Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khởi sự thảo luận từ năm 2012, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện tại Khu vực Đông Á và Nam Á, gọi tắt là RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership), có thể hoàn tất trong năm nay, Bộ trưởng Công Thương Nghiệp Singapore cho biết như trên sau hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối tháng trước tại Singapore. Tuy nhiên, phía Ấn Độ lại cho rằng các nước còn phải đàm phán thêm trước khi có hy vọng thông qua vào cuối năm 2019. Mục Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về chuyện này.

rcep1

Biểu đồ 16 quốc gia trong RCEP RFA

RCEP : Khối tự do mậu dịch có tầm vóc nhất thế giới ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, sau hơn hai chục vòng đàm phán kể từ năm 2012, đại diện của 16 quốc gia tại khu vực Đông Á và Nam Á sắp hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực nội trong năm nay. Bước kế tiếp có thể là một hội nghị cấp bộ trưởng vào cuối Tháng 10 tại New Zealand rồi thượng đỉnh của cấp lãnh đạo vào Tháng 11 này tại Singapore để thông qua văn kiện.

Giới truyền thông quốc tế cho rằng trong bối cảnh đầy mâu thuẫn thương mại giữa các nước tiên tiến và sau khi Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, biến cố này mở ra hy vọng hình thành một khối tự do mậu dịch khác, có tầm vóc nhất thế giới với vai trò chủ chốt của Trung Quốc trong một khu vực kinh tế rất năng động của địa cầu. Ông nghĩ sao về những nhận định này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi e rằng sự thật nó không như người ta mô tả nên xin sẽ từng bước giải thích.

Thoạt kỳ thủy đây là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN gồm 10 Quốc gia Đông Nam Á nhằm ký một hiệp định tự do thương mại với sáu nước vốn đã có hiệp ước riêng lẻ với ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, rồi Ấn Độ, Úc và New Zealand. Nếu hoàn thành thì người ta một cộng đồng gồm ba tỷ 400 triệu dân, gần phân nửa dân số địa cầu với sản lượng kinh tế bằng 30% của thế giới.

Nhưng bên dưới các số liệu lớn lao đó là sự dị biệt của một tập thể ô hợp gồm nhiều nước còn quá nghèo như Miến, Lào, Miên và các nước tiên tiến như Nhật Bản, Nam Hàn, Úc, New Zealand hoặc hai nước mới nổi là Trung Quốc và Ấn Độ, với mục tiêu khác biệt và tìm sự đồng thuận ở một số lĩnh vực thu hẹp. Chẳng hạn như Ấn Độ đòi quyền tự do mậu dịch không chỉ về hàng hóa mà còn về dịch vụ và muốn có quy định hẳn hoi về xuất xứ sản phẩm để tránh nạn Trung Quốc bán hàng của mình dưới nhãn hiệu chế tạo của xứ khác. Cũng vì vậy, Ấn Độ mới cho rằng sẽ còn phải đàm phán thêm chứ không thể xong vào cuối năm.

Nguyên Lam : Thưa ông, thế còn vị thế của Trung Quốc trong tập thể này ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Truyền thông cứ cho là rằng Hoa Kỳ lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và triệt thoái khỏi Hiệp định TPP nên Trung Quốc mới trám vào khoảng trống do Mỹ để lại, sẽ trở thành vô địch về tự do mậu dịch và vạch ra luật chơi cho cả tập thể. Đấy là cách tường thuật nông cạn và sai lạc nhưng có lợi cho uy tín của Bắc Kinh. Thứ nhất, đấy là sáng kiến của Hiệp hội ASEAN, không của Trung Quốc. Thứ hai, tập thể này có nhiều cường quốc kinh tế không dễ chấp nhận thế chủ động của Bắc Kinh, như Nhật, Ấn Độ, Nam Hàn và Úc. Thật ra, Trung Quốc chưa đủ mạnh để muốn làm gì thì các nước kia cũng chịu.

Chuyện thứ ba, quan trọng nhất, vì duy trì nhiều khu vực bảo hộ bên trong, Trung Quốc không dễ phất cờ vô địch về tự to thương mại như Hoa Kỳ. Lý do là có thị trường tiêu thụ lớn nhất địa cầu, Hoa Kỳ có thể cho các nước có mức lương bổng thấp xuất khẩu hàng hóa rẻ vào Mỹ, Trung Quốc nghèo hơn Mỹ và vẫn cần bảo vệ một khu vực chế biến bên trong cho nên khó rộng rãi nhập khẩu hàng rẻ như vậy từ các nước cũng lấy ưu thế là lương thấp.

Vào một kỳ khác, chúng ta sẽ nói đến yếu tố nhân công rẻ như một nguyên nhân dẫn tới mâu thuẫn mậu dịch ngày nay vì xứ nào cũng tìm cách hạ lương để dễ bán hàng nên làm sụt mức tổng cầu, khiến lực lượng lao động bị thiệt mà doanh nghiệp chuyên về xuất nhập khẩu thì kiếm lời lớn. Đấy là hiện tượng kinh tế học gọi là "bần cùng hóa người láng giềng". Các nước nghèo trong khối RCEP đang tìm lợi thế lương rẻ cũng sẽ lao vào mâu thuẫn đó với các nước giàu hơn ở trong nhóm. Hoa Kỳ không theo chiến lược đó mà cũng chẳng thiết tha gì với Hiệp định này.

Lý do Hoa Kỳ không muốn gia nhập RCEP

Nguyên Lam : Ông nói đến việc các nước nghèo cứ tìm lợi thế nhân công rẻ để dễ bán hàng có thể dẫn tới những mâu thuẫn ngày nay khiến thính giả của chúng ta có thể suy luận về chiến lược công nghiệp hóa hiện nay của Việt Nam. Kỳ sau, Nguyên Lam xin được hỏi thêm về chuyện đó, nhưng hôm nay, xin đề nghị ông giải thích cho vì sao Hoa Kỳ không đi theo chiến lược trên mà cũng chẳng muốn gia nhập nhóm RCEP này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Về chuyện kiếm lợi thế mậu dịch nhờ lương rẻ thì tôi nghĩ đến một thành ngữ phũ phàng của Việt Nam. Đó là cho nhân công "ăn mắm mút giòi" để doanh nghiệp kiếm lời nhờ xuất nhập khẩu, đa số lại là doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Việt Nam có chiến lược bất công và không bền đó.

Trở về chuyện Hoa Kỳ, có một nghịch lý mà truyền thông ít giải thích. Chiến lược của nước Mỹ không là chế biến hàng rẻ để bán cho nhiều nhờ ép lương nhân công mà là phát triển khu vực dịch vụ và sản xuất các loại hàng có giá trị cao hơn. Vì vậy, trước khi nghe nói đến một ông Donald Trump làm Tổng thống thì Mỹ đã dửng dưng trong việc mua bán với Hiệp hội ASEAN. Chiến lược mậu dịch của Hoa Kỳ là xây dựng một cơ chế mua bán trong khu vực với tiêu chuẩn cao về điều kiện bảo vệ môi sinh, lao động, luật lệ thông thoáng minh bạch, nhất là phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đấy là quan niệm của Mỹ về tự do thương mại, qua những đòi hỏi quá rắc rối và chi tiết trong Hiệp định Đối tác TPP khiến Quốc hội Mỹ dội ngược nên không muốn phê chuẩn cuối năm 2015 và trong năm 2016.

Nhìn như vậy thì Hiệp định RCEP không đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ vì có nhiều nước quá nghèo như Miên Lào, có nhiều nước không muốn cải cách kinh tế cho thêm tự do như Trung Quốc hay cả Ấn Độ. Cho nên bảo rằng Hoa Kỳ bị gạt ra khỏi sân chơi của 16 nước trong Hiệp định RCEP và nhường thế lãnh đạo cho Bắc Kinh là một lập luận sai mà cứ được nhắc lại, có khi vì ghét ông Trump.

Tuy nhiên, cần nói thêm là Mỹ không hề chống Hiệp định RCEP và vẫn có lúc nghĩ lại về Hiệp định TPP nay đã đổi tên và chỉ còn 11 nước tham dự. Lý do nằm ngoài lãnh vực mậu dịch mà thuộc về chiến lược. Hoa Kỳ muốn Trung Quốc bị ràng buộc vào những cam kết với nhiều xứ khác và phải thay đổi chứ không xử ép các nước nghèo. Hiệp định RCEP mở ra cơ hội cho các nước ASEAN có thị trường khác mà bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và cho các cường quốc như Nhật, Ấn, Úc, Nam Hàn có thêm ảnh hưởng.

Thúc đẩy cơ chế hành xử chung trong RCEP

Nguyên Lam : Trở lại Hiệp định RCEP, phải chăng là 16 nước muốn hoàn thành văn kiện này cho nhanh để có một cơ chế hành xử chung khi thương chiến bùng nổ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc theo kiểu "trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết" ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Dĩ nhiên là bộ máy hành chính thư lại và các chuyên viên đều nói tới nguy cơ khủng hoảng vì chiến tranh thương mại hoặc vì số xuất siêu quá lớn với kinh tế Hoa Kỳ. Họ nói vậy để sớm hoàn tất Hiệp định RCEP. Báo chí tường thuật quan điểm của "các viên chức có thẩm quyền" này, trong ngoặc kép. Nhưng chẳng xứ nào lại vì tình trạng khẩn trương đó mà nhượng bộ.

Thái độ trì chiết của Ấn Độ về quyền tự do di động của nhân công hay xuất xứ hàng hóa hoặc việc bảo vệ một số ngành nghề nội địa và lập trường hoàn toàn tương phản của Singapore về các vấn đề trên cho thấy điều ấy. Kế đó, dù được tiếng là "khu vực tự do thương mại vĩ đại nhất địa cầu", Hiệp định RCEP này lại gói bên trong những mục tiêu dị biệt của các nước lớn và hàng loạt điều lệ về thủ tục chấp hành hay đặc miễn cho nên chẳng dễ gì mà hoàn thành sau hội nghị cấp bộ trưởng vào tháng tới tại Auckland của New Zealand. Cùng lắm thì các nước đi tìm đồng thuận biểu kiến ở "mẫu số chung nhỏ nhất" và sau đó họ sẽ cãi tiếp.

Nguyên Lam : Ông có vẻ không mấy lạc quan về triển vọng thành hình của Hiệp định này, thưa ông vì sao như vậy ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thật ra chúng ta cần tránh cảm quan mà nên lạnh lùng nhìn vào thực tế.

Đầu tiên, người ta cứ chú ý đến sự vắng mặt của Hoa Kỳ và cái thế mạnh của Trung Quốc trong hiệp định giữa 16 nước Đông Á và Nam Á. Sự thật thì thị trường Hoa Kỳ vẫn có sức thu hút cao và xứ nào cũng theo dõi xem Chính quyền Donald Trump xác định lại luật chơi về mậu dịch để theo đó mà tính. Sau đấy, người ta cũng thấy Bắc Kinh đang gây phản ứng ngược từ các nước nghèo với chủ trương lý tài chứ không hề là tấm gương sáng về tự do mậu dich. Thứ ba, Hoa Kỳ không hề quay lưng và thả nổi Châu Á cho Bắc Kinh mặc tình thao túng. Đấy là bối cảnh bên ngoài tập thể 16 quốc gia này.

Bên trong, nhóm 16 nước của Hiệp định lại có sẵn nhiều mâu thuẫn nội tại. Như giữa các nước nghèo nhất với các nước giàu hơn trong khối ASEAN, hoặc giữa các nước tương đối đã mở mang, như Malaysia hay Thái Lan, với các nước tiên tiến như Úc hay New Zealand. Đã vậy, Nhật vẻ hòa dịu hơn với Bắc Kinh chỉ vì đã có Ấn Độ tham gia như một rào cản Trung Quốc trong chiến lược kết hợp vành đai Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương. Trong vụ này, Thái Lan đang nghe ngóng xem làm sao gia nhập Hiệp định Đối tác TTP, Việt Nam thì bận xem làm sao thi hành Hiệp định này hơn là tranh cãi về RCEP. Nhìn vậy thì Hiệp định RCEP không là một nỗ lực ghê gớm của các nước để mau mắn làm ăn với Trung Quốc và để khỏi cần Hoa Kỳ. Nó mới chỉ là một bước khởi đầu mà thôi.

Nguyên Lam : Vì ông nhắc đến yếu tố chiến lược của các nước trong những tính toán về thương mại, liệu chúng ta có nên nhắc tới sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh trong khu vực Á Châu này không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng năm năm sau khi thực hiện sáng kiến đó, Bắc Kinh đã để lộ chân tướng và gây nghi ngại cho các nước đang thát triển, điển hình là trường hợp Malaysia mà chúng ta đã đề cập một kỳ trước. Trong khi đó, ta cũng chẳng nên quên phản ứng của Hoa Kỳ khi Ngoại trưởng Mike Pompeo thông báo kế hoạch xây dựng hạ tầng cơ sở trong cùng khu vực này như một lực đối trọng với sáng kiến của Trung Quốc. Phương pháp của Mỹ không giống Bắc Kinh, là viện trợ hay đưa hệ thống quốc doanh vào thực hiện các dự án ít giá trị, mà là tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hoa Kỳ vào nơi đó đầu tư. Tức là Hoa Kỳ không hề bỏ ngỏ Á Châu và đấy cũng là một sự thật khác về Hiệp định RCEP.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 11/09/2018

Published in Diễn đàn

Một bóng ma đang ám ảnh các thị trường đang lên. Sau Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, tuần qua tới lượt Argentina bắt đầu mắc họa khi đồng Peso sụt giá 20% trong có vài ngày và chính quyền phải nâng lãi suất tới mức kỷ lục là 60%, lần thứ tư trong có mấy tháng. Liệu các nền kinh tế đang mở mang có thể trôi vào một cơn khủng hoảng dây chuyền hay không, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.

ARGENTINA-ECONOMY-CRISIS

Biểu ngữ phản đối các cuộc đàm phán của chính phủ với Qũy Tiền Tệ Thế Giới tại Buenos Aires, Argentina hôm 4 tháng 9, 2018 - AFP

Mỹ kim và các nước đang phát triển

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, thị trường ngoại hối của các nước gọi là "đang phát triển" có thể bị chấn động mạnh sau những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina. Vì vậy, kỳ này Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho những rủi ro của một vụ khủng hoảng dây chuyền…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina có thể là dấu hiệu tiên báo một chuỗi tai họa cho các thị trường đang lên. Khởi đầu là cơn chấn động trên thị trường ngoại hối hay hối đoái khi đồng nội tệ bị mất giá nặng so với các ngoại tệ khác, sau đó sẽ còn là nguy cơ lạm phát, suy trầm sản xuất và thất nghiệp gia tăng…

Chúng ta nên trở lại 10 năm trước thì dễ hiểu ra nguyên nhân. Sau vụ khủng hoảng tài chính manh nha từ Âu Châu vào đầu năm 2018 rồi cao điểm là sự sụp đổ của tổ hợp đầu tư Lehman Brothers cùng nhiều doanh nghiệp tài chính và bảo hiểm của Hoa Kỳ ngày 15 tháng Chín năm đó, thế giới bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009, với nạn ách tắc tín dụng là khó vay được tiền. Khi ấy, hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới gần số không rồi ào ạt bơm tiền qua biện pháp bất thường học cua Nhật Bản là "nâng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing". Ngân hàng trung ương Âu Châu và nhiều nước khác cũng áp dụng biện pháp này. Nhờ vậy, tiền nhiều và rẻ đã tràn ra khắp nơi.

Khi tình hình kinh tế Hoa Kỳ đã khả quan hơn, dù chưa hoàn toàn hồi phục sau vụ suy trầm từ tháng 12 năm 2007 tới tháng Bảy 2009, thì giữa năm 2013 Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã báo trước việc "vuốt nhọn chính sách tiền tệ", tức là sẽ tăng lãi suất rồi dần dần hút bớt lượng tiền đã bơm ra. Hậu quả là ngày nay đồng Mỹ kim đã lên giá và nội tệ của các nền kinh tế đang lên bị sụt giá.

