người đều bị tạm hoãn. Quan trọng nhất, việc sản xuất hàng hóa cơ phận cho chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị gián đoạn. Khi số cung lẫn cầu đều giảm thì khu vực trung gian ở giữa là ngành tài trợ cung ứng phải hốt hoảng và thị trường tài chính bị dao động.
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từng bước để giải thích lại cho thính giả của chúng ta, trước hết, thế nào là chuỗi cung ứng toàn cầu ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi các nền kinh tế hợp tác với nhau để tùy theo lợi thế tương đối của từng nơi về nhập lượng như nguyên liệu, kỹ thuật, hay phí tổn mà chế biến ra một sản phẩm hoàn tất rẻ nhất và tốt nhất hầu có thể bán ra toàn cầu, họ đã lập ra một chuỗi cung ứng. Thí dụ là nền kinh tế này bán nguyên nhiên vật liệu, nền kinh tế kia cung cấp nhân công có tay nghề, nền kinh tế khác thì có công nghệ hay thuật lý cao để cung cấp sản phẩm công nghiệp hay bán chế phẩm, rồi ráp thành một sản phẩm hoàn tất cho một nền kinh tế khác phân phối ra toàn cầu.
Hãy ngĩ tới xe hơi Toyota hay Honda của Nhật, điện thoại Samsung của Hàn Quốc có nhiều cơ phận ráp chế tại Trung Quốc để bán ra ngoài. Châu Á tập trung hiện tượng hợp tác quốc tế đó quanh Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, v.v. Điều đáng nói là đa số các nghiệp vụ sản xuất và thanh toán đó đều sử dụng Mỹ kim, dù sao vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất.
Nguyên Lam : Tức là ông bước qua mặt bên kia, là đối giá tài chính của chuỗi cung ứng, có phải không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa vâng, và đấy mới là khía cạnh khó hiểu nhất mà lại có ảnh hưởng quốc tế bất ngờ vì liên hệ đến chính sách tiền tệ của nước Mỹ.
Ngân hàng của các nước Á Châu kể trên tài trợ chuỗi cung ứng của họ chủ yếu bằng đô la Mỹ mà lại không dễ gì tìm ra. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn và thiếu thanh khoản thì vấn đề của họ dội ngược về Hoa Kỳ, về các ngân hàng Mỹ và về định chế tài trợ sau cùng là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ.
Như chúng ta thấy khi Ngân hàng Trung ương Mỹ hạ lãi suất tới 50 điểm cơ bản vào hôm thứ Ba mùng ba tuần trước mà lại gây hốt hoảng thì có lẽ thế giới có ba tâm điểm như ba vòng xoáy. Ở trong là tâm điểm của đại dịch từ Châu Á đang làm toàn cầu náo động mà chưa biết bao giờ dứt. Ở vòng ngoài là tâm điểm của chuỗi cung ứng cũng từ Châu Á đang bị đình trệ và gây ra suy trầm. Ngoài cùng là chuỗi cung ứng tài chính Á Châu lại thiếu thanh khoản bằng đô la Mỹ.
Nguyên Lam : Như ông vừa nói, chuyện này khó hiểu thật ! Nếu vậy, ta sẽ đi ngược từ vòng ngoài vào trong, từ tình hình kinh tế của Hoa Kỳ, ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Chúng ta hãy nhìn trên toàn cảnh như thế này. Trong các nền kinh tế tiên tiến thì Hoa Kỳ và Vương quốc Anh thống nhất đã có giai đoạn tăng trưởng lâu dài và khả quan nhất. Các nước trong khối Euro như Đức, Pháp, Ý, và nhất là Ý, lại không được như vậy và đang ở mé bờ khủng hoảng tài chính vì dịch bệnh. Vậy mà hôm thứ Tư 11, nước Anh bất ngờ thông báo là cắt lãi suất 50 điểm tới 0,25% vì hiệu ứng đại dịch trên chuỗi cung ứng của họ.
Khi so sánh thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn có sức chịu đựng cao nhất, với nền kế toán tài chính an toàn hơn cả nên sẽ vượt qua khó khăn. Nhưng, đại dịch vẫn gây ra hốt hoảng như chúng ta đã thấy tuần qua khiến các cơ chế của Mỹ tranh luận về hai loại biện pháp tiền tệ và ngân sách để ứng phó. Tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền, ngân sách là tăng chi và giảm thuế nhằm cấp cứu các thành phần bị nạn.
Nguyên Lam : Bây giờ các ngân hàng Á Châu lại trông chờ vào Hoa Kỳ để có thanh khoản cho chuỗi cung ứng của họ thì Ngân hàng Trung ương Mỹ nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến chữ "dựa lưng nỗi chết" !
Sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 rồi nạn Tổng suy trầm 2008-2009, các nền kinh tế Tây phương như Âu-Mỹ đều theo Nhật mà hạ lãi suất tới gần số không, thậm chí số âm, và gây lệch lạc cho kinh tế. Ngày nay, mức lãi suất đó vẫn còn quá thấp nên khó cắt thêm được, nếu kinh tế bị sa sút vì đại dịch.
Vì vậy, chúng ta chứng kiến một nghịch lý ngay tại Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump phàn nàn Ngân hàng Trung ương Mỹ là chậm hạ lãi suất để kích cầu, nhưng định chế này thật ra gần hết đất lùi với lãi suất quá thấp. Hậu quả là tuần qua, họ nói về biện pháp ngân sách là giảm thuế và tăng chi cho các đối tượng bị thiệt hại trong một thời gian nhất định. Mà ta đừng quên rằng các nước Tây phương theo chế độ dân chủ nên biện pháp ngân sách phải có sự phối hợp giữa Hành pháp với Lập pháp và đòi hỏi thời gian với sự đổi chác. Đấy là lúc các ngân hàng Á Châu gõ cửa vì thiếu thanh khoản bằng đô la.
Nguyên Lam : Thưa ông, nếu vậy thì mọi sự đều bế tắc hay sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hơn 10 năm qua, các Ngân hàng Trung ương Tây phương đều theo nhau hạ lãi suất tới số không nên gây lệch lạc như tôi vừa nói : Tiền nhiều mà rẻ chưa chắc đã giải quyết được nhu cầu kinh tế mà còn tạo ra lợi thế cho giới đầu tư cổ phiếu làm giới đầu tư trái phiếu bị thiệt vì phân lời thấp.
Trong khi chờ đợi biện pháp ngân sách đạt sự đồng thuận chính trị tại Hoa Kỳ, Ngân hàng Trung ương Mỹ có thể trở lại bài toán tài chính căn bản với các ngân hàng Á Châu để chuỗi cung ứng ở đây khỏi sụp đổ. Ấy là "nếu quý vị cần thanh khoản thì chúng tôi có nhiều cách bơm tiền cho vay với hai điều kiện dễ hiểu :
1/ là trả tiền lời cho cao chứ không là gần tới số không để rồi lại ỷ thế rẻ mà làm liều ;
2/ phải có tài sản thế chấp thỏa đáng".
Nguyên Lam : Câu chuyện này quả là phức tạp, nhưng Nguyên Lam vẫn phái xin ông nêu ra vài kết luận ở đây.
Nguyễn Xuân Nghĩa : Thứ nhất, chúng ta đang chứng kiến sự hốt hoảng của các nước vì đại dịch toàn cầu, lồng trong sự hốt hoảng về hậu quả kinh tế tài chính.
Thứ hai, tâm điểm của đại dịch cũng là tâm điểm của chuỗi cung ứng kinh tế tại Á Châu. Nếu không khéo xử thì Châu Á sẽ bị khủng hoảng và thế giới càng bị lây.
Thứ ba, các nước Tây phương theo chế độ dân chủ nên làm gì cũng phải có sự đồng thuận chính trị nên có thể gây ấn tượng sai là không dám triệt để như chế độ độc tài tại Bắc Kinh.
Thứ tư, sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009, lãnh đạo Trung Quốc cũng đã ào ạt bơm tiền bù cho sự hao hụt của các thị trường xuất khẩu mà rốt cuộc lại gây ra hiện tượng "ỷ thế làm liều" của các doanh nghiệp.
Thứ năm, tôi xin nói tới sự hốt hoảng trong một quốc gia tiên tiến và có nền kinh tế vững mạnh nhất là Hoa Kỳ. Sau chương trình tuần trước, có một thính giả hỏi tôi là khi dân Mỹ chen nhau mua đồ tại hệ thống bách hóa Costco thì điều ấy có lợi gì không cho kinh tế Mỹ ? Câu trả lời của tôi là sự hoảng loạn này còn nguy hơn dịch bệnh ! Lý do là các hệ thống phân phối đó, như Costco, WalMart, Kroger, v.v… bán hàng tiêu dùng hay nhu yếu phẩm và "cái được" của họ không thể bù cho "cái mất" của quá nhiều ngành khác. Cứ xem lợi nhuận hay trị giá cổ phiếu của họ trong tháng qua thì rõ. Nhưng chính là sự hốt hoảng ấy mới càng gây thêm tổn thất kinh tế.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích vô cùng rắc rối của tuần này.
Nguyên Lam thực
Dịch bệnh xuất phát từ thủ phủ Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc đã trở thành một vấn đề quốc tế với hơn tám vạn ca nhiễm bệnh và hơn hai ngàn 700 người thiệt mạng, đa số tại Trung Quốc. Nhưng dịch bệnh do vi khuẩn được tổ chức Y tế Quốc tế WHO đặt tên là "Covid-19", hay được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ CDC đặt tên là "SARS-CoV/2" lại lan qua 41 quốc gia và khu vực khác ngoài Trung Quốc nên có thể dẫn tới một đại dịch toàn cầu. Hậu quả sẽ là những gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây qua bài phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Cổ phiếu Trung Quốc xuống dốc sau Tết Nguyên Đán. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, từ đầu Tháng 12 năm ngoái cho tới nay là cuối Tháng Hai, thế giới có ba mối lo chồng chất. Đó là tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc, với dữ kiện khó tin vì cứ đổi thay của nhà chức trách ; thứ hai là sự lây lan dịch bệnh tại nhiều quốc gia ngoài trung Quốc khiến người ta nói đến nguy cơ "đại dịch toàn cầu", hay "global pandemic". Và mối lo thứ ba chính là hậu quả kinh tế lan rộng cho các nước trên thế giới. Ông nghĩ sao về các chuyện ấy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ ta có ít ra sáu mối lo chồng chất trong nhiều vòng xoắn thắt khó gỡ :
Thứ nhất, trong vạn năm qua, nhất là từ hai thế kỷ gần đây, khoa học kỹ thuật của con người đã có nhiều tiến bộ, mà vẫn không thể giải quyết mọi dịch bệnh, mươi năm lại xảy ra vài lần. Mỗi lần như vậy, giới khoa học chuyên về dịch tễ lại tìm hiểu và trao đổi thông tin để tìm giải pháp chữa chạy và chủng ngừa trong khi con người lại hốt hoảng lo sợ vì cái chết, là điều dễ hiểu.
Thứ hai, lần này dịch bệnh lại xuất phát từ Trung Quốc nữa, với thói che giấu thông tin và không nói thật về số nhiễm bệnh hay tử vong nên các nước càng e ngại. Khi thông tin chính thức thiếu khả tín thì lời đồn được coi là tin thật, nên sự hốt hoảng càng lan rộng.
Thứ ba, sau ba tháng lây lan tại Trung Quốc, từ đầu Tháng 12 năm ngoái, tình hình trở thành nguy ngập hơn vì dịch bệnh lại tràn lan ngoài lãnh thổ Trung Quốc vào các lục địa và 40 quốc gia hay khu vực khác. Hôm Thứ Ba 25, lần đầu tiên số người nhiễm bệnh ngoài Trung Quốc lại vượt qua số nội địa. Vì vậy, người ta sợ dịch bệnh từ Vũ Hán sẽ là "đại dịch toàn cầu", hay "global pandemic", do lây qua người chưa đến Trung Quốc hay lâm bệnh tại Vũ Hán, như Iran hay Brazil là các nước chưa có hệ thống dịch tễ hiện đại bằng Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan….
Thứ tư, vì kinh tế Trung Quốc có sản lượng thứ nhì thế giới sau Hoa Kỳ, lại tham gia vào "chuỗi cung ứng toàn cầu", nên dịch bệnh tại đây gây lo ngại cho các doanh nhiệp nội địa lẫn quốc tế. Hậu quả là luồng sản xuất, kỹ nghệ du lịch và vận chuyển của thế giới đều bị thiệt hại - nặng nhất là kinh tế Trung Quốc. Chúng ta chưa biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu nhưng các thị trường Á, Âu rồi Mỹ đều chờ tin xấu cho nên tuột giá trong nhiều ngày liền của tuần này.
Thứ năm, lãnh đạo Bắc Kinh đang ở vào hoàn cảnh "lưỡng nan", hai ngả đều khó, là từ bỏ chế độ cách ly và gián đoạn lưu thông để cứu kinh tế hay cứu người ? Thành thử dịch bệnh đang thách đố hệ thống kinh tế chính trị của Trung Quốc và vị trí lãnh tụ tối cao của Tổng bí thư Tập Cận Bình. Vòng xoắn này mới là éo le nhất.
