Một bóng ma đang ám ảnh các thị trường đang lên. Sau Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ, tuần qua tới lượt Argentina bắt đầu mắc họa khi đồng Peso sụt giá 20% trong có vài ngày và chính quyền phải nâng lãi suất tới mức kỷ lục là 60%, lần thứ tư trong có mấy tháng. Liệu các nền kinh tế đang mở mang có thể trôi vào một cơn khủng hoảng dây chuyền hay không, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu sau đây.
Biểu ngữ phản đối các cuộc đàm phán của chính phủ với Qũy Tiền Tệ Thế Giới tại Buenos Aires, Argentina hôm 4 tháng 9, 2018 - AFP
Mỹ kim và các nước đang phát triển
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, thị trường ngoại hối của các nước gọi là "đang phát triển" có thể bị chấn động mạnh sau những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina. Vì vậy, kỳ này Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho những rủi ro của một vụ khủng hoảng dây chuyền…
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Những gì vừa xảy ra tại Turkey rồi Argentina có thể là dấu hiệu tiên báo một chuỗi tai họa cho các thị trường đang lên. Khởi đầu là cơn chấn động trên thị trường ngoại hối hay hối đoái khi đồng nội tệ bị mất giá nặng so với các ngoại tệ khác, sau đó sẽ còn là nguy cơ lạm phát, suy trầm sản xuất và thất nghiệp gia tăng…
Chúng ta nên trở lại 10 năm trước thì dễ hiểu ra nguyên nhân. Sau vụ khủng hoảng tài chính manh nha từ Âu Châu vào đầu năm 2018 rồi cao điểm là sự sụp đổ của tổ hợp đầu tư Lehman Brothers cùng nhiều doanh nghiệp tài chính và bảo hiểm của Hoa Kỳ ngày 15 tháng Chín năm đó, thế giới bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009, với nạn ách tắc tín dụng là khó vay được tiền. Khi ấy, hệ thống ngân hàng trung ương Hoa Kỳ đã hạ lãi suất tới gần số không rồi ào ạt bơm tiền qua biện pháp bất thường học cua Nhật Bản là "nâng mức lưu hoạt có định lượng" hay "quantitative easing". Ngân hàng trung ương Âu Châu và nhiều nước khác cũng áp dụng biện pháp này. Nhờ vậy, tiền nhiều và rẻ đã tràn ra khắp nơi.
Khi tình hình kinh tế Hoa Kỳ đã khả quan hơn, dù chưa hoàn toàn hồi phục sau vụ suy trầm từ tháng 12 năm 2007 tới tháng Bảy 2009, thì giữa năm 2013 Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đã báo trước việc "vuốt nhọn chính sách tiền tệ", tức là sẽ tăng lãi suất rồi dần dần hút bớt lượng tiền đã bơm ra. Hậu quả là ngày nay đồng Mỹ kim đã lên giá và nội tệ của các nền kinh tế đang lên bị sụt giá.
Nguyên Lam : Xin ông giải thích cho thính giả của chúng ta mối liên hệ giữa đồng tiền của các nước đang phát triển với đồng đô la của Hoa Kỳ và những hậu quả có thể xảy ra.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói chung, khi Mỹ kim lên giá thì nội tệ của các nước đều bị ảnh hưởng, là sụt giá. Nhưng tình hình sẽ khó khăn hơn cho các nước đã vay quá nhiều và bị khiếm hụt cán cân vãng lai. Tình hình trở thành nguy ngập nhất cho các nước vay bằng đô la vì nghĩa vụ trả nợ, từ vốn đến lời, sẽ tốn hơn. Trong số này, gay go nhất là hoàn cảnh của các quốc gia có ít dự trữ ngoại tệ để vượt qua sóng gió vì chênh lệch tỷ giá hay hối suất giữa đồng nội tệ và đô la Mỹ.
