Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong hai ngày 27 và 28 tháng này, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ họp thượng đỉnh với Chủ tịch Bắc Hàn là Kim Chính Ân tại Hà Nội. Sau thượng đỉnh ngày 12 Tháng Sáu năm ngoái tại Singapore, đây là lần thứ nhì mà lãnh tụ hai nước gặp nhau để thảo luận việc Bắc Hàn từ bỏ kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm trên bán đảo Triều Tiên, nhưng vì hội nghị được tổ chức tại Việt Nam nên nhiều người hy vọng là lãnh đạo Bắc Hàn có thể học hỏi kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Hà Nội. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu triển vọng này.

bachan1

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tham dự Cuộc họp của Ủy ban Quân sự Trung ương 7 của Đảng Lao động Hàn Quốc (WPK) ở Bình Nhưỡng ngày 18/5/2018 - AFP

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, để chuẩn bị hai ngày hội họp với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Hà Nội vào ngày 27 và 28, lãnh tụ Kim Chính Ân của Bắc Hàn sẽ tới Việt Nam từ ngày 25 và nhiều người mong là Bắc Hàn có thể chứng kiến sự đổi mới của Việt Nam mà tiến hành việc cải cách kinh tế ở nhà. Ông nghĩ sao về hy vọng đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu tôi nhớ không lầm thì chính Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã gợi ý này từ Tháng Chín năm ngoái. Quả thật là nền kinh tế quá lạc hậu và sa sút của Bắc Hàn cần được cải cách, miễn là không đe dọa sự tồn tại của một chế độ độc tài, và kinh nghiệm đổi mới kinh tế của Việt Nam từ ba chục năm trước có thể là một giải pháp cho lãnh tụ Kim Chính Ân. Tổng thống Donald Trump cũng dùng ẩn dụ là kinh tế Bắc Hàn có thể nhảy vọt như một hỏa tiễn mà không gây chiến tranh. Khi tới Hà Nội, lãnh tụ Kim Chính Ân có thể chứng kiến một số hình ảnh đổi mới tại Việt Nam mà học hỏi thêm kinh nghiệm về cải cách. Nhưng chúng ta cần đặt vấn đề vào một bối cảnh rộng lớn hơn.

Trước hết, sau Chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1953, hai nước Nam Bắc Hàn vẫn chưa bình thường hóa quan hệ với nhau và Bắc Hàn vẫn chưa có một hòa ước với Hoa Kỳ. Vì vậy, đối thoại giữa hai chế độ Nam-Bắc Hàn là một bước ưu tiên. Thứ hai, chính là Nam Hàn, mà người ta gọi là Đại Hàn Dân Quốc, mới là một mẫu mực cải cách kinh tế cho Trung Quốc và Việt Nam và sau khi cải tổ kinh tế với sự yểm trợ của Hoa Kỳ vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nam Hàn còn cải cách về chính trị để có chế độ dân chủ và trở thành một quốc gia tiên tiến hiếm hoi. Trong cuộc đối thoại giữa hai chế độ Hán Thành và Bình Nhưỡng từ năm ngoái, Bắc Hàn có thể cũng đã tìm hiểu và học kinh nghiệm của Nam Hàn.

Thanh Trúc : Như vậy, ông cho rằng Bắc Hàn nên học kinh nghiệm cải cách kinh tế của Nam Hàn ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài khía cạnh đồng văn và ngôn ngữ thì yếu tố quốc gia dân tộc của hai nước cũng là điều nên nhớ : niềm tự hào dân tộc là động lực vô hình mà đáng kể khi một dân tộc vẫn bị chia đôi từ 70 năm qua. Việc Nam Hàn đầu tư mạnh vào Việt Nam, với điển hình là vai trò của tổ hợp Samsung, tất nhiên được Bắc Hàn chú ý. Đáng chú ý hơn vậy là vai trò của tư nhân trong việc phát triển Nam Hàn. Vì vậy, bài học mà Bắc Hàn nên ghi nhận là quyền tư hữu và vị trí của tư nhân, của tư doanh. Bài học đó không đến từ Việt Nam mà đến từ Nam Hàn, một quốc gia tôn trọng dân chủ và quyền sáng tạo của người dân.

Thanh Trúc : Một đặc điểm then chốt của chế độ Bắc Hàn từ năm 1948 cho tới nay là tinh thần họ gọi là "tự chủ" nhưng lại theo phương pháp cộng sản và còn muốn thống nhất hai miền bằng giải pháp quân sự. Nam Hàn cũng có tinh thần tự chủ, chẳng hạn như với Nhật Bản, Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày nay, nhưng người dân của họ lại thịnh vượng và hạnh phúc hơn người dân Bắc Hàn. Thưa ông, đấy có là một yếu tố đáng suy ngẫm hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đúng như vậy và nếu ra khỏi chế độ bưng bít thông tin để tuyên truyền thì người dân Bắc Hàn cũng có dịp so sánh với đồng bào của họ tại miền Nam. Trở lại nội dung kinh tế, thì lý luận tự chủ của chế độ Bắc Hàn khiến họ hy sinh kinh tế cho quân sự để thành một cường quốc quân sự trong sự lầm than của người dân. Vì vậy, cái gốc của sức mạnh vẫn là kinh tế và các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản và Nam Hàn có thể giúp Bắc Hàn tái thiết kinh tế. Vấn đề là tái thiết theo hướng nào ?

Thanh Trúc : Như ông nghĩ thì Bắc Hàn nên tái thiết kinh tế theo hướng nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho là họ nên đi lại từ đầu và học kinh nghiệm thất bại của Trung Quốc thời Mao Trạch Đông trong cái gọi là "Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại" hay "Đại Dược Tiến" làm mấy chục triệu người chết đói từ 1958 tới 1961.

Vấn đề ở đây là lãnh đạo thiếu thông tin về thực tế của đời sống. Vì vậy, hướng cải cách đầu tiên của Bắc Hàn là tìm ra định nghĩa chính xác của Tổng sản lượng GDP làm dụng cụ đo lường xác thực, sau đó là tổ chức bộ máy thu thập thống kê để biết rõ về tình hình thực tế. Bộ máy đó không là thống kê khó tin của Trung Quốc hay Việt Nam.

Chuyện thứ hai là trong nền kinh tế thị trường, người ta có nhiều thông tin chuẩn xác về cung và cầu, kết tụ vào cái giá của hàng hóa hay dịch vụ. Lãnh đạo một quốc gia cần có loại thông tin ấy để lấy các quyết định kinh tế. Nếu Bắc Hàn muốn cải cách thì nên khởi sự từ đó, vì việc lập ra bộ máy thông tin kinh tế sẽ mất cả chục năm mới thành hình. Một ví dụ là chúng ta có ít thông tin về quan hệ giao thương giữa Việt Nam với Bắc Hàn và chỉ nghe nói khi Việt Nam giúp Bình Nhưỡng thoát lệnh cấm vận kinh tế với than đá của Bắc Hàn. Điều ấy thật ra gây bất lợi kinh tế cho Việt Nam.

FILES-SINGAPORE-US-NKOREA-DEFENSE-DIPLOMACY-TRUMP

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong-un trong Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Bắc Hàn ở Singapore ngày 12/06/2018. AFP

Thanh Trúc : Hồi nãy, ông vừa nói về vai trò then chốt của tư doanh Nam Hàn, nếu Bắc Hàn tiến hành cải cách, nếu vậy Bắc Hàn nên làm gì với hệ thống kinh tế quốc doanh của họ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây là lúc ta trở về bài học của Việt Nam ! Sau khi đổi mới lần hai vào năm 1991 thì từ năm 1992, Việt Nam muốn cải cách khu vực doanh nghiệp nhà nước mà cho tới nay là gần 30 năm sau vẫn chưa xong. Việc cổ phần hóa hay tư nhân hóa các tập đoàn kinh tế quốc doanh vẫn tiến quá chậm vì hai hiện tượng cấu kết và tham nhũng.

Kinh nghiệm Nam Hàn với tổ hợp Samsung khét tiếng toàn cầu cũng là bài học sau khi Tổng thống Phác Cận Huệ bị truất phế và vào tù cùng nhiều quản trị viên cao cấp của Samsung.

Lý do là mọi cơ sở sản xuất, công lẫn tư, đều muốn bành trướng thị phần về kinh doanh hay ảnh hưởng về chính trị, hệ thống quốc doanh Bắc Hàn và tư doanh Nam Hàn cũng vậy và đấy là vấn đề mà lãnh đạo nên sớm nhìn ra để trù liệu trước. Một lần nữa, Nam Hàn có nhiều bài học về cải cách hay đổi mới kinh tế cho Bắc Hàn. Bài học từ Trung Quốc hay Việt Nam là kinh nghiệm thất bại và Bắc Hàn không nên nhập cảng các "quả đấm thép" của Việt Nam !

Thanh Trúc : Một khía cạnh ngoài kinh tế mà cũng đáng chú ý là quan hệ giữa Trung Quốc với Việt Nam và với Bắc Hàn. Thưa ông, quan hệ đó có chi phối tiến trình cải cách kinh tế của Bắc Hàn hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng lãnh đạo Bắc Hàn qua ba thế hệ từ ông Kim Nhật Thành, Kim Chính Nhật tới Kim Chính Ân ngày nay vẫn nghi ngờ Bắc Kinh chứ không hoàn toàn là một chư hầu dễ sai khiến. Việt Nam cũng có quan hệ căng thẳng với Trung Quốc sau cuộc chiến năm 1979 mà 40 năm sau, Hà Nội mới cho báo chí tường thuật lại trong khi báo chí Bắc Kinh lại bỏ qua làm các cựu chiến binh của họ bất mãn không ít.

Quốc gia nào cũng có nhiều khó khăn nội bộ mà họ coi là ưu tiên, khó khăn của Trung Quốc thực ra nghiêm trọng hơn cả, cho nên việc chi phối Bắc Hàn trong quan hệ với Hoa Kỳ là có, nhưng chẳng là ưu tiên số một. Mà ngược lại, viễn ảnh Đại hội đảng vào năm 2021 tại Việt Nam mới là ưu tiên then chốt vì sẽ bầu lên thế hệ lãnh đạo mới. Nghịch lý ở đây là lãnh đạo Bắc Hàn lại chẳng gặp những ưu tiên chính trị đó, cho nên có thể chọn các giải pháp cải cách kinh tế của họ với sự khuyến nghị của Nam Hàn.

Một chuyện nhỏ khác mà cả Hà Nội lẫn Bình Nhưỡng đều muốn bỏ qua là việc một thiếu phụ Việt Nam can dự vào việc Bắc Hàn cho ám sát người anh cùng cha khác mẹ của Kim Chính Ân là Kim Chính Nam cách nay đúng hai năm. Vụ đó làm Hà Nội lúng túng mà chưa biết nói sao vì nghi can này bị xử tại xứ Malaysia.

Thanh Trúc : Trở lại yêu cầu cải cách kinh tế của Bắc Hàn, ông nghĩ là lãnh đạo Bình Nhưỡng nên làm những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng ưu tiên sinh tử của Bắc Hàn vẫn là sự tồn tại của chế độ và họ có thể tham khảo ý kiến của Việt Nam khi chế độ Hà Nội vẫn tồn tại sau đổi mới nhờ du nhập một số lý luận tư bản chủ nghĩa có chọn lọc.

Nhưng thật ra, Việt Nam vẫn tụt hậu nếu so với nhiều lân bang Đông Nam Á, chưa nói tới Nam Hàn hay Đài Loan. Nếu muốn phát triển thành một cường quốc kinh tế sau này, Bắc Hàn nên học Nam Hàn. Từ năm chục năm trước, Nam Hàn đã có kế hoạch phát triển các khu vực công nghiệp ưu tiên với nhiều thành công chói lọi mà cũng có một số trở ngại nên Bắc Hàn có thể học được. Bài học cơ bản là nên giải phóng sức dân để chính người dân sẽ tạo ra những thay đổi và có lẽ từ cả năm nay, lãnh đạo Nam và Bắc Hàn đã nói về những thay đổi ấy. Với tinh thần tự chủ và tự kiêu, chưa chắc họ đã coi Việt Nam là một mẫu mực mặc dù quốc tế vẫn cứ nói về thành tựu kinh tế rất biểu kiến của Việt Nam.

Thanh Trúc : Nếu như vậy, có lẽ ông hàm ý là Bắc Hàn nên học Nam Hàn hơn là học kinh nghiệm của Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh nghiệm nên học từ Việt Nam là phải tránh một cuộc chiến tương tàn trong nội bộ rồi thống nhất trong lầm than khi người Việt thời ấy chẳng thua kém gì nhiều sắc tộc khác. Ngày nay, Việt Nam thua cả Nam Hàn, Đài Loan lẫn nhiều quốc gia Đông Nam Á khác ở chung quanh như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan hay thậm chí Miên và Lào. Vì vậy, sau nhiều ồn ào của dư luận quốc tế, Bắc Hàn sẽ tìm ra bài học cải cách khác và bài học đó từ Việt Nam là những gì nên tránh. Là người Việt Nam, tôi không vui với kết luận này....

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Thanh Trúc xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Thanh Trúc thực hiện

Nguồn : RFA, 19/02/2019

Published in Diễn đàn
mardi, 12 février 2019 21:48

Không có hưu chiến Mỹ-Hoa

Tuần này, phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ lại đàm phán để tránh một trận thương chiến giữa hai nước. Nhưng việc hưu chiến nếu có thì cũng khó bền vì nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn giữa hai nền kinh tế. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao…

myhoa1

Hình minh họa. Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump (phải) và đoàn Mỹ trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và đoàn Trung Quốc tại Buenos Aires, hôm 1/12/2018 - AFP

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Thanh Trúc xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong chương trình phát thanh đầu tiên sau Tết Kỷ Hợi 2019.