Thứ sáu, nhìn về dài, tôi còn nghĩ dịch bệnh Vũ Hán sẽ đảo lộn toan tính kinh doanh của thế giới. Khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên bang Xô viết, người ta tưởng thế giới sẽ tìến vào hình thái "toàn cầu hóa", là các nước tự do giao dịch với nhau và mở ra kỷ nguyên hội nhập để một sản phẩm tiêu thụ có phần đóng góp của cả trăm doanh nghiệp từ cả chục nước, trong cái gọi là "chuỗi cung ứng toàn cầu" hay "global supply chain", với giá rẻ nhất. Nào ngờ, dịch bệnh Vũ Hán phá vỡ sự lạc quan đó, như tại Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, chưa nói tới nỗi bất trắc tại Liên Hiệp Âu Châu sau khi Vương quốc Anh Thống nhất rút khỏi tổ chức này. Vì vậy, sau trào lưu "toàn cầu hóa", chúng ta có thể thấy xuất hiện một xu hướng trái ngược, xin tạm gọi là "nhất thể hóa" là quốc gia nào cũng cố sản xuất lấy phần lớn hàng hóa và dịch vụ cho mình thay vì trông cậy hay hợp tác với các nước khác. Tiến bộ về khoa học kỹ thuật, về "thuật lý" là "technology", trí thông minh nhân tạo hay nghệ thuật sản xuất qua không gian ba chiều gọi là 3-D sẽ càng thúc đẩy trào lưu đó. Đấy là một thiệt hại cho các nước đang phát triển, mà đứng đầu vẫn là… Trung Quốc đông dân nhất !
Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, dù sao kinh tế của Trung Quốc cũng đóng góp tới một phần ba cho đà tăng trưởng sản xuất của thế giới trong năm 2019. Nếu dịch bệnh tại Trung Quốc lại nghiêm trọng đến như vậy thì tình hình sẽ ra sao ?
Các thị trường tài chính Mỹ lại tiếp tục sụt giá vào ngày 27 tháng 2 (Ảnh minh họa) AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta thật ra chưa thể biết mà chỉ dự đoán thôi và tôi nghĩ là nhiều phần sẽ đoán sai ! Thứ nhất, chưa ai biết sự thể sẽ nghiêm trọng tới độ nào và thứ hai là sẽ kéo dài bao lâu. Giới chuyên gia kinh tế, như thuộc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF trong khóa họp tuần qua của Nhóm G/20 tại Saudi Arabia thì cho rằng kinh tế Trung Quốc sẽ chóng phục hồi trong năm 2020 này, đà tăng trưởng của họ vẫn đạt 6% so với 3,3% của toàn cầu, nhưng Ngân hàng Thế giới lại dự báo một đà tăng trưởng toàn cầu thấp hơn, chỉ ở khoảng 2,5% mà thôi.
Lý do là họ đo đếm từ các số liệu của trận dịch Viêm Phổi Cấp Tính SARS xảy ra tại Quảng Đông cách nay 17 năm. Khi đó, đà tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc mất hai điểm bách phân là 2%, nhưng phục hồi nhanh và thiệt hại chỉ ở khoảng 55 tỷ đô la. Tuy nhiên, tình hình ngày nay đã khác vì kinh tế Trung Quốc đã giàu hơn thời 2002/2003, từ 4% Tổng sản lượng toàn cầu, nay đã lên tới 17% và họ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu với nhiều nền kinh tế khác, như các nước Á Châu là Nhật Bản, Nam Hàn hay cả Việt Nam cần tới 40% sản phẩm bán chế đến từ Trung Quốc. Ngày nay, các sản phẩm đó hết còn nữa, ít nhất là trong vài tháng, nên tình hình không thể như trước và ngoài tổn thất nhân mạng vì dịch bệnh, các nước còn bị tổn thất kinh tế mà chưa ai có thể đếm ra được.
Một nước Tây phương bị thiệt hại nhất vì nền kinh tế quá lệ thuộc vào việc xuất khẩu, kể cả xuất khẩu giáo dục là đào tạo sinh viên cho thị trường Trung Quốc chính là nước Úc. Vụ khủng hoảng về dịch bệnh này có thể khiến Úc phải đa diện hóa thị trường xuất cảng, như với Indonesia, Ấn Độ và Âu Châu, để thoát khỏi ảnh hưởng quá bất lợi đến từ Trung Quốc.
Nguyên Lam : Trở lại với trường hợp Hoa Kỳ, tối Thứ Tư 26, giờ miền Đông Hoa Kỳ, sau khi thảo luận với ban đặc nhiệm về sức khỏe, Tổng thống Donald Trump có cuộc họp báo để trấn an dư luận rằng không nên sợ hãi dịch bệnh lây lan vì nước Mỹ có khả năng kiểm soát được tình hình và mức độ rủi ro vẫn còn thấp. Tuy nhiên, lời trấn an có vẻ thiếu công hiệu vì hôm sau, các thị trường tài chính của Mỹ lại tiếp tục sụt giá nặng. Theo như ông nhận xét thì liệu kinh tế thế giới có bị suy trầm vì dịch bệnh này hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ông Trump không thuyết phục được thị trường. Người ta lo rằng dịch bệnh đã lan ra quá nhiều quốc gia chứ hết còn là một vấn đề của riêng Trung Quốc. Việc Nhật Bản cho đóng cửa các trường trung tiểu học trong suốt Tháng Ba cũng là yếu tố đáng ngại. Vì vậy, chuỗi cung ứng giữa các nước đang bị tê liệt, và nếu đà tăng trưởng toàn cầu chỉ còn là 2,5% như Ngân hàng Thế giới dự báo cho năm nay thì quả thật là kinh tế toàn cầu đang trôi vào suy trầm.
Theo định nghĩa, suy trầm là khi đà tăng trưởng sút giảm trong hai quý liền, nên người ta chỉ biết sau sáu tháng, nhưng các thị trường đều có dấu hiệu hốt hoảng và mất giá liên tục trong sáu ngày liền, phân lời trái phiếu dài hạn cũng sụt tới mức đáng lo. Nhưng đáng lo hơn vậy là lãi suất của các nền kinh tế Âu Mỹ Nhật nói chung đều quá thấp nên nếu kinh tế bị suy trầm thì biện pháp kích thích sản xuất bằng hạ lãi suất cũng có giới hạn. Sau cùng, ta phải kết luận rằng trường hợp đại dịch toàn cầu đang xảy ra trước mắt chúng ta.
Nguyên Lam : Tuy nhiên, nếu nhìn trong trường kỳ thì biến cố này lại khiến các nước quan niệm lại về chuỗi cung ứng của Trung Quốc, như ông có nói hồi nãy. Có phải như vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đấy là nỗi lo chồng chất thứ sáu tôi trình bày ở trên. Trung Quốc đã không giải quyết nổi một vấn đề y tế xã hội nên sẽ lãnh hậu quả kinh tế nặng nhất và các nước còn lại không thể trông cậy vào việc giao dịch với nền kinh tế này như xưa. Chúng ta cần thời gian, ít ra là sáu tháng, để kiểm nghiệm lại sự thay đổi này.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Nguyên Lam
Nguồn : RFA, 27/02/2020
Hệ thống kinh tế chính trị Trung Quốc vẫn được Hà Nội coi là mẫu mực cho tới khi trái bóng của Bắc Kinh bị bể trong năm 2020 này với dịch bệnh xuất phát từ Vũ Hán. Diễn đàn Kinh tế tuần này phỏng vấn kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về các nguy cơ tiềm ẩn trong nền kinh tế Trung Quốc. Chương trình chuyên đề sẽ do Nguyên Lam thực hiện sau đây.
Trường hợp của Việt Nam tương tự Trung Quốc (Ảnh minh họa) - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, trong năm qua, tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chỉ còn khoảng 6%, nhưng dịch bệnh siêu vi xuất phát từ Vũ Hán lại có thể đánh sụt đà tăng trưởng này chừng hai điểm bách phân nữa. Như vậy, Nguyên Lam xin hỏi mô thức kinh tế thị trường với màu sắc Trung Hoa có còn giá trị gì cho Việt Nam không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, nói về tốc độ tăng trưởng, ta phải xét từ gốc là tăng từ đâu đến đâu ? Từ một xứ hoang vu chỉ có một nhà máy mà xây thêm nhà máy thứ hai thì coi như đã đạt mức tăng trưởng 100%, nhưng so với các lân bang đã có cả trăm nhà máy, thì có xây thêm 20 cũng chỉ là tăng trưởng 20% mà thực tế là họ hơn ta gấp hai chục lần. Nếu so sánh, một vài xứ Châu Phi nghèo nhất như Chad cũng đạt tốc độ tăng trưởng là gần 60% hay Liberia là hơn 20%. Một xứ bị chiến tranh như Iraq cũng có thể đạt tốc độ tăng trưởng gần 20% và bị nội loạn như Georgia cũng có tốc độ gần 10%.
Tăng trưởng vì vậy chưa là phát triển, và kinh tế Trung Quốc thực ra cũng có nhiều nhược điểm có thể dẫn tới biến động nguy hiểm trong năm nay mà Việt Nam nên để ý. Năm 2020 sẽ là một thử nghiệm gay gắt cho mô thức kinh tế thị trường trong vòng đai xã hội chủ nghĩa.
Nguyên Lam : Chúng ta sẽ khởi sự từ đầu, và xin ông trình bày lý do của sự hoài nghi này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ so sánh Trung Hoa với một con rồng và cho rằng con rồng Trung Quốc đã thức giấc với thành quả kinh tế cho phép xứ này có khả năng quân sự và ngoại giao chưa từng thấy. Nếu nhìn từ thời cách mạng điên rồ của Mao Trạch Đông thì điều đó không sai, nhưng nhìn rộng hơn thì Trung Quốc đang có vấn đề, con rồng đó có cái đầu như bã đậu và lãnh đạo xứ này ý thức được điều đó hơn lãnh đạo Việt Nam.
Trước khi có dịch bệnh siêu vi, lãnh đao xứ này đã muốn cải cách và tu sửa hiến pháp để ra khỏi ràng buộc chính trị của xã hội chủ nghĩa, nhưng các động lực kinh tế đã bung ra và có thể đưa xứ này vào những sóng gió mới. Động lực kinh tế khiến lãnh đạo hết là trung tâm độc quyền như xưa nhưng nạn tham nhũng đi cùng chế độ độc đảng cũng khiến lãnh đạo bị coi thường, khác hẳn cái thời mà cả nước như lên đồng dưới khẩu hiệu cách mạng của đảng. Năm nay còn có thể thấy sự phá sản của mô thức kinh tế thị trường nửa vời và Trung Quốc mà có loạn thì kinh tế Việt Nam tất bị ảnh hưởng nặng, lãnh đạo Việt Nam sẽ mất luôn chỗ tựa ở Bắc Kinh.
Nguyên Lam : Vì sao ông không có vẻ lạc quan gì với thành quả kinh tế của Trung Quốc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì lãnh đạo xứ này là Tổng bí thư Tập Cận Bình đã xây một kiến trúc nguy nga đồ xộ trên nền móng mong manh, loại thành quả mà cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ ngày xưa gọi là "đậu phụ", là mềm và dễ nát. Khi kiến trúc đó sụp đổ, chẳng những người dân và giới đầu tư bị thiệt hại mà các lân bang trong đó có Việt Nam cũng bị họa lây. Lý do có thể được liệt kê rất nhiều. Xứ này trở thành trung tâm tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới, một nước nhập khẩu dầu thô nhiều hơn Hoa Kỳ, dù có trữ lượng thứ năm của địa cầu mà không có khả năng giải quyết nhu cầu đó trong khi lại gây ô nhiễm cho môi sinh. Năm xưa, khi Việt Nam bị dịch cúm gà và cần tiêu hủy hàng vạn gia cầm, người ta dùng vỏ lốp xe để đốt, mọi người tất nhiên để ý đến trình độ tổ chức quá tệ của xã hội ta. Tại Trung Quốc, loại vấn đề như vậy phải nhân gấp trăm.
Sau vấn đề tổ chức, hãy nhìn vào mặt trái của tốc độ tăng trưởng Trung Quốc đang bị khủng hoảng về nhân dụng, với nạn thất nghiệp toàn thời và bán thời đã cao bằng dân số lao động của cả nước Mỹ, là hơn hai trăm triệu người. Mỗi tháng, xứ này phải tạo thêm một triệu việc làm mới nếu không thì loạn.
Vì nạn thất nghiệp trá hình, việc cải cách doanh nghiệp nhà nước bị khựng, mà cũng đủ gây xáo trộn xã hội và rủi ro chính trị cho lãnh đạo. Sau loại tắc nghẽn về năng lượng và khủng hoảng về nhân dụng, Trung Quốc còn gặp nguy cơ cận kề là khủng hoảng tài chính, như trường hợp Việt Nam.
Nguyên Lam : Vâng, ông có nhiều lần trình bày về hồ sơ tài chính ngân hàng này, xin ông giải thích thêm...
Hôm thượng tuần tháng 11 năm 2019, ông Wilbur Ross đã nhắc nhở Việt Nam rằng rủi ro cho Việt Nam là có thật nếu Việt Nam bán hàng của Tầu vào Mỹ.(Ảnh minh họa) AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì định hướng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa, lãnh đạo Bắc Kinh muốn được lợi nhờ tự do kinh tế mà đảng vẫn nắm giữ quyền lực. Họ dùng hệ thống ngân hàng như trung tâm thu vét tài sản quốc dân và dồn cho khu vực quốc doanh với hậu quả là hệ thống ngân hàng ngập trong biển nợ làm nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Với dịch bệnh lan rộng từ Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc qua các tỉnh và thành phố trên toàn quốc thì số tiền trả nợ đậy sẽ tăng gấp bội mà vẫn chưa thấm vào đâu. Dĩ nhiên, giới đầu tư nước ngoài đang tháo chạy chả dại gì mà bù tiền vào khoản thâm hụt đó như thổi gió vào nhà trống. Việt Nam hiểu chuyện này, vì cũng có vấn đề tương tự. Nhưng, tình hình Hoa lục còn nguy khốn hơn vì một hiện tượng khác là tẩu tán tư bản.
