Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 13 juin 2018 22:32

Tái thiết Bắc Hàn

Hôm Thứ Hai 12 Tháng Sáu, ngược với dự đoán của nhiều người, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn họp thượng đỉnh tại Singapore và sau mấy giờ làm việc, đôi bên đã có một tuyên bố chung về việc cải tiến quan hệ giữa nước cho nền hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và cho thế giới. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về khía cạnh kinh tế của biến cố lịch sử này.

taithiet1

Pyongyang, Bắc Hàn - AFP

Biến cố lịch sử

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.

Thưa ông, biến cố trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một bất ngờ cho nhiều người vì từ đầu năm ngoái, nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã làm thế giới lo sợ. Từ đầu năm nay, mối quan hệ đó lại chuyển biến khi nóng khi lạnh giữa hai lãnh tụ là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Chính Ân cho tới khi đôi bên đồng ý gặp gỡ. Sau nhiều tháng chuẩn bị, Thượng đỉnh giữa hai vị nguyên thủ đã thành hình với một tuyên bố chung có nhiều hứa hẹn mà vẫn mơ hồ.

Thưa ông, theo dõi biến chuyển này, ông có những nhận xét gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng chúng ta cần nhiều tháng thì mới có thể thấy hết được kết quả hay hậu quả của biến cố lịch sử vừa qua. Nhận định về chuyện này, ta nên thận trọng. Với tinh thần đó, tôi xin có vài ý thô thiển sau đây.

Thứ nhất, hai nhân vật trong cuộc là ông Donald Trump và Kim Chính Ân có lắm khác biệt bên ngoài, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Bảy năm trước, ta ít biết về Kim Chính Ân, sau đó ngạc nhiên và khó tin rằng con người quá trẻ đó lại có thể lãnh đạo Bắc Hàn, chẳng những vì tuổi tác mà còn vì ít kinh nghiệm. Phong thái thất thường của Kim Chính Ân càng làm người ta hoài nghi.

Bên kia thì nhiều người cũng ít biết về Donald Trump khi ông ra tranh cử tổng thống Mỹ từ năm 2015. Không hề có kinh nghiệm chính trị mà cứ phát biểu nghịch lý chói tai, ông lại đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa, rồi đắc cử Tổng thống vào Tháng 11 năm 2016. Cả hai nhân vật ấy đều lãnh đạo một cách bất ngờ và khó tin vì không có vẻ là chính trị gia chuyên nghiệp trong một hệ thống cổ điển. Vì những bất ngờ đó, chúng ta nên rà soát lại nhận thức của mình.

Thứ hai, Kim Chính Ân theo đuổi mục tiêu do ông nội và người cha đề ra từ mấy thập niên trước là hoàn tất kế hoạch chế tạo bom hạch tâm gắn trên hỏa tiễn có tầm bắn ngày một xa hơn để bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Việc họ dồn dập thử nghiệm loại võ khí tuyệt đối này từ đầu năm ngoái mới gây nguy cơ chiến tranh lan rộng tại Đông Á và phản ứng dữ dội của Tổng thống Hoa Kỳ càng làm thiên hạ lo sợ. Nào ngờ là trong có mấy tháng sự tình lại đảo ngược.

Không thể nào trong mấy giờ gặp gỡ và làm việc tại Singapore mà đôi bên đã có thể thảo luận và thống nhất ý kiến trong bản tuyên bố chung ngắn ngủi như vậy. Ban tham mưu của họ đã lặng lẽ làm việc khá lâu từ trước. Bây giờ đến lượt chúng ta nghiệm lại từ đầu và suy đoán ra kết quả.

Nguyên Lam : Như thông lệ, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh để thính giả của chúng ta nắm vững một số yếu tố quyết định trong một biến cố mà nhiều người gọi là lịch sử này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ khi ra đời vào năm 1948, Bắc Hàn là một xứ chẳng giống ai, dưới một chế độ cộng sản độc tài hà khắc mà bí mật nhất địa cầu. Bắc Hàn cũng gây ra chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1963 khi tấn công Nam Hàn. Cuộc chiến đó chưa chấm dứt mà chỉ tạm ngưng với một hiệp ước đình chiến.

Dù được Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản yểm trợ, lãnh đạo Bắc Hàn từ Kim Nhật Thành tới con trai là Kim Chính Nhật rồi cháu nội là Kim Chính Ân ngày nay theo đuổi một chính sách tạm gọi là "tự chủ", mà vẫn hoài nghi hai nước đàn anh và nhấn mạnh đến tinh thần quốc gia của dân tộc Đại Hàn. Ít ai chú ý đến chi tiết đó nên mới bị bất ngờ.

Chuyện thứ hai là trong khi kinh tế Bắc Hàn kiệt quệ vì chế độ cai trị, Nam Hàn đã tái thiết và phục hồi nhanh nhờ theo kinh tế thị trường và cải tiến dần chế độ chính trị cho dân chủ hơn. Khác biệt đó khiến Nam Hàn thành một cường quốc kinh tế có sản lượng đứng hạng 12 của thế giới ngay sau Liên bang Nga trong khi Bắc Hàn là một nước nghèo mà có lực lượng quân sự rất mạnh với võ khí quy ước rồi chiến lược có thể gieo họa cho Nam Hàn. Và cơ bản hơn cả, hai nước vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau nhiều vụ xung đột xuất phát từ Bắc Hàn.

Nguyên Lam : Thế rồi còn yếu tố quốc tế và vai trò của các cường quốc khác, như Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Liên Xô và Nhật Bản nữa. Thưa ông, trong bối cảnh sâu xa của hồ sơ này thì ta nên nhận định thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở về địa dư và lịch sử ! Sống trên bán đảo Triều Tiên, người dân Đại Hàn dần dần thống nhất đất nước thành một quốc gia mà không hề quên rằng lãnh thổ của họ nằm giữa các cường quốc và là địa bàn của các cuộc chinh phục từ Tây qua Đông hay ngược lại, từ Nhật vào Trung Quốc.

Họ nghi ngờ các lân bang như Nga, Tầu, Nhật và không muốn xứ sở trở thành một vùng trái độn quân sự cho tới khi bị chia hai và miền Nam được Hoa Kỳ bảo vệ do một Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ lại là lực lượng ổn định trên một lãnh thổ bị chia đôi và hai đại cường đã từng tấn công và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong quá khứ lại trở thành hai nước đang có những mâu thuẫn chiến lược là Trung Quốc và Nhật Bản. Sự thể đó trở thành rõ rệt hơn khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô cuối năm 1991. Việc nước Đức thống nhất từ đó cũng khiến dân Đại Hàn suy nghĩ lại.

Dự đoán kinh tế

Nguyên Lam : Và bây giờ, chúng ta có thêm một nghịch lý khác là Hoa Kỳ đã nhập cuộc để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Nam-Bắc Hàn, đảm bảo sự tồn tại của chế độ Bắc Hàn với điều kiện giải trừ võ khí chiến lược và sẽ góp phần cho việc tái thiết và phát triển bán đảo Triều Tiên. Ông kết luận thế nào và dự đoán ra sao về kinh tế ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngược với dự đoán của nhiều người nên ta mới bị bất ngờ, lãnh đạo Nam Bắc Hàn cùng hiểu ra sự chuyển động ấy ở chung quanh và thấy siêu cường số một là Hoa Kỳ không có tham vọng chiếm đóng lãnh thổ của họ như các đại cường lân bang kia đã từng làm trong lịch sử. Từ bối cảnh đó và nhìn vào bản tuyên bố chung đôi bên vừa thỏa thuận, ta thấy Hoa Kỳ đồng ý sẽ bảo vệ chứ không đòi lật đổ chế độ Bắc Hàn. Đổi lại, Bắc Hàn cam kết sẽ giải trừ võ khí hạch tâm để không còn loại võ khí tàn sát này trên bán đảo Triều Tiên.

Chúng ta còn cần thời gian kiểm chứng việc tự giải giới này, trong khi đôi bên xúc tiến các kế hoạch, chương trình và dự án kinh tế với sự góp phần của các nước khác như Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc, v.v…. Việc Chính quyền Trump chọn Singapore là địa điểm cho thượng đỉnh cũng có ý nghĩa kinh tế vì khi Kim Chính Ân tới dự hội nghị thì cũng quan sát thấy sự thịnh vượng của một đảo quốc rất nhỏ, từ một làng đánh cá trở thành một trung tâm kinh tế trù phú nằm giữa các quốc gia rộng lớn hơn.

Nguyên Lam : Như vậy, chúng ta có thể bước qua phần kinh tế trong hồ sơ này. Người ta có thể nêu câu hỏi rằng nếu ra khỏi tình trạng hay tâm lý chiến tranh, Bắc Hàn nên cải tổ kinh tế theo mô thức nào để tái thiết và tìm ra sự thịnh vượng cho người dân ? Thưa ông, liệu họ có nên học theo Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, Nam Hàn, Đài Loan, hay Singapore, hay của một xứ nào khác nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ mỗi quốc gia hay nền kinh tế lại có một nét đặc thù riêng nên chẳng thể nào áp dụng trọn vẹn giải pháp của một xứ khác. Sau 10 năm đầy hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông, Trung Quốc lụn bại thời Đặng Tiểu Bình nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng có lẽ họ học theo mô thức Nam Hàn. Có khi lãnh đạo Bắc Hàn cũng thấy vậy, nhất là thế hệ cầm quyền đời nay đã mở tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, kể cả Kim Chính Ân và các nhân vật ở chung quanh.

Khi chọn lựa giải pháp kinh tế lợi hại, quan trọng là câu hỏi "lợi cho ai và hại cho ai" ? Khi xứ sở bị tàn phá vì chiến tranh và chính sách sai lầm thì câu hỏi đó mới là then chốt. Câu trả lời chính đáng phải là "có lợi cho đa số, chứ bất công trong tăng trưởng không thể đem lại sự ổn định cần thiết cho phát triển". Nhìn như vậy và đối chiếu với những gì xảy ra cho Việt Nam thì mô thức cải cách của Việt Nam không là giải pháp nên theo ! Và lại nhờ Trung Quốc góp phần tái thiết qua các dự án xây dựng hạ tầng thì lợi bất cập hại, như ta cũng thấy tại Việt Nam.

Nguyên Lam : Ông nhắc đến trường hợp Việt Nam giữa nhiều biến động của tuần qua thì ai cũng ngậm ngùi suy nghĩ. Nếu vậy thì Bắc Hàn còn giải pháp nào khác ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhu cầu tái thiết và phát triển lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là tài nguyên thiên nhiên là điều Bắc Hàn có nhiều hơn Nam Hàn. Thứ hai là dân số và trình độ tổ chức thì Bắc Hàn có dân số đủ đông và trình độ kỷ luật rất cao trong tổ chức mà lại chệch hướng vì ưu tiên bảo vệ chế độ hơn phát triển quốc gia. Điều ấy cũng ảnh hưởng tới năng suất từ thời chiến bước qua thời bình. Thứ tư là tư bản cho đầu tư thì Bắc Hàn rất thiếu. Thứ năm, về kỹ thuật thì Nam Hàn có trình độ cao hơn nhưng kỹ thuật Bắc Hàn lại hướng vào chiến tranh.

Kết hợp ngần ấy nhân tố vào phương trình tái thiết và phát triển, tôi trộm nghĩ Bắc Hàn nên tìm ra giải pháp hỗn hợp và có thể học kinh nghiệm… Đài Loan. Xứ này cũng chưa ra khỏi tình trạng chiến tranh trước mối nguy của Trung Quốc. Không có tài nguyên, Đài Loan tìm sức mạnh ở tài nguyên nhân lực và phát triển rất nhanh mà không gây ra bất công xã hội. Kế đó mới là giải pháp của Nam Hàn, có ưu thế là đồng chủng, cùng ngôn ngữ. Cả hai nước đều theo kinh tế thị trường và tiến tới dân chủ với trình độ dân trí rất cao. Sau cùng thì với triển vọng hòa bình, Bắc Hàn có thể tìm ra nguồn trợ giúp về tư bản và kỹ thuật của nhiều nước khác. Bắc Hàn sẽ mất cả chục năm thì mới chuyển hướng quốc gia và chuyển hóa xã hội, là điều chúng ta rất nên theo dõi và học hỏi cho việc… cải cách Việt Nam.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/06/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 09 juin 2018 19:27

Mối nguy của Đặc khu tự trị

Dự luật rồ dại

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do từ năm 1997 tới nay.

Thưa ông, dư luận trong và ngoài nước đã xôn xao bàn tán về một dự luật có thể được Quốc hội Việt Nam biểu quyết vào ngày 15 này để lập ra ba khu trự trị kinh tế có quy chế hành chính đặc biệt tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Khi theo dõi hồ sơ đó, ông có thể chia sẻ những nhận xét gì cho thính giả của chúng ta ?

moinguy1

Phú Quốc, Việt Nam AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin nêu ba nhận xét sơ khởi trước khi ta tìm hiểu sâu xa hơn về các mối nguy cho Việt Nam trong một dự luật thuộc loại rồ dại nhất.

Thứ nhất, khi thấy dư luận bàn tán, Chủ tịch Quốc hội cho biết là Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Việt Nam đã thông qua nên Quốc hội sẽ ban hành thành luật. Theo phạm trù kinh doanh, ta có hiện tượng quản lý rất lạ, là Bộ Chính Trị như Hội đồng Quản trị của một doanh nghiệp, là cơ chế chưa hề sống trong lĩnh vực kinh doanh của thị trường và không thể biết mọi chi tiết khúc mắc của đời sống thật mà vẫn có quyền quyết định tuyệt đối cho ban quản trị là Nhà nước gồm có Quốc hội và Chính phủ chấp hành. Nếu Đảng trả lương cho nhân viên Quốc hội và cán bộ Chính phủ và có quyền tăng lương hay kỷ luật thì còn có sự hợp lý.

Nhưng Đảng không kiếm ra tiền và lương bổng của đảng viên cán bộ lại do tiền thuế của 93 triệu người dân chu cấp mà người dân không được tham khảo hay có tiếng nói. Nếu là một doanh nghiệp, người dân làm chủ, thuộc hội đồng cổ đông và phải được quyền lên tiếng để Hội đồng Quản trị theo đó mà làm cho có lợi. Với mô thức kỳ lạ hiện nay, Việt Nam là một doanh nghiệp tất nhiên phá sản !

Thứ hai, một số chuyên gia ở trong và ngoài nước đã lên tiếng về vụ nảy. Tôi quý trọng sự hiểu biết của nhiều chuyên gia quốc nội, nhưng thông cảm là quý vị đó không thể nói hết vì họ chưa được tự do nên chỉ có thể nói chi tiết chuyên môn mà tránh đụng vào "cái vẩy ngược của con rồng", là hệ thống chính trị của một đảng bịt mặt và khỏi bị trách nhiệm nhờ cái thế độc quyền. Họ đành nhẹ nhàng khuyên ý Đảng nên hợp với lòng dân chứ không thể than rằng lòng dân phải hợp với ý Đảng. So với thời xưa thì một số chuyên gia đã giỏi hơn nhiều, nhưng so với thiên hạ thì đấy là một thất thu về trí tuệ, nên cũng là một mất mát cho xứ sở.

Ý thứ ba là Việt Nam đi chậm hơn các nước cùng trình độ nên còn loay hoay với mô hình "đặc khu kinh tế" đã lỗi thời. Mà Việt Nam còn chìm xuống đáy với ba đặc khu chỉ chuyển giao công nghệ cờ bạc và mại dâm làm xã hội sa đọa, khi quỹ đất đã cạn nên chỉ làm lợi cho các tay trong đã biết trước mà đầu cơ địa ốc, và lại còn đe dọa an ninh quốc gia vì địa thế chiến lược của ba nơi này.