Thưa ông, tuần này các thị trường trên thế giới đều theo dõi những mâu thuẫn đa diện giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, mà nổi bật nhất là mâu thuẫn kinh tế trong các tranh chấp ông gọi là "thương chiến" giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới, vì sẽ chi phối sinh hoạt kinh tế của các nước khác. Theo dõi chuyện này từ lâu, ông nghĩ sao về kết quả đàm phán giữa hai nước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ rằng Chính quyền Hoa Kỳ gặp bất lợi về chiến thuật nên Tổng thống Donald Trump cần tìm một thành quả biểu kiến, nhưng điều ấy không bền vì có nhiều mâu thuẫn sâu xa hơn nằm trong luồng giao dịch giữa đôi bên trong khi Chính quyền Trung Quốc mới thật sự gặp khó khăn từ cơ cấu, thuộc loại chiến lược. Cho nên, nếu hai nước có đạt một số đồng thuận sau hai ngày hội họp trong tuần này, chúng ta chưa nên vội mừng. Câu chuyện phức tạp hơn những gì người ta có thể thấy trên mặt nổi, ở bề ngoài.

Thanh Trúc : Như vậy, chúng ta sẽ đi từng bước để tìm hiểu về sự phức tạp này. Vì sao ông cho rằng sự đồng thuận nếu có giữa đại biểu của hai nước chỉ có giá trị biểu kiến, tượng trưng ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tổ chức Trade Partnership Worldwide vừa công bố một nghiên cứu về kịch bản thương chiến toàn diện giữa hai nước (https://tradepartnership.com/wp-content/uploads/2019/02/All-Tariffs-Study-FINAL.pdf) theo đó kinh tế Mỹ sẽ giảm đà tăng trưởng hơn một điểm bách phân - thí dụ như thay vì tăng 3% một năm thì chỉ còn 2% - và bình quân thì lợi tức của các hộ gia đình Hoa Kỳ mất 2.294 đô la một năm, mà kinh tế Mỹ mất hai triệu việc làm. Trong một xứ dân chủ, phí tổn kinh tế đó là một vấn nạn chính trị cho Chính quyền Trump khi nước Mỹ lại có tổng tuyển cử vào năm tới.

- Có thể là vì vậy mà phía Hoa Kỳ bắn ra tín hiệu là ông Trump muốn có thượng đỉnh vào tháng Ba với Tổng bí thư Tập Cận Bình để tránh một trận chiến thương mại chắc chắn là có tổn thất khi Hoa Kỳ đòi áp thuế thêm 25% trên 267 tỷ Mỹ kim hàng Trung Quốc bán vào thị trường Mỹ, tức là tăng thuế lên mọi mặt hàng của Trung Quốc. Tôi gọi đó là một bất lợi về chiến thuật với hậu quả tai hại về dài vì mâu thuẫn giữa đôi bên sâu xa hơn người ta có thể nghĩ.

Thanh Trúc : Trước khi nói tới những mâu thuẫn sâu xa đó, Thanh Trúc xin được hỏi ông về những khó khăn ông gọi là chiến lược của lãnh đạo Bắc Kinh.

myhoa2

Hình minh họa. Hình chụp hôm 19/11/2018 : công nhân Trung Quốc kiểm tra các bộ phận ở máy tính xách tay ở một khu công nghiệp ở tỉnh An Huy - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Kinh tế Trung Quốc đi hết chu kỳ tăng trưởng ngoạn mục sau 30 năm cải cách kể từ 1979 và đã gặp nhiều khó khăn ngày càng dồn dập nhưng Tổng bí thư Tập Cận Bình không giải quyết nổi dù đã tập trung tối đa quyền lực vào trong tay. Ông ta không có nhu cầu tái tranh cử mà thật ra vẫn bị quần chúng và thị trường phê phán nên có thể nhượng bộ phía Hoa Kỳ để mua thời gian khắc phục các nan đề trong nội bộ. Khi cơ cấu kinh tế xã hội lâm nguy, việc hưu chiến với Mỹ là yêu cầu ngắn hạn, chứ về dài thì vấn đề nằm trong nội tình Trung Quốc.

- Thứ nhất, đà tăng trưởng sa sút, thực tế chẳng lên tới 6,6% như họ nói mà vẫn là mức thấp nhất từ ba chục năm nay ; thứ hai, các biện pháp kích thích chỉ là liều thuốc ngoài da, như giảm thuế cho tiểu doanh nghiệp và sinh viên vừa tốt nghiệp và cho giới cùng khốn ; thứ ba, lại tiếp tục bơm tiền cấp cứu các xí nghiệp đang vỡ nợ ; sở dĩ như vậy vì nạn thất nghiệp và biểu tình phản đối của công nhân đã tăng mạnh so với năm ngoái, nhất là tại khu vực duyên hải miền Đông là nơi giao dịch với thế giới bên ngoài. Sau cùng, ta không nên quên bối cảnh quốc tế là kinh tế thế giới có thể bị nạn suy trầm trong năm tới, như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF vừa cảnh báo.

Thanh Trúc : Ông có nêu hai ý kiến hơi bất ngờ, thứ nhất là lãnh đạo một xứ dân chủ như Hoa Kỳ phải nhìn vào tấm lịch bầu cử mà có khi sẽ nhượng bộ, nhưng lãnh đạo một xứ độc tài như Trung Quốc lại có một bài toán khác còn trầm trọng hơn trong nội tình của mình. Khán thính giả của chúng ta có thể muốn ông giải thích thêm về chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin nêu thêm một ý thứ ba để chúng ta cùng hiểu ra chuyện đó.

- Trong tháng 12 vừa qua, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ bị dao động mạnh vì một số lý do, trong đó có trận thương chiến Mỹ-Hoa sau vụ hưu chiến giữa lãnh tụ hai nước hôm mùng một. Thị trường mà dao động là chính trường phải quan tâm vì sẽ bị quần chúng luận công hay tội. Vì sao lại như vậy ? - Vì vai trò của khu vực tư nhân.

- Tổng sản lượng kinh tế của Mỹ là khoảng 19 ngàn tỷ đô la một năm, kết số thị trường chứng khoán Mỹ tại New York là 28 ngàn tỷ, tức là cao hơn GDP tới 50%. Kinh tế Trung Quốc sản xuất chừng hơn 12 ngàn tỷ đô la một năm mà thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ có chừng hơn bốn ngàn tỷ, chưa bằng một phần ba GDP. Điều ấy cho thấy sức mạnh của khu vực tư nhân tại Hoa Kỳ so với Trung Quốc và cổ phiếu Thượng Hải có mất giá 25% trong năm qua chẳng thấy ai oán ! Nếu nhìn về dài thì đấy mới là thực lực kinh tế của hai nước và việc chế độ dân chủ phải quan tâm đến ý dân mới là ưu thế trường kỳ dù có bất lợi ngắn hạn….

Thanh Trúc : Nói về ưu thế trường kỳ và Thanh Trúc xin nêu câu hỏi khác, thưa ông. Lãnh đạo Bắc Kinh tất nhiên có biết nhược điểm chiến lược của Trung Quốc và tìm cách sửa sai, vì sao họ không sửa được để lâm vào tình trạng nghiêm trọng ngày nay nên phải tìm cách hưu chiến với Hoa Kỳ ?

myhoa3

Hình minh họa. Người dân đi qua một tấm biển có hình Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh trong dịp đại hội đảng 19 hôm 23/10/2017 AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đây mới là mấu chốt của mâu thuẫn giữa đôi bên.

- Kinh tế Trung Quốc có lợi thế là dân số đông và nhân công rẻ nên đạt tăng trưởng cao sau 30 năm cải cách với trọng tâm là đầu tư mạnh để chế biến mặt hàng tiêu dùng với giá rẻ và ào ạt bán ra ngoài. Nhưng lợi thế đó hết còn vì dân số bị lão hóa sẽ co cụm mà nhân công cũng không còn rẻ. Trong khi đó, từ thời Tổng bí thư Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo hơn chục năm trước, lãnh đạo Bắc Kinh đã nói tới nhược điểm kinh tế của Trung Quốc là không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững. Nhưng họ không thể cải cách nổi và khi kinh tế thế giới bị nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 thì lại theo phương pháp của kinh tế gia John Maynard Keynes mà ào ạt bơm tiền, trong một hệ thống chính trị Mác-xít là lãnh đạo khỏi bị trách nhiệm gì với thần dân. Kết quả là một núi nợ vĩ đại và cả trăm cái bẫy xập về tài chính chưa nói tới cái bẫy về lợi tức thấp. Lên lãnh đạo từ cuối năm 2012, Tập Cận Bình muốn cải cách nên tập trung quyền lực để thanh lọc và thanh trừng các xu hướng đối nghịch qua chiến dịch diệt trừ tham nhũng vốn dĩ là thuộc tính của các chế độ độc tài.

- Năm 2015, Bắc Kinh mới công bố nhiều kế hoạch công nghiệp hóa đầy tham vọng, nổi bật nhất là kế hoạch "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025", theo Anh ngữ là "Made in China 2025", là một kế hoạch 10 năm đầu để lên trình độ công nghiệp tiên tiến nhất vào năm 2049, kỷ niệm 100 năm ra đời của Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc. Đáng tiếc là quần chúng Mỹ lại ít biết về kế hoạch này, tưởng như là tài liệu tuyên truyền, chứ thật ra Tồng bí thư Tập Cận Bình muốn ra khỏi chiến lược sử dụng dân số đông và nhân công rẻ nhằm bắt kịp Hoa Kỳ. Kế hoạch đó mới là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.

Thanh Trúc : Xin đề nghị ông trình bày thêm về cái kế hoạch Made in China mà ông gọi là cái gai trong quan hệ kinh tế của Trung Quốc với các nước.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ban đầu thì kế hoạch này có vẻ mơ hồ và duy ý chí nên được coi như một tài liệu tuyên truyền. Khi gặp phản ứng nghi ngờ của nhiều nước thì Bắc Kinh tránh nói tới nội dung mà vẫn tiến hành trong thực tế và nay là mâu thuẫn trầm trọng nhất với nước Mỹ. Bắc Kinh không thể nào làm khác nếu muốn có một bước nhảy vọt lên một trình độ công nghiệp cao hơn.

- Về nội dung, kế hoạch Made in America nhắm vào 10 khu vực ưu tiên có phần đóng góp của nội địa lên tới 70% vào năm 2025. Các khu vực đó là 1/ Công nghệ Tin học mới ; 2/ Thiết bị tự động điều khiển bằng máy tính và người máy tự động hay robots ; 3/ Kỹ nghệ hàng không và không gian ; 4/ Thiết bị hải dương và công nghiệp đóng tầu ; 5/ Thiết bị hỏa xa cao cấp và cao tốc ; 6/ Tiết kiệm năng lượng và ráp chế xe hơi chạy bằng điện ; 7/ Sản xuất điện lực sạch ; 8/ Sản xuất nông cơ nông cụ ; 9/ Tìm ra và sản xuất vật liệu tiên tiến ; và 10/ Sản xuất dược phẩm nhờ sinh học và dụng cụ y khoa có công hiệu cao hơn.

Thanh Trúc : Nhưng mọi quốc gia đều có thể đề ra những mục tiêu ưu tiên như vậy, thưa ông, vì sao Kế hoạch Made in China 2025 lại là vấn đề ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật là mọi quốc gia, như Nhật Bản, Nam Hàn ngày xưa hay nước Đức vào năm 2011 đều có loại kế hoạch công nghiệp hóa như vậy. Nhưng trường hợp của Trung Quốc lại hoàn toàn khác. Ta không nên quên là tại Trung Quốc thì đảng Cộng sản, nhà nước, các doanh nghiệp, đại học hay trung tâm nghiên cứu đều "nhất thể hóa", là một tập thể hợp nhất dưới sự chỉ đạo của đảng. Thí dụ cụ thể và nóng bỏng là công ty nặc danh Huawei Hoa Vi, nó không là một doanh nghiệp tư nhân như người ta nghĩ. Thứ nữa, nội dung có vẻ hiền hòa đó lại che giấu phương pháp gian trá là bắt ép để ăn cắp hay ăn cướp công nghệ của thiên hạ khi làm ăn với các nước. Thứ ba, lãnh đạo Bắc Kinh không từ bỏ tinh thần đấu tranh nên sử dụng mọi công nghệ hay thuật lý tiên tiến nhất vào mục tiêu an ninh và quân sự không chỉ cho mục tiêu tự vệ mà còn trong mục tiêu tấn công vào "không gian điện não" hay "cyberspace" của thiên hạ. Ngoài hồ sơ kinh tế, cách cư xử của Bắc Kinh với khu vực tư doanh hay việc họ đàn áp đối lập vì lý do tôn giáo, sắc tộc hay chính trị đang là vấn đề được thế giới quan tâm và báo động. Vì vậy, mâu thuẫn với Hoa Kỳ không gói tròn vào thuế nhập nội mà vào cách hành xử của Bắc Kinh và Chính quyền Trump có thể tận dụng luật lệ Hoa Kỳ mà đòi Trung Quốc phải thay đổi nhiều hơn.

Thanh Trúc : Ông kết luận thế nào về mâu thuẫn này giữa hai nước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong tình trạng phân cực chính trị hiện nay tại Hoa Kỳ, điểm đồng thuận duy nhất giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa lại là đối sách cứng rắn với Bắc Kinh. Hoa Kỳ mất cả năm đàm phán với Trung Quốc và thực ra đang có thế mạnh để đòi Bắc Kinh cải cách cơ chế kinh tế và chính trị của họ theo chuẩn mực bình thường của các nước văn minh. Vì lý do chính trị ngắn hạn, Chính quyền Trump có thể ra vẻ tin tưởng vào nhượng bộ và cam kết của Trung Quốc, nhưng cẩn kiểm chứng và gia tăng sức ép thì mới khiến Bắc Kinh thay đổi.

Kết luận của tôi là Hoa Kỳ đã đánh giá sai bản chất của Trung Quốc trong nhiều thập niên trải qua bảy đời Tổng thống, kể từ Jimmy Carter. Ông Trump đang có cơ hội sửa sai nên sẽ lại sai nữa nếu muốn tìm thảnh quả chính trị ngắn hạn.