Nguyên Lam : Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta mối liên hệ giữa đồng tiền của các nước đang phát triển với đồng đô la của Hoa Kỳ và những hậu quả có thể xảy ra.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, khi Mỹ kim lên giá thì nội tệ của các nước đều bị ảnh hưởng, là sụt giá. Nhưng tình hình sẽ khó khăn hơn cho các nước đã vay quá nhiều và bị khiếm hụt cán cân vãng lai. Tình hình trở thành nguy ngập nhất cho các nước vay bằng đô la vì nghĩa vụ trả nợ, từ vốn đến lời, sẽ tốn hơn. Trong số này, gay go nhất là hoàn cảnh của các quốc gia có ít dự trữ ngoại tệ để vượt qua sóng gió vì chênh lệch tỷ giá hay hối suất giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ.

Khi giông bão bắt đầu nổi lên thì đồng tiền mất giá làm nghĩa vụ hoàn trái là trả nợ sẽ đắt hơn như tôi vừa trình bày. Khi ấy, các doanh nghiệp phải cắt giảm phí tổn, giới tiêu thụ cũng khó trả nợ, nguy cơ vỡ nợ rồi phá sản dễ lây lan trong nền kinh tế. Hậu quả là kinh tế bị suy trầm, sản xuất đình đọng. Đấy là lúc chính quyền các nước lâm nạn phải có biện pháp ứng phó, như giảm chi, hoặc tăng thuế là việc Argentina vừa làm ngày hôm qua, và ngân hàng trung ương của họ phải nâng lãi suất để tư bản khỏi chạy ra ngoài, lạm phát khỏi tăng vọt và nhất là để giữ giá cho đồng nội tệ của mình. Các biện pháp ứng phó có vẻ cổ điển ấy cũng là liều thuốc đắng, có khi còn là liều thuốc đổ bệnh, vì chính sách kinh tế khắc khổ, nôm na là thắt lưng buộc bụng để trả nợ sẽ gieo họa cho các nước mắc nợ, nhất là nợ bằng đô la khi thấy Mỹ kim quá rẻ trong quá lâu.

Hậu quả lây lan dây chuyền

Nguyên-Lam : Từ mối quan hệ giữa Mỹ kim và đồng tiền của các nước như ông vừa giải thích, thưa ông, có lẽ thính giả của chúng ta muốn biết thêm vì sao các nước đang phát triển lại có thể bị hậu quả lây lan dây chuyền.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới có hơn một chục quốc gia đang phát triển có thể gặp rủi ro nhiễm bệnh ấy nếu tự thân đã có nhiều nhược điểm. Đó là mắc nợ nhiều, nhất là nợ bằng đô la, thứ hai là cho vay thả giàn và thổi lên trái bóng đầu cơ trong nước vì thấy tiền nhiều và rẻ, thứ ba là chính quyền lại sung đương tư bản vào các dự án ít giá trị kinh tế mà thừa tác dụng phô trương. Nhược điểm thứ tư là có hệ thống ngân hàng thiếu lành mạnh, thứ năm là ngân sách quốc gia bị bội chi, thứ sáu là cán cân vãng lai bị khiếm hụt, thứ bảy là nợ bằng ngoại tệ ngắn hạn quá cao, tức là khối nợ đáo hạn thanh toán đã cận kề, và thứ tám, khối dự trữ ngoại tệ không đủ dày để đáp ứng yêu cầu cấp cứu.

Sau cùng, ta còn phải thấy vài chứng bệnh nội tại khác : chứng bệnh thứ chín là cơ cấu công nghiệp quá lệch lạc, nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, thứ mười là cơ chế hành chính suy yếu, bị tham nhũng đục khoét, cuối cùng là lãnh đạo kinh tế và chính trị bất tài. Nếu kể ra hơn một chục tiêu chuẩn như vậy thì ta có thể kết luận rằng không phải mọi nước đang mở mang đều tất nhiên bị khủng hoảng, nhưng có năm sáu quốc gia dễ bị nhất. Sau đó mới là những hậu quả ta gọi là dây chuyền khi các nước giao dịch với nhau trong bối cảnh chung là không có nhiều đô la như trước.

Nguyên Lam : Bước qua phần hai, thưa ông, tình hình vay mượn của các nước đang phát triển trong mươi năm qua là như thế nào mà các thị trường đều sợ một vụ khủng hoảng dây chuyền ?

TURKEY-FOREX-ECONOMY-POLITICS

Đồng Lyra của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sử so với Mỹ kim hôm 23 tháng 5. AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2007, trước khi có Tổng suy trầm, khối nợ của các nước đang mở mang là tương đương với khoảng 21 ngàn tỷ đô la, qua năm 2017 vừa rồi thì lên tới 63 ngàn tỷ, là gấp ba trong có 10 năm. Nếu so với Tổng sản lượng của họ thì từ 145% GDP khối nợ này lên tới 210% GDP. Bên trong từng nước thì ta hiểu rằng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính và các hộ gia đình đều tăng. Trong khối nợ này thì nợ bằng ngoại tệ như đô la Mỹ, Euro của Âu Châu hay đồng Yen Nhật, đã tăng gấp đôi, ngày nay ở khoảng chín ngàn tỷ.

Chừng một chục quốc gia có khối nợ bằng ngoại tệ ở mức 20% tới 50% GDP, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nam Phi, Chile, Brazil và vài nước Đông Âu. Đáng ngại hơn cả là khoản nợ sẽ đáo hạn là đến ngày trả trong năm 2019 rồi năm 2020, là khoảng một ngàn tỷ 500 triệu đô la mỗi năm. Nhiều nước thiếu ngoại tệ cho yêu cầu đó thì có thể vỡ nợ.

Nói vắn tắt thì ta thấy có nước cần tiền khi bị thiếu hụt kép, là bội chi ngân sách và thâm thủng cán cân vãng lai, hay kết số trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tư bản thuộc số âm. Các nước bị nhược điểm ấy là Turkey, Argentina, rồi Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Ukraine và Liên bang Nga. Tiêu chuẩn thiếu hụt kép đó cũng tăng tại Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Chile, Colombia và cả Ba Lan. Nếu kể thêm khả năng thanh toán bằng khối dự trữ ngoại tệ với nợ phải trả trong ngắn hạn thì ta có thêm ba nước dễ lâm họa là Pakistan, Ecuador và Cộng hòa Hungary.

Nguyên Lam : Trong số các nước bị rủi ro kể trên thì số phận Trung Quốc ra sao thưa ông, khi xứ này có khối dự trữ ngoại tệ cao nhất vì tương đương với ba ngàn tỷ đô la ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xin hiểu là khối ngoại tệ đó không thuộc loại "nhàn rỗi" trong ngoặc kép, nghĩa là nằm trong kho để sử dụng khi cần. Một phần đã được cam kết cho kế hoạch xây dựng Nhất Đới Nhất Lộ. Chừng một phần ba là mua Công khố phiếu Mỹ để kiếm lời trong an toàn nhưng khi bán ra thì tài sản này của họ bị mất giá. Ta cũng không nên quên hiệu ứng của trận thương chiến vừa bùng nổ với Hoa Kỳ với biện pháp mới sẽ được Chính quyền Mỹ thông báo nay mai sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp.

Ngoài ra, người ta đều biết gánh nợ rất lớn của Trung Quốc với thống kê không đáng tin về số nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất, nó cao gấp bội so với con số Bắc Kinh thông báo. Với sản lượng kinh tế cứ được khoa trương là hạng nhì thế giới, Trung Quốc thật ra chỉ là một nước đang phát triển với cả chục chứng bệnh như tôi vừa trình bày.

Tương lai

Nguyên Lam : Bây giờ nói thêm về hậu quả của một vụ khủng hoảng có thể thu gọn trong năm sáu nước hay lây lan qua một chục quốc gia, ông lượng định thế nào về tương lai trước mắt ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hai chục năm trước, vụ khủng hoảng tại Thái vào ngày hai tháng Bảy năm 1997 đã bất ngờ lan khắp Đông Á và dội về Liên bang Nga khiến xứ này vỡ nợ vì thiếu 150 tỷ đô la. Học kinh nghiệm đó, các nước cố gom một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn và thu hút được giới đầu tư tài chính của bên ngoài qua việc vay nợ. Giới đầu tư quốc tế nhảy vào nhiều nước kiếm lời khi thấy họ rộng rãi vay mượn bằng nội tệ. Nhưng sau đó, các nước lại tích lũy nhiều rủi ro mới như thả nổi đồng bạc, ào ào vay mượn, gây biến động thị trường và dẫn tới nạn tẩu tán tư bản ra ngoài. Bây giờ, giới đầu tư tìm cách rút vốn nhảy ra làm các thị trường tài chính càng sa sút vì tuột giá.

Hậu quả là nạn suy trầm và lạm phát sẽ lan rộng trong các nước đang phát triển và người ta tìm cách bảo vệ tài sản bằng vàng hay đô la làm hai sản phẩm này lên giá. Đã vậy, khi đô la lại tăng giá vì kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất kể từ mười mấy năm nay, tình hình còn khó xử hơn nữa.

Một hậu quả khác của suy trầm là các thương phẩm như dầu khí hay kim loại dễ bị ế ẩm vì số cầu sút giảm, nhưng khố nỗi vì đa số thương phẩm lại yết giá bằng đô la nên thành đắt hơn cho giới tiêu thụ làm nhiều người thêm vất vả trong các nước đang phát triển.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 05/09/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 29 août 2018 21:23

Trường hợp Malaysia

Lên lãnh đạo xứ Malaysia lần thứ nhì ở tuổi 93, Thủ tướng Mohamad Mahathir vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và đã đưa ra nhiều quyết định mới trong quan hệ với Bắc Kinh. Chúng ta có thể rút tỉa những bài học gì từ trường hợp của Malasyia, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây...

malaysia1

Cờ Malaysia - AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, Thủ tướng Mohamad Mahathir của Malaysia vừa thăm viếng Trung Quốc trong bốn ngày và sau khi lên cầm quyền lần thứ nhì ở tuổi 93, ông đã lấy nhiều quyết định gây chú ý trong dư luận các nước Đông Nam Á. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về trường hợp của Malaysia và thính giả của chúng ta có thể tự hỏi xem Việt Nam có thể rút tỉa được những bài học gì... Nguyên Lam xin kính mời ông bắt đầu.

Đất nước Mã Lai và bác sĩ Mahathir

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Malaysia quả thật là trường hợp đặc biệt ta nên tìm hiểu. Trước hết, về địa dư thì xứ này có hình thể lạ kỳ là lãnh thổ bị chia hai trên vùng biển Đông Nam Á. Tại hướng Tây là khu vực bán đảo tiếp giáp với Thái Lan và tiếp cận với Singapore cùng Indonesia và eo biển Malacca dài gần 900 cây số. Tại hướng Đông là mạn Bắc của Hải đảo Bornéo, tiếp giáp với hai xứ Brunei và Indonesia và tiếp cận với Philippines. Với diện tích bằng Việt Nam mà dân số chỉ chừng một phần ba, người dân xứ này có lợi tức bình quân một đầu người cao hơn bốn lần lợi tức của dân Việt Nam.

Về lịch sử, Malaysia giành được độc tập từ Đế quốc Anh cách nay 71 năm, vào ngày 31 Tháng Tám năm 1957, sau đó cũng gặp hiểm họa cộng sản như nhiều nước Đông Nam Á khác mà lại thoát và khởi sự hiện đại hóa từ sau thập niên 60 của thế kỷ trước. Về chính trị, Malaysia là nước quân chủ lập hiến, là có một ông vua làm quốc trưởng, mà theo thể chế dân chủ đại nghị, với Thủ tướng là người lãnh đạo đảng đa số, kết hợp ba sắc tộc chính gồm hơn hai phần ba là người Mã Lai Đa Đảo, họ gọi là "bumiputera" theo Hồi giáo, một phần tư là người gốc Hoa và dân gốc Ấn thì có chừng 7%. Bài học đầu tiên ta nên chú ý là Malaysia vẫn cố gắng xây dựng nền dân chủ và thực tế thì đã tiến xa hơn Việt Nam.

Nguyên Lam : Nguyên Lam thấy rằng lãnh đạo một quốc gia khá đa diện và phức tạp như vậy có lẽ không dễ, ông nghĩ thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta bước qua phần hai và nói đến nhân vật thời sự là Bác sĩ Mahathir. Là người thuộc sắc tộc Mã Lai, ông có ý thức quốc gia hơn ý thức giai cấp hay sắc tộc, và hoạt động chính trị từ năm 1964, ở tuổi 39, ông góp phần vào việc hiện đại hóa một quốc gia nông nghiệp đa chủng tộc thành một nước công nghiệp. Lãnh đạo một đảng chính trị chiếm đa số khá lâu, ông làm Thủ tướng gần 22 năm, từ năm 1981 đến 2003 và coi như về hưu khi gần 80 tuổi.

Mười năm sau khi làm Thủ tướng, vào năm 1991, ông phát động một kế hoạch gọi là Viễn ảnh 2020 để xây dựng một nền móng kinh tế, xã hội, chính trị và giáo dục cho một nước công nghiệp hóa hiện đại. Khi ấy, ông chủ trương hợp tác với kinh tế Trung Quốc để tìm lực đẩy cho quốc gia. Ngày nay, ông Mahathir xuất hiện trở lại và lập ra một đảng khác khi thấy quốc gia sa sút và chính trị bị tham nhũng đục khoét, đối ngoại thì bị Trung Quốc lũng đoạn.

Sau khi thắng cử, ông xin quốc vương ân xá một đối thủ chính trị năm xưa là ông Anwar Ibrahim, để ông này có thể kế nhiệm mình trong vài ba năm tới. Trong lần nhậm chức Thủ tướng trước đây, ông cũng rút tỉa được nhiều bài học về sai lầm và nhất là kinh nghiệm từ vụ khủng hoảng Đông Á vào năm 1997.

Nguyên Lam : Chuẩn bị cho chương trình tuần này, Nguyên Lam cũng nhớ rằng ngay từ năm 1997, ông đã phân tích những nguyên nhân khủng hoảng tại Đông Á và trường hợp của Malaysia vào thời đó. Ngày nay, ông cho rằng Thủ tướng Mahathir nghĩ sao và muốn làm gì ?

Thủ tướng Mahathir, suy nghĩ và hành động

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thời ấy, ông Mahathir đổ lỗi cho giới đầu tư Tây phương mà thật ra không thấy nhiều sai lầm của các quốc gia đang phát triển. Ngày nay, có lẽ ông đã hiểu rằng muốn phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, các nước kém mở mang cần một chiến lược kinh tế có thể cân bằng các lực đẩy như đầu tư của công quyền và tư doanh được tài trợ bằng nỗ lực tiết kiệm thay vì trông cậy vào bội chi ngân sách và vay mượn nước ngoài. Hai mối nguy của vay mượn là đô la Mỹ hay tiền tài trợ của Trung Quốc. Đô la Mỹ có thể lên giá làm kinh tế khủng hoảng và tiền bạc của Trung Quốc sẽ làm chính trị của quốc gia sụp đổ. Có lẽ chúng ta nên nhìn vào một bối cảnh lâu dài thì mới phần nào hiểu ra chủ trương của ông Mahathir.

Nguyên Lam : Xin đề nghị ông nhắc lại về bối cảnh lâu dài đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vốn nghi ngờ các nước Tây phương vì chủ nghĩa thực dân, ông Mahathir hoạt động chính trị khi Trung Quốc lâm khủng hoảng vì cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản Vĩ đại của Mao Trạch Đông và tính chất cực đoan hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản. Nhưng lên cầm quyền sau khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách kinh tế và tạo ra thời kỳ tăng trưởng chưa từng thấy tại Trung Quốc nên có lẽ Mahathir cũng đã học hỏi nhiều, nhất là sau khi phát động kế hoạch năm năm lần thứ sáu gọi là "Viễn ảnh 2020" vào năm 1991 mà tôi nói ở trên. Ngày nay, Viễn ảnh 2020 đó đã thất bại vì năng suất sút giảm, ngân sách bị bội chi, và tham nhũng lây lan lại còn dẫn tới sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Bây giờ, khi Tập Cận Bình tập trung quyền lực tại Trung Quốc và có chính sách bành trướng cả an ninh lẫn kinh tế qua kế hoạch "Nhất Đới Nhất Lộ, Thủ tướng Malaysia đang ngẫm nghĩ về số phận của một nước Đông Nam Á nằm trên con đường bành trướng của Bắc Kinh. Từ trường hợp Malaysia, chúng ta đang chứng kiến một thay đổi lớn trong khu vực....