Nguyên Lam : Ông đang nói về trường hợp của Trung Quốc hay Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng cả hai ! Truyền thông quốc tế cứ nói đến các khoản đầu tư nước ngoài được trút vào Hoa lục mà không để ý đến loại đầu tư từ Hoa lục chuyển qua xứ khác. Ngoài hoạt động tẩu tán tài sản của đảng viên cán bộ muốn tự chuẩn bị một tương lai khá giả sau khi mất quyền, ta còn hoạt động tài chính của các ngân hàng và doanh nghiệp Hoa lục vì họ thấy đem tiền đầu tư vào xứ khác lại có lợi và an toàn hơn. Nếu họ vững tin vào tương lai kinh tế xứ này theo mô thức xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Quốc thì đã chẳng có nạn tẩu tán như vậy, và đây là một nghịch lý ít ai nói tới. Việt Nam nên nhìn vào hiện tượng đó.
Nguyên Lam : Chưa kể tới một nghịch lý nữa là Trung Quốc dồn sức xuất khẩu để thu ngoại tệ và lại chuyển ngoại tệ đó ra ngoài ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong nền kinh tế tự do đích thực, người ta đầu tư vào nơi có lợi nhất, việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ra ngoài để thu thập kiến thức, công nghệ hay mở rộng thị trường là điều có lợi cho xứ sở. Nhưng, hãy nhớ đến yêu cầu đầu tư rất lớn trong nội địa để tạo ra hàng triệu việc làm mỗi tháng. Dường như lãnh đạo xứ này chưa học được kinh nghiệm của Nhật Bản ba chục năm trước, là thắt lưng buộc bụng để xuất khẩu tối đa bất kể lời lỗ, chỉ cần gia tăng thị phần của mình là đủ, sau đó lại nhắm mắt đầu tư ra nước ngoài, thấy gì cũng mua, tưởng rằng đó là bành trướng thế lực và ảnh hưởng. Cũng vậy, Trung Quốc đã thổi lên một trái bóng đầu tư với nhiều dự án có giá trị kinh tế thấp, điển hình là ở Thượng Hải hay Thâm Quyến, chưa nói tới bế tắc tại Hồng Công.
Lãnh đạo chậm tiến ưa khánh thành các công trình nguy nga để tiếng cho đời mà ít khi nghĩ đến dự án nhỏ bé mà thiết thực cho dân đen. Cho đến khi tất cả sụp đổ, như các nước Đông Á đã gặp năm 1997, thì lại đổ lỗi cho tư bản và đầu cơ….
Nguyên Lam : Vì những vấn đề ấy mà ông đã tiên đoán có lúc trái bóng Trung Quốc sẽ vỡ và nay đang vỡ trước mắt chúng ta ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có mọi chất liệu cần thiết cho một vụ bể bóng đầu tư. Kinh tế Trung Quốc phải hãm đà tăng trưởng để tránh nguy cơ lạm phát khi thị trường hết hồ hởi với ảo giác phồn thịnh và triển vọng đầu cơ. Lãnh đạo xứ này đã hoàn tất các chương trình cải cách dễ làm nhất, nay là lúc lần tới những khâu phức tạp và rủi ro hơn thì lại bị tai họa dịch bệnh. Nền móng kinh tế quá mong manh cho nên nạn suy trầm nhỏ cũng thành suy thoái lớn và lập tức chuyển ra động loạn xã hội.
Nguyên Lam : Và câu kết luận của ông vẫn trở lại Việt Nam.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa vâng. Chúng ta không để ý là dễ đến vài thế kỷ, lần đầu tiên Việt Nam mới có một hệ thống lãnh đạo tồn tại mấy chục năm để học bài trong một đất nước hết còn chiến tranh. Suốt thời gian đó, lãnh đạo xứ này học được gì và làm được gì cho sự tiến hóa của xã hội và quốc gia ? Suốt thời gian đó, lối cải cách nửa vời chỉ cải tiến mức sống cho thiểu số đảng viên chứ đất nước vẫn chậm tiến lạc hậu nếu so với xứ khác, và hố sâu giàu nghèo vẫn đào sâu. Việt Nam có nhiều vấn đề tương tự như Trung Quốc, với tiềm lực thấp hơn. Một vụ khủng hoảng tại Trung Quốc có thể là lời cảnh báo, đôi khi quá trễ.
Việt Nam không có một chính quyền mạnh, tức là có khả năng tác động và yểm trợ cho sinh hoạt xã hội và kinh tế quốc dân như tại các nước dân chủ, mà chỉ có một chính quyền độc tài nhưng bất lực trước các vấn đề sinh tử của đất nước. Lầm lẫn ách độc tài với thực lực của nhà nước là sự lạc hậu sau khi cầm quyền gần nửa thế kỷ. Việt Nam cần cải cách nữa, khi những gì bùng nổ tại Trung Quốc là một cơ hội đổi mới.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 12/02/2020
Sau gần hai năm lao vào trận thương chiến, Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ký kết một thỏa thuận thương mại cho giai đọan một tại Phủ Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày thứ Tư 15. Nhưng, ngược với một số tiết lộ của báo chí, như thông tấn xã Reuters của Anh hay tờ South China Morning Post tại Hong Kong, v.v… Hoa Kỳ sẽ không cắt thêm thuế nhập nội đánh trên hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc cho tới/11 này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện đó với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.
Hoa Kỳ và Trung Quốc vừa ký kết một thỏa thuận thương mại cho giai đọan một tại Phủ Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 15/1/2020 (Ảnh minh họa) AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, đúng một năm sau khi nhậm chức, từ đầu năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã quyết định tăng thuế nhập nội trên một số hàng bán vào thị trường Mỹ như máy giặt, các tấm quang năng hay quang điện và nhôm thép nhằm bảo vệ nhà sản xuất Hoa Kỳ. Trận thương chiến khởi sự từ đấy và leo thang với đòn trả đũa của các nước bị Mỹ đánh thuế. Trong số này, có Trung Quốc là nền kinh tế đạt xuất siêu cao nhất với nước Mỹ. Như vậy, trận "thương chiến Mỹ-Hoa" như ông hay gọi đã trải qua gần hai năm và gây thiệt hai cho cả đôi bên và dẫn tới nhiều xáo trộn cho luồng trao đổi toàn cầu. Thế rồi, mùa Thu năm ngoái, hai nước đồng ý đàm phán lại một thỏa thuận của Giai đoạn Một, dự trù ký kết vào thứ Tư 15 tại Thủ đô Hoa Kỳ. Nhưng dường như vào giờ chót lại có trục trặc khi chiều thứ Ba 14, phía Hoa Kỳ cho biết là không giảm thuế nhập nội đánh trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la cho tới/11 này.
Theo dõi vụ thương chiến Mỹ-Hoa từ lâu, ông từng dự đoán là đôi bên khó có hưu chiến, thưa ông, vì sao lại như vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thường nói rằng khi giới hữu trách việc đàm phán mà tiết lộ cho báo chí mà giấu tên thì đấy cũng là một cách thương thuyết nhằm tác động vào dư luận và thị trường. Hôm thứ Ba, trị trường cổ phiếu Hoa Kỳ lên giá vùn vụt khi báo chí loan tin là thỏa thuận cho Giai Đoạn Một đã hoàn tất và Phó Thủ tướng Lưu Hạc của Bắc Kinh tới Hoa Kỳ để ký kết văn kiện này ngay trong Phủ Tổng thống của ông Donald Trump.
Các nguồn tin báo chí còn nói rằng phía Bắc Kinh đồng ý mỗi năm sẽ mua 200 tỷ đô là hàng Mỹ gồm có 70 tỷ hàng chế biến, 50 tỷ năng lượng, 40 tỷ nông sản và từ 35 tới 40 tỷ đô la dịch vụ của Hoa Kỳ. Đáp lại, phía Mỹ có thể giảm phân nửa thuế suất 15% là 7,5%, trên một lượng hàng của Trung Quốc trị giá khoảng 120 tỷ và không đánh thuế thêm 25% như đã dọa vào tháng trước. Vì vậy, các thị trường đều lạc quan, nhất là khi Mỹ thông báo hôm thứ Hai là không đặt Trung Quốc vào danh mục các nước có tội lũng đoạn ngoại hối, là phá giá đồng bạc để bán hàng cho rẻ.
Nhưng tới chiều thứ Ba thì cổ phiếu lại sụt giá, phân lời trái phiếu cũng sụt cùng hối suất Mỹ kim và kéo theo cổ phiếu Á Châu vào sáng thứ Tư khi Tổng trưởng Ngân khố Steve Mnuchin và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ là Robert Litghthiser cho báo chí biết rằng Mỹ không có kế hoạch cắt thuế nhập nội trên hàng Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ đô la đã áp đặt từ năm 2018. Họ cho biết các lời đồn đoán đều sai, chứ đôi bên chưa hề có thỏa thuận như vậy.
Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao hai nước lại có trở ngại như vậy sau bao lần đàm phán trong gần hai năm trời ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đừng quên cuộc đàm phán này chỉ là đợt một và hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên cho tới/11 này, hoặc cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận về đợt hai theo đó, Bắc Kinh phải chấm dứt việc trợ cấp cho hệ thống công nghiệp của họ và Hoa Kỳ phải tăng cường kiểm soát việc phổ biến thuật lý hay công nghệ cao cấp về tin học vì liên quan tới lĩnh vực an ninh.
Từ nay tới đó, Hoa Kỳ sẽ kiểm chứng việc Bắc Kinh chấp hành những cam kết trong một thỏa ước dầy 86 trang của Giai Đoạn Một. Các lời phát biểu chung chung khi ký kết không thể che giấu những chi tiết khi đi vào áp dụng và chúng ta cũng chẳng thể quên vai trò của Quốc hội. Trên chính trường rắc rối và đầy phân hóa tại Hoa Kỳ thì cả hai đảng lại có sự đồng thuận trong đối sách với Bắc Kinh về an ninh lẫn kinh tế, quân sự và cả nhân quyền. Vì vậy, Chính quyền Trump khó nhượng bộ và phải thống nhất chính sách giữa các cơ chế hữu trách về thương mại, tài chính và luật lệ liên quan đến việc mua bán với Trung Quốc.
Nguyên Lam : Nói về chính trị thì ngày ba/11 này, Hoa Kỳ lại có bầu cử, thưa ông, phải chăng Chính quyền Donald Trump đợi kết qủa bầu cử rồi mới đàm phán tiếp với Bắc Kinh nếu ông Trump tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ai cũng có thể nghĩ như vậy, nhưng Chính quyền Trump khẳng định rằng hệ thống quan thuế vẫn giữ nguyên như vậy chứ không giảm cho tới khi hai nước đạt thỏa thuận cho Giai Đoạn Hai thì sẽ tính lại. Việc đàm phán cho giai đoạn này là then chốt chứ không liên hệ gì đến cuộc bầu cử.
Sở dĩ câu chuyện nó rắc rối vì gần hai chục năm trước, từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO vào năm 2001 với tư cách là một nền kinh tế đang phát triển chứ chưa có quy chế kinh tế thị trường, Trung Quốc đã hội nhập vào kinh tế thế giới và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ vậy mà xứ này có đà tăng trưởng cao. Nhưng họ có ba vấn đề ở đây. thứ nhất, Bắc Kinh theo chiến lược lấy đầu tư làm lực đẩy để tạo ra công ăn việc làm cho một dân số quá đông và sản xuất dư thừa thì xuất khẩu ra ngoài với giá rẻ nên mặc nhiên dẫn tới tình trạng cạnh tranh và gây thiệt hại cho các nước khác.
Vấn đề thứ hai là họ không cải tổ để có chế độ kinh tế thị trường theo quy luật tự do, lại còn có chính sách bảo vệ kỹ nghệ nội địa và gây thiệt hại cho khu vực chế biến, nhất là của Hoa Kỳ, với hãng xưởng phải đóng cửa, công nhân mất việc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng tiến khá nhanh về công nghệ cao cấp nên có thể đe dọa ưu thế quân sự và kinh tế của nước Mỹ, đấy là vấn đề thứ ba.
Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng vì vậy mà khi tranh cử năm 2016, ông Donald Trump đã nêu đích danh Bắc Kinh và còn đòi áp thuế tới 45% trên hàng Trung Quốc ? Nhưng giới kinh tế cho là trong một trận thương chiến thì đôi bên đều bị thiệt hại và thiệt hại bên phía Hoa Kỳ có thể nào ảnh hưởng đến kết quả bầu cử hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trên lý thuyết, khi áp thuế nhập nội thì ai đó phải trả tiền thuế này. Ai đó là nhà nhập cảng phải trả giá đắt hơn và chia sẻ gánh nặng đó với giới bán sỉ và người tiêu thụ, tức là dân Mỹ bị thiệt vì mua hàng Tầu đắt hơn.
Nhưng ngược lại, nhà sản xuất Trung Quốc cũng có thể phải hạ giá để giữ thế cạnh tranh và không mất khách, hoặc phải đầu tư và sản xuất ở xứ khác để tránh thuế của Mỹ, là điều ta đang thấy tại Việt Nam. Hoa Kỳ có thể đã bị thiệt mất vài chục tỷ đô la, nhưng kinh tế Trung Quốc cũng bị thiệt hại trong việc bán dụng cụ văn phòng, thiết bị viễn thông, hóa chất, đồ gia dụng, bàn ghế giường tủ, v.v…
Kinh tế Trung Quốc đang có nhiều khó khăn bên trong nên cũng ngại trận thương chiến với Mỹ vào thời điểm này, Ta cũng đừng quên rằng kinh tế Hoa Kỳ không bị lệ thuộc vào xuất cảng như kinh tế Trung Quốc, đấy là sức chịu đựng đáng kể nhất. Đã vậy, kinh tế Hoa Kỳ vẫn có nhiều dấu hiệu khả quan, thất nghiệp thấp nhất từ nửa thế kỷ và lợi tức các thành phần thiểu số bị thất thế trước đây cũng đã có cải tiến.
Chuyện đáng nói là trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất cũng gây hiệu ứng cho luồng giao dịch của các nước đệ tam như Đài Loan, Mexico, Âu Châu và cả Việt Nam cùng nhiều nước Đông Nam Á. Họ có thể bán nhiều hơn vào thị trường Hoa Kỳ để thay thế luồng xuất khẩu của Trung Quốc.