Thanh Trúc : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Thanh Trúc thực hiện

Nguồn : RFA, 12/02/2019

Published in Diễn đàn

Nguồn : Người Việt, 11/02/2019

Published in Video

Khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân rồi con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không ? Đấy là cách đặt vấn đề sau khi chúng ta hiểu ra bối cảnh của chuyện Venezuela….

no1

Tỉ giá hối đoái trong ngày 29 tháng 1,2019 cho thấy sự chênh lệch quá lớn giữa đồng Boliviar của Venezuela và Mỹ kim - AFP

Khủng hoảng tại Venezuela

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, kể từ đầu năm 2014, xứ Venezuela tại Nam Mỹ lâm vào một vụ khủng hoảng kinh tế chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào, với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF dự đoán năm ngoái là lạm phát lên tới 10 triệu phần trăm và người dân đói ăn phải moi thùng rác tìm lương thực khi bạo lực và tham nhũng hoành hành khắp nơi. Nhưng từ mươi ngày qua, cuộc khủng hoảng lên tới chính trị, khi Chủ tịch Hạ viện được bầu lên từ đầu năm 2015 đã căn cứ trên Hiến pháp mà tuyên bố là tạm xử lý trách nhiệm của tổng thống, trong khi ông Nicolás Maduro vẫn giữ vai trò Tổng thống sau một cuộc bầu cử được đa số cho là có gian lận. Lập tức, vào tuần trước, Chính quyền Hoa Kỳ cùng nhiều nước dân chủ đã công nhận Chủ tịch Hạ viện Juan Guiando là Quyền Tổng Thống, trong khi Liên bang Nga và Trung Quốc và vài xứ khác vẫn cố bênh vực chế độ Maduro.

Ngày Thứ Hai 28 vừa qua, Chính quyền Mỹ tăng áp lực và phong tỏa nguồn giao dịch của tập đoàn dầu khí quốc doanh có tên tắt là PDVSA và chi nhánh Mỹ của doanh nghiệp này là công ty Citgo tại Houston. Tình hình Venezuela có thể biến chuyển nhưng câu hỏi được người ta nêu lên là sau này ai sẽ thanh toán các món nợ của chế độ độc tài Venezuela ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Trước hết, về bối cảnh thì Venezuela có lắm tài nguyên tại Mỹ Châu La Tinh, với trữ lượng dầu hỏa cao nhất thế giới, chiếm tới 95% số xuất khẩu, đa số là bán vào thị trường Mỹ. Nhưng xứ này chưa có cơ chế dân chủ trừ 40 năm ngắn ngủi từ 1959 tới 1999. Từ năm đó, sau khi ông Hugo Chavez nắm quyền và tiến hành cách mạng cộng sản thì Venezuela tụt hậu và sau khi Chavez mắc bệnh và tạ thế năm 2013 thì xứ này tụt dốc. Ngày nay, tổng sản lượng toàn năm của hơn 30 triệu dân chưa tới 100 tỷ đô la, lợi tức bình quân một người sụt hai phần ba, chỉ còn chừng ba ngàn đô la và 87% dân chúng sống dưới mức bần cùng, đói ăn thiếu thuốc và thực sự sống trong cảnh địa ngục trần gian.

Chúng ta không có thời lượng để nói về nguyên nhân của thảm kịch, trừ sự kiện là chế độ Hugo Chavez rồi Nicolás Maduro đã lấy tài nguyên trời cho để chia cho tay chân, kể cả bộ máy an ninh và quân đội sau khi quốc hữu hóa ngành dầu khí. Ngày nay, Venezuela đang mắc nợ có thể hơn 150 tỷ đô la và khó dùng dầu khí trả nợ cho các xứ độc tài đã bảo vệ mình, như Nga và Trung Quốc.

Những món nợ đáng tởm

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đi ngay vào các món nợ đó mà người dân xứ này sẽ phải thanh toán trong tương lai, thí dụ như dưới dạng dầu khí hay bằng cách nào khác. Chế độ độc tài đã tàn phá kinh tế và xã hội, thưa ông, khi nền dân chủ tái xuất hiện sau này, thì ai sẽ thanh toán những món nợ đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : - Chúng ta lại phải trở về một bối cảnh còn xa xưa hơn nữa và nói đến "những món nợ đáng tởm".

Lần đầu tiên mà vấn đề được đặt ra rồi trở thành án lệ là tiền lệ pháp lý làm cơ sở cho các phán quyết về sau, do giáo sư luật khoa Alexander Nahum Sack tại Paris vào năm 1927, cách nay hơn 90 năm. Là Tổng trưởng của chế độ Sa hoàng Nga, ông Sack lưu vong tại Pháp sau cuộc cách mạng cộng sản năm 1917, và trở thành giáo sư. Khi chính quyền Xô Viết thẳng tay phủ nhận mọi khoản nợ của chế độ Sa hoàng, ông nghiên cứu chuyện nợ nần sau mỗi lần thay đổi chế độ và thấy nhiều khoản nợ chính đáng mà chế độ sau không thể xoá bỏ và thoái thác. Nhưng cũng có những khoản nợ không chính đáng mà chế độ mới có thể nhân danh quyền lợi người dân để chối bỏ. Từ "dettes odieuses" do Alexander Sack đặt ra là tiếng Pháp, sau này mới được dịch qua Anh ngữ là "odious debts".

Chuyện này sở dĩ trở thành án lệ vì xảy ra nhiều lần tại Âu Châu và nơi khác sau khi chế độ thực dân cáo chung, nhiều quốc gia giành lại độc lập rồi gặp nạn độc tài quân phiệt, phát xít, cộng sản, và chuyển sang dân chủ. Khi có thay đổi chế độ trên một lãnh thổ thì phải xử lý thế nào về khoản nợ cũ để khỏi gây khủng hoảng dây chuyền trong luồng giao dịch quốc tế với nhau ? Về nguyên tắc, chế độ mới phải tôn trọng các cam kết vay mượn của chế độ cũ thì mới có thể nói chuyện giao dịch bình thường. Trong thực tế, giáo sư Sack cho rằng các khoản nợ không thật sự phục vụ người dân thì phải được coi là bất chính và đáng tởm.

no2

Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido và Tổng thống Nicolas Maduro. AFP

Nguyên Lam : Ông nói tới chuyện xa xưa, liệu ngày nay còn xứ nào công nhận chuyện ấy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra giáo sư luật khoa gốc Nga này không phát minh ra lý luận đó mà chỉ áp dụng những trường hợp xảy ra từ trước, vào cuối thế kỷ 19 tại Nam Mỹ và đầu thế kỷ 20 tại Âu Châu, chủ yếu là do tác động của Hoa Kỳ rồi các nước khác.

Số là sau cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Đế quốc Tây Ban Nha, thuộc địa Cuba của Tây Ban Nha được giải phóng. Nhân danh quyền lợi của dân Cuba, Hoa Kỳ vận động việc chối bỏ các khoản nợ mà Hoàng đế Maximilan của Tây Ban Nha đã vay các nước Anh, Pháp, Bỉ để củng cố chính quyền tại Cuba và tài trợ nhu cầu chiến tranh của Tây Ban Nha. Vì vậy, sau Hòa ước Paris năm 1898, Tây Ban Nha đành xác nhận rằng trước năm 1860 đã lấy tài nguyên của Cuba để yểm trợ chiến tranh ở Âu Châu và từ 1861 đến 1880 thì chính quyền của họ tại Cuba đã đi vay để bành trướng ảnh hưởng qua Mexico và nơi khác. Sau năm 1880 lại còn vay thêm để trả nợ cũ và để bảo vệ quyền lực của họ tại Cuba. Vì vậy, Hoa Kỳ và Cuba chẳng trả một đồng dù các chủ nợ tại Âu Châu có phàn nàn và phản đối !

Nguyên Lam : Câu chuyện này thật ly kỳ vì dẫn ta về xứ Cuba, một xứ cộng sản đang cố bảo vệ chế độ Maduro của Venezuela. Xin đề nghị ông giải thích tiếp !

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Phải nói là án lệ tại Cuba từ sau cuộc chiến Hoa Kỳ với Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 19 còn tái diễn tại Âu Châu sau Thế chiến I : Thỏa ước Versailles kết thúc Đại chiến năm 1919 có khoản quy định là Ba Lan không phải trả các khoản nợ do Đức-Phổ vay mượn để chiếm đóng xứ này !

Sau đó, trong vai trò tài phán cuộc tranh tụng về món nợ của chế độ độc tài Frederico Tinoco tại Costa Rica với ngân hàng Royal Bank of Canada, Chủ tịch Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (cũng là cựu Tổng thống Mỹ), Howard Taft cũng ra phán quyết tương tự : ngân hàng chủ nợ đã biết mục tiêu đi vay của chính quyền Tinoco là bất chính nên chế độ mới có quyền phủ nhận món nợ này. Bối cảnh ấy cho thấy các "món nợ đáng tởm" đã được quốc tế chú ý từ lâu, và trở thành một nền tảng của công pháp quốc tế trong quan hệ tài chánh giữa các quốc gia.

Nguyên Lam : Chúng ta đã qua Thế kỷ 21, thưa ông, trong thế kỷ 20, người ta có những vụ kiện nào về các khoản nợ không chính đáng đó không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong Thế kỷ 20, các nước đã có ba chục vụ kiện liên quan đến các khoản nợ đó, nổi tiếng và gần gũi nhất là vụ Hoa Kỳ tranh cãi cho chính quyền mới tại Iraq để phủ nhận mấy trăm tỷ đô la mà chế độ Saddam Hussein đã vay các nước khác, kể cả các nước Âu Châu, để bảo vệ quyền lực và đàn áp người dân !

Đáng nói hơn thế, trên chính trường và trong doanh trường của các nước, cả hai xu hướng thiên tả và bảo thủ đều có lúc ủng hộ việc vận động ấy. Mục tiêu thật ra rất đa dạng : nhằm xoá nợ cho các nước nghèo - như quan điểm của Giáo hội Vatican với"chương trình "Jubilee 2000" – hoặc hỗ trợ các chế độ dân chủ mới thành hình, ngăn cản hiện tượng vay tiền để tài trợ khủng bố, giải trừ nạn tham ô của các tổ chức quốc tế khi nhắm mắt trước các nghiệp vụ tài trợ bất chính, v.v... Mỗi xu hướng lại quan tâm đến một khía cạnh và hiểu ra sự nhạy cảm của họ là tìm ra cách vận động hữu hiệu trong một hệ thống luật lệ phức tạp.

Bài học cho Việt Nam

Nguyên Lam : Chúng ta trở lại chuyện Venezuela, thưa ông, trong tương lai thì tình hình của các khoản nợ này sẽ xoay chuyển ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các lực lượng đấu tranh cho dân chủ tại Venezuela học kinh nghiệm thất bại của họ từ những năm 2002 là phân tán, thiếu phối hợp và không xuống tới quần chúng nên lần này đã có nhiều cuộc tiếp xúc với dân chúng từ dưới cơ sở và vận động quốc tế khiến cuộc khủng hoảng kéo dài từ năm năm có thể sẽ có kết quả. Khi để mất lòng dân, chế độ Maduro biến chất ra ách độc tài và bị lân bang kết án nên sẽ khó tồn tại, nhất là khi binh lính trong quân đội cũng là nạn nhân của tình trạng đói khổ. Từ những bài học đó, những người lãnh đạo Venezuela sau này cũng nghĩ đến gánh nợ sẽ phải trả cho chế độ tiền nhiệm.

Tôi nghĩ hoạt động quốc tế vận của họ sẽ giải thích và thương thảo rằng việc trừng phạt của các nước cần nhắm vào tay chân của chế độ cũ chứ không thể làm người dân là nạn nhân của việc phong tỏa kinh tế. Sau đó là nêu câu hỏi then chốt, rằng khi chế độ độc tài vay tiền ngoại bang để mua sợi dây treo cổ người dân rồi bắt nạn nhân và con cháu họ phải trả nợ thì điều ấy có công bằng không ?

Nguyên Lam : Nhưng chủ nợ của Venezuela là các cường quốc độc tài hay các ngân hàng quốc tế có dễ gì xóa nợ hay bị mất vốn hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới đã nghiên cứu và nâng trình độ pháp lý tinh vi để khai triển thành một học thuyết có cơ sở khai thông các vấn đề tài chánh khi một chế độ độc tài chuyển sang một chế độ dân chủ. Chuyện quan trọng ở đây gồm có ba điều kiện đã được quốc tế công nhận. Thứ nhất khoản nợ xuất phát từ một chế độ độc tài đã cam kết bí mật, ngoài sự hiểu biết của người dân. Thứ hai, khoản vay mượn không đem lợi ích cho người dân mà chỉ tập trung vào tay chân của chế độ. Thứ ba, các chủ nợ đều có biết khi thương thuyết mà vẫn cho chế độ vay tiền. Rất nhiều khoản nợ của Venezuela đã hội đủ ba điều kiện ấy nên trong một tương lai không xa, giới chuyên gia về luật pháp và tài chánh có thể nghiên cứu và chuẩn bị để sau này dân Venezuela khỏi trả nợ oan uổng cho một chế độ đáng ghê tởm ! Và bài học sắp tới của Venezuela cũng là điều mà người Việt mình nên suy ngẫm cho tương lai…

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 29/01/2019

Published in Diễn đàn

Ngày 14 Tháng Giêng, 2019, Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với hai đặc tính mới là Toàn Diện và Tiến Bộ đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Đây là quốc gia thứ bảy sẽ thực thi Hiệp định, sau các nước Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc. Diễn đàn Kinh tế sẽ phân tích biến cố đặc biệt này...

cptpp1

Đại diện các nước thành viên CPTPP trước lễ ký Hiệp định ở Santiago, Chile - AFP

CPTPP : hiện tại và dự báo tương lai

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, từ Thứ Hai 14 tháng Giêng năm nay, Việt Nam sẽ cùng nhiều quốc gia khác thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, được gọi tắt là CPTPP. Kể từ nay, 11 nước sẽ thành lập khu vực kinh tế tự do rộng lớn và còn có một lộ trình cải cách sâu xa về thể chế có lợi cho gần 500 triệu dân. Nhưng người ta vẫn thấy thiếu Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định này từ đầu năm 2017. Ông nghĩ sao về những sự kiện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như mọi khi, tôi xin khởi sự bằng bối cảnh sâu xa thì chúng ta dễ hiểu ra hiện tại và dự báo về tương lai.