Nếu lạc quan thì dự luật đặc khu sẽ sản sinh ra các lãnh chúa người Việt và từ đó dẫn tới nạn phân hóa vì có nhiều lãnh địa trong một quốc gia chỉ thống nhất ở hình thức. Về thực tế thì dưới bóng rợp của một đế quốc không che giấu tham vọng bành trướng là Trung Quốc, dự luật sẽ dẫn đến chế độ tô giới và Bắc thuộc.

Nguyên Lam : Thính giả của chúng ta biết rằng ông không mấy lạc quan và thường có lời cảnh báo, nhưng Nguyên Lam không ngờ là ông lại bi quan đến như vậy ! Xin đề nghị ông giải thích thêm về chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về bối cảnh trước, Việt Nam có ba nhược điểm lớn là năng suất công nghiệp quá thấp, bội chi ngân sách quá cao và sau mấy chục năm thu hút đầu tư nước ngoài thì ngoại quốc hưởng lợi chứ kiến năng, là kiến thức và khả năng của mình không tăng, lợi ích kinh tế cũng vậy. Bộ Kế hoạch hay ai đó có trách nhiệm chẳng lẽ không biết các nhược điểm ấy để cải tiến chiến lược công nghiệp hóa hay sao ?

Bây giờ cái đảng chưa khi nào quản trị kinh doanh lại bày ra một dự luật có tám tai họa : 1/ có thể cho nước ngoài thuê không phải trong khoảng 50-70 năm mà 99 năm ; 2/ người chủ đầu tư có quyền bán lại hay chuyển giao thừa kế cho ai khác ; 3/ có thể giảm thuế thuê đất ; 4/ lại giảm thuế thu nhập trong nhiều năm để thu hút đầu tư ; 5/ người Việt Nam có quyền vào các đặc khu ấy để đánh bạc và giải trí ; 6/ chủ đầu tư trong đặc khu được quyền bội chi tới 70% của ngân sách ; và 8/ khó hiểu nhất, chủ đầu tư có khi không còn khả năng trả nợ, khi đó, ai chịu trách nhiệm thì không rõ. Tôi miễn bàn về từng chi tiết mà cố tổng hợp qua tám đặc tính ác độc của dự luật. Trong một cơn ác mộng, nếu tôi làm tư vấn cho kẻ thù của Việt Nam, tôi sẽ đề nghị những điều quái đản kể trên, cho chết luôn !

Mối nguy từ Đặc khu tự trị

Nguyên Lam : Ông nói cứ như cười mà không giấu được nét chua chát. Nguyên Lam xin chầm chậm hỏi ông vài chi tiết kỹ thuật cho thính giả của chúng ta hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề này. Thưa ông, tiền đâu ra và ai sẽ trả ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Là đại diện cho người dân, ta hãy tạm tin như vậy đi, Nhà nước thu thuế để lo cho dân. Dự luật lo cho nhà đầu tư, nhiều phần là ngoại quốc, nên ào ạt miễn thuế và hoãn thuế, như qua các điều 40, 43 hay 45. Như vậy, khi ngân sách đã bội chi quá nặng, Nhà nước tìm tiền ở đâu ra hay là vét thuế nơi khác ? Phải chăng người dân sẽ trả tiền cho dự án thu hút đầu tư này ? Dân có được hỏi ý hay có được biết về những chi tiết bất công ấy không ?

Bước sang một lĩnh vực nhiều rủi ro khác cho xã hội là quy chế đặc miễn lao động cho người nước ngoài. Họ không cần giấy phép lao động nếu làm việc dưới 90 ngày hoặc trong cả năm không quá 180 ngày. Mọi chuyện, từ tuyển người, đặt mức lương hay bổng và miễn thuế v.v. có thể do Chủ tịch của đặc khu quyết định. Nhà nước thống nhất đang nặn ra các nhà nước con con trong lãnh thổ, là những nhóm lợi ích, và chỉ còn nhiệm vụ tìm tiền cung phụng yêu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó, các đặc khu này cũng có quyền trang bị võ khí và nhân sự bảo vệ. Người ta muốn lập sòng bạc hay xây pháo đài mà đề ra những chi tiết ấy ?

Nguyên Lam : Nói về các mối nguy từ đặc khu tự trị, ông thấy là bà con nên chú ý tới điểm gì khác nữa sau khi ông vừa nói đến địa thế chiến lược của ba nơi này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam là đối tượng chinh phục thực tế và gần gũi của Trung Quốc qua chiến lược bành trướng đã công khai hóa của họ. Ngẫu nhiên mỉa mai là Tết Mậu Tuất vừa qua, khi góp phần tổ chức Hội Chợ Tết tại miền Nam California, bản thân tôi nhắc đến ba chiến thắng trên sông Bạch Đằng, vào năm 938 là một năm Mậu Tuất, của Ngô Quyền để giành độc lập sau 1050 năm Bắc thuộc ; rồi năm 981 khi Lê Đại Hành thắng quân Tống ; lần thứ ba là năm 1288 nhờ chiến công lịch sử của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, mà then chốt là trận Vân Đồn trước đó của Nhân Huệ vương Trần Khánh Dư khiến quân Nguyên Mông bị cạn lương. Bây giờ, Vân Đồn là nơi Bắc phương sẽ đóng cọc và khống chế miền Bắc !

Tại miền Trung, sau khi đã chiếm Hoàng Sa và Trường Sa ở ngoài biển, họ sẽ trụ tại đặc khu Bắc Vân Phong, rồi trên đường bành trướng từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương, đảo Phú Quốc trong ra Vịnh Xiêm La sẽ là vị trí chiến lược của Trung Quốc. Người ta lầm tưởng là thiên hạ sẽ vào đó đánh bạc, Trung Quốc vào nơi đó thì sẽ thiết trí khí cụ tình báo quân sự để theo dõi và khống chế. Các mỏm đá giữa Biển Đông Nam Á mà họ còn làm thành đảo nhân tạo và căn cứ quân sự thì ba hòn đảo của ta sẽ là chiến lũy của họ ! Ai bày ra chuyện đặc khu này mà ác độc như vậy ?

Nguyên Lam : Thưa ông, vì thời lượng của chúng ta thì có hạn mà đề tài lại quá đa diện cho nên Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra vài kết luận.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, nếu có chết thì cố chết cho chậm, việc gì phải ký giấy tự sát vào ngày 15 này ?

Tôi cho là những ai có thực tâm với đất nước thì nên tham khảo ý kiến của mọi thành phần liên hệ, từ doanh gia đến người am hiểu về an ninh, các chuyên gia kinh tế và luật pháp quốc tế xem thiên hạ xử trí ra sao. Lý tưởng là hỏi ý người dân chứ đừng nghĩ là họ không biết gì. Mà muốn vậy thì cần công khai hóa mọi chi tiết. Then chốt và sinh tử là các chi tiết mà Bộ Chính Trị bịt mắt có khi chẳng thấy ra các nhân tố cụ thể khác.

Thứ hai, nhìn rộng ra ngoài, đảng phải học tập kinh nghiệm thất bại với cả chục đặc khu hay dự án có tầm cỡ như Bauxite tại Tây Nguyên, khu kinh tế gang thép Vũng Áng, dự án Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội, Chân Mây, v.v… Vì sao đã thất bại mà còn đòi tái diễn với ba đặc khu kinh tế tự trị đó ?

Thứ ba, nếu không biết thì học ngoại quốc : nên mời các chuyên gia quốc tế vào làm tư vấn về mọi khía cạnh lợi hại, miễn là các chuyên gia ấy không do Bắc Kinh tuyển chọn và đài thọ.

Thứ tư, học xong thì sẽ biết Việt Nam khỏi cần đặc khu kinh tế nữa sau hơn 20 năm mở cửa ra ngoài với nhiều hiệp ước tự do thương mại và đầu tư đã ký kết với quốc tế. Sau cùng, nếu lỡ dại thì cũng nên cài trong hợp đồng các điều kiện tái xét. Một hội đồng có thực quyền phải được lập ra để theo dõi tình hình thực tế sau mỗi năm năm, 10 năm, và có quyền điều chỉnh lại những cam kết. Đấy là điều kiện tối thiểu và thông thường trong mọi giao kèo dài hạn. Nếu không, viễn ảnh bi đát lại là hiện tượng "Hoa quân nhập Việt" : người Hoa có võ trang vào làm chủ nước Việt ở những nơi sinh tử nhất của nước Nam.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về những nhận định này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 09/06/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 30 mai 2018 16:50

Những bài học từ Malaysia

Kết quả và ảnh hưởng từ bầu cử

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và xin có lời mừng rằng ông đã bình phục sau hai tuần bị bệnh.

Thưa ông, khu vực Đông Nam Á có hai quốc gia thuộc loại quần đảo với lãnh thổ trải rộng trên mặt biển là Malaysia và Indonesia. Trong Tháng Năm vừa qua, Malaysia đã có bầu cử với kết quả gây bất ngờ cho mọi người, qua Tháng Sáu tới đây, Indonesia cũng sẽ có bầu cử để cử tri chọn lựa các chức vụ tại địa phương như tổng trấn hay thị trưởng. Hoàn cảnh địa dư quá đặc biệt của các quốc gia đó là điều rất đáng chú ý nên kỳ này, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho bài toán kinh tế chính trị của họ.

malaysia1

Cựu Thủ tướng Malaysia, Narib Razak - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm nay, ba nước Đông Nam Á có bầu cử là Malaysia, Indonesia và Cam Bốt. Trường hợp Cam Bốt đáng chú ý vì đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen cố tập trung quyền lực mà chẳng có thay đổi gì nhiều. Trường hợp Indonesia thì đặc biệt hơn vì vị Tổng thống đương nhiệm mong là cử tri sẽ cho đảng của ông một đa số vững mạnh hơn tại địa phương hầu có thể hoàn thành việc cải cách đã hứa hẹn.

Riêng tại Malaysia thì cuộc bầu cử hôm mùng chín Tháng Năm lại gây ra một cơn địa chấn chính trị và kinh tế sẽ còn lan rộng trong cả khu vực, cho nên chúng ta cần tìm hiểu thêm, là điều tôi dự tính từ hai tuần trước mà rồi phải tạm bỏ vì lý do sức khỏe.

Nguyên Lam : Chính vì vậy mà kỳ này Nguyên Lam xin ông đề cập tới kết quả bầu cử đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu so sánh, Việt Nam có hoàn cảnh địa dư tốt đẹp hơn Malaysia vì là một quốc gia bán đảo với lãnh thổ tương đối liền lạc, chứ Malaysia lại không được như vậy do lãnh thổ bị chia làm hai phần.

Tại hướng Tây, Malaysia là bán đảo tiếp cận với Thái Lan, Singapore và Indonesia. Cách đó 600 cây số về hướng Đông trên mặt biển, lãnh thổ Malaysia có một phần nhỏ tại miền Bắc của của đảo Borneo, phần kia là thuộc về Indonesia. Dù có vị trí địa dư phân tán như vậy, hai nước Đông Nam Á là Malaysia và Indonesia vẫn cố thiết lập cơ chế dân chủ, tương tự trường hợp của Philippines, cho nên chuyện ấy rất đáng cho người Việt chúng ta suy ngẫm mà đừng sợ dân chủ.

Chuyện thứ hai là hoàn cảnh văn hóa và chủng tộc của Malaysia. Vì lý do địa dư lẫn lịch sử, xứ này có đặc tính đa văn hóa với ba sắc tộc chính là dân Mã Lai, người dân gốc Trung Hoa và người gốc Ấn Độ. Họ sống hòa đồng với nhau trong thể chế quân chủ lập hiến, với quốc trưởng là một Quốc vương có ưu thế biểu trưng cho tinh thần thống nhất.

Vì lý do địa dư hình thể, Malaysia còn có chế độ liên bang của nền dân chủ đại nghị sau khi giành lại độc lập từ tay Đế quốc Anh cách nay đúng 60 năm. Nền dân chủ đại nghị là khi quốc hội có thực quyền và đảng chính trị nào chiếm đa số trong Quốc hội thì đề cử chức vụ Thủ tướng là người cầm đầu Hành pháp cho một nhiệm kỳ nhất định.

Nguyên Lam : Nhiều người cứ nghĩ một quốc gia có lãnh thổ phân tán, như trường hợp Malaysia, Indonesia hay Philippines, thường hay tập trung quyền lực để chính quyền trung ương dễ cai trị. Thưa ông, kết quả ấy ra sao sau khi các nước đó giành lại được nền độc lập từ các nước thuộc địa Âu Châu ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta có thấy phản ứng tập trung đó tại Philippines và Indonesia, nhưng hậu quả là chế độ độc tài, như Ferdinand Marcos tại Philippines hay Suharto tại Indonesia. Cuối cùng thì chế độ độc tài bị người dân lật đổ tại Philippines năm 1986 và tại Indonesia năm 1998. Sau dăm ba năm hỗn loạn thì nền dân chủ vẫn được tái lập và người dân tìm ra giải pháp lãnh đạo khác.

Ta cần nói thêm rằng cả ba quốc gia Đông Nam Á ấy đều có người theo đạo Hồi và dễ bị nạn khủng bố của các phần tử Hồi giáo cực đoan cuồng tín, là chuyện vừa mới xảy ra cho Indonesia, nhưng chẳng vì vậy mà nhân danh ổn định chính trị họ rơi vào chính sách đàn áp hoặc kỳ thị. Việt Nam nên học kinh nghiệm đó của họ, nhất là khi ba quốc gia đó đều có trình độ kinh tế cao hơn Việt Nam.

Bài học cho Việt nam

Nguyên Lam : Trở lại chuyện Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua, ông thấy là Việt Nam còn có thể học được gì khác từ quốc gia này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi giành được độc lập, một chính đảng đã thực tế cầm quyền liên tục trong một liên minh với các đảng nhỏ hơn, rồi đảng chính trị này biến chất dần thành một hệ thống tham nhũng.

Một lãnh tụ từng là Thủ tướng trong 22 năm liền là ông Mohamad Mahathir liền bước qua thế đối lập với cái đảng do chính ông lập ra trước đó và liên minh đối lập này đã thắng cử bất ngờ. Thủ tướng đương nghiệm là ông Najib Rajak phải từ chức và ngày nay đang bị điều tra về tội tham nhũng. Hầu như mỗi ngày người ta lại tìm ra một chứng cớ mới về tình trạng tham ô của ông ta.

Vì vậy, bài học nên nhớ ngay là quyền lực kéo dài rất dễ đưa tới nạn tham nhũng là sự cấu kết giữa chính trị với kinh tế. Sau đó là một bài học khác, là chính quyền mới sẽ phải làm những gì để cải thiện nền kinh tế và khôi phục lại niềm tin của quốc dân ?

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông tóm lược cho thính giả của chúng ta diễn biến bất ngờ ấy để nhiều người có thể rút tỉa kinh nghiệm.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trước hết, vì sao lại có sự bất ngờ đó ?

Từ quá lâu, những người tạo ra dư luận thường đánh giá sai phản ứng của quần chúng mà cho rằng nguyên trạng sẽ còn tiếp tục. Nào ngờ liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak chỉ được 79 ghế trong tổng số 222 ghế của Quốc hội và liên minh các đảng đối lập lại được 113 ghế dân biểu. Đảng cầm quyền không chỉ thất cử mà các nhân vật có thế giá trong đảng cũng bị cử tri cho về vườn tại những địa phương cứ tưởng là thành lũy của đảng.

Thật ra, chỉ dấu bất mãn của cử tri được thấy từ cuộc bầu cử năm 2008, 10 năm về trước, và còn suy sụp hơn trong cuộc bầu cử năm 2013, nhưng liên minh cầm quyền vẫn giữ được đa số là 132 ghế trong Quốc hội nên mắc tội chủ quan.