Nguyên Lam : Vì thời lượng của chúng ta có hạn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một số kết luận cho cuộc phỏng vấn tuần này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra, trước khi có trận thương chiến với Mỹ Bắc Kinh cần sự ổn định xã hội và chính trị giữa tình trạng sa sút kinh tế. Trận thương chiến sẽ không kết thúc năm nay mà còn kéo dài nhiều năm. Để bù cho nhược điểm nội tại, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ có hai động thái, là gia tăng đàn áp người dân bên trong và biểu dương khí thế quân sự ở bên ngoài, nên tranh chấp với Hoa Kỳ và các nước Đông Á sẽ chỉ tăng chứ không giảm, trận thương chiến chỉ là một diện mà thôi. Khi đó, ta nên theo dõi vị trí và thế lực của Tổng bí thư Tập Cận Bình giữa các thành phần lãnh đạo khác tại Bắc Kinh.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tách kỳ này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 15/01/2020
Năm qua, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khả quan nhất khu vực Đông Nam Á, năm nay, Việt Nam sẽ có những triển vọng gì và có thể gặp rủi ro ra sao ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này với chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế của đài Á Châu Tự Do.
Cơ hội và rủi ro cho Việt Nam 2020 (Ảnh minh họa) - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, chúng ta vừa bước qua năm dương lịch 2020 và chuẩn bị mừng Xuân Canh Tý, vì vậy, trong một chương trình đầu năm, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích triển vọng kinh tế của Việt Nam vào năm nay và đồng thời cảnh báo về những rủi ro mà Việt Nam có thể gặp…
Nguyễn-Xuân Nghĩa : So với các nền kinh tế tương tự tại khu vực Đông Nam Á, như Malaysia, Indonesia, Thái Lan hay Philippines, thì năm qua, tình hình kinh tế của Việt Nam có vẻ khả quan hơn cả, với đà tăng trưởng có thể là 6,8% khi các nước kia không được như vậy. Kinh tế xứ này cũng đang hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương, thường được gọi tắt là TPP, với 10 nước khác và qua Hiệp định Tự do Thương mại với Liên Âu.
Ở bên Trung Quốc đã thay đổi chiến lược phát triển và hết là một công xưởng toàn cầu nhờ dân số đông và nhân công rẻ, Việt Nam cũng có lợi thế là thị trường có nhân công rẻ hơn. Sau cùng, khi mâu thuẫn thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng từ năm 2018, Việt Nam còn hy vọng tiếp nhận đầu tư của quốc tế để tăng cường việc giao dịch với thị trường Hoa Kỳ. Nói chung, với lực lượng lao động khoảng 60 triệu người và mức lương tối thiểu thấp nhất so với bốn nền kinh tế Đông Nam Á vừa nói ở trên, Việt Nam vẫn còn ưu thế cạnh tranh trong vài năm nữa. Đó là bức tranh tổng quát về triển vọng 2020 của kinh tế Việt Nam.
Nguyên Lam : Đấy là một số chỉ dấu tích cực cho kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 này nếu chúng ta so sánh với bốn nước lân bang như ông vừa nhắc tới. Nhưng thưa ông, Việt Nam có thể gặp những rủi ro gì khác trong năm nay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nhìn thấy có tám loại rủi ro. Thứ nhất, khi nói Việt Nam đã hội nhập vào luồng trao đổi toàn cầu thì điều ấy cũng có nghĩa là nền kinh tế dễ bị các biến cố quốc tế gây chấn động, nhất là khi kinh tế thế giới có thể gặp nhiều thăng giáng thất thường mà người ta khó đoán trước, thí dụ điển hình là vụ khủng hỏang bùng nổ tuần qua giữa Hoa Kỳ và Iran. Thứ hai, rủi ro chấn động còn gia tăng khi kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào xuất khẩu, tức là vào sức tiêu thụ của các thị trường khác. Nếu kinh tế toàn cầu mà bị suy trầm trong năm nay như nhiều người e sợ, luồng xuất nhập cảng của nhiều nước có thể giảm và Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Thứ ba, như diễn đàn của chúng ta đã nói nhiều lần, kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài và luồng đầu tư này vào Việt Nam đã giảm nhẹ từ giữa năm ngoái nên đấy cũng là chỉ dấu đáng ngại. Riêng về chuyện đó thì ta thấy Indonesia và Thái Lan có sức hút đầu tư quốc tế còn mạnh hơn Việt Nam. Mà hai nhược điểm của Việt Nam là quá lệ thuộc vào xuất cảng và đầu tư của ngoại quốc sẽ có tác dụng tôi gọi là "cộng hưởng" làm vấn đề càng trở thành trầm trọng hơn.
Nguyên Lam : Theo như ông nghĩ thì giới lãnh đạo kinh tế của Việt Nam có thấy ra những nhược điểm kể trên hay không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các chuyên gia kinh tế trong nước đều đã cảnh báo về các nhược điểm ấy, nhưng sửa sai là chuyện lâu dài và không dễ. Việt Nam cần đổi mới nữa và phải chú trọng nhiều hơn đến thành phần tư doanh vì đấy mới là nội lực thật của mình.
Nguyên Lam : Nhìn về lâu dài, thưa ông, Việt Nam còn gặp những rủi ro gì khác ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong hiện tại thì mức lương tối thiểu của Việt Nam vẫn là thấp nhất so với mức lương của Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia. Nhưng mặt trái của đà tăng trưởng cao lại có thể dẫn tới hậu quả là tăng phí tổn về lương bổng và sản xuất khiến ưu thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ không bền. Đó là rủi ro thứ tư của Việt Nam.
Đã vậy, cơ cấu kinh tế của Việt Nam thật ra chưa thể bằng Malaysia hay Thái Lan. Chúng ta nên nhìn vào thực tế là hạ tầng cơ sở vật chất của Việt Nam còn thua các nước đó, tay nghề của nhân công xứ này cũng vậy, và quan trọng hơn cả, hệ thống công nghiệp phù trợ của Việt Nam còn rời rạc chứ chưa hội nhập bằng các nước kia. Vì vậy, Việt Nam đừng lầm tưởng là sẽ mau chóng vượt qua các lân bang nhờ có đà tăng trưởng cao hơn. Đấy là ta chưa nói tới tình trạng hủy hoại môi sinh đã lên tới mức đáng quan ngại.
Nguyên Lam : Trở lại bối cảnh của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, thưa ông, Việt Nam còn có thể gặp những rủi ro gì trong năm nay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế ở hai bờ Thái Bình Dương nó đa diện, gần như toàn diện, chứ không thu hẹp vào hồ sơ thương chiến và đôi bên sẽ còn tranh đấu mất nhiều năm. Nằm ở giữa hai nước, trong năm nay Việt Nam sẽ bị rủi ro lớn. Trước hết, Việt Nam đã gia tăng xuất khẩu vào thị trường Mỹ và bị Chính quyền Hoa Kỳ nghi ngờ là trạm trung chuyển để bán hàng của Tầu cho Mỹ dưới nhãn hiệu "Made in Vietnam. Điều ấy chúng ta đã nói nhiều lần rồi. Vấn đề là Việt Nam có hệ thống kiểm soát rộng mà nông nên không chặn nổi những sự gian lận làm Hoa Kỳ sẽ lại có biện pháp trừng phạt nữa. Đó là loại rủi ro thứ sáu, có thể tái phát trong năm nay.
Nhưng nguy hiểm hơn cả là mô hình phát triển của Việt Nam quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc. Việt Nam nhập thiết bị và nguyên nhiên vật liệu từ xứ láng giềng để nhân công mình chế biến rồi xuất khẩu ra ngoài nhưng thật sự làm gia công cho Trung Quốc. Tôi gọi đó là "nền kinh tế công cụ" của Bắc Kinh. Năm nay, lãnh đạo Hà Nội nên đưa ra chủ trương cải cách từ căn bản để sớm chấm dứt tình trạng nguy hiểm này vì đấy là một rủi ro sinh tử cho Việt Nam.
Nguyên Lam : Sau cùng, ông còn thấy rủi ro gì khác trong năm nay ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng một năm nữa, Việt Nam sẽ lại có Đại hội đảng để bầu ra một Ban chấp hành Trung ương mới và hệ thống nhân sự lãnh đạo khác. Vì vậy, ưu tiên của đảng trong năm nay là chuẩn bị cho Đại hội, và đằng sau là các cuộc đấu đá lẫn thanh trừng được trình bày như việc diệt trừ tham nhũng.
Chúng ta đều biết tham nhũng là thuộc tính của các chế độ độc tài khi đặc quyền chính trị lại dẫn tới đặc lợi kinh tế cho thiểu số ở trên, như ta đã thấy tại Trung Quốc. Ở bên cạnh Trung Quốc, Việt Nam lại vẫn đi vào vết xe đổ của họ thì rất khó thoát. Đó là loại rủi ro thứ tám của Việt Nam trong năm 2020 này.
Nguyên Lam : Vì thời lượng của chúng ta có hạn nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một số kết luận.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm nay có hai biến cố lớn cho Việt Nam, thứ nhất là được làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong hai năm và tháng này đang là Chủ tịch luân phiên của cơ chế quốc tế đó. Thứ hai, Việt Nam cũng là Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á. Với tư thế ngoại giao khá đặc biệt ấy, Việt Nam có thể làm gì để bảo vệ chủ quyền của mình trước sức ép muôn mặt và không hề che giấu của Bắc Kinh ? Vì an ninh đi cùng với kinh tế bên một quốc gia có quá nhiều tham vọng, Việt Nam nên sớm nghĩ tới đổi mới chính trị và đấy cũng là lời chúc đầu năm của bản thân tôi.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầu năm và kính chúc ông được dồi dào sức khỏe.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 07/01/2020
Sau 20 tháng đàm phán, hôm Thứ Sáu 13 vừa qua, Hoa Kỳ và Trung Quốc thông báo đã thỏa thuận về "Giai đoạn Một" nhằm giải quyết mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước. Nhưng phải chăng đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ cho tới năm sau và qua năm 2020, quan hệ giữa đôi bên sẽ còn căng thẳng ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này….
Hôm 13/12/2019, Tổng thống Donald Trump xác nhận hủy bỏ thuế quan mới đối với Trung Quốc như một phần của thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" (Ảnh minh họa) AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, kể từ Tháng Ba năm ngoái, trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã trải qua nhiều thăng trầm với cao điểm là đầu Tháng Năm của năm nay khi Bắc Kinh phủ nhận nhiều cam kết trước đó khiến Hoa Kỳ leo thang và gây áp lực rất mạnh về thuế nhập nội đánh trên hàng hóa của Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ. Thế rồi, giới chức đôi bên tiếp tục đàm phán để tuần qua vừa đạt thỏa thuận về "Giai đoạn Một" sẽ áp dụng vào đầu năm tới. Theo dõi mâu thuẫn giữa đôi bên, ông có nhận xét như thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta ở vào cuối năm nên vừa phải tổng kết cho năm nay rồi cố gắng dự báo về quan hệ giữa hai nước vào năm tới. Về thỏa thuận được thông báo hôm Thứ Sáu 13, tôi nghĩ đây chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ chứ mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gia tăng và lan rộng qua năm sau.
Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với cách phân tích có vẻ bi quan của ông, nên Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho lý do vì sao thỏa thuận này chỉ là một cuộc đình chiến tạm bợ trong một trận thương chiến đã kéo dài từ 20 tháng qua ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước tiên, tôi xin đề nghị là chúng ta nhìn vào toàn cảnh sâu xa lâu dài của mâu thuẫn giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và nhiều nước khác.
Trung Quốc thật ra "chưa hùng mà đã hung" và lãnh đạo của họ kể từ khi ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư sau Đại hội đảng Khóa 18 vào cuối năm 2012 còn tập trung tối đa quyền lực để giải quyết nhiều vấn đề bên trong mà chưa xong. Vì vậy, năm 2019 sắp kết thúc là một năm ta có thể gọi là "mất mùa" cho họ Tập.
Lý do vì sao giải quyết chưa xong các vấn đề bên trong thì có rất nhiều, nhưng về căn bản thì Trung Quốc chưa nắm vững sự vận hành của kinh tế quốc tế mà vội nuôi tham vọng thay thế Hoa Kỳ để lãnh đạo nền kinh tế đó và chi phối cả an ninh của các nước khác. Sau khi đắc cử Tổng thống vào cuối năm 2016, ông Donald Trump đã nêu rõ yêu cầu là sẽ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải tổ cơ chế kinh tế chính trị theo chuẩn mực của các nước tiên tiến, như họ đã cam kết từ khi được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO gần 20 năm trướx.
Vì lý do chính trị nội bộ của Mỹ, ông Trump chọn trận địa chiến để khai hỏa là mâu thuẫn thương mại và áp thuế nhập nội nhằm bảo vệ quyền lợi của công nhân và doanh nghiệp Hoa Kỳ. Chiến thuật đó của ông gây hiểu lầm là Mỹ chỉ lo cho quyền lợi ích kỷ của mình, nhưng dần dần thì các nước khác cũng hiểu ra ý đồ của Bắc Kinh và đấy là một nhược điểm của Tổng bí thư Tập Cận Bình.
Nguyên Lam : Nhưng ông vẫn chưa giải thích vì sao ông cho rằng Giai đoạn Một mà đôi bên vừa thỏa thuận chỉ là một cuộc hưu chiến tạm bợ và không bền. Nguyên Lam xin đề nghị là ông phân tích thêm chuyện này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh có thủ thuật buôn bán và đầu tư của một cơ chế kinh tế chính trị thiếu tự do và minh bạch nên bị Mỹ trừng phạt về thương mại như bước đầu, nhằm tạo ra thay đổi sâu xa hơn. Thỏa thuận về "Giai đoạn Một" vừa được nói tới mới chỉ tạm hoãn việc áp thuế hay giảm thuế mà thôi và cần thời gian phiên dịch để khai triển những gì đã cam kết qua tài liệu dài 86 trang, sau đó mới được hai bên thẩm xét về thực hư và khả năng kiểm chứng.