Từ 70 năm qua, Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế đã thúc đẩy và phát huy một khuôn khổ tự do mậu dịch giữa các nước. Trước tiên là với Hiệp ước chung về Thuế quan và Mậu dịch, gọi tắt theo Anh ngữ là GATT, vào đầu năm 1948, rồi với Tổ chức Thương mại Thế giới là WTO ngày nay. Khuôn khổ luật lệ quốc tế này được lập ra để tránh mâu thuẫn và biện pháp trả đũa về mậu dịch giữa các nước như đã xảy ra trong nửa đầu của thế kỷ 20.

Là cường quốc kinh tế ít bị thiệt hại trong hai trận Thế Chiến, Hoa Kỳ phát huy khuôn khổ hợp tác tự do đó để vừa bán sản phẩm công nghiệp của mình, vừa xây dựng liên minh hầu các nước khỏi gây ra chiến tranh, đồng thời phát triển nhanh hơn khối cộng sản. Nhờ đó, thuế biểu xuất nhập nội đã giảm tới 80% và lượng hàng ngoại thương tăng gấp đôi so với sản lượng kinh tế toàn cầu. Kết cuộc thì kinh tế Liên bang Xô viết sụp đổ và Liên Xô tan rã như ta đã thấy. Nhưng thành công đó cũng có mặt trái.

Nguyên Lam : Thưa ông, mặt trái đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin tạm phân biệt hai khối kinh tế, một là khối công nghiệp hóa và hai là khối đang phát triển. Đang phát triển thời đó tại Châu Á Thái Bình Dương như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, có thành quả kinh tế vượt bực làm đảo lộn chuỗi cung ứng trên vành cung Thái Bình Dương với các nước như Malaysia, Singapore cho tới Mexico. Họ đều có khả năng xuất khẩu loại hàng rẻ làm khu vực chế biến thâm dụng nhân công của khối công nghiệp hóa mất sức cạnh tranh, các doanh nghiệp phải đóng cửa, công nhân mất việc. Hoa Kỳ bị thiệt nhất trong khối công nghiệp hóa và bài toán kinh tế ấy ảnh hưởng tới chính trị vì nhiều người cho rằng tự do mậu dịch là mậu dịch bất công.

Nguyên Lam : Nhưng chính Hoa Kỳ cũng thúc đẩy việc thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO để có khuôn khổ giải quyết bất đồng về mậu dịch giữa các nước với nhau. Vì sao cơ chế này lại không làm được việc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy là vấn đề thứ hai. Gồm có 164 thành viên, tổ chức này trở thành bộ máy thư lại khổng lồ, từ gần 25 năm nay chưa cải tiến luật lệ tranh tụng vì mâu thuẫn giữa khối công nghiệp hóa và các nền kinh tế đang phát triển.

Trong các nền kinh tế tạm gọi là mới nổi đó lại có Trung Quốc kể từ năm 2001, chưa nói tới vai trò của Ấn Độ. Kinh tế Mỹ không thể cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi, đông dân với lương rẻ, nhất là nếu nền kinh tế này lại không theo quy luật thị trường, là hiện tượng điển hình của Trung Quốc.

Nguyên Lam : Phải chăng vì vậy mà Hoa Kỳ tham gia rồi thúc đẩy sự ra đời của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương như một lực đối trọng với kinh tế Trung Quốc ? Nhưng thưa ông, vì sao ông Trump lại rút khỏi Hiệp định này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta không quên rằng Chính quyền của Tổng thống George W. Bush đã phát huy trước tiên sáng kiến của bốn nước đi đầu, nhưng Chính quyền của Tổng thống Barack Obama do dự mất một năm rồi mới tham dự đàm phán TPP. Thế rồi khi Hiệp định này thành hình năm 2015 thì đa số trong Quốc hội Mỹ lại chống nên ông Obama không dám đưa qua Quốc hội phê chuẩn.

Trong cuộc tranh cử tổng thống năm 2016, hai ứng cử viên Dân chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders và bà Hillary Clinton lẫn ông Trump bên Cộng hòa cũng chống. Lý do là Hiệp định đòi hỏi quá nhiều thay đổi chi ly mà người ta chỉ biết về sau. Ông Trump giữ lời hứa khi tranh cử là vừa nhậm chức thì rút khỏi Hiệp định.

Nguyên Lam : Ban đầu, Hiệp định này có 12 quốc gia thành viên, sau khi Hoa Kỳ triệt thoái, 11 nước còn lại vẫn xúc tiến. Thưa ông, tại sao lại như vậy ?

cptpp2

Việt Nam trở thành nước thứ bảy thông qua Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương hôm 12 tháng 11/2018. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có ba lý do, kinh tế, chính trị và chiến lược.

Lý do kinh tế là lợi ích về ngoại thương và đầu tư khi gần 500 triệu dân buôn bán với 98% thuế biểu sẽ hạ, lẫn trở ngại đầu tư sẽ giảm dần. Tính theo số liệu năm 2017 thì khối kinh tế này sản xuất ra 14 ngàn tỷ đô la một năm, tương đương với 18% sản lượng toàn cầu chứ không ít. Chưa kể là nhiều xứ khác cũng muốn gia nhập như Indonesia, Thái Lan hay Vương quốc Anh thống nhất.

Lý do chính trị là họ không muốn Bắc Kinh giữ vai trò trọng yếu trong luồng giao dịch của khu vực khi Trung Quốc không có thực tâm tôn trọng quy luật thị trường.

Lý do thứ ba là 11 quốc gia này vẫn muốn kéo Hoa Kỳ trở lại chứ không hoàn toàn đóng cửa vì sức nặng của kinh tế Mỹ, với sản lượng gần 18 ngàn tỷ đô la và có thị trường tiêu thụ lớn nhất, lẫn sức mạnh quân sự đáng kể nhất trong khu vực Đông Á.

Nguyên Lam : Căn cứ vào đâu mà ông suy đoán như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi đàm phán lại Hiệp định TPP, 11 quốc gia chỉ tạm hoãn áp dụng 22 điều khoản mà Hoa Kỳ đòi hỏi trước đó. Tạm hoãn chứ không hủy bỏ, tức là họ vẫn để cửa ngỏ vì siêu cường này có sức mạnh kinh tế lẫn quân sự có thể ngăn ngừa được sự bành trướng của Trung Quốc.

Tôi nghĩ rằng Nhật Bản, Canada, Úc, Mexico và New Zealand có thể nhắm vào mục tiêu xin tạm gọi là "Đợi Mỹ", nhất là trong bối cảnh của trận thương chiến Mỹ-Trung hiện nay, vì họ muốn có một cơ chế tự do mậu dịch rộng lớn, sau khi Hoa Kỳ đã cải thiện Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ với Canada và Mexico và các nước đang xúc tiến một hiệp định tự do thương mại với Liên Hiệp Châu Âu. Có lẽ chúng ta thấy hình thành một trật tự kinh tế mới sau khi trật tự cũ với Tổ chức WTO bị tê liệt, mà nằm bên ngoài trật tự đó chính là Trung Quốc.

Nguyên Lam : Ông thường hay nói rằng lãnh đạo Hoa Kỳ cứ hay đổi ý, liệu nước Mỹ có quay trở lại với Hiệp định TPP hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chưa ai biết được, nhưng có lẽ 11 nước còn lại đã chuẩn bị cho kịch bản đó.

Trong trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, một số tiểu bang sống nhờ canh nông có thể bị thiệt ; các tiểu bang đó theo dõi triển vọng buôn bán nông sản và lương thực của Úc, New Zealand hay Canada vào thị trường khép kín của Nhật Bản. Họ sẽ tác động vào Chính quyền Trump và chính trường Mỹ.

Chuyện thứ hai, các nước trong khu vực cũng muốn Hoa Kỳ phải gắn bó hơn với an ninh của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương, mà sự gắn bó kinh tế là chuyện thiết thực nhất của dân Mỹ.

Thứ ba, đã theo dõi cách Hoa Kỳ thương thuyết lại Hiệp định NAFTA với Canada và Mexico, họ thấy ra mục đích của Mỹ là loại bỏ thế cạnh tranh bất chính của Trung Quốc, đấy cũng là mục tiêu của họ. Còn lại, chúng ta có thể chờ đợi một đợt thương thuyết mới với Hoa Kỳ sau khi cái xe xuyên Thái Bình Dương đã lăn bánh...

Việt Nam và CPTPP

Nguyên Lam : Câu hỏi cuối, thưa ông, là chuyện Việt Nam. Lãnh đạo xứ này nên làm gì khi Hiệp định TPP vừa hồi sinh với một tên mới là Toàn diện và Tiến bộ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Cái tên thì cũng tựa vỏ chai, quan trọng là nội dung bên trong. Khi cam kết thực thi, Việt Nam phải có thực tâm cải cách toàn diện. Ví dụ bề mặt là cắt giảm gần 100% dòng thuế, là việc có thể làm ngay.

Nhưng bề sâu là thực hiện cam kết về cung ứng cho khu vực công : là giảm thiểu vai trò của các doanh nghiệp nhà nước ; là cho phép người lao động tổ chức nghiệp đoàn hay công đoàn độc lập chứ không còn trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ; là cải thiện môi trường sinh sống theo tiêu chuẩn hiện đại và nhất là phải minh bạch hóa việc quản lý kinh tế.

Trong các nước đang phát triển, Việt Nam có lợi nhất khi bước vào một sân chơi lớn của các nước tiên tiến, có lẽ còn lợi nhiều hơn Malaysia. Nhưng mối lợi có tính chất chiến lược là thời cơ ra khỏi sức hút của Trung Quốc. Dù có Mỹ hay không, Việt Nam nên khai thác cơ hội để tiến hành một đợt đổi mới hơn xưa và nghiệp vụ đầu tiên là cải sửa lại luật lệ cho phù hợp với quy định đã cam kết.

Bước kế tiếp là lập ra kế hoạch hỗ trợ tư doanh để sẽ trám vào khoảng trống của khu vực quốc doanh. Nhưng lâu dài hơn cả là cải cách hệ thống giáo dục đào tạo cho lực lượng lao động Việt Nam có trình độ sản xuất cao và đóng góp nhiều hơn vào trị giá gia tăng của hàng hóa và dịch vụ.

Nói chung thì cơ hội cạnh tranh rộng mở hơn trước thể nào cũng gây rủi ro, nhưng nếu sợ rủi ro và thách thức mà không dám thi hành những gì đã cam kết với thiên hạ thì đấy là tụt hậu !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/01/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 09 janvier 2019 17:41

Kinh nghiệm của Apple và Việt Nam

Tuần qua, việc tập đoàn Apple sự báo số doanh thu sa sút trong quý một năm nay đã gây chấn động cho các thị trường cổ phiếu toàn cầu. Việt Nam có thể học gì từ kinh nghiệm của một doanh nghiệp thuộc loại tiên tiến nhất thế giới như vậy ? Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu câu trả lời cho bài tóan bất ngờ này…

apple1

Kinh nghiệm cho Việt Nam từ Apple -  AFP

Kinh nghiệm từ Apple

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, tuần qua, tập đoàn Apple vừa thông báo cho giới đầu tư dự phóng bi quan của họ về số doanh thu sắp tới khiến trị giá cổ phiếu của họ bị sụt và biến cố đó gây hốt hoảng cho các thị trường tài chính thế giới. Ông nghĩ gì về vụ này và cho rằng chúng ta có thể rút tỉa kinh nghiệm gì cho Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến hiện tượng xin tạm gọi là "sự thảm khốc của đổi mới" nếu chúng ta nhìn vào một bối cảnh trường kỳ, có thể tới trăm năm.

Trước hết là sự sáng tạo về kỹ thuật - hay "thuật lý" là chữ tôi dùng để phiên dịch từ "technology". Nhân loại thường xuyên phát minh ra các phương pháp sản xuất mới, với hậu quả là khả năng đảo lộn trật tự cũ. Trăm năm trước, người ta phát minh ra máy nổ, nó đảo lộn công nghệ vận tải, nôm na cụ thể là chiếc xe hơi. Việc sản xuất xe hơi hàng loạt trong các nhà máy đã làm thay đổi xã hội Hoa Kỳ rồi các quốc gia khác trên địa cầu kể từ đầu thế kỷ 20. Nhưng, chỉ nửa thế kỷ sau thôi thì kỹ nghệ sản xuất và buôn bán xe hơi cùng các phụ tùng từ đỉnh cao nhất đã suy giảm dần. Nếu nhìn vào sự biến đổi của trăm năm qua, chúng ta thấy ra tính chất đào thải của thuật lý, nó gây ra những thay đổi có thể làm sụp đổ trật tự cũ nhưng rồi chính nó, cái thuật lý mới, cũng thành cũ và sẽ bị đào thải.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta đã quen với phương pháp phân tích của ông, nhưng vẫn hơi bị bất ngờ. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày lại từng bước cho mọi người có thể hiểu ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến năm 1915, khi ông Henry Ford phát minh cách tổ chức hệ thống sản xuất xe hơi trong nhà máy tại Hoa Kỳ, với hàng ngàn nhân công, mỗi người phụ trách một phần nhỏ của một chu trình sản xuất lớn. Ít ai để ý rằng hệ thống sản xuất đó ảnh hưởng đến tư tưởng cách mạng của Liên bang Xô viết sau này, trong khi thế giới dân chủ của Tây phương than vãn về sự nhàm chán của lao động trong động tác rập khuôn. Yếu tố đáng nhớ là cái xe hơi đã trở thành một loại hàng hóa, sản phẩm, hay "thương phẩm". Nhưng 50 năm sau, sản phẩm thông dụng đó bị đào thải, thậm chí lãng quên khi có ai phát minh ra cái máy tính cầm tay.