Chuyện thứ hai ít ai thấy ra là sự chuyển dịch dân số khá chậm rãi. Thành phần dân Mã Lai có tỷ lệ sinh sản cao hơn trong khi dân số những ngưới gốc Hoa và gốc Ấn lại cứ sụt dần. Liên minh cầm quyền kết hợp ba thành phần sắc tộc ấy trong một hệ thống quyền lợi kinh tế đã mất dần thế mạnh mà không biết, cho tới khi bị thất cử thê thảm hôm mùng chín.

Tương lai của Malaysia

Nguyên Lam : Thưa ông, việc nguyên Thủ tướng Mohamad Mahathir lại ra nhậm chức ở tuổi 92 có là điều lạ hay không và ông ta có thể làm gì cho tương lai ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hai chục năm trước, trong vụ khủng hoảng Đông Á vào các năm 1997-1998, tôi đã có dịp trình bày về nhân vật Mahathir này trên diễn đàn của chúng ta. Là người Mã Lai đã tranh đấu cho nền độc lập, ông ta có tư tưởng thiên tả trong chính sách kinh tế nhưng triệt để yêu nước và nghi ngờ Tây phương. Sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir đã về hưu từ năm 2003. Nhưng khi đảng cầm quyền của ông trở thành sa đọa và gây thiệt hại cho kinh tế nên ông phải bước ra lãnh đạo một đảng đối lập và trở về làm Thủ tướng.

Một nhân vật thân tín xưa kia là Phó Thủ tướng của ông Mahathir là Anwar Ibrahim thì bị mất chức từ năm 1998 và hai lần bị truy tố rồi vào tù vì những tội danh thật ra là chính trị nay cũng vừa được Quốc vương ân xá. Là người có thực tài và uy tín trong khối đối lập, ông Anwar này có hy vọng kế nhiệm sau một hai năm giao thời của ông Mahathir.

Nguyên Lam : Khi theo dõi tình hình Malaysia từ đã lâu như vậy, ông dự đoán thế nào về tương lai xứ này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về trường kỳ, sự chuyển dịch dân số với thành phần gốc Mã Lai theo Hồi giáo sẽ có chủ trương quốc gia dân tộc mạnh hơn và không mấy tin tưởng vào Trung Quốc. Kết quả bầu cử vừa rồi tại Malaysia là điều bất lợi cho Bắc Kinh, nhất là cho Kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của ông Tập Cận Bình. Ta đừng quên rằng về địa dư, Malaysia cũng góp phần kiểm soát Eo biển Malacca trên dòng hải lưu chiến lược nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương.

Nói về trung hạn, trong vòng từ hai năm tới năm năm, lãnh đạo của Malaysia cũng muốn cải cách cơ chế kinh tế để ít lệ thuộc hơn vào việc xuất khẩu năng lượng và khoáng sản mà phát huy thế mạnh của việc xây dựng hạ tầng cơ sở và các ngành sản xuất có trình độ công nghệ cao hơn. Tôi cho là Thủ tướng Mahathir và ông Anwar sau đó sẽ thực hiện việc chuyển hướng như họ đã hứa khi tranh cử.

Nói về tương lai ngắn hạn, chính quyền mới phải thu hồi lại cho công quỹ khoản tài sản đã bị Thủ tướng cũ lấy cắp, là điều cần thiết vì ngân sách bị bội chi và vì đề nghị giảm thuế tiêu dùng của Chính quyền Mahathir. Do đó việc chấn chỉnh công chi thu, kể cả thanh toán một số dự án với Trung Quốc, rồi chuyển hướng phát triển cho Malaysia sẽ là những ưu tiên mới.

Nguyên Lam : Vì thời lượng của chúng ta có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kế luận về những bài học từ Malayia.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có hoàn cảnh địa dư và lịch sử bất lợi hơn Việt Nam và cũng từng bị cộng sản chi phối trong những năm đấu tranh cho độc lập, Malaysia tránh được tai họa cộng sản và chiến tranh. Sau đó, họ cố gắng xây dựng dân chủ dù gặp khá nhiều rủi ro. Kết quả là trên một lãnh thổ rộng bằng Việt Nam, với dân số chỉ bằng một phần ba, Malaysia có sản lượng kinh tế vượt xa Việt Nam và người dân có mức sống bình quân là cao gấp bốn lần người Việt mình. Sau cuộc bầu cử vừa rồi, Malaysia sẽ có tương lai khá hơn Việt Nam vì người dân của họ được quyền chọn lựa một giải pháp khác.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 30/05/2018

Published in Diễn đàn

Cuộc đọ sức thương mại với Trung Quốc do tổng thống Trump mở màn từ tháng 03/2018 tạm lắng. Bắc Kinh và Washington "hưu chiến" nhờ đôi bên có một số nhượng bộ bề ngoài. Nhưng Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng hai đòi hỏi chính của Mỹ là bảo vệ tác quyền và chế độ đầu tư ngoại quốc vào thị trường Trung Quốc.

commerce1

Bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin (P) tại một khách sạn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 03/05/2018. Reuters/Jason Lee/File Photo

Washington khuấy lên chiến tranh thương mại với phần còn lại của thế giới, đầu tiên là với hai nước láng giềng Canada và Mexicoô, kế tới là với các đồng minh chiến lược : Liên Hiệp Châu Âu, các nước bạn hàng Châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng ngay từ khi bước chân vào Nhà Trắng, mục tiêu tổng thống Donald Trump nhắm tới luôn luôn là Trung Quốc.

Nhôm thép, máy giặt và gần đây nhất là cả ngành công nghiệp xe hơi của thế giới đang nơm nớp chờ đợi quyết định sau cùng của một Donald Trump rất quyết tâm bảo vệ quyền lợi của người lao động Mỹ "trên hết".

Làm đảo lộn trật tự thương mại thế giới, tổng thống Hoa Kỳ gây hoang mang trong hàng ngũ các đồng minh thân thiết nhất của Mỹ mà vẫn không giải quyết được vấn đề chính là thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc. Cuộc đọ sức thương mại Mỹ -Trung còn là một cuộc tranh giành ảnh hưởng về chiến lược. Theo các chuyên gia, điều nguy hiểm ở đây là Nhà Trắng đang "nhường sân chơi" cho Trung Quốc.

Mở màn cuộc chiến thương mại hồi tháng 03/2018 trên Twitter, tổng thống Mỹ viết : "Khi một quốc gia là Hoa Kỳ, mất hàng tỉ đô la với mỗi đối tác, thì chiến tranh thương mại là điều tốt và dễ thành công". Tiếp theo đó là các đòn vừa dụ vừa dọa, là cuộc khẩu chiến leo thang giữa Washington và Bắc Kinh : Nhà Trắng đòi phạt 60 tỉ đô la nhắm vào hàng Trung Quốc nhập sang Hoa Kỳ, Trung Quốc dọa lại phạt hàng Mỹ 50 tỉ đô la... Tổng thống Trump trả giá đòi Trung Quốc giảm 200 tỉ đô la thâm hụt mậu dịch của Mỹ so với bạn hàng Trung Quốc.

Đó chỉ là bề nổi của tảng băng. Ở hậu trường, đôi bên không ngừng đàm phán. Phái đoàn của cả đôi bên đi lại giữa Bắc Kinh với Washington không biết bao nhiêu lần.

Gần ba tháng sau, tại Washington ngày 19/05/2018, bộ trưởng tài chính Mỹ Steven Mnuchin thông báo Hoa Kỳ và Trung Quốc "đình chỉ chiến tranh thương mại" sau nhiều thiện chí của Bắc Kinh : Trung Quốc cam kết sẽ mua nhiều hàng của Mỹ hơn (nhưng không nói rõ là bao nhiêu), cải tổ hệ thống thuế quan để hàng Mỹ dễ thâm nhập vào thị trường Châu Á rộng lớn này hơn.

Trong mắt giới quan sát, Bắc Kinh đã cho tổng thống Trump "uống nước đường", nhượng bộ bề ngoài, nhưng cốt lõi của vấn đề dẫn tới tình trạng nhập siêu của Hoa Kỳ vẫn nguyên vẹn. Trong năm 2017 Trung Quốc xuất khẩu 505 tỉ đô la hàng hóa sang thị trường Mỹ, nhập vào 130 tỉ đô la hàng Made in USA.

Từ Hoa Kỳ, chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa phân tích :

Thật ra thì tùy quan điểm hay định nghĩa, trận chiến đã mở màn hoặc chưa mở màn. Chính quyền Donald Trump cho rằng trận chiến đã mở màn khi Trung Quốc được gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới 20 năm trước và có chính sách trục lợi bất chính nên đe dọa an ninh của nước Mỹ và không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ lại còn đánh cắp công nghệ Hoa Kỳ. Vì vậy, Hoa Kỳ phải trả đũa.

Phía Bắc Kinh thì cho rằng chính quyền Trump đòi hỏi quá đáng và bắt đầu tiến trình "vừa đánh vừa đàm" để tránh một trận chiến mậu dịch bất lợi cho đôi bên. Sau nhiều lần đàm phán tại Bắc Kinh và Washington, tôi cho rằng hai phe đang tạm hưu chiến cho tới khi bộ trưởng thương mại Mỹ là Willbur Ross sẽ qua lại Bắc Kinh thương thuyết trong ba ngày 2-4/06/2018.

Ngoài ra, cần nói thêm rằng mậu dịch chỉ là một yếu tố chứ không phải là tất cả trong quan hệ giữa đôi bên, nếu ta nhớ tới vụ Bắc Hàn, Đài Loan và an ninh tại Biển Đông.

Cho tới nay, Bắc Kinh chỉ nhượng bộ qua ngôn từ là sẽ nhập thêm hàng hóa và dịch vụ Mỹ chứ không nói là bao nhiêu mà phía Mỹ cũng để lửng lơ như vậy. Chính quyền Trump thì tỏ vẻ nhượng bộ với hồ sơ của tập đoàn viễn thông ZTE của Bắc Kinh, nhưng mấu chốt lại thuộc về Quốc hội và nhiều dân biểu nghị sĩ Cộng Hòa. Rốt cuộc thì ZTE chưa được tha, vẫn bị phạt một tỉ ba và cơ cấu quản trị phải thay đổi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng đôi bên mới chỉ dọa già mà thôi, chứ vẫn còn nhiều khoản mơ hồ, rất là "flou artistique" (mờ ảo tài tử)!

RFI : Đôi bên mới chỉ dọa già và còn để lại nhiều khoảng trống nào ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Phía Bắc Kinh cho ông Trump uống nước đường khi hứa hẹn nhập thêm nông sản như đậu nành và bo bo, hoặc mua thêm khí lỏng của Hoa Kỳ. Nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc cũng cần khí lỏng của Mỹ và nếu Trung Quốc có mua thêm các sản phẩm đó thì tổng số cũng chưa lên tới 30 tỉ đô la, không thể bằng con số 200 tỉ mà Hoa Kỳ đòi hỏi. Quan trọng nhất là bản thông cáo chung do đôi bên công bố ngày 19/05 chẳng nói gì tới hai yêu cầu quan trọng nhất của Mỹ.

Thứ nhất, bao giờ Bắc Kinh sẽ chấp hành luật lệ bảo vệ tác quyền mà các nước Âu Mỹ đều than phiền và sẽ chấp hành qua các biện pháp cải tổ cơ chế ra sao ?

Thứ hai là chế độ đầu tư vào thị trường Trung Quốc, có còn tình trạng hạn chế và kỳ thị doanh nghiệp nước ngoài không ? Hoa Kỳ đã hăm dọa áp dụng đúng chế độ này cho các doanh nghiệp Trung Quốc muốn đầu tư vào Mỹ.

Hai khoảng trống mông lung ấy sẽ còn phải bàn cãi và khai triển thêm, trước khi được áp dụng.

RFI : Bàn thắng nghiêng về phía Bắc Kinh ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Người ta có thể nghĩ như vậy vì năm lý do.

Thứ nhất, tháng trước, phái bộ Mỹ gồm bốn nhân vật cao cấp tới Bắc Kinh mà không gặp phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn và chủ tịch Tập Cận Bình.

Thứ hai, mươi hôm trước, phó thủ tướng Lưu Hạc gặp các ủy ban hữu trách của Hạ viện rồi Thượng viện Mỹ và đàm phán với các bộ liên hệ của Hoa Kỳ rồi còn gặp ông Trump mà chẳng lùi một bước.

Thứ ba là ban tham mưu của tổng thống Mỹ có sự bất nhất hay thiếu thống nhất giữa xu hướng ôn hòa là tìm giải pháp thỏa hiệp ngắn hạn và xu hướng quyết liệt là đòi hỏi những thay đổi căn bản trong cơ cấu khiến Bắc Kinh lâm vào thế kẹt mà phải nhượng bộ.

Lý do thứ tư là chính quyền Trump có vẻ thiếu tập trung vào đối tượng nguy hiểm nhất là Trung Quốc mà tản lực và gây vấn đề cho các nước đối tác vốn cũng là đồng minh của nước Mỹ về an ninh.

Sau cùng, phải nói rằng ông Trump có làm bất cứ việc gì thì cũng bị truyền thông Mỹ và Âu Châu đả kích, cho nên với tôi, chuyện đó chỉ là trò giải trí.

RFI : Đọ sức thương mại Mỹ -Trung, ai bị vạ lây ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ chiến lược Donald Trump có thể gọi là "toàn phương vị" hay "tout azimuth", là đòi đánh thập phương tứ hướng, và chiến thuật là đòi tối đa, "maximalist", rồi từ đó mới đàm phán và ngã giá. Vì vậy, khi chính quyền Trump vừa tuyên bố quyết định này hay biện pháp kia thì nhiều doanh nghiệp thất kinh làm cổ phần sụt giá, thị trường chao đảo. Cho tới nay, Hoa Kỳ mới chỉ dọa chứ chưa có quyết định chính thức nào, từ mục 272 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962, hay mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974 hoặc một đạo luật mới của Quốc hội Hoa Kỳ.

Bắc Kinh thì mong là các tiểu bang bị vạ lây vì phản ứng trả đũa của họ đều là những nơi đã bỏ phiếu cho ông Trump năm 2016. Họ biết nước Mỹ nhiều hơn là dân Mỹ hiểu về Trung Quốc, trong khi họ cũng biết rằng nếu không cải cách thì kinh tế và xã hội Trung Quốc sẽ khốn đốn.

RFI : Tương lai bàn cờ thương mại thế giới đi về đâu ?

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Donald Trump chỉ là triệu chứng chứ không là nguyên nhân. Từ 25 năm nay, thế giới có nhiều thay đổi mà các cơ chế thành hình từ sau Thế Chiến Hai không theo kịp và đang dần dần phá sản. Những dàn xếp quốc tế hay các cơ chế đa phương không thỏa mãn sự khát khao hay nguyện vọng, thậm chí cả nạn mị dân, của các khuynh hướng quốc gia dân tộc. Hậu quả là phản ứng đáng sợ : "đèn nhà nào nhà ấy rạng, mạng người nào người ấy giữ" !

Từng nước đang tìm thỏa thuận thương mại song phương với nhau và nhường sân chơi cho một quốc gia lý tài và bảo hộ mậu dịch một cách tinh vi nhất, là Trung Quốc !

Ít ai chú ý là bộ quốc phòng Hoa Kỳ cũng có tiếng nói trong mâu thuẫn về mậu dịch với Trung Quốc và nhìn từ giác độ an ninh của thế giới và của nước Mỹ, cho nên chuyện này không chỉ có mậu dịch hay buôn bán.

Thanh Hà thực hiện

Nguồn : RFA, 29/05/2018

Published in Diễn đàn
jeudi, 10 mai 2018 23:00

Lý luận kinh tế của Marx

Thiên tài ngụy biện

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.