Chính trường Hoa Kỳ và nội bộ Trung Quốc có nhiều vấn đề vào năm tới nên đôi bên cùng tạm hưu chiến nhưng sẽ tiếp tục lâm chiến trên nhiều lĩnh vực khác. Điều đáng chú ý là lãnh tụ đôi bên đều tránh ký kết thỏa thuận này mà để cho thuộc cấp phát biểu và thi hành. Trong khi ấy, vấn đề nổi cộm là thuật lý, công nghệ hay technology, vẫn là mâu thuẫn lớn cho mai sau.
Năm tới, người ta ít nói về kinh tế mà quan tâm hơn đến an ninh và đấy mới là trận địa chiến thật giữa hai nước, khi các vấn đề như nhân quyền, dân chủ hay chủ quyền của các lân bang của Trung Quốc cũng nằm trong nghị trình đàm phán mở rộng hơn…
Nguyên Lam : Nhìn từ giác độ của lãnh đạo Bắc Kinh, ông nghĩ sao về các ưu tiên của họ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Bắc Kinh có loại vấn đề mà dân ta hay gọi là "lấy ngắn nuôi dài", là tìm lợi thế ngắn hạn để cải cách dài hạn, nhưng lại gặp "mâu thuẫn cơ bản" - chữ của họ - là biện pháp kích thích ngắn hạn đi ngược với mục tiêu cải cách dài hạn. Trong khi đó họ lại bị dồn vào nhiều ưu tiên khác như trận chiến về ngoại hối, đầu tư khi các nước đã thấy ra thế ưu đãi và trợ cấp cho hệ thống doanh nghiệp nhà nước, hay vụ Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng...
Ông Trump ưa tuyên bố lung tung làm nhiều người chẳng hiểu khi nào ông nói thật, khi nào lập mưu giả bộ. Nhưng Bắc Kinh lại "thành thật khai báo" mục tiêu của họ qua các khái niệm "Trung Quốc Mộng", sáng kiến "Nhất Đới Nhất Lộ", hay việc bành trướng quân sự và uy hiếp các lân bang từ Đông Bắc Á quanh Đài Loan Nhật Bản, xuống biển Đông Nam Á thậm chí tới Nam Thái Bình Dương.
Trong khi ấy Bắc Kinh đã chẳng hiểu sự vận hành của kinh tế toàn cầu từ hơn hai thế kỷ vừa qua, lại đòi khống chế nền kinh tế đó để trục lợi và để vượt mặt Hoa Kỳ. Bắc Kinh đang rơi vào chu kỳ bế tắc của Trung Quốc vào thời Đại Minh của Thế kỷ 15 và Đại Thanh của Thế kỷ 19 và sẽ bị khủng hoảng !
2222222222222222222
Ông Wang Showen,Thứ trưởng bộ Thương mại Trung Quốc, Phó Đại diện Thương mại Quốc tế phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 13 tháng 12,2019. AFP
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin yêu cầu ông giải thích cho hai chu kỳ bế tắc đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong luồng giao dịch giữa các nước với nhau thì có mua vào cũng phải bán ra mới có bạn hàng và đồng minh. Nay Bắc Kinh vẫn chưa rõ quy luật sơ đẳng ấy của lịch sử nên rơi vào khủng hoảng kinh tế, nạn tham ô của triều Minh khiến nước Tầu gặp loạn, vua Sùng Trinh tự tử để nhà Thanh chiếm đoạt cả nước. Trong giai đoạn ấy, các Đế quốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nổi lên và chi phối toàn vùng Đông Á rồi bị các Đế quốc Anh, Hà Lan thay thế. Sự vận hành rắc rối đó cần trí nhớ và cách giải thích hợp lý, là điều Trung Quốc chủ quan lại nhìn không ra.
Kế tiếp, nhà Đại Thanh cũng mắc bệnh vĩ cuồng như Bắc Kinh ngày nay, vì tưởng mình là cường quốc kinh tế giàu mạnh hơn các Đế quốc Anh Pháp. Rốt cuộc, nhà Thanh không cải cách rồi bị nội loạn với vụ Thái Bình Thiên Quốc và sụp đổ. Lãnh đạo Bắc Kinh ngày nay chỉ nói về "bách niên quốc sỉ", trăm năm ô nhục vì bị liệt cường tấn công từ vụ Chiến tranh Nha phiến giữa Thế kỷ 19 mà không thấy ra hoặc dám nói đến các vấn đề chồng chất ở bên trong.
Họ không tự hỏi vì sao làm xứ sở lụn bại khi đã là cường quốc kinh tế số một ? Một lý do giải thích là Chủ nghĩa Mác-Lênin tai hại. Một lý do khác chính là từ nền văn hóa duy ý chí của Trung Hoa. Hậu quả là ngày nay không chỉ có Hoa Kỳ mà các nước khác cũng đang nêu vấn đề về âm mưu bành trướng của Bắc Kinh trong nhiều lĩnh vực an ninh, kinh tế và thuật lý. Năm 2020 này sẽ phơi bày chuyện đó.
Nguyên Lam : Như vậy, kết luận của ông là qua năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn gay go hơn những gì chúng ta đã thấy trong hai năm qua ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều phần sẽ là như thế và đấy là thành tích của ông Tập Cận Bình !
Tại Hoa Kỳ, giữa sự phân hóa chính trị khá kỳ lạ của nước Mỹ, Tập Cận Bình lại tạo ra sự đồng thuận giữa Hành Pháp và Lập pháp và giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa về đối sách với Bắc Kinh, về vụ Hồng Công, Đài Loan, Tân Cương hay về mâu thuẫn trên Biển Đông. "Chưa hùng mà đã hung" là vậy !
Đã thế, qua bảy đời Tổng thống Mỹ, từ ông Richard Nixon tới Barach Obama, Bắc Kinh còn chứng minh rằng Trung Quốc sẽ chẳng cải cách để có một chế độ thông thoáng và hợp tác với các cường quốc hầu cùng giải quyết các vấn đề lớn của thế giới mà chỉ ăn cắp, ăn cướp thuật lý và quyền sở hữu trí tuệ của thiên hạ để củng cố vai trò tệ hại của đảng, của nhà nước và hệ thống kinh tế quốc doanh. Trên tuyến đầu thì Hoa Kỳ tố giác điều ấy và sẽ đòi Bắc Kinh cải cách nữa.
Nhưng nhìn rộng ra ngoài, vì sao ngày nay Hoa Kỳ lại gọi Trung Quốc là đối thủ số một, còn nguy hiểm hơn Liên bang Xô viết vào thời Chiến tranh lạnh như Tổng trưởng Quốc phòng Mỹ sau Phó Thủ tướng và Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã phát biểu ? Khác với ông Trump, Nội các và Ban tham mưu của Tổng thống Mỹ đang nói thẳng nói thật với các đồng minh và nay các quốc gia này cũng đã hiểu.
Nguyên Lam : Thưa ông, phải chăng vì vậy mà uy tín của Trung Quốc và niềm tin vào Bắc Kinh của nhiều quốc gia đã sa sút nặng trong năm 2019 sắp kết thúc ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu để kết luận thì vụ thỏa thuận về "Giai đoạn Một" chỉ là hưu chiến nhất thời và không qua nổi con trăng vì thế giới thấy ra sự thật ! Mâu thuẫn giữa Bắc Kinh với trật tự của thế giới là vấn đề đã có và tồn tại khi ông Donald Trump hết còn là Tổng thống Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ hai. Trong nhiệm kỳ tới, ông ta sẽ đẩy mạnh áp lực cải cách để Bắc Kinh phải thay đổi cơ chế của họ, là điều cần thiết nhưng mà khó. Vì vậy, năm 2020 sẽ còn có nhiều biến động và sức ép cho Bắc Kinh. Có khi họ sẽ thấy tái diễn chuyện Minh Thanh xa xưa là điều chúng ta sẽ tìm hiểu trong suốt năm tới…
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.
Nguyên Lam
Nguồn : RFA, 18/12/2019
Cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc vẫn chưa ngã ngũ mà còn có thể kéo dài lan rộng vào việc cải tổ cấu trúc kinh tế của Bắc Kinh. Gặp cảnh ngộ đó, Việt Nam có thể tưởng mình có lợi vì bán hàng nhiều hơn vào thị trường Mỹ khi số nhập khẩu hàng Trung Quốc vào Hoa Kỳ đã giảm mạnh. Nhưng thật ra Việt Nam cũng gặp nhiều rủi ro tiềm ẩn về cả ngoại thương lẫn ngoại tệ. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu vì sao….
Hôm thượng tuần tháng 11/2019, ông Wilbur Ross đã nhắc nhở Việt Nam rằng rủi ro cho Việt Nam là có thật nếu Việt Nam bán hàng của Tầu vào Mỹ. AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, Cục Thống Kê Hoa Kỳ thuộc Bộ Thương Mại cho biết rằng so với cùng kỳ năm ngoái thì số xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ trong bốn tháng đầu năm nay đã tăng hơn 38% trong khi hàng hóa Trung Quốc bán vào thị trường Hoa Kỳ lại giảm tới gần 13%. Ai cũng nhìn ra mối tương quan của sự chuyển dịch đó là Việt Nam có lợi trong trận thương chiến đã bùng nổ từ năm ngoái giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng liệu rằng lợi thế đó có thể gây tác dụng ngược là Việt Nam sẽ bị Hoa Kỳ trừng phạt khi bán hàng của Trung Quốc và nhiều xứ khác dưới nhãn hiêu gọi là "Chế tạo tại Việt Nam" hay chăng ? Ông nghĩ thế nào về rủi ro này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn trong trường kỳ thì từ năm năm trước rồi, kinh tế Trung Quốc hết giữ vai trò "công xưởng toàn cầu" nhờ lợi thế dân số đông và nhân công rẻ cho nên giới đầu tư cần tìm các thị trường thay thế, trong đó có Việt Nam. Nhưng thật ra, từ nhiều năm nay Việt Nam chưa khai thác nổi lợi thế mới. Nhìn vào ngắn hạn khi hàng hóa Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế vì hiệu ứng của trận thương chiến, trong khi hàng Việt Nam lại không bị thuế nhập nội vào Mỹ thì quả nhiên là số xuất cảng của Việt Nam vào Mỹ tăng vọt như chúng ta vừa thấy. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là hàng đó có thật là do Việt Nam chế tạo hay chỉ là hàng Trung Quốc hoặc của nước khác được ngụy trang thành hàng Việt Nam ?
Chính quyền Mỹ, từ các Bộ Ngân khố, Thương mại tới đích thân Tổng thống Donald Trump, đã cảnh báo về hiện tượng ấy sau khi áp thuế tới 400% trên thép từ Việt Nam vào tháng Bảy vừa qua vì đấy là thép của xứ khác.
Có lẽ Chính quyền Hà Nội cũng hiểu vậy mà chưa thể kiểm soát hay ngăn nổi tình trạng gian lận đó. Vì vậy, rủi ro cho Việt Nam là có thật nếu Chính quyền Mỹ điều tra và kết luận rằng Việt Nam bán hàng của Tầu vào Mỹ như Tổng trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross, đã nhắc vào đầu tháng trước tại Hà Nội.
Nguyên Lam : Giới quan sát quốc tế cho là cả hai Chính quyền Mỹ-Việt đều đang điều tra hiện tượng này với kết quả là Hà Nội đã ngưng bán một số loại ván ép vào thị trường Mỹ sau khi số ván ép của Trung Quốc tuồn vào Việt Nam tăng đến 37% vào quý I của năm nay khi ván ép của Việt Nam bán vào Mỹ lại tăng đến 95% trong cùng kỳ sau khi ván ép của Tầu vào Mỹ bị áp thuế đến 25%. Ông nghĩ sao về chuyện đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật Việt Nam gặp rủi ro lớn nếu hàng của mình cũng bị áp thuế 25% vì đó chỉ là hàng Trung Quốc dùng Việt Nam làm nơi trung chuyển để bán qua Hoa Kỳ. Cái lợi ngắn hạn của sự gian lận không bù nổi sự thiệt hại cho cả nền kinh tế. Vì vậy mà tháng trước quan thuế của Việt Nam đã tịch thu khoảng hơn bốn tỷ đô la nhôm Tầu ngụy danh là nhôm sản xuất tại Việt Nam.
Nguyên Lam : Như vậy thưa ông, đâu là bài toán cho giới lãnh đạo Hà Nội ?
Một công nhân ở nhà máy thép tư nhân tại Việt nam (Ảnh minh họa). AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam có một hệ thống kiểm soát rất rộng mà nông vì kém hiệu năng mà thừa tham nhũng. Hải quan của Việt Nam chỉ có thể kiểm tra được 5% các hồ sơ xuất nhập khẩu nên hàng của Trung Quốc rất dễ vào Việt Nam rồi dán nhãn Việt mà tái xuất cảng vào Mỹ. Chính quyền Hoa Kỳ biết vậy và dùng đó làm sức ép để phía Việt Nam giảm mức xuất siêu trong luồng giao dịch với Mỹ. Tại Hà Nội, Tổng trưởng Thương Mại Wilbur Ross có phát biểu là việc mua bán giữa đôi bên đã tăng rất mạnh trong 25 năm qua, nhưng Việt Nam lại đạt thặng dư mậu dịch tới 40 tỷ đô la với Hoa Kỳ.