Thời đó, tôi nhớ là khi phục vụ trong lĩnh vực ngân hàng, mình cần cả chục nhân viên làm công việc tính ra hiện giá của một sản phẩm tính theo chiết khấu suất trong vài chục năm tới, gọi là "discount cash flow" trong các dự án đầu tư. Cái máy tính cầm tay ấy giúp người ta tính ra nhanh hơn mà lại làm nhân viên mất việc, y như chiếc xe hơi đã làm người đánh xe ngựa mất việc. Cái được ở nơi này có thể là cái mất ở nơi khác. Nói về cái mất, người ta gọi là sự thảm khốc hay bóc lột ; nói về cái được, ta gọi đó là đổi mới, với hàm ý là cái mới hay hơn cái cũ.

Nguyên Lam : Nguyên Lam hiểu ra chuỗi lý luận hàm ý so sánh của ông, từ cái xe hơi tới cái máy tính cầm tay. Xin đề nghị ông trình bày tiếp sự thể đó, khi ta nói đến doanh thu sa sút của hãng Apple.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chỉ ngẫu nhiên thôi, khi cái máy tính cầm tay trở thành sản phẩm thông dụng cách nay 50 năm thì các tổ hợp sản xuất xe hơi cũng hết dẫn đầu thị trường vì người ta nói đến các con bọ điện toán rồi máy vi tính. Sản phẩm bé tí này cải thiện năng suất con người và báo hiệu sự xuất hiện của máy điện toán nhỏ hơn, có bộ nhớ dày hơn và chạy nhanh hơn. Cái điện thoại cầm tay hay điện thoại khôn của Apple đã đảo lộn công nghiệp viễn thông và đào thải nhiều nhân công, nhưng cũng đi vào chu kỳ bị đào thải. Nói nôm na là sản phẩm đó hết đem lại doanh lợi cao nhất cho Apple và lãnh đạo công ty này vừa thông báo sự thật phũ phàng đó.

Nếu nhìn trên toàn cảnh thay vì chỉ chú ý tới số doanh thu sa sút của Apple trên thị trường Trung Quốc, người ta hiểu ra vì sao trước đó, Samsung mất thị phần tại Trung Quốc và chuyển dịch cơ sở đầu tư qua xứ khác, thí dụ như Việt Nam. Cái mất của Samsung tại Trung Quốc là cái được cho Việt Nam.

apple2

Hà Nội phải nghĩ tới giáo dục và đào tạo để khỏi bị đào thải. AFP

Nguyên Lam : Ông vừa nêu một lúc hai nhận xét. Thứ nhất là tập đoàn Apple có vẻ thiếu tiên liệu nên bị bất ngờ khi mà sản phẩm điện thoại cầm tay của họ hết chiếm lĩnh thị trường như trước. Thứ hai là Việt Nam lại nhận nguồn đầu tư của tập đoàn Samsung từ Hàn Quốc và nhờ đó công nhân Việt Nam có thêm việc làm. Ông kết luận thế nào từ hai nhận xét đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn từ Hoa Kỳ và các xã hội trù phú ta thấy là giới tiêu thụ rất say mê các sản phẩm mới nhưng lại dễ quên vì họ có sản phẩm mới hơn.

Các doanh nghiệp sản xuất cần hiểu ra sự phũ phàng đó và sẽ bị lỗ nếu không kịp đổi mới. Nhìn từ các xứ nhược tiểu sống nhờ sự sáng tạo của thiên hạ - là trường hợp của Việt Nam và nhiều quốc gia khác - ta thấy ra bài toán của việc nâng cao năng suất. Từ chiếc xe thổ mộ hay khu vực nông nghiệp tới công nghiệp sản xuất xe hơi, và nay là công nghiệp cao cấp với máy điện thoại khôn - như sản phẩm của Apple và Samsung - chúng ta nên rút tỉa bài học của đổi mới.

- Xứ nào cũng vậy, nếu không kịp đổi mới một lần nữa, lần thứ nhì hay thứ ba, thì sẽ bị lãng quên hay bị đào thải. Vấn đề của Việt Nam còn nguy ngập hơn vậy vì sự hiện hữu của khu vực nông nghiệp, tới nay vẫn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân.

Cảnh báo cho Việt nam

Nguyên Lam : Hình như là từ chuyện Apple, ông vừa nêu ra một cảnh báo cho Việt Nam. Xin đề nghị ông nói rõ hơn về cánh báo đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trở lại phát minh của Henry Ford vào năm 1915 và những lý luận nhảm nhí loại Mác-Lê về sự bóc lột, khi Việt Nam ngày nay lại mong được các nước tiên tiến bóc lột qua dự án đầu tư trực tiếp ! Xã hội con người tiến hóa là nhờ phát minh, càng nhiều phát minh thì càng tiến xa hơn dù mỗi sáng kiến hay phát minh lại đảo lộn trật tự cũ và gây ra nhiều đào thải phũ phàng bên trong.

Sau khi giác ngộ và từ bỏ chủ trương tập trung quản lý kinh tế bằng kế hoạch, Việt Nam có một bước nhảy vọt về sản xuất kinh tế nhờ công trình đổi mới. Nhưng nhìn trên cái trục thời gian, nếu Việt Nam cho là đã khá hơn xưa thì nhìn theo trục không gian, Việt Nam vẫn là nước nghèo và lạc hậu nếu so với các nước Đông Nam Á giàu mạnh hơn, ví dụ như Indonesia, Malaysia, Philippines Singapore, Thái Lan chưa nói tới các nước Đông Bắc Á là Nam Hàn Đài Loan.

Trong khi đó, Việt Nam vẫn có khu vực nông nghiệp với thành phần lao động rất đông đảo. Đã có lúc Việt Nam mơ rằng Apple có thể đầu tư một tỷ đô là vào ngành nghiên cứu và phát triển, Research & Development, để nâng cao năng suất lao động. Vụ Apple tuần qua nhắc nhở rằng Việt Nam cần một lúc hai chuyện, thứ nhất là theo kịp năng suất công nghiệp của các nước đi trước ; chuyện thứ hai là khu vực nông nghiệp của mình cũng cần cải thiện, nếu không xã hội sẽ bị chia ba, là một thành phần chạy ra ngoài đem theo tư bản, một thành phần sẽ thao túng thị trường trong các đô thị và thành phần thứ ba là dân nghèo tại thôn quê. Họ chết kẹt khi mất đất và coi như mất cả tương lai. Việt Nam cần một đợt đổi mới khác, như mọi quốc gia đi trước, kể cả Trung Quốc là mẫu mực của Hà Nội.

Nguyên Lam : Không ngờ là kinh nghiệm của Apple có thể dẫn chúng ta đi xa như vậy. Ông kết luận thế nào về chuyện này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu kinh tế tăng trưởng, hay đà sản xuất gia tăng, bằng số nhập lượng ở đầu vào thì chắc chắn là đà tăng trưởng ấy có lúc sút giảm là trường hợp đang thấy tại Trung Quốc và sẽ thấy tại Việt Nam. Karl Marx diễn giài sai về hiện tượng sút giảm này mà lãnh đạo Việt Nam chưa dám công nhận.

Yếu tố then chốt là năng suất, hay số lượng sản xuất gia tăng với cùng một đơn vị nhập lượng ở đầu vào. Các nước đi trước đều hiểu ra điều ấy và cố gắng tiến tới một trình độ sản xuất cao hơn nhờ thuật lý tân tiến. Họ làm được khi có tự do sáng tạo, dù sáng tạo lại có mặt trái là đào thải. Kỹ nghệ điện toán đã đào thải kỹ nghệ xe hơi trong các nước ta gọi là hậu công nghiệp và Apple đang ở trong tiến trình sẽ bị đào thải nếu không có sáng tạo mới. Bài học cho Việt Nam là làm sao cải tiến năng suất như thiên hạ để khỏi bị đào thải ? Bài học đó phải khiến Hà Nội nghĩ tới giáo dục và đào tạo, thay vì triệt phá sự sáng tạo bằng đạo luật kiểm soát an ninh mạng vừa ban hành khi Apple thất thanh báo động sự đào thải của họ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về kết luận bất ngờ này.

Nguyen Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 09/01/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 02 janvier 2019 23:21

Ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc

Làm sao ra khỏi bóng rợp kinh tế của Trung Quốc ? Câu hỏi đó ám ảnh nhiều người Việt ở trong và ngoài nước. Mở đầu một năm mới, Diễn đàn Kinh tế sẽ trình bày một số giải đáp từ chuyên gia Nguyễn-Xuân Nghĩa, tư vấn kinh tế cho đài Á Châu Tự Do từ Tết Đinh Sửu, 22 năm về trước….

bong1

Làm thế nào để Việt Nam thoát Tầu ? - AFP

Nhìn lại lịch sử

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa trong buổi phát thanh đầu năm 2019.

Thưa ông, tiếp theo chương trình tuần trước về những ưu tiên kinh tế của Việt Nam, kỳ này, Nguyên Lam xin tìm hiểu tiếp về những việc cụ thể nếu như Việt Nam muốn thoát khỏi tình trạng quá lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin được gọi ước muốn chính đáng ấy là "ra khỏi bóng rợp Trung Quốc" và xin đi từng bước vào lĩnh vực kinh tề thuần túy vốn là tôn chỉ của tiết mục. Nhưng vì sao ta lại có nhu cầu thoát Tầu, hay "Thoát-Hoa" ? Có lẽ câu trả lời nằm trong lịch sử kinh tế nếu chúng ta lạnh lùng nhìn lại.

Nguyên Lam : Quý thính giả của chúng ta có thể hỏi rằng ông thấy là nên nhìn lại như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hơn 60 mươi năm trước, thời Chiến Tranh Lạnh, nhiều quốc gia chậm tiến hay đang phát triển đã lầm tưởng mô hình phát triển kinh tế kiểu cộng sản là phép thần kỳ khiến kinh tế Liên bang Xô viết sẽ đuổi kịp và vượt qua xứ dân chủ tiên tiến nhất là Hoa Kỳ. Chính lãnh tụ Nikita Krushchev đã hăm như vậy và nhiều kinh tế gia Tây phương cũng nghĩ thế. Rốt cuộc thì đúng 30 năm trước, kinh tế Liên Xô khủng hoảng và xứ này tan rã. Cũng thế, 40 năm xưa, người ta từng tiên đoán là kinh tế Nhật Bản sẽ vượt Mỹ đến độ xã hội Hoa Kỳ có phong trào sợ Nhật và bài bác Nhật. Vậy mà sau đó kinh tế Nhật sa sút trong mấy chục năm và nay vẫn chưa phục hồi. Tương lai không thể là một đường tuyến vạch ra từ quá khứ, nhưng quá khứ cũng cho ta nhiều bài học nếu biết.

Nói đến chuyện ngày nay, ta thấy lý luận sai lầm tương tự, rằng với đà tăng trưởng ngoạn mục sau khi ông Đặng Tiểu Bình tiến hành kế hoạch cải cách và khai phóng cách nay 40 năm, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ, chẳng vào năm 2025 thì vào năm 2040. Vì vậy, một số người Việt Nam cho là nên học mô thức Trung Quốc sau khi thấy mô thức Liên Xô sụp đổ, họ gọi đó là "đổi mới".

Quan niệm ấy sai vì :

1/ Việt Nam không là Trung Quốc hay một quận huyện của xứ láng giềng này, và

2/ vì mô thức Trung Quốc đang sụp đổ, mà có khi còn thua kinh tế Ấn Độ. Ngược lại, và đây là một bài học khác, nền kinh tế công nghiệp hóa của các nước dân chủ, kể cả Hoa Kỳ, thường gặp vấn đề mà cũng có khả năng tự cải sửa là nhờ chế độ tự do và sức sáng tạo của tư doanh, doanh nghiệp tư nhân.

Nguyên Lam : Qua câu trả lời đó, phải chăng ông hàm ý là về lý luận, mô thức kinh tế Trung Quốc không có tương lai và chẳng đáng cho Việt Nam bắt chước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ là ta nên học mọi người, nhưng ngoài lý do ý thức hệ nhằm che giấu mục tiêu chính trị và tiền bạc, lãnh đạo Hà Nội nên sớm ra khỏi qũy đạo Trung Quốc. Vấn đề là làm thế nào và ai sẽ dám làm ?

Thoát khỏi bóng rợp Trung Quốc

Nguyên Lam : Chúng ta đi vào đề mục chính của kỳ này. Thưa ông, làm thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như các nước lạc hậu đi sau, chứ chẳng có gì là kỳ diệu, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng kinh tế 6-7% một năm, nhưng gây ra nhiều vấn đề, từ môi sinh tới nợ nần, mất cả chục năm mới thanh toán được, mà từ chục năm qua vẫn chưa hề giải quyết. Khi kinh tế Trung Quốc đi vào chu kỳ sa sút nay đã mười mươi rõ ràng thì đấy là cơ hội cho Hà Nội và cho Việt Nam. Khỏi nói về cải tổ chính trị cho một chế độ vừa tự bịt mắt theo Bắc Kinh với việc áp dụng luật An Ninh Mạng làm thế giới khinh thường như mọi người đã thấy và than, tôi chú ý tới vài bước cụ thể khác riêng về mặt kinh tế.

bong2

Làm thế nào để Việt Nam thoát Tầu ? AFP

Nguyên Lam : Thưa ông, những bước cụ thể đó là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, từ xa tới gần thì nhìn vào viễn ảnh dài là 10 năm, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực quốc gia, về kinh tế là doanh nghiệp của tư nhân hay tư doanh.