Thưa ông, trong tuần qua, Chính quyền Trung Quốc và Việt Nam có sinh hoạt kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Karl Marx. Mỗi quốc gia có thể có một lý do tổ chức lễ kỷ niệm này, nhưng việc Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc tham dự lễ kỷ niệm trong Nhân Dân Đại Sảnh tại Bắc Kinh và long trọng đề cao cuộc đời cùng tư tưởng của Marx như một di sản thần thánh dẫn đến sự thịnh vượng của Trung Quốc ngày nay cũng làm nhiều người ngạc nhiên. Vì vậy, kỳ này, Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích riêng về lý luận kinh tế của Marx.

lyluan1

Tranh cổ động có hình Marx, Engels và Lenin tại Việt Nam - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong cả chục nhà tư tưởng Âu Châu vào thế kỷ 19 và 20 về xã hội chủ nghĩa, chỉ Marx có chủ thuyết được coi là lý luận chính thống của các đảng phái chính trị tự xưng là đại diện của giai cấp công nhân thợ thuyền. Y như Mao Trạch Đông, cuộc sống thật của Marx không được như Tập Cận Bình đề cao chỉ vì nhu cầu củng cố vai trò của đảng Cộng sản Trung Hoa. Ai tin việc tuyên truyền ấy thì ráng chịu. Nhưng quả thật là chúng ta nên nhìn ra huyền thoại - là chuyện không có thật mà cứ được loan truyền - về lý luận kinh tế của Marx, mà điều này thật ra không dễ vì ông ta là một thiên tài về nghệ thuật ngụy biện.

Trong cả trăm năm, giới nghiên cứu lịch sử vẫn đánh giá cao thiên tài của Marx vì là tác giả của tài liệu tuyên truyền đầy lý tưởng là bản Tuyên ngôn Cộng sản, viết cùng Fredrich Engels và xuất hiện năm 1848, sau đó là các tài liệu vô cùng khó hiểu cho người thường, nhất là bộ "Tư Bản Luận" hay "Das Kapital, viết từ năm 1867 tới khi chết vào năm 1883, cũng do Engels sao nhuận và xuất bản.

Những kẻ nông dại tin vào bản Tuyên ngôn thì cho rằng tài liệu ấy được hỗ trợ bởi một pho sách mà chỉ có giới bác học mới hiểu. Vì vậy, tôi thiển nghĩ Marx là một thiên tài ngụy biện và nếu không có Lenin sử dụng một số ý kiến của ông để cướp chính quyền và xây dựng xã hội chủ nghĩa thì Marx cũng chỉ là một nhà tư tưởng lỗi thời trong buổi bình minh của tư bản chủ nghĩa mà thôi.

Trình tự của lý luận

Nguyên Lam : Ta sẽ khởi đi từ đó và xin đề nghị ông chầm chậm trình bày cho thính giả của chúng ta hiểu ra trình tự hay diễn tiến về lý luận kinh tế của Marx.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quả thật là ta phải đi chầm chậm vì không dễ hiểu đâu ! Tinh hoa của Marx là đưa ra sự tiên đoán về sự chuyển hóa của xã hội con người lồng trong việc phê phán tư bản chủ nghĩa mới phôi thai vào thời đại của ông. Sau này nhìn lại thì các tiên đoán ấy đều sai mà việc phê phán tư bản chủ nghĩa lại thiếu cơ sở khoa học, là chuyện chúng ta sẽ nói tới. Những tiên đoán của Marx đều sai khi ông còn sống với sự ra đời của Đệ nhất rồi Đệ nhị Quốc tế, thành thử

Chủ nghĩa Mác-xít có mấy phiên bản mâu thuẫn và đối nghịch cho tới khi Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời với Đệ tam Quốc tế và Đệ nhất Thế chiến. Sau đó là một vụ tàn sát kéo dài cũng vì nhân danh Karl Marx. Vì sao tư tưởng Marx lại bị nhiều lần xét lại như vậy thì cả Staline tại Liên Xô, Mao Trạch Đông hay các nhà lý luận cò con của xứ khác cũng chẳng giải thích được sau khi giết nhau như ngóe ! Ngày nay, Tập Cận Bình cũng chỉ ngoa ngụy nói láo mà thôi ! Bây giờ, ta sẽ đi vào phần nhức đầu hơn nữa là lý luận kinh tế của Marx.

Nguyên Lam : Ông mới chỉ nhắc lại vài chi tiết về bối cảnh đó, nhiều người đã giật mình ! Nguyên Lam xin đề nghị ông khai triển tiếp các khía cạnh kinh tế.

Nguyễn Xuân Nghĩa : Khi còn trẻ và học các nhà tư tưởng đi trước, Marx đã muốn đưa ra một triết lý về lịch sử, theo đó các xã hội của con người sẽ tiến hóa theo một xu hướng tất yếu. Đó là phần tiên đoán lý tưởng mà non dại của Marx, nhưng sau này được hệ thống hóa thành "duy vật sử quan", quan điểm duy vật về lịch sử. Sau đó, Marx mới học hỏi thêm về kinh tế và xã hội để lồng vào lý luận có vẻ tiên tri của mình một số hiểu biết lõm bõm về khoa học đầy chất "duy lý" vì tưởng lý trí sẽ giải quyết được mọi bài toán của nhân sinh.

Nói nôm na dễ hiểu thì xã hội con người tất nhiên tiến hóa theo những định luật lịch sử và vì tư bản chủ nghĩa đã thay thế chế độ nô lệ và phong kiến nên tất yếu sẽ bị thay thế bởi chế độ xã hội chủ nghĩa để tiến lên cộng sản chủ nghĩa. Cốt tủy của Marx là hợp nhất một phê phán luân lý, rằng tư bản chủ nghĩa là sự bóc lột, với chuỗi lập luận có vẻ khoa học về sự bóc lột đó, cho nên tất yếu dẫn tư bản chủ nghĩa tới khủng hoảng và đào thải. Nhưng dưới vẻ khoa học, lý luận kinh tế của Marx là chuỗi ngụy biện !

Nguyên Lam : Vì biết đề tài kỳ này khó hiểu, Nguyên Lam sợ là nhiều thính giả vẫn muốn ông giải thích thêm về lý luận kinh tế đó của Karl Marx.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất, Marx vẽ ra lý luận nhập môn về "giá trị lao động", theo đó trị giá của mọi loại hàng hóa là bằng với lượng lao động bình quân để sản xuất ra món hàng đó. Bước thứ hai là lý thuyết về "tiền lương", vì Marx cho rằng tư bản chủ nghĩa dựa trên quyền tư hữu về phương tiện sản xuất nên giới tư bản mua dùng lao động vận hành các phương tiện sản xuất kia và bóc lột người lao động bằng lương rẻ. Bước thứ ba là lý luận về "giá trị thặng dư", sự sáng tạo hàm hồ nhất của Marx. Vì ông ta cho giá trị của hàng hóa là bằng với lượng lao động được mua với tiền lương, thì giới tư bản chỉ cần trả lương thấp hay bắt thợ thuyền phải lao động nhiều hơn là sẽ có thêm lợi nhuận.

Ra cái vẻ khoa học, Marx còn viết ra công thức về lợi nhuận của tư bản như một phân số : lợi nhuận là tử số ở trên, bên dưới mẫu số gồm có tư bản cố định tức là đất đai và máy móc, và tư bản biến thiên là sức lao động, xin nói tắt là LN/C+V. Qua nhiều đoạn chứng minh, Marx quy định rằng tư bản biến thiên, hay sức lao động, luôn luôn bằng với lợi nhuận. Từ đấy bèn kết luận rằng giá trị thặng dư hay tỷ lệ bóc lột là 100%. Sự thật không phải vậy nhưng mấy ai chịu khó đọc và tìm ra sự hàm hồ đó ?

Bần cùng hóa

Nguyên Lam : Trở lại quy tắc đạo lý về nạn bóc lột và sự tiêu vong tất yếu của tư bản chủ nghĩa thì thưa ông, Karl Marx và những người theo chủ nghĩa Mác giải thích ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Marx đã hàm hồ, người Mác-xít lại khéo ngụy biện nên có nhiều cách giải thích khác nhau ! Lý luận đơn giản nhất là sự bần cùng hóa.

Vì giới tư bản hay giai cấp tư sản làm chủ các phương tiện sản xuất như đất đai máy móc nên họ ra sức bóc lột sức lao động của công nhân khiến thành phần này bị bần cùng, trở thành vô sản, ngày càng đông và có ý thức giai cấp cao hơn, trước bọn bóc lột giàu có hơn mà sẽ là thiểu số. Vì vậy, cách mạng tất yếu bùng nổ để đa số lập ra một chế độ công bằng hơn cho mọi người. Thực tế thì điều ấy chỉ xảy ra và đã xảy ra trong các nước xưng danh cộng sản hay xã hội chủ nghĩa khi nền chuyên chính vô sản mà Marx nói tới lại là ách chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản. Chúng ta đang thấy điều đó tại Cuba hay Venezuela và ngay tại Việt Nam.

Một cách giải thích tinh vi hơn của những người tự xưng là Mác-xít dựa trên công thức ngoa ngụy của Marx về "giá trị thặng dư" hay lợi nhuận. Vì lợi nhuận dựa trên sức lao động cộng với các phương tiện sản xuất cố định, khi các phương tiện nảy giảm mà sức lao động tăng thì lợi nhuận tất nhiên sẽ giảm và tư bản chủ nghĩa sẽ nghèo đi và bị khủng hoảng rồi sụp đổ. Thời Marx, nhiều người tưởng vậy và khai triển lý luận vừa đạo lý vừa khoa học mà hàm hồ của ông về "giá trị thặng dư" để tiên báo sự sụp đổ tất yếu của tư bản chủ nghĩa và sự ra đời cũng tất nhiên của xã hội chủ nghĩa.

Thành thử, nếu nói cho gọn thì lý luận kinh tế của Marx là sự nông cạn dễ hiểu vào thời đại của ông. Nhưng trên cơ sở của tư tưởng cao đẹp về việc giải phóng con người, ông cũng biện minh cho tội ác. Người ca ngợi Marx là thiếu hiếu biết về kinh tế học, hoặc tệ hơn vậy, là chạy tội cho kẻ sát nhân. Marx chỉ khoác vai đấng cứu thế và chẳng giết ai nhưng chủ nghĩa Mác-Lênin và chế độ cộng sản đã làm cả trăm triệu người chết.

Ảo tưởng

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, vì sao một tư tưởng cao đẹp với các lập luận kinh tế đáng ngờ của Karl Marx lại có thể là biến cố lớn trong thế kỷ 20 và giờ này còn được một số người ngợi ca ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có thể chỉ vì giới trí thức lười suy nghĩ và hơi hèn ! Họ lười nghĩ vì tin vào những tiên đoán của Marx và còn muốn đón đầu lịch sử nên trở thành công cụ của tội ác rồi cúi đầu chấp nhận, nay còn lải nhải về Marx như kẻ ghiền ma túy.

Đầu tiên là Engels khi gây ảo tưởng về tương lai tất yếu của nhân loại qua nhiều tiểu luận của ông, nhất là tác phẩm "Chống Duhring" xuất bản năm 1876, khi đã manh nha các tư tưởng xã hội chủ nghĩa có tính chất cải lương thay vì cách mạng tại Đức. Engels đơn giản hóa nhằm quảng bá tư tưởng có vẻ tiên tri của Marx về một chủ thuyết hành động hợp với quy luật lịch sử cho quần chúng chạy theo.

Sau đó, Lenin mới là một trí thức siêu đẳng đã đi vào hành động để dùng tư tưởng Marx làm công cụ cách mạng qua nhiều tác phẩm của ông. Để nguyên thì tư tưởng Marx đã bị đào thải, là chuyện có thể hiểu được. Nhưng Lenin khai triển, loại bỏ và đảo ngược nhiều lý luận của Marx để xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp về cướp chính quyền và thiết lập nền chuyên chính với độc quyền chân lý của đảng và nhà nước theo nguyên tắc dân chủ tập trung đang thấy tại Bắc Kinh. Vì vậy, cách mạng vô sản không xảy ra tại Đức như Marx tiên đoán mà tại Nga nhờ Lenin. Chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời mới dọn đường cho các bạo chúa như Stalin hay Mao Trạch Đông và nhiều kẻ hiếu sát sau này.

Nguyên Lam : Chúng ta không còn nhiều thời gian nên Nguyên Lam xin ông cho một kết luận ngắn gọn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Karl Marx rậm râu sâu mắt chỉ là mụ đỡ cho một lũ sát nhân khiến cả trăm triệu người thiệt mạng trong thế kỷ 20 vì chủ nghĩa cộng sản. Qua thế kỷ 21 mà còn ngợi ca Marx thì chỉ có những kẻ mê tín hoặc các chế độ độc tài muốn dựng xác chết để bảo vệ hệ thống bóc lột đã bị chính Marx đả kích. Hèn gì, vào lúc cuối đời, Marx nói rằng ông không là người Mác-xít !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đầy vẻ châm biếm kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/05/2015

**********************

Việt Nam vận dụng chủ nghĩa Marx (RFA, 10/05/2018)

"Mồ cha không lậy, đi lậy tổ mối"

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Minh Triết đánh giá, việc Việt Nam tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx - một nhà tư tưởng là điều bình thường, có tính văn hóa, nhưng lại thể hiện tư duy "mồ cha không lậy, đi lậy tổ mối".

lyluan2

Các sự kiện sinh nhật của Karl Marx thu hút các cuộc biểu tình ở Đức - AFP

Ông Nguyễn Khắc Mai nói rõ thêm, năm 2017 là dịp kỷ niệm 110 năm phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục - một phong trào được nhìn nhận là tiến bộ về tư tưởng, là cuộc "quốc gia khởi nghiệp" đầu tiên của Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhưng Chính quyền Việt Nam không tổ chức kỷ niệm.

Điều này có thể được lý giải rằng, bởi vì Đảng Cộng sản và chính quyền hiện nay đi theo chủ thuyết của Karl Marx, không đi theo đường hướng tư tưởng của Đông Kinh Nghĩa Thục, do vậy, họ "nhất bên trọng, nhất bên khinh" đối với 2 dịp kỷ niệm như vậy.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Khắc Mai đặt nghi vấn rằng, Việt Nam có thực sự đi theo những giá trị tư tưởng của Marx hay không.

"Thế còn anh coi ông ta (Marx) là ông tổ sư của mình, rồi coi là người dẫn đường cho tới hôm nay, rồi anh nói là nó (chủ nghĩa Marx) hợp thời đại, là kim chỉ nam, v.v... Đấy là quyền của anh thôi, anh nghĩ thế nào, anh nói như thế thôi. Nhưng có là sự thật hay không, có đúng hay không, có lừa dối hay không, có đánh tráo khái niệm hay không, lại là vấn đề khác".

Marx phủ nhận chính Marx

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Marx có 3 nhân cách khác nhau chia theo lứa tuổi : Marx thời trẻ, Marx thời trung niên và Marx khi đã già. Chủ nghĩa Cộng sản được Marx sinh ra ở lứa tuổi trung niên với hàng loạt tác phẩm như Tư bản luận, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, …

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh - nhà nghiên cứu triết học, có hai điểm nổi bật của Chủ nghĩa Marx là tư duy biện chứng và đấu tranh giai cấp. Trong đó, tư duy biện chứng là sản phẩm của lịch sử triết học và đỉnh cao là triết hoc cổ điển Đức mà người tổng kết lại là Hegel. Do vậy, chỉ còn đấu tranh giai cấp là điều nổi bật duy nhất của Marx và khi áp dụng nó thì hậu quả để lại rất bi thảm như Đại cách mạng văn hóa do Mao Trạch Đông gây nên tại Trung Quốc.

"Trong giai đoạn trước của cách mạng Việt Nam thì đã có hẳn một khẩu hiệu "Trí, Phú, Địa, Hào / Đào tận gốc, trốc tận rễ". Trí thức là đối tượng được coi là tội phạm nặng nhất. Trí thức, địa chủ, cường hào thì sẽ không có tên, không được phép tồn tại trên mặt đất này, bởi vì đào tận gốc, trốc tận rễ. Những quốc gia xã hội chủ nghĩa, hay những quốc gia cộng sản thì người ta đã làm theo cách đó".