Nguyên Lam : Từ một người đã làm Thủ tướng trong hơn hai chục năm và ngày nay vẫn ra lãnh đạo xứ sở khi đã hơn chín mươi tuổi, chắc hẳn rằng ông Mahathir có nhiều kinh nhiệm xử trí như ông Nghĩa vừa tóm lược ở trên. Thưa ông, riêng với Trung Quốc thì ông Mahathir nghĩ sao ?

malaysia2

Ông Mohamad Mahathir,Thủ tướng của Malaysia. Ảnh AFP

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên, mới lên làm Thủ tướng, ông Mahathir đã lấy quyết định cải sửa những sai lầm và tai hại của hai Chính quyền trước, nhất là tình trạng tham nhũng và cấu kết khi cầm quyền quá lâu làm xứ sở bị thế lực tiền tài của Trung Quốc khuynh đảo. Phản ứng của nước Úc và New Zealand lẫn Philippines về sự lũng đoạn của Trung Quốc cũng có nét tương tự.

Sau khi nhậm chức, ông Mahathir chuẩn bị thoát khỏi ảnh hưởng tai hại của Bắc Kinh qua nhiều quyết định liên hệ đến các dự án xây dựng hạ tầng của Trung Quốc trong kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Ông đưa ra một phát biểu có tính chất cảnh báo cả Bắc Kinh lẫn các nước đang phát triển trong khu vực Đông Nam Á.

Nguyên Lam : Theo dõi sự tình từ lâu, xin đề nghị ông nói tới lời phát biểu có tính chất cảnh báo đó của Thủ tướng Malaysia.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vào Tháng Sáu vừa qua, ông Mahathir nói về kinh nghiệm của Trung Quốc khi triều Mãn Thanh khi phải ký kết các "hiệp ước thiếu cân đối", vì là một nước lạc hậu vì các cường quốc chèn ép từ giữa thế kỷ 19 tới đầu thế kỷ 20. Lời phát biểu đó cảnh bảo các nước đang phát triển hoặc chưa mở mang và nay bị một cường quốc chèn ép chính là Trung Quốc.

Đấy là nguyên nhân ông hủy bỏ một số dự án trị giá tới 23 tỷ đô la do chính quyền tiền nhiệm ký kết với Bắc Kinh. Tuần qua, trong cuộc họp báo bên Tổng lý Quốc vụ viện của Trung Quốc là Thủ tướng Lý Khắc Cường, Thủ tướng Malaysia còn từ chối tái xét các dự án đó và nói đến một hiện tượng "thực dân" mới trong khu vực. Tôi chưa thấy lãnh tụ nào tại Đông Nam Á nói thẳng như vậy !

Nhưng trong chuyến thăm viếng Trung Quốc vừa rồi, ông Mahathir vẫn xúc tiến một số hợp đồng kinh tế có lợi cho Malaysia chứ không đứng hẳn vào chủ trương chống Tầu. Nghĩa là dù có tiền và có súng, Bắc Kinh vẫn cần mua chuộc các nước đang phát triển chứ không dễ gì tự tung tự tác.

Chúng ta không quên xứ Malaysia nằm trên con đường hàng hải chiến lược vì chuyên chở tới 80% lượng dầu thô nhập vào Trung Quốc và khoảng 50% số hàng xuất khẩu của Bắc Kinh. Nay lãnh tụ của Malaysia không muốn xứ sở là chư hầu của Trung Quốc hay nằm trong sổ lương của Bắc Kinh. Nhờ có bầu cử dân chủ, ý nguyện của người dân đã được thể hiện : Thủ tướng trước thì vào tù vì tham nhũng, thủ tướng vừa lên cầm quyền thì có thái độ cứng rắn hơn với Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Nếu nhìn như vậy thì Malaysia nằm trên bậc thềm của Con Đường Tơ Luạ trên biển và Việt Nam lại nằm ngay tại một cửa biển của Trung Quốc. Hai quốc gia này có hoàn cảnh địa dư gần như tương tự mà vì sao lại có hai lập trường hơi khác biệt thưa ông ?

Khác biệt giữa Việt Nam và Malaysia

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì lý do lịch sử hơn địa dư, thế thôi ! Nôm na là vì Malasyia thoát khỏi chủ nghĩa cộng sản trên con đường giành lại độc lập. Kết hợp cả hai lý do thì trong khi lãnh đạo Malaysia xét lại toàn bộ bước tiến của Trung Quốc thì lãnh đạo Hà Nội lại muốn mở cửa Vân Đồn và mời chào Trung Quốc vào Phú Quốc !

Nói về Malaysia, Thủ tướng Mahathir cho hủy bỏ hai dự án thiết lộ nối liền Con Minh từ tỉnh Vân Nam qua Lào và Thái tới hai bờ biển Tây và Đông của Malaysia, dù đã mất năm tỷ đô la xây dựng được một đoạn khá dài. Ngoài ra còn các dự án khác cũng đã bị hủy, như hai ống dẫn khí, và nhất là dự án địa ốc vĩ đại là Forest City cũng vừa bị cấm không cho ngoại quốc bỏ tiền vào đầu tư. Kinh nghiệm của Thủ tướng cũ đang ngồi tù là ông Najib Razak cho thấy là càng tham nhũng thì xứ sở lại càng lệ thuộc vào đồng tiền của Bắc Kinh, là điều khởi sự từ năm 2015.

Nguyên Lam : Câu chuyện về Malaysia quả thật là hấp dẫn, nhưng thời lượng có hạn nên chúng ta vẫn phải tổng kết. Thưa ông, ông kết luận thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ rằng ta mới chỉ có thể sơ kết thôi. Một số quốc gia trên con đường bành trướng của Bắc Kinh, như Pakistan, Sri Lanka, đều đang xét lại cái giá của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ. Malaysia thì có vẻ quyết liệt nhất.

Thứ hai, Thủ tướng Mahathir không muốn xứ sở trở thành một tiền đồn chống Trung Quốc làm gì, nhưng đang tìm một con đường an toàn hơn cho xứ sở. Chẳng phải ngẫu nhiên, từ khi nhậm chức, ông đã hai lần gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Có lẽ ông tìm sự cân bằng của các cường quốc để xứ sở khỏi bị một cường quốc bá quyền là Trung Quốc ngày nay thôn tính ngay từ bên trong. Vẫn còn quá sớm để nói về chủ thuyết Mahathir, có khi ta phải đợi ngày ông Anwat Ibrahim lên lãnh đạo, nhưng bài học quan trọng nhất vẫn là nền dân chủ cho phép người ta sửa sai.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 29/08/2018

Published in Diễn đàn

Tuần này, giới chuyên gia ở cấp Thứ trưởng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có hai ngày thảo luận nhằm khắc phục mâu thuẫn mậu dịch mà ít hy vọng đẩy lui trận thương chiến giữa hai nền kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương. Trong khi đó, các nền kinh tế đang lên có thể lại chết kẹt vì những biến động vừa xảy ra tại xứ Thổ Nhĩ Kỳ. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về nỗi éo le đó....

bien1

Đồng Lyra của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sử so với Mỹ kim hôm 23 tháng 5 - AFP

Hy vọng khai thông ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. 

Thưa ông, tuần này, hai phái bộ Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có cuộc đàm phán của các chuyên gia kinh tế ở cấp Thứ trưởng nhằm giải tỏa những mâu thuẫn thương mại giữa đôi bên. Ông đánh giá thế nào về hy vọng khai thông giữa hai nền kinh tế trên hai bờ Thái Bình Dương ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sau hội nghị bất thành vào Tháng Năm ở cấp cao, lần này Thứ trưởng Thương Mại của Bắc Kinh qua gặp Thứ trưởng Ngân Khố Hoa Kỳ để giải quyết các mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước, trước khi nước Mỹ sẽ áp thuế một đợt nữa trên hàng hóa nhập từ Trung Quốc vào ngày 23. Dù có thể đoán sai, tôi không tin cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia sẽ khai thông bế tắc song phương.

Lý do là từ phía Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, mâu thuẫn không thu gọn vào thương mại mà nằm trong nhiều lãnh vực khác và trận thương chiến chỉ là một phần mà thôi. Mâu thuẫn đó xuất phát từ chính sách bành trướng kinh tế và quân sự của Bắc Kinh tại Đông Á nay tràn xuống vùng biển Đông Nam Á và đe dọa an ninh lẫn quyền lợi kinh tế của Hoa Kỳ và các đồng minh. Sau đó mới là năm sáu mối xung khắc về đầu tư, thương mại, như chính sách công nghiệp của Bắc Kinh với kế hoạch bảo vệ doanh nghiệp bản địa là "Chế tạo tại Trung Quốc năm 2025", chủ trương củng cố vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước Trung Quốc, hoặc cưỡng bách chuyển giao công nghệ và không thi hành luật lệ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm ăn cắp và ăn cướp kiến năng của khối kinh tế tiên tiến, v.v.

Chính quyền Trump cố phô bày sự bất nhất mà thật ra vẫn nói hàng hai, chẳng khác gì Bắc Kinh, cụ thể là bộ Ngân Khố cứ "đàm" chứ các cơ quan hữu trách khác đều chuẩn bị "đánh", trong ngoặc kép, từ Quốc Phòng qua bộ Thương Mại hay Đại sứ Thương mại của Nội các.

Nguyên Lam : Nếu như vậy trận thương chiến như ông gọi tắt thì mới chỉ là bước mở màn hay sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Quen với món "mì ăn liền" của truyền thông, là loại tin nóng và nông cạn, nhiều người chỉ tập trung vào việc phân tích và đả kích thái độ hay phát biểu hàm hồ ông Trump. Phía Bắc Kinh thì thâm hơn nên Tổng bí thư Tập Cận Bình vừa phát biểu rằng Hoa Kỳ muốn làm suy yếu Trung Quốc. Đấy mới là vấn đề thật ! Trận thương chiến do Chính quyền Trump phát động từ đầu năm không nhằm "lấy lại" vài trăm tỷ đô la trong số nhập siêu của Mỹ với Tầu.

Nhược điểm xương tủy của kinh tế chính trị Bắc Kinh là phải giữ đà tăng trưởng cao bằng mọi giá, khi đà tăng trưởng đó hết còn như xưa. Cuộc chiến mậu dịch giữa đôi bên có thể làm giảm đà tăng trưởng đó, khiến Bắc Kinh phải bơm tiền kích thích sản xuất và sẽ mắc nợ nhiều hơn trong khi gánh nợ qua lớn hiện nay đã gây nhiều khó khăn cho Trung Quốc. Đây đó đã có nhiều địa phương hay doanh nghiệp bị vỡ nợ.

Khu vực được bảo vệ

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng là trận thương chiến này chỉ là phần nổi và sẽ còn kéo dài nhiều năm ? Nếu vậy, các quốc gia khác nên tính thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Người ta cứ tưởng hiện tượng toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thế giời mà không thấy là đằng sau nguyên tắc tự do mậu dịch, xứ nào cũng có khu vực được bảo vệ khỏi sự cạnh tranh. Sau Thế Chiến II, Hoa Kỳ phát huy lý tưởng đó rồi bị cạnh tranh thua sút từ vài chục năm nay, vì vậy dân Mỹ bất mãn mới bầu cho ông Trump. Bắc Kinh khai thác lý tưởng tự do của các nước nhưng vẫn bảo vệ cả quốc gia chứ không chỉ một số khu vực khỏi sự cạnh tranh trong khi lại bành trướng quân sự ra ngoài và dùng tiền tài tranh thủ các nước. Đấy là bối cảnh chung cho các nước.

Tùy điều kiện, mỗi quốc gia lại có thể tính một khác. Chẳng hạn, Malaysia bọc xuôi theo chính sách ngoại giao bằng tiền của Bắc Kinh cho đến khi thấy là đồng tiền đó chỉ là cái mồi, cái móc câu là làm xứ sở mắc nợ. Nhờ có dân chủ và bầu cử, người dân xứ này đã bầu lên một hệ thống lãnh đạo khác. Là người quá cao tuổi, xưa nay nghi ngờ Tây phương vì đã từng sống dưới chế độ thuộc địa, Thủ tướng Mohamad Mahathir thấy ra tính chất "thuộc địa mới" của Trung Quốc qua chính sách bành trướng kinh tế và quân sự, cho nên trong năm ngày thăm viếng Trung Quốc vừa qua, ông ta ôn tồn nhưng dứt khoát điều chỉnh. Nhiều xứ khác, như Pakistan hay Sri Lanka cũng nhìn ra nhược điểm giao lưu khắng khít với Bắc Kinh mà rà soát lại chiến lược của họ, đôi khi là quá trễ vì những bất cập trong chính sách kinh tế tài chính của họ nên có thể lại xin Hoa Kỳ đằng sau khối Tây phương hay các định chế tài chính quốc tế tung tiền cấp cứu.

Nguyên Lam : Như vậy, thưa ông có phải là mỗi quốc gia lại có một cảnh ngộ riêng, giả dụ như bên ngoài là quan hệ kinh tế với Trung Quốc hay Hoa Kỳ mà bên trong là chính sách kinh tế tài chính của mình ? Và bây giờ họ mới lâm vào khó khăn khi mâu thuẫn giữa hai cường quốc kinh tế kia chỉ tăng chứ không giảm mà chính sách kinh tế bên trong lại gây ra những bất ổn mới như người ta đang chứng kiến tại Thổ Nhĩ Kỳ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta đang thấy ra một nghịch lý phi phàm ! Các nước đang phát triển đều mong hợp tác với Trung Quốc để kiếm lời kinh tế vì Bắc Kinh không có điều kiện quá khắt khe như các nước dân chủ Tây phương. Trong khi đó, khi vay tiền cho phát triển, họ lại vay đồng đô la Mỹ hay đồng Euro Âu Châu. Điều ấy đã cho thấy vấn đề trong chính sách kinh tế của các nước này.

Thứ nhất, đồng Mỹ kim hay Euro là các ngoại tệ phổ biến mà tỷ giá hay hối suất lên xuống chủ yếu là do quy luật thị trường và thuộc thẩm quyền của các cơ chế độc lập là Ngân hàng Trung ương. Thí dụ nổi bật và rất thời sự khi Tổng thống Mỹ than phiền việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất, lần cuối là Thứ Hai 20, người ta cho rằng ông đã xen vào một lãnh vực không có thẩm quyền.

Ngược lại, dù đã được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đưa vào rổ ngoại tệ chính từ ba năm qua, đồng Nguyên của Trung Quốc vẫn thuộc quyền tính toán của Bắc Kinh chứ chưa hoàn toàn được thả nổi. Do đó, các nước đang lên đều vay tiền Tây phương, nhất là đô la Mỹ, và vất vả khi Mỹ kim lên giá, còn hiệu ứng của Bắc Kinh với các nền kinh tế đó nằm ở chỗ khác chứ không thuộc vào tỷ giá đồng Nguyên.