Tiềm lực đó tùy thuộc vào giáo dục, đào tạo và cơ sở luật tệ, kể cả luật doanh nghiệp. Bước thứ hai, vì có dân số đông và tương đối trẻ với tiềm năng cao về lợi tức, hãy quan tâm nhiều hơn đến khả năng tiêu thụ nội địa và tránh sai lầm của Trung Quốc là tìm lực đẩy ở đầu tư rồi xuất khẩu. Điều ấy quan trọng vì nhờ xuất khẩu thì càng lệ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc như nhánh tầm gửi.

Bước thứ ba là nên đi ngược chủ trương của Bắc Kinh mà ráo riết tiến hành việc giải tư - tư nhân hóa, cổ phần hóa - các doanh nghiệp nhà nước. Đấy là trung tâm dùng đặc quyền chính trị để kiếm đặc lợi kinh tế cho các đảng viên và thân tộc bỗng chốc thành đại gia mà chẳng đóng góp nhiều cho sản xuất.

Thứ tư và gần trước mắt, hãy phá vòng luẩn quẩn là cứ trông cậy vào đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, và càng lệ thuộc vào xuất khẩu càng bị hiệu ứng của quốc tế.

Nguyên Lam : Thưa ông trong bối cảnh của sự chuyển dịch tại Trung Quốc đã thấy từ năm năm trước và của trận thương chiến Mỹ-Hoa hiện nay thì Việt Nam đang thấy triển vọng thu hút đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Tại sao ông lại gọi đó là vòng luẩn quẩn ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Giới đầu tư nước ngoài đi theo quy luật ta có thể gọi là "đất lành chim đậu", là tìm nơi có tiền. Nhưng họ vào kiếm tiền để sử dụng nguyên nhiên vật liệu xứ khác do nhân công rẻ của Việt Nam ráp chế với trị giá đóng góp thấp rồi xuất khẩu qua xứ khác. Doanh lợi, kiến năng - "know-how" là kiến thức và khả năng - cũng nằm trong tay họ và sẽ chạy ra ngoài nếu họ thấy có nơi tốt hơn. Trong khi đó công đoạn của dân Việt nằm ở dưới đáy chu trình sản xuất với giá trị gia tăng thấp, thí dụ nổi bật là khu vực ráp chế điện thoại, máy móc điện tử gia dụng, chế biến dệt sợi và may mặc áo quần.

Khỏi nói về quyền lợi và điều kiện lao động tại Việt Nam chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế thí dụ như Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương hay Hiệp định sắp tới với Liên Âu, chúng ta có thể đo trị giá gia tăng ấy từ một hệ số vĩ mô là phần đóng góp quá ít của công nghiệp trong tổng sản lượng của kinh tế Việt Nam. Đâm ra, kinh tế xứ này lên hay xuống chỉ là hậu quả của việc đầu tư quốc tế tràn vào hay chảy ra thôi. Không xứ độc lập nào muốn vậy vì đẩy lao động vào lực lượng gia công cho nước ngoài thì cũng là mất chủ quyền. Huống hồ nhà đầu tư nước ngoài lại là Trung Quốc thì ta rơi vào cảnh "đất lành chim độc", mà bất cứ ai than vãn thì vào tù !

Nguyên Lam : Nguyên Lam nhìn ra sự hợp lý trong cách trình bày của ông nhưng đi vào cụ thể thì Việt Nam nên làm những gì là thiết thực nhất để bước ra khỏi bóng rợp Trung Quốc ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì hiệu ứng Trung Quốc, thế giới nói tới triển vọng đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, nhưng tin vào đó là lại mộng mị.

Trước hết, Việt Nam cần cải tiến hạ tầng cơ sở vận tải là điều thật ra chưa đủ, ngoại trừ trên mặt báo.

Muốn có tiền xây dựng hạ tầng thì phải thúc đẩy tư nhân hóa hệ thống quốc doanh.

Bước thứ ba từ làn sóng lạc quan hiện nay mà cải thiện chiến lược đầu tư quốc tế là ưu tiên cho khu vực có giá trị đóng góp cao, như điện tử và công nghệ hiện đại.

Thứ tư là khuyến khích liên doanh hàng dọc giữa doanh nghiệp nước ngoài với tư doanh Việt Nam theo đà hỗ trợ của chính quyền cho tư doanh nội địa. Xin nói rõ là khuyến khích chứ không ép buộc theo kiểu Trung Quốc, và trong chính sách khích lệ thì phải gạn lọc thế lực của Bắc Kinh để tránh nạn đất lành chim độc.

Sau cùng, tư doanh Việt Nam không thể từ trên trời rơi xuống mà cần hỗ trợ để sẽ là đối tác với cơ sở ngoại quốc theo một trình tự mà mọi người cùng biết.

Nạn tham nhũng

Nguyên Lam : Có một câu hỏi đang có vẻ thời sự là nạn tham nhũng tràn lan tại Việt Nam, ông nghĩ sao về chuyện đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ vấn đề nó trầm trọng hơn vậy vì ít ai nói tới nạn tham nhũng do chính sách. Do chính sách sai lầm có dụng ý từ cả chục năm trước, Việt Nam mới bị tham nhũng hoành hành như hiện nay. Cái gốc là chính sách và thể chế, cái ngọn mới là cả chục nghi can bị kỷ luật vì đi giữa lằn ranh kinh tế với chính trị và luật pháp, trên đầu có hai cái mũ của đảng và của nhà nước.

Nhưng Hà Nội chỉ làm thế giới chú ý khi diệt tham nhũng như là cứ theo bài bản Bắc Kinh sau năm năm quan sát học hỏi. Muốn ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, Việt Nam nên cải sửa luật lệ để từ nay không ai có thể tái phạm, sau đấy mới chongg thấy mình không bắt chước Tổng bí thư Tập Cận Bình. Kế đó là kêu gọi doanh nghiệp ngoại quốc cùng hợp tác để giải trừ tham ô vì điều ấy chứng tỏ quyết tâm của lãnh đạo cho quốc tế cùng thấy.

Sau cùng, then chốt vẫn là quyết tâm cải cách thể chế chính trị vì kinh tế cũng là chính trị. Khi thế giới đã thấy lãnh đạo Bắc Kinh cứ đề cao kinh tế thị trường mà duy trì sự cấm đoán hà khắc ở bên trong và chế độ bảo hộ mậu dịch, thậm chí ăn cắp và ăn cướp công nghệ và thuật lý cao cấp của thiên hạ ở bên ngoài, lãnh đạo Việt Nam cần cho thấy rằng mình khác.

Cái khác đầu tiên, như kinh nghiệm của vài nước Đông Á thành công và trái hẳn với Trung Quốc, là dám nói tới việc cải cách thể chế chính trị. Tôi khỏi nói tới việc dân chủ hóa mà nhìn vào cái gốc của dân chủ, là tự do cởi mở cho xã hội dân sinh được phát triển trong một nhà nước hết bị đảng chi phối. Nếu Việt Nam dám làm như vậy trong vài năm tới thì đấy mới là bước đầu ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc, những bước về sau thì chỉ là chính sách và kỹ thuật mà thôi.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn đầu năm và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 02/01/2019

Published in Diễn đàn
mercredi, 26 décembre 2018 21:52

Ưu tiên kinh tế của Việt Nam

Việt Nam chào đón năm 2019 với nhiều kỳ vọng giữa bối cảnh của mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ còn kéo dài khiến giới đầu tư quốc tế đang tìm bãi đáp mới trong khu vực Đông Nam Á. Nhưng Việt Nam nên nhìn vấn đề trên toàn cảnh, và từ trong ra ngoài. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu bài toán này….

ktvn1

"Tuổi trung vị" là một trong những lợi thế về Kinh tế của Việt Nam - AFP

Lợi thế kinh tế của Việt Nam

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, giữa những mâu thuẫn giữa của hai nền kinh tế Hoa Kỳ và Trung Quốc trên hai bờ Thái Bình Dương, thì bước qua năm 2019, Việt Nam sẽ có lợi thế gì về kinh tế và đâu là những ưu tiên của mình ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như mọi khi, tôi xin mở đầu bằng bối cảnh.

Về địa dư, Việt Nam có ưu thế kinh tế là nằm giữa Trung Quốc với dòng chuyển vận hàng hải của Thái Bình Dương. Ưu thế kinh tế đó là mặt trái của nhược điểm sinh tử về an ninh như lịch sử đã chứng minh từ mấy ngàn năm qua. Ưu thế kinh tế này được phát huy khi Việt Nam theo quy luật trị trường và mở rộng việc buôn bán với các nước, điều đó cũng góp phần giảm bớt rủi ro về an ninh xuất phát từ Trung Quốc. Tôi xin nhấn mạnh là giảm thiểu chứ không triệt tiêu và đấy là một vấn đề chính trị trước tham vọng không che giấu của Bắc Kinh.

Chuyện thứ hai, Việt Nam có gần 100 triệu dân, đa số rất trẻ. Tuổi trung vị, là có phân nửa cao hơn và phân nửa thấp hơn, là 30 tuổi. Đấy là một ưu thế khác trong hoàn cảnh lão hóa dân số của các quốc gia Đông Á. Với tổng sản lượng hơn hai trăm tỷ đô la một năm, bình quân một người làm ra hơn hai ngàn 300 đô la, là còn quá nghèo. Nhiều người coi đấy cũng là lợi thế vì Việt Nam có lực lượng lao động trẻ và nghèo nên sẽ nhận đồng lương thấp. Thật ra, lấy đó làm quốc sách về kinh tế thì là tai hại vì yếu tố then chốt là năng suất, tay nghề và động lực hay sức mạnh chính là giáo dục và đào tạo. Đấy là một ưu tiên kinh tế của Việt Nam.

Nguyên Lam : Quả thật là trận thương chiến bùng nổ trong năm 2018 khiến nhiều nhà đầu tư quốc tế rút khỏi thị trường Trung Quốc đi tìm nơi khác kiếm lời và nghĩ đến Việt Nam, thí dụ như trong các ngành sản xuất dệt sợi, đồ da hay đồ gỗ. Thưa ông, đấy có phải là một ưu thế khác cho Việt Nam không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi hơi nghĩ khác. Với giới đầu tư nước ngoài, đã đành Việt Nam có nhân công nhiều và rẻ, nhưng so với các nền kinh tế chưa phát triển trong khu vực Đông Nam Á, và xa xôi hơn, thí dụ như Bangladesh, Việt Nam còn ký kết hiệp ước tự do thương mại nhiều hơn các nước kia. Điển hình là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được cải tiến với 10 nước khác và sẽ vận hành từ năm 2019, hoặc Hiệp định với Liên Hiệp Châu Âu. Giới đầu tư nhìn vào khuôn khổ luật chơi quốc tế và mong Việt Nam sẽ chấp hành như cam kết, nhất là về quyền lợi đích thực của giới lao động và về việc bảo vệ môi sinh. Họ không muốn bị mang tiếng khai thác sức lao động để kiếm lời và để lại tai họa về môi sinh. Đấy là một ưu thế của Việt Nam khi so sánh với luật chơi rất tệ của Trung Quốc.

Thứ nữa, sở dĩ tôi vừa nêu vấn đề đào tạo để tăng năng suất vì từ năm năm qua, trước khi có trận thương chiến Mỹ-Hoa, giới đầu tư quốc tế đã tìm thị trường mới khi Trung Quốc hết là "công xưởng toàn cầu" với nhân công nhiều và rẻ vì họ tiến lên bậc thang cao hơn về trình độ sản xuất và trở thành khó tính hơn. Nếu dễ tính thì Việt Nam có thể thu hút được đầu tư của thiên hạ nhưng tiếp tục làm gia công trong loại kỹ nghệ hạ đẳng mà Trung Quốc hết muốn làm.

Vì vậy, ưu tiên kinh tế của Việt Nam trong năm 2019 là chứng minh rằng thị trường của mình có sân chơi bình đẳng và tôn trọng quy tắc phổ cập của thế giới văn minh, nhưng bên trong thì phải ra sức nâng cao khả năng đóng góp của nhân công và kỹ sư Việt Nam qua một nỗ lực cách mạng giáo dục.

Nguyên Lam : Ngoài ra, ông còn thấy một ưu tiên nào khác nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi khỏi nói về yêu cầu cải tổ vĩ mô, như ngân sách, thuế vụ hay nợ nần của doanh nghiệp và ngân hàng, mà các chuyên gia kinh tế trong nước đã nhắc nhở nhưng xin đề cập đến một vấn đề chiến lược hơn.

Việt Nam quá lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của ngoại quốc. Họ đóng góp tới phân nửa sản lượng và 70% số xuất khẩu và tuyển dụng chừng 10 triệu nhân công, trực tiếp hay gián tiếp. Việt Nam coi đó là thành tích của mình. Đấy là ảo giác, vì thành tích thật là của giới đầu tư, họ có tiền bỏ túi đem về nước.

Giới đầu tư quốc tế có nhu cầu chính đáng là kiếm lời, nhưng động lực ấy khiến họ chọn mặt gửi vàng nên có thể nhổ trại cắm lều ở xứ khác nếu thấy có lợi hơn. Từ chuyện đó, ta thấy ra vấn đề là Việt Nam phải cạnh tranh cùng các nước chậm phát triển kia và thi đua mời chào ngoại quốc mà quên hẳn nhu cầu đích thực của mình trong trường kỳ. Nhu cầu đó là xây dựng hệ thống doanh nghiệp nội địa có khả năng cạnh tranh cao hơn.

Vì có chế độ độc đoán và một thị trường lớn, Trung Quốc cũng tiến hành việc phát triển và bảo vệ doanh nghiệp nội địa và đang bị các nước kết án và trả đũa vì mờ ám trong chính sách. Việt Nam nên tìm cách lương thiện hơn. Việc tuân thủ cam kết trong các hiệp định kinh tế làm nổi bật sự khác biệt của Việt Nam với xứ láng giềng bất lương, huống hồ việc thi hành các cam kết đó cũng có lợi cho người dân. Khi thực thi các hiệp định tự do thương mại với các nước, Việt Nam nên giải thích rõ chuyện này cho mọi người cùng hiểu ra những cơ hội mới. Giấu nhẹm tin tức và đầu cơ kiến thức không là giải pháp kinh tế văn minh.