Theo ông Nguyễn Khắc Mai, khi về già, Karl Marx đã phủ định lại tư tưởng của chính mình thời trung niên và dường như đã "sám hối", từ bỏ cương lĩnh xây dựng chủ nghĩa cộng sản.

"Ông đã trò chuyện với người bạn thân, người giúp ông nên người là Engels. Thì Engels đã thổ lộ trong bài từ của tác phẩm của Marx "Những cuộc đấu tranh giai cấp ở Pháp" và Engels khẳng định rằng, chẳng có chủ nghĩa cộng sản gì cả, không có lý tưởng cộng sản vĩ đại gì hết đâu. Nó chỉ là những điều suy nghĩ trẻ con lúc thiếu thời của Marx, mà nay về già thì ông đã từ bỏ. Tức là bản thân Marx đã từ bỏ cái thời trung niên của mình".

Trong tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản", Marx và Engels nhấn mạnh đến việc xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, nhưng đến cuối đời Marx lại cổ súy cho quyền tư hữu để tạo động lực cho xã hội phát triển. Còn về cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản và giai cấp tư sản, Marx đã dự đoán về việc sẽ hình thành nên một "bọn tham vọng mới".

"Marx trò chuyện với Bakunin, Marx nói rằng : một khi giai cấp công nhân nắm được chính quyền, họ sẽ thúc đẩy một chế độ ủy trị, để cho một nhóm người tự bầu cử và ứng cử - y như ở Nga, ở Tàu, ở Việt, để cai trị và đại diện cho công nhân. Ngay lập tức công nhân thấy mình bị lừa dối, bị lệ thuộc. Sau một hồi hưng phấn cách mạng trong một kiểu nhà nước mới thì công nhân sẽ bừng tỉnh thức dậy và thấy mình là nô lệ, là con dối, đặc biệt là con mồi, nạn nhân của những tham vọng mới".

Ông Nguyễn Khắc Mai chia sẻ thêm, thời trẻ, Marx là một người chịu ảnh hưởng của cách mạng dân chủ tư sản, cổ súy cho nhân quyền và các quyền tự do, trong đó có tự do báo chí.

Việt Nam áp dụng cái gì của Chủ nghĩa Marx

Trong thực tế lịch sử, Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, … và nhiều lãnh tụ cộng sản khác đã vận dụng tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của Marx vào trong quốc gia của mình, đặc biệt là quan điểm đấu tranh giai cấp. Tại Việt Nam, cho đến dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Karl Marx, Đảng Cộng sản vẫn tôn vinh quan điểm đấu tranh giai cấp này. Theo ông Khắc Mai, thì đây chính là việc người ta đã thu nhận những gì mà Marx đã từ bỏ, thải đi và phủ nhận.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giới lãnh đạo Việt Nam không thực sự hiểu về Marx và toàn bộ tư tưởng của Marx, và áp dụng những thứ mà Marx đã phủ nhận, bỏ đi lúc cuối đời. Ông Mai đánh giá, Marx đã dự đoán đúng về giới cầm quyền theo chủ nghĩa cộng sản là đám "tham vọng mới", trong đó có giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay.

Cho đến nay, chỉ còn 5 quốc gia đi theo chủ nghĩa cộng sản, đó là Trung Quốc, Bắc Hàn, Lào, Cuba và Việt Nam. Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Vịnh, các quốc gia cộng sản còn lại đã "vận dụng sáng tạo" chủ nghĩa Marx bằng cách thêm vào những yếu tố khác, như Trung Quốc là Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc, tư tưởng Mao Trạch Đông ; Việt Nam là Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh ...

Nguồn : RFA, 10/05/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 01 mai 2018 16:05

Xã hội chủ nghĩa tàn tạ

Chủ nghia Xã hội tàn tạ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Biến cố 30 tháng Tư 1975 đã được Chính quyền Việt Nam chào mừng như một cuộc giải phóng và thống nhất đất nước dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, do một đảng độc quyền lãnh đạo. Nhìn về mặt kinh tế thì Việt Nam có chuyển biến, nhất là sau 10 năm khủng hoảng và hai đợt đổi mới vào các năm 1986 và 1991. Trong năm qua, Việt Nam còn đạt mức tăng trưởng khả quan là 6,8 % nên Chính quyền có thể hài lòng với thành tích ấy. Riêng ông thì thấy thế nào ?

xahoi1

Nhà máy xe hơi Ford của Mỹ tại Hải Dương, Việt Nam - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu nhìn trên cái trục thời gian thì quả thật là Việt Nam đã có thay đổi sau khi tiến hành cải cách gọi là "đổi mới". Nhưng tại sao lại phải đổi mới nếu xã hội chủ nghĩa là điều hay đẹp và cần thiết cho Việt Nam như giới lãnh đạo đã nói sau 1975 ?

Nếu nhìn trên cái trục không gian, là so sánh với các lân bang, thì Việt Nam vẫn còn tụt hậu sau khi đã trả một cái giá quá đắt cho một cuộc chiến tương tàn. Điều thứ ba là cái đà tăng trưởng 6,8 % do Tổng cục Thống kê đã tính ra cho năm 2017 qua, coi như thuộc loại cao của Châu Á thì tôi cho là họ nên tính lại vì cũng áp dụng phương pháp kế toán quốc gia của Bắc Kinh nên không đáng tin. Cứ cộng các nhập lượng ở đầu vào, như số tín dụng hay mức tăng lương, mà coi đó là trị giá gia tăng của sản xuất là một sai lầm về kế toán.

Cũng thế, thị trường chứng khoán Việt Nam được coi là tăng mạnh nhất nhưng đã lên tới đỉnh và đang tuột đáy vào tuần trước. Dù sao đấy là chuyện nhỏ. Chuyện lớn là hơn 40 năm sau khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ !

Nguyên Lam : Nhân chuyện 30 tháng Tư, thính giả của chúng ta mong ông giải thích cho sự thể ấy. Thế nào là tàn tạ, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta khó quên khẩu hiệu "tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa" do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được "xã hội chủ nghĩa" là gì mà đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là "cải tạo".

Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo "quan hệ sản xuất" để từ đó nâng "phương thức sản xuất" lên một trình độ cao hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa. Việc cải tạo quan hệ sản xuất chỉ xóa bỏ quyền tư hữu vật liệu sản xuất và tổ chức lại hệ thống lao động và phân phối sản phẩm.

Đã vậy, cũng do ý thức hệ Xô viết, Hà Nội còn lao vào cuộc chiến Kampuchia trong 10 năm khiến tổng sản lượng bị mất mỗi năm 5%. Hậu quả là kinh tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng. Vì vậy, Hà Nội phải tiến hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.

Định hướng xã hội chủ nghĩa

Nguyên Lam : Thưa ông có phải vì vậy mà lãnh đạo của Việt Nam mới phát minh ra phạm trù "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa" hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Như bên Tầu, họ vừa mò chân tìm đá mà bước qua dòng ! Ban đầu còn là "kinh tế thị trường theo định hướng nhà nước", sau Đại hội X mới lết cái đuôi "xã hội chủ nghĩa" mà chẳng ai minh định nổi nội dung đó là gì !

Gần 20 năm trước, tôi gặp lại ông bác họ, là người đã tiến hành đổi mới đợt đầu, và được ông bảo rằng trong Bộ Chính Trị không ai giải thích được cái định hướng ấy là gì. Ông còn hỏi tôi nghĩ sao ! Tôi có trình bày như thế này và ngày nay nhìn lại thì thì càng thấy ra sự tàn tạ :

"Khi sinh con đẻ cái thì ai ai cũng ưa đặt tên thật đẹp, nhưng quan trọng là việc giáo dục sau đó. Lãnh đạo một nước nghèo, bị chiến tranh và cả sự u mê tàn phá, thì cần ưu tiên lo cho đa số dân nghèo trong xã hội. Ra khỏi sự u mê và áp dụng quy luật thị trường thì sản xuất có thể tăng, nhưng ai sẽ hưởng các sản phẩm đó một cách công bằng ?

Trong 20 năm đầu, thì nhà nước nên ưu tiên lo cho dân nghèo từ nông thôn trở lên chứ đừng duy ý chí đi từ trên xuống cho bằng các quốc gia đi trước. Mọi chính sách đều phải đi từ dưới lên và coi công bằng là trọng, cho đa số có thể tham gia sản xuất với năng suất cao hơn thì sẽ có lợi tức khá hơn. Nếu gọi đó là "xã hội chủ nghĩa" thì cũng được, nhưng phải ra khỏi bóng rợp của chủ nghĩa Mác-Lênin".

Nguyên Lam : Ông kể lại câu chuyện của gần hai chục năm trước và đối chiếu với ngày nay thì thấy sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngày nay, cái "định hướng xã hội chủ nghĩa" vô hình và vô tâm đó đang phá sản ! Kinh tế mắc nợ ngập đầu vì thiểu số ăn trên ngồi chốc, ngân sách bị bội chi vì quá nhiều lãng phí cho bộ máy cầm quyền, nên người ta đòi giảm chi và tăng thuế trong khi xã hội trở thành cực kỳ bất công hơn, với đại đa số vẫn sống trong cảnh bần cùng. Hơn 40 năm sau khi được hứa hẹn thiên đường xã hội chủ nghĩa, những người u mê nhất cũng thấy rằng đấy là một cơn ác mộng.

Nguyên Lam : Chúng ta sẽ phải đi từng bước để hiểu ra kết luận bi quan vừa rồi của ông.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa rằng ưu tiên của xã hội chủ nghĩa trong các nước văn minh là công bằng xã hội, trong các xứ nhược tiểu là dân nghèo. Các đảng phái chính trị thuộc hai cánh tả hữu có thể đề ra ưu tiên ấy và phải thực thi, nếu không thì thất cử. Tại Việt Nam, chuyện bầu cử đó không thể có vì đảng và nhà nước quyết định tất cả dưới chiêu bài "xã hội chủ nghĩa".

Khác với ngày xưa thì "chuyên chính vô sản" là "chuyên chính trên đầu giai cấp vô sản", ngày nay Việt Nam đã khá hơn khi theo quy luật thị trường, nhưng chỉ để xây dựng chế độ tư bản nhà nước, y hệt như Trung Quốc, mà thực chất là chế độ tư bản thân tộc cho tay chân của đảng và nhà nước, là đảng viên cán bộ.

Vì cái định hướng xã hội chủ nghĩa đó, Việt Nam có chế độ sở hữu mập mờ về quan hệ sản xuất. Quyền tư hữu được chấp nhận nhưng chế độ công hữu vẫn giữ vị trí chủ đạo, thể hiện qua khu vực kinh tế nhà nước, với các tập đoàn hay tổng công ty được yểm trợ bằng các phương tiện sản xuất như đất đai và tín dụng và được bảo vệ với chính sách cạnh tranh bất chính. Các cơ sở sản xuất này thu dụng ít nhân công mà chất lên núi nợ, khi bị lỗ lã và sức ép của quốc tế cùng các nước cấp viện thì cũng tư nhân hóa hay cổ phần hóa rất chậm. Khi tiến hành việc đó thì các cơ sở quốc doanh được định giá thấp vì trị giá "bèo" của quyền sử dụng đất và được bán rẻ cho "tư nhân" là tay chân thân tộc ở bên trong. Vì vậy, ngân sách thu về được ít tiền, nay đòi đánh thuế để giảm bội chi quá nặng. Xã hội chủ nghĩa Việt Nam sản sinh ra các đại gia tỷ phú trong khi đa số người dân vẫn cực nghèo.

Hậu quả

Nguyên Lam : Thế còn việc quản lý ngân sách thì cái định hướng xã hội chủ nghĩa dẫn tới những hậu quả gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ 40% ngân sách quốc gia Việt Nam phải nuôi bộ máy nhân sự của đảng và nhà nước, từ đảng viên mọi cấp tới hệ thống hành chính rồi bộ máy công an, cảnh sát và quốc phòng. Thành phần nhân sự đó tăng quá mạnh, chủ yếu là vì tăng lương chứ cũng chẳng vì cấp số lao động. Nhưng đa số ở dưới vẫn chưa đủ sống nên lấy bổng bù vào lương, là gây ra nạn tham nhũng và sách nhiễu người dân để kiếm tiền. Vì ngân sách cạn tiền, Bộ Công An trù tính giảm dần cấp số nhân sự theo tinh thần vu vơ là "quý hồ tinh bất quý hồ đa". Tuy nhiên, sự kiện nhiều ông tướng công an đang bị điều tra và kỷ luật cũng cho thấy hậu quả của hệ thống quyền thế chính trị và thuộc tính của nó là nạn tham nhũng.

Công an đã vậy, nhân sự về giáo dục lại còn thê thảm hơn. Thành phần đào tạo ra thế hệ của tương lai cũng là thành phần khó sống nhất. Mà các thế hệ cho tương lai khó được giáo dục và đào tạo cho đúng với yêu cầu sau này. Trường ốc và học cụ thiếu thốn, học phí gia tăng, đa số dân nghèo khó cho con đi học khi nhà nước chối bỏ trách nhiệm dưới khái niệm "xã hội hóa giáo dục" là đòi xã hội trang trải.

Việt Nam rơi vào vòng luẩn quẩn là bộ máy công quyền có "lực lượng lao động dư dôi", tiếng là có việc có lương, mà thiếu khả năng, làm không đủ sống và tìm cách trưng thu ở bên ngoài và trải rộng mạng lưới tham ô vặt ! Từ công an, giáo dục mà suy ra lĩnh vực y tế thì ta cũng thấy vấn đề tương tự là sự kiệt quệ và sẽ vỡ nợ của quỹ an ninh xã hội, cơ chế phụ trách về y tế, hưu liễm, trợ cấp thất nghiệp, v.v….

Nguyên Lam : Thưa ông, thế thì kinh tế thị trường có đóng góp được gì cho việc phát triển tại Việt Nam không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chắc chắn là có. Nó đẩy lui bàn tay thô nhám và bất tài của doanh nghiệp nhà nước nhưng trao lợi nhuận cho nhà đầu tư ngoại quốc trong khi tư doanh vẫn bị chèn ép trừ phi liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài. Thí dụ ai cũng biết là từ nhiều năm nay, tập đoàn Samsung của Nam Hàn đã đầu tư 17 tỷ đô la vào Việt Nam, trở thành doanh nghiệp lớn hơn PetroVietnam, đại gia quốc doanh trong lĩnh vực dầu khí. Kết quả, Samsung giúp Việt Nam là nước xuất khẩu máy điện thoại tinh khôn thứ nhì của thế giới, chỉ sau Trung Quốc, và đóng góp một thần tư số xuất khẩu của Việt Nam, trị giá hơn 200 tỷ đô la. Họ thu về số lời là gần 60 tỷ ! Dân ta làm gia công cho họ mà lãnh đạo vẫn cứ nói phét.