Khi giông bão bắt đầu nổi lên thì đồng tiền mất giá làm nghĩa vụ hoàn trái là trả nợ sẽ đắt hơn như tôi vừa trình bày. Khi ấy, các doanh nghiệp phải cắt giảm phí tổn, giới tiêu thụ cũng khó trả nợ, nguy cơ vỡ nợ rồi phá sản dễ lây lan trong nền kinh tế. Hậu quả là kinh tế bị suy trầm, sản xuất đình đọng. Đấy là lúc chính quyền các nước lâm nạn phải có biện pháp ứng phó, như giảm chi, hoặc tăng thuế là việc Argentina vừa làm ngày hôm qua, và ngân hàng trung ương của họ phải nâng lãi suất để tư bản khỏi chạy ra ngoài, lạm phát khỏi tăng vọt và nhất là để giữ giá cho đồng nội tệ của mình. Các biện pháp ứng phó có vẻ cổ điển ấy cũng là liều thuốc đắng, có khi còn là liều thuốc đổ bệnh, vì chính sách kinh tế khắc khổ, nôm na là thắt lưng buộc bụng để trả nợ sẽ gieo họa cho các nước mắc nợ, nhất là nợ bằng đô la khi thấy Mỹ kim quá rẻ trong quá lâu.
Hậu quả lây lan dây chuyền
Nguyên-Lam : Từ mối quan hệ giữa Mỹ kim và đồng tiền của các nước như ông vừa giải thích, thưa ông, có lẽ thính giả của chúng ta muốn biết thêm vì sao các nước đang phát triển lại có thể bị hậu quả lây lan dây chuyền.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới có hơn một chục quốc gia đang phát triển có thể gặp rủi ro nhiễm bệnh ấy nếu tự thân đã có nhiều nhược điểm. Đó là mắc nợ nhiều, nhất là nợ bằng đô la, thứ hai là cho vay thả giàn và thổi lên trái bóng đầu cơ trong nước vì thấy tiền nhiều và rẻ, thứ ba là chính quyền lại sung đương tư bản vào các dự án ít giá trị kinh tế mà thừa tác dụng phô trương. Nhược điểm thứ tư là có hệ thống ngân hàng thiếu lành mạnh, thứ năm là ngân sách quốc gia bị bội chi, thứ sáu là cán cân vãng lai bị khiếm hụt, thứ bảy là nợ bằng ngoại tệ ngắn hạn quá cao, tức là khối nợ đáo hạn thanh toán đã cận kề, và thứ tám, khối dự trữ ngoại tệ không đủ dày để đáp ứng yêu cầu cấp cứu.
Sau cùng, ta còn phải thấy vài chứng bệnh nội tại khác : chứng bệnh thứ chín là cơ cấu công nghiệp quá lệch lạc, nền kinh tế quá lệ thuộc vào xuất khẩu, nhất là xuất khẩu thương phẩm là nguyên nhiên vật liệu, thứ mười là cơ chế hành chính suy yếu, bị tham nhũng đục khoét, cuối cùng là lãnh đạo kinh tế và chính trị bất tài. Nếu kể ra hơn một chục tiêu chuẩn như vậy thì ta có thể kết luận rằng không phải mọi nước đang mở mang đều tất nhiên bị khủng hoảng, nhưng có năm sáu quốc gia dễ bị nhất. Sau đó mới là những hậu quả ta gọi là dây chuyền khi các nước giao dịch với nhau trong bối cảnh chung là không có nhiều đô la như trước.
Nguyên Lam : Bước qua phần hai, thưa ông, tình hình vay mượn của các nước đang phát triển trong mươi năm qua là như thế nào mà các thị trường đều sợ một vụ khủng hoảng dây chuyền ?
Đồng Lyra của Thổ Nhĩ Kỳ chạm mức thấp nhất trong lịch sử so với Mỹ kim hôm 23 tháng 5. AFP
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Năm 2007, trước khi có Tổng suy trầm, khối nợ của các nước đang mở mang là tương đương với khoảng 21 ngàn tỷ đô la, qua năm 2017 vừa rồi thì lên tới 63 ngàn tỷ, là gấp ba trong có 10 năm. Nếu so với Tổng sản lượng của họ thì từ 145% GDP khối nợ này lên tới 210% GDP. Bên trong từng nước thì ta hiểu rằng nợ của các doanh nghiệp phi tài chính và các hộ gia đình đều tăng. Trong khối nợ này thì nợ bằng ngoại tệ như đô la Mỹ, Euro của Âu Châu hay đồng Yen Nhật, đã tăng gấp đôi, ngày nay ở khoảng chín ngàn tỷ.