Nguyên Lam : Câu chuyện quả là rắc rối hơn người ta thường nghĩ. Như vậy, thưa ông,, vấn đề không nằm tại Trung Quốc mà nằm trong chính sách kinh tế và tiền tệ của từng quốc gia, có đúng như vậy không ? Còn Việt Nam thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa đúng vậy. Bắc Kinh có kế hoạch khuynh đảo các nước để trở thành siêu cường. Lãnh đạo xứ nào không thấy hoặc cứ nhập cuộc thì có khi chết như chư hầu khi Đế quốc Tầu bị suy sụp. Nhưng các nước đang lên lại có vấn đề khác, như vay mượn để đầu tư. Vay ai, vay tiền gì và đầu tư vào đâu để kinh tế có lợi nhất hầu còn có thể trả nợ ? Vụ khủng hoảng vừa qua tại Turkey cho thấy sự bất cập trong chính sách kinh tế tài chính của nhiều nước, chứ không trực tiếp liên hệ tới Trung Quốc.

bien2

Các nước đang lên trong biến động mới. AFP

Khi thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc bùng nổ, nhiều người cho rằng đấy là cơ hội cho xứ khác. Thật ra chẳng mấy ai có lợi trong chiến tranh, dù là chiến tranh mậu dịch, và xứ nào mơ việc trám vào khoảng trống đó đã đi quá chậm. Kinh tế Trung Quốc đi hết vận hành sau 30 chuyển hướng kể từ đầu năm 1979 và cần cải cách, chẳng khác gì nhiều nền kinh tế đi trước. Nhưng với đất rộng người đông và tham vọng vô bờ vì mặc cảm lạc hậu từ nhiều thế kỷ trước, Bắc Kinh tưởng mình là ngoại lệ và nuôi chí bá quyền để khuynh đảo thiên hạ, lại còn được thế giới nuông chiều vì cũng tưởng vậy. Ngày nay, sự lầm tưởng ấy đã chạm đáy.

Các nước đang phát triển đi vào một không gian mở rộng từ sau Thế chiến II thì dần dần mới thấy quan hệ đa phương lại đặt ra bài toán mới. Xứ nào cũng tìm ra một chính sách kinh tế cho mình, nhưng khi buôn bán với nhiều xứ khác, như Hoa Kỳ, Âu Châu, Trung Quốc hay Nhật Bản, và sử dụng nhiều đồng tiền để thanh toán và đầu tư thì cũng bị chính sách kinh tế của các nước đó chi phối. Vụ khủng hoảng tại Turkey năm nay hay vụ khủng hoảng tài chính 10 năm trước, hay vụ khủng hoảng Đông Á năm 1997 là những cơ hội học hỏi.

Bài học từ Turkey

Nguyên Lam : Người ta có thể học hỏi những gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khi vận dụng phương tiện của xứ khác để phát triển, như tư bản hay tín dụng, thì mình bị chính sách của xứ khác chi phối. Kinh tế và ngân hàng giao dịch bằng đồng Euro hay Đô la Mỹ với các nước thì bị khối Âu Châu hay Hoa Kỳ chi phối khi đồng bạc của họ lên hay xuống giá, cho nên nếu chỉ nhìn vào trong thì sẽ gặp rủi ro khủng hoảng vì các chuyển động lớn từ bên ngoài.

Chẳng xứ nào bị lây vì khủng hoảng tại Turkey nếu bên trong không có nhược điểm nội tại. Yếu tố lây lan là các nhược điểm làm suy yếu khả năng đề kháng. Bây giờ, khi Mỹ và Trung Quốc lâm trận thương chiến, hơn chục quốc gia đang phát triển lại thấy rằng mình vay mượn quá nhiều, lại vay bằng đô la Mỹ vì tiền Mỹ quá rẻ từ 2008 tới 2014, thì rất dễ bị nạn.

Nguyên Lam : Nếu vậy thì có lẽ các nước đang phát triển đã từng buôn bán với cả Trung Quốc và khối Tây phương như Âu-Mỹ-Nhật mới đang gặp rủi ro lớn như ông vừa trình bày. Ông kết luận thế nào về tương lai ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trong ngắn hạn thì các nước đang phát triển nên cố gắng để khỏi bị nạn như Turkey, một xứ hồ hởi đi vay để bành trướng và mắc nợ, nay viện dẫn chủ nghĩa quốc gia hay giáo luật của đạo Hồi và đả kích Hoa Kỳ mà vẫn sẽ không thoát nạn. Trong trung hạn, từ hai tới năm năm, thì tìm cách ra khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc và vào việc đi vay để phát triển, tạo dựng một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn so với khoản nợ bằng ngoại tệ là chuyện cần thiết. Sau cùng, ta không nên quên rằng giải pháp hay sách lược kinh tế nào cũng chỉ có giá trị giai đoạn và cần xét lại. Cấm xét lại vì sợ ra khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam chỉ là cách lao vào khủng hoảng.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 22/08/2018

Published in Diễn đàn
mardi, 14 août 2018 17:21

Món nợ của Thổ Nhĩ Kỳ

Dù Thổ Nhĩ Kỳ không có nền kinh tế đủ lớn để gây ảnh hưởng toàn cầu nhưng cuộc khủng hoảng vẫn là điều bất lợi cho các nước đang phát triển vì gánh nợ quá lớn của các xứ này. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu tại sao…

turk1

Bảng điện tử cập nhật tỉ giá của đồng Lira so với Mỹ kim và đồng Euro tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 13 tháng 8,2018 - AFP

Vì sao có cuộc khủng hoảng ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang gây hậu quả bất lợi cho các nền kinh tế Á Châu, kể cả Việt Nam và nhất là Việt Nam, thì vụ khủng hoảng bùng nổ tại Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ lại là một biến cố đáng ngại khác. Vì vậy, mục Diễn đàn Kinh tế tuần này xin đề nghị ông phân tích cho nguyên nhân và hậu quả của vụ Thổ Nhĩ Kỳ đối với Châu Á.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nếu chỉ theo dõi sự tình một cách hời hợt thì ta có thể ngạc nhiên vì sao lại có cuộc khủng hoảng tại Thổ Nhĩ Kỳ. Chẳng lẽ Chính quyền Hoa Kỳ lại trừng phạt một quốc gia đồng minh, thành viên của Minh ước Bắc Đại Tây Dương NATO chỉ vì số phận của một mục sư người Mỹ đã bị Chính quyền Thổ giam giữ từ hai năm nay ? Sự thật nó không đơn giản như vậy vì nhiều biến cố xảy ra từ cuối năm 2002.

Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nửa Âu nửa Á và nói về địa dư thì Á nhiều hơn Âu. Trăm năm trước, khi Đế quốc Hồi giáo Ottoman sụp đổ, bậc quốc phụ của nước Thổ là Mustapha Kemal đã muốn canh tân xứ sở theo mô hình Âu Châu với một chế độ mang tính chất thế quyền hơn thần quyền và loại bỏ ảnh hưởng của tôn giáo trong sinh hoạt chính trị. Sau đó do vị trí địa dư có tính chất chiến lược trên đại lục địa Âu-Á nhìn xuống vùng biển miền Nam, trong thời Chiến tranh lạnh, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một nước Tây Phương và là thành viên của Minh ước NATO để chặn đà bành trướng của Liên bang Xô viết. Nhưng khi Liên Xô tan rã rồi sụp đổ thì tình hình đã đổi khác kể từ năm 1992….

Nguyên Lam : Như vậy thì mọi sự có thể đã manh nha từ mấy chục năm trước rồi sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là sau năm 2001, một trào lưu khác đã thành hình tại Thổ với một tập hợp chính trị mới là đảng Công lý và Phát triển, gọi tắt theo tiếng Thổ là AKP. Đảng này thắng cử nhiều lần kể từ năm 2002, theo xu hướng khôi phục ảnh hưởng của Hồi giáo và chủ nghĩa quốc gia dân tộc của người Thổ. Một lãnh tụ của đảng AKP là đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan lên lãnh đạo và dần dần thâu tóm quyền lực theo Tổng thống chế và muốn xứ sở phải là cường quốc trong khu vực tiếp cận với Âu Châu, Á Châu và Trung Đông.

Không may cho xứ Thổ, Chính quyền của ông Erdogan lại có nhiều sai lầm về chính sách kinh tế, quan trọng nhất là việc vay mượn quá khả năng thanh toán. Tai họa của Thổ là đi vay để bành trướng và nay không thể trả nợ.

Yếu tố ngoại giao là việc tách xa Tây phương mà lại vay ngoại tệ của ngân hàng Âu Châu rồi tiến tới chế độ toàn trị sau cuộc phản đảo chính vào Tháng Bảy năm 2016. Việc chế độ Erdogan bắt giam một mục sư người Mỹ theo đạo Tin Lành đã sống tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 23 năm qua chỉ là giọt nước tràn ly chứ không là lý do vì xứ Thổ vừa đòi mua chiến đấu cơ F-35 của Mỹ, lại muốn mua hỏa tiễn địa-không S-400 của Nga mà ra tay chà đạp nhân quyền ở bên trong nên chế độ mất hết đồng minh trong chính trường Hoa Kỳ và làm các nước Âu Châu hoài nghi.

Nhân duyên

Nguyên Lam : Trên diễn đàn này, ông hay nói đến chuyện "nhân duyên". Cái "nhân" là nguyên nhân khiến điều gì đó có thể sẽ xảy ra. Cái "duyên" là biến cố làm chuyện đó xảy ra vào thời điểm này. Như vậy, phải chăng là cái nhân của vụ khủng hoảng Thổ Nhĩ Kỳ đã có từ trước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sai lầm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ hay cái nhân là họ đi vay quá sức trả khiến đồng bạc mất giá từ lâu, rồi biện pháp trừng phạt của Mỹ mới gây khủng hoảng cho hệ thống ngân hàng của Thổ, sẽ lan ra các ngân hàng chủ nợ của quốc tế. Không có vụ mục sư Mỹ thì xứ này cũng bị khủng hoảng. Bài học kinh tế ở đây là chuyện đi vay, trường hợp khá phổ biến trong các nước đang phát triển trên thế giới.

Nguyên Lam : Thưa ông, thế rồi tình hình sẽ ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngoài việc đả kích Hoa Kỳ để huy động quần chúng bên trong, Chính quyền Thổ chẳng có nhiều giải pháp kinh tế tài chính. Gánh nợ của Thổ hiện lên tới gần 500 tỷ đô la, đa số tới gần 80% là nợ bằng tiền Mỹ dù chưa hẳn là nợ các ngân hàng Mỹ, phần còn lại là nợ bằng đồng Euro của Âu Châu. Hơn 100 tỷ của khoản nợ quá lớn này sẽ đáo hạn trong năm nay. Họ không dám tăng lãi suất để đồng Lira khỏi mất giá vì sợ gây ra nạn suy trầm sản xuất và thất nghiệp. Nếu ra lệnh kiểm soát tư bản để tránh thất thoát ngoại tệ thì vẫn khó tránh vỡ nợ và chẳng được Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế tung tiền chuộc nợ để cấp cứu nếu không chấn chỉnh lại hệ thống công chi thu.

Với ông Erdogan, việc cải cách theo điều kiện của IMF là một xâm phạm chủ quyền quốc gia. Giải pháp kia là xin Bắc Kinh trợ cấp tài chính thì chế độ lại càng lệ thuộc hơn vào một xứ ở xa, đang có quá nhiều vấn đề trong nội bộ.

Bài học từ Thổ Nhĩ Kỳ

Nguyên Lam : Từ chuyện Thổ Nhĩ Kỳ qua các nước khác, chúng ta có thể rút tỉa được những bài học gì, thưa ông ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta không quên rằng sau vụ Tổng suy trầm năm 2008-2009, khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật đã ào ạt hạ lãi suất tới gần số không nhằm kích thích kinh tế nhưng cũng gây ra hiện tượng tiền nhiều và rẻ. Vì vậy, giới đầu tư của các nền kinh tế đó, tại Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản, mới đem tiền vào kiếm lời cao hơn trong các nước đang phát triển, như Cộng hòa Nam Phi, Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ. Các quốc gia này thấy đó là cơ hội đi vay rất rẻ mà chẳng nghĩ tới ngày trả nợ.

Thế rồi khi kinh tế Hoa Kỳ phục hồi và Ngân hàng Trung ương Mỹ tăng lãi suất thì tiền Mỹ lên giá và thị trường Hoa Kỳ là cơ hội kiếm lời cao hơn. Các nước đang phát triển mà vay quá nhiều bằng ngoại tệ sẽ chết kẹt vì nội tệ của họ mất giá và việc trả nợ lại đắt hơn. Thổ Nhĩ Kỳ bị khủng hoảng vì ngoại giao nhưng mầm khủng hoảng đã có sẵn bên trong, nhiều xứ khác, như Pakistan hay Nam Phi, Argentina hay cả Indonesia cũng có thể bị như vậy và khủng hoảng dễ lây lan toàn cầu. Có lẽ ta cần nhớ lại một chuyện tương tự xảy ra 20 năm trước tại Đông Á.

Nguyên Lam : Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này vì quả thật là đã quá xa xôi cho đa số thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng ngày hai Tháng Bảy năm 1997, Thái Lan bị khủng hoảng vì đồng Baht của họ mất giá. Khi đó, thế giới còn ngợi ca phép lạ kinh tế Đông Á nên không ngờ là từ Thái nạn khủng hoảng đã tràn khắp Đông Á, từ Đông Nam Á như Malaysia, Philippines lên Đông Bắc Á, vào tới Nam Hàn, Đài Loan, rồi lan qua Liên bang Nga và dội ngược về thị trường Hoa Kỳ làm một tập đoàn đầu tư đối xung hay "hedge fund" của Mỹ bị phá sản. Bộ phận chuyển lực làm tai họa lây lan mấy ngàn cây số chính là các ngân hàng vì họ bị mất nợ.

Khi biến cố bùng nổ tại Thái Lan, ít ai nghĩ đến một vụ vỡ nợ dây chuyền. Ngày nay, chuyện Thổ phải làm ta nghĩ đến xứ Thái. Lần đó, Việt Nam chưa hội nhập vào luồng giao dịch tài chính quốc tế nên chỉ bị hậu quả gián tiếp, lần này thì khác vì Việt Nam cũng đi vay quá nhiều.

Nguyên Lam : Vì thời lượng của chúng ta có hạn, Nguyên Lam xin đề nghị ông nêu ra một kết luận sơ khởi về hậu quả.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đi vay chỉ là tiêu sớm mà thôi. Khi vay thì phải nghĩ đến ngày trả. Vay ngắn hạn mà tiêu vào việc dài hạn không là giải pháp, và vay rẻ mà trả đắt là điều đang xảy ra. Việt Nam nên theo dõi chuyện này vì đã mắc nợ và rất dễ bị vạ lây.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 14/08/2018

Published in Diễn đàn
lundi, 13 août 2018 19:57

Chính sách công nghiệp

Trong khung cảnh chung của những mâu thuẫn về thương mại và đầu tư đang bùng nổ, một vấn đề được đặt ra là phạm trù "chính sách công nghiệp" để một nước có thể tập trung tiềm năng xây dựng các khu vực chế biến ưu tiên của mình. Liệu rằng chính sách đó có đi ngược với nguyên tắc tự do thị trường hay không. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này trong một viễn cảnh rộng sau đây.

cong1

Chính sách công nghiệp AFP

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, trong trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, phía Hoa Kỳ có nêu vấn đề về chính sách công nghiệp của Bắc Kinh, thí dụ như kế hoạch "Chế tạo tại Bắc Kinh 2025" hay chương trình thụ đắc công nghệ tin học cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Khi đó, vấn đề đặt ra là một quốc gia có vi phạm nguyên tắc tự do của thị trường khi tìm cách ưu đãi các doanh nghiệp nội địa hay không. Ông nghĩ sao về vụ này khi liên tưởng đến trường hợp Việt Nam ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa :  Tôi nghĩ rằng đây là một đề tài thuộc loại khó hiểu nhất trong năm vì liên quan đến khá nhiều vấn đề, từ lý thuyết kinh tế đến pháp lý và kinh doanh, cho nên sẽ cố gắng trình bày qua từng bước.

Trước hết, từ các nhà tư tưởng tiên phong về kinh tế và mậu dịch vào thế kỷ 18, 19, như Adam Smith rồi David Ricardo, người ta vẫn cho rằng nếu được tự do làm ăn thì các doanh nghiệp lẫn quốc gia đều tìm ra "ưu thế tương đối" của mình. Ưu thế đó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như địa dư, tài nguyên, hay phương tiện sản xuất để chế biến ra các mặt hàng có lợi nhất cho mình về giá cả lẫn phẩm chất, rồi trao đổi các sản phẩm đó với nhau một cách tự do, kể cả qua biên giới, thì kết quả sau cùng là ai cũng có lợi, có lợi hơn là thiết lập chế độ kiểm soát hay bảo vệ theo kiểu ngăn sông cấm chợ. Nhưng sự thật lại không như lý thuyết.

Sự thật không như lý thuyết

Nguyên Lam : Nguyên Lam biết rằng ông đang trình bày bước đầu tiên của một đề tài ông cho là khó hiểu. Thưa ông, vì sao sự thật lại không như lý thuyết ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Sự thật lại không được như vậy vì mỗi thời kỳ, bài toán kinh tế của một quốc gia lại một khác, với những giải pháp áp dụng trong mấy chục năm rồi lại thay đổi. Thí dụ là ngay từ thời lập quốc, chính Hoa Kỳ cũng đã có lúc theo đuổi chính sách công nghiệp để xây dựng khu vực công nghiệp và chế biến của Mỹ hầu cạnh tranh thành công với các nước khác tại Âu Châu như ông Alexander Hamilton đã chủ trương từ năm 1791. Trước đó khá lâu, vào Thế kỷ 17, ông Jean-Baptiste Colbert dưới triều Louis thứ XIV cũng cải cách chế độ thuế khóa, tài chính và công nghiệp để tạo sức mạnh cho nước Pháp tại Âu Châu.

Nói chung, các nước tiên tiến thời ấy, như Anh, Mỹ, Pháp, Đức đều có chính sách nâng đỡ kỹ nghệ quốc gia rồi mới tiến dần đến chế độ kinh tế tự do, nhưng ngay trong hệ thống buôn bán tự do giữa các nước với nhau thì xứ nào cũng có một vài khu vực được họ ưu tiên bảo vệ. Bài toán đó cũng đặt ra cho các nước đi sau, những quốc gia mà ta gọi là "đang phát triển".

Nguyên Lam : Đấy là bước thứ hai, thưa ông, bài toán cho các nước đang phát triển là những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Các nước đang phát triển đã học hỏi từ các quốc gia đi trước, đa số tại Âu Châu, mà tập trung sức mạnh quốc gia để thiết lập các khu vực sản xuất sẽ chiếm ưu thế sau này. Thí dụ đầu tiên là Nhật Bản với bộ máy hành chính công quyền rất hữu hiệu có nhiệm vụ yểm trợ khu vực tư doanh tiến lên trình độ sản xuất có giá trị cao hơn hàng hóa Âu Mỹ. Sau đó, Nam Hàn cũng học theo Nhật mà có bước đột phá là không tìm cách giảm thiểu nhập khẩu với chính sách gọi là "thay thế nhập khẩu" bằng chiến lược khuếch trương xuất khẩu và xây dựng khả năng sản xuất và xuất cảng các mặt hàng có sức cạnh tranh cao hơn hàng hóa của Nhật Bản, Âu Châu và Hoa Kỳ. Khi đó, khái niệm "chính sách công nghiệp" mới được đặt ra, thậm chí nâng lên trình độ quốc sách là sách lược của quốc gia. Đấy là những tấm gương thành công cho các nước đi sau.

Nguyên Lam : Ông nói đến các tấm gương thành công, phải chăng điều ấy còn hàm nghĩa là có trường hợp thất bại ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói ra thì hơi nghịch nhĩ, các trường hợp thất bại có thể là Liên bang Xô viết ngày xưa hay Trung Quốc và Việt Nam ngày nay. Tôi xin được giải thích thêm để chúng ta có thể hiểu được một chuyện quá phức tạp :

Về lý thuyết - mà như chúng ta đã và đang thấy, lý thuyết nhiều khi lại xa rời thực tế và cần điều chỉnh – các quốc gia cần có chính sách công nghiệp để sửa sai những bất toàn hay thất bại của thị trường. Theo lý thuyết có nội dung can thiệp ấy, trong tiến trình sản xuất và trao đổi, các nước thường chỉ tính phần lợi nhuận cho tư doanh mà ít quan tâm đến lợi ích của xã hội, hay của cộng đồng quốc gia.

Vì chỉ đếm những cái được của tư doanh mà không thấy ra cái mất của xã hội, các chính quyền sáng suốt phải tìm ra chính sách công nghiệp thích hợp để tái cân bằng lợi ích giữa tư doanh và cho xã hội. Thí dụ như một nhà máy thép hay một đập thủy điện cho tư doanh xây dựng có thể cung cấp thép hay điện và thu lợi cho nhà đầu tư lẫn giới tiêu thụ. Nhưng phí tổn xã hội lại là loại "ẩn phí", các thí tổn ngầm mà ai đó phải trả, giả dụ như nạn ô nhiễm môi sinh hoặc thất thâu về canh nông hay thủy lợi, vì phương tiện sản xuất dành cho dự án này thì không thể dùng vào dự án khác. Do đó, chính sách công nghiệp của một nhà nước anh minh có thể sửa được những thất bại của thị trường. Nhưng khi nhà nước thất bại thì ta lại có nhiều tấm gương khác là chuyện mình sẽ nói sau.

Tai họa khi nhà nước thất bại

Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một chuyện khá bất ngờ là nhà nước muốn sửa sai những thất bại hay bất toàn của thị trường bằng chính sách công nhiệp nhưng mà chính nhà nước lại thất bại thì cái chính sách công nghiệp đó mới là tai họa. Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày vài thí dụ minh diễn nghịch lý này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Đầu tiên là khái niệm "thất bại của thị trường" khi so sánh phí tổn và lợi ích của tư doanh và của xã hội. Người ta không dễ đếm được loại kết quả vô hình, như kiến năng, hay kiến thức và khả năng, mà xã hội có thể học được từ các dự án của tư doanh. Chính sách công nghiệp có thể bỏ sót chuyện đó nếu xây dựng các đặc khu kinh tế để khoanh vùng ảnh hưởng khi xứ khác đã bỏ chuyện đó từ lâu là điều Việt Nam nên học.

Thứ hai, thị trường có thể thất bại nếu không thấy yêu cầu phối hợp giữa các dự án, nơi này làm nhà máy điện chạy bằng than, bên cạnh lại cần cảnh quan tốt lành để thu hút du khách, là bài toán của Quảng Ninh và Vịnh Hạ Long.

Thứ ba là sự chuyển dịch tư bản từ nơi thừa qua nơi thiếu, như tư doanh cần vốn mà khó vay được trên thị trường vì chính sách công nghiệp của nhà nước thiếu sáng suốt.

Thứ tư, là lợi nhỏ so với lợi lớn, thuốc chủng ngừa cho trẻ em không chỉ có lợi cho các em được tiêm chủng mà còn có lợi cho các thiếu nhi rong vùng vì tránh bị lây bệnh. Nhưng khi nhà nước không kiểm soát được phẩm chất của thuốc chủng, như chuyện vừa xảy ra tại Trung Quốc, thì đấy không là thất bại của thị trường.

Vì vậy, ta cần xét lại phạm trù "thị trường thất bại" khi nhà nước đòi sửa sai bằng chính sách công nghiệp. Nếu nhà nước lại bao biện dùng nhiều khí cụ can thiệp vào thị trường thì đấy là sự thất bại của nhà nước.

Nguyên Lam : Chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa có nói trước rằng đây là đề tài thuộc loại khó hiểu nhất trong năm. Quả nhiên là thính giả của chúng ta thấy khó hiểu khi nhà nước dùng nhiều khí cụ can thiệp vào thị trường mà thất bại. Xin ông giải thích thêm chuyện can thiệp đó.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta sẽ còn nhức đầu hơn nữa nếu châm thêm yếu tố pháp lý, thí dụ như những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Chính sách công nghiệp của một quốc gia có thể yểm trợ doanh nghiệp nội địa để gọi là tái quân bình những chênh lệch giữa tư doanh và xã hội, nhưng can thiệp vào khâu nào, từ trước khi tiến tới cạnh tranh hay mãi mãi sau đó ? Nhà nước bao biện và toàn trị như trường hợp Trung Quốc và Việt Nam thường can thiệp rất rộng mà lại nông. Nơi nào và việc gì cũng muốn kiểm soát mà để quá nhiều kẽ hở khiến tay chân của đảng và nhà nước vẫn có thể lọt qua và trục lợi. Đấy là tham nhũng.

Nói về các khí cụ can thiệp trong chính sách công nghiệp thì ta có ngoại hối là tỷ giá đồng bạc, tín dụng là tiền đi vay, có thuế vụ là tăng hay miễn thuế tùy theo đối tượng, ta có quyền cung ứng cho doanh nghiệp nội địa một tỷ lệ hàng hóa nào đó, tức là hạn ngạch về nhập khẩu. Ta còn có hai chuyện hệ trọng nhất là đất đai và quy chế pháp lý của doanh nghiệp nội địa.

Tại Trung Quốc và Việt Nam, thành phần kinh tế nhà nước là công ty quốc doanh vẫn giữ vị trí chủ đạo trong chính sách công nghiệp nên gây ra cạnh tranh bất chính cho tư doanh bản xứ, chưa nói đến tư doanh của nước ngoài. Những mâu thuẫn và tranh cãi hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tập trung vào tình trạng cạnh tranh bất chính và nhất là việc không tôn trọng tác quyền hay quyền sở hữu trí tuệ. Chính sách công nghiệp của Bắc Kinh đem lại lợi thế không chính đáng, thậm chí phi pháp nữa.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, phải chăng các nước có thể có chính sách công nghiệp trong một giai đoạn phát triển nào đó, những thành hay bại thì còn tùy khả năng của từng nhà nước ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhìn từ ngắn hạn tới dài hạn, tôi thiển nghĩ rằng các nước đang phát triển đều cần có chính sách công nghiệp trong vài chục năm, với viễn ảnh là sẽ bỏ chính sách đó khi ngang bằng các quốc gia tiên tiến. Suốt vài chục năm đó, lãnh đạo các nước cần viễn kiến và kỷ luật để biết rằng mỗi năm năm thì tiến tới đâu trên một lộ trình đã vạch trước mà không tạo ra lợi thế cho một thiểu số có thể trục lợi và ỷ thế làm liều. Tùy hoàn cảnh riêng, Nhật rồi Nam Hàn hay Đài Loan đều tiến như vậy và thành công qua các ngả khác nhau. Dĩ nhiên, thế giới còn tranh luận về chính sách công nghiệp, là chính đáng hay không, nhưng số quốc gia thành công thật ra lại không nhiều.

Việt Nam có ba chục năm đổi mới mà chưa tiến được chính là vì thiếu viễn kiến và kỷ luật nên chính sách công nghiệp gây tổn thất xã hội, như môi sinh, văn hóa, hay đạo tắc về nghề nghiệp, mà chỉ đem lại ưu thế cho một thiểu số. Đã vậy, trình độ tiếp nhận công nghệ mới lại chưa có vì Việt Nam thiếu đầu tư thích đáng vào lĩnh vực đào tạo và giáo dục cho nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia.

Rốt cuộc thì yếu tố then chốt vẫn là nhân sự trong bộ máy nhà nước khi áp dụng chính sách công nghiệp. Nhà nước không có hệ thống nhân sự liêm chính, có khả năng chuyên môn và nhất là yêu nước thì dù có được cố vấn về chính sách công nghiệp thích hợp vẫn có thể thất bại.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.

Nguyên Lam thực 

Published in Diễn đàn
vendredi, 03 août 2018 19:47

Sa sút của Trung Quốc là tiến bộ

Trận chiến mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang thu hút sự quan tâm của các thị trường vì hiệu ứng có thể gây ra cho thế giới. Tuy nhiên, khi trận chiến chưa bùng nổ, kinh tế Trung Quốc lại có triệu chứng suy yếu, nên người ta tự hỏi về kết cuộc. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này, nhưng từ một giác độ khác.

sa1

Công ty Shanghai Gaoqiao ờ Thượng Hải, Trung Quốc - AFP

Nghịch lý

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, khi trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới từ hai bờ biển Thái Bình Dương làm thiên hạ chú ý thì tuần này, thống kê từ Bắc Kinh lại phơi bày sự yếu kém của kinh tế Trung Quốc. Theo nhận xét của ông, Trung Quốc có bị thất thế trước khi phải nhập trận hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin phân tích vụ này từ hai giác độ khác nhau rồi mới hy vọng nêu ra vài kết luận. Thứ nhất, nhìn trên mệnh giá hay bản mặt của các thống kê do Bắc Kinh công bố, quả nhiên là tình hình kinh tế trong Quý Hai vừa kết thúc đã có triệu chứng sa sút. Vì đã biết tính chất khả tín rất thấp của thống kê Trung Quốc, người ta vẫn có thể kết luận là trước khi vào trận, Bắc Kinh đã gặp cảnh bất lợi, nhất là khi lãnh đạo xứ này đang phơi bày nhiều sự bất nhất trong chính sách. Tuy nhiên, và đây là giác độ thứ hai, các chỉ dấu sa sút kinh tế vừa được công bố lại cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã đạt nhiều tiến bộ.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin được nêu ra nghịch lý từ hai nhận xét của ông. Nhận xét thứ nhất là kinh tế Trung Quốc đang có triệu chứng sa sút vào Quý Hai, trước khi lao vào trận chiến mậu dịch với Hoa Kỳ. Nhưng, và đây là nhận xét thứ hai của ông, chỉ dấu sa sút đó lại cho thấy lãnh đạo Bắc Kinh đã đạt tiến bộ. Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể tự hỏi, chẳng lẽ sự sa sút lại là chỉ dấu tiến bộ hay sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cố tình trình bày như vậy để nhấn mạnh một khía cạnh là có sự khác biệt trong tầm nhìn ngắn và dài hạn.

Đầu tiên, khi thống kê do Bộ Thương Mại Mỹ công bố hôm Thứ Sáu 27 về đà tăng trưởng ngoạn mục của kinh tế trong Quý Hai, Cục Thống Kê Quốc Gia tại Bắc Kinh lại cho biết tình hình kém khả quan của kinh tế Trung Quốc. Hãy tưởng tượng hai lực sĩ sắp ra đấu sức thì một người lại có báo cáo tốt hơn người kia về thể lực. Vì vậy, kết luận ngắn hạn thì Hoa Ký có thế mạnh hơn Trung Quốc trong trận đấu sắp tới. Tuy nhiên, đây là một cách nhìn có tính chất dài hạn hơn, xưa nay Trung Quốc mắc bệnh tôn sùng chỉ tiêu tăng trưởng, cái bệnh đã lây vào Hà Nội, bây giờ, khi họ công nhận một đà tăng trưởng thấp hơn, thì đấy là một sự tiến bộ về thống kê !

Hai tầng lý luận

Nguyên Lam : Nguyên Lam bắt đầu thấy ra hai tầng lý luận của chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Xin ông hãy nhắc đến tầng đầu là thống kê ngắn hạn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hôm Thứ Ba ngày 30, Cục Thống Kê Trung Quốc cho biết chỉ số đặt mua hàng công nghệ gọi là “Purchasing Managers’ Index hay PMI, đã rớt tới mức thấp nhất kể từ năm tháng vừa qua. Vì chỉ số này có giá trị tiên báo khi cho biết trước số đơn đặt hàng sẽ sử dụng cho sản xuất trong những tháng tới, ta hiểu là sản lượng tương lai có thể giảm. Chi tiết ấy càng xác nhận rằng lãnh đạo Bắc Kinh đang bị phân vân giữa hai ưu tiên là nên cải cách cơ chế cho lành mạnh hơn, hay là nên tiếp tục kích thích sản xuất bằng những biện pháp đã từng gieo họa cho họ.

sa2

Biểu đồ chỉ số PMI của Trung Quốc từ năm 2014. AFP

Chi tiết thứ hai có ý nghĩa không kém là sản lượng của các địa phương. Xưa nay các địa phương đều thi đua báo cáo mức khả quan của kinh tế nên kết số tổng hợp của ngần ấy địa phương đều cao hơn sản lượng kinh tế của cả nước. Sự khác biệt đó là một vấn đề về thống kê của Trung Quốc mà chúng ta đã phân tích nhiều lần trên diễn đàn này. Bây giờ, điểm lại sản lượng kinh tế trong sáu tháng đầu năm của 29 tỉnh thì chúng ta thấy gì ? Thấy là chỉ có 15 tỉnh là đạt mức tăng trưởng cao hơn bình quân của toàn quốc. Tính theo cùng kỳ so với năm ngoái là 21 tỉnh, thì ta có hai kết luận : hoặc là tình hình các tỉnh đã sa sút hơn, hoặc là các tỉnh đã báo cáo trung thực hơn xưa ! Nếu trung thực hơn thì đấy là một sự tiến bộ…

Nguyên Lam : Bây giờ chắc quý thính giả của mục Diễn đàn Kinh tế đã hiểu ra chuỗi lý luận của ông Nghĩa. Bắc Kinh đã có tiến bộ khi các tỉnh bớt thổi phồng thống kê kinh tế tại địa phương, nhờ đó mà lãnh đạo tại trung ương có thể biết rõ hơn về thực tế ở dưới. Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm vụ này, là tầng thứ hai của thống kê dài hạn.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin trở ngược về quá khứ một chút thì mình sẽ thấy.

Từ cả chục năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh đã chật vật đối phó với một hiện tượng là đảng viên cán bộ tại địa phương thường cung cấp các báo cáo kinh tế tốt đẹp lên trung ương nên trung ương không còn biết rõ về thực tế ở dưới. Lý do của hiện tượng này là các đảng viên không chịu trách nhiệm với quần chúng ở dưới nhưng được thăng quan tiến chức nhờ sự cất nhắc của thượng cấp ở trên.

Đặc tính của hệ thống chính trị độc tài xưng danh “dân chủ tập trung” mới dẫn đến tai họa vì trung ương bị bịt mắt. So với tai họa về thông tin của “Bước Nhảy Vọt Vĩ Đại” thời Mao Trạch Đông làm mấy chục triệu người chết oan thì tình hình có vẻ khá hơn sau nhiều đợt cải cách về kỹ thuật thu thập thống kê, nhưng so với yêu cầu quản lý một nền kinh tế quá lớn và quá phức tạp trên một lãnh thổ bát ngát thì việc cải cách ấy vẫn chưa đủ.

Tháng 10 năm ngoái, vào Đại hội đảng của Khóa 19, Tổng Bí thư Tập Cận Bình phê phán đặc tính “tôn sùng đà tăng trưởng kinh tế” của Trung Quốc, là điều ai cũng biết từ vài chục năm qua. Thế rồi, dường như lời phán đó lại công hiệu vì hôm Chủ Nhật 28, ta thấy có khác lạ trong thống kê kinh tế của 31 tỉnh thành, là các tỉnh và năm thành phố do trung ương trực tiếp quản lý, vì phân nửa có đà tăng trưởng thấp hơn hoặc bằng với trung bình toàn quốc. Kết số tổng cộng có nghĩa là tăng trưởng toàn quốc chỉ là 6,8%, hơi thấp hơn chỉ tiêu được lãnh đạo đưa ra. Sự tiến bộ của Bắc Kinh là thu hẹp sai số hay sự khác biệt giữa thống kê của trung ương với thống kê của các địa phương. Bớt nói dối cũng đã là một tiến bộ !

"Làm láo báo cáo hay"

Nguyên Lam : Nguyên Lam không ngờ rằng trong kinh tế học hay kinh tế chính trị học, người ta cũng có nhiều lý luận mỉa mai châm biếm lâu lâu được ông nhấn mạnh. Thưa ông, diễn đàn này cũng có mục đích trình bày nhiều sự thật về kinh tế cho người dân Việt Nam cùng biết nên Nguyên Lam xin được yêu cầu ông khai triển thêm cho bà con dễ nắm vững thực tế.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ thời Đặng Tiểu Bình tới Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra vấn đề trong thống kê là phần kỹ thuật liên quam đến bộ môn kế toán quốc gia và phần chính trị là hiện tượng “làm láo báo cáo hay” của đảng viên cán bộ mà người Việt Nam cũng đã biết. Họ đã cố cải tiến phần kỹ thuật, nhưng lãnh đạo Việt Nam thì chưa.

Qua phần chính trị thì Tổng bí thư Tập Cận Bình mới là người thúc đẩy với cái búa đả hổ đập ruồi. Đó là cho Cục Thống Kê Quốc Gia quyền thu thập thống kê ở các cấp địa phương kể từ năm tới, và đưa đảng viên đi giám sát hành vi và giám định kế toán với vai trò quan trọng và đáng sợ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật của Trung ương đảng, nổi tiếng về việc diệt trừ tham nhũng. Kết quả là nhiều tỉnh đã tự thú là thổi phồng thống kê về sản lượng kinh tế của địa phương, là hoàn cành suy sụp của các tỉnh Đông Bắc, như Liêu Ninh, Hắc Long Giang và Cát Lâm, vì là trung tâm công nghiệp nặng thời xưa nhưng nay lại giấu biến sự thật. Nhiều tỉnh cũng khai gian vì mắc nợ quá nhiều và thổi phồng thống kê để phủ lấp rủi ro.

Nguyên Lam : Nếu như vậy, có lẽ người ta hiểu ra tại sao ông Tập Cận Bình cố gắng tập trung quyền lực về trung ương và vào trong tay cá nhân vì trung ương không thể quản lý được nếu chỉ căn cứ trên thống kê sai lạc. Thưa ông, người ta còn nên thấy ra cái gì khác trong hiện tượng thống kê đó của Bắc Kinh ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì kinh tế tăng trưởng thiếu phẩm chất – không cân đối, không phối hợp, không công bằng và không bền vững, ít ra là “bốn không” như thế hệ lãnh đạo trước là Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã nhận định – Trung Quốc không phát triển mà lại tích lũy nhiều nhược điểm. Tiếp nhận di sản đó, thế hệ lãnh đạo thứ năm là Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường lên cầm quyền từ sau Đại hội 18 vào cuối năm 2012 mới phải tiến hành cải cách và chuyển hướng kinh tế mà chưa xong. Với chủ trương thanh lọc hàng ngũ, Tập Cận Bình phải đả hổ diệt ruồi để thanh trừng các đối thủ hay những kẻ cưỡng chống cải cách và nay mới bắt đầu ra tay thì lại lâm vào trận chiến mậu dịch với Hoa Kỳ.

Nhưng bài toán thống kê và tầm nhìn vẫn có thể che mắt lãnh đạo ở trên khi họ phải tiến hành một kế hoạch quá lớn lao trước các vấn đề trầm trọng như núi nợ sẽ sụp đổ, môi sinh bị hủy hoại khi tham nhũng và gian dối vẫn tràn lan trong hàng ngũ đảng viên cán bộ.

Phân tâm và lúng túng

Nguyên Lam : Đâm ra tình hình bên trong của Trung Quốc cũng có nhiều bài toán nan giải mà bên ngoài thì lãnh đạo lại gây phản ứng từ nhiều quốc gia vì hành vi bành trướng của họ. Nếu vậy thưa ông, để kết luận thì tình hình sẽ ra sao khi trận chiến mậu dịch có thể bùng nổ với Hoa Kỳ trong thời gian tới đây ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Mặc dù ông Tập Cận Bình và Bắc Kinh đã đạt tiến bộ nhỏ về thống kê như ta vừa nói ở trên, tiến bộ đó chỉ có tính cách cục bộ. Ngay trước mắt, họ bị phân tâm và lúng túng vì hai mục tiêu trái ngược, một là phải cố tiến hành cải cách cơ chế cho lâu dài, hai là phải bơm tiền kích thích kinh tế để tăng sản lượng và giảm thất nghiệp ngay trước mắt. Bài toán ngắn hạn là kích thích lại dẫn tới nguy cơ chiến tranh ngoại hối khi đồng Nguyên tuột giá làm đầu tư nước ngoài sẽ sụt mà nạn tẩu tán tư bản lại tăng trong khi Bắc Kinh bị Hoa Kỳ kết tội lũng đoạn hối đoái. Bắc Kinh rơi vào cảnh tiến thoái gì cũng gặp bất lợi. Trong ngắn hạn là bị thất thế với Hoa Kỳ khi cuộc đua bùng nổ, trong dài hạn là nội bộ chống đối vì việc cải tổ nào cũng xâm phạm vào quyền lợi của một số thành phần đảng viên.

Từ Đại hội 18 vào cuối năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nói là phải chú trọng tới phẩm hơn lượng trong đà tăng trưởng kinh tế. Nay ông mới chỉ cải tiến về lượng khi bỏ tù các đảng viên nói láo bằng thống kê, chứ về phẩm thì ông ta vẫn dậm chân tại chỗ. Nếu có đứng trên đỉnh cao nhất mà dậm chân tại chỗ thì lãnh tụ chỉ gây thêm trò cười về tệ sùng bái cá nhân như Mao Trạch Đông ngày xưa, là điều mà nhiều trí thức trong đảng đã bắt đầu nói ra !

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn đầy tính mỉa mai của tuần này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 31/07/2018

Published in Diễn đàn
mercredi, 11 juillet 2018 13:14

Sách lược thoát Tầu

Khi trận chiến mậu dịch xảy ra giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương, liệu rằng giới đầu tư quốc tế có vì vậy mà tìm vào các thị trường khác, thí dụ như Việt Nam, hay không ? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này qua cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

sachluoc1

Công nhân tan ca từ nhà máy gang thép Hưng Nghiệp, Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam AFP

Triển vọng cho Việt Nam ?

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, như các thị trường quốc tế đã e ngại, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng cường độ vào Thứ Sáu mùng sáu vừa rồi khi Chính quyền Mỹ bắt đầu nâng thuế nhập nội trên một số hàng hóa của Trung Quốc và phía Bắc Kinh lập tức trả đũa với một quyết định tương tự. Trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới sẽ ảnh hưởng ra sao đến các nền kinh tế trên Thái Bình Dương ? Câu hỏi này đã được giới đầu tư quan tâm, và riêng với Việt Nam, thì đấy có là cơ hội thu hút đầu tư quốc tế hay không ?

Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho việc đó vì hôm mùng năm vừa qua, tờ South China Morning Post có một bài về triển vọng cho Việt Nam nếu giới đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi có đọc bài báo và xin nói ngay rằng đánh giá không cao những nhận định của tác giả. Ông ta quá tập trung vào lượng đầu tư đến từ Hong Kong, có tầm nhìn ngắn hạn, lại nhầm nhiều chuyện khi cho rằng đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì phí tổn nhân công gia tăng nên có thể tìm vào thị trường Việt Nam. Thật ra, triển vọng cho Việt Nam đã có từ năm năm trước và diễn đàn này của chúng ta cũng có đề cập tới.

Tôi nhớ là trong chương trình phát thanh ngày 14 Tháng Tám năm 2013 rồi một chương trình đầu năm 2014, ngay trước Tết Giáp Ngọ, chúng ta đã phân tích vụ này trong viễn cảnh dài. Ngày nay, chúng ta cũng tránh phản ứng vì mâu thuẫn mậu dịch về mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày lại bối cảnh của toàn bộ vấn đề cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin đi từ yếu tố khách quan của thiên hạ rồi mới nói về những chọn lựa của Việt Nam.

Đầu tiên, chương trình chuyên đề của chúng ta liên tục nhắc nhở với đánh giá bi quan về thực trạng và tiềm lực kinh tế Trung Quốc, khi thiên hạ còn nói về phép lạ của xứ này. Đến nay, dư luận mới bắt đầu thấy ra những điều ấy. Thứ nhất, đà tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất và không thể bền vững. Thứ hai, lãnh đạo Bắc Kinh biết là phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng. Thứ ba, Trung Quốc hết là hãng xưởng cho các ngành ráp chế nhờ nhân công nhiều và rẻ như trong các thập niên trước. Nếu vậy, khi giới đầu tư rút chạy khỏi thị trường Trung Quốc thì ta phải hỏi là họ có thể chạy đi đâu ?

Câu hỏi kế tiếp là làm sao các nước có thể thu hút được nguồn cung cấp tư bản và kỹ thuật sẽ rút chạy của thiên hạ làm sức đẩy cho mình ? Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay "cất cánh", Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài, các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là Việt Nam có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư ?

Tình hình xoay chuyển

Nguyên Lam : Có lẽ quý thính giả thấy ra cách phân tích của ông được diễn đàn chuyên đề này trình bày từ năm năm trước. Ngày nay, bất kể tới mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tình hình sẽ xoay chuyển ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thời đó, tôi nhớ là đã dự báo rằng có mười mấy quốc gia, khoảng 16 tới 18 nước, nuôi hy vọng trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại khi họ hết là "công xưởng toàn cầu" nhờ nhân công nhiều và rẻ. Trong số các nước đó, dĩ nhiên có Việt Nam và đấy là một cơ hội thoát khỏi bóng rợp của Trung Quốc. Nhưng dường như Việt Nam đã mất cơ hội đó. Bây giờ, chúng ta cần suy nghĩ tiếp…

Nguyên Lam : Ông nói rằng có lẽ Việt Nam đã mất cơ hội đó, khiến Nguyên Lam nhớ đến chương trình tuần trước, khi ông nhấn mạnh đến trình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Có lẽ chúng ta cần ôn lại chuyện này, cụ thể là vì sao Việt Nam có thể đã mất cơ hội…

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khách quan mà nói, một quốc gia đang phát triển cần có hạ tầng cơ sở bền vững để tiếp nhận đầu tư về tư bản lẫn kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở đó gồm có nhiều loại. Là vật chất như đường xá cầu cống và cả hệ thống bảo vệ môi sinh hay hủy thải phế vật và phát huy điều kiện lao động lành mạnh cho công nhân. Hạ tầng đó cũng có bộ máy hành chính công quyền hữu hiệu và liêm minh và hệ thống ngân hàng có khả năng giải quyết các dịch vụ cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Trong chu trình sản xuất thì hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa tiếp liệu là lấy nguyên nhiên và vật liệu ở đâu để có sản phẩm hoàn tất tung ra thị trường nội địa hay xuất khẩu ? Sau cùng, hạ tầng cơ sơ vô hình mà then chốt nhất là nền tảng luật lệ công khai minh bạch để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa và ngoại quốc. Việt Nam thật ra chưa có mấy điều kiện ấy mà cứ tưởng nhân công rẻ là một lợi thế. Ta nên hỏi lại rằng "rẻ so với cái gì" ? Khi ấy, ta cần nhìn vào một phạm trù khác là năng suất, với cái gốc là giáo dục đào tạo.

Năng suất công nghiệp của Việt Nam còn thấp mà giáo dục đào tạo lại bất cập cho nên xứ này chỉ làm gia công trong cái khâu sản xuất thấp, để giới đầu tư ngoại quốc kiếm lời. Mà giới đầu tư có ưu thế nhất về kinh tế lẫn chính trị lại là từ Trung Quốc, trong khi nguyên nhiên vật liệu Việt Nam sử dụng cho sản xuất để xuất khẩu cũng đến từ Trung Quốc !

Sự thật phũ phàng là Trung Quốc chỉ vứt lại cho Việt Nam vai trò công xưởng đầy ô nhiễm của họ với thiết bị phế thải. Đặt vấn đề cũ vào bối cảnh mới là mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, Việt Nam bị Mỹ trừng phạt vì nhập hàng Tầu bán qua Mỹ dưới dạng "sản phẩm chế tạo tại Việt Nam" với trị giá đóng góp thấp. Lãnh đạo Việt Nam cần sách lược khác để vừa thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc vừa phát triển xứ sở.

Những chọn lựa

Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai là khi ông nêu câu hỏi về những chọn lựa của Việt Nam. Nguyên Lam xin ông khai triển cho phần này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Lãnh đạo Việt Nam thiếu viễn kiến khi phạm bảy sai lầm sau đây.

Thứ nhất là quá lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài, thứ hai là lấy nhân công rẻ làm lợi thế thu hút đầu tư đó, thứ ba là không thấy vai trò cốt tủy của năng suất nhờ giáo dục đào tạo, thứ tư là không có ý chí độc lập để tìm lợi thế riêng trong tiến trình sản xuất hầu xây dựng công nghệ nội địa, thứ năm là không muốn thoát ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc chỉ vì điều ấy có lợi cho thiểu số có chức có quyền, thứ sáu là chấp vào đà tăng trưởng mà chẳng thấy tăng trưởng không là phát triển nếu thiếu phẩm chất, gây ô nhiễm môi sinh, bất công xã hội. Rốt cuộc thì Việt Nam lạm thác tài nguyên quốc gia, nhất là đất đai, mà tài nguyên quý nhất là dân trí lại bị coi thường và tụt hậu nếu so với các nước khác.