Tôi nghĩ là về dài, khu vực kinh tế quốc doanh sẽ suy bại dần, nhưng chưa nhìn thấy vai trò của tư doanh Việt Nam trong khi các cơ sở kiếm lời nhiều nhất vẫn là của nước ngoài. Như vậy, cái định hướng xã hội chủ nghĩa đang thành vô nghĩa.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông kết luận về bài phân tích u ám này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hơn 40 năm sau chiến tranh, Việt Nam vẫn là nột nước tụt hậu sau nhiều lân bang Đông Nam Á, nhưng đứng trên danh mục tham nhũng nặng theo cuộc khảo sát của tổ chức Transparency International. Nguyên nhân là đảng và nhà nước thiếu công minh, là công khai và minh bạch, với bộ máy công quyền không bị trách nhiệm trước công luận. Trong khi ấy, chức năng then chốt của một chính quyền xưng danh xã hội chủ nghĩa là lo cho xã hội và tránh nạn bất công thì chính quyền lại còn đào sâu sự bất công đó. Vì vậy, dân nghèo hết than vãn về nạn tham nhũng mà trở thành bi quan về đời sống trước mặt. Họ đã tụt đến đáy rồi mà ở trên vẫn hô khẩu hiệu vu vơ.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 01/05/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 25 avril 2018 22:36

Kinh nghiệm kinh tế 1975

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa quý thính giả, chúng ta lại bước vào cuối Tháng Tư khi nhiều người kỷ niệm biến cố 30 Tháng Tư năm 1975 cho nên Nguyên Lam xin đặt lại biến cố đó vào khung cảnh thời gian để yêu cầu chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về hiện tại.

Là một viên chức kinh tế tài chính cao cấp của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa tại Sài Gòn ở trong Nam, ông nghĩ sao về biến cố này ?

kinh1

Việt Nam xuất khẩu 3,2 tấn gạo trong năm 1996 - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Có lẽ ta cần nhìn vào hai trục không gian và thời gian lâu dài thì mới đánh giá cho đúng.

Ngược dòng thời gian, sau khi bị Pháp đô hộ từ năm 1883, khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc năm 1945 với sự tan rã của bộ máy thực dân Pháp và sự thất trận của Nhật, Việt Nam có lại nền độc lập lần đầu tiên với Chính phủ Trần Trọng Kim. Nhưng vào giai đoạn đầy biến động ấy, chính phủ độc lập đầu tiên kể từ năm 1883 lại bị lật đổ qua vụ Việt Minh cướp chính quyền vào Tháng Tám 1945. Sau đó, vào năm 1955, Việt Nam lại có nền độc lập trên hai nửa lãnh thổ, là Việt Nam Cộng Hòa ở trong Nam và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Bắc. Nhưng 20 năm sau là biến cố 1975 mà nhiều người đang kỷ niệm.

Nói về miền Nam thì nhìn từ lịch sử người ta có một nền tự do non trẻ tồn tại được 21 năm trước sức ép của miền Bắc cộng sản và cả khối cộng sản quốc tế.

Kinh tế thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa

Nguyên Lam : Thế hệ của Nguyên Lam chưa thể biết hết những khúc mắc kinh tế vào thời kỳ đó.

Là chuyên gia kinh tế, xin ông đánh giá nền kinh tế của miền Nam trong giai đoạn 1955-1975, gồm Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa. Cụ thể là thách thức và thành tựu 20 năm đó là những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Vì thời lượng có hạn, tôi cố trình bày ngắn gọn bài toán và các thành quả kinh tế của miền Nam từ năm 1955 đến 1975. Người ta phải tái thiết và xây dựng lại một nền kinh tế lần đầu tiên có độc lập ngay trong thời chiến, với hai đợt di cư và di tản vào các năm 1954 và 1972 trên một nền tảng dân chủ còn phôi thai.

Tôi xin bắt đầu với nền kinh tế của Đệ nhất Cộng Hòa, từ sau 1954, với các nan đề mà nhiều người quên rồi. Thứ nhất, phân nửa lãnh thổ trước kia là thuộc địa của Pháp, được khai thác cho nhu cầu của Pháp, có chừng 15 triệu dân và bộ máy hành chánh do Pháp để lại, đột nhiên nhận được ít ra hai triệu người di cư từ miền Bắc vào. Làm sao tổ chức lại nền sản xuất và phân phối ấy ? Đã vậy, vài năm sau là miền Nam lại bị chiến tranh phá hoại và sinh hoạt kinh tế tất nhiên bị cản trở.

Vậy mà miền Nam vẫn định cư và khẩn hoang lãnh thổ để bảo đảm cuộc sống cho mọi người trong một nền kinh tế đang ra khỏi hình thái tập trung của Pháp và hồi phục sau 10 năm chiến tranh, từ 1945 tới 1955. Nổi bật là kế hoạch Cải cách điền địa năm 1956 và sự xuất hiện của nền kỹ nghệ nhẹ và dịch vụ, trong khi ít ai biết sự thật bi đát của việc cải cách ruộng đất tại miền Bắc. Tôi cho rằng đời sau nên nhớ lại việc miền Nam đã tư hữu hóa cho người dân có phương tiện canh tác riêng, trong tinh thần có làm thì có hưởng chứ không bị bóc lột. Duy trì được tôn chỉ đó trong thời chiến là khó.

Nguyên Lam : Bây giờ xin ông chuyển qua bài toán và thành quả kinh tế của nền Đệ nhị Cộng Hoà từ 1967-1975. Người ta cho là kế sách đầu tư từ thời Đệ nhất Cộng Hòa đã đặt nền móng cho sự phát triển kinh tế thị trường.

Qua nền Đệ nhị Cộng Hòa thì cũng là lúc chiến cuộc gia tăng và Hoa Kỳ đổ quân vào ngày một đông kể từ 1965. Thưa ông, khi ấy bài toán kinh tế của miền Nam là gì và có những thành tựu gì là đáng nhớ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Những nan đề và giải pháp của miền Nam khi ấy là gì ?

Thứ nhất, việc an ninh bị đe dọa gây vấn đề cho kinh tế vì phá hoại thì dễ, chứ đầu tư sản xuất và gieo trồng cho một dân số cỡ 18 triệu người mới là khó. Vậy mà vào hoàn cảnh đó, miền Nam vẫn cố gắng phát triển kinh tế thị trường và hữu sản hóa người dân.

Thứ hai, một thách đố mới là sự hiện diện của quân đội Mỹ, nếu có tạo thêm cơ hội kinh tế cho cư dân thành phố thì cũng gây nan đề xã hội và đe dọa khả năng ổn định kinh tế và vật giá trên toàn quốc. Trong hoàn cảnh ấy, thành tựu đáng kể nhất của miền Nam là đạo luật Người Cày Có Ruộng ban hành ngày 26 Tháng Ba năm 1970 và những áp dụng của chương trình Lúa Thần Nông. Đấy là kế hoạch hữu sản hóa và cải tiến nông nghiệp ngay thời chiến, trên một vùng lãnh thổ thường xuyên bị phá hoại. Sự thật thì chỉ cần sáu tháng không giao tranh là Việt Nam đã có thể tự tức về lương thực và một năm sau sẽ là một nước xuất cảng gạo đáng kể của Đông Nam Á.

Thách đố lớn cho kinh tế trước 1975

Nguyên Lam : Sau năm 1975, chính là thành tựu về canh nông của miền Nam mới làm dân chúng so sánh và thất vọng với việc hợp tác hóa nông nghiệp của chế độ mới.

Thưa ông, phải chăng vì vậy mà hơn 10 năm sau Việt Nam mới tìm lại vị thế xuất cảng gạo kể từ 1987 ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng lực đẩy ấy là kinh tế của miền Nam. Ngoài ra, miền Nam trước 1975 còn nhiều thành tựu khác về sản xuất kỹ nghệ nhẹ và hàng tiêu thụ và Chính quyền còn muốn giải tư một số công ty quốc doanh để phát triển tư doanh nữa.

Trong khi ấy, ta khó quên được tình hình chiến sự với vụ Mậu Thân 1968 và nhất là Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 khiến cả triệu người di tản từ miền Trung vào các thành phố ở trong Nam. Việc cứu trợ, định cư và kiếm việc làm cho bà con là một thách đố rất lớn. 

Nguyên Lam : Thưa ông, Hoa Kỳ có đóng vai trò lớn với nền Đệ nhị Cộng Hòa ở trong Nam qua hai việc, là đổ quân trực tiếp tham chiến tại Việt Nam kể từ năm 1965 cho đến 1973 ; thứ hai là viện trợ kinh tế trong cả chục năm rồi sau cùng lại cắt cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế khiến Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ trước đà tấn công của Bắc Việt, lúc đó được Liên Xô và Trung Quốc cố vấn và yểm trợ.

Vào hoàn cảnh phức tạp đó, giới làm kinh tế trong Nam phải đối phó và quản lý nền kinh tế như thế nào, và viện trợ Mỹ giúp được gì và gây ra vấn đề gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Có lẽ ta phải làm một chương trình riêng thì mới nói hết nhược điểm của viện trợ Mỹ như ta thấy ngày nay tại nhiều nơi có chiến tranh.

Về đại thể, viện trợ Mỹ cho miền Nam, chừng 6-700 trăm triệu đô la một năm, là để bù vào thiếu hụt sản xuất do chiến tranh gây ra, chứ cả hai nền Cộng hoà đều ý thức nhu cầu tự túc để tự lập chẳng khác gì Đài Loan hay Nam Hàn. Các chuyên gia kinh tế trong Nam đều cùng trình độ với giới chuyên gia của hai xứ đó và thường xuyên cộng tác và học hỏi với nhau.

Thứ hai, Hoa Kỳ là xứ dân chủ và viện trợ của Hành pháp vẫn do Quốc Hội chấp thuận hàng năm và kiểm soát theo luật lệ của Mỹ vì quyền lợi của nước Mỹ. Tương tự như trong lãnh vực quân sự, khi tham gia thì Hoa Kỳ tổ chức lại quân đội của Việt Nam Cộng Hòa và cũng muốn tổ chức lại hệ thống kinh tế miền Nam theo quy cách của họ. Đấy là bài toán thực tế gây khó khăn cho giới quản lý kinh tế vì phải dung hợp với điều kiện của nước cấp viện là Mỹ, giải quyết được nạn khan hiếm và lạm phát dễ xảy ra vào thời chiến mà vẫn tôn trọng tinh thần dân chủ và quy luật thị trường.

Nguyên Lam : Chưa kể rằng cộng sản càng tấn công thì càng đẩy kinh tế miền Nam tới chỗ nương tựa vào viện trợ mà người dân thành phố lại không biết trong khi chính quyền phải lo cho binh lính, công chức và nông dân ở mọi nơi. Thưa ông, có phải như vậy không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngẫm lại thì ngoài nhiều lý do khác, miền Nam và Hoa Kỳ không thể thắng được chính là vì nguyên nhân kinh tế. Tôi xin thu hẹp vào chuyện lúa gạo như một thí dụ. Vì chiến cuộc, miền Nam thiếu gạo và phải nhập khẩu và trông chờ vào viện trợ Mỹ. Nhưng miền Nam cũng theo chế độ tự do kinh tế và dân chủ chính trị, nên không thể ban bố tình trạng khẩn cấp để trưng thu lúa gạo hầu ưu tiên cung cấp cho các đơn vị tác chiến ngoài tiền tuyến khi ấy đã lan rộng và các chiến binh đang thiếu gạo chứ chẳng thiếu có súng đạn xăng nhớt. Nếu trưng thu như vậy thì ta hãy tượng tượng ra phản ứng của báo chí và truyền thông !

Nếu cưỡng bách công nhân bốc rỡ gạo cũng là vi phạm quyền tự do đình công và gặp phản ứng chống đối chính đáng của các nghiệp đoàn. Phải lo gạo cho lính, cho dân, cho thành phố, phải thu mua tồn trữ và ổn định giá cả trong khi vẫn phát huy vai trò của tư nhân chứ không thể quốc hữu hóa và lập ra chế độ khẩu phần và tem phiếu được !

Nền kinh tế sau 1975

Nguyên Lam : Bây giờ, Nguyên Lam xin mời kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa nói về kinh tế Việt Nam sau 1975, nhìn từ một khía cạnh rộng lớn hơn, bao trùm lên chính trị.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngẫm lại thì ta thấy ra ba giai đoạn của nền kinh tế thống nhất dưới chế độ cộng sản. Thứ nhất là “xây dựng xã hội chủ nghĩa” với hàm ý cải tạo và xóa bỏ những gì không thuộc chủ nghĩa xã hội, lại còn lồng vào 10 năm chiếm đóng Kampuchia khiến sản lượng bị mất chừng 5% mỗi năm. Kết quả là khủng hoảng và lãnh đạo biết là sai, nhưng thế nào là đúng thì chưa biết, hãy đọc các văn kiện của Đại hội 6 thì chúng ta hiểu. Thứ hai là năm năm đổi mới có tính tự phát để người dân bung ra làm ăn, từ dưới lên, là thời 1987-1991. Thứ ba, khi Liên Xô tan rã năm 1991 thì lãnh đạo Việt Nam ngả theo Bắc Kinh, và đổi mới từ trên xuống theo kiểu Trung Quốc, là nới lỏng kiếm soát kinh tế mà vẫn tăng cường kiểm soát chính trị trong chế độ gọi là “trưng thu”. Kết cuộc thì người dân có dễ thở hơn trước, nhưng đảng viên cán bộ mới làm giàu mạnh trên một xứ gần trăm triệu dân và họ củng cố chế độ vì quyền lợi của họ.

Nguyên Lam : Nguyên Lam biết là không thể trình bày hết ngần ấy vấn đề trong một chương trình có hạn, nên xin đề nghị ông tổng kết qua vài nét chính.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau một thời gian cộng sản cai trị dài gấp đôi cả hai nền Cộng Hòa ở trong Nam, là điều chưa từng có trong cả thế kỷ, Việt Nam đã có thay đổi khả quan hơn trên cái trục thời gian. Nhưng trên cái trục không gian là nếu so với các xứ khác thì Việt Nam vẫn là nước nghèo và thua các lân bang cùng kích thước. Cụ thể là lợi tức bình quân vẫn còn quá thấp và chưa ra khỏi trình độ làm gia công cho thiên hạ. Đấy là một lãng phí oan uổng sau mấy chục năm giết nhau vì ý thức hệ sai lầm.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 25/04/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 17 avril 2018 11:02

Hoa Kỳ và Hiệp định TPP

Nước Mỹ đổi ý

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, hôm Thứ Năm 12 đã có nguồn tin rằng Tổng thống Donald Trump chỉ thị cho người cầm đầu Hội đồng Kinh tế Quốc gia là Larry Kudlow cùng Đại sứ Thương mại Robert Lighthizer thăm dò việc tái gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, vừa được 11 nước còn lại ký kết hôm mùng tám Tháng Ba.

Nhớ lại thì Hoa Kỳ từng xin gia nhập nhóm này từ năm 2008 và sau bảy năm đàm phán cho tới khi hoàn thành vào Tháng 10 năm 2015 thì lại đổi ý và rút lui sau khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm ngoái. Ngày nay, nước Mỹ lại đổi ý lần nữa.

Trên diễn đàn này, ông từng dự đoán sẽ có ngày Hoa Kỳ quay lại, thưa ông, vì sao như vậy và tương lai sẽ là gì ?

tpp1

Sắc lệnh do Tổng thống Mỹ ký quyết định rút Mỹ ra khỏi Hiệp định TPP. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngẫm lại thì nỗ lực của nhóm quốc gia trên vành cung Thái Bình Dương nhằm tiến tới một chế độ tự do trao đổi đã ba lần đổi tên cũng do Hoa Kỳ.

Từ TPSEP của bốn nước ban đầu tới TPP của 12 nước sau khi có Mỹ gia nhập, rồi nay là CPTPP của 11 nước còn lại. Có nền kinh tế đứng đầu thế giới với thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, quyết định thất thường của Hoa Kỳ thường gây chấn động cho các xứ khác và có thể giải thích vì sao nhiều quốc gia có ác cảm với nước Mỹ. Vì sao lại như vậy thì tôi nghĩ tới hai nguyên nhân.

Thứ nhất là tiến trình học bài của người lãnh đạo và thứ hai là sự đổi thay trong dư luận của một xã hội dân chủ. Khi chưa là Nghị sĩ ông Barack Obama cũng chống Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ NAFTA, lên làm Tổng thống rồi, ông do dự gần một năm với Hiệp định TPP, sau đó mới thúc đẩy việc đàm phán với 11 nước kia vì thấy ra lợi ích của tự do mậu dịch. Nhưng ông đụng vào nguyên do thứ hai là sự đổi thay trong dư luận Hoa Kỳ sau khi Hiệp định TPP thành hình vào ngày năm Tháng 10 năm 2015.