Một giải pháp khai thông cho Hà Nội là nên mua thêm hàng và tiếp nhận đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ. Khi đó, vấn đề vẫn lại là cơ chế của Việt Nam, chưa nói tới một khía cạnh quan trọng không kém là việc hợp tác về an ninh và quân sự với Hoa Kỳ trước đà bành trướng và sức ép của Bắc Kinh nếu ta nhớ rằng ngoài Tổng thưởng Thương Mại thì Tổng trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng vừa thăm Việt Nam và năm tới sẽ trao cho Hà Nội một chiến hạm thuộc lớp Hamilton của Lực lượng Cảnh sát Duyên phòng Hoa Kỳ.
Nguyên Lam : Ngoài ra, ông còn thấy rủi ro gì khác cho Việt Nam ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài chuyện ngoại thương, tôi còn thấy một vấn đề khác là ngoại tệ !
Việt Nam hãnh diện là đạt xuất siêu, là xuất nhiều hơn nhập, trong mối quan hệ về ngoại thương với các nước. Nhưng xuất siêu của Việt Nam với Hoa Kỳ đang là vấn đề như chúng ta vừa phân tách ở trên. Đã vậy, theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì Việt Nam còn nhận được một lượng kiều hối rất cao, năm nay có thể lên tới gần 17 tỷ đô la. Nhưng đấy chỉ là mấy con số ảo nếu chúng ta chịu khó đào sâu một chút.
Nguyên Lam : Vì sao ông lại gọi đó là những con số ảo ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu nhìn trên tổng thể của kế toán quốc gia thì quả là kinh tế của Việt Nam có đạt thặng dư mậu dịch. Nhưng đi vào chi tiết thì ai đạt mức thặng dư đó ?
Kinh tế Việt Nam còn quá lệ thuộc vào luồng đầu tư trực tiếp của nước ngoài, thường được gọi tắt là FDI, từ Foreign Direct Investment. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để dùng lao động Việt Nam làm gia công và xuất khẩu ra ngoài. Trong khi lượng xuất cảng của các doanh nghiệp có 100% phần vốn của ngoại quốc chiếm tới 70% của số xuất cảng của Việt Nam thì các doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm có 30% mà thôi. Nói cho phũ phàng thì doanh nghiệp quốc tế chiếm phần lớn, tỷ trọng đóng góp thuần túy của Việt Nam chỉ có phần nhỏ và sau khi sử dụng công sức của dân Việt doanh nghiệp quốc tế có thể chuyển tiền lời ra ngoài.
Bước kế tiếp, ta nên tự hỏi là doanh nghiệp nội địa cần nhập bao nhiêu để có thể xuất khẩu hàng hóa ra ngoài ? Câu trả lời là Việt Nam đã để mất ngoại tệ khi buôn bán với thế giới, con số đó cho cả năm nay có thể vượt quá 41 tỷ đô la, cao hơn gấp đôi lượng kiều hối được trút vào Việt Nam là khoảng 17 tỷ trong năm nay….
Nguyên Lam : Nghĩa là đằng sau nhưng con số hào nhoáng đó, thật ra Việt Nam lại bị thất thoát ngoại tệ trong luồng giao dịch buôn bán với các nước. Thưa ông, Việt Nam còn bị những rủi ro gì khác ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hiện tượng tẩu tán tư bản hay thất thoát ngoại tệ còn có nhiều ngả khác nữa, thí dụ như tiền đầu tư vào du học sinh, hay đầu tư vào gia cư địa ốc ở ngoại quốc, năm nay, hai khoản này có thể lên tới ít nhất là sáu tỷ đô la, mà ta chưa nói đến việc đầu tư ra ngoài bị thua lỗ, thậm chí mất sạch vốn.
Việt Nam đang hãnh diện là trong bốn tháng đầu năm nay đã bán được hơn 20 tỷ đô la hàng hóa vào Mỹ thì lại có thể bị trừng phạt nếu là hàng gian lận mượn nhãn "Chế tạo tại Việt Nam" như chúng ta vừa trình bày. Trong khi đó luồng ngoại tệ bị chảy ra ngoài qua ngả nhập khẩu, du học, đầu tư và thất thoát vì thua lỗ có thể vượt quá 40 tỷ trong năm nay. Tức là Việt Nam thật ra thiếu ngoại tệ và đang cuống cuồng đi vay, ít ra là hơn 20 tỷ đô la trong năm nay. Có vay là có trả cả vốn lẫn lời sau này mà cũng chỉ bằng phân nửa kim ngạch ngoại tệ bị chảy ra ngoài. Vì vậy, nạn thương chiến với Hoa Kỳ không là mối hiểm nguy duy nhất, mà rủi ro về thiếu ngoại tệ mới là bài toán đáng ngại cho ngân sách quốc gia. Trong khi đó, kinh tế của Việt Nam vẫn quá lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, là hiện tượng mà quốc tế gọi là một "nền kinh tế công cụ", hay "captive economy".
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích của tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 11/12/2019
Đúng 30 năm trước, hai biến động tại Đông Âu và Trung Quốc lại dẫn tới hậu quả tương phản. Tại Trung Quốc là vụ thảm sát trên quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng. Tại Đông Âu là cuộc cách mạng dây chuyền trong các quốc gia bị Liên bang Xô Viết chiếm đóng từ sau Thế Chiến Hai khiến bức tường Bá Linh sụp đổ rồi Liên Xô tan rã. Phải chăng điều ấy mới khiến Bắc Kinh rất nhạy cảm với tình hình Hồng Kông ngày nay ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện sâu xa này.
Cờ Trung Quốc trong cửa hàng của Hiệp hội bóng rổ NBA tại Bắc Kinh vào ngày 9/10/2019 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang đi vào một khúc quanh bên lề trận thương chiến, khi Bắc Kinh tỏ vẻ cực kỳ nhạy cảm với những gì xảy ra trong nước Mỹ và bắt Hiệp hội Bóng rổ Hoa Kỳ National Basketball Association phải xin lỗi vì một lời phát biểu liên quan tới Hồng Kông, ông nghĩ thế nào về chuyện này ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngày xưa, thời Chiến Tranh Lạnh giữa Liên bang Xô Viết và Thế giới Tự do, chủ nghĩa tự do kinh tế và dân chủ chính trị đi song hành cho tới khi Liên Xô sụp đổ và các nước Đông Âu được giải phóng đúng 30 năm trước. Ngày nay, Trung Quốc lợi dụng tự do kinh tế của các nước để trục lợi, lại còn đòi can thiệp vào xứ khác để bảo vệ chế độ độc tài của họ. Vì vậy, khi Tổng giám đốc của một đội bóng rổ tại Houston của tiểu bang Texas tỏ vẻ ủng hộ người dân Hồng Kông, Bắc Kinh bắt Hiệp hội Bóng Rổ Quốc gia Hoa Kỳ phải xin lỗi. Chúng ta sẽ phải khởi đi từ đó để nhìn ra toàn cảnh của mâu thuẫn này.
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông nhắc lại biến cố đó.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng 30 năm trước, Trung Quốc đã có vụ thảm sát trên Quảng trường Thiên An Môn khiến mấy ngàn người thiệt mạng vào ngày mùng 4/6/1989. Cùng lúc đó, tại Đông Âu, các quốc gia bị Liên Xô chiếm đóng sau Thế Chiến Hai, như Ba Lan, Hung và Đông Đức cũng có biến khi người dân không chấp nhận sự cai trị của Đảng cộng sản do Liên Xô bảo vệ.
Khác với thái độ của Bắc Kinh, giới lãnh đạo cộng sản tại các nước Đông Âu lại không ra tay đàn áp và cuối cùng thì bức tường Bá Linh sụp đổ, dân Đông Âu được giải phóng, hai nước Đông - Tây Đức thống nhất và Liên Xô tan rã. Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản đó khi thấy Hồng Kông rung chuyển và không muốn bất cứ ai lên tiếng ủng hộ người dân Hồng Kông. Vì vậy họ mới bắt một hiệp hội thể thao Mỹ phải xin lỗi khi Tổng giám đốc đội bóng rổ Houston Rockets của Hoa Kỳ rất nổi tiếng tại Trung Quốc lại tỏ ý bênh vực dân Hồng Kông.
Chúng ta không quên là nước Cộng hòa Dân chủ Đức ra đời đúng 70 năm trước, vào ngày 7/10/1949, dưới sự thống trị của Hồng quân Liên Xô sau khi Thế Chiến Hai kết thúc vào năm 1945. Biến cố ấy đánh dấu thời Chiến Tranh Lạnh và chỉ chấm dứt 30 năm trước. Vào thời đó, Liên Xô và Đông Đức đã dựng lên bức tường tại Bá Linh để không cho người dân Đông Đức di tản qua Cộng hòa liên bang Đức, là Tây Đức theo chế độ tự do dân chủ. Thủ tướng Tây Đức thời ấy là ông Willy Brandt gọi bức tường đó là "Bức Tường Ô Nhục".
Nguyên Lam : Và thưa ông, bức tường đó bắt đầu sụp đổ như thế nào đúng 30 năm về trước ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước Đông Âu không muốn tái diễn vụ tàn sát người dân Bắc Kinh tại Thiên An Môn và xứ Hungary đã trước tiên cho dân Đông Đức vượt lãnh thổ của mình để qua Tây Đức. Từ đó, dân Đông Đức mới phá tan bức tường phân chia chế độ độc tài với thế giới tự do. Đấy là cuộc cách mạng không đổ máu khiến các nước Đông Âu đã tự giải phóng rồi Liên Xô tan rã. Chúng ta cũng không quên là khi Bắc Kinh mở cuộc tàn sát tại Thiên An Môn thì Ba Lan cho tổ chức bầu cử trong cùng ngày và phong trào Liên Đới hay Solidarnosc đã thắng cử vẻ vang để mở ra một trang sử mới cho cả khu vực.
Ngày nay, Bắc Kinh rất sợ kịch bản cách mạng đó có thể tái diễn tại Hồng Kông và dùng thế lực kinh tế, nôm na là lợi nhuận nhờ quảng cáo, để gây sức ép với hiệp hội bóng rổ Mỹ. Khác với ngày xưa, là việc buôn bán giữa Hoa Kỳ và Liên Xô thật ra không đáng kể, chưa bằng một phần tư của một phần trăm Tổng sản lượng GDP, ngày nay, Hoa Kỳ đã giao dịch kinh tế rất nhiều với Trung Quốc nên dễ bị Bắc Kinh dùng lợi nhận để chi phối.
Dân chúng Tây Berlin trèo lên Bức tường đầy hình vẽ graffiti (tags) trong ngày sụp đổ 9/11/1989. AFP
Nguyên Lam : Nếu vậy, thưa ông, có lẽ người ta cần nêu một câu hỏi : phải chăng Hoa Kỳ và các nước tự do đã lầm khi giao dịch kinh tế với Trung Quốc mà xứ này lại không cải cách chính trị để theo chế độ dân chủ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy ! Các nước, trước tiên là Hoa Kỳ, đã lầm khi tưởng rằng kinh tế tự do sẽ dẫn tới sự xuất hiện của một thành phần trung lưu và giới trung lưu của Trung Quốc sẽ khiến xứ này tiến hành cải cách chính trị để tiến tới chế độ dân chủ. Sự thật đã xảy ra trái ngược.
Trước hết, Bắc Kinh vẫn duy trì ách độc tài chính trị và Tổng bí thư Tập Cận Bình còn trở lại tình trạng toàn trị như thời Mao Trạch Đông, chứ không cần làm bộ ôn hòa theo kiểu "thao quang dưỡng hối" như thời Đặng Tiểu Bình.
Thứ hai, sau vụ Thiên An Môn, khi thấy khối dân chủ than phiền mà vẫn giao dịch buôn bán, Bắc Kinh kết luận rằng vì lợi nhuận, tư bản chủ nghĩa vẫn sẵn sàng làm ăn với chế độ độc tài.
Thứ ba, dùng lợi nhuận làm đòn bẩy, Bắc Kinh còn can thiệp và chi phối các xứ khác để tạo ra hình ảnh tốt đẹp về mình. Họ gọi đó là "hoạt ngữ chiến", là chiến tranh tuyên truyền nhằm gây ấn tượng sai lạc về chính họ và còn tuyên truyền với thần dân của họ rằng chế độ đã khuất phục bọn tư bản và sẽ vượt qua Hoa Kỳ.
Vì vậy, vụ đội bóng Rockets của Houston trong Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia phải xin lỗi là hồi chuông cảnh báo nước Mỹ về thế lực chính trị của Bắc Kinh trong xã hội Hoa Kỳ. Tôi cho rằng đấy là tin vui !
Nguyên Lam : Nếu nhìn rộng ra ngoài thì thưa ông, liệu người ta có thấy ra một mâu thuẫn trầm trọng hơn không ? Đó là trào lưu toàn cầu hóa không tất nhiên dẫn tới dân chủ hóa mà yếu tố kinh tế lại còn hủy diệt các giá trị tinh thần của chế độ tự do, như nhân quyền hay dân chủ ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi hơi duy tâm nên nghĩ tới cuộc đua giữa Thiện và Ác !
Trong khi Hoa Kỳ chuẩn bị đàm phán về thương mại với phái bộ Bắc Kinh thì Bộ Thương mại rồi Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn ra quyết định trừng phạt các viên chức và doanh nghiệp Trung Quốc có can dự vào vụ đàn áp người Hồi giáo gốc Duy Ngô Nhĩ, gốc Kyrgystan hay Kazhakstan tại Tân Cương. Tôi nghĩ rằng đấy là cái Thiện chống cái Ác. Nếu Chính quyền Mỹ khéo vận động các nước dân chủ khác cùng có biện pháp trừng phạt tương tự thì Bắc Kinh sẽ phải giật mình. Nhưng, và đây là cái Ác, các nước dân chủ cũng có thể nói vì quyền lợi kinh tế quốc gia, họ không muốn làm Bắc Kinh khó chịu ! Tôi cũng xin nói thêm ý khác.