Hiểm họa từ Trung Quốc

Nguyên Lam : Dường như còn một tai hại nữa của tình trạng lệ thuộc vào đầu tư trực tiếp của nước ngoài là khi Việt Nam thiếu đối sách thỏa đáng với đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc mà còn để họ gieo họa cho mình. Thưa ông có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi bước lên trình độ sản xuất cao hơn, Trung Quốc quăng thiết bị lỗi thời và gây ô nhiễm của họ cho xứ khác mà Việt Nam coi đó là của báu thì chẳng khác gì tự sát chầm chậm. Chuyện này cả nước đã than, nhưng lý do có thể thuộc phạm vi chính trị giữa hai chế độ nên người than có thể vào tù.

Một chuyện then chốt mà Trung Quốc không giải quyết nổi là tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các xí nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân. Việt Nam nên coi đó là bài học và bắt đầu thực hiện quốc sách ngay từ năm 2019, là kế hoạch yểm trợ tư doanh đích thực chứ không là sân sau của các đảng viên cán bộ. Về lâu về dài hệ thống tư doanh đó mới làm nên sức mạnh kinh tế của quốc gia. Vì vậy, ngoài những thành tích thu hút đầu tư ngoại quốc, Việt Nam cũng nên cho biết là đã làm hay sẽ làm những gì để có thêm đầu tư của tư doanh nội địa.

Các doanh nghiệp của người Việt trong nước không dễ gì nhổ trại cắm lều ở nơi khác và sự thành công của họ mới là sự thành công của Việt Nam. Ưu tiên kinh tế đó cũng song hành với ưu tiên cải cách giáo dục và đào tạo đã nói ở trên. Quốc hội có thể là nơi mà vấn đề này được nêu ra cho dư luận và nhà nước cùng thấy. Nếu chỉ nói tới thành tích của Intel, LG hay Samsung hoặc các tập đoàn Âu Mỹ khác tại Việt Nam thì vẫn chỉ là vay mượn thành tích và vài chục năm nữa, Việt Nam vẫn chưa có gì là của mình, người Việt vẫn chưa thực sự làm chủ vận mệnh của mình. Vào dịp đầu năm dương lịch, tôi thành thật mong ước điều đó cho Việt Nam.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phỏng vấn kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào năm tới.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/12/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 12 décembre 2018 22:45

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm

Trong năm 2019 này, liệu thế giới có thể bị suy trầm kinh tế nữa hay không, và khi đó, các nước có thể làm những gì để ứng phó ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu dự báo này cho năm tới….

kinhte1

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm - AFP

Kinh tế toàn cầu suy trầm

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm vào năm 2019 như nhiều nơi dự đoán thì các nước có thể làm gì để ngăn ngừa hậu quả ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta thường nói "kinh tế học là bộ môn khoa học u ám" vì thiên hạ chỉ quan tâm đến kinh tế khi tình hình gặp khó khăn, chứ khi mọi việc hanh thông thì ít ai quan tâm đến kinh tế và cho rằng mình thành công là nhờ tài năng riêng. Nhưng, giới nghiên cứu kinh tế cũng thường tự mỉa mai rằng họ dự đoán đúng cả chục vụ suy trầm trong chỉ có hai ba lần thực tế xảy ra. Sở dĩ tôi nói vậy để cho thấy kinh tế chính trị học không là một bộ môn khoa học chính xác và mọi dự đoán về tương lai đều có thể sai vì chẳng ai biết trước được.

Bước thứ hai là ta nên xác định nội dung của những gì sẽ nói vì nếu không hiểu cùng một định nghĩa thì rất dễ gây hiểu lầm, mà sự hiểu lầm của đám đông trong thị trường thường gây ra phản ứng bất lợi, có khi là "hậu quả bất lường".

Bây giờ, khi nhiều trung tâm nghiên cứu của quốc tế đều cùng đưa ra những dự đoán không lạc quan về viễn ảnh kinh tế toàn cầu trong năm 2019 này thì chúng ta hãy quan tâm và tự nêu câu hỏi rằng tình hình sẽ ra sao.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ đi từng bước và Nguyên Lam xin hỏi ông về định nghĩa của từ suy trầm để cùng thống nhất ý kiến về nội dung của những gì mình phân tích.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, tôi xin định nghĩa suy trầm hay "recession" là gì. Nó là sự sút giảm đà tăng trưởng trong hai quý liền là trong sáu tháng liên tục, và có thể kéo dài vài năm. Đấy là hiện tượng thăng giáng hay lên xuống theo chu kỳ trong sinh hoạt kinh tế. Nó chưa nghiêm trọng bằng suy thoái hay "depression" là khi sản lượng không tăng dù ít hơn mà còn giảm, thoái là lui. Khi nạn suy thoái lan rộng và kéo dài thì ta mới có khủng hoảng hay "crisis", là một chữ quá thông dụng trong lĩnh vực truyền thông ngày nay.

Chuyện thứ hai là người ta thường chỉ biết rằng kinh tế bị suy trầm chừng năm sáu tháng sau khi điều ấy đã xảy ra và vì vậy ai cũng muốn dự báo căn cứ trên một số chỉ dấu tiên báo, nhưng có thể đoán sai. Một trong các chỉ dấu tiên báo là khi đường tuyến của phân lời trái phiếu dài hạn và ngắn hạn lại nằm ngang, là điều đang xảy ra tại Hoa Kỳ. Nếu đúng như vậy thì kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ vào năm 2020, sau vụ suy trầm lần trước, từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy 2009, nhưng với hậu quả xã hội và chính trị lần này lại trầm trọng hơn. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu không chỉ có Hoa Kỳ mà còn nhiều nước khác.

Nguyên Lam : Thưa ông, cho tới nay thì các trung tâm nghiên cứu của thế giới dự báo thế nào về tình hình tăng trưởng sản xuất vào năm tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi tham khảo công trình nghiên cứu của quốc tế, từ các định chế đa phương như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế Giới hay là Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD gồm 34 nền kinh tế tiên tiến tới các trung tâm đầu tư kinh tế tài chính thực hiện riêng cho thân chủ của họ, tôi đều thấy một nét chung ở chữ "bất trắc" là biến động khó lường. Riêng tôi thì quan tâm đến hai chuyện là nạn Tổng Suy Trầm 2008-2009 khiến nhiều quốc gia phải có biện pháp ứng phó bất thường vì cả thế giới cùng bị suy trầm một lúc. Chuyện thứ hai là 10 năm sau, ngày nay ta có thể thấy tái diễn hiện tượng tương tự vào năm 2019 này. Khi đó các nước có thể làm những gì ?

Bất trắc của nạn suy trầm

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từng bước để nói về sự bất trắc và nạn suy trầm sắp tới.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về sự bất trắc, ta không quên rằng sau vụ khủng hoảng tài chính năm 2008 xuất phát tại Hoa Kỳ với dấu hiệu tiên báo từ Âu Châu vào cuối năm 2007, rồi nạn suy trầm kinh tế Mỹ từ Tháng 12 năm 2007 tới Tháng Bảy năm 2009 thì các khối kinh tế lớn đều cùng có biện pháp tăng chi ngân sách và bơm tiền để kích thích kinh tế. Việc tăng chi chất thêm một núi nợ kỷ lục và việc bơm tiền làm giảm lãi suất tới sàn, là mấp mé số không, thậm chí tới số âm là dưới 0% và làm cho tiền rẻ với những hậu quả cho tới nay vẫn còn tồn tại.

Khi tình hình có vẻ tạm khả quan, trước tiên tại Hoa Kỳ từ năm 2014-2015, thì Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu tăng lãi suất từ mấp mé zero và chuẩn bị thu hồi lại lượng tiền quá lớn đã bơm ra. Trước đó, nhờ lãi suất rẻ và tiền nhiều, các nền kinh tế khác đều ồ ạt vay tiền bằng đô la Mỹ, còn trên thị trường Hoa Kỳ, giới đầu tư dồn tiền từ thị trường trái phiếu có phân lời thấp qua thị trường cổ phiếu có doanh lợi cao hơn làm cổ phiếu Hoa Kỳ tăng giá ngoạn mục trong nhiều năm liền. Bây giờ ta gặp chuyện trái ngược là cổ phiếu có thể sụt giá mà phân lời trái phiếu lại tăng, đó là nguyên do của hiện tượng bất trắc và nạn lên giá hay xuống giá đột ngột trong năm nay.

Nguyên Lam : Đã vậy, hình như trận thương chiến giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng là yếu tố bất trắc nữa về cả kinh tế lẫn chinh trị quốc tế, ông có nghĩ như vậy không ?

kinhte2

Nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dĩ nhiên là chúng ta quan tâm đến chuyện đó, mà không quên một khối kinh tế thứ ba là Âu Châu, với nhiều khó khăn sẽ bùng nổ năm tới sau khi lên tới cao độ vào cuối năm nay và cũng nên để ý đến khối kinh tế thứ tư là nhóm quốc gia gọi là "đang phát triển", nhất là các nước lỡ vay quá nhiều bằng đô la Mỹ khi đồng bạc này lên giá và sẽ bị khủng hoảng về tiền tệ và ngoại hối.

Gói lại cho tròn để thính giả của chúng ta cùng theo dõi thì tình hình kinh tế toàn cầu năm 2019 sẽ thiếu khả quan mà đáng lo ngại nhất trong hoàn cảnh đó là các nước đều hết khả năng ứng phó sau những gì đã thực hiện thời 2008-2009.

Giải pháp nào cho nạn suy trầm ?

Nguyên Lam : Ông bắt đầu đi vào chủ điểm là nếu kinh tế toàn cầu lại bị suy trầm nữa vào năm tới thì các nước có thể làm gì. Xin ông phân tích cho chuyện đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì kinh tế cũng là chính trị, ta không nên quên rằng cái trật tự tạm bợ từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ và Chiến Tranh Lạnh kết thúc năm 1992 đã không còn nữa. Đấy là bối cảnh chung. Sau đó mới là vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009 và các liều thuốc tôi gọi là đổ bệnh.

Trong năm tới, sản lượng kinh tế thế giới có thể giảm, là bị suy trầm, vì kinh tế Trung Quốc hết tăng trưởng như xưa, chưa nói tới hiệu ứng của trận thương chiến với Hoa Kỳ. Thứ hai, khối kinh tế có hơn 500 triệu dân và sản lượng mấp mé Hoa Kỳ là Âu Châu thì bị khủng hoảng chính trị khi sản xuất của nhóm Euro dùng đồng tiền thống nhất lại sa sút hơn cả với đà tăng trưởng èo uột năm nay là 1,9% sẽ chỉ còn là 1,6% vào năm 2020. Thứ ba, kinh tế Hoa Kỳ đã hồi phục rất chậm từ năm 2014-2015 và tăng trưởng mạnh từ năm ngoái cho tới năm nay lại có thể bị suy trầm nhẹ vào cuối năm tới. Thứ tư, khối kinh tế đang phát triển, sống nhờ buôn bán với các nước Âu, Mỹ, Tầu, dễ bị hậu quả tai hại khi ba khối kinh tế dẫn đầu ấy đều lụn bại. Câu hỏi then chốt là các nước có thể làm gì trong kịch bản đen tối ấy ?

Nguyên Lam : Thưa ông, đấy cũng là thắc mắc của thính giả. Ông trả lời sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : So với cảnh ngộ của năm 2008, các nước nói chung đều "hết thuốc chữa", nôm na là khó có giải pháp thỏa đáng.

Thông thường, khi sản xuất bị đình trệ, người ta có hai loại biện pháp kích thích là ngân sách và tiền tệ. Biện pháp ngân sách là tăng chi và giảm thuế, biện pháp tiền tệ là hạ lãi suất và bơm tiền vào kinh tế cho tài hóa dễ lưu thông.

Khốn nỗi, trong khối công nghiệp hóa, biện pháp tiền tệ hết công hiệu cho nạn suy trầm sắp tới vì ngoài nước Mỹ đã tăng lãi suất thì các khối kinh tế kia, như Âu Châu hay Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất quá thấp và hết đất lùi. Ngân hàng Trung ương Âu Châu còn trù tính là nâng lãi suất ra khỏi số âm vào Tháng Chín năm tới. Tình trạng sa sút của kinh tế Đức, Pháp, Ý và khủng hoảng chính trị hiện nay tại Đức, Pháp, Ý và cả nước Anh với hồ sơ Brexit đang bị bế tắc sẽ khiến các nước khó phối hợp và thống nhất ý kiến về biện pháp tiền tệ.

Nguyên Lam : Thế còn biện pháp ngân sách là tăng chi hay giảm thuế, thưa ông, lần này, biện pháp đó có còn thỏa đáng hay không mà ông nói là "hết thuốc chữa" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đề nghị là ta cùng nhìn vào các khối kinh tế đang dẫn đầu thế giới như Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc và Nhật Bản. Hoa Kỳ đã bị bội chi ngân sách quá lớn, tới cả ngàn tỷ đô la một năm, và còn gặp nạn ách tắc chính trị sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống vào tháng trước nên rất khó xoay trở.

Âu Châu còn khó hơn vậy cũng vì nạn bội chi ngân sách của các nước và không còn khả năng phối hợp hay chế tài các nước vi phạm. Trung Quốc và Nhật Bản cũng chẳng khá hơn dưới một núi nợ quá lớn. Đấy là ta chưa nói đến một hệ quả của biện pháp ngân sách lẫn tiền tệ là sẽ đẩy mạnh số tiêu thụ và nhập khẩu nên lại giúp cho các nước xuất khẩu. Kết cuộc bất ngờ thì nếu kinh tế suy trầm, xứ nào cũng cần bán hàng ra ngoài và gây thêm mâu thuẫn về mậu dịch.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì các nước sẽ bó tay hay sao, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ đến sản phẩm khan hiếm nhất trên thị trường chính trị quốc tế hiện nay là "khả năng phối hợp" ! Trên các diễn đàn đa phương như G-20 của các nước có sản lượng kinh tế lớn nhất địa cầu, hay diễn đàn hơp tác kinh tế Á Châu Thái Bình Dương, hoặc nhóm G-7 của các nước công nghiệp hóa Tây phương, người ta không thấy được sự đồng thuận về việc phối hợp chính sách như tại Thượng đỉnh G-20 vào cuối năm 2008 tại Hoa Kỳ.