Nền dân chủ Mỹ cho Hành pháp rộng quyền đàm phán các thỏa ước thương mại cho đến khi hoàn tất thì xin Quốc hội phê chuẩn trọn gói. Sau 20 vòng đàm phán, văn kiện quy mô và phức tạp TPP lại gặp sự chống đối của các đại biểu Dân Chủ và một số không nhỏ dân biểu nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội. Họ phát giác là nước Mỹ cam kết quá nhiều và Quốc hội phải ban hành nhiều luật lệ mới để áp dụng. Vì vậy, dù ông Obama cố vận động cũng không thể phê chuẩn Hiệp định. Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2016, cả ba ứng viên dẫn đầu, bên Dân Chủ là Nghị sĩ Bernie Sanders thuộc cánh cực tả và bà Hillary Clinton là cựu Ngoại trưởng và bên Cộng Hòa là ông Trump cũng đều chống Hiệp định TPP. Sau khi nhậm chức Tổng thống, ông Trump mới hợp thức hóa sự chống đối này mà rút khỏi Hiệp định TPP. Bây giờ, sau khi học bài, có lẽ ông đang nghĩ lại.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, thưa ông, liệu Hoa Kỳ có hy vọng thương thuyết lại không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi nghĩ là có, nhưng sẽ lâu công, chứ không dễ. Thật ra, Hiệp định TPP bao gồm bốn khía cạnh kinh tế và một khía cạnh về chiến lược.

Về kinh tế, một là các nước thỏa thuận việc cắt giảm thuế biểu nhập nội tới tối đa, thứ hai là tháo gỡ mọi cản trở giao dịch ngoài thuế biểu, cụ thể là xóa bỏ mọi hạn ngạch, thứ ba là giải phóng chế độ đầu tư chứ không chỉ có chế độ giao dịch thương mại. Thứ tư, cải tổ cơ chế bên trong từng nước thành viên để bảo vệ quyền lao động, môi sinh và quyền sở hữu trí tuệ. Chính là tham vọng cải tổ quá lớn về kinh tế mới gây phản ứng chống đối bên phía Quốc hội Mỹ, nhất là trong đảng Dân Chủ.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, dường như trong cuộc đàm phán chính Hoa Kỳ đã yêu cầu những cam kết cải tổ sâu rộng như vậy, thế thì vì sao Quốc hội Mỹ lại bác bỏ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi được rộng quyền đàm phán, các chuyên gia của Mỹ có thể nghĩ đến giải pháp lý tưởng nhưng về tới nhà, giới dân cử của Quốc hội mới đối chiếu với thực tế của địa phương và thấy ra nhiều bất lợi. Chúng ta đều biết là trong mọi quyết định kinh tế, có thành phần được hưởng lợi, có thành phần bị thiệt hại và nhiều người còn không ứng phó nổi với những đổi thay. Do dân bầu lên, các dân biểu nghị sĩ Hoa Kỳ phải đếm ra những sự thể ấy như đếm phiếu nên mới ngần ngại. Sau đó, trong vòng đàm phán giữa 11 quốc gia còn lại, người ta đã giảm bớt nhiều đòi hỏi do phía Hoa Kỳ đặt ra.

Nguyên Lam : Đó là về các khía cạnh kinh tế. Thưa ông, khía cạnh chiến lược kia là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đó phát triển vòng đai thịnh vượng quanh Trung Quốc. Một Tổng trưởng Quốc phòng của Tổng thống Obama là ông Ash Carter đã từng so sánh Hiệp định này với một hàng không mẫu hạm là trong ý đó. Các yêu cầu về kinh tế như chúng ta vừa trình bày cũng khiến Trung Quốc không gia nhập nổi Hiệp định TPP, ví dụ thứ nhất là việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thí dụ thứ hai là chế độ bảo hộ hệ thống doanh nghiệp nhà nước. Hai nước Đông Nam Á thuộc loại nghèo trong các thành viên của TPP là Việt Nam và Malaysia có thể hưởng lợi nhiều nhất, nhưng cũng phải cải cách doanh nghiệp nhà nước để có một sân chơi bình đẳng cho tư doanh.

Động lực khiến Mỹ đổi ý

Nguyên Lam : Nếu vậy, thưa ông, phải chăng mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đang là động lực khiến ông Trump nghĩ tới khía cạnh chiến lược của Hiệp định TPP mà sẽ xúc tiến việc đàm phán với các nước kia ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ như vậy và xin nhắc tới Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, hiện đang có hai ngày làm việc với Tổng thống Mỹ tại Florida.

Nhật Bản có chế độ bảo hộ nông sản và thịt bò do thế lực của hiệp hội nông gia. Trong tiến trình cải cách kinh tế gọi là "ba mũi tên", ông Abe muốn phá vỡ thế lực đó với mũi tên thứ ba. Khi cho thương thuyết Hiệp định TPP, ông cũng tranh đấu mạnh để vượt qua rào cản mậu dịch này bên trong xã hội Nhật khiến nước Úc rất hài lòng với triển vọng xuất khẩu thịt bò vào Nhật. Nào ngờ Hoa Kỳ lại đổi ý nên có lúc Shinzo Abe phải trực tiếp qua Mỹ vận động với bài diễn văn đọc trước lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ vào Tháng Tư năm 2015. Sau khi Hoa Kỳ bỏ cuộc, Nhật Bản giữ vai trọng yếu để thúc đẩy việc hoàn thành TPP với 11 nước còn lại. Động lực chính của Nhật cũng là xây dựng vòng đai thịnh vượng trước sự bành trướng rất đáng ngại của Trung Quốc.

Lần này, khi hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ, có lẽ Thủ tướng Nhật không chỉ thảo luận về hồ sơ Bắc Hàn mà còn cố thúc đẩy ông Trump nghĩ lại về Hiệp định TPP theo giác độ chiến lược là đối phó với Bắc Kinh. Là vị nguyên thủ đầu tiên đã ủng hộ và trực tiếp thăm viếng ông Trump từ Tháng Hai năm ngoái, Thủ tướng Abe có thể mong là giao tình đó có sức thuyết phục cao để ông trình bày lẽ hơn thiệt cho rõ ràng hơn. Có lẽ Chính quyền Trump đang thấy ra điều ấy.

Tiến trình đàm phán

Nguyên Lam : Nếu cho rằng chuyện này sẽ thành, tức là Hoa Kỳ nghiên cứu lại việc gia nhập Hiệp định TPP, tiến trình đàm phán sẽ như thế nào, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ nguyên thủy, ông Trump hoài nghi các hiệp ước đa phương hay quốc tế mà thiên về giải pháp đàm phán song phương. Sau một năm cầm quyền, có lẽ ông cũng thấy ra một số giới hạn của giải pháp song phương đó. Điển hình là trong cuộc xung đột về mậu dịch với Trung Quốc, ông cần hậu thuẫn của các nước qua chế độ đặc miễn thuế quan cho từng đối tác chứ không thể nhường cho Bắc Kinh vai trò chủ chốt trong quan hệ kinh tế với các nước khác.

Chúng ta không quên là tại Diễn đàn Davos từ Tháng Giêng, ông Trump ngỏ ý tham gia và đàm phán lại Hiệp định TPP. Một tháng sau, ông nhắc lại ý đó khi họp báo với Thủ tướng Úc. Lúc ấy có 25 Nghị sĩ Cộng Hòa gửi thư yêu cầu ông nối kết lại với TPP và Tổng trưởng Ngân khố Mỹ cũng cho biết Hoa Kỳ đang tiếp xúc với vài nước trong nhóm này để thăm dò ý kiến. Nói cách khác, quyền lợi kinh tế của một số tiểu bang đang gây sức ép mới, thí dụ như nông gia thấy mình lại nhường trị trường Nhật Bản cho Úc. Nhưng tôi cho rằng lãnh đạo Hoa Kỳ còn có thể nhìn vào Hiệp định TPP như một chiến lược có giá trị lâu dài. Tuy nhiên, cho tới nay thì hình như Nội các và ban tham mưu của ông Trump vẫn chưa có những chuẩn bị cụ thể.

Nguyên Lam : Thưa ông, đối diện thì 11 nước kia nghĩ sao khi Mỹ bỏ đi rồi trở lại ? Họ sẽ đàm phán thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong năm qua, 11 nước còn lại đã đàm phán riêng và giảm bớt những đòi hỏi của Hoa Kỳ. Hiệp định mới giữ lại 22 điều nguyên thủy nhưng tạm hoãn áp dụng mà đa số các điều này liên hệ tới quyền lợi chiến lược của Mỹ, thí dụ như quyền sở hữu trí tuệ. Ngày nay, các nước đó đang theo dõi xem Hoa Kỳ đòi những gì khi thương thuyết lại Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ để đoán là phía Hoa Kỳ muốn những gì. Ngoài ra còn một điều kiện quan trọng là nguồn cung cấp, là xuất xứ của sản phẩm hoàn tất hay thành phẩm. Hàng hóa giao dịch với nhau không thể là sản phẩm của một xứ ở bên ngoài được đưa vào ráp chế với giá trị gia tăng rất thấp để được lợi thế ưu đãi về quan thuế ở trong khối.

Ngược lại, ta cũng nên thấy rằng trước khi có Hiệp định TPP thì nhiều quốc gia không có thỏa ước tự do mậu dịch song phương với Mỹ. Nhờ TPP các nước này có cơ hội xâm nhập một thị trường tiêu thụ lớn nhất. Với viễn ảnh Hoa Kỳ trở lại thì cơ hội kinh tế đó cũng khiến họ dễ chấp nhận một số biện pháp cải tổ ở nhà. Thứ nữa, nhiều thành viên hiện nay của TPP cũng đang muốn có giải pháp khác hơn là chỉ buôn bán với Trung Quốc. Sau cùng, việc Hoa Kỳ lại nhập cuộc có thể là cơ hội tham gia của các nền kinh tế khác như Nam Hàn, Đài Loan, Thái Lan và Philippines. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng ngần ấy thành viên sẽ chỉ muốn gây khó với Hoa Kỳ vì những đổi thay thất thường đã qua.

Nguyên Lam : Vì thời lượng có hạn, Nguyên Lam phải xin ông nêu cho một kết luận về cái chuyện phức tạp này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi mong Hoa Kỳ sẽ trở lại nhưng e rằng chưa có ngay. Kịch bản lạc quan là Chính quyền Trump vận dụng luật lệ cho Hành pháp toàn quyền thương thuyết nhanh gọn, khi hoàn tất thì xin Thượng viện phê chuẩn sau sáu tháng nghiên cứu. Chúng ta sắp bước vào Tháng Năm và Tháng 11 này sẽ có bầu cử giữa nhiệm kỳ cho nên Quốc hội khóa 115 hiện nay không thể phê chuẩn một văn kiện chưa hề có. Nếu Quốc hội khóa 116 nhóm họp năm tới lại rơi vào tay đảng Dân Chủ thì sự chống đối Hiệp định TPP đã thấy năm 2015 sẽ tiếp tục. Nói vắn tắt, triển vọng Hoa Kỳ tái nhập TPP lại tùy thuộc vào cuộc bầu cử ngày tám Tháng 11 này và sẽ khó thành hình trước năm 2020.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 17/04/2018

Published in Diễn đàn

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nói : "Donald Trump chuẩn bị những bước đi rất kỹ khi đọ sức với Bắc Kinh trừng phạt hàng Trung Quốc. Washington gây chia rẽ giữa Trung Quốc và nhiều đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh".

maudich1

Đậu nành lực lượng một trong những loại ngũ cố xuất khẩu mạnh nhấzt sang Hoa Kỳ - hình một nhà máy sản xuất đậu nành phía bắc bang Dakota. Reuters/Dan Koeck

Sau nhiều tuần lễ mổ xẻ, phân tích và báo động về nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, rồi chỉ trích chủ trương bảo hộ của chính quyền Washington, báo chí phương Tây bắt đầu nêu lên câu hỏi : Donald Trump có lý khi dùng đòn thương mại gây hấn với Trung Quốc ?

Từ đầu tháng 3/2018, mọi chú ý dồn về Washington sau khi tổng thống Trump tuyên bố áp thuế nhôm thép nhập vào thị trường Mỹ. Cũng Nhà Trắng "tạm tha" một số nước bạn như Canada, Mexico hay Liên Hiệp Châu Âu, hoặc dùng "lá bài nhôm, thép" để buộc Hàn Quốc nhượng bộ. Riêng với Trung Quốc, cuộc khẩu chiến không có dấu hiệu thuyên giảm.

Mỹ phạt nhôm và thép của Trung Quốc, thì Bắc Kinh trả đũa bằng cách áp thuế 3 tỷ đô la vào hàng "made in USA". Lập tức Hoa Kỳ tung ra danh sách 1.300 mặt hàng của Trung Quốc có thể bị đánh thuế nhập khẩu, thiệt hại ước tính lên tới 60 tỷ đô la. Trung Quốc phản đòn, thông báo kế hoạch phạt lại Mỹ 50 tỷ. Ở Nhà Trắng, Donald Trump đáp trả ngay, khi dọa phạt trở lại "ông bạn" Tập Cận Bình 100 tỷ đô la. Trong động thái gần đây nhất là Bắc Kinh để ngỏ cánh cửa phá giá đồng tiền, để hàng Trung Quốc càng thêm hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng.

Trong 6 tuần qua, trên bàn cờ thương mại, Trung Quốc và Mỹ độc quyền thu hút chú ý của báo chí cho dù, trên thực tế, chưa một bên nào đánh thuế lên đối phương. Dù vậy cuộc đọ sức thương mại hiện nay giữa hai cường quốc kinh tế của thế giới không chỉ thu hẹp ở góc độ kinh tế hay mậu dịch. Đây trước hết là một ván cờ chiến lược giữa Washington và Bắc Kinh với những "tác động phụ" ảnh hưởng tới toàn thế giới.

Sau đây là phân tích của chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa từ Hoa Kỳ.

1. Trận chiến mậu dịch giả tạo

Nguyễn Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ Hoa Kỳ không phát minh ra món "mỳ ăn liền" mà thế giới lại quen với loại thực phẩm đó khi nói về nước Mỹ. Quần chúng Hoa Kỳ có sự nông cạn truyền thống. Truyền thông báo chí Mỹ với loại thông tin tức thời chẳng soi sáng gì thêm mà còn khuếch âm sự nông cạn đó, rồi báo chí Tây phương hòa theo.

Khi tuyên bố tranh cử vào tháng 6/2015, Donald Trump nói Hoa Kỳ bị thiệt hại về kinh tế trong giao dịch với các quốc gia khác và nghĩ là phải làm gì đó cho quyền lợi tối thượng của nước Mỹ. Khi bất ngờ đắc cử, ông ta khai triển ý tưởng ấy để tìm ra giải pháp ứng phó.

Tháng 4/2017 trong các ngày 19 và 27, ông chỉ thị cho nội các và ban tham mưu điều tra và nghiên cứu về sự thiệt hại kinh tế đó, nhìn từ giác độ an ninh.

Tới ngày 17/08/2017, ông cho điều tra nghiên cứu thêm về sự vi phạm đã lâu của Trung Quốc trong quan hệ mậu dịch với Hoa Kỳ, nhất là về quyền sở hữu trí tuệ. Kết quả điều tra đã được công bố cùng nhiều công trình nghiên cứu trước đó mà báo chí lười biếng lại không thèm đọc. Nhưng sự thật là trận chiến mậu dịch xảy ra trước khi người ta nghe nói tới Donald Trump, chỉ vì Trung Quốc đã trục lợi từ lâu rồi.