Từ nguyên thủy vào giữa Thế kỷ 18, tư bản chủ nghĩa không hề có mục tiêu đạo lý, nhưng vẫn dẫn tới hậu quả luân lý là tạo ra sự thịnh vượng cho mọi người, trong một thế giới tử tế hơn. Do đó, chẳng phải ngẫu nhiên mà các nước theo tư bản chủ nghĩa đều có dân chủ, là nơi mà người dân có quyền đề cử và phê phán lãnh đạo. Các nước độc tài như Trung Quốc thì chỉ có chủ nghĩa tư bản nhà nước, dưới sự lãnh đạo của đảng mà rốt cuộc là định chế hóa bất công xã hội. Trong tinh thần đó, khi Chính quyền Hoa Kỳ đòi Bắc Kinh phải cải tổ hệ thống quản lý và luật lệ để tôn trọng quyền tự do thì đấy cũng là một áp lực đúng về đạo lý.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, phải chăng trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không chỉ giới hạn vào chuyện áp thuế nhập nội mà còn có những vấn đề sâu xa thuộc về cơ chế lãnh đạo chính trị của hai nước ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ thế và xin nói đến một sự khác biệt giữa hai hệ thống kinh tế chính trị.
Hoa Kỳ hay nói đến pháp quyền nhà nước, hay "rule of law", là nơi người dân tôn trọng luật lệ do giới dân cử mà họ bầu lên soạn thảo ra và chấp hành. Nền dân chủ là sự bình đẳng của mọi người trước luật lệ do mình thiết lập qua giới dân cử. Chế độ cộng sản độc tài lại khác vì chỉ có đảng quyền chứ không có pháp quyền.
Đó là "rule by law", không là "rule of law". Lý do là đảng ra lệnh cho nhà nước làm luật bắt mọi người dân phải theo. Trước mắt thì họ có vẻ ổn định hơn chế độ dân chủ cứ hàng ngày hàng giờ tranh cãi về mọi chuyện như chúng ta đang thấy tại Hoa Kỳ hay nhiều xứ tiên tiến khác. Về thực chất thì đấy là sự ổn định giả tạo của một cái nồi bị bịt vung ở trên, khi bên dưới ngọn lửa kinh tế vẫn bùng cháy và sẽ có ngày bùng nổ thành "cách mạng". Dù sao, dưới chế độ cộng sản, các nước Đông Âu cũng đã công nghiệp hóa - thậm chí còn tiên tiến hơn Liên Xô, đông dân, có võ khí mà lạc hậu về kinh tế - nên họ chẳng giết dân 30 năm trước mà còn tiến hành cách mạng không đổ máu và trở thành quốc gia tiên tiến.
Nguyên Lam : Nếu vậy, câu hỏi cuối của Nguyên Lam là vì sao một số quốc gia Đông Á như Hàn Quốc hay Đài Loan đã bước vào thành phần kinh tế tiên tiến ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Họ có ý thức tự trọng và chủ trương độc lập dân tộc ! Đó là một. Thứ hai, thời Chiến Tranh Lạnh, họ được Hoa Kỳ bảo vệ và nước Mỹ khi ấy cũng gây áp lực cải cách để các nước này trở thành rồng cọp kinh tế, là các nước "tân hưng", nhưng cũng lần lượt cải tổ chính trị để áp dụng quy tắc dân chủ.
Trung Quốc và cả Việt Nam thì chỉ học theo họ về kinh tế nhưng thiểu số có chức có quyền lại không dám bước lên trình độ cao hơn về chính trị vì sợ mất phần về kinh tế. Việc Bắc Kinh dùng đòn bẩy kinh tế để chi phối nước khác không thể khỏa lấp những vấn đề nội bộ rất trầm trọng của Trung Quốc và đấy cũng là bài học cho Việt Nam khi bị bóng rợp của Bắc Kinh che phủ lên đầu…
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 10/10/2019
Mừng 70 năm ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, lãnh đạo Bắc Kinh có thể mừng là chế độ sống thọ hơn Liên bang Xô viết, chỉ tồn tại có 69 năm, từ 1922 tới 1991. Nhưng 70 năm đó cũng là nhiều chấn động kinh hoàng. Tương lai rồi sẽ ra sao và xứ này đang bị thách đố thế nào. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu…
Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 1 tháng 10,2019 - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, mừng ngày Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời đúng 70 năm trước, lãnh đạo của xứ này đã tổ chức nhiều sinh hoạt kỷ niệm, với cuộc duyệt binh tại Bắc Kinh vào ngày mùng một Tháng 10 vừa qua. Theo dõi các sinh hoạt này, ông có cảm nghĩ thế nào ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như trường hợp của Liên bang Xô viết, hay Hoa Kỳ, với lãnh thổ bát ngát, Trung Quốc có nhiều vấn đề có thể gọi là vĩ đại, khác hẳn trường hợp các quốc gia có diện tích trung bình. Như Liên Xô ngày xưa, Trung Quốc cũng có chế độ độc đảng, là đảng giữ độc quyền chân lý về tư tưởng, điều khiển nhà nước và quân đội, cho nên khó chấp nhận sự can ngăn hay phê phán. Vì chế độ toàn trị ấy mà Liên Xô kiệt quệ vì bành trướng quá khả năng kinh tế, khi tiến hành cải tổ để cứu đảng thì tuột tay và sụp đổ sau có 69 năm. Lãnh đạo Bắc Kinh có thể mừng là đã qua được mốc thời gian thử thách này, nhưng thâm tâm cũng thấy ra vấn đề.
Vì vậy, tại Trường đảng của Trung ương, mùng ba tháng trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình cả chục lần nói tới "đấu tranh". Tổ chức xong Quốc khánh, họ phải giải quyết các vấn đề ấy mà chúng ta sẽ nói sau, tôi thấy là Tập Cận Bình thật ra không vui mà hơi lầm lỳ, rầu rĩ. Chuyện thứ hai, vì giữ độc quyền chân lý, lãnh đạo nói về quá khứ theo ý mình, làm như lịch sử chỉ khởi đầu với đảng Cộng sản Trung Hoa thôi. Họ Tập áp dụng phương pháp Mác-Lênin để xây dựng Chủ nghĩa Đại Hán nhuốm mùi phát xít để vuốt ve tự ái người dân.
Nguyên Lam : Hình như là vậy, vì người ta thấy dân Trung Quốc có vẻ hãnh diện trong lễ Quốc khánh vừa qua khi chứng kiến sự lớn mạnh của khả năng quân sự chưa từng thấy trong lịch sử của họ.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có tham vọng và duy ý chí còn hơn Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình cũng vẽ ra "Trung Quốc Mộng", hay "Xã hội Chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa", và toàn dân toàn quân sẽ đoàn kết sau đảng để đưa Trung Quốc vào một kỷ nguyên cường thịnh mới.
Trong bài huấn từ đọc tại Quảng trường Thiên An Môn, họ Tập 10 lần nhắc tới sự xâm lược của Nhật Bản và cái công chiến thắng của đảng. Câu hỏi ông chẳng nêu ra là vì sao nước Nhật không có tài nguyên công nghiệp lại sớm công nghiệp hóa để thành cường quốc quân sự đã khuất phục nhà Đại Thanh năm 1894-1895 và đánh bại Đế quốc Nga năm 1905 ?
Chính là sự lụn bại của nhà Thanh mới dẫn tới điều mà ngày nay Bắc Kinh gọi là "bách niên quốc sỉ", trăm năm ô nhục, và đảng sẽ rửa nhục cho toàn dân, trong tinh thần đoàn kết để tái thống nhất xứ sở. Nhưng do địa dư, hình thể và kinh tế, việc tái thống nhất đó không dễ, như ta đang thấy tại Hồng Công và Đài Loan.
Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích cho thính giả của chúng ta các yếu tố địa dư, hình thể và kinh tế khiến xứ này rất khó thống nhất.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh thổ Trung Quốc có ba khu vực địa dư khác biệt. Từ hướng Đông là vùng duyên hải trù phú nhất và đã quen với việc giao dịch với thế giới từ giữa Thế kỷ 19, dù là giao dịch bất công, thí dụ chính là Hồng Công. Nơi đây cư dân nhìn ra thế giới bên ngoài, coi đó là tiến bộ.
Khu vực thư hai là các tỉnh bị khóa trong lục địa, khó giao thương với bên ngoài và sống trong sự lạc hậu nên trông ngóng vào vùng duyên hải giàu có với sự thèm khát. Khu vực thứ ba là các vùng bị nhà Đại Thanh chiếm đóng, như Tân Cương, Tây Tạng, Nội Mông hay Mãn Châu của các sắc tộc đã từng cai trị Trung Quốc trong đa số thời gian, từ nhà Đại Tống năm 960 tới khi nhà Thanh sụp đổ năm 1911. Vì vậy, họ phải biến khu vực này thành vùng trái độn quân sự để khỏi bị tấn công nữa.
Trên lãnh thổ kỳ lạ như vậy, mâu thuẫn về quyền lợi dễ xảy ra và "nội chiến" giữa các lãnh chúa cai trị từng vùng là điều tự nhiên, trước khi có sự can thiệp của ngoại quốc. Nó khác hẳn trận Nội chiến tại Hoa Kỳ từ năm 1861 tới 1865. Nhà Thanh mà suy sụp và tan rã thì cũng vì hiện tượng nội chiến hay hợp tan đó. Sau khi đảng Cộng sản Trung Hoa ra đời năm 1921, Trung Quốc bị cả ngoại xâm lẫn nội chiến và Mao Trạch Đông khó thắng tại các đô thị trù phú vùng duyên hải nên vét quân từ giới nông dân nghèo túng ở trong và sau cùng thì chiến thắng.
Cờ được sản xuất cho lễ Quốc khánh thứ 70 của Trung Quốc. AFP
- Chính là vì bài toán địa dư hình thể quái đản ấy, ông muốn thống nhất tất cả để duy ý chí công nghiệp hóa trong sự bình đẳng mà thật ra là bần cùng, khiến mấy chục triệu người chết đói trong "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" từ 1958 tới 1961. Trong lễ Quốc khánh, Tập Cận Bình không nhắc gì tới 30 năm đầu bi thảm của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc, từ 1949 tới 1978…
Nguyên Lam : Sau khi Mao Trạch Đông tạ thế năm 1976, Đặng Tiểu Bình mới thâu tóm lại quyền lực và tiến hành cải cách kể từ năm 1979, nhờ đó mà kinh tế xứ này đã có sự tăng trưởng khác hẳn thời Mao. Thưa ông có phải vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Họ Đặng muốn làm một cuộc cách mạng thật để ra khỏi sự lầm than kéo dài, nhưng lấy một quyết định đầy tính mạo hiểm. Đó là cho các tỉnh duyên hải được giao thương với thế giới để đón nhận đầu tư, nhưng lãnh thổ vẫn do đảng kiểm soát. Việc giao thương tạo ra "phép lạ kinh tế nửa vời" là vùng duyên hải trở nên giàu hơn gấp bội, nhưng chỉ được 30 năm thôi - ở giữa còn có vụ thảm sát Thiên An Môn vào ngày bốn Tháng Sáu năm 1989 mà Tập Cận Bình cũng coi như không có. Trong 30 năm đó, từ 1979 tới 2009, sự dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các vùng đã bị đào sâu và nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 khiến Trung Quốc ào ạt bơm tiền và chất lên một núi nợ, nay đã lên tới 300% Tổng sản lượng GDP.
Thật ra tăng trưởng chưa là phát triển vì thiếu phẩm chất, gây ô nhiễm và bất công trong một cơ chế kinh tế mà thế hệ Hồ Cẩm Đào gọi là "không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững". Tập Cận Bình được đưa lên lãnh đạo sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 là để giải quyết các bài toán đó. Ông ta tập trung quyền lực tới tối đa mà lại đưa Trung Quốc vào những khó khăn mới nên nói nhiều về những "mâu thuẫn cơ bản" theo kiểu Mác-xít và lại dùng khái niệm "đấu tranh" như Mao Trạch Đông.
Nguyên Lam : Thưa ông, những khó khăn đó là gì ?
Một người biểu tình đốt cờ Trung Quốc vào ngày 1 tháng 10,2019. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, để giải trừ hiện tượng lãnh chúa trong đảng, như trường hợp Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang, với kế hoạch gọi là "đả hổ diệt ruồi" ông loại bỏ hàng loạt đối thủ chính trị. Thứ hai, trong năm năm đầu, ông nói cải cách kinh tế theo quy luật thị trường, mà vẫn muốn khu vực kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khi đà tăng trưởng hết còn là 10% một năm như mấy chục năm đầu. Khi kinh tế nghèo đi thì làm sao san xẻ lợi tức từ nơi trù phú cho các tỉnh bần cùng ở bên trong ? Đã vậy, họ Tập còn thâu tóm quyền lực và xiết chẳt chế độ kiểm duyệt thông tin, kiểm soát tư tưởng y như Mao. Thứ tư, vì đảng lãnh đạo tất cả trong một chế độ mà đảng viên nắm nhiều quyền hạn nhưng không chịu trách nhiệm với dân ở dưới, nên tham nhũng chính trị, kinh tế và ăn cắp của công vẫn xảy ra. Đấy là sự bất công của một xứ tự xưng xã hội chủ nghĩa ! Trong huấn từ tại lễ Quốc khánh, họ Tập nói nhiều về sự công bằng là vì lẽ đó.
Nhưng bất công nhất là chính họ Tập đã phá vỡ hệ thống chuyển quyền giữa các thế hệ lãnh đạo từ thời Đặng Tiểu Bình khi ngồi như hoàng đế trên ngai mà không chỉ định người sẽ kế nhiệm sau hai Đại hội đảng. Vì vậy, mâu thuẫn đã âm thầm xảy ra trong đảng. Tập Cận Bình không mạnh như người ta nghĩ và dù phô trương các võ khí hiện đại nhất và nói rằng Trung Quốc sẽ tiến chứ không lùi, ông chỉ làm thế giới thêm nghi ngờ về cái "trật tự quốc tế dựa trên hòa bình và phát triển" do Trung Quốc lãnh đạo. Dân Hồng Công và Đài Loan không tin vào trật tự đó, chính sách đàn áp tại Tân Cương và Tây Tạng càng làm thế giới kết án và chán ghét, cho nên giấc mơ thống nhất sẽ khó thành.