Kết cuộc thì khi sinh hoạt kinh tế đi vào một chu kỳ đình trệ, có thể xảy ra năm tới, các nước khó điều hợp được một đối sách chung vì những ràng buộc riêng trong từng nước. Vì vậy, ngoài rủi ro suy trầm, ta sẽ còn có thêm rủi ro vì thiếu sự phối hợp quốc tế.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài dự báo kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 12/12/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 05 décembre 2018 18:10

Viễn Ảnh 2019

Chúng ta đang đi hết năm 2018 có quá nhiều biến động trên trường quốc tế. Qua năm 2019 thì tình hình sẽ ra sao, mục Diễn đàn Kinh tế tìm một dự báo cho năm tới, với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

vienanh1

Diễn đàn công cộng về thương mại bền vững của Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva- AFP

Dự báo về năm 2019

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tạm lắng được 90 ngày được dư luận quốc tế gọi là "hưu chiến", nhưng liệu đôi bên có thể vượt qua nhiều mâu thuẫn hay không ? Và vì chúng ta đang bước vào cuối năm 2018 nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những dự báo về năm 2019 sắp tới đây.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về cuộc "hưu chiến" trong trận thương chiến Mỹ-Hoa đã khởi sự từ đầu năm nay, tôi không lạc quan như đa số các thị trường tài chính.

Trước hết, nói về bối cảnh thì kể từ khi Trung Quốc là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, các quốc gia Tây phương đều thấy rằng xứ này không cải cách cơ chế để có quy chế kinh tế thị trường trong vòng 15 năm như cam kết và nhờ vậy mà chiếm được lợi thế cạnh tranh khi giao dịch mua bán với thiên hạ.

Bị thiệt hại nhiều nhất trong cạnh tranh thương mại vì nhập siêu quá nặng với Trung Quốc, Hoa Kỳ đã nhiều lần nêu vấn đề cho tới khi ông Donald Trump bất ngờ đắc cử Tổng thống vào cuối năm 2016 thì cho nghiên cứu lại quan hệ với Trung Quốc và lần lượt nêu vấn đề với Bắc Kinh qua ba đợt tăng thuế nhập khẩu.

Lần thứ tư là kỳ này, qua việc tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% trên một lượng hàng hóa trị giá khoảng 217 tỷ đô là do Trung Quốc bán vào Mỹ kể từ đẩu năm tới. Nhân thượng đỉnh vừa qua tại Buenos Aires của xứ Argentina, lãnh đạo hai nước đồng ý tạm hoãn các biện pháp trừng phạt thương mại trong 90 ngày để đôi bên sẽ thương thuyết lại.

Nhưng tôi không tin là trong kỳ hạn ba tháng này mà hai nước sẽ giải tỏa được các mâu thuẫn chồng chất được 90 ngày được dư luận quốc tế gọi là "hưu chiến", nhưng liệu đôi bên có thể vượt qua nhiều mâu thuẫn hay không ?

Và vì chúng ta đang bước vào cuối năm 2018 nên Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho những dự báo về năm 2019 sắp từ lâu.

Nguyên Lam : Vì sao ông nghĩ như vậy khi mà các thị trường tài chính thế giới đều tỏ vẻ vui mừng và tăng giá trong ngày thứ Hai sau quyết định hưu chiến của lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc vào tối thứ Bảy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các thị trường có thể phản ứng với tin thời sự ngắn hạn, chứ việc trì hoãn để đàm phán trong 90 ngày sẽ khó đạt kết quả.

Tôi thấy ra ba lý do giải thích sự kiện này.

Thứ nhất là khác biệt trong cách đôi bên trình bày và diễn giải kết quả thảo luận trong bữa ăn tối giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư Tập Cận Bình, với tám nhân vật trong nội các của mỗi người. Ông Trump còn có phát biểu lạc quan hơn thông báo chính thức của Phủ Tổng thống Mỹ, trong khi phía Bắc Kinh cũng trình bày sự kiện này như một thắng lợi của phái đoàn Trung Quốc mà chẳng nói gì về chi tiết như phía Hoa Kỳ đã báo cáo. Điều ấy cho thấy hai bên đều muốn trấn an dư luận ở nhà và tự chuẩn bị cho các đợt đàm phán sắp tới.

Lý do thứ hai là ngay từ đầu, phía Hoa Kỳ đã khiếu nại về nhiều chuyện chứ không riêng gì về việc buôn bán thiếu công bằng giữa đôi bên.

Một cách cụ thể thì Chính quyền Donald Trump còn giàng yếu tố an ninh vào kinh tế và nêu ra bốn vấn đề là Bắc Kinh có chính sách :

1/ ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ hay thuật lý, technology ;

2/ không tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để tiện bề ăn cắp ;

3/ đặt ra nhiều rào cản ngoài thuế quan để gây khó cho doanh nghiệp Mỹ ; và

4/ có hoạt động tình báo trên không gian điện toán "cyberspace", mà tôi xin gọi là "không gian điện não" vì ảnh hưởng tới nhận thức của chúng ta.

Lý do hoài nghi thứ ba thuộc phạm vi rộng lớn hơn chứ không thu hẹp vào lĩnh vực thương mại, đó là phía Hoa Kỳ muốn Trung Quốc thay đổi cách hành xử với các nước, cụ thể là không được uy hiếp Đài Loan và bành trướng ảnh hưởng quân sự xuống vùng biển Đông Nam Á và gây trở ngại cho quyền tự do lưu thông ngoài biển. Cũng vì vậy mà viễn ảnh 2019 là tình trạng tranh chấp gay go hơn giữa hai cường quốc kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương.

vienanh2

Cuộc họp thường niên của IMF và World Bank tại Indonesia. AFP

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai của chương trình kỳ này là những dự báo về tình hình 2019. Ông thấy ra những gì là đáng quan tâm nhất vào năm tới ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên là với Trung Quốc, Hoa Kỳ sẽ tăng sức ép về thương mại, đầu tư và nói chung là kinh tế để bảo vệ quyền lợi và an ninh của nước Mỹ.

Cũng với Bắc Kinh, cả Hành pháp lẫn Quốc hội Hoa Kỳ sẽ có một sự thống nhất hiếm hoi là bảo vệ sự tồn tại của Đài Loan lẫn quyền tự do lưu thông ngoài vùng biển Đông Nam Á.

Thứ ba là Hoa Kỳ đã khẳng định từ cuối năm ngoái và nhiều lần nhắc lại trong năm nay về những thách đố chiến lược phát sinh từ Liên bang Nga và Trung Quốc, cho nên trong năm tới ba cường quốc này sẽ lao vào một cuộc thi đua võ trang có thể lên tới lĩnh vực không gian và điện não.

Vì yếu tố thực chất là an ninh mà kinh tế chỉ là một diện không duy nhất, Hoa Kỳ tiếp tục tranh thủ các bạn hàng và đồng minh chiến lược như Âu Châu, Nhật Bản, Úc, Canada, Nam Hàn và Đài Loan lẫn Ấn Độ để dựng lên rào cản chung cho các hoạt động đầu tư của Bắc Kinh, nhất là trong các lĩnh vực tiên tiến là trí tuệ nhân tạo và mạng công nghệ 5G. Do đó, Bắc Kinh sẽ có phản ứng để thu hẹp khoảng cách trong các lĩnh vực chiến lược là không gian, là ráp chế vi mạch bán dẫn và gia tăng mối lo cho các doanh nghiệp thuộc loại "cao kỹ" hay hi-tech của các nước. Hậu quả chung là năm 2019 có nhiều rủi ro cho các doang nghiệp khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn hay đảo lộn, với những vụ kiện cáo bất tận về tác quyền.

Dự báo về kinh tế 2019

Nguyên Lam : Riêng về lĩnh vực kinh tế thì tình hình năm tới sẽ ra sao, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm ngoái, tôi có dự báo mà sai rằng cuối năm 2018 này, kinh tế thế giới có thể bị suy trầm nhẹ vì hiệu ứng từ Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều ấy chưa xảy ra, nhưng vẫn có thể trong một viễn ảnh xa hơn, là vào năm 2020, với những hậu quả còn nghiêm trọng hơn vụ Tổng Suy Trầm 2008-2009. Tình hình năm 2019 có thể tiên báo điều ấy cho nên chúng ta rất cần theo dõi.

Nguyên Lam : Trên cơ sở nào mà ông đưa ra những dự đoán ảm đạm như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có bốn năm lý do cho kịch bản u ám này.

Thứ nhất, trận thương chiến Mỹ-Hoa khiến cơ chế hòa giải của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO có thể bị tê liệt nên khó khăn thương mại càng dễ lan vào kinh tế.

Thứ hai, kinh tế Trung Quốc bị đình đọng sẽ lãnh thêm hậu quả bất lợi của thương chiến, bất lợi vì kinh tế xứ này cần bán hơn là kinh tế Hoa Kỳ.

Thứ ba, khối kinh tế Châu Âu sẽ ảm đạm ám hơn vì khó khăn nội bộ, từ nước Ý, nước Đức cho tới Pháp với vụ khủng hoảng chính trị vừa bùng nổ từ phong trào "Áo Vàng", chưa kể tới một rủi ro khác là Quốc hội Anh không phê chuẩn Hiệp ước ly khai hay "Brexit" do Vương quốc Anh thống nhất vừa hoàn tất với Liên Âu.

Thứ tư, ta chẳng thề quên nhiều khó khăn của các nền kinh tế đang phát triển, nhất là các nước đã vay quá nhiều bằng Mỹ kim khi đô la lên giá, nội tệ mất giá mà còn bị nguy cơ lạm phát và bất ổn chính trị trong nội bộ khiến chính quyền rất khó chống đỡ.

Sau cùng, chúng ta đang thấy một trường hợp hy hữu là các nền kinh tế lớn nhất, như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, thậm chí một số quốc gia Châu Âu đều mắc nợ quá nhiều nên khó ứng phó với kịch bản suy trầm toàn cầu.

Đã vậy, ta còn thấy nạn bất công xã hội lan rộng trong nhiều nước nên khi nền kinh tế sa sút thì bất ổn kinh tế dễ đưa tới khủng hoảng chính trị. Trong hoàn cảnh mới là các nước buôn bán với nhau nhiều hơn trước qua các ngả hàng không, thủy vận và trên không gian Internet, thì bất ổn từ nền kinh tế này rất dễ lan qua xứ khác theo nguyên lý cộng hưởng.

Nguyên Lam : Thưa ông, riêng về khu vực Châu Á Thái Bình Dương thì tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, mâu thuẫn giữa hai nền kinh tế có sản lượng lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ chi phối các nước nằm ở giữa. Giữa hai nước thì Trung Quốc có nhiều vấn đề hơn cả vì vừa muốn cải cách cơ chế và san bằng những dị biệt bên trong vừa cải thiện tình trạng hủy hoại môi sinh mà nay các tỉnh ở miền Đông giàu có nhất lại bị thiệt hại nhất vì trận thương chiến xuất phát từ Hoa Kỳ. Bắc Kinh có thể tìm ảnh hưởng khác từ kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ nhằm gia tăng sức đầu tư ra ngoài mà chưa chắc đã thuyết phục được các nước.

Yếu tố thứ hai nên chú ý là nền kinh tế có sản lượng thứ ba sau Mỹ và Tầu là Nhật Bản. Thủ tướng Nhật là Shinzo Abe sẽ nhận thêm một nhiệm kỳ nữa cho tới năm 2021 nên sẽ ra sức phục hưng nước Nhật, với hy vọng tăng thuế để quân bình ngân sách mà không làm kinh tế bị suy trầm. Đối ngoại, Nhật Bản tiếp tục tranh thủ bạn hàng với Hiệp ước Đối Tác Toàn Diện Xuyên Thái Bình Dương vừa được ký kết và còn mong Hoa Kỳ sẽ đổi ý mà trở lại tham gia trong ý hướng ngăn ngừa sự bành trướng của Trung Quốc. Ít ai chú ý rằng Nhật Bản, chứ không phải Trung Quốc, mới là quốc gia tài trợ nhiều nhất cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở của các nước Đông Nam Á, và nhiều nhất là cho Việt Nam.

Viễn ảnh 2019 cho Đông Nam Á

Nguyên Lam : Câu hỏi sau cùng là hoàn cảnh của các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Thưa ông viễn ảnh 2019 cho Đông Nam Á là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hoàn cảnh của các nước Đông Nam Á là nằm giữa các thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất mà cũng là các đối thủ về an ninh trong luồng giao lưu và chuyển vận ngoài biển Đông. Các quốc gia này đều phải cân nhắc giữa yếu tố ưu tiên là kinh tế với mối nguy về quân sự khi được cả Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và thậm chí Ấn Độ chiêu dụ.

Nhưng nói chung nguy cơ bất ổn vẫn là viễn ảnh 2019 cho toàn khu vực này và việc Bắc Kinh đang tìm cách mua chuộc Philippines có thể là một kinh nghiệm mà họ cần theo dõi trong năm tới. Việt Nam rất nên tìn hiểu động thái sắp tới giữa Manila và Washington để tìm ra giải pháp cho mình, trong khi vẫn phải tìm ra cơ hội có lợi cho lâu dài khi thương chiến Mỹ-Hoa sẽ còn gia tăng cường độ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Châu Á Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài dự báo kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.

Nguyên Lam

Nguồn : RFA, 04/12/2018

Published in Diễn đàn