Ngày nay, nếu Việt Nam lại mong là sẽ trám vào khoảng trống do Trung Quốc vứt lại thì sẽ tiếp tục những sai lầm cũ mà không có thời gian bắt kịp thiên hạ. Suy từ đó ra, lãnh đạo Việt Nam nên có những chọn lựa khác. Nếu không, chính người dân sẽ đòi hỏi những chọn lựa khác.

Nguyên Lam : Dùng phương pháp loại suy, hay tự kiểm điểm để loại bỏ những sai lầm cũ, ông cho là lãnh đạo của Việt Nam nên làm những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ những người có chức có quyền và có tiền tại Việt Nam đều biết, và giới chuyên gia trong nước cũng đã nhiều lần cảnh báo mà vô hiệu vì lý do thể chế, nôm na là chính trị.

Cứ nói lại thì buồn và nhàm, nhưng Việt Nam đã gây cảnh tương tàn Quốc Cộng rồi chiến tranh Nam Bắc trong ba chục năm, từ 1945 tới 1975. Tới khi chiến tranh kết thúc thì mới thấy Trung Quốc chiếm lợi rất lớn và chiếm luôn chủ quyền trên đất liền và biển đảo ngoài khơi qua nhiều đợt xung đột vào các năm 1974, 1979, 1988 và cho tới gần đây. Thuần về kinh tế, Việt Nam tiếp tục làm chiến mã cho Trung Quốc khi doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc và dán nhãn "Made in Vietnam" lên trên để bán cho thiên hạ trong khi tuổi trẻ mất tương lai.

Thế giới có thiện cảm với dân Việt Nam nên sẵn sàng nâng đỡ kinh tế xứ này nhưng sẽ ngần ngại nếu Việt Nam tiếp tục những sai lầm cũ. Ta cũng không quên rằng Á Châu còn nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc và giới trẻ tại Việt Nam có tiềm năng hợp tác và học hỏi từ các quốc gia đó chứ sẽ không mãi mãi cúi đầu. Bây giờ, căn cứ trên mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc mà mong Việt Nam sẽ có thể tiếp nhận đẩu tư của Hong Kong thì chẳng khác gì nhuộm lại bộ lông của con chiến mã, nghĩa là vẫn phạm vài sai lầm cũ.

Nguyên Lam : Một cách cụ thể thì ông nghĩ là Việt Nam nên làm những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi trộm nghĩ Việt Nam nên nhìn xuống cái gốc của kinh tế xã hội là giáo dục đào tạo để nâng cao tay nghề và năng suất dù việc ấy sẽ mất chục năm.

Thứ hai là nên đánh giá lại vai trò của đầu tư ngoại quốc, chứ không ưu đãi qua các biện pháp thiển cận như lương lậu và thuế khóa thấp mà bất kể tới môi sinh bị tàn phá.

Thứ ba là với tay nghề cao hơn thì nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những khu vực có trình độ công nghệ hiện đại hơn. Nghĩa là nên nhìn từ viễn ảnh của 10 năm tới về đến hiện tại.

Thứ tư, mà rất thời sự chứ cũng chẳng xa vời gì là yếu tố tài trợ : Việt Nam nên tránh việc vay vốn cho phát triển mà không nghĩ tới ngày trả nợ. Lồng việc tài trợ vào đầu tư qua các hợp đồng mờ ám là chui đầu vào dây thòng lọng của nhà đầu tư, ở đây là nhà đầu tư Trung Quốc, vốn đã có tham vọng và gian ý.

Nói về những việc cụ thể đó thì tôi không lạc quan vì từ đầu nguồn vẫn là tinh thần lệ thuộc Bắc Kinh của lãnh đạo Việt Nam nên họ mới chạy theo sách lược tai hại này.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích không vui hôm nay.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 10/07/2018

Published in Diễn đàn

Biến động gần đây tại Việt Nam khiến dư luận khắp nơi quan tâm đến tình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào một nước láng giềng có tham vọng bành trướng là Trung Quốc. Diễn đàn Kinh tế sẽ đi sâu hơn vào hiện tượng lệ thuộc đó…

kinhte1

Công nhân xây dựng công trình đường sắt trên cao ở Hà Nội có vốn trợ cấp của Trung Quốc. AFP

Tính chất công cụ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, dù nhà cầm quyền Việt Nam đã tạm hoãn việc Quốc hội biểu quyết Dự luật về ba Đặc khu Tự trị là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, người ta vẫn lo ngại về tình trạng lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một quốc gia láng giềng không che giấu tham vọng của họ là Trung Quốc. Theo dõi chuyện đó, Nguyên Lam thấy là cách nay đúng bốn năm, cũng vào đầu Tháng Bảy năm 2014, ông nói đến một khái niệm ít ai để ý là tính chất "công cụ" của nền kinh tế Việt Nam cho Trung Quốc. Bây giờ, Ban Việt ngữ xin yêu cầu ông phân tích lại chuyện này cho rõ.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Khởi đi từ phạm trù kinh doanh khi chi nhánh của một tập đoàn bảo hiểm hay ngân hàng trở thành công cụ cho doanh nghiệp mẹ - gọi theo Anh ngữ là "captive company" - tôi trình bày tính chất công cụ qua nhiều lớp của một nền kinh tế bị lệ thuộc vào nhà nước, nhà nước lệ thuộc vào một đảng độc quyền và các đảng viên cán bộ.

Chuyện tai hại không chỉ là các nhóm lợi ích chòng chéo làm kinh tế đi theo định hướng lệch lạc mà là khi đảng độc quyền đó lại lệ thuộc vào một đảng độc quyền khác của một quốc gia láng giềng. Khi ấy, nói về "nền kinh tế công cụ", tôi dự báo điều có thể xảy ra và quả thật là đang xảy ra.

Bây giờ, ta nên nhìn lại và phân tích sâu xa hơn vào nguyên nhân để thấy ra tương lai dĩ nhiên là đáng lo ngại cho Việt Nam.

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin đề nghị ông đi từ những nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Vì tiết mục chuyên đề của chúng ta tập trung vào lĩnh vực kinh tế, tôi xin miễn nói về các nguyên nhân chính trị thuộc về lịch sử của hai đảng Cộng sản láng giềng đã có quan hệ gần như huyết thống hay mẹ con.

Nói riêng về kinh tế, sau khi đổi mới, Việt Nam đã có cơ hội vượt thoát mà sau lại trôi về chốn cũ là cứ lệ thuộc vào Trung Quốc, từ tư tưởng, thể chế đến sách lược kinh tế, nên tình trạng công cụ càng được củng cố. Tôi xin khởi đi từ đó….

Lãnh đạo Việt Nam vẫn sống trong không gian hai chiều Nam-Bắc, làm gì cũng nhìn lên phương Bắc mà chẳng thấy ra nhiều hướng khác của thế giới, và tai hại nhất là không thấy tương lai của xứ sở là trí tuệ của người dân qua giáo dục và đào tạo. Đấy mới là tài nguyên đích thực, không nên đo ở số lượng tiến sĩ giấy.

Khi nhìn ra thế giới thì họ không học hỏi mà chỉ muốn dân lao động đem sức lực hơn trí tuệ làm gia công cho ngoại quốc nhờ ưu thế nhất thời là lương rẻ để xuất khẩu ra ngoài. Giới đầu tư kế cận, tại Trung Quốc, sẵn sàng nhảy vào đó, họ góp vốn bằng thiết bị và công nghệ lỗi thời vì năng suất kém mà ô nhiễm cao. Và họ nống giá cho ta ôm về những kỹ thuật giết người, trước hết là giết dân mình. Việt Nam có vài chục dự án thuộc loại tự sát đó.

Thứ hai, tính chất công cụ của nền kinh tế là một xoáy ốc kỳ lạ như các con búp bê rỗng ruột của Nga mà cốt lõi là đảng lồng trong nhà nước và thân tộc. Vì đảng quy định qua Hiến pháp rằng "đất đai thuộc quyền sở hữu của toàn dân" mà lại "do nhà nước thống nhất quản lý", đảng viên cán bộ lấy đất của dân với giá bèo để làm giàu cho họ trong thế liên doanh tai hại ấy. Từ đó mới có các nhóm lợi ích với chủ trương tiến hành sách lược công nghiệp tội nghiệp, trong khi giới đầu tư Trung Quốc được ưu đãi để chiếm vị trí chiến lược nhất về an ninh trên lãnh thổ Việt Nam. Giới chuyên gia quốc tế chỉ thấy sai lầm của sách lược sử dụng đòn bẩy là đầu tư nước ngoài, chuyên gia Trung Quốc thì nhìn xa hơn và biết khai thác thể chế tham ô của Việt Nam cho quyền lợi của họ.

Chiến lược tăng trưởng

Nguyên Lam : Như vậy, thưa ông, phải chăng sai lầm khởi đi từ chiến lược phát triển kinh tế do lãnh đạo Việt Nam đề ra khi tìm đòn bẩy là đầu tư nước ngoài trong khi đầu tư của Trung Quốc lại dùng ngay đòn bẩy đó cho quyền lợi của họ ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi không nghĩ rằng lãnh đạo Việt Nam có "chiến lược phát triển" mà mới chỉ học chiến lược tăng trưởng, chứ phát triển đòi hỏi phẩm chất là cái mà Việt Nam chưa hề có và cũng chẳng học được gì của xứ khác.

Theo dõi các thống kê, dù chưa khả tín lắm, ai cũng thấy đầu tư ngoại quốc ăn lời lớn nhờ nhân công của ta và sẽ rút chạy qua nơi nào có nhân công rẻ hơn, hoặc có công nghệ sản xuất cao hơn, là điều đang xảy ra ! Thí dụ như khi người máy tự động trong ngành dệt sợ may mặc xuất hiện nhiều hơn, trường hợp SewBots đã thấy, thì Việt Nam sẽ tắt thở. Đó là chuyện chung, khi Việt Nam để kinh tế quá lệ thuộc vào nước ngoài qua xuất nhập khẩu, với một tỷ lệ nguy hại như tự sát.

Riêng về Trung Quốc thì đấy là sự tàn sát. Doanh nghiệp ngoại quốc, như Mỹ, Nhật, Nam Hàn hay Đài Loan, v.v… còn có tiêu chuẩn phải ít nhiều tuân thủ về môi sinh hay lao động. Doanh nghiệp Trung Quốc thì không, và có biệt tài xuất khẩu ô nhiễm sau khi đã tàn phá lãnh thổ của họ. Nhà thầu của họ vào Việt Nam như bậc thầy vì đặc tính công cụ chính trị ở trên, lại có tư thế là nhà băng cho vay với điều kiện dễ dãi và dễ chia chác, để thực hiện dự án hạ tầng, nguyên vật liệu và năng lượng.

Môi sinh bị ô nhiễm vì xài công nghệ phế thải thì dân Việt Nam ráng chịu, như chúng ta thấy tại Tây Nguyên hay Hà Tĩnh và qua vài chục dự án khác. Quen chửi Chính quyền Donald Trump của Hoa Kỳ trong mâu thuẫn với Bắc Kinh, mấy ai thấy là 90% lượng thép Việt Nam bán cho Mỹ lại là thép dư dôi của Trung Quốc được biến hóa thành sản phẩm của Việt Nam ? Khi Việt Nam bị Mỹ áp thuế nhập nội thì đấy cũng là cái tội từ Hà Nội lồng tới Bắc Kinh !

Nguyên Lam : Ông nhắc đến tai họa của Trung Quốc tại Tây Nguyên của Việt Nam thì có lẽ nhiều thính giả của chúng ta đã quên hoặc ít biết tới. Xin đề nghị ông nhắc lại chuyện này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ai khuyên Việt Nam trở thành một đại gia về thép trong khi xứ này chẳng có quặng sắt là nguồn tài nguyên lớn như Úc hay Brazil ? Đặc tính công cụ cho Bắc Kinh có thể trả lời câu hỏi đó !

Việt Nam sản xuất thép thì cần quặng, cần điện và cần đầu tư với quy mô lớn quá sức mình. Nhưng có Trung Quốc thì mọi sự trở thành dễ dàng : công nghệ khai thác quặng sắt và nhà máy điện chạy bằng than với nhược điểm gây ô nhiễm là những gì họ cung cấp. Còn chuyện lỗ lã hay môi trường sinh sống bị hủy diệt thì đấy là vấn đề của Việt Nam. Vì Trung Quốc, Việt Nam không chỉ có tai họa tại Tây Nguyên từ mấy năm trước mà còn mắc nạn tại Hà Tĩnh với mỏ Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển.

Tai họa Trung Quốc

Nguyên Lam : Thưa ông, nhiều quốc gia đang phát triển cũng có thể gặp bài toán đó, Việt Nam có thể nào thoát được không ? Là một chuyên gia tư vấn, ông thấy Việt Nam cần làm những gì để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc đó ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhiều quốc gia đã gặp bài toán đó với Trung Quốc, như Sri Lanka, Pakistan, Miến Điện hay Malaysia, nhưng người dân có thể lên tiếng phản đối, người dân Việt Nam thì bị đàn áp cũng vì cái lý do công cụ ghê tởm đó.

Nhìn rộng ra ngoài, ta thấy các nước đi sau đều học các nước tiên tiến nhưng phải có ý thức độc lập và tự cường. Ý thức đó bắt đầu từ giáo dục rối đến đào tạo để nâng trình độ khoa học kỹ thuật cho người dân, trước tiên là ở cấp trung tiểu học để đa số đều có hiểu biết tối thiểu về đất nước và thế giới. Bước kể tiếp, thuộc thế hệ có trách nhiệm là dám bung ra ngoài để học hỏi kiến năng, là kiến thức và khả năng thực hiện. Trăm năm qua, Việt Nam chưa giải quyết xong bài toán đó thì lao vào chiến tranh và tàn phá. Ngày nay, ai có nhiệm vụ về kinh tế và kế hoạch cần đi học và đi mua công nghệ hay thuật lý của thiên hạ hoặc thuê chuyên gia ngoại quốc làm tư vấn cho mình. Mục tiêu là trong một thời hạn nhất định thì phải có sản phẩm của mình với giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao hơn.

Các nước Nhật, Nam Hàn và Đài Loan đều trải qua giai đoạn học hỏi đó và trong chừng mực nhất định đều tìm cách bảo vệ thị trường chủ yếu và công nghệ non yếu của họ, nhưng thành công vì tôn trọng thị trường, xây dựng dân chủ và nhất là để tư doanh giữ thế quyết định trong khi nhà nước đảm nhiệm chức năng phối hợp và yểm trợ nhưng thường xuyên bị kiểm tra. Trung Quốc và Việt Nam thì thiếu các điều kiện cơ bản trên, duy trì chế độ độc đảng, quy chế phi thị trường, và thế chủ đạo của hệ thống quốc doanh trên đầu tư doanh, cho nên họ chỉ ăn cắp lẫn nhau và vì vậy mà thiếu bền vững. Đây là ta chưa nói đến chuyện mắc nợ !

Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra một ý kiến là các nước Đông Á đã thành công như Nhật Bản, Nam Hàn hay Đài Loan đều cũng tìm cách bảo vệ các khu vực non yếu lúc ban đầu. Ông giải thích thêm về chuyện ấy được không vì nó có vẻ tương tự như Trung Quốc và Việt Nam.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thương mại thế giới thật ra muôn hình vạn trạng và bị nhiều yếu tố chi phối chứ không đồng hạng và đơn giản như lý thuyết về tự do mậu dịch, là điều được coi là lý tưởng kể từ sau Thế chiến II. Thực tế thì xứ nào - kể cả các nước công nghiệp hóa như Âu, Mỹ, Nhật - cũng có một số khu vực được bảo vệ theo lý luận bảo hộ mâu dịch vì lý do kinh tế chính trị ở bên trong.

Nói về các nước Đông Á đi sau, họ cũng trải qua giai đoạn học hỏi và tiếp thu công nghệ mới, trước đó chưa có, để có được những sản phẩm nội địa. Bước đầu thì phải giúp các sản phẩm đó thành công trong thị trường nội địa, tới độ từ chối đầu tư nước ngoài vào các thị trường non yếu này. Bước kế tiếp mới là mở rộng thị trường ra ngoài qua cạnh tranh để có phần thị trường cao hơn và muốn vậy thì phải tuân thủ quy luật cạnh tranh của các nước khác. Tiến trình tiếp cận đó xảy ra một cách thường trực và phức tạp nên cần thương thuyết và hiệp ước. Then chốt ở đây là học công nghệ mới để có sản phẩm với giá trị kinh tế cao hơn.

Các nước thành công đều có giáo dục, đào tạo và đại học có đẳng cấp để biết tiếp thu công nghệ thay vì dùng bắp thịt làm ra các mặt hàng của thiên hạ với giá rẻ cho dễ xuất khẩu. Sau đó các nước không gian lận, ăn cắp hay ăn cướp, để thụ đắc công nghệ mới như Trung Quốc, là điều nay đã thành mười mươi rõ ràng khi bị Hoa Kỳ và Liên Âu khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới.

Khác biệt nữa là sau khi có công nghệ mới, Trung Quốc tìm cách cải tiến và cải tiến được, còn Việt Nam thì không. Cho nên Việt Nam nhặt lại công nghệ lỗi thời của xứ láng giềng trong thân phận công cụ bị lệ thuộc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu muốn thoát Tầu thì Việt Nam cần sửa từ cái đầu, về chính trị là ra khỏi nạn độc đảng, và về văn hóa là làm một cuộc cách mạng thật về giáo dục.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích đau lòng này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 02/07/2018

Published in Diễn đàn

Sau Đại hội 18 của Đảng cộng sản Trung Hoa vào cuối năm 2012, Tổng bí thư Tập Cận Bình lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng lại con đường tơ lụa hay Nhất Đới Nhất Lộ vào năm 2013. Năm năm sau, Diễn đàn Kinh tế sẽ tạm sơ kết về tiến độ của kế hoạch quy mô này.

obor1

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại trung tâm hội nghị quốc tế Yuanqi Lake, Trung Quốc - AFP

Sơ kết tiến độ

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Thưa ông, năm năm trước, Tổng bí thư Tập Cận Bình của Đảng cộng sản Trung Hoa đã lần đầu tiên nói tới sáng kiến là xây dựng một Con Đường Tơ Lụa Mới. Sau đó, Bắc Kinh đưa thêm nhiều chi tiết và cải danh ra "Nhất Đới Nhất Lộ" gọi theo Anh ngữ là "One Belt One Road" hay OBOR, rồi mới có tên chính thức từ năm 2016 là "Sáng Kiến Đới Lộ" hay "Belt and Road Initiative" gọi tắt là BRI. Theo dõi nỗ lực lớn lao này của Trung Quốc, liệu ông có thể làm một sơ kết về tiến độ thực hiện hay không ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về sáng kiến "Nhất Đới Nhất Lộ" do Tập Cận Bình đề ra gần năm năm trước, chúng ta nên nhớ tới hai phần là sáu "tẩu lang" hay hành lang trên đất liền, gọi là Nhất Đái hay Nhất Đới, và các đường hải vận ngoài biển gọi là Nhất Lộ. Kế hoạch đó có hai mục tiêu là kinh tế và an ninh. Từ đời Hán rồi, con đường giao thương ấy nhắm vào mục tiêu an ninh là phòng thủ Trung Nguyên rồi bành trướng ảnh hưởng qua Tây Vực để lập ra vùng trái độn quân sự. Nhiều đời sau, từ nhà Đường cho tới Mao trong thế kỷ 20, hai mục tiêu đó vẫn như vậy. Họ Mao thôn tính Tân Cương và bành trướng qua hướng Tây cũng để bảo vệ nội địa Trung Hoa. Ngày nay, khi hoàn cảnh Trung Quốc có thay đổi vì lệ thuộc nhiều hơn vào việc buôn bán với bên ngoài, Tập Cận Bình hâm nóng khái niệm xưa và nhấn mạnh tới mục tiêu kinh tế nhưng bên trong thì vẫn chú trọng tới an ninh, là bảo vệ nội địa đồng thời bành trướng ra ngoài.

Khi nhắc lại bối cảnh, ta thấy ra mục tiêu đa diện của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ là không chỉ vượt Tây Vực, Trung Á rồi Trung Đông mà còn muốn vào Địa Trung Hải và tận Đông Âu. Như vậy, ta thấy hai phần quan trọng là 1/ mở đường thông thương cho các tỉnh bị khóa trong lục địa của Trung Quốc và 2/ bành trướng ảnh hưởng kinh tế lẫn chiến lược của Bắc Kinh qua các khu vực khác.

"Marshall" của Trung Quốc

Nguyên Lam : Thế giới thường chú ý tới khía cạnh kinh tế và cho rằng Bắc Kinh tung tiền tranh thủ các nước, tương tự như kế hoạch Marshall là viện trợ của Hoa Kỳ cho Âu Châu sau Thế Chiến Hai, nhưng người ta không quên mục tiêu chiến lược kia. Thưa ông , bây giờ chúng ta có thể tạm tổng kết những gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi xin tóm lược ở ba ý chính. Thứ nhất, sáng kiến của Bắc Kinh nhắm vào các nước nghèo hơn ở chung quanh nhưng rốt cuộc tốn tiền vào nhiều dự án ít giá trị kinh tế mà đầy lãng phí và gây nạn cho các nước được giúp. Thứ hai, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh trong kế hoạch đó lại bị các cường quốc khác nghi ngờ và ngấm ngầm ngăn chặn. Thứ ba, do kích thước quá lớn của Nhất Đái Nhất Lộ, những trở ngại, chậm trễ và hủy bỏ sẽ là tất yếu.

Chúng ta cần nhìn lại tấm bản đồ của cả đại lục Âu Á, từ Tây Âu tới Viễn Đông, trùm lên Trung Á và Trung Đông thì mới thấy kế hoạch lớn lao này trải ngang 70 quốc gia lớn nhỏ. Từ nhiều năm nay, Bắc Kinh dốc toàn lực ngoại giao qua hiệp ước hợp tác với các nước, đồng thời khai thông tình trạng sản xuất dư dôi ở bên trong. Nhưng khi các định chế quốc tế nói tới nhu cầu khoảng tám chín ngàn tỷ đô la qua nhiều thập niên để thực hiện việc xây dựng hạ tầng cơ sở chuyển vận qua một không gian bát ngát đó thì cho tới nay, Bắc Kinh mới chi ra chừng 34 tỷ đô la là nhiều, tập trung vào mạng vận chuyển, hỏa xa, hải cảng hay ống dẫn khí và mạng lưới điện lực và người ta chờ đợi là nhiều dự án sẽ bị đình trệ, thậm chí hủy bỏ. Có hai lý do giải thích trở ngại đó là tình trạng tham ô và sự nghi ngại của nhiều quốc gia. Họ sợ là bị mắc nợ Bắc Kinh và có khi phải hy sinh chủ quyền để thanh toán nợ nần !

Nguyên Lam : Ông nhắc đến chuyện nợ nần thì thính giả của chúng ta liên tưởng đến chuyện thời sự khi nhà đầu tư Trung Quốc rộng rãi cho vay để thực hiện các dự án trong lãnh thổ Việt Nam, sau này đòi nợ mà nhà nước không trả nổi thì đành gán đất cho Bắc Kinh.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa rằng nhiều định chế tài chính kể cả Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF có cảnh báo chuyện ấy và một số quốc gia đang phát triển bắt đầu phát giác mối tai họa đó. Nhân đây, xin nói luôn là Hội đồng Duyệt Xét Quan hệ Kinh tế và An ninh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc mới có một phúc trình hôm 14 vừa qua về việc Bắc Kinh tung tiền bành trướng ảnh hưởng tới các quần đảo ở tận miền Nam Thái Bình Dương, xuống tới Úc Châu. Trào lưu đó là kết quả của kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ khiến Chính quyền Úc báo động và chuẩn bị tài trợ các xứ quần đảo này để khỏi bị Bắc Kinh thao túng. Trung tuần Tháng Sáu, Ngoại trưởng Úc là bà Julie Bishop nói đến việc đó. Tức là Bắc Kinh chưa làm được gì thì nhiều cường quốc đã báo động về dụng ý của Trung Quốc !

Mục đích của hành lang kinh tế

Nguyên Lam : Ông mới chỉ trình bày sơ lược diễn tiến của gần năm năm qua mà ta đã thấy phản ứng của các cường quốc trong khu vực. Thưa ông, chúng ta sẽ khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn vạch qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Mục đích của họ là gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh vẽ ra sáu "tẩu lang" bắc ngang 14 nước. Tẩu lang thứ nhất vắt qua Mông Cổ và Liên bang Nga. Thứ hai là hệ thống cầu đường trải ngang lục địa Âu Á qua Kazahkstan và Nga. Thứ ba là tẩu lang nối Tân Cương với Trung Á và Tây Á là Uzbekistan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Iran, Georgia, Azerbaijan, Armenia và Turkey. Tẩu lang thứ tư nối tiếp Trung Cộng với Pakistan xuống Ấn Độ Dương. Tẩu lang thứ năm trải ngang Bangladesh, Miến Điện, Ấn Độ và sau cùng là Tẩu Lang Đông Dương, từ Vân Nam Quý Châu xuống ba nước Việt, Miên, Lào rồi Thái Lan. Vị trí của đảo Phú Quốc nằm trong hành lang thứ sáu này.

Nguyên Lam : Ông nhắc tới đảo Phú Quốc thì người ta thấy giật mình ! Thưa ông, thế còn các con đường hàng hải mà Bắc Kinh gọi là Nhất Lộ thì sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Bắc Kinh gọi đó là Đường Tơ Lụa Trên Biển cho Thế Kỷ 21. Sáng kiến đó muốn nối liền mặt biển Đông Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi. Nhìn vào bản đồ, chúng ta thấy tham vọng của Bắc Kinh là hội nhập một khu vực có nhiều quốc gia chưa phát triển, từ Trung Quốc tới tận Trung Âu hay Đông Âu, từ Tân Cương vào Trung Á xuống Nam Á và Đông Nam Á. Các quốc gia ấy có thể chứa nhiều tài nguyên thiên nhiên nhưng thật ra chiếm vị trí chiến lược nếu liên kết và trở thành đồng minh của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, một số cường quốc Đông Á như Nhật Bản, Nam Á như Ấn Độ và cả Âu Châu thì ngần ngại vì dù thấy giá trị kinh tế của nhiều dự án hạ tầng, họ không quên mục đích an ninh của Bắc Kinh. Các nước nghèo thì thấy việc Bắc Kinh tài trợ qua Quỹ Tơ Lụa hay Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở gọi tắt là AIIB có vẻ hấp dẫn vì lớn hơn khả năng tín dụng của họ, hoặc còn lớn hơn sức tài trợ của Ngân hàng Thế giới hay Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB. Theo một phúc trình của Liên hiệp quốc thì có 11 quốc gia nghèo nhất thế giới, như Lào, Tanzania hay Djibouti, rất cần đầu tư cho hạ tầng mà khó được các định chế quốc tế tài trợ theo tiêu chuẩn của Tây phương. Vì vậy, họ dựa vào nguồn tài trợ của Bắc Kinh, có vẻ dễ dãi hơn. Nhưng sợi dây mềm mại đó lại cột rất chặt, có khi tới tắt thở !

Kết quả

Nguyên Lam : Thưa ông, đó là nhận thức ngày càng rắc rối hơn của các nước khác. Nếu nhìn từ Bắc Kinh ra thì người ta đánh giá kết quả như thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi thiển nghĩ Bắc Kinh chỉ là trâu chậm uống nước đục ! Sau Thế chiến II, và trong 50 năm qua, các nước nghèo đều được nhiều định chế tài chính quốc tế viện trợ, như Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Á Châu, Phi Châu để dần dần phát triển. Nhưng nhiều nước đi sau thật ra thiếu ổn định bên trong, chưa có cơ chế quản lý các dự án phát triển và lại bị tham nhũng đục khoét. Vì vậy, khi họ được Bắc Kinh tài trợ thì cũng chưa nên cơm cháo gì, nhiều dự án bị đình chỉ, thậm chí hủy bỏ và để lại một núi nợ chưa biết làm sao thanh toán, là trường hợp của Bangladesh, Miến Điện hay Kazahkstan và Pakistan !

Bắc Kinh cầm sợi dây nợ mà chưa biết làm gì, hoặc muốn làm gì đó mà sợ thiên hạ phát giác tà ý ! Chẳng lẽ lại đòi thực hiện các đặc khu kinh tế tự trị để gán nợ, nhưng kiếm lời gì từ những đặc khu đó, khi người dân bản xứ ngày càng nghi ngờ các món nợ ghê tởm này ? Họ có hưởng gì đâu mà bắt con cháu phải trả bằng đất đai ? Họ phát giác là Bắc Kinh dựa vào Nhất Đới Nhất Lộ để mua chuộc các chế độ tham ô và gây họa cho dân bản xứ. Trường hợp điển hình chính là Malaysia sau cuộc bầu cử vừa qua khiến Thủ tướng cũ bị truy tố và Chính quyền mới của Thủ tướng Mohamad Mahathir đang đòi rà soát lại các dự án của Bắc Kinh. Ngoài ra, còn có một số dự án điển hình như vậy tại Pakistan, Sri Lanka, và Miến Điện, nhưng ấn tượng chung là cái gì đó rất tệ cho Bắc Kinh.

Nguyên Lam : Khi thấy dân Sri Lanka, Miến Điện và Malaysia phản đối dự án do Bắc Kinh thực hiện cho kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ thì người ta phải trở về với câu hỏi là ai sẽ trả những món nợ này ? Thưa ông, ông kết luận ra sao ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Câu trả lời nằm ngay trước mắt chúng ta. Bắc Kinh dùng sợi dây mềm để tài trợ các nước nghèo, sau đó siết dây để gán nợ. Đó là dự án hải cảng Gwadar tại Pakisan và hải cảng Hambantota tại Sri Lanka. Với Pakistan, Bắc Kinh được thuê đất quanh quân cảng Gwadar trong 43 năm. Với Sri Lanka thì Bắc Kinh được thuê đất trong… 99 năm, con số khá quen thuộc với dân ta ! Còn xứ khác, như Lào, Djibouti, Montenegro hoặc Tajikistan, Kygyzstan thì trả nợ bằng tài nguyên khoáng sản hay năng lượng.

Chính là hiện tượng trấn lột đó khiến các cường quốc như Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ và cả Đức, Pháp, v.v… đều cảnh báo về động thái của Bắc Kinh. Tại Úc, Chính quyền và cơ quan an ninh đã quan tâm đến việc Bắc Kinh tung tiền đầu tư và còn lũng đoạn nhiều lãnh vực của Úc, từ học đường tới doanh trường và các chính trị gia của hai đảng nên họ chuẩn bị cải sửa luật pháp để ngăn ngừa. Một thí dụ là hải cảng Darwin tại miền cực Bắc của Úc được cho một doanh nghiệp Trung Quốc thuê trong 99 năm. Vị trí của hải cảng có tính chất an ninh vì trông ra biển Thái Bình tại hướng Bắc lại còn kế cận một căn cứ quân sự của Hoa Kỳ. Viên chức Úc chấp thuận dự án này sau đó được doanh nghiệp Trung Cộng thuê làm tư vấn kinh tế với thù lao là 800 ngàn đô la một năm. Tuần qua, hai tờ báo Úc là The Age và Sydney Morning Herald đã đi lọat bài về Sáng Kiến Đới Lộ và xin độc giả góp ý. Hôm Thứ Ba 26, họ công bố kết quả là có tới 59% nêu ý kiến rằng nước Úc nên tránh yểm trợ sáng kiến này của Trung Quốc !.

Nguyên Lam : Như vậy, phải chăng mặt trái của Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ vẫn là sự hoài nghi của nhiều nước nghèo và sự cảnh giác của các nước giàu về ẩn ý của lãnh đạo Bắc Kinh ? Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 26/06/2018

Published in Diễn đàn