Nguyên Lam : Ngoài ra, dường như ngay từ bên trong, Trung Quốc cũng có lắm vấn đề nan giải, thưa ông, có phải như vậy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật là họ còn có nhiều vấn đề khác, xin kể ra ở đây. Một là nạn lão hóa dân số vì chế độ mỗi hộ một con từ 1978 tới 2015 ; hai là thất quân bình về giới tính nam nữ, nôm na là trai thừa gái thiếu nên dân số còn giảm ; ba là hệ thống giáo dục sơ cứng không thực tiễn, tới 30% trẻ em không xong lớp trung học thì làm sao công nhân có thể cải tiến tay nghề ; bốn là nạn tẩu tán tư bản của các đại gia không tin vào tương lai kinh tế, làm dân nghèo thêm oán than ; năm là vẫn đầu tư quá nhiều mà hết còn khả năng xuất khẩu như trước nên thổi lên trái bóng đầu cơ sẽ bể ; sáu là Trung Quốc vẫn nằm dưới cái bẫy sập của lợi tức trung bình với một người dân bình quân chỉ có hơn một ngàn đô la một năm mà thôi, đó là hiện tượng "chưa giàu đã già" ; vấn đề thứ bảy, nan giải nhất, là kinh tế xứ này vẫn cần ngoại quốc và đầu tư của nước ngoài vào vùng duyên hải để có công nghệ hay mức thuật lý cao hơn.
Đâm ra trận thương chiến Mỹ-Hoa làm chúng ta thấy cuộc phiêu lưu của Đặng Tiểu Bình đang đi vào bế tắc và các tỉnh duyên hải bị thiệt hại nặng lại càng không muốn trung ương đòi chu cấp cho các tỉnh nghèo ở bên trong, và họ thầm oán Tập Cận Bình vì lẽ đó.
Nguyên Lam : Nếu như vậy, ông kết luận thế nào về Trung Quốc ở tuổi 70 ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự thật thì 70 năm qua có thể chia làm ba : 30 năm đầu là sự hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông từ 1949 tới 1978 ; 30 năm kế tiếp từ 1979 tới 2009 là tăng trưởng cao nhờ cải cách của Đặng Tiểu Bình ; 10 năm sau cùng là sự tụt hậu, đi tới cực điểm là Tập Cận Bình. Ở tuổi thất thập này thì người ta khó thay đổi, huống hồ là cải sửa hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị.
Vì cường thịnh là giấc mơ mà Tập Cận Bình hứa hẹn với người dân, khi dân chưa có sự thịnh vượng thì ông cho họ ăn bánh vẽ là có sức mạnh quân sự với các võ khí tối tân ăn cắp của thiên hạ, như hỏa tiễn Đông Phong 17, Đông Phong 41, v.v. Mắc bệnh vĩ cuồng của Mao, ông còn cho phổ biến tư tưởng của mình trong cuốn cẩm nang là "Học Tập Cường Quốc", hàm ý là học theo họ Tập thì xứ sở sẽ là cường quốc.
Phải chục năm nữa, cường quốc quân sự này mới có thể là đối thủ của Hoa Kỳ, nhưng ngay trước mắt thì Nhật Bản và Đài Loan, Ấn Độ và Úc sẽ chẳng ngồi yên. Đã vậy, về thực chất thì kinh tế Trung Quốc lại cần nhập khẩu. Không ai dọa nạt bạn hàng bằng hỏa tiễn và tầu ngầm hoặc đòi phong tỏa các dòng hải lưu khi còn phải nhập dầu, ngũ cốc và vật liệu điện tử loại cao cấp để theo kịp thiên hạ.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 01/10/2019
Tuần qua, truyền thông quốc tế nêu câu hỏi với sự hoài nghi, rằng liệu Việt Nam có bắt kịp Trung Quốc hay không. Thật ra, việc so sánh đó thiếu phần chính xác và nhìn trong dài hạn, Việt Nam vẫn có thể là một Hàn quốc nếu biết tự chuẩn bị. Diễn đàn Kinh tế sẽ giải thích tại sao…
Ảnh minh họa : Việt Nam sẽ là một tiểu Trung Quốc ? AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, trong bối cảnh của trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, nhiều trung tâm nghiên cứu đã nói tới trường hợp Việt Nam với câu hỏi rằng Việt Nam có khai thác được lợi thế để sẽ là một "Tiểu Trung Quốc" hay không ? Ông nghĩ sao về câu hỏi đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ chúng ta nên nhìn từ ngắn hạn tới dài hạn, may ra sẽ thấy được câu trả lời cho trường kỳ.
Về ngắn hạn, trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới từ hai bờ Đông-Tây của Thái Bình Dương không thể chấm dứt và sẽ chi phối các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Khối Đông Nam Á bị hai tai họa là Mỹ kim lên giá và số cầu sút giảm nên ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu. Nhìn rộng ra ngoài, những bất trắc với vụ Vương quốc Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, sự suy sụp của Liên Âu, trận thương chiến giữa Nhật Bản và Hàn quốc, nạn sụt giá thương phẩm và các vật liệu bán dẫn cũng gây vấn đề cho các nước Đông Nam Á.
Vì vậy, tổ chức OECD có trụ sở tại Paris vừa cảnh báo rằng đà tăng trưởng toàn cầu có thể giảm 0,3% và chỉ còn là 2,9% trong năm nay. Tổ chức Thương mại Thế giới WTO thì dự báo rằng lượng hàng hóa giao dịch toàn cầu từ 4,7% vào năm 2017 sẽ chỉ còn 2,6% vào năm nay. Hậu quả là đà tăng trưởng của các thị trường đang phát triển tại Châu Á sẽ sụt từ số 6,5% trong năm 2018 xuống 6,2% vào khoảng thời gian 2019-2020. Việt Nam nằm giữa chỗ trũng đó.
Nguyên Lam : Thưa ông, một cách cụ thể thì Việt Nam sẽ bị những gì và được những gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nằm trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc khi kinh tế xứ này đã mất vai trò "công xưởng toàn cầu" từ năm năm trước và nay lại lao vào trận thương chiến nên Việt Nam có một số lợi thế nhất định. Ngân hàng Thế giới ước tính là trong 33 doanh nghiệp triệt thoái khỏi thị trường Trung Quốc vì vụ thương chiến thì 23 doanh nghiệp đã hạ cánh tại Việt Nam. Nhưng sự yếu kém của hạ tầng vật chất và luật lệ tại Việt Nam đã giới hạn ưu thế này.
Nếu nhìn vào tiềm năng lâu dài hơn thì Việt Nam vẫn còn nhiều lợi thế khi đã ký kết Hiệp ước TPP với 10 quốc gia Châu Á Thái Bình Dương và Hiệp định Tự do Mậu dịch với Châu Âu và sẽ thực thi kể từ cuối năm nay. Chính là triển vọng đó mới khiến giới đầu tư quốc tế nhìn vào Việt Nam, nhưng bài toán là lãnh đạo Hà Nội có kịp thời cải cách cơ chế của mình hay không ?
Các sinh viên Việt Nam tạo dáng bên cạnh một bảng quảng cáo có chân dung của tỷ phú người Trung Quốc và người sáng lập của Alibaba, Jack Ma. AFP
Nguyên Lam : Trở lại câu hỏi là liệu Việt Nam có trở thành một "Tiểu Trung Quốc hay không ?" thì ông nghĩ sao ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng đây là một sự so sánh khập khiễng giữa một quốc gia gần trăm triệu dân với Trung Quốc có gần một tỷ 400 triệu người. Riêng tỉnh Quảng Đông là một trung tâm chế biến của xứ láng giềng này thì đã có một lực lượng lao động gần 13 triệu so với hơn chín triệu của Việt Nam. Vì vậy, nói về lượng thì Việt Nam chưa thể cạnh tranh được. Nhưng cũng vì thế mà Việt Nam nên nhìn vào phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta không nên quên một nhược điểm của Trung Quốc là có khoảng 30% thanh niên chưa hoàn tất bậc trung học cho nên về dài thì tiềm năng sẽ còn sa sút. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể làm gì ?
Nguyên Lam : Đúng là Việt Nam có thể làm gì, ông nghĩ sao về câu hỏi đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ tới chuỗi cung ứng toàn cầu hay global supply chain mà Việt Nam đã hội nhập được một phần, ở cấp thấp, với giá trị đóng góp còn hạn chế. Nay sẽ làm gì để bước lên một cấp cao hơn hầu gia tăng được lợi tức hay thu nhập cho người dân ?
Khi ấy, người ta nói tới thuật lý, technology hay chuyển giao công nghệ mà mình phải học. Điều ấy có nghĩa là phải đầu tư vào nguồn vốn then chốt là con người qua giáo dục và đào tạo tay nghề để từ khả năng sản xuất loại hàng hóa hạ đẳng như dệt may, áo quần giày dép và đồ gỗ mà bước lên trình độ chế biến các sản phẩm tinh vi và có giá trị hơn. Khi ấy, Việt Nam nên học kinh nghiệm của Hàn quốc từ gần nửa thế kỷ trước.
Nguyên Lam : Thưa ông, kinh nghiệm đó là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hàn Quốc hay Nam Hàn là một xứ thiếu tài nguyên, chủ yếu sống nhờ nông nghiệp sau mấy năm bị Chiến tranh Cao Ly tàn phá. Lãnh đạo xứ này không chấp nhận số phận tầm thường đó mà muốn vươn lên. Họ tiếp thu kinh nghiệm của một nước cừu thù là Nhật Bản để chủ động công nghiệp hóa qua từng bước cải cách kể từ những năm 1965-66. Ban đầu, họ đề ra các ngành kỹ nghệ hay công nghiệp phôi thai non yếu mà chính quyền cần nâng đỡ trong năm năm đầu. Tôi xin nhấn mạnh là nâng đỡ chứ không trực tiếp can thiệp và quản lý. Những ngành đó là ráp chế điện tử, đóng tầu, sản xuất phân bón cùng sắt thép.
Song song, lãnh đạo xứ này cũng lần lượt đề ra là trong 10 năm, 15 năm và 20 năm tới thì sẽ làm những gì để có sức cạnh tranh cao hơn, từ áo quần giày dép tới đóng tầu và sản xuất thép, chế tạo xe hơi, hay thiết bị công nghiệp, v.v… Nhờ vậy mà họ bắt kịp và còn vượt qua Nhật Bản trong một số lĩnh vực và ngày nay là thầy, là chủ của Việt Nam. Hàn quốc đã tính chuyện này từ nửa thế kỷ trước, khi chưa giàu bằng Việt Nam vào cùng giai đoạn ấy khi Việt Nam còn lao vào một trận chiến tương tàn.
Nguyên Lam : Ông có nhấn mạnh là Nam Hàn đã nâng đỡ chứ không trực tiếp can thiệp hay quản lý các ngành công nghiệp mà họ coi là chiến lược. Việt Nam có nên học điều ấy không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, họ coi tư doanh là quan trọng và cần khuyến khích chứ không nên trực tiếp quản lý theo kiểu quốc doanh của Việt Nam như các tai họa của Vinachin hay Vinalines mà chúng ta đã thấy từ 10 năm trước và nay vẫn còn. Thứ hai, vì thị trường quá nhỏ mà muốn sản xuất cho nhiều và rẻ thì phải xuất khẩu, nên Hàn quốc chú trọng tới hiệu năng và sức cạnh tranh với hàng hóa tương tự của Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Châu Âu. Chính quyền Hàn quốc nâng đỡ khả năng cạnh tranh chứ không tung tiền trợ cấp như trường hợp Trung Quốc.
Ngoài ra, có lẽ Việt Nam cũng nên học tấm gương xã hội của Đài Loan. Ngày xưa, Quốc dân đảng Trung Hoa đã theo xã hội chủ nghĩa kiểu Xô viết nhưng sớm từ bỏ và tiến dần tới kinh tế tự do và chính trị dân chủ. Họ không có các tập đoàn doanh nghiệp hay tài phiệt như các "chaebols" Nam Hàn nhưng chú trọng tới các doanh nghiệp loại nhỏ và vừa của tư nhân. Quan trọng hơn cả, họ đảm bảo yếu tố công bằng xã hội mà các nước tự xưng là xã hội chủ nghĩa lại chưa hề có. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Nam Hàn và Đài Loan đã từ trình độ chậm tiến hay "đang phát triển" mà bước lên thành phần tiên tiến trong có mấy thập niên, hơn hẳn các nước Đông Nam Á.
Nguyên Lam : Phải chăng ông muốn nói Việt Nam không nên học Trung Quốc mà nên theo tấm gương của Nam Hàn hay Đài Loan ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mỗi quốc gia lại có hoàn cảnh riêng cho nên nếu có muốn học thì cũng học những gì nên tránh !
Ngoài yếu tố xã hội chính trị của một xứ độc tài và bất công, thuần về kinh tế thì Trung Quốc cũng đang mắc phải cái bệnh của khu vực chế biến tại Hoa Kỳ vào mấy chục năm trước mà chưa phát triển được khu vực dịch vụ và tài chính như nước Mỹ. Việt Nam nên nhìn xa hơn nước Tầu và tránh là một phiên bản nghèo của Trung Quốc và cố gắng cải tiến khả năng hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu ở một mức cao hơn. Kinh nghiệm của Nam Hàn hay Đài Loan là những gì mình nên nghiên cứu và học hỏi sau khi nhớ lại rằng Việt Nam vẫn nằm dưới mức trung bình về tự do kinh tế và xã hội mà chỉ hơn nhiều nước về tham nhũng.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 25/09/2019