2. Từ năm 2000, Mỹ đã xem Trung Quốc là một mối lo ngại

Nguyễn Xuân Nghĩa : Sau khi Tổng thống Bill Clinton nhận cho Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới năm 2000, thì Quốc hội Mỹ cho thành lập một Hội Đồng Duyệt Xét Quan Hệ An Ninh và Kinh Tế giữa hai nước và hội đồng ấy đã trình lên Quốc hội cùng quốc dân nhiều nghiên cứu đáng lo mà ít ai chịu đọc. Sau khi ông Trump đòi các cơ quan hữu trách như Bộ Ngân Khố, Thương mại và đại sứ thương mại Hoa Kỳ điều tra và nghiên cứu từ năm ngoái về vi phạm của Bắc Kinh thì họ đã có những phúc trình mà cũng chẳng ai thèm đọc.

Từ các báo cáo ấy, viện dẫn Mục 232 của Đạo luật Thương mại mở rộng năm 1962, ngày 16/02/2018, chính quyền Trump nêu yếu tố an ninh cho ngành thép và nhôm Hoa Kỳ - mà hành pháp phải bảo vệ khỏi cần xin lập pháp cho phép - và đề nghị sẽ (nhưng mà chưa) nâng thuế nhập nội trên hai sản phẩm đó.

Ngày 22 tháng Ba, ông Trump viện dẫn mục 301 của Đạo Luật Thương Mại 1974 mà tố cáo việc Bắc Kinh vi phạm luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và áp thuế nhập nội trên 1.300 món hàng của Trung Quốc, trị giá khoảng 50 tỷ đô la. Ít ai tham khảo báo cáo 215 trang về chuyện đó.

Bốn ngày sau khi Bắc Kinh phản đòn, đòi nâng thuế nhập nội lên ba tỷ hàng hóa của Mỹ, thì Trump leo thang nói thách gấp ba, và đòi nâng thuế thêm 100 tỷ nữa. Sự thật thì chưa đôi bên chưa hề có biện pháp tăng thuế như thiên hạ cứ hốt hoảng bậy. Họ mới chỉ nói thách để sẽ đàm phán mà thôi.

3. Mỹ đánh Trung Quốc nhưng các đồng minh của Hoa Kỳ bị vạ lây

Nguyễn Xuân Nghĩa : Trong mọi trận chiến, đôi bên đều bị thiệt hại và thật ra đều muốn tránh. Trước mắt thì Mỹ thiệt hơn vì có nền dân chủ, bị Bắc Kinh nhắm vào sản phẩm của các tiểu bang ủng hộ ông Trump. Ngoài ra, vì chuỗi cung ứng sản phẩm từ Trung Quốc lại có nhập lượng rất cao của các đồng minh chiến lược của Mỹ, như Nam Hàn, Nhật Bản và Đài Loan nên Hoa Kỳ mới phải cân nhắc và vừa dọa vừa dụ.

Nhưng trong dài hạn thì Trung Quốc sẽ thua vì kinh tế bị lệ thuộc vào xuất cảng nhiều hơn Hoa Kỳ, chưa thể tự túc về lương thực và chưa lên tới trình độ kỹ thuật cao thì đã bị tố cáo tội "ăn cắp" và "ăn cướp". Chưa kể rằng, và đây mới là yếu tố quan trọng nhất, lãnh đạo Bắc Kinh đang phải cải cách và chuyển hướng kinh tế để tránh một vụ khủng hoảng như đã thấy tại Nhật Bản từ mấy chục năm qua, khi mà đà tăng trưởng hết còn ngoạn mục như xưa. Kết luận của tôi là ta phải chờ cả năm nữa thì mới thấy kết quả nhưng Bắc Kinh hết múa may như xưa và các nước Âu-Á đều có lợi.

Thanh Hà ghi

Nguồn : RFI, 10/04/2018

Published in Diễn đàn

Phản ứng nhất thời, tâm lý ngắn hạn

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tiếp tục cuốn hút sự quan tâm theo dõi của nhiều người ở mọi nơi. Hôm Thứ Ba mùng 10, người lãnh đạo Bắc Kinh đã lần đầu tiên chính thức lên tiếng về chuyện này tại hội nghị kinh tế Bác Ngao trên đảo Hải Nam và làm dư luận yên tâm rằng một trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới trên hai bờ Đông Tây của Thái Bình Dương khó xảy ra và các thị trường chứng khoán đã vọt lên giá. Ông nghĩ sao về chuyện này ?

myhoa1

Tổng thống Mỹ ký lệnh trừng phạt mậu dịch đối với Trung Quốc vào ngày 22 tháng 3,2018 - AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Ta không nên nhìn vào phản ứng nhất thời của thị trường chứng khoán hay tâm lý ngắn hạn của giới đầu tư như một chỉ dấu đáng tin cho dài hạn.

Từ khi Tổng thống Donald Trump phát biểu gay gắt về quan hệ buôn bán bất lợi giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc vào hôm 16 Tháng Hai rồi 22 Tháng Ba, ai ai cũng lo rằng trận chiến mậu dịch giữa hai nước sẽ bùng nổ. Thực tế thì giới hữu trách của đôi bên đang lặng lẽ đàm phán với nhau để tìm giải pháp thỏa hiệp mà chưa có kết quả. Người ta chờ đợi lời tuyên bố chính thức của Tập Cận Bình tại Diễn đàn Bác Ngao mà quên rằng đó chỉ là một diễn đàn cho quốc tế và bài phát biểu mang nội dung tuyên truyền hơn là một chính sách họ sẽ áp dụng.

Nguyên Lam : Nhưng thưa ông, khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tíếp nhận giao dịch thương mại và đầu tư rộng rãi hơn và còn nhắc đến việc nhập khẩu xe hơi vào thị trường Trung Quốc với thuế biểu thấp hơn thì đấy có là một cách đấu dịu trước sức ép của Hoa Kỳ hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ông ta muốn thiên hạ tin như vậy chẳng khác gì những phát biểu tương tự tại Diễn đàn Davos vào năm ngoái, chứ Chính quyền của ông đang đàm phán rất chặt chẽ với Hoa Kỳ và đôi bên chưa hề nhượng bộ chút nào.

Chúng ta chỉ chứng kiến một trận khẩu chiến và không thể quên rằng mọi sự đã manh nha từ hơn chục năm rồi, trước khi Hoa Kỳ có ông Donald Trump đắc cử và nhậm chức Tổng thống. Lên lãnh đạo, ông tiến hành lời cam kết khi tranh cử là đòi duyệt lại quan hệ kinh tế bất lợi với Trung Quốc và năm ngoái đã chỉ thị cho Nội các và Ban tham mưu điều tra nghiên cứu về quan hệ này từ cả giác độ an ninh lẫn kinh tế.

Kết quả điều tra từ năm ngoái mới dẫn đến quyết định trả đòn kinh tế Trung Quốc với thuế suất cao hơn trên nhiều mặt hàng. Khi Bắc Kinh phản ứng với những hăm dọa tương tự vào tuần trước thì ông Trump leo thang gấp ba từ kim ngạch nhập khẩu 50 tỷ lên 150 tỷ đô la. Sự thật thì danh mục hàng hóa sẽ bị áp thuế mới chỉ được công bố và còn chờ tiếng nói của các doanh nghiệp trước khi được chính thức áp dụng. Chế độ dân chủ khiến Tổng thống Mỹ chỉ có thể quyết định trong khuôn khổ luật pháp, trước sự phán xét của Quốc hội, quốc dân và thị trường, trong khi lãnh tụ Trung Quốc lại không bị ràng buộc như vậy.

Thay đổi Trung Quốc

Nguyên Lam : Người ta thường nói rằng trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi chết. Khi hai cường quốc kinh tế từ hai bờ Thái Bình Dương có xung đột về mậu dịch thì thưa ông, hậu quả sẽ ra sao cho các nước ở giữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ là ngần ấy quốc gia cũng đang nghe ngóng theo dõi vì có thể bị vạ lây, hoặc ngược lại thì có khi hưởng lợi.

Thí dụ về tai vạ là các nền kinh tế Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan và thậm chí Đức vì các nước đó góp phần đáng kể trong chuỗi cung ứng hàng hóa được Trung Quốc bán cho Mỹ, nhất là các mặt hàng điện tử. Trung Quốc mua nhập lượng của họ để có mặt hàng xưng là "Chế tạo tại Trung Quốc". Nếu các mặt hàng đó bị Mỹ áp thuế thì các nước ấy sẽ bị thiệt, mà họ lại là đồng minh chiến lược về an ninh của Hoa Kỳ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ phải đắn do cân nhắc vì Chính quyền Trump coi an ninh là một phần trọng yếu trong quan hệ kinh tế.

Thí dụ về hưởng lợi là trường hợp Brazil, một nước xuất khẩu đậu nành số một cho Trung Quốc, bằng hơn phân nửa số nhập khẩu của Trung Quốc, trước Hoa Kỳ và xứ Argentina. Nếu Trung Quốc gây khó cho đậu nành Mỹ thì Brazil sẽ có lợi. Củng vậy, nếu rượu nho của Mỹ bị áp thuế thì nước Úc sẽ có cơ hội bán rượu nhiều hơn. Nìn chung, nếu trận chiến mậu dịch bùng nổ giữa hai nước, kinh tế thế giới có thể bị suy trầm và các nước Đông Á đều bị ảnh hưởng bất lợi. Nhưng nếu quan hệ về đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc suy đồi trong nhiều năm tới thì các nước khác lại có thể là nơi đầu tư điền thế.

Nguyên Lam : Nhìn trong dài hạn thì ông thấy cục diện này sẽ xoay chuyển ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau khi tham khảo kết quả điều tra của nhiều năm qua từ phía Hoa Kỳ, tôi có nhận định hơi khác với nhiều người. Tôi nghĩ Hoa Kỳ đang muốn làm Trung Quốc thay đổi chứ không chỉ muốn cãi cọ về chuyện xuất nhập khẩu mà thôi. Số là sau khi kết giao với Trung Quốc từ năm 1972 trở về sau, lãnh đạo Hoa Kỳ mơ rằng cơ chế kinh tế thị trường sẽ chuyển hóa xứ này thành một cường quốc biết điều và chia sẻ trách nhiệm với các nước khác. Nhưng điều ấy không xảy ra. Sở dĩ như vậy vì Hoa Kỳ không theo sát lịch sử của Trung Quốc.

Lãnh đạo Bắc Kinh không hề quên "bách niên quốc sỉ", là trăm năm ô nhục, xin tạm lấy thời điểm là 1848 cho tới khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa lục năm 1949, là trăm năm bị ngoại xâm rồi nội chiến. Sau thời ô nhục đó, tham vọng của lãnh đạo xứ này là chinh phục lại ngôi vị đã mất, và đến năm 2049, 100 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc ra đời, sẽ là bá chủ Á Châu. Ngày nay, người Mỹ hiểu ra điều ấy, nhưng còn thấy rằng lãnh đạo Bắc Kinh lại đang gặp hoàn cảnh khá ngặt nghèo mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhắc tới nhiều lần trong Đại hội đảng của Khóa 19 vào cuối năm ngoái, đó là "những mâu thuẫn cơ bản của thời đại mới". Vì vậy ông ta mới gồm thâu quyền lực để giải quyết các mâu thuẫn hay khó khăn trước mắt hầu tìm lại sự lớn mạnh cho Trung Quốc.

Nhược điểm sinh tử

Nguyên Lam :Vì sao ông cho rằng Bắc Kinh đang gặp khó khăn và Hoa Kỳ có thấy ra điều ấy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau 30 năm bi thảm của Mao Trạch Đông từ 1949 tới 1979 là 30 năm cải cách của Đặng Tiểu Bình, từ 1980 tới 2010, khiến kinh tế tăng trưởng mạnh. Nhưng 30 năm vàng son đó đã hết, đà tăng trưởng không còn và xứ này đang gặp mâu thuẫn căn bản mới.

Từ cuối năm 2008 cho tới sau này, Bắc Kinh ào ạt bơm tiền yểm trợ hệ thống quốc doanh kém hiệu năng nhằm tạo ra việc làm và tìm sức tăng trưởng khác để bảo vệ sự thống trị của đảng. Kết quả là núi nợ chênh vênh trên các doanh nghiệp và địa phương sẽ vỡ nợ dây chuyền. Điều ấy mà xảy ra thì sự ổn định của đảng chấm dứt và xứ này lại bị nội loạn.

Trong năm năm của nhiệm kỳ đầu, Tập Cận Bình đã muốn cải cách và chuyển hướng mà chưa xong vì phải thanh lọc và tranh trừng nội bộ. Bây giờ mới là lúc ông giải quyết các bài toán kinh tế tài chánh và giải trừ nguy cơ chính trị. Nhưng đấy là lúc họ bị nhược điểm sinh tử...

Nguyên Lam : Phải chăng vì vậy mà Hoa Kỳ gây áp lực để Bắc Kinh phải cải tổ mạnh hơn và áp dụng quy luật tự do của thị trường thay vì duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là đúng như vậy. Chúng ta hãy nhìn chuyện này từ giác độ khác. Khi Trung Quốc rơi vào trăm năm ô nhục, giữa thế kỷ 19, Nhật Bản đã tiến hành cải cách thời Minh Trị Thiên hoàng rồi khống chế Trung Quốc, đánh bại Đế quốc Nga và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên cho tới khi thất trận trong Thế chiến II. Bị tàn phá, Nhật đã tái thiết và phát triển mạnh từ những năm 1950 rồi thành cường quốc kỹ nghệ từ quãng 1980. Nhưng 30 năm sau lại trôi vào suy trầm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc cho tới ngày nay. Học theo Nhật, Bắc Kinh biết sợ là mình đang trôi vào chu kỳ khủng hoảng tương tự, cũng vì núi nợ và trái bóng đầu cơ địa ốc, v.v.... Chính quyền Donald Trump không thể không biết điều này và sẽ còn gây sức ép để Bắc Kinh cải cách nhiều hơn.

Trên đỉnh cao của đà phát triển cách nay 30 năm, Nhật Bản cũng có mâu thuẫn kinh tế với đồng minh chiến lược là Mỹ nhưng không có tham vọng vượt Hoa Kỳ để thống trị Đông Á. Trung Quốc thì khác nên sẽ bị đối xử khác. Trận chiến thật không chỉ có mậu dịch hay thuế suất và dù còn nhiều khả năng chống đỡ khủng hoảng, lãnh đạo Bắc Kinh ý thức được khó khăn ấy và không kịp tìm lực đẩy mới là sức tiêu thụ của người dân trong nội địa. Tiêu thụ thế nào khi sẽ bị áp thuế ? Và làm sao cải cách hệ thống quốc doanh được họ bảo vệ khi Hoa Kỳ sẽ tấn công vào tử huyệt đó, như đã nói ra ?

Nguyên Lam : Ông thấy là nếu chuyện ấy xảy ra thì các nước khác nên làm gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ các quốc gia nên suy ngẫm về một kịch bản khác và tự chuẩn bị cho việc thay thế vị trí công xưởng toàn cầu của Trung Quốc là điều diễn đàn này của chúng ta đã phân tích từ năm năm về trước rồi. Nói về đậu nành Brazil, tôi còn nhớ là sau năm 1975, lãnh đạo Hà Nội ngạc nhiên khi thấy sản lượng đậu nành của một huyện tại miền Trung lại cao hơn sản lượng tổng cộng của ba tỉnh miền Bắc. Và cho tới nay, Bắc Kinh vẫn chưa đạt mục tiêu về lương thực là sản xuất được 95% yêu cầu tiêu thụ nội địa trong khi môi sinh lại suy đồi hơn xưa. Việt Nam nên nhìn vào chuyện này như một cơ hội khác để khỏi rơi vào vết xe đổ của quốc gia láng giềng có quá nhiều tham vọng này.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/04/2018

Published in Diễn đàn