Chừng một chục quốc gia có khối nợ bằng ngoại tệ ở mức 20% tới 50% GDP, như Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nam Phi, Chile, Brazil và vài nước Đông Âu. Đáng ngại hơn cả là khoản nợ sẽ đáo hạn là đến ngày trả trong năm 2019 rồi năm 2020, là khoảng một ngàn tỷ 500 triệu đô la mỗi năm. Nhiều nước thiếu ngoại tệ cho yêu cầu đó thì có thể vỡ nợ.
Nói vắn tắt thì ta thấy có nước cần tiền khi bị thiếu hụt kép, là bội chi ngân sách và thâm thủng cán cân vãng lai, hay kết số trao đổi hàng hóa, dịch vụ và tư bản thuộc số âm. Các nước bị nhược điểm ấy là Turkey, Argentina, rồi Brazil, Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi, Ukraine và Liên bang Nga. Tiêu chuẩn thiếu hụt kép đó cũng tăng tại Trung Quốc, Malaysia, Mexico, Chile, Colombia và cả Ba Lan. Nếu kể thêm khả năng thanh toán bằng khối dự trữ ngoại tệ với nợ phải trả trong ngắn hạn thì ta có thêm ba nước dễ lâm họa là Pakistan, Ecuador và Cộng hòa Hungary.
Nguyên Lam : Trong số các nước bị rủi ro kể trên thì số phận Trung Quốc ra sao thưa ông, khi xứ này có khối dự trữ ngoại tệ cao nhất vì tương đương với ba ngàn tỷ đô la ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Xin hiểu là khối ngoại tệ đó không thuộc loại "nhàn rỗi" trong ngoặc kép, nghĩa là nằm trong kho để sử dụng khi cần. Một phần đã được cam kết cho kế hoạch xây dựng Nhất Đới Nhất Lộ. Chừng một phần ba là mua Công khố phiếu Mỹ để kiếm lời trong an toàn nhưng khi bán ra thì tài sản này của họ bị mất giá. Ta cũng không nên quên hiệu ứng của trận thương chiến vừa bùng nổ với Hoa Kỳ với biện pháp mới sẽ được Chính quyền Mỹ thông báo nay mai sau khi tham khảo ý kiến của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, người ta đều biết gánh nợ rất lớn của Trung Quốc với thống kê không đáng tin về số nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất, nó cao gấp bội so với con số Bắc Kinh thông báo. Với sản lượng kinh tế cứ được khoa trương là hạng nhì thế giới, Trung Quốc thật ra chỉ là một nước đang phát triển với cả chục chứng bệnh như tôi vừa trình bày.
Tương lai
Nguyên Lam : Bây giờ nói thêm về hậu quả của một vụ khủng hoảng có thể thu gọn trong năm sáu nước hay lây lan qua một chục quốc gia, ông lượng định thế nào về tương lai trước mắt ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hai chục năm trước, vụ khủng hoảng tại Thái vào ngày hai tháng Bảy năm 1997 đã bất ngờ lan khắp Đông Á và dội về Liên bang Nga khiến xứ này vỡ nợ vì thiếu 150 tỷ đô la. Học kinh nghiệm đó, các nước cố gom một khối dự trữ ngoại tệ an toàn hơn và thu hút được giới đầu tư tài chính của bên ngoài qua việc vay nợ. Giới đầu tư quốc tế nhảy vào nhiều nước kiếm lời khi thấy họ rộng rãi vay mượn bằng nội tệ. Nhưng sau đó, các nước lại tích lũy nhiều rủi ro mới như thả nổi đồng bạc, ào ào vay mượn, gây biến động thị trường và dẫn tới nạn tẩu tán tư bản ra ngoài. Bây giờ, giới đầu tư tìm cách rút vốn nhảy ra làm các thị trường tài chính càng sa sút vì tuột giá.
Hậu quả là nạn suy trầm và lạm phát sẽ lan rộng trong các nước đang phát triển và người ta tìm cách bảo vệ tài sản bằng vàng hay đô la làm hai sản phẩm này lên giá. Đã vậy, khi đô la lại tăng giá vì kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh nhất kể từ mười mấy năm nay, tình hình còn khó xử hơn nữa.
Một hậu quả khác của suy trầm là các thương phẩm như dầu khí hay kim loại dễ bị ế ẩm vì số cầu sút giảm, nhưng khố nỗi vì đa số thương phẩm lại yết giá bằng đô la nên thành đắt hơn cho giới tiêu thụ làm nhiều người thêm vất vả trong các nước đang phát triển.
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn tuần này.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 05/